Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 17 »»

A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 17

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.53 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Câu Xá

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Việt dịch: Đạo Sinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần 17
Trước đây đã giải thích các tính chất của mười nghiệp đạo; tiếp theo sẽ nói về ý nghĩa của nghiệp đạo.
[Trong số này chỉ có ba loại là nghiệp đạo;
Bảy nghiệp còn lại cũng là đạo.]
Luận: Tham, sân, tà kiến là các nghiệp đạo; và nghiệp đạo, tức lộ trình của nghiệp, cũng còn gọi là tư (cetanā). Thật vậy, tâm sở tư vốn tương ưng (tatsaṃprayoginī) với tham, sân, tà kiến (bỉ tương ưng tư) đã có thể chuyển động được là vì có sự chuyển động của chúng (bỉ chuyển cố chuyển) và nhờ vào lực của chúng mà tư khi muốn (abhisaṃskaroti = cetayate) phối hợp với chúng đã có thể vận hành theo sự vận hành của chúng.
Tội giết hại và sáu tội còn lại đều là nghiệp bởi vì thể của chúng vốn là các nghiệp thuộc thân và ngữ; và chúng cũng là lộ trình của nghiệp được gọi là tư bởi vì loại tư có khả năng dẫn khởi các nghiệp này (năng đẳng khởi thân ngữ nghiệp tư) (tatsamuthānacetanāyāḥ) đều kết thúc và tồn tại ở trong các tội này.
Như vậy nhóm từ “nghiệp đạo” chỉ có nghĩa là lộ trình của nghiệp khi được chỉ cho tham, sân, tà kiến; nhưng nếu được dùng để chỉ cho các tội giết hại, v.v., thì lại có cả hai nghĩa là nghiệp và nghiệp đạo (nghiệp nghiệp đạo nghĩa, karma karmapathaś ca). Cách dùng dạng phức hợp này vẫn hợp lý theo nguyên tắc “tuy không cùng loại nhưng một vẫn có thể biểu trưng cho tất cả” (asarūpāṇām apy ekaśeṣaḥ); có nghĩa là “ngay cả khi các thành phần của một phức hợp đều khác nhau nhưng [vẫn có thể] chỉ giữa lại một [phần biểu trưng]”. (Pāṇini, i. 2. 64).
Đối với các nghiệp đạo thiện là các sự xả ly giết hại, v.v., vô tham (anabhidhyā), v.v., cũng được phân tích theo cách trên.
(Hỏi) Tại sao gia hành (prayoga) và hậu khởi (pṛṣṭha) không được xem là nghiệp đạo?
(Đáp) Bởi vì đối với nghiệp căn bổn (maulakarman) thì gia hành đã được hoàn tất; và hậu khởi thì lại lấy nghiệp căn bổn làm gốc. Hơn nữa chỉ có nghiệp đạo là loại thô hiển nhất trong số các diệu hạnh và ác hạnh. Vả lại nghiệp đạo chính là các hành động mà khi tăng thêm hoặc giảm bớt đều có ảnh hưởng đến sự tăng giảm của ngoại vật và chúng sinh hữu tình.
Các luận sư Kinh bộ không thừa nhận tư (cetanā) là ý nghiệp (manaskarman); đối với họ, không có ý nghiệp tách rời với tham, v.v.. Và như vậy thì bộ phái này phải giải thích như thế nào về các sự kiện các kinh điển đều gọi tham, v.v., là nghiệp đạo? Đây là vấn đề mà Kinh bộ cần có câu trả lời.
Không khó khăn gì để trả lời vấn đề trên. Tham, sân và tà kiến đều là ý nghiệp (karman) và chúng cũng là con đường (đạo, patha) của ác thú; hoặc tham, sân và tà kiến đều làm đường đi cho nhau (hỗ tương thừa), bởi vì tham có thể giúp cho sân và tà kiến chuyển động (vāhayati); và ngược lại, sân và tà kiến cũng có khả năng như vậy.
(Hỏi) Mười nghiệp đạo bất thiện đều tương vi với các thiện pháp; nhưng đoạn trừ thiện căn là do loại nghiệp đạo nào và điểm khác nhau giữa sự đoạn trừ và tiếp nối các thiện căn là gì?
Tụng đáp:
[Tà kiến đoạn trừ thiện căn; đó là các căn sinh đắc ở Dục giới.
Tất cả các tà kiến bác bỏ nhân quả, v.v.
Dần dần làm đứt đoạn thiện căn và cả nghiệp đạo.
Chỉ có người của ba châu, nam và nữ,
Người thuộc loại kiến hành làm đứt đoạn thiện căn.
Nối tiếp thiện căn cần có nghi, hữu kiến
Như nhanh chóng trừ bệnh tức có khí lực;
Ngoại trừ tạo tội ngũ nghịch.]
Luận: Sự đứt đoạn thiện căn (kuśalamūlasamuccheda) xảy ra là do loại tà kiến thuộc nhóm thứ chín (thượng phẩm).
(Hỏi) Nếu cho rằng chỉ có tà kiến làm cho thiện căn đứt đoạn, tại sao Bổn luận nói: “Các căn bất thiện thuộc thượng phẩm là gì? - Là các căn bất thiện có khả năng đoạn trừ các thiện căn; hoặc là các căn bất thiện được xả bỏ đầu tiên khi đắc được sự xả ly Dục giới (kāmavairāgya)”? (Jñānaprasthāna, 2, 8; Vibhāṣā, 35, 5). Đoạn văn này cho thấy tham và các căn bất thiện khác làm đứt đoạn các thiện căn.
(Đáp) Chỉ có tà kiến làm đứt đoạn thiện căn; nhưng tà kiến lại được dẫn dắt (adhyāhṛta = upnīta) bởi các căn bất thiện vì thế Bổn luận mới gán cho chúng loại hành động vốn chỉ thuộc riêng về tà kiến. Cũng giống như chính ngọn lửa mới đốt cháy ngôi làng nhưng người ta lại nói rằng giặc cướp đốt cháy ngôi làng.
(Hỏi) Những thiện căn nào bị đoạn?
(Đáp) Đó chỉ là các thiện căn sinh đắc thuộc Dục giới (Kāmapta) bởi vì một người doạn thiện căn thì chưa thành tựu các thiện căn thuộc sắc giới và Vô sắc giới.
(Hỏi) Nếu vậy, làm sao giải thích đoạn văn sau đây của Thi thiết Luận: “Vì thế mà thiện căn thuộc cả ba giới của kẻ này (pudgala) đã bị đoạn”? (Vibhāṣā, 35, 14).
(Đáp) Đoạn văn trên chỉ muốn nói rằng vào lúc này thì sự đắc được thiện căn thuộc các giới cao hơn đã trở nên quá xa vời, và sở dĩ như vậy là vì người này trước đây vốn có thể (bhājana) đắc được các thiện căn này nhưng đã không thể làm như vậy (phi bỉ khí) vì các thiện căn Dục giới đã bị đứt đoạn.
(Hỏi) Tại sao chỉ đoạn thiện căn sinh đắc (upapatilābhika)?
(Đáp) Bởi vì người đoạn thiện căn vốn đã thối thất các thiện căn đắc được do gia hành (prāyogika).
(Hỏi) Sở duyên của loại tà kiến nào làm đứt đoạn thiện căn?
(Đáp) Đó là sự phủ nhận về nhân: “Không có diệu hạnh cũng không có ác hạnh”; và sự phủ nhận về quả: “Không có dị thục làm quả báo của diệu hạnh và ác hạnh”.
Có luận sư cho rằng hai loại tà kiến bác bỏ nhân và quả này hỗ trợ cho sự làm đứt đoạn các căn cũng giống như vô gián đạo (ānantaryamārga) và giải thoát đạo (vimuktimārga) hỗ trợ cho sự đoạn trừ các phiền não.
