Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 44 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 44

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.55 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 46: HIẾN CÚNG RỪNG TRE
(Phần 1)

Thuở ấy, Đức Thế Tôn trú trên núi Tượng đầu, trải qua một thời gian ngắn rồi sau đó Ngài du hành lần lần hướng về thành Vương xá. Ngài rời làng Ưu-lâu-tần-loa chưa được bao lâu đã đến thành Vương xá, nơi đây có khu rừng Pháp vũ, là chỗ ở của các Tiên nhân. Trong khu rừng này có thảo am của các vị Tiên nhân, trong thảo am này có đến năm trăm đạo nhân tu khổ hạnh, tất cả đều được thần thông. Đầu tóc họ đều bạc còn lơ thơ một ít sợi, răng long, lưng gù, da dẻ trên thân trổ đồi mồi, da yết hầu thòng như yếm bò, dung mạo khô gầy, hình hài bại hoại, đi đứng nhờ gậy, hơi thở khò khè, muốn đứng dậy đi thì liền té quỵ, dầu muốn bước tới trước một bước vẫn không thể dời chân, chỉ còn da bọc xương, gân cốt tiều tụy. Tất cả họ đều trăm tuổi nên không thể đi đâu được. Do vì đời trước các Tiên nhân này đã trồng căn lành nên chỉ một đời này, hễ gặp được Phật thì liền tín thuận. Nhưng vì họ chưa nghe pháp nên chưa vào Niết-bàn, hiện đều tọa thiền trong hang núi.
Lúc ấy Đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn, muốn hóa độ các Tiên nhân khổ hạnh nên Ngài đến trước miệng hang, chỗ ở của các Tiên nhân mà nói kệ bảo họ.
Nếu có người dù nói trăm câu
Văn nghĩa, danh tự ý chẳng hợp
Thà nói một câu hơn ngàn vạn
Làm cho thính giả được định tâm.
Nếu người nói ra trăm câu kệ
Câu văn què quặt nghĩa lý sai
Thà nói một câu thật tối thắng
Nghe rồi tự nhiên được tịch định.
Nếu người thiện xảo thuật chiến đấu
Một người chiến thắng trăm vạn người
Nếu hay hàng phục được chính mình
Mới là thiện chiến trong nhân loại.
Nếu người một tháng đấu ngàn lần
Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần
Nếu hay quy tín Phật Thế Tôn
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Nếu người một tháng đấu ngàn lần
Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần
Nếu hay quy tín Pháp chánh chân
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Nếu người một tháng đấu ngàn lần
Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần
Nếu hay quy tín tất cả Tăng
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Nếu người một tháng đấu ngàn lần
Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần
Nếu hay tư duy Pháp tánh không
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Giống như trẻ thơ thường học tập
Kiến thức nhiều như đầu cỏ tranh
Nếu người quy kính Phật Như Lai
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Nếu người quy kính Pháp, Tăng bảo
Và lại tư duy Pháp tánh như
Đức tin người ấy thật khó lường
Thì hơn người trước mười sáu lần.
Như người thờ lửa ở thế gian
Trải qua trăm năm thờ nghiêm túc
Nếu được nhất tâm quy Tam bảo
Phước này hơn kia trăm ngàn vạn.
Phước đó toán số khó tính cùng
Dùng lời diễn tả cũng không xiết
Do vì kiên cố tâm chất trực
Nên được phước báo lớn như vậy.
Nếu người luổi thọ đến trăm năm
Ở trong rừng núi thờ thần lửa
Nếu thấy Điều phục thượng nhân đến
Bỏ ít thì giờ cúng dường Ngài
Phước ấy vượt hơn thờ thần lửa
Đầy đủ tất cả trọn một đời.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Phá giới, tâm không được tịch định
Ai hay kiên trì nhẫn tinh tấn
Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Tâm thường ngu si sinh tán loạn
Ai được trí tuệ và thiền định
Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Đui điếc mù mờ không nghe thấy
Ai hay thấy Phật và nghe pháp
Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Ngây ngô rối loạn không tĩnh giác
Ai hay thấy rõ đường sinh tử
Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Không hay thế gian thường biến đổi
Ai hay rõ được thân chẳng thật
Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.
Nếu người tuổi thọ đến trăm năm
Không xét thế gian chỗ an lạc
Ai hay biết được cảnh an nhàn
Chỉ sống một ngày hơn trăm tuổi.
Khi Đức Thế Tôn nói bài kệ nghĩa lý vi diệu như vậy, tất cả Tiên nhân tu khổ hạnh nghe bài kệ này, mọi người đều chứng sáu phép thần thông.
Bấy giờ, các Tiên nhân khổ hạnh ra khỏi hang đảnh lễ dưới chân Phật Thế Tôn. Sau khi lễ rồi, mọi người đều bay lên hư không để xả thọ mạng, nhập vào Niết-bàn, thân tuôn ra nước lửa để tự thiêu thân thể. Thiêu thân rồi, tất cả xá-lợi từ hư không đều rơi xuống đất.
