Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 37 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 37

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.54 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 40: PHÚ-LÂU-NA XUẤT GIA
Trong thời quá khứ, cách thành Ca-tỳ-la-bà-tô chẳng bao xa có làng Kiều-tát-la, trong làng này có một xóm, xóm ấy có vị đại Bà-la-môn, là vị Quốc sư của vua Tịnh Phạn, gia đình rất giàu có nhiều của báu, cho đến phòng nhà đều giống như cung trời của Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Vị Bà-la-môn này có một người con tên là Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử (đời Tùy dịch là Mãn Túc Từ) hết sức khôi ngô tuấn tú, có tướng Đại trượng phu, hiếm có người thứ hai, mọi người đều ưa thích ngắm nhìn, trí tuệ lanh lợi thông minh, tâm ý chín chắn, thấu triệt tất cả luận Phệ-đà, tự mình thông hiểu rồi dạy lại cho người khác. Vị ấy thông suốt ba bộ Phệ-đà, thông suốt luận Ni-càn-đà, thông suốt luận Kỳ-chu-bà và thông suốt luận Phá tự; lại giảng giải luận Ngũ minh, dầu là một câu nửa câu hay một bài kệ đều phân tích rõ ràng, lại thông suốt luận Thọ ký, thông thạo sáu mươi cách biện giải trong thế gian, có tướng của bậc Đại nhân.
Ngày Đại vương Tịnh Phạn sinh Thái tử Tất-đạt-đa, cũng chính là ngày Di-đa-la-ni Tử chào đời. Bản tánh của Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử nhàm chán thế gian, chí cầu giải thoát, luôn kinh sợ phiền não, tâm thường tịch định. Người đã nhiều đời trong quá khứ từng gặp chư Phật ra đời, trồng các căn lành ở chỗ các Đức Phật, tạo nhiều phước nghiệp, huân tập trong tâm, chí cầu pháp môn Niết-bàn, không thích phiền não. Đối với tất cả pháp sinh tử, vị này đều xa lìa, việc làm đã xong, phiền não tiêu diệt. Do sức nhân duyên này, căn tánh được thuần thục, chứng được Thánh pháp.
Phú-lâu-na ngồi một mình, tư duy: “Cha ta làm Quốc sư cho Đại vương Du-đầu-đàn (Tịnh Phạn), phải lo đủ mọi việc, tài ba đa diện, đối với vương pháp thì thay vua xử đoán. Rồi đây, Thái tử Tất-đạt-đa nhất định sẽ như Đại vương Du-đầu-đàn, nghĩa là nhất định làm Chuyển luân thánh vương. Đến khi thân phụ ta qua đời, ta chắc chắn sẽ thay cha làm Quốc sư cho Chuyển luân thánh vương Tất-đạt-đa. Cha ta làm Quốc sư cho một Tiểu vương mà còn bận rộn không chút thì giờ rảnh rang huống chi làm Quốc sư của Đại vương Chuyển luân thánh vương, mà hoàn tất mọi việc trong nước để được rảnh rang thì không có việc như vậy! Ngày nay ta phải tính toán trước, phải làm việc gì đây? Phải có giải pháp gì? Ta chỉ có một việc duy nhất là xả tục xuất gia!”
Phú-lâu-na quyết định như vậy rồi, ngay đêm Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia, vào lúc nửa đêm, chàng không thưa cha mẹ, cùng bằng hữu ba mươi người bỏ nhà ra đi, trực chỉ Tuyết sơn, đến nơi Tiên nhân Ba-lê-bà-giá-ca cầu xin xuất gia, ở trong pháp của Tiên nhân này tu khổ hạnh. Những vị ấy tinh tấn dũng mãnh không tạm dừng nghỉ, nên ba mươi người đồng một lúc chứng được Tứ thiền và năm pháp thần thông.
Bấy giờ, Tiên nhân khổ hạnh Phú-lâu-na suy nghĩ: “Ta phải quán sát Thái tử Tất-đạt-đa đã chứng Thánh vị nào chưa?” Phú-lâu-na liền dùng Thiên nhãn quán sát thấy Đức Thế Tôn đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đang ở trong vườn Nai thuộc nước Ba-la-nại, chuyển phấp luân vô thượng vi diệu, Ngài vì chư Thiên nhân loại diễn thuyết các pháp. Phú-lâu-na thấy rồi, liền đi đến các bằng hữu nói với họ:
-Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia nay đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đang ở trong vườn Nai thuộc thành Ba-la-nại, vì khai thị cho chư Thiên nhân loại, nên đã chuyển pháp luân vô thượng thanh tịnh. Ngày nay các vị phải hết sức vui mừng hớn hở, chúng ta nên cùng nhau đến cầu Ngài xin tu phạm hạnh.
Bấy giờ, các vị bằng hữu của Phú-lâu-na đều hoan hỷ và nói: -Hay thay lời nói của Nhân giả! Chúng tôi đều tùy thuận.
Khi ấy, Tiên nhân tu khổ hạnh Phú-lâu-na cùng với ba mươi bằng hữu, từ dưới chân Tuyết sơn bay lên hư không, giống như nhạn chúa bay bổng lên trời, đến vườn Nai trong thành Ba-la-nại. Đoàn người đến trước Đức Phật, đồng đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, hai tay ôm và đặt đầu vào chân Phật một cách thành kính, ngước đầu nói: -Ôi bàn chân Như Lai!
Họ quỳ trước Đức Phật dùng kệ tán thán:
Thuở xưa, Ngài ở trời Đâu-suất
Chánh niệm hiện hình làm Bạch tượng
Thân nương thai tạng Thánh Ma-da
Sinh nhà họ Thích làm Thái tử.
Như hoa sen đẹp chẳng dính bùn
Thai trong bụng mẹ không ô uế
Thánh mẫu hoan lạc thật vô biên
Ngũ dục chẳng màng chỉ vui pháp
Chỉ làm việc thiện bỏ điều ác.
Thấy Ngài trong thai như vàng luyện
Vui mừng hớn hở không biết chán
Ngắm không thấy chán rồi lại nhìn
Ở trong thai tạng thường thuyết pháp
Khởi tâm thương xót chúng trời người
Tất cả vui mừng uống pháp dược.
Thế Tôn mới sinh, nói diệu ngữ:
Ta vượt sinh tử độ chúng sinh.
Sinh hông bên phải, đi bảy bước
Tợ sư tử chúa thật oai hùng
Ta là Như Lai diệt sạch khổ.
Ao tắm Thiện Thệ lúc đản sinh
Nước không lạnh, nóng vừa tràn đầy
Tắm xong thoa hương trang phục sức
Bỗng nhiên tàn lọng hiện che thân
Thế gian thấy việc chưa từng có
Do vậy chúng con đảnh lễ Ngài.
Phú-lâu-na cùng với các vị Tiên nhân nói kệ rồi, đồng thanh thưa Đức Phật cầu xin xuất gia:
-Cúi xin Đức Thế Tôn thương tưởng chúng con, tâm nguyện chúng con muốn được xuất gia, xin Ngài thương tưởng độ cho chúng con.
Đức Phật bảo Phú-lâu-na:
-Này Phú-lâu-na, các ông hãy đứng dậy, tùy theo ý các ông, ta sẽ cho các ông được toại nguyện.
Phú-lâu-na cùng hai mươi chín người bạn được Phật cho phép xuất gia thọ giới Cụ túc. Các vị Trưởng lão này sau khi được xuất gia thọ giới Cụ túc rồi, sau đó chẳng bao lâu mỗi người đi, đứng, nằm, ngồi một mình, dũng mãnh tinh tấn, kinh hành thiền tọa nơi vắng vẻ, mỗi người đều dụng tâm cẩn thận, chưa từng phóng dật, luôn luôn ở chỗ yên tĩnh. Các vị thiện nam vì cầu điều lợi ích lớn, chánh tâm chánh tín, bỏ tục xuất gia, vì muốn tu phạm hạnh vô thượng, nên trải qua thời gian ngắn diệt sạch ái dục, thấy được thật tướng các pháp, muốn tu thần thông liền được chứng đắc, đã đoạn tái sinh, được quả báo phạm hạnh, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau. Các Trưởng lão này chứng biết được thật tướng các pháp, đều thành quả A-la-hán. Với tâm hoàn hảo được giải thoát hoàn toàn, thành bậc Đại đức, làm tất cả đại sự, lợi ích cho chúng sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn tuyên bố trước chúng Tỳ-kheo:
-Này đại chúng, các vị phải biết, trong hàng thuyết pháp, Phú-lâu-na là người đứng đầu.
