Tùy Hỷ Công Đức của Phổ Hiền Bồ-tát là pháp tu của các vị Pháp thân Đại sĩ đã phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Tùy hỷ là gì? Chẳng phan duyên là tùy hỷ, hễ phan duyên thì chẳng tùy hỷ. Nói rõ ràng hơn, chư vị Đại sĩ phải thực hiện chữ “độ” bằng pháp Tùy Hỷ Công Đức mới xứng với tánh của Chân như. Vì sao? Trong Phật pháp Đại thừa, hữu tâm là phan duyên, là khởi tâm động niệm, nên hữu tâm chính là vọng tâm. Một khi hành nhân dùng hữu tâm để thực hiện một việc gì, tâm ấy liền chẳng thanh tịnh. Vô tâm thực hiện, hết thảy mọi sự đều thuận theo lẽ tự nhiên, thì tâm mới thanh tịnh, xứng hợp với tánh của Chân như.
Chúng ta hãy quan sát tình hình thế giới hiện nay mà ngẫm nghĩ xem, vì sao hiện nay thế giới loạn đến mức như vậy? Vì sao chúng sanh khổ sở đến ngần ấy? Căn nguyên từ đâu ra? Nguyên nhân là do có những kẻ thông minh muốn thống trị người khác. Họ muốn quyết đoán chủ ý thay thế cho người khác. Họ muốn người khác làm theo ý muốn của họ. Họ muốn có quyền tự do không giới hạn cho riêng cá nhân và đảng phái của họ để có thể mặc sức tác oai, tác quái, nên tước đoạt quyền tự do của người khác Họ muốn người khác phải làm như thế này, không được làm như thế kia, nên thế giới này mới phát sanh ra nhiều sự bất bình đẳng, gây ra tranh cãi, chiến tranh xung đột để đòi lại sự công bằng trong một xã hội hay cho một đoàn thể sắc tộcv.v... Đây là tình trạng xảy ra trong thế gian này xuyên suốt lịch sử của loài người từ xưa đến nay, mà vẫn chưa có cách nào giải quyết được một cách ổn thỏa. Vì sao chẳng thể giải quyết được vấn nạn này? Trong kinh Kim Cang, Đức Phật đã nói rõ: Hễ khi nào còn nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, thì còn lục đạo phàm phu tạo nghiệp. Chỉ khi nào bốn tướng này bị diệt hết, thì cõi nước thanh tịnh thật sự mới hiện tiền.
Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ nhiều lượt, thấy cõi nước Cực Lạc có chỗ nào mang tính chất thống trị hay ép buộc không? Chẳng hề có! Hết thảy mọi thứ trong cõi ấy đều là tùy ý tự tại, thuận theo ý thích của mỗi người mà biến hiện ra. Thậm chí, đại chúng trong cõi ấy cùng tắm trong một ao nước, thế mà nước ấy nóng, lạnh, chảy nhanh, chảy chậm, dâng cao, hạ thấp, nhất nhất đều tùy theo ý thích của từng mỗi cá nhân mà biến hóa khác nhau, khiến mỗi người đều được tinh thần sản khoái, thân thể khỏe mạnh, mọi thứ đều vui theo đúng ý muốn của mỗi người. Chẳng những chỉ có ao bảy báu là như vậy, mà hết thảy hoàn cảnh nhân sự và vật chất nơi cõi Cực Lạc đều như vậy; đấy đã nêu rõ A Di Đà Phật thực hành pháp Tùy Hỷ Công Đức đến mức viên mãn rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn. Do hết thảy mọi vật, mọi thứ trong cõi ấy đều thực hành pháp Tùy Hỷ Công Đức, nên cõi ấy mới là Cực Lạc!
Chúng ta hãy xem xét kỹ kinh Hoa Nghiêm, trong năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử, có một vị thiện tri thức nào chủ động “ta phải làm những chuyện gì” hay không? Chẳng hề có chuyện này! Hết thảy đều là tùy hỷ công đức! Chư Phật, Bồ-tát thấy chúng sanh thích làm như thế nào, yêu chuộng thứ gì, nếu đó chẳng là chuyện xấu, các Ngài bèn tận tâm tận lực giúp đỡ. Đấy gọi là tùy hỷ công đức! Nói cách khác, tùy hỷ công đức chẳng những không ngăn ngại Tam Học Giới-Định-Huệ, mà trái lại còn tăng trưởng sự tu dưỡng Giới-Định-Huệ. Bởi thế, chư Phật, Bồ-tát là Lịch đại Tổ sư đều răn dạy: “Bất cứ lúc nào cũng phải tùy duy-ên, chớ nên phan duyên”. Phan duyên là rất miễn cưỡng, không tốt, chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện gì, vô sự thì thiên hạ mới thái bình, dân chúng mới có thể sống cuộc đời thật sự hạnh phúc. Phật pháp chân chánh là tu Tam Học Giới-Định-Huệ, chẳng chấp nhận đa sự, chỉ là tùy duyên đừng phan duyên. Tùy duyên đừng phan duyên chẳng những không phá hoại Giới-Định-Huệ, mà còn tăng trưởng Giới-Định-Huệ, nên chỉ có tùy duyên đừng phan duyên mới có thể đạt được pháp hỷ sung mãn và công đức thật sự.
