Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 125 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 125

Donate

(Lượt xem: 1.998)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 125

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 8 tháng 11 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 126, số hồ sơ: 19-012-0126)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 59: “San báng thánh hiền.” (Khinh chê hủy báng thánh hiền.) Trong phần chú giải có giải thích rất rõ ràng, “san” là chê bai, khinh nhờn, “báng” là hủy báng, báng bổ. Trong phần này cũng nêu ra, có hai hạng người khinh chê hủy báng thánh hiền. Một là hạng người ngu si, do đó mới tạo tội nghiệp này. Hạng người còn lại, theo cách nói hiện nay là thích bộc lộ, khẳng định mình, thích bày tỏ sự khác biệt hơn người, thường gây nhiều sóng gió bất ổn trong xã hội. Giống như trong Liễu Phàm tứ huấn kể lại chuyện tiên sinh Liễu Phàm thuở còn trẻ chưa tiếp xúc với Phật pháp cũng có loại tập khí xấu này. Tội nghiệp của hai hạng người trên cực kỳ sâu nặng, thực sự là do ngu muội không biết.

Thế nào gọi là thánh? Thế nào gọi là hiền? Hai danh xưng này chúng ta phải nhận hiểu thật rõ ràng. Thánh có nghĩa là người đã rõ biết, đã sáng tỏ hết thảy về chân tướng của nhân sinh vũ trụ, về lý sự nhân quả. Người như vậy ở Trung quốc tôn xưng là thánh, ở phương Tây gọi là thần, trong Phật giáo thì tôn xưng là Phật. Danh xưng tuy khác biệt nhưng ý nghĩa rất giống nhau.

Người rõ biết nhưng chưa triệt để thì tôn xưng là hiền, hoàn toàn rõ biết sáng tỏ thì tôn xưng là thánh. Các vị này chính là những bậc thầy dẫn dắt trong xã hội, là khuôn mẫu tốt đẹp cho hết thảy chúng sinh noi theo. Nếu đối với các vị này mà đùa cợt, khinh chê, hủy báng sẽ tạo thành ảnh hưởng [xấu] cực kỳ rộng lớn, cực kỳ sâu xa. Nhà Phật xác định tội lỗi [nặng nhẹ] chính là từ chỗ này.

Điều này trong nhà Phật gọi là làm đứt đoạn pháp thân tuệ mạng của hết thảy chúng sinh. Quý vị đồng tu học Phật đều biết rằng, đoạn dứt thân mạng con người vẫn là tội nhẹ hơn so với đoạn dứt tuệ mạng của họ. Ý nghĩa này trong kinh Phật nói đến rất nhiều, chúng ta ngàn vạn lần cũng không được xem nhẹ bỏ qua mà cho rằng việc khinh chê hủy báng các vị thánh hiền, chư Phật, Bồ Tát, các bậc thiện tri thức là chuyện nhỏ.

Đặc biệt đối với các vị thiện tri thức, hiện nay đang sống giữa thế gian này, có tầm ảnh hưởng rất lớn. Ai là thiện tri thức? Bản thân ta là thiện tri thức, điều này phải hiểu rõ. Mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta, nếu có thể tùy thuận đúng lời Phật dạy thì quý vị là thiện tri thức của đại chúng trong xã hội, quý vị có thể ở nơi đó hoằng pháp lợi sinh, tại nơi đó tuyên dương Phật pháp. Không cần nói ra, việc làm của quý vị đủ để người khác nhìn vào noi theo. Ngược lại, nếu tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta hoàn toàn trái nghịch với kinh điển giáo pháp của Phật thì đó là ta đang “san báng thánh hiền” (khinh chê hủy báng thánh hiền).

Người đời một khi nghe nói chúng ta là Phật tử mà nhìn thấy ta khởi tâm động niệm còn tạo nghiệp ác, còn mưu cầu lợi ích riêng tư, còn khởi lên tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, tâm lượng hẹp hòi không thể dung thứ người khác, đó là ta khiến cho mọi người trong xã hội khinh thường Phật giáo. Vì sao khinh thường? Chính vì quý vị tự mình hủy báng thánh hiền, khiến cho người khác khinh thường Phật giáo. Cho nên chính tự thân mình đã tạo thành những nghiệp ác như thế. Quý vị suy ngẫm xem, nghiệp ác như thế, hãy nghĩ cho kỹ, thật không thể kham nổi! Tội nghiệp như thế chính là năm tội nghịch, mười điều ác. Về quả báo, trong kinh điển dạy đều hoàn toàn chính xác, không sai chút nào.

Quý vị đồng tu học Phật chúng ta khi chịu sự lăng nhục ức hiếp của người khác, chịu sự hủy báng của người khác, chịu sự hãm hại của người khác, vẫn luôn tỏ ra tâm bình khí hòa, tuyệt đối không khởi sinh mảy may ý niệm xấu ác. Như vậy thì đại chúng trong xã hội một khi nhìn thấy liền nghĩ, người Phật tử ấy thật tuyệt vời, người ấy quả thật có tu dưỡng. Họ liền ngợi khen xưng tán Phật giáo. Nhân nơi sự biểu hiện [tốt] của cá nhân quý vị mà khiến cho rất nhiều người đối với lời răn dạy của Phật-đà sinh khởi lòng tin, công đức của quý vị như vậy thật vô lượng vô biên.

Cho nên, thiện tri thức là ai? Chính là bản thân mỗi chúng ta. Chúng ta tùy thuận vâng theo lời răn dạy của Phật, đó là thiện tri thức. Trái nghịch lời Phật dạy, đó là ác tri thức. Tùy thuận vâng theo lời Phật dạy thì tương lai xán lạn huy hoàng, tương lai sinh về cõi Phật. Trái nghịch lời Phật dạy, ngày sau khổ nạn vô cùng, quả báo vào địa ngục A-tỳ. Cho nên, quý vị nhất định phải thấu hiểu rõ ràng, quả báo cực thiện với quả báo cực ác đều [quyết định] chỉ trong khoảng thời gian một ý niệm của tự thân mình. Chúng ta trong một niệm, vì sao phải tạo ác? Vì sao không khởi niệm lành?

Phật pháp thù thắng, hết thảy các tôn giáo khác cũng không một tôn giáo nào là không thù thắng, chỉ do đối tượng giáo hóa khác nhau mà thôi. Cho nên, chúng ta đọc kinh Phật, chúng ta là người mới học, mới học thì nhất định phải vào sâu một pháp, huân tu lâu dài, làm an định vững chắc căn cơ chính mình. Trong Phật pháp, căn cơ đó là giới, định, tuệ.

Thế nào là học giới? Tùy thuận vâng theo lời răn dạy của Phật, đó là trì giới. Trong kinh điển Phật dạy ta làm như thế nào, chúng ta cứ chân thành nghiêm cẩn làm theo đúng như thế ấy, quyết định không được tùy thuận theo ý riêng của mình. Phải biết rằng, làm theo ý riêng của mình thì không một việc nào là không tạo tội. Không chỉ Phật tổ dạy ta như thế, trong Cơ Đốc giáo thì kinh thánh, các đức cha, mục sư cũng dạy tín đồ của họ như thế.

Vậy thì sự khác biệt giữa Phật giáo các tôn giáo khác là ở chỗ nào? Chúng ta có thể nói, các tôn giáo khác tu học không lìa bỏ bốn tướng [ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả]. Nói cách khác, không lìa bỏ phân biệt, bám chấp. So với các tôn giáo khác, chỗ khác biệt của Phật giáo là lìa bỏ hết thảy vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Khác nhau là ở chỗ này.

Như vậy, ta cần tự đặt câu hỏi, chúng ta có lìa phân biệt, bám chấp hay không? Nếu không lìa phân biệt, bám chấp, thì chúng ta so với các tôn giáo khác không có gì khác biệt. Tín đồ của họ có thể tùy thuận vâng theo ý muốn Thượng đế, vâng theo những lời răn dạy trong Tân ước, Cựu ước. Chúng ta học Phật, đọc kinh Phật mà vẫn buông thả tùy thuận theo tập khí vọng tưởng của chính mình thì ta không bằng họ. Điều này nhất định phải hiểu rõ.

