Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
 

QUYỂN 4

LÝ THÁI TỔ ( 1010 - 1028 )

Lý Công Uẩn vốn dân Cổ Pháp

Sinh ra đời đúng bậc minh vương
Lên ngôi hoàng đế Việt Thường
Là n gười khoan thứ tinh tường việc dân
 
Cha không có, mẹ người họ Phạm
Chùa Tiêu Sơn giao hợp thần nhân
Sinh vua tuấn tú bội phần (974)
Năm lên ba tuổi cho làm con nuôi
 
Lý Khánh Văn nhận nuôi đứa bé
Trẻ thông minh đủ vẻ lương tường
Sư chùa Lục Tố rất thương
Nói rằng : Không phải người thường thế đâu
 
Mãi về sau lời sư Vạn Hạnh 
Đã trở thành định mệnh quốc gia
Nhiều năm ròng rã trôi qua
Tiên tri lúc trước quả là đúng ngay
 
Sau hai ngày vua Lê Long Đĩnh
Chết chưa chôn thì chuyện xãy ra
Trong triều nỗi cuộc phong ba
Nguyễn Đê , Cam Mộc đứng ra nói rằng :
 
"… Bọn ta không nhân lúc này cùng nhau 
sách lập Thân vệ ( Lý Công Uẩn ) làm thiên tử , 
lở bối rối có xãy ra tai biến gì , 
liệu chúng ta có còn giữ đựơc cái đầu hay không ? " 
 
Cuộc chính biến tôn vương chớp nhoáng
Kế hoặch xong chỉ đúng hai ngày
Cho dù ai muốn trở tay
Cũng không xoay được đổi thay cuộc cờ
 
Lý Công Uẩn , cơ đồ có sẳn 
Kẻ khôn ngoan dưới trướng khá nhiều
Thiền sư Vạn Hạnh phò theo
Thái sư Khuôn Việt đem điều nghĩa nhân
 
Gốc là dân mối giềng trị nước
Việc khởi đầu làm trước lên ngôi
Bỏ giềng lưới, bỏ giam người
Đại xá thiên hạ đổi đời từ đây
 
Vua xuống chiếu từ rày có việc
Không thuận lòng giải quyết với nhau
Được quyền diện kiến trình tâu
Vua thân phán quyết ngỏ hầu minh oan
 
Lại hạ lệnh : người đang trốn tránh
Cho phép về lại cảnh quê hương
Áo cơm giúp kẻ cùng đường
Tha người Nam Chiếu cấp lương đưa về
 
Vua lại phê, ba năm tha thuế
Sửa đình chùa đổ nát hư hao
Công, hầu, khanh tướng ban trao
Chọn người xứng đáng để giao trọng quyền
 
Viết chiếu truyền, dời đô đến chỗ (1010)
Thành Đại La đất cổ Cao Vương
Vùng này đất phẳng mười phương
Long chầu, hổ phục dị thường địa linh
 
Nhìn địa hình, đông, tây, nam, bắc
Thế đất này nét sắc mà oai
Vì dân lập kế lâu dài
Tính theo vận nước nhân tài hội đây
 
Lạ lùng thay, thuyền vua vừa đến
Có rồng vàng xuất hiện trên sông
Đổi tên thành gọi Thăng Long
Mùa thu tháng bảy khởi công dựng nền (1010)
 
Điện Càn Nguyên nơi coi triều chính
Điện Tập Hiền hướng định chánh Nam
Nằm sau là Điện Long An
Phía đông Giảng Võ Thư Tàng kế bên
 
Bốn cửa thành : Tương Phù, Quản Phúc
Cửa phía Bắc Diệu Đức mở ra
Đại Hùng theo hướng Tây qua
Tường cao hào chắn phía xa ngoại thành
 
Cửa Đan Phượng thông liền Uy Viễn
Bậc thềm rồng trước Điện Cao Minh
Thăng Long quang cảnh hữu tình
Nghênh Xuân cung cấm, ngoại thành chùa Nghiêm
 
Đổi niên hiệu Thuận thiên để tính (1010)
Chức đặt ra phân định rõ ràng
Sắc phong cho sáu bà hoàng
Các con đều được tước vương , tước hầu
 
Lấy kinh tế làm đầu trị quốc (1013)
Định lệ ra luật nước rõ ràng
Sáu tên sưu thuế đàng hoàng
Năm lần giảm thuế nước càng phồn vinh (1017)
 
Nơi Phiên trấn (1020), tình hình không ổn
Giặc xâm lăng khốn đốn dân binh
Cất quân chinh phạt tự mình
Đánh cho mấy trận tan tành Cử Long
 
Vua một lòng tôn sùng đạo Phật 
Xuống chiếu truyền khuyên tập chép kinh
Để lầu bát giác tôn vinh (1021)
Đúc chuông, xây tháp, linh đình làm chay
 
Với Bắc triều vua sai thông hiếu
Nhà Tống phong Giao Chỉ quận vương
Năm lăm tuổi thọ hưởng dương (1028)
Hiệu là Thái Tổ, Thọ Lăng táng ngài
 
Lý Công Uẩn , nhân thời mỡ vận
Vốn là người khí tượng đế vương
Song ưa nghe việc dị thường
Nên chi bị lụy đoạn trường mà thôi 
LÝ THÁI TÔNG ( 1028 -1054 )
 
Lý Phật Mã vâng lời di chiếu
Đến cấm thành mới hiểu ra rằng
Ba em mai phục thân quân
Giết mình để đoạt ngai vàng về tay
 
Xác vua cha còn đây chưa liệm
Sao ba em toan chiếm ngai vàng
Đông Chinh, Thánh Dực, Võ Vương
Rõ là cốt nhục tương tàn buồn thay
 
Cuộc chính biến, ba tay vương tử
Khiến triều đình phải xử cho nghiêm
Có quan Phụng Hiểu điện tiền
Rút gươm thẳng đến chém liền Võ Vương
 
Lý Phật Mã trong cơn bối rối
Lên ngôi vua hiệu đổi Thiên Thành
Tôn cha, Thái Tổ thần danh
Quốc tang bố cáo trong thành, ngoài biên
 
Vua tha cho bọn em dấy loạn
Lấy tình người đổi oán bằng ân
Đem tiền, gạo phát cho dân
Gọi là bố thí ngay lần lên ngôi
 
Vua lại sai đặt ra thứ bậc
Để trao quyền cho thật phân minh
Lựa người tài giỏi nghề binh
Phong làm Thượng Tướng giữ gìn quốc gia
 
Vua lập ra bảy bà hoàng hậu
Là một điều nhiên hậu không ai
Sách phong thái tử truyền ngai
Nhật Tôn hoàng tử được ngài ban cho
 
Là một người nhân từ sáng suốt
Lại hiểu thông thao lược kinh luân
Sáu nghề lễ nhạc luật âm
Ngự văn, thư số cũng trang anh tài
 
Suốt một đời trên ngai hoàng đế
Bước trường chinh tế thế đông, tây
Ở ngôi hăm bảy năm đầy
Tám lần chinh phạt dạn dày phong sương
 
Đánh Trệ Nguyên chặn đường Tồn Phúc (1033)
Phạt Chiêm Thành qui phục nhân tâm (1039)
Dải dầu chín tháng hành quân
Chém đầu Sạ Đẩu, giết gần vạn binh (1044)
 
Vua xuống chiếu soạn thành bộ Luật
Ghi rõ ràng cho thật phân minh
Chia ra môn loại rành rành
Đâu là dân luật, luật hình, luật quân
 
Bộ Hình Thư được dân mong muốn (1042)
Bởi vì là thích ứng mọi nơi
Luật nghiêm lại hợp tình người
Công bằng đúng lẽ thuận trời, an dân
 
Tội gian dâm, tội đồ, hối lộ
Soạn thành văn lý số rõ ràng
Những ai làm việc lâu năm
Mà không có lỗi được thăng chức liền
 
Vua lại sai đóng thuyền cỡ lớn
Hạ thủy đầu chiến hạm Vạn An (1034)
Vinh Xuân, rồi chiếc Nhật Quang (1037)
Thủy quân cũng đóng vài trăm tiểu thuyền (1043)
 
Vua hạ lệnh đào kênh Đãn Nãi (1029)
Rồi lại sai vét đãi Lẫm Kênh (1050)
Đặt mốc, cắm biển đề tên
Chỉ đường, hướng lối kế bên vệ đường
 
Trạm Hoài Viễn để giường khách nghỉ
Xây trên bờ bên mé Gia Lâm (1035)
Tây Nhai mở chợ cho dân
Trên sông Tộ Lịch bắt ngang chiếc cầu
 
Lệ từ lâu, năm nào cũng thế
Vua thân hành tế lễ Thần Nông
Tịch điền ruộng đã cày xong
Nêu gương thiên hạ dốc lòng làm ăn
 
Vua lại dạy cung nhân dệt gấm (1040)
Phát trống kho gấm Tống làm quà
Từ đây sử dụng lụa nhà
Trong dân sản xuất ; của ta, ta dùng
 
Dạy Hoàn Vương chấp cung xét hỏi
Việc kiện thưa xử tội rồi tâu
Lại cho Thái tử coi chầu
Để nghe chính sự ngõ hầu ngày sau (1054)
 
Thuật dạy con bắt đầu như thế
Cho muôn đời lấy để làm gương
Tính vua đôi lúc bất thường
Thích nghe sấm ký khoa trương việc mình
 
Trong Cấm Thành buồn tình giải trí
Lập đoàn ca nhạc kỷ trăm người
Vào rừng Kha Lãm tìm voi
Dựng chùa Diên Hựu, xây đài chứa Kinh (1049)
 
Khắp đất nước thanh bình an lạc
Vua là người trầm mặc tinh thông
Tháng mười Giáp Ngọ, tiết đông (1054)
Trường Xuân vua mất đau lòng con dân
 
Là một người bội phần cơ trí
Việc quốc gia chăm chỉ sớm hôm
Tiếc rằng hay nói khoe khoang
Là người khai sáng mối nguồn về sau 
LÝ THÁNH TÔNG (1054 - 1072) 
ĐẠI VIỆT
 
Được ngôi cao : Thái Tông Hoàng Đế
Là Đông Cung thừa kế Nhật Tôn
Một người tâm tính ôn tồn
Thương dân, trọng việc lại còn lo xa
 
Đổi quốc hiệu thành ra Đại Việt (1054)
Lập lịch triều, kỷ yếu định danh
Gọi tên : Long Thụy Thái Bình
Sửa sang chính sự, dân tình an sinh
 
Lập Văn Miếu , nặn hình Tứ Phối
Những người hiền : Khổng Tử, Chu Công
Bẩy hai trò giỏi thờ chung
Là đất văn vật, tấn phong nhân tài
 
Ngoài cấm thành xây đài cao nhất
Đặt tên là Bảo tháp Báo Thiên (1054)
Mươi hai tầng đứng dính liền
Vươn cao chục trượng oai nghiêm vô cùng
 
Gặp tiết đông lúc trời lạnh giá
Thương người tù thiếu cả chiếu chăn
Gian, ngay chưa biết tỏ tường
Truyền cho ngục lại phát chăn để nằm (1055)
 
Xót dân tình phải chăng không biết (1064)
Nên nhiều khi làm việc lỡ lầm
Xử người như với người thân
Lấy điều khoan giảm gia ân cho người
 
Dân thiếu ăn, đức trời thừa thiếu (1075)
Tha thuế tô, một kiểu khuyến nông
Vua, Quan, Dân, lính một lòng
Giữ yên bờ cõi chẳng mòng riêng tây
 
Năm Kỷ Hợi lựa ngày Bắc phạt (1059)
Đánh Khâm Châu cả nước kinh hoàng
Biểu dương lực lượng vài hôm
Rồi cho triệt thoái truyền gom quân về
 
Đánh nước Tàu thị uy cho biết
Cũng bởi vì vua ghét Tống vương
Phản phúc dối trá dị thường
Nuốt lời binh viện đánh Nùng Trí Cao
 
Đánh Chiêm Thành răn vua Phiên trấn
Chúa Chămpa thất trận đầu hàng
Thế cùng Chế Củ xin dâng
Ba châu cắt đất xin nhường Thánh Tông
 
Vua bằng lòng tha cho Chế Củ
Cõi biên thùy uy vũ vang danh
Thu về Địa Lý, Ma Linh (1069)
Cùng châu Bố Chính trở thành đất ta
 
Tuổi bốn mươi, sinh ra con nhỏ (1066)
Vua rất mừng, trăm họ hân hoan
Có người nối dõi ngai vàng
Phong ngay thái tử , đăng quang sau này
 
Lý Thánh Tông có tài văn học (1056)
Làm minh văn cho đục trên bia
Cung thương sáng tác nghề kia
Phỏng theo nhạc khúc chẳng lìa âm Chiêm
 
Tiếng trống Chiêm vô cùng hấp dẫn
Điệu Pì dền khi bổng, lúc khoan
Tám mươi điệu trống Kỳ Nằng
Ri Nai khúc hát nhẹ nhàng vui thay
 
Nhân một hôm gặp ngày xuân nhựt (1063)
Dân hiếu kỳ nô nức tranh đua
Nhân ngài đi vãn cảnh chùa
Cố nhìn được mặt đức vua một lần
 
Chỉ riêng một, giai nhân tuyệt sắc
Không nhìn vua, nép mặt bên lan
Khiến vua làm lạ vô vàn
Vua cho võng kiệu để mang nàng về
 
Tên Ỷ Lan cũng vì tích đó
Là một người sắc sảo thông minh
Thay vua việc nước điều hành
Khi chồng sang đánh Chiêm Thành năm sau
 
Lý Thánh Tông tài cao nhân hậu
Coi việc dân , đạt thấu lẽ trời
Cơ đồ gánh vác trên vai
Bình Chiêm, phạt Tống trong ngoài vỗ yên
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học