Nếu hành nhân biết áp dụng Phật pháp một cách tùy hỷ trong cuộc sống hằng ngày, mọi sinh hoạt sẽ trở nên rất sống động, hoạt bát và tự tại, thì đó chính là pháp hỷ sung mãn. Nếu công phu tu hành và cuộc sống đời thường chẳng tương ứng, sẽ cảm thấy tu hành rất khổ, chẳng thấy lợi lạc gì cả ở hiện tại, còn những lợi lạc gì đó trong tương lai thì quá xa vời, không thể dự đoán biết trước được, nên càng tu càng sanh lòng lo sợ, hối hận, nghi ngờ, thì đấy chẳng phải là pháp hỷ sung mãn. Phật tử chúng ta vâng lời Phật dạy, đối tất cả pháp đều không chấp trước, ở trong bất cứ chỗ nào, hoàn cảnh nào cũng đều không chấp trước, nhất định sẽ có thể hòa quyện Phật pháp và cuộc sống thành một khối, ắt sẽ cảm thấy tu hành rất vui sướng. Vì thế, đối với những phương tiện tu hành trong pháp môn đều chớ nên chấp trước, hãy tùy hỷ hòa quyện chúng vào trong sinh hoạt hằng ngày, hãy xem hết thảy những chuyện sinh hoạt hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghĩ, ăn cơm, quét nhà, tắm rửa, thay đồ, làm việc, đi chơi, tiếp vật, đãi người v.v… và tu hành là cùng một chuyện, chẳng phải hai chuyện riêng biệt, nhất định sẽ đạt được lợi ích thật sự trong Phật pháp lẫn cuộc sống thường ngày. Đấy gọi là biết tu pháp Tùy Hỷ Công Đức theo tiêu chuẩn của Phổ Hiền Đại sĩ vậy!
Trong phương pháp niệm Phật cũng phải áp dụng pháp Tùy Hỷ Công Đức của Phổ Hiền mới có thể thành công. Tỷ dụ, tay cầm xâu chuỗi để lần là một trong những phương pháp dùng để nhắc nhở chính mình, sợ chính mình quên bẵng câu Phật hiệu. Mắt trông thấy xâu chuỗi, bèn nghĩ ta phải niệm Phật. Có người niệm Phật nhớ số hoặc chẳng muốn nhớ số, có người tay cầm tràng hạt hoặc không cầm tràng hạt, có người niệm ra tiếng hoặc niệm thì thầm, đều có sự và lý riêng của nó, mỗi người có phương pháp riêng, cốt sao công phu đắc lực là được rồi, chẳng nên câu nệ nơi hình thức, thì đấy gọi là Tùy Hỷ Công Đức. Về mặt sự, nhiếp giữ câu Phật hiệu chẳng bị gián đoạn là Sự trì. Về mặt lý, tuy miệng chẳng niệm Phật thành tiếng, nhưng tâm giống như Phật tâm, nguyện giống như Phật nguyện, tư tưởng và kiến giải tương ứng với Phật trí, thì đó là Lý trì. Sự trì còn được gọi là Trực quán hay Thể cứu, chẳng phải là niệm Phật trên hình tướng như đã nói. Sự trì là phương pháp dành cho những bậc thượng căn thượng trí tu, phần đông chúng ta chẳng có bản lãnh thực hành phương pháp Trực quán này, thì cứ tùy hỷ dùng tai nghe, dùng mắt thấy, dùng óc để nghĩ nhớ danh hiệu Phật, một khi được vãng sanh rồi, công đức đạt được sẽ chẳng khác các bậc thượng căn thượng trí. Thành quả này là do sự tùy hỷ bố thí công đức sâu rộng vô lượng vô biên của A Di Đà Phật.
Sự trì hay Lý trì đều là pháp tu nhân hạnh trong Tịnh Tông, kết quả đạt được sau cùng là Nhất tâm Bất loạn. Trong Nhất tâm Bất loạn có Sự Nhất tâm và Lý Nhất tâm. Sự Nhất tâm và Lý Nhất tâm đều có thứ tự cạn hay sâu khác nhau. Những người chẳng hiểu đạo lý này của pháp môn Tịnh độ, thường cho rằng niệm Phật chỉ thích ứng cho kẻ độn căn, tham thiền mới có thể ngộ đạo. Kẻ sơ cơ nghe như vậy, chẳng thể tự quyết vì chẳng biết Thể cứu Niệm Phật hay Trực quán Niệm Phật chính là Lý trì. Ý nghĩa của Lý trì hết sức tương tự với môn Chẳng Đề Khởi Thoại Đầu (chẳng dấy lên nghi tình) của Thiền tông. Tham thiền chẳng dấy lên nghi tình nào khác với quy hết ý niệm về một câu A Di Đà Phật để nghiền ngẫm mà thành tựu cả hai thứ định và huệ cùng một lúc. Niệm Phật là cách tham thiền cao minh nhất, nhưng Thiền Tông không thừa nhận. Vì sao họ chẳng thừa nhận? Vì họ chẳng hiểu rõ huyền cơ trong một câu Phật hiệu. Sau khi đã hiểu rõ rồi, mới thật sự liễu giải nguyên lai vì sao niệm một câu A Di Đà Phật chính là công phu thiền định rất sâu xa vi diệu. Do đó, muốn tu pháp Tùy Hỷ Công Đức của Phổ Hiền Bồ-tát, hành nhân đòi hỏi phải liễu giải nghĩa lý và chân tướng sự thật trong pháp môn mình tu. Nếu không có trí huệ hiểu rõ, ắt sẽ rơi vào chấp trước, khởi sanh quan niệm sai lầm, ngỡ niệm Phật là pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật độ kẻ độn căn, tham thiền nhằm độ hàng lợi căn, rồi tự cho mình là căn tánh rất nhạy bén, chẳng cam lòng làm kẻ độn căn tu pháp môn Niệm Phật, thì đấy chính là chẳng biết tùy hỷ công đức, cũng tức là chẳng biết căn cơ của chính mình là độn nhất! Nếu chính mình chẳng phải là độn căn, thì sao chẳng biết đạo lý này? Lại nữa, nếu tự cho mình là bậc thượng căn thượng trí, thì tại sao chẳng biết nguyên nhân do đâu mà bốn mươi mốt địa vị Pháp thân Đại sĩ trong Hội Hoa Nghiêm đều tuân theo lời giáo huấn của Phổ Hiền và Văn Thù, đồng phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc? Chẳng lẽ bốn mươi mốt địa vị Pháp thân Đại sĩ này đều thuộc loại độn căn hay sao? Nhị tổ của Thiền tông là Tôn giả A Nan trong Pháp Hội Vô Lượng Thọ đã đứng trước hai vị đại đạo sư Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật phát nguyện niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc, chẳng lẽ Ngài cũng thuộc loại độn căn?
Rất nhiều đồng tu niệm Phật nghe người tham thiền nói mấy câu, bèn hoài nghi, chẳng niệm Phật nữa, đổi sang tham thiền, họ gặp phải Thượng Sư Mật Tông nói vài câu, chẳng niệm Phật nữa, bỏ đi niệm chú. Đấy gọi là chẳng có trí huệ hiểu rõ pháp môn Niệm Phật, lại cũng chẳng có phước phần gặp gỡ một vị thiện tri thức thật sự, nên mới sanh tâm thoái chuyển hư ngụy. Trong kinh Di Đà, Phật gọi hạng người này là ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên, thì đây mới là độn căn thật sự! Bà lão ăn trầu, dốt chữ, thật thà niệm Phật cũng là độn căn, nhưng không phải độn căn thật sự, nhưng do vì nói pháp theo kiểu Tùy Hỷ Công Đức, nên chư cổ đức giả gọi họ là độn căn. Nhưng thật ra, họ mới chính là người có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên nhất trong Phật đạo. Vì sao? Vì họ là người biết quy kết hết thảy các pháp trở về một câu A Di Đà Phật để hiển lộ vị Phật trong Bản tánh. Quy kết hết tất cả về một câu A Di Đà Phật chính là Vô Thượng Thậm Thâm Vi Diệu Thiền!