Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
 
QUYỂN 14
LÊ TRUNG TÔNG HOÀNG ĐẾ 
(1548- 1556)
 
Thái tử Huyên sau khi cha chết 
Được đưa lên kế nghiệp tiên vương
Năm Mậu Thân (1548) lể đăng quang
Giửa triều ngự thị lo toan nước nhà 
 
Việc Nam Triều phải qua Trịnh Kiểm
Vua giao cho xét tuyển nhân tài
Tính trù mưu lược lựa thời
Trung hưng đế chế trong ngoài vỗ yên
 
Lê Bá Ly tướng bên nhà Mạc(1550)
Phùng Khắc Khoan và các anh hào
Khải Khang, Nguyên Thiếu cùng nhau(1552)
Vượt biên để tới Nam triều Lam kinh 
 
Vua cả mừng thưởng ban ủy lạo
Phong chức tước áo mão cân đai(1551)
Tùy theo sở đoản mỗi người
Mà trao nhiệm vụ trông coi việc triều
 
Mở chế khoa vừa treo bảng hổ(1554)
Đinh Bạt Tụy chấm đổ xuất thân
Người làng Bùi Khổng , Nghệ An
Là tay uyên bác danh nhân bấy giờ
 
Năm Bính Thìn nhà vua tạ thế(1556)
Nước một ngày không thể không vua
Chọn người tùy ở Thái sư 
Tìm trong con cháu Lê Trừ đưa lên
 
LÊ ANH TÔNG HOÀNG ĐẾ 
(1556 - 1573)
 
Lê Duy Bang trở thành thiên tử
Lấy Phạm Đốc Binh bộ thượng thư
Tạm tha thu thuế địa tô
Trung hưng giềng mối tiền đồ tổ tiên
 
Thuở bấy giờ hai miền Nam Bắc
Ở phương Nam là đất nhà Lê
Phía Bắc họ Mạc trị vì
Lấy đèo Tam Điệp mà chia tạm thời
 
TRỊNH KIỂM (1545- 1570)
 
Trịnh Kiểm người Sóc Sơn - Vĩnh Lộc
Rất thông minh mưu lược hơn người
Nguyễn Kim yêu mến vì tài
Gã cho con gái , giao coi binh quyền
 
Khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết
Vua trao Kiểm kế nghiệp Tĩnh Công
Toàn quyền thống lĩnh ngoài trong
Đốc xuất binh tướng , bổ sung nhân tài
 
Thuần Phúc sai thượng thư Giáp Hải(1566)
Đi lên miền địa giới Lạng Sơn
Đón Lê Quang Bí sứ thần
Phái đi mười tám năm tròn tới nay
 
Trịnh Kiểm thay vua Lê điều khiển
Cuộc tương tranh trận tuyến hai miền
Sáu năm chinh chiến triền miên
Một hôm Kính Điển đem thuyền tấn công
 
Vào Thanh Hóa vượt sông Đại Lại(1555)
Quân nhà lê giữ núi Kim Sơn
Hai bên giao chiến tương tàn
Cuối cùng quân Mạc bị đòn phản công
 
Thọ Quận Công liệu mình không thoát
Nhảy xuống sông bắt chước Yết Kiêu
Sức người nào dễ chìu theo
Mênh mông sóng nước rong rêu cuốn người
 
Hai năm sau vua sai đánh nữa (1557)
Thanh Quân Công chống giữ Nga Sơn
Vũ Lăng lựa kế đánh dồn
Khiến cho Kính Điển thua luôn trận này(1557)
 
Để đánh trả Kiểm sai năm vạn
Vừa chiến thuyền lính tráng binh lương
Giong buồm trực chỉ Sơn Nam
Hai bên quần thảo cùng đường lui quân
 
Cuộc chiến tranh không phân thắng bại
Khiến dân tình khốn khổ lầm than
Lòng người quá đỗi hoang mang
Bắc nam tương sát điêu tàn không nguôi
NGUYỄN HOÀNG ( 1558 - 1613)
 
Năm Mậu Ngọ, tháng mười, Trịnh Kiểm(1558) 
Cho Nguyễn Hoàng vào trấn Hoá Châu
Đắp đài làm lễ đàn giao
Dậm chân đất mới vẹt lau dựng nhà
 
Bõ những lúc bôn ba sất bất
Nay tìm ra chổ đất dung thân
Lựa nơi hiễm yếu đóng quân
Biễn dâu nay đã biến dần gia trang
 
Năm Kỉ Mùi vừa gần tháng tám(1559)
Trịnh Kiểm đem sáu vạn tinh binh
Sau khi hiểu rõ sự tình 
Đích thân làm tướng điều binh lên đường
 
