Lúc ấy, Phật ở thành Vương-xá, trong tinh xá Trúc Lâm. Trong thành có
một vị Phạm-chí tên là Điệt-sử, sanh được hai con. Một gái tên là Xá-lỵ
và một trai tên là Câu-hi-la.
Câu-hi-la thông minh, uyên bác, mỗi khi luận đàm chẳng ai thắng được.
Người chị là Xá-lỵ tuy cũng rất mực thông minh, nhưng khi luận đàm với
em thì thường đuối lý, chẳng tranh cãi lại.
Đến khi người chị có thai, bỗng nhiên luận giải sắc bén, Câu-hi-la không
lần nào thắng được. Ông liền suy nghĩ rằng: “Chị ta trước giờ luận đàm
thường không thắng nổi ta. Nay có thai rồi bỗng nhiên lại thay đổi, tất
nhiên là do oai đức của đứa bé này. Nay nó còn trong bào thai mà đã như
vậy, mai sau khôn lớn ta làm sao thắng nổi?”
Lòng ông đầy kiêu mạn, nghĩ đến sau này phải thua kém đứa cháu ấy thì
không chịu được, liền bỏ nhà đi xuống phương Nam, tìm học tất cả kinh
luận. Ông phát lời thề rằng: Chưa trở thành vị luận sư giỏi nhất thì
chưa cắt móng tay. Bởi vậy, móng tay ông ngày càng dài ra, liền có biệt
danh là Trường Trảo.
Người chị ông là Xá-lỵ sau đó sanh ra một người con trai, đặt tên là
Xá-lỵ-phất, hình dung đẹp đẽ, lại thông minh trí tuệ hơn người, học tập
các bộ kinh luận đều thông đạt, chẳng mấy ai đối đáp lại nổi.
Ngày kia, trong thành Vương-xá tổ chức một hội lớn, quy tụ hết thảy các
vị luận sư để cùng tranh luận với nhau. Nơi hội trường rộng lớn thấy kê
bốn chỗ ngồi cao rộng, oai nghiêm. Xá-lỵ-phất năm ấy vừa được 8 tuổi,
đến chơi nơi đó, thấy vậy liền hỏi người chung quanh rằng: “Bốn chỗ ngồi
cao rộng ấy là dành cho ai vậy?” Người chung quanh đáp: “Chỗ thứ nhất
dành cho nhà vua, chỗ thứ hai dành cho thái tử, chỗ thứ ba dành cho đại
thần, chỗ thứ tư dành cho người lên tranh luận.”
Xá-lỵ-phất nghe xong liền xăm xăm đi đến, leo lên chỗ ngồi dành cho
người tranh luận mà ngồi.
Bấy giờ, các vị Phạm-chí cao niên, luận sư kỳ cựu, thảy đều kinh hoảng.
Họ lại suy nghĩ rằng: “Nếu chúng ta ra tranh luận, dù có thắng đứa trẻ
này cũng chẳng lấy gì là vinh dự. Bằng như thua, thật là nhục nhã chẳng
làm sao nói hết.” Nghĩ vậy rồi, chẳng ai muốn lên, liền sai những người
bà-la-môn thuộc hàng thấp kém hơn lên tranh biện. Tất cả liền bị
Xá-lỵ-phất bẻ gãy lý luận của từng người, chẳng ai thắng nổi. Dần dần
mới đến các vị luận sư kỳ cựu, cũng đều thua hết.
Xá-lỵ-phất từ sau lần tranh luận thắng hết các vị luận sư, liền nổi
tiếng khắp mười sáu nước lớn. Ngày kia, lên chơi trên lầu cao, nhìn
xuống thấy người xe đi lại xôn xao bên dưới, bỗng nảy ra ý nghĩ rằng:
“Đến trăm năm nữa, những người đi lại dưới kia rốt cùng rồi cũng chỉ còn
là con số không, liệu có ý nghĩa gì?” Nghĩ như vậy rồi, từ trên lầu đi
xuống, liền tìm theo các sư ngoại đạo mà tu học.
Khi ấy, đức Thế Tôn vừa mới thành đạo quả, khắp mười sáu nước lớn đều
chưa ai hay biết. Như Lai thương tưởng muốn giáo hóa chúng sanh, liền
sai tỳ-kheo A-bệ đến thành Vương-xá khất thực mà hóa đạo. Xá-lỵ-phất
nhìn thấy dáng đi oai nghiêm, thanh thản của tỳ-kheo A-bệ, liền cảm nhận
được ngay rằng người này đã tìm được một lối sống giải thoát khỏi mọi
ràng buộc, nghĩ rằng: “Vị này là ai mà có phong thái ung dung như thế?
Ta nên đến chào hỏi xem sao.” Nghĩ rồi liền bước đến hỏi rằng: “Xin hỏi
người đã theo học đạo với vị nào? Dạy người những pháp chi mà được ung
dung thanh thản như vậy?”
Tỳ-kheo A-bệ đọc kệ đáp rằng:
Các pháp do nhân duyên mà sanh,
Lại cũng do nhân duyên mà diệt.
Thuyết rõ nhân duyên sanh và diệt,
Bậc đại sư soi đường đến giải thoát.
Xá-lỵ-phất nghe kệ, tâm liền khai mở, chứng quả Tu-đà-hoàn.
Khi trở về, người bạn của ông là Mục-kiền-liên thấy vẻ mặt hớn hở khác
thường, liền nói rằng: “Tôi với ông trước có lời giao ước: Ai tìm được
đạo giải thoát sẽ cùng dẫn đường cho người kia đi. Nay tôi thấy vẻ mặt
ông, có thể đoán biết là ông đã tìm được con đường giải thoát rồi. Có
đúng vậy chăng?”
