(Giảng ngày 7 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 125, số hồ sơ: 19-012-0125)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Đoạn thứ 58 trong Cảm ứng thiên là: “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật.)
Câu thứ hai của đoạn này bao quát một phạm vi rất lớn, ý tứ suy rộng ra lại càng nhiều hơn. Trong phần chú giải chỉ đơn giản nêu ra một số trường hợp điển hình, giải thích rằng: “Phương thuật là nói y thuật, chiêm bốc, thiên văn, tướng số, cùng với hết thảy mọi kỹ năng nghề nghiệp, thảy đều là phương thuật. Người bình thường có thể học lấy để nuôi thân, bậc cao minh sử dụng để cứu nhân độ thế. Nếu che giấu ngăn trở, khiến cho [những thứ này] không được lưu hành vận dụng, cũng là làm cho đạo lớn không được rộng truyền, khiến phải có nhiều người thất nghiệp đói rét khắp bốn phương.”
Câu này chúng ta có thể lưu tâm suy ngẫm kỹ. Nói cách khác, nếu có thể làm lợi ích xã hội, tạo phúc cho chúng sinh thì hết thảy những lý luận cũng như phương pháp đó đều phải để cho lưu hành thông suốt không ngăn trở.
Cho nên, ở cuối cùng của mỗi bộ kinh đều có một phần lưu thông, quý vị hãy suy ngẫm ý tứ, đó chính là hy vọng những ý nghĩa, phương pháp [trong kinh] có thể được lưu hành rộng khắp mười phương, thông suốt ba đời. Như vậy mới có thể khiến cho hết thảy chúng sinh đều được lợi ích. Nếu như ngăn cản, gây chướng ngại sự lưu thông thì tội lỗi ấy hết sức nặng nề.
Người thế gian hiện nay, bất kể là người trong nước hay ở nước ngoài, đều có một quan niệm sai lầm nghiêm trọng, đó là bảo vệ, giữ gìn quyền lợi riêng tư của bản thân. Quan niệm ấy rất sai lầm. Bảo vệ, giữ gìn quyền, lợi ích của riêng mình, đó là gây chướng ngại cho sự lưu thông. Tự thân mình đạt được lợi ích, có thể nói là hết sức hữu hạn, nhưng lại tạo thành tội nghiệp vô lượng vô biên, đó là điều mà người ta không hề nghĩ đến.
Trong kinh điển, giáo pháp, đức Phật dạy chúng ta rằng tiền của sang giàu đều là quả báo. Đem tiền của bố thí là tạo nhân, bố thí càng nhiều được quả báo càng lớn. Người không chịu bố thí phải nhận chịu quả báo nghèo cùng khốn khó. Người không chịu bố thí pháp phải nhận chịu quả báo ngu si. Người không chịu thực hành pháp bố thí vô úy, đem lại sự an ổn cho người khác, phải nhận chịu quả báo nhiều bệnh tật, mạng sống ngắn ngủi. Những lời này là chân thật, không hề giả dối.
Cho nên, hoan hỷ bố thí tiền tài thì được giàu có lớn. Hoan hỷ bố thí pháp thì được thông minh trí tuệ. Hoan hỷ tu tập bố thí vô úy, che chở, mang lại sự an ổn cho người khác thì được khỏe mạnh sống lâu. Chỗ mong cầu, tìm kiếm của người thế gian chính là được giàu sang phú quý, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu, thế nhưng lời nói việc làm của họ đều hoàn toàn trái ngược.
Tuy là trái ngược như vậy, nhưng trong thực tế chúng ta lại nhìn thấy rất có vẻ như họ cũng có chỗ đạt được. Như vậy là ý nghĩa gì? Đức Phật giải thích với chúng ta, những điều họ đạt được trong đời này là do những gì đã tu tích trong đời quá khứ, vì nhân quả tương thông cả ba đời [quá khứ, hiện tại và tương lai]. Hiểu rõ được ý nghĩa này, chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại thánh đại hiền trong thế gian cũng như xuất thế gian, mỗi lúc khởi tâm động niệm đều là vì lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh, đều mong cho hết thảy chúng sinh đều được giàu sang phú quý, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu.
Cho nên, mỗi một phương pháp, kỹ năng, thủ thuật khéo léo, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng không được ngăn cản việc truyền dạy cho người khác, phải mong sao cho hết thảy chúng sinh đều thông đạt, đều hiểu biết sáng tỏ, đều giúp người có được. Đó là tâm thánh hiền, tâm Bồ Tát. Sao lại có thể gây chướng ngại việc làm của người khác? Dù một ý niệm như thế cũng không được khởi sinh.