Khi ấy Đức Thế Tôn thâu xá-lợi của năm trăm A-la-hán, gom lại một đống, bắt đầu xây tháp. Trong lúc ấy các Tỳ-kheo phụ giúp Thế Tôn bưng đất đá làm tháp. Với bàn tay mành lưới thần diệu của Ngài, Đức Thế Tôn tự xây tháp và trang trí trên ngọn tháp xá-lợi đủ các thứ nên ngôi tháp hoàn thành trang nghiêm thật đẹp mắt.
Sau khi tháp hoàn thành, Đức Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo tuần tự đi về nước Ma-già-đà. Đồ chúng theo Ngài gồm có một ngàn người đều là các Phạm chí Loa kế thuở trước, nay xuất gia, rồi như vậy lần lượt đi về thành Vương xá.
Khi Đức Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến thành Vương xá, trú trong rừng Trượng lâm. Trong rừng này có một ngôi tháp tên là Thiện an trú, trên tháp có đề bài kệ:
Lúc ấy đại chúng vây chung quanh
Thế Tôn lần đến Vương xá thành
Ở trong Trượng lâm rừng vi diệu
Như Lai muốn đến ở nơi đây.
Bấy giờ tiểu vương nước Ma-già-đà thuộc dòng vua Túc Tán tên là Tần-đầu-sa-la nghe mọi người đồn: “Sa-môn Cù-đàm con dòng Cam Giá, thuộc họ Thích, xả tục xuất gia. Ngày nay Ngài cùng đồ chúng gồm đủ một ngàn Tỳ-kheo đều là các Phạm chí Loa kế xuất gia, đồng đến du hóa trong nước Ma-già-đà. Hiện giờ Ngài cùng đồ chúng dừng nghỉ nơi tháp Thiện an trú, trong rừng Trượng lâm, bên cạnh thành Vương xá, mà danh tiếng của vị Sa-môn này vang khắp trong thế gian. Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn này hiện nay có nhân duyên giáo hóa ở đây. Lại nữa, Đức Thế Tôn đôi với tất cả các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa -môn, Bà-la-môn... trong thế gian, Ngài tự dùng thần thông khiến mọi người đều giác ngộ. Sau khi giác ngộ rồi, họ nói lên thế này: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, hoàn toàn không còn thọ thân đời sau.” Đức Thế Tôn thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần sau thiện, nghĩa lý vi diệu. Chỉ riêng giáo pháp của Ngài mới được đầy đủ, rốtráo thanh tịnh như vậy. Đối với các Bậc Vô Thượng Chánh Giác như vậy, nếu ai muốn đến chiêm ngưỡng thì người này thật là may mắn.” Vua suy nghĩ: “Ta nay cũng nên đến chỗ Đại Sa-môn để chiêm ngưỡng Thế Tôn.”
Vua Tần-đầu-sa-la nước Ma-già-đà ra lệnh sửa sang xa giá thật hoàn chỉnh tốt đẹp, rồi nhà vua lên xe cùng với các vị Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, gồm tất cả là mười hai na-do-tha người hầu hạ trước sau, ra đi từ thành Vương xá, hướng về rừng Trượng lâm để chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.
Thuở ấy, ở thành Vương xá có một dâm nữ tên là Bà-la-bạt-đế, hình dung kiều diễm khả ái, thế gian không ai sánh bằng, mọi người thế gian ai cũng thích trông ngắm. Tất cả các mổn ca múa, xướng hát, âm nhạc đều rành. Nàng có đoàn kỹ nữ gồm sáu mươi bốn người đầy đủ tài năng. Khi ấy, dâm nữ cũng nghe người ta nói: “Hiện giờ ở thành này có Sa-môn Cù-đàm, dòng họ Thích, thuộc vương tộc xuất gia”, nên nàng mới nghĩ: “Ta nên đến yết kiến vị Sa-môn này.”
Lúc dâm nữ thực hiện ý định yết kiến Đức Thế Tôn, vừa ra khỏi ngõ nàng lại nghĩ: “Ta nay nên đến Đức Thế Tôn trước Đại vương Tần-đầu-sa-la.” Rồi lại nghĩ tiếp: “Do vua Tần-đầu-sa-la có nhiều nhân lực dọn đường đi đến Sa-môn, lại đoàn người đông đảo ồn ào, sợ họ ngăn chận làm ta không đi được. Ta nay nên đập phá chỗ tường thành vắng người đi, phải cấp tốc đến yết kiến Thế Tôn trước.” Dâm nữ nghĩ như vậy rồi thuê nhiều người, bảo họ:
-Ai đập phá tường thành nhanh, ta sẽ trả cho người đó nhiều tiền.
Các người làm thuê chỉ trong một thời gian ngắn liền phá xong bờ tường và dọn sạch ngói đá, gai góc, thành lối đi bằng phẳng.
Dâm nữ Bà-la-bạt-đế liền sai người sửa soạn xe cộ nghiêm chỉnh tốt đẹp, rồi nàng lên xe ra khỏi nhà. Trên con đường bằng phẳng, nàng đi thẳng đến tháp Thiện an trú, trong rừng Trượng lâm để cung kính đảnh lễ yết kiến Thế Tôn.
Lúc ấy Đức Thế Tôn biết tâm niệm của dâm nữ Bà-la-bạt-đế, Ngài liền thầm nghĩ: “Nếu nàng dâm nữ này đến yết kiến ta trước, nhà vua Tần-đầu lại đến sau, thấy dâm nữ đứng trước mặt ta, nhà vua sẽ sinh tâm nghi kỵ. Nghĩ như vậy rồi, Ngài liền vận dụng thần thông khiến dâm nữ không thể đi đến trước vua. Còn vua Tần-đầu muốn đi đến trước, nhưng xe nhà vua đứng yên một chỗ, nhất định không thể chuyển bánh được. Đại vương Tần-đầu-sa-la sinh tâm sợ sệt kinh hoàng, lông tóc dựng ngược. Nhà vua lại thầm nghĩ: “Ta nay bị quỷ thần hay tai họa gì làm trở ngại, khiến ra nông nổi thế này?”
Lúc đó ở nơi đây có một Thiên thần biết tâm niệm vua Tần-đầu-sa-la nên ẩn hình trên hư không mà bảo nhà vua:
-Này Đại vương, nay ngài không nên lo sợ. Này Đại vương, nay ngài không gặp tai nạn, cũng không có điều quái lạ, quỷ thần biến hiện. Tuy nhiên, nhà vua hiện giờ có giam cầm một người vô tội, tên họ như vậy, tại một nơi trong thành Chiêm-ba. Nhà vua nên mau thả người ấy ra thì xe ngài liền chuyển bánh.
Đại vương Tần-đầu-sa-la nghe Thiên thần nói như vậy, lập tức ra lệnh cho sứ giả về phóng thích người kia. Khi phóng thích xong, đoạn đường nào thông suốt thì đi xe, còn đoạn đường nào không thông suốt thì đi bộ, tiến vào trong rừng để đến chỗ Đức Phật. Khi đến nơi, nhà vua đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi ngồi về một bên.
Lúc ấy tất cả dân chúng, cư sĩ, trưởng giả ở nước Ma-già-đà, hoặc có người đảnh lễ rồi ngồi về một bên, hoặc có người cùng với Phật chào hỏi thân thiện rồi lui về ngồi một bên, hoặc có người đến trước Đức Phật tự xưng tên họ rồi lui ngồi về một bên, hoặc có người hướng về Đức Phật chắp tay rồi lui ngồi về một bên, hoặc có người ngồi đốì diện trước Đức Phật im lặng, rồi lui ngồi về một bên.
Sau khi tất cả dân chúng, cư sĩ, trưởng giả ngồi về một bên, họ lại thầm nghĩ: “Hiện giờ trong số đạo nhân này vừa có Đại Sa-môn, vừa có Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, những vị Quốc sư của chúng ta, không biết Sa-môn Cù-đàm theo Ca-diếp học phạm hạnh, hay Ca-diếp theo Sa-môn học phạm hạnh?”
Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của tất cả dân chúng, trưởng giả, cư sĩ nước Ma-già-đà nên dùng kệ bảo Trưởng lão Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp như thế này:
Ca-diếp, ông thấy việc thế nào?
Trước tại bờ sông tư khổ hạnh
Vì Ta và chúng nói ý này
Bỏ việc tế tự như thế nào?
Trưởng lão Phạm chí ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp vâng lời Phật dạy, dùng kệ đáp:
Sắc, thanh, hương, vị và xúc, pháp
Ngũ dục thế gian họ mong cầu
Ái nhiễm như vậy ngập thiên hạ
Vì tham việc ấy tôi tế tự.
Khi ấy, tất cả dân chúng, trưởng giả, cư sĩ và các Bà-la-môn nước Ma-già-đà này thầm nghĩ: “Sa-môn tự nói một bài kệ và ưu- lâu-tần-loa Ca-diếp lại nói một bài kệ nhưng chúng ta hoàn toàn không biết hai người này ai là thầy, ai là trò?”
Đức Thế Tôn biết tâm niệm mọi người thầm nghĩ như vậy, Ngài dùng kệ hỏi Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp:
Sắc, thanh, hương, vị và xúc, pháp
Trong đó Ca-diếp có thích không?
Ở trong nhân gian và thiên thượng
Ông thích những gì nói Ta nghe.
Trưởng lão Phạm chí Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp lại vâng lời Phật dạy, dùng kệ đáp:
Tôi biết tịch tĩnh Không vô ngại
Tướng Không vô ngại, không nên chấp
Điều không thay đổi thì không dối
Điều ấy tâm tôi thích tế tự.
Khi ấy tất cả dân chúng, trưởng giả, cư sĩ nước Ma-già-đà thầm nghĩ: “Đại Sa-môn tự nói hai bài kệ, rồi ưu-lâu-tần-loa lại nói hai bài kệ, hiện giờ đây chúng ta vẫn chưa biết ai là thầy, ai là trò?”
Chư Phật Thế Tôn mười phương đều có cùng một phương pháp là nếu không làm cho tất cả đại chúng sinh tâm hoan hỷ và hy hữu thì không nên thuyết pháp.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì muốn đại chúng sinh tâm hoan hỷ và hy hữu nên bảo ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp:
-Này Ca-diếp, nếu ngày nay ông thấy đúng lúc, nên vì tất cả dân chúng, trưởng giả, cư sĩ và Bà-la-môn nước Ma-già-đà xuất hiện thần thông, thể hiện pháp thượng nhân.
Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp khi nghe Đức Phật bảo như vậy, liền bạch Phật:
-Y theo lời Thế Tôn chỉ dạy, con chẳng dám trái lời.
Liền khi ấy, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp từ chỗ ngồi đứng dậy, xuất hiện thần thông bay lên hư không một cách tự tại: Hoặc đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc lại nằm ngủ, thân phát ra khói lửa, hoặc lại ẩn hiện, biến hiện đủ loại thần thông như vậy, rồi từ hư không hạ xuống, đứng trên mặt đất, đến đảnh lễ dưới chân Phật và thưa:
-Đức Thế Tôn thật là Giáo thọ sư của con. Con nay thật là đệ tử Thanh văn của Đấng Vô Thượng Thế Tôn.
Rồi vị ấy nói kệ:
Thần thông vi diệu thu nhiếp rồi
Đảnh lễ dưới chân Tối Thắng Tôn
Bổn phận đệ tử con hoàn tất
Thế Tôn thật sự là Thầy con.
Bấy giờ đại chúng Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả và tất cả nhân dân nước Ma-già-đà tâm nghĩ thế này: “Ngày nay Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, theo Sa-môn tu học phạm hạnh.” Biết như vậy rồi, họ đối với Thế Tôn sinh tâm hy hữu kính tín.
Đức Thế Tôn biết tâm đại chúng hoan hỷ cho rằng việc chưa từng có, Ngài liền vì đại chúng theo thứ lớp thuyết các pháp; dạy hành bố thí, trì giới, nói nhân duyên phước báo sinh lên cõi trời, nói việc xa lìa ngũ dục, nói nguyên nhân dứt các lậu, nói phiền não lậu hoặc, tán thán công đức xuất gia, tán trợ việc giải thoát. Đức Thế Tôn biết các hàng Bà-la-môn, cư sĩ và tất cả đại chúng nước Ma-già-đà sinh tâm hoan hỷ nhu thuận, không có tâm nhiễm ô.
Đức Thế Tôn biết đại chúng này cần nên đắc đạo, Ngài lại biết tất cả chư Phật Thế Tôn biết các chúng sinh, hoặc có chúng sinh tán thán mà đắc đạo pháp... nên Ngài liền vì thích ứng căn cơ đại chúng, đúng như pháp mà nói. Những pháp đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đức Thế Tôn cũng vì đại chúng thuyết giảng các pháp tướng.
Lúc ấy trong chúng hội mà vua Tần-đầu-sa-la là người đứng đầu: Ngoài ra, còn có trên mười một na-do-tha người cùng một lúc lãnh ngộ. (Có Sư cho: Gồm mười hai na-do-tha người xa lìa trần cấu, dứt sạch phiền não, tâm được thanh tịnh, đối với các pháp sinh pháp nhãn thanh tịnh, đối với bao nhiêu pháp phiền não đều là tướng tịch diệt, chứng biết như thật, ví như áo sạch không vết nhơ, không dính mồ hôi, không một điểm đen, thì tùy ý nhuộm màu gì sẽ thành màu đó.) Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả nhân dân, trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn nước Ma-già-đà đang ngồi tại chỗ xa lìa trần cấu, cho đến các pháp Khổ, Tập đều là tướng tịch diệt, chứng biết như vậy. Trong số này lại có một na-do-tha người phát tâm thanh tịnh, thọ giới Ưu-bà-tắc.
Lúc bấy giờ vua Tần-đầu-sa-la nước Ma-già-đà thấy tướng các pháp, đã biết tướng các pháp, đã chứng nhập các pháp, ở trong các pháp vượt qua các nghi, hoàn toàn không ngăn ngại, đôi với các pháp đã được vô ngại, lại không còn sợ sệt. Ở trong giáo pháp của Thế Tôn không còn phải theo người khác, không còn phải học hỏi nơi người khác. Đối với các pháp biết như vậy rồi, tự tại vô ngại. Khi ấy vua Tần-đầu-sa-la liền bạch Phật:
-Thưa Đức Như Lai Thế Tôn, lúc trước, khi con còn là đọng tử phát năm lời nguyện mà ngày nay con đã được thành tựu hoàn toàn. Năm điều đó là gì?
Một là khi con còn thiếu niên sớm lên vương vị. Thưa Thế Tôn, đây là nguyện đầu tiên, nay con đã được thành tựu.
Thứ hai, lại nguyện trong khi con cai trị dân chúng có Đức Phật ra đời. Đây là điều tâm nguyện thứ hai, nay con đã thành tựu.
Thứ ba, lại nguyện có Đức Phật xuất thế rồi, con thiết lễ cúng dường Đức Phật này, khiến được hoan hỷ. Đây là điều tâm nguyện thứ ba, ngày nay con đã được thành tựu.
Thứ tư, lại nguyện đối với Đức Thế Tôn, con sinh tâm hoan hỷ, rồi Đức Phật vì con thuyết pháp. Đây là điều tâm nguyện thứ tư, ngày nay con đã được thành tựu.
Thứ năm, lại nguyện đối với tất cả giáo pháp của Thế Tôn đã thuyết cho nghe, con được chứng biết tất cả. Đây là điều tâm nguyện thứ năm, ngày nay con đã được thành tựu.
Lại nữa bạch Đức Thế Tôn, thuở trước con còn là đồng tử, tâm con phát nguyện thế này: “Nguyện những gì con làm đều được thành tựu.” Thưa Đức Vô Thượng Thế Tôn, ngày nay nguyện con đều được viên mãn, như con khéo học tập thi thơ, nên ngày nay con giỏi hơn tất cả. Ví như người lưng gù thì được ngay thẳng, người lén lút chạy trôn thì được tự do, người không biết lôi đi thì gặp được hướng đạo, nơi tối tăm thì được sáng tỏ, người mù mắt thì được thấy các vật. Thưa Đức Vô Thượng Thế Tôn, con nay cũng vậy, như nay Đức Thế Tôn vì con dùng tất cả phương tiện thuyết pháp.
Lại nữa bạch Đức Thế Tôn, con từ nay trở đi quy y Thế Tôn, quy y Pháp bảo và quy y Thánh tăng. Từ nay trỡ đi, con luôn luôn giữ hạnh Ưu-bà-tắc. Xin Đức Thế Tôn chứng minh cho con điều này. Bạch Đức Như Lai Thế Tôn, con từ nay trở đi cho đến trọn đời, con thề không sát sinh, ngược lại con bảo hộ mạng sống của chúng sinh như mạng sống của con, làm chỗ nương tựa của chúng sinh. Con nguyện thọ trì năm giới cấm và mười thiện nghiệp như vậy. Cúi xin Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo sáng mai nhận sự cúng dường trai phạn của con.
Đức Thế Tôn vì Đại vương Tần-đầu-sa-la nước Ma-già-đà im lặng nhận lời mời. Vua Tần-đầu thấy Đức Phật im lặng, biết Phật đã nhận lời nên liền bạch Phật:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, xin Ngài ngồi trên xe này vào thành Vương xá, con tự làm người đánh xe cho Thế Tôn.
Đức Phật nghe mời như vậy, liền bảo nhà vua:
-Lành thay! Này đại vương, cầu chúc đại vương thường được an lạc. Ta không cần dùng xe.
Vua Tần-đầu từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi từ tạ ra về.
Vua Tần-đầu-sa-la về chưa được bao lâu, các vị Tỳ-kheo liền bạch Phật:
-Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tại sao ngày nay vua nước Ma-già-đà dâng xe cho Thế Tôn đi, nhà vua lại tình nguyện làm người đánh xe. Việc này như thế nào?
Các Tỳ-kheo thưa lời như vậy rồi, đứng yên lặng. Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo.
-Này các Tỳ-kheo, các thầy phải lắng nghe. Đại vương Tần-đầu, nước Ma-già-đà chẳng những ngày nay dâng xe cho Ta đi và vì Ta làm người đánh xe, mà ngày xưa người cũng đã từng dâng xe cho Ta như vậy.
Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
-Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con nói việc ấy như thế nào?
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ đời quá khứ, ở nước Ca-thi có một vị vua tên là Thiện Ý Nhạo Pháp. Nhà vua đem chánh pháp trị dân. Thuở ấy, Đế Thích muốn gặp vua Thiện Ý Nhạo Pháp nên bảo vị Thiên thần đánh xe tên là Ma-đa-lê: “Này Ma-đa-lê, khanh đến nước Ca-thi chở vua Thiện Ý đến gặp ta. Khanh thay lời ta nói với vua Thiện Ý: ‘Này nhân giả Thiện Ý, Đế Thích, vua trời Đao-lợi muốn gặp nhân giả. Xin nhân giả chớ từ chối, cần phải tới gấp!’.”
Thiên thần đánh xe Ma-đa-lê liền bạch Thiên đế: “Như Thiên chủ dạy, chẳng dám trái lời.”
Ma-đa-lê sau khi nhận sứ mạng, liền sửa soạn xa giá thật hoàn chỉnh, xe được thắng bởi ngàn con ngựa. Sau khi trang bị xong, liền bay xuống cõi Diêm-phù-đề, đến nước Ca-thi của vua Thiện Ý. Đến nơi, đứng trên hư không dùng kệ thưa vua Thiện Ý:
Nhân giả ngày nay lên xe này
Xe trời tốt đẹp chẳng ai bằng
Chư Thiên nghĩ nhớ đến nhân giả
Đó là Thiên chủ Ba mươi ba.
Lúc ấy Thiện Ý nghe vậy rồi
Liền từ phía Đông bước lên xe
Xe này tuyệt đẹp không gì sánh
Nhắm hướng cõi trời tôn thắng đến
Chư Thiên xa thấy vua tới nơi
Đứng dậy nghinh tiếp nói, thế này:
Lành thay Pháp vương trong nhân loại
Cùng trời Đế Thích tọa nơi đây.
Đế Thích Thiên chủ liền khi ấy
Xa thấy vua đến liền đứng dậy
Đón rước và nói với vua:
Lành thay Đại vương trong thế gian
Nay ở nơi đây trời tự tại
Nên nương oai lực cõi trời này
Ở đây bao lâu tùy ý muốn
Mặc tình thọ dụng đều thỏa mãn.
Thuở ấy vua Thiện Ý lưu lại cung trời Đao-lợi một thời gian khá lâu, tâm ý chẳng vui, thầm nghĩ: “Ta nay e thọ mạng giảm bớt.” Nghĩ như vậy rồi liền dùng kệ thưa Đế Thích:
Đầu tiên tôi thích lên Thiên giới
Ở đây âm nhạc thật tuyệt vời
Tôi nay e sợ thọ mạng chung
Không thích Thiên giới nên trở lại.
Đế Thích, chủ cõi trời Đao-lợi, đáp lời vua Thiện Ý:
Vua nay tuổi thọ chưa suy giảm
Lâm chung ngày ấy vẫn còn xa
Do vì vua nay thiện nghiệp ít
Do vậy chẳng thích sống ở đây.
Nhân giả trước đến do tự lực
Giờ này thiện nghiệp chẳng có dư
Do vì tội nghiệp tâm mê muội
Vì vậy tâm chẳng thích cõi trời.
Nếu nay muốn thọ thế lực trời
Liền hưởng thiên lạc như thuở trước
Như ngồi ở trong xe vi diệu
Hoặc như thích thú diệu lâm viên
Vua nay nếu khởi tâm như vậy
Vua liền thích sông cõi trời này.
Vua Thiện Ý nghe kệ như vậy, liền nói với trời Đế Thích:
-Rất lành thay! Thiên vương, tôi từ giã cõi trời này trở lại nhân gian phải tu nhiều phước nghiệp như hành bố thí, tu khổ hạnh, làm việc lành, nói năng chân thật, thọ trì trai giới. Sau khi tôi làm các thiện nghiệp như vậy rồi, sẽ trở lại lên sống trên cõi trời này.
Đế Thích bảo vua Thiện Ý:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời nhân giả nói. Nhân giả ngày nay từ biệt cõi trời này để trở lại nhân gian phải tạo nhiều công đức, phải tu nhiều thiện nghiệp, cho đến bố thí, thọ trì trai giới... như vậy. Nhân giả tạo các thiện nghiệp như vậy xong rồi mới trở lại lên sống nơi đây.
Vua Thiện Ý sống trên Thiên giới thời gian khá lâu, rồi sau đó mới trở lại cõi Diêm-phù-đề, đi đến vương cung. Nơi cung nội không thấy thể nữ, hậu phi, vương tử, đại thần bá quan, cho đến tất cả những người thân thuộc. Tất cả đều chết hết không còn một ai. Do không thấy được người xưa nên nhà vua không vui, ưu sầu khổ não, nói kệ:
Đây là y phục của người thân
Bông tai, nhẫn xuyến và anh lạc
Bình sinh tiếc giữ không bố thí
Nay chết vật còn, thân ở đâu?
Do vật trang hoàng nhiều như vậy
Giường nệm, mền chăn ren tuyệt mỹ
Hương sơn, ao nước với lâm viên
Bỗng nhiên buông bỏ còn để lại.
Tất cả dân chúng đã chẳng còn
Bao nhiêu cung điện thảy trống không
Vợ con quyến thuộc đều không có
Như vậy làm sao ta vui được
Trí tuệ phú hào thật tôn quý
Oai đức như vậy dòng đại tộc
Ác quỷ chủ mạng không hộ trì
Lần hồi tất cả đều ly tán.
Hoặc giàu, hoặc sang, hoặc bần tiện
Hoặc thông, hoặc tuệ, hoặc ngu si
Hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc lão thành
Nếu đến thời tiết thọ mạng chung
Ác quỷ chủ mạng không thể hộ
Tất cả đều bất khiến tiêu ma.
Bao nhiêu Sát-lợi, Bà-la-môn
Tỳ-xá, Thủ-đà hàng quý tiện
Hoặc bọn hèn hạ Chiên-đà-la
Đến khi mạng chung không lựa chọn
Lôi đi tất cả chẳng có chừa
Kéo lôi giống như dòng nước dốc
Cuốn các cây cối mọc mé sông.
Già, bệnh, chết đến cũng như vậy
Nuốt chững mạng căn thân các loài
Bà con thân thuộc chỉ đứng nhìn.
Thiên vương trấn giữ ở bốn góc
Cung trời Đao-lợi thứ Ba ba
Một cuộc du hành thật thích thú
Qua bảy ngày đêm trong mấy chốc.
Ta cùng Đê Thích sống nơi đây
Thiên vương với ta thường đối diện
Nơi đây ta thấy chư Thiên khác
Thường thấy ở đấy việc như vậy.
Ta nay chỉ tạo các phước lành
Kiên trì giới luật và bố thí
Tinh tấn, nhẫn nhục, trí tuệ, thiền
Thề chẳng mong cầu ngôi vương vị.
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Này các thầy phải biết, vua Thiện Ý lúc ấy là thân Ta ngày nay, còn Thiên thần Ma-đa-lê đánh xe thuở ấy nay là vua Tần-đầu nước Ma-già-đà. Lúc ấy người đem xe rước Ta và làm người đánh xe cho Ta. Ngày nay cũng vậy, dâng xe cho Ta, cũng muốn đích thân làm người đánh xe. Thệ nguyện ấy vốn đã có từ xưa là như vậy.
Vua Tần-đầu-sa-la về đến cung điện của mình, ra lệnh sắm đầy đủ tất cả thức ăn uống cao lương mỹ vị. Những thức ấy như đồ ăn cứng, đồ ăn mềm, đồ uống, đồ nhắm... tất cả đều được đầy đủ. Sáng ngày hôm sau, vua cho rưới nước quét dọn cung điện, sắp đặt chỗ ngồi, rồi sai sứ giả đi thỉnh Thế Tôn. Sứ giả đến nơi bạch:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, giờ thọ trai sắp đến. Nơi cung điện đã bày biện thức ăn xong rồi.
Vào buổi sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát cùng đông đủ một ngàn Tỳ-kheo, đều là cựu Phạm chí Loa kế xuất gia, hầu hạ hai bên Thế Tôn như đôi cánh, cùng nhau đi vào thành Vương xá.
Lúc ấy Đế Thích, vua cung trời Đao-lợi, liền biến thân trời thành hình đồng tử, dung mạo khôi ngô, dễ thương, mọi người thích trông ngắm, đầu để búi tóc làm mũ, thân mặc áo vàng, tay trái bưng bình nước rửa bằng vàng, tay phải cặp lấy tích trượng làm bằng nhiều thứ ngọc quý, đi trước chúng Tỳ-kheo của Đức Phật, chân đi cách đất hai gang. Lúc ấy đồng tử Đế Thích nói kệ:
Phật tự điều phục, lại điều người
Cùng ngàn Tỳ-kheo gốc Loa kế
Sắc thân vàng chói tuyệt như vậy
Vô Thượng Thế Tôn nay vào thành.
Tự mình tịch tịnh, tịch tịnh người
Cùng ngàn Tỳ-kheo gốc Loa kế
Sắc vàng óng ánh đẹp như vậy
Vô Thượng Thế Tôn nay vào thành.
Tự mình đã độ, độ người khác
Cùng ngàn Tỳ-kheo gốc Loa kế
Sắc thân vàng chói tuyệt như vậy
Vô Thượng Thế Tôn nay vào thành.
Tự mình giải thoát, giải thoát người
Cùng ngàn Tỳ-kheo gốc Loa kế
Sắc thân vàng chói tuyệt như vậy
Vô Thượng Thế Tôn nay vào thành.
Ngày nay thuyết giảng mười pháp môn
Đầy đủ mười lực, mười vô thắng
Một ngàn Tỳ-kheo vây chung quanh
Vô Thượng Thế Tôn nay vào thành.
Tất cả dân chúng trong thành Vương xá thấy Đế Thích, họ đều la lên:
-Hy hữu thay! Hy hữu thay! Đồng tử này hình dung hết sức khôi ngô, thật rất dễ thương, không ai sánh bằng, mọi người đều thích trông ngắm. Người này hầu hạ ai? Cung phụng ai?
Lúc ấy Đế Thích, vua trời Đao-lợi, liền dùng kệ đáp lời tất cả dân chúng:
Chư Phật có tài hàng tất cả
Tịch tĩnh vô thượng Tối Thắng
Tôn Ứng Cúng thế gian khắp trời, người
Ta nay hầu hạ Đức Thế Tôn.
Trượng Phu tối đại hàng phục người
Thiên hạ không ai hơn Đức Phật
Ứng Cúng thế gian khắp trời, người
Ta nay hầu hạ Đức Thế Tôn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ung dung đi vào cung điện vua Tần-đầu- sa-la. Đến nơi, Ngài trải tòa an tọa. Đại vương Tần-đầu-sa-la thấy Thế Tôn và đại chúng an tọa xong rồi, nhà vua tự tay bưng đủ các thức ăn sơn hào hải vị đồ ăn cứng, đồ ăn mềm, đồ nhắm... dâng lên Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo một cách đầy đủ.
Khi Đức Thế Tôn và chư Tăng thọ trai xong và rửa tay chân thì nhà vua cùng tất cả quần thần, mỗi người trải một tòa nhỏ ngồi trước Đức Phật. Ngồi xong, vua ở trước Đức Phật thầm nghĩ: “Ngày nay ta phải thỉnh Đức Phật ở chỗ nào để cho đừng cách thành quá gần hay quá xa, làm chỗ an trú cho người xuất gia đúng như pháp mà hành đạo.” Rồi vua Tần-đầu-sa-la lại nghĩ thêm: “Vườn Trúc của ta gần kinh thành, tới lui dễ dàng, đi lại không cực nhọc, đường bằng phẳng dễ đi, mọi người đều ưa thích, muốn cầu lợi ích dễ được không khó, lại thêm ít muỗi mòng, bọ cạp, độc trùng... Ban ngày vắng vẻ không người đi lại, ban đêm cũng được yên tĩnh, ít tiếng ồn, gần kề hồ ao, lui tới không chướng ngại. Đây là chỗ rất tốt cho người xuất gia an trú tu học. Ta nay nên đem rừng tre này hiến cúng cho Đức Thế Tôn làm nơi an trú.”
Vua Tần-đầu nghĩ như vậy rồi, lại bạch Phật:
-Bạch Đại Thánh Thế Tôn, rừng tre này cách thành Vương xá chẳng xa chẳng gần, là chỗ rất tốt cho người xuất gia ở tu học. Cúi xin Đức Thế Tôn dạy cho con cách nào để hiến cúng rừng tre này cho Thế Tôn làm nơi an trú.
Đức Phậtt bảo vua Tần-đầu:
-Này Đại vương, nếu muôn hiến cúng rừng tre này cho Ta thì nên hiến cung làm vật sở hữu cho chư Tăng bốn phương.
Vua Tần-đầu liền bạch Phật:
-Y theo lời Thế Tôn dạy.
Rồi nhà vua đứng dậy, tay cầm bình bằng vàng dâng nước cho Thế Tôn mà bạch:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, rừng tre này ở gần bên thành..., là chỗ rất tốt cho người xuất gia ở tu học. Con nay hiến cúng cho chư Phật Thế Tôn làm vật sở hữu cho chư Tăng bốn phương. Cúi xin Thế Tôn thương xót con mà nạp thọ và sau khi hiến cúng xong, xin Ngài sử dụng.
Đức Phật Thế Tôn vì thương xót nhà vua nên Ngài nạp thọ. Do vì nhân duyên này, Đức Thế Tôn dùng kệ chứ nguyện:
Bao nhiêu cây cối ở trong rừng
Đều dùng xây dựng cầu v.v...
Sông, ao, giếng, suối để giúp đời
Thuyền bè chuyên chở người qua lại
Bao nhiêu thứ đó suốt ngày đêm
Phước báo luôn luôn tăng không ngớt
Phạm hạnh trí giới chẳng khác gì
Tín kính kiên cố tức sinh thiên.
Đức Thế Tôn vì vua Tần-đầu chú nguyện xong, liền đứng dậy trở về rừng Trượng lâm. về đến nơi, vì nhân duyên nhà vua cúng rừng tre nên Thế Tôn họp đại chúng tuyên bố cho các Tỳ-kheo biết:
-Này các thầy Tỳ-kheo, từ ngày nay trở đi, các thầy được phép nghỉ trong rừng tre. (Sư Ni-sa-tắc nói: “Do nhân duyên được vườn tre.”)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguồn chân lẽ thật


Hạnh phúc là điều có thật


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Phật pháp ứng dụng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.75.6 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập