(Giảng ngày 7 tháng 4 năm 2000 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 188, số hồ sơ: 19-012-0188)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời mở sách Cảm ứng thiên, đoạn thứ 118. Mấy đoạn từ đây trở xuống là tổng kết quả báo của các việc thiện ác. Xin mời xem nguyên văn: “Như thị đẳng tội, tư mệnh tùy kỳ khinh trọng, đoạt kỳ kỷ toán. Toán tận tắc tử. Tử hữu dư trái, ương cập tử tôn.” (Những tội như thế, thần tư mệnh tùy theo nặng nhẹ mà trừ vào kỷ toán. Kỷ toán trừ hết thì phải chết. Sau khi chết vẫn còn nợ thì để lại tai ương cho con cháu.)
Mấy câu này, chúng ta phân tích kỹ ra làm hai đoạn. Đoạn trước là nói rõ “tội báo” (quả báo của tội lỗi). Đoạn sau riêng nói về “dư ương” (tai ương còn lại), gồm hai câu cuối cùng.
“Những tội như thế” là tổng kết những điều trước đó đã nói. Thời gian qua chúng ta cũng đã giảng giải rất nhiều. Đó là những việc làm xấu ác, tạo ra đủ mọi nghiệp xấu ác. Những điều nói trong Cảm ứng thiên dường như đều là những việc trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trong chỗ không hay không biết mà tạo thành những nghiệp tội như thế.
Vì sao lại tạo nghiệp? Trong phần trước chúng ta cũng đã nghiên cứu thảo luận qua, tổng kết các nguyên nhân không ngoài hai loại. Thứ nhất là do tập khí từ vô thủy đến nay, là những tập khí xấu ác. Trong kinh luận, đức Phật có dạy chúng ta, ví như mọi người thường đọc trong luận Bách pháp minh môn. Trong Phật giáo chúng ta, luận này là một giáo trình Phật học thường thức, bất kể là tu học theo tông phái nào cũng đều phải học tập. Trong luận này đức Phật dạy chúng ta, trong số năm mươi mốt tâm sở thuộc tám thức của hết thảy chúng sinh, có hai mươi sáu tâm sở xấu ác, chỉ có mười một tâm sở hiền thiện. Quý vị xem, tỷ lệ này không chỉ là gấp đôi mà còn hơn thế nữa. Huống chi các tâm sở hiền thiện lại yếu ớt, các tâm sở xấu ác thì mạnh mẽ. Thông thường chúng ta gọi là thói quen xấu, trong nhà Phật gọi là tâm sở xấu ác, trong đó có sáu phiền não căn bản, hai mươi phiền não tùy thuộc. Trong chỗ không hay không biết, các phiền não này khởi sinh hiện hành. Cho nên con người hết sức dễ dàng tạo các nghiệp xấu ác, lý do là như thế.
[Thứ hai là] về mặt ngoại duyên mà nói, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, duyên xấu ác nhiều, duyên hiền thiện ít. Cảnh giới mà sáu căn của chúng ta tiếp xúc, có thể nói là không một điều nào không xui khiến chúng ta làm chuyện xấu ác.
Cho nên, bên trong có tập khí phiền não nghiêm trọng, bên ngoài có duyên xấu ác dụ dỗ, mê hoặc, dắt dẫn, con người làm sao không tạo nghiệp? Lúc tạo nghiệp tội thì không biết, đến khi quả báo hiện tiền thật đáng sợ. Đến lúc đó dù sợ sệt hốt hoảng cũng không còn kịp nữa.
Vì thế, [những người học Phật] chúng ta chỉ chiếm phần thiểu số cực kỳ nhỏ nhoi, thật hết sức may mắn được đọc qua những lời răn dạy như thế này của Phật. Sau khi đọc qua rồi thì phải khởi tâm cảnh giác cao độ, biết rằng những việc [xấu ác] này thật hết sức khủng khiếp đáng sợ, hậu quả nghĩ đến thật không thể chịu nổi. Người có thể khởi tâm e dè sợ sệt thì tự nhiên không tạo nghiệp tội. Vì nghĩ đến quả báo đáng sợ nên không dám làm. Mỗi một ý niệm đều phải có tâm e dè sợ sệt thì mới có thể ngăn phòng, chấm dứt việc tạo tội. Mỗi một ý niệm đều có thể nghĩ đến việc chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền dạy dỗ chúng ta phải siêng tu thiện nghiệp, chúng ta mong cầu đạt được quả lành thì nhất định phải dứt ác tu thiện. Tâm xấu ác, ý niệm xấu ác, hành vi xấu ác mà mong cầu được quả lành, làm gì có lẽ ấy?
Quyển sách này chúng ta đã đọc qua gần xong, đến chỗ này là tổng kết, không phải chỉ tổng kết trên trang sách, mà chúng ta phải tự mình mau mau phản tỉnh, từ trong chỗ khởi tâm động niệm, nói năng hành động của bản thân mình mà tổng kết, sau đó mới có thể thực sự hiểu rõ được là việc thiện không thể không tu, việc ác không thể không dứt trừ. Một đời này của chúng ta như vậy vẫn còn cứu được.
Nếu cứ tiếp tục giống như trong quá khứ mê hoặc điên đảo, thuận theo vọng tưởng, phân biệt, bám chấp của bản thân mình, thì những quả báo như đã nói trên quyết định không thể nào né tránh.
Trong bản văn nói “những tội như thế”, đó là tổng kết đoạn văn lớn nói về “làm việc ác”, cũng là những lời răn dạy quan trọng thiết yếu nhất trong Cảm ứng thiên.
“Thần tư mệnh tùy theo nặng nhẹ”, thần tư mệnh là nói chuyện quỷ thần, người hiện đại không tin được. Nhưng chuyện này không thể nói không tin là không có, chỉ tin mới có. Nếu không tin không có thì chuyện này thật dễ giải quyết, chỉ cần chúng ta không tin thì sự việc không có. Nhưng dù ta không tin thì sự việc vẫn thật có, đích thật là có.
Quỷ thần tư mệnh có rất nhiều. Dục giới có thiên thần, Đạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong Phật pháp gọi là Đao Lợi Thiên Chủ. Họ gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, chính thật trong Phật pháp gọi là Đao Lợi Thiên Chủ, lại có tôn giáo gọi là Thượng đế, đó là vị thần tư mệnh lớn. Thấp dần hơn theo từng mức độ, có rất nhiều các vị thiên thần, lại thêm các quỷ thần mà sáu căn của chúng ta không tiếp xúc nhận biết được, thế nhưng họ nhìn thấy [chúng ta] rất rõ ràng. Đó gọi là: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.” Câu này là đúng thật, không phải giả dối. Tiếp cận gần với chúng ta nhất là ba thần thi, phần trước chúng ta đã có giảng giải qua, đã giới thiệu qua. Trong kinh Phật có nói cho ta biết, có hai vị thần thường cùng sống chung với ta, dù một giây một phút cũng không xa rời. Một vị gọi là Đồng Sinh và một vị gọi là Đồng Danh. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, các vị này đều nhìn thấy, họ đều ghi chép lại, đều báo cáo lên. Chúng ta làm thiện, làm ác, hai vị này đều làm chứng, quyết định không thể cho rằng chúng ta khởi tâm động niệm không có ai biết được. Cách nghĩ như vậy là sai lầm.
Con người có vận mệnh, cho nên những người xem tướng, đoán mệnh, nếu người thực sự cao minh có thể tính toán rất chuẩn xác. Điều đó cho thấy con người thật có vận mệnh. Vận mệnh đó từ đâu mà có? Cần phải biết rằng, vận mệnh đó chính là những nghiệp thiện, nghiệp ác ta đã làm trong quá khứ. Nghiệp lực đó là chủ tể làm ra vận mệnh. Vận mệnh không phải do quỷ thần làm chủ tể, không phải do thần tư mệnh làm chủ tể, là do chính mình làm chủ tể. Tự mình có thể dứt ác tu thiện thì vận mệnh của quý vị đương nhiên tốt đẹp. Nếu như quý vị lại không chút kiêng dè, thuận theo phiền não tập khí của bản thân, không điều ác nào không làm, vậy thì vận mệnh của quý vị đương nhiên là không tốt.