Có luận sư lại nói rằng loại tà kiến đoạn thiện căn này chỉ duyên (có nghĩa là chỉ bác bỏ) các pháp hữu lậu (sāsrava), tức khổ và tập đế, mà không duyên các pháp vô lậu (anāsrava), tức diệt và đạo đế; loại tà kiến này cũng chỉ duyên tự giới, tức nơi con người đang tồn tại (sabhāgadhātu) chứ không phải Sắc giới và Vô sắc giới. Thật vậy, loại tà kiến phủ nhận các pháp vô lậu hoặc duyên các giới cao hơn vốn cơ lực rất yếu ớt bởi vì nó chỉ liên hệ đến các pháp và các giới này qua sự tương ưng.
Những luận sư Tỳ-bà-sa lại cho rằng thiện căn bị làm đứt đoạn bởi tất cả các loại tà kiến, tức các tà kiến duyên nhân, duyên quả, duyên pháp vô lậu, duyên pháp hữu lậu, duyên Dục giới, cũng như các giới cao hơn.
Có luận sư nói rằng chín phẩm thiện căn - từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm - đều bị làm cho đứt đoạn trong cùng một lúc bởi một sát-na của tà kiến; cũng giống như các phiền não thuộc kiến đoạn (kiến sở đoạn hoặc) đều bị đoạn trừ toàn bộ bởi kiến đạo.
Nhưng Tỳ-bà-sa lại cho rằng chỉ có thể làm đứt đoạn dần dần. Các thiện căn bị làm đứt đoạn theo cách giống như các phiền não thuộc tu đoạn (tu sở đoạn hoặc) được đoạn trừ bởi tu đạo (satyabhāvanā); có nghĩa là loại thiện căn thượng thượng phẩm (adhimātrādhimātrā) bị làm đứt đoạn bởi loại tà kiến hạ hạ phẩm, cho đến loại thiện căn hạ hạ phẩm thì bị làm đứt đoạn bởi loại tà kiến thượng thượng phẩm. Chủ trương này phù hợp với đoạn văn sau đây của Bổn luận (Jñānaprasthāna, 2, 8): “Các thiện căn vi tế và câu hành (aṇusahagata) là gì? - Là các thiện căn được xả bỏ cuối cùng khi đoạn thiện căn; vì xả bỏ các thiện căn này mà người đó được gọi là “đoạn thiện căn””.
(Hỏi) Nếu sự đứt đoạn xảy ra từ từ thì làm thế nào giải thích đoạn văn trước đây của Bổn Luận: “Các căn bất thiện thuộc thượng phẩm là gì? - Là các căn bất thiện có khả năng đoạn trừ các thiện căn”?
(Đáp) Đoạn văn trên có ý chỉ cho sự hoàn tất (y cứu cánh mật thuyết) của việc đoạn thiện căn, bởi vì chính do các căn bất thiện thuộc thượng phẩm mà toàn bộ thiện căn bị biến mất (nirravaśeṣaccheda). Chừng nào các thiện căn thuộc nhóm cuối cùng (hạ hạ phẩm) vẫn chưa bị đứt đoạn thì chúng nhất định vẫn có khả năng làm hiện khởi các nhóm thiện căn khác.
Có luận sư cho rằng sự đứt đoạn chín phẩm thiện căn xảy ra cùng một lúc và không bị gián đoạn (avyutthānena) cũng giống như sự đoạn trừ các phiền não thuộc kiến đạo. Nhưng Tỳ-bà-sa lại nói rằng sự đứt đoạn của thiện căn có khi xảy ra không gián đoạn nhưng cũng có khi phải xảy ra nhiều lần (Vibhāṣā, 5, 12).
Có luận sư nói rằng sự xả bỏ luuật nghi (saṃvaraprahāṇa) xảy ra trước khi đứt đoạn thiện căn; nhưng Tỳ-bà-sa lại nói răng nghiệp đạo chỉ bị xả bỏ (tyāga) khi thối thất loại tâm mà nghiệp đạo là quả của nó (Vibhāṣā, 35, 13).
(Hỏi) Những hạng chúng sinh nào có thể làm đứt đoạn thiện căn?
(Đáp) Chỉ có loài người mới có thể làm đứt đoạn thiện căn chứ không phải các chúng sinh ở ác thú (āpāyika) vì sự phân biệt (tuệ, prajñā) của các chúng sinh này có thể bị nhiễm ô hoặc không bị nhiễm ô (kliṣṭa, akliṣṭa) cho nên không có tính chất chắc chắn (dṛḍha); và cũng không phải chúng sinh ở cõi thiên bởi vì đối với họ thì nghiệp quả xuất hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ có ở ba châu chứ không có ở châu Uttarakuru bởi vì con người ở đó không có ý định (āśaya, a-thế-da) quá ác.
Có luận sư cho rằng chỉ có con người của châu Jambudvīpa mới đoạn thiện căn; tuy nhiên chủ trương này đi ngược lại Bổn luận. Bổn luận có đoạn viết: “Loài người ở châu Jambudvīpa thành tựu ít nhất là tám căn; và loài người ở hai châu Pūravavideha và Avaragodānīya cũng vậy.” (Jñānaprasthāna, 15, 11).
Có luận sư nói rằng nữ giới không đoạn thiện căn vì ý chí (chanda) và sự chuyên cần của họ đều bị muội độn (manda); tuy nhiên quan điểm này đi ngược lại Bổn luận, Bổn luận viết: “Người nào thành tựu nữ căn thì chắc chắn phải thành tựu tám căn”; vì thế biết rằng cả nam và nữ giới đều có khả năng làm đứt đoạn thiện căn.
Những người nặng vì tình (tṛṣṇācarita, ái hành giả) không đoạn thiện căn bởi vì ý định (āśaya) của họ có tính chất tháo động (cala). Chỉ có những người nặng về lý (dṛṣṭicarita, kiến hành giả) mới đoạn thiện căn vì ý định của họ thường ác độc (pāpa), kiên cố (dṛḍha) và sâu kín (gūḍha).
Vì những lý do trên, các hoạn quan, v.v., cũng không thể đoạn thiện căn vì họ thuộc loại ái hành (tṛṣṇācaritapakṣatvāt) và vì sự phân biệt của họ (prajñā) không chắc chắn, cũng giống như chúng sinh ở các ác thú.
(Hỏi) Thể tánh của sự đoạn thiện căn là gì?
(Đáp) Chính là phi đắc (aprāpti). Khi sự hoạch đắc (prāpti) các thiện căn không còn sinh khởi trở lại, tức không còn tiếp tục, thì lúc đó sự không hoạch đắc (phi đắc) phát sinh; và sự không hoạch đắc phát sinh thì đó là sự đứt đoạn của thiện căn.
(Hỏi) Khi đã bị đoạn, làm thế nào thiện căn có thể sinh khởi trở lại?
(Đáp) Là nhờ có nghi và có cái thấy về sự hiện hữu của nhân (hữu kiến), v.v.. Đây là trường hợp của những người đã đoạn thiện căn nhưng đối với nhân và quả lại có khởi nghi hoặc thấy được sự hiện hữu của chúng (astidṛṣṭi), có nghĩa là chánh kiến (samyagdṛṣṭi). Khi chánh kiến sinh khởi thì người ta nói rằng thiện căn đã sinh khởi trở lại bởi vì sự hoạch đắc các thiện căn này đã xuất hiện kể từ lúc đó (tatprāptisamudācārāt). Các căn sinh khởi trở lại trong chín nhóm của chúng nhưng lại hiển lộ dần dần; cũng giống như lấy lại sức khỏe (ārogya) trước sau đó mới dần dần có sức mạnh.
Những người khác đã đoạn thiện căn có thể sinh khởi trở lại thiện căn ngay từ đời này; nhưng người nào đã phạm tội ngũ nghịch (vô gián, ānantarya) mà đoạn thiện căn thì không thể sinh khởi chúng trở lại. Về trường hợp này, kinh (Madhyama, 37) có nói: “Kẻ này (pudgala) không thể (abhavya) khởi lại thiện căn ở đời này, tuy nhiên chắc chắn có thể khởi lại thiện căn khi mất (cyavamāna) ở địa ngục hoặc khi thọ sinh (upapadyamāna)”. Nói “khi thọ sinh” là chỉ cho giai đoạn của trung hữu; và “khi mất” là chỉ cho giai đoạn sắp chết ở địa ngục (narakacyutyabhimukha). Các thiện căn sẽ sinh khởi trở lại khi thọ sinh trong trường hợp đã bị đoạn do lực của nhân (hetubalena); và sẽ sinh khởi trở lại khi sắp chết trong trường hợp đã bị đoạn do lực của duyên (pratyaya). Đối với trường hợp đã bị đoạn do tự lực hoặc tha lực thì khi sinh khởi cũng khác nhau như vậy.
Đối với người thuộc “ý lạc hoại” (āśayavipanna) - tức bị thối thất (vipanna, vinaṣṭa) thiện căn do tà kiến (mithyādṛṣṭisaṃmukhībhāva) - thì họ có thể khởi lại thiện căn ngay trong đời này; nhưng những người thuộc “ý lạc hoại” và cả “gia hành hoại” (prayogavipanna) - tức bị thối thất và phạm thêm tội vô gián (ānantarya) - thì họ chỉ có thể khởi lại thiện căn sau khi thân này đã bị hoại. [Đây là một sự biến đổi của những gì đã được nói ở trên: “những người làm đứt đoạn thiện căn do tự lực và tha lực…”]. Sự khác biệt này cũng xảy ra đối với trường hợp bị đứt đoạn do tà kiến (kiến hoại, dṛṣṭivipanna) và trường hợp vừa bị kiến hoại vừa bị giới hoại (śīlavipanna) (tức bị đứt đoạn vì phạm thêm tội vô gián). [Đây cũng là một sự biến đổi của trường hợp đi liền ngay trước đó].
Có thể có trường hợp đã đoạn thiện căn (samucchinnakuśalamūla) nhưng không thệ nguyện đánh mất (mithyātvaniyata). Có bốn trường hợp: (1) (Pūraṇa)(Bố-thích-nã) và năm luận sư khác; (2) (Ajātaśatru) (A-xa-thế); (3) (Devadatta) (Thiên thọ); (4) những người không đoạn thiện căn và không phạm tội vô gián.
Người có tà kiến nếu đoạn thiện căn tức đọa địa ngục vô gián (Avīci); người phạm tội vô gián thì đoạn dịa ngục vô gián hoặc các địa ngục khác.
(Hỏi) Tư (cetanā) là căn nguyên của nghiệp; nhưng tư có thể dung chuyển với bao nhiêu loại nghiệp đạo?
Tụng đáp:
[Tư cùng chuyển với nghiệp đạo;
Nếu bất thiện thì có từ một đến tám nghiệp đạo;
Nếu thiện thì có mười nghiệp đạo,
Nhưng không cùng chuyển với một, tám, năm nghiệp đạo.]
Luận: (1) Trường hợp nghiệp đạo thuộc loại bất thiện:
Tư cùng chuyển với một nghiệp đạo là khi có tham, sân, hoặc tà kiến hiện khởi nhưng không có một loại nghiệp thuộc sắc (rūpin) nào xảy ra; hoặc khi một người đã có chuẩn bị trước (tiên gia hành tạo) một trong các sắc nghiệp nhưng lại có tâm không nhiễm ô (thiện hoặc vô ký) vào lúc chỉ vì nông nổi mà phạm phải nghiệp đạo này.
Tư cùng chuyển với hai nghiệp đạo là khi một người khởi tâm sân (vyāpannacitta) mà giết hại (prāṇivadha); khi một người vì tham (abhidhyāviṣṭa) mà trộm cắp, hoặc phạm tà dâm, hoặc nói lời bậy bạ.
Tư cũng chuyển với ba nghiệp đạo là khi một người vì tâm sân hận mà giết hại và trộm cắp trong cùng một lúc.
(Hỏi) Nếu vậy, tại sao trước đây nói rằng tội trộm cắp chỉ được thành tựu (niṣṭhā) do tham (lobha)?
(Đáp) Nói như vậy là để chỉ cho trường hợp thành tựu (parisamāptau) tội trộm cắp (adattādāna) ở những người chỉ nghĩ đến (bất dị tâm) việc trộm cắp (apaharaṇa).
Một trường hợp khác trong đó tư cũng chuyển cùng với ba nghiệp đạo là khi có tham dẫn khởi (saṃmukhībhāva) vào lúc sai sử người khác phạm hai nghiệp đạo thuộc sắc.
Tư cùng chuyển với bốn nghiệp đạo là khi vì muốn chia rẽ mà nói lời dối trá (anṛtavacana) hoặc lời nhục mạ (paruṣavacana), tức sẽ có một nghiệp đạo thuộc về ý và ba nghiệp đạo thuộc về ngữ; hoặc khởi tâm tham, v.v. (abhidhyādigata) vào lúc tạo tác ba nghiệp đạo thuộc về sắc.
Tư cùng chuyển với năm, sáu, bảy nghiệp đạo là khi tâm khởi tham, v.v., vào lúc tạo tác bốn, năm, sáu nghiệp đạo.
Tư cùng chuyển với tám nghiệp đạo là khi đã có gia hành của sáu nghiệp đạo giết hại, v.v., và vào lúc tạo tác sáu nghiệp đạo này lại khởi tham mà phạm tội tà dâm.
Tư không cùng chuyển với chín hoặc mười nghiệp đạo vì tham, sân và tà kiến không khởi cùng thời.
(2) Trường hợp nghiệp đạo thuộc thiện:
Nói chung, tư có thể cùng chuyển với mười nghiệp đạo thiện; nhưng tư không cùng chuyển với một, tám hoặc năm nghiệp đạo.
Tư cùng chuyển với hai nghiệp đạo là khi một người đang nhập định Vô sắc (ārūpya), thành tựu tận trí (kṣayajñāna) hoặc vô sinh trí (anutpādavijñāna), tức cả năm thức đều thuộc thiện tánh; vì thế có hai nghiệp đạo là vô tham và vô sân.
Tư cũng chuyển với ba nghiệp đạo là khi ý thức (manovijñāna) tương ưng với chánh kiến (samyagdṛṣṭi) và không có bảy thiện nghiệp đạo thuộc sắc.
Tư cùng chuyển với bốn nghiệp đạo là khi có tâm bất thiện hoặc vô ký nhưng lại đắc được luật nghi Cận sự (Upāsaka) hoặc luật nghi Cần sách (Śrāmaṇera) có bốn thiện nghiệp đạo thuộc sắc là không giết hại, v.v..
Tư cũng chuyển với sáu nghiệp đạo là khi đắc được các luật nghi nói trên với năm thức thuộc thiện, tức có bốn thiện nghiệp đạo thuộc sắc, một nghiệp đạo vô tham, và một nghiệp đạo vô sân.
Tư cũng chuyển với bảy nghiệp đạo là khi đắc được các luật nghi nói trên với ý thức thuộc thiện và có thêm chánh kiến; hoặc khi có tâm bất thiện hoặc vô ký nhưng lại đắc được luật nghi Bí-sô, tức có bảy nghiệp đạo hoàn toàn thuộc sắc.
Tư cùng chuyển với chín nghiệp đạo là khi đắc được luật nghi Bí-sô với năm thức thân thuộc thiện nhưng không có chánh kiến; khi đắc được luật nghi Bí-sô vào lúc thành tựu tận trí hoặc vô sinh trí trong khi nhập định Vô sắc [đây là trường hợp của hai nghiệp đạo ở trên; cộng thêm bảy nghiệp đạo thuộc luật nghi không phải là vô biểu]; khi đang nhập vào một loại định thuộc tĩnh lự (dhyāna) mà thành tựu tận trí hoặc vô sinh trí [tức không có chánh kiến mà có bảy nghiệp đạo thuộc sắc cùng hiện hữu vì chúng là một phần của luật nghi tĩnh lự (avijñapti)].
