(Giảng ngày 19 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 178, số hồ sơ: 19-012-0178)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 108: “Vô hạnh ư thê tử. Thất lễ ư cữu cô.” ([Đàn ông] đối với vợ con không có đức hạnh, [đàn bà] không giữ lễ với cha mẹ chồng.) Đoạn này đang nói về “những việc ác trong gia đình”.
Gia đình là căn bản trong giềng mối của đạo làm người. Trong gia đình phát sinh vấn đề thì xã hội không thể ổn định, thế giới cũng không có hòa bình. Chúng ta ngày nay quan sát thế gian này, đại đa số các gia đình đều có vấn đề. Cho nên, xã hội xáo động không an ổn, tần suất xảy ra thiên tai nhân họa ngày càng tăng thêm, mức độ tai hại ngày càng nặng nề hơn, nguyên nhân đều xuất phát từ chỗ này.
Chúng ta quan sát thật kỹ sẽ thấy, vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta từ nơi nhân và quả đều có thể thấy biết rõ ràng. Vợ chồng không hòa thuận, điều này phần trước đã giảng nói rất nhiều với quý vị. Trong phần chú giải [đoạn này] nói rất hay: “Đối với vợ phải ôn hòa mà kính trọng, đối với con cái phải nghiêm khắc mà chính đáng.” Điều này vào thời xưa không chỉ là những lời răn dạy của các bậc hiền thánh, mà chư Phật, Bồ Tát cũng dạy bảo như vậy không khác. Thế nhưng trong xã hội hiện nay không còn nhìn thấy được, tâm ý và hành vi [của con người] hoàn toàn trái nghịch với lời dạy của bậc thánh.
[Chú giải còn nói:] “Không dùng lễ đối đãi với vợ, ắt phải mất đi ý nghĩa chồng nói vợ nghe theo.” Hiện tại còn ai hiểu lễ? Thế nào gọi là lễ? Lễ bị bỏ mất rồi, đây là một hiện tượng hết sức đáng buồn. Bậc cổ đức dạy người, tiêu chuẩn đức hạnh có năm tầng bậc: “Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ.” Đạo mất rồi thì còn có đức. Đức mất đi cũng còn có nhân. Nhân có mất cũng còn có nghĩa. Nghĩa mất rỗi vẫn còn có lễ. Nếu lễ cũng mất đi thì thiên hạ đại loạn.
Ngày nay chúng ta thấy hiện tượng hỗn loạn của thế gian này, đó là không có lễ. Trong lịch sử Trung quốc, nếu quý vị chú tâm đọc kỹ, từ hơn hai ngàn năm qua, đó là những gì trong lịch sử ghi chép lại, mỗi một chính quyền khi kiến lập, trong vòng năm năm các bậc vua chúa nhất định lo việc thiết chế lễ nhạc. Lễ là tiêu chuẩn hành vi sinh hoạt của mỗi cá nhân [trong xã hội], mọi người đều phải hiểu rõ, đều phải tuân thủ. Đó là khuôn khổ pháp luật. Nhạc là sự điều hòa tâm tính. Con người là phàm phu, ai ai cũng có tình cảm, khi tình cảm không ổn định, phải dùng đến những gì để điều hòa? Chính là âm nhạc. Cho nên, lễ với nhạc đều là sự vận dụng thực tế của giáo dục, so với hiện nay hoàn toàn không giống. Hiện nay [không phải lễ nhạc mà] gọi là “âm nhạc mua vui”. Trước đây đủ mọi loại hình nghệ thuật ở Trung quốc như hý kịch, ca múa, âm nhạc, mỹ thuật... hết thảy đều là những công cụ giáo dục. Theo cách nói hiện nay là giáo dục ở nghệ thuật bậc cao. Người đời hiện nay không đọc sách thánh hiền, đối với việc này hoàn toàn không biết, cũng không hiểu được quan hệ của việc này với tổng thể xã hội, thực sự là nhân tố tạo thành những điều lành dữ, họa phúc của hết thảy chúng sinh, nếu muốn thế giới được ổn định hòa bình, nếu muốn muôn dân được hạnh phúc, thật rất khó mà làm được.
Tiếp theo [phần chú giải] nói với quý vị: “Không dạy đạo cho con ắt tổn thương ơn sinh thành dưỡng dục. Bất nghĩa, không có lòng từ, nói chung đều là không có đức hạnh.” Mấy câu này, chúng ta ngày nay đọc đến, thấy đây chính là mô tả rõ xã hội hiện tiền.
Làm thế nào cứu vãn được xã hội? Làm thế nào tránh né được kiếp nạn? Chúng ta đọc qua sách này mới thực sự thể hội được chỗ dụng tâm của Đại sư Ấn Quang. Những lời răn dạy của Phật-đà nằm phân tán trong các kinh luận, cần phải tụng đọc rất nhiều kinh luận thì quý vị mới có thể nhớ được, lại còn phải hiểu sâu ý nghĩa, sau đó mới có thể y theo lời dạy vâng làm, đó là một điều rất khó khăn. Cảm ứng thiên đem những lời răn dạy của cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo tập trung cả vào trong một bản văn duy nhất. Nhìn chung đại ý của toàn văn, văn tự không quá nhiều, chưa đến hai ngàn chữ, toàn văn phân thành bảy đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là cương lĩnh chung. Đoạn thứ hai là cảnh báo, cảnh cáo chúng ta. Đoạn thứ ba nói về nhân lành, quả lành. Đoạn thứ tư nói về nhân ác, quả ác, là một đoạn văn dài, trong đoạn này tổng cộng lại phân chia ra mười bảy đoạn nhỏ. Phần chúng ta đang xem đây là thuộc đoạn nhỏ thứ mười lăm, nói về những điều ác trong gia đình.
Cảm ứng thiên mô tả rất hay, chỉ có chừng ấy đoạn văn ngắn ngủi mà những lời răn dạy quan trọng thiết yếu của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, những luân lý đức hạnh cơ bản, thảy đều có đủ trong đó.
Chúng ta xem tiếp mấy câu sau: “Ngày nay đối đãi với vợ.” Tánh tình khắc nghiệt, ít ra ơn huệ, đó là hiện tượng xã hội thực dụng ngày nay. “Đối đãi với con cái”, mẹ chồng thái quá, hà khắc trách mắng thái quá, hết sức xem khinh. Câu kết luận theo sau rất hay: “Tự mình thật không có đức hạnh, dựa vào đâu còn chê trách vợ con.” Hai câu này thật vô cùng cảm khái. Tự mình không có đức hạnh, quý vị làm sao có thể dạy dỗ vợ con cho tốt? Cho nên chúng ta đọc đến câu này thì cảm thấy không còn gì đáng buồn đau hơn.
Câu thứ hai: “Không giữ lễ với cha mẹ chồng.” Phần chú giải cũng nói rất hay: “Phụ sự cữu cô.” (Nàng dâu phụng sự cha mẹ chồng.) Tức là nói người làm vợ phụng sự, đối đãi với cha mẹ chồng của mình như thế nào. Chữ “cữu” là cha chồng, chữ “cô” là mẹ chồng, là cha mẹ sinh ra chồng mình. Chúng ta ngày nay nhìn thấy mẹ chồng là bất hòa, không cách gì sống chung được. Hầu như trên toàn thế giới, ở bất kỳ ngóc ngách nào chúng ta cũng đều thấy được [hiện tượng này]. Bậc thánh nhân dạy chúng ta rằng: “Nàng dâu phụng sự cha mẹ bên chồng, cũng giống như con cái phụng sự cha mẹ.” Hiện tại không nói như vậy được. Hiện tại con cái còn không biết hiếu thuận với cha mẹ, nàng dâu làm sao biết hiếu thuận với cha mẹ chồng? Đâu có lý như vậy! Cha con không bao dung được nhau, mẹ và con gái không bao dung được nhau, xã hội ngày nay là như thế. [Quan hệ giữa] người với người hoàn toàn là [mối quan hệ] lợi hại. Lúc có lợi thì đôi bên lợi dụng lẫn nhau, sau khi mất đi lợi ích thì trái lại nhìn nhau như thù địch. Truyền thống luân lý đạo đức mấy ngàn năm qua của Trung quốc ngày nay hư hỏng cả không còn tồn tại. Điều này chính là như người xưa nói: “Cha không ra cha, con không ra con. Nhà không ra nhà, nước không ra nước.” Đời đại loạn rồi!
