Người ta bảo hoa ưu đàm ba ngàn năm nở một lần, mỗi khi hoa nở là có thánh nhân ra đời. Phật sử kể rằng, khi bà Ma Gia phu nhơn hạ sanh thái tử ở vườn Lumbini, hương ưu đàm bay khắp bốn phương. Đức Phật thị hiện ở đời ngũ trược ác thế để đem giáo pháp giải thoát đến cho loài người. Ngài thị hiện như một con người bình thường, cũng có cha mẹ gia đình, cũng sanh, già, bệnh, chết như tất cả mọi người, nhưng ngay trong ngày thị hiện đản sanh ngài đã tuyên bố:”...Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” và khi ngài đắc tam minh lục thông dưới cội bồ đề, ngài đã bảo:” Này kẻ làm nhà kia, ta đã biết ngươi, từ đây rui mè cột kèo đều gãy tan hết...” Điều này cho thấy ngài cũng sanh lão bệnh tử như chúng ta nhưng thật thì chẳng phải vậy! Ngài đã vượt qua thánh nhân, thánh nhân cũng còn sanh tử luân hồi, ngay đến đại phạm thiên vương thọ tám vạn đại kiếp nhưng khi hết phước cũng đọa như thường. Duy chỉ có ngài là không còn sanh tử luân hồi nữa.
Ngày đức Phật thị hiện ra đời là một sự kiện có một không hai của nhân loại. Ngài đến thế gian này để vạch ra một con đường sáng. Một con đường đi đến bớt khổ, giảm khổ và hết khổ, con đường đi đến giải thoát! Một con đường mà loài người mày mò tìm kiếm suốt từ thuở mông muội hồng hoang. Thế gian này có rất nhiêu tôn giáo, nhiều giáo phái, phương pháp tu hành nhưng đều chẳng thể giúp người giải thoát. Một số trong các tôn giáo ấy chỉ có thể giúp người sanh thiên hoặc tái sanh lại làm người chứ chưa thể gỉai thoát hoặc liễu sanh thoát tử.
May mắn thay, hạnh phúc thay! đức bổn sư Thích Ca mâu Ni đã đến và chỉ dạy giáo pháp giúp người liễu sanh thoát tử. Giáo pháp của ngài giúp người có thể giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Con đường trung đạo do ngài vạch ra, trong kinh Chuyển Pháp Luân đức Phật đã dạy:” Có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh là: một lợi dưỡng vốn hạ liệt, tục lụy, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau. Từ bỏ hai cực đoan này Như Lai thực hành trung đạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn”. Trung đạo ấy chính là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”.
Lần đầu thuyết pháp ở vườn nai, ngài nói với năm anh em ông Kiều Trần Như:” Đây là khổ tính bức bách, đây là tập tính chiêu cảm, đây là diệt tính có thể chứng, đây là đạo tính có thể tu. Đây là khổ ta đã biết, đây là tập ta đã đoạn, đây là diệt ta đã chứng, đây là đạo ta đã tu. Đây là khổ các ông nên biết, đây là tập các ông nên đoạn, đây là diệt các ông nên chứng, đây là đạo các ông nên tu... ” Đạo ở đây chính là trung đạo, là con đường đưa đến tịnh lạc, thù thắng, giác ngộ, niết bàn!
Tại sao đức Phật thị hiện ở nhân gian mà không thị hiện ở cõi khác? Đơn giản là cõi người ở giữa mức độ có phước và có tội, con người có thể nghe pháp và tu hành. Cõi trời thì hòan toàn hưởng phước báo nên không có tâm tu hành. Các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì hoàn toàn thọ tội, hoàn toàn vô minh nên cũng không thể tu. Trong kinh đức Phật còn nói rõ hơn nữa, Sa Bà cũng chỉ có tam châu cảm ứng mà thôi. Bắc Cu Lô Châu phước báo lớn, ăn mặc tự nhiên nên Phật pháp cũng không làm sao có thể thuyết được.
Đức Phật thị hiện đản sanh, loài người và chư thiên hoan hỷ vô cùng, ngài đã đem trí huệ đến để độ chúng sanh, thức tỉnh người mê, đem từ bi ban rải khắp muôn loài. Ngài đã làm một cuộc cách mạng dân chủ và bình đẳng một cách tuyệt vời. Khi ngài tuyên bố:
“ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có đức tướng Như Lai”“Ta là Phật đã thành, các ngươi là phật sẽ thành”Có lẽ đây là những lời tuyên bố dân chủ, bình đẳng đầu tiên của loài người! Trong các tôn giáo của loài người thì giáo chủ là bậc quyền năng tối cao, tín đồ là kẻ phải phục tùng tuyệt đối và vĩnh viễn. Ấy thế mà đức Phật lại bảo mọi người cũng có Phật tánh và ai cũng có thể thành Phật như ngài. Loài người từ sơ khai đến giờ chưa có tôn giáo nào, chưa có vị giáo chủ nào nói và làm như thế cả! Duy chỉ có mỗi đức bổn sư của chúng ta mà thôi! Xét khía cạnh thế tục, ngài là một nhà cách mạng triệt để nhất. Xã hội lòai người từ xưa đến giờ với nhiều hình thái nnhà nước cũng như nhiều thể chế chính trị khác nhau nhưng đều chung ở điểm: kẻ thống trị và người bị trị. Xã hội Ấn Độ có lẽ tiêu biểu nhất, chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ vô cùng khắc nghiệt và tàn bạo. Những tầng lớp dưới đời đời nô lệ và phục vụ cho tầng lớp trên, thậm chí họ có thể bị giết nếu lỡ vô tình để cái bóng của họ chạm phải cái bóng của người ở tầng lớp trên. Thế mà đức Phật lại tuyên bố:” Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Ngài đã ban rải tình thương, thâu nhận và hóa độ cho bao nhiêu người thuộc lớp đáy của xã hội. Ngài bảo;” tất cả đều có thể giác ngộ và giải thoát như nhau. Điều này làm cho tầng lớp Bà La Môn và Sát Đế Lợi rất tức giận và ngài đã dùng trí huệ, từ bi để hóa độ vô phân biệt, bình đẳng độ cho tất cả!
Xã hội chúng ta hiện đang ở thế kỷ hai mươi mốt, có thể nói là thời đại phát triển rực rỡ cao độ về mọi mặt nhưng sự phân chia tầng lớp thống trị và bị trị vẫn không thể xóa bỏ, những giáo chủ các tôn giáo vẫn đầy uy quyền tuyệt đối và những tính đồ vẫn ngoan ngoan ngoãn phục tùng vô điều kiện. Thế mới biết đức Phật vĩ đại như thế nào, thế mới thấy giáo pháp đầy trí tuệ, từ bi của ngài giúp bình đẳng gỉai thoát quý giá biết là bao.
Tháng tư trăng tròn, những người con Phật khắp thế gian lại hân hoan tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh của đức Phật, một vị cha lành của ba cõi bốn loài. Ngài đến thế gian này chỉ vì mỗi cái mục đích là:” Khai ngộ chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến” ngoài ra ngài chẳng mong cầu bất cứ điều gì ở chúng ta. Kỷ niệm ngày Phật đản sanh thì hãy nhớ lời dạy của Phật, nhớ giới luật mà Phật chế ra. Tháng tư trăng tròn, giờ đây chúng ta kỷ niệm và tưởng niệm ngày đản sanh của đức từ phụ, đồng thời cũng ghi nhớ sự kiện đức Phật giác ngộ thành đạo dưới cội bồ đề và sự kiện nhập niết bàn, đó là lý do mà những năm sau này chúng ta gọi là lễ tam hợp trong tháng tư trăng tròn.
Mùa Phật đản năm nay lại về, chúng ta những người con Phật lại chứng kiến một cuộc xâm lăng tàn bạo dã man do Putin khởi xướng. Y đã ra lệnh tấn công phá hủy và san bằng nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc ở Ukraine, tàn sát hàng chục ngàn người dân, hàng triệu người phải di tản… Thế giới vẫn bất an, đích thực như nhà lửa mà đức Phật đã nói. Thế gian này quả thật rất vô thường, nay chiến tranh mai thiên tai, nay bên đông mai lại bên tây. Những người con phật rất đau lòng khi nhìn thấy cảnh tượng điêu tàn tang thương trên đất nước Ukraine, điều này nhắc nhở chúng ta nhớ lấy lời Phật, cố gắng thực hành lời Phật. Mùa lễ Phật đản lại về, chúng ta thấy quý giá biết bao nhiêu giáo pháp trí tuệ, từ bi, bình đẳng của đức bổn sư.
Thanh NguyễnẤt Lăng thành, 04/22