(Giảng ngày 21 tháng 2 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Australia, file thứ 160, số hồ sơ: 19-012-0160)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Mời xem sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 92: “Dụng thê thiếp ngữ, vi phụ mẫu huấn.” (Nghe theo lời vợ, làm trái lời răn dạy của cha mẹ.) Và đoạn thứ 93: “Đắc tân vong cố, khẩu thị tâm phi.” (Có mới nới cũ, ngoài miệng nói đúng trong lòng nghĩ sai.) Chúng ta xem qua hai đoạn này.
Trước hết xem trong phần chú giải của sách Vị biên: “Lời của vợ ngọt ngào dễ nghe. Lời dạy cha mẹ đúng đắn mà khó làm theo. Lời vợ nói chưa hẳn đã không trái nghịch với lời dạy của cha mẹ, cho nên người đời thường suy tổn đạo hiếu do nơi vợ con. Cha mẹ kinh nghiệm sống có thừa, nhìn nhận sự việc ắt thích đáng; lòng thương con rất mực, tính toán ắt chu đáo, lẽ nào con cái còn nhỏ tuổi mà chỗ thấy biết lại vượt hơn người cao niên lão luyện được sao? Lẽ này đã hiển nhiên, không chỉ vì khuyên giữ đạo hiếu mà nói như vậy.”
Lời nói này, trong xã hội ngày nay có người cho là vấn đề nhạy cảm, [xem nhẹ phụ nữ]. Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, điều này mọi người đều biết, trong quý vị đồng tu học Phật, số nữ giới vượt quá nam giới, sự thành tựu cũng vậy. Cho nên chúng ta cần biết rằng, Cảm ứng thiên được viết ra từ thời đại xưa kia. Chúng ta biết rằng, thời xa xưa cũng có những bậc mẹ hiền, những người vợ đảm đang, điều đó có mâu thuẫn với lời dạy của các bậc cổ đức hay chăng?
Chúng ta cần hiểu rõ, đại chúng trong xã hội là một tổng thể hết sức phức tạp. Hiện nay phức tạp, trong quá khứ cũng phức tạp. Chúng ta đọc đến những câu chữ nhạy cảm như thế, nhất định phải dùng trí tuệ mà cân nhắc liệu lường, phải đem ý nghĩa đó suy diễn rộng ra.
Nói chung với những người thân thiết yêu thương của mình, chúng ta phần lớn rất dễ dùng tình cảm để giải quyết sự việc. Dùng tình cảm giải quyết sự việc thì rất thường xem nhẹ, bỏ quên đi những yếu tố thị phi, lợi hại, được mất. Cho nên phải học theo phương cách thế nào? Chư Phật, Bồ Tát đã dạy bảo chúng ta, các bậc hiền thánh xưa cũng dạy bảo chúng ta, đối với những người càng thân cận gần gũi, những người càng tiếp xúc thường xuyên hơn thì càng phải vận dụng lý trí, càng phải tỉnh táo trong việc nói năng, hành động, như vậy chúng ta mới thực sự đạt đến sự phân biệt nhận biết đúng lý đúng pháp, dù thân hay sơ cũng phải xem bình đẳng như nhau. Việc này nói ra thì rất dễ dàng, nhưng làm được rất khó. Đây là vấn đề thuộc về sự tu dưỡng.
Cha mẹ không ai không thương yêu con cái. Nền giáo dục thời xưa, bất luận là trong gia đình hay ngoài xã hội, thời ấy không có trường học công, đa phần là trường tư, sự dạy dỗ hết thảy đều không ngoài phạm vi luân lý đạo đức.
Nói về phương diện vui chơi giải trí, thời xưa chúng ta xem những thể loại như hý kịch, ca kịch, cho đến phát triển sau này là kinh kịch, quý vị chú tâm quan sát thật kỹ, nội dung đều không ngoài phạm vi “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, vì mọi người nói rõ việc gieo nhân lành được quả lành, làm việc ác chịu quả báo xấu ác. Vào thời ấy, nền giáo dục không phổ cập, thế nhưng cách giáo dục dùng các phương tiện giải trí để biểu đạt như vậy có tác dụng rất lớn đối với tình đời, đối với lòng người. Cho nên ở Trung quốc trong quá khứ thì những bộ môn hý kịch, ca múa, âm nhạc, hết thảy đều là phương tiện giáo dục, không chỉ là để mua vui, giải trí. Điều này so với xã hội hiện nay hoàn toàn khác biệt.
Vì vậy, [vào thời xưa] những người già không ai không quan tâm đến thế hệ tiếp theo, không chỉ là con cháu của chính mình mà đối với những người trẻ tuổi trong toàn xã hội cũng đều có sự quan tâm lo lắng, ai cũng hy vọng thế hệ tiếp theo so với mình có tiến bộ hơn, so với mình được hạnh phúc hơn. Đó là tâm lý chung, suy nghĩ chung của tuyệt đại đa số người. Thế nhưng ngày nay không phải vậy. Trong xã hội ngày nay, những suy nghĩ, tâm lý như vậy có thể nói là hết sức nhạt nhẽo. Những gì chúng ta cảm xúc được đều là tự tư tự lợi, chỉ biết có bản thân không biết đến người khác, thậm chí chỉ biết có hôm nay, không biết đến ngày mai. Cho nên, quý vị ngẫm nghĩ xem, đó thật là tư tưởng đáng sợ biết bao, hành vi đáng sợ biết bao.
Thế nhưng từ góc độ của người đọc sách hiểu lý lẽ, chúng ta phải ứng xử như thế nào trong thời đại này? Điều này không thể không hiểu rõ lý lẽ, không thể không biết rành chuẩn mực xã hội. Trong chuẩn mực xã hội cũng có thiện, có bất thiện, làm sao có thể khuyên bảo mọi người trong xã hội chuyển ác làm thiện, chuyển mê thành ngộ? Điều này phải có trí tuệ cao độ, trong việc thực hành vận dụng phải có nghệ thuật cao, chúng ta không thể không thực sự nỗ lực.
Ngày nay quan niệm của những người làm cha mẹ, dạy dỗ [con cái] không thấy được phương pháp chân chánh, khuyến khích con cái thăng quan phát tài, mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình mình. Những quan niệm như thế đều là bất ổn. Ngày nay đâu có mấy gia đình mà bậc làm cha mẹ biết khuyên dạy con cái mình hy sinh bản thân phụng sự xã hội. Thật không còn thấy được nhiều. Người xưa đều biết buông bỏ tự thân vì người khác, cho nên ngày nay chúng ta đối với câu “trái lời răn dạy của cha mẹ” nên sửa lại thành “trái lời răn dạy của thánh nhân, của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc tổ sư đại đức”. Chúng ta lấy những điều này làm tiêu chuẩn.
Trong Phật pháp, tiêu chuẩn thấp nhất là giữ theo năm giới với mười nghiệp lành. Nếu như [những tiêu chuẩn này] được chu toàn một chút thì ba điều phúc lành tạo nghiệp thanh tịnh thật hết sức tốt đẹp. Cho nên, những người gần gũi ta thường kề tai rót vào lời đường mật ngọt ngào, chúng ta phải suy đi ngẫm lại những điều họ nói, những điều họ làm, có tương ưng với những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát hay không. Nếu không tương ưng thì không thể tiếp nhận.
Cho nên, cần phải khuyên bảo, khuyến khích nhau học Phật, quy y Phật pháp, như vậy là chính xác. Nhất định phải biết rằng đời người ngắn ngủi, khổ đau. Chúng ta thường nhìn thấy trong những bạn bè thân thiết, những người giao hảo lâu ngày với mình, năm năm tháng tháng đều có kẻ lìa đời, người có sự cảnh giác thì quả thật nhìn thấy như thế phải buồn thương kinh sợ. Thời gian trôi qua hết sức nhanh chóng, vừa chớp mắt thì bản thân mình cũng đã già, đã sắp đến lượt mình [ra đi] rồi. Lúc đó chúng ta biết phải làm sao?
Người không học Phật thì đối với chuyện đời sau có sự hoài nghi, họ không thể khẳng định. Quý vị đồng tu học Phật, đối với chuyện này hầu như ai cũng có thể khẳng định, con người nhất định phải có đời sau. Thời gian trong đời này rất ngắn, thời gian những đời sau mới lâu dài. Người có thể nghĩ đến đời sau là có trí tuệ. Trong mấy chục năm ngắn ngủi ở đời này, chịu một chút khổ não có đáng gì? Nhất định phải hiểu được việc dứt ác tu thiện, tích lũy công đức, nghĩ đến cho đời sau.
Thiện pháp hàng đầu ở thế gian chính là những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Vì sao tôn xưng lời dạy của chư Phật, Bồ Tát là thiện pháp hàng đầu? Chư Phật, Bồ Tát là bậc giác ngộ triệt để, đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh đã thấu hiểu rốt ráo trọn vẹn. Đó là điều mà người bình thường không thể sánh được. Lời của các ngài chân thật, sự dạy bảo của các ngài không có sai lầm, chúng ta có thể tin tưởng, có thể tiếp nhận, đó là ta có phúc. Phúc báo này là phúc báo chân thật. Nhà Phật thường nói: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng.” (Thân người khó được, Phật pháp khó gặp.) Chư Phật, Bồ Tát là bậc thiện tri thức chân thật, chúng ta từ khi được gặp rồi thì nhất định phải thân cận với các ngài, không nên xem thường dễ dàng bỏ qua.
Tôi thường khuyên bảo mọi người, hãy buông bỏ đi mọi thành kiến của bản thân mình, buông bỏ đi những cách nghĩ, cách nói, cách làm của mình, tuân theo lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, thì một đời này của chúng ta mới không uổng phí, một đời này không rơi vào đọa lạc.
Muốn lập công lớn, muốn thành tựu nghiệp lớn, công lớn nghiệp lớn chính là việc hoằng pháp lợi sinh, thì trước tiên phải thành tựu đức hạnh, thành tựu học vấn của chính bản thân mình. Đương nhiên điều này cũng phải ngưỡng mong sự gia trì của Tam bảo, nhưng chỉ cần chúng ta chân chính phát tâm, thực sự chịu nỗ lực làm thì sẽ được chư Phật, Bồ Tát quan tâm hộ trì trong đời này. Điều này là một sự thật muôn phần chính xác.
Tuyệt đối không được nghĩ đến lợi ích riêng của bản thân mình, hết thảy đều đã được chư Phật, Bồ Tát an bày, chúng ta lo nghĩ đến nào có ích gì? Tự mình chỉ hết lòng hết sức lo việc hoằng pháp lợi sinh thôi, như vậy mới được.
Đoạn tiếp theo bên dưới là: “Có mới nới cũ, ngoài miệng nói đúng trong lòng nghĩ sai.” Đây là chuyện đại ác. Trong phần chú giải nói rất rõ ràng: “Chuyện nhỏ là như y phục, đồ dùng; chuyện lớn là như tình bạn bè thân hữu.” Người xưa thường nói, bạn bè giao hảo lâu năm là tốt. Nhưng chúng ta cũng không thể nói những bạn bè mới quen là không tốt. Chỉ có điều, vừa giao du với bạn bè mới thì quên lãng, lánh xa những bạn bè cũ. Như vậy là sai lầm, mọi người trong xã hội sẽ nhìn quý vị là người bạc nghĩa. Con người không quên cội gốc, thường nhớ nghĩ việc xưa, từ đó mới thấy được tâm địa của quý vị là chân chất thành thật. Nói thật ra, quý vị thực sự nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ trong xã hội chính là từ những người bạn lâu năm. Giao tình sâu sắc, không lúc nào quên đi những giao tình cũ, đó là vun bồi nuôi dưỡng sự chân chất, thành thật của bản thân mình.
Miệng nói, lòng nghĩ, đặc biệt phải tương ưng, phù hợp với nhau. Quý vị xem, trong kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu đức Phật đã dạy chúng ta, chỗ khởi sự công phu tu hành chuyển ác làm lành là phải khéo giữ gìn, bảo vệ ba nghiệp. Câu đầu tiên trong đoạn này lại dạy chúng ta “khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chê bai lỗi người khác”.
Tôi ở Singapore gặp được [nữ] cư sĩ Hứa Triết, rất nhiều bạn đồng tu chúng ta cũng đều đã gặp. Bà ấy một trăm lẻ một tuổi [vẫn khỏe như] người trẻ tuổi. Năm nay bà đã một trăm lẻ một tuổi mà nhìn dáng vẻ chỉ như một người không quá bốn, năm mươi, thân thể khỏe mạnh biết bao. Bà tu dưỡng thế nào được thành công như vậy? Đó là suốt một đời bà không sinh phiền não, suốt một đời không bực tức giận hờn, suốt một đời không nhìn thấy ai là sai trái.
Cho nên, trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật dạy: “Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chê bai lỗi người khác; khéo giữ gìn thân nghiệp, không phạm vào oai nghi giới luật; khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm ô.” Những lời dạy này, bà Hứa Triết đều đã làm được. Tuy [lúc trước] bà chưa phải là tín đồ Phật giáo, cũng chưa từng đọc qua kinh điển, thế nhưng bà đã làm được tất cả. Trong [Pháp Bảo] Đàn kinh, Đại sư Lục tổ Huệ Năng nói: “Nếu người thực sự tu hành, không nhìn thấy lỗi lầm của người đời.” Bà Hứa Triết làm được như vậy. Chúng tôi đến thăm bà, trò chuyện với bà, bà ấy chỉ thấy lỗi lầm của bản thân mình, không thấy lỗi lầm của người khác.
Sống chung với người khác mà không sống được thì phải tự suy ngẫm lại bản thân mình đã làm điều gì không tốt, không thể cho rằng người khác không đúng, chỉ có mình đúng. [Làm được] như thế mới là người tu hành.
Chúng ta ngày nay tu hành vì sao không thành tựu? Vì chúng ta khởi tâm động niệm đều cho rằng người khác không đúng, chỉ có mình đúng. Quý vị đồng tu tỉnh táo mà suy ngẫm xem, rốt lại thì cái gì là đúng, cái gì không đúng? Trong chuyện này có bài học lớn lao, nghĩa lý cực kỳ sâu xa. Đồng tử Thiện Tài tham học năm mươi ba lần, chúng ta quan sát thật kỹ xem ngài học được điều gì? Thành tựu một đời của Đồng tử Thiện Tài chính là không nhìn thấy lỗi của người đời. Chỉ thấy lỗi của bản thân mình, không thấy lỗi của người đời, cho nên mỗi ngày đều có thể phản tỉnh, có thể sửa lỗi, có thể tự thay đổi làm trong sạch bản thân, một đời thành Phật.
Ngày hôm qua tôi có nói với quý vị, đó là lời chân thật. Hoàn cảnh thuận hay nghịch cũng đều là hoàn cảnh tốt để tu học thành tựu; người thiện kẻ ác đều là bậc thiện tri thức chân thật của người tu hành. Làm sao tu hành công đức viên mãn? Trong chỗ thuận cảnh hay nghịch cảnh đều sinh tâm bình đẳng. Những phẩm tính chân thành, thanh tịnh, bình đẳng từ đâu mà tu tập? Chính là từ trong các hoàn cảnh thuận hay nghịch mà tu. Thiện hay ác là do người tu tập từ trong sự việc. Từ đó nhập vào pháp môn chẳng phân hai, chúng ta mới đạt đến đại viên mãn.
Hãy thường suy ngẫm những lời dạy của Lục tổ trong Đàn kinh. Chúng ta nếu nói đến thuận cảnh hay nghịch cảnh, Lục tổ nhất định sẽ dạy: “Thuận với nghịch là hai pháp, hai pháp không phải Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng phân hai.” Nói đến kẻ thiện người ác, thì “thiện với ác là hai pháp, hai pháp không phải Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng phân hai.” Quý vị từ chỗ này phải thể hội được.
Cho nên, thế nào là Phật pháp Đại thừa? [Phát sinh từ] nhiều nguồn cội (đa nguyên) nhưng tánh thể không khác (nhất thể), đó là Phật pháp Đại thừa. Có [hoàn cảnh] thuận, nghịch hay không? Có [con người] thiện, ác hay không? Quả thật có, đó là nhiều nguồn cội, nhưng nhiều nguồn cội (đa nguyên) đó vẫn cùng một tánh thể (nhất thể). Chúng ta từ chỗ nhiều nguồn cội mà có thể chứng đắc được một tánh thể liền thành tựu, quý vị liền nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị.
Nếu dừng ở chỗ nhiều nguồn cội mà không thể khế nhập một tánh thể thì quý vị là phàm phu. Nói cách khác, quý vị không thoát được ra khỏi sáu đường luân hồi. Quý vị khởi tâm động niệm, nói năng hành động hết thảy đều tạo nghiệp. Điều này hết sức phiền toái, vì nghiệp chiêu cảm quả báo.
Nếu quý vị khế nhập một tánh thể, liền được giải thoát, siêu thoát phàm phu, nhập vào thánh vị. Điểm then chốt quan trọng chính là chỗ này. Mong rằng mọi người có thể suy ngẫm nhiều, làm cách nào khế nhập?
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.