(Giảng ngày 7 tháng 10 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 106, số hồ sơ: 19-012-0106)Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Người đọc sách thánh hiền thực sự có thể khế nhập vào cảnh giới [thánh hiền], hoàn toàn tự nhiên như các bậc đại đức xưa của Thiền tông nói là: “Tả hữu phùng nguyên, đầu đầu thị đạo.” (Đâu đâu cũng là đạo, nơi nơi đều là cội nguồn.) Chúng ta nếu nhận lãnh được đôi phần cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm thì sau đó, khi sáu căn tiếp xúc với ngoại cảnh [sáu trần] sẽ không có gì là không phải “đại phương quảng”, không phải “Phật Hoa Nghiêm”. Khi ấy, quay lại mở bản văn Cảm ứng thiên ra xem thì mỗi câu mỗi chữ đều sẽ tương ưng với “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”.
Do đây chúng ta hiểu rõ được điều trong kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Một là tất cả, tất cả là một.” Trước đây, trên giảng đường tôi đã nhiều lần giảng rõ chữ “nhất”, không có nghĩa là chuyên nhất, mà là hợp nhất. Tôi nói “hợp nhất” có nghĩa là các pháp môn trong Phật pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn, cho đến vô lượng pháp môn, bất kỳ một pháp môn nào cũng đều bao gồm [trong đó] toàn bộ [các pháp môn khác]. Đó gọi là: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một.”
Chúng ta có thể thắc mắc rằng, tám vạn bốn ngàn pháp môn, cho đến vô lượng pháp môn, có bao quát Cảm ứng thiên trong đó hay không? Mọi người ngẫm nghĩ xem? Thậm chí có bao quát [các Thánh kinh] Tân ước, Cựu ước của Cơ Đốc Giáo hay không? Có bao quát kinh Koran của Hồi giáo hay không? Hết thảy đều bao quát, đó là sự thật. Lẽ nào quý vị không nghe trong nhà Phật thường nói: “Sau khi giác ngộ, có pháp nào không là Phật pháp?” Những gì gọi là Phật pháp? “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” gọi là Phật pháp.
Nếu không giác ngộ thì trọn bộ kinh Hoa Nghiêm đặt ngay trước mặt quý vị cũng không phải Phật pháp. Có thể thấy rằng, Phật pháp hay không phải Phật pháp, điểm mấu chốt hoàn toàn không nằm ở chỗ đó có phải là kinh Phật hay không, mà thực sự quyết định là ở chỗ quý vị có giác ngộ hay không. Vì sao vậy? Vì sau khi giác ngộ rồi mới biết rằng, hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng tận hư không đều cùng một tự thể. Cảm ứng thiên có lẽ nào lại nằm ngoài tự thể đó sao? Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, cho đến bao nhiêu tôn giáo khác trong thế gian, lẽ nào lại ở bên ngoài [tự thể] thân này của chúng ta hay sao? Không phải vậy. Hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng tận hư không đều cùng một tự thể, cho nên có pháp nào lại không là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”?
Kẻ phàm phu ngu muội, không hiểu biết, không thể vào được cảnh giới này. Không chỉ phàm phu không thể vào, cho đến hàng Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo cũng không thể vào. Nguyên nhân là gì? Là do chướng ngại bởi vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Nói cách khác, những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp của quý vị còn chưa lìa bỏ, đó gọi là kiến giải của thế gian. Vì sao gọi là kiến giải của thế gian? Quý vị có vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, quý vị có sự bám chấp vào thời gian [phân biệt] quá khứ, hiện tại, tương lai, quý vị có sự bám chấp vào không gian [phân biệt] thế giới này với các phương khác. Quý vị không thấy được chân tướng sự thật. Cho nên, hết thảy chư Phật Như Lai, Bồ Tát, các bậc Tổ sư đại đức, dạy bảo cho hết thảy chúng sinh, thật không có gì khác hơn là buông bỏ sự bám chấp mà thôi. Chỉ cần buông bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, bám chấp thì chân tướng của vũ trụ nhân sinh liền sáng tỏ rõ ràng. Đó gọi là Phật pháp.
Khi mê muội, do mê muội mà có [sự phân biệt] nặng nhẹ nên nghiệp tạo ra cũng [nặng nhẹ] không đồng nhau. Chúng ta hiện nay đọc đến đoạn văn này, đều là nói những điều “bội nghịch đại ác”. “Bội” là trái nghịch, trái nghịch điều gì? Trái nghịch với tánh đức của chính mình, không phải trái nghịch với điều gì khác, chúng ta tự mình phải giác ngộ [điều này].
