(Giảng ngày 14 tháng 10 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 109, số hồ sơ: 19-012-0109)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, câu thứ 47: “Thọ ân bất cảm, niệm oán bất hưu.” (Chịu ơn không báo, nhớ oán không thôi.” Đây là điều đại ác trong các nghiệp ác.
Phần chú giải [trong sách Vị biên] có 3 dòng rất hay: “Người xưa chịu ơn một bữa cơm ắt phải báo đáp. Chưa đủ sức báo đáp thì trong lòng luôn ghi nhớ, không thể quên mất.” Điều này các bậc hiền thánh xưa của Trung quốc không chỉ dạy bảo chúng ta, mà còn tự mình làm để nêu gương cho ta noi theo.
[Sách cũng trích dẫn:] “Luận Trí độ nói: Chịu ơn không báo đáp thì thua cả loài súc sinh.” Điều này được dạy trong kinh Phật. Chịu ơn của người khác mà không có lòng biết ơn, thậm chí so với loài súc sinh cũng không bằng. Súc sinh, có nhiều loài được người nuôi dưỡng trong nhà như các loại thú cưng, hoặc chó, mèo, hết thảy những con vật ấy đều biết ơn người.
Trong luận Trí độ, đức Thế Tôn dạy rằng Bồ Tát Nhị địa có bốn khoa mục tu học, một trong số đó là “tri ân báo ân” (biết ơn, đền ơn). Ông Triệu Phác có viết bốn chữ này cho một tạp chí, tôi xem thấy liền cắt ra, phóng to lên làm thành một tấm biển lớn, quý vị đều có thể nhìn thấy đó.
Câu “tri ân báo ân” này, trong xã hội hiện nay chúng ta phải đặc biệt đề cao. Một người có thể “tri ân báo ân”, cho dù không học Phật, không mong cầu thoát ra ngoài ba cõi, đời sau cũng nhất định hưởng phước báo lớn trong hai cõi trời, người. Còn như ngược lại, vong ân phụ nghĩa, quyết định sẽ phải đọa vào ba đường ác. Quý vị xem trong rất nhiều sự tích nhân quả báo ứng có thể thấy được.
Một đời tôi, nói thật ra không có được trí tuệ gì lớn lao, cũng không có công phu tu hành thực sự, tôi chỉ có được một chút tâm thành, có lòng chân thành, luôn biết ơn đền ơn. Tôi đi đến nơi nào, những ai đã từng gặp mặt thì trong đời này tôi luôn nhớ nghĩ không quên. Một đời tôi thực sự luôn sống trong thế giới biết ơn. Người khác đối với tôi có chỗ tốt đẹp, đối với tôi có nhiều điều quan tâm, tôi ghi nhớ những chỗ tốt của họ, tuyệt đối không bao giờ nhớ đến những thiếu sót, khuyết điểm. Một đời tôi không bao giờ cao ngạo. Người khác nói là vinh dự, tôi không cảm thấy có gì vinh dự. Cảm thấy vinh dự tức là đã khởi tâm phân biệt cao thấp, nói như ngày nay là phát sinh ra giai cấp đặc quyền, là có tâm phân biệt cao thấp. Tâm có phân biệt cao thấp là không bình đẳng, thấy “ta đứng trên người khác, người khác chẳng ai bằng ta”.
Chúng ta học Phật, tâm Phật là bình đẳng, tâm Phật là thanh tịnh. Chúng ta học theo đức Khổng tử, tâm địa đức Khổng tử so với đức Phật cũng thanh tịnh bình đẳng, không khác biệt. Điều này phải hiểu rõ.
Các bậc đại thánh đại hiền trong thế gian cũng như xuất thế gian, dạy bảo chúng ta chỉ một điều duy nhất, đó là phát tâm chân chánh. Phát tâm như vậy, trong nhà Phật gọi là phát tâm Bồ-đề. Thế nào là tâm Bồ-đề? Đó là tâm nguyện vì tất cả chúng sinh phục vụ.
Nhà Nho nói về lễ, tinh thần của lễ là gì? Là tự hạ thấp mình mà tôn trọng người khác. Người giữ lễ không kiêu căng ngạo mạn. Quý vị xem trong Phật pháp, Đồng tử Thiện Tài trải qua 53 lần tham học, mỗi vị thiện tri thức đều nói là bản thân họ không bằng người khác, trong vô lượng pháp môn họ chỉ biết có một pháp môn thôi. Lấy như trường hợp của Tỳ-kheo Cát Tường Vân mà nói, ông chỉ tu một pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật lại cũng có rất nhiều pháp, trong số đó ông chỉ biết một pháp duy nhất, không bằng người khác. Trí tuệ, đức hạnh đều [tự thấy] không bằng người khác. Đó là biểu hiện của chư Phật Như Lai. Nếu như tự thấy mình chuyện gì cũng hơn người khác, sinh lòng kiêu ngạo, như vậy thì so với Phật đạo, so với đạo lớn của Nho gia, hết thảy đều trái nghịch.
Đức Phật dạy chúng ta rằng “tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn” là nghiệp nhân của ba đường ác. Tham lam là vào đường ngạ quỷ, sân hận là vào địa ngục, si mê là sinh làm súc sinh, kiêu mạn là sinh vào cõi a-tu-la. Kiêu căng ngạo mạn mà có tu phước thì mới sinh vào cõi a-tu-la, nếu không tu phúc thì cũng đọa vào ba đường ác.
Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian dạy ta tu tập những gì? Không gì khác hơn là ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc hằng ngày, trong sự ứng xử với người, tiếp xúc với vật, phải tu tập dứt trừ tham, sân, si, mạn. Chính là tu tập như vậy, là dứt trừ tham, sân, si, mạn.
Trong hết thảy kinh luận, đức Phật thường dạy chúng ta phải quay đầu, trở về quê cũ? Thế nào là quê cũ? Quê cũ đó là một niệm không sinh, quê cũ đó là tâm thanh tịnh, là tự tánh chân như. Chư Phật, Bồ Tát cũng vì hết thảy chúng sinh phụng sự. Làm xong việc ấy rồi, có thể quay về quê cũ. Các ngài đều có thể quay về thanh tịnh bình đẳng giác. Đó là quê cũ.
Thực sự có thể quay về quê cũ như thế, đó cũng là tri ân báo ân. Chúng ta vì chúng sinh phụng sự lại đưa ra điều kiện, lại nêu giá cả. Đó không phải là phụng sự. Đó là giao dịch, là có điều kiện. Chúng ta nhất định muốn được cúng dường dồi dào, muốn được nhiều người tôn kính, đó chẳng phải là điều kiện hay sao? Đức Khổng tử với Phật Thích-ca Mâu-ni không nói điều kiện, hết thảy đều tùy duyên. Đức Thế Tôn thị hiện ôm bát đi khất thực, thí chủ cúng dường món gì thì ăn món ấy, đâu có sự lựa chọn? Đời sống của ngài cực kỳ đơn giản, mỗi buổi tối ngủ dưới một gốc cây. Đi đến đâu đều tùy theo hoàn cảnh mà sống an ổn, đem cả thân tâm phụng hiến cho chúng sinh, vì hết thảy chúng sinh phụng sự.
Trong việc phụng sự ấy, điều gì là thù thắng nhất, giá trị nhất? Đó là việc giáo hóa chúng sinh, giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh phá mê khai ngộ. Đó là công đức chân thật, công đức không gì sánh bằng, công đức vô lượng. Vì sao vậy? Vì chỉ có khai ngộ rồi mới có thể thực sự lìa khổ được vui. Người giác ngộ rồi, bất kể là trải qua cuộc sống như thế nào, bất kể là bản thân làm việc gì, như tôi đã từng nêu ví dụ với mọi người, dù làm ăn mày cũng tốt, người ấy cũng đều được vui vẻ khoái lạc. Vì sao vậy? Vì người ấy đã giác ngộ, nên làm ăn mày cũng vẫn khoái lạc. Người ấy thụ hưởng sự khoái lạc so với chư Phật, Bồ Tát không hề khác biệt.
Người mê muội nên khổ não. Người mê dù có làm vua cõi trời cũng vẫn khổ, làm vua cõi người thì càng không cần phải nói. Niềm vui chân chính từ nơi sự giác ngộ mà có. Khổ não là từ sự mê muội mà sinh ra.
Ai có thể giúp đỡ hỗ trợ chúng ta phá mê khai ngộ? Chính là chư Phật, Bồ Tát, chúng ta tôn xưng là thầy, là bậc thiện hữu. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bậc thầy, là bổn sư của chúng ta. Đức Phật A-di-đà là bổn sư của chúng ta. Cho nên chúng ta chịu ơn, cần phải biết thế nào là ơn, thế nào là đức. Hiểu biết rõ ràng sáng tỏ là giác ngộ, không hiểu biết sáng tỏ là mê muội.
Liệu có mấy người thực sự có thể hiểu rõ? Người hiểu rõ rất ít. Mỗi ngày đều đọc kinh, mỗi ngày đều huân tu, tiếp nhận Phật pháp, như vậy có phải là thực sự giác ngộ hay chưa? Không hề. Người thực sự giác ngộ rồi thì tư tưởng, hành vi hoàn toàn khác biệt. Biểu hiện của họ chính là Phật, Bồ Tát, là hành vi giác ngộ, chân chính, thanh tịnh, là tư tưởng thanh tịnh bình đẳng giác, sao có thể giống với người đời?
Người giác ngộ thì buông xả thân mình, vì người khác. Người mê hoặc thì tuyệt đối không chịu hy sinh bản thân. Quý vị nên biết, hy sinh bản thân là tương tự với giác ngộ, nhưng không phải chân chánh giác ngộ. Người chân chánh giác ngộ thì cho đến ý niệm hy sinh đó cũng không hề có. Người vẫn còn có ý niệm hy sinh thì tự bản thân mình phải hết sức cố gắng làm theo, cố gắng làm theo để được toàn thiện. Nho gia gọi đó là người quân tử, chưa phải bậc thánh nhân.
Bậc thánh hiền thì ngay cả ý niệm hy sinh cũng không hề có, các ngài mới thực sự là thanh tịnh bình đẳng giác, đó mới là báo ân. Kỳ vọng của Phật tổ đối với chúng ta là dạy dỗ ta thành bậc thánh hiền, là dạy dỗ ta thành Phật, thành Bồ Tát. Chúng ta thực sự thành Phật, thành Bồ Tát, đó là chân chính báo ơn. Tuyệt đối không thể nói rằng, chúng ta ngày nay tuyên dương Phật pháp, đem Phật pháp giới thiệu đến với quảng đại quần chúng thì có thể xem đó là đã báo đáp ơn Phật. Đúng là cũng đã báo ơn, nhưng báo ơn như vậy quá ít ỏi, không đúng ý Phật. Ý của Phật là muốn cho chúng ta tự mình thành Phật, muốn cho chúng ta tự mình thành Bồ Tát. Đó là chân chính báo ơn. Nếu như quý vị quả thật thành Phật, thành Bồ Tát, quý vị có thể cũng giống như chư Phật, Bồ Tát rộng độ chúng sinh, đó mới chân chính gọi là người báo ơn.
Nếu như có thể khế nhập được phần nào cảnh giới ấy, tâm niệm biết ơn của chúng ta sẽ tự nhiên sinh khởi. Cho nên, tâm lượng phải rộng mở, mỗi một ý niệm đều suy nghĩ vì toàn xã hội, toàn xã hội tức là xã hội toàn thế giới này. Vì hết thảy chúng sinh mà suy nghĩ, đó là tâm Bồ-đề, đó là tâm báo ân.
Nơi nơi người ta đều vì sự thuận lợi cho bản thân mình. Vì thuận lợi cho bản thân mình thì nhất định phải gây trở ngại cho sự thuận lợi của chúng sinh. Đó là lẽ nhất định. Nơi nơi người ta đều mong cầu sự hưởng thụ cho riêng bản thân, như vậy nhất định gây trở ngại cho sự hưởng thụ của hết thảy chúng sinh. Mọi người chỉ cần tĩnh tâm suy ngẫm là sẽ thấy rõ.
Tâm Phật là “chân thành, thanh tịnh, chánh giác, từ bi”, hạnh của Phật là “nhìn thấu, buông bỏ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Tôi dùng hai mươi chữ này tổng kết kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, cũng là tổng kết một đời giáo hóa của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cũng là tổng kết lời răn dạy của hết thảy chư Phật Như Lai trong mười phương, ba đời.
Chúng ta tu hành phải nắm được cương lĩnh. Hai mươi chữ nói trên làm không được, là vì sao làm không được? Vì bản thân mình có nghi hoặc cho nên mới tìm hiểu sâu vào Kinh tạng. Mục đích tìm hiểu sâu vào Kinh tạng là để phá mê khai ngộ. Mục đích phá mê khai ngộ là để thực hành hai mươi chữ này trong thực tiễn. Người thực sự làm được như vậy gọi là Phật, nhà Phật gọi là vượt phàm lên thánh. Đó mới gọi là thực sự tri ân báo ân.
Hai câu này ý nghĩa hết sức sâu rộng, là những điều hiện nay chúng ta phải cấp thiết lo tu tập.