(Giảng ngày 18 tháng 3 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 177, số hồ sơ: 19-012-0177)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 107: “Mỗi háo căng khoa. Thường hành đố kỵ” (Chỉ thích kiêu ngạo khoe khoang. Thường làm việc ganh ghét đố kỵ.)
Trong phần chú giải trích dẫn lời bậc cổ đức: “Lão tử nói: Không tự cho mình đúng nên sáng tỏ. Không tự khoe khoang nên thành tựu công nghiệp. Không tự cao nên được lâu dài. Kinh Dịch nói: Đạo của trời làm khuyết chỗ tràn đầy mà bù chỗ khiếm khuyết. Đạo của đất thay đổi chỗ dư thừa đưa đến chỗ thiếu thốn. Quỷ thần làm hại kẻ phô trương mà ban phúc người khiêm nhường. Khiêm nhường cung kính mà sáng tỏ, thấp kém mà không thể vượt qua, đó là chỗ cuối cùng của người quân tử. Vua Đại Vũ không khoe khoang, không kiêu ngạo, chỉ như dân thường chẳng hơn ai, thế nhưng ngồi trên ngôi vua, sắp đặt việc triều chính, ổn định đất đai trong thiên hạ, ghi công muôn đời. Chu công không kiêu căng, không tham lận, khó nhọc khiêm cung với kẻ dưới mà chinh phạt phương đông, trừ phản loạn, giữ yên nhà Chu.”
Đó là trích dẫn sách xưa, dẫn chuyện người xưa để chứng minh. Sau đó đưa ra kết luận: “Cho nên, những bậc đại thánh đại hiền làm việc gì cũng đều xuất phát từ tâm niệm hết sức e dè cẩn trọng, lo sợ cảnh giác.”
Đoạn này cũng là nói về những khuyết điểm chúng ta thường mắc phải trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta tự mình có mắc phải hay không? Không thể nào không có, chỉ là [vi phạm] ở những mức độ khác biệt nhau mà thôi. Nếu có thể thực sự trừ bỏ được khuyết điểm này, đức hạnh của bản thân mình liền có nền tảng căn bản. Nếu trong lòng vẫn còn có sự bất bình, nên biết là đức hạnh của chúng ta không có nền tảng, không có căn bản. Nói cách khác, như vậy thì bất kể là cầu học hay tu đạo cũng đều gặp chướng ngại nghiêm trọng. Nói tóm lại, câu này dạy chúng ta đức khiêm hư, cung kính. Phải từ trong sự khiêm hư cung kính này mới thực sự có thành tựu.
Phần sau có một đoạn nói về sự đố kỵ: “Tính đố kỵ, nam nữ đều có.” Đó là thường tình của con người. Nam giới thấy người khác có công danh thì ganh ghét, thấy người khác giàu có cũng ganh ghét. Người có địa vị gần bằng mình liền khởi tâm ganh ghét, sợ họ sẽ gạt mình xuống. Đối với người có tài hơn mình cũng ganh ghét. Trong phần này có tổng kết, đó đều do tâm lượng quá nhỏ hẹp: “Do tâm lượng nhỏ nhoi hẹp hòi sai sử.” Chúng ta ngày nay nói là tâm lượng quá hẹp hòi, không thể bao dung người khác. Như vậy đều là do học [Phật] không có nền tảng, học [Phật] mà không có hiệu quả.
Thực sự học vấn có nền tảng căn bản, có hiệu quả, thì như lời Phật dạy, chẳng những không có tâm ganh ghét, không có sự ngạo mạn, giữ lòng khiêm hư, mà còn có thể tu tập tùy hỷ công đức. Nhìn thấy người khác tài ba hơn mình thì chắc chắn có thể nhượng hiền, không có chuyện cạnh tranh. Quý vị có thể làm tốt hơn tôi, tôi phải nhường quý vị. Quyền hạn, địa vị đều nhường cho quý vị. Vì sao vậy? Vì người dân được phúc, xã hội được phúc. Có thể nghĩ đến vì chúng sinh, nghĩ đến vì xã hội, vì muôn dân thì quý vị liền nhún nhường. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu rõ.
Đây là đức lớn, là thành tựu lớn. Vì sao vậy? Sự thành tựu của người khác là thành tựu của chính bản thân mình. Bản thân mình nếu không bằng người khác, giữ lấy quyền lực địa vị ấy không chịu nhường cho người, đó là gây hại cho chúng sinh. Quý vị thử suy ngẫm về nhân quả của việc này, ắt phải đọa vào địa ngục.
Chúng ta có thể nhường cho người khác, người khác làm được tốt hơn ta, thành tựu hơn ta, đó cũng chính là thành tựu của ta vậy. Trong nhà Phật có chuyện Pháp sư Ấn Tông và Lục tổ [Huệ Năng] là một tấm gương điển hình rất tốt. Pháp sư Ấn Tông thuở ấy ở phương Nam, là một bậc cao tăng đại đức đương thời, đồ chúng tin phục ngưỡng mộ ngài không biết đến bao nhiêu. Sau khi gặp được Lục tổ, ngài làm nghi lễ thế độ [xuất gia] cho Lục tổ. Pháp sư Ấn Tông là bậc thầy thế độ cho Lục tổ. Ngài biết đức hạnh, công phu tu trì của Lục tổ Huệ Năng vượt hơn ngài, nên sau khi làm lễ thế độ rồi, ngài quay trở lại tôn Đại sư Huệ Năng làm thầy, nhường lại địa vị hiện tại cho Đại sư Huệ Năng, nhường lại cho Đại sư Huệ Năng việc giáo hóa hết thảy chúng sinh ở phương Nam.
Quý vị suy ngẫm xem, rốt lại thì thành tựu [giáo hóa] đó là của ngài Huệ Năng hay của ngài Ấn Tông? Nói thật ra, nhìn bên ngoài hình thức thì đó là thành tựu [giáo hóa] của Đại sư Huệ Năng, nhưng nhìn sâu vào thực chất thì cũng là thành tựu của Đại sư Ấn Tông. Ngài Ấn Tông không hề thua kém ngài Huệ Năng. Đó là đức lớn, người bình thường làm không nổi. Không phải là người thực sự có đức hạnh thì không làm nổi.
Trong pháp thế gian, chúng ta xem thời xưa có chuyện Quản Trọng và Bảo Thúc Nha. Thành tựu của Quản Trọng kỳ thật là thành tựu của Bảo Thúc Nha, vì ông là người nhượng hiền. Sự thành tựu đó, tự thân mình không phải mất công phu, có người khác thay mình làm. Đó gọi là thành tựu chân thật.
Cho nên, Phật dạy chúng ta tu tập “tùy hỷ công đức”. Tùy hỷ công đức chính là đối trị với tật xấu kiêu mạn, ganh ghét đố kỵ. Trong xã hội hiện nay của chúng ta, bất luận là trong Phật pháp hay pháp thế gian, hết thảy đều là bám giữ lấy địa vị cho đến lúc chết, không chịu nhường lại. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Khi tôi mới học Phật, lúc vừa ra giảng kinh, trên giảng đường tôi thường nói, từ bốn mươi tuổi trở về trước là giai đoạn chúng ta phải thực sự nỗ lực học tập. Từ bốn mươi đến sáu mươi tuổi nên tu phúc, làm những việc lao dịch phụng sự Tăng đoàn, đó cũng là nói việc đảm nhận công việc trong Tăng đoàn, vì đại chúng phục vụ. Từ sáu mươi tuổi trở về sau nên tu tuệ, phải đem chức vụ của mình nhường lại cho người khác, lo việc đại sự sinh tử của chính mình, hoàn toàn làm việc giảng kinh dạy học mà thôi, hết thảy những công việc hành chánh quản trị phải hoàn toàn buông bỏ hết, để cho tầng lớp lãnh đạo trong tăng đoàn, các nhân viên hành chánh lúc nào cũng toàn là những người trẻ.
Trung quốc vào thời xưa, tuổi về hưu là bảy mươi tuổi. Chúng ta xem trong sách xưa thường thấy nói “bảy mươi tuổi về nghỉ”. Thế nhưng đối với người tu hành đạo pháp mà nói thì bảy mươi tuổi là quá muộn, nên nghỉ hưu từ năm sáu mươi tuổi, để hết lòng hết sức lo việc [tu tập] của riêng mình, có thể lo việc truyền đạo, dạy học, giảng kinh, tự mình nỗ lực tu hành, lo nghĩ đến đời sau. Quyết định không thể ở địa vị của mình rồi không nhường cho người khác. Không nhường như vậy, ý niệm như vậy, hành vi như vậy, liền đọa vào ba đường ác.
Tục ngữ thường nói: “Trước cửa địa ngục nhiều thầy tăng.” Người xuất gia, chúng ta phải suy ngẫm đến, ý nghĩa xuất gia là ở chỗ nào? Là buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, đó gọi là xuất gia. Xuất gia rồi còn xây dựng phát triển đạo trường, chúng ta đứng ngoài bình tĩnh quan sát thật là chuyện đáng buồn cười. Quý vị xuất ra khỏi căn nhà nhỏ của mình, kết quả lại xây dựng một căn nhà lớn, quý vị làm sao có thể được giải thoát? Tâm quý vị làm sao được thanh tịnh? Nói cách khác, quý vị làm sao có thể tương ưng với đạo?
Cho nên, trong thời đại hiện nay của chúng ta, không chỉ là không có người chứng quả, cho đến người tu học đúng pháp cũng không có nhiều. Nguyên nhân vì sao? Vì bị gia đình trói buộc. Cho nên xuất ra khỏi nhà, nhưng trong thực tế không hề xuất gia, còn thu nhận thêm một loạt những đệ tử con, đệ tử cháu, so ra còn lớn hơn cả gia đình của người bình thường. Quý vị khi còn tại gia có được mấy người con? Có được mấy người thân thích bằng hữu? Xuất gia chưa được mấy năm thì gia nghiệp càng ngày càng lớn, càng ngày càng lo nghĩ nhiều hơn.
Đạo trường hiện nay so với thời xưa không giống nhau. Đạo trường thời xưa là đạo trường thập phương, chân thật là chọn lọc những người hiền đức, có năng lực. Chúng ta xem quy củ của thời xưa, nhiệm kỳ của vị chấp sự là một năm. Ngày ba mươi tháng chạp [hằng năm], từ vị trụ trì trở xuống các chấp sự của một trăm lẻ tám phần hành trong tự viện đều được chọn lựa bầu mới lại. Cho nên, chế độ bầu cử đã được nhà Phật sử dụng sớm nhất, thực sự là dân chủ.
Sau khi bầu cử rồi, ngày mồng một đầu năm mới bàn giao ngay, nhiệm kỳ là một năm. Không giống như hiện nay, có rất nhiều nơi dường như giữ chức vụ đến suốt đời, như chùa chiền để lại con cháu, [trở thành như] gia nghiệp lớn, sự nghiệp lớn, từ đó mà thành phần xuất gia cũng rất phức tạp. Có rất nhiều người, hỏi vì sao xuất gia? Vì họ thấy quý vị có gia nghiệp rất lớn, sau khi xuất gia, mục đích là mong muốn kế thừa những tài sản ấy, vì vậy mà xuất gia. Nếu như quý vị là một hòa thượng già không có tài sản gì, cho đến căn lều tranh cũng không có, chỉ e là sẽ không có một người nào theo quý vị xuất gia. Vì sao vậy? Vì xuất gia với quý vị phải chịu khổ, chịu khó. Cho nên ngày nay chùa chiền tự viện càng to lớn nguy nga, người theo xuất gia với quý vị càng đông. Quý vị ngẫm nghĩ xem họ vì sao mà đến? Thế nhưng chúng ta không hề nghe thấy có ai đến chất vấn họ: Quý vị vì sao xuất gia?
Chúng ta mỗi ngày đều đọc kinh, mỗi ngày đều niệm Phật, có được một chút giác ngộ, đó không phải là đại triệt đại ngộ, chỉ là một chút giác ngộ nhỏ nhoi, [đủ để] chúng ta tin sâu vào lẽ nhân quả báo ứng, mảy may không sai lệch.
Chúng ta ở đạo trường này, đạo trường này nhờ có sức hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Ông ấy thực sự đã buông bỏ việc nhà, hết thảy đều vì Phật pháp, hết thảy đều vì chúng sinh, hết lòng hết sức phục vụ. Điều này kẻ phàm phu không làm nổi. Vì sao không làm nổi? Vì không buông bỏ được danh lợi, không buông bỏ được quyền chức, địa vị, không buông bỏ được sự hưởng thụ năm món dục trong sáu trần cảnh. Hiện nay trước mắt có được một chút danh văn lợi dưỡng, nhưng vấn đề trong tương lai mới lớn lao. Một khi hơi thở này không còn nữa thì sẽ đi về đâu? Họ không hề nghĩ đến. Nếu như đạt mức có thể nghĩ đến điều này, người đó trong Phật pháp có thể nói là bắt đầu giác ngộ, chỗ giác ngộ đầu tiên. Không giác ngộ thì mê muội, vĩnh viễn mê muội, như vậy sao có thể được?
Đời người rất ngắn, trong kinh thường nói: “Mạng người chỉ trong hơi thở.” Đức Phật khai thị như vậy là giúp chúng ta hết sức đề cao cảnh giác, giúp ta biết trân quý thời gian mỗi giây mỗi phút, như vậy chúng ta mới có thể được cứu độ. Chuyện gì cần buông bỏ nhất định phải buông bỏ, tự mình nhất định phải suy xét sáng tỏ: “Sinh không mang đến, chết chẳng mang đi.” Chúng ta vì người khác mà khổ nhọc kinh doanh phát triển, có đáng hay không?
Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã vì ta nêu gương, để chúng ta noi theo. Đức Thế Tôn không kiến lập bất kỳ một đạo trường nào. Một đời ngài luôn sống với nhu cầu vật chất tối thiểu, mỗi ngày ăn một lần, mỗi gốc cây chỉ ngủ một đêm. Những người tìm đến gần gũi với ngài, với các đệ tử của ngài, đều thực sự là những người mộ đạo mà đến, tuyệt đối không phải vì tham muốn hưởng thụ mà đến. Những người đi theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni đều giống như nhau, đều chỉ có ba tấm y với một bình bát, ngày ăn một bữa, mỗi gốc cây chỉ ngủ một lần, thực sự là vì mộ đạo mà đến. Giảng đường tinh xá đều là do cư sĩ xây dựng. Chúng ta phải từ chỗ này mà thể hội. Vào thời ấy, các vị đệ tử tại gia của đức Thế Tôn đều là quốc vương, đại thần, lễ thỉnh Phật đến giảng kinh thuyết pháp, cúng dường nơi cư trú. Nơi cư trú là của người khác, tự mình không sở hữu, tự mình chỉ chuyên tâm hành đạo. Có người cúng dường, chúng ta có thể tiếp nhận, phải yên tâm hành đạo, chúng ta mới xứng đáng với sự cúng dường của thí chủ. Đạo nghiệp của ta không thể thành tựu, đó là mắc nợ thí chủ, mắc nợ thì tương lai phải hoàn trả.
Cho nên, cư sĩ Giang Vị Nông trong sách Giảng nghĩa kinh Kim Cang đề xuất rằng, nếu người xuất gia không thể khôi phục chế độ ôm bát khất thực [như thời đức Phật] thì Chánh pháp muốn trụ lại thế gian phải hết sức khó khăn khổ nạn. Ông ấy đề xuất chế độ ôm bát khất thực. Tôi đọc sách Giảng nghĩa của ông thấy cảm động sâu xa. Không có ai đề xướng [như ông].
Những năm trước khi tôi ở Đài Loan, Pháp sư Tẩy Trần từ Hương Cảng đến gặp tôi. Ông là người tinh tường, sáng suốt, có năng lực, tràn đầy sinh lực. Tôi có khích lệ ông, hỏi rằng thầy có chịu dẫn đầu [khất thực] hay không? Nếu thầy dẫn đầu, tôi xin đi theo. Không cần nhiều, chúng ta tìm khoảng năm người thôi, năm vị tỳ-kheo. Hiện nay thì “mỗi gốc cây ngủ một đêm”, thể lực chúng ta không chịu được, có thể ngủ trong lều. Tôi thấy có nhiều căn lều được làm rất tinh xảo, cũng rất tốt, lại rất nhẹ nhàng, khéo léo. Một túi nhỏ mang trên lưng, chiều tối dựng lều lên ngủ lại, rất tốt. Tôi nói, tôi ủng hộ việc đi khất thực, nếu thầy dẫn đầu, tôi cùng đi với thầy. Pháp sư nghe rồi gật đầu nói: “Tốt lắm!” Thế nhưng sau khi thầy về lại Hương Cảng rồi thì không còn nghe tin tức gì nữa.
Thực sự có người dẫn đầu làm việc này rất tốt. Đi khất thực không lo việc không có cơm ăn. Tôi tin chắc rằng nếu thực sự phát tâm khất thực, không có người cúng dường, chư Phật Bồ Tát sẽ hóa thân đến cúng dường quý vị. Tôi có lòng tin như vậy. Cho nên, Phật pháp nếu muốn thực sự hưng vượng, thực sự vươn lên thì như lời cư sĩ Giang Vị Nông rất hữu lý. [Người xuất gia] chỉ chú tâm tham cầu hưởng thụ, tham cầu danh lợi, chẳng những không thể làm hưng thịnh giáo pháp, mà còn e là tội lỗi rất khó tránh khỏi.
Người xuất gia học Phật so với người tại gia học Phật không giống nhau. Người tại gia học Phật, vấn đề không lớn lắm. Người xuất gia học Phật thật không dễ dàng, rất gian khổ khó khăn.