Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
QUYỂN 25
PHÁP CHIẾM HÀ NỘI LẦN II ( 1882)
 
Lúc Rheinart sang thay Philastre
Nhất là khi nội các của Tây
Lại bầu thủ tướng khác thay
Chính sách cai trị đổi ngay tức thì
 
Pháp muốn chiếm Bắc Kì lần nữa
Một nguồn tin báo của nước Anh (1882)
Vua ta nghe được phong thanh
Rằng chính phủ Pháp động binh năm rồi
 
Năm Nhâm Ngọ (1882) tháng hai vừa quá
Rivière đại tá hải quân
Đem hai chiến hạm tuần dương
Mấy ngàn lính thủy lên đường tới nơi
 
Đến Hà Nội đóng nơi Đồn Thủy
Rivière gởi tối hậu thư
Tổng đốc Hoàng Diệu khước từ
Chia quân chống giữ để ngừa tấn công
 
Thăng Long thành chìm trong biển lửa
Kho thuốc súng rực cháy nửa đêm
Tứ bề đạn pháo vang rền
Quân ta giao chiến chung quanh chiến hào
 
Bọn Việt gian cài sâu từng tổ 
Đợi thực dân súng nổ tấn công
Túa ra đốt phá lung tung
Khiến quân Hoàng Diệu khó lòng giữ yên
 
Rivière hay tin Hà Nội
Đã dần dần vuột khỏi quân ta 
Tung quân đánh xáp lá cà
Quân Nam yếu thế lui ra dần dần
 
Tôn Thất Bá tay chân của giặc
Là Việt gian nằm sẵn trong thành
Đốt kho thuốc súng nghi binh
Giúp cho lũ giặc tràn nhanh vào thành
 
Lúc bình minh giặc xông vào chiếm
Ông Hoàng Diệu chạy đến Hành cung
Thảo tờ di biểu tận trung
Buộc dây oan nghiệt tạ lòng nước non
 
Miếu Quan Thánh vẫn còn ghi dấu
Mối căm hờn nung nấu tâm can
Chữ trung với nước vô vàn
Ngàn sau ai dám dễ dàng lãng quên
 
Quan Tổng đốc có tên Hoàng Diệu
Người Điện bàn , thuộc đạo Quảng Nam
Được vua cắt cử ra làm
Tổng đốc Hà nội với hàm thượng thư
 
Khi ông chết di thư để lại
Có những câu mãi mãi về sau :
Tướng lược phi trường tử , tử quí sanh nhi vô ích.
Thành vong mạc cứu , túng nhiên tử hữu như cô
 
Cô trung nhi thệ giử Long Thành, 
nguyện trùng tiên thần Nguyễn Tri Phương ư đia hạ
Sổ hàng huyết lệ ,vạn lý quân môn, nguyện nhựt
nguyệt chi chi chiêu minh , biểu thần xích tâm nhi dĩ "
 
Cả toàn dân bừng lên khởi nghĩa
Khởi đầu là về phía Văn thân
Dâng cao như ngọn sóng thần
Bình Tây sát Tả , đuổi quân Tam tài
 
Ở Nghệ An : Như Mai, Trần Tấn
Lãnh đạo chừng nửa vạn dân quân
Truy kích diệt lũ tham quan
"Bọn nối giáo giặc" phản dân tộc mình
 
Sau khi chiếm được thành Hà Nội
Pháp bèn trao cho lũ tay sai
Tôn thất Bá được giao ngay
Nắm quyền sinh sát thay Tây điều hành
 
Ở kinh thành nhiều người phẫn uất
Trước thảm cảnh nuớc mất nhà tan
Nam triều họp mật mấy quan
Sớ dâng xin đánh giết quân tử thù
 
Vua truyền lệnh giao cho Túc Độ
Lập hội đồng nhận lại Thăng Long
Bởi vì giặc Pháp tính chung
Lợi nhiều nếu trả đất vùng này đi
 
Rivière liệt kê mười khoản:
Buộc triều đình nhượng hẳn Hà Thành 
Từ hành chánh đến việc binh
Độc quyền thu thuế thương thuyền bán buôn
 
Chính phủ Pháp nhận luôn bảo hộ
Trên toàn phần lãnh thổ Đại Nam
Trước nhiều đòi hỏi tham lam
Vô cùng láo xược của quân bạo tàn
 
Cả toàn dân một lòng thề quyết
Suốt ba miền không thể thờ ơ
Trước quân cướp nước côn đồ
Cần Vương tụ nghĩa phất cờ Văn Thân
 
Giặc đánh chiếm bất thần Nam Định
Cho pháo thuyền thôn tính Hòn Gay
Quan quân chiến đấu mấy ngày
Quần nhau với địch suốt ngày mới thua
 
Bắn gãy chân Carreau trung tá
Tấn công tàu đốt cháy Surprise
Quân ta chống trả gan lì
Dần dần hết đạn rút đi khỏi thành
 
Mưu lũ giặc gian manh xâm lược
Chúng cố tình cắt đứt ngoại giao
Lệnh cho Rheinart xuống tàu
Rời ngay khỏi Huế để vào trong Nam
 
Chúng cố làm tình hình căng thẳng
Để dễ bề điều động quân binh
Cho ngay tàu chiến vây quanh
Các đồn dọc biển án binh cắt đường
 
Quân Trung Quốc vội vàng phản ứng
Cho quân binh chận đứng âm mưu
Cùng ta ngăn chận kẻ thù
Muốn tràn chiếm lấy vùng bờ biển Đông
 
Hoàng Kế Viêm hợp cùng Vĩnh Phúc
Giữ các đồn khu vực Gia Lâm
Ngầm cho Quang Đản tấn công
Đánh cho Pháp rút về đồn thủy binh
 
Quân Cờ đen bất ngờ đánh Pháp
Nhắm chiến thuyền pháo tháp bắn sang
Lê dương, Tây tặc kinh hoàng
Làm tên đại tá vội vàng lui binh
 
Lấy trăm binh rời thành đánh đuổi
Quân Cờ đen rút khỏi rất nhanh
Lui về Cầu Giấy phục binh
Rivière quyết tự mình đuổi theo
 
Chân Cầu Giấy trời chiều lảng đảng
Vẫn im lìm hoang vắng thê lương
Phục binh nằm sẵn bên đường
Đột nhiên pháo lệnh nổ vang ngang đầu
 
Giặc tranh nhau tìm đường trốn thoát
Quân Nam Triều nhất loạt xông lên
Điểu thương súng đã nổ rền
Trơ vơ còn lại mấy tên cầm đầu
 
Rivière rướn cao lảo đảo
Một mũi gươm kết liễu cuộc đời
Nghĩa trang Montmartre ngậm ngùi
Hải quân đại tá thành người thiên thu
 
Triều đình Huế gặp giờ bối rối
Lúc nhà vua hấp hối trong cung
Trung tuần tháng sáu lâm chung (16-6-1882)
Là khi giặc Pháp sục lùng khắp nơi
 
Vua Tự Đức vốn người hay chữ
Băm sáu (36) năm nắm giữ ngôi vua
Văn chương thi phú có thừa
Rành về văn học nhưng chưa trải đời
 
Thật hiếm hoi thấy vua kinh lý
Ra khỏi thành để thấy nhân dân
Có đi mới hiểu được rằng
Quanh ta thế giới muôn phần văn minh
 
Dưới đáy giếng tưởng mình là nhất
Hóa ra rằng vốn thật sơ khai
Văn minh mình chẳng bằng ai
Bế quan, tỏa cảng càng thêm thiệt thòi
 
Vây quanh vua triều đình thiển cận
Bỏ ngoài tai những bảng điều trần
Vua nghe một lũ nịnh thần
Chuyên môn đố kị theo chân người Tàu
 
Nguyễn trường Tộ trình vua mưu chước
Việc canh tân chưa biết ra sao?
Các quan nghi ngại bàn vào
Cho ông công giáo thành phần theo Tây
 
Việc cấm đạo ngày càng thêm dữ
Bởi lo ngại thù trong ngoại kết
Đốt giáo đường giáo xứ tan hoang
Thừa sai linh mục kinh hoàng từ đây
 
Về văn hóa nói chung tạm được
Có rất nhiều trước tác khá hay
Hoàng Quang còn đuợc tới nay
Văn chương như Quát tài thay hại mình
 DỤC ĐỨC HOÀNG ĐẾ (1883)
 
Lại nói chuyện chung quanh di chiếu
Triều thần tôn Dục Đức lên ngôi
Tân quân cho gọi mấy người
Tiễn Thành, Tường , Thuyết vào nơi cấm phòng
 
Điều bất ổn ở trong di chiếu
Lại là điều nếu cứ nguyên văn
Được đem đọc trước triều thần
Sẽ gây bất lợi tự quân sau này
 
Tường , Thuyết muốn ra tay phế lập
Nhân dịp này sắp đặt âm mưu
Giữa triều đang lúc bất ngờ
Trách sao di chiếu mấy từ bỏ đi
 
