Thương kính gởi Thầy,
Con vẫn đọc hoài những lá thư Thầy gởi cho tăng sinh, và cho tuổi trẻ Phật Giáo Việt Nam. Mỗi lần đọc thư Thầy, con lại lặng người, suy tư sâu lắng qua từng câu chữ về một giai đoạn trầm suy của Phật giáo Việt Nam, và những thách thức trăm năm mà tuổi trẻ đang phải đối mặt. Mỗi lần đọc thư Thầy, con đều cảm nhận được một nguồn cảm hứng mới mẻ, một sự đồng cảm sâu sắc với những vấn đề mà Thầy gửi gắm. Mỗi tờ thư không chỉ là một bức tranh về tình hình hiện tại, mà còn là một bản đồ, chỉ dẫn chúng con tới tương lai nhập thế của Phật Giáo Việt Nam.
Tự tận đáy lòng, con biết ơn Thầy khai sáng cho chúng con những góc nhìn sáng suốt, cho chúng con thấy được tuệ giác của Thầy qua những vấn đề xã hội mà tuổi trẻ chúng con quen dần, bỏ qua trong thế giới đang thay đổi không ngừng. Thầy đã chỉ cho chúng con con đường Phật Giáo Việt Nam đang hướng tới, dưới sự ảnh hưởng của văn minh Phương Tây – con đường đó nhiều chông gai, nhưng cũng đầy hy vọng. Chúng con có duyên lành được nuôi dưỡng trong tổ chức GĐPT và được sinh sống ở Hoa Kỳ, đất trời tự do, đạo vàng tỏa sáng. Giữ gìn văn hóa dân tộc Việt luôn là một trong những mục đích hội nhập của tổ chức chúng con. Thầy dặn dò về sự đi xuống của đạo đức tâm linh, đã cho chúng con sự cảnh tỉnh. Trong khi đón nhận những thay đổi mới của xã hội, việc gìn giữ bản chất văn hóa và đạo Phật là việc làm quan trọng, nên coi đó cũng là sự nghiệp của tuổi trẻ Phật Giáo Việt Nam. Những dòng thư của Thầy thật thanh thoát và sâu sắc, giúp chúng con thấy được sự dung hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Thầy ơi! Con lại xúc động khi cảm được lòng ưu ái của Thầy cho tuổi trẻ chúng con trong và ngoài nước. Thầy đau lòng khi thấy chúng con đang bị kẹt giữa dòng chảy nóng bỏng, xoáy mạnh của sự toàn cầu hóa, chi phối bởi chính trị và áp lực xã hội; chúng con lạc lối, đối diện nguy cơ mất đi gốc rễ văn hóa và tâm linh. Lời của Thầy là những lời kêu gọi hành động, vượt qua sự vô tâm trong giáo dục, và “toa thuốc ru ngủ” đã được kê theo truyền thống. Chúng con nên thấy mình là những nhà giáo dục và lãnh đạo tôn giáo.
Bao thế hệ huynh trưởng Vạn Hạnh của GĐPT chúng con được tiếp cận với hai tác phẩm Duy Ma Cật và Thắng Man của Thầy. Chúng con thấy ở cuộc đời hành hoạt của Thầy với đại nguyện của một đạo Phật nhập thế, hùng tráng vững chãi như bên chúng ta, luôn có Cha là ngài Duy Ma, Mẹ là ngài Thắng Man phu nhân, và anh em là Thiện Tài bồ tát. Dù biết những thử thách lớn nhỏ vẫn ở cùng dòng đời, nhưng Thầy vẫn tin và đặt hy vọng ở tiềm năng của tuổi trẻ chúng con, mong chúng con lớn lên, gắn kết nhau với nền tảng đạo đức tâm linh, bước vững vàng với trí tuệ và lòng nhân ái. Điều này chứng tỏ niềm tin bất thối chuyển của Thầy vào chúng con và sức mạnh tiếp tục con đường phục hồi và xiển dương Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.
“Tuổi trẻ học Phật không có mục đích trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà học Phật là tự thực tập khả năng tư duy bén nhạy, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào vào bản chất sự sống.” Thầy trải lòng như vậy. Thư của Thầy như một kim chỉ nam dẫn đường, thúc đẩy chúng con suy gẫm, tự điều chỉnh, và dám phát nguyện hướng dẫn đàn em và bảo tồn đạo đức tâm linh quý báu của chúng ta.
Qua thư của Thầy, con hiểu được tinh thần nhập thế của tổ chức GĐPT. Đạo Phật ra đời vì con người, và cùng con người tìm phương cách giải quyết khổ đau và đi đến một thế giới an lạc trên trái đất này. Từ đó, chúng con thấy tổ chức GĐPT được hình thành thật “vi diệu” với mục đích thật khế cơ khế lý (hợp đạo lợi đời) theo nhân sinh quan Phật Giáo. Đây là điều vi diệu – vì việc sáng lập tổ chức GĐPT nói lên sự sáng tạo của các bậc tiền bối với ý tưởng giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ. Đây là ý tưởng mới nhất thời bây giờ, và chỉ có ở Việt Nam mới hình thành được. Tuy nhiên, con người thay đổi, xã hội thay đổi, đối tượng giáo dục thay đổi, khi tổ chức chỉ còn tính “khế cơ” (hành chánh, nội quy, quy chế, cấp bậc…) mà mất dần tính “khế lý”, thì thật sự GĐPT sẽ chỉ còn là nhãn hiệu, mà không có thực tướng. Vì con người, nên Đạo Phật tự thân luôn chuyển mình trong sứ mệnh “cứu khổ” – đẩy lùi các quan điểm siêu hình, các triết lý khô cằn trừu tượng, để thở cùng nhịp thở sống động của nhân gian con người. Vì đàn em, nên GĐPT cũng tự thân phải chuyển mình để hội nhập vào các quốc độ khác nhau. Không đáp ứng được nhu cầu, và sự hiểu biết của thế hệ trẻ thời đại, GĐPT sẽ “già cỗi”, “rút lui” nhường vị trí của mình cho các tổ chức giáo dục khác, đó là điều tất yếu.
Qua thư của Thầy, con hiểu được hạnh nguyện bồ tát không chỉ ngày một ngày hai là xây dựng được, mà đó là con đường đau thương có máu và nước mắt, có tù đày, gông cùm xiềng xích. GĐPT có mặt ở các quốc độ có nền tự do dân chủ, càng nên nuôi dưỡng chất liệu “sống đạo trong đời.” Đạo Phật cho chúng ta niềm tin rằng; bằng Tình Thương lớn, chúng con đến với GĐPT và tự vác lên vai trách nhiệm giáo dục tuổi trẻ Phật giáo; bằng Trí Tuệ lớn, chúng con xây con thuyền GĐPT to lớn hơn, chở nhiều hơn, đi xa hơn, an toàn hơn; và bằng Tinh Thần Dũng lớn, chúng con có đủ can đảm để thay đổi, làm mới con thuyền đó, để đủ điều kiện “tự lợi và lợi tha” để giữ gìn tổ chức GĐPT.
Tổ chức GĐPT Việt Nam và chính chúng con đang thay đổi, đổi mới hàng ngày, để sống hòa nhập vào xã hội Hoa-Kỳ. Sự thay đổi đó đang đòi hỏi sự thay đổi về nhiều mặt của tổ chức GĐPT từ đó tổ chức GĐPT mới có thể hoàn thành sứ mệnh giáo dục của mình trên đất người. Chúng con chọn con đường LAM trên đất người, tức là chúng ta chọn thế hệ đàn em sinh ra và lớn lên tại đất người là những nhân tố để kế thừa truyền thống Phật Giáo Việt Nam và phát triển tổ chức GĐPT trong một quốc độ khác. Quốc độ mà đòi hỏi ở chúng con phải luôn đi tìm cái mới, những cái mới trong kiến thức tổ chức, kiến thức chuyên môn, cái mới trong tâm hồn mình, cái mới trong sự an lạc tỉnh thức… từ đó chúng con mới thực sự Hiểu và Thương đàn em của mình, và cũng từ đó chúng ta mới hy vọng đóng góp vào việc tạo dựng và phát triển cái mới cho tổ chức GĐPT tại Hoa-Kỳ.
Năm tháng có thể trôi qua, lời thư Thầy vẫn còn đó. Thời đại có thể thay đổi như sự thăng trầm của Đạo Pháp và dân tộc, nhưng rõ ràng trọng trách gieo trồng và chăm sóc hạt Bồ Đề lại luôn ở trên đôi vai của bao đời tiếp nối theo dòng lịch sử của Phật Giáo Việt Nam. Thông điệp của Thầy nhắc nhở chúng con Thời Đại Mới và Xã Hội Mới tự nhiên tạo ra một thế hệ đàn em đối diện với những yêu cầu phẩm chất mới, những thách thức mới mà các nhà lãnh đạo tôn giáo dù đang ở bất cứ quốc gia nào cũng đang đứng trước những thay đổi cần thiết để giữ đại nguyện phụng sự của mình. Hiểu được đạo lý Duyên Khởi, với cái nhìn sáng về con người – lý tưởng sống nhập thế cho chúng con sống một đời sống có ý nghĩa – vượt qua sóng gió đời, để tiếp tục hạnh nguyện Bồ Tát.
Đêm nay, thêm một lần con đọc thư của Thầy. Con ngồi hít thở với Thầy, mà trong lòng thương Thầy quá. Mỗi một hơi thở ra vô của con càng nhẹ nhàng với năng lượng sống con càng thương Thầy đang thở trong cái đau duyên bịnh của thể xác. Và con sợ… sợ cái chết, sợ Thầy sẽ đi xa mãi mãi.
Dù biết trong dòng chảy thăng trầm của thời gian, bản chất phù du của cuộc sống trở nên rõ ràng; dù biết sẽ có một ngày, đâu đó chỉ còn lại một ký ức mơ hồ, một dấu vết trong biên niên sử của thời gian; tuy nhiên, con tin, giữa sự phù du này, nhưng di sản của Thầy tồn tại vững chắc và bất tử.
Con đang suy nghĩ về sức mạnh của một bức thư – được viết với những giấc mơ, hy vọng, và tình thương chân thật. Con nghe tiếng lòng của Thầy qua những dòng thư được viết với tình thương lớn như vậy. Một bức thư như vậy không chỉ chứa đựng ngôn từ lời nói; nó giữ trong đó nhịp đập trái tim của Thầy. Dù ngày mai, Thầy đi xa, khi thập kỷ chuyển thành thế kỷ, thế giới xung quanh có thể thay đổi, khi đọc những bức thư này, như một cửa sổ đang mở ra, cho phép thế hệ chúng con nhìn vào một trái tim, một giấc mơ Trường Sơn, một ngọn hải đăng từng sáng và sẽ sáng mãi trong đời.
TUỆ (慧) đăng tỏa ba đào, khai tâm Trí thông Thiếu Thất
SĨ (士) thệ độ ngũ trược, khởi niệm Từ vượt Lục môn
Kính thương Thầy
Con
Nguyên Túc Nguyễn Sung