(Giảng ngày 16 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 175, số hồ sơ: 19-012-0175)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 105: “Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương. Nữ bất nhu thuận.” (Ruột thịt nóng giận tranh chấp nhau. Nam giới không trung lương. Nữ giới không nhu thuận.) Hôm qua chúng ta cũng đã xem qua một câu [trong ba câu này] rồi.
Chúng ta xem đến 12 chữ [trong ba câu] này, lại nghĩ đến hoàn cảnh sống hiện nay của chúng ta, vì sao có quá nhiều tai nạn đến thế. Nguyên nhân căn bản đã được nói ra quá rõ ràng trong 12 chữ này rồi. Nếu chúng ta không thể chuyển biến sửa đổi tâm ý và hành vi của mình, những khổ nạn của chúng ta chắc chắn sẽ càng tăng thêm, quyết định không có ngày thay đổi.
Cũng có quý đồng học hỏi rằng: “Tôi có thể sửa đổi, nhưng nếu người khác không sửa đổi thì liệu có ích gì?” Cách suy nghĩ như thế là hoàn toàn không giác ngộ, cũng không phải người thông minh. Quý vị suy ngẫm xem, mọi người đều tranh nhau đi vào hai đường địa ngục, ngạ quỷ. Mọi người đi vào đó, mình cũng chỉ biết đi theo vào, vậy chẳng phải là người ngu hay sao? Mọi người đều hướng vào trong địa ngục, riêng ta có thể giác ngộ, quay đầu hướng theo đạo Bồ Tát, như vậy thật may mắn biết bao! Cho nên chúng ta ngày nay, bất kể là người khác có thể sửa lỗi hay không, chúng ta phải từ nơi bản thân mình bắt đầu sửa lỗi. Bản thân chúng ta có thể sửa lỗi, triệt để sửa lỗi, trong Phật pháp gọi đó là tự độ, độ tha.
Không nên cho rằng mình với người khác chẳng có quan hệ gì. Có quan hệ rất lớn! Chúng ta mỗi ngày đều đọc bài kệ hồi hướng: “Nếu có người thấy nghe, ắt phát tâm Bồ-đề.” Ví như có, có người thấy, có người nghe [được giáo pháp], trong số những người thấy nghe đó, nói chung có được một, hai người sau khi thấy nghe rồi liền phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề liền sửa lỗi, tự làm thanh tịnh bản thân mình. Như vậy đối với xã hội liền phát sinh ảnh hưởng [tích cực].
Đặc biệt chúng ta mắt phàm không nhìn thấy được quỷ thần trong trời đất. Quỷ thần nhìn thấy cũng ngợi khen, ác thần nhìn thấy cũng ngợi khen, quý vị khó mà biết được. Cho nên ngày nay điều khẩn thiết nhất là phải phân biệt sáng tỏ những điều đúng sai, phải trái, chấm dứt sự tranh luận. Điều này chính là tùy bệnh cho thuốc đối với xã hội hiện nay của chúng ta.
Hôm nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên đưa cho tôi xem một quyển sách nhỏ, tựa đề là Sư Tử Hống, trong đó có nhiều chương, tất cả đều phê bình gay gắt bản Hội tập [kinh Vô Lượng Thọ] của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Quyển sách này, tôi nghe nói đã gửi đến cho nhiều tạp chí để yêu cầu đăng tải. Cũng có tạp chí ở đây đăng tải rồi, còn chê trách việc tôi tuyên dương khen ngợi bản Hội tập này. Tôi tuyên dương bản Hội tập này cũng có điểm tốt. Tôi tôn kính thầy, trọng đạo pháp. Thầy tôi dạy tôi học bản Hội tập này, dạy tôi tuyên dương bản Hội tập này. Tôi đối với thầy có lòng tin, ví như tôi có làm sai, đọa vào địa ngục, điều này cũng có thể trở thành tấm gương cho mọi người nhìn vào, nhưng trọn đời này tôi quyết không trái nghịch với thầy. Phẩm hạnh và hành trạng của thầy tôi, tôi nhìn thấy vô cùng kính phục, tôi bội phục đến mức quỳ lạy sát đất. Phẩm hạnh và hành vi của thầy trong suốt một đời, bất luận là về văn chương, đạo đức, về sự tu trì, về sự hoằng pháp, hộ pháp, rất nhiều người xuất gia cũng không sánh kịp. Cho nên, ngày nay cho dù mọi người đều chỉ trích tôi, tôi cũng không thể thay đổi. Nếu như tôi thay đổi, đó là tôi phản thầy nghịch đạo, như vậy là sai lầm. Quý vị có thể phê bình, quý vị có thể hủy nhục tôi, phỉ báng tôi, tôi cũng không thể thay đổi. Bởi vì quý vị không phải học trò của thầy, còn tôi là học trò của thầy. Con không nói lỗi cha, học trò không thể nói lỗi của thầy mình. Tôi có thể nêu gương được chuyện này, tôi cho rằng như vậy cũng đã đủ rồi. Ví như có đọa vào địa ngục, tôi cũng hoan hỷ, hy vọng là mọi người ở khắp nơi đều biết hiếu với cha mẹ, đều biết tôn kính thầy, chấm dứt sự tranh chấp.
Cho nên, dù người khác đối với tôi thế nào, tôi cũng không nói lại một câu. Người khác đánh tôi, tôi cũng không đánh lại; mắng tôi, tôi cũng không nói lại. Tôi không có học vấn, không có trí tuệ, không có đức hạnh. Những điều này đều do thầy dạy cho tôi, tôi một đời này vâng làm theo, quyết không trái nghịch.
Nhẫn nhục nhún nhường là quan trọng thiết yếu. Trong một việc này, lý với sự về nhân quả sâu rộng vô cùng, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng chăng? Trong kinh Phật dạy ta rằng, Phật không thuyết một pháp nào cố định. Những pháp Phật thuyết đều theo một một nguyên tắc là để trị bệnh chúng sinh. Tùy theo chúng sinh có bệnh gì, cần phải dùng phương pháp gì để đối trị. Bệnh của chúng sinh trong mỗi thời đại đều không giống nhau. Các bậc tổ sư đại đức truyền nối đời này sang đời khác, các ngài đều có trí tuệ, các ngài rõ biết trạng huống trong hiện tại, làm sao để y cứ theo nguyên tắc Phật đã thuyết dạy, linh hoạt vận dụng phương pháp khéo léo, đó gọi là phương tiện thiện xảo. Nếu không phải như vậy, sao gọi là phương tiện thiện xảo?
Vào đời Tống, cư sĩ Vương Long Thư thực hiện một bản Hội tập [kinh Vô Lượng Thọ], đó là phương tiện thiện xảo. Vào thời đó, sách được lưu hành rất ít, đời Tống vẫn còn phải sao chép bằng tay, chưa có việc in ấn. Một người vào thời ấy, suốt đời hầu như không có khả năng đọc được hết 5 bản [Hán] dịch [kinh Vô Lượng Thọ]. Xem như thân phận của Vương Long Thư, là người có địa vị, giàu có, cũng không cách gì sưu tập đủ, trong 5 bản dịch ông chỉ đọc được 4 bản. Như vậy cũng đã có thể hình dung được là hết sức khó khăn. Ông đã thực hiện bản Hội tập này với tâm ý như thế nào, chúng ta cần phải hiểu được. Cư sĩ Long Thư đứng mà vãng sinh. Nếu ông ấy có tội, làm sao có thể được vãng sinh? Sao ông ấy có thể biết trước ngày giờ? Ông ấy sao có thể được tự tại với sống chết như vậy?
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói với tôi, việc tranh luận về các bản Hội tập có được bao năm, là nói từ thời điểm Lão cư sĩ Hạ Liên Cư vãng sinh. Những tranh luận này đại khái kéo dài đến năm 2004 là cùng. Ông còn nói, sau năm Giáp Thân (2004) này, bao nhiêu yêu ma quỷ quái ở thế gian này đều tiêu mất, chánh pháp dần dần được phục hưng.
Thời đại này “pháp nhược ma cường” (Chánh pháp yếu ớt, tà ma mạnh mẽ) đệ tử Phật thật hết sức đáng thương, phải nhận chịu hết thảy mọi sự hủy nhục, gánh chịu hết thảy tai nạn, chỉ phải nhờ vào một sự kiên nhẫn không lay động lòng tin, chúng ta đem ngọn đèn Chánh pháp truyền lại cho đời sau.
Bản Hội tập kinh Vô Lượng Thọ này [của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư], nói thật ra chúng ta cũng hết sức hoan hỷ. Ngày nay số lượng lưu hành trên toàn thế giới, chúng ta chỉ tính toán sơ lược thôi cũng vào khoảng xấp xỉ 10 triệu bản. Đó là số lượng lưu hành trong 10 năm. Mười triệu bản kinh này lưu hành trên toàn thế giới, tôi nghĩ cho dù ma có thần thông pháp lực lớn đến đâu, nếu muốn hủy diệt hết đi cũng không phải chuyện dễ dàng. Huống chi còn có Tam bảo hộ trì, các vị trời, rồng ủng hộ. Chúng ta có niềm tin như vậy.
Cho nên ngày nay chúng ta ở đời, giảng kinh thuyết pháp, lấy tiêu chí tổng quát là “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm.” (Học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời.) Ý nghĩa của hai câu này cũng là chỗ tâm ý và hành vi của chúng ta hướng đến để nêu gương tốt cho mọi người trong xã hội. Mọi người trong xã hội ngày nay cạnh tranh nhau, cạnh tranh không từ thủ đoạn, chúng ta phải nêu gương như thế nào? Phải nhẫn nhịn nhún nhường, không nghĩ điều xấu ác đã qua, không oán ghét người làm việc ác. Chúng ta phải vận dụng vào thực tế như vậy. Những người hủy báng ta, những người làm nhục ta, những người hãm hại ta, chúng ta đối với họ vẫn tôn kính, quyết định không một mảy may oán hận. Nếu có mảy may oán hận thì chúng ta không phải học trò của đức Thế Tôn. Trong hoàn cảnh thuận lợi không khởi tâm tham ái, trong hoàn cảnh trái nghịch không khởi tâm sân hận, thường duy trì tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của tự thân mình, đem tâm từ bi, chân thành đối đãi với người, tiếp xúc với vật. Đó là lời Phật dạy, chúng ta phải nỗ lực làm theo.
Thế nào là trung lương? Thế nào là nhu thuận? Chúng ta xem qua chữ trung (忠), chữ này cũng thuộc loại chữ hội ý, tâm (心) này phải trung (中), ở giữa, không được thiên lệch, thiên lệch là tà vạy. Cho nên chữ trung với chữ thành là cùng một ý nghĩa này. Phải giữ tâm ngay giữa, theo đường ngay nẻo chính. Nhà Phật nói về đệ nhất nghĩa trung đạo, nhà Nho nói về trung dung, không thể có mảy may thiên lệch tà vạy.
Thế nào là thiên lệch tà vạy? Trong hoàn cảnh thuận lợi thì quý vị hoan hỷ, đó là tâm quý vị thiên lệch tà vạy. Trong hoàn cảnh trái nghịch thì quý vị khởi sinh phiền não, sân hận, đó là tâm quý vị thiên lệch tà vạy. Quý vị ở trong những hoàn cảnh ấy có nhận hiểu được thế nào gọi là trung, là khoảng giữa? Chữ trung đó theo kinh A-di-đà gọi là “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm là trung, tâm chia đôi không phải là trung, tâm phân chia là thiên lệch tà vạy. Ai có thể làm được đến mức trung này? Trong kinh Hoa Nghiêm, đó là một tiêu chuẩn, bậc Pháp thân Đại sĩ. Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm của quý vị mới có thể trung. Quý vị còn phân biệt chấp trước thì không thể có trung.
“Lương” là lương thiện. Trung vận dụng vào thực tiễn hình tướng là lương thiện. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu rõ.
“Nhu thuận”, chữ nhu là nhu hòa. Quý vị xem hiện tại trong thế gian này, nói đến “nữ cường nhân” (người nữ mạnh mẽ) thật khó nghe. Cường là cương cường, cứng rắn mạnh mẽ, là người hống hách.
“Thuận” là gì? Là thuận theo đức của tự tánh. Tiêu chuẩn như vậy thì cao quá, phàm phu chúng ta không làm nổi. Chúng ta đem tiêu chuẩn này hạ thấp xuống, là thuận theo những lời răn dạy của các bậc hiền thánh thế gian, xuất thế gian. Như vậy thì chúng ta có thể làm được. Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian dưỡng tâm, hành sự đều thuận theo tự tánh, đều là sự lưu xuất hiển lộ đức của tự tánh.
Đặc biệt đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì chúng ta thị hiện một sự hiển lộ trọn vẹn đầy đủ đức của tự tánh. Cho nên, các bậc thánh hiền thế gian, xuất thế gian đều đã nêu gương cho chúng ta. Đức Khổng tử vì chúng ta biểu hiện năm đức tánh, chúng ta phải ghi nhớ, phải học tập. Đó là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng” (ôn nhu, thiện lương, cung kính, tiết kiệm, nhẫn nhượng). Ôn chính là nhu, ôn nhu, thiện lương, cung kính, tiết kiệm, nhẫn nhượng. Đó là năm đức tánh của đức Khổng tử, chúng ta phải học tập. Hai chữ “nhu thuận” đều nằm trong năm đức tánh này. Cho nên ý nghĩa của từ ngữ chúng ta phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.
Đôi bên nam nữ kết thành vợ chồng, không phải chỉ là chuyện của riêng hai người. Đó là sự nghiệp của Bồ Tát, là giáo hóa chúng sinh, là làm khuôn mẫu cho hết thảy các gia đình, cho hết thảy các cặp vợ chồng trong thế gian, là sự việc như vậy. Quý vị hiểu được sự việc này, hết thảy chúng sinh được cứu độ, hết thảy chúng sinh đều lìa khổ được vui. Lợi ích công đức như thế là do vợ chồng Bồ Tát tu hành mà được, các vị ấy là hành đạo Bồ Tát, các vị thị hiện hóa độ chúng sinh, là nêu gương tốt cho cho người thế gian. Đó gọi là người tại gia học Phật. Nếu như không hiểu được ý nghĩa đó, việc học Phật của chúng ta chẳng phải uổng công rồi sao.
Thậm chí tôi còn nghe có một số vị đồng tu học Phật, không học Phật thì không có việc gì, sau khi học Phật rồi thì trong nhà không hòa thuận, ngày ngày cãi cọ ầm ĩ, những người ấy lại còn tự cho mình là tu tập không đến nỗi tệ, tu tập rất tốt, nhưng người trong nhà ấy đều không học Phật, đều phải đọa lạc, tương lai phải đọa vào ba đường ác. Tu tập như vậy là đối với Phật pháp hoàn toàn hiểu sai. Trong kệ khai kinh nói: “Nguyện hiểu ý nghĩa chân thật của Như Lai”, quý vị biết là điều đó thật khó biết bao! Ý nghĩa Phật dạy đã bị hiểu sai đi.
Suy ngẫm trong kinh điển giáo pháp Phật thường dạy: “Bồ Tát ở nơi nào đều khiến cho hết thảy chúng sinh sinh tâm hoan hỷ.” Một vị Bồ Tát học Phật mà ở nhà thì khiến cho người trong nhà ấy đều khởi sinh phiền não, vậy thì vị ấy học gì ở Phật? Thực sự học Phật thì trong nhà có một người học Phật, hết thảy mọi người trong nhà đều hòa hợp vui vẻ, như vậy mới là đúng pháp. Vì sao mọi người trong nhà đều hòa hợp vui vẻ? Vì [áp dụng] sáu pháp hòa kính. Ngày nay chúng ta nhìn xem, gia đình học Phật, tự viện học Phật, đạo trường cư sĩ học Phật, như ở Liên xã, Cư Sĩ Lâm chẳng hạn, chúng ta quan sát thật kỹ, có phải đạo trường nào cũng luôn giữ được hòa khí? Đại chúng trong đạo trường đoàn kết giữ hòa khí, có hòa khí thì nhất định hưng vượng. Trong chuyện làm ăn mưu sinh cũng nói “hòa khí sinh tài”, “một nhà hòa hợp, muôn sự hưng thịnh”.
Một người chân chính tu học thì tự mình làm khuôn mẫu tốt, tự mình làm điển hình, tự mình nêu gương cho người khác, nhất định có khả năng cảm hóa cả gia đình. Nếu quý vị không tin, quý vị cứ đọc qua một lần trong sách xưa, vua Thuấn vì sao có thể cảm hóa được cả gia đình? Những người trong nhà ấy thật khó cảm hóa nhất, thật không dễ dàng cảm hóa, vậy mà ngài vẫn cảm hóa được. Nguyên nhân là gì? Là nhờ có chân thành, từ bi, trí tuệ. Quý vị chỉ cần có đủ ba điều kiện đó thì không một người nào không cảm hóa được. Nếu không cảm hóa được, đó là trong ba điều kiện này chúng ta có sự khiếm khuyết, chúng ta làm chưa đủ, làm chưa tốt. Nếu như đã làm được ba điều này trọn vẹn đầy đủ thì có người nào mà không cảm hóa được?
Cho nên, chúng ta phải thực sự nỗ lực y theo lời dạy vâng làm, phải làm được. Nam giới phải trung lương, nữ giới phải nhu thuận. Trong việc xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với vật, nhất định phải học đức nhẫn nhục nhún nhường, quyết định không tranh giành.