Trong di chiếu lời phê Tự Đức
Dục Đức kia vốn thực hiếu dâm
Thuyết , Tường dựa thế đại thần
Gọi quân Phấn Nghĩa bắt giam tức thì
 
HIỆP HÒA HOÀNG ĐẾ ( 1883)
 
Rước Hiệp Hòa trị vì đất nước
Lễ tấn phong ở trước Thái Hòa
Trong khi buổi lễ chưa qua
Bất đồng đã xảy giữa ba đại thần
 
Vị tân vương ra tay tự quyết
Truất binh quyền Tường , Thuyết trong quân
Giao cho Tuy Lý hoàng thân
Đối đầu cùng Pháp giữ phần hiệp thương
 
Ngầm sai quan Tiễn Thành phụ chánh
Vào trong cung nhận lãnh mật thư
Truyền ngay trảm quyết , bêu đầu
Hai ông Tường , Thuyết kể từ hôm nay
 
Nhưng cơ mưu không may bại lộ
Thuyết và Tường bèn xử tội này
Tam ban triều điển trên khay
Đổ mồm độc dược chết ngay tại nhà
 
Rồi hạ lệnh điều tra cặn kẽ
Giết Tiển Thành lặng lẽ trong đêm
Triều thần xanh mặt nín êm
Tấn tuồng khủng bố càng thêm kinh hoàng
 
Tình thế gặp lúc đang khủng hoảng
Thuyết và Tường quậy loạn trong cung
Trong khi đại tá hải quân
Bị ta giết chết tin hung đưa về
 
Hạ viện Pháp tức thì biểu quyết
Chuẩn chi liền hai triệu Phật lăng
Cử ngay thiếu tướng lục quân
Cùng viên đô đốc hải quân tháp tùng
 
PHÁP CHIẾM CỬA THUẬN AN
 
Cửa Thuận An chập chùng thuyền chiến
Cờ tam tài tên biển phất phơ
Đô đốc Lê Sĩ hô to
Giặc Tây đổ bộ lên bờ phía nam
 
Đồn Trấn Hải giặc tràn công phá
Quân Nam triều đánh trả vùng lên
Giặ Tây bắn phá như điên
Chung quanh đại bác nổ rền inh tai
 
Lỗ châu mai Nam quân bắn trả
Lũ giặc Tây xác ngã chồng nhau
Mấy lần giặc cố xông vào
Quân ta tử thủ trong hào chiến công
 
Mặt biển Đông ầm ì tiếng súng
Pháo thuyền Tây bắn trúng vào thành
Ở đồn Hà Nhuận , Nam binh
Rút lui qua phá Hà Thanh về Truồi
 
Tối ngày rằm trăng soi Bạch Mã
Đầm cầu Hai đạn phá ngang trời
Chiền thuyền nhấp nháy ngoài khơi
Âm hồn tử sĩ lạc loài trong đêm
 
Quan Trấn Thủ trung kiên tử tiết 
Ông Lê Sĩ nhất quyết hy sinh
Tới lui trên mặt pháo thành
Mặc cho dạn nổ chung quanh bên mình
 
Mặt trời lên bình minh trên biễn
Chính là lúc giặc hãm công thành
Nguyễn Trung ,Thúc Nhẫn , Lâm Hoành
Liệu mình thất thế gieo mình trận vong 
 
Chiếm Thuận An giặc vòng về Huế
Địch hành quân như thế chẻ tre
Kinh thành sắp sửa lâm nguy
Vua sai Bộ Lại cử đi điều đình
 
Năm bảy dặm ngoài kinh đô Huế
Tụi giặc Tây tìm kế đi lên
Bị dân ở xã An Truyền
Phục kích giáo mác hai bên vệ đường
 
Lấy mù u rải đường quan tái
Mong cầm chân lũ quái lê dương
Ra sức chống bọn xâm lăng
Dốc toàn lực lượng chặn đường chung quanh
 
Giày "săn đá" ngã nghiêng lính giặc
Lòng ái quốc quặn thắt từng cơn
Có gì ngoài cánh tay trơn
Đền ơn sông núi cho tròn nghĩa dân
 
Theo đường thủy giặc tràn vào cửa
Từ Thuận An đến ngã Ba Sình
Hạp Chân nằm dưới Bao Vinh
Là kho thuốc súng dành riêng lúc cần
 
Đồn Hòa Duân, Côn Sơn chiến lũy
Lính lê dương phá hủy tan tành
Thêm kho thuốc súng để dành
Chẳng may trúng đạn cháy nguyên một làng
 
