"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phần 9
(Hỏi) Trung hữu có hình trạng (ākṛti) như thế nào?
Tụng đáp:
[Được cùng một nghiệp dẫn khởi;
Tương tợ như hình trạng của bổn hữu vị lai.
Bổn hữu ở trước tử hữu
ở sau sát-na của sinh hữu]
Luận: Loại nghiệp dẫn khởi một thú (gati) - tức đời sống ở địa ngục, v.v. - cũng chính là loại nghiệp dẫn dắt trung hữu đi đến xứ này; vì thế trung hữu có hình trạng của bổn hữu (pūrvakālabhava) vị lai thuộc về thú mà trung hữu sẽ đến đó.
(Vấn nạn) Trong bụng một con chó, con heo, v.v., có thể có một chúng sinh bị chết khi đang còn trong tình trạng của phôi bào và sau đó chúng sinh này sẽ đi đầu thai ở một trong năm thú. Như vậy giả sử rằng phôi bào này được thay thế bởi một thân trung hữu phải đọa vào địa ngục thì thân trung hữu này nếu như có hình trạng của một chúng sinh thuộc địa ngục tức sẽ đốt cháy bụng của con chó, con heo, v.v.
(Giải thích) Ngay cả khi ở vào giai đoạn hoàn chỉnh của bổn hữu, các chúng sinh địa ngục không phải lúc nào cũng bốc cháy, chẳng hạn khi đi qua các tầng phụ của địa ngục (utsadas). Và cho dù thân trung hữu thuộc địa ngục có thể bốc cháy đi nữa thì vẫn không thể xúc chạm hoặc trông thấy được bởi vì thân này rất vi tế (accha); do đó không có sự liên kết với nhau của thân trung hữu, và bụng cũng không bị đốt cháy; hơn nữa, còn có nghiệp lực cản trở hành động thiêu đốt này.
Tầm vóc của trung hữu chỉ bằng đứa trẻ lên năm hoặc lên sáu, tuy nhiên các căn đều được phát triển đầy đủ (vyaktendriya).
Thân trung hữu của một Bồ-tát giống hệt như khi Bồ-tát ở tuổi thanh niên và có đủ các tướng tốt; vì thế khi Bồ-tát sắp nhập thai thì chiếu sáng vô số thế giới ở cả bốn châu.
(Hỏi) Nếu vậy, tại sao mẹ của Bồ-tát lại mộng thấy con voi trắng nhập vào hông của mình?
(Đáp) Đó chỉ là một loại điềm triệu bởi vì Bồ-tát đã xả bỏ từ lâu các sự tái sinh vào thú của bàng sinh; cũng giống như vua Ngật-túc-chỉ (Kṛkin) nằm mộng thấy mười thứ là voi, giếng nước, bánh khô, cây chiên đàn, vườn cây, voi con, hai con vượn, y phục, sự tranh chấp; nhưng tất cả chỉ là điềm triệu. Hơn nữa thân trung hữu nhập thai qua sinh môn chứ không phải ở hông; vì thế trong trường hợp sinh đôi thì người sinh sau lớn tuổi hơn.
(Hỏi) Nếu vậy, làm sao giải thích bài tụng của tôn giả Pháp thiện hiện (Bhadanta Dharmasubhūti): “Biến đổi thân hình thành con voi trắng, có đủ sáu răng và bốn chân, ngài nhập vào bụng mẹ, và nằm tỉnh thức ở đó như vị tiên (ṛṣi) ẩn dật trong rừng.”
(Đáp) Không cần phải giải thích bài tụng này vì đó không phải là Kinh, Luật và luận mà chỉ là một sáng tác có tính cách cá nhân. Tuy nhiên nếu phải giải thích thì chúng tôi cho rằng bài tụng này chỉ nhằm mô tả Bồ-tát ở trong giấc mộng của người mẹ.
Thân trung hữu ở Sắc giới có tầm vóc phát triển hoàn chỉnh với đầy đủ áo quần bởi vì có tâm tàm quý. Một Bồ-tát ở thân trung hữu cũng có đầy đủ y phục. Bí-sô ni Tiên bạch (Bhikṣuṇī Śuklā) cũng vậy; nhờ vào nguyện lực mà vị này có đủ y phục ở thân trung hữu, khi nhập và xuất thai, cho đến khi nhập Niết-bàn và hỏa táng. Các thân trung hữu khác thuộc Dục giới đều trần truồng vì không có tâm tàm quý.
(Hỏi) Trên đây có nói rằng thân trung hữu tương tợ như bổn hữu; vậy bổn hữu là gì?
(Đáp) Hữu (bhava) là sự tồn tại, là sự hiện hữu, là ngũ uẩn.
Nếu trình bày theo thứ tự thì trung hữu (antarābhava) là năm uẩn ở giữa hai thú; sinh hữu (upapattibhava) là các uẩn ở sát-na nhập vào một thú, tức là vào sát-na kết sinh (pratisaṃdhi); bổn hữu (pūrvakālabhava) là các uẩn thuộc về các sát-na sau đó cho đến tử hữu (maraṇabhava); như vậy tử hữu là sát-na cuối cùng ở một thú và sẽ được tiếp nối bởi một trung hữu mới.
Ở Vô sắc giới không có trung hữu mà chỉ có sinh hữu, bổn hữu và tử hữu.
Trên đây đã giải thích về hình trạng và tầm vóc của trung hữu; tiếp theo là phần nói về các đặc điểm khác.
[Được đồng loại, thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy;
Di chuyển nhanh nhờ có nghiệp
Đủ các căn;
Không bị đối ngại; không thể thay đổi thú sẽ sinh;
Tham mùi hương; không tồn tại lâu
Tâm điên đảo nên tìm cảnh đáng ưa;
Thấp sinh thích mùi hương, hóa sinh thích chỗ ở
Thiên thú đầu ở trên; ba thú đi ngang
Địa ngục đầu xuống dưới]
Luận: Thân trung hữu bởi các chúng sinh cùng loại, ở cõi thiên, v.v.; nó còn được nhìn thấy bởi một loại thiên nhãn rất thanh tịnh. Loại thiên nhãn sinh đắc không thể nhìn thấy thân trung hữu.
Có luận sư cho rằng trung hữu thuộc cõi thiên có thể nhìn thấy tất cả các loại thân trung hữu; trung hữu thuộc cõi người có thể nhìn thấy tất cả các loại thân trung hữu ngoại trừ thân trung hữu thuộc cõi thiên; các thú còn lại cũng như vậy (tức không thể nhìn thấy thân trung hữu thuộc các cõi ở bên trên). (Vibhāṣā, 70, 13)
Nhờ vào nghiệp mà thân trung hữu có được năng lực có được năng lực di chuyển phi thường đó là sự di chuyển trong không gian (karmarddhivegavān). Ngay cả Thế tôn cũng không thể ngăn chận được bởi vì đó là một năng lực rất mạnh của nghiệp.
Tất cả trung hữu đều có đủ các căn (sakalākṣa [akṣa = indriya]).
Không gì có thể đẩy lùi được thân trung hữu. Đối (pratigha) là đối kháng; vô đối (apratighavān) là không có đối kháng. Ngay cả kim cương cũng không thể cản trở thân trung hữu; bởi vì người ta nói rằng khi chỉ một khối sắt nóng đỏ vẫn có thể tìm thấy các sinh vật nhỏ bé trong đó.
Thân trung hữu khi phải sinh vào một thú nào đó thì không có một loại năng lực nào có thể làm cho nó đổi hướng. Một thân trung hữu phải sinh vào cõi người (nhân trung hữu) không bao giờ có thể chấm dứt loại thân trung hữu này để trở thành loại thân trung hữu sinh vào cõi trời. Nó chỉ có thể sinh vào một thú mà nó đã được tạo thành cho thú đó.
(Hỏi) Thân trung hữu Dục giới có được nuôi dưỡng bằng đoạn thực giống như các chúng sinh Dục giới khác không?
(Đáp) Nó chỉ ăn mùi hương vì thế mới có tên là kiện-đạt-phược (gandharva) tức là loại ăn (arvati) mùi hương (gandham). Ngữ căn (tự giới) thường có rất nhiều nghĩa, chẳng hạn như ngữ căn arv; và phải hiểu ngữ căn này với nghĩa là “đi” thì mới chính xác trong trường hợp này, tức “kẻ đi ăn mùi hương” (arvati gacchati bhoktum). Người ta dùng từ gandharva (kiện-đạt-phược) chứ không phải gandhārva (kiện-đạt-ách-phược) cũng giống như khi dùng các từ śakandhu (thiết kiến đồ), karkandhu (Yết-kiến-đồ). Kiện-đạt-phược nào thuộc hạng thấp hơn (thiểu phước) thì ăn mùi hôi; nếu thuộc hạng cao hơn thì ăn mùi thơm.
(Hỏi) Thân trung hữu tồn tại trong bao lâu?
(Đáp) Đại đức (Bhadanta) cho rằng không nhất định (Vibhāṣā, 72, 3). Chừng nào chưa gặp được nhân duyên sinh khởi thì thân trung hữu vẫn còn tồn tại. Bởi vì trung hữu và loại hữu tiếp theo nó đều do cùng một nghiệp dẫn khởi và đều tạo thành một phần của một chúng đồng phần (tức thuộc cùng một “hữu”); và chính vì thế mà khi mạng căn (jivitendriya) của thân trung hữu chấm dứt thì không thể có tử hữu (maraṇabhava) tiếp theo đó.
(Vấn nạn) Giả sử như có một đống thịt to như núi Tu-di (Meru) bị biến thành một đống côn trùng khi gặp phải những cơn mừa mua hạ thì các côn trùng này là do các thân trung hữu ở tại chỗ đó đã chờ đợi để tái sinh hay là thân trung hữu ở những chỗ khác đến?
(Giải thích) Không có kinh luận nào đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên có thể nói rằng có vô số loại côn trùng có thọ lượng rất ngắn ngủi và ham muốn hương vị; khi ngửi được mùi hương thì nhớ lại các vị đã nếm được trước đây mà lại khởi tham; đến khi chết thì trong cái biết (vibodhya) của chúng có một loại nghiệp chiêu cảm một đời sống sẽ tồn tại giữa các côn trùng (kriminikāyasabhāga); và chính vì tham trước hương vị mà những chúng sinh này đã tái sinh trong số các côn trùng này. Hoặc vì đó chính là thời điểm mà các nhân duyên cần thiết cho sự sinh làm côn trùng hội tụ thành số lượng lớn khiến cho các nghiệp dẫn khởi đời sống côn trùng có thể hiện hành để chiêu cảm quả dị thục (vipākābhinirvṛttau vṛttiṃ labhante). Cũng giống như một chúng sinh thành thành tựu các nghiệp chiêu cảm quả báo làm chuyển luân vương nhưng các nghiệp này vẫn chưa thể hiện hành cho đến khi nào tuổi thọ con người kéo dài đến tám mươi ngàn năm. Chính vì thế mà đức Thế tôn dạy rằng không thể hiểu được quả báo của nghiệp (Saṃyukta, 21).
Tôn giả Thế hữu nói rằng thân trung hữu tồn tại nhiều nhất là bảy ngày; và nếu các nhân duyên sinh khởi chưa thể hội tụ thì thân trung hữu phải diệt và sinh trở lại.
Các luận sư khác (Śmadatta?) cho rằng nhiều nhất là bảy tuần.
Tỳ-bà-sa nói: “Chúng sinh trung hữu vì mong cầu tái sinh nên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Giả sử như các nhân duyên chưa hòa hội được thì sẽ có một trong hai trường hợp xảy ra: Nếu nghiệp thuộc các đời trước quyết định sẽ sinh ra ở một nơi nào đó, phải thuộc về một loại nào đó, thì chính các nghiệp này khiến cho các nhân duyên hội tụ; nếu không có tính chất nhất định như trên thì sẽ sinh vào một nơi khác, thuộc về một loại khác. [Ghoṣaka (Vibhāṣā, 70, 1): Nếu người chồng mong muốn gặp lại người vợ nhưng người vợ lại không muốn như vậy thì người chồng sẽ phải tìm gặp một người đàn bà khác.]
Theo các luận sư khác (Vibhāṣā, 70, 2), nếu các nhân duyên không hòa hợp được thì thân trung hữu sẽ tái sinh vào các trường hợp giống như đã sinh ra trước đây. Loài bò không giao cấu trong mùa mưa, loài chó không giao cấu vào mùa thu, loài gấu đen không giao cấu vào mùa đông, loài ngựa không giao cấu vào mùa hè; tuy nhiên đối với loài trâu, v.v., thì lại không có mùa nào nhất định. Như vậy, một thân trung hữu vốn phải tái sinh làm bò nhưng nếu gặp lúc mùa mưa thì phải sinh làm trâu; các trường hợp còn lại cũng thế: Sẽ sinh làm loài chó rừng thay vì chó nuôi; sinh làm loài gấu nâu thay vì gấu đen, sinh làm loài lừa thay vì làm ngựa.
(Luận chủ) Không thể chấp nhận giải thích trên bởi vì chúng ta biết rằng trung hữu và đời sống của một chúng sinh (sinh chúng đồng phần) đều có cùng một nghiệp dẫn khởi; vì thế không thể nói rằng đời sống của một con trâu sẽ tiếp nối thân trung hữu của một con bò.
(Hỏi) Sự tái sinh xảy ra như thế nào?
(Đáp) Thân trung hữu được sinh khởi để đi đến một thú mà nó phải đến. Nhờ vào nghiệp lực nên thân trung hữu đắc được thiên nhãn, có thể nhìn thấy nơi sẽ sinh ra cho dù ở xa và có thể nhìn thấy cha mẹ mình giao hợp ở chỗ đó. Tâm của chúng sinh trung hữu bị điên đảo vì tác động của tình thân cũng như thù oán. Nếu là nam thì thân trung hữu sẽ khởi dục thuộc về nam giới đối với người mẹ; nếu là nữ thì sẽ khởi dục thuộc về nữ giới đối với người cha. Nếu gặp trường hợp ngược lại thì chúng sinh trung hữu sẽ sinh tâm oán hận đối với người cha hoặc người mẹ. Điều này đã được nói đến trong Thi thiết luận (Prajñāpti): Lúc đó ở kiện-đạt-phược sẽ sinh khởi tâm ái dục hoặc sân nhuế.
Khi đã bị hai loại tâm sai lạc nói trên và dục tình làm cho điên đảo thì thân trung hữu chấp trước nơi có các căn kết hợp và tưởng tượng rằng chính mình đang giao hợp. Khi các thứ bất tịnh, tinh, huyết xuất hiện ở tử cung thì chúng sinh trung hữu sẽ khởi tâm vui mừng và nhập vào đó. Kể từ đó các uẩn bắt đầu trở nên cứng cát; thân trung hữu diệt, thân sinh hữu sinh và đây giai đoạn dược gọi là “tái sinh” (kết sinh, pratisaṃdhi). Nếu phôi bào là nam thì ngồi chồm hổm ở bên phải tử cung và xoay lưng ra phía trước; nếu là nữ thì nằm ở bên trái tử cung và xoay bụng ra phía trước; nếu thuộc trung tính thì khi còn thân trung hữu đã khởi ái dục trong tư thế như thế nào thì cũng sẽ nằm ở tử cung trong tư thế đó. Thân trung hữu vì có đủ các căn cho nên khi nhập vào tử cung sẽ có tư thế thích hợp với giới tính của mình; tuy nhiên sau khi tái sinh thì phôi bào có thể đánh mất giới tính của mình trong quá trình phát triển.
Ở đây người ta sẽ hỏi rằng cái gì làm sở y (āśraya) cho các sắc pháp được đại chủng tạo thành của chúng sinh mới sinh này, tức các căn như nhãn, nhĩ, v.v.. Có thuyết cho rằng chính các đại chủng của tinh và huyết làm sở y. Có thuyết lại cho rằng không phải các đại chủng của tinh huyết mà là các đại chủng khác do nghiệp tạo ra nhưng đã nương vào (saṃniśraya) tinh huyết.
Thuyết thứ nhất: Tinh huyết không có các căn; nhưng khi thân trung hữu bị diệt thì tinh huyết lại có các căn và tạo thành cái được gọi là giai đoạn đầu tiên của phôi bào (yết-thích-lam, kalala). Cũng giống như trường hợp mầm mộng sinh khởi cùng thời với sự hủy diệt của hạt giống. Kinh văn đã chứng minh điều này khi nói rằng “thân thể là sản phẩm của yết-thích-lam có ở tinh và huyết [tức nằm ở các chất bất tịnh của người cha và người mẹ] (mātāpitraśucikalasaṃbhūta) và “này các bí-sô, từ lâu này các ông đã làm tăng thêm bãi tha ma và thọ nhận một giọt máu.” (Saṃyutta, ii. 178; Anguttara, ii. 54)
Thuyết thứ hai: Các căn lấy các đại chủng khác làm sở y, cũng giống như trường hợp các căn của loài sâu lá (parṇakrimi). [Đối với loài này, nhờ có nghiệp lực nên đã nương vào các đại chủng của lá cây (parṇamahābhūtānyupaniśritya) nhưng lại sinh ra từ các đại chủng khác và các đại chủng này chính là thể tánh của các căn]. Có người sẽ bác rằng đoạn kinh trích dẫn trên không minh chứng được giả thuyết này. Theo kinh thì thân thể (cùng với các căn) sinh khởi từ yết-thích-lam vốn là tinh và huyết; trong khi đó từ ngữ “yết-thích-lam” được dùng ở đây là để chỉ cho các đại chủng khác sinh khởi nhờ nương vào tinh và huyết (tức nhờ nương vào tinh và huyết của các đại chủng này đã sinh khởi cùng thời với chúng, và dược gọi là “yết-thích-lam”) với đầy đủ các căn.
Đó cũng là cách mà các chúng sinh sinh từ thai và trứng đi đến thú (gati) của chúng. Đối với các chúng sinh khác, các luận sư Đối pháp (Abhidharmācārya) nói rằng không có một cách thức nhất định mà phải tùy theo từng trường hợp riêng biệt.
Các chúng sinh thuộc loại thấp sinh đi đầu thai và ham thích mùi hương; nhưng mùi hương này có được thanh tịnh hay không là tùy vào nghiệp.
Chúng sinh thuộc hóa sinh đi đầu thai là vì ham thích chỗ ở.
(Hỏi) Chẳng lẽ lại có kẻ lại ham thích chỗ ở trong địa ngục?
(Đáp) [trên đây chúng ta đã biết rằng tâm của một chúng sinh trung hữu bị điên đảo vì ái dục hoặc sân nhuế khi sắp tái sinh vào bào thai.] Trong trường hợp này thì tâm của loài trung hữu hóa sinh cũng bị điên đảo như thế. Khi thân trung hữu bị hành hạ bởi cái lạnh của mưa gió mà nhìn thấy một nơi chốn ấm áp như ở địa ngục thiêu cháy thì liền tìm tới đó vì mong muốn được ấm áp; khi bị hành hạ bởi cái nóng của mặt trời và của gió nóng mà nhìn thấy các chỗ mát lạnh như ở địa ngục băng giá thì liền tìm tới đó vì muốn được mát mẽ. Các luận sư đời trước (pūrvācārya) lại cho rằng loài trung hữu hóa sinh này trước đây đã nhìn thấy những cảnh báo ứng của các nghiệp chiêu cảm quả báo địa ngục mà mình đã tạo ra cho nên đến nay khi nhìn thấy các chúng sinh giống như mình liền tìm đến chỗ ở của các chúng sinh này.
Trung hữu thuộc cõi thiên - tức các thân trung hữu tái sinh ở thiên thú thì đi lên phía trên giống như khi một người đứng dậy từ chỗ đang ngồi. Trung hữu thuộc cõi người, bàng sinh, quỷ thì di chuyển theo cách riêng của từng loại, tức đi giống như con người, loài vật, hoặc quỷ. Thân trung hữu thuộc địa ngục khi di chuyển thì chân ở phía trên và đầu ở phía dưới. Như có bài tụng đã nói: “Vì phỉ báng tiên nhân, ẩn sĩ và người tu khổ hạnh mà bị đọa địa ngục, đầu ở phía dưới chân ở phía trên.” (Saṃyukta, 27, 5; Jātaka, v. 266).
(Hỏi) Trên đây có nói chúng sinh trung hữu nhập vào thai mẹ (jarāyuja, aṇḍaja) là do tâm bị điên đảo vì ái dục; như vậy đây có phải là quy luật chung cho tất cả chúng sinh trung hữu không?
(Đáp) Không phải. Kinh nói có tất cả bốn loại nhập thai.
[Loại thứ nhất có chánh tri khi nhập thai
Loại thứ hai có thêm khi trụ, loại thứ ba có thêm khi xuất;
Loại thứ tư có tất cả các giai đoạn,
Loại chúng sinh noãn sinh, đều không có chánh tri;
Ba loại nhập thai ở đầu
Là luân vương và hai phật
Vì có nghiệp, trí thù thắng
Theo thứ tự trên. Loại thứ tư là các chúng sinh còn lại.]
Luận: Loại thứ nhất không có chánh tri khi trụ và xuất thai; loại thứ hai không có chánh tri khi xuất thai, loại thứ ba có chánh tri trong tất cả các giai đoạn; loại thứ tư không có chánh tri trong tất cả các giai đoạn. Đây là bốn loại nhập thai được trình bày theo thứ tự phù hợp với phương pháp tạo tụng (tụng pháp, śloka) nhưng lại khác với thứ tự của kinh (Dīgha, iii. 103, 231; Vibhāṣā, 171, 12).
Các chúng sinh sinh từ trứng (noãn sinh) luôn luôn có tâm điên đảo.
(Hỏi) Noãn sinh tức phải sinh ra từ trứng; tại sao còn nói là nhập thai?
(Đáp) Mặc dù sinh ra từ trứng nhưng trước đó cũng phải nhập thai; hoặc nói “noãn sinh” là vì căn cứ vào vị lai. Cũng giống như kinh thường nói “tạo tác hữu vi” (saṃskṛtam abhisaṃskaroti); hoặc thế gian thường nói “nấu cơm”, “mài bột”.
(Hỏi) Có chánh tri và không có chánh tri ở ba giai đoạn nhập, trụ và xuất thai có ý nghĩa gì?
(Đáp) những chúng sinh kém phước đã nhập thai vì nghĩa rằng “có gió thối, có mưa rơi, trời đang lạnh, trời đang bão, quân lính huyên náo ồn ào” và vì muốn trốn tránh những điều phiền bực này nên các chúng sinh này tin rằng phải trốn vào một nơi nào đó, như một bụi rậm, một cái chòi bằng rễ cây hoặc lá cây, hoặc núp mình dưới một gốc cây, một bức tường. Rồi những chúng sinh này tin là mình đã ở trong lùm cây, trong túp lều và đã bước ra. Tất cả đều là sự hiểu lầm, là sự điên đảo của tưởng. Đối với những chúng sinh có nhiều phước đức cũng thế. Họ tin rằng mình đã bước vào một công viên, một khu vườn (ārāma, udyāna), một cung điện, một lâu đài, một gác tía; họ tin rằng mình đã ở đó và đã ra đi.
Chúng sinh có chánh tri thì biết được rằng mình đang nhập thai, đang trụ và đang ra khỏi.
Kinh cũng nói ba loại nhập thai ở đầu là của chuyển luân vương (Cakravartin), và hai vị phật Độc giác (Pratyekabuddha) và Chánh giác (Saṃbuddha). Tất cả các tên gọi này đều mang tính chất vị lai; tức người ta muốn nói đến chúng sinh ở trong đời sống này sẽ trở thành chuyển luân vương.
Chuyển luân vương có chánh tri khi nhập thai, nhưng khi trụ và xuất thai thì không. Độc giác có chánh tri khi trụ nhưng khi xuất thai thì không. Phật thì luôn luôn có chánh tri.
Chuyển luân vương có được phước đức rất lớn và có nghiệp rất thù thắng; Độc giác thì có sự hiểu biết nhờ vào giáo pháp, sự tư trạch và thiền định thù thắng; đối với phật thì cả phước đức và trí tuệ đều thù thắng, tức có đủ nghiệp và trí thù thắng.
Loại nhập thai thứ tư, tức là loại không có chánh tri, dành cho các chúng sinh không có phước đức và trí tuệ thù thắng.
Ngoại đạo chấp ngã (Sāṃkhya; Vaiśeṣika) nói: “Nếu thừa nhận hữu tình (sattva) có đi đến một thế giới khác thì chủ trương hữu ngã của chúng tôi đã được chứng minh”.
Để bác bỏ kiến chấp trên, luận chủ nói:
[Không có ngã mà chỉ là các uẩn
Được phiền não và nghiệp tạo thành,
Và nhờ có sự tương tục của trung hữu
Nên có thể nhập thai, giống như ngọn đèn.
Chúng tăng trưởng theo thứ tự được dẫn khởi;
Và do phiền não và nghiệp
Nên có thể đi đến các thế giới khác.
Như vậy sự xoay vòng của các hữu không có điểm khởi đầu.]
Luận: Cái mà các ông gọi là ngã (ātman) và đã tin rằng nó là một thực thể có khả năng xả bỏ các uẩn của đời sống này và nắm bắt các uẩn của một đời sống khác, là một tác nhân ở bên trong, là sĩ phu (puruṣa), v.v., đều hoàn toàn không có thực. Thật vậy, Thế tôn nói: “Có nghiệp tất có quả; nhưng không có tác nhân xả bỏ các uẩn này và nắm bắt các uẩn kia mà chỉ có sự liên hệ nhân quả của các pháp (pháp giả). Liên hệ nhân quả là gì? Đó là cái này có thì cái kia có; nhờ cái này sinh nên cái kia sinh; đó là duyên khởi”.
(Ngoại đạo) Như vậy vẫn có một loại ngã mà các ông không phủ nhận được.
(Luận chủ) Chúng tôi không phủ nhận loại ngã được giả lập, tức loại ngã đã dùng để đặt tên cho các uẩn, Tuy nhiên các uẩn này vẫn không có khả năng chuyển từ thế giới này sang thế giới khác như các ông nghĩ; bởi vì chúng vốn sinh diệt trong từng sát-na (sát-na diệt). Chúng tôi nói rằng không phải ngã, không phải bất cứ một nguyên lý thường hằng nào cả, mà chính là sự tương tục của các uẩn được hình thành có điều kiện, được tạo thành bởi phiền não và nghiệp mới nhập vào bụng của người mẹ; và sự tương tục này, từ tử hữu cho đến sinh hữu, đã kéo dài và chuyển dịch bởi một chuỗi tiếp nối làm thành trung hữu.
Các loại nghiệp mà thể tánh của chúng là chiêu cảm các quả báo trong đời sống thì vốn khác biệt nhau tùy theo từng chúng sinh; vì thế tất cả các chuỗi tương tục của uẩn không được sinh khởi cùng một lúc trong đời sống mà các uẩn này vừa mới đến được. Như vậy chuỗi tương tục này chỉ tăng trưởng khi được sinh khởi và sự tăng tưởng này xảy ra từ từ như kinh (Saṃyutta, i. 206; Mahāniddesa, 120; Mahāvyutpatti, 190) đã nói: “Trước tiên là yết-thích-lam; từ yết-thích-lam sinh khởi ách-bộ-đàm (arbuda); từ ách-bộ-đàm sinh khởi bế-thi (peśin); từ bế-thi sinh khởi kiện-nam (ghana); từ kiện-nam sinh khởi bát-la-xà-khu (praśākhā), tóc, lông, móng, v.v., và các chỗ dựa của chúng (sở y) là các sắc căn”. Yết-thích-lam, v.v., là các tên gọi năm giai đoạn của bào thai.
Khi bào thai, tức cái gai này, đã phát triển hết mức của nó thì trong bụng của người mẹ sẽ khởi lên một loại gió sinh từ một nghiệp đã thành thục (dị thục) làm cho bào thai xoay chuyển và tiến về phía sinh môn. Sự di chuyển này thật khó khăn giống như một khối đồ uế tạp được bọc kín. Có khi vì điều kiện nuôi dưỡng thiếu thốn của người mẹ, hoặc có khi vì nghiệp mà bào thai phải chết trong bụng của người mẹ. Lúc đó một phụ nữ chuyên về phụ sản, sau khi bốc thuốc lên hai bàn tay của mình, phải dùng một lưỡi dao nhọn rồi thọc tay vào trong tử cung của người mẹ - một nơi hôi hám, nhơ bẩn, ẩm ướt, có đủ mọi thứ uế tạp - để cắt bở bớt chân tay trước khi lôi được bào thai ra ngoài. Trong trường hợp này thật khó biết được chuỗi “tương tục” của bào thai sẽ nương vào các nghiệp thuận hậu thọ (aparaparyāyavedaniya) đã tạo ra trong đời trước để đi đâu vào lúc đó.
Nếu sự sinh nở không gặp khó khăn thì người mẹ hoặc người đỡ đẻ phải bồng đứa trẻ sơ sinh lên trong hai bàn tay; và hai bàn tay này lúc đó cũng sẽ giống như mũi dao, như tro nóng đối với thân thể của đứa trẻ, một thân thể thật nhạy cảm giống như một vết thương chưa lành miệng. Người ta rửa ráy đứa bé; nuôi nó bằng sữa, hồ, cháo và dần dần tập cho ăn các thức ăn cứng: Cứ như thế mà đứa trẻ lớn lên. Nhờ có sự phát triển này mà các căn đã trở nên thuần thục và các phiền não bắt đầu hiện hành để tạo tác các nghiệp. Như vậy, vì có các phiền não và nghiệp mà khi thân bị hoại diệt thì chuỗi tương tục này lại chuyển vào một đời sống khác nhờ vào trung hữu giống như trước đây.
Có sinh là vì có các phiền não và các nghiệp; có các phiền não và các nghiệp là vì có sinh; rồi có sinh là vì có các phiền não và các nghiệp: Vòng tròn sinh khởi cứ luân chuyển như thế mà không có điểm bắt đầu. Nếu để có một điểm bắt đầu thì phải có một thời kỳ đầu tiên không có nhân; và nếu đã có một pháp sinh ra mà không có nhân thì tất cả các pháp cũng sẽ sinh ra mà không có nhân. Tuy nhiên, các tính chất quyết định về thời gian và nơi chốn cho chúng ta thấy rằng hạt giống có thể sinh ra mầm mộng, lửa có thể sinh ra sự nấu chín; do đó không thể có một sự sinh ra nào mà không có nhân. Hơn nữa, chủ trương nhất nhân thường hằng trước đây đã bị bác bỏ vì thế vòng sinh tử này nhất định không có điểm khởi đầu.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp sự sinh khởi, vốn xuất pháp từ các nhân, sẽ không xảy ra nếu các nhân bị diệt; cũng giống như mầm mộng không thể sinh nếu hạt giống bị khô héo.
Chuỗi tương tục của các uẩn được nói đến ở trên phát triển qua ba giai đoạn tồn tại.
[Chuỗi nhân duyên sinh khởi có mười hai chi chia làm ba phần
Phần đầu và phần cuối đều có hai chi
Phần giữa có tám chi nếu căn cứ trường hợp viên mãn.]
Luận: Mười hai chi là vô minh (avidyā), hành (saṃskāras), thức (vijñāna), danh sắc (nāmarūpa), sáu xứ (saḍāyatana), xúc (sparśa), thọ (vedanā), ái (tṛṣṇā), thủ (upādāna), hữu (bhava), sinh (jāta), lão tử (jarāmaraṇa).
Mười hai chi này được chia làm ba phần (tam tế): Vô minh và hành nằm ở quá khứ, thuộc về giai đoạn tồn tại trước đó (tiền tế); sinh và lão tử thuộc về giai đoạn tồn tại sau đó (hậu tế); tám chi còn lại thuộc về giai đoạn tồn tại (trung tế).
(hỏi) Có phải tất cả chúng sinh trong đời sống hiện tại đều có đủ tất cả tám chi thuộc về trung tế?
(Đáp) Không phải tất cả đều có đủ.
(Hỏi) Nếu vậy tại sao nói có tám chi?
(Đáp) Nói có tám chi là căn cứ vào trường hợp viên mãn, tức một cá thể viên mãn (paripūrin) có khả năng trải qua tất cả các giai đoạn mà các chi này tạo thành. Đây không phải là trường hợp của những người chết trước thời hạn (trung yểu) [chẳng hạn như chết khi đang còn ở giai đoạn phôi bào]; cũng không phải là trường hợp của chúng sinh ở Sắc giới và Vô sắc giới. Sở dĩ kinh liệt kê cả tám chi là nhằm chỉ cho chúng sinh Dục giới: Kinh Đại duyên khởi (Mahānidānaparyāyasūtra) nói: “A-nan, nếu thức không nhập vào bào thai của người mẹ…” (Dīgha, ii. 63).
Chuỗi duyên khởi cũng có thể chỉ chia làm hai phần là giai đoạn tồn tại quá khứ [gồm hai chi đầu (vô minh, hành), và các quả của chúng là năm chi tiếp theo (thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ)]; và các nhân của giai đoạn tồn tại vị lai [gồm ba chi tiếp theo (ái, thủ, hữu)] cùng với giai đoạn này [gồm hai chi cuối cùng (sinh, lão tử)].
(Hỏi) Các chi vô minh, v.v., là những pháp gì?
Tụng đáp:
[Phiền não đời trước là vô minh.
Nghiệp đời trước là hành
Thức là các uẩn khi kết sinh.
Trước sáu xứ là danh sắc.
Từ đó sinh các căn nhãn, v.v.
Trước khi ba pháp hòa hợp là sáu xứ.
Đối với các nguyên nhân khác nhau của ba thọ
Vẫn chưa phân biệt được thì gọi là xúc
Trước dâm ái là thọ.
Tham tư cụ và dâm dục là ái
Để đắc các cảnh giới
Phải tìm cầu khắp nơi là thủ.
Hữu là tạo tác
Các nghiệp dẫn đến quả vị lai.
Sinh là sự tái sinh ở vị lai.
(từ sinh) cho đến thọ là lão tử.]
Luận: Vô minh chính là phần vị của phiền não thuộc đời sống trước đó [ở đây vô minh không còn mang ý nghĩa riêng biệt của nó, cũng không phải là sự tập hợp tất cả các phiền não (kleśas)] mà chính là chuỗi tương tục (cùng với năm uẩn của nó) đã tồn tại ở phần vị của phiền não (phiền não vị, kleśa-avasthā) trong đời sống trước đó. Thật vậy, tất cả các phiền não đều đi kèm theo vô minh và hiện hành nhờ có vô minh. Cũng giống như khi nói nhà vua vi hành tức cũng có ý chỉ cho những người tháp tùng nhà vua.
Hành chính là phần vị của nghiệp thuộc đời sống trước đó. Chuỗi tương tục của đời sống trước đó, xét về mặt các nghiệp thiện, ác, v.v., mà chuỗi tương tục này đã tạo ra, chính là ý nghĩa của hành.
Thức chính là các uẩn vào lúc thụ thai (kết sinh thời); tức là năm uẩn trong bào thai ở vào sát-na có sự tái sinh (pratisaṃdhi) hay có sinh hữu (upapattibhava).
Danh sắc vượt quá sát-na kết sinh này cho đến khi có sự sinh khởi của sáu xứ; tức là năm uẩn ở trong bào thai, bắt đầu từ sinh hữu và kéo dài cho đến khi nào sáu căn vẫn chưa hiện hữu. Ở đây lẽ ra nên nói là “cho đến khi bốn căn…”, [bởi vì ý xứ (manāyatana) và thân xứ (kāyayatana) đã hiện khởi từ sinh hữu, từ sát-na kết sinh (pratisaṃdhikṣaṇe)]; tuy nhiên chính vào sát-na mà bốn căn nhãn, nhĩ, v.v., xuất hiện thì hai căn có trước này mới được sắp xếp [vào nhóm sáu căn]. (Vyākhyā: cakṣurādyāyatanotpattikāle kāyamanāyatanayor vyavasthāpanāt)
Sáu xứ có trước sự hòa hợp của ba pháp (tức là xúc). Sáu xứ chính là năm uẩn kể từ khi các căn xuất hiện cho đến sát-na xảy ra sự tiếp xúc của căn, cảnh và thức.
Xúc [vốn khởi đầu từ khi kết sinh] tồn tại cho đến sát-na đứa trẻ bắt đầu có khả năng phân biệt, tức có thể biết rằng “đây là nguyên nhân của niềm vui…”
Thọ có trước dâm ái. Thọ (vedanā), trong tụng văn gọi là vitti, tồn tại cho đến khi nào mà lòng tham dâm dục vẫn chưa hiện hành được. [Phần vị này được gọi là thọ bởi vì vẫn có sự cảm nhận các nhân của thọ.]
Ái là trạng thái của người ham muốn các lạc thú và sự dâm dục. Lúc đó có sự hiện hành của sự ham muốn đối với sắc trần, v.v. và đối với dâm dục. Trạng thái “khát ái” này sẽ chấm dứt khi nào con người, dưới tác động của lòng tham dục này, bắt đầu tìm kiếm (truy cầu, paryeṣṭi) các lạc thú.
Thủ là phân biệt được các lạc thú này, tức là trạng thái của người chạy đi khắp nơi để tìm kiếm (chu biến trì cầu) lạc thú (thượng diệu cảnh giới). [hoặc thủ chính là bốn loại phiền não (dục, kiến, giới cấm, ngã ngữ): ở giai đoạn có bốn loại phiền não này hiện hành được gọi là thủ].
Vì chạy đi khắp nơi để tìm kiếm nên mới tạo các nghiệp chiêu cảm quả báo đời sống ở vị lai.
[Hữu có nghĩa là “nghiệp” bởi vì đời sống sinh khởi là nhờ có nghiệp (bhavaty anena)]. Nghiệp được tạo tác và tích tụ trong khi tìm kiếm các lạc thú sẽ đưa đến sự tái sinh. Giai đoạn tạo tác các nghiệp chính là hữu.
Sinh là sự tái sinh kế tiếp. Sau khi chết, năm uẩn ở vào sát-na xảy ra sự tái sinh chính là sinh. Nếu xét đến đời sống ở hiện tại thì chi này gọi là thức (vijñāna); nhưng nếu xét đến đời sống vị lai thì lại gọi chi này là sinh (jāti).
Lão tử là từ sinh cho đến thọ (vedanā), ở đây có tên là vid. Bốn chi của đời sống hiện tại (danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ) nếu xét về mối liên hệ đến đời sống ở vị lai đều được gọi là lão tử (jarāmaraṇa), tức chi thứ mười hai của chuỗi tương tục gồm mười hai phần vị.
Tuy nhiên chuỗi duyên khởi này còn được chia làm bốn loại là (1) sát-na (kṣaṇika), tức thuộc về một sát-na; (2) viễn tục (prākarṣika), tức trải dài qua nhiều sát-na hoặc nhiều sự tồn tại; (3) liên phược (sāṃbandhika), tức nhờ sự nối kết giữa nhân và quả; (4) phần vị (āvasthika), tức có mười hai phần vị hoặc giai đoạn của năm uẩn.
(Hỏi) Tại sao lại gọi duyên khởi là sát-na?
(Đáp) Trong cùng một sát-na, khi một người vì bị phiền não nhiễu loạn mà phạm tội giết người thì có đủ tất cả mười hai chi: (1) Sự ngu si (moha) của người này là vô minh; (2) ý chí (tư, cetanā) là hành; (3) sự biết rõ một đối tượng nào đó là thức; (4) bốn uẩn cùng khởi với thức là danh sắc; (5) các căn có liên hệ đến danh sắc là sáu xứ; (6) sự hòa hợp khi đối chiếu nhau của sáu xứ là xúc; (7) sự lãnh nạp xúc là thọ; (8) lòng tham (rāga) là ái; (9) các triền tương ưng với ái là thủ; (10) thân nghiệp và ngữ nghiệp (phát khởi từ thọ và ái) là hữu; (11) sự khởi lên (unmajjana = utpāda) của tất cả các pháp này là sinh; (12) sự thành thục (paripāka) của các pháp này là lão; sự tan rã (bhanga) của chúng là tử.
Ngoài ra duyên khởi còn được gọi là sát-na và liên phược. Phẩm loại Túc luận viết: “duyên khởi là gì? - Là tất cả các pháp hữu vi. Các pháp do duyên sinh là gì? - Là tất cả các pháp hữu vi.”
Duyên khởi “phần vị” (āvasthika) chính là mười hai phần vị (avasthā) có chứa năm uẩn. Loại này cũng còn gọi là “viễn tục” bởi vì trải dài qua ba loại hữu nối tiếp nhau.
(Hỏi) Trong bốn loại này, loại duyên khởi nào Thế tôn có ý nói đến ở đây (tức trong kinh thập nhị nhân duyên)?
[Theo truyền thuyết chỉ dựa vào phần vị để trình bày
Đặt tên các chi theo pháp nào thù thắng.]
Luận: Theo truyền thuyết thì Thế tôn đã dựa vào loại duyên khởi phần vị để phân biệt mười hai chi.
(Hỏi) Nếu mỗi chi đều có đủ năm uẩn, tại sao chỉ lập các tên là vô minh, v.v.?
(Đáp) Bởi vì trong các phần vị có các pháp thù thắng như vô minh, v.v., nên đã dựa vào tính chất thù thắng để đặt tên cho các chi là vô minh, v.v.; có nghĩa là nếu ở phần vị này có vô minh là pháp quan trọng nhất thì tất cả năm uẩn thuộc phần vị này đều có tên là vô minh. Đối với các chi khác cũng như vậy. Mặc dù thể tánh của tất cả các chi đều như nhau nhưng phân biệt như vậy cũng không có gì sai.
(Hỏi) Tại sao kinh chỉ định nghĩa duyên khởi theo chuỗi tương tục của mười hai chi trong khi Phẩm loại Túc luận lại viết: “Duyên khởi là gì? - Là tất cả các pháp hữu vi”?
(Đáp) Bởi vì kinh trình bày có chủ ý riêng; trong khi A-tỳ-đạt-ma lại nhằm hiển thị tính chất của các pháp (pháp tướng). Duyên khởi một mặt thì được trình bày như là phần vị, viễn tục, thuộc chúng hữu tình (sattvākhya); một mặt lại như là sát-na, liên phược, thuộc cả hữu tình và phi tình (sattvāsattvākhya).
(Hỏi) Tại sao kinh chỉ nói đến duyên khởi thuộc về hữu tình?
Tụng dáp:
[Để trừ bỏ ngu hoặc
Đối với giai đoạn trước đó, về sau và ở giữa.]
Luận: Chính vì lý do này mà kinh đã trình bày duyên khởi theo ba phần.
Ngu hoặc về quá khứ khi tự hỏi: “Ta đã tồn tại hay không tồn trong quá khứ? Ta đã tồn tại như thế nào? Ta đã tồn tại cái gì?”. Ngu hoặc về vị lai: “Ta có tồn tại ở vị lai không?...”. Ngu hoặc về hiện tại: “Cái này là cái gì? Cái này tồn tại như thế nào? Chúng ta là ai? Chúng ta sẽ là ai?” (Saṃyutta, iii. 26; Majjhima, i. 8, 111; Visuddhimagga, 599; Saṃyukta, 12, 9).
Ba loại ngu hoặc trên đây đều được đoạn trừ qua lời dạy về chuỗi duyên khởi từ vô minh cho đến lão tử; bởi vì kinh đã nói: “này các bí-sô, người nào nhờ chánh tuệ như thực mà quán sát được duyên khởi và các pháp do duyên sinh thì không còn hướng về quá khứ để tự hỏi mình có từng tồn tại, không tồn tại, v.v..”
Có luận sư cho rằng lời dạy về ba chi cuối cùng của giai đoạn ở giữa là ái, thủ và hữu cũng nhằm đoạn trừ ngu hoặc thuộc về vị lai bởi vì các chi này đều là nhân của một sự tồn tại ở vị lai.
Duyên khởi với mười hai chi này có ba tính chất của phiền não (hoặc, kleśa), nghiệp (karman), nền tảng (sự, vastu); đồng thời bao gồm cả nhân và quả.
[Ba chi thuộc phiền não; hai chi thuộc nghiệp;
Bảy chi là sự và cũng là quả.
Quả và nhân được tóm lược.
Vì căn cứ giai đoạn ở giữa có thể suy ra hai phần kia.]
Luận: Tính chất của ba chi ái, thủ và hữu chính là phiền não; tính chất của hai chi hành và hữu chính là nghiệp; tính chất của bảy chi thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ, và sinh chính là sự. Sở dĩ gọi các chi này là sự bởi vì chúng là sở y (āśraya) của phiền não và nghiệp. Các chi có tính chất của sự đều là quả; năm chi không thuộc về sự đều là nhân, tức có tính chất của phiền não và nghiệp.
(Hỏi) Tại sao nhân và quả đều được nói đến ở đời sống hiện tại - Tức hai chi phiền não, hai chi nghiệp, năm chi sự - trong khi đối với giai đoạn quá khứ và vị lai không có sự trình bày tương tợ như vậy? Bởi vì đối với vị lai ta vẫn có hai chi làm quả.
(Đáp) Bởi vì chỉ cần dựa vào sự trình bày về phiền não, nghiệp và sự thuộc giai đoạn hiện tại, ta có thể suy ra toàn bộ ý nghĩa của nhân và quả ở giai đoạn trước đó và sau đó. Có trình bày thêm cũng vô dụng cho nên đã lược qua.
(Vấn nạn) Nếu duyên khởi chỉ có mười hai chi thì sinh tử phải có điểm bắt đầu bởi vì nhân của chi vô minh không được nói đến; và cũng phải có điểm kết thúc bởi vì quả của chi lão tử không được nói đến. Muốn tránh điều này thì phải thêm vào các chi mới; nhưng nếu làm như vậy thì phạm lỗi vô cùng.
(Giải thích) Không phải như vậy. Thế tôn đã có ý nói về nhân của vô minh và quả của lão tử.
[Từ phiền não sinh ra phiền não và nghiệp;
Từ nghiệp sinh ra sự;
Và từ sự lại sinh ra sự và phiền não.
Đó là cách thức sinh khởi các chi của sự hiện hữu.]
Luận: Từ phiền não sinh ra phiền não: Tức là ái sinh hữu.
Từ phiền não sinh ra nghiệp: Tức thủ sinh hữu, vô minh sinh hành.
Từ nghiệp sinh ra sự: Tức hành sinh thức, hữu sinh ra sinh.
Từ sự sinh ra sự: Tức thức sinh danh sắc, danh sắc sinh sáu xứ, …, xúc sinh thọ, sinh thì sinh ra lão tử.
Từ sự sinh ra phiền não: Tức thọ sinh ái.
Trên đây là cách sinh khởi của các chi; từ đó thấy rằng vô minh có nhân là phiền não hoặc là sự và lão tử có quả là phiền não. Vì thế sự trình bày về duyên khởi ở trên không hề thiếu sót. Thế tôn đã muốn minh họa cách thức sinh khởi của các chi cho nên mới có kết luận như sau ở kinh (Madhyama, 34, 3): “Đó là cách thức sinh khởi của một khối lượng lớn chỉ toàn là khổ đau (thuần đại khổ uẩn tập)”.
Có luận sư giải thích: Có kinh (Sahetusapratyayasanidānasūtra) nói rằng vô minh có nhân là sự phán đoán sai lệch (phi lý tác ý, ayoniśo manasikāra); và có kinh (Saṃyukta, 11, 8) còn nói rằng phi lý tác ý có nhân là vô minh. Vì thế không phải vô minh không có nhân; và không có phạm lỗi vô cùng. Nếu cho rằng phi lý tác ý không được đề cập đến trong kinh nói về duyên khởi thì cũng đúng; tuy nhiên vì đã được bao hàm trong chi thuộc về thủ (upādāna) cho nên không cần phải trình bày thêm ở đây (tức trong, Pratītyasamutpādāsūtra).
(Luận chủ) Giải thích trên không có giá trị. Làm sao phi lý tác ý lại được bao hàm trong chi thủ? Dĩ nhiên là nó có tương ưng với thủ nhưng nó cũng còn tương ưng với vô minh và ái. Cho dù phi lý tác ý được bao hàm trong thủ đi nữa thì từ đó người ta có thể rút ra kết luận rằng khi đặt tên cho một chi là thủ, kinh có nói phi lý tác ý là nhân của vô minh không? Nói cách khác, cho dù phi lý tác ý được bao hàm trong thủ đi nữa thì không thể vì thế mà chứng minh được phi lý tác ý là nhân của vô minh. Nếu chỉ vì được bao hàm trong thủ mà nói rằng nó là nhân là quả thì ái và vô minh lẽ ra cũng không nên được lập làm các chí bởi vì chúng cũng được bao hàm trong thủ.
Một luận sư khác (Sautrāntika Śrīlābha) lại giải thích rằng có kinh (Saṃyukta, 13, 20) nói vô minh có nhân là phi lý tác ý. Có kinh (Saṃyukta, 11, 8) lại nói phi lý tác ý có nhân là vô minh, đồng thời đưa ra nhận xét rằng phi lý tác ý ở vào sát-na của xúc: “Nhờ có nhãn và sắc trần nên có thể khởi một loại tác ý nhiễm trược (āvila) sinh ra từ ngu hoặc (moha = avidyā)”. Có kinh (Saṃyukta, 2 4) lại giải thích về nguồn gốc của ái như sau: “Ái sinh khởi vì có thọ, thọ lại sinh ra từ một loại xúc trong đó có vô minh”. Như vậy loại vô minh cùng khởi với thọ đã sinh khởi từ phi lý tác ý vốn xuất hiện ở vào sát-na có xúc; điều này cho thấy không phải vô minh không có nhân và không cần phải thêm vào một từ mới là phi lý tác ý, làm nhân cho vô minh và sinh khởi từ vô minh với tên gọi là “ngu hoặc” (moha).
(Luận chủ) Đúng như vậy, tuy nhiên điều này không được giải thích trong kinh Pratītyasamutpāda. Lẽ ra Kinh Pratītyasamutpāda phải nói đến điều này.
(Giải thích) Không cần phải giải thích rõ ràng về vấn đề này bởi vì đứng về lý người ta vẫn có thể có được một kết luận như thế. Thật vậy, ở a-la-hán thọ không phải là nhân của ái: Từ đó có thể kết luận rằng thọ chỉ là nhân của ái khi bị nhiễm ô, tức tương ưng với vô minh. Xúc khi không có điên đảo (aviparīta) đi kèm theo thì không thể là nhân của loại thọ nhiễm ô này. Loại xúc điên đảo không sinh khởi ở a-la-hán vốn đã đoạn trừ vô minh; vì thế loại xúc mà kinh Pratītyasamutpāda đã nói đến như là nhân của thọ, nhân của ái chính là loại có điên đảo kèm theo. Như vậy dựa vào lý lẽ đã dược trình bày ở trên ta có thể xác minh rằng theo kinh thì phi lý tác ý hiện khởi vào sát-na có xúc.
(Luận chủ) Tuy nhiên thật phi lý khi cho rằng một lý lẽ nếu được các kinh khác chứng minh thì có thể cho phép lược bỏ những từ ngữ không thể lược bỏ - như trong trường hợp của phi lý tác ý, có kèm theo tính chất hỗ tương làm nhân của phi lý tác ý và vô minh. [Hơn nữa, trong trường hợp này có thể người ta sẽ lược bỏ cả xúc, thọ, hành, sinh]. Câu trả lời thỏa đáng nhất cho vấn nạn “vì không nói đến các chi duyên khởi khác ở trước chi vô minh và ở sau chi lão tử (tức các chi làm nhân cho vô minh và làm quả cho lão tử) cho nên chuỗi sinh tử (hành, saṃsāra) không phải là không có bắt đầu và chấm dứt” là như sau: Sự liệt kê các chi trong chuỗi duyên khởi đã quá đầy đủ. Và sự thắc mắc “làm thế nào có thể biết được đời sống hiện tại bị ràng buộc bởi đời sống trong quá khứ như thế nào, và đời sống sắp tới sẽ bị ràng buộc bởi đời sống hiện tại như thế nào” chính là vấn đề duy nhất mà kinh muốn làm sáng tỏ; bởi vì như kinh đã từng nói: “để chấm dứt ngu hoặc về sự hiện hữu trong quá khứ, sự hiện hữu sắp tới và sự hiện hữu ở giữa hai sự hiện hữu này”.
(Hỏi) Thế tôn có nói: “Này bí-sô, ta sẽ dạy các ông lý duyên khởi và các pháp duyên sinh”. Như vậy sự khác nhau giữa duyên khởi và các pháp duyên sinh là gì?
(Đáp) Theo Bổn luận thì không có khác nhau. Bởi vì, như chúng ta có thể thấy, duyên khởi và các pháp duyên sinh đều được định nghĩa là: “tất cả các pháp hữu vi”.
(Hỏi) Khi nói “tất cả các pháp hữu vi” tức có ý chỉ cho các pháp thuộc về cả ba thời điểm quá khứ, hiện tại và vị lai. Như vậy, làm thế nào các pháp vị lai, vốn là các pháp chưa sinh, cũng được gọi là “duyên sinh” (pratītyasamutpanna)?
(Luận chủ) Nếu vậy, làm thế nào các pháp vị lai, vốn là các pháp chưa được tạo tác (kṛta) cũng được gọi là hữu vi (saṃskṛta)?
(Giải thích) Bởi vì chúng được quyết định (cetita) bởi một loại tư (cetanā) có khả năng tạo ra dị thục (ābhisaṃskārikā).
(Luận chủ) Nếu vậy các pháp vô lậu (tức các pháp thuộc thánh đạo) ở vị lai làm thế nào có thể gọi là hữu vi?
(Giải thích) Bởi vì chúng cũng được quyết định bởi một loại tâm thiện muốn đắc được chúng.
(Luận chủ) Nếu vậy ngay cả Niết-bàn cũng sẽ là hữu vi bởi vì người ta cũng muốn đắc được Niết-bàn.
Đúng lý ra nên nói rằng khi gọi các pháp vị lai là duyên sinh tức đã sử dụng một từ ngữ không chính xác nhưng vẫn được xem như là đúng nhờ dựa vào tính chất đồng nhất về chủng loại (tajjātīyatvāt) giữa các pháp vị lai và các pháp quá khứ hiện tại đã sinh. Cũng giống như trường hợp của sắc pháp ở vị lai: Mặc dù ở hiện tại không thể nói rằng nó biến hoại nhưng vẫn gọi nó là sắc (rūpa) bởi vì về chủng loại nó có tính chất đồng nhất với sắc pháp.
(Hỏi) Kinh có chủ ý gì khi phân biệt sự khác nhau giữa duyên khởi và các pháp duyên sinh?
Tụng đáp:
[Ở đây ý muốn nói.
Duyên khởi là nhân, duyên sinh là quả.]
Luận: Những chi làm nhân được gọi là duyên khởi (pratītyasamutpāda) bởi vì trong chúng có (khả năng) sinh khởi (samutpadyate). Những chi làm quả được gọi là duyên sinh (pratītyasamutpanna) bởi vì chúng sinh ra; nhưng chúng cũng được gọi là Duyên khởi bởi vì trong chúng cũng có sự sinh khởi. Tất cả các chi vốn vừa là nhân vừa là quả cho nên đều là duyên khởi và duyên sinh. Tuy thế vẫn không có sự bất định hay tạp loạn (avyavasthāna) bởi vì một chi không thể là Duyên khởi đối với một chi mà nó đã là duyên sinh cho chi này. Cũng giống như người cha chỉ là cha đối với người con của mình; người con cũng chỉ là con đối với người cha này; trường hợp của nhân và quả cũng như vậy; trường hợp của hai bờ sông cũng như vậy (pārāpāravat).
Tuy nhiên tôn giả Vọng mãn (Sthavira Pūrṇāśa) lại nói rằng những pháp nào đã là Duyên khởi thì có thể không phải là duyên sinh. Tôn giả đưa ra bốn trường hợp: (1) Các pháp vị lai [là Duyên khởi vì làm nhân cho các pháp vị lai (eṣyadharmahetu) nhưng không phải là duyên sinh vì chúng chưa sinh (utpanna)]; (2) các pháp cuối cùng của a-la-hán [chỉ là duyên sinh]; (3) các pháp quá khứ và hiện tại, ngoại trừ các pháp cuối cùng của a-la-hán, [vừa là Duyên khởi vừa là duyên sinh]; (4) các pháp vô vi [không phải Duyên khởi cũng không phải duyên sinh vì chúng không có quả cũng không sinh ra].
Phát biểu của kinh bộ (Sautrāntika): Tất cả những gì được trình bày trên đây [từ “duyên khởi phần vị…” cho đến “những pháp nào đã là Duyên khởi thì có thể không phải là duyên sinh”] là tư ý hay là kinh nghĩa? Nếu đó là kinh nghĩa thì không đúng bởi vì khi nói về phần vị Duyên khởi, các ông đã cho rằng mười hai chi đều là các phần vị được tạo thành bởi năm uẩn. Điều này đi ngược lại với kinh và kinh có nói: “Vô minh là gì? - Là sự không hiểu biết về quá khứ (tiền tế vô trí)…” Ý nghĩa của kinh này đã quá rõ ràng (liễu nghĩa, nītārtha = vibhaktārtha); các ông không thể làm cho nó trở thành không rõ ràng (tức đòi hỏi phải suy diễn thêm [bất liễu nghĩa, neyārtha])
(Hữu bộ) Không có gì chứng minh rằng kinh này có ý nghĩa rõ ràng cả; và sự kiện kinh này trình bày vấn đề qua các định nghĩa cũng không chứng thực được điều gì cả; bởi vì Thế tôn khi đưa ra các định nghĩa chỉ làm hiển thị những điểm cốt yếu của vấn đề cần được định nghĩa. Tỷ dụ như trong kinh Tượng tích dụ (Hastipadopamasūtra), trước câu hỏi: “Nội địa giới là gì?”, Thế tôn đã trả lời “đó là tóc, lông, v.v..”. Tất nhiên tóc, v.v., cũng còn là các pháp khác như sắc, hương, v.v., nhưng Thế tôn chỉ nhắm đến yếu tố chủ chốt là địa giới. Trường hợp này cũng như thế, Thế tôn gọi tên một phần vị là vô minh bởi vì trong đó vô minh là yếu tố chủ chốt.
(Kinh bộ) Tỷ dụ trên không chứng minh được điều gì cả. Thật ra, trong kinh Tượng tích dụ, Thế tôn không định nghĩa tóc, v.v., bằng địa giới; ngài không nói: “Tóc, v.v. là gì? - Là địa giới”; bởi vì với cách nói này thì định nghĩa sẽ không được hoàn chỉnh. Nhưng ngài đã định nghĩa địa giới bằng tóc, v.v.; và định nghĩa này đã hoàn chỉnh bởi vì trong thân chúng sinh không có địa giới nào lại không được bao hàm trong những gì được mô tả như tóc, v.v.. Trường hợp của duyên khởi cũng thế, định nghĩa này đã quá đầy đủ và không cần phải thêm vào bất cứ điều gì cả (na sāvaśeṣaḥ).
(Hữu bộ) Định nghĩa của kinh Tượng tích dụ vẫn không đầy đủ. Thật vậy, vẫn có địa giới trong nước mắt, niêm dịch, v.v., như chúng ta có thể thấy trong một bản kinh khác (Śijaṣāmuccaya, 228; Madhyamakavṛtti, 57); thế nhưng địa giới của nước mắt đã không được Kinh tượng tích dụ đề cập đến.
(Kinh bộ) Nếu như định nghĩa của kinh Tượng tích dụ không được đầy đủ là vì các ông đã nhắm vào những điều không được kinh này nói đến. Và các ông còn nói đến những gì không có trong các định nghĩa về vô minh, v.v., mà kinh đã trình bày. Tại sao lại định nghĩa vô minh là “một phần vị có năm uẩn” bằng cách đưa vào (prakṣepa) vô minh các pháp không cùng loại (tức là năm uẩn)? Người ta không thể xem một pháp như là một “chi” nếu sự tồn tại hoặc không tồn tại của một pháp này đòi hỏi phải có sự tồn tại hoặc không tồn tại của một “chi” khác. Vì thế một “phần vị của năm uẩn” không phải là “chi”. Ở một vị a-la-hán vẫn tồn tại năm uẩn (thọ, v.v.) nhưng không có các hành (saṃskāras) có khả năng sinh ra chi thức (vijñāna); và các chi còn lại cũng như vậy. Vì thế cần phải hiểu ý nghĩa của kinh thật sát với văn từ.
Về bốn trường hợp của Vọng mãn thì trường hợp thứ nhất khi cho rằng “các pháp vị lai không phải là duyên sinh” tức đi ngược lại với kinh vì kinh đã dạy rằng hai chi sinh và lão tử là các pháp duyên sinh. Kinh nói: “duyên sinh là gì? Là vô minh… sinh, lão tử”. Nếu cho rằng sinh và lão tử không phải là pháp vị lai tức bác bỏ thuyết Duyên khởi có ba phần.
Có bộ phái cho rằng Duyên khởi là pháp vô vi bởi vì kinh (Saṃyukta, 12, 19) nói: “Sự xuất hiện của Như lai, sự không xuất hiện của Như lai; pháp tánh của các pháp thì thường trụ” (utpādād va tathāgathānām anutpādād vā tathāgatānāṃ sthitaiveyaṃ [dharmāṇāṃ] dharmatā). Vấn đề này đúng hay sai là tùy theo cách diễn giải. Nếu có ý nói rằng các hành, v.v., sinh khởi chính là nhờ có vô minh, v.v., chứ không phải vì pháp nào khác, cũng không phải là vô nhân; và với ý nghĩa này mà Duyên khởi được thường hằng (nitya) tức đã tán thành nội dung trên. Nếu có ý nói rằng có một pháp nào đó thường hằng có tên là Duyên khởi thì ý kiến này không thể chấp nhận được. Bởi vì sinh khởi (utpāda) là một tính chất của hữu vi (hữu vi tướng, saṃskṛtalakṣaṇa); nếu sinh khởi hoặc Duyên khởi là một pháp thường hằng thì pháp này không thể là một tính chất của sự chuyển dịch của hữu vi. Hơn nữa khi nói sinh khởi (utpāda) là hàm ý “sự hiện hữu tiếp theo sau sự không hiện hữu”; và như vậy thì ta có thể giả định được mối liên hệ gì (abhisaṃbandha) giữa pháp sinh khởi vô vi và vô minh, v.v., một mối liên hệ có thể cho phép nói rằng đó là “Duyên khởi của vô minh, v.v.”? Cuối cùng thành ngữ Duyên khởi sẽ trở nên vô lý bởi vì nếu Duyên khởi (prati-itya-samutpāda) có nghĩa là “sinh khởi nhờ đi đến với duyên” (pratyayaṃ prāpya samudbhavaḥ) thì làm thế nào một pháp có thể vừa là thường hằng lại vừa là Duyên khởi?
(Hỏi) Nghĩa của từ Duyên khởi (pratītyasamutpāda) là gì?
(Đáp) prāpti Có nghĩa là “đến” (prāptī); ngữ căn i có nghĩa là “đi” (gati); nhưng vì có tiếp đầu ngữ bổ nghĩa cho ngữ căn nên (prati-i) có nghĩa là đến, pratītya có nghĩa là đã đến; pad có nghĩa là hiện hữu (sattā) nhưng được tiếp đầu ngữ sam-ut bổ nghĩa nên có nghĩa là “hiện khởi (prādurbhāva)”. Như vậy Duyên khởi có nghĩa là “sự hiện khởi đã đạt đến”.
Tuy nhiên các luận sư Thanh minh nói rằng giải thích này không thể chấp nhận được vì từ ngữ pratītyasamutpāda không được thành lập chính xác. Trong hai hành động của cùng một tác giả thì hành động đi trước được đánh dấu bởi một động từ được dùng ở tiến hành cách, tỷ dụ khi nói snātvā bhunkte (có nghĩa là “sau khi tắm xong nó mới ăn”). Trong khi đó người ta không thể nào tưởng tượng ra một pháp lại “tồn tại trước khi được sinh ra”, tức trước tiên là đi đến với duyên và sau đó là sinh ra. Không thể có hành động (đi đến với) nếu không có tác giả.
Vấn nạn này được trình bày qua bài tụng sau: “Nếu nói rằng tác giả đi đến các duyên trước khi sinh khởi thì không thể chấp nhận được bởi vì lúc đó chưa có tác giả. Nếu nói rằng tác giả đi đến và sinh khởi trong cùng một lúc (câu) tức đã loại bỏ tiến hành cách (dĩ) bởi vì tiến hành cách được dùng để chỉ cho hành động trước đó”.
(Kinh bộ hoặc hữu bộ) Vấn nạn của các luận sư Thanh minh (Śābdika = śabdavid) không có giá trị. Chúng tôi xinh hỏi là pháp sinh khởi thuộc về hiện tại hay vị lai? Nếu khởi ở hiện tại thì pháp này chưa sinh làm sao có thể là hiện tại? Nếu pháp này đã sinh tức phải khởi lại lần nữa thì làm sao tránh được lỗi vô cùng? Nếu khởi ở vị lai thì vị lai có nghĩa là chưa hiện hữu làm thế nào để có được tác giả? Và đã không có được tác giả làm sao có thể có hành động sinh khởi? Vì thế giai đoạn mà một pháp sinh khởi cũng chính là giai đoạn pháp này đi tới các duyên.
(Luận sư Thanh minh) Nếu vậy giai đoạn sinh khởi của một pháp là gì?
(Kinh bộ hoặc Hữu bộ) Đó là giai đoạn mà “các hành ở vị lai sẵn sàng sinh khởi” (utpādābhimukho ‘nāgataḥ); và đó cũng là lúc đi tới các duyên.
Lý lẽ và cách thức của các luận sư Thanh minh khi đưa ra vấn nạn về tác giả và hành động không hợp lý. Đối với họ, phải có một tác giả (kartar) - tức ở đây là “cái sinh khởi” (bhavitar) - và một hành động (kriyā) - tức ở đây là “hành động sinh khởi” (bhūti). Tuy nhiên không ai có thể thừa nhận rằng bhūti lại khác với bhavitar; vì thế không có gì sai khi nói rằng “pháp sinh, pháp khởi sau khi đã đi đến các duyên” cho dù cách nói này có tính chất quy ước. Ý nghĩa của nhóm từ Duyên khởi đã được nói rõ trong kinh (Saṃyukta, 12, 20; Majjhima, iii. 63; Mahāvastu, ii. 285): “Cái kia có nên cái này có; từ sự sinh ra của cái kia nên có sự sinh ra của cái này”. Trong đoạn kinh này, mệnh đề thứ nhất nói về duyên và mệnh đề thứ hai nói về khởi (samutpāda).
Có thể trình bày nội dung trên đây qua bài tụng sau: (1) “nếu thừa nhận một pháp sinh khởi mà không tồn tại trước đó thì khi đi tới duyên cũng như vậy. Nếu cho rằng một pháp sinh khởi mà đã tồn tại trước đó, tức đã sinh mà còn sinh lại thì sẽ vô cùng; hoặc cũng có thể nói rằng pháp đã có sẵn trước khi sinh”. (2) “Tiến hành cách (dĩ) cũng có nghĩa là cùng thời (câu) [như khi nói] ‘gặp ánh sáng, bóng tối diệt’, ‘ngáp và đi ngủ’. Người ta không nói ‘ngáp xong, ngậm miệng, rồi mới ngủ.’.”
Có luận sư (Bhadanta Śrīlābha) đưa ra một giải thích khác hẳn về nhóm từ pratītyasamutpāda để bác bỏ vấn nạn về tiến hành cách. Theo giải thích này, prati có nghĩa là khác nhau (vīpsārtha); sam có nghĩa là tụ tập (samavāya); itya có nghĩa là “dễ ra đi”, “không kéo dài được (bất trụ): Ngữ căn pad với tiếp đầu ngữ ut có nghĩa là “sự xuất hiện”, “sự sinh khởi” (prādurbhāva). Như vậy từ ngữ pratītyasamutpāda có nghĩa là “sự cùng nhau sinh khởi (tụ tập thăng khởi) của các pháp có thể diệt (thành pháp) vì các duyên khác nhau (chủng chủng duyên)”.
(Luận chủ) Giải thích trên rất có giá trị đối với nhóm từ pratītyasamutpāda; tuy nhiên lại không dính líu gì đến các kinh (Saṃyutta, ii. 72, iv. 32; Milinda, 56, v.v): “Nhờ có (pratītya) nhãn và sắc mà nhãn thức sinh khởi”.
(Hỏi) Tại sao Thế tôn phải định nghĩa Duyên khởi theo hai cách (paryāyadvayamāha): “Cái kia có nên cái này có” và “từ sự sinh khởi của các kia nên cái này sinh khởi”?
(luận chủ) Có nhiều lý do. Lý do thứ nhất nhằm để xác định (avadhāraṇārtham). Theo cách thứ nhất, có thể biết rằng các hành có khi vô minh có; tuy nhiên không thể kết luận rằng các hành có là nhờ có sự sinh khởi của chỉ một mình vô minh. Cách thứ hai nhằm để xác định: Chính từ sự sinh khởi của vô minh mà có sự sinh khởi của các hành; lý do thứ hai nhằm để hiển thị sự nối tiếp của các chi (angaparaṃparā): Cái kia (vô minh) có nên cái này (hành) có; từ sự sinh khởi của cái kia (hành) - chứ không phải pháp nào khác - mà cái này (thức) sinh khởi; lý do thứ ba nhằm để hiển thị sự nối tiếp của ba giai đoạn (tam tế) (janmaparaṃparā): tiền tế có nên trung tế có; từ sự sinh khởi của trung tế nên hậu tế sinh khởi; lý do thứ tư nhằm để hiển thị tính chất của nhân duyên (pratyayabhāva) vốn có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp (sākṣāt pāraṃparyeṇa). Nhân duyên của các chi có tính chất tức thời, như “cái kia có thì cái này có”; hoặc không tức thời, như “từ sự sinh khởi của cái kia nên cái này sinh khởi”. Các hành nhiễm ô có thể đi liền theo sau vô minh; và chúng có thể bị tách rời bởi các hành thuộc thiện. Mặt khác vô minh là nhân trực tiếp của hành nhưng lại là nhân gián tiếp của thức.
Có giải thích khác (Thế tào, Vasuvarman) cho rằng hai cách định nghĩa trên nhằm bác bỏ chủ trương vô nhân (ahetuvāda) và chủ trương thường nhân (tức chỉ có một nhân và nhân này không được sinh ra) như Tự tánh (prakṛti), Ngã (puruṣa), v.v. Tuy nhiên giải thích không hợp lý bởi vì nếu như thế thì chỉ cần cách định nghĩa thứ hai cũng đủ để bác bỏ cả hai chủ trương này.
Thực ra có một sô ngoại đạo cho rằng “vì có ngã (ātman) làm sở y [cho vô minh], nên các hành, thức, v.v., mới có, mới sinh khởi; và vì vô minh sinh khởi nên hành mới sinh khởi”, và cứ tiếp tục như vậy cho đến lão tử. Nói cách khác, họ đã tạo ra một cái ngã làm thực thể cho chuỗi nhân duyên của các pháp. Để bác bỏ chủ trương này Thế tôn khẳng định: “Cái sinh khởi được (hành) nhờ vào sự sinh khởi của một cái kia (vô minh) chính là vì nhờ có sự sinh khởi của một mình pháp này mà pháp kia sinh khởi chứ không phải nhờ đến sự sinh khởi của bất kỳ một thực thể nào khác”.
Nếu đựa vào cách thứ nhất của chủ trương trên thì chúng ta có thể nói rằng: “Vì có ngã làm sở y và vô minh, v.v., cho nên mới có các hành, v.v.”; và nếu dựa vào cách thứ hai thì có thể nói rằng: “Thật ra các hành, v.v., sinh khởi là nhờ có sự sinh khởi của vô minh, v.v.; nhưng chỉ với điều kiện là phải có sự tồn tại của một thực thể nào đó”. Tuy nhiên với hai cách nói này, chúng ta sẽ thấy rằng giải thích sau đây trở thành phi lý: “Các hành có nhân là vô minh (có nghĩa là: Chỉ có một mình vô minh chứ không cần đến một thực thể nào khác…)… Cho đến sự sinh khởi của một khối lớn chỉ toàn (kevala = ātmarahita) khổ đau (thuần đại khổ uẩn tập) cũng như vậy.”
Các luận sư đời trước nghĩ rằng cách định nghĩa thứ nhất nhằm hiển thị tính chất không buông bỏ, không đứt đoạn (bất đoạn): “Vô minh có - tức không bị đứt đoạn - nên các hành có - tức không bị đứt đoạn”; trong khi cách định nghĩa thứ hai nhằm hiển thị tính chất sinh: “Nhờ sự sinh khởi của vô minh, nên các hành được sinh khởi.”
Có luận sư (Śrīlābha) lại cho rằng cách thứ nhất nhằm hiển thị tính chất tồn tại, cách thứ hai nhằm hiển thị tính chất sinh khởi: “Chuỗi tương tục của nhân (kāraṇasrotas) tồn tại chừng nào thì chuỗi tương tục của quả (kāryasrotas) tồn tại chừng đó; nhờ có sự sinh khởi của nhân nên quả cũng được sinh khởi.”
(Luận chủ) Chúng ta đều thấy rằng vấn đề được bàn đến ở đây là vấn đề sinh khởi (utpāda) bởi vì Thế tôn đã nói: “Ta sẽ dạy các ông về lý duyên khởi.” Như vậy tại sao lại cho rằng Thế tôn đã dạy về vấn đề tồn tại trước khi dạy về sinh khởi?
(Giải thích của luận sư ở trên) Thế tôn khi đưa ra định nghĩa thứ nhất “cái kia có nên cái này có” tức đã hàm ý vì có quả nên có sự hủy diệt của nhân”; tuy nhiên đừng nghĩ rằng quả sinh mà không có nhân bởi vì Thế tôn đã nói tiếp “từ sự sinh khởi của cái kia mà cái này sinh khởi.”
(Luận chủ) Nếu muốn trình bày ý nghĩa trên, lẽ ra Thế tôn phải nói: “Vì cái kia có nên cái này không có”; và lẽ ra trước tiên ngài phải hiển thị sự sinh khởi của quả. Một khi quả đã sinh thì người ta sẽ có thể nói: “Quả đã sinh nên nhân không còn nữa”. Tuy nhiên nếu kinh phải hiển thị giống như những gì luận sư trên đây muốn nói thì làm thế nào Thế tôn có thể giải thích trước về sự hủy diệt của nhân trong khi ngài đang muốn dạy về lý duyên khởi?
(Hỏi) Làm thế nào để giải thích các hành có là vì có vô minh? Làm thế nào để giải thích lão tử có là vì có sinh?
(Đáp) Chúng tôi sẽ trả lời vắn tắt câu hỏi này.
Người ngu (bāla) hay dị sinh (pṛthagjana) vì không hiểu được (apajānan) duyên khởi chỉ là các hành, tức là các pháp hữu vi (saṃskṛta), nên mới khởi ngã kiến (ātmadṛṣṭi), ngã chấp và ngã mạn (asmimāna); người này tạo tác ba nghiệp thuộc thân, khẩu, ý mục đích để có lạc thọ (sukha) và xả thọ (phi khổ lạc, aduḥkhāsukha): Tạo nghiệp không có phước đức (phi phước nghiệp, apuṇya) để có lạc thọ ở đời này; tạo nghiệp phước đức (puṇya) để có lạc thọ của đời sống vị lai ở Dục giới; tạo nghiệp bất động (āniñjya) để có lạc thọ của ba tầng thiền đầu tiên và xả thọ của các tầng cao hơn. Các nghiệp này đều là các hành, sinh khởi nhờ có vô minh.
Sau khi có lực dẫn dắt của nghiệp, chuỗi tương tục các thức đã nương vào chuỗi tương tục của trung hữu để đi đến một thú nào đó, cho dù thú này có ở xa đến mấy cũng vẫn đến được; trường hợp này cũng giống như ngọn đèn, có nghĩa là ở trong một chuỗi tiếp nối liên tục. Đây chính là loại thức sinh khởi nhờ có hành. Nếu hiểu về thức như thế thì rất phù hợp với định nghĩa về thức của kinh Duyên khởi: “Thức là gì? - Đó là sáu loại thức”.
Vì đã có thức đi trước (pūrvaṃgama) nên thú này có danh sắc (nāmarūpa) sinh khởi. Đây cũng chính là năm uẩn vì điều này rất phù hợp với định nghĩa của Vibhanga: “Danh là gì? - Là bốn uẩn vô sắc. Sắc là gì? - Là tất cả sắc pháp… Danh và sắc này được gọi chung là danh sắc.”
Theo tiến trình phát triển của danh sắc mà sáu căn lần lượt sinh khởi; và đây chính là sáu xứ (ṣaḍāyatana).
Tiếp đó khi gặp được cảnh thì có một thức sinh khởi; và nhờ sự hòa hợp của ba pháp (thức, sáu xứ, cảnh [viṣaya]) nên có xúc (sparśa) có khả năng đưa đến sự cảm nhận lạc, khổ, v.v.
Từ đó mới sinh khởi ba thọ (vedanā) lạc, v.v.
Từ ba thọ này dẫn sinh ba loại ái (tṛṣṇā) là dục ái, tức sự ham muốn lạc thọ thuộc Dục giới của những chúng sinh bị khổ bức bách; sắc ái, tức sự ham muốn lạc thọ của ba tầng thiền đầu tiên và xả thọ của tầng thiền thứ tư; vô sắc ái.
Từ loại ái liên quan đến thọ này sinh khởi bốn loại thủ (upādāna) là dục thủ (kāmopādāna), kiến thủ (dṛṣṭyupādāna), giới cấm thủ (śīlavratopādāna), ngã ngữ thủ (ātmavādopādāna). Dục (kāma) là năm cảnh diệu dục (kāmaguṇa). Kiến là sáu mươi hai loại kiến như kinh Phạm võng (Brahmajālasūtra) đã giải thích. Giới là xa lìa ác giới (dauḥśīlya); cấm là nguyện làm chó, làm trâu bò, v.v.; như phái Ly hệ (Nirgrantha) nguyện sống lõa thể, Bà-la-môn (Brahmana) chống gậy mặc quần áo da nai, Bá-thâu-bát-đa (Pāśupāta) để bối tóc và bôi tro lên người, Bàn-lợi-phạt-la-đa (Parivrājaka) dùng đến ba cây gậy và sống lõa thể; v.v.: Tự nguyện chấp giữ các giới luật này nên gọi là giới cấm thủ. Ngã ngữ thủ chính là bản thân con người (ngã hữu, ātmabhāva), tức có liên quan đến những gì người ta nói là ngã (ātman). Có luận sư (Sautrātika) cho rằng ngã ngữ chính là ngã kiến và ngã mạn (asmimāna), bởi vì nhờ có hai loại này người ta mới có thể nói đến ngã, mới có thể khẳng định ngã. Nếu kinh sử dụng từ vada (khẳng định) là vì ngã không thực hữu như kinh (Madhayma, 11, 19) nói: “Kẻ ngu muội, kẻ không nghe hiểu, loài dị sinh vì nghe theo các cách nói giả định nên mới chấp ngã và ngã sở; thật ra không có ngã mà cũng chẳng có ngã sở”. Bốn loại thủ dục, kiến, v.v., chính là dục (chanda) và tham (rāga) như Thế tôn đã nói trong kinh (Saṃyukta, 29, 7; Saṃyutta, iv. 15): “Thủ là gì? - Là dục tham (chandarāga).”
Nhờ có thủ nên nghiệp, vốn đã được tích tập, mới có thể chiêu cảm một đời sống mới (hậu hữu): Đây chính là hữu (bhava). Kinh nói: “A-nan-đà, loại nghiệp chiêu cảm hậu hữu chính là hữu.”
Nhờ có hữu qua sự lưu chuyển của thức nên có sự sinh ra (janman) ở vị lai (anāgata); đây chính là sinh (jati), có đủ năm uẩn, có danh sắc làm thể tánh.
Nhờ có sinh, nên có lão tử (jarāmaraṇa) như đã được giải thích trong kinh (Majjhima, i. 49; Dīgha, ii. 305; Vibhanga, 99).
Chính nhờ tự có đủ nhân duyên như thế (thuần, kevala) - chứ không phải vì có ngã hay ngã sở - mà cái khối (uẩn, skandha = samuha) to lớn đầy khổ đau này đã sinh khởi (tập, samudeti); nói to lớn bởi vì không có bắt đầu cũng không có chấm dứt.
Thuyết duyên khởi giải thích mười hai chi là mười hai phần vị được cấu thành bởi năm uẩn vừa được trình bày trên đây chính là chủ thuyết của tông phái Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣikas).
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.237.228 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.