Có kệ nói:
Thế Tôn ở thành Ba-la-nại
Dùng lời vi diệu bảo Tỳ-kheo:
Chân thật Tỳ-kheo Mãn Từ Tử
Trong hàng Giảng sư, người bậc nhất.
Lúc bấy giờ, trong thế gian gồm có chín mươi mốt vị A-la-hán. Đó là Đức Thế Tôn, năm vị Tỳ-kheo Kiều-trần-như..., Trưởng lão Da-du-đà, bốn vị trưởng giả tuyệt vời: Tỳ-ma-la, Thiện Ký, Mãn Túc và Ngưu Chủ, bạn cũ đồng sinh tại thành Ba-la-nại của Da-du-đà, là năm mươi thương nhân bạn cũ của Da-du-đà, Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử và hai mươi chín người bạn.
Phẩm 41: NA-LA-ĐÀ XUẤT GIA
(Phần 1)

Bấy giờ, ở phía Nam xứ Thiên trúc thuộc cõi Diêm-phù, có một nước quốc hiệu là A-bàn-đà, trong nước này có làng Di-hầu- thực, trong thôn Di-hầu có một Bà-la-môn rất giàu tên là Ca-chiên-diên, gia tài của người này như châu báu, tôi trai tớ gái, lục súc, lúa nếp đậu mè, nhà cửa, vườn rừng, tất cả đều dồi dào... giống như cung trời Tỳ-sa-môn. Bà-la-môn này trí tuệ thông minh, thọ trì đọc tụng ba bộ luận Vệ-đà, luận Kỳ-chu-bà, thông suốt các sự vật, một việc có mười tên gọi của luận Kỳ-chu-bà, văn cú tự luận, thông hiểu tất cả việc quá khứ, một câu nửa câu, nửa luận Ngũ minh đều biết rõ, luận phân biệt thọ ký ở thế gian và sáu mươi loại, tướng Đại trượng phu, biết rõ đầy đủ, đọc tụng thông suốt, là vị đại Quốc sư cho vua Nghiêm Xí.
Lúc ấy, trưởng tử của Quốc sư Bà-la-môn, từ giã gia đình du học các nước, hăng say học hỏi không biết nhàm chán, đi khắp mọi nơi cầu thầy học tập. Khi thông hiểu các luận và kỹ thuật thành tựu, về cố hương thăm lại thân phụ, vị ấy thưa:
-Lành thay thân phụ, học vấn của con ngày nay đã được thông đạt, cha hãy vì con cho nhóm họp đại chúng, để con đọc tụng các luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật.
Quốc sư nghe thưa rất vui mừng, liền cho tập họp đại chúng. Người con thấy đại chúng nhóm họp xong, liền ở trước mọi người tụng tất cả luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật, tất cả đều thông suốt không chút mơ hồ nên được đại chúng tôn kính, suy cử lên hàng Thượng tọa. Quốc sư liền đem đủ các thứ ngọc ngà châu báu tặng cho trưởng tử.
Vị Quốc sư này còn một người con thứ hai tên là Na-la-đà (nhà Tùy dịch là Khiếu). Quốc sư bảo Na-la-đà:
-Này Na-la-đà, nay con nên rời gia đình du học các nước, tập tụng các luận Vệ-đà như anh của con vậy.
Khi nghe người anh đọc tụng tất cả các luận Vệ-đà qua một lần, thì đồng tử Na-la-đà thuộc tất cả. Nghe cha bảo như vậy, Na-la-đà thưa:
-Lành thay! Thưa cha, con đã thông hiểu các luận Vệ-đà cùng các chú thuật, cha có thể vì con mà triệu tập đại chúng. Trước đại chúng con sẽ đọc tụng tất cả luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật.
Quốc sư nghe con nói như vậy, cho là việc chưa từng có, nên nhóm họp đại chúng, an trí các thứ cần dùng. Khi ấy Na-la-đà ở trước đại hội đọc tụng các luận Vệ-đà. Đại hội nghe rồi đều hoan hỷ và tán thán đồng tử:
-Hay thay! Hay thay! Đồng tử là bậc Đại trí, đọc tụng các luận Vệ-đà một cách lưu loát.
Quốc sư lại đem đủ thứ quý báu thưởng cho đồng tử.
Ngược lại anh cả nghe em mình đọc thông thạo các luận Vệ-đà, thì buồn bã, ảo não, nghĩ: “Ta bỏ nhiều năm chu du các nước học tập các luận tụng chú, dụng tâm lao nhọc mới thọ trì đọc tụng các thuật chú như vậy. Tại sao Na-la-đà chỉ nghe thoáng qua mà tiếp thu hết sạch, người còn nhỏ tuổi mà tài cao như vậy, nếu sau này nó trưởng thành nhất định sẽ kế vị Quốc sư. Do đó ta phải dùng cách gì để ám hại nó, như vậy ta mới được lợi ích lớn, nếu không thì nó sẽ đoạt địa vị của ta.”
Bấy giờ, Quốc sư biết được lòng dạ của trưởng tử, có ác ý với Na-la-đà. Quốc sư biết rồi liền suy nghĩ thế này: “Đứa bé thông minh dễ thương này, chớ để người anh ám hại, phải dùng phương pháp nào đừng cho nó biết.”
Phương Nam có một tòa thành tên là Ưu-thiền-da-ni, cách thành này chẳng bao xa có núi Tần-đà, có Tiên nhân A-tư-đà đang tu tập trong đó. Vị Tiên này thông suốt: các luận Vệ-đà và các luận khác, đã đạt được Tứ thiền và đầy đủ Ngũ thông, lại là cậu của Na-la-đà. Lúc ấy Quốc sư đại Bà-la-môn cùng phu nhân đem Na-la-đà đến núi nọ xin Tiên A-tư-đà cho con mình được làm đệ tử.
Tiên A-tư-đà sau khi thâu nạp Na-la-đà làm đệ tử, dạy bảo hướng dẫn, chẳng bao lâu Na-la-đà thành tựu Tứ thiền, đủ năm pháp thần thông.
Sau đó Tiên nhân Phạm chí A-tư-đà cùng đệ tử Na-la-đà rời khỏi núi, đi về ngoài thành Ba-la-nại dựng một thảo am. Ở nơi thảo am này, ngày đêm sáu thời lớn tiếng dạy đệ tử như thế này:
-Lành thay! Lành thay! Này Na-la-đà, ngày nay Phật đã ra đời cho nên con đến đó cầu xin xuất gia tu phạm hạnh, quyết sẽ mãi mãi được lợi ích lớn, được an lạc lớn, lợi mình và lợi người, (nói như vậy ba lần).
Tiên A-tư-đà dạy bảo đệ tử Na-la-đà những lời như vậy, chẳng bao lâu sau từ giã cuộc đời. Sau khi Tiên A-tư-đà lìa trần, thì bao nhiêu danh tiếng và lợi dưỡng của người có được ở thế gian này, Na-la-đà được thừa hưởng. Khi ấy Na-la-đà thọ hưởng lợi dưỡng và danh tiếng, nên sinh tham đắm, đánh mất chánh niệm, lại không có chí hướng mong cầu thăng tiến, không tin Phật, Pháp, Tăng.
Thuở ấy, có Long vương Y-la-bát (nhà Tùy dịch là Hoắc Hương Diệp), mang thân rồng, tâm rất nhàm chán, muốn cầu thoát ly, chẳng thích cảnh giới này, tưởng là độc ác uế trược, nên nhớ lại: ‘Thuở quá khứ Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã thọ ký cho ta: “Này Đại long vương, từ đây trở về sau, trải qua chừng ấy năm, ngàn vạn ức năm sẽ có một Đức Phật xuất thế hiệu là Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Nay đã trải qua vô lượng, vô biên ngàn vạn ức năm, không biết Đức Phật Thích-ca Như Lai đã ra đời hay chưa?”
