Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 14 »»

A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 14

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.54 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.64 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Câu Xá

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 |
Việt dịch: Đạo Sinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần 14
Phần này nói về các tính chất của biểu và vô biểu.
[Ba loại vô biểu là luật nghi,
Bất luật nghi, phi luật nghi phi bất luật nghi.]
Luận: Vô biểu có ba loại: (1) luật nghi (saṃvara), có khả năng thu thúc (saṃvṛṇoti) và trừ diệt hoặc ngăn chặn dòng tương tục của ác giới (dauḥṣīlyaprabandha); (2) bất luật nghi (asaṃvara) là trái với luật nghi, tức không có luật nghi; (3) phi luật nghi phi bất luật nghi (naivasaṃvarmāsaṃvara) là loại không có tính chất của luật nghi cũng như bất luật nghi.
律儀別解脫  靜慮及道生.
[Luật nghi biệt giải thoát,
Luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu.]
Luận: Có ba loại luật nghi: (1) luật nghi biệt giải thoát (prātimokṣasaṃvara) là giới luật (śīla) hệ thuộc dục giới, là giới luật của chúng sinh ở thế giới này; (2) luật nghi tĩnh lự, sinh khởi từ tĩnh lự (dhyāna), là giới luật hệ thuộc sắc giới; (3)
[Luật nghi thứ nhất có tám loại,
Nhưng thực ra chỉ có bốn;
Vì hình tướng thay đổi nên tên gọi khác nhau;
Tuy tách rời nhau nhưng không tương vi.]
Luận: Luật nghi biệt giải thoát có tám loại. Đó là các luật nghi thuộc Bí-sô (bhikṣu) Bí-sô-ni (bhikṣuṇi), Chánh học (śikṣamāṇā), Cần sách (śrāmaṇera), Cần sách nữ (śrāmaṇerikā), Cận sự (upāsaka), Cận sự nữ (upāsikā), Cận trú (upavāsastha). Tám loại này đều là luật nghi của biệt giải thoát vì thế đứng về mặt tên gọi thì được chia làm tám loại; nhưng thực ra chỉ có bốn loại có các tính chất khác nhau; đó là luật nghi của Bí-sô, Cần sách, Cận sự và Cận trú. Thật vậy, luật nghi của Bí-sô-ni không khác và không tách rời luật nghi của Bí-sô; luật nghi của chánh học và Cần sách nữ không khác với luật nghi của Cần sách; luật nghi của Cận sự nữ không khác với luật nghi của Cận sự.
Giới tính (vyañjana), tức Linga, giúp phân biệt sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Chính vì có giới tính mà có sự khác nhau về tên gọi như Bí-sô, Bí-sô-ni, v.v..
Khi giới tính thay đổi (chuyển căn vị) thì Bí-sô trở thành Bí-sô-ni, Bí-sô-ni trở thành Bí-sô, Cần sách thành Cần sách nữ, Cần sách nữ và Chánh học thành Cần sách; Cận sự thành Cận sự nữ, Cận sự nữ thành Cận sự. Tuy nhiên không thể thừa nhận khi thay đổi giới tính (parivṛttavyañjana) thì có thể xả bỏ luật nghi trước đó và đắc được luật nghi mới bởi vì sự thay đổi giới tính không thể có công năng này. Vì thế bốn loại luật nghi thuộc nữ giới đều phối hợp với ba loại luật nghi thuộc nam giới.
(Hỏi) Khi các luật nghi được thọ trì kế tiếp nhau, tức từ luật nghi Cận sự với năm giới tiếp theo là luật nghi Cần sách với mười giới, rồi đến luật nghi Bí-sô với hai trăm năm mươi giới, thì có phải các loại luật nghi này chỉ khác nhau vì có thêm vào các giới mới - tức cũng giống như sự khác nhau giữa các con số năm, mười, hai mươi; giữa một số cuối và hai số cuối - hay mỗi một luật nghi đều được sinh khởi riêng cho nên có thể tách rời nhau?
(Đáp) Các luật nghi đều tách rời nhau mà không tương tạp. Ngay cả trong các phần luật nghi chung - như Cận sự, Cần sách và Bí-sô đều từ bỏ (virati) sự giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, các chất uống làm say - thì cả ba loại luật nghi đều có những tính chất riêng biệt.
Sự khác nhau của chúng nằm ở các trường hợp phạm giới (nidāna). Một người càng thọ trì được nhiều giới luật (học xứ; śikṣāpada) thì càng tránh được (viễn ly) nhiều trường hợp sinh tâm kiêu mạn (mada) và phóng dật (pramādasthāna); tức cũng tránh được nhiều nhân duyên phạm giới sát, v.v.. Nhờ thế ba loại viễn ly này không bị tạp loạn. Nếu không phải như vậy, nếu luật nghi của Cận sự và Cần sách lẫn lộn (antarbhāva) với luật nghi của Bí-sô thì khi một Bí-sô xả bỏ luật nghi Bí-sô (saṃvaraṃ prat yācakṣāṇaḥ) cũng sẽ lập tức xả bỏ cả ba loại luật nghi; nhưng không ai chấp nhận điều này vì thế các loại luật nghi đều tách rời nhau.
Tuy nhiên chúng không trái nghịch nhau. Chúng có thể cùng hiện hữu bởi vì khi thọ trì một giới luật mới thì người ta không từ bỏ giới luật trước đó. Điều này cũng có nghĩa một Bí-sô khi xả bỏ giới Bí-sô vẫn còn các luật nghi của Cận sự và Cần sách. (Vibhāṣā, 124, 4).
(Hỏi) Làm thế nào để trở thành Cận sự, Cận trú, Cần sách, ,Bí-sô?
Tụng đáp:
[Thọ giới xả ly năm, tám, mười
Tất cả những gì cần phải xả ly
Thì trở thành Cận sự, Cận trú, Cần sách và Bí-sô.]
Luận: Khi thọ giới xả ly (viratisamādāna) năm điều: (1) giết hại (prāṇātipāta), (2) trộm cắp (adattādāna), (3) tà dâm (dục tà hạnh, kāmamihyācāra), (4) nói dối (mṛṣāvāda), (5) các chất uống làm say (surāmaireyapramādasthānavirata) tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Cận sự. Khi thọ giới xả ly tám điều: (1) giết hại, (2) trộm cắp, (3) dâm dục (phi phạm hạnh, abhrahmacarya), (4) nói dối, (5) các chất uống làm say, (6) sử dụng hương thơm, vòng hoa, son phấn (gandhamālyavilepana), xem nghe múa hát, nhạc (nṛtyagītavāditā), (7) giường cao, giường lớn (uccaśayana, mahāśayana), (8) ăn không đúng lúc (thực phi thời thực, vikālabhojana), tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Cận trú.
Khi chấp nhận xả ly tám điều trên đây, cộng thêm sự xả ly vàng và bạc, tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Cần sách. Trong trường hợp này vẫn được kể là mười điều bởi vì điều thứ sáu ở trên được phân thành hai loại là sử dụng hương thơm vòng hoa son phấn và xem nghe múa hát nhạc.
Khi chấp nhận xả ly tất cả các thân nghiệp và ngữ nghiệp cần phải xả ly tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Bí-sô.
(Hỏi) Các tên gọi khác nhau của luật nghi biệt giải thoát là gì?
Tụng đáp:
[Đều được gọi là thi-la,
Diệu hạnh, nghiệp luật nghi;
Chỉ biểu là vô biểu đầu tiên
Tạo thành con đường của nghiệp.]
Luận: Thi-la (giới, śīla) là điều chỉnh (pratisṃsthāpana) những gì không đúng đắn (viṣama) bởi vì người tạo tội thường cư xử một cách không đúng đắn đối với người khác. Nguyên nghĩa của sila là làm cho tươi mát, như có bài tụng đã viết: “May thay được thọ trì giới luật, vì giới luật không đốt cháy”.
Được gọi là diệu hạnh bởi vì bậc trí giả đều tán dương các giới luật này.
Được gọi là nghiệp bởi vì thể tánh của giới luật chính là nghiệp.
(Vấn nạn) Ở trên kinh đã nói rằng vô biểu là “không tạo tác” (akaraṇa); như vậy làm sao có thể là nghiệp được?
(Giải thích) Chắc chắn vô biểu khiến cho người thọ giới có tâm tàm sỉ mà thệ nguyện xa lìa điều ác vì thế mới gọi là “không tạo tác”; nhưng vô biểu vẫn là nghiệp bởi vì nó được tạo ra bởi thân ngữ nghiệp (vijñapti) hoặc bởi tâm (citta).
Có luận sư nói rằng vô biểu là nghiệp vì nó là nhân và quả của hành động.