Chư Phật, Bồ Tát cũng không thể vì chúng ta mà thêm bớt được mảy may nào. Thần tư mệnh cũng không có quyền thêm bớt. Cũng giống như các nhân viên tư pháp, nhân viên chấp pháp ở thế gian, họ không thể tùy tiện tăng thêm tội danh cho một người nào, không thể được; cũng không thể theo ý riêng muốn trừng trị một cá nhân, điều này không thể được. Tất nhiên phải dựa vào sự cống hiến của một người cho xã hội, làm được rất nhiều việc tốt, nhân viên chấp pháp của chính phủ mới khen thưởng khuyến khích. Nếu họ làm nhiều việc xấu ác, căn cứ vào những việc ác của họ, những việc làm của họ, pháp luật mới phán xét, trừng phạt. Do đó có thể biết rằng, tuy những nhân viên kia chủ quản thi hành việc khen thưởng hay trừng phạt, họ hoàn toàn không có quyền lực tùy tiện khen thưởng hay trừng phạt người dân thường, nhất định phải dựa vào việc làm của mỗi người. Thần tư mệnh cũng là như vậy.
Cho nên, “tùy theo nặng nhẹ” là tùy nơi việc chúng ta tạo tác các nghiệp ác nặng hay nhẹ. “Trừ vào kỷ toán”, “kỷ toán” cũng là nói tuổi thọ, đây là sự trừng phạt nặng nề trong các hình phạt. Người làm việc thiện có thể được kéo dài tuổi thọ. Đó gọi là “diên niên ích thọ” (kéo dài thêm tuổi thọ).
Làm những việc thiện nào thì có thể kéo dài thêm tuổi thọ? Phần trước của Cảm ứng thiên nói về các việc thiện, những việc làm lợi ích xã hội, lợi ích hết thảy chúng sinh, là những việc nên làm nhiều. Lợi ích lớn nhất là giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh đạt đến giác ngộ, hỗ trợ chúng sinh rõ biết sự lý về nhân quả, đó là đại thiện, giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh chuyển mê thành ngộ. Người nào có thể làm được những việc đại thiện này, quyết định sẽ được kéo dài thêm tuổi thọ.
Hết thảy chúng sinh đều mong cầu được sống lâu, nhưng nếu tự mình không tích lũy công đức thật nhiều, được sống lâu mà thân thể không khỏe mạnh thì đó là khổ báo, chẳng phải tốt lành. Được sống lâu, thân thể khỏe mạnh, đó là phúc báo.
Chúng ta ở Singapore nhìn thấy nữ cư sĩ Hứa Triết, đó là mẫu mực sống động tốt nhất cho những người học Cảm ứng thiên chúng ta. Bà được sống lâu khỏe mạnh, một trăm lẻ một tuổi mà vẫn như người còn trẻ. Bà tu tập những gì? Mỗi chúng ta cũng đều có thể tu, tuyệt đối không phải chỉ riêng bà ấy được hưởng lợi. Chúng ta nhìn vào tấm gương đó, tìm hiểu kỹ lưỡng về nếp sống, tư tưởng, sự hành trì của bà ấy, từ đó chúng ta có thể học tập theo, nhất định phải nỗ lực làm việc thiện.
Nếu như quý vị tạo tác hết thảy mọi điều bất thiện, không tin nhân quả, làm rất nhiều tội ác, tuổi thọ của quý vị sẽ giảm thiểu. Chuyện này so ra không dễ gì lý giải được. Trong các sách xưa ghi chép rất nhiều, trong Cảm ứng thiên vị biên trích dẫn những chuyện xưa cũng rất nhiều, chúng ta xem qua rồi có tin hay không? Tiên sinh Viên Liễu Phàm sau khi gặp được thiền sư Vân Cốc, hiểu rõ được ý nghĩa này, cho nên mới hết sức nỗ lực sửa lỗi tu thiện, vận mệnh của ông được chuyển biến, tuổi thọ của ông cũng được kéo dài. Khổng tiên sinh đoán rằng tuổi thọ của ông là năm mươi ba tuổi. Ông sống đến hơn bảy mươi tuổi mới niệm Phật vãng sinh. Những trường hợp như thế này từ xưa đến nay có rất nhiều. Lần tới khi gặp nữ cư sĩ Hứa Triết sẽ hỏi bà ấy xem đã có đoán qua số mệnh hay chưa? Trước đây người đoán vận mệnh cho bà đã đoán tuổi thọ là bao nhiêu? Tôi tin rằng tuổi thọ của bà ấy là do làm việc thiện mà được kéo dài thêm.
Khi tôi còn trẻ, rất nhiều người đã đoán số mệnh cho tôi, nói rằng tôi sống không qua bốn mươi lăm tuổi, bốn mươi lăm tuổi nhất định phải chết. Tôi rất tin điều này, không một mảy may hoài nghi. Tôi học Phật không cầu sống lâu, hiện tại có thể sống được cho đến tuổi tác này, đó cũng là được kéo dài thêm tuổi thọ. Cho nên, làm các việc ác, “tính toán trừ hết thì phải chết”. Vì vậy, làm việc ác là chết vì tuổi thọ giảm bớt. Mấy câu này nói về tội báo, chính là vì chúng ta giảng rõ tội báo.
Hai câu tiếp theo là nói về tai ương còn lại: “Sau khi chết vẫn còn nợ thì để lại tai ương cho con cháu.” Con cháu của những kẻ này thật bất hạnh. Thế nhưng chúng ta cần biết rằng, cha con, anh em, vợ chồng đều là duyên phần đã có từ trong quá khứ, không phải chuyện ngẫu nhiên. Một người tu thiện tích đức thì tự nhiên có người đã từng tu tích thiện nghiệp trong quá khứ tái sinh vào nhà mình, vì thiện với thiện chiêu cảm tương ưng. Quý vị làm điều bất thiện, nhất định sẽ có những oán thân trái chủ bất thiện tái sinh vào nhà quý vị, làm con cháu của quý vị. Do đó có thể biết rằng, “sau khi chết vẫn còn nợ thì để lại tai ương cho con cháu”, nhưng con cháu cũng không phải oan uổng gánh chịu tai ương của người trước, thật cũng không phải oan uổng, ắt phải có nghiệp nhân.
Nhưng những người con cháu đó, nếu như có duyên lành, gặp được bậc thiện tri thức khai mở chỉ đường, họ có thể tiếp nhận, họ có thể tin nhận, có thể đổi ác làm lành thì con đường tương lai vẫn được tươi sáng.
Do đó mà biết, trong các công đức thì công đức thù thắng nhất là giáo hóa. Các bậc đế vương thời cổ đại, thậm chí những người cầm quyền đứng đầu ở địa phương, đều xem việc giáo hóa là quan trọng thiết yếu nhất trong sự cai trị của họ. Đó gọi là: “Tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư.” (Làm vua [dẫn dắt] dân, làm cha mẹ [nuôi dưỡng] dân, làm thầy [dạy bảo] dân.) Người dân chúng ta tôn xưng là “quan phụ mẫu”, quan là cha mẹ của người dân chúng ta, họ thương yêu người dân cũng giống như con em của họ, dạy bảo người dân cũng giống như học trò của họ, như vậy là có công đức. Sau khi chết, những vị này nếu không niệm Phật cầu vãng sinh thì sẽ tái sinh lên cõi trời làm thần minh, nhận sự thờ kính của người đời sau. Những sự tích như thế này trong dân gian Trung quốc truyền tụng rất nhiều. Nếu là tham quan ô lại, nhất định phải đọa vào các đường ác.
Trong một đoạn văn này, phần chú giải nói rất nhiều, trong đó có một phần trích dẫn trong kinh Lăng Nghiêm nói về “mười tập nhân, sáu giao báo”. Trong kinh điển đức Phật giảng giải rất rõ ràng, cho nên đoạn này quý vị đồng học có thể tự mình tham khảo.