Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHƯƠNG 2: PHÂN BIỆT CĂN Phần 3
Trong chương nói về giới trước đây đã có liệt kê các căn (indriya), như vậy căn có nghĩa là gì?
Ngữ căn ind có nghĩa là năng lực tối thượng (paramaiśvarya) (Dhātupāṭtha, i. 64). Loại pháp có được năng lực tối thượng có tên là căn. Như vậy ý nghĩa tổng quát của căn là tăng thượng (adhipati).
(Hỏi) Ý nghĩa tăng thượng của căn nằm ở những sự việc nào?
Tụng đáp:
[Theo truyền thuyết, năm căn nhãn, v.v., có bốn sự.
Mỗi một trong bốn căn nam, v.v., đều có hai loại.
Năm căn thọ, v.v., tám căn tín, v.v., đối với các pháp nhiễm tịnh
Đều có riêng ý nghĩa tăng thượng.]
Luận: mỗi một trong năm căn nhãn, v.v., có ý nghĩa tăng thượng đối với (1) sự trang nghiêm của thân (ātmabhāvaśobha), (2) sự bảo dưỡng thân (parirakṣaṇa), (3) sự sinh khởi thức (vijñāna) và các tâm sở tương ưng với thức, (4) sự hoạt động riêng biệt.
Các căn nhãn, nhĩ có ý nghĩa tăng thượng vì (1) làm trang nghiêm thân, nếu không có hai căn này thì sẽ bị đui điếc, xấu xí, (2) bảo dưỡng thân, tức nhờ thấy và nghe mà tránh được những điều nguy hiểm, (3) phát sinh nhãn thức, nhĩ thức và các tâm sở pháp tương ưng, (4) hoạt động riêng biệt, như khả năng nhìn thấy chỉ thuộc về nhãn căn, khả năng nghe tiếng chỉ thuộc về nhĩ căn.
Các căn tỷ, thiệt và thân có ý nghĩa tăng thượng bởi vì (1) làm trang nghiêm thân, (2) bảo dưỡng thân nhờ hấp thụ các thức ăn cứng (đoạn thực, kavaḍīkahāra), (3) sinh khởi ba thức, (4) họat động riêng biệt, (như ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm).
Bốn căn nam, nữ, mạng và ý có ý nghĩa tăng thượng đối với hai việc (Vibhāṣā, 147, 10).
Nam và nữ căn (1) giúp phân loại chúng sinh (hữu tình dị, sattavbheda), tức vì có hai căn nên chúng sinh được xếp thành hai loại nam nữ khác nhau; (2) giúp phân biệt chúng sinh (phân biệt dị, sattvavikalpabheda), tức nhờ có hai căn nên mới có sự khác biệt giữa hai giới tính về hình dáng (saṃsthāna), giọng nói (svara), phong cách sinh hoạt (ācāra).
Có luận sư (cổ đức, pūrvācārya) không chấp nhận giải thích trên. Họ cho rằng hai căn nam nữ chỉ cho thấy sự khác biệt giữa những chúng sinh ở Sắc giới không có các căn nam nữ và sự phân loại về giới tính dựa vào sự khác biệt này. Vì thế nếu hai căn nam nữ có được ý nghĩa tăng thượng đối với hai việc thì hai việc đó là sự ô nhiễm và sự thanh tịnh. Thật vậy ba loại hoạn quan (phiến suy, bán trạch) và lưỡng trạch (nhị hình nhân) đều nằm ngoài (1) các pháp tạp nhiễm (saṃkleśika) như không đắc luật nghi, tạo vô gián nghiệp, đoạn thiện căn; và cũng nằm ngoài (2) các pháp thanh tịnh (vāiyavadanika) như đắc luật nghi, đắc quả ly nhiễm (vairāgya).
Mạng căn có ý nghĩa tăng thượng vì (1) làm cho chúng đồng phần (niākayasabhāga) được tương tục (saṃbandha), tức tạo ra (utpatti) một hiện hữu; và (2) duy trì () chúng đồng phần này, tức sự kéo dài của một hiện hữu từ khi sinh ra cho đến khi chết.
Ý căn có ý nghĩa tăng thượng vì (1) làm cho đời sống kế tiếp (hậu hữu) được tương tục (punarbhavasaṃbandha), như kinh có nói: “lúc bấy giờ Kiện-đạt-phược (Gandharva), tức một chúng sinh đang ở vào giai đoạn trung hữu (antarābhava), có một trong hai tâm là ái hoặc sân…”; và (2) có khả năng tự tại (vaśībhāvānuvartana): Tất cả các pháp đều phải tùy thuộc vào ý, như kinh (Saṃyutta, i, 39) nói: “Tâm có khả năng dẫn đường cho thế gian, bao nhiếp thế gian; tất cả các pháp đều phải tùy phục một tâm này”. Năm căn thọ là lạc, khổ,hỷ, ưu, xả và tám căn tín, cần, niệm, định, tuệ, vị tri đương tri, dĩ tri, cụ tri đều có ý nghĩa tăng thượng đối với các pháp nhiễm và tịnh.
Các căn lạc, v.v., có ý nghĩa tăng thượng đối với nhiễm pháp bởi vì thường bị các pháp tùy miên như tham, v.v., đeo bám, tăng trưởng. Tám căn tín, v.v., có ý nghĩa tăng thượng đối với tịnh pháp bởi vì tất cả các pháp thanh tịnh đều dựa vào chúng để sinh khởi và tăng trưởng.
Có luận sư (Vibhāṣā, 142, 11) cho rằng các thọ cũng có ý nghĩa tăng thượng đối với tịnh pháp, như kinh có nói: “nhờ lạc nên tâm định, nhờ khổ nên có tín, nhờ hỷ, ưu, xả nên có xuất ly”.
Đây là giải thích của Tỳ-bà-sa.
Các luận sư (Sautrāntika) lại nói rằng (1) sự tăng thượng của các căn nhãn, v.v., không phải là bảo dưỡng thân mà đó là khả năng của các thức nhãn, v.v.; bởi vì nhờ có phân biệt nên mới tránh được nguy hiểm và thọ dụng các loại thức ăn cứng; và (2) sự hoạt động riêng biệt như thấy sắc, v.v., là thuộc về nhãn thức chứ không phải nhãn căn. Vì thế những giải thích trước đây về ý nghĩa tăng thượng của các căn nhãn, v.v., đều không hợp lý.
(Hỏi) Nếu vậy, ý nghĩa tăng thượng của các căn là gì?
Tụng đáp:
[Vì tăng thượng đối với sự liễu biệt cảnh
Cho nên cả sáu căn đều được lập thành.
Từ thân lập thành hai căn
Vì tăng thượng đối với nữ tánh đối với nữ tánh và nam tánh.
Đối với sự đình trụ của đồng phần, nhiễm pháp
Và tịnh pháp vì có tăng thượng
Cho nên biết rằng mạng, năm thọ,
Và tín, v.v., đều được lập làm căn.
Các căn vị tri đương tri, dĩ tri
Và cụ tri cũng như vậy.
Vì đối với việc đắc được các đạo quả kế tiếp
Như Niết-bàn, v.v., đều có tăng thượng.]
Luận: Liễu biệt (upalabdhi) tự cảnh chính là sáu thức thân. Năm căn nhãn, v.v., có tác dụng tăng thượng đối với loại thức có khả năng liễu biệt các cảnh sở duyên riêng của mình và ý căn có tác dụng tăng thượng đối với loại thức có khả năng liễu biệt tất cả các cảnh; vì thế nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý đều được gọi là căn.
(Hỏi) Các cảnh sắc, v.v., cũng có ý nghĩa tăng thượng đối với các thức liễu biệt lẽ ra cũng nên gọi là căn?
(Đáp) Cảnh không có tác dụng tăng thượng bởi vì tăng thượng (ādhipatya) có nghĩa là năng lực thù thắng (ādhikaprabhuta). Nhãn căn được gọ là tăng thượng bởi vì có năng lực tự tại trong việc phát khởi loại thức liễu biệt sắc và là nhân cho tất cả các thức liễu biệt sắc; trong khi mỗi cảnh chỉ hỗ trợ cho việc phát một thức độc nhất. Hơn nữa, nhãn thức có được rõ ràng hay mơ hồ, mạnh hay yếu là tùy thuộc vào năng lực của nhãn căn trong khi sắc lại không có khả năng này. Đối với các căn và các cảnh khác cũng như vậy.
Từ thân căn (kāyendriya) lại lập thành hai căn nam và nữ bởi vì chúng có tác dụng tăng thượng đối với nữ tánh và nam tánh. Hai căn này không khác với thân căn vì chúng vẫn tri nhận xúc. Tuy nhiên có một phần của thân căn có tên là nam căn hoặc nữ căn là vì phần này có tác dụng tăng thượng đối với tánh chất nam hay nữ. Nữ tánh bao hàm hình dáng (ākṛti), âm thanh (svara), cử chỉ (ceṣṭā), chí hướng (abhiprāya) thuộc riêng về nữ giới; đối với nam giới cũng như vậy. Sự khác biệt giữa hai giới là nhờ vào hai phần này của thân cho nên biết rằng hai phần này có tác dụng tăng thượng đối với hai tánh và vì thế được lập thành căn.
Vì có tác dụng tăng thượng đối với sự đình trú của chúng đồng phần, đối với các nhiễm pháp và các tịnh pháp mà mạng căn, năm thọ và năm căn tín, v.v., đã được lập thành căn.
Mạng căn có tác dụng tăng thượng đối với sự kéo đài đời sống từ khi sinh cho đến khi chết; tuy nhiên các luận sư Tỳ-bà-sa lại cho rằng không phải là sự kéo dài đời sống mà là sự nối kết đời sống này với đời sống khác và sự nối kết này hoàn toàn tùy thuộc vào ý (mana).
Năm căn lạc, v.v., có tác dụng tăng thượng đối với các nhiễm pháp, như kinh (Madhyamāgama 17, 11; Saṃyutta, iv. 208) nói: “tham nương vào lạc thọ mà tăng trưởng, sinh nương vào khổ thọ mà tăng trưởng, vô minh nương vào bất lạc bất khổ mà tăng trưởng”. (Về điểm này các luận sư thuộc Kinh bộ đều đồng ý với Tỳ-bà-sa.)
Năm căn tín, v.v., có tác dụng tăng thượng đối với các tịnh pháp bởi vì nhờ có thế lực của chúng mà hàng phục (viṣkambhyante) được các phiền não (kleśa) và dẫn dắt (āvāhyate) được thánh đạo. Ở đây nói “ưng tri” là hàm ý là hành giả nên thừa nhận rằng mỗi một pháp được bàn đến ở trên đều có khả năng được lập thành căn.
Ba căn vị tri đương tri, dĩ tri và cụ tri đều có tác dụng tăng thượng đối với việc đắc được các quả cao hơn như Niết-bàn, cho nên cũng giống như vậy. Nói “cũng giống như vậy” (diệc nhĩ) là hàm ý cả ba căn này đều được lập thành.
Vị tri đương tri căn có tác dụng tăng thượng đối với việc đắc được đạo quả là dĩ tri căn.
Dĩ tri căn có tác dụng tăng thượng đối với đắc được đạo quả là cụ tri căn.
Cụ tri căn có tác dụng tăng thượng đối với việc đắc được đạo quả là Niết-bàn (nirupadhiśeṣanivāṇa) bởi vì không có trường hợp tâm chưa được giải thoát mà lại có thể nhập Niết-bàn (parinivāṇa).
Chữ “đẳng” (vân vân) của tụng văn hàm ý có thêm một giải thích khác:
Vị tri đương tri căn có tác dụng tăng thượng đối với sự hủy diệt của các phiền não được đoạn trừ ở kiến đạo (kiến sở đoạn phiền não).
Dĩ tri căn có tác dụng tăng thượng đối với sự hủy diệt của các phiền não được đoạn trừ ở tu đạo (tu sở đoạn phiền não).
Cụ tri căn có tác dụng tăng thượng đối với hiện pháp lạc trụ (dṛṣṭadharmasukhavihāra); nhờ nó mới có khả năng lãnh thọ (pratisaṃvedanā) hỷ (prīti = saumanasya) và lạc (sukha = praśrabdhisukha) của sự giải thoát các phiền não.
(vấn nạn của Số luận, [Saṃkhya]) Tại sao chỉ lập hai mươi hai căn? Nếu vì có tác dụng tăng thượng nên được lập làm căn thì vô minh (avidyā) và các chi khác thuộc mười hai nhân duyên (pratītyasamutpāda) cũng nên lập làm căn bởi vì các nhân vô minh, v.v., có tác dụng tăng thượng đối với các quả là hành (saṃskāra), v.v.; ngoài ra tiếng nói (vāk), tay, chân, giang môn, dương vật (upastha) đều có tác dụng tăng thượng đối với lời nói, sự cầm nắm, sự bước đi, sự bài tiết, sự vui thích (ānanda) cũng nên được lập thành căn.
(đáp) không có chỗ dành cho vô minh, v.v., trong số hai mươi hai căn mà Thế tôn đã thuyết giảng. Khi kể ra các căn, Thế tôn đã căn cứ vào các tính chất như sau:
[Làm sở y cho tâm, giúp phân biệt nam nữ,
Giúp đình trụ, làm cho tạp nhiễm,
Làm hành trang tu tập, làm cho thanh tịnh,
Vì các tính chất trên nên được lập làm căn.]
Luận: Sở y (āśraya) của tâm là sáu căn của thức, từ nhãn căn cho đến ý căn. Chúng là sáu xứ (āyatana) ở bên trong, là những thành phần cấu tạo đầu tiên của một chúng sinh (maulasattvadravya).
Các tính chất khác biệt của chúng sinh này là do nữ hoặc nam căn.
Chúng sinh này có đình trụ trong một thời gian là do mạng căn.
Chúng sinh này bị nhiễm ô là vì năm thọ.
Chúng sinh này có thể chuẩn bị cho sự tu tập giải thoát là nhờ có năm căn tín, v.v.
Chúng sinh này được thanh tịnh là nhờ ba căn vô lậu.
Các pháp này có tính chất tăng thượng đối với sự tạo thành, sự phân loại, v.v., của chúng sinh nên được gọi là căn. Các pháp khác như tiếng nói không có tính chất này nên không lập thành căn.
Có luận sư đã đưa một giải thích khác về tính chất của căn như sau:
[Hoặc vì làm sở y cho lưu chuyển, vì giúp sinh khởi, đình trụ và thọ dụng,
Nên lập thành mười bốn căn đầu.
Về sau đối với hoàn diệt cũng như vậy]
Luận: Chữ “hoặc” ở đây là chỉ cho ý kiến của các luận sư khác:
Sáu căn nhãn, v.v., (lục xứ, ṣaḍāyatana) là sở y (āśraya) của lưu chuyển (luân hồi, saṃsāra).
Sáu xứ sinh khởi là nhờ có nữ hoặc nam căn, đình trụ được là nhờ có mạng căn, lãnh thọ được là nhờ có năm thọ. Như vậy đã dựa vào các ý nghĩa trên để lập thành mười bốn căn thuộc giai đoạn lưu chuyển.
Ở giai đoạn hoàn diệt (Niết-bàn, nīrvāṇa) cũng dựa vào bốn ý nghĩa này để lập thành tám căn: Năm căn tín, v.v., là sở y của Niết-bàn; Niết-bàn sinh khởi nhờ có loại căn vô lậu thứ nhất, đình trụ nhờ có loại căn vô lậu thứ hai, và thọ dụng là nhờ có loại căn vô lậu thứ ba bởi vì nhờ có loại căn này mới có thể thọ hỷ và lạc (prītisukha) của giải thoát. Như vậy số lượng và thứ tự của các căn vẫn giống như đã được kinh lập thành.
Về tiếng nói (vāc), tay (pāṇi), chân (pāda), cửa đại tiểu tiện (pāya), bộ phận sinh dục (upastha), đều không phải là căn.
Tiếng nói không có tác dụng tăng thượng đối với lời nói (vacana) bởi vì lời nói hình thành được là nhờ sự học tập. Tay và chân không có tác dụng tăng thượng đối với sự cầm nắm (ādāna) và đi lại (viharaṇa) bởi vì sự cầm nắm và đi lại chỉ là sự sinh khởi của tay và chân ở sát-na kế tiếp trong một vị trí khác với một hình dạng khác; hơn nữa không có tay chân vẫn có thể cầm nắm và đi lại như trong trường hợp các loại bò sát. Các cửa đi đại tiểu tiện không có tác dụng tăng thượng đối với sự bài tiết bởi vì những vật nào nặng (gurudravya) thì luôn luôn rơi xuống trong khoảng không, hơn nữa chính sức gió (phong giới, vāyudhātu) đẩy các chất thải này ra ngoài. Các bộ phận sinh dục cũng không có tác dụng tăng thượng đối với sự vui thích (ānanda) bởi vì sự vui thích phát sinh là do nữ căn hoặc nam căn.
Nếu cho rằng tay, chân, v.v., là căn thì cổ họng (kaṇṭha), răng (danta), mí mắt (akṣivartman), các khớp xương (angulīparvan) cũng phải được lập thành căn bởi vì chúng cũng có tác dụng nuốt (abhyavaharaṇa), nhai (carvaṇa), mở đóng (unmeṣanimeṣa), co duỗi các đốt xương (saṃkocavikāśa); hoặc tất cả các nhân có tác động (puruṣakāra) đến quả đều phải được lập làm căn. Tuy nhiên căn chỉ được lập thành khi có tác dụng tăng thượng (ādhipatya).