Nếu không lìa bỏ phân biệt, bám chấp, quyết định không thể ra khỏi Dục giới, không thể ra khỏi sáu đường [luân hồi]. Tín đồ các tôn giáo khác đích thực là lên được thiên đường, việc làm của chúng ta thì đọa vào địa ngục. Đây là lời chân thật, là nói rất thành thật.

Tiếp theo câu “San báng thánh hiền” (Khinh chê hủy báng thánh hiền.) là câu “Xâm lăng đạo đức” (Xâm hại hủy nhục người đạo đức). Chúng ta mỗi ngày đều phạm vào lỗi này, biết làm thế nào được! Ngày sau thật đáng thương. Điều may mắn là mạng sống này của ta vẫn chưa chấm dứt, hay nói cách khác là vẫn còn có một cơ hội quay đầu hướng thiện.

Trong kinh Phật nói rất rõ, người tạo tác tội nghiệp hết sức nặng nề, chỉ cần có thể sám hối, có thể sửa lỗi, có thể quay đầu hướng thiện thì đó là Bồ Tát. Trong Quán kinh kể chuyện vua A-xà-thế tạo tội nặng nề, phạm vào năm tội nghịch, mười điều ác, lúc lâm chung sám hối, niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, đức Thế Tôn cho chúng ta biết là ông được thượng phẩm trung sinh.

Cho nên, chúng ta đối với những người tạo nghiệp cực ác cũng đều không được khinh thường. Khinh thường họ là mắc lỗi “san báng” (khinh chê hủy báng). Vì sao không dám khinh thường họ? Vì một khi họ quay đầu hướng thượng, dũng mãnh tinh tấn thì nói không biết chừng phẩm vị của họ còn cao hơn chúng ta, chúng ta còn kém rất xa so với họ, làm sao dám khinh thường? Vì thế, Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta phải đem lòng chân thành cung kính đối với hết thảy chúng sinh. Lời răn dạy này là chân thật.

Người khác khinh thường chúng ta, ức hiếp làm nhục chúng ta, ta cũng quyết định không dám khinh chê hủy nhục họ. Trong mắt họ xem ta không phải là người, trong mắt ta luôn xem họ là Phật, là Bồ Tát. Chúng ta phải tu hành như thế. Mỗi người đều có nhân quả riêng của mình, mỗi người đều có báo ứng riêng của mình. Chúng ta vất bỏ đi những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp của mình, hết thảy mọi việc đều tùy thuận vâng theo những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Tu tập được như vậy là có phúc, là có trí tuệ. Nếu nói theo các tôn giáo khác thì người như vậy được cứu rỗi.

Người nào là thánh hiền? Trong mắt nhìn của người chân chính tu đạo thì hết thảy chúng sinh đều là thánh hiền. Đồng tử Thiện Tài [trong kinh Hoa Nghiêm] đã thành tựu được như vậy, tuyệt đối không dám khinh thường bất kỳ một người nào. Đại sư Lục tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nếu là người chân thật tu đạo, không thấy lỗi lầm của người thế gian.” Ngài nói với Thần Hội rằng, ngài chỉ tự thấy lỗi mình, không thấy lỗi của người thế gian. Đại sư Huệ Năng có thể trở thành một bậc Tổ sư, ý nghĩa là ở chỗ này. Chúng ta ngày nay tu học, công phu không đạt hiệu quả, ý nghĩa cũng là ở chỗ này.

Sai lầm của ta là ở chỗ nào? Đó là chỉ thấy lỗi người khác, không thấy lỗi của chính mình. Đừng xem là chuyện nhỏ, đây thật là lỗi lầm rất lớn. Công phu niệm Phật không đạt hiệu quả, tu hành suốt một đời vẫn rơi vào ba đường ác, nguyên nhân vì đâu? Vì chỉ thấy lỗi người khác, không thấy lỗi chính mình. Quý vị tu hành theo cách như vậy là tu để vào ba đường ác. Cũng là tu đạo, nhưng là tu để vào tam ác đạo; cũng là vãng sinh, nhưng là vãng sinh vào trong ba đường ác.

Cho nên không chỉ là đối với chư Phật, Bồ Tát, các bậc tổ sư đại đức, chúng ta mới phải tỏ lòng tôn sư trọng đạo, mà đối với hết thảy các tôn giáo khác cũng đều phải tôn trọng như nhau. Đối với hết thảy chúng sinh đều phải kính trọng xem như cha mẹ, kính trọng xem như Phật, Bồ Tát. Đó chính là điều Phật dạy chúng ta trong kinh điển.

Cha mẹ có lỗi, quý vị dám nói chăng? Người thời xưa không dám nói nhưng người hiện nay lại dám nói. Quý vị xem, thật là hết cách! Ngày trước, cha mẹ có lỗi lầm thì con cái “không vạch áo cho người xem lưng”, nhất định không dám nói ra. Cả một đời không dám nói ra. Không chỉ là không dám nói ra, cho đến nghĩ thôi cũng không dám nghĩ đến. Đó là hiếu thuận.

Xã hội hiện nay, nền giáo dục của các bậc hiền thánh xưa đã hoàn toàn vất bỏ. Thánh hiền xưa dạy ta những gì? Dạy ta học làm người. Loại giáo dục đạo đức luân lý như vậy hiện nay vất bỏ rồi, con người không còn giống người nữa. Không giống người, vậy thì giống những gì? Đại sư Thiên Thai nói với chúng ta về “trăm cảnh giới, ngàn như thị”.

Thông thường, trong kinh điển nói về mười pháp giới. Đại sư Thiên Thai dạy rằng, trong mỗi một pháp giới đều có mười pháp giới. Ý nghĩa này rất thâm sâu. Trong pháp giới người có Phật trong cõi người, có Bồ Tát trong cõi người, có chư thiên trong cõi người, có súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục trong cõi người. Chúng ta đang ở trong pháp giới người. Trong pháp giới người cũng có mười pháp giới, vậy chúng ta ở pháp giới nào [trong mười pháp giới đó]? Điều này phải tự mình biết rõ.

Làm sao chọn lựa, phân biệt được chúng ta tương ưng với pháp giới nào? Chúng ta phải sử dụng kinh điển giáo pháp làm tiêu chuẩn. Đức Phật vì chúng ta giảng giải nghiệp nhân của mười pháp giới. Tâm bình đẳng là pháp giới Phật. Chúng ta đối với hết thảy mọi người, mọi sự, mọi vật có dùng tâm bình đẳng hay không? Nếu đúng tâm bình đẳng thì quý vị là Phật trong cõi người, quý vị tương ưng với Phật. Nếu là tâm hành sáu ba-la-mật, mỗi một ý niệm đều vì lợi ích hết thảy chúng sinh, mỗi một ý niệm đều vì lợi ích hết thảy đại chúng trong xã hội, như vậy thì quý vị là Bồ Tát trong cõi người.

Tối hôm qua tôi đã giảng đến một đoạn về sáu ba-la-mật, trải qua thời gian hai giờ đồng hồ giảng giải chi tiết, tường tận về việc làm sao vận dụng sáu pháp ba-la-mật vào cuộc sống hằng ngày, trong công tác, trong sự giao tiếp đối đãi. Quý vị có thể làm được, có thể vận dụng thực tế, quý vị chính là Bồ Tát trong cõi người.

Phải hiểu rằng, tâm Nhân duyên là bậc Duyên giác trong cõi người, tâm Tứ đế là bậc Thanh văn trong cõi người. Tâm từ bi hỷ xả, mười nghiệp lành, đó là chư thiên trong cõi người. Nghiêm giữ năm giới, đó là người trong cõi người. Xuống thấp nữa, tâm tham lam là ngạ quỷ trong cõi người, sân hận là địa ngục trong cõi người, ngu si là súc sinh trong cõi người.

Cho nên chúng ta phải thường tự phản tỉnh, thường kiểm điểm suy xét, ta đang ở cảnh giới nào? Chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, tương ưng với cảnh giới nào? Nếu tương ưng với cảnh giới nào, tương lai nhất định sinh vào cảnh giới đó. Đây không phải chuyện đùa, đây là những lời răn dạy chân thật của chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại đức tổ sư.

Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta sám hối, sám trừ nghiệp chướng, những gì là nghiệp chướng? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mưu cầu lợi riêng, tham sân si mạn, những thứ ấy là nghiệp chướng.

Phật dạy chúng ta “quay đầu là bờ”, đó là quay đầu hướng thiện, y theo giới định tuệ, y theo lời dạy của chư Phật, Bồ Tát. Không chịu quay đầu thì những việc ta làm chính là [đi vào] ba đường ác trong sáu nẻo luân hồi. Quay đầu sửa lỗi, ít nhất cũng được vào ba đường lành.

Chân chính giác ngộ rõ ràng thì nhất định phải trân quý nhân duyên hy hữu khó gặp được sống [làm người] trong một đời này, vượt thoát sáu đường, vượt thoát mười pháp giới, đó mới chân chính là người thông minh, chân chính có trí tuệ, không còn mê luyến sáu đường luân hồi.

Cho nên, chúng ta đọc qua hai câu “San báng thánh hiền. Xâm lăng đạo đức” (Khinh chê hủy báng thánh hiền. Xâm hại hủy nhục người đạo đức), thấy rất khó làm. Chúng ta tự mình làm không được tốt, làm không tốt là đã phạm vào hai câu này. Cho nên phải thực sự nỗ lực sửa chữa lỗi lầm trước đây, mỗi ngày đều phải sửa lỗi. Không được cho rằng tự thân mình không có lỗi. Tự cho rằng mình không có lỗi, đó là lỗi lầm lớn nhất. Bồ Tát ở địa vị Đẳng Giác vẫn còn phải mỗi ngày sửa lỗi, chúng ta có đáng là gì?

Vì thế, mỗi ngày đều phải tự tìm lỗi mình. Tìm bằng cách nào? Thứ nhất là đọc kinh, dùng kinh điển giáo pháp để kiểm điểm. Thứ hai là nhìn nơi người khác, thấy người khác có lỗi lầm liền quay lại xét xem mình có phạm lỗi ấy hay không. Không được hủy báng người khác, không được phê bình chỉ trích người khác, chỉ quay lại xem xét chính mình. Tự mình nếu có lỗi ấy phải gấp rút sửa đổi. Nếu không có thì tự khích lệ mình, phải cố gắng không để phạm vào. Đó gọi là: “Có lỗi thì sửa, không thì gắng tránh.”

Như thế thì mỗi người phạm lỗi đều là thiện tri thức của ta. Không có người ấy, ta không thể phát hiện ra lỗi của bản thân mình. Cho nên người ấy đã biểu diễn, người ấy đã thị hiện [cho ta xem]. Đối với ta mà nói, người ấy là bạn tốt, là bậc thiện tri thức. Ta nhờ họ nên mới có thể sửa lỗi, tự làm trong sạch bản thân mình, mới có thể quay đầu là bờ, ta làm sao lại có thể phê bình chê trách họ? Sao có thể khinh thường họ?

Cho nên phải suy ngẫm kỹ, Đồng tử Thiện Tài vì sao trong một đời được thành tựu viên mãn, chúng ta vì sao trong một đời mỗi ngày đều tạo tác tội nghiệp? Phải suy ngẫm kỹ, suy ngẫm thật rõ ràng, thật minh bạch, quay đầu hướng thiện, công phu tu tập mới có thể đạt kết quả.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Nghệ thuật chết


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.178.220 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...