(Giảng ngày 16 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 191, số hồ sơ: 19-012-0191)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 121: “Thủ phi nghĩa chi tài giả, thí như lậu bô cứu cơ, chậm tửu chỉ hạt. Phi bất tạm bão, tử diệc cập chi.” (Kẻ chiếm lấy tiền tài phi nghĩa cũng giống như dùng thịt thối cho đỡ đói, uống rượu độc cho đỡ khát. Chẳng những không tạm no lòng mà cái chết đã đến.)
Phần chú giải vừa mở đầu đã cho ta biết: “Đoạn này trình bày rõ cái hại của sự tham lợi. Vì lòng tham lợi của người đời quá nặng nề nên ở đây không ngại lặp lại nhiều lần. Đức Thái Thượng có lòng từ bi, đinh ninh dặn dò nhiều lượt, cặn kẽ đến nơi đến chốn.” Những lời này hết sức khẩn thiết, mỗi câu mỗi chữ đều chân thật.
Những lời răn dạy của các bậc thánh hiền không ngại sự lặp đi lặp lại, so với văn học thế gian thật không tương đồng. Văn học chú trọng nơi vẻ đẹp văn chương, tránh sự lặp lại. Người Trung quốc xưa [trong văn chương] đòi hỏi sự giản yếu, tường minh. Thế nhưng chư Phật, Bồ Tát khuyên bảo dạy dỗ chúng sinh, tập khí của chúng sinh hết sức nặng nề, tuyệt đối không chỉ đôi ba câu mà có thể khiến cho họ quay đầu hướng thiện. Cho nên các ngài phải hết sức khó nhọc đem tâm từ bi, không ngại sự lặp đi lặp lại nhiều lần răn dạy. Chúng ta xem trong kinh Phật thấy được điều này rất nhiều. Trong một bộ kinh Đại Bát-nhã, hai câu “vô sở hữu” với “bất khả đắc” được lặp lại cả mấy ngàn lần, khiến người xem có ấn tượng rất sâu sắc. Kinh Kim Cang tuy không dài lắm, chỉ hơn năm ngàn chữ, nhưng câu “thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết” được lặp lại đến mấy chục lần. Nói chung, những khai thị trọng yếu thì chư Phật, Bồ Tát đều không ngại phiền phức, thường xuyên lặp lại.
Văn chương của Cảm ứng thiên là do người Trung quốc viết ra, những chỗ lặp lại không nhiều, so với kinh điển giáo pháp của Phật có khác nhau. Thế nhưng những chỗ trọng yếu, khi giảng đến nghiệp nhân quả báo của [các hành vi] “sát, đạo, dâm, vọng” (giết hại, trộm cướp, dâm dục, dối trá) thì cũng lặp lại nhiều lần. Ý nghĩa này chúng ta phải nhận hiểu thật sâu xa. Nhất là đối với con người trong xã hội hiện đại, mê muội đã quá lâu, sự dụ dỗ mê hoặc trong xã hội quá mạnh mẽ, nếu như mỗi ngày không được nghe đinh ninh dặn đi dặn lại, trong xã hội này mà không bị dụ dỗ mê hoặc, không rơi vào đọa lạc, người như thế nhất định là bậc tái sinh, quyết định không phải kẻ phàm phu. Phàm phu khẳng định là không làm được như vậy.
Tôi có nghe một số vị đồng tu nói, Trung quốc đại lục có rất nhiều vị pháp sư trẻ tuổi, có chí học tập kinh điển giáo pháp, phát nguyện hoằng pháp lợi sinh, họ rất khó khăn mới có được một cơ hội đi đến Hương Cảng, đến nước ngoài học tập, thế nhưng không bao lâu sau lại nghe nói họ đã hoàn tục, đã thối lui, sa đọa. Nguyên nhân là gì? Vì không chống nổi với sự mê hoặc dụ dỗ của ngoại cảnh, sự mê hoặc dụ dỗ của năm món dục trong sáu trần cảnh. Điều này biểu hiện đầy đủ lời dạy trong Phật pháp: “Trong thời mạt pháp, chánh pháp yếu ớt, tà ma cường thịnh.”
Thế nào là chánh pháp yếu ớt? Là sức tu dưỡng, học tập của chúng ta đối với Phật pháp hết sức yếu ớt. Thế nào là tà ma cường thịnh? Là sức dụ dỗ, mê hoặc của bên ngoài hết sức lớn lao, mạnh mẽ. Phát khởi được tâm nguyện tốt đẹp nhưng không chống lại được sự dụ dỗ mê hoặc, từ xưa đến nay không có ngoại lệ. Vào thời xưa, lòng người thuần phác chân chất, cũng vẫn có sức dụ dỗ mê hoặc nhưng không quá lớn mạnh, người có chút tâm đạo vẫn có thể chống chọi được. Trong tình huống đó mà quý vị xem các bậc tổ sư, đại đức xây dựng đạo trường, nuôi dưỡng nhân tài, cũng vẫn tìm đến những nơi núi cao rừng sâu, cách biệt hẳn với nông thôn. Chúng ta có thể hình dung được sự khổ tâm [ngăn ngừa] của các vị. Ở những nơi rừng sâu núi cao, việc cung cấp vật tư, đồ dùng hết sức bất tiện, đều cần đến nhân công vận chuyển, vậy mục đích là gì? Chúng ta hiện nay nhận hiểu rõ ràng, đó là cố hết sức giúp những người mới học giảm thiểu ngoại duyên, giảm thiểu sự dụ dỗ mê hoặc từ bên ngoài, giúp họ đạt được sự định tâm. Cho đến khi thực sự thông đạt sáng tỏ được sự lý nhân quả của nhân sinh vũ trụ, có thể chống chọi vượt qua sự khảo nghiệm, khi ấy mới cho phép xuống núi, gánh vác sứ mạng giáo hóa chúng sinh.
Nếu như không có được năng lực như thế, trí tuệ như thế, quyết định không được rời khỏi tự viện, không được rời khỏi thầy. Đó là bậc thầy ở đạo trường có ơn sâu đức lớn, giúp cho người tu học có nhân duyên phát triển tốt.
Thời xưa như vậy được, ngày nay thì rất khó khăn. Hiện tại do đâu mà khó khăn? Do phong khí xã hội đã thay đổi, trào lưu đã thay đổi. Hiện tại trên toàn thế giới nhấn mạnh vào các yếu tố dân chủ, tự do, khai phóng. Trong Phật pháp có nói đến dân chủ, tự do, khai phóng hay không? Xin thưa cùng quý vị là có. Nhưng đến thời điểm nào mới nói dân chủ, tự do, khai phóng? Là sau khi đã sáng rõ tâm ý, thấy được tự tánh. Cho nên, thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc, pháp giới nhất chân đều là khai phóng, đều là tự do, không hề có mảy may hạn chế. Thế nhưng việc dạy dỗ trong mười pháp giới, trong sáu đường luân hồi thì như vậy không được. Những chúng sinh này chưa giác ngộ. Khi chưa giác ngộ thì thực sự cần có sự quản thúc dạy bảo. Không nghe theo sự quản thúc dạy bảo thì quyết định không thể thành tựu.
Việc đề cao dân chủ, tự do, khai phóng hiện nay là khuynh hướng. Nếu chúng ta phản đối, như vậy là không hợp trào lưu. Nhưng trong thực tế, chính khẩu hiệu “dân chủ, tự do, khai phóng” đã phá hoại chánh pháp, phá hoại sự bình an ổn định, phá hoại hòa bình thế giới. Nếu quý vị hết sức tỉnh táo quan sát, suy xét thì mới hiểu được. Con người khi chưa giác ngộ thì vẫn còn tự tư tự lợi, vẫn còn danh văn lợi dưỡng, vẫn còn tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn. Các bậc đại thánh đại hiền ở thế gian cũng như xuất thế gian chỉ cho quý vị sự tự do có mức độ hạn chế, cho phép quý vị được dân chủ, tự do, khai phóng trong chừng mực có giới hạn.
Việc này cũng giống như trường hợp quản lý học sinh. Học sinh tiểu học chưa biết gì, việc quản thúc dạy bảo phải hết sức nghiêm ngặt. Nói cách khác là dân chủ, tự do, khai phóng ở mức độ hết sức hạn hẹp. Đến khi học lên trung học, dần dần lớn tuổi hơn, trí tuệ dần khai mở, mức độ dân chủ, tự do, khai phóng được nới rộng hơn một chút. Lên đến đại học, quý vị đã có năng lực phân biệt tà chánh, đúng sai, mức độ dân chủ, tự do, khai phóng lại càng mở rộng thêm nữa.
Các bậc thánh hiền giáo hóa chúng sinh cũng giống như vậy. Cho nên, đạt đến mức hoàn toàn khai phóng thì đó là bậc Pháp thân Đại sĩ, hai loại phiền não kiến hoặc và tư hoặc của quý vị đã phá trừ, vô minh trần sa đã phá sạch. Như vậy mới có thể được. Nếu như ở địa vị phàm phu mà không có sự hạn chế mức độ khai phóng, sẽ có những điều này điều khác chướng ngại sự tu học của chúng ta, quyết định sẽ làm tăng trưởng phiền não, chúng không giúp tăng trưởng trí tuệ, chỉ khiến cho những tâm niệm riêng tư, tự tư tự lợi, tham sân si mạn của quý vị ngày càng tăng thêm. Đó là chướng đạo. Nói chung, những điều chướng đạo thì đều là phương pháp của ma làm hại chúng sinh, không phải phương pháp của Phật cứu độ chúng sinh, chúng ta phải từ chỗ này mà nhận hiểu.
Những lời răn dạy của bậc thánh hiền so với văn học thế gian hoàn toàn không tương đồng. Kinh Phật khi được phiên dịch tại Trung quốc phải biến đổi phần nào, vì người Trung quốc chuộng văn vẻ hoa mỹ, đã đem những chỗ lặp đi lặp lại trong kinh điển lược bỏ đi không ít, làm đơn giản đi. Các bậc cổ đức từng nghĩ đến việc này, vẫn bảo tồn được một phần những chỗ lặp đi lặp lại, đó là những chỗ thật không thể không bảo tồn. Nếu như cứ hoàn toàn y theo tiêu chuẩn [văn chương] của người Trung quốc thì Phật pháp không cứu độ được người Trung quốc. Cho nên, thể tài của kinh Phật, trong văn học sử [Trung quốc] được gọi là “văn biến thể”. Không phải văn pháp chính quy của người Trung quốc mà thuộc loại biến thể, một số người gọi là văn thông tục, văn bạch thoại, so với cổ văn của Trung quốc thì rõ rệt, đơn sơ hơn. Nói tóm lại, đó là mong cho mọi người vừa xem qua có thể hiểu rõ ngay, có thể được lợi ích ngay. Đó là trí tuệ của các bậc đại sư dịch kinh, là phương tiện khéo léo.
Cho nên, bản văn Thái Thượng Cảm ứng thiên trong phần cuối cùng đem những điều sát, đạo, dâm đặc biệt lặp lại, dùng những ví dụ để nói rõ nghiệp tội hết sức nặng nề của những hành vi giết hại, trộm cướp, dâm dục.
Vào thời xưa, “bô” là loại thịt làm khô, “lậu” là bị hư hoại, thối rửa, người hiện nay nói là có nhiều vi khuẩn độc hại, không thể ăn được. “Chậm tửu” thì quý vị đều biết là nói rượu độc. Quý vị đói khát, dùng những món [thịt thối, rượu độc] này để ăn uống vào, không những quý vị không được tạm no lòng mà cái chết đã đến ngay.
Trong phần chú giải nói: “Người đời phạm những tội dâm sát hung nghịch, đều là những việc như vậy không dễ làm, những người như vậy không thường thấy.” Đó là nói người xưa. Đối với người hiện tại thì những chuyện dâm sát hung nghịch này, những điều hung nghịch trái với luân thường, hiện tại trong thế gian này chúng ta vẫn thường nghe nói, như con cái giết cha mẹ, anh em tàn sát lẫn nhau, những việc như vậy rất thường nhìn thấy. Thời xưa là không dễ làm, không dễ thấy, hiện tại rất dễ thấy, chúng ta vẫn thường đọc thấy trên báo chí. Quý vị nói xem, xã hội như vậy sao có thể được?
“Chỉ riêng việc cướp lấy tiền tài thì thiên biến vạn hóa, không thể biết hết.” Thế nhưng việc cướp lấy tiền tài người khác thì ở thời xưa cũng thường gặp. “Thiên hạ không ngày nào không dùng đến tiền tài, cho nên trong thiên hạ lúc nào cũng có những kẻ cướp lấy tiền tài người khác.” Đó là bất nghĩa, không đáng giữ lấy, không phải họ xứng đáng có được, toàn là dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính để có được. Những kẻ ấy không biết rằng hậu quả tai hại rất lớn, họ không hề nghĩ đến.
Trong kinh điển, đức Phật dạy chúng ta rằng nhân quả tương thông cả ba đời [quá khứ, hiện tại và tương lai], thiếu nợ mạng sống quyết định phải đền mạng, thiếu nợ tiền quyết định phải trả tiền, không thể trốn tránh được. Việc gì phải thiếu để đời sau phải trả? Đó là hành vi bất trí hơn hết, là việc làm ngu xuẩn hơn hết.
Có người cho tôi biết, hôm nay báo đăng việc Hàn quốc vừa giết đến mấy chục ngàn con trâu. Giết hại mạng sống thì phải đền mạng, mấy chục ngàn con trâu đó, thật khó nói là không ôm hận muốn báo thù. Chúng quay lại báo thù, quý vị làm sao chịu nổi?
Trong kinh điển, Phật dạy rằng tai nạn mà nghiệp giết hại chúng sinh chiêu cảm đến chính là kiếp nạn đao binh, là chiến tranh. Chiến tranh khởi sinh thế nào? Là do oan oan tương báo. Làm sao hóa giải? Phải dùng tâm từ bi hóa giải. Các loài trâu dê, những gia súc của quý vị sinh bệnh đều thuộc về nghiệp báo. Vì sao chúng sinh bệnh? Vì tâm tham lam của con người làm cho chúng sinh bệnh. Người Trung quốc xưa nói rất đúng: “Bệnh từ nơi miệng vào.” Quý vị nuôi trâu dê, cho chúng ăn những gì? Hiện tại toàn là dùng đến những chất hóa học nhân tạo để bồi dưỡng, cho nên gia súc ăn vào những thứ ấy không hợp vệ sinh, bệnh tật của chúng là do quý vị gây ra. Quý vị làm cho chúng sinh bệnh, quý vị không trị bệnh cho chúng, lại mang chúng ra giết hết, oán khí ngút ngàn này thoát đi đâu cho hết? Cho nên suy ngẫm đến chỗ này thì biết là hậu quả rất đáng sợ. Việc này thật không dám làm! Người hiểu rõ được đôi chút lý lẽ, quyết định không dám làm.
Người thông đạt lý lẽ, gặp phải tình hình [gia súc mắc bệnh quá nhiều như thế] này tuyệt đối không dùng thủ đoạn [giết sạch] như vậy để xử lý, mà cần phải nghiên cứu cải tiến, thay đổi thức ăn cho gia súc.
Trong Phật pháp dạy rằng, hết thảy mọi người trong xã hội đều phải tu dưỡng tâm từ bi. Trong con mắt của người thế gian hiện tại thì Phật pháp là một tôn giáo, là mê tín, hoàn toàn không thể tiếp nhận được. Như vậy thì thật là hết cách! Chúng ta từ chỗ hết sức nhỏ nhặt mà quan sát, trong nhà bếp của gia đình chúng ta đều có những con vật nhỏ như ruồi, kiến, gián... thường thường xuất hiện. Người không hiểu Phật pháp vẫn thường dùng thuốc trừ côn trùng để đối phó với những con vật nhỏ bé này, giết sạch chúng đi. Thế nhưng rồi vẫn thường nhìn thấy chúng. Người học Phật dùng phương pháp khác hơn, quyết định không giết hại những con vật này, quyết định dùng tâm từ bi đối đãi với chúng, nhưng ngược lại chỉ qua một thời gian tự nhiên không còn thấy chúng nữa. Bởi chúng có linh tính, chúng biết cảm động. Quý vị đối tốt với chúng, chúng không đến quấy nhiễu quý vị. Quý vị đối với chúng không tốt, xem thường chúng, giết hại chúng, chúng không đủ sức lực để báo thù, một mai khi có sức mạnh chắc chắn chúng sẽ báo thù.
Cho nên, giới “không giết hại” phải nghiêm cẩn giữ theo, cùng với các giới “không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối”, nhà Phật gọi là bốn giới quan trọng. Đây là bốn điều giới căn bản, quyết định phải thọ trì. Đem tâm trì giới, ý niệm trì giới mà tu tập mười nghiệp lành thì mười nghiệp lành đó mới có thể tu tập được đầy đủ trọn vẹn.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.