Trong nhà Phật, vào thời xưa đích thực là không hề có những ý niệm như thế. Chúng ta xem trong các sách xưa, phía sau không hề thấy ghi trang bản quyền, mà ở cuối sách thường có một trang in mấy chữ rất lớn: “Hoan nghênh góp sức lưu thông, công đức vô lượng”, hoặc là “Hoan nghênh việc in lại”. Hết thảy đều có in những trang như vậy.
Kinh sách trong hiện tại thì khác. Ngay cả việc in ấn Đại Tạng Kinh thì phía sau cũng có trang bản quyền ghi rõ “Sách giữ bản quyền, nghiêm cấm in lại”. Trước mắt những người làm như vậy có chút lợi ích, nhưng quả báo là nơi địa ngục A-tỳ, vĩnh viễn không siêu thoát được. Nguyên nhân vì sao? Vì họ trộm cắp bản quyền của Phật tổ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni không hề giao bản quyền cho họ, các bậc đại đức tổ sư cũng không giao bản quyền cho họ, nên nói là họ đã trộm cắp bản quyền.
Các bậc hiền thánh xưa, chư Phật, Bồ Tát đã lưu lại di sản như thế, hết thảy chúng sinh trong thế gian mỗi người đều có phần, quý vị sao có thể độc chiếm làm của mình? Quý vị nghĩ xem, tội lỗi ấy thật quá nặng nề. Việc này trong hiện tại có rất nhiều người xem thường, thậm chí có những vị pháp sư xuất gia cũng xem thường bỏ qua việc này.
Năm trước, pháp sư Diễn Bồi đến Đài Loan, ông ấy rất vui đến ngụ tại Cơ Kim Hội của chúng ta. Tôi tiếp đãi ông ấy hết sức chu đáo. Pháp sư nhìn thấy những kinh điển, sách khuyến thiện mà tôi đã in ấn, lưu hành trên khắp thế giới. Xem qua một lượt, không thấy quyển sách nào của ông ấy cả. Pháp sư liền hỏi tôi: “Pháp sư Tịnh Không, trong số kinh sách thầy in ấn lưu hành, vì sao sách của tôi lại không có quyển nào?” Tôi đáp: “Lão pháp sư, sách của thầy ở phía sau đều ghi rõ: ‘Sách giữ bản quyền, nghiêm cấm in lại’, như vậy thì ai dám động vào chứ?” Pháp sư nghe như vậy thì lắc đầu, có vẻ hối hận.
Chúng ta là người học Phật, quyết định không làm những việc phạm pháp. Quý vị nói giữ bản quyền thì tôi tuyệt đối không in ấn sách của quý vị. Quý vị tự có nhân quả của mình, tôi có nhân quả của tôi, tôi chỉ tìm những kinh sách nào không giữ bản quyền để in ấn.
Hiện nay chúng ta cũng có một điểm mạnh, [sách của] chúng ta có thể tái bản lưu hành. Pháp sư Diễn Bồi nói với tôi, bản quyền của ông ấy bị người ta mua đứt hết rồi. Khi ấy tôi có hỏi ông: “Thầy muốn bán bản quyền, sao không đến tìm tôi? Cơ Kim Hội có thể mua bản quyền của thầy để lưu hành trên toàn thế giới. Thầy bán cho những người kinh doanh sách, họ có thể in được bao nhiêu bản? Có thể bán được bao nhiêu bản? Sự giáo hóa của thầy như vậy không thể phổ biến rộng khắp đến với tất cả chúng sinh, tâm huyết một đời của thầy bị sai lầm ở chỗ này.” Đó là một trường hợp ví dụ rất hay.
Pháp sư Diễn Bồi với tôi là bạn tốt, chúng tôi gặp nhau thì không việc gì không bàn đến. Cho nên, cuối cùng ông ấy cũng còn được mấy quyển sách chưa bán bản quyền, liền giao hết cho Cơ Kim Hội. Đại khái được khoảng hai, ba loại sách, tôi cũng mang ra in ấn lưu hành rộng rãi.
Người hiện nay nhấn mạnh vấn đề này là “quyền tài sản trí tuệ”. Chúng ta là người đọc kinh Phật phải hiểu rõ ràng, quả báo của “quyền tài sản trí tuệ” này là gì? Đời đời kiếp kiếp phải ngu si, là như vậy đó.
Trong sự cạnh tranh trên thương trường, vì bảo vệ gìn giữ quyền và lợi ích của riêng mình nên sản phẩm quyết định không để cho người khác bắt chước, mô phỏng theo. Như vậy đều là vì lợi ích riêng tư, không phải vì xã hội, không phải vì chúng sinh. Nếu vì xã hội, vì chúng sinh là vô lượng vô biên phước báo. Người đem hết tâm ý ra mưu cầu [lợi ích riêng tư như vậy], có được phước báo hay không? Dù mảy may cũng không hề có được. Đời này họ đạt được điều gì chính là nhờ đời trước có tu tích, nhưng đời sau thật rất đáng thương. Phước báo tích lũy trong đời quá khứ đã hưởng hết rồi, một đời này lại không tu phúc, chỉ tạo tội nghiệp, ví như được giàu có lớn, cũng tham gia một chút sự nghiệp từ thiện xã hội, cũng đóng góp cho xã hội, nhưng chỉ là chuyện nhỏ, “ủng tắc phương thuật” (che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật) lại là điều ác lớn. Việc thiện nhỏ không chống nổi với điều ác lớn.
Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này, phải nhận biết chân tướng sự thật. Mỗi khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động, phải luôn nghĩ đến phúc lợi của toàn xã hội, đến hạnh phúc của hết thảy chúng sinh. Cho nên, trong quá khứ ở thư viện của chúng ta, Cơ Kim Hội, rồi hiện nay là đạo trường Cư Sĩ Lâm và Tịnh Tông Học Hội, xuất bản ra bao nhiêu kinh sách, băng từ, băng ghi hình, đĩa DVD, toàn bộ đều không giữ bản quyền. Hơn nữa cũng không có bất kỳ hình thức nào bán ra bên ngoài. Toàn bộ chúng ta đều biếu tặng, cúng dường miễn phí.
Vì vậy có rất nhiều đồng tu đến Singapore tham quan, đến cộng tu, đều nhìn thấy đạo trường này ngày càng hưng vượng. Nguyên nhân nào tạo thành hiện tượng này? Là nhờ chúng ta siêng tu ba loại bố thí.
Đối với tài thí thì thực phẩm, quần áo, thuốc men, hết thảy các thứ chúng ta đều quan tâm chu đáo. Đạo trường Cư Sĩ Lâm mỗi ngày có đến hơn ngàn người ăn, chủ nhật và ngày nghỉ có đến ba, bốn ngàn người. Tại đây mỗi ngày cúng dường ba bữa cơm, còn có thêm hai bữa ăn nhẹ, trong hai mươi bốn giờ không ngừng cung cấp. Tiền bạc không thu một xu nào, hoan nghênh quý vị đến dùng cơm, bất kể là quý vị có học Phật hay không, quý vị hủy báng Phật, khinh nhờn Phật, chúng tôi vẫn hết sức hoan nghênh quý vị.
Việc pháp thí còn làm được nhiều hơn.
Về tài thí, chúng ta cũng cúng dường đến các tôn giáo khác, đến các chủng tộc khác. Đối tượng bố thí của chúng ta là hướng ra toàn thế giới. Không ít người thấy vậy đến hỏi cư sĩ Lý Mộc Nguyên, hiện là Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm: “Tiền của các ông do đâu mà có? Sao có thể nhiều đến thế?” Cư sĩ Lý Mộc Nguyên trả lời hết sức thâm sâu: “Chúng tôi có ông chủ đứng sau, một ông chủ cực kỳ giàu sang, cực kỳ trí tuệ.” Lại hỏi: “Ông chủ đó là ai?” Đáp: “Là đức Phật A-di-đà.”
Chúng ta chỉ cần thực sự nỗ lực làm, chứng minh cho ý nghĩa Phật dạy trong kinh điển cùng với chân tướng sự thật, đó là càng bố thí càng có nhiều hơn. Cho nên, quý vị không nên lo sợ, tâm lượng của quý vị phải rộng mở ra, vì rộng khắp mọi người trong xã hội mà phục vụ, vì hết thảy chúng sinh mà phục vụ, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt biên giới quốc gia, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng. Đối với hết thảy đều một mực bình đẳng phục vụ, đem tâm chân thành thương yêu, không một mảy may kiêng dè tránh né.
Trong quá khứ, mọi người đều đọc thấy những lời Phật dạy trong kinh điển, nhưng không hề được thấy chân tướng sự thật. Hiện nay chúng ta đã làm được, quý vị đều thấy được. Tại nơi đây [chúng ta] tu tập pháp bố thí lớn lao, cho nên tài nguyên cuồn cuộn đổ về. Quý vị hỏi tôi những tài nguyên ấy từ đâu mà đến, tôi cũng không biết. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên cũng không biết được. Nói tóm lại, sự thật cho chúng ta thấy sự bố thí của đạo trường Cư Sĩ Lâm, không yêu cầu tín đồ đóng góp một xu nào, cũng không quyên góp, đó là sự thật. Mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày đều cung ứng thức ăn bữa chính bữa phụ, chưa từng phải mua gạo, chưa từng phải mua rau, chưa từng mua các thứ dầu, muối... hết thảy mọi thứ đều tự động được đưa đến. Vì biết rằng nơi đây là đạo trường rộng làm việc bố thí, cho nên có rất nhiều đồng tu tự động vui vẻ mang đến.
Lần trước, khi viếng thăm bên Cơ Đốc giáo, có người bạn Cơ Đốc giáo bảo chúng tôi: “Phật giáo quý vị dường như đối với sự nghiệp phúc lợi lo cho người già yếu rất ít thực hiện?” Cư sĩ Lý Mộc Nguyên trả lời, chúng tôi làm được không ít, so với quý vị chúng tôi làm còn nhiều hơn, chỉ có điều chúng tôi không lập viện dưỡng lão.
Vậy sự nghiệp phúc lợi cho người già yếu của chúng ta là ở đâu? Quý vị đến đạo trường Cư Sĩ Lâm, ở nhà bếp dưới lầu mà xem, mỗi ngày đều có mấy trăm người già, ở nơi đó hoan hỷ nói cười, ở nơi đó làm việc công quả, ở nơi đó nhặt rau, rửa rau, bận rộn giúp đỡ trong nhà bếp. Cho nên, chúng ta quan tâm đến những người già thì tạo điều kiện để người già ở nơi ấy tu phúc, tu tuệ.
Vì thế, mỗi một nơi chùa chiền am viện đều là viện dưỡng lão. Những viện dưỡng lão này hết sức khai phóng, cởi mở, có người ở lại bên trong, cũng có người sáng đến chiều về. Cho phép những người già ấy làm việc thì tự thân họ vui vẻ làm. Trong sự lao động hoan hỷ đó họ được thân tâm đều khỏe mạnh. Họ vừa làm việc vừa nghe kinh, vừa niệm Phật. Cuộc sống như vậy thật phong phú biết bao. Các tôn giáo khác không làm được như vậy.
Chúng ta dốc sức tu pháp bố thí, nhìn thấy mọi người trong đạo trường Cư Sĩ Lâm từ trên xuống dưới, quả thật đều được tăng trưởng trí tuệ, tràn đầy pháp hỷ. Quý vị xem, có người nào ở đây gặp mặt mà không nở nụ cười tươi, thân thiết chào hỏi? Quả thật là một đại gia đình hết sức ấm cúng, thoải mái, mỗi một cá nhân trong đó đều có thân thể thực sự khỏe mạnh, sống lâu. Gần đây nhất, chúng ta thiết lập một phòng chẩn trị Trung y từ thiện, vì đại chúng xã hội phục vụ. Tôi chưa từng thấy vị nào là thành viên của Cư Sĩ Lâm đến đó khám chữa bệnh cả. Cho nên, đạo trường ấy tu học đúng pháp, đúng lý, mỗi người khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động, không việc gì là không giúp lưu thông Chánh pháp, không việc gì là không nghĩ đến cống hiến một phần tâm lực của mình vì xã hội tạo phúc, vì hết thảy chúng sinh tạo phúc.
Vì thế, Phật pháp ở nơi đây được vận dụng vào thực tế, không phải ở giảng đường thuyết giảng mỗi ngày có thể xem là đủ, phải hoàn toàn vận dụng vào thực tế, phải mang ra thực hành. Trong kinh điển, từng câu từng chữ đức Phật đều răn dạy ta, phải đem kinh điển biến thành hành vi trong cuộc sống thực tế của mình, biến thành tư tưởng, ý nguyện của mình. Đó gọi là học Phật.
Điều tất nhiên là chúng ta có rất nhiều lỗi lầm. Ta không phải thánh hiền, sao có thể không mắc lỗi? Nhưng mỗi ngày đọc kinh, nghiên cứu thảo luận, sửa lỗi, tự làm trong sạch chính mình, đem cảnh giới của tự thân không ngừng hướng thượng nâng cao, đem sự nghiệp lợi ích chúng sinh mỗi ngày đều mở mang phát triển, mỗi ngày đều khuyếch trương lớn rộng. Bạn đồng tu chúng ta ngày nay cùng chí hướng, hợp tâm đạo, bao gồm các vị đồng học trên toàn thế giới, chúng ta phải hiểu rõ, cùng nhau nỗ lực, tinh tấn không biếng nhác, mới có thể thực sự làm được việc tự độ mình và hóa độ người khác.
Hai câu “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật) có hàm nghĩa vô cùng sâu rộng, nói không thể hết. Chúng ta phải hết sức chú tâm suy xét tìm hiểu ngay trong cuộc sống.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.