Xá-lỵ-phất đáp: “Đúng vậy.” Rồi đọc lại cho Mục-kiền-liên nghe bài kệ
của A-bệ ba lần. Mục-kiền-liên nghe xong liền chứng quả Tu-đà-hoàn.
Hai người đều đã chứng đắc đạo quả, liền tụ tập đồ chúng lại, thuật
chuyện cho nghe rồi bảo rằng: “Nay chúng ta đều muốn lên đường đến chỗ
Phật mà cầu được xuất gia nhập đạo. Ý các ngươi thế nào?” Chúng đệ tử
đều xin đi theo.
Xá-lỵ-phất với Mục-kiền-liên liền dẫn theo 250 người đệ tử, cùng đi theo
tỳ-kheo A-bệ đến tinh xá Trúc Lâm. Đến nơi, thấy đức Thế Tôn với ba mươi
hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chiếu sáng quanh thân, oai
nghi rực rỡ thù thắng vô cùng, liền sanh lòng hoan hỷ, tín kính, lễ Phật
cầu xin xuất gia.
Phật nói: “Lành thay đó, tỳ-kheo!” Tức thì, râu tóc tự nhiên rụng sạch,
áo cà-sa hiện ra nơi thân, thành một vị tỳ-kheo oai nghi đầy đủ. Chuyên
cần tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-La-hán, đủ Ba trí sáng, Sáu phép
thần thông, Tám môn giải thoát, khắp cõi trời người ai gặp cũng đều kính
trọng, ngưỡng mộ.
Bấy giờ, người cậu của Xá-lỵ-phất là ông Trường Trảo nghe tin Xá-lỵ-phất
xuất gia theo Phật, trong lòng tức giận, tự suy nghĩ rằng: “Thằng cháu
của ta sanh ra đã thông minh xuất chúng, uyên bác hơn người, các vị luận
sư ở mười sáu nước lớn thảy đều kính phục, nay tại sao lại chịu đi theo
mà phụng sự lão Cù-đàm?”
Liền từ Nam Thiên Trúc tìm về, đến chỗ Phật mà tranh luận. Trường Trảo
đến chỗ Phật rồi, liền nói rằng: “Này ông Cù-đàm, chỗ sở đắc của ta đây
là không nhận bất cứ một pháp nào cả.”
Đức Phật liền nói: “Ông không chấp nhận pháp nào cả, như vậy có chấp
nhận cách nghĩ như thế đó chăng?”
Trường Trảo giật mình, nhận ra chỗ sơ hở trong lập luận của mình, vì ông
nói như thế tức là đã mặc nhiên “chấp nhận việc không chấp nhận”. Để
chống đỡ, ông liền nói: “Ta không chấp nhận cả cách nghĩ như thế nữa.”
Phật nói: “Nếu không chấp nhận mọi pháp, cũng không chấp nhận cả cách
nghĩ như thế, như vậy ông có khác gì những kẻ phàm phu không hiểu biết?
Tại sao phải sanh tâm ngạo mạn mà coi thường hết thảy mọi người như
thế?”
Trường Trảo không đáp được, liền khi đó sanh tâm tín phục, kính ngưỡng,
quỳ lạy Phật xin được xuất gia nhập đạo. Phật nói: “Lành thay đó,
tỳ-kheo!” Tức thì, râu tóc tự nhiên rụng sạch, áo cà-sa hiện ra nơi
thân, thành một vị tỳ-kheo oai nghi đầy đủ. Chuyên cần tu tập, chẳng bao
lâu đắc quả A-La-hán.
Chư tỳ-kheo thấy việc như vậy liền thưa hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn! Vị
tỳ-kheo này do nhân duyên gì mà nay có thể xả bỏ tà kiến, quy y theo
Phật, được thành đạo quả?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói. Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ
Ba-la-nại có vị Phật Bích-chi ở nơi rừng sâu mà thiền định.
Bấy giờ có 500 tên cướp, cướp được của người rồi muốn trốn vào nơi rừng
vắng, mới cử một tên đi trước dò xem trong rừng có người hay chăng. Tên
cướp ấy thấy Phật Bích-chi ngồi nơi gốc cây, liền bắt lấy, dùng dây trói
lại mang đến chỗ tên đầu đảng. Cả đám đều muốn giết ngài đi.
Khi ấy Phật Bích-chi tự nghĩ rằng: “Nếu để chúng ngu si không biết mà
giết hại ta, nghiệp ác đó tất đọa địa ngục chẳng mong ngày thoát. Ta nên
hiện thần biến mà thu phục chúng.”
Nghĩ vậy rồi, liền bay lên hư không, hiện đủ mười tám phép biến hóa. Bọn
cướp nhìn thấy như vậy, tinh thần hoảng hốt, kinh sợ, tức thời quỳ xuống
lễ bái cầu xin sám hối tội lỗi. Phật Bích-chi nhận cho sự sám hối đó
rồi, liền cùng nhau thiết lễ trọng thể mà cúng dường Phật Bích-chi.
“Nhờ công đức ấy, trong vô số kiếp chẳng còn đọa vào các nẻo dữ địa
ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trong cõi trời người thường được hưởng nhiều
điều khoái lạc, sung sướng, cho đến nay gặp Phật, xuất gia đắc đạo.”
Phật lại dạy rằng: “Người đầu đảng của bọn cướp lúc ấy, nay là tỳ-kheo
Trường Trảo đó.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.