Sám là tiếng Phạn, hối là tiếng Hán. Hai chữ này đều có cùng một nghĩa là hối cải. Mỗi khi chúng ta đến tự viện hoặc đạo tràng thường thấy rất nhiều đồng tu bái sám. Thậm chí, hằng ngày họ đều đến bàn thờ Phật, Bồ-tát đọc tụng bài kệ Sám Hối Nghiệp Chướng rằng: “Chúng con xưa đã tạo bao ác nghiệp. Ðều do vô thủy tham, sân si. Từ thân, miệng, ý phát sinh ra. Tất cả chúng con xin sám hối.” Bài kệ này đã nói rõ, ác nghiệp của hết thảy chúng sanh tích lũy từ vô thủy kiếp đến nay rất nặng, cần phải tu sám hối. Thế nhưng cớ sao nghiệp chướng chẳng những vẫn y như củ mà dường như còn tăng thêm hơn nữa? Thật ra, nếu chẳng hiểu rõ nghiệp chướng là gì và nguồn gốc của nó từ đâu mà có, thì chẳng thể nào sám trừ nó? Giống như nếu chúng ta muốn bắt thằng trộm vặt mà chẳng biết thằng trộm vặt ấy là đứa nào, hiện đang ở đâu, thì làm sao có thể bắt nó được? Nói tóm lại, nếu chẳng biết nghiệp chướng của chính mình là gì, cũng chẳng biết chính mình đã phạm những lỗi lầm gì, thì chẳng thể sám trừ được nghiệp chướng. Bản thân ta không biết nghiệp chướng của chính mình là gì thì sám trừ kiểu nào đây? Chẳng lẽ mỗi ngày đến bàn thờ Phật, Bồ-tát tụng bài kệ Sám hối Nghiệp Chướng, thì nghiệp chướng liền được tiêu trừ? Phật chẳng hề dạy chúng ta lý lẽ đó, Phật dạy muốn sám trừ nghiệp chướng, trước hết phải biết nghiệp chướng của mình là gì, nguyên nhân gây ra nó, thì việc tu sám hối mới thật sự có hiệu quả.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật chỉ cho chúng ta cách sám hối nghiệp chướng vô cùng hữu hiệu và dễ dàng, cách đó là như thế nào? Phật dạy: “Chỗ làm nếu phạm phải tự hối lỗi, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu, chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi, tự nhiên cảm nhận nguyện ước thành đạt”. Trước hết, Phật bảo chúng ta hãy phản tỉnh lỗi lầm của chính mình, phải nhận biết chính mình đã phạm lỗi lầm gì, kế tiếp là tẩy sạch cái tâm nhơ ấy, cải sửa lại cái hành vi sai lầm đã gây ra các lỗi lầm ấy, thì tự nhiên sẽ phá trừ được nghiệp chướng. Nhà Phật gọi đó là cảnh chuyển theo tâm!
Nghiệp chướng là gì? Nghiệp có nghĩa là hoạt động. Nếu hoạt động không phù hợp với Chân như Bổn tánh sẽ tạo ra đủ thứ chướng ngại. Chướng ngại cái gì? Thứ nhất là chướng ngại trí huệ và đức năng trong Tự tánh. Một khi trí huệ và đức năng bị ngăn ngại, đương nhiên phạm vi hoạt động sẽ bị giới hạn, chẳng được rộng lớn và tự tại theo ý muốn của mình. Phật quy nạp tất cả những chướng ngại của chúng sanh thành ba loại lớn, đó là thân, ngữ và ý. Tam nghiệp này là ba loại hoạt động lớn bị chướng ngại. Tỷ dụ, thân không thể tự tại ngao du khắp các cõi trong mười phương là chướng ngại nơi thân. Miệng không thể nói ra hết thảy các thứ tiếng của muôn loài chúng sanh là chướng ngại nơi ngữ. Trí tuệ không thông rõ vạn pháp là chướng ngại nơi ý. Nói chung, chỉ cần thân thể, ngôn ngữ và ý niệm khởi lên động tác, bèn gặp chướng ngại thì gọi là nghiệp chướng. Nghiệp lại được chia thành ba loại lớn là thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp. Thiện nghiệp là việc làm có lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Ác nghiệp là việc làm chỉ có lợi cho chính mình, nhưng bất lợi cho chúng sanh. Vô ký nghiệp là việc làm chẳng thiện cũng chẳng ác. Vì sao ba loại nghiệp này sanh ra chướng ngại? Thiện nghiệp và ác nghiệp sanh ra sanh ra phiền não chướng. Vô ký nghiệp sanh ra vô minh chướng, thứ gì cũng đều chẳng hiểu rõ chính là ngu si trong tam độc. Nói rõ ràng hơn, tam độc sanh ra từ nghiệp chướng, thiện nghiệp khởi tham ái, ác nghiệp là sân khuể, vô ký nghiệp là ngu si.
Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối đều luôn tạo tác tham, sân, si. Thậm chí ngay những lúc đang công phu niệm Phật mà trong tâm vẫn cứ luôn dấy lên ý niệm tham, sân, si, thì làm sao sám trừ được nghiệp chướng cho được? Niệm Phật mà dấy lên tham, sân, si là như thế nào? Ta thấy kẻ khác mỗi ngày niệm một vạn câu, ta phải niệm hai vạn câu để vượt trội hắn, đó là niệm tham, sân, si, chớ chẳng phải là niệm Phật. Ta thấy kẻ khác vào chùa thắp hương, ta phải dành thắp nén hương đầu tiên để có công đức hơn hắn, để Phật biết đến ta trước hắn, thì đó chính là tham lam, ngạo mạn, ganh tỵ và ích kỷ, chớ chẳng phải là niệm Phật. Nếu đã hiểu rõ nghiệp chướng là gì rồi, thì chớ nên tạo tác nữa. Thân, ngữ và ý đều chẳng tạo tác, bèn lập tức đắc tâm thanh tịnh. Tâm địa thật sự thanh tịnh lắng trong, bèn tự nhiên hiểu rõ ràng minh bạch hết thảy cảnh giới, thì đó chính là huệ. Trong hết thảy các cảnh giới, tâm ta đều như như bất động, chẳng phân biệt, không chấp trước, thì gọi là định. Có định có huệ trọn đủ thì nghiệp chướng bèn tự nhiên được sám trừ. Đây là cánh sám trừ nghiệp chướng trực tiếp nhất, ngay thẳng nhất và hữu hiệu nhất mà Đức Phật đã từ bi giảng dạy trong kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta quyết định phải thực hành cho bằng được phương pháp này thì nghiệp chướng mới có thể tiêu trừ.
Đức Phật dạy chúng ta phải phụng kinh trì giới cũng chính là nói đến phương pháp Sám Trừ Nghiệp Chướng. Phụng kinh là phản tỉnh lỗi lầm đã phạm, trì giới là cải sửa lỗi lầm ấy. Hơn nữa, phụng kinh không những chỉ là pháp tu sám trừ nghiệp chướng, mà còn là Tam Học Giới-Định-Huệ, là con đường dẫn đến giác ngộ Tự tánh. Vì thế, Phật mới nói: “Sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới giống như kẻ nghèo đặng của báu”. Pháp tu Sám Trừ Nghiệp Chướng và Tam Học Giới-Định-Huệ cùng một lúc này rất hữu hiệu. Của báu cuối cùng mà kẻ nghèo nàn, thân mang đầy nghiệp chướng đạt được chính là huệ, tức là giác ngộ Tự tánh. Hễ có huệ rồi thì đối với bất cứ nghiệp chướng nào cũng đều có thể sám trừ một cách hữu hiệu và nhanh chóng. Hễ có huệ thì tam đạo: hoặc, nghiệp và khổ bèn có thể chuyển thành tam đức: Pháp thân, Bát-nhã và giải thoát. Do vậy, chúng ta phải siêng gắng niệm kinh mỗi ngày chớ nên gián đoạn để khắc ghi trong lòng lời kinh Phật dạy mà có thể theo đó chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi của chính mình. Tu phương pháp Sám Trừ Nghiệp Chướng như vậy, thì bất cứ nghiệp chướng nào cũng sẽ dần dần tiêu trừ, và chính mình sẽ tự nhiên cảm nhận mọi nguyện ước đều được thành tựu. Chúng ta không cần tạo tác mà mọi ước nguyện từ xưa đến nay chưa thành đạt, nay tự nhiên thành đạt, thì đấy chính là biểu hiện đã tiêu trừ nghiệp chướng, không còn chướng ngại nữa. Vọng niệm chính là nghiệp chướng, niệm kinh chính là chánh niệm. Thời gian chánh niệm càng dài thì thời gian vọng niệm càng ngắn. Cho nên, hằng ngày do nhờ thường công phu phụng kinh trì giới, chánh niệm nhiều, vọng niệm ít đi, nên nghiệp chướng mau chóng được tiêu trừ. Lợi ích của việc phụng kinh trì giới để tiêu trừ nghiệp chướng là như vậy đó!
Muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì phải biết quán sát lỗi lầm của chính mình, phải biết tu học Phật pháp chân chánh để đạt tới mục tiêu thật sự. Tuyệt đối chẳng thể nói, hôm nay tôi đã cúng dường cho quý thầy làm lễ cúng sao, sám hối cầu an cho tôi, nghiệp chướng của tôi sẽ được tiêu trừ, chẳng có chuyện ấy! Thử hỏi nếu có chuyện này xảy ra thì luật nhân quả tự nhiên mà Phật đã giảng dạy đã sai trật mất rồi. Chúng ta phải thật sự làm kẻ bàng quan, đứng ngoài cuộc để tỉnh táo quan sát, nhận thấy lỗi lầm và nghiệp chướng của chính mình, và phải biết phương pháp Sám Trừ Nghiệp Chướng, thì mới có hiệu quả thành tựu thật sự ngay lúc hiện tiền. Nếu chẳng biết vận dụng trí huệ để thấu đáo chuyện này, chạy theo những tập tục mê tín dị đoan, thì không những chẳng thể tiêu trừ nghiệp chướng mà còn tăng thêm tham, sân, si, mạn mà thôi!