Được gọi là luật nghi bởi vì giới luật kềm chế hoặc thu thúc thân ngữ.
Khi nói “luật nghi biệt giải thoát” là có ý chỉ cho tất cả luật nghi của biệt giải thoát được tính từ thời điểm đầu tiên.
Tên gọi biệt giải thoát (prātimokṣa) nhằm chỉ cho biểu nghiệp đầu tiên và vô biểu nghiệp đầu tiên của sự thọ giới. Sở dĩ có tên như vậy là vì đó là sự buông bỏ (tyāga) điều ác (pāpa); và sự buông bỏ này chính là công năng của sát-na đầu tiên (tức biểu nghiệp và vô biểu nghiệp) của sự thọ giới.
Loại biểu và vô biểu đầu tiên này cũng là “luật nghi của biệt giải thoát” bởi vì chúng có khả năng thu thúc thân ngữ. Chúng cũng chính là nghiệp đạo, tức là “con đường của loại nghiệp gốc” (căn bổn nghiệp đạo).
Vào sát-na kế tiếp và các sát-na sau đó thì không còn gọi là biệt giải thoát nữa vì điều ác không còn được xả bỏ (prātimokṣyate) bởi sát-na thứ hai sau khi được xả bỏ (prātimokṣita) bởi sát-na đầu tiên. Lúc đó chỉ còn “biệt giải thoát luật nghi” (prātimokṣasaṃvara), tức là luật nghi “thuộc loại biệt giải thoát” hay luật nghi “sinh khởi từ biệt giải thoát”; và cũng không còn gọi là “căn bản nghiệp đạo” mà chỉ là “hậu khởi nghiệp”.
(Hỏi) Người nào thành tựu mỗi một trong ba luật nghi này?
Tụng đáp:
[Tám hạng người thành tựu biệt giải thoát.
Người đắc tĩnh lự, và thánh giả
Thành tựu luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu;
Hai loại này thuộc tùy tâm chuyển.]
Luận: Chỉ có tám hạng người thành tựu biệt giải thoát; đó là từ Bí-sô, Bí-sô-ni, … cho đến Cận trú.
(Hỏi) Ngoại đạo (bāhya) có thể thành tựu các giới được thọ (samādānaśīla) không?
(Đáp) Có thể thành tựu các giới này nhưng không thể thành tựu biệt giải thoát luật nghi; bởi vì giới luật thọ được của họ (như “tôi lìa bỏ việc giết hại”, v.v.) dựa vào một loại tưởng về hữu (bavasaṃniśrita); ngay cả khi được tái sinh vào một cõi trời nào đó thì họ vẫn xem điều này như một “sự giải thoát” (mokṣa) vì họ nhận thức giải thoát chỉ là một loại hữu nào đó. Vì thế, với các giới luật thọ được của họ thì điều ác không thể được xả bỏ một cách tuyệt đối.
Người nào đắc được tĩnh lự (dhyāna) thì cũng thành tựu luật nghi sinh từ tĩnh lự này.
“Tĩnh lự sinh” (dhyānaja) có nghĩa là sinh ra từ tĩnh lự hoặc sinh được từ tĩnh lự.
Khi nói “nhờ tĩnh lự” tức hàm ý không phải chỉ có bốn tầng thiền chính (căn bổn, maula) mà còn có các loại định lân cận (sāmantaka; tĩnh lự biên). Cũng giống như khi nói: “Ở làng này có ruộng lúa” tức ám chỉ ngôi làng này và cả ruộng lúa chung quanh.
Thánh giả; bao gồm hữu học (Śaikṣa) và vô học (Aśaikṣa), thành tựu luật nghi vô lậu (đạo sinh).
(hỏi) Trong phần giải thích về câu hữu nhân ở trước có nói đến hai loại luật nghi thường đi theo tâm (tùy tâm chuyển, cittānuvartin); vậy hai loại này là gì?
(Đáp) Đó là luật nghi sinh từ tĩnh lự (dhyāna) và luật nghi vô lậu (đạo sinh); chứ không phải loại biệt giải thoát luật nghi bởi vì loại này vẫn tiếp tục hiện hữu (anvṛtti) ở những người có tâm bất thiện hoặc vô ký (dị tâm) hoặc những người vô tâm (anyacittācitaka).
(hỏi) Hai loại này được lập thành ở giai đoạn nào?
Tụng đáp:
[Sinh từ chín vô gián đạo ở Vị chí định
Và đều được gọi là đoạn luật nghi]
Luận: Luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu đều sinh từ chín vô gián đạo (ānantaryamārga) thuộc Vị chí định (anāgamya) và còn có tên là “đoạn luật nghi” (prahāṇasaṃvara) bởi vì nhờ hai loại luật nghi này mà đoạn trừ được ác giới (dauḥśīlya) và các phiền não sinh khởi các ác giới này (tatsamutthāpaka).
Như vậy có một loại luật nghi sinh từ tĩnh lự nhưng không gọi là đoạn luật nghi.
Có bốn trường hợp:
(1) Luật nghi tĩnh lự hữu lậu (sāsrava) - ngoại trừ những luật nghi sinh từ vô gián đạo thuộc Vị chí định - là luật nghi sinh từ tĩnh lự nhưng không thuộc loại đoạn trừ.
(2) Luật nghi vô lậu đắc được ở vô gián đạo của Vị chí định là loại đoạn trừ nhưng không phải là luật nghi sinh từ tĩnh lự.
(3) Luật nghi hữu lậu ở vô gián đạo của Vị chí định là luật nghi sinh từ tĩnh lự và thuộc loại đoạn trừ.
(4) Luật nghi vô lậu sinh từ vô gián đạo của Vị chí định là loại luật nghi không sinh từ tĩnh lự và cũng không thuộc đoạn trừ.
Theo các nguyên tắc trên ta có thể lập thành bốn trường hợp đối với luật nghi vô lậu nhưng không phải đoạn trừ, luật nghi đoạn trừ, nhưng không phải vô lậu, v.v.. (Vibhāṣā, 44, 17).
Thế Tôn nói: “Tốt đẹp thay luật nghi của thân, luật nghi của ngữ, luật nghi của ý, luật nghi của tất cả (biến luật nghi)” (Saṃyutta, i. 73; Dhammapada, 361); và “sống có câu thúc nhờ vào luật nghi của nhãn căn” (Anguttara, iii. 387).
(Hỏi) Tự tánh của hai loại luật nghi của ý và luật nghi của căn là gì?
(Đáp) cả hai đều không phải là vô biểu.
[Cả chánh tri và chánh niệm
Là luật nghi của ý và luật nghi của căn.]
Luận: Vì sợ người đọc có thể hiểu lầm loại luật nghi thứ nhất chỉ là chánh tri (saṃprajñāna) và luật nghi thứ hai chỉ là chánh niệm (smṛti) cho nên luận chủ mới nói là “cả” (hợp).
ở đây hãy xét xem người nào thành tựu biểu và vô biểu; và trong mỗi trường hợp chúng thuộc về giai đoạn nào.
[Trụ luật nghi biệt giải thoát thì vô biểu
Luôn luôn được thành tựu nếu chưa xả luật nghi;
Sau sát-na thứ nhất cũng thành tựu vô biểu quá khứ.
Trường hợp bất luật nghi cũng như vậy.
Đắc luật nghi tĩnh lự
Luôn luôn thành tựu vô biểu quá khứ và vị lai.
Thánh giả ở sát-na thứ nhất không thành tựu vô biểu quá khứ.
Trụ định, đạo thành tựu vô biểu hiện tại.]
Luận: Những người đã thọ luật nghi của biệt giải thoát và vẫn chưa xả bỏ vô biểu nghiệp tạo thành loại luật nghi này thì luôn luôn thành tựu loại vô biểu hiện tại.
Sau sát-na thứ nhất, tức sát-na được gọi tên là biệt giải thoát, thì những người này cũng có thành tựu vô biểu nghiệp quá khứ với điều kiện là vẫn chưa xả bỏ luật nghi này.
Đây là trường hợp của những người thọ trì luật nghi biệt giải thoát.
Đối với những người đang ở vào giai đoạn của bất luật nghi (asaṃvarastha) cũng như vậy; có nghĩa là chừng nào mà những người này chưa xả bỏ bất luật nghi thì vẫn thành tựu vô biểu nghiệp hiện tại. Họ cũng thành tựu vô biểu nghiệp quá khứ, tính từ sát-na thứ hai của giai đoạn bất luật nghi.
Đối với những người hoạch đắc luật nghi tĩnh lự (dhyānasaṃvara) thì khi chưa thối thất loại luật nghi này vẫn luôn luôn thành tựu loại vô biểu quá khứ, vô biểu vị lai; bởi vì loại vô biểu này - tức luật nghi sinh từ tĩnh lự - thuộc tâm tùy chuyển. Kể từ sát-na đầu tiên đắc được luật nghi tĩnh lự thì những người này cũng đắc được luật nghi tĩnh lự quá khứ mà họ đã bị thối thất ở đời này hoặc ở đời trước.
Thánh giả thành tựu vô biểu vô lậu, tức loại vô biểu tạo thành luật nghi vô lậu của họ, cũng giống như trường hợp thành tựu vô biểu sinh từ tĩnh lự của những người thành tựu luật nghi tĩnh lự; có nghĩa là thánh giả cũng thành tựu loại vô biểu quá khứ và vị lai. Chỉ có điểm khác nhau là ở sát-na thứ nhất của thánh đạo, vì lần đầu tiên loại vô biểu vô lậu cho nên rõ ràng là thánh giả không thể thành tựu một vô biểu nghiệp vô lậu quá khứ.
Những người nhập định (samāhita), những người đang đi trên thánh đạo (āryamārgaṃ samāpannaḥ), đều thành tựu vô biểu hiện tại của riêng họ; tức loại vô biểu sinh từ tĩnh lự hoặc vô biểu vô lậu. Nhưng khi xuất định (vyutthita) thì họ không còn thành tựu loại vô biểu hiện tại này bởi vì loại này chuyển biến theo tâm.
Trường hợp của những người đang ở trong tình trạng không phải luật nghi cũng không phải bất luật nghi được gọi tên là “ở giữa” (trụ trung, madhyastha); bởi vì họ không thành tựu các luật nghi như luật nghi Bí-sô, v.v., và cũng không thành tựu bất luật nghi giống như những người phạm tội.
[Trường hợp “ở giữa” nếu có vô biểu
Thì sát-na đầu thành tựu hiện tại; sát-na sau thành tựu cả hai.]
Luận: Trường hợp “ở giữa” vào sát-na đầu tiên có thể thành tựu loại vô biểu “trung bình” nếu như có vô biểu nghiệp sinh khởi.
Ở đây khi nói “trung bình” (madhya) là để chỉ cho hiện tại, tức nằm giữa quá khứ và vị lai.
Nghiệp (vijñapti) không nhất thiết phải sinh khởi vô biểu; và những người thuộc trường hợp “ở giữa” cũng không nhất thiết phải thành tựu vô biểu. Nếu có vô biểu thì loại vô biểu này có thể tạo ra bởi một nghiệp thuộc ác giới (dauḥśīlya) hoặc một nghiệp thuộc giới luật (śīlānga), hoặc là loại vô biểu do các thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp khác tạo ra như lễ bái bảo tháp (stūpa), đã thương người khác. Vào sát-na loại vô biểu này sinh khởi thì những người này thành tựu vô biểu này ở hiện tại. Sau đó họ có thể thành tựu cả hai loại vô biểu hiện tại và quá khứ nếu chưa xả bỏ.
(Hỏi) Người có luật nghi có thể thành tựu ác vô biểu không? Người không có luật nghi (bất luật nghi) có thể thành tựu thiện vô biểu không? Trong cả hai trường hợp, thời gian thành tựu kéo dài bao lâu?
Tụng đáp:
[Trụ luật nghi, bất luật nghi,
Khởi vô biểu nhiễm, tịnh;
Sát-na đầu thành tựu hiện tại, sau đó cả hiện tại và quá khứ,
Cho đến khi thế lực của nhiễm, tĩnh kiệt tận.]
Luận: Nếu đang ở vào giai đoạn của luật nghi (trụ luật nghi, saṃvarastha) nhưng vì phiền não quá mạnh (thắng phiền não, kleśavega) mà tạo tác ác nghiệp như giết, đánh, trói, v.v., thì vẫn phát sinh loại vô biểu bất thiện. Nếu đang ở giai đoạn của bất luật nghi nhưng vì có sức mạnh của lòng tin (praśādavega) mà tạo tác thiện nghiệp như lễ bái bảo tháp thì vẫn phát sinh loại vô biểu thiện. Chừng nào thế lực của phiền não cũng như sức mạnh của lòng tin còn tồn tại thì hai loại vô biểu nhiễm ô và thanh tịnh vẫn còn kéo dài.
Vào sát-na có các hành động trên đây thì người tạo tác thành tựu được vô biểu hiện tại; và sau đó là thành tựu vô biểu cả hiện tại và quá khứ.
[Có tạo tác biểu nghiệp thì thành tựu ở hiện tại;
Về sau thành tựu quá khứ chứ không phải vị lai.
Biểu nghiệp hữu phú và vô phú
Chỉ thành tựu hiện tại.]
Luận: Người nào có tạo tác một hành động thuộc thân và ngữ (vijñapti), thuộc về luật nghi, bất luật nghi hay “ở giữa” thì đều thành tựu loại biểu nghiệp này ở hiện tại; có nghĩa là trong suốt thời gian tạo tác hành động này. Từ sát-na thứ hai trở đi chỉ thành tựu biểu nghiệp quá khứ cho đến khi xả bỏ.
Không ai có thể thành tựu một biểu nghiệp vị lai bởi vì biểu nghiệp không chuyển biến theo tâm (cittānuparivartinī).
Cũng không thành tựu các biểu nghiệp quá khứ thuộc hai loại hữu phú và vô phú; tức là các hành động thuộc tánh vô ký hữu phú và vô ký vô phú.
Các loại hành động này không được thành tựu một khi đã trở thành quá khứ bởi vì sự hoạch đắc (prāpti) một pháp yếu liệt, có nghĩa là tự thân sự hoạch đắc này cũng yếu liệt, thì không thể tồn tại lâu (anubandhinī).
(Hỏi) Tại sao pháp này, tức hành động thuộc tính vô ký này, lại yếu liệt?
(Đáp) Bởi vì loại tâm sinh ra nó cũng yếu liệt.
(Hỏi) Như vậy tự thân sự hoạch đắc loại tâm này cũng không thể tồn tại lâu dài?
(Đáp) Không phải như vậy vì hai trường hợp khác nhau. Biểu nghiệp vốn trì độn (jaḍa) vì không liễu tri sự vật (anālambanatvāt); hơn nữa nó là pháp có tính chất phụ thuộc (y tha khởi, paratantra) vì phải dựa vào tâm; trong lúc tâm lại không giống như vậy. Vì thế loại biểu nghiệp được tâm vô ký sinh ra yếu liệt hơn tâm này; và sự hoạch đắc biểu nghiệp không thể kéo dài nhưng sự hoạch đắc loại tâm sinh ra biểu nghiệp thì vẫn có thể kéo dài.
Ở trên có nói đến bất luật nghi và những người ở vào giai đoạn của bất luật nghi; như vậy bất luật nghi (asaṃvara) là gì?
Tụng đáp:
[Là ác hành, ác giới, nghiệp,
Nghiệp đạo, bất luật nghi.]
Luận: Bất luật nghi, vì không thu thúc thân ngữ.
Ác hạnh (duścarita), vì bậc trí giả đều quở trách và vì chiêu cảm quả khổ.
Ác giới (dauḥśīlya), vì trái với (vipakṣa) giới luật.
Nghiệp, vì được tạo ra bởi thân ngữ.
Nghiệp đạo, vì thuộc về loại nghiệp gốc (căn bổn nghiệp nhiếp, maulasaṃgṛhītatvāt).
Những ai thành tựu biểu nghiệp cũng có thể thành tựu vô biểu nghiệp.
Có bốn trường hợp:
[Thành tựu biểu chứ không phải vô biểu
Là trường hợp “ở giữa” tạo tác với loại tư yếu liệt.
Thánh giả đã xả hoặc chưa sinh biểu
Chỉ thành tựu vô biểu chứ không phải biểu.]
Luận: Những người thuộc loại “phi luật nghi phi bất luật nghi” và tạo nghiệp (vijñapti) thiện hoặc ác với một loại tư (cetanā) yếu liệt thì chỉ thành tựu được loại nghiệp này mà không thành tựu vô biểu. Và càng không thể thành tựu vô biểu khi biểu nghiệp thuộc loại vô ký (avyākṛta).
Thánh giả, sau khi chuyển sinh (dịch sinh thánh), đã không tạo biểu nghiệp (chẳng hạn khi thánh giả còn ở trong bào thai hay đã tái sinh vào Vô sắc giới) hoặc đã xả bỏ biểu nghiệp (loai biểu nghiệp được tạo ra với loại tư vô ký) thì thánh giả chỉ thành tựu vô biểu (tức loại vô biểu vô lậu đắc được ở đời trước) chứ không thành tựu biểu nghiệp.
