(Giảng ngày 8 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 189, số hồ sơ: 19-012-0189)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 119: “Hựu chư hoạnh thủ nhân tài giả, nãi kế kì thê tử gia khẩu dĩ đương chi. Tiệm chí tử tang, nhược bất tử tang, tắc hữu thủy hỏa đạo tặc, di vong khí vật, tật bệnh khẩu thiệt chư sự, dĩ đương vọng thủ chi trực.” (Lại như những kẻ ngang ngược cướp lấy tiền tài người khác, rồi thì cả gia đình vợ con đều phải gánh chịu [quả báo], dần dần cho đến chết chóc; nếu không chết chóc thì cũng gặp nạn lũ lụt, hỏa tai, trộm cướp, mất mát đồ vật, bệnh tật, gặp nạn miệng lưỡi, để trả giá cho sự chiếm đoạt sằng bậy.)
Hai đoạn tiếp theo là lặp lại những quả báo của việc trộm cướp và giết hại. Đây là đem hai loại nghiệp tội này nêu ra để nhắc lại. Giết hại và trộm cướp là hai chướng ngại lớn nhất đối với đức hạnh thế gian cũng như xuất thế gian, nhưng đối với người thường thì rất dễ dàng phạm vào những tội lỗi này. Cho nên, đức Thái Thượng hết sức từ bi, phần trước đã khai mở chỉ dẫn tường tận chi tiết, cho đến cuối cùng lại đặc biệt nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta.
Trộm cắp là vay nợ. Vay nợ nhất định phải hoàn trả, không thể nói vay nợ mà không trả lại, không có lẽ ấy! Điều này chúng ta nhất định phải rõ biết. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền. Cho nên đối với hai chuyện [giết hại và trộm cướp] này, bất kể là trong pháp thế gian hay xuất thế gian, người tu hành với người có học thức, người hiểu rõ lý lẽ đều quyết định không muốn phạm vào. Chỉ có đọc sách hiểu rõ lý lẽ thì mới thông đạt được chân tướng sự thật về nhân quả. Cho nên những điều này là chướng ngại lớn lao quan trọng đối với sự tu hành. Trong phần chú giải tuy không nói nhiều nhưng việc này thực sự hết sức quan trọng thiết yếu.
Những chuyện này phần trước đã giảng nói rất rõ ràng, đã nói rõ tùy việc làm phải chịu quả báo, giảng giải rất nhiều. Trong đoạn này, đặc biệt chú trọng vào hai chữ “hoạnh thủ” (ngang ngược cướp lấy). “Hoạnh” nghĩa là gì? Là ngang ngược hoành hành bá đạo, dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính để bức bách cưỡng ép người, khiến họ không dám không hiến dâng tiền tài cho quý vị. Thế nhưng điều này hoàn toàn không phải cam tâm tình nguyện, là bị bức bách nên bất đắc dĩ phải làm. Đó gọi là “ngang ngược cướp lấy tiền tài người khác”. Đương nhiên những người như vậy là có thế lực mạnh mẽ, có oai thế, có thế lực, họ dễ dàng cướp lấy tiền tài [của người khác], nhưng quả báo cũng chính họ phải gánh chịu. Sự thật cụ thể, trong xã hội hiện tại này đi đến đâu cũng nhìn thấy được.
Đặc biệt phải lưu ý chính bản thân mình, khi tự mình có một chút quyền thế, liệu có dựa vào quyền thế để khinh thường, bức bách người khác hay không? Điều này chúng ta đặc biệt phải lưu ý. Thông thường chúng ta tự mình làm, tự mình không hay biết, không thể nhận biết, cũng không biết được tính nghiêm trọng của việc này, nói chung là xem thường bỏ qua mà phạm vào nghiệp tội. Khi tạo tội thì dễ dàng, nhưng phải biết là người bị hại trong lòng thật không cam tâm, ví như trong một đời này họ không thể trả thù thì cũng đợi đến đời sau: “Khi nhân duyên hội đủ, quả báo phải tự mình gánh chịu.” Đây là danh ngôn của muôn đời. Chúng ta cần ghi nhớ, quyết định không thể nói đây là mê tín, rằng bất quá chỉ là nói để khuyên người làm việc thiện, hoàn toàn không phải sự thật. Chúng ta suy nghĩ như vậy là sai lầm. Phải biết rằng đây là chân tướng sự thật.
Nhà Phật thường nói: “Nhân quả tương thông ba đời.” Suy ngẫm cho kỹ, chúng ta trong một đời này, tiếp nhận những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, cũng có thể miễn cưỡng gọi là tâm hiền thiện, ý niệm hiền thiện, việc làm hiền thiện. Cứ theo lý mà nói, cho dù chúng ta làm bất cứ việc gì, lẽ ra cũng đều không gặp chướng ngại, lẽ ra phải luôn được xuôi buồm thuận gió thì mới đúng, vì sao chướng duyên của ta vẫn nhiều đến thế, như vậy là lý lẽ gì?
Không cần nói đến chuyện của riêng ta, chúng ta xem trong kinh Phật cũng thấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đó là đã chứng đắc quả vị viên mãn Bồ-đề, khi ngài ở thế gian giáo hóa chúng sinh, thực sự đã triệt để đạt đến mức vô tư vô ngã, tâm ý thuần thiện, hành vi thuần thiện, nhưng vào thời ấy vẫn gặp phải rất nhiều chướng ngại tật đố, biết bao phiền toái. Có người phê bình ngài, có người hủy báng ngài, có người gây chướng ngại cho ngài. Như vậy nguyên nhân là gì? Chúng ta hiểu rõ rằng, đức Thế Tôn lúc còn chưa thành Phật, khi còn tu hành ở địa vị phàm phu cũng từng mắc lỗi với không ít người. Sau khi ngài thành Phật, những oán thân trái chủ liền tìm đến. Về mặt đời sống vật chất, kinh điển còn ghi chép lại Đức Thế Tôn có ba tháng phải chịu “quả báo ăn lúa ngựa”, là người phước đức viên mãn như vậy mà không có thức ăn, dù sống đơn giản đến như vậy nhưng lại không có bất cứ món gì để ăn, đó là gặp phải thời đói kém.
Nhà Phật thường nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị.” (Muốn biết nhân đời trước, xem quả nhận đời này.) Những gì chúng ta nhận lãnh trong đời này chính là do nghiệp nhân đã tạo trong đời quá khứ. Quả báo ta nhận lãnh trong hiện tại, do nghiệp nhân không tốt trong quá khứ cho nên mới gặp phải những quả báo không tốt này. Thế nhưng chúng ta phải suy ngẫm cho thật kỹ, đời này chúng ta tạo nhân tốt đẹp, không gây oan uổng cho người nào, không khởi tâm sân hận với bất kỳ người nào, hoàn toàn dùng tâm hiền thiện, ý niệm hiền thiện để xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, đó là sự tu nhân của chúng ta trong đời này, quả báo là ở kiếp sau, ở những đời sau nữa. Từ đời thứ ba trở về sau nữa đều gọi chung là đời sau. Quả báo đời sau tốt đẹp, trong đời này có gặp phải đôi chút không may, [nhân đó bao nhiêu] nợ cũ được tính sổ, những nhân quả bất thiện đều hết sạch, con đường tương lai thật tươi sáng rỡ ràng. Ý nghĩa này rất sâu xa, phải thấu hiểu rõ ràng rồi thì chúng ta mới chịu làm việc thiện, mới biết làm việc thiện đối với bản thân mình được lợi ích lớn lao, quyết định không làm điều ác. Một đời này làm việc thiện, chịu hết những gian nan khốn khổ, ý niệm làm việc thiện của chúng ta như vậy quyết định không thay đổi. Đó chính là trong nhà Phật nói: “Không mê muội nhân quả.” Không phải không có nhân quả, là không mê muội chuyện nhân quả, khi nhận chịu quả báo nhận biết rõ ràng sáng tỏ, không oán trời trách người.
Ta đối với người chân thành, đối với người tốt đẹp, người ấy vì sao có ác ý với ta? Đó là đã từng kết oán trong quá khứ, chúng ta phải chấp nhận, hoan hỷ đón nhận, vẫn đem tâm chân thành, chí thiện để đối đãi, oán kết liền được hóa giải. Đó gọi là: “Oan gia nên giải không nên kết.” Quyết định không thể nói rằng người khác đối với ta không tốt ta cũng sẽ đối lại không tốt. Như vậy là sai lầm. Đức Thái Thượng ở chỗ này nêu ra rất nhiều sự việc tiêu biểu, những sự việc tiêu biểu này hết sức sâu rộng, quả báo rất đáng sợ. Nói chung những kẻ cậy quyền thế xem thường người khác, có khi lúc đó không hề hay biết. Phần dưới nói rõ quả báo: “Cả gia đình vợ con đều phải gánh chịu.” Đó là tất cả quyến thuộc trong gia đình. Quý vị tạo nghiệp tội, vì sao lại liên lụy đến quyến thuộc trong gia đình? Vì tiền tài quý vị lấy được thì tất cả quyến thuộc trong gia đình đều sử dụng.
Vì thế, chỗ này chúng ta cần suy nghĩ thêm, đối với tiền tài phi nghĩa, nếu chúng ta dính dấp vào đôi chút thì tương lai cũng phải chịu liên lụy, ý nghĩa là như vậy. Có người mang biếu tặng chúng ta tiền tài bất nghĩa, chúng ta không thể nhận, [nếu không sẽ] phải chịu quả báo liên lụy.
Cho nên nhà Phật dạy, bố thí phải dùng tịnh tài (đồng tiền trong sạch), bố thí trong sạch. Không thể nói rằng ta cướp tiền của người khác, trộm tiền của người khác rồi mang ra bố thí cúng dường. Đó là tiền tài không trong sạch, như vậy phải chịu quả báo xấu ác. Quý vị cúng dường Phật, Phật có tiếp nhận hay không? Nếu Phật nhận lấy, tương lai cũng bị quý vị lôi kéo liên lụy. Nghiệp nhân quả báo thì chư Phật Như Lai cũng không thể tránh khỏi. Đó là chân lý. Không thể nói thành Phật rồi, thành Bồ Tát rồi thì thiếu nợ tiền không cần phải tính sổ, thiếu nợ mạng không phải đền mạng, đâu có lý nào như vậy?
Chúng ta xem thấy trong Cao Tăng Truyện, ngài An Thế Cao là bậc cao tăng đắc đạo, trong quá khứ đã từng vô ý làm chết hai người. Không phải là cố ý, chỉ là vô ý làm chết. Khi ngài đến Trung quốc vẫn phải hai lần đền nợ mạng, cũng bị người khác vô ý hại chết. Ngài rõ biết sáng tỏ, món nợ này không thể không trả. Vậy mới biết rằng sự việc này nghiêm trọng đáng sợ.
Tiền tài phi nghĩa chúng ta không thể dùng đến. Chúng ta ngày nay đã xuất gia, tự mình không làm việc mưu sinh kiếm sống, hết thảy tiền bạc vật dụng đều do bốn chúng đồng tu cúng dường. Khi nhận cúng dường, quý vị phải tỉnh táo quan sát kỹ, tiền bạc ấy phải trong sạch thanh tịnh, không phải tịnh tài thì không thể thu nhận, để tránh tương lai không bị liên lụy phiền toái. Người ta đến cúng dường, nhất là cúng dường với số lớn, cần phải hỏi lại: “Tiền này của quý vị từ đâu mà có?” Năm trước, Hàn Quán trưởng từng có trí tuệ như vậy. Có lần tại Đồ Thư Quán, một cư sĩ mang đến cúng dường năm trăm ngàn đồng, bà liền hỏi người ấy, tiền của ông từ đâu mà có? Ông làm công việc gì? Hoàn cảnh sống của gia đình ông thế nào? Sau khi dò hỏi kỹ, người ấy chỉ là một người hết sức bình thường [không giàu có], Hàn Quán trưởng liền nói, tiền của ông cầm về, tôi không nhận.
Không phải cứ thấy tiền là mở to đôi mắt, như vậy sao được! Đó là mở ra những gì? Đó là ác quỷ, là mở cửa vào ba đường ác. Nhất định phải biết được tiền của người cúng dường từ đâu mà có, sau đó chúng ta mới cân nhắc suy tính việc có thể nhận hay không, để tránh sự liên lụy, họa hoạn về sau vô cùng.
“Dần dần cho đến chết chóc”, chúng ta hiện nay gọi là cửa nhà tan nát, nhân mạng tiêu vong. Trong thế gian này, thời xưa cũng có, ngày nay càng nhiều hơn. Quý vị xem, như một công ty kinh doanh hết sức lớn, lừa gạt khách hàng, dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính, những cổ phiếu hiện tại đều là bất chính, có được từ những thủ đoạn bất chính. Chưa được mấy năm, công ty ấy đã sụp đổ, phá sản, người chủ phải chịu sự chế tài của pháp luật. Pháp luật chế tài là hoa báo, còn quả báo đời đời kiếp kiếp phải đền trả nợ. Việc gì phải làm những việc như vậy?
Những việc như thế này, ngày nay đối với những người thực sự có năng lực, có cơ hội lừa gạt người khác, chiếm lấy tiền tài của người khác cho vào túi mình thì người đời đều cho rằng đó là người có bản lĩnh, năng lực lớn, là người có trí tuệ, là hết sức cao minh! Đâu biết rằng kẻ ấy đang tạo nghiệp tội đọa vào ba đường ác? Người đời ngu si, đều có quan niệm sai lầm ấy, quý vị nói xem, như vậy sao có thể được! Chúng ta lấy việc ấy xem là có bản lĩnh, họ có thể lừa gạt, ta không lừa gạt được! Loại nghiệp nhân quả báo này, chúng ta chỉ cần tỉnh táo một chút thì có thể thấy ngay trước mắt mình, chúng ta thấy được rất nhiều trường hợp. Suy ngẫm đến chư Phật, Bồ Tát, so với những lời chỉ dạy của các bậc hiền thánh xưa đối với chúng ta đều hoàn toàn chính xác, hoàn toàn tương ưng.
“Nếu không chết chóc” thì cũng có những tai nạn thường đến với kẻ tạo tội này, đó là các nạn “nước, lửa, trộm cướp”. Câu tiếp theo nói “mất mát đồ vật”, việc này cũng thường có. Chúng ta thấy rất nhiều nhà giàu có, ngày nay trên toàn thế giới ở những nơi có phong cảnh xinh đẹp, họ đều có sản nghiệp lớn, đều xây dựng biệt thự, cho đến sau khi chết rồi, biệt thự của họ thật chưa từng đến ở qua một ngày, một ngày cũng chưa từng ở qua, đó gọi là “mất mát đồ vật”. Những chuyện như vậy rất nhiều.
Cách đây nhiều năm, tôi giảng kinh ở Đài Bắc, đại khái cũng khoảng xấp xỉ ba mươi năm rồi. Có một vị cư sĩ đưa tôi đến núi Dương Minh, ngụ lại một ngôi biệt thự cực kỳ xinh đẹp tráng lệ. Vị này là ai? Chính là ông Trần Tra Mỗ. Ngôi biệt thự này quả thật hết sức nguy nga tráng lệ, tôi đã ở lại đó một ngày. Xây dựng lên một ngôi biệt thự lớn như vậy, nhưng ông không có thời gian đến ở, phải nhờ hai người ở đó chăm sóc. Hai người này có phước báo, quý vị xem họ được ở trong căn nhà tốt đẹp như vậy, lại còn phải trả tiền cho họ, nhờ họ ở đó, còn bản thân ông chủ tôi nghe nói trong suốt một đời chỉ đến ở lại được trong biệt thự này duy nhất qua một đêm. Thật là tạo nghiệp! Số tiền lớn như thế, vì sao không dùng làm những việc tốt đẹp? Người đời nghèo khổ rất nhiều, sao không giúp đỡ hỗ trợ cho họ, tạo công đức chân thật, mà lại làm chuyện mê muội như vậy. Chúng ta biết được rằng những người như vậy, ở rất nhiều nơi trên khắp thế giới này họ đều có biệt thự, đều có sản nghiệp. Một khi hơi thở không còn, mạng sống chấm dứt, không một món gì mang theo được. Hết thảy đều vì tự tư tự lợi, không suy nghĩ vì xã hội, không suy nghĩ vì chúng sinh. Những chuyện như vậy rất nhiều.
“Bệnh tật, gặp nạn miệng lưỡi.” Gặp nạn miệng lưỡi là chỉ việc bị người khác phê bình chỉ trích, bị người khác hủy báng, làm nhục. Những việc như vậy có rất nhiều. “Để trả giá cho sự chiếm đoạt sằng bậy.” Quý vị vì sao gặp những chướng nạn như vậy? Đó là trong quá khứ quý vị đã từng dùng oai quyền, thế lực cưỡng bức đoạt lấy tài vật của người khác, nên quý vị phải gặp những quả báo này. Quý vị xem qua đoạn văn này không dài, nhưng cũng đã chỉ rõ được cho chúng ta những quả báo rộng khắp, phức tạp. Chúng ta quay lại tự xét kỹ bản thân mình, trong một đời này, những gì chúng ta gặp trong cuộc sống, trong công việc, trong khi xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, quý vị suy ngẫm lại đủ mọi điều bất như ý, hết thảy đều là do những nghiệp tội đã tạo trong đời quá khứ, cho nên trong đời này phải nhận lãnh quả báo.
Quyết định không thể nói rằng hết thảy những điều tạo tác đều không có quả báo. Nói như vậy là tri kiến tà vạy sai lầm. Chỉ khi thực sự hiểu rõ được ý nghĩa cũng như chân tướng sự thật của nghiệp nhân quả báo, ta mới thực sự hồi tâm chuyển ý, không còn sinh khởi một ý niệm xấu ác nào. Vì sao vậy? Vì khởi lên một ý niệm xấu ác là chuốc lấy phiền toái cho chính mình. Ý niệm xấu ác đã không sinh khởi thì đâu có ý niệm xấu ác? Đâu có hành vi xấu ác? Con đường tu đạo Bồ-đề mới được thuận buồm xuôi gió.
Quý vị nên biết, kể từ ngày khai ngộ trở về sau, đời đời kiếp kiếp mới không làm việc xấu ác. Sau khi thành Phật vẫn phải nhận quả báo, đó là những việc làm trước đây khi chưa học Phật, những việc làm khi còn chưa hiểu rõ đạo lý, sau khi thành Phật rồi vẫn phải nhận lãnh. Thành Phật mà còn không né tránh được, nói chi đến lúc đang tu hành đạo Bồ Tát? Cho nên, Bồ Tát ứng hóa tại thế gian, tuy đã phá sạch bốn tướng, bốn kiến chấp, nhưng nghiệp nhân quả báo của các ngài trong đời quá khứ vẫn hiện tiền. Nhân quả hiện tiền đó là như Đại sư Bách Trượng nói “không mê muội nhân quả”. Các ngài rõ biết, các ngài sáng tỏ, biết rõ các hình thức quả báo nào là do những nghiệp nhân nào của quá khứ hiện hành trong hiện tại. Chúng ta phàm phu không rõ biết, không biết được chân tướng sự thật, từ đó oán trời trách người. Oán trời thì sao? Đó là tội lại thêm tội, nghiệp tội như vậy càng nặng thêm.
Cho nên con người nếu không giác ngộ, nói thật ra càng ngày càng tệ hơn. Vì sao vậy? Vì những gì tích lũy là nghiệp tội, không phải công đức. Chỉ người thực sự giác ngộ mới làm được việc tích lũy công đức, không còn tiếp tục tạo nghiệp nữa, cho dù gặp tai nạn thế nào, chịu oan ức tủi nhục đến thế nào cũng cam tâm tình nguyện nhẫn chịu, đó là tiếp nhận quả báo. Trong quá khứ mình làm việc bất thiện, ngày nay chấp nhận quả báo. Nếu không phải người thực sự giác ngộ, họ không chấp nhận, trong lòng họ bất bình. Bất bình [thì phản ứng lại rồi tạo nghiệp,] đó là oan oan tương báo, không khi nào chấm dứt. Nhưng oan oan tương báo như vậy hết sức đáng sợ, qua mỗi kiếp lại càng nghiêm trọng hơn, không giảm nhẹ, chỉ ngày càng nặng thêm, cho nên hết sức đáng sợ, đến cuối cùng ắt phải đọa vào địa ngục. Oan oan tương báo thì cả đôi bên đều vào địa ngục.
Chúng ta thật hết sức may mắn được đọc kinh Phật, hiểu rõ được ý nghĩa và sự thật chân tướng, từ nay về sau nhất định đối với những việc này phải răn ngừa, dứt sạch.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.