Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phần 16
Kinh dạy có bốn loại nghiệp là (1) nghiệp đen, dị thục đen; (2) nghiệp trứang, dị thục trắng; (3) nghiệp đen trắng, dị thục đen trắng; (4) nghiệp không đen không trắng, không có dị thục đen hay trắng, nhưng có khả năng hủy diệt các loại nghiệp khác. (Madhyama, 27, 12; Anguttara, ii. 230; Dīgha, iii. 230; Vibhāṣā, 114, 1)
[Dựa vào sự khác nhau giữa đen, v.v.
Để nói về bốn loại nghiệp:
Nghiệp ác và thiện của Dục giới, nghiệp thiện của Sắc giới,
Nghiệp vô lậu có khả năng đoạn trừ các loại trên;
Theo thứ tự trên
Chúng được gọi là đen, trắng, không đen trắng.]
Luận: Nghiệp bất thiện vốn thuộc loại nhiễm ô (kliṣṭa) nên hoàn toàn đen; dị thục của nó vốn là khổ (amanojña, bất khả ý) nên cũng thuộc về đen.
Nghiệp thiện hệ thuộc Sắc giới vì không hỗn tạp với điều ác nên hoàn toàn trắng, có dị thục vốn là quả đáng ưa nên cũng thuộc về trắng.
(Vấn nạn) Tại sao không nói đến loại nghiệp thiện hệ thuộc Vô sắc giới?
(Giải thích) Bởi vì theo truyền thuyết [tức trả lời của các luận sư thuộc nhóm thứ ba của Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 114, 4)] tính chất “trắng” chỉ áp dụng cho loại nghiệp chiêu cảm hai loại dị thục ở trung hữu (ātarābhavika) và sinh hữu (aupapattibhavikavipāka); đồng thời bao hàm ba nghiệp của thân, ngữ và ý. Trong khi đó, nghiệp thuộc Vô sắc giới không có các tính chất này.
(Chất vấn) Nhưng kinh có nói nghiệp thuộc Vô sắc giới là trắng và dị thục của nó cũng trắng?
Nghiệp thiện Dục giới vốn hỗn tạp với điều ác nên gọi là đen trắng; dị thục của nó cũng hỗn tạp vì thế thuộc về đen trắng.
Định nghĩa này hàm ý không xét về mặt tự tánh của nghiệp mà chỉ xét về chuỗi tâm tương tục hoặc thân sở y; có nghĩa là trong cùng một chuỗi tương tục của tâm, nghiệp thiện có lẫn lộn cả nghiệp bất thiện; chứ không phải có một loại nghiệp vừa đen vừa trắng và cũng không có loại dị thục vừa đen vừa trắng đối nghịch nhau.
(Vấn nạn) Nhưng nếu nghiệp ác lẫn lộn với nghiệp thiện thì cũng phải được xem như là vừa đen vừa trắng?
(Giải thích) Nghiệp ác không nhất thiết phải lẫn lộn với nghiệp thiện; nhưng ở Dục giới thì nghiệp thiện nhất định phải có ác nghiệp lẫn vào, bởi vì ở giới này nghiệp ác mạnh hơn nghiệp thiện.
Nghiệp vô lậu phá hủy ba loại nghiệp trước. Vì không bị nhiễm ô (akliṣṭa) nên không phải đen; và vì không có dị thục nên không phải trắng; tức là “không trắng” (aśukla, phi bạch).
Kinh sử dụng thành ngữ “không trắng” là có chủ ý. Thế Tôn muốn chỉ rõ nghiệp vô lậu không phải là nghiệp trắng. Trong kinh Đại không (Mahāśūnyatāsūtra), khi nói về các pháp thuộc A-la-hán (aśaikṣa), ngài cũng đã giải thích: “Này A-nan-đà, các pháp thuộc A-la-hán (chư vô học pháp) hoàn toàn trắng, hoàn toàn thiện, hoàn toàn không có tỳ vết”. Và Bổn luận (Prakaraṇa, 6, 9; Vibhāṣā, 114, 1) cũng có viết: “Pháp trắng là gì? - Là các pháp thiện và các pháp vô phú vô ký”.
Nghiệp vô lậu không có dị thục bởi vì nó không hệ thuộc tam giới; nó chấm dứt tiến trình của hiện hữu (lưu chuyển pháp tánh).
(Hỏi) Có phải tất cả các nghiệp vô lậu đều có thể phá hủy tất cả các nghiệp thuộc ba loại đầu (là đen, trắng và vừa đen vừa trắng) không?
Tụng đáp:
[Tương đương với bốn pháp nhẫn
Và tám vô gián đạo ly dục
Là mười hai tư vô lậu,
Chỉ đoạn trừ nghiệp đen.
Tương đương với đệ cửu vô gián đạo
Xả ly dục giới và tứ tĩnh lự là loại tư
Đoạn tận nghiệp đen trắng, nghiệp đen,
Và đoạn tận nghiệp trắng.]
Luận: Bốn loại tư (cetanā) tương đương với bốn loại pháp nhẫn (dharmakṣāntis) thuộc về con đường kiến đế (kiến đạo); tám loại tư tương đương với tám con đường đoạn trừ đầu tiên (ānantaryamārga, vô gián đạo) ở giai đoạn xả ly (vairāgya) Dục giới (ly dục nhiễm vị). Tất cả mười hai loại tư trên, tức cũng với số nghiệp vô lậu như vậy, đều có khả năng đoạn trừ ác nghiệp.
Loại tư tương đương với con đường đoạn trừ thứ chín (đệ cửu vô gián đạo) chính là nghiệp vô lậu phá hủy hai loại nghiệp đen trắng và nghiệp đen; bởi vì đây là thời điểm hủy diệt toàn bộ nghiệp thiện của Dục giới (nghiệp đen trắng) cũng như loại nghiệp ác thứ chín (nghiệp đen cuối cùng).
Loại tư của con đường đoạn trừ thứ chín và cũng là con đường cuối cùng dẫn khởi sự xả ly mỗi một tầng thiền - tức có tất cả bốn loại tư - hủy diệt các nghiệp trắng.
(Vấn nạn) tám thánh đạo đầu tiên ở giai đoạn xả ly Dục giới phá hủy loại nghiệp đen. Nhưng về loại nghiệp đen trắng và loại nghiệp trắng, tức nghiệp thiện hữu lậu (kuśala sāsrava), tại sao các ông lại cho rằng chỉ có thánh đạo thứ chín mới có khả năng phá hủy chúng?
(Giải thích) Nếu nói thật chính xác thì không có sự đoạn trừ thiện pháp; bởi vì ngay cả khi đã bị đoạn, thiện pháp vẫn có thể hiện khởi trở lại; tuy nhiên, khi loại phiền não (kleśa) lấy pháp này làm sở duyên bị hủy diệt thì người ta nói rằng thiện pháp cũng bị đoạn trừ. Như vậy, chừng nào nhóm phiền não cuối cùng này chưa bị diệt thì thiện pháp này vẫn được xem như chưa đoạn trừ. [Chính thánh đạo thứ chín mới có khả năng đoạn trừ sự hoạch đắc (prāpti) nhóm phiền não thứ chín liên quan đến từng địa (Dục giới, tĩnh lự) và nhờ vậy mới đắc được sự xả ly đối với phiền não này].
[Có thuyết nói nghiệp được thọ ở địa ngục,
Ở các nơi khác của Dục giới thuộc loại đen, hỗn tạp.
Có thuyết nói nghiệp Dục giới thuộc kiến đoạn,
Các nghiệp Dục giới khác thuộc loại đen, vừa đen vừa trắng.]
Luận: Theo các luận sư khác (Vibhāṣā, 114, 2), loại nghiệp “chắc chắn được cảm thọ ở địa ngục” (narakavedanīya, thuận địa ngục thọ) thuộc về loại nghiệp đen; và loại nghiệp được cảm thọ ở Dục giới, tức ở những nơi nằm ngoài địa ngục, đều thuộc loại nghiệp đen trắng.