Tư cùng chuyển với mười nghiệp đạo là khi đắc được luật nghi Bí-sô với ý thức thuộc thiện, ngoại trừ trường hợp của tận trí và vô sinh trí, tức là trường hợp của tất cả các tư cùng khởi (sahavartini) với luật nghi tĩnh lự và với luật nghi vô lậu khi mà loại tư này không tương ưng với tận trí hoặc vô sinh trí.
Trên đây đã giải thích với những điều kiện nào mà tư cùng chuyển với các thiện nghiệp đạo thuộc về luật nghi (saṃvarasaṃgṛhīta). Nếu chỉ xét đến các nghiệp đạo không thuộc về luật nghi thì cùng có thể cùng chuyển với một nghiệp đạo, năm nghiệp đạo, tám nghiệp đạo khi (1) lìa bỏ được một tội (đắc nhất chi viễn ly, ekāngaviratisamādāna) và có một tâm khác với tâm phát khởi sự lìa bỏ này, tức là loại tâm nhiễm ô hoặc vô ký; (2) lìa bỏ được hai tội và có ý thức thuộc thiện: Ý thức thuộc thiện này có ba ý nghiệp, cộng thêm hai sắc nghiệp tức là sự lìa bỏ này; (3) lìa bỏ được năm tội trong những điều kiện giống như ở trên.
(Hỏi) Nghiệp đạo nào chỉ được thành tựu và nghiệp đạo nào vừa thành tựu vừa hiện hành?
Tụng đáp:
[Ở địa ngục là cõi thú bất thiện,
Lời nói nhục mạ, bậy bạ và sân có cả hai cách.
Tham và tà kiến chỉ có thành tựu.
Bắc châu thành tựu ba nghiệp đạo cuối;
Tạp uế ngữ có cả hiện hành;
Ở nơi khác của Dục giới lại có cả hiện hành
Ở tất cả các nơi
Ba thiện nghiệp cuối vừa hiện hành vừa thành tựu.
Chúng sinh vô sắc và vô tưởng
Chỉ thành tựu thiện nghiệp đạo ở trước;
Những chúng sinh khác vừa thành tựu vừa hiện hành,
Ngoại trừ địa ngục và Bắc châu.]
Luận: Trong mười nghiệp đạo bất thiện có ba nghiệp đạo ở địa ngục vừa thành tựu vừa hiện hành là (1) lời nói bậy bạ bởi vì chúng sinh ở địa ngục thường kêu than (parideva); (2) lời nói sỉ nhục bởi vì họ thường chửi mắng nhau (nigraha); (3) sân hận bởi vì tâm địa của họ vốn tàn nhẫn vô tình nên thường oán ghét nhau (cittasaṃtānapāruṣyāt).
Chúng sinh ở địa ngục thành tựu tham và tà kiến; nhưng hai nghiệp đạo này không thực sự hiện hành bởi vì ở đó không có các cảnh sở duyên được họ chấp trước (rañajanīyavastu) (vô khả ái cảnh); hơn nữa, nghiệp quả vốn đã hiển lộ.
Ở địa ngục không có nghiệp giết hại vì chúng sinh ở đó chết là do nghiệp đã hết (nghiệp tận, karmakṣaya); không có nghiệp trộm cắp và tà dâm vì không có riêng tài vật và nữ nhân (dravyastrīparigrahābhāvāt); không nói dối vì vô dụng; không nói lời độc ác vì vô dụng và thường ly tán.
Tham, sân và tà kiến tồn tại ở châu Kuru với nghĩa chúng sinh ở đó có thành tựu ba loại nghiệp đạo này nhưng, thật ra, không có tham ở đó vì không có sở hữu riêng; cũng không có sân vì tâm địa hiền hòa (snigdhasaṃtānatvāt), vì không có những sự việc gây phiền não (āghātavastu); cũng không có tà kiến vì không có ác ý (apāpāśāyatvat). Riêng tạp uế ngữ thì vừa thành tựu vừa hiện hành vì chúng sinh ở đó thường ca hát với tâm nhiễm ô.
Vì không có ác ý, vì thọ lượng có giới hạn rõ ràng, vì không có sở hữu riêng về tài vật cũng như phụ nữ, và vì vô dụng cho nên không có sự giết hại và các nghiệp đạo khác.
(Hỏi) Nếu chúng sinh ở châu Kuru không có riêng phụ nữ (parigraha) thì họ giao hợp với nhau như thế nào?
(Đáp) Khi muốn hưởng lạc với một phụ nữ nào đó thì họ kéo tay người này đến một gốc cây. Nếu phụ nữ này là người mà họ được phép hành dâm thì các cành cây sẽ rũ xuống để che phủ họ; nếu không được phép thì các cành cây sẽ không che phủ họ.
Ở những nơi khác của Dục giới, tức trừ địa ngục và châu Kuru ra, đều có mười nghiệp đạo thành tựu và hiện hành.
Đối với bàng sinh, quỷ và chư thiên, các nghiệp đạo bất thiện không nhiếp thuộc bất luật nghi (asaṃvaranirmukta); nhưng đối với con người thì có thể nhiếp thuộc hoặc không nhiếp thuộc bất luật nghi.
(Hỏi) Ở cõi trời nghiệp đạo giết hại không?
(Đáp) Chư thiên không giết hại nhau nhưng vẫn có trường hợp họ giết hại chúng sinh thuộc các thú khác như quỷ, v.v.. Có thuyết cho rằng chư thiên cũng giết hại nhau bằng cách chặt đầu hoặc chặt ngang lưng.
Các thiện nghiệp đạo vô tham, vô sân, và chánh kiến đều thành tựu và hiện hành ở tất cả các giới và các thú.
Chúng sinh Vô sắc giới và Vô tưởng chỉ thành tựu bảy nghiệp đạo thiện thuộc sắc, tức các nghiệp đạo thuộc thân và ngữ. Thánh giả tái sinh vào Vô sắc giới thành tựu (samanvāgata) luật nghi hoặc luật nghi vô lậu thuộc quá khứ và vị lai; chúng sinh Vô tưởng cũng thành tựu luật nghi tĩnh lự trong các điều kiện như vậy.
Luật nghi vô lậu quá khứ được thành tựu bởi thánh giả tái sinh vào Vô sắc giới có sở y (āśraya) là một tầng thiền hoặc các tầng thiền mà thánh giả đã phát khởi hoặc hủy diệt; nhưng luật nghi vô lậu vị lai lại lấy tất cả năm địa làm sở y, tức Dục giới và bốn tầng thiền.
Những chúng sinh khác, tức ở các giới và các thú khác ngoại trừ địa ngục và châu Kuru, vừa thành tựu vừa hiện hành bảy thiện nghiệp đạo. Chúng sinh ở địa ngục và châu Kuru không có luật nghi (samādānaśīla). Ở những nơi khác cả bảy thiện nghiệp đạo thuộc sắc đều hiện hành.
Ở đây có điểm khác biệt: Đối với bàng sinh và quỷ, các thiện nghiệp đạo không bao giờ nhiếp thuộc luật nghi; nhưng ở Sắc giới thì lại nhiếp thuộc luật nghi; ở những nơi khác các thiện nghiệp đạo có thể thuộc về một loại này hoặc một loại khác.
(Hỏi) Các nghiệp đạo thiện và bất thiện đắc quả như thế nào?
Tụng đáp:
[Tất cả đều có khả năng chiêu cảm quả dị thục,
đẳng lưu và tăng thượng;
Vì (nghiệp giết hại) làm người khác đau khổ,
Làm đoạn thọ mạng, và hủy hoại uy lực.]
Luận: Các nghiệp đạo thiện hoặc bất thiện đều chiêu cảm ba loại quả là dị thục, đẳng lưu và tăng thượng.
(1) Do thực hiện (āsevita), tài bồi (bhāvita), phát triển (bahulikṛta) mỗi một nghiệp đạo bất thiện mà người tạo tội phải tái sinh vào địa ngục; đó là loại quả báo (dị thục).
(2) Nếu người tạo tội tái sinh vào cõi người (nhân đồng phần) vì tội giết hại thì thọ lượng sẽ giảm sút lại (alpāyur bhavati); nếu vì tội trộm cắp sẽ chịu nghèo khổ (bhogavyasanin); nếu vì tà dục sẽ gặp người vợ không trung thành (sasapatnadāra); nếu vì nói dối sẽ bị người khác phỉ báng (abhyākhyānabahula); nếu vì nói lời ác độc thì bạn bè của mình sẽ trở thành kẻ đối nghịch (bhinnaparivāra); nếu vì nói lời nhục mạ thì chỉ nghe toàn chuyện không vừa ý (amanāpaśravaṇa); nếu nói lời bậy bạ thì người khác sẽ không tin lời của mình (anādeyavacana); nếu vì tham lam thì lòng tham sẽ lớn; nếu vì sân hận thì sân sẽ lớn; nếu vì tà kiến thì sẽ bị ngu si vì ngu si là loại lớn nhất trong các tà kiến; đó là loại quả đẳng lưu.
(Hỏi) Mặc dù thọ lượng bị giảm sút nhưng tái sinh vào cõi người vẫn là quả báo của một thiện nghiệp. Như vậy làm sao có thể xem đó là quả đẳng lưu của nghiệp giết hại?
(Đáp) Chúng tôi không nói đời sống của con người là quả của nghiệp giết hại mà chỉ nói rằng người tạo nghiệp giết hại sẽ có thọ lượng ngắn lại vì tạo tác loại nghiệp này: Sự giết hại là nguyên nhân làm giảm sút thọ lượng của con người nhưng thọ lượng này vẫn là quả của một thiện nghiệp.
(3) Vì sự giết hại mà các sự vật ở bên ngoài, như cây, đất, v.v., đều có sức sống rất yếu ớt (alpaujas = alpavīrya); vì sự trộm cắp mà chúng bị hư hại, vì mưa đá, bụi bặm hoặc các chất ăn mòn (aśanirajobahula); vì tà dâm mà chúng bị phủ đầy bụi bặm hoặc các chất ăn mòn (rajovakīrṇa); vì nói dối mà chúng có mùi hôi (durgandha); vì nói lời ác độc mà chúng phải ở những chỗ lồi lõm (utkūlanikūla = unnatanimna); vì nói lời nhục mạ mà chúng ngấm đầy muối và cằn cỗi (ūṣarajangala) nếu đó là đất hoặc rất khó coi (viprakruṣṭa = vigarhita) và độc hại (pāpika) nếu đó là cây cối; vì nói lời bậy bạ mà các mùa bị xáo trộn (viṣamartupariṇāmā bāhyā bhāvāḥ); vì tham lam mà quả bị nhỏ; vì sân hận mà quả bị chua; vì tà kiến mà có ít quả hoặc không có quả; đó là loại quả tăng thượng.
(Hỏi) Có phải vì nghiệp giết hại mà người tạo tội tái sinh vào địa ngục và rồi sau đó chỉ có một thọ lượng ngắn ngủi ở cõi người?
(Đáp) Có luận sư cho rằng chính vì nghiệp giết hại. Sự hiện hữu ở địa ngục là quả dị thục và sự giảm sút của thọ lượng là quả đẳng lưu của nghiệp giết hại. Có luận sư lại cho rằng sự hiện hữu ở địa ngục xuất phát từ gia hành của nghiệp giết hại; và sự giảm sút thọ mạng là do nghiệp căn bổn. Thật ra, kinh có nói nghiệp giết hại là nhân của một đời sống ở địa ngục; nhưng khi nói như vậy, kinh không chỉ nói đến một mình hành động giết hại mà còn nói đến một loạt các hành động đi kèm theo hành động giết hại (saparivāra) (căn bổn quyến thuộc). Trong trường hợp này, những gì được gọi là quả đẳng lưu không hiện hữu tách rời (nātivartate) với quả dị thục và quả tăng thượng. Sở dĩ chỉ gọi là đẳng lưu bởi vì có sự tương tợ giữa nhân và quả (tức giết hại thì có thọ lượng ngắn ngủi, trộm cắp thì nghèo nàn, v.v.).
(Hỏi) Tại sao mười nghiệp đạo này đều chiêu cảm ba loại quả?
(Đáp) Những ai phạm tội giết hại (prāṇātipāta) đều làm đau khổ kẻ mà họ sắp giết (vadhya), làm cho kẻ đó phải chết (maraṇam kṛtam), và hủy hoại uy lực (ojas) của kẻ đó. Vì làm đau khổ nên có quả dị thục là phải thọ khổ ở địa ngục; vì làm người khác phải chết nên có quả đẳng lưu là thọ lượng giảm ngắn lại; vì hủy hoại uy lực nên có quả tăng thượng là các sự vật ở ngoài có rất ít khí lực. Các nghiệp đạo bất thiện khác cũng như vậy.
Các thiện nghiệp đạo cũng có ba loại quả như trên; nhờ việc xả ly sự giết hại được thực hiện, tô bồi và phát triển mà người ta tái sinh vào các cõi thiên; nếu phải trở lại làm người thì sẽ có thọ lượng lâu dài. Đối với tất cả các thiện nghiệp thì cả ba loại quả đều trái ngược với quả của các nghiệp đạo bất thiện. (Vibhāṣā, 113, 21)
(Hỏi) Trong tám chi bất thiện (tà chi) Thế Tôn đã phân biệt các nghiệp thuộc sắc thành ba loại là tà ngữ (mithyāvāc), tà nghiệp (mithyākarmānta), tà mạng (mithyājīva). Như vậy có phải tà mạng tách rời với tà ngữ và tà nghiệp?
(Đáp) Không tách rời nhau.
[Vì thân ngữ nghiệp do tham sinh khởi
Tạo thành tà mạng rất khó đoạn trừ.
Nếu chấp tà mạng phát sinh do tham lam tư cụ,
Thì phi lý vì trái với kinh.]
Luận: Thân nghiệp và ngữ nghiệp sinh khởi từ sân và si nên được gọi là tà nghiệp và tà ngữ; và vì cũng sinh khởi từ tham nên chúng tạo thành tà mạng. Sở dĩ phân biệt như vậy là vì tà mạng rất khó được làm cho thanh tịnh.
Tham (rāga) vốn là kẻ cướp (apahar): Người ta rất khó bảo vệ được tâm của các nghiệp do tham phát khởi. Chừng nào vẫn còn sống thì tà mạng rất khó được làm cho thanh tịnh vì thế mà Thế Tôn đã lập tà mạng thành một loại riêng. Có bài tụng (Vibhāṣā, 116, 13) viết: “Kẻ phàm tục rất khó giữ cho ý tưởng của mình được thanh tịnh vì luôn luôn làm mồi cho những ý tưởng khác nhau; người tu hành thì rất khó giữ cho cách sống của mình được thanh tịnh vì cơm áo của mình phụ thuộc vào người khác.”
Nếu có người nghĩ rằng những việc làm như ca hát, nhảy múa, v.v., chỉ cốt để mua vui chứ không phải là tà mạng bởi vì tà mạng chỉ bao hàm những thân nghiệp và ngữ nghiệp nào được phát khởi do lòng tham đối với các cách thế sinh nhai (jīvitopakaraṇa), (Mahāvyutpatti, 239, 32) thì chúng tôi sẽ trả lời là không phải như vậy. Trong kinh Giới uẩn (Śīlaskandhikā), Thế Tôn đã dạy rằng việc đi xem đấu voi, v.v., cũng là tà mạng; bởi vì đó chính là sự thụ hưởng các sự vật không chính đáng (mithyāviṣayaparibhoga).
(Hỏi) Trước đây có nói đến năm loại quả là tăng thượng (adhipati), sĩ dụng (puruṣakāra), đẳng lưu (niṣyanda), dị thục (vipāka), ly hệ (visaṃyogaphala). Như vậy những loại nghiệp nào có những loại quả nào?
Tụng đáp:
[Nghiệp hữu lậu thuộc đạo đoạn
Có đủ năm loại quả;
Nghiệp vô lậu có bốn loại,
Tức chỉ trừ dị thục.
Các nghiệp hữu lậu thiện hoặc ác khác
Cũng có bốn, tức chỉ trừ ly hệ.
Các nghiệp vô lậu và vô ký khác
Có ba loại, tức trừ hai loại trên.]
Luận: Sở dĩ gọi là Đoạn đạo (prahāṇamārga) vì đó là con đường có khả năng đoạn trừ hoặc vì các phiền não đều được đoạn trừ nhờ con đường này (prahīyante ‘nena). Con đường này cũng còn được gọi là Vô gián đạo (ānantarya) - nhưng sẽ được giải thích ở phần sau - và gồm có hai loại là vô lậu (anāsrava) và hữu lậu (sāsrava). Loại nghiệp tạo thành một phần của Đoạn đạo hữu lậu có đủ năm loại quả: (1) Quả dị thục là quả báo đáng ưa thuộc cùng một địa với nghiệp; (2) quả đẳng lưu là các pháp sinh từ định, tương tợ với nghiệp, thuộc giai đoạn về sau (samādhijā uttare sadṛśā dharmāḥ); (3) quả ly hệ là sự lìa bỏ các phiền não, là sự đoạn trừ các phiền não; (4) quả sĩ dụng là các pháp (dharmas) mà loại nghiệp này đã sinh khởi (tadākṛṣṭa), tức là (a) Giải thoát đạo (vimuktimārga), (b) các pháp cùng hiện hữu (câu hữu, sahabhū), (c) các pháp vị lai được thành tựu nhờ vào loại nghiệp này (yac cānāgataṃ bhāvyate) và (d) chính sự đoạn trừ; (5) quả tăng thượng là tất cả các pháp hữu vi ngoại trừ chính loại nghiệp này, ngoại trừ các pháp đã sinh.
Loại nghiệp tạo thành một phần của Đoạn đạo vô lậu có bốn loại quả, tức chỉ trừ quả dị thục.
Loại nghiệp hữu lậu thiện hoặc bất thiện, không tạo thành một phần của Đoạn đạo, cũng có bốn loại quả, tức chỉ trừ quả ly hệ.
Các nghiệp vô lậu còn lại - tức các nghiệp vô lậu không thuộc về Đoạn đạo mà chỉ tạo thành một phần của của các đạo gia hành, giải thoát, thắng tiến (prayoga-vimukti-viśeṣa-mārgas) - không có quả ly hệ vì loại nghiệp này không phải là nhân của sự đoạn trừ, cũng không có quả dị thục vì đây là nghiệp vô lậu.
Hai loại quả này cũng không có đối với nghiệp vô ký nhiễm ô hoặc không nhiễm ô (nivṛta, anivṛtāvyākṛta).
(Hỏi) Quả của các loại nghiệp khác nhau có những tính chất nào?
Tụng đáp:
[Các pháp thiện, bất thiện, vô ký tạo thành
Bốn, hai, ba loại quả của nghiệp thiện;
Tạo thành hai, ba, bốn loại quả của nghiệp bất thiện;
Tạo thành hai, ba, ba loại quả của nghiệp vô ký.]
Luận: (1) Các pháp thiện, bất thiện, vô ký, tạo thành bốn loại quả, hai loại quả, ba loại quả của nghiệp thiện:
Các quả đẳng lưu, ly hệ, sĩ dụng và tăng thượng của loại nghiệp thiện là các pháp thiện. Quả dị thục vốn thuộc tánh vô ký.
Các quả sĩ dụng và tăng thượng của loại thiện nghiệp là các pháp bất thiện.
Quả đẳng lưu của một nghiệp thiện nhất định thuộc thiện; quả ly hệ vốn thuộc tánh thiện.
Các quả dị thục, sĩ dụng và tăng thượng của loại nghiệp thiện là các pháp vô ký.
(2) Các pháp thiện, bất thiện, vô ký, theo thứ tự này, tạo thành hai loại quả, ba loại quả, bốn loại quả của nghiệp bất thiện:
Hai quả sĩ dụng và tăng thượng của loại nghiệp bất thiện là các pháp thiện.
Ba quả - tức loại trừ quả dị thục và ly hệ - là các pháp bất thiện.
Bốn quả - tức loại trừ quả ly hệ - là các pháp vô ký.
Như vậy người ta thừa nhận rằng quả đẳng lưu (niṣyandaphala) của các pháp bất thiện có thể được tạo thành bởi các pháp vô ký. Và điều này xảy ra như thế nào? - Hai pháp vô ký, tức hữu thân kiến (satkāyadṛṣṭi) và biên chấp kiến (antagrāhadṛṣṭi) đều là quả đẳng lưu của các pháp bất thiện: Đó là các phiền não biến hành (sarvatraga) được đoạn trừ nhờ thấy được khổ và nguồn gốc của nó (kiến khổ tập sở đoạn); và các phiền não thuộc nhóm tham ái (rāga), v.v., được đoạn trừ nhờ thấy được khổ (kiến khổ sở đoạn).
(3) Các pháp thiện, bất thiện, vô ký tạo thành hai loại quả, ba loại quả, ba loại quả của nghiệp vô ký.
Hai loại quả sĩ dụng và tăng thượng là các pháp thiện.
Ba quả - tức loại trừ dị thục và ly hệ - là các pháp bất thiện. Các pháp bất thiện của cả năm phẩm, được đoạn trừ bởi sự nhìn thấy sự thật về khổ (kiến khổ đế sở đoạn, v.v.) đều là quả đẳng lưu của nghiệp vô ký là hữu thân kiến và biên chấp kiến.
Ba quả - giống như trên - thuộc vô ký.
Trên đây là ba tánh của các quả; tiếp theo là phần nói về các đời, các địa, v.v..
[Các pháp quá hiện vị lai tạo thành bốn loại quả của nghiệp quá khứ.
Các pháp vị lai bốn loại quả của nghiệp hiện tại.
Các pháp hiện tại tạo thành hai loại quả của nghiệp hiện tại.
Các pháp vị lai tạo thành ba loại quả của nghiệp vị lai.]
Luận: Tất cả các pháp hoặc các pháp thuộc tất cả các loại, tức thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai, đều có thể tạo thành bốn loại quả của nghiệp quá khứ. Như vậy, sẽ không có quả ly hệ vì quả này nằm ngoài thời gian.
Loại nghiệp ở giữa, tức hiện tại, có bốn loại quả - tức loại trừ quả ly hệ - đều là các pháp vị lai.
Các pháp hiện tại là quả tăng thượng và sĩ dụng của nghiệp ở giữa.
Đối với loại nghiệp vẫn còn chưa sinh thì có ba loại quả được tạo thành bởi các pháp vị lai; đó là quả dị thục, tăng thượng và sĩ dụng. Nghiệp vị lai không có quả đẳng lưu.
[Các pháp cùng địa tạo thành bốn loại quả;
Các pháp thuộc một địa khác tạo thành ba hoặc hai quả.]
Luận: Một nghiệp thuộc một địa nào đó sinh khởi bốn loại quả - tức loại trừ quả ly hệ - và các quả này đều là các pháp ở cùng địa với nghiệp (svabhūmika).
Các pháp vô lậu thuộc về một địa khác với địa của nghiệp tạo thành ba quả của nghiệp này là sĩ dụng, tăng thượng và đẳng lưu.
Các pháp hữu lậu thuộc về một địa khác với địa của nghiệp tạo thành hai quả sĩ dụng và tăng thượng của chính nghiệp này.
[Các pháp hữu học, v.v. tạo thành ba loại quả của nghiệp hữu học;
Tạo thành một loại quả, ba loại quả, hai loại quả của nghiệp vô học;
Tạo thành hai loại quả, hai loại quả, năm loại quả
Của nghiệp phi học phi vô học.]
Luận: (1) Các pháp “thuộc hàng thánh giả không phải là A-la-hán” (hữu học, śaikṣa) tạo thành các quả đẳng lưu, sĩ dụng và tăng thượng của loại nghiệp hữu học.
Các pháp “thuộc hàng thánh giả A-la-hán” cũng như vậy.
Các pháp phi hữu học phi vô học tạo thành quả sĩ dụng, tăng thượng và ly hệ của nghiệp hữu học.
(2) Các pháp hữu học, v.v., tạo thành một quả, ba quả, hai quả của nghiệp vô học.
Các pháp hữu học là quả tăng thượng của loại nghiệp này.
Các pháp vô học là quả tăng thượng, đẳng lưu và sĩ dụng của loại nghiệp này.
Các pháp phi hữu học phi vô học là quả tăng thượng và sĩ dụng của loại nghiệp này.
(3) Các pháp hữu học, v.v., tạo thành hai loại quả, hai loại quả, năm loại quả của loại nghiệp khác với hai loại trên, tức là loại nghiệp phi hữu học phi vô học (naivaśaikṣanāśaikṣa).
Các pháp hữu học và các pháp vô học là quả sĩ dụng và tăng thượng của loại nghiệp này.
Các pháp phi hữu học phi vô học là năm loại quả của loại nghiệp này.
[Các nghiệp thuộc kiến đoạn, v.v.,
Mỗi nghiệp đều có ba loại pháp thuộc kiến đoạn, v.v., làm quả.
Loại nghiệp đầu có ba, bốn, một quả;
Loại nghiệp giữa có hai, bốn, ba quả;
Loại nghiệp cuối có một, hai, bốn quả;
Nên biết tằng tất cả đều theo thứ này.]
Luận:
(1) Các pháp có thể được đoạn trừ bởi kiến đạo (kiến sở đoạn, darśanaheya), các pháp có thể được đoạn trừ bởi tu đạo (tu sở đoạn, bhāvanāheya), các pháp không thể được đoạn trừ, tạo thành ba quả, hai quả, một quả của loại nghiệp có thể được đoạn trừ bởi kiến đạo (kiến sở đoạn nghiệp).
Các pháp thuộc kiến đoạn là ba quả tăng thượng, sĩ dụng và đẳng lưu của nghiệp thuộc kiến đoạn.
Các pháp thuộc tu đoạn là bốn quả của loại nghiệp này tức loại trừ quả ly hệ.
Các pháp thuộc phi đoạn là quả tăng thượng của loại nghiệp này.
(2) Các pháp trên tạo thành hai quả, bốn quả, ba quả của loại nghiệp được đoạn trừ bởi tu đạo (tu sở đoạn nghiệp).
Các pháp thuộc kiến đoạn là hai quả sĩ dụng và tăng thượng của nghiệp thuộc tu đoạn.
Các pháp thuộc tu đoạn là bốn quả của nghiệp này, tức loại trừ quả ly hệ.
Các pháp thuộc phi đoạn là ba quả sĩ dụng, tăng thượng và ly hệ của nghiệp này.
(3) Các pháp trên tạo thành, theo thứ tự, một quả, hai quả, bốn quả của loại nghiệp không thể đoạn trừ (phi sở đoạn nghiệp).
Các pháp thuộc kiến đoạn là quả tăng thượng của nghiệp thuộc phi đoạn.
Các pháp thuộc tu đoạn là hai quả tăng thượng và sĩ dụng của nghiệp này.
Các pháp thuộc phi đoạn là bốn quả của nghiệp này, tức loại trừ quả dị thục.
Khi nói “theo thứ tự” (như thứ, yathākarmam = anukarmam) là tụng văn có ý chỉ cho tất cả các trường hợp; và đây là một cách dùng tóm lược (abhisaṃkṣepanyāyaḥ).
Trong phần trình bày về nghiệp này nhân tiện đưa ra câu hỏi: Bổn luận (Jñānaprasthāna) có nói đến loại nghiệp nên làm (ưng tác, yogavihita), loại nghiệp không nên làm (bất ưng tác, ayogavihita), loại nghiệp không phải nên làm cũng không phải không nên làm (phi ưng tác phi bất ưng tác); như vậy ba loại này có nghĩa là gì?
Tụng đáp:
[Nghiệp nhiễm không nên làm.
Có thuyết nói cũng là nghiệp không theo quy tắc.
Trái lại là nghiệp nên làm.
Khác với hai loại trên là loại nghiệp thứ ba.]
Luận: Có thuyết cho rằng nghiệp không nên làm là loại nghiệp nhiễm ô (kliṣṭa) vì loại này xuất phát từ sự xét đoán sai lạc (phi lý tác ý, ayoniśomanaskāra). Có thuyết lại cho rằng loại nghiệp bất chính (hoại quỹ tắc, vidhiprabhraṣṭa) cũng là nghiệp không nên làm: Khi một người đi, đứng, ăn, mặc không theo cách nên làm thì các nghiệp này, mặc dù có tính chất bất nhiễm và vô ký, vẫn thuộc loại nghiệp không nên làm bởi vì người này đang hành động đi ngược lại các cách thức thông thường (bất hợp thế tục lễ nghi).
Trái với loại nghiệp trên là nghiệp nên làm, tức là các nghiệp thiện hoặc vừa thiện vừa hợp quy tắc (avidhiprabhraṣṭa). Nghiệp khác với loại nên làm và không nên làm là loại nghiệp phi ưng tác phi bất ưng tác.
(Hỏi) Một nghiệp dẫn khởi (ākṣipati) một đời sống (sinh) hay nhiều đời sống? Nhiều nghiệp dẫn khởi một đời sống hay nhiều đời sống?
Tụng đáp:
[Một nghiệp dẫn khởi một đời sống;
Nhiều nghiệp có khả năng làm hoàn mãn.]
Luận: Theo tông phái chúng tôi (Vibhāṣā, 19, 16 – 20, 14) thì một nghiệp chỉ dẫn khởi một đời sống. Ở đây khi nói “đời sống” (sinh, janman) không có ý chỉ cho sự sinh ra (jāti) mà là một sự tồn tại (đồng phần, nikāyasabhāga). Một người khi đắc được sự tồn tại này thì được gọi là “đời sống”.
(1) Một nghiệp chỉ có thể dẫn khởi một đời sống chứ không thể dẫn khởi nhiều đời sống.
(Kinh bộ) Chủ trương này trái với những gì tôn giả Vô diệt (Sthavira Aniruddha) đã nói: “Nhờ vào quả báo (dị thục) của sự bố thí này (piṇḍapāta) mà sau khi đã sinh đến bảy lần ở cõi Tam thập tam thiên, cuối cùng ta đã được sinh vào dòng họ Thích-ca giàu có.”
(Giải thích) Tôn giả đã trở thành một nhà đại phú quý là nhờ vào sự bố thí này; sau đó ngài còn đắc được sự nhớ lại nhiều đời sống trước đó (túc sinh trí), và đã tạo được nhiều phước đức mới. Nhưng khi nói như vậy là ngài có ý chỉ cho sự nổ lực lúc ban đầu; cũng giống như trường hợp một người lúc đầu chỉ có được một đồng tiền nhưng nhờ buôn bán mà có được một ngàn đồng nên mới nói rằng: “Chỉ nhờ một đồng mà tôi đã có được gia tài như thế này”.
Lại có giải thích nói rằng tôn giả Vô diệt, nhờ sự bố thí của mình, đã khởi được nhiều tư tâm sở; và mỗi một tâm sở này đều chiêu cảm một quả.
(2) Nhiều nghiệp không thể cùng dẫn khởi một đời sống; bởi vì nếu như vậy thì sự dẫn khởi các đời sống sẽ trở thành manh mún (bhāgaśaḥ). Tuy nhiên một đời sống, mặc dù chỉ được dẫn khởi bởi một nghiệp, nhưng lại được làm cho viên mãn bởi nhiều nghiệp. Cũng giống như họa sư, lúc đầu chỉ phác thảo các đường nét của một bức tranh rồi sau đó mới tô điểm toàn bộ; trong trường hợp của một con người cũng vậy; mặc dù đều có phẩm tánh làm người như nhau nhưng có người có đủ các căn, các chi, các bộ phận; có người lại có khí sắc, sức lực, hình dạng rất trang nghiêm trong khi có người lại thiếu mất cái này hoặc cái kia.
Thật ra không chỉ có nghiệp mới có khả năng dẫn khởi một đời sống mà tất cả các pháp có chiêu cảm quả báo (hữu dị thục, savipāka) cũng có khả năng này, chẳng hạn như các cảm thọ, v.v.. [Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ].
[Hai loại định vô tâm và các pháp đắc
Không có khả năng dẫn khởi (nhưng các pháp khác thì có thể)]
Luận: Mặc dù thuộc loại “hữu dị thục” nhưng hai loại định vô tâm không có khả năng dẫn khởi bởi vì chúng không cùng hiện hữu (phi câu hiện hữu, saha na bhavataḥ) với nghiệp. Các pháp đắc (prāptis) cũng không thể dẫn khởi vì chúng không có chung một quả với loại nghiệp mà chúng cùng hiện hữu.
(Hỏi) Thế Tôn nói rằng có ba loại trọng chướng (āvaraṇas) là nghiệp chướng (karmāvaraṇa), phiền não chướng (kleśavaraṇa) và dị thục chướng (báo chướng, vipākāvaraṇa). Như vậy ba loại chướng này là gì?
Tụng đáp:
[Ba loại chướng này là các nghiệp vô gián,
Các phiền não thường khởi,
Tất cả các ác thú, bắc châu và vô tưởng thiên.]
Luận: Loại trọng chướng bao gồm các nghiệp, tức năm tội vô gián (ānantarya) là giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, ly gián chúng tăng, có ác tâm làm thân Như Lai chảy máu.
Loại trọng chướng bao gồm các phiền não, tức các phiền não thường khởi. Phiền não có hai loại là loại thường khởi (số hành) và loại hung mãnh (tīvra): Phiền não thường khởi là phiền não liên tục sinh khởi; phiền não hung mãnh là phiền não thuộc thượng phẩm (adhimātra). Loại phiền não thường khởi tạo thành trọng chướng như trong trường hợp của hoạn quan, v.v..
Loại phiền não thỉnh thoảng mới phát khởi và dù sự phát khởi của nó rất mãnh liệt nhưng vẫn có thể ngăn chặn chứ không giống như loại phiền não thường khởi mặc dù chúng yếu liệt hơn. Người nào có loại phiền não thường khởi này mà không tìm cách ngăn chặn thì từ chỗ yếu liệt (hạ phẩm) chúng sẽ trở nên mạnh dần (trung phẩm) cho đến lúc trở nên rất mạnh (thượng phẩm) mà làm thành chướng ngại.
Loại trọng chướng bao gồm quả báo (dị thục), tức ba ác thú - địa ngục, bàng sinh, quỷ - và một phần thiện thú là làm người ở châu Uttarakuru và làm trời ở Vô tưởng thiên.
(Hỏi) Chướng là gì?
(Đáp) Là các pháp làm chướng ngại thánh đạo và chướng ngại các thiện căn chuẩn bị (prāyogika) cho thánh đạo (thánh đạo gia hành thiện căn).
(Vấn nạn) Ngoài các tội vô gián ra, lẽ ra cũng phải kể đến các loại nghiệp khác làm chướng ngại (thánh đạo); tức là các nghiệp nhất định chiêu cảm ác thú, v.v (apāyādiniyata), nhất định dẫn khởi các trường hợp noãn sinh, thấp sinh, sinh làm nữ nhân, tám loại sinh.
(giải thích) Ở đây chỉ nói đến các nghiệp có thể được người khác (sudarśaka) cũng như bản thân người tạo tác (suprajñaka) dễ dàng nhận ra từ năm điểm. Trong số này có bao hàm các tội vô gián là giết hại, nói dối và gia hành của nghiệp giết hại; quả của loại nghiệp này là khổ; loại thú mà nghiệp chiêu cảm là địa ngục; thời gian mà quả dị thục được chiêu cảm chính là đời sống kế tiếp; bản thân người tạo nghiệp phải chịu mang tên là kẻ giết cha: Từ năm điểm này, loại nghiệp tạo tội vô gián rất dễ dàng được nhận biết.
Trong số các chướng ngại thì chướng ngại lớn nhất (sarvapāpiṣṭha) là chướng ngại của phiền não, và kế tiếp là chướng ngại của nghiệp. Bởi vì hai loại chướng ngại này ngăn chận sự giải thoát (abhavya), không chỉ trong đời hiện tại mà cả trong đời kế tiếp. Theo Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 115, 17) phiền não chướng là loại lớn nhất vì nó dẫn sinh nghiệp chướng và nghiệp chướng lại nặng hơn dị thục chướng vì nó dẫn sinh loại chướng ngại thứ ba này.
(Hỏi) Vô gián (ānantarya) có nghĩa là gì?
(Đáp) Năm tội vô gián được gọi tên như vậy vì chúng là loại không thể được “vượt qua” (antariya), có nghĩa là về mặt trả báo chúng không bị cản trở (abhibhuta) bởi các nghiệp lẽ ra phải có quả báo trong đời kế tiếp (vô gián cách). Hoặc vì ngay sau khi đời sống này, người phạm tội vô gián phải tái sinh lập tức (anantaram) vào địa ngục và vì thế mới có tên là vô gián (ānantarya). Như vậy người ta đã gọi tên một pháp là vô gián (ānantarya) khi người phạm tội vô gián hoạch đắc pháp này; cũng giống như gọi tên một pháp là Sa-môn (śrāmaṇya) vì pháp này làm cho một người nào đó trở thành một vị Sa-môn.
(Hỏi) Ba loại trọng chướng này có ở những nơi nào?
Tụng đáp:
[Ba châu có tội vô gián.
Chứ không phải hoạn quan, v.v.
Vì họ có ít ân huệ và kính trọng;
Hai loại chướng còn lại đều có ở năm thú.]
Luận: Ngoài những lý do khiến cho hoạn quan, v.v., không phạm bất luật nghi như đã được trình bày trước đây, trong trường hợp này còn vì những người làm cha làm mẹ của họ đã tạo ra cho họ một thân thể (ātmabhāva) khuyết tật (vikala) (vi bỉ khuyết thân tăng thượng duyên) và chỉ dành cho họ cảm tình sơ bạc (sneha) (ư bỉ thiểu ái niệm) cho nên chính những bậc cha mẹ này cũng là những người có rất ít ân huệ đối với họ; mặt khác còn vì hoạn quan, v.v., cũng không có sự tôn kính tuyệt đối (lajjitva = hrīvyapatrāpya) (tàm quý tâm vi) đối với cha mẹ mình - một sự tôn kính mà nếu hủy hoại nó (vipādana, vikopana) sẽ khiến cho hoạn quan, v.v., trở thành kẻ phạm tội vô gián.
Cũng cùng những lý do như trên, loài quỷ và bàng sinh nếu phạm tội giết hại cha mẹ thì cũng không phải là kẻ phạm tội vô gián. Tuy nhiên Đại đức nói rằng những con vật nào có sự hiểu biết rõ ràng (giác phân minh, paṭubuddhi), như loài ngựa thông tuệ (ājāneya), cũng vẫn phạm tội vô gián (Vibhāṣā, 119, 6).
Cũng cùng những lý do như trên, những người nào có cha mẹ thuộc loài phi nhân (amanuṣya) cũng không phạm tội vô gián nếu giết hại cha mẹ mình.
Sự hiện hữu ở châu Uttarakuru là báo chướng đối với cõi người; và sự hiện hữu ở Vô tưởng thiên là báo chướng đối với cõi trời.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học đạo trong đời


Truyện cổ Phật giáo


Bức Thành Biên Giới


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.8.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập