Ông Vương Trung người ở Thái Nguyên thưa hỏi: “Ông Hối Am
đời Tống cho rằng việc trời đánh là do khí âm và khí dương
gặp nhau, tình cờ chạm nhằm người nên chết, chẳng phải có ý
đánh họ. Lời ấy thế nào?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Sau tiết Kinh trập thì hai hào âm ở
trên, bốn hào dương ở dưới. Sau tiết Mang chủng thì năm hào
dương ở trên, một hào âm ở dưới. Nếu nói rằng do âm và dương
chạm nhau nên có sấm, có mưa, ắt là thường phải đụng nhau
nên có sấm, có mưa mãi mãi! Sao lại lúc tạnh, lúc mưa cách
nhau xa vậy?
“Nên biết rằng, khí âm dương qua lại, vận chuyển, giống như
cái vành bánh xe quay nước, luân phiên nhau mà lên cao,
xuống thấp. Nếu chạm vào nhau thì làm sao phát sanh vạn vật?
Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, mây, sấm, mưa đều là thể
dụng của trời đất, mỗi thứ đều có thiên thần làm chủ, ứng
theo thời tiết không sai trật, cho nên mới có lý do cúng tế
trời đất. Khi mưa gió điều hòa là cảm ứng theo nghiệp lành
của người đời; còn như chẳng điều hòa, đó là chiêu cảm bởi
nghiệp dữ của thiên hạ, chẳng phải do trời không có lòng
thương.
“Nói về việc trời đánh, vào khoảng niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 22
đời Minh, tại chùa Thiên Phong ở Thai Châu có thầy Duy-na
tên là Sĩ Hoằng bị sét đánh chết. Giây lát bỗng tỉnh lại,
nói rằng: ‘Trong khi tôi chết, có thấy các vị thiên thần quở
trách rằng: Đời trước ông làm chức tuần kiểm, buộc tội oan
cho một người, khiến người ấy phải chịu cực hình. Nhờ ngươi
biết thờ Phật, cho nên chưa thường mạng. Đến một đời sau
nữa, ông làm vị tăng trụ trì, lấy tiền đồng của chùa mà chôn
giấu ba hầm. Sau khi chết rồi, tiền ấy hư nát hết. Ông đã
phạm tội trong hai đời, cho nên nay bị sét đánh chết. Tuy
nhiên, trong đời này ông chí thành thờ phụng đức Bồ Tát Quán
Âm nên tạm để cho ông được sống lại.’ Về sau, đến niên hiệu
Tuyên Đức thứ hai, Sĩ Hoằng bị chết đuối.
“Ở xứ Triết Hữu, có một người in tượng Phật giấy ngũ sắc.
Sau đó, người ấy khai trương hiệu buôn, lót ván bằng thẳng
trên gác và làm phòng ngủ trên ấy. Một đêm nọ, ông ta lỡ
đụng làm đổ bồn đựng nước tiểu tiện, nước tiểu chảy xuống
thấm ướt cả bức tượng. Sáng ra ông lại đem phơi khô rồi bán
bức tượng ấy. Ngay trong năm ấy, ông ta đang ở trong nhà
bỗng như bị ai lôi đi, rồi bị sét đánh chết ngay trước cửa
tiệm.
“Lại có hai vợ chồng nhà nghèo kia, nhà hết gạo phải nhịn
đói. Người chồng liền đem một con ngỗng ra chợ bán, mua được
hai đấu gạo. Đang lúc thèm khát, anh ta lấy bớt ra hai thăng
gạo đổi lấy rượu mà uống. Về được giữa đường thì say rượu,
nằm ngay ra đất. Có người trộm lấy hết gạo. Khi tỉnh lại,
anh ta sợ sệt về nhà. Người vợ biết chuyện, buồn khổ khôn
xiết. Người chồng không chịu nỗi, trầm mình xuống nước mà
chết. Người vợ than rằng: ‘Chồng tôi đã chết, tôi còn sống
làm gì?’ Rồi cô cũng nhảy xuống nước mà chết. Qua rạng sáng
hôm sau, có một người con trai bị sét đánh chết, xác văng
đến nằm bên cạnh xác hai vợ chồng kia. Trên lưng kẻ bị sét
đánh chết ấy hiện ra mấy chữ: ‘Thằng này ăn cắp gạo.’