Mạc Phúc Nguyên vội vàng ra ở 
Đặt dinh cơ trú sở cửa Nam
Đóng từ Bạch Hạc-Nam Xang
Trại binh, thuyền chiến trải dàn một phương
 
Mặc cho Kiểm trên đường đánh tới
Chiếm một vùng ra mãi phía Tây
Dụ cho quân Trịnh sa lầy (1560)
Lén sai Kính Điển vào ngay Yên Trường
 
Quân Trịnh Kiểm hoang mang chẳn biết
Bị quân Mạc tập kích sau lưng
Tây Đô bối rối vô cùng
Thái sư hốt hoảng rút trung quân về
 
Còn dân chúng nhiều bề khốn khổ
Đất nước dần đến chỗ tan thương
Ruộng vườn để mặc đất hoang 
Con dân ly tán chạy sang nước người
 
Về xã hội suy đồi cùng cực
Nền kinh tế gặp lúc nguy nan
Sâu rầy cắn nát mùa màng
Khi thì hạn hán khi tràn vở đê(1562)
 
Nước ngã nghiêng nhiều bề thảm khốc
Lòng trung quân vị quốc hiếm thay
Quần thần vua chẳng tin ai(1562)
Hôm nay trung đó ngày mai phản mình
 
MẠC MẬU HỢP (1562- 1592)
 
Mạc Phúc Nguyên chết năm Tân Dậu (1561)
Lúc chiến tranh đổ máu tương tàn
Triều thần tổ chức đăng quang
Tiến phong Mậu Hợp lên làm quốc vương
 
Điều binh tướng , cố ngăn quân Trịnh
Giữ Sơn Nam, chận đánh Trường Yên
Mấy năm tương sát triền miên
Tổn thất sinh mang hai bên quá nhiều
 
Mạc Hậu Hợp nghe theo Kính Điễn
Nhân sau khi Trịnh Kiểm qua đời(1570)
Trịnh Tùng, Trịnh Cối dằng dai
Tranh nhau ngôi báu như loài sói lang
 
Nhân cơ hội bằng vàng lúc đó
Mạc Kính Điển phủ dụ thân vương
Đem quân mười vạn lên đường
Bảy trăm thuyền chiến giương buồm vào Nam(1570)
 
Trong lúc đó ngôi vương phủ chúa
Việc tranh chấp ở giữa hai bên
Trịnh Tùng được lập đưa lên
Vua Lê chấp thuận giao quyền quốc gia
 
TRỊNH TÙNG (1570- 1623)
 
Trịnh Cối trước vốn là anh cả
Nếu được ngôi là họa cho dân
Một người tửu sắc hoang dâm
Khó lòng điều tướng , cầm quân bấy giờ
 
Quân họ Mạc từ từ chiếm cứ
Lấy Thanh Hoa , thu giữ Long Sùng
Vua Lê giao tướng Trịnh Tùng
Đem quân tái chiếm các vùng trước đây
 
Mạc Kính Điển lâu nay vẫn sợ 
Nản lòng quân khi ở quá lâu
Truyền cho binh lính lui sau
Vạch con sông Cả đôi bờ phân ranh
 
Nguyễn Hoàng đi trấn miền Thuận Hóa
Đem tài riêng cải hóa yên dân
Vua cho thêm đất Quảng Nam
Thống binh suất tướng sửa sang mối giềng
 
Tướng Nguyễn Hoàng rất nghiêm quân lệnh
Có lòng nhân lại tính khoan hòa
Công bằng phép nước đặt ra
Chấn hưng phong tục, kiểm tra bồi thần
 
Sống vì dân xả thân vì nước
Ông là người đoán được thời cơ
Quốc gia loạn lạc xác xơ
Nhân tâm ly tán kể từ Mục Vương
 
Ngoài Nghệ An xảy cơn chính biến(1572)
Vua Anh Tông trốn lén đi xa
Vì nghe Hấp-Ngạn dèm pha
Tả quân quyền thế quan gia khó lòng
 
Tả tướng quân Trịnh Tùng hay chuyện
Đem binh gia đến huyện Thụy Nguyên
Rước ngay hoàng tử về liền
Tôn làm hoàng đế vỗ yên lòng người
 
Lê Cập Đệ vốn nuôi đại chí
Đang trên sông mưu thí Trịnh Tùng(1572)
Thương cho một đấng anh hùng
Mưu không thành được bị Tùng chém phăng
LÊ THẾ TÔNG HOÀNG ĐẾ 
( 1573- 1599 )
 
Khi lên ngôi Duy Dân sáu tuổi
Đổi niên hiệu Gia Thái đầu năm
Việc binh cho đến việc dân
Trịnh Tùng tự tác dần dần thay vua
 
Xuống lệnh cho Hữu Liên, Đức Vị
Đi rước về hoàng đế Anh Tông
Gặp vua đang ở giữa đồng
Xin ngài mau chóng để cùng hồi loan
 
Đến nửa đường mưu toan bức hại(1573)
Rồi phao vua sợ hãi quyên sinh
Quần thần nghe được thất kinh
Kể từ dạo đó triều đình mới yên
 
Ơ Bắc triều nắm quyền cai trị
Mậu Hợp xem mạch địa Thăng Long(1577)
Sai quan dựng trại ngoài trong
Mở khoa thi Hội yên lòng thứ dân
 
Năm Mậu Dần(1570) đốc binh Kính Điển
Hội cùng quan Ngọc Liễn đem quân
Đánh vàoThanh Hóa mấy lần
Mặt trên phương Bắc chiếm gần châu Thu
 
Mạc Kính Điển được vua yêu quí 
Là một người tài trí thông minh
Với vua một mực trung thành
Trong hàng tướng lãnh vang danh một thời(1580) 
 
Các quan khác xu thời hèn nhát
Chỉ tham tiền, kiếm chác của dân
Hợp thì dâm dục, bất nhân
Bắc triều từ đó đến dần diệt vong
 
Thành Thăng Long lần này tu bổ(1587)
Sửa sang nhiều những chổ hư hao
Trồng tre chống giặc làm rào(1587)
Đắp thêm lũy đất còn cao hơn thành
 
Hợp lại sai dựng đình xây điện
Bày ra trò tiệc yến liên miên
Mê người thiếu nữ : vợ Niên
Lập mưu bức hại, dành riêng cho mình
 
Bảy mươi năm chiến tranh Nam Bắc
Nỗi kinh hoàng gieo rắc trong dân
Ba mươi tám trận qua phân
Nước non xơ xác muôn phần xót xa
 
Năm Nhâm Thìn, mồng ba sau tết(1592)
Dựng trai đàn, Tiết chế Trịnh Tùng
Nam giao lễ tế núi sông
Cáo trời Bắc phạt rùng rùng tiến quân
 
Sông Minh Giang, Trịnh Tùng vừa đến
Cho dựng đồn bày trận trước tiên
Lệnh ban không được thù riêng
Nếu ai vi phạm luật riêng tử hình
 
Quân đi nhanh qua sông Tô Lịch
Đến Xạ Đôi vừa kịp qua sông
Hẹn cùng mai đánh Thăng Long
Cửa Tây thẳng tiến tấn công vào thành
 
Ba cửa thành Nam Giao Cầu Gỗ
Tướng Trần Phương coi chổ tượng binh
Dàn quân bố trận thật nhanh 
Cuốn cờ im trống nghi binh đợi giờ
 
Qua Thiên Phái , qua đò Đoan Vĩ
Lệnh xuất quân về phía cửa sông
Đánh thượng lưu đuổi đến cùng
Mạc quân tan vỡ Quốc công đầu hàng
 
Tháng mười một, lập xuân vừa tới
Mạc Mậu Hợp tiến thối lưỡng nan
Bốn bề dày đặc quân Nam
Quan binh nhà Mạc vỡ tan dần dần
 
Quan Tiết chế cho ban quân lệnh
Nhắc binh lính phải tránh tối đa
Kẻ nào phạm đến cửa nhà
Cướp bóc hãm hiếp thì là giết ngay
 
Quân Nam triều bao vây họ Mạc
Bến Sa Thảo lấy được hàng nghìn
Khí tài, lương thảo, chiến thuyền 
Rồi đem nhân nghĩa vỗ yên dân lành
 
Vua nhà Mạc bỏ thành chạy trốn
Đem tàn binh về trấn Hải Dương
Trịnh Tùng đuổi đến Tranh Giang
Dừng quân dựng trại , cắt đường về kinh
 
Mạc Mậu Hợp một mình chạy lạc
Bị dân binh bắt được trong chùa 
Trong khi đang giả làm sư
Trói tay, bêu sống, dâng tù đóng đinh
 
Mạc Kính Chỉ về miềnYên Quảng
Còn Tôn thất tản mạn khắp nơi 
Mười phần chết tám còn hai
Xem như họ Mạc hết thời từ đây
 
Thành Thăng Long cho xây sửa tạm
Chỉ trong vòng một tháng làm xong
Sắm bày xe cộ, nghi phong
Thiết đài lễ đón Thế Tông ngự triều
 
Ngày mười sáu cờ treo đại yến(1593)
Vua ngồi trên chính điện khai triều
Ban cho ơn trạch trước sau
Đại xá thiên hạ buổi đầu trung hưng
 
Còn họ Mạc cuối cùng bôn tẩu 
Lấy Bắc phương nương náu thân tàn
Vào năm Đinh Hợi được dân(1527)
Đến năm Quý Hợi mất luôn chính quyền(1623)
 
Sáu bảy năm Đăng Dung xưng đế
Tiếm ngôi trời quốc thể hưng vong
Cháu con nay phải long đong
Năm đời vua Mạc cuối cùng chuyển qua
 
Lật trang qua Nguyễn Hoàng thống lĩnh(1593)
Đem thủy binh bình định Kính Chương
Dồn cho quân Mạc hết đường 
Lấy thêm các xứ Hải Dương, Đại Đồng
 
Mạc Ngọc Liễn lâm chung hấp hối(1594)
Bản chúc thư trăn trối thế này:
"Vận nhà Mạc hết từ nay
Họ Lê hưng phục chuyển xoay số trời
 
Chớ nên mời Minh vào xứ sở 
Để dân ta đau khổ lầm than
Tội này lớn lắm khó bàn
Ngươi nên nhớ lấy để răn mọi người "
 
Rất nhiều nơi mất mùa năm đó 
Dân Hải Dương chết đói quá cao(1594)
Người ta ăn thịt lẫn nhau 
Ngoài đường xác chết gối đầu giơ xương (1595)
 
Quân trộm cướp nhiễu nhương nhiều chổ(1595-1596)
Chúng đốt nhà cướp của lương dân
Tình hình xã hội bất an 
Vua Lê, chúa Trịnh mãi đang tranh giành
 
Vua nhà Minh nhiều lần sai sứ 
Mang điệp văn qua cửa Nam giao(1596)
Đòi vua hội khán sang chầu
Dây dưa thất hẹn trước sau hai lần
 
Phùng Khắc Khoan bổ làm Chánh sứ(1597)
Đi mấy tháng mới tới Yên Kinh 
Gặp ngày Vạn Thọ vua Minh
Thảo ngay một tập thơ trình vua xem
 
Vua Minh khen tập thơ Vạn Thọ
Xuống lệnh truyền cho thợ khắc in 
Lại sai sứ giả Triều Tiên 
Viết lời đề tựa nói thêm mấy điều
 
Năm Mậu Tuất(1598) có nhiều thay đổi
Thăng Trịnh Tùng lên tới quận công 
Nguyễn Hoàng dụng kế thủy quân
Đánh tan thuyền Mạc ở gần Hải Dương
 
Lê Thế Tông lại băng sau đó (1599)
Ơ ngôi vua hăm bảy năm trời
Quyền hành đã dược người coi
Đã Vua còn Chúa, thói đời mỉa mai
 
LÊ KÍNH TÔNG HOÀNG ĐẾ 
(1600- 1619)
 
Bình an Vương chọn người nối nghiệp
Con thứ là công tử Duy Tân
Lên ngôi đặt hiệu Kính Tông 
Đổi năm Thuận Đức nối dòng hoàng gia
 
Thực sự vua chỉ là đại diện 
Cho quốc gia khi tiếp sứ thần
Vua là biểu tượng cho dân 
Nhưng quyền quyết định thuộc phần Trịnh Vương
 
Cho Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa
GiaoTrịnh Tùng phò tá Tây Đô
Loạn trong cả nước bấy giờ 
Quan quân hào trưởng tha hồ ra oai
 
Cả ba miền nhiều tay cát cứ 
Họ Mạc thì trấn giử Bắc phương 
Trịnh-Lê chiếm đến Hoàng Giang
Phương Nam riêng để Nguyễn Hoàng đóng quân
 
Bình An Vương sai Luân đi đánh
Đem bộ binh vào chiếm phương Nam 
Bị dân tại chỗ phá tan
Kể từ dạo ấy đôi đường phân ly
 
Năm Quý Sửu(1613)Nguyễn Hoàng tạ thế
Mấy ai sống đến dễ chín mươi
Giang sơn một dãi ơn trời
Đất từ Thuận Quảng kéo dài vô Nam
 
NGUYỄN PHÚC NGUYÊN (1613- 1635) 
 
Nguyễn Phúc Nguyên nối giòng đời trước(1613-1635)
Tước Thương Công lại được vua Lê
Duy Từ khuyên Chúa lờ đi
Chỉ thêm ràng buột , khó bề mai sau
 
Ba mươi năm khi vào trấn nhậm 
Khai khẫn thành vùng đất phì nhiêu 
Đàng trong hùng kiệt đã nhiều 
Nhân tài đất Bắc vào theo lắm người
 
Và càng ngày càng thêm thanh thế
Biết chiêu hiền đãi sĩ trong dân
Chọn người đảm trách việc quan
Cầm cân nẫy mực làm gương cho người
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học