Lại có một Long vương tên là Thương Khư (nhà Tùy dịch là Loa), cung điện của Long vương này thường là tụ điểm hội họp Long chúng, cũng là nơi hội họp trăm ngàn Long vương, cũng có sự hiện diện của Long vương Y-la-bát. Trong cuộc hội họp này, có mặt vua Dạ-xoa tên Kim Tề, là thiện hữu của Long vương Y-la-bát.
Long vương Y-la-bát ở trong chúng, thưa hỏi vua Dạ-xoa:
-Thưa Nhân giả, ngài có biết Đức Thế Tôn Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã xuất hiện ở đời hay chưa? Vua Dạ-xoa đáp:
-Lành thay! Long vương, tôi thật không biết Đức Thích-Ca Như Lai ra đời hay chưa. Này Long vương, tuy nhiên tôi chỉ biết, ở đồng hoang kia có một tòa thành. Thành đó vốn là điện của Dạ-xoa tên là A-la-ca-bàn-trà (nhà Tùy dịch là Khoáng dã cung điện). Cung điện này từ trước nay có hai bài văn kệ ghi rằng: “Nếu Phật chưa xuất hiện ở đời, thì không có người đọc được kệ này, dầu có đọc được đi nữa cũng không hiểu nghĩa lý. Nếu Phật đã xuất hiện ở thế gian, thì có người đọc được, nhưng không hiểu nghĩa, chỉ có Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới giải thích được nghĩa này, hoặc có người được nghe Phật giải thích mới hiểu.”
Bấy giờ Long vương Y-la-bát thưa Dạ-xoa:
-Thưa nhân giả, ngày nay ngài có thể đến đọc bài kệ ấy rồi đem về đây được chăng?
Vua Dạ-xoa Kim Tề nhận lời Long vương Y-la-bát, nhận lời rồi liền đi đến cung điện A-la-ca-bàn-trà đọc bài kệ, rồi vội vã trở về long cung, đến nơi thưa với Long vương Y-la-bát:
-Hay thay! Long vương, ngày nay tâm ngài chắc chắn sẽ đựợc vui mừng. Vì lý do gì? Vì Đại Thánh Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã ra đời. Tại sao được biết? Vì khiến tôi đọc được bài kệ và đã đem về đây. Nếu có người nào hiểu được ý kệ này lại có thể thuyết giải, thì người đó chính là Đức Phật.
Lúc ấy Long vương Y-la-bát hết sức vui mừng, hớn hở tràn ngập cả thân không thể làm chủ được, nhận lấy bài kệ từ vua Dạ-xoa Kim Tề. Thuở ấy Long vương Thương Khư có một công chúa tên là Thường Phân, dung nhan xinh đẹp dễ thương, nhan sắc tuyệt vời mọi người nhìn thấy đều ưa thích, thế gian không có người thứ hai.
Tại buổi hội họp, các vị Long vương đề nghị: “Vào các ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm chín và ba mươi mỗi tháng, bảo Long nữ trang sức bằng chuỗi anh lạc tuyệt đẹp, tay bưng hai bát vàng và bạc tuyệt đẹp đựng đầy lúa bạc và vàng, từ cung điện này đi đến bờ sông Hằng đặt ở chỗ đất trong, rồi đọc hai bài kệ này để mọi người đều biết:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Long vương đọc bài kệ này rồi thông báo khắp thế gian: “Nếu ai đọc và giải nghĩa được hai bài kệ này, chúng tôi sẽ hiến dâng hai bát vàng và bạc đựng đầy lía bạc, lúa vàng cùng với Long nữ và xem người ấy như Phật; hoặc có người nghe lại từ người khác, rồi đến đây diễn giải, ta cũng hiến dâng như vậy.”
