Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 131 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 131

Donate

(Lượt xem: 1.892)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 131

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 17 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 132, số hồ sơ: 19-012-0132)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Chúng ta xem tiếp đoạn thứ 64 trong Cảm ứng thiên: “Dĩ ác dịch hảo. Dĩ tư phế công.” (Lấy xấu đổi tốt. Vì chuyện riêng bỏ việc chung.) Và đoạn thứ 65: “Thiết nhân chi năng. Tế nhân chi thiện.” (Trộm cắp tài năng người khác. Che giấu việc thiện của người.)

Chúng ta xem qua hai đoạn này, thấy những sự việc này đều là việc chúng ta rất dễ dàng phạm vào trong cuộc sống thường ngày, nên cho là tiểu tiết, là khắt khe. Bất kể là rơi vào trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào, sự khác biệt giữa người giác ngộ với kẻ không giác ngộ chính là ở chỗ này. Người giác ngộ sống ở thế gian là vì lợi ích chúng sinh. Người mê hoặc sống ở thế gian là vì lợi ích riêng cho bản thân mình.

Vì lợi ích riêng cho bản thân mình, đương nhiên là người ấy phải chịu quả báo luân hồi. Đó gọi là “ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác”. Sáu đường luân hồi là nhà của những kẻ mê hoặc như vậy. Nếu như thật sống vì chúng sinh, hết thảy đều vì chúng sinh thì người như vậy không liên can gì đến sáu đường luân hồi.

Cho nên, người mê hoặc thì bất kể ở trong hoàn cảnh nào, gặp được sự tốt đẹp luôn muốn chiếm lấy cho riêng mình, còn những gì kém hơn, không tốt thì đùn đẩy cho người khác. Chúng ta hết sức tỉnh táo quan sát thì có thể thấy được. Thấy được như vậy rồi, quay lại suy ngẫm xem bản thân mình đối đãi với người khác, tiếp xúc muôn vật như thế nào? Có phạm vào những điều xấu ác đó hay không? Cho nên, tỉnh táo suy ngẫm như vậy thì tự mình có thể hiểu rõ được.

Chúng ta là người trong chốn luân hồi, hay thực sự là người của thế giới Cực Lạc? Nếu thật là người của thế giới Cực Lạc, đến chốn luân hồi này là để giúp đỡ hỗ trợ người khác, đó là cứu độ hết thảy chúng sinh. Cứu độ hết thảy chúng sinh thì phải biểu hiện ra bằng hành vi của mình để mọi người nhìn vào. Người đời tham lam luyến ái, chúng ta bố thí buông xả. Người đời mong muốn những thứ tốt đẹp, ta nhận lấy những thứ kém cỏi, những thứ mọi người đều không cần thì ta nhận lấy. Chúng ta nhận lấy, lại đem hết sức cúng dường mọi người.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni năm xưa tại thế, người xuất gia trong tăng đoàn đều dùng loại y phục gọi là “phấn tảo y”. Thế nào gọi là phấn tảo y? Là những y phục rách nát cũ kỹ người khác không cần đến nữa, mang vất đi trong bãi rác. Người xuất gia chọn nhặt trong đó, cắt lấy những chỗ vải vẫn còn dùng được, may ghép lại thành tấm y để mặc. Cho nên chúng ta thấy tấm y của người xuất gia được ghép lại từng mảnh, từng mảnh. Mỗi mảnh vải như thế là gì? Là được chọn nhặt ra từ những thứ bỏ đi, cho nên chất liệu không giống nhau, màu sắc cũng không giống nhau, mặc vào rất khó coi, cần phải được nhuộm mới qua một lượt, vì thế mới gọi là “nhiễm sắc y” (y được nhuộm màu). Đó là đức Thế Tôn, chư Phật, Bồ Tát nêu gương cho chúng ta nhìn vào noi theo, giáo hóa người đời. Như vậy thì tập khí xấu ác mới có thể dứt trừ.