Hai trường hợp còn lại - thành tựu cả biểu, vô biểu, và không thành tựu biểu cũng như vô biểu - đều được lập thành dựa vào các nguyên tắc trên.
(Hỏi) Làm thế nào đắc được các luật nghi này?
Tụng đáp:
[Luật nghi do định sinh đắc được bởi tâm thuộc định địa;
Khi các tâm này thuộc thánh thì đắc được luật nghi vô lậu.
Biệt giải thoát luật nghi
Đắc được nhờ sự thông tin của người khác, v.v.]
Luận: Luật nghi tĩnh lự đắc được bởi loại tâm thuộc về một địa nào đó của tĩnh lự; đó là tâm thuộc tĩnh lự căn bổn (mauladhyāna) (tức bốn tầng thiền) thuộc tĩnh lự cận phần (sāmaṇtaka) (tức bốn loại định đi trước bốn tầng thiền) và tâm hữu lậu, tức là loại tâm không tạo thành một phần của thánh đạo; bởi vì loại luật nghi này cũng hiện hữu với tâm (sahabhūta).
Luật nghi vô lậu cũng đắc được nhờ các tâm trên nhưng khi chúng thuộc về “thánh”. Ở đây “thánh” (ārya) có nghĩa là vô lậu (anāsrava), tức là loại tâm tạo thành một phần của thánh đạo.
Ở phần sau sẽ giải thích thêm về loại tâm “thánh” này ở sáu địa của tĩnh lự, đó là bốn tĩnh lự căn bổn, trung gian tĩnh lự (dhyānāntara), và Vị chí định (anāgamya) (tức tĩnh lự cận phần đầu tiên).
Biệt giải thoát luật nghi đắc được do “tha giáo” (paravijñāpana), v.v.. “Tha giáo” là thông tin của người khác và thông tin bởi người khác. Giới tử giúp người khác biết được một điều gì đó và người khác lại giúp giới tử biết được một điều gì đó. Trong trường hợp này “người khác” có thể là tăng chúng (saṃgha) nếu thọ trì luật nghi của Bí-sô, Bí-sô-ni, Chánh học, nhưng cũng có thể là một người (pudgala) nếu thọ trì năm giới khác của biệt giải thoát.
Theo các luận sư về luật (tỳ-nại-da, vinaya) của bộ phái Tỳ-bà-sa thì có mười loại đắc giới (upasaṃpad); và vì muốn bao hàm tất cả mười loại này trong định nghĩa trên nên luận chủ đã nói: … “Nhờ sự thông tin của người khác, v.v..”
(1) Tự mình đắc giới (do tự nhiên) như trường hợp của phật và phật độc giác (Pratyekabuddha).
(2) Do nhập thánh đạo (chánh tánh ly sinh, niyāmāvakrānti) như trường hợp của năm Bí-sô, tức Ājñātakauṇdinya (A-nhã Kiều-trần-như) và các đồng đạo.
(3) Do lời phật bảo: “Hãy đến đây, Bí-sô!” như trường hợp của Ājñāta.
(4) Do nhận Thế Tôn làm thầy, như trường hợp của Mahākāśyapa (Đại Ca-diếp).
(5) Do trả lời đúng câu hỏi của Thế Tôn, như trường hợp của Sodāyin (Tô-đà-di).
(6) Do chấp nhận các điều lệ đặc biệt đối với người xuất gia, như trường hợp của Mahāprajāpatī (Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Đại sinh chủ).
(7) Do một sứ giả, như trường hợp của Dharmadinnā (ni cô Pháp thọ).
(8) Do trì luật (vinayadhara) là người thứ năm, tức đắc giới trước một tăng chúng gồm năm vị Bí-sô ở những vùng biên giới.
(9) Do mười vị Bí-sô, tức trong trường hợp ở các vùng nằm giữa một nước (madhyadeśa, trung quốc).
(10) Do lập lại ba lần lời phát nguyện quy y tam bảo, như trường hợp của sáu mươi hiền bộ (Bhadravargas) cùng chung thọ giới.
Như vậy theo các luận sư trên, luật nghi biệt giải thoát không nhất thiết phải nhờ có biểu nghiệp mới có thể đắc được, như trong trường hợp của đức phật, v.v., chẳng hạn.
(Hỏi) Khi nào có thể thọ trì (samādāna) luật nghi biệt giải thoát, và phải thọ trì trong bao lâu?
Tụng đáp:
[Luật nghi biệt giải thoát
Được thọ trì suốt đời hoặc chỉ một ngày đêm.]
Luận: Bảy nhóm đầu tiên trong số các luật nghi thuộc biệt giải thoát được thọ trì trọn đời; luật nghi thuộc về Cận trú (upvāsastha) chỉ được thọ trì chỉ trong một ngày đêm. Điều này đã thành luật.
Tại sao như vậy? - Bởi vì chỉ có hai thời khoảng (thời biên tế, kālāvadhi) là thời khoảng dài bằng cả mạng sống (thọ biên tế) và thời khoảng một ngày một đêm (trú dạ biên tế). Các thời khoảng mười lăm ngày (bán nguyệt) và các thời khoảng khác đều được bao hàm trong thời khoảng một ngày một đêm này.
(Hỏi) Pháp có tên là “thời” (kāla) là pháp gì?
(Đáp) Đây không phải là một thực pháp (padārtha) thường hằng, như có người đã từng tin tưởng như thế. Chữ “thời” chỉ là một cách nói mà qua đó người ta muốn chỉ cho các hành pháp (saṃskāras) ở quá khứ, vị lai và hiện tại.
Ngày là khi trời sáng ở bốn đại châu; và đêm là khi trời tối.
(Kinh bộ) Chúng tôi thừa nhận luật nghi biệt giải thoát có thể chỉ được sinh khởi trong suốt cả một đời sống. Thật vậy, ngay cả khi chúng ta phát nguyện giữ giới trong đời sống kế tiếp thì chúng ta cũng không phát khởi được loại giới này cho đời sống đó; bởi vì (1) thân sở y (āśraya) lúc đó sẽ khác (nikāyasabhāga), (2) thân sở y mới sẽ không có tính chất thích dụng đối với các luật nghi đã thọ trì, (3) thân sở y mới cũng sẽ không nhớ được sự phát nguyện thọ giới.
Tuy nhiên, nếu một người thọ trì các giới của Cận trú trong hơn một ngày một đêm, trong năm ngày, trong mười ngày, v.v., thì có chướng ngại nào đối với việc phát khởi nhiều giới Cận trú ở người này không?
(Hữu bộ) Chắc chắn phải có chướng ngại nào đó bởi vì Thế Tôn có nói trong kinh rằng Cận trú giới chỉ được thọ trì trong một ngày một đêm.
(Kinh bộ) Như vậy vấn đề nảy sinh ở đây là tại sao Thế Tôn lại tuyên thuyết như vậy. Có phải ngài đã nghĩ rằng luật nghi Cận trú không thể phát khởi trong một thời khoảng lâu dài hơn? Hay là ngài nghĩ rằng căn cơ chúng sinh rất khó điều phục, vì thế chỉ nên thọ Cận trú giới trong một ngày một đêm thì việc giữ giới có thể dễ dàng hơn? Bởi vì thật ra chẳng có gì trái ngược nếu phát khởi được luật nghi Cận trú trong một khoảng thời gian dài hơn một ngày.
Tuy nhiên, Tỳ-bà-sa cho rằng không thể thừa nhận cách giải thích trên bởi vì Thế Tôn không nói đến việc thọ luật nghi Cận trú trong một thời khoảng dài hơn.
(Hỏi) Đắc bất luật nghi kéo dài trong bao lâu?
Tụng đáp:
[Ác giới không chỉ một ngày một đêm,
Tức không giống như thọ thiện giới.]
Luận: Bất luật nghi không bao giờ kéo dài chỉ trong một ngày một đêm như loại luật nghi Cận trú bởi vì bất luật nghi được phát sinh do sự tạo tác ác nghiệp trong suốt cả một đời (pādadharmābhyupagama).
(Hỏi) Tại sao lại như vậy?
(Đáp) Người ta không đắc bất luật nghi như trong trường hợp đắc luật nghi Cận trú bằng cách nói rằng “tôi nguyện ở trong bất luật nghi một ngày một đêm”; bởi vì điều này rất đáng chê trách.
(Vấn nạn) Cũng không có ai đắc bất luật nghi bằng cách nói rằng “tôi nguyện suốt đời ở trong bất luật nghi”; vì thế sẽ không có trường hợp đắc bất luật nghi trong suốt cả đời.
(Giải thích) Đúng là không có ai đắc bất luật nghi theo kiểu này; người ta không đắc bất luật nghi nhờ vào một lễ nghi mà là qua những hành động với ý định luôn luôn làm điều ác; và cũng không đắc bất luật nghi bằng những ý định chỉ làm điều ác trong một khoảng thời gian nào đó (kālāntaravipanna). Trong trường hợp của luật nghi Cận trú, loại ý định này không có tính chất “luôn luôn” mà cần phải hoạch đắc nhờ vào lực của các nghiệp như “tôi nguyện an trú một ngày một đêm trong Cận trú giới”; và người ta đã tạo các nghiệp này chỉ vì mong muốn đắc được luật nghi này. Nếu có người nào đó mong muốn đắc bất luật nghi thì chắc chắn họ cũng có thể thọ trì bất luật nghi trong một khoảng thời gian nào đó và sẽ đắc được bất luật nghi trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên trường hợp này không xảy ra vì thế chúng tôi không xem bất luật nghi là loại được thọ trì “trong một thời khoảng nhất định nào đó” (yếu kỳ).
Các luận sư Kinh bộ nói rằng bất luật nghi không thật sự hiện hữu (dravyatas) bên ngoài tư (cetanāvyatirikta). Bất luật nghi chính là ý muốn tạo ác (pāpakriyābhisaṃdhi); có nghĩa là một loại tư nào đó (cetanāviśeṣa) với những dấu vết (anubandha, vāsanā) mà loại tư này đã để lại. Và chừng nào loại tư này cùng với những dấu vết của nó chưa được một loại tư khác đối nghịch đoạn trừ thì con người, cho dù có được thiện tâm đi nữa, vẫn còn đầy dẫy bất luật nghi (asaṃvaravān), vẫn là người không có luật nghi.
(Hỏi) Làm thế nào để thọ trì luật nghi một ngày một đêm, tức luật nghi Cận trú?
Tụng đáp:
[Cận trú được thọ vào sáng sớm;
Ngồi ở phía dưới; thọ giới theo thầy;
Nghe lời dạy mà có đủ tám chi;
Xả bỏ trang sức; trong một ngày một đêm.]
Luận: Luật nghi Cận trú được thọ trì
(1) Trong một tư thế khiêm tốn, hoặc ngồi xổm (utkuṭuka) hoặc quỳ gối; hai bàn tay nắm lại theo kiểu bồ câu (kapotaka) (bằng cách đặt bốn ngón tay của bàn tay này vào giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay kia), hoặc chắp hai bàn tay lại với nhau (hiệp chưởng, añajali); ngoại trừ trường hợp bị bệnh. Nếu không cung kính, không thể phát khởi luật nghi.
(2) Giới tử không được nói trước thầy truyền giới (datar), cũng không được nói cùng lúc. Vì thế mới gọi là đắc giới từ người khác (tòng sư giáo thọ); nếu không, sự thọ giới cũng như sự truyền giới sẽ bất thành.
(3) Giới tử không mang đồ trang sức; nhưng có thể giữ lại các thứ trang sức thường ngày bởi vì các thứ này không sinh tâm kiêu mạn.
(4) Sự thọ giới kéo cho đến sáng hôm sau, đến khi mặt trời mọc.
(5) Giới tử phải thọ trì đủ tám chi và không được thiếu chi nào cả thì luật nghi Cận trú mới hoàn mãn.
(6) Giới tử bắt đầu thọ vào sáng sớm khi mặt trời mọc bởi vì đây là loại luật nghi thuộc về “một ngày một đêm” (Vibhāṣā, 124, 7).
Những người nào trước đó đã phát nguyện: “tôi sẽ luôn luôn trì Cận trú giới vào ngày thứ tám của nửa tháng, v.v.”, thì họ sẽ thọ được loại luật nghi này ngay cả sau khi ăn xong.
(7) Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ.
Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.).
Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời (Vibhāṣā, 124, 11).
Mục đích của luật nghi này là cung cấp (dhā) sự tăng trưởng (poṣa) cho các thiện căn (kuśalamūla) của những người chỉ có thiện căn mỏng manh. Và vì nó giúp tăng trưởng thiện căn cho nên Thế Tôn đã nói: “Luật nghi này được gọi là trưởng dưỡng (poṣadha).”
(Hỏi) Tại sao luật nghi Cận trú phải được thọ trì đủ cả tám chi?
Tụng đáp:
[Các chi giới, bất phóng dật, cấm ước
Theo thứ tự trên gồm bốn, một, ba chi;
Để phòng các tánh tội,
Thất niệm và kiêu dật.]
Luận: Bốn chi - bao gồm sự lìa bỏ giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối - tạo thành một chi thuộc thiện giới (giới chi, śīlānga); bởi vì nhờ có chi này mà loại tội lỗi “tự nhiên” (tánh tội, prakṛtisāvadya) mới được đoạn trừ.
Sự lìa bỏ các chất uống làm say tạo thành một chi của sự “chuyên chú” (bất phóng dật) bởi vì nhờ có chi này mà ngăn chận được sự “phóng túng” (phóng dật, pramāda). Một người dù đã đắc giới (giới chi) nhưng nếu uống rượu thì vẫn mắc phải tình trạng “không chuyên chú” (pramatta).
Ba chi khác - bao gồm sự lìa bỏ giường cao, nghe nhạc, v.v., và ăn không đúng lúc - tạo thành một chi thuộc về sự câu thúc (cấm ước chi) bởi vì các chi này thuận lợi và phù hợp cho sự chán bỏ (yếm ly, saṃvega).
(Hỏi) Tại sao cần phải thọ các chi thuộc về sự “chuyên chú” và “câu thúc”?
(Đáp) Để tránh bị mất trí nhớ (thất niệm) và tránh sự kiêu ngạo khi uống rượu say thì không còn nhớ cần phải làm gì và không được làm gì. Khi dùng giường rộng và cao, khi ngồi xem múa hát, thì tâm sẽ sinh kiêu mạn. Trong trường hợp nào đi nữa cũng rất khó tránh được sự phạm giới.
Khi giữ được giới ăn đúng lúc, khi lìa bỏ được sự ăn không đúng lúc, thì vẫn còn sự ghi nhớ về luật nghi Cận trú và tâm chán bỏ (saṃvega) mới có thể sinh khởi. Nếu không có chi thứ tám thì sẽ không còn sự ghi nhớ về sự chán bỏ.
Có luận sư cho rằng luật nghi Cận trú lấy sự trai giới (upavāsa) làm chính, tức sự lìa bỏ ăn không đúng lúc; những sự lìa bỏ khác chỉ là các bộ phận (trai chi, upavāsānga) của sự trai giới này. Sự từ bỏ các thứ ăn uống không phải là một chi; vì thế để có được con số tám chi người ta phải phân chi thứ bảy làm thành hai chi là (1) không xem nghe múa, hát, nhạc và (2) không dùng hương thơm, vòng hoa, son phấn.
(Kinh bộ) Giải thích này không phù hợp với kinh bởi vì kinh có nói rằng ngay sau sự lìa bỏ ăn không đúng lúc thì người thọ giới phải nói: “Với điều thứ tám này, tôi phải làm theo giới luật, tôi phải làm theo giới luật của A-la-hán” (Anguttara, iv. 248).
(Hỏi) Nếu vậy trai giới sẽ là gì để có thể nói rằng nó khác biệt với tám sự lìa bỏ kia và tám sự lìa bỏ kia chỉ là các bộ phận của nó?
(Kinh bộ) Chính từ sự tập hợp chung của các chi mà người ta có thể nói rằng trai giới có các chi này; và người ta đã gom tất cả các chi vào chính sự tập chung này. Cách nói “tám chi trai giới” (trai giới bát chi) cũng giống như khi nói “bộ phận xe” (xa chúng phần), “quân bốn nhánh” (tứ chi quân, caturangabala), “thuốc hòa năm thứ” (ngũ chi tán, pañcāngapiṣṭa).
Theo Tỳ-bà-sa, việc từ bỏ sự ăn uống không đúng lúc vừa là trai giới vừa là một chi của trai giới. Cũng giống như chánh kiến (samyagdṛṣṭi) vừa là thánh đạo vừa là một chi của thánh đạo (mārgānga); trạch pháp giác chi (dharmapravicaya) vừa là giác (bodhi) vừa là một chi của giác; cũng giống như định (tam-ma-địa, samādhi) vừa là tĩnh lự (dhyāna) vừa là một chi của tĩnh lự.
(Kinh bộ) Nhưng chánh kiến, trạch pháp giác chi hoặc định không thể làm chi cho chính mình. Nếu cho rằng chánh kiến, v.v., sinh khởi trước đó vẫn có thể làm chi cho chánh kiến, v.v., sinh khởi sau đó thì cũng phải thừa nhận rằng sát-na đầu tiên của thánh đạo không có tám chi; và sát-na cuối cùng của các giác chi không phải là chi.
(Hỏi) Có phải việc thọ đắc luật nghi Cận trú chỉ dành cho Cận sự?
Tụng đáp:
[Những người khác cũng thọ đắc Cận trú;
Nhưng nếu không thọ tam quy thì không thể.]
Luận: Khi một người không phải là Cận sự nhưng trước khi thọ Cận trú giới lại thọ tam quy trong một ngày một đêm thì lúc đó luật nghi Cận trú vẫn phát khởi ở người này. Không thể thọ đắc loại luật nghi này nếu không quy y; trừ trường hợp không biết.
(Hỏi) Kinh Đại danh (Mahānāmasūtra; Saṃyukta, 33, 11) nói: “Này Đại danh, hàng tại gia áo trắng, thuộc nam giới và đầy đủ năm căn, sau khi quy y phật, pháp, tăng nếu nói rằng ‘hãy xem tôi là Cận sự (Ổ-ba-sách-ca, Upāsaka)’ thì sẽ trở thành Cận sự”. Như vậy có phải chỉ cần quy y tam bảo là có thể trở thành Cận sự?
(Đáp) Các luận sư ngoại quốc (aparātakas) nói rằng có thể được. (Vibhāṣā, 124, 1); nhưng các luận sư ở Kaśmīr (Ca-thấp-di-la) lại khẳng định không thể trở thành Cận sự nếu không thọ đắc luật nghi Cận sự.
(Hỏi) Nếu vậy không trái với kinh sao?
(Đáp) Không trái; bởi vì:
[Xưng Cận sự tức phát khởi giới;
Nhưng phải giảng giải thêm như trường hợp của Bí-sô.]
Luận: Luật nghi Cận sự có thể phát khởi ở một người thọ nhận các phẩm tánh của một Cận sự khi người này nói: “Kể từ hôm này cho đến suốt đời, hãy xem tôi là một Cận sự “xả sinh” (prāṇāpeta)”.
(Hỏi) “Xả sinh” có nghĩa là gì?
(Đáp) Đó là hình thức giản lược của nhóm từ “xả sát sinh” (prāṇātipātāpeta), được nói ra sau khi đã từ bỏ sự giết hại.
Như vậy bằng cách chấp nhận các phẩm tánh của Cận sự, một người có thể đắc được luật nghi ngày [bởi vì người này đã tự chứng tỏ là xả ly sự giết hại]. Tuy nhiên để giúp người này hiểu được các giới khác (śikṣāpada) người ta cần phải có sự giảng giải thêm giống như trường hợp đối với một Bí-sô.
Nhờ hành động của những người truyền giới mà một Bí-sô đắc được luật nghi Bí-sô; tuy nhiên người ta vẫn phải giúp đỡ vị này nắm được các giới luật quan trọng nhất: “Giới tử phải lìa bỏ điều này, phải lìa bỏ điều kia. Những người đồng đạo sẽ nói cho giới tử biết các giới luật còn lại”. [Vyākhyā: yathaiva hi bhikṣur labdhasaṃvaro ‘Pāṇini jñāpticaturthena karmanā śikṣāpadāni yathāsthūlaṃ grāhyate prajñāpyate / itaś cāmutaś ca pārājikādibhyas tava saṃvaraḥ / anyāni ca te sabrahmacāriṇaḥ kathayiṣyantīti]
Đối với Cần sách cũng như vậy. Và đối với trường hợp của Cận sự cũng như thế: Người thọ luật nghi Cận sự phải thọ một lần, hai lần, ba lần tam quy; sau đó người ta phải giúp người này thọ trì (grāhyate) các giới luật: “Khi đoạn trừ sự giết hại, tôi lìa bỏ sự giết hại”. Vì thế không thể trở thành Cận sự mà không thành tựu luật nghi Cận sự.
[Nếu phải đủ luật nghi,
Làm sao Cận sự có thể là “nhất phần”, v.v..
Nói vậy là dựa vào trì giới.]
Luận: Nếu tất cả Cận sự phải có đủ luật nghi Cận sự thì làm thế nào Thế Tôn có thể mô tả bốn loại Cận sự: Cận sự một giới (năng học nhất phần, ekadeśakārin), Cận sự hai giới (năng học thiểu phần giới, pradeśakārin), Cận sự ba hoặc bốn giới (năng học đa phần giới, yadbhūyaskārin), Cận sự năm giới (năng học mãn phần giới, paripūṇakārin)?
Nói như vậy là căn cứ vào sự trì giới. Thật vậy, khi Cận sự thọ trì (rakṣati) một trong các giới [mà người này đã thọ nhận tất cả] thì được nói là có khả năng hành trì (kar) giới này. [Vì thế không nên hiểu rằng Cận sự một giới là Cận sự chỉ thọ trì độc nhất một giới]. Và tất cả những người thuộc hàng Cận sự đều ở trong luật nghi như nhau.
(Kinh bộ) Chủ trương trên trái ngược với kinh (utsūtra). Các ông nói rằng người ta đắc được luật nghi chỉ cần dựa vào việc thọ nhận các phẩm tánh của Cận sự “xả sinh”, như: “hãy xem đệ tử… là Cận sự xả ly.” Tuy nhiên, những gì trích dẫn trên đây không có trong kinh văn. Bản kinh chúng tôi muốn nói đến là kinh Đại danh (Mahānāmasūtra) có đưa ra một định nghĩa về Cận sự và ngoài ra không còn một kinh nào khác. Nhưng kinh Đại danh lại không có thêm nhóm từ “xả sinh” (prāṇāpeta).
Nếu như các ông nói rằng các ông đã căn cứ vào một bộ kinh khác, trong đó có ghi: “Kể từ hôm nay cho đến trọn đời [hãy xem đệ tử là một Cận sự] liều bỏ mạng sống của mình (prāṇopeta), sau khi đã quy y tam bảo, và tin tưởng hoàn toàn (abhiprasanna)”; thì đoạn kinh văn này chỉ nhằm chỉ cho những người nhìn thấy được tứ đế, đã đắc được chánh tín, và vì thế mà đã quyết chí đi theo chánh pháp cho dù hy sinh cả mạng sống: “Chúng tôi không thể buông bỏ chánh pháp, ngay cả khi cần cứu lấy mạng mình.” Như vậy đoạn kinh trên không hề đưa ra một định nghĩa về luật nghi Cận sự.
Hơn nữa, nhóm từ “xả sinh” mà các ông đã dựa vào đó để đưa ra những giải thích trên không được nơi nào nói đến, không có trong kinh Đại danh mà cũng không có trong kinh Kiến đế (Dṛṣṭasatyasūtra). Ai có thể thừa nhận những thành ngữ mà ý nghĩa lại thiếu chính xác như vậy? Và nếu chỉ dựa vào sự tin tưởng ý nghĩa của nhóm từ trên đây thì ai có thể thừa nhận rằng Cận sự đã đắc được năm giới trước khi có hành động thọ giới?
Nếu nhóm từ “xả sinh” là để chi cho trường hợp của người phạm giới thì câu hỏi được nêu ra trong bản kinh trên còn không hợp lý huống hồ là câu trả lời. Bởi vì có người nào đã hiểu rất rõ về luật nghi Cận sự và đã biết rằng loại luật nghi này có tất cả năm chi nhưng lại không thể giải thích được việc: “Người nào không phạm một giới thì trì được một giới” và các giới còn lại.
Trái lại chỉ có những người không hiểu được số lượng nhiều hay ít của luật nghi Cận sự và chỉ thấy được những người chỉ có thể hành trì một, hai, ba hoặc tất cả các giới (tanmātraśikṣamān prati) thì mới đưa ra câu hỏi: “phải làm thế nào để trở thành Cận sự thọ trì một giới?... Phải là thế nào để trở thành Cận sự thọ trì tất cả các giới?”
(Tỳ-bà-sa) Nếu trở thành Cận sự mà không cần phải thành tựu luật nghi Cận sự thì người ta vẫn có thể trở thành Bí-sô hoặc Cần sách mà không cần phải thọ đủ luật nghi.
(kinh bộ) Bằng cách nào chúng tôi biết được số lượng nhiều hay ít của các luật nghi Cận sự, Cần sách và Bí-sô? Chắc chắn là nhờ sự thuyết giáo của bậc Đại sư. Và ngài đã nói về Cận sự không thành tựu tất cả luật nghi; nhưng ngài không nói về trường hợp Bí-sô hay Cần sách chỉ thành tựu một số luật nghi.
Tuy nhiên các luận sư Tỳ-bà-sa ở Kaśmīr không chấp nhận ý kiến trên.
(Hỏi) Tất cả luật nghi của Cận sự, v.v., được chia thành ba cấp độ khác nhau như thế nào?
Tụng đáp:
[Yếu, trung bình, hoặc mạnh là dựa vào tâm.]
Luận: Sự phân chia thành các phẩm hạ, trung, thượng của tám loại luật nghi tùy thuộc vào năng lực yếu ớt, trung bình hay mạnh mẽ của tâm thọ giới (samādāna). Và nếu như vậy thì luật nghi biệt giải thoát của một A-la-hán có thể thuộc về hạ phẩm và luật nghi biệt giải thoát của một dị sinh có thể thuộc về thượng phẩm.
(Hỏi) Nếu chỉ thọ luật nghi mà không thọ quy y thì có thành Cận sự không?
(Đáp) Không thành; ngoại trừ trường hợp người truyền giới và người thọ giới đều không biết.
(Hỏi) Quy y phật pháp tăng là quy y gì?
Tụng đáp:
[Quy y các pháp thành phật, thành tăng
Như pháp vô học, pháp “hai loại”,
Và quy y Niết-bàn trạch diệt.
Như thế là đủ tam quy.]
Luận: Quy y phật là quy y các pháp của A-la-hán vốn có khả năng thành phật (buddhakāraka), là các pháp làm nhân của danh xưng “phật, tức nhờ có các pháp làm nguyên nhân chính mà một người nào đó được gọi là phật; hoặc là các pháp mà khi đắc được thì một người nào đó có thể hiểu biết được tất cả mọi sự và vì thế được gọi là phật. Các pháp này là tận trí (kṣayajñāna), vô sinh trí (anutpādajñāna) và chánh kiến (samyagdṛṣṭi) cùng với các pháp đi kèm theo các trí này (tùy hành, parivāra), tức năm uẩn vô lậu.
Về sắc thân (rūpakāya) của phật thì vì thân này không chịu sự chuyển đổi bởi sự đắc được các phẩm tính của phật cho nên không quy y sắc thân của phật, vốn là sắc thân của Bồ-tát.
(Hỏi) Như vậy phải quy y tất cả các vị phật hay chỉ quy y một vị phật?
(Đáp) Đúng ra phải nói là “quy y nhất thiết chư phật” bởi vì tất cả chư phật đều đi trên cùng một con đường, đó là con đường tự nhiên (thế gian, laukika) và con đường siêu tự nhiên (xuất thế gian, lokottara).
Quy y tăng (saṃgha) là quy y các pháp hữu học (śaikṣa) và vô học (aśaikṣa) có khả năng thành tăng, tức các pháp mà khi đắc được thì tám hạng thánh giả (āryapudgala) trở thành một sự “hòa hợp” (saṃghībhavanti), trở thành một khối “thống nhất” (samagrarūpa) không thể phân ly (abhedyatvāt) về mặt thánh đạo.
(Hỏi) Phải quy y tất cả chúng tăng hay chỉ quy y một chúng tăng?
(Đáp) Lẽ ra phải nói là “quy y tất cả chúng tăng” bởi vì con đường của thánh chúng thì luôn luôn như nhau. Hiển nhiên là phật có nói với hai khách thương: “các ông cũng phải quy y chúng tăng ở đời vị lai” (Vibhāṣā, 34, 12); tuy nhiên, Thế Tôn nói như vậy chỉ để tán dương các phẩm tánh của tăng bảo mà chẳng bao lâu nữa các khách thương này sẽ nhìn thấy.
Quy y pháp là quy y Niết-bàn, tức là pháp trạch diệt (pratisaṃkhyānirodha) và phải quy y toàn bộ Niết-bàn bởi vì Niết-bàn đều có chung một tính chất là chấm dứt phiền não và khổ đau của chính mình và các chúng sinh khác (śāntyekalakṣaṇatvāt).
(Hỏi) Nếu phật không là gì khác hơn các pháp vô học thì tại sao việc có ác ý làm cho thân phật chảy máu lại thành tội vô gián (ānantarya)?
(Đáp) Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 34, 9) nói rằng khi làm chảy máu các đại chủng (rūpa) làm sở y cho các pháp này (āśrayavipādanāt) thì chính các pháp này cũng bị tổn thương.
(Hỏi) Tuy nhiên, luận tạng (Sāstra) (Vibhāṣā, 34, 8) không nói phật “chỉ” là các pháp vô học. Luận chỉ nói rằng phật là các pháp có khả năng làm thành phật, có nghĩa là các pháp tự nhiên hoặc siêu tự nhiên (laukika, lokottara), làm đối tượng của danh xưng “phật” và chính là phật. Như vậy luận không phủ nhận sở y - vốn được tạo thành bởi năm uẩn tự nhiên - tạo thành một phần trong các phẩm tánh của phật (buddhatvāpratiṣedha). Vì thế không cần phải đặt ra vấn nạn trên đây về việc làm thân phật chảy máu.
Nếu không phải như vậy, nếu phật chỉ là các pháp vô học, nếu tăng (tức là hàng thánh giả, hữu học và A-la-hán) chỉ là các pháp hữu học và vô học thì một khi đang ở vào tâm thế tục (trụ thế tục tâm, laukikacittastha) sẽ không còn là phật, cũng không còn là tăng. Và nếu các nguyên tắc này thì Bí-sô cũng chỉ là giới hạnh, chỉ là luật nghi Bí-sô.
(Tỳ-bà-sa) Nhưng nếu thân sở y cũng nằm trong số các pháp thành phật thì tại sao luận lại nói: “Người nào quy y phật tức là quy y các pháp vô học làm thành phật”.
(kinh bộ) Nếu vậy cũng có thể nói rằng người nào tôn kính Bí-sô thì điều mà người đó tôn kính chỉ là giới hạnh làm thành Bí-sô.
Có ý kiến cho rằng quy y phật là quy y mười tám pháp bất cọng (āveṇikadharmas) của phật.
(Hỏi) Thể tánh của quy y là gì?
(Đáp) Là ngữ biểu. (Vibhāṣā, 34, 10)
(Hỏi) Như vậy ý nghĩa của quy y (nơi tránh nạn, śaraṇa) là gì?
(Đáp) Ba “nơi tránh nạn” này được gọi tên như vậy là vì khi ẩn núp ở đó thì người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ đau.
Thế Tôn đã từng nói (Dhammapada, 188-192; Udānavarga, xxvii. 28-30; Divyāvadāna, tr. 164; Vibhāṣā, 34, 8): “Khi bị sợ hãi bức bách, con người thường trốn vào núi, rừng, bụi rậm, cây thiêng (chế đa thọ, caityavṛkṣa = caityakalpitavṛkṣa). Đó không phải là nơi ẩn náu tốt lành, là nơi ẩn náu cao cả; không phải ẩn náu ở đó là thoát được mọi nỗi khổ. Những người tìm nơi ẩn náu ở phật, ở pháp, ở tăng khi quán sát được bằng trí tuệ bốn sự thật là khổ, nguồn gốc của khổ, sự vượt qua khổ, tám chi thánh đạo dẫn đến Niết-bàn an ổn; đây là nơi ẩn náu tốt nhất, là nơi ẩn náu cao cả nhất; bởi vì nếu ẩn náu ở đó sẽ thoát khỏi tất cả khổ đau”. Vì thế quy y là cánh cửa của sự thọ trì tất cả các luật nghi.
(Hỏi) Tại sao các luật nghi khác đều có phần lìa bỏ dâm dục (phi phạm hạnh, abrahmacaryavirati) nhưng luật nghi Cận sự thì chỉ lìa bỏ tà dâm (dục tà hạnh, kāmamithyācāra)?
Tụng đáp:
[Tà hạnh đáng trách nhất
Dễ xả ly, thánh giả đã đoạn trừ.]
Luận: Tà hạnh là điều đáng quở trách nhất ở thế gian bởi vì nó xâm hủy thê thiếp của người khác và chiêu cảm quả báo ác thú (apāyikatvāt). Hàng tại gia dễ xả bỏ tà dâm nhưng lại rất khỏ xả ly dâm dục; họ không thể từ bỏ thế gian bởi vì không có đủ khả năng làm được những điều khó khăn này.
Đối với tà hạnh thì thánh giả đều đắc được loại luật nghi bất tác (akaraṇasaṃvara), có nghĩa là họ đã đắc được sự xa lìa vĩnh viễn tà hạnh. Thật vậy, trong đời sống kế tiếp họ sẽ không thể nào phạm phải giới này; tuy nhiên đối với việc xả ly phi phạm hạnh thì lại khác. Vì thế luật nghi Cận sự chỉ bao gồm sự xả ly tà dâm; và không nên cho rằng thánh giả trong một đời sống về sau (kinh Sinh thánh giả) có thể phạm phải giới luật của Cận sự: Điều này chỉ có thể xảy ra nếu như luật nghi Cận sự bao gồm cả sự xả ly phi phạm hạnh. Khi nói “luật nghi bất tác” (akaraṇasaṃvara) tức phải hiểu rằng đó là sự từ bỏ dứt khoát một hành động (akriyāni = akriyāyām ekāntatā).
(Hỏi) Nếu lấy vợ sau khi đã thọ luật nghi Cận sự thì người này, vào lúc thọ giới trước đó, có đắc được sự xả ly đối với người vợ mới cưới này không?
(Đáp) Theo Tỳ-bà-sa thì vẫn đắc được; bởi vì nếu không phải như vậy thì người này đã chỉ đắc được một phần luật nghi (prādeśika).
(Hỏi) Nhưng dến khi lấy vợ thì người này đã phạm giới?
(Đáp) Không phải như vậy.
得律儀如誓  非總於相續.
[Có phát nguyện thọ giới nên đắc được luật nghi;
Không phải vì người khác mà phát nguyện.]
Luận: Bởi vì người này đã thọ luật nghi nên mới đắc được luật nghi. Họ đã thọ luật nghi khi phát nguyện: “Đệ tử lìa bỏ tà dâm”, có nghĩa là: “đệ tử lìa bỏ tất cả tà dâm đối với tất cả các phụ nữ được phòng hộ (agamya)”; chứ không phải phát nguyện: “Đệ tử sẽ không phạm phi phạm hạnh đối với một người như thế”. Kết quả là họ không phạm luật nghi khi lấy vợ bởi vì họ đã lìa bỏ tà dâm chứ không phải lìa bỏ dâm dục (phi phạm hạnh).
(Hỏi) Trong các tội về ngữ, tại sao sự lìa bỏ (tyāya) nói dối lại trở thành một giới luật (śikṣānga) của Cận sự trong khi các tội khác về ngữ lại không được đưa vào?
(Đáp) Cũng vì những lý do như đã nói ở trên. Sự nói dối là việc đáng quở trách nhất trên đời; hàng tại gia dễ dàng lìa bỏ còn thánh giả thì không thể nói dối; ngoài ra còn có lý do thứ tư:
[Vì sẽ nói dối
Sau khi phạm giới.]
Luận: [Nếu không ngăn chận sự nói dối] thì sau khi phạm phải bất kỳ một giới nào đó và bị chất vấn, người phạm giới sẽ nói dối: “tôi đã không làm điều đó”. Vì thế Cận sự phải từ bỏ sự nói dối mà nghĩ rằng “nếu phạm giới thì tôi sẽ nói là đã phạm giới”.
(Hỏi) Tại sao sự từ bỏ các tội thuộc về loại “không vâng lời” (già tội, pratikṣepaṇasāvadya) lại không được đưa vào luật nghi Cận sự?
(Đáp) Câu hỏi không hợp lý bởi vì sự từ bỏ uống rượu là một sự xả ly loại tội không vâng lời.
(Hỏi) Tại sao Cận sự chỉ lìa bỏ uống rượu mà không phải các tội không vâng lời khác?
Tụng đáp:
[Trong các tội không vâng lời, chỉ xả ly uống rượu
Vì để giữ gìn các giới khác.]
Luận: Những người uống rượu say sẽ không thể gìn giữ các giới luật khác.
Các luận sư A-tỳ-đàm cho rằng các chất uống làm say không có tính chất của loại tội “tự nhiên” (tánh tội, prakṛtisāvadya). Tánh tội chỉ bị phạm bởi người có tâm nhiễm ô (kliṣṭa); trong khi vì để chữa bệnh, người ta có thể uống rượu với một lượng không thể làm say. Tâm sẽ bị nhiễm ô nếu người uống biết rằng lượng rượu uống vào sẽ làm say; nhưng tâm sẽ không nhiễm ô nếu biết rằng lượng rượu uống vào không thể làm say (amadanīyamātraṃ viditvā).
Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của các luận sư trì luật (Vinayadharas). Theo họ, các chất uống làm say đều thuộc tánh tội.
Tôn giả Upāli (Ổ-ba-ly) hỏi: “Phải nên chăm sóc người bệnh như thế nào?”. Thế Tôn trả lời: “Này Upāli, chỉ trừ những gì thuộc về tánh tội (prakṛtisāvadyam Upāle sthāpāyitvā).” Ngoài ra Thế Tôn cũng không cho phép những người thuộc dòng họ Thích-ca (Śākyas) dùng rượu (madyapāna) khi đau ốm: “Những ai đã nhận ta làm thầy thì không được uống rượu, cho dù chỉ là một lượng nhỏ như đầu ngọn cỏ.” (Madhyamāgama, 38, 9). Thế Tôn chỉ ngăn cấm tánh tội trong trường hợp đau ốm (Upālisūtra) đồng thời lại không cho phép uống rượu cho nên biết rõ rằng uống rượu thuộc về tánh tội.
Thánh giả, ở trong đời sống kế tiếp, không uống rượu và cũng không còn phạm các tánh tội khác như giết hại, v.v.. [Nếu có người đổ sữa có trộn rượu vào miệng họ thì chỉ có sữa chảy vào mà không rượu. (Sumangalavilāsinī, tr. 305)].
Khế kinh (Nandikasūtra, v.v) còn xếp rượu vào số các ác hạnh của thân (kāyaduścarita).
Các luận sư Đối pháp (Ābhidārmikas) giải thích:
(1) Nói chung thì các tội thuộc loại “không vâng lời” đã được cho phép trong trường hợp bị bệnh như câu trả lời cho U-ba-ly trên đây đã chứng minh. Tuy nhiên trường hợp uống rượu thì có ngoại lệ: Cho dù chỉ thuộc loại tội không vâng lời nhưng vẫn bị cấm đối với người bệnh và làm như vậy là để ngăn ngừa những hậu quả không may do rượu gây ra (prasangaparihārārtham) bởi vì không thể xác định rõ lượng rượu như thế nào mới có thể làm say.
(2) Nếu thánh giả đã đắc được luật nghi bất tác đối với rượu thì không phải vì việc uống rượu thuộc về tánh tội mà chỉ vì thánh giả có đầy đủ lực tàm quý; [nếu họ không uống lén (Vyākhyā: Yadi hrīmattvāt tadanadhyācaraṇam ajñātam udakādivat kasmān na pibanti)] thì đó chỉ vì rượu làm cho họ bị mất chánh niệm (smṛtināśa); nếu họ không uống cho dù chỉ một giọt thì đó là vì lượng rượu làm say không xác định được, cũng giống như thuốc độc.
(3) Khế kinh đã xem uống rượu là một ác hạnh của thân bởi vì rượu là “nhân” của sự phóng dật (phóng dật xứ, pramādasthāna). Thật vậy, giới luật về việc uống rượu có ghi câu này: “Khi đoạn trừ nguyên nhân phóng dật là uống rượu, rượu gạo (surā) và rượu trái cây (maireya), tôi từ bỏ nguyên nhân phóng dật…”. Đây không phải là trường hợp đối với các tội khác: Người ta không nói: “tôi từ bỏ nguyên nhân phóng dật là sự giết hại”; bởi vì các tội khác đều là tánh tội.
Kinh (Nandikasūtra; Dīgha, iii. 182) nói rằng tái sinh vào địa ngục là do thường hay uống rượu. Nhân vì (prasangena) uống rượu mà có sự hoạt động liên tục của một chuỗi các tâm bất thiện (abhīkṣṇam akuśalasaṃtatipravṛttes); từ đó phát sinh (ākṣepa, āvedha) một loại nghiệp mới chiêu cảm địa ngục, hoặc làm hiện hành một nghiệp cũ vào lúc lâm chung.
(Hỏi) Nhóm từ surāmaireyamadyapramādasthāna (tốt-la-mê-lệ-da-mạt-đà phóng dật xứ) có nghĩa là gì?
(Đáp) Surā là một thức uống có men (āsava) nấu từ gạo; maireya là thức uống có men nấu từ nhiều vị khác (như nước mía, v.v.). Có lúc các thức uống này làm say rất ít, có lúc chúng hoàn toàn không làm say: Chính vì thế mà đã thêm vào từ madya, làm say. Quả cau, cỏ sâu rọm (kodrava, v.v) khi ăn vào bị say cũng gọi là surā và maireya.
Uống rượu chỉ là một tội thuộc loại không vâng lời. Vì thế nhóm từ “phóng dật xứ” (pramādasthāna) nên được hiểu là người ta phải từ bỏ sự uống rượu bởi vì nó là nguyên nhân của tất cả các trường hợp bị liệt trí nhớ (sarvapramādānām āspadatvāt).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Nguồn chân lẽ thật


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.175.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập