(Giảng ngày 23 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 182, số hồ sơ: 19-012-0182)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 110: “Tác vi vô ích. Hoài cáp ngoại tâm.” (Làm việc vô ích. Ôm lòng phản trắc.) Hai câu này ngày hôm qua đã có trình bày chung một cách sơ lược với quý vị.
Con người sống ở đời này, thời gian hết sức ngắn ngủi. Ví như được trăm năm thì cũng thoáng nhanh như búng móng tay một cái mà thôi. Những người cao tuổi đều có được cảm xúc này hết sức sâu xa. Nếu như không hiểu lý lẽ, không đọc sách thánh hiền, thì trong một đời này, như trong kinh Địa Tạng đã nói, khởi tâm động niệm, nói năng hành động “không một việc gì là không tạo tội”.
Trong Phật pháp thường tán thán: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe.” Được thân người này thì có gì là tốt? Nếu như không đọc sách thánh hiền, không được nghe Phật pháp thì chúng ta có thể nói là không được thân người mới tốt. Vì sao vậy? Vì không tạo nghiệp tội. Tạo tác nghiệp tội, đọa vào ba đường ác, thời gian rất lâu dài, thật không đáng để trong mấy chục năm ngắn ngủi này tạo tác nghiệp tội rồi phải chịu khổ trong luân hồi nhiều kiếp dài. Được thân người như vậy có chỗ nào là tốt? Sinh làm súc sinh, cho dù là rắn độc, thú dữ, những nghiệp tội tạo ra so với con người vẫn nhẹ hơn rất nhiều. Cho nên súc sinh sau khi chết đa phần đều có thể chuyển sinh vào các đường lành, không phải là không có lý. Chúng ta quan sát kỹ các động vật, dù là rắn độc, thú dữ, quý vị không xâm phạm đến chúng, chúng cũng không xâm phạm đến quý vị. Cọp, sói, sư tử cũng chỉ khi bụng đói mới ăn thịt các con vật nhỏ. Chúng ta xem trong “Động vật kỳ quan” có rất nhiều hình ảnh minh họa. Cọp, sư tử ăn no rồi nằm thẳng cẳng, các con vật nhỏ đi quanh đó chúng không hề quan tâm đến, nên so với con người chúng tạo nghiệp nhẹ hơn rất nhiều.
Tâm sân hận của con người thật hết sức đáng sợ. Chúng ta thường xem thấy có rất nhiều thủ đoạn hết sức độc ác, tạo tội hết sức nặng nề, hại chết đến muôn ngàn mạng người. Vì sao phải tạo ra những nghiệp tội như thế?
Đức Phật tán thán việc được thân người quý báu, là vì được thân người sẽ dễ dàng đạt được giải thoát. Nhưng muốn dễ dàng giải thoát nhất định phải nghe Phật pháp, phải đọc sách thánh hiền, phải giác ngộ, người như vậy mới là quý báu. Con người nếu không giác ngộ thì có gì là quý? Ngược lại còn không bằng chúng sinh trong ba đường ác. Những lý sự này, chúng ta phải thấu hiểu rõ ràng, sáng tỏ. Thực sự thấu hiểu rõ ràng sáng tỏ, đó là giác ngộ, tự nhiên có thể nhìn thấu suốt hết thảy các pháp thế gian, có thể buông bỏ, một lòng hướng theo đạo pháp. Thân người như vậy thật đáng quý.
Thời còn trẻ tôi không được nghe Phật pháp, đến tuổi trung niên mới được nghe, cũng chưa quá muộn. Việc tu học pháp môn này, nếu như quý vị thực sự nỗ lực làm thì trong ba năm có thể thành tựu. Chúng ta đọc trong các sách Tịnh độ thánh hiền lục, Vãng sinh truyện, có đến hơn một nửa số người niệm Phật vãng sinh, nói chung là đã công phu trong khoảng thời gian từ ba đến năm năm. Đó là chuyên tâm. Chúng ta ngày nay tu tập mười mấy năm, cho đến một chút tin tức [vãng sinh] cũng không có, nguyên nhân vì đâu? Là vì tâm không chuyên, ý không thành, đối với những danh lợi, năm món dục trong sáu trần cảnh của thế gian không hề buông bỏ.
Trong kinh Phật dạy nguyên tắc tu học, chúng ta không nắm chắc được. Trong chương Đại Thế Chí Viên Thông dạy chúng ta “thâu nhiếp sáu căn, niệm niệm thanh tịnh nối liền nhau”. Chúng ta không làm được như vậy. Chúng ta không thâu nhiếp được sáu căn, mắt vẫn tham sắc, tai vẫn tham âm, lưỡi vẫn tham vị... Đó là không biết thâu nhiếp sáu căn. Biết thâu nhiếp sáu căn, những ý niệm tham sân si mạn đều dứt hết, sống trong thế gian này, đứng ngồi hết thảy đều tùy duyên, hết thảy đều không bám chấp, không phân biệt, một lòng hướng theo đạo, như vậy trong ba đến năm năm mới thành công. Tâm của chúng ta vẫn còn bị năm món dục trong sáu trần cảnh xoay chuyển, vẫn còn bị danh lợi xoay chuyển, nên trong đời này dù niệm [Phật] suốt đời cũng không thể thành công.
Thế gian hết thảy đều là giả tạm, không có gì chân thật. Trong kinh Kim Cang Phật dạy chúng ta rất rõ ràng, rất sáng tỏ: “Những gì có hình tướng đều là hư vọng.” “Hết thảy các pháp hữu vi đều như mộng ảo, bọt nước.” Chúng ta phải thường nhớ tưởng, từng giây từng phút luôn cảnh tỉnh bản thân mình, hết thảy đều là hư giả, trong chỗ hư giả đó kết hợp lại, có lý nào không xoay chuyển trong luân hồi! Có lý nào lại không đọa lạc!
Vậy những gì là chân thật? Buông bỏ muôn duyên là chân thật, tùy thuận chúng sinh là chân thật. Phật dạy chúng ta tùy duyên. Tùy duyên chính là tự tại, đó là hiệu quả chân thật, là lợi ích chân thật, nếu lại có thể tín tâm phát nguyện niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ, đó là chân thật trong sự chân thật, không còn gì có thể chân thật hơn nữa.
Hãy thường nghĩ đến câu “thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Chúng ta ngày nay được thân người, được nghe Phật pháp, cơ duyên quý báu như vậy nếu không nắm lấy giữ gìn thì thật hết sức đáng tiếc. Một khi đã mất đi thân người, muôn kiếp khó được lại. Được lại thân người thật không dễ dàng. Ví như có được lại thân người, liệu có cơ hội được nghe Phật pháp hay không? Nếu như lúc ta được thân người mà thế gian không có Phật pháp thì thân người đó cũng chỉ luống qua vô ích. Thời gian có Phật pháp [ở thế gian] rất ngắn, thời gian không có Phật pháp rất dài. Quý vị xem như vận pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni là mười hai ngàn năm. Qua mười hai ngàn năm đó rồi, thế gian này không có Phật pháp. Thời gian không có Phật pháp kéo dài bao lâu? Phải sau năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, Bồ Tát Di-lặc mới thị hiện thành Phật, thế gian này mới trở lại có Phật pháp. Quý vị nghĩ xem, mười hai ngàn năm không thể so sánh được với năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm! Cho nên, đức Phật dạy chúng ta lời này là chân thật. Thân người mất rồi không dễ dàng được lại, nhưng được thân người rồi lại được nghe Phật pháp thì lại càng khó hơn rất nhiều.
Trong một đời này nếu không thể nỗ lực tu học thì làm sao xứng đáng với chư Phật, Bồ Tát? Làm sao xứng đáng với chính bản thân mình lần này may mắn được thân người? Cho nên, trong mọi hoàn cảnh sống, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, những người quanh ta dù là người hiền cũng được, kẻ xấu ác cũng được, ta luôn dùng một tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng mà đối đãi. Cho dù bị giày xéo, dằn vặt như thế nào đi chăng nữa cũng có thể cam tâm nhẫn chịu, chân thành niệm Phật, mấy năm sau là được vãng sinh, việc gì phải so đo tính toán?
Vì sao không buông bỏ được? Chúng ta từ chỗ này thể hội được thì có thể đạt lợi ích chân thật từ Phật pháp, đối với hết thảy người, hết thảy việc trong thế gian đều không còn so đo tính toán, chỉ “hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức”. Công đức chính là chân thành niệm Phật. Hãy suy xét, những chuyện vô ích thì không làm. Những chuyện gì là vô ích? Là những chuyện không thể mang theo [sau khi chết]. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng sáng tỏ. Những việc hại người lợi mình càng không thể làm, chắc chắn sẽ đọa vào ba đường ác.
Cho nên, những việc chúng ta phải làm là lợi ích chúng sinh, quên mình vì người. Có được bao nhiêu sức lực, mang ra cống hiến hết bấy nhiêu, phước báo của quý vị liền được trọn vẹn đầy đủ. Nếu ta có mười phần sức lực, chỉ cống hiến một, hai phần, như vậy phước báo rất ít, có sự khiếm khuyết, không được trọn vẹn đầy đủ. Vì thế, chúng ta theo trong Phật pháp mà nhìn, mà suy xét, việc gieo trồng phúc đức trong thế gian này, tu được phước báo lớn lao nhất rất thường là những người nghèo khổ bần cùng, họ tu được phước báo trọn vẹn đầy đủ. Chúng ta ở Singapore thấy được như nữ cư sĩ Hứa Triết, có thể nói trong số bảy tỷ người trên thế giới này, không ai có thể so sánh được với bà. Phước báo của bà là trọn vẹn đầy đủ.
Người thế gian tất nhiên là có những người giàu sang phú quý, tiền muôn bạc ức, khi họ bố thí cho người khác bất quá cũng chỉ đưa ra một đôi chút, như chín con trâu nhổ một sợi lông. Hơn nữa khi đưa ra thì trong lòng cũng không khoan khoái, luôn nghĩ đến việc cho ra mà có được lợi ích thì họ mới làm một chút việc từ thiện. Nếu cho ra mà họ không được lợi ích gì, thì dù một sợi lông [trong chín con trâu] họ cũng không nhổ ra. Những người như vậy, chúng ta biết được là một khi chuyển sang đời khác họ sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ khốn cùng.
Ngày nay trong thế gian, người giàu có tiền muôn bạc ức là nhờ đâu mà có? Chúng ta nhìn thấy sự tu nhân của bà Hứa Triết, tu nhân như bà ấy chính là nhân của sự giàu có tiền muôn bạc ức.
Phật pháp dạy “Tam chuyển pháp luân” tức là ba phương thức giáo dục: [thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển], tại Singapore này đều thấy được tất cả. Giảng rộng kinh điển, đó là trực tiếp chỉ bày, dạy bảo cho quý vị (thị chuyển). Bạn hữu hiền thiện mỗi ngày khuyến khích quý vị (khuyến chuyển). Giống như các vị nữ cư sĩ Hứa Triết, cư sĩ Lý Mộc Nguyên là vì chúng ta chứng minh, trong các tôn giáo khác gọi là kiến chứng, thế giới Phật pháp gọi là chứng minh (chứng chuyển). Biết được các vị ấy tu tập như thế nào, chúng ta nhìn thấy được thì trong lòng hiểu rõ, hết sức sáng tỏ. Quý vị xem cư sĩ Hứa Triết tự mình nói ra, con đường tương lai của bà tươi sáng rỡ ràng, điều đó là chân thật. Các vị thiện thần bảo vệ giúp đỡ bà, bà có niềm tin đầy đủ, chỉ duy nhất một tấm lòng thiện lương giúp đỡ hỗ trợ những người khổ nạn, hết lòng hết sức mà làm, được một xu tiền thì làm việc một xu, được hai xu tiền thì làm việc hai xu. Quý vị xem trên báo chí đăng tải, trong tài khoản ngân hàng của bà ấy chỉ còn ba mươi bảy đồng tiền, nhưng xã hội hiện nay nhắc đến bà ai ai cũng tôn kính. Đó là hoa báo, quả báo [ngày sau] không thể nghĩ bàn. Điều này chúng ta cần phải học tập.
Câu tiếp theo là “Ôm lòng phản trắc”. Trong chú giải nói rất hay: “Bầy tôi phản vua, con cái ngỗ nghịch với cha mẹ, vợ phản bội chồng, anh em hại nhau, bạn bè phản nhau, hết thảy đều do lòng phản trắc.” Điều này thật hết sức rõ ràng.
Tiếp theo, chú giải nói: “Nhưng không đợi phải hình thành ra việc làm, chỉ cần mảy may ý niệm manh động, người khác dù không biết nhưng quỷ thần đã trừng trị tâm niệm đó rồi.” Cho nên, những kẻ mất trí cuồng điên là tạo tác nghiệp tội như vậy, trong xã hội ngày nay khắp nơi đều có, bất kể là đi đến nơi nào, bất kể thời điểm nào, chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy.
Thế giới ngày nay là một thế giới lừa gạt con người. Nhìn xem những kẻ lừa dối, càng lừa dối nhiều càng được chức quan cao, địa vị cao, giữ chức vụ cao, họ lại càng lừa gạt muôn dân, lừa gạt hết thảy chúng sinh. Cho nên ngày nay giữ địa vị cao đâu có gì tốt? Trước mắt nhìn thấy kẻ ấy tác oai tác phúc, nhưng nhìn lại thì thấy đó là địa ngục A-tỳ. Nghiệp tội họ tạo ra là đọa vào địa ngục A-tỳ, chỉ trong nháy mắt họ đã đi vào đó. Đọa vào trong đại địa ngục này, quả thật là muôn kiếp không được siêu sinh. Con người mê hoặc! Hồ đồ mê muội đến thế là cùng.
Ngày trước, chúng ta xem vào thời xa xưa, quý vị có đọc sách xưa cũng đều biết rõ, các bậc đế vương khanh tướng thời xưa nhân từ bác ái, mỗi một ý niệm đều vì muôn dân giải trừ khốn khổ gian nan, giúp đỡ hỗ trợ muôn dân an cư lạc nghiệp, người đời sau tôn xưng là cổ thánh tiên vương. Việc làm của các ngài là vương đạo, giáo hóa chúng sinh luân lý đạo đức. Những việc các ngài làm là khuôn mẫu noi theo cho đại chúng trong toàn xã hội. Nho gia gọi là: “Tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư.” (Làm vua [dẫn dắt] dân, làm cha mẹ [nuôi dưỡng] dân, làm thầy [dạy bảo] dân.) Ba điều này các ngài đều làm được, đó là công đức vô lượng vô biên.
Quý vị đọc Liễu Phàm tứ huấn, thấy tiên sinh Liễu Phàm khi làm Huyện trưởng, ông nuôi dưỡng tâm như thế nào? Là tâm vì muôn dân phục vụ, làm thật tốt công việc phục vụ dân, khiến cho người dân trong toàn huyện đều có thể được an cư lạc nghiệp. Công việc ông làm là như vậy. Biết được những nỗi khổ của dân, nghĩ đủ mọi phương cách để giảm bớt mức thuế. Mỗi ngày ông đều làm như vậy. Đời sống của riêng ông vô cùng tiết kiệm. Thu nhập của ông cũng khá dồi dào, nhưng mùa đông may áo bông, quý vị xem trong sách Liễu Phàm tứ huấn có nói, phu nhân của ông dùng loại bông vải thô thông thường, không dùng loại vải bông nhuyễn đẹp, bởi vì một chiếc áo bằng vải bông nhuyễn đẹp, nếu dùng loại vải bông thô thông thường có thể làm ra được đến sáu, bảy cái, có thể chia cho sáu, bảy người. Sự hưởng thụ của một người có thể phân chia cho sáu, bảy người. Ông có ý niệm như vậy, phước báo của mình không chỉ riêng mình hưởng, phước báo ấy mang ra phân chia cho mọi người cùng được hưởng.
Ngày trước người làm quan, mỗi một ý niệm đều suy nghĩ vì muôn dân. Họ không vì bản thân, tự mình chịu khắc khổ, hy vọng muôn dân có đời sống được tốt đẹp. Các bậc đế vương cũng vậy. Cho nên, nơi bậc đế vương cư trú gọi là Kinh sư. Kinh là thành lớn, còn sư là gì? Sư là khuôn mẫu, mô phạm, thành thị ấy là khuôn mẫu, phép tắc cho hết thảy các thành thị khác noi theo, ý nghĩa là như vậy. Ngày nay trên toàn thế giới này mà nói, Singapore là kinh sư, là khuôn mẫu tốt cho tất cả các đô thị trên toàn thế giới noi theo. Người dân ở Singapore an cư lạc nghiệp, các vị quan chức lớn nhỏ, bộ trưởng, nghị viên, mỗi tuần đều nhất định có một ngày gặp gỡ quần chúng. Dân chúng có điều gì khó khăn đều trực tiếp tìm đến họ, mặt đối mặt chuyện trò trao đổi, giúp đỡ hỗ trợ quý vị giải quyết vấn đề, mỗi tuần lễ nhất định có một lần như vậy. Không giống như ở nhiều nơi khác, người làm quan lớn rồi thì muốn tìm họ cũng không tìm được. Ở đây, Tổng thống cũng thường gặp gỡ người dân. Tôn giáo chúng ta có nhiều lần hội họp mời thỉnh Tổng thống, ông đều đến tham gia, không một chút cao ngạo.
Nhân dân an cư lạc nghiệp, địa phương này trị an rất tốt. Nửa đêm canh ba, phụ nữ đi ra ngoài đường cũng không việc gì. Ngày nay trên toàn thế giới, những đô thị được như thế này thật ít. Rất hiếm có! Người dân tuân theo pháp luật, quan chức không tham tiền, cho nên ở nơi này có việc cần không phải đưa lễ vật. Đưa lễ vật là phạm pháp. Người đưa lễ là phạm pháp, người nhận lễ cũng là phạm pháp. Ở đây mọi việc đều y theo quy trình pháp luật mà giải quyết. Đây là kinh sư của địa cầu hiện nay. Kinh sư là thành thị khuôn mẫu, là một thành thị xứng đáng để mọi người học tập làm theo. Quý vị xem, người ta làm sao làm được vậy?
Singapore cũng có một số tội phạm, nhưng quý vị xem kỹ trên báo chí sẽ thấy những kẻ phạm tội không phải người Singapore, hết thảy đều là những người nơi khác đến. Người dân địa phương Singapore hết sức hiếm khi phạm tội. [Họ được] chính phủ quan tâm nhiều, quan tâm hết sức chu đáo.
Cho nên, trong lòng xen lẫn ý niệm phản trắc, không có sự trung thành chung thủy thì đây là lỗi lầm rất lớn. Trong chú giải có dẫn một đoạn chuyện Tần Cối đời Tống, quý vị có thể tự mình xem.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.