(Giảng ngày 20 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 195, số hồ sơ: 19-012-0195)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, xem đoạn cuối cùng: “Cố cát nhân, ngữ thiện, thị thiện, hành thiện, nhất nhật hữu tam thiện, tam niên thiên tất giáng chi phúc.” (Cho nên, người hiền lành, nói lời hiền thiện, nhìn việc hiền thiện, làm việc hiền thiện, mỗi ngày có đủ ba yếu tố hiền thiện này, trong ba năm ắt được trời ban phúc lành.)
Hôm qua chúng ta đã giảng qua câu này rồi. Hôm nay tiếp tục giảng đến câu tiếp theo sau: “Hung nhân, ngữ ác, thị ác, hành ác, nhất nhật hữu tam ác, tam niên thiên tất giáng chi họa.” (Người hung dữ, nói lời hung ác, nhìn việc hung ác, làm việc hung ác, mỗi ngày có đủ ba yếu tố hung ác này, trong ba năm ắt bị trời giáng tai họa.) Đến chỗ này là hết một câu. Câu cuối cùng là nội dung khuyến khích: “Hồ bất miễn nhi hành chi.” (Vậy sao không cố gắng mà làm [việc thiện]?)
Tổng kết lại, lành hay dữ, họa hay phúc đều là do chúng ta tự mình tạo ra, quyết định không có quỷ thần làm chủ tể, cũng quyết định không phải thượng đế, thiên đế làm chủ tể, lại càng không có quan hệ gì với chư Phật, Bồ Tát, chỉ hoàn toàn do chính bản thân mình tạo tác.
“Ba năm” là một ngàn ngày. Nghiệp tạo ra trong một ngàn ngày tích lũy lại thì hình thành quả báo rõ ràng trước mắt. Quả báo một ngàn ngày đã rõ ràng đến thế, quả báo một ngàn năm sao có thể chịu nổi? Cho nên chúng ta thấy có rất nhiều tôn giáo nước ngoài đều nói đến ngày tận thế. Ngày tận thế do đâu mà hình thành? Tổng kết một ngàn năm, thật rất đáng sợ. Đặc biệt là đến cuối thế kỷ, hiện tượng này thật hết sức không tốt.
Đối với hết thảy chúng sinh, không chỉ là riêng bản thân chúng ta, [mà là hết thảy] chúng sinh trong sáu đường luân hồi, tích lũy tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, đích thực là ác nhiều thiện ít. Nếu thực sự thiện nhiều ác ít, chúng ta đã không sinh vào cõi người. Mức độ thấp nhất thì quý vị cũng được sinh lên cõi trời, hoặc sinh vào bốn thánh pháp giới. Đó là lẽ tất nhiên. Nói chung đã sinh vào cõi người trở xuống thì quyết định là ác nhiều thiện ít. Chính vì sự thật này mà các bậc thánh hiền xưa, chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi ứng hóa ở thế gian dạy bảo chúng ta, các vị đại thánh đại hiền đó đều xuất hiện trong thế gian này với vai trò thầy dạy, đều theo đuổi công việc giáo dục.
Thế nhưng chúng ta đều biết, thầy dù dạy tốt đến đâu cũng không thể trái nghịch lại chính sách giáo dục tại quốc gia đó. Cho nên, công đức hộ pháp của quốc gia là rất lớn. Chúng ta tôn xưng các bậc quân vương thời cổ đại là cổ thánh tiên vương, tôn xưng các bậc đế vương đều là thánh nhân. Thánh nhân là ý nghĩa gì? Là đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ, hết thảy sự tướng và lý lẽ nhân quả, các vị đều hiểu rõ, các vị đều sáng tỏ. Người như vậy được tôn xưng là bậc thánh. Cho nên, các ngài chế định chính sách giáo dục có thể so với chư Phật, Bồ Tát hoàn toàn phối hợp, chúng ta gọi là “hoằng hộ” (giúp truyền rộng thêm).
Chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền hoằng pháp, các vị đế vương hộ pháp. Hộ pháp so với hoằng pháp còn quan trọng thiết yếu hơn. Nếu như không có người hộ pháp, chư Phật, Bồ Tát dù có trí tuệ, dù có năng lực cũng không thể phát huy, sức ảnh hưởng cũng không lớn, có thể dạy dỗ được bao nhiêu người? [Muốn có] ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng quốc gia, ảnh hưởng thế giới, nhất định cần có các bậc lãnh đạo thánh hiền hộ trì chánh pháp.
Các bậc quân vương Trung quốc vào thời cổ đại, không một vị nào không xem trọng giáo dục, không một vị nào không hộ trì giáo dục. Chính thức đưa [giáo dục] vào chính sách quốc gia là Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế đem học thuyết Khổng Mạnh đưa vào chính sách giáo dục của quốc gia, làm phương châm giáo dục. Chính sách giáo dục này được ổn định từ đó về sau, mãi cho đến năm cuối đời Thanh, hầu như trong khoảng hai ngàn năm, các bậc quân vương đều tuân theo. Cho dù có nhiều triều đại thay đổi, chính sách giáo dục này vẫn mãi mãi không thay đổi. Cho nên, học thuyết Khổng Mạnh của Nho gia đã trở thành dòng chính trong nền giáo dục Trung quốc.
Vào thời Hán Minh Đế, Phật giáo truyền đến Trung quốc. Vì giáo dục Phật giáo và giáo dục Khổng Mạnh cùng thiết lập trên một nền tảng là hiếu đạo, cho nên từ khi truyền đến Trung quốc trở về sau luôn được người dân Trung quốc từ thành thị đến thôn quê hoan nghênh chào đón. Các vị đế vương đích thân chủ trì nền giáo dục Phật giáo. Do đó, giáo dục Khổng Mạnh và giáo dục Phật-đà cùng song song được thực hiện tại Trung quốc. Hiệu quả của giáo dục Phật giáo còn vượt xa Nho gia. Nguyên nhân nhờ đâu? Vì giáo dục của Nho gia lệ thuộc vào một bộ phận dưới quyền Tể tướng, giống như là Bộ Giáo dục, do Tể tướng quản lý. Giáo dục của Phật giáo thì do các vị đế vương đích thân chưởng quản. Người Trung quốc tôn kính Hoàng đế nhiều hơn so với sự tôn kính dành cho Tể tướng. Cho nên Hoàng đế đích thân chủ trì đốc thúc thi hành [giáo dục Phật giáo] thì hiệu quả vượt xa so với giáo dục của Nho gia. Cho nên, ngạn ngữ Trung quốc có câu: “Nhà nhà Quán Thế Âm, nơi nơi Phật Di-đà.” Đó là bậc đế vương hộ pháp.
Nhà Nho với nhà Phật dạy ta những gì? Đôi bên đều dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người và người, hiểu rõ thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là lành, thế nào là dữ; dạy cho quý vị có trí tuệ, có năng lực, phân biệt chân vọng, phân biệt tà chánh, phân biệt thiện ác, phân biệt thị phi, lợi hại. Dạy cho chúng ta những điều như vậy.
Ngày nay chúng ta đọc Cảm ứng thiên là của Đạo giáo. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo là ba nền giáo dục, thiết lập thành nền tảng của nền văn hóa Trung quốc. Trong Cảm ứng thiên, mỗi câu mỗi chữ đều là những tiêu chuẩn “lành, dữ, họa, phúc”. Chúng ta hôm nay đọc đến đoạn này là tổng kết lại tất cả. Đoạn này nêu những điều thiện ác, cũng là như trong phần trước đã nói. Văn chương chữ nghĩa cũng không xem là quá nhiều, chỉ hơn một ngàn ba trăm chữ, dễ dàng thọ trì, chỉ cần đọc cho thuần thục. Sau đó khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều phải suy xét lại xem có tương ưng với những tiêu chuẩn thiện ác được giảng trong Cảm ứng thiên hay không? Nếu là điều ác thì không thể nghĩ đến, không thể nói, không thể làm. Nếu là điều thiện thì nên nghĩ, nên nói, nên làm.
Hiện tại thế giới đã rối loạn, từ sau khi nhà Mãn Thanh sụp đổ, thành lập [chính quyền] Dân quốc, thật hết sức không may là chính sách giáo dục mấy ngàn năm của Trung quốc cũng sụp đổ, [mọi người] học theo [những tư tưởng] dân chủ, tự do, khai phóng của người phương Tây. Dân chủ, tự do, khai phóng là gì? Mọi người đều có thể suy nghĩ lung tung, ăn nói bậy bạ, có thể làm càn làm quấy, như vậy mà là dân chủ, tự do, khai phóng được sao? Đó chính là như hôm nay chúng ta đọc đến những điều “nói lời hung ác, nhìn việc hung ác, làm việc hung ác”. Đâu chỉ là “ba năm”, từ ngày nhà Mãn Thanh sụp đổ đến nay thấm thoát đã trăm năm rồi, nếu tính sổ lại, như tuổi tác của tôi, thời thơ ấu cũng còn thấm nhuần được một đôi chút, vẫn còn được người già giảng dạy cho về “hiếu đễ trung tín”, cũng được nghe giảng đôi câu về “ngũ luân, bát đức”. Thế nhưng, kể từ sau thời kháng chiến thì không còn ai giảng dạy nữa. Trước kháng chiến vẫn còn có một số thầy dạy những điều này. Hồi đó tôi học tiểu học, trung học, thầy vẫn thường giảng giải, chúng tôi vẫn còn được nghe một phần. Hiện tại ở trường không còn được nghe, trong gia đình cũng không có, đã triệt để mất đi hết rồi.
Cho nên có nhiều tôn giáo nói đến ngày tận thế, đó chính là điềm báo trước của ngày tận thế, liệu có tránh được hay không? Có tai họa lớn đến rồi. Tai họa lớn đó từ đâu đến? Chính là từ chỗ “nói lời hung ác, nhìn việc hung ác, làm việc hung ác”, từ những chỗ này mà tạo thành. Tai nạn lớn này có thể tránh được không? Người xưa cũng đã nói rất hay, điều này hoàn toàn còn phải xem nơi sự chuyển biến trong lòng chúng ta. Nếu quả lòng người có thể chuyển ác thành thiện, tai nạn này liền có thể hóa giải. Nếu như cứ tiếp tục không ngừng tạo ác, tai nạn này không thể tránh được.
Đại sư Ấn Quang, truyền thuyết cho rằng ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí thị hiện. Bồ Tát Đại Thế Chí có trí tuệ bậc nhất. Quý vị nói đến Bồ Tát thì đều biết Bồ Tát Văn Thù là tiêu biểu cho trí tuệ, nhưng không biết đến Bồ Tát Đại Thế Chí. Bồ Tát Đại Thế Chí là tiêu biểu cho trí tuệ thông minh tuyệt đỉnh. Làm sao biết được như vậy? Vì ngài đề xướng “nhất môn thâm nhập, chuyên tu chuyên hoằng”. “Nhất môn”, tuyển chọn lại là pháp môn nào? Là pháp môn niệm Phật. Ngài dạy người “thâu nhiếp hết sáu căn, niệm niệm thanh tịnh nối nhau”, thật là trí tuệ thông minh tuyệt đỉnh, đơn giản, sáng tỏ, “một đao vào thẳng”, thẳng đường cầu thành Phật đạo. Đó gọi là Đại Thế Chí.
Quý vị nên nhớ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong kinh Vô Lượng Thọ ngợi khen xưng tán đức Phật A-di-đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (hào quang tôn quý nhất, bậc nhất trong chư Phật). Người được ở hai bên đấng bậc nhất trong chư Phật há có thể kém hơn người khác được sao? Như vậy thì sao có thể tôn xưng là “bậc nhất trong chư Phật”? Do đây chúng ta có thể nhận hiểu được rằng, hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí là cao trổi hơn hết trong các vị Bồ Tát. Phật [A-di-đà] là “Phật trung chi vương” (bậc nhất trong chư Phật) thì hai vị là “Bồ Tát trung chi vương” (bậc nhất trong chư Bồ Tát). Vậy chúng ta có thể hình dung được rằng các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền không thể sánh bằng. Chúng ta thấy hai vị Văn Thù và Phổ Hiền trong Pháp hội Hoa Nghiêm cũng cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Hai vị Đại sĩ [Quán Âm, Thế Chí] là trợ thủ của đức Phật A-di-đà trong việc giáo hóa chúng sinh, là bậc thầy ở thế giới Cực Lạc phương tây, các vị Văn Thù, Phổ Hiền khi đến đó vẫn là học trò. Phải hiểu rõ được sự thật chân tướng này thì tâm tôn kính của chúng ta đối với chư Phật, Bồ Tát mới có thể khởi sinh, tâm kính ngưỡng, tâm học tập mới có thể khởi sinh, mới biết được những lời răn dạy của các ngài là quan trọng thiết yếu.
Nhưng Bồ Tát dạy dỗ hết sức đơn giản. Càng đơn giản càng không thể nghĩ bàn, càng thâm sâu uyên áo, có thể rộng độ hết thảy chúng sinh trong các pháp giới. Cho nên hai câu tổng kết này thật là tâm từ bi khó nhọc, từ bi đến mức cùng cực.
Câu cuối cùng nói: “Hồ bất miễn nhi hành chi.” (Vậy sao không cố gắng mà làm [việc thiện]?) “Hồ” có nghĩa là vì sao, tại sao. Vì sao chúng ta không khuyến khích tự thân mình nỗ lực tu hành, dứt ác tu thiện. Chính mình được chỗ tốt đẹp, được lợi ích, không phải người khác. Chúng ta dứt ác tu thiện, có phải đức Thái Thượng được lợi ích chăng? Không phải vậy. Có phải chư Phật, Bồ Tát được tốt đẹp chăng? Cũng không phải vậy. Dù với bất cứ ai cũng không liên can, chỉ tự chính mình được tốt đẹp. Các bậc đại thánh đại hiền, chư Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, đối với hết thảy chúng sinh hoàn toàn không có mảy may mong cầu, đó mới gọi là bậc thánh nhân.
Chúng ta tự mình phải thường tụng đọc Cảm ứng thiên. Chúng tôi đã in ra bản Cảm ứng thiên có chú giải đơn giản, khổ nhỏ, mọi người có thể thuận tiện mang theo bên mình. Trước đây tôi ở Đài Loan có khuyến khích quý đồng học mỗi ngày, buổi tối nên tụng qua Cảm ứng thiên một lượt làm thời công phu tối, tức là trong thời khóa công phu tối phải thêm bản văn Cảm ứng thiên vào. Tụng văn này rồi thực sự kiểm điểm, phản tỉnh, xem chúng ta trong một ngày hôm đó khởi tâm động niệm, nói năng hành động, so với các pháp lành có tương ưng hay không? Nếu như tương ưng phù hợp, điều lành đó của chúng ta phải cố giữ gìn, không để mất đi. Nếu như so với các pháp xấu ác là tương ưng, nhất định phải sửa lỗi, tự làm thanh tịnh chính mình, phải sám hối. Đó gọi là chân chánh tu hành.
Tu hành nhất định không phải là đem kinh văn ra tụng đọc qua một lượt, tụng đọc cho chư Phật, Bồ Tát nghe. Đó gọi là lừa gạt người, không phải chân chánh tu hành. Chân chánh tu hành là đối với những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát thực sự hiểu rõ, tin nhận, vâng làm theo. Đó mới là chân chánh tu hành, mới có thể được lợi ích chân chánh. Lợi ích đó chính là “trời ắt ban phước lành”, tự mình có lòng tin đầy đủ.
Hôm nay trong quý vị có rất nhiều vị đồng tu mới đến. Tại Singapore này có một nữ cư sĩ, một trăm lẻ một tuổi vẫn như người còn trẻ, một trăm lẻ một tuổi vẫn còn rất trẻ, không già. Chúng tôi có băng ghi hình tặng cho quý vị, quý vị mang về mà xem. Vì sao bà này một trăm lẻ một tuổi vẫn còn trẻ như thế? Thân thể bà ấy khỏe mạnh, tai thính mắt sáng, phản ứng nhanh nhạy, không khác gì người ba, bốn mươi tuổi. Một trăm lẻ một tuổi không sinh bệnh, nguyên nhân là gì? Đó là ba yếu tố “nói lời hiền thiện, nhìn việc hiền thiện, làm việc hiền thiện”, bà ấy đều đã làm được. Bà ấy đầy đủ tín tâm, được ông trời bảo vệ che chở. Bà ấy thường nói, trời giúp bà ấy được không lo không buồn, không trói buộc, không vướng mắc, mỗi ngày đều vì người nghèo khổ mà phục vụ, mỗi ngày đều ra bên ngoài bôn ba [giúp người]. Như vậy là làm được, không có gì khác nữa. Bà ấy đã làm được, mỗi người cũng đều có thể làm được. Năng lực của bà ấy nằm ở chỗ suốt đời không nhìn thấy lỗi lầm của người khác. Đó là ưu điểm của bà ấy. Bà chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp của người khác, không nhìn thấy những điều lỗi lầm, tâm địa hoàn toàn thiện lương. Khi sống chung với người khác, khi gặp chướng ngại, bà ấy luôn nghĩ lại chỗ không tốt của bản thân mình: “Là do tự mình làm không tốt, vì sao lại bảo người khác không vui vẻ?” Từ xưa đến nay bà chưa từng nói đến những chỗ không tốt của người khác. Bà đã một trăm lẻ một tuổi vẫn giữ được thân thể khỏe mạnh như người ba, bốn mươi tuổi, nguyên nhân chính là ở chỗ này.
Người xưa thường nói: “Lo buồn có thể làm người già suy.” Một người nhiều vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, trong lòng luôn chất chứa những điều bất thiện của hết thảy chúng sinh, người như vậy rất nhanh chóng già suy. Người có tâm hiền thiện, ý niệm hiền thiện, hành vi hiền thiện thì mãi mãi không già suy. Tôi thường nói, không chỉ là không già suy, người ấy còn không có bệnh, những điều ấy đều là sự thật. Về sau thì sao? Không chết, vì người như vậy sau khi chết đi về đâu là việc rất rõ ràng. Sau khi chết, nếu không niệm Phật về thế giới Cực Lạc thì họ sẽ sinh lên cõi trời.
Có vị đồng học hỏi tôi, người như nữ cư sĩ Hứa Triết, sinh về cõi trời thì sinh vào tầng trời nào? Tôi nói với mọi người, ít nhất bà ấy cũng sinh lên cõi trời Đâu-suất. Tôi làm sao biết được bà ấy sinh lên cõi trời Đâu-suất? Vì [bà ấy] biết đủ. Cõi trời Đâu-suất được gọi là cõi trời Tri Túc. Bà ấy mọi việc đều biết đủ, không một mảy may tham cầu, chỉ biết vì xã hội, vì người già, vì người bệnh, vì người khổ nạn mà phục vụ, bà ấy không có một ý niệm thứ hai nào khác. Người như vậy sinh về cõi trời nhất định sinh vào cõi trời Đâu-suất, cõi trời Tri Túc. Chúng ta từ nơi công hạnh, việc làm của bà ấy mà quan sát, phán đoán, sáu tầng trời Dục giới bà sinh vào tầng nào, so với các cõi trời Tứ vương, cõi trời Đao-lợi đều cao hơn nữa.
Bà ấy đến một trăm lẻ một tuổi mới quy y Tam bảo, mới học Phật. Bà quy y tại đạo trường Cư Sĩ Lâm, mỗi ngày đều niệm Phật A-di-đà, cầu sinh thế giới Cực Lạc. Người như bà niệm Phật cầu sinh thế giới Cực Lạc, khẳng định sẽ được Thượng phẩm thượng sanh. Đó là mẫu mực, là khuôn mẫu điển hình cho chúng ta, cho nên phải cố gắng thực hành.
Chúng ta giảng giải Cảm ứng thiên đến hôm nay là trọn vẹn đầy đủ. So ra lần giảng giải này rất tường tận, chi tiết. Thế nhưng nội dung phần chú giải thực ra quá phong phú, tôi không giảng y theo chú giải. Y theo chú giải mà giảng thì thời gian quá dài, sẽ kéo dài quá lâu, người đời hiện nay không đủ lòng nhẫn nại [để nghe giảng] kéo dài đến thế. Cho nên chúng ta giảng đến hôm nay là kết thúc, là trọn vẹn đầy đủ.
Ngày mai chúng ta sẽ thay đổi chủ đề giảng giải. Tôi và quý đồng học sẽ cùng nhau học tập kinh Thập thiện nghiệp đạo. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng giải đến đây viên mãn.