[Phần nói về] những điều ác lớn nhất có bảy đoạn nhỏ, đoạn cuối cùng là “cương cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (cứng rắn chẳng có lòng nhân, làm điều tàn nhẫn tự cho là đúng). Chúng ta tự phản tỉnh thật kỹ, mỗi một điều trong số này ta đều có phạm vào, chỉ là mỗi người phạm vào ở một mức độ nặng nhẹ không giống nhau, nhưng tất cả đều có phạm vào.
“Ngận lệ tự dụng” (làm điều tàn nhẫn tự cho là đúng), đây là điều bình thường chúng ta vẫn gọi là “độc ác tàn nhẫn”. Trong sự đối đãi với người khác, với sự việc, sự vật đều tạo những tội nghiệp cực kỳ nặng nề, [phải chịu] quả báo không tốt, sau khi chết nhất định phải đọa vào ba đường ác. Trong sách Vị biên cũng có những câu như vậy: “Phàm những kẻ cứng rắn hung hãn thì chết bất đắc kỳ tử, không cần phải nói, nhưng sau khi chết rồi còn phải chịu quả báo trong ba đường ác, không biết phải trải qua bao lâu mới được ra khỏi.” Câu này rất đáng để chúng ta suy ngẫm phản tỉnh sâu sắc.
Cho nên, chúng ta đọc thấy ghi chép trong sách vở rằng, các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian, trong lúc vì chúng sinh thị hiện ở đời, các ngài đều biểu lộ hết sức rõ ràng sự khiêm hư nhẫn nhượng cực kỳ. Bậc thánh nhân của thế gian như Khổng tử, sách Luận ngữ ghi lại rằng, ngài là người “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”. Ngài đối đãi với người khác luôn ôn hòa, lương thiện, cung kính, kiệm ước, nhún nhường. Không chỉ là cả một đời ngài dùng lời dạy dỗ [người khác], mà hơn nữa còn dùng thân giáo, tự thân làm một tấm gương tốt để chúng ta nhìn vào noi theo, thật là bậc thánh nhân.
Có thể vâng làm theo lời răn dạy của thánh nhân thì xã hội mới bình an ổn định, thiên hạ thái bình, đời sống người dân thực sự đạt được sự an ổn, hài hòa, vui vẻ và lợi lạc. Quan điểm này so với người phương Tây không tương đồng. Người phương Tây đề cao sự tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng nhiều. Vì sao vậy? Vì họ mưu cầu lợi nhuận. Trong cuộc sống, nếu như mọi người đều không tiêu dùng nhiều, không lãng phí, thì họ làm sao kiếm được tiền? Nếu ai ai cũng giống như Khổng tử, người người đều sống tiết kiệm, thì việc kinh doanh buôn bán của họ không cần làm nữa. Do đó có thể biết rằng, việc khuyến khích tiêu dùng, nghiên cứu sự tiêu dùng, mục đích đều là để giành lấy lợi nhuận.
Khi đã có tâm cạnh tranh giành giật, đã có tâm xâm chiếm cướp đoạt, liệu xã hội có thể được an định hay chăng? Đời người còn có thể nói đến hạnh phúc gì nữa? Ý nghĩa này, sự thật này chúng ta phải suy đi ngẫm lại cho thật kỹ. Suy nghĩ thông suốt rồi, suy nghĩ rõ ràng rồi, quý vị chọn theo con đường của thánh hiền hay vẫn theo với những người hiện nay? Các bậc thánh hiền có niềm vui chân thật, hạnh phúc chân thật, tuyệt đối không phải sự hưởng thụ vật chất. Niềm vui thú trong [cuộc sống như thế], nói thật ra là những kẻ phàm phu hiện nay không nghĩ đến nổi, không cách gì thể hội được. Ngày trước, những người trí thức còn có khả năng ý thức được, người hiện nay không đọc sách thánh hiền, họ làm sao nghĩ tưởng đến nổi?