“Ở Tùng Giang có một người bị sét đánh chết, trên lưng hiện
ra mấy dòng chữ này: ‘Cách đây mười năm, tên này cùng với
một người đàn bà vào chùa, lên tầng tháp thứ hai mà làm
chuyện dâm dục, cho nên nay bị giết.’
“Tại Hồ Châu có một cô gái kia, đang trong cơn mưa bỗng thấy
có nhiều vị quan binh kéo đến trước cửa nhà mình. Trong số
ấy có hai vị vào nhà, hình dáng giống như những thiên binh
mà người đời thường họa. Hai người ấy bắt anh trai của cô
đi, liền đó anh bị sét đánh chết ngay trước cửa. Khi ấy cô
mới biết rằng những vị quan binh nhìn thấy đó là các thiên
thần.
“Lại có một người kia bị sét đánh chết, người nhà lấy quần
áo mặc vào cho tử thi. Qua ngày sau, lại bị sét đánh lần
nữa, quần áo văng mất cả. Lại có một người bị sét đánh chết,
người ta đã liệm vào quan tài. Hôm sau lại bị sét đánh nữa,
làm văng mất nắp hòm!
“Những chuyện hiển hiện rõ ràng như vậy, xưa nay mỗi năm đều
có, chẳng cần phải kể nhiều. Những việc tai nghe, mắt thấy
nhiều lắm, chỉ e người nhà lấy đó làm điều nhục nhã nên
không kể ra tên họ của người bị chết.
“Hơn nữa, bị sét đánh chết còn có những loài vật như: rắn
rết, chồn cáo, chuột, tinh quái, cây cối cùng với những đồ
vật có yêu ma nương dựa vào ắt bị sét đánh. Như vậy há phải
là khí âm và khí dương gặp nhau một cách tình cờ gây chết
hay sao?
“Kinh Dịch có câu: ‘Nghe tiếng sấm sét phải phập phồng lo
sợ.’ Trong lời tượng quẻ ấy giải rằng: ‘Nghe lại tiếng sấm
vang, người quân tử lấy đó làm điều lo sợ, phải gắng tu
tỉnh.’ Như vậy có ý nói đó là sự quở trách của trời, cho nên
phải cố gắng tu tỉnh, sửa lỗi. Hối Am dạy người ta không tin
việc trời quở trách, đó là trái với lẽ trong kinh Dịch. Nếu
không biết sợ trời đất mà hướng đến việc lành thì trước hết
là đánh mất đức độ của chính mình.
“Tiếc thay cho người đời sau, không biết mở rộng kiến thức
để soi xét rõ ý nghĩa trong sự việc, vì cố chấp mà mắc phải
sai lầm nghiêm trọng theo lời Hối Am. Hối Am không chỉ sai
vì dựa vào sự phỏng đoán, mà còn mắc lỗi rất lớn đi ngược
lời Phật dạy.
“Văn Trung tử dùng đạo học Khổng, Mạnh viết sách nhưng vẫn
kính trọng Phật pháp. Hối Am dùng chỗ học trong Phật pháp để
viết sách, lại bài bác Phật pháp, muốn cho kẻ hậu học chẳng
xem kinh sách Phật, để không biết được việc ông dùng chỗ học
trong Phật pháp mà viết sách. Bởi ý đồ như thế nên mới làm
như thế.
“Hối Am đối với Phật pháp chỉ học biết được đôi chút, khác
nào như dùng một cái lông mà thấm nước biển, chỗ biết như
vậy thật quá ít. Ông lại mang cái biết quá ít như chút nước
thấm nơi cái lông ấy mà muốn cho kẻ hậu học dùng lấy, cho đó
là đủ, chẳng cần phải ra biển làm gì! Lời dạy của ông ấy làm
hư hoại lòng người, trái nghịch Phật pháp, đánh mất chỗ tốt
đẹp lớn lao, thật sai lầm lắm thay!