Một ngày trước khi vãng sinh, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói với học trò: “Thế giới này hỗn loạn, chư Phật, Bồ Tát, thần tiên xuống trần cũng không cứu nổi.” Chúng ta suy ngẫm lời nói này quả là chân thật, không phải giả dối.
Ai là người có năng lực, có thể giáo hóa hết thảy chúng sinh quay đầu hướng thiện? Chúng sinh không quay đầu, rồi họ sẽ đi về đâu? Điều này ngay trước mắt có thể thấy được, họ sẽ đi vào địa ngục. Họ không thể sinh lên cõi trời, họ sẽ đi vào địa ngục. Chư Phật, Bồ Tát nhìn thấy tình hình như vậy cũng không làm gì được, chỉ có thể chờ đợi. Chờ đợi chúng sinh đọa vào địa ngục, chờ đợi chúng sinh ở trong địa ngục chịu hết khổ não rồi, có một ngày hối lỗi, khi ấy mới có thể trở lại giáo hóa họ. Họ không thể hối lỗi thì chư Phật, Bồ Tát cũng không thể làm gì được.
Chúng ta đời này được sinh làm người, may mắn lớn lao là được nghe Phật pháp, tuy sinh vào đời loạn, từ trong kinh điển giáo pháp vẫn còn hiểu được một chút ý nghĩa. Người khác không làm, mọi người khắp nơi đều không làm, chúng ta biết được sự lợi hại, biết sự được mất, chúng ta phải thực sự nỗ lực làm.
Nếu có thể y theo lời dạy vâng làm, nay tôi đem Cảm ứng thiên xếp vào một trong bảy môn giáo trình học tập. Chúng ta học Phật, nhất thiết phải đọc bảy quyển giáo trình này. Trong bảy quyển, có bốn quyển là kinh Phật: Kinh A-nan vấn sự Phật cát hung, Yếu giải kinh A-di-đà, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện, kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ. Tổng cộng là bốn bộ kinh. Ngoài ra có ba quyển khác là: Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên và Tứ thư của Nho gia.
Tôi mong rằng quý vị đồng học đều đọc thuộc bảy quyển này. Chúng ta trong một đời này quyết định không [tạo nghiệp] đọa vào ba đường ác. Không những là đọc thuộc, hơn nữa còn phải hiểu sâu ý nghĩa, chỉ hiểu cạn cợt thì không được. Phải hiểu được sâu xa, thực sự nỗ lực y theo lời dạy vâng làm. Nếu khối lượng [kinh sách] quá nhiều, năng lực cũng như thời gian của chúng ta đều không đủ. Những sách này là đã giảm thiểu đến mức không còn có thể giảm thêm được nữa. Đó là bảy môn giáo trình, thời khóa. Nếu như vẫn không đủ năng lực thọ trì tất cả, quý vị cũng có thể thọ trì hai quyển cũng tốt. Trong số kinh điển, chọn lấy một quyển như Di-đà yếu giải, kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Hạnh nguyện, chọn một trong số này đều được. Sau đó thêm vào sách Cảm ứng thiên.
Cảm ứng thiên là không thể thiếu. Từ góc độ nhà Phật mà nói, Cảm ứng thiên chính là giới luật, là căn bản, nền tảng của sự tu thân, tu tâm. Chúng ta phải hết sức xem trọng sách này. Trước đây khi tôi ở thư viện Hoa Tạng thuộc Đài Bắc, tôi yêu cầu quý vị đồng học dùng sách Cảm ứng thiên này vào thời khóa [tụng niệm] buổi tối. Sau khi hoàn tất thời công phu tối thì tụng thêm một lượt Cảm ứng thiên, đối chiếu với bản thân mình trong một ngày hôm ấy, tâm ý và hành vi, nếu có [vi phạm vào] liền sửa chữa, nếu không thì càng nỗ lực [giữ gìn] hơn nữa.
Đức Phật dạy chúng ta, các bậc đại thánh đại hiền thế gian và xuất thế gian cũng dạy chúng ta “chuyển ác làm lành”. Sách [Cảm ứng thiên] này là các tiêu chuẩn thiện ác. Sách không phải của Phật giáo mà là của Đạo giáo. Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc, chỉ cần phù hợp với các pháp ấn trong nhà Phật, tức là nói những nguyên lý, nguyên tắc nhà Phật thuyết dạy, thì Phật đều thừa nhận đó là kinh điển của chư Phật Như Lai. Những nguyên tắc của Phật là gì? “Không làm các việc ác. Thành tựu các hạnh lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Chính lời chư Phật dạy.” Không chỉ một vị Phật, mà tất cả chư Phật trong mười phương ba đời giáo hóa hết thảy chúng sinh thì cương lĩnh chung đều là ba câu này: “Không làm các việc ác. Thành tựu các hạnh lành. Giữ tâm ý thanh tịnh.”
Chúng ta xem trong Cảm ứng thiên, từng câu từng chữ có phù hợp với các nguyên tắc này hay không? Hoàn toàn phù hợp, phù hợp một cách trọn vẹn đầy đủ. Đó là nhà Phật đã ấn chứng cho sách này, nên đây cũng là kinh Phật. Chúng ta cần phải xem đây như là giáo pháp do hết thảy chư Phật Như Lai giảng thuyết, xem đồng như nhau, không nên nhìn sách này với tâm phân biệt. Các bậc hiền thánh thế gian và xuất thế gian, hết thảy đều bắt đầu khởi tu từ chỗ này.
Quý vị đồng học tại gia học Phật cũng đều bắt đầu tu từ trong gia đình của quý vị. Nói cách khác, [phần nói về] “những điều ác trong gia đình” cũng không phải là quá nhiều. Một đoạn từ câu “Tham lam vô yếm, chú trớ cầu trực” cho đến câu “Tổn tử đọa thai, hành đa ẩn tích” tổng cộng có hơn hai mươi câu, chưa đến ba mươi câu, nếu như không giữ gìn [để phạm vào những điều] trong đoạn này thì quý vị không phải đệ tử Phật.
Nói thật ra, [như vậy thì] dù niệm Phật được rất tốt, niệm rất nhiều, cũng không thể vãng sinh. Đó là sự thật. Vì sao không thể vãng sinh? Trong kinh nói rất rõ ràng, những người nào cư trú ở thế giới Tây phương Cực Lạc? “Các bậc thượng thiện nhân cùng hội về một chỗ.” Tâm ý và hành vi của quý vị đều bất thiện thì: “Miệng niệm Di-đà tâm bất thiện, cho dù lớn tiếng uổng công thôi.”
Cho nên một đoạn văn này phải đặc biệt chú ý, phải thực sự tìm cầu nhận hiểu ý nghĩa, thực sự vâng làm theo. Đoạn văn này có hai mươi hai câu, quan trọng thiết yếu hơn hết. Thực sự phát nguyện cầu sinh Tịnh độ, quý vị nói xem phải bắt đầu tu từ đâu? Phải bắt đầu tu từ hai mươi hai câu này, trước tiên phải bắt đầu sửa trị gia đình mình cho tốt, sau đó mới có thể học Phật.
Một bộ Cảm ứng thiên này, nói thật ra là sự giảng giải tinh tường, chi tiết của điều đầu tiên trong ba điều phúc lành tạo nghiệp thanh tịnh: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp” (Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng, giữ lòng từ không giết hại, tu mười nghiệp lành), cũng là chú giải của bốn câu kinh văn này, chúng ta phải đặc biệt xem trọng. Nếu không như vậy thì một đời này dù tu tập rất tốt, có thể được dồi dào phước báo hữu lậu trong hai cõi trời người nhưng công đức, lợi ích thù thắng trong Phật pháp nhất định không đạt được.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.