“Ngận lệ tự dụng”, sao gọi là “tự dụng”? Tự cho mình là đúng, đó gọi là “tự dụng”. Người khác tự cho họ là đúng, chúng ta thấy rất rõ ràng, thấy họ sai lầm. Nhưng tự cho mình là đúng thì tự mình không biết được. Tự cho mình là đúng đã là chuyện không thể được, huống chi còn dùng tâm địa hết sức hiểm độc để đối đãi với người khác, mối oán cừu này sẽ kết chặt càng thêm sâu nặng.
Kết oán cừu với người khác thường là ở điểm nào? Ở điểm tự mình không hề hay biết, tự mình không hề phát hiện, trong lúc vô tình hay hữu ý mà đắc tội với người khác, làm cho người khác bực tức không vui, nhưng tự mình quả thật không hề hay biết. Vì sao vậy? Đó là tập khí, là tật xấu, nuôi dưỡng lâu ngày thành thói quen, tự cho rằng những gì mình làm đều là đúng đắn mà không hề biết đến phản ứng của đối phương. Điều này thật hết sức ngu si, hết sức đáng thương xót.
Cuối cùng thì dẫn đến tình huống gì? Sẽ không còn ai muốn hợp tác với quý vị nữa, không còn ai sẵn lòng làm việc chung với quý vị. Nhưng đó vẫn là những người hiền thiện. Những người xấu ác thì [chẳng những không hợp tác mà còn] theo báo thù quý vị, điều đó còn thê thảm hơn nữa. Nói chung, người học Phật dù sao cũng có một chút tâm thiện, khi gặp những trường hợp như vậy thì họ chỉ tránh xa mà thôi, không cùng quý vị làm việc chung. Quý vị đã như thế thì họ nghỉ việc, không cùng làm nữa, họ e sợ quý vị, họ nhường nhịn thối lui. Tất cả những người khác đều từ bỏ không làm chung nữa, còn lại mỗi mình quý vị, quý vị phải tự mình làm.
Chúng ta phải lắng nghe những lời răn dạy của thánh hiền, mỗi ngày đều phải phản tỉnh. Nói thật ra, phương pháp phản tỉnh tốt nhất là đọc Cảm ứng thiên. Vì sao Đại sư Ấn Quang hết sức xem trọng quyển sách này như thế? Ý nghĩa là ở chỗ này.
Tôi thường nghe nhiều người đến nói với tôi, trong lúc cộng tu với đại chúng họ phải chịu đựng tánh khí của các đồng tu, bị đồng tu lấn lướt làm nhục, họ đến nói với tôi rằng chịu không nổi nữa, muốn rời bỏ đạo tràng này. Tôi khuyên họ phải nhẫn nhục, nhẫn nại. Vì sao vậy? Đạo tràng này rất khó gặp được. Những người làm quý vị bực dọc, những người luôn tự cho mình là đúng, đó là ma chướng của quý vị. Nếu quý vị không thể khắc phục, quý vị sẽ bị họ làm chướng ngại, cơ duyên được cứu độ trong một đời này của quý vị liền bị họ dứt mất. Họ có tội, nhưng quý vị cũng có lỗi. Cho nên, chúng ta phải học theo chư Bồ Tát, phải tu tập nhẫn nhục ba-la-mật, xem những người làm việc tàn nhẫn, tự cho mình đúng như vậy là các vị Bồ Tát, giúp thành tựu pháp nhẫn nhục ba-la-mật cho ta. Đó là Phật dạy chúng ta như vậy.
Chúng ta phải dùng thái độ thế nào đối đãi với những người xấu ác, với những kẻ cứng rắn chẳng có lòng nhân, với những kẻ làm điều tàn nhẫn, tự cho mình là đúng? Ta phải dùng tâm địa lương thiện, chơn chất hiền hậu, ôn hòa mềm mỏng, ngay trong những hoàn cảnh ấy mà tu tập nhẫn nhục ba-la-mật. Quý vị đối với hoàn cảnh như vậy có thể học tập thành tựu, thì trong một đời này chắc chắn quý vị sẽ đạt đạo, quyết định sẽ được thành tựu. Không những là quý vị tự cứu độ được mình, mà quý vị cũng cứu độ được cho đối phương. Họ dù có lỗi cũng không đến nỗi phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu quý vị thối chuyển thì họ nhất định phải bị đọa vào địa ngục. Quý vị không thối chuyển, tinh tấn, vãng sinh đạt địa vị bất thối cho đến thành Phật, thì họ không phải đọa vào ba đường ác. Đó là tự độ mình mà cũng cứu độ người khác. Đó là chúng ta phải học theo đạo Bồ Tát, biết cách sống chung như thế nào với những người cứng rắn chẳng có lòng nhân, với những kẻ làm điều tàn nhẫn tự cho mình là đúng.
Thế nhưng điều này nhất định phải hiểu rõ được lý lẽ, nhất định phải có lòng nhẫn nại lớn lao thì mới có thể làm được. Đặc biệt chúng ta phải luôn cảnh giác, đức Phật thường răn dạy: “Thế gian vô thường, cõi này mong manh dễ mất.” Chúng ta cùng [tu tập] với hết thảy đại chúng, bất luận họ làm thiện hay làm ác, thời gian chúng ta cùng sống với họ cũng không lâu dài, rất ngắn ngủi, việc gì phải chú ý, việc gì phải ôm giữ trong lòng? Người khác làm việc thiện, chúng ta hoan hỷ vui mừng, cung kính ngợi khen. Họ làm điều xấu ác, chúng ta học theo chư Phật, Bồ Tát, đối với họ vẫn cung kính nhưng không ngợi khen tán thán. Đây là theo như trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta. Người ấy nếu có căn lành, thấy được thái độ của chúng ta như vậy sẽ tự phản tỉnh. “Người này đối với ta cung kính nhưng vì sao không ngợi khen tán thán?” Họ liền suy nghĩ lại xem tự mình có những khuyết điểm gì, rồi người ấy liền có thể sửa lỗi, hoàn thiện bản thân. Ví như họ không thể sửa lỗi hoàn thiện bản thân, chúng ta cũng không cùng họ kết mối oán cừu. Họ chọc giận, ta nhẫn chịu, như vậy là xong. Phần công việc của mình vẫn phải thực sự nỗ lực làm tốt, tuyệt đối không vì người khác lấn áp làm nhục, vì người khác chọc giận mà buông lỏng, giải đãi phần công việc của mình, không tiếp tục nỗ lực, nản lòng thối chí.
Chúng ta đem lòng tốt làm việc tốt, vì hết thảy chúng sinh làm việc tốt, vì Phật pháp làm việc tốt, vẫn phải chịu nhiều sự oan uổng, bực tức, việc ấy rất thường xảy ra, lại xảy ra rất nhiều. Bản thân tôi khi giới thiệu Phật pháp với đại chúng cũng đã từng ở qua rất nhiều nơi. Người hoan hỷ tán thán cũng có, người ganh ghét, sân hận cũng có. Cũng có những người luôn nghĩ đủ mọi cách gây chướng ngại, tôi vẫn làm thôi. Không thể nói rằng vì có người ganh ghét, lấn áp, nhục mạ, hãm hại, gây chướng ngại nên ta không làm. Như vậy là chúng ta sai rồi. Chúng ta vẫn phải làm, làm cho đến chết, còn sống một ngày vẫn còn làm một ngày. Đó là chúng ta tiếp nhận những lời răn dạy của thánh hiền.
Chúng ta phải tự mình học theo năm đức hạnh của Khổng tử: ôn hòa, lương thiện, cung kính, kiệm ước, nhún nhường. Phải học theo các ba-la-mật của hàng Bồ Tát: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Hóa giải hết thảy những mối oán cừu, đủ mọi oán cừu trong quá khứ cũng như hiện nay.
Câu cuối cùng trong phần chú giải nói: “Phật dạy, tàn nhẫn bạo ngược như con ngựa hung ác, đó là nói rất khó điều phục.” Đây là một câu trong kinh Phật, được đưa ra để làm ví dụ. “Người tàn nhẫn bạo ngược thì mọi chuyện đều ngang bướng cố chấp.” Đó là bám chấp, trái ngược, đối nghịch với người khác, không giống người khác. “Tự cho mình là đúng, không chịu theo người khác.” “Những bậc thiện hữu tri thức, còn ai đến gần thân cận?” Đây là nói các bậc thiện hữu tri thức đều tránh xa người như vậy. “Điều hay lẽ phải, còn ai đến nói cho nghe?”, vì người như vậy không nghe lọt vào tai được. Cho nên, “nguyên nhân tạo ác sinh lỗi, không gì nghiêm trọng hơn”. Quý vị tạo nghiệp ác, quý vị cùng người khác kết thành oán cừu, nguyên nhân gốc rễ là ở chỗ này. Cho nên chúng ta phải hiểu rõ, phải sáng tỏ như vậy.