Lũ Tây tặc tràn gần tới Huế
Buộc quân ta vào thế đầu hàng
Chiếm đồn Nhuận Hải Thuận An
Hiệp thương được ký vội vàng với Tây
 
HÒA ƯỚC QUÝ MÙI (1883)
 
Cuối tháng Tám, quý Mùi hòa ước
Cũng còn gọi hòa ước Harmand
Hai mươi bảy (27) khoản ghi rành
Từ đây nước Việt Nam mình thuộc Tây
 
Trong hòa ước ghi ngay mấy khoản
Một: nước ta mất hẳn chủ quyền
Hai: để Công Sứ kế bên
Ba là: thu thuế độc quyền bán buôn
 
Chính phủ Pháp chủ trương xâm lược
Cùng Việt gian bán nước lưu manh
Hình thành một khối liên minh 
Mang đi tất cả tài nguyên nước mình
 
Trong khi ấy nội tình triều chính
Phế lập vua mặc lệnh quyền thần
Sá gì phép nước luật dân
Loạn trong thì khó phần toan tính ngoài
KIẾN PHÚC HOÀNG ĐẾ (1884)
 
Tường và Thuyết cho mời hoàng tử
Từ Vụ Khiêm về tới trong kinh 
Đăng quang ở trước triều đình
Hiệu là Kiến Phúc cầm quyền quốc gia
 
Từ Khiêm Cung rước về nội điện
Nguyễn Giản Tông được tấn phong vương
Kiến Phúc niên hiệu đăng quang
Tuổi vừa mười bốn đang còn thơ ngây
 
Nhưng thực quyền trong tay Tường, 
Thuyết
Hai ông này xét duyệt thay vua
Lựa người thân tín a dua
Sửa sang quân bị phòng ngừa giặc Tây
 
Còn dân chúng từng ngày ngao ngán
Thấy triều đình thanh toán lẩn nhau
Giặc Tây rồi đến giặc Tàu
Tranh giành xâu xé mà đau vô vàng
 
"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường 
Đồng dao trẻ hát ngoài đường
Nghe như cay đắng, ngẫm càng chán thay
 
Trong tình thế mỗi ngày mỗi tệ
Trong triều đình chia rẽ lẩn nhau
Tây cho mật thám xen vào
Dùng vàng , lấy bạc làm xiêu lòng người
 
Ở miền Trung nhiều nơi gần Huế
Lắm phong trào bắt bớ giáo dân
Bình Tây, sát Tả tới tay
Thánh đường đốt phá, Việt gian truy lùng
 
Vùng Kim Long, Caspar giám mục
Dặn giáo dân gặp lúc lâm nguy
Tòa Khâm theo hướng mà đi
Chớ nên ngoan cố ở lì nơi đây
 
Vì vùng này: Hường Thành công tử
Kêu mọi người bức tử giáo dân
Lục sùng khắp cả mấy làng
Gần chùa Linh Mụ, dọc đàng Kim Long
 
Tường và Thuyết ra chung mệnh lệnh
Cho Đào Kiệt triệt đánh nhá thờ
Bời vì nơi đó mưu đồ
Bắt tay với Pháp kẻ thù dân ta
 
Đối với giặc , tạm ra quốc lệnh
Truyền quan dân ngừng đánh giă Tây 
Chiếu theo hàng ước mới đây
Triệt binh quân thứ phải ngay thi hành
 
Vua đầu hàng dân binh vẫn đánh
Khắp cả miền Hà Tĩnh, Nghệ An
Cũng như lục tỉnh trong Nam
Bên ngoài Bắc Thái, Hải dương, Ninh Binh
 
Patenôtre thân hành đến Huế
Xem lại điều áp chế trước đây
Điều nào không hợp thì thay
Mà trong hòa ước Qùy mùi dã ghi
 
Thảo luận về phần đất đã cắt
Ta nhất định buộc giặc trả lui
Dằng dai thương thuyết kéo dài
Qua năm mới ký với Tây được rằng
 
HÒA ƯỚC GIÁP THÂN (1884)
 
Trong hòa ước Giáp Thân đã ký
Pháp trả vài tỉnh lỵ cho ta
Từ Thanh Nghệ Tĩnh xét ra
Cũng như Bình Thuận giao qua Nam Triều
 
Có một điều Pháp yêu cầu được
Thu ấn vàng của nước Đại Nam
Do vua Trung Quốc gởi sang
Vào đời Thế Tổ đăng quang trị vì
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học