Quả báo địa ngục chỉ được sinh khởi bởi loại nghiệp ác (bất thiện, akuśala) vì thế loại nghiệp được cảm thọ ở địa ngục là loại nghiệp đen. Quả báo ở Dục giới, trừ địa ngục ra, chỉ được sinh khởi bởi loại nghiệp có cả thiện và ác vì thế loại này thuộc nghiệp đen trắng.
Theo các luận sư khác (Vibhāṣā, 114, 4), loại nghiệp được đoạn trừ bởi kiến đạo vì không lẫn lộn với nghiệp thiện nên đều thuộc loại đen (thuần hắc). Tất cả các nghiệp khác hệ thuộc Dục giới, tức là các nghiệp được đoạn trừ bởi tu đạo, đều thuộc loại đen trắng (câu nghiệp).
Kinh nói: “Có ba loại tịch tĩnh (mauneya, mâu-ni) là tịch tĩnh của thân, tịch tĩnh của ngữ và tịch tĩnh của ý.” (Madhyama, 5, 4; Anguttara, i. 273; Dīgha, iii. 220).
[Thân nghiệp, ngữ nghiệp,
Và ý của bậc vô học là ba loại tịch tĩnh.
Ba loại thanh tịnh
Chính là ba diệu hạnh.]
Luận: Những gì được gọi là sự tịch tĩnh của thân, sự tịch tĩnh của nghiệp chính là thân nghiệp và ngữ của A-la-hán. Những gì được gọi là sự tịch tĩnh của ý (manomauna) chính là ý, là tâm của A-la-hán; chứ không phải ý nghiệp (karma). Bởi vì tâm chính là sự tịch tĩnh chân thực (thắng nghĩa mâu-ni) (citta hi paramārthamuniḥ). Tỳ-bà-sa nói rằng dựa vào thân ngữ nghiệp người ta có thể suy luận mà biết được tâm là như thế, tâm là vô học (aśaikṣa).
(Luận chủ) Nhưng thể tánh của thân nghiệp và ngữ nghiệp của A-la-hán là xả ly (virati) trong khi ý nghiệp lại không có tánh xả ly bởi vì không có ý vô biểu. Như vậy cái được gọi là sự tịch tĩnh (mauna) cũng chính là sự xả ly; vì thế, khi ý có khả năng xả ly (virama virati) thì cũng phải được gọi là tịch tĩnh.
Hơn nữa, tại sao chỉ có ý của A-la-hán mới được gọi tên như thế? Bởi vì A-la-hán chính là người tịch tĩnh đích thực (thực mâu-ni, paramārthamuni) nhờ đã chấm dứt mọi tiếng xì xào của phiền não (chư phiền nào ngôn vĩnh tịch tĩnh, sarvakleśajalpoparateḥ).
Kinh nói: “Có ba loại thanh tịnh (śauceya) là thanh tịnh của thân, thanh tịnh của ngữ và thanh tịnh của ý”. (Madhyama, 5, 19; Anguttara, i. 272; Dīgha, iii. 219).
Những hành động tốt của thân, tất cả những hành động tốt của thân, dù hữu lậu (sāsrava) hay vô lậu, đều là sự thanh tịnh của thân; bởi vì dù tạm thời hay vĩnh viễn, chúng vẫn có thể xóa bỏ sự nhiễm ô của các phiền não và của các hành động xấu (duścaritamalāpakarṣaka).
Đối với các hành động của ngữ và ý cũng như vậy.
Lời dạy này có ý răn dạy những người lầm tưởng sự tịch tĩnh hư ngụy (tà mâu-ni) là sự tịch tĩnh chân thực, sự thanh tịnh giả dối là sự thanh tịnh chân thực.
Kinh nói có ba loại ác hạnh (duścarita). (Saṃyukta, 14, 4; Anguttara, i. 49, 52; Dīgha, iii. 214; Saṃyutta, v. 75)
[Các nghiệp thân, ngữ, ý bất thiện
Gọi là ba ác hành.
Và tham, sân, tà kiến.
Ngược lại là ba diệu hạnh.]
Luận: Các nghiệp bất thiện của thân chính là ác hạnh của thân. Đối với ngữ và ý cũng như vậy.
Ngoài ra còn ba ác hạnh của ý nhưng tự tánh của chúng không phải là ý nghiệp. Đó là sự tham lam (abhidhyā, tham), sự tàn ác (vyāpāda, sân) và tà kiến (mithyādṛṣṭi).
Tỷ dụ sư (Dārṣṭāntikas) nói rằng tham, sân và tà kiến chính là ý nghiệp bởi vì chúng đều được xem là ý nghiệp trong kinh Saṃcetanīya (Tư kinh).
(Tỳ-bà-sa) Nếu vậy, phiền não và nghiệp sẽ chỉ là một pháp (hợp thành nhất thể)?
(Tỷ dụ sư) Nếu chỉ là một pháp thì có gì sai?
(Tỳ-bà-sa) Nếu thừa nhận phiền não là nghiệp tức trái với kinh và định nghĩa của kinh về nghiệp. Kinh Saṃcetanīya mà các ông dẫn chứng ở trên khi nói “tham” là có ý chỉ cho tư bởi vì tư hiện khởi (pravṛti) dưới tác động (mukhena) của tham.
Bởi vì tham, sân và tà kiến chiêu cảm quả khổ (phi ái quả), bởi vì chúng bị những người hiểu biết (thông tuệ giả) chê trách, những hành động của thân, ngữ và ý đều bất thiện; vì thế chúng được gọi là ác hạnh.
Trái ngược với ác hạnh là các diệu hạnh, tức các nghiệp của thân, ngữ và ý; cộng thêm vô tham, vô sân và chánh kiến (samyagdṛṣṭi).
(Hỏi) Làm sao có thể xem tà kiến và chánh kiến là ác, là thiện được? Bởi vì tà kiến thì không có ý (vô cố tư) làm hại người khác, và chánh kiến cũng không có ý làm lợi cho người khác (parānugrahopaghātābhisaṃdhyabhāva).
(Đáp) Dĩ nhiên là như vậy; nhưng chúng lại là gốc rễ của hai loại tư trên.
[Mười nghiệp đạo được nói đến
Bao gồm các ác hạnh và diệu hạnh
Có tính chất thô hiển
Nên mới thành thiện, ác.]
Luận: Về mười nghiệp đạo (karmapatha), kinh đã định nghĩa rằng các nghiệp đạo thiện bao gồm những diệu hạnh thô hiển nhất, dễ thấy nhất trong số các diệu hạnh; và các nghiệp đạo bất thiện bao gồm những ác hạnh thô hiển nhất trong số các ác hạnh.
(Hỏi) Những ác hạnh và diệu hạnh nào không được bao hàm trong các nghiệp đạo?
(Đáp) Đó là một phần các ác hạnh của thân, gồm (1) các nghiệp đạo gia hành và hậu khởi của thân (prayoga, pṛṣṭhabhūta), (2) một số nghiệp nhiễm ô (kliṣṭa) của thân như uống rượu, đánh đập, trói bắt, v.v (Majjhima, iii. 34): bởi vì các ác hạnh này không quá thô hiển. Trong số các ác hạnh của thân, chỉ có các ác hạnh như tước đoạt mạng sống, tiền của, vợ con của người khác mới là nghiệp đạo vì chúng là những ác hạnh cần phải xả ly.
Những ác hạnh thô hiển nhất trong số các ác hạnh của ngữ cũng được gọi là nghiệp đạo với những lý do như trên; tức không bao hàm các nghiệp gia hành, hậu khởi và các nghiệp nhẹ.
Một phần ác hạnh thuộc về ý, tức là tư (cetanā), cũng không được bao hàm trong các nghiệp đạo bất thiện.
Những diệu hạnh không được bao gồm trong các nghiệp đạo là (1) một phần diệu hạnh của thân: Tức gia hành, hậu khởi; từ bỏ uống rượu, v.v.; bố thí, lễ bái, v.v.; (2) một phần diệu hạnh của ngữ như ái ngữ v.v.; (3) một phần diệu hạnh của ý, như thiện tư.
[Sáu ác nghiệp đạo chỉ là vô biểu;
Tự tác, tà dâm có cả hai loại
Bảy thiện nghiệp đạo sinh từ thọ có hai loại.
Nếu sinh từ định thì là bởi vì.]
Luận: Khi sai khiến người khác tạo tác sáu loại nghiệp đạo giết hại, trộm cắp, nói dối, nói lời ác độc, nói lời sỉ nhục, nói lời bậy bạ thì sáu nghiệp đạo này chỉ là vô biểu. Người sai khiến người khác tạo tác các hành động trên không có loại biểu nghiệp căn bổn, tức loại hành động tự mình giết hại.
Tà dâm (dục tà hạnh) luôn luôn có cả biểu và vô biểu bởi vì hành động này phải do tự thân tạo tác. Khi sai khiến người khác phạm tội này thì không có loại hỷ như khi tự mình phạm phải.
Khi chính bản thân tạo tác các hành động trên thì cả sáu loại nghiệp đạo đều có biểu và vô biểu nếu như cái chết xảy ra vào cùng thời điểm của biểu nghiệp (khởi biểu nghiệp thời bỉ tiện tử) (có nghĩa là vào đúng thời điểm mà người ta muốn giết; nếu cái chết xảy ra muộn hơn (hậu phương tử) thì chỉ có vô biểu).
Trong số các nghiệp đạo thiện thì bảy nghiệp đạo thuộc sắc (rūpin), tất cả các nghiệp đạo của thân và ngữ, đều có cả hai loại biểu và vô biểu. Bởi vì giới được thọ trì (samādānaśīla, thọ sinh thi-la) phụ thuộc vào biểu nghiệp (vijñapti).
Nếu sinh khởi từ định thì nghiệp đạo chỉ có vô biểu. Đó là các nghiệp đạo được bao hàm trong “pháp tánh thi-la” (dharmatāśīla), tức được bao hàm trong loại luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu. Hai loại luật nghi này chỉ phụ thuộc vào tâm vì thế các nghiệp đạo này không phải là biểu nghiệp.
(Hỏi) Gia hành (prayoga) và hậu khởi (pṛṣṭha) có giống như nghiệp hoặc nghiệp đạo căn bổn (maula karmapatha) không?
Tụng đáp:
[Gia hành chắc chắn là biểu và có thể là vô biểu hoặc không.
Trái lại là hậu khởi.]
Luận: Nghiệp tiên khởi (sāmantakas) là các nghiệp chuẫn bị (prayoga, gia hành) cho loại nghiệp đạo thuộc về Dục giới và luôn luôn thuộc về biểu nghiệp.
Khi chúng được tạo tác bởi loại phiền não mạnh (paryavasthāna, āhrīkya, mãnh lợi triền) hoặc với một niềm tin cực mạnh (parsādaghanarasena, đôn tịnh tâm) thì có vô biểu; nếu không phải như vậy tức không có vô biểu.
Trái lại, các nghiệp hậu khởi đều là vô biểu. Chúng chỉ là biểu khi nghiệp đạo đã thành tựu nhưng người ta vẫn tiếp tục tạo tác các nghiệp tương tợ.
(Hỏi) Gia hành, nghiệp đạo căn bổn và hậu khởi được lập thành như thế nào?
(Đáp) Như trong trường hợp vì muốn giết một con vật (paśu) cho nên một người liền ra khỏi giường, cầm tiền, đi đến chợ sờ mó con vật, trả tiền mua, dắt con vật về, lôi kéo nó, dẫn nó vào nhà, ngược đãi nó, cầm dao, đánh đập nó một lần, hai lần cho đến khi giết chết nó, thì tất cả những hành động xảy ra trước khi con vật bị giết chết đều thuộc về gia hành.
Đúng vào lúc người này lấy mạng của con vật, tức là khi con vật chết, thì biểu nghiệp của sát-na này và vô biểu nghiệp cùng thời với biểu nghiệp này chính là nghiệp đạo căn bổn; bởi vì do hai nhân mà con người bị tội giết hại xúc chạm: Đó là do gia hành và do thành tựu quả (của gia hành).
Những sát-na kế tiếp, tức những sát-na của vô biểu (avijñapti) do hành động giết hại tạo nên, được gọi là hậu khởi; chuỗi sát-na tương tục của các biểu nghiệp (vijñapti) như lột da, cạo lông, cân, bán, nấu nướng, ăn, khen ngon, (anukīrtayati) cũng thuộc hậu khởi.
Đối với sáu loại nghiệp đạo còn lại của thân và ngữ cũng có thể giải thích như trên, với những thay đổi cần thiết cho từng trường hợp.
Đối với tham, sân và tà kiến thì không thể phân thành gia hành và hậu khởi bởi vì vào sát-na chúng hiện khởi thì chỉ với sự hiện diện này (saṃmukhībhāvamātreṇa) chúng đã là nghiệp đạo căn bổn.
(Vấn nạn) Một vấn đề được đặt ra ở đây là có phải nghiệp đạo đã được tạo thành bởi biểu và vô biểu thuộc về sát-na con vật (prāṇin) ở vào tử hữu (maraṇabhava), tức là vào sát-na con vật bị chết; hay đó là biểu và vô biểu thuộc về sát-na con vật đã chết (mṛtabhava), tức là sau khi con vật bị giết chết (tử hậu)? Nếu các ông thừa nhận trường hợp đầu thì lẽ ra một người chỉ phạm tội giết hại khi chết cùng một lúc với con vật bị giết (câu thời mạng chung); nhưng đây lại là điều mà tông phái các ông không thừa nhận. Trong trường hợp sau thì các ông đã sai lầm khi nói rằng: “Đúng vào lúc người này lấy mạng con vật thì biểu nghiệp của sát-na này và vô biểu nghiệp cùng thời với biểu nghiệp này chính là nghiệp đạo căn bổn.” [Lẽ ra các ông phải nói rằng: “Biểu nghiệp (vijñapti) khởi khi con vật đã chết…” (mṛte prāṇini yā vijñaptiḥ...)].
Hơn nữa, nếu các ông thừa nhận trường hợp sau tức sẽ mâu thuẫn với giải thích của Tỳ-bà-sa về câu: “Khi gia hành chưa mất” ở trong Bổn luận (Jñānaprasthāna 11, 11). Bổn luận nói: “Có phải một chúng sinh đã bị giết chết (dĩ hại sinh) mà hành động giết chết vẫn chưa chấm dứt (sát sinh vị diệt) không? - Đúng như vậy, khi một chúng sinh đã bị lấy đi mạng sống mà gia hành [sát sinh] vẫn chưa mất”. Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 11, 11) giải thích rằng trong đoạn văn này chữ prayoga - vốn thường hàm nghĩa là sự chuẫn bị - nhưng ở đây lại có nghĩa là “hậu khởi” (pṛṣṭha). Và như vậy là các ông đã mâu thuẫn với giải thích này bởi vì nếu đặt nghiệp đạo căn bổn vào sát-na con vật đã chết (mṛte prāṇini) thì nghiệp đạo căn bổn, theo quan niệm của các ông, vẫn chưa chấm dứt vào sát-na con vật đã chết. Các ông đã diễn dịch chữ gia hành (prayoga) của Bổn luận với nghĩa là nghiệp căn bổn.
(Tỳ-bà-sa) cần phải giải thích nghĩa của Bổn luận như thế nào mới không sai lầm. Trong đoạn văn trên, prayoga chính là nghiệp đạo căn bổn. [Ít ra thì giải thích này vẫn hợp lý khi chỉ cho sát-na đi liền sau cái chết của con vật; và khi chỉ cho những sát-na kế tiếp sát-na này thì prayoga, giống như Tỳ-bà-sa đã nói, chính là hậu khởi.]
(Luận chủ) Nhưng làm thế nào biểu nghiệp ở sát-na con vật đã chết lại có thể là nghiệp đạo căn bổn?
(Tỳ-bà-sa) Tại sao không thể như vậy?
(Luận chủ) Bởi vì biểu nghiệp không còn có tác dụng. [Con vật đã chết; và người ta không thể giết chết nó một lần nữa.]
(Tỳ-bà-sa) Nếu như vậy thì vô biểu, vốn luôn luôn không có tác dụng, làm thế nào trở thành nghiệp đạo? Điều khiến cho một biểu nghiệp và một vô biểu nghiệp trở thành nghiệp đạo không phải là tác dụng của chúng; mà chính là vì chúng đã hiện khởi vào sát-na thành tựu quả của gia hành.
(Hỏi) Một nghiệp đạo có thể là gia hành hoặc hậu khởi của một nghiệp đạo khác không?
(Đáp) Có thể. Chẳng hạn như mười nghiệp đạo có thể là gia hành của sự giết hại. Một người vì muốn giết chết kẻ thù của mình, và để cho việc làm này chắc chắn thành công, có thể lấy cắp của cải của người khác và giết thú vật làm tế lễ cầu thần; với của cải lấy cắp, người này có thể phạm tội gian dâm với vợ của kẻ thù, xúi dục vợ kẻ thù trở thành kẻ tòng phạm; dùng lời lẽ dối trá, ác độc, sỉ nhục, bậy bạ để gây bất hòa giữa kẻ thù với những bạn bè có khả năng hỗ trợ cho kẻ thù; người này tham lam của cải của kẻ thù, khởi tâm sân hận đối với kẻ thù, nuôi dưỡng tà kiến đối với sát nghiệp mà người này đang muốn tạo tác. Giống như trường hợp mười nghiệp đạo có thể làm hậu khởi cho nghiệp giết hại thì đối với các nghiệp trộm cắp, v.v., cũng như vậy.
(Luận chủ) Nhưng tham, sân và tà kiến không bao giờ làm gia hành bởi vì chúng không phải là sự khởi đầu của hành động (kriyārambha); và chúng cũng không có gia hành bởi vì chúng chỉ là sự sinh khởi của tâm (cittapāda).
Kinh nói: “Này Bí-sô, có ba loại giết hại; đó là các loại xuất phát từ tham, sân hoặc si (lobha, dveṣa, moha)”; cho đến “này Bí-sô, có ba loại tà kiến”. Ở đây cần phải giải thích những sự giết hại, v.v. khác nhau này là gì.
Không phải tất cả các nghiệp đạo đều được thành tựu (niṣṭhā) bởi tham, sân và si.
[Gia hành khởi từ ba căn.
Vì khởi liền sau ba căn này
Nên tham, v.v. cũng sinh từ chúng.]
Luận: Gia hành của tất cả các nghiệp đạo đều có thể sinh từ ba căn. Trong các lời dạy trước đây, Thế Tôn đã nói đến nguyên nhân đầu tiên, tức là nguyên nhân tạo thành nguồn gốc (samutthāpaka, đẳng khởi) của nghiệp đạo.
(1) Sự giết hại khởi từ tham, như các trường hợp giết hại để lấy đi một bộ phận của thú vật; giết hại để lấy tiền của; giết hại để tìm vui (hỷ lạc, krīḍā); giết hại để tự vệ, để bảo vệ bạn bè (ātmasuḥṛtparitrāṇārtham).
Sự giết hại khởi từ sân vì muốn thỏa mãn lòng hận thù (vairaniryātanārtham).
Sự giết hại khởi từ si; vì xem sự hy sinh là một hành động đáng làm: Như trường hợp của một vị vua, đã dựa vào quyền lực của pháp luật (thế pháp luật, dharmapāṭhaka) để giết hại vì nghĩ rằng đó là bổn phận: “Hành động phước đức đầu tiên của một vị vua là trừng phạt những kẻ làm trái”; như trường hợp của người Perses (Ba-thích-tư Pārasīka): “nên giết chết cha mẹ đã già và có bệnh”; hoặc như trường hợp có người nói: “Phải giết chết loài rắn, loài bò cặp, loài ruồi tryambuka (Mahāvyutpatti, 213, 91), v.v. vì chúng rất độc hại; phải giết cầm thú, gia súc, chim, trâu, để nuôi thân”. Cuối cùng là sự giết hại phát khởi (pravartita) do tà kiến; tức là hành động giết hại của những người cho rằng không có đời sống vị lai và không có diệt tận (nirmaryāda).
(2) Sự trộm cắp khởi từ tham; như trường hợp trộm cắp một vật mà mình thèm muốn, trộm cắp để sau đó dành được một vật khác, để có được danh dự và sự kính trọng, để bảo vệ mình hoặc thân hữu.
Sự trộm cắp khởi từ sân vì muốn thỏa mãn lòng thù hận.
Sự trộm cắp khởi từ si: Như trường hợp nhà vua đựa vào pháp luật để chiếm giữ của cải của những người làm trái; hoặc như những người Bà-la-môn thường nói: “Tất cả các thứ của Bà-la-môn (brahmanes) đều do Đại phạm thiên vương (Brahmā) ban cho nhưng vì Bà-la-môn bị suy yếu cho nên những người thuộc giai cấp thấp hèn (Vṛṣalas) mới lấy đi của họ. Vì thế khi Bà-la-môn tước đoạt (apahar) thì họ chỉ lấy (ādā) lại những gì thuộc về họ; họ ăn cái của họ, mặc cái của họ và bố thí cái của họ”; tuy nhiên khi chiếm đoạt các thứ thì Bà-la-môn vẫn có ý tưởng đó là của cải của người khác. Loại trộm cắp do tà kiến khởi cũng là loại sinh từ si.
(3) Tà dâm sinh từ tham. Sự gian dâm với vợ người khác, có khi là do tham dục, có khi là để có được danh dự và sự kính trọng, có khi để bảo vệ mình hoặc bạn bè mình.
Tà dâm sinh từ sân là để thỏa mãn lòng thù hận.
Tà dâm sinh từ si: Như trường hợp của người Perses, v.v. gian dâm với mẹ mình và các phụ nữ bị cấm (hành phi phạm hạnh); trong lễ tế trâu (gosava, ngưu cấm) người ta uống nước [theo cách uống của loài trâu], nhai cỏ, hành dâm với mẹ mình, với chị hoặc em mình, với một phụ nữ trong dòng tộc (gotra) của mình; nơi nào trông thấy những người này thì họ liền tìm đến giao hợp. Có người lại nói: “Phụ nữ giống như cái cối giã gạo, như bông hoa, như trái cây, như bình sữa đã nấu chín, như đường đi”.
(4) (Bốn - bảy) nói dối và các tội về ngữ khác sinh từ tham và sân, được giải thích giống như ở trên.
Nói dối sinh từ si: Như có bài tụng viết: “Này nhà vua, nói dối để cười chơi, nói dối với phụ nữ, nói dối ở đám cưới, nói dối khi gặp nguy hiểm giết người đều không hại gì: Người ta nói rằng những trường hợp nói dối như thế không phải là tội” (Syādvādamañjarī, tr. 32); và cuối cùng là do tà kiến.
Nói lời ác độc và các tội khác sinh từ si; như những trường hợp phát xuất từ tà kiến. Ngoài ra, những luận thuyết sai lạc (asatpralāpa) của Veda (phệ đà), v.v. đều là những lời nói bậy bạ (saṃbhinnapralāpa, tạp uế ngữ) xuất phát từ si.
(Hỏi) Các ác hạnh như sự ham muốn (abhidhyā), sự tàn ác (vyāpāda) và tà kiến (mithyādṛṣṭi) đều không có gia hạnh thì làm sao có thể nói rằng chúng sinh khởi từ tham, v.v.?
(Đáp) Bởi vì cả ba loại này đều sinh khởi ngay liền sau ba căn. Khi chúng hiện khởi ngay sau tham tức chúng sinh ra từ tham; đối với hai căn còn lại cũng như vậy.
Trên đây đã giải thích xong các nghiệp đạo bất thiện và sự quan hệ của chúng đối với các căn; tiếp theo là phần nói về các nghiệp đạo thiện.
[Nghiệp đạo thiện cùng với gia hành và hậu khởi
Đều sinh khởi từ ba thiện căn.]
Luận: Các nghiệp đạo thiện, cùng với gia hành và hậu khởi, đều có một thiện tâm làm nhân dẫn sinh (pravartaka, đẳng khởi). Thiện tâm này nhất định tương ưng với ba căn và cũng sinh khởi từ ba căn.
Sự xa lìa gia hành của nghiệp đạo bất thiện chính là gia hành của nghiệp đạo thiện; sự xa lìa nghiệp căn bổn làm thành nghiệp đạo căn bổn bất thiện chính là nghiệp đạo căn bổn thiện; sự xa lìa hậu khởi của nghiệp đạo bất thiện chính là hậu khởi của nghiệp đạo thiện. Tỷ dụ như trường hợp thọ giới Cần sách. Kể từ sát-na giới tử bước vào giới đàn (nānāvāsa), thi lễ với tăng chúng, thưa thỉnh vị thầy trực tiếp giáo huấn (thân giáo sư, upādhyāya), cho đến lần tác bạch yết-ma (karmavācana) lần thứ nhất, lần yết-ma thứ hai thì tất cả đều thuộc về gia hành. Vào lúc hoàn tất (parisamāpti, avasāna) lần yết-ma thứ ba thì phát sinh một biểu nghiệp và một vô biểu nghiệp, cùng thời với biểu nghiệp này, tạo thành loại nghiệp đạo căn bổn. Sau sát-na này, khi người ta thông tri cho vị tân tăng này về các loại y chỉ (niśrayas, tứ y), khi vị tăng này biết được rằng mình đã thọ nhận bốn loại y chỉ, và chừng nào mà chuỗi tương tục các vô biểu nghiệp do nghiệp căn bổn tạo thành vẫn còn liên tục - có nghĩa là vị tăng không đánh mất luật nghi biệt giải thoát - thì đó chính là hậu khởi.
(Hỏi) Ở trên có nói không phải tất cả nghiệp đạo bất thiện đều được thành tựu nhờ vào ba căn, vậy thì những nghiệp đạo nào được tựu thành bởi loại căn nào?
Tụng đáp:
[Sự giết hại, lời nhục mạ, và sự tàn ác
Đều thành tựu bởi sân.
Sự trộm cắp, tà dâm và sự thèm muốn
Do tham mà thành tựu.
Tà kiến do sinh thành tựu.
Các nghiệp đạo khác do ba căn.]
Luận: Sự giết hại, sự tàn ác, và lời nhục mạ (thô ác ngữ) đều được tựu thành bởi sân. Chúng chỉ được tựu thành khi có sự hiện khởi (saṃmukhībhāvāt) của loại tâm coi thường [sự giết hại] (vô sở cố), của loại tâm cực kỳ thô ác (paruṣacitta) (đối với sự tàn ác và lời nói nhục mạ).
Sự tà dâm, sự thèm muốn, sự trộm cắp đều được tựu thành bởi tham. “Tà dâm” (parastrīgamana) có nghĩa là tà hạnh thuộc về ái dục (kāmamithyācāra).
Tà kiến thành tựu là do ngu si, nhưng phải là loại si thuộc thượng phẩm.
Các nghiệp đạo khác như lời nói dối (hư cuống ngữ), lời nói có ác ý (ly gián ngữ), lời nói bậy bạ (tạp uế ngữ) đều có thể được tựu thành bởi tham, sân hoặc si.
(Hỏi) Các nghiệp đạo bất thiện nói trên khởi ở những nơi nào?
Tụng đáp:
[Hữu tình, vật thọ dụng, danh sắc,
Danh thân, v.v., đều có khởi.]
Luận: Các nghiệp đạo vừa được chia thành bốn trường hợp ở trên có ba loại nghiệp đạo, ba loại nghiệp đạo, một loại nghiệp đạo và ba loại nghiệp đạo, sinh khởi theo thứ tự này ở bốn nơi là hữu tình, các vật thọ dụng, danh sắc (nāmarūpa) và danh (nāma).
Chúng sinh hữu tình là sở duyên hay là phần vật chất của sự giết hại, sự tàn ác và lời nói nhục mạ; các vật thọ dụng là sở duyên của tà dâm, sự thèm muốn và trộm cắp; sắc thân, tức ngũ uẩn, là sở duyên của tà kiến; danh, tức danh thân (nāmakāya), là sở duyên của lời nói dối và hai tội khác thuộc về ngữ.
(Hỏi) Nếu một người có ý muốn giết hại người khác nhưng lại chết trước hoặc chết sau người đó thì người này có thành tựu nghiệp đạo căn bổn không?
Tụng đáp:
[Cùng chết hoặc chết trước
Thì không vì căn y đã khác.]
Luận: Nếu có người có ý muốn giết hại chết cùng lúc hoặc chết trước người mà người này có ý giết hại thì không thành tựu nghiệp đạo căn bổn.
Đây là lý do tại sao Tỳ-bà-sa nói: “Khi một người đã khởi gia hạnh của sự giết hại thì vào sát-na mà quả của gia hạnh này thành tựu, người này có thể không bị tội giết hại xúc chạm không? - Có thể có trường hợp này; tức khi người có ý muốn giết hại bị chết trước hoặc cùng thời với người bị giết hại”. Như vậy, lý do đã quá rõ ràng: Chừng nào mà một người - lẽ ra đã bị giết (vadhya) - vẫn còn sống thì người có ý giết vẫn không bị tội giết hại xúc chạm; và khi người lẽ ra đã bị giết hại bị chết thì người có ý giết hại cũng không bị tội giết xúc chạm nếu người này bị chết cùng lúc hay bị chết trước đó; bởi vì thân sở y (āśraya) của sự thành tựu gia hành đã đoạn diệt; người có ý muốn giết đã có một thân mới thuộc thân đồng phần khác (nikāyasabhāga) và thân này không tạo tác một loại gia hành như thế, nó không phải là tác nhân (prayoktar) và vì thế nó không thể bị tội giết hại xúc chạm.
(Hỏi) Khi có nhiều người cùng tập trung lại để giết - như trong chiến tranh, những lần đi săn bắn hoặc cướp bóc - và nếu một người trong số này gây ra sự giết hại thì người nào sẽ phạm tội giết?
Tụng đáp:
[Quân lính, v.v., nếu cùng làm
Đều có tội cũng giống như người đã giết.]
Luận: Khi đã có chung một mục đích thì tất cả đều có tội giống như một người trong số họ đã phạm tội giết; bởi vì tất cả đều khuyến khích lẫn nhau, không phải bằng lời nói mà bằng sự việc họ đã kết hợp với nhau để giết hại.
(Hỏi) tuy nhiên nếu có người đã phát nguyện không giết hại nhưng bị bức bách phải làm lính thì người này có phạm tội giết hại không?
(Đáp) Hiển nhiên là không phạm tội nếu đã phát nguyện: “Ngay cả khi phải cứu lấy mạng mình, tôi sẽ không giết hại một chúng sinh nào”.
(Hỏi) Vì những tính chất gì mà một người giết hại, trộm cắp, v.v., phạm phải nghiệp đạo?
Tụng đáp:
[Giết hại là do cố ý
Có suy nghĩ về người khác và không giết lầm.]
Luận: Khi một người gây ra hành động giết hại vì suy nghĩ “ta phải giết một người như thế”, và đã giết chết chính người đó chứ không phải giết lầm (bất ngộ sát) một người khác thì đó chính là tội giết hại.
(Hỏi) Và khi một người giết chết người khác nhưng lại không biết rõ ràng mình đã đánh đập một chúng sinh hữu tình hay đó chỉ là một vật vô tình, đã đánh đập một người như thế hay là một người khác thì đó có phải là tội giết hại không?
(Đáp) Chắc chắn phạm tội giết hại. Người này đã có hành động đánh đập; và như vậy có nghĩa là người này đã có tâm coi thường [sự giết hại] (parityāga).
Làm thế nào có thể phạm tội giết hại, tức sự làm đoạn diệt sinh khí (prāṇa tức, phong) (prāṇātipāta), khi mà các uẩn đều thuộc sát-na diệt?
(Đáp) Khi nói “sinh khí” đó là ý chỉ cho một loại gió (vāyu) mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào thân và tâm. Loại sinh khí này nếu người phạm tội giết làm cho nó đứt đoạn (atipātayati = vināśayati) tức cũng giống như thổi tắt một ngọn đèn hoặc chấm dứt một tiếng chuông; có nghĩa là làm cho chúng không còn tiếp tục sinh khởi trở lại.
Hoặc nói sinh khí là chỉ cho mạng căn (jivitendriya). Khi một người làm chướng ngại sự sinh khởi thuộc sát-na kế tiếp của mạng căn, tức là đã làm cho nó đứt đoạn, thì người này bị tội giết hại xúc chạm.
(Hỏi) Tuy nhiên, “mạng căn” mà các ông nói đến ở trên là thuộc về ai? Và khi nói “nếu không còn thọ mạng tức phải chết” là nhằm chỉ cho người nào?
(Đáp) Ý nghĩa đích thực của nhóm từ “thuộc về ai? Cho người nào?” sẽ được bàn đến ở chương phá ngã. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu lời dạy của Thế Tôn: “Khi thọ mạng, hơi ấm (noãn) và thức rời khỏi thân thì thân sẽ sụp đổ giống như một khúc gỗ mà không còn tri giác.” Như vậy, nói “sống” là nhằm chỉ cho thân, khi mà thân vẫn còn có các căn (sendriya); và nói “chết” là cũng nhằm chỉ cho thân, khi mà thân đã không còn các căn (anindriya).
Theo phái Ly hệ (Nirgranthas), nếu đã giết hại thì dù không biết, không muốn (abuddhipūrvāt) người tạo tác vẫn phạm tội, cũng giống chạm phải lửa thì phải bị bỏng.
Nếu nói như vậy thì khi vô tình nhìn thấy hoặc đụng phải vợ của người khác cũng có tội (pāpaprasanga); người cạo đầu cho những người thuộc phái Ly hệ cũng có tội; sư phụ của phái Ly hệ cũng có tội bởi vì đã khuyến khích mọi người tu khổ hạnh; và những người cúng dường thức ăn khiến cho một người nào đó thuộc phái Ly hệ bị đau bụng hay tử vong cũng có tội; người mẹ và bào thai vì là nhân của sự khổ não cho nhau cũng có tội; người bị người khác giết cũng có tội bởi vì người này vốn là sở duyên trong tương quan với hành động giết hại của người kia, cũng giống như lửa đốt cháy nơi nương tựa của nó. Trái lại, người sai khiến người khác giết hại sẽ không có tội bởi vì nếu sai khiến người khác chạm vào lửa thì bản thân mình không hề bị bỏng. Và vì những người thuộc phái này không kể đến ý định (buddhiviśeṣa) [của sự giết hại] cho nên gỗ và các thứ khác cho dù là vật vô tri vẫn phải phạm tội khi một ngôi nhà bị đổ và làm thương vong chúng sinh hữu tình. Nếu muốn tránh các hệ quả trên, phái Ly hệ cần biết rằng chỉ đưa ra một tỷ dụ về lửa mà không kèm thêm một luận chứng nào nữa thì không thể bảo vệ được chủ trương của mình.
[Nếu lấy vật mà người khác không cho
Tức đã cưỡng ép lấy làm vật của mình.]
Luận: Tính chất “với điều kiện là không có sự nhầm lẫn” được nói đến ở trên được áp dụng cho tất cả các trường hợp vì thế không cần nhắc lại ở đây.
Nếu cưỡng ép hoặc lén lút lấy làm của mình những gì thuộc về sở hữu (svīkṛta) của người khác và không nhầm lẫn người khác với người mà ta muốn lấy trộm, với người mà ta muốn tước đoạt thì đó chính là tội trộm cắp (bất dữ thủ tội).
Trộm cắp bảo tháp (stūpa, tốt-đổ-ba) tức là lấy đi một vật mà đức phật đã không có ý ban cho: Bởi vì lúc nhập Niết-bàn, Thế Tôn đã thừa nhận rằng tất cả các thứ cúng dường cho bảo tháp đều thuộc của riêng (parigṛhīta). Có luận sư (Vibhāṣā, 113, 7) nói rằng chỉ phạm tội khi lấy mà không có sự cho phép của người giữ tháp.
Khi lấy một vật không có chủ mà không có sự cho phép của người chủ một xứ (quốc chủ).
Khi lấy vật dụng, y bát, v.v., của một vị tăng quá cố; tức lấy những gì mà chúng tăng thuộc trú xứ đó (giới nội tăng) không cho phép đối với trường hợp đã tác bạch yết-ma (kṛte karmaṇi); trong trường hợp ngược lại, tức đã lấy những gì mà tất cả đệ tử của phật không cho phép.
[Bốn loại tà hành
Là có hành động dâm dục không thích hợp.]
Luận: Bốn loại tà hạnh là (1) gian dâm với một phụ nữ bị cấm, với vợ của người khác, với mẹ mình, với con gái mình, với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng; (2) hành dâm với vợ mình theo một cách thức không bình thường; (3) ở những nơi không phù hợp như một nơi lộ liễu, ở tự miếu (caitya, chế-đa), ở nơi xa (araṇya, rừng, sa mạc), (4) vào lúc không thích hợp (akāla), như khi người phụ nữ đang mang thai, cho con bú, khi đã thọ trì trai giới (niyamavatī). Có ý kiến cho rằng chỉ phạm tội khi nào người chồng đã đồng ý để cho vợ mình thọ trì trai giới.
Giống như trong trường hợp của sự giết hại, tính chất “với điều kiện không bị nhầm lẫn” cũng được áp dụng đối với tà hạnh; có nghĩa là vẫn không tạo tác nghiệp đạo nếu hành dâm với vợ của người khác nhưng vẫn tưởng rằng đó là vợ mình.
Tuy nhiên, đối với trường hợp có người tưởng lầm vợ của người khác là vợ của một người nào đó thì có tạo tác nghiệp đạo hay không vẫn có những ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng vẫn có nghiệp đạo bởi vì chỉ cần “là vợ của người khác” tức cũng đủ để làm sở duyên cho gia hành của loại nghiệp này; và cũng vì người này đang hưởng dụng vợ của người khác. Nhưng có người lại cho rằng không có nghiệp đạo bởi vì sở duyên của gia hành không phải là sở duyên của sự hưởng dụng, cũng giống như trường hợp giết lầm người.
(Hỏi) Trong trường hợp hành dâm với Bí-sô-ni có phạm tà dâm không?
(Đáp) Về tội này thì chính người chủ của một nước (quốc vương) cũng đã không thể tha thứ. Ngay chính bản thân người chủ của một nước còn bị cấm hành dâm khi vợ mình đang thọ trì trai giới huống hồ là đối với hành xuất gia.
(Hỏi) Hành dâm với đồng nữ có tạo thành nghiệp đạo không?
(Đáp) Nếu đồng nữ đã hứa hôn thì phạm tội với người mà đồng nữ đã đính hôn; nếu chưa hứa hôn thì đắc tội với người bảo quản (rakṣitar) đồng nữ này; nếu đồng nữ này không có người bảo quản thì đắc tội với nhà vua (antato rājñaḥ). (Vibhāṣā, 113, 8)
[Do nhiễm tâm, dị tưởng mà phát ngôn
Và người khác hiểu được tức thành hư cuống ngữ.]
Luận: Tội nói dối là lời nói được nói ra mang một chủ ý khác (dị tưởng) với ý nghĩa được diễn tả (arthavāda) đối với người hiểu được ý nghĩa này (sở cuống giả). Nếu người nghe không hiểu thì lời nói này trở thành lời nói bậy bạ (tạp uế ngữ) (saṃbhinnapralāpa).
(Hỏi) Có khi lời nói được tạo thành bởi nhiều âm tiết; như vậy âm tiết nào thuộc về nghiệp đạo và âm tiết nào thuộc lời dối trá?
(Đáp) Âm tiết cuối cùng chính là biểu nghiệp và có vô biểu nghiệp đi kèm; hoặc là âm tiết mà người nghe đã dựa vào đó để hiểu nghĩa (giải nghĩa). Các âm tiết trước đó đều là gia hạnh của tội nói dối.
(Hỏi) Phải hiểu nhóm từ “giải nghĩa” (arthābhijña) như thế nào? Có phải đó chính là thời điểm mà người nghe hiểu được ý nghĩa hay đó chính là bản thân người nghe có khả năng hiểu được ý nghĩa (abhijñātuṃ samartha)? Trong trường hợp đầu, các ông phải thừa nhận rằng nghiệp đạo sinh khởi khi người nghe hiểu được nghĩa; và rồi nghiệp đạo chỉ là vô biểu nghiệp bởi vì người nghe hiểu được ý nghĩa nhờ vào ý thức (manovijñāna) mà ý thức thì đi liền sau nhĩ thức (śrotravijñāna); và biểu nghiệp, tức ngữ nghiệp, đã bị diệt cùng thời với nhĩ thức. Trong trường hợp sau thì không gặp phải vấn đề trên; nhưng nếu nói bản thân người nghe “có khả năng hiểu được ý nghĩa” thì điều này có nghĩa là gì?
(Đáp) Nói “có khả năng hiểu được ý nghĩa” là chỉ cho người biết được ngôn ngữ này và từ đó đã sinh khởi nhĩ thức.
(Luận chủ) Cần phải diễn dịch đoạn văn trên như thế nào đó để khỏi bị chỉ trích. Kinh (Dīrgha, 8, 13; Vibhāṣā, 171, 7; Anguttara, ii. 246, iv. 307) dạy rằng có mười sáu “cách nói” (vyavahāra): Tám cách bất thiện (anārya, phi thánh ngôn) là không thấy nhưng nói thấy; không nghe, không biết, không cảm nhận nhưng nói có nghe, có biết, có cảm nhận; có thấy nhưng nói không thấy, có nghe, biết, cảm nhận nhưng nói không nghe, không biết, không cảm nhận. Tám cách thuộc thiện (ārya, thánh ngôn) là không thấy nói không thấy, v.v.
(Hỏi) Ý nghĩa của các từ “được thấy” (dṛṣṭa), “được nghe” (śruta), “được biết” (vijñāta), “được cảm nhận” (mata), là gì?
Tụng đáp:
[Do nhãn thức, nhĩ thức, ý thức
Mà ba loại được chúng tri nhận,
Theo thứ tự trên gọi là
Cái được thấy, nghe, biết và cảm nhận.]
Luận: Cái (cảnh) được tri nhận bởi nhãn thức gọi là “cái được thấy”, …. Cho đến cái được tri nhận bởi tỷ thức, thiệt thức và thân thức đều có tên là “cái được cảm nhận” (giác).
(Hỏi) Làm thế nào chứng minh được giải thích sau cùng này?
(Tỳ-bà-sa) Mùi, vị và sự xúc chạm vì có tánh vô ký (avyākṛtya) cho nên cũng giống như người chết; đây là lý do chúng được gọi là “được cảm nhận”.
(Kinh bộ) Căn cứ vào đâu mà các ông cho rằng nhóm từ “được cảm nhận” là để chỉ cho những gì được ngửi, nếm và xúc chạm?
(Tỳ-bà-sa) Dựa vào các lý chứng của kinh. Kinh nói: “Này Mālakīmātar, ý ông thế nào? Các cảnh sắc mà ông đã không nhìn thấy, chưa từng nhìn thấy, hiện không nhìn thấy, và không nghĩ rằng: ‘Ta sẽ nhìn thấy’, thì đối với chúng ông có sự mong cầu (chanda), có tà dục (rāga), có tham lam (kāma), có tình cảm (preman), có chấp trước (ālaya), có thèm muốn (nikānti), có tìm kiếm (adhyeṣaṇā) không? - Bạch đại đức, không có. - Các âm thanh mà ông đã không nghe… Các pháp mà ý của ông không biết đến thì ông có mong cầu tìm kiếm chúng không? - Bạch đại đức, không có. - Này Mālakīmātar, đối với những gì được nhìn thấy, ông chỉ nghĩ: “Đây là cái được nhìn thấy”, đối với những gì được nghe, được biết, được cảm nhận, ông chỉ nghĩ: “đây là cái được nghe, được biết, được cảm nhận (matamātraṃ bhaviṣyati)”.
(Buddhaghosa) [Visuddhimagga, 451] Những từ “được thấy”, “được nghe”, “được biết” chắc chắn được dùng để chỉ cho các cảnh sắc, các âm thanh, các pháp; và như vậy từ “được cảm nhận” (mata) là để chỉ cho các mùi, vị và sự xúc chạm.
Hơn nữa, nếu không phải như vậy thì những kinh nghiệm có liên quan đến mùi, vị và sự xúc chạm lẽ ra sẽ không được nói đến trong lời dạy của Thế Tôn.
(Kinh bộ) Kinh này không có ý nghĩa như các ông vừa giải thích và cũng không xác nhận cách diễn dịch của các ông về từ “được cảm nhận” (mata) là đúng. Thế Tôn không có ý đưa ra một định nghĩa về các tính chất của bốn loại kinh nghiệm (vyavahāra) “đã thấy, đã nghe, đã biết, đã cảm nhận”. Ý của ngài rất rõ ràng: “Trong bốn loại kinh nghiệm thấy, nghe, v.v., - trong đó mỗi loại đều có sáu cảnh sở duyên là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp - thì ông sẽ chỉ biết được rằng loại kinh nghiệm này đã xảy ra, rằng ông đã nhìn thấy, đã nghe được, v.v., mà không có thể gán ghép thêm cho cảnh sở duyên bất kỳ tính chất nào (nimitta) về sự đáng ưa hay không đáng ưa”.
(Hỏi) Nếu vậy, “được thấy”, “được nghe”, v.v., có những tính chất gì?
(Đáp) Có luận sư (Kinh bộ) nói rằng những gì được tri nhận trực tiếp (hiện sở chứng cảnh) bởi năm căn thân chính là “cái được thấy” (sở kiến, dṛṣṭa); những gì chúng ta biết được nhờ sự truyền đạt của người khác chính là “cái được nghe” (śruta); những gì thu nhận được nhờ vào khả năng suy lý đúng đắn (yuktyanumāna) chính là “cái được cảm nhận” (mata); những gì được tri nhận bởi ý căn chính là “cái được biết” (vijñāta). Như vậy năm loại cảnh - sắc, thanh, hương, vị, xúc - là cái được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết; loại thứ sáu - pháp (dharmas) - không phải là cái được thấy (trừ kiến). Đó là bốn loại kinh nghiệm mà kinh muốn nói đến; vì thế thật sai lầm khi cho rằng “cái được cảm nhận” không nhằm chỉ cho hương, vị, xúc; và loại kinh nghiệm về các đối tượng này đã không được kinh đề cập đến. Từ đó thấy rằng lập luận trên đây của Tỳ-bà-sa không thể đứng vững.
Các luận sư khác (Purvācārya, Quỹ phạm sư) nói rằng cái được thấy là những gì được tri nhận bởi nhãn căn; cái được nghe là những gì được tri nhận bởi nhĩ căn và nghe được từ người khác (paratas cāgamitam); cái được cảm nhận là những gì tự mình thu nhận được; cái được biết là những gì tự thân nhận biết (tự nội sở thọ) (pratyātmaṃ pratisaṃvedita, lạc thọ, v.v), những gì biết được khi nhập định (adhigata) (tự sở chứng).
(Hỏi) Nếu do thân biểu chứ không phải ngữ biểu mà khiến cho người khác hiểu được những điều không có trong tâm tưởng của mình (dị tưởng) thì có phạm tội nói dối không?
(Đáp) Vẫn phạm bởi vì Bổn luận có nói: “Một người có thể bị tội giết hại xúc phạm nếu thân không tạo tác, không có hành động tấn công không? - Vẫn phạm nếu có phát ngữ. - Có thể bị tội nói dối xúc chạm nếu không phát ngữ không? - Vẫn phạm nếu có động thân. - Có thể bị tội giết hại, tội nói dối xúc phạm mặc dù không động thân cũng không phát ngữ không? - Vẫn phạm; như trong trường hợp tiên nhân (ṛṣis) nổi sân tức phạm tội giết hại; hoặc một Bí-sô giữ im lặng vào lúc thính giới (poṣadha, bố-sái-tha) [tức phạm tội nói dối]”.
(Hỏi) Làm thế nào tiên nhân hay Bí-sô có thể tạo thành loại nghiệp đạo vừa thuộc biểu vừa thuộc vô biểu? Cả tiên nhân và Bí-sô đều không động thân cũng không phát ngữ tức sẽ không có biểu nghiệp; và vô biểu nghiệp hệ thuộc Dục giới sẽ không có phát khởi nếu không có biểu nghiệp.
(Đáp) Đây là vấn nạn cần được [các luận sư Tỳ-bà-sa] giải thích tường tận.
Trên đây đã nói về tội nói dối; tiếp theo là phần bàn về ba tội còn lại của ngữ nghiệp.
[Do tâm nhiễm ô muốn chia rẽ mà nói lời hại người
Là lời nói ác độc
Lăng mạ người khác là lời nói nhục mạ.
Mọi thứ nhiễm ô đều là lời nói bậy bạ.
Có thuyết cho rằng đó là lời nói nhiễm ô khác với ba loại trước,
Như lời nói khoe khoang, ca hát, tà luận, v.v.]
Luận: Những lời nói xuất phát từ tâm nhiễm ô nhằm chia rẽ người khác, gây sự xích mích, đều là lời nói ác độc. Những điều kiện cần thiết để tạo thành nghiệp đạo như “người nghe hiểu được; và không có sự nhầm lẫn” được nói ở trên vẫn được áp dụng ở đây.
Lời nói xuất phát từ một tâm nhiễm ô, muốn làm nhục người khác, cố ý nói cho người khác nghe (bổn kỳ tâm sở dục mạ) và người khác khi nghe có thể hiểu được chính là lời nói nhục mạ.
Tụng văn nói: “Mọi thứ nhiễm ô” (chư nhiễm) nhưng thật ra chỉ để chỉ cho ngữ nghiệp. Tất cả lời nói nhiễm ô đều thuộc loại lời nói bậy bạ (saṃbhinnapralāpa). Những ai nói lời như thế đều là “người nói bậy bạ” (saṃbhinnapralāpin); vì thế tụng văn đã dùng từ bhinnapralāpita thay vì saṃbhinnapralāpa.
Có luận sư khác nói rằng lời nói bậy bạ là loại lời nói nhiễm ô khác biệt với ba loại trước. Lời nói dối, lời nói ác độc, lời nói nhục mạ, cũng là lời nói nhiễm ô; tuy nhiên người ta đã dùng từ “lời nói bậy bạ” để chỉ cho loại ngôn ngữ nhiễm ô không phải là lời nói dối, lời ác độc hay lời sỉ nhục. Chẳng hạn như có một Bí-sô nói lời khoe khoang chỉ để nhận được vật phẩm cúng dường, v.v.; những việc làm vô bổ như ca hát ngâm vịnh, chỉ vì để làm vừa lòng người khác mà đã dùng đến những lời nói tầm phào vô bổ; như trường hợp vì tin theo tà thuyết mà đọc tụng các kinh sách không có chánh kiến; ngoài ra, cũng phải kể thêm các trường hợp khác như những lời ta thán (parideva), những lời nói đùa (saṃgaṇikā), tất cả những lời lẽ xuất phát từ tâm nhiễm ô nhưng không phải là lời nói dối, có ác ý hoặc để hạ nhục kẻ khác.
(Hỏi) Vào thời của Chuyển luân vương cũng có ca hát ngâm vịnh nhưng tại sao không gọi đó là “lời lẽ bậy bạ”?
(Đáp) Bởi vì vào thời đó nội dung của các bài ca đều có cảm hứng từ loại tâm xuất ly (naiṣkramya) chứ không phải vì nhục dục. Hoặc có ý kiến cho rằng vẫn có loại “lời nói bậy bạ” vào thời đó bởi vì người ta vẫn có nói lời cầu hôn, v.v.; tuy nhiên những lời lẽ này không tạo thành nghiệp đạo thuộc loại này.
[Ham muốn tài vật người khác là nghiệp đạo tham;
Chúng sinh thù ghét nhau là nghiệp đạo sân;
Cho rằng không có thiện ác, v.v.
Là nghiệp đạo tà kiến.]
Luận: Muốn chiếm đoạt tài sản của người khác một cách phi lý (viṣameṇa), một cách không đúng đắn (anyāyena) bằng quyền lực hoặc lén lút được gọi là nghiệp đạo tham (abhidhyā). Có ý kiến cho rằng tất cả các loại ái (tṛṣṇā) thuộc Dục giới đều gọi là nghiệp đạo tham bởi vì kinh Ngũ cái (nīvaraṇas) khi nói về tham dục (kāmacchanda) có viết: “Sau khi đoạn trừ tham (abhidhyā)…”. (Saṃyukta, 29, 3; Dīrgha, iii. 49; Majjhima, iii. 3).
Tuy nhiên có luận sư nói rằng chuyển luân vương và những người thuộc châu Uttarakuru không phạm nghiệp đạo tham mặc dù họ chưa xả ly ái thuộc Dục giới. Vì thế có thể thừa nhận tất cả các loại ái thuộc Dục giới đều là tham (abhidhyā) nhưng không phải tất cả các loại tham đều là nghiệp đạo; bởi vì chỉ có những ác hạnh thô hiển nhất mới được xem như thuộc về nghiệp đạo.
Nghiệp đạo sân là sự thù hận của chúng sinh. Chính vì sự thù hận này mà người ta có ý muốn làm hại người khác.
Nghiệp đạo tà kiến là loại ý kiến cho rằng không có thiện cũng không có ác; như kinh nói: “Không có bố thí, tế tự, diệu hạnh, ác hạnh, v.v., không có A-la-hán trên thế gian.” Như đoạn kinh trên cho thấy tà kiến bao gồm của sự phủ nhận về nghiệp, quả, thánh giả; tuy nhiên tụng văn chỉ trưng dẫn trường hợp đầu tiên.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.173.64 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.