Trên đây đã giải thích về các căn nhãn, v.v., và hai căn nam nữ. Mạng căn sẽ được trình bày trong phần nói về các pháp tâm bất tương ưng (cittaviprayukta) bởi vì nó cũng là một trong số các pháp này. Năm căn tín, v.v., là các tâm sở (caitta) cho nên sẽ được đề cập cùng với các tâm sở. Năm căn thọ và ba căn vô lậu sẽ được trình bày tiếp sau đây bởi vì chúng không còn được nói đến ở nơi nào khác.
[Thân không vui gọi là khổ;
Nếu vui thì gọi là lạc
Ở đệ tam định, tâm vui cũng gọi như vậy
Ở các chỗ khác, tâm vui gọi là hỷ
Tâm không vui gọi là ưu
Xả nằm ở giữa vì không phân biệt khổ hay lạc
Ở kiến đạo, tu đạo và Vô học đạo
dựa vào chín căn để lập ba căn.]
Luận: “Thân” là thân thọ vì nương vào thân để khởi và tương ưng với năm thức nhãn, v.v.; “bất duyệt” (không thích ý, asātā) là làm (upaghātikā). Loại thọ tương ưng với năm thức thân và làm tổn não được gọi là khổ căn (duḥkhendriya).
“Duyệt” (thích ý, sātā) là làm thoải mái, dễ chịu (anugrāhikā). Loại thân thọ làm cho thích ý được gọi là lạc căn (sukhendriya).
Ở đệ tam thiền, loại thọ tương ưng với tâm và làm cho thích ý cũng được gọi là lạc căn. Nói “thọ tương ưng với căn” (tâm thọ) là hàm ý ở đệ tam thiền không có thân thọ bởi vì không có năm thức thân cho nên thọ chỉ tương ưng với tâm (ý thức, manovijñāna); khi tâm cảm thấy thoải mái dễ chịu thì gọi loại tâm thọ này là lạc căn.
Ở ba địa dưới (Dục giới, sơ thiền, đệ nhị thiền) loại thọ này được gọi là hỷ căn (saumanasyendriya).
Ở các địa bên trên đệ tam thiền đều không có loại thọ này.
Ở đệ tam thiền, loại tâm thọ này vốn an tịnh (kṣema, śānta) bởi vì hành giả khi nhập định đã xả ly hỷ tham (prītivītarāgatvāt) vì thế chỉ có lạc mà không có hỷ. Trong khi ở các địa dưới loại tâm thọ này vốn thô động bởi vì hành giả chưa xả ly hỷ tham cho nên chỉ gọi là hỷ.
Loại tâm thọ (thọ tương ưng với ý thức) thường làm tổn não được gọi là ưu căn.
Chữ “trung” (ở giữa) có nghĩa là “không phải thích ý cũng không phải không thích ý” tức chỉ cho loại thọ không khổ không lạc (bất khổ bất lạc, aduḥkhāsukhā). Ở đây, loại thọ nằm ở giữa (trung thọ) này được gọi là xả căn (upekṣendriya).
(Hỏi) Như vậy xả căn thuộc về thân thọ hay tâm thọ?
(Đáp) thuộc về cả hai.
(Hỏi) Tại sao vừa thuộc thân vừa thuộc tâm mà chỉ có một căn?
(Đáp) Bởi vì dù thuộc thân hay tâm, xả thọ đều không có sự phân biệt (vikalpa). Các tâm thọ khổ, lạc sinh khởi là do sự phân biệt về “khả ái”, “không khả ái”, v.v.. Trái lại các thân thọ sinh khởi là do cảnh ở ngoài (viṣayavaśāt). Các bậc a-la-hán cũng như vậy, tức không còn phân biệt về khả ái, bất khả ái, v.v., nhưng vẫn còn có các thân thọ sinh khởi do cảnh ở ngoài.
Vì thế đã dựa vào hai loại thân và tâm thọ khác nhau để lập thành các căn khổ, lạc.
Xả căn thì khác, sinh khởi một cách tự nhiên (svarasena, anabhisaṃskāreṇa) giống như tất cả các loại thân thọ khác nhưng lại sinh khởi ở một người không có bất cứ khái niệm phân biệt nào cả (avikalpayata, anabhinirūpayata) vì thế chỉ lập thành một căn cho cả hai loại thân và tâm.
Hơn nữa, các loại thọ khổ lạc khi ở thân và khi ở tâm đều làm tổn não hay vui thich theo cách riêng của mỗi loại. Vì thế phải lập riêng thành hai loại thuộc thân và tâm khác nhau.
Trong khi xả căn dù ở thân hay tâm đều không có tính chất phân biệt (vikalpana), không làm tổn não cũng không làm vui thích. Vì tính chất không khác nhau này mà ở thân và tâm chỉ lập chung làm một căn.
Chín căn ý, lạc, hỷ, xả, tín, cần, niệm, định và tuệ lập thành vị tri đương tri căn ở giai đoạn kiến đạo (darśanamārga), lập thành dĩ tri căn ở giai đoạn tu đạo (bhāvanāmārga) và lập thành cụ tri căn ở Vô học đạo (Aśaikṣamārga).
(Hỏi) Vì sao ba loại căn ở trên được gọi tên như vậy?
(Đáp) Khi hành giả ở kiến đạo nỗ lực tìm hiểu những điều chưa hiểu được (anājñātam āñātuṃ pravṛtta) là tứ đế thì suy nghĩ răng: “ta sẽ hiểu được”. Vì thế loại căn này có tên là vị tri đương tri căn (anājñātamājñāsyāmīndriya). Khi ở vào giai đoạn tu đạo (bhāvanāmārga, con đường của sự thiền quán về [tứ đế], hành giả không có gì mới để tìm hiểu và là người “đã biết” (ājña). Tuy nhiên để đoạn trừ các phiền não (anuśaya) còn lại, hành giả phải thường xuyên quán sát tứ đế đã được liễu tri; vì thế loại căn này có tên là dĩ tri căn (ājñām evendriyam iti vā). Khi ở Vô học đạo, hành giả biết được là mình đã biết, hành giả biết được (āva = avagama) rằng tứ đế đã được liễu tri (ājñātām-iti). Vì có được “cái biết là mình đã biết” (ājñātā-āva) này mà hành giả được gọi là người cụ tri (ājñātāvin người biết rằng mình đã biết) và loại căn này được gọi là cụ tri căn (ājñātāvīdriya). Hoặc vì hành giả (ājñātāvin) thường thực hành “cái biết (avitum) rằng lý tứ đế đã được liễu tri (ājñāta)” này lâu ngày thành tánh (thói quen, śīla) nên nói là cụ tri. Thật vậy khi hành giả đắc được tận trí (kṣyajñāna) và vô sinh trí (anutpādajñāna) thì tự biết được như thật rằng: “tất cả những gì về khổ ta đã biết hết, không còn gì để biết về nó nữa”; “tất cả những gì về tập ta đã biết hết, không còn…”; v.v..
Trên đây đã giải thích các tính chất riêng biệt của các căn; tiếp theo là phần nói về các nội dung khác nhau của chúng. Trong hai mươi hai loại căn này, căn nào thuộc hữu lậu và căn nào thuộc vô lậu?
[Chỉ có ba căn cuối cùng là vô lậu.
Các sắc căn, mạng căn, ưu căn, khổ căn chỉ là hữu lậu.
Chín căn còn lại thuộc cả hai loại.]
Luận: Ba căn cuối cùng thuộc vô lậu. Vô lậu (anāsrava, không có khuyết điểm) có nghĩa là vô cấu (amala, không có vết bẩn) bởi vì cấu và lậu tuy gọi tên khác nhau nhưng có nghĩa giống nhau.
Bảy sắc căn (rūpin) (gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, nữ căn và nam căn bởi vì đều thuộc về sắc uẩn) mạng căn, khổ căn và ưu căn đều thuộc hữu lậu.
Ý căn, lạc căn, hỷ căn, xả căn, và năm căn tín, v.v., có thể vô lậu hoặc hữu lậu.
Có luận sư (Vibhāṣā, 2, 10) cho rằng năm căn tín, v.v., chỉ thuộc vô lậu, bởi vì Thế tôn có nói: “những người nào ở vào mức độ nào đó, hoàn toàn không có năm căn tín, v.v., thì ta gọi người đó là người ở ngoài, thuộc về hàng dị sinh”. (Saṃyutta, v. 204). Như vậy nếu đắc được năm căn tín, v.v., ở một mức độ nào đó thì đó là một a-la-hán và thuộc về vô lậu.
Trích dẫn trên đây không thể làm luận chứng. Thế tôn nói như vậy là để chỉ cho những người không có năm căn tín, v.v., vô lậu; bởi vì trước đây Thế tôn đã dựa vào năm căn tín, v.v., vô lậu để lập thành các hàng thánh giả khác nhau. Như vậy ngài đã ám chỉ năm loại tín, v.v., dành riêng cho hàng thánh giả, tức phải thuộc về vô lậu; và những ai thiếu các căn vô lậu này hiển nhiên phải thuộc về dị sinh (pṛthagjana). Hoặc có thể là bản kinh này đã nói một cách tổng quát về năm loại tín, v.v., bởi vì có hai loại dị sinh: Loại ở ngoài (bāhyaka) và loại ở trong (ābhyantaraka). Loại ở ngoài (ngoại dị sinh) đã đoạn thiện căn nhưng loại ở trong (nội dị sinh) thì không đoạn thiện căn. Chính vì muốn ám chỉ hàng ngoại dị sinh mà Thế tôn đã nói: “ta gọi người đó là người ở ngoài, thuộc về hàng dị sinh”. Hơn nữa kinh (Dīgha, ii. 38; Majjhima, i. 169) có nói rằng trước khi chuyển pháp luân có những người ở tại thế gian, hoặc sinh ra hoặc lớn lên đều có các căn cao, thấp, trung bình khác nhau, vì thế biết rằng năm căn tín, v.v., cũng thuộc về hữu lậu.
Cuối cùng đức Thế tôn còn nói: “nếu ta không biết được như thật nguồn gốc, sự thối thất, sự lợi ích (āsvāda), sự bất lợi (ādīnava), sự xuất ly (niḥsaraṇa) của năm căn tín, v.v., thì ta không thể cởi bỏ (mukta) ra khỏi (niḥsṛta) tách rời (visaṃyukta) giải thoát (vipramukta) thế gian của người, trời, ma (Māra), phạm (Brahmā), v.v.; ta sẽ không thể chứng đắc vô thượng chánh đẳng Bồ-đề…” (Saṃyktāgama, 26, 4). Như vậy có thể thấy rằng đoạn kinh ở trên không chỉ bàn riêng đến các pháp vô lậu bởi vì các pháp vô lậu vốn không có các tính chất như “lợi ích”, “bất lợi”, “xuất ly”, v.v., vì thế năm căn tín, v.v., đều thuộc về vô lậu và hữu lậu.
(Hỏi) Trong hai mươi căn, căn nào dị thục, căn nào không phải dị thục?
Tụng đáp:
[Mạng căn luôn luôn thuộc về dị thục
Ưu căn và tám căn cuối không phải là dị thục
Sắc căn, ý căn và bốn thọ còn lại đều thuộc cả hai loại.]
Luận: Mạng căn chỉ thuộc về dị thục.
(Hỏi) Khi một bí-sô a-la-hán (Bhikṣu Arhat) ổn định hoặc kéo dài (sthāpayati, adhitiṣṭhati) các năng lực sinh tồn (thọ hành, āyuḥsaṃskāra) của mình thì năng lực này chính là mạng căn. Như vậy loại mạng căn này là dị thục của loại nghiệp nào?
(Đáp) Bổn luận (Mūlaśāstra) (Jñānaprasthāna, 12, 14) viết: “Một bí-sô ổn định thọ hành như thế nào? - Khi một vị a-la-hán thành tựu thần thông (ṛddhimān = prāptābhijñāḥ), đắc tâm tự tại (cetovaśita), và đem các vật dụng cần thiết cho cuộc sống (jīvatapariṣkāra), y phục, bình bát, v.v., bố thí cho tăng chúng (saṃgha) hay cho chỉ một người; sau đó phát nguyện nhập đệ tứ biên tế tĩnh lự (prātakoṭika) khi xuất định vị này suy nghĩ rồi nói rằng: “nguyện cho loại nghiệp có khả năng chiêu cảm một quả dị thục có tính chất hưởng thụ (phú dị thục quả, bhogavipāka) này có thể chuyển biến mà chiêu cảm một quả dị thục về sự sống (thọ dị thục quả, āyurvipāka)!” Lúc bấy giờ loại nghiệp (bố thí và thiền định) lẽ ra phải chiêu cảm quả phú dị thục của vị này liền chuyển biến mà chiêu cảm quả thọ dị thục.”
Các luận sư khác lại cho rằng thọ mạng kéo dài của một a-la-hán là quả dị thục của một nghiệp xa xưa. Họ nói rằng sự lưu lại (uccheṣa) của một quả thọ dị thục lẽ ra đã chín ở kiếp trước nhưng bị gián đoạn chết trước định kỳ, nay nhờ có định lực của đệ tứ biên tế tĩnh lự dẫn dắt cho nên có thể thọ dụng trở lại.
(Bổn luận lại viết tiếp): “các bí-sô xả bỏ các thọ hành như thế nào? - Một vị a-la-hán thành tựu thần thông, đắc tâm tự tại, bố thí các thứ như trên cho tăng chúng, sau đó phát nguyện nhập đệ tứ biên tế tĩnh lự. Khi xuất định vị này suy nghĩ rồi nói rằng: “nguyện cho loại nghiệp có khả năng chiêu cảm quả thọ dị thục có thể chuyển biến mà chiêu cảm một quả phú dị thục!”. Lúc bấy giờ loại nghiệp lẽ ra phải chiêu cảm quả thọ dị thục của vị này đã chuyển biến mà chiêu cảm một quả phú dị thục.”
Tôn giả Diệu âm (Bhadanta Ghoṣaha) nói: Nhờ năng lực của đệ tứ biên tế tĩnh lự dẫn dắt mà các đại chủng (mahābhūta) thuộc Sắc giới có thể hiện khởi (saṃmukhibhūta) trong thân của vị a-la-hán; tuy nhiên các đại chủng này có thể thuận hoặc nghịch với thọ hành vì thế một vị a-la-hán mới có thể kéo dài hoặc xả bỏ đời sống.
Đúng như giải thích trên (của kinh bộ), nhờ vào sự tự tại của định (samādhivaśita) mà một a-la-hán có thể làm ngừng lại (vyāvartayante) sự phát khởi kéo dài trong một thời gian (sthitikālāvedha) của các đại chủng tạo thành căn, một sự phát khởi do nghiệp đời trước tạo ra; và rồi lại tạo ra một sự phát khởi mới từ định. Vì thế mạng căn, trong trường hợp thọ mạng được kéo dài của một vị a-la-hán không phải là dị thục. Tất cả các trường hợp khác đều là dị thục.
Từ vấn đề trên đây lại phát sinh một vấn đề khác: Tại sao a-la-hán lại kéo dài thọ hành? - Vì muốn làm lợi ích cho người khác, vì muốn cho chánh pháp trụ thế lâu dài hơn (śāsanacirasthiti), vì quán sát đời sống của mình sắp diệt, vì quán sát người khác không thể đảm đương hai mục đích trên.
Tại sao a-la-hán xả bỏ thọ hành? - Vì quán sát thấy sự có mặt của mình ở thế gian không đem lại nhiều lợi lạc cho người khác hoặc vì bị bệnh tật bức khổ thân như có bài tụng nói rằng: “đã khéo thành tựu các phạm hạnh; đã khéo tu tập các thánh đạo; hoan hỷ khi thọ mạng chấm dứt; giống như xả bỏ được bệnh tật”.
(Hỏi) Dựa vào chỗ nào để kéo dài hoặc xả bỏ thọ hành? Và những ai có thể làm việc này?
(Đáp) Trong ba châu (dvīpas) nam giới và nữ giới cũng như a-la-hán thuộc bất thời giải thoát (asamayavimukta) đã đắc biên tế tĩnh lự đều có thể kéo dài hoặc xả bỏ thọ hành bởi vì đã có tự tại định và không còn phiền não.
(Hỏi) Kinh (Divyāvadāna, 203; Dīgha, ii. 90) nói Thế tôn sau khi kéo dài nhiều mạng hành (jīvitasaṃskāra) đã xả bỏ nhiều thọ hành (āyuḥsaṃskāra); như vậy mạng hành và thọ hành khác nhau như thế nào?
(Dáp) Có luận sư nói rằng không khác nhau. Bổn luận (Mūlaśāstra) (Jñānaprasthāna, 14, 19) viết: “mạng căn là gì? - Đó là các thọ (āyus) trong tam giới”.
Có luận sư nói rằng thọ hành là quả của các nghiệp thuộc tiền kiếp; và mạng hành là quả của các nghiệp hiện tại.
Có luận sư cho rằng thọ hành giúp cho chúng đồng phần đình trụ lâu dài (nikāyasabhāgasthiti) nhưng mạng hành chỉ giúp chúng đồng phần tạm thời đình trụ.
Ở đây nói “nhiều” (đa) là hàm ý kéo dài hoặc xả bỏ mạng hành và thọ hành trong nhiều niệm chứ không phải chỉ một sát-na. (bởi vì chỉ nhờ vào sự tương tục trong nhiều sát-na, a-la-hán mới có thể làm lợi lạc cho người khác; hơn nữa chỉ một sát-na không thể là nhanh của sự đình trụ.
Có luận sư cho rằng kinh nói “nhiều” là hàm ý bác bỏ chủ trương (Sāṃmitīyas) mạng và thọ là một thực thể kéo dài qua nhiều sát-na (kālāntarasthāvara).
Có luận sư (Sautrāntika) cho rằng nói “nhiều” là hàm ý bác bỏ chủ trương (Sarvāstivādins) có một thực thể gọi là mạng, thọ. Thật ra mạng và thọ chỉ được giả lập dựa vào các hành. Nếu không phải vậy lẽ ra kinh không nên phải dùng đến chữ “mạng hành” mà phải nói là “Thế tôn kéo dài các mạng (jīvitas), xả bỏ các thọ (āyus)”.
(Hỏi) Tại sao Thế tôn xả bỏ nhiều thọ hành mà kéo dài nhiều mạng hành?
(Trả lời của luận chủ) Để chứng tỏ rằng đã được tự tại đối với sự chết nên xả bỏ nhiều thọ hành; và để chứng tỏ đã được tự tại đối với sự sống nên kéo dài các mạng hành. Thế tôn kéo dài mạng hành chỉ trong ba tháng, không nhiều hơn cũng không ít hơn; bởi vì sau ba tháng thì việc giáo hóa (hóa sự, vineyakārya) của ngài đã xong, nhưng nếu ít hơn thì việc hoằng pháp lợi sinh (phật sự, buddhakārya) của ngài lại không được rốt ráo.
(Giải thích của Tỳ-bà-sa [Vibhāṣā, 126, 6]) Hoặc vì để thực hiện những điều phật đã nói trước đây (pratijñātasaṃpādanārtham): “tất cả bí-sô đã khéo tu tập tứ thần túc (ṛdhipāda) có thể tùy ý kéo dài một kiếp hay nhiều hơn một kiếp”. (Dīgha, ii. 103, iii. 77; Divya, 201).
Các luận sư Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣikas) nói rằng Thế tôn xả bỏ và kéo dài là để chứng tỏ đã chế phục được hai loại uẩn ma và tử ma. Trước đây khi ngồi dưới cây Bồ-đề, ngài đã hàng phục hai loại thiên ma và phiền não ma. (Ekottarikā, 39, 1).
Như vậy ưu căn và tám căn cuối cùng là tín, v.v., đều không phải dị thục bởi vì chúng thuộc hữu ký.
Mười hai căn còn lại là bảy sắc căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nam, nữ, cọng thêm ý căn và bốn thọ còn lại, tức trừ đi ưu căn; tất cả đều có thể đều là dị thục hoặc không.
Bảy sắc căn nếu thuộc trưởng dưỡng (aupacayika) thì không phải dị thục; ngoài ra đều là dị thục.
Ý căn và bốn căn thọ không phải là dị thục nếu chúng thuộc về thiện (kuśala) hoặc nhiễm (kliṣṭa) bởi vì dị thục đều là vô ký; hoặc nếu chúng là vô ký nhưng tùy theo từng loại riêng lại thuộc về uy nghi lộ (airyāpathika), hoặc công xảo xứ (śailpasthānika), hoặc năng biến hóa (nairmāṇika). Các trường hợp khác đều là dị thục.
Các căn cuối là tín, v.v., đều là thiện nên không phải là dị thục.
(Luận chủ) Làm sao có thể khẳng định ưu căn không phải là dị thục khi kinh (Ekottarāgama, 72, 9) nói rằng: “Có một loại nghiệp đưa đến quả là hỷ thọ (thuận hỷ thọ nghiệp), có một loại nghiệp đưa đến quả là ưu thọ (thuận ưu thọ nghiệp), có một loại nghiệp đưa đến quả là xả thọ (thuận xả thọ nghiệp)”
(Tỳ-bà-sa) Khi nói thuận ưu thọ nghiệp (daurmanasya karma) không có nghĩa là “loại nghiệp phải được kinh qua, phải đưa đến ưu thọ” mà chỉ hàm nghĩa “một loại nghiệp có ưu thọ tương ưng với nó”; như khi kinh nói về trường hợp của xúc (sparśa) là “thuận lạc thọ” (sukhavedanīya): Như vậy lạc (sukha) không phải là quả dị thục của xúc. Rõ ràng loại xúc “thuận lạc thọ” này là loại xúc có lạc thọ tương ưng với nó. Vì thế loại nghiệp “thuận ưu thọ” chỉ là loại nghiệp có ưu thọ tương ưng với nó (chứ không phải là loại nghiệp đưa đến quả là ưu thọ).
(Luận chủ) Nếu đã giải thích về thuận ưu thọ nghiệp theo cách trên thì đối với thuận hỷ thọ nghiệp và thuận xả thọ nghiệp cũng phải được giải thích như vậy. Và kết quả thuận hỷ thọ nghiệp chỉ là một loại “nghiệp có hỷ thọ tương ưng” chứ không phải là loại “nghiệp đưa đến quả là hỷ thọ” và điều này có nghĩa hỷ thọ không phải là dị thục.
(Tỳ-bà-sa) Không có gì sai khi giải thích thuận hỷ thọ nghiệp là loại nghiệp “đưa đến quả hỷ thọ” hay “có hỷ thọ tương ưng với nó”. Tuy nhiên cách giải thích thứ hai về chữ “thuận” (vedanīya) thì có giá trị hơn đối với trường hợp của “thuận ưu thọ nghiệp” bởi vì nó nhằm chỉ cho một loại nghiệp có ưu thọ tương ưng.
(Luận chủ) Dù có giải thích kinh theo cách trên thì vẫn chưa có thể giải thích được vấn nạn này. Vì nguyên nhân nào mà ưu thọ không phải là dị thục?
(Tỳ-bà-sa) Ưu thọ sinh khởi là do phân biệt (parikalpa), tức khi nghĩ về những điều đáng lo sợ và khi ưu thọ chấm dứt cũng như vậy, tức khi nghĩ về những điều được hy vọng. Vì thế ưu thọ không thể thuộc về dị thục.
(Luận chủ) Nếu vậy hỷ thọ cũng không phải dị thục bởi vì cũng sinh khởi và chấm dứt giống như ưu thọ.
(Tỳ-bà-sa) Nếu cho rằng ưu căn là dị thục thì khi một người tạo nghiệp vô gián (ānantarya) và sau đó sinh ưu thì loại nghiệp này lẽ ra phải gọi là “quả dị thục” (qủa đã chín). Tuy nhiên điều này không thể chấp nhận được.
(Luận chủ) Vẫn có thể đưa ra một vấn nạn như thế đối với trường hợp của hỷ căn. Nếu các ông cho rằng hỷ căn là dị thục thì khi một người tạo được một nghiệp phước thù thắng và sau đó sinh hỷ thì loại nghiệp này lẽ ra cũng phải gọi là “quả dị thục”.
(Tỳ-bà-sa) Những người đã ly dục (vītarāga) thì không có ưu căn vì thế những căn mà họ có chỉ là dị thục, như nhãn căn, v.v.. Như vậy ưu căn không phải là dị thục.
(Luận chủ) Nếu vậy những người đã ly dục làm thế nào để có được hỷ vốn là dị thục?
Chắc chắn những người này đều có hỷ căn sinh khởi từ định. Tuy nhiên về nhĩ căn này thuộc thiện cho nên không phải là dị thục. Vì thế những người đã ly dục không có tất cả các căn thuộc về dị thục.
Sự thực là những người đã ly dục vẫn có hỷ căn cho dù hỷ căn này có thể là dị thục hay không phải là dị thục. Trong khi ưu căn thì không bao giờ sinh khởi ở những người này. Vì thế mà Tỳ-bà-sa đã kết luận rằng ưu căn không phải là dị thục.
Tám căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, mạng, nữ, và nam nếu sinh vào con đường lành (thiện thú, sugati) là quả dị thục của việc thiện, nếu sinh vào con đường ác (ác thú, durgati) là quả dị thục của ác nghiệp.
Ý căn ở vào thiện thú cũng như ác thú đều là quả dị thục của thiện nghiệp và ác nghiệp.
Lạc căn, hỷ căn và xả căn là quả dị thục của thiện nghiệp.
Khổ căn là quả dị thục của ác nghiệp.
Các sắc căn của thiện thú là quả dị thục của thiện nghiệp. Đối với những người lưỡng tính (dị hình nhân) ở thiện thú thì nữ căn hoặc nam căn là quả dị thục của thiện nghiệp; nhưng tính chất lưỡng tính là do ác nghiệp chiêu cảm.
(Hỏi) trong hai mươi hai căn, căn nào có dị thục (savipāka) căn nào không có dị thục (avipāka)?
Tụng đáp:
[Ưu căn luôn luôn có dị thục
Tám căn đầu, ba căn cuối không có
Ý căn, bốn căn thọ còn lại, năm căn tín, v.v.,
Đều có cả hai loại.]
Luận: Như nội dung đã được tranh luận ở trên, ưu căn luôn luôn là dị thục. Tụng văn nói “định” là vì tính chất “luôn luôn” này; đồng thời ưu căn được nói đến trước tiên là vì hai ý nghĩa sau: (1) Ưu căn không bao giờ thuộc về vô ký (avyākṛta) bởi vì sinh khởi từ một loại phân biệt rất cường mạnh (cường tư, vikalpaviśeṣa) (như các phân biệt về khả ái, khả ố v.v.); và (2) ưu căn không bao giờ thuộc về vô lậu (anāsrava) bởi vì không bao giờ sinh khởi ở thiền định (tức chỉ có ở tám định).
Tám căn đầu (gồm năm căn nhãn, v.v., mạng căn, nữ căn và nam căn) không bao giờ thuộc về dị thục bởi vì đều là vô ký. Ba căn cuối (gồm vị tri, dĩ tri và cụ tri) không bao giờ thuộc về dị thục bởi vì đều vô lậu.
Mười căn còn lại đều có cả hai loại:
Ý căn và ba căn lạc, hỷ và xả đều có dị thục nếu thuộc bất thiện (akuśala) hoặc thiện hữu lậu (kuśalasāsrava); nếu thuộc vô ký hoặc vô lậu thì không có dị thục.
Khổ căn (duḥkha) có dị thục nếu thuộc thiện hoặc bất thiện; nếu thuộc vô ký thì không có dị thục.
Năm căn tín, v.v., có hoặc không có dị thục tùy theo chúng có hữu lậu hay vô lậu.
(Hỏi) Trong hai mươi hai căn, có bao nhiêu căn thiện, bất thiện và vô ký?
[Tám căn cuối luôn luôn thuộc thiện.
Ưu căn thuộc thiện hoặc bất thiện.
Ý và các thọ còn lại thuộc cả ba loại.
Tám căn đầu luôn luôn vô ký.]
Luận: tám căn cuối là tín, v.v., chỉ thuộc thiện. (Tám căn này tuy nằm ở sau nhưng dựa theo thứ tự câu hỏi nên được trình bảy trước.)
Ưu căn thuộc về thiện hoặc bất thiện.
Ý căn và bốn căn thọ là lạc, khổ, hỷ, xả có thể thuộc thiện, bất thiện hoặc vô ký.
Tám căn đầu là nhãn, v.v., đều vô ký.
(Hỏi) trong hai mươi hai giới, có bao nhiêu căn hệ thuộc Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới?
Tụng đáp:
[Ở Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới
Theo thứ tự trên (ở Dục giới) trừ ba căn cuối;
(ở Sắc giới) trừ các căn nữ, nam, ưu, khổ;
(ở Vô sắc giới) trừ các sắc căn, hỷ và lạc.]
Luận: Ở Dục giới có tất cả các căn, ngoại trừ ba căn cuối vốn thuộc bất nhiễm (amala), tức vô lậu (anāsrava). Ba căn này không hệ thuộc ba giới dục, sắc và vô sắc và đã vượt qua các giới này (āpratisaṃyukta = adhātupattita).
Ở Sắc giới có mười lăm căn, tức trừ ba căn ở trên và bốn căn nam, nữ, khổ, ưu. Tất cả mười lăm căn này rất thường thấy ở hai tầng thiền đầu tiên. Sở dĩ không có hai căn nam nữ là vì các chúng sinh ở Sắc giới đã xả ly dâm dục và vì hai căn này làm cho thân tướng xấu xí.
(Hỏi) Tại sao kinh nói “không có trường hợp nữ thân làm Phạm thiên, mà chỉ có nam thân”? (Vibhanga, tr. 336).
(Đáp) chúng sinh ở Sắc giới đều là nam thân nhưng không có nam căn. Họ chỉ có các tính chất thường thấy ở nam giới của Dục giới như thân hình, giọng nói, v.v..
Khổ căn không có ở Sắc giới bởi vì (1) sự tịnh diệu của thân (accha = bhāsvara) cho nên không có khổ thọ sinh khởi do sự đối kháng (abhighātaja); (2) không có các bất thiện nghiệp chiêu cảm cho nên không có khổ thọ sinh khởi từ dị thục (dị thục sinh, vipāja).
Ưu căn không có ở Sắc giới bởi vì (1) tâm của chúng sinh ở Sắc giới luôn luôn nằm sau tâm định (śamathasnigdhasaṃtāna); và (2) không có các nhân làm não hại (āghātavastu). (Dīgha, iii. 262; Anguttara, iv. 408, v. 150)
Ở Vô sắc giới có tám căn là ý căn, mạng căn, xả căn, và năm căn tín, v.v.; tức trừ ba căn vô lậu, năm sắc căn nhãn, v.v., lạc căn và hỷ căn.
(hỏi) trong hai mươi hai căn, căn nào thuộc kiến sở đoạn, thuộc tu sở đoạn hoặc phi đoạn?
Tụng đáp:
[Ý và ba thọ có cả ba loại.
Ưu thuộc kiến và tu đoạn.
Chín căn chỉ thuộc tu đoạn.
Năm căn thuộc tu đoạn, phi đoạn, ba căn thuộc phi đoạn.]
Luận: Ý căn, lạc căn, hỷ căn và xả căn thuộc về cả ba loại.
Ưu căn thuộc cả kiến đoạn và tu đoạn bởi vì không bao giờ là pháp vô lậu.
Chín căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nam, nữ, mạng và khổ chỉ thuộc tu đoạn bởi vì (1) tám căn đầu không phải là pháp nhiễm ô (kliṣṭa); (2) căn thứ chín không phải là “lục sinh” (aṣaṣthaja); và (3) tất cả đều là hữu lậu.
Năm căn tín, v.v., vì (1) không phải nhiễm pháp nên thuộc về kiến đoạn; và (2) có thể là vô lậu nên không thuộc các pháp bị đoạn (phi đoạn).
Ba căn cuối thuộc phi đoạn bởi vì (1) chúng là pháp vô lậu, (2) và vì các pháp không có khuyết điểm (vô quá pháp, ādīnava, apakṣāla) thì không bị đoạn trừ.
(Hỏi) Có bao nhiêu căn thuộc dị thục được chúng sinh ở các giới đắc được đầu tiên?
Tụng đáp:
[Thai sinh, noãn sinh và thấp sinh ở Dục giới
Đầu tiên đắc được hai căn dị thục;
Hóa sinh đắc được sáu bảy hoặc tám
Sắc giới đắc được sáu.
Vô sắc giới chỉ đắc mạng căn.]
Luận: Ở Dục giới các chúng sinh sinh từ thai, trứng hoặc nơi ẩm thấp vào giai đoạn mới thọ sinh đắc được hai căn dị thục là thân căn (kāyendriya) và mạng căn (jīvitendriya). Các căn khác sẽ từ từ đắc được.
(Hỏi) Tại sao không kể đến ý căn và xả căn?
(Đáp) Vì lúc mới sinh hai căn này đều thuộc nhiễm ô cho nên không phải là dị thục.
Các chúng sinh thuộc về hóa sinh đắc được sáu, bảy hoặc tám căn. Loại không có nam căn hoặc nữ căn (vô tính), tức sinh vào thời kỳ đầu tiên của vũ trụ, đắc được sáu căn là năm căn nhãn, v.v., và mạng căn; nếu là loại có nữ hoặc nam căn thì đắc được bảy căn; nếu là loại lưỡng tính thì đắc được tám căn.
(Hỏi) Một chúng sinh thuộc về lưỡng tính có thể hoá sinh không?
(đáp) Ở các cõi ác (ác thú) có thể có loại hóa sinh lưỡng tĩnh.
Trên đây đã nói về Dục giới; tiếp theo là phần nói về Sắc giới và Vô sắc giới.
Được gi là Dục giới bởi vì ở giới này dục (kāma) có vai trò chủ chốt (pradhānatva), bao hàm các tính chất thuộc về tham dục (kāmaguṇas) và các sự vật được thụ hưởng. Được gọi là Sắc giới bởi vì ở giới này các sắc pháp (rūpa) đóng vai trò chủ yếu. Kinh cũng đã từng nói như thế: “giải thoát tịch tĩnh vượt ra ngoài sắc, vô sắc”. (Saṃyutta, ii. 123).
Ở Sắc giới các chúng sinh lúc đầu cũng đắc được các căn dị thục, giống như loài hóa sinh vô tính của Dục giới.
Tụng văn nói “thượng” (cao) là chỉ cho Vô sắc giới. Thật ra không phải giới này nằm cao hơn Sắc giới, nhưng vẫn được gọi như vậy là vì các tầng thiền định ở giới này thù thắng (para) hơn: Phải tu tập các tầng thiền ở Sắc giới trước rồi sau đó mới đến các tầng thiền Vô sắc giới; và vì ở giới này có (pradhānatara) khả năng tồn tại lâu dài hơn (upapattitas).
Ở Vô sắc giới các chúng sinh bắt đầu đắc được một căn dị thục là mạng căn.
(hỏi) có bao nhiêu căn dị thục bị diệt ở các giới vào lúc chết?
Tụng đáp:
[Các căn bị diệt khi chết:
Vô sắc giới có ba; Sắc giới có tám;
Dục giới nếu nhanh thì có mười, chín, tám; nếu chậm thì có bốn.
Nếu thuộc tâm thiện thì cọng thêm năm.]
Luận: Ở Vô sắc giới, chúng sinh vào lúc lâm chung có ba căn bị diệt sau cùng là mạng căn, ý căn và xả căn.
Ở Sắc giới có thêm năm căn nhãn, v.v.. Tất cả chúng sinh thuộc loại hóa sinh (upapāduka) đều sinh và diệt cùng với tất cả các căn (samagrendriya).
Ở Dục giới nếu chết nhanh (yugapat) thì có tám căn, chín căn hoặc mười căn bị diệt sau cùng tùy theo người chết thuộc loại vô tính, hữu tính hay lưỡng tính. Loại vô tính có tám căn bị diệt sau cùng là các căn đã nói ở trên; loại hữu tính có chín căn vì cộng thêm một căn nam hoặc nữ; loại lưỡng tính có mười căn vì cộng thêm hai căn nam và nữ vào số tám căn ở trên. Nếu chết chậm thì có bốn căn bị diệt sau cùng là thân căn, mạng căn, ý căn và xả căn. Tất cả bốn căn này đều diệt cùng một lúc.
Tất cả các trường hợp trên đây đều chỉ cho các tâm nhiễm ô (kliṣṭa) hoặc vô phú vô ký (anivṛtāvyākṛta) vào lúc mạng chung. Nếu tâm này thuộc thiện (kuśala) thì trong số các căn bị diệt sau cùng ở cả ba giới phải cộng thêm năm căn tín, v.v..
Cần nghiên cứu kỹ thể và dụng của tất cả các căn được bàn đến trong phẩm phân biệt căn này (indriyaprakaraṇe). Như vậy trong số hai mươi hai căn, những căn nào đắc được quả vị sa-môn (śrāmaṇyaphala)?
Tụng đáp:
[Chín căn đắc được hai quả ở biên.
Bảy căn, tám căn hoặc chín căn đắc được hai quả giữa.
Mười một căn đắc quả a-la-hán,
Có thể căn cứ vào một người đắc quả để nói như vậy.]
Luận: “biên” (ở hai đầu) là chỉ cho hai quả Dự lưu (Srotāpanna) và a-la-hán (Arhat) bởi vì trong số các quả Sa-môn thì đây là hai quả nằm ở đầu và cuối. Chữ “trung” (ở giữa) là chỉ cho hai quả Nhất lai (Sakṛdāgāmin) và Bất hoàn (Anāgāmin) bởi vì hai quả này nằm giữa quả đầu và quả cuối.
Quả Dự lưu đắc được nhờ có chín căn là ý, xả, năm căn tín, v.v., vị tri đương tri và dĩ tri.
Vị tri đương tri (anājñātamājñāsyāmi) lập thành vô gián đạo (ānantaryamārga) dĩ tri (ājña) lập thành giải thoát đạo (vimuktamārga). Nhờ có hai căn này nên mới đắc được quả Dự lưu. Vị tri đương tri căn là dẫn nhẫn, tức có khả năng dẫn đến (āvāhaka) việc đắc được (prāpti) việc xả ly các hệ phược (ly hệ đắc) và dĩ tri căn là y nhân, tức có khả năng làm nơi nương tựa và trì giữ của việc đắc được này.
Quả a-la-hán cũng đắc được nhờ có chín căn là ý, một căn thọ thuộc hỷ, lạc hoặc xả, năm căn tín, v.v., dĩ tri và cụ tri. Trong trường hợp này dĩ tri căn lập thành vô gián đạo và cụ tri căn (ājñātāvīndriya) lập thành giải thoát đạo.
Quả nhất lai có thể đắc được trong hai trường hợp: (1) Thứ đệ chứng (ānupūrvaka) là hành giả trước khi đắc quả nhất lai đã đắc được quả Dự lưu; (2) Siêu việt chứng (bhūyovitarāga) là hành giả trước khi bước vào vô lậu đạo, tức là giai đoạn liễu tri tứ đế (satyābhisamaga), đã nương vào thế gian đạo hữu lậu mà cởi bỏ được sáu phẩm phiền não đầu tiên thuộc Dục giới; vì thế khi đạt đến kiến đạo thì thánh giả này đắc được quả nhất lai mà không cần đắc quả Dự lưu trước đó.
Hành giả thuộc thứ đệ chứng, tức đang ở vào hàng Dự lưu, có thể đắc quả nhất lai bằng thế gian đạo - tức không có tu tập thiền quán về tứ đế - nhờ vào bảy căn là ý, xả và năm căn tín, v.v.; hoặc có thể đắc được quả nhất lai bằng vô lậu đạo (anāsrava) hay còn gọi là xuất thế đạo, nhờ vào tám căn là dĩ tri căn và bảy căn ở trên.
Hành giả thuộc siêu việt chứng, tức đang ở vào hàng dị sinh (pṛthagjana), có thể đắc quả nhất lai nhờ vào chín căn, tức ngoài bảy căn ở trên phải có thêm hay căn là vị tri đương tri và dĩ tri cũng giống như trường hợp đắc quả Dự lưu.
Quả bất hoàn có thể đắc được qua hai trường hợp: (1) thứ đệ chứng là hành giả đã đắc được các quả trước đó; hoặc (2) siêu việt chứng là hành giả không nhập vào vô lậu đạo nhưng đã xả bỏ chín phẩm phiền não thuộc Dục giới hoặc các phiền não thuộc thượng địa.
Hành giả thuộc trường hợp thứ đệ chứng đắc được quả bất hoàn bằng thế gian đạo hoặc vô lậu đạo nhờ vào bảy căn hoặc tám căn, giống như trường hợp thứ đệ chứng đắc quả nhất lai ở trên.
Hành giả thuộc siêu việt chứng đắc quả bất hoàn bằng sự liễu tri tứ đế (kiến đạo, darśanamārga) nhờ vào chín căn, giống như trường hợp siêu việt chứng đắc quả nhất lai ở trên.
Các định nghĩa tổng quát trên đây cần phải được chi tiết hơn:
(1) Hành giả thuộc siêu việt chứng đắc quả bất hoàn bằng “sự liễu tri tứ đế”. Để có được sự liễu tri này, hành giả phải nhập đinh thuộc tầng thiền thứ ba; hoặc phải nhập định thuộc tầng thiền thứ nhất hoặc thứ hai (căn bổn địa); hoặc phải nhập vị chí định (anāgamya) hoặc trung gia định (dhyānāntara) hoặc tầng thiền thứ tư: tùy theo từng trường hợp mà các căn thọ của hành giả có thể là lạc, hỷ hoặc xả.
Trái lại một hành giả thuộc Siêu việt chứng (bhūyovitarāga) luôn luôn đắc quả nhất lai với xả căn.
(2) Hành giả thuộc Thứ đệ chứng, vốn phải tiếp tục tu tập để đắc quả nhất hoàn ở vị chí định, nếu có năm căn tín, v.v., mãnh lợi thì ở giải thoát đạo thứ chín có thể xuất vị chí định để nhập tầng thiền thứ nhất hoặc thứ hai (căn bổn địa).
Khi hành giả xả ly các phiền não bằng thế gian đạo thì đắc được quả nhờ vào tám căn chứ không phải bảy căn: Thật vậy, vị chí định ở vô gián đạo thứ chín có xả căn; và tầng thiền thứ nhất hoặc thứ hai, ở giải thoát đạo thứ chín, lại có hỷ thọ. Vì thế việc đắc được ly hệ xuất phát từ xả căn và hỷ căn, cũng giống như việc đắc được ly hệ trong trường hợp của Dự lưu phát xuất từ vị tri căn và dĩ tri căn.
Khi hành giả xả ly các phiền não bằng xuất thế đạo, tức bằng sự tu tập thiền quán về tứ đế (tu đạo) thì phải thêm vào căn thứ chín là dĩ tri căn; bởi vì vô gián đạo và giải thoát đạo đều là dĩ tri căn.
(Hỏi) Bổn luận (Jñānaprasthāna) viết: “Đắc quả a-la-hán phải có bao nhiêu căn? - mười một căn” như vậy tại sao ở đây nói rằng chỉ có chín căn?
(Đáp) Thật ra đắc quả a-la-hán chỉ có chín căn. Nhưng Bổn luận nói do mười một là vì đã dựa vào bản thân người đắc được quả này chứ không phải dựa vào sự chứng đắc. Một thánh giả có thể bị thối thất quả vị a-la-hán nhiều lần và có thể đắc được trở lại qua nhiều tầng thiền định khác nhau, khi thì có lạc căn (như ở tầng thiền thứ ba), khi thì có hỷ căn (như ở tầng thiền thứ nhất và thứ hai), khi thì có hỷ căn (như ở vị chí đinh, v.v..); tuy nhiên cả ba căn này không bao giờ hiện khởi cùng một lúc.
(Hỏi) trong trường hợp đắc quả bất hoàn, tại sao Bổn luận không nói như vậy?
(Đáp) Bởi vì không có trường hợp thánh giả thối thất quả bất hoàn và chứng đắc trở lại nhờ vào lạc căn. Hơn nữa, thánh giả thuộc siêu việt chứng vốn là người đã xả ly tất cả phiền não thuộc Dục giới cho nên khi đã đắc được quả bất hoàn thì không thể thối thất quả vị này. Sự xả ly của thánh giả đắc được là nhờ vào hai đạo, sinh khởi nhờ thế gian đạo và tư trợ bởi xuất thế đạo cho nên rất kiên cố.
(Hỏi) Những người đã thành tựu một căn nào đó thì nhất định sẽ thành tựu được bao nhiêu căn khác?
Tụng đáp:
[Nếu thành tựu mạng, ý hoặc xả,
Nhất định thành tựu cả ba.
Nếu thành tựu lạc hoặc thân
Nhất định thành tựu bốn
Nếu thành tựu một trong năm căn nhãn, v.v., hoặc hỷ
Nhất đinh thành tựu năm.
Nếu thành tựu khổ căn
Nhất định thành tựu bảy
Nếu thành tựu nữ, nam, ưu hoặc một trong năm căn tín, v.v.,
Nhất định thành tựu tám
Nếu thành tựu hai căn vô lậu, nhất định thành tựu mười một căn.
Nếu thành tựu căn vô lậu thứ nhất, nhất định thành tựu mười ba căn.]
Luận: Trong ba căn mạng, ý và xả nếu thành tựu được một căn thì sẽ thành tựu luôn hai căn kia. Nếu thiếu một trong ba căn thì hai căn kia cũng không có.
Sự thành tựu các căn khác không có tính chất nhất định. Những người nào thành tựu ba căn này có thể thành tựu hoặc không thành tựu các căn khác.
(1) Sinh Vô sắc giới không thành tựu các căn nhãn, nhĩ, tỷ và thiệt. Sinh Dục giới có thể không thành tựu những căn này khi chưa đắc được (như ở thời kỳ đầu của thai nhi) hoặc đã bị mất (như bị mù lòa, v.v.; chết dần).
(2) Sinh Vô sắc giới không thành tựu thân căn.
(3) Sinh Vô sắc giới hoặc Sắc giới không thành tựu nữ căn. Sinh Dục giới có thể không có loại căn này khi chưa đắc được hoặc đã bị mất. Về nam căn cũng như vậy.
(4) Dị sinh ở tầng thiền thứ tư, (ở tầng thiền thứ hai) ở các cõi vô sắc không thành tựu lạc căn.
(5) Dị sinh ở tầng thiền thứ tư, tầng thiền thứ ba, ở các cõi vô sắc không thành tựu hỷ căn.
(6) Chúng sinh ở Sắc giới hoặc Vô sắc giới không thành tựu khổ căn.
(7) Những người đã ly dục đều không thành tựu ưu căn.
(8) Những người đã đoạn thiện căn không thành tựu năm căn tín, v.v..
(9) Tất cả dị sinh và thánh giả đang ở một quả vị nào đó không thành tựu căn vô lậu thứ nhất (vị tri đương tri căn).
(10) Dị sinh, thánh giả ở kiến đạo và a-la-hán không thành tựu căn vô lậu kế tiếp (dĩ tri căn).
(11) Dị sinh và hàng Hữu học không thành tựu căn vô lậu cuối (cụ tri căn).
Từ sự liệt kê trên đây có thể lập thành sự thành tựu ở tất cả các trường hợp khác.
Nếu thành tựu lạc căn thì sẽ thành tựu luôn mạng căn, ý căn và xả căn. Nếu thành tựu thân căn thì cũng thành tựu luôn ba căn này.
Nếu thành tựu một trong các căn nhãn, v.v., thì nhất định thành tựu luôn mạng căn, ý căn, ý căn và thân căn, (tức nếu thành tựu nhĩ căn thì nhất định cũng thành tựu các căn như vậy).
Nếu thành tựu hỷ căn thì nhất định thành tựu luôn mạng căn, ý căn, xả căn và lạc căn.
(Hỏi) Sinh vào tầng thiền thứ hai và chưa đắc được tầng thiền thứ ba thì thành tựu loại lạc căn nào?
(Đáp) thành tựu loại lạc căn nhiễm ô của tầng thiền thứ ba.
Nếu thành tựu khổ căn thì nhất định đang thuộc về Dục giới và thành tựu luôn mạng căn, ý căn, thân căn, lạc căn, hỷ căn và xả căn; tức trừ đi ưu căn trong trường hợp ly dục (vītarāga).
Nếu thành tựu nữ căn hoặc nam căn, hoặc ưu căn thì nhất định thành tựu luôn các căn như được nói trong phần thành tựu khổ căn (tức thêm bảy căn là mạng, ý, thân, lạc, khổ, hỷ, xả bởi vì chúng sinh này nhất định đang thuộc về Dục giới.)
Nếu thành tựu một trong năm căn tín, v.v., thì nhất định thành tựu luôn mạng căn, ý căn, xả căn, và bốn căn còn lại của năm căn tín, v.v..
Nếu thành tựu dĩ tri căn hoặc cụ tri căn thì nhất định thành tựu luôn mạng căn, ý căn, lạc căn, hỷ căn, xả căn và năm căn tín, v.v..
Nếu thành tựu vị tri đương tri căn thì nhất định thành tựu mạng căn, ý căn, thân căn, bốn căn thuộc thọ là khổ, lạc, hỷ, xả, và năm căn tín, v.v.. (Chỉ ở Dục giới mới có kiến đạo vì thế người nào thành tựu loại căn này vẫn đang còn ở Dục giới và nhất định thành tựu luôn mười hai căn nói trên. Không nhất định phải thành tựu ưu căn và các căn nhãn, v.v., bởi vì vẫn có thể có trường hợp ly dục hoặc mù lòa, v.v..)
(Hỏi) Trong trường hợp có ít căn nhất thì sẽ thành tựu những căn nào? (Vibhāṣā, 150, 13).
Tụng đáp:
[Người không có thiện thành tựu ít nhất là tám căn;
Đó là năm căn thọ, thân căn, mạng căn và ý căn.
Người ngu ở Vô sắc giới (cũng như vậy).
Thành tựu năm thiện căn, mạng căn, ý căn và xả căn.]
Luận: Những người được gọi là “không có thiện” (vô thiện, niḥśubha) là những người đã đoạn thiện căn và nhất định đang ở Dục giới chứ không thể ly dục. Vì thế chỉ thành tựu năm căn thọ, mạng căn, ý căn, xả căn.
Tụng văn nói “thọ” (vid) có nghĩa là năng thọ (vedayate), tức chỉ cho người lãnh nạp (kartari kvip); hoặc còn có nghĩa là các thọ lạc, v.v. (vedana).
Người ngu sinh ở Vô sắc giới cũng thành tựu tám căn là xả căn, mạng căn, ý căn và năm căn tín, v.v..
Người “ngu” là chỉ cho hạng dị sinh (pṛthagjana) bởi vì họ chưa thấy được các đế.
Thiện căn là năm căn tín, v.v., vì hoàn toàn thuộc thiện.
(Hỏi) Nếu vậy lẽ ra phải có cả ba căn vô lậu?
(Đáp) không thể được; bởi vì ở đây tất cả chỉ thành tựu được tám căn và người thành tựu lại là người ngu ở Vô sắc giới.
(Hỏi) trong trường hợp có nhiều căn nhất thì sẽ thành tựu những căn nào?
Tụng đáp:
[Thành tựu nhiều nhất là mười chín căn.
Đối với loài lưỡng tính, trừ đi ba căn vô lậu.
Đối với thánh giả chưa ly dục
Trừ hai căn vô lậu và một căn nam hoặc nữ.]
Luận: Chúng sinh lưỡng tính nhất định thuộc về Dục giới không thuộc loại ly dục, và có thể thành tựu các thiện căn cũng như tất cả các căn nhãn, v.v.. Nhưng bởi vì thuộc dị sinh nên ba căn vô lậu không thể có ở hạng người này.
Ở đây các căn vô lậu được tụng văn gọi là “tịnh” bởi vì đã xa rời các nhiễm pháp (tương ưng phược) và không có các tính chất của cảnh sở duyên (sở duyên phược).
Thánh giả chưa ly dục (rāgin) tức đang còn thuộc hàng Hữu học chứ không phải là a-la-hán, cũng thành tựu được mười chín căn. Tức phải trừ đi nam căn hoặc nữ căn và cụ tri căn trong tất cả mọi trường hợp; trừ thêm dĩ tri căn khi thánh giả Hữu học đang còn ở kiến đạo, và vị tri căn dang ở vào tu đạo.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.239.79 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.