Hôm nay chúng ta tiếp tục nội dung bài chia sẻ Phật pháp lần thứ năm. Trước khi đề cập đến các pháp tu tiếp theo trong 37 phẩm trợ đạo (hay 37 Bồ-đề phần), chúng ta cần xem lại mối liên hệ thiết yếu giữa những pháp tu mà chúng ta đã tìm hiểu qua.
Trước hết, việc sinh khởi tín căn là yếu tố thiết yếu đầu tiên. Dựa trên tín căn mà những căn lành khác được sinh khởi, như tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Từ nhận xét này, chúng ta thấy ra rằng niềm tin là nền tảng quan trọng, thiết yếu nhất trong sự tu tập. Chúng ta không thể khởi sự tu tập khi chưa có niềm tin chân chánh. Đây là lý do giải thích vì sao có một số học giả uyên bác, am tường về kinh điển nhưng lại nhận được rất ít lợi lạc từ những hiểu biết đó. Bởi vì những tri thức họ có được từ sự học hỏi, nghiên cứu đã không được xây dựng trên nền tảng của niềm tin. Do không có niềm tin, họ không thể có sự khởi tu thực sự nên không có được lợi ích lớn lao từ sự tu tập, thực hành Phật pháp. Do vậy, con đường tu tập Phật pháp nhất thiết phải khởi đầu từ sự sinh khởi và nuôi dưỡng, phát triển niềm tin. Điều này cũng giải thích vì sao bước đầu tiên để trở thành một người Phật tử luôn phải là việc quy y Tam bảo và thọ trì năm giới. Chính việc quy y Tam bảo là để xác lập niềm tin vào đức Phật, Giáo pháp của đức Phật và Tăng đoàn dẫn dắt chúng ta trong việc thực hành lời Phật dạy. Và sự khởi đầu thực hành trước hết chính là thọ nhận và giữ theo năm giới do Phật chế định.
Tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là những phương tiện để bắt đầu sự tu tiến. Các pháp tu này vừa giúp củng cố và phát triển niềm tin, vừa giúp người tu tập hình thành một nền tảng căn bản chắc chắn hơn nữa. Sự phát triển của tấn căn là tu tập bốn pháp chánh cần (Tứ chánh cần). Sự phát triển của niệm căn là tu tập bốn pháp niệm xứ (Tứ niệm xứ). Các pháp tu này lại giúp phát triển song song cả định và tuệ. Và như vậy, người tu tập được chuẩn bị đầy đủ tất cả những gì cần thiết cho một tiến trình tu tập đúng hướng và lâu dài. Bước tiến này đưa chúng ta đến sự thực hành đúng đắn bốn pháp như ý túc.
Bốn pháp như ý túc có thể nói vừa là nhân, vừa là quả của sự tu tập. Chúng ta không thể thực hành bốn pháp tu này một cách chân chánh nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ từ những pháp tu trước đó, và một khi đã thực hành được các pháp tu này thì tự thân chúng ta đã được hưởng nhiều lợi ích từ sự tu tập, cho nên đây là kết quả của tiến trình tu tập từ trước đó. Mặt khác, “bốn phương pháp thần diệu” này cũng giúp chúng ta nhanh chóng giải quyết nhiều khó khăn trong đời sống một cách hiệu quả.
Dục như ý túc giúp chúng ta phát khởi động lực chân chánh để theo đuổi mục đích đã đề ra. Cần như ý túc giúp ta chuyên cần vượt qua khó khăn mà không nản chí, không thối thất. Niệm như ý túc giúp phát triển định lực, sự chú tâm và tư duy như ý túc giúp phát triển khả năng phán đoán, suy xét. Hai kỹ năng này giúp chúng ta phát huy hiệu quả nhất năng lực của trí tuệ, từ đó dẫn dắt ta luôn đi theo con đường chân chánh và hiền thiện.
Và khi thực hành tất cả những pháp tu vừa nói, chúng ta sẽ có được kết quả thực tiễn nhất là chuyển năm căn lành thành năm sức mạnh, bao gồm cả thân và tâm. Tín căn chuyển thành tín lực, tức là sức mạnh của niềm tin. Đây là một sức mạnh tinh thần cực kỳ mãnh liệt mà bất cứ ai khi đã trải qua đều có thể dễ dàng nhận biết được. Tấn căn chuyển thành tấn lực, nghĩa là sức mạnh của sự tinh tấn chuyên cần. Sức mạnh này giúp chúng ta đối mặt với khó khăn mà không nao núng, luôn giữ được sự kiên trì, bền chí. Niệm căn chuyển thành niệm lực, sức mạnh của sự chuyên niệm, ghi nhớ. Đây cũng chính là năng lực cần thiết để học hỏi bất kỳ lãnh vực kiến thức nào. Định căn chuyển thành định lực, nghĩa là sức mạnh của tâm an định, có thể giúp chúng ta vững vàng, an tĩnh trong mọi hoàn cảnh dao động hay bức bách. Tuệ căn chuyển thành tuệ lực, sức mạnh của trí tuệ, cũng chính là sức mạnh soi chiếu phá trừ vô minh si ám, giúp chúng ta luôn nhìn thấu được bản chất chân thật của mọi sự vật, sự việc. Chính sự thấu triệt này sẽ giúp chúng ta luôn có được nhận thức đúng đắn nhất, sáng suốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực được gọi chung là ngũ lực, tức là năm sức mạnh, năm năng lực có được từ sự tu tập. Ngũ lực cũng chính là nhóm pháp tiếp theo trong 37 phẩm trợ đạo. Do vậy, đây vừa là kết quả có được từ sự tu tập, lại cũng vừa là nhóm pháp tu tiếp theo để chúng ta tiếp tục củng cố và phát triển năng lực tu tập của mình. Thực hành nhóm pháp tu này chính là thường xuyên duy trì và phát triển niềm tin, sự chuyên cần, sự chuyên niệm, sự chú tâm và rèn luyện trí tuệ.
Sau khi ôn luyện tất cả những pháp tu đã học, trong bài tới chúng ta sẽ tiếp tục đi vào các nhóm pháp tu nâng cao hơn nữa.