Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 173 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 173

Donate

(Lượt xem: 1.931)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 173

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 15 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 174, số hồ sơ: 19-012-0174)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 104, chỉ có một câu: “Thị tửu bội loạn.” (Nghiện rượu gây náo loạn.)

Trong Phật pháp, rượu được liệt vào giới cấm nghiêm trọng, tuy không phải là nghiêm trọng nhất. Chúng ta xem trong giới luật tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, bốn giới nghiêm trọng nhất là “sát, đạo, dâm, vọng” (giết người, trộm cướp, dâm dục, vọng xưng chứng thánh). Thế nhưng, trừ ra bốn trọng giới này thì giới cấm uống rượu là nghiêm trọng nhất trong các giới còn lại. Cho nên, trong năm giới [của người cư sĩ tại gia] thì cuối cùng là giới cấm uống rượu.

Đức Thế Tôn vì sao xem giới này là nghiêm trọng đến thế? Nói thật ra, trong giới luật nhà Phật, “sát, đạo, dâm, vọng” là thuộc về “tính tội” (tội thuộc về bản tính), tự nó là có tội, bất kể quý vị có thọ giới hay không, nếu đã phạm vào những điều này thì bản thân đều có tội. Riêng về giới uống rượu, nếu như quý vị chưa thọ giới này thì không có tội. Cho nên giới uống rượu thuộc về “già tội” (tội cần ngăn chặn), so với bốn tội trước đó là khác biệt.

Đức Thế Tôn xem giới này là nghiêm trọng như vậy, bởi vì thông thường kẻ phạm vào bốn trọng giới thì trước đó đã phạm giới uống rượu, do rượu làm rối loạn tâm tánh. Người ưa thích uống rượu, khi đã uống say rồi thì trí tuệ không thể làm chủ được nữa, từ đó mới phạm vào những tội “sát, đạo, dâm, vọng”. Do vậy, giới không uống rượu trong nhà Phật là để ngăn chặn trước, để quý vị không phạm vào những trọng tội “sát, đạo, dâm, vọng”. Đây là một nguyên nhân, chúng ta cần hiểu rõ.

Cho nên, vị tỳ-kheo thanh tịnh dù một giọt rượu cũng không thấm môi. Vì thế, trong giới luật thì việc tạo duyên của rượu là lớn lao nhất, sâu rộng nhất. Đức Thế Tôn dạy người tu học luôn hợp tình, hợp lý, hợp chánh pháp, cũng phù hợp với tình người. Có nhiều phương thuốc trị bệnh cần phải dùng đến rượu để điều chế. Đó không phải là phạm giới, đó là rượu thuốc. Trong một số món ăn, [rượu] được dùng chung với các nguyên liệu khác, điều này cũng không phạm giới, đó là rượu dùng làm nguyên liệu. Nói chung, quý vị phải suy xét, những trường hợp đó rượu không làm quý vị say sưa, không làm cho quý vị mê hoặc.

Còn có trường hợp thân thể yếu ớt, máu huyết tuần hoàn không tốt, đặc biệt là với những người tuổi già, từ bảy mươi tuổi trở lên, tuổi tác đã cao, bao gồm cả những người xuất gia, thân thể không được khỏe, máu huyết tuần hoàn không tốt, đức Thế Tôn có linh hoạt cho phép tùy duyên, quý vị có thể uống một chút rượu để hỗ trợ cho sự tuần hoàn máu huyết. Cho nên, [người xuất gia] trên bảy mươi tuổi thì có thể mặc y phục bằng da thú, lông thú. Nhưng nếu trên bảy mươi tuổi mà thân thể khỏe mạnh, cường tráng thì không cần thiết phải như vậy.

Do đó, hết thảy những sự châm chước đều tùy theo tình huống của bản thân mình mà quyết định, không thể nói cứ đến bảy mươi tuổi là xong, [có thể phạm giới], như vậy là sai lầm. Ví như nữ cư sĩ Hứa Triết một trăm lẻ một tuổi cũng không thể châm chước. Vì sao vậy? Vì thân thể bà rất khỏe mạnh. Bà không thể [dùng rượu]. Thậm chí cũng có người mới năm, sáu mươi tuổi nhưng thân thể không được khỏe, họ có thể dùng rượu. Cho nên, vấn đề này là linh hoạt sống động, không phải cứng nhắc cố định. Mỗi một điều giới luật đều có “khai, già, trì, phạm”, nhất định phải hiểu rõ, sau đó mới có thể hiểu được đức Phật chế định giới luật quả thật với tâm chân thật từ bi, với trí tuệ chân thật, tất cả đều nhằm hỗ trợ chúng ta, thành tựu cho chúng ta [trong sự tu tập]. Đức Phật luôn chú trọng đến sự khỏe khoắn của thân tâm chúng ta, hỗ trợ chúng ta dứt trừ phiền não, khai mở trí tuệ, thành tựu đạo nghiệp, sự quan tâm có thể nói là không bỏ sót bất cứ điều nhỏ nhặt nào. Điều này chúng ta phải hiểu rõ. Hiểu rõ được rồi mới sinh tâm cung kính, mới sinh lòng biết ơn, luôn tuân thủ theo lời răn dạy của Phật.

Cho nên, uống rượu đến mức thành nghiện rượu, ưa thích rượu như tính mạng mình, người như vậy không thể tu hành. Không chỉ là không thành tựu được pháp xuất thế, cho đến việc thế gian cũng không thể thành tựu. Điều này chúng ta phải hiểu rõ, phải thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa.

Mời quý vị xem tiếp đoạn thứ 105, có ba câu: “Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương. Nữ bất nhu thuận.” (Ruột thịt nóng giận tranh chấp nhau. Nam giới không trung lương. Nữ giới không nhu thuận.) Đoạn này nói về vấn đề luân lý.

Gia đình là nền tảng của xã hội, của đất nước. Ý nghĩa này hiện nay rất ít người hiểu được. Gia đình ta không hòa thuận, không thể xem đó chỉ là việc riêng của gia đình mình, không liên quan đến mọi người. Cách nghĩ, cách nhìn như vậy là hoàn toàn sai lầm. Gia đình không hòa thuận thì xã hội không ổn định, hòa bình thế giới cũng không có. Cho nên gia đình là nền tảng của xã hội, của đất nước, của cả thế giới.

Quan niệm của người đời hiện nay đối với gia đình hoàn toàn hủy hoại. Chúng ta xem lại lễ nghi xưa kia của Trung quốc, có thể thấy việc tổ chức hôn lễ, lễ nghi kết hôn của đôi bên nam nữ, vì sao lại long trọng đến mức như thế? Vì sao lại phức tạp đến thế? Người xưa vì sao phải làm như vậy? Vì người xưa hiểu được rằng đó là nền tảng của sự ổn định xã hội, của hòa bình thế giới, không thể không long trọng, không thể không cẩn thận.

Cho nên vào thời xưa, quý vị đọc lịch sử, quý vị xem những loại bút ký, tiểu thuyết của người xưa, thấy việc ly hôn vào thời xưa rất hiếm khi nghe nói đến. Thuở nhỏ tôi sống ở vùng nông thôn, trước đây bảy mươi năm, trong xã hội hoàn toàn không nghe nói đến chuyện ly hôn.

Ly hôn tạo thành hiện tượng gì? Là thế giới đại loạn. Quý vị có gánh vác được nhân quả của sự việc như vậy hay không? Quý vị không hề nghĩ đến tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Hai người ly hôn với nhau rồi, nếu có con cái, những đứa con đó trở thành sống trong gia đình đơn thân, hoặc không có tình thương của cha, hoặc thiếu thốn tình thương của mẹ. Tính tình của chúng do đó sẽ thay đổi, nhân tố gây ra sự hỗn loạn từ chỗ này bắt đầu được gieo cấy. Có ai nghĩ được đến hậu quả nghiêm trọng của vấn đề như thế hay không? Chư Phật, Bồ Tát đều biết. Các bậc thánh nhân đều biết. Thánh nhân là những vị đã hiểu biết sáng tỏ. Những vị đối với lý sự nhân quả trong vũ trụ nhân sinh đã thấu triệt cũng biết rõ. Đây gọi là: “Nhổ một sợi tóc động đến toàn thân.”

Gia đình [trong xã hội] rất giống như một tế bào trên thân thể ta. Tế bào ấy hư hoại liền ảnh hưởng đến toàn thân. Không phải là chuyện riêng của một cá nhân, không phải chuyện riêng của một gia đình. Người xưa xem việc này hết sức quan trọng.

Việc giáo dục bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ việc dạy cho quý vị hiểu biết được mối quan hệ giữa người và người. Điều này có tương quan đến nhiều việc, quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, quan hệ giữa con người với trời đất quỷ thần, đều là một mối quan hệ, một quan hệ chỉnh thể. Giáo dục của nhà Nho, của nhà Phật, của Đạo giáo, đều không ra ngoài lẽ này. Nền giáo dục hiện tại không phải vậy, tổng thể băng hoại cả rồi, cho nên xã hội động loạn, thế giới không an ổn. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta thụ dụng được nhiều phương tiện vật chất hơn, thế nhưng cái được đó không bù lại với tổn thất lớn hơn, nhiều hơn, không cách gì tưởng tượng nổi.

Con người thông thường đối với những kẻ không biết làm người, thực sự như vậy, nếu gọi họ là “vong ơn bội nghĩa” thì đó là đã đề cao họ. Vì sao vậy? Vì dù sao họ vẫn còn biết được có chuyện ơn nghĩa. Đối với người đời hiện nay, bốn chữ “vong ơn bội nghĩa” còn không nói đến, vì họ không biết được thế nào là ơn, không biết được thế nào là nghĩa. Hoàn toàn không có ơn nghĩa, còn nói gì đến chuyện “vong ơn bội nghĩa”?

Chúng ta không may sinh vào thời đại này, thời đại này là thời đại đại loạn. Người đời sau khi ghi chép lịch sử phải gọi là “thời đại đen tối”. Từ xưa đến nay chưa từng có tình trạng giống như thế này. Thế nào gọi là đen tối? Không có giáo dục, con người không có trí tuệ, đó gọi là tối tăm, ngu si. [Thời đại] sáng suốt nghĩa là con người có trí tuệ, con người hiểu biết sự việc, con người thấu rõ lý lẽ.

Đoạn này trong phần chú giải mở đầu nêu ra một trường hợp minh họa, rất hay. Đây là chuyện về người rất nổi tiếng trong lịch sử Trung quốc, Trương Công Nghệ, sống vào đời Đường. Gia đình ông này chín đời cùng chung sống, chỉ nhờ vào một chữ “nhẫn”. Nhẫn là đức lớn.

Trong kinh Kim cang Bát-nhã, đức Phật dạy chúng ta: “Hết thảy các pháp được thành tựu từ đức nhẫn.” Nhẫn là đức lớn. Trong hết thảy các đức hạnh thì nhẫn đứng đầu, có thể thành tựu hết thảy các thiện pháp, có thể ngăn chặn hết thảy các pháp xấu ác. Ngăn chặn tức là chặn đứng, dừng lại. Đức Phật dạy chư Bồ Tát sáu pháp ba-la-mật, nhẫn là trung tâm điểm. Nếu không có nhẫn nhục thì những sự tinh tấn, thiền định, trí tuệ bát-nhã của quý vị, hết thảy đều không có. Quý vị xem, tinh tấn, thiền định, bát-nhã đều từ trong nhẫn nhục ba-la-mật sinh khởi. Quý vị có thể bố thí, quý vị có thể trì giới, nhưng không thể nhẫn nhục thì chỗ tu hành của quý vị chỉ là phước báo hữu lậu trong ba cõi.

Do đó có thể biết, nhẫn nhục là quan trọng thiết yếu. Trong một bộ kinh Kim Cang, đức Phật dạy sáu pháp ba-la-mật của hàng Bồ Tát, riêng hai pháp bố thí và nhẫn nhục được nói đến nhiều nhất. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa sự thuyết pháp của Phật.

[“Ruột thịt nóng giận tranh chấp nhau.”] Không chỉ là ruột thịt, trong quan hệ cha con, anh em, các bậc thánh nhân thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta: cha lành, con hiếu, anh thuận, em kính, mở rộng ra đến hết thảy thân thích, bằng hữu, tuyệt đối không nên tranh chấp nhau. Tranh nhau là nghiệp tội.

Xã hội hiện tại không nói chuyện nhẫn nhịn, nhún nhường, chỉ có tranh nhau. Trẻ con từ nhỏ đã được dạy phải cạnh tranh, như vậy sao có thể được? Cho nên thanh thiếu niên hiện nay tranh chấp với cha mẹ, tranh chấp với anh em không cần phải nói nữa, cho đến ở trường học tranh nhau với thầy. Tương lai những trẻ ấy lớn lên bước ra xã hội, chúng chỉ có duy nhất một quan niệm là cạnh tranh. Người người đều tranh nhau, ngày tận thế đã đến. Như Mạnh tử nói: “Người trên kẻ dưới tranh nhau điều lợi, đất nước nguy rồi.” Đất nước như vậy không còn biện pháp gì nữa. Ngày nay, toàn thế giới đều cạnh tranh, không một cá nhân nào không tranh nhau.

Phật pháp là nói về nhân quả. Trong thế giới chúng ta ngày nay, con người đang gieo nhân gì? Chúng ta quan sát họ, họ suy nghĩ những điều gì, họ nói ra những điều gì, họ làm những điều gì, đó là nhân. Từ nơi tâm ý và hành vi của họ, chúng ta biết được sẽ có quả báo như thế nào. Gieo nhân lành nhất định sẽ được quả lành. Trong các điều thiện, điều thiện lớn nhất là nhẫn nhục, nhường nhịn. Trong các điều ác, điều ác lớn nhất là cạnh tranh. Con người khắp nơi đều nói chuyện cạnh tranh, đều nghĩ việc cạnh tranh, không từ bất kỳ thủ đoạn nào để cạnh tranh. Thế giới này như vậy còn có tương lai sao? Cạnh tranh cho đến mức sau cùng là cùng nhau hủy diệt, đó chính là ngày tận thế.

Cho nên có người nói, Thế chiến thứ ba sẽ là cuộc chiến tranh cuối cùng của địa cầu, gọi là chiến tranh chung kết. Sau cuộc chiến tranh này sẽ không còn chiến tranh nào nữa. Vì sao vậy? Vì con người đều chết sạch hết rồi, còn chiến tranh gì nữa. Quý vị xem, nhà tiên tri người Pháp là Nostradamus nói rằng sau cuộc chiến tranh này vẫn còn lại một số người. Cách nói của ông là mơ hồ không xác định, không hề nói rõ ràng. Ông nói [số người còn lại] là “một số bảy lớn”. Có người cho đó có thể là còn lại dưới 70 triệu người, hoặc tối đa chỉ còn lại dưới 700.000 người, đó là con số lớn nhất. Cũng có khả năng con số đó là 70 triệu người, mà cũng có khả năng chỉ là 7 triệu người...

Chúng ta phải giác ngộ, phải hết lòng hết sức học tập, không trái với lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa.

[“Nam giới không trung lương. Nữ giới không nhu thuận.”] Thế nào là trung? Thế nào là lương? Thế nào là nhu? Thế nào là thuận?

Quý vị có thể y theo lời dạy vâng làm thì bản thân quý vị nhất định có chỗ tốt đẹp. Ví như tai nạn có xảy đến, quyết định cũng không tham sống sợ chết, biết rằng mình đã có nơi rất tốt đẹp để đi đến. Chư Phật, Bồ Tát không lừa dối chúng ta. Thái thượng Lão quân cũng không lừa dối chúng ta. Chúng ta y theo lời dạy vâng làm, quyết định được lợi ích.

Ý nghĩa một đoạn này không thể nào giảng nói hết được. Ngày mai chúng ta sẽ giảng tiếp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Phù trợ người lâm chung


Hoa nhẫn nhục


Ai vào địa ngục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.147.141 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...