“Dĩ tư phế công” (vì chuyện riêng bỏ việc chung), đây cũng là hiện tượng hết sức phổ biến. Người có chút địa vị, có chút quyền thế liền tìm hết cách để lợi dụng. Lợi dụng quyền thế của mình để mưu lấy lợi ích cho riêng mình. Người hối lộ cho rằng không sai, là do người khác tự mang đến cho mình. Nhưng tiếp nhận của hối lộ, theo Phật pháp là phạm giới trộm cắp. [Lại nói,] tôi không hề trộm cắp, là họ mang đến cho tôi. Nhưng người khác không hề cam tâm tình nguyện mang đến cho ta, mà là có chuyện cần đến ta, là bất đắc dĩ phải mang đến cho ta, [nên nhận lấy là phạm] giới trộm cắp. Trộm cắp có rất nhiều thủ đoạn, rất nhiều phương cách. Nói cách khác, nhìn chung những thứ không đáng có được, bất kể quý vị dùng thủ đoạn gì để có được thì đều gọi là phạm giới ăn trộm, là trộm cắp.

“Dĩ ác dịch hảo. Dĩ tư phế công.” (Lấy xấu đổi tốt. Vì chuyện riêng bỏ việc chung.) Trong việc này còn phải xem xét sự việc lớn hay nhỏ, tầm ảnh hưởng rộng hay hẹp, thời gian ảnh hưởng dài hay ngắn thì mới xác định được tội lỗi. Cho nên trong nhà Phật, như trước đây chúng ta đã đọc qua câu “Ủng tắc phương thuật” (Che giấu, cản trở người khác sử dụng phương thuật), tôi đã trình bày cùng quý vị, bản văn này hầu như mỗi câu đều có mối quan hệ liên đới cùng nhau. Giống như chúng ta hiện nay làm việc lưu thông Phật pháp, bất kể là lưu thông kinh sách hay băng đĩa, đều có thể xem đây là ví dụ điển hình. [Ví như] việc này đại chúng ủy thác cho quý vị thực hiện, liên quan đến tiền bạc, nếu quý vị trộm lấy của chung, giảm bớt nguyên vật liệu, trong việc này chiếm lấy tiền bạc làm của riêng mình, tội lỗi đó là hết sức nặng nề.

Chúng ta in kinh sách, quý vị có thận trọng chọn lựa giấy in hay không, có nghiêm túc suy ngẫm việc này hay không? Việc khảo xét đánh giá có rất nhiều phương diện. Nếu chúng ta mong muốn bản sách đó được truyền lại lâu dài, quý vị nhất định phải nghĩ đến việc chọn giấy in thật tốt, phải có khả năng giữ gìn được qua nhiều năm. Loại giấy của người phương Tây, hiện nay cao cấp nhất là giấy in Kinh Thánh, có thể bảo tồn được vài trăm năm. Loại giấy thông thường chỉ giữ được tối đa khoảng một trăm năm. Đến thời điểm đó, giấy này sẽ nát ra thành bụi. Thế nhưng giấy của Trung quốc, nhìn không đẹp như giấy nước ngoài, nhưng chịu được lâu dài. Loại giấy mao biên (giấy chế biến từ tre, trúc) của Trung quốc có thể bảo tồn đến năm trăm năm. Các loại giấy tuyên (sản xuất ở Tuyên thành, An Huy), giấy liên sử (sản xuất ở Giang Tây, Phúc Kiến), đều bảo tồn được đến ngàn năm. Quý vị có biết giấy liên sử hay không? Loại giấy này rất mỏng, rất mềm mại. Cho nên, khi chúng ta cần in ấn kinh sách, đã khảo xét kỹ những điểm này hay chưa?

Nếu là sách hay, mong muốn được bảo tồn vĩnh cửu, vậy nên giao sách ấy cho ai? Nên giao cho người trong các thư viện lưu giữ, như vậy là truyền lại mãi mãi. Những sách ấy chúng ta cần phải kiểm tra kỹ về loại giấy, không nên so đo tính toán giá thành. Nếu là loại sách cần phổ biến, truyền bá rộng, mong cho rất nhiều người đều có thể được xem qua, vậy thì loại giấy kém một chút cũng không sao, cần thiết là in được số nhiều.

Cho nên, việc khảo xét phải đặt trọng tâm ở đâu, chúng ta nên làm như thế nào, nhất định phải làm cho đến mức tốt đẹp nhất, để người đọc sách khi cầm quyển sách trong tay có thể sinh lòng hoan hỷ mừng vui. Sử dụng tiền bạc, dù một xu một cắc cũng không được lãng phí. Lãng phí là tạo tội nghiệp.

Vì thế, việc chung với việc riêng phải phân biệt thật rõ ràng, minh bạch. Phật tổ không chỉ là dạy chúng ta phải tu phước, mà quan trọng thiết yếu nhất là phải tiếc phước. Người đời có nhiều người biết tu phước, nhưng biết tiếc phước, giữ phước thì hết sức hiếm hoi, quá hiếm hoi. Có thể nói, ở các quốc gia đang phát triển, người biết tiếc phước ngày càng ít hơn. Ở các vùng miền chưa phát triển, vẫn còn nhiều người biết tiếc phước. Vì sao vậy? Vì của cải vật chất hết sức thiếu thốn, cho nên đối với vật chất có được còn biết yêu tiếc. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu rõ.

Trong phần chú giải của sách Vị biên nêu một số điển hình, “lấy xấu đổi tốt, như lấy sắt làm vàng, lấy đá làm ngọc”, những việc như thế này xảy ra rất nhiều. Đặc biệt là trên thương trường hiện nay, việc này người ta xem như chẳng là gì cả. Đem sắt mạ vàng, làm thành vàng để gạt gẫm người, lấy đá giả làm ngọc để lừa người, khiến người vui vẻ mua ngọc. Nhưng lừa dối những người như vậy cũng không quá nghiêm trọng, dù sao họ cũng đều là những người có tiền. Tạo tội nghiệp sâu nặng nhất chính là làm thuốc giả. Tội này thật quá nặng. Việc này tuy trước mắt thấy được chút lợi nhỏ, nhưng quyết định rồi sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ. Quý vị bán thuốc giả, đó là hại mạng người, tội ấy quá lớn.

Nói chung là về phương diện sinh kế của người dân, của chúng sinh, quý vị nếu “lấy xấu đổi tốt”, tội ấy thật đặc biệt nặng nề. Bởi vì đó là chỗ người ta dựa vào cho cuộc sống, mạng sống phải dựa vào đó. Tu sửa đức hạnh phải từ chỗ này mà thực hiện công phu tu tập.

Chỗ này trích dẫn lời của Tứ tổ [Đạo Tín], chính là [quan điểm của] Thiền tông: “Cảnh duyên không có đẹp xấu, đẹp xấu từ tâm khởi sinh. Nếu tâm không gượng ép gọi tên, vọng tình từ đâu khởi?” Phật pháp tu tập những gì? Là tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng. Trong tâm quý vị còn có đẹp xấu, còn có tốt xấu, đó là phiền não hiện tiền. Tự mình nhất định phải giác ngộ, [còn phân biệt] đó là tạo nghiệp.

Trong đoạn này còn có một câu chuyện xưa. Pháp sư Nguyên Hiểu là một vị cao tăng Hàn quốc, sinh vào khoảng đời nhà Đường, cũng là một bậc đại đức của Tịnh độ tông. Ngài đến Trung quốc để tìm thầy, tìm bạn, phải chịu đựng không ít khổ nhọc. Một buổi tối, ngài ngủ lại nơi nghĩa địa ngoại thành, nửa đêm khát nước, không có nước uống. Chợt nhìn thấy gần đó có nước, liền vốc nước uống. Hôm sau trời vừa sáng rõ, quay nhìn lại mới biết đó là vũng nước chảy ra từ một xác chết. Ngài vừa nhìn thấy vậy, trong lòng nhận biết có sự khởi tâm ghê tởm, sau đó liền hoát nhiên đại ngộ, nói rằng: “Ba cõi chỉ là tâm, vạn pháp chỉ là thức. Tốt xấu đều do ta, quan hệ gì đến nước?” Lúc ngài uống nước không hề biết nên cho đó là nước suối, uống một cách hết sức khoan khoái. Đến hôm sau khi trời sáng, vừa nhìn lại thì biết không phải, đó là nước từ xác chết chảy ra, bọt nổi lều bều trong nước. Từ chỗ này ngài giác ngộ, hết thảy đều do tâm tạo ra, tâm quý vị thanh tịnh bình đẳng thì nước từ xác chết chảy ra vẫn uống ngon lành.

“Vì chuyện riêng bỏ việc chung”, đó hoàn toàn là do mưu tính cho lợi ích của riêng mình, cho sự thuận lợi của mình, không nghĩ đến mọi người. Tự mình được thêm một chút thuận lợi thì đại chúng phải chịu một phần tổn hại. Cho nên, ở điểm này hết sức đơn giản. Chúng ta phải hình thành, xây dựng được một khái niệm, chúng ta muốn học Phật hay muốn tự nguyện tiếp tục không ngừng làm phàm phu?

Nếu như có lòng muốn học Phật, muốn làm Phật, thì phải xem chúng sinh là trên hết, hết thảy đều vì chúng sinh, quên mình vì người khác, sống trong thế gian này đều là vì chúng sinh. Nhất định phải đọc kinh, phải hiểu nghĩa, phải vâng làm y theo lời dạy. Ngay trong đời sống thường ngày mà tu tập, lìa khỏi đời sống thì không có chỗ nào để tu hành.

Tu hành, đó là nói chúng ta đối với hết thảy mọi người, hết thảy mọi việc, hết thảy muôn vật, đem những cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai trái của mình mà sửa đổi cho chính đáng. Như vậy gọi là tu hành. Biểu hiện của chư Phật Như Lai hoàn toàn là sự lưu xuất hiển lộ tự nhiên của tính đức, là đức hạnh hoàn hảo tốt đẹp nhất, không một mảy may khiếm khuyết thiếu sót. Chúng ta là phàm phu chưa thấy được tự tính. Chưa thấy tự tính thì phải học theo hành vi của chư Phật, Bồ Tát.

Học theo chư Phật, Bồ Tát, chúng ta phải ghi nhớ, không phải theo người này, người kia để học, mà [nhìn nơi] hành vi của họ tự nhiên lưu xuất hiển lộ từ nơi tự tính. Chúng ta theo đó học thì đó là sự lưu xuất hiển lộ từ tự tính của chúng ta. Cho nên phải hiểu rõ được ý nghĩa này. Phật pháp tuyệt đối không phải sự bắt chước rập khuôn theo người khác, không phải vậy. Như vậy là sai lầm. Người khác đã thấy được tự tính, ta còn chưa thấy được tự tính, ta học theo mẫu mực của người ấy chính là để tự mình thấy được tự tính.

Vì thế, nhất định phải buông bỏ thành kiến của mình, buông bỏ kiến giải của mình, buông bỏ những cách nghĩ, cách nhìn của mình, nghe theo những lời răn dạy của Phật, đó gọi là quay về nương theo. Từ nơi đâu quay về? Tự mình phải rõ biết. Từ nơi những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp của chính mình, những cách nghĩ, cách nhìn sai lầm của mình, từ đó mà quay về, nương theo những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta ban đầu học Phật, nhất định phải dùng phương pháp như vậy.

Câu tiếp theo là: “Thiết nhân chi năng, tế nhân chi thiện.” (Trộm cắp tài năng người khác. Che giấu việc thiện của người.) Chữ thiết là trộm cắp, lén lút chiếm lấy. Trong đoạn này nêu những ví dụ rất hay, chẳng hạn như “Trộm văn của người khác, lấy đó làm sáng tác của mình.” Việc này xưa nay vẫn thường thấy. Người khác viết ra văn chương lại chiếm lấy làm của mình, đem tên người ta vất bỏ đi, dùng tên mình thay vào để lưu hành. Người ta phải khó khăn cực nhọc trải bao nhiêu năm nghiên cứu mới đưa ra được một thiên luận văn, kết quả lại bị người khác chiếm lấy.

Khi tôi ở Mỹ, tại Los Angeles cũng từng nhìn thấy. Cư sĩ Triệu Lập Bản là một giảng viên đại học, qua nhiều năm khó khăn khổ nhọc, viết ra được mấy thiên luận văn, kết quả đưa ra lưu hành, nhìn lại không phải tên ông ấy, là tên của người khác. Cho nên, ông hết sức bất bình, từ đó về sau từ bỏ công việc, về mở quán ăn. Ông đem hết mọi chuyện kể cho tôi nghe.

Những việc mạo nhận công lao người khác như vậy, từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, chúng ta nhìn trong lịch sử cũng thấy được, đó là tự dối mình dối người. Chúng ta quan sát kỹ, những kẻ ấy có kết quả tốt đẹp hay không? Đa phần là tuổi già đều gặp quả báo. Trong Cảm ứng thiên nói rất rõ, ví như trong một đời này không bị vạch trần, quý vị có thể lừa dối được người cũng không thể lừa được quỷ thần trong trời đất. Quỷ thần là thật có, không phải giả dối, không phải dọa dẫm người. Ý nghĩa, sự thật này chúng ta phải hiểu rõ.

Đặc biệt chúng ta sinh ra trong thời đại hiện nay. Quý vị chỉ cần tỉnh táo quan sát trên các phương tiện thông tin, báo chí, tự nhiên có thể biết được chúng ta hiện đang sống trong thời đại như thế nào. Tai nạn xảy ra mỗi năm mỗi nhiều hơn, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Chúng ta vẫn không chịu giác ngộ, vẫn tiếp tục tạo nghiệp, hậu quả thật [khủng khiếp] không dám nghĩ đến. Hơn nữa, hậu quả ấy sẽ đến rất nhanh chóng.

Chúng ta sinh ra vào thời đại này là do sự chiêu cảm của cộng nghiệp. Chúng ta có thể may mắn tránh né được chăng? Nếu thực sự có lòng muốn tránh né, có ý niệm như vậy, thì đó cũng là sai lầm. Cho nên chúng ta hiểu rất rõ, không có khả năng may mắn tránh được, vậy chúng ta phải làm sao? Chúng ta nhất định phải thuận theo sự răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Còn sống một ngày là một ngày tích lũy công đức, dứt ác tu thiện, không hề sợ chết. Con người có ai không chết? Chết là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là sau khi chết rồi đi về đâu? Người thế gian không rõ biết, chúng ta rõ biết, nắm chặt lấy cơ hội dứt ác tu thiện, đó là quý vị quyết định chính xác.

Những gì là thiện, những gì là ác, phải nhận biết thật rõ ràng. Lợi ích chúng sinh, lợi ích xã hội, đó là thiện. Lợi ích cho riêng mình, đó là ác. Nhất định phải nhận hiểu rõ điều này. Hết lòng hết sức vì xã hội, vì chúng sinh, quên mình vì người khác, vì người khác phục vụ.

Quý vị thành tâm thành ý vì người khác phục vụ, người khác chưa chắc đã cảm ơn quý vị. Thế nhưng chúng ta biết việc gì nên làm thì nhất định phải làm, hoàn toàn không cần đến sự cảm kích của người khác. Chỉ theo bổn phận của mình mà làm thật tốt. Bổn phận của ta là quên mình vì người, vì chúng sinh phục vụ.

Trong khi phục vụ thì điều quan trọng thiết yếu nhất là giúp đỡ hỗ trợ người khác được giác ngộ, giúp đỡ hỗ trợ người khác dứt ác tu thiện, giúp đỡ hỗ trợ người khác phá mê khai ngộ. Chúng ta có thể làm được như vậy, đó mới chân chính là đệ tử Phật, chân chính là đạo Bồ Tát.

Cho nên, kinh điển nhất định phải đọc, ý nghĩa nhất định phải hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ được ý nghĩa rồi, nhất định phải vâng làm theo lời dạy.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phát tâm Bồ-đề


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Học đạo trong đời


Hai Gốc Cây

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.18.38 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...