Bấy giờ, các Long vương Thương Khư và Y-la-bát... muốn gặp Đức Phật, khát ngưỡng Thế Tôn, nghĩ tưởng đến Thế Tôn, nên thường vào các ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm... mỗi tháng có trăng và không trăng đem bát vàng quý đựng đầy lúa bạc, bát bạc đựng đầy lúa vàng và Long nữ trang điểm lộng lẫy, đồng đến bên bờ sông Hằng, đứng yên nơi đất trống, hai Long vương cùng nói hai bài kệ:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Rồi lại nói:
-Nếu ai hiểu được ý nghĩa hai bài kệ này, chúng tôi sẽ đem hai bát vàng bạc... và Long nữ dung nhan đoan chánh khả ái, hiến dâng cho vị ấy.
Khi Long vương thông báo khắp việc này, tiếng đồn tám phương, khắp những nơi rừng rú, sông nước, đất bằng, có những vị Bà-la-môn, trưởng giả cùng nhau thảo luận: “Thường vào sáu ngày mỗi nửa tháng có trăng và không trăng, hai vị Long vương xuất hiện từ dưới nước sông Hằng, đem theo hai bát vàng và bạc đựng đầy lúa bạc và vàng cùng một Long nữ trang sức đầy anh lạc, lên đứng trên bờ sông, nói hai bài kệ:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Lại nói thế này: “Nếu ai đọc và giải nghĩa hai bài kệ này, chúng tôi sẽ hiến dâng hai bát vàng và bạc cùng Long nữ.”
Khi ấy, các vị Bà-la-môn và trưởng giả nghe Long vương nói vậy, từ tám phương tranh nhau tụ tập trước Long vương, mỗi người tự xưng rằng tôi có thể đọc giải nghĩa được hai bài kệ này. Khi đến trước Long vương, họ không hiểu nghĩa và cũng không đọc được kệ, có người đọc được lại hỏi hai Long vương, kệ này thế nào? Ý nghĩa ra sao?
Thuở ấy Tiên nhân đồng tử Na-la-đà cư ngụ tại nước Ma-dà-đà được dân chúng tôn là bậc Đạo sư, nam nữ trong nước tôn trọng cung phụng, tán thán ca ngợi Tiên nhân. Họ nói: “Tiên nhân Na-la-đà đem điều ngài đã biết, dạy lại cho người khác biết, đem điều ngài đã thấy chỉ lại cho người khấc thấy.”
Bấy giờ nam nữ dân chúng trong nước Ma-dà-đà đều nghĩ: “Tiên nhân đồng tử Na-la-đà, đã tự biết, tự thấy đem dạy lại cho người khác cũng biết cũng thấy. Chúng ta ngày nay nghe hai bài kệ nơi hai Long vương, không có người đọc được cũng không có người giải nghĩa được. Chúng ta có thể đến trình việc này cho đồng tử Na-la-đà.”
Suy nghĩ như vậy rồi, tất cả các vị Bà-la-môn, trưởng giả trong nước Ma-dà-đà đồng đến chỗ đồng tử Na-la-đà. Sau khi đến nơi, họ cùng nhau bạch rõ ràng cho đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:
-Nhân giả nếu thấy hợp thời, trên bờ sông Hằng có hai vị Long vương, một tên là Thương Khư, một tên là Y-la-bát, thường vào sáu ngày trong mỗi tháng có trăng và không có trăng, xuất hiện từ dưới sông Hằng lên trên bờ sông, đem theo hai bát vàng bạc đựng đầy lúa bạc và vàng, cùng một Long nữ. Nếu ai giải được bài kệ này, họ sẽ hiến dâng những thứ này cho người giải kệ.
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà thầm nghĩ: “Tất cả dân chúng nước này đều cúng dường ta, họ tôn trọng vâng thờ khâm phục ta. Họ lại cho rằng những điều ta tự biết, tự thấy đều đem dạy lại cho người khác. Nếu nay ở trước công chúng, ta nói không hiểu hai bài kệ này, thì dân chúng trong nước sẽ chê bai ta. Tất cả lợi dưỡng và danh dự sẽ bị giảm sút, ta đều mất cả hai.”
Tiên nhân Na-la-đà nghĩ như vậy rồi, liền bảo các vị Bà-la-môn, đại trưởng giả nước Ma-dà-đà:
-Ta cùng các vị cùng nhau đi đến hai vị Long vương xin hỏi bài kệ để xem ý nghĩ thế nào.
Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà cùng các Bà-la-môn, trưởng giả và dân chúng nước Ma-dà-đà đi hai bên tả hữu, suy tôn đồng tử Tiên nhân Na-la-đà là bậc Thượng thủ, đến chỗ hai vị Long vương thưa:
-Thưa hai vị Long vương, xin các vị vì chúng tôi nói hai bài kệ, để chúng tôi nghe rồi nhận ra nghĩa lý.
Lúc ấy hai vị Long vương Thương Khư..., nói hai bài kệ:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà bảo hai Long vương:
-Ta nhận hai bài kệ nơi hai Long vương, từ nay trở đi hết bảy ngày, ta sẽ trở lại giải đáp ý nghĩa hai bài kệ cho các vị.
Hai Long vương thưa:
-Như lời Nhân giả dạy, xin làm như vậy.
Nhận hai bài kệ từ hai vị Long vương, rồi Na-la-đà về thảo am. Tất cả nhân dân nước Ma-dà-đà, nước Kiền-tát-la, nước Cưu-Ưu, nước Bàn-giá... nghe tin đồn đồng tử Tiên nhân Na-la-đà nhận hai bài kệ từ hai Long vương Thương Khư và Y-la-bát và nói rằng qua bảy ngày sau sẽ trở lại nơi ấy, giải đáp ý nghĩa hai bài kệ cho Long vương. Do đó, họ sửa soạn xe cộ như xe voi, xe ngựa, xe trâu và người đi bộ tụ tập về sông Hằng. Bấy giờ trên hai bên bờ sông Hằng tụ tập chật ních đến tám vạn bốn ngàn người, đủ các thành phần, đồng muốn nghe Tiên nhân Na-la-đà giải thích kệ cho hai Long vương.
Bấy giờ hàng lục sư ngoại đạo ở thành Ba-la-nại đều tự cho mình là Tôn sư. Hàng lục sư gồm có Phú-lan Ca-diếp, Na-tát-ca-lê-cù-xa-ca-lê-ca, A-kỳ-đa-kỳ-xa-ca-ma-la, Ba-la-phù-đa-ca-giá-gia-na, San-xa-di-tỳ-la-sư-thùy-phú-đa-la và Ni-càn-tha-nhã-kỳ-phú-đa-la.
Khi ấy đồng tử Tiên nhân Na-la-đà đi đến gặp lục sư ngoại đạo, để hỏi ý nghĩa hai bài kệ. Khi được hỏi, lục sư ngoại đạo đã không hiểu được ý nghĩa của kệ, ngược lại còn làm cao, tức giận, hỏi ngược lại Tiên nhân Na-la-đà:
-Hai bài kệ này có ý nghĩa gì?
Thuở ấy Đức Thế Tôn vừa thành đạo, đang ngự trong vườn Nai, khu rừng chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại. Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà suy nghĩ: “Có Sa-môn đang ở trong vườn Nai, khu rừng chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, ta hãy đến đó hỏi hai bài kệ này.” Rồi ông lại suy nghĩ: “Từ các vị Sa-môn, Bà-la-môn xuất gia đã lâu, tuổi cao đức trọng, đã từng giữ chức Quốc sư cho các vương triều như Phú-lan Ca-diếp, Ni-càn-đà-nhã-kỳ-phú-đa-la... Ta đến hỏi, họ đều không biết, không thể giải đáp được, huống chi Sa-môn thiếu niên này, chẳng bao nhiêu tuổi, lại vừa mới xuất gia, nếu ta đến hỏi ý nghĩa hai bài kệ này, làm sao người đáp được.” Rồi miên man nghĩ tiếp: “Chẳng nên vội khinh vị Sa-môn, Bà-la-môn trẻ tuổi. Lý do tại sao? Vì Sa-môn niên thiếu kia, hay Bà-la-môn niên thiếu kia cũng có khi trí tuệ họ thông minh lanh lợi. Vậy ta nay nên đến vị Đại Sa-môn kia hỏi ý nghĩa hai bài kệ này.”
Lúc ấy đồng tử Tiên nhân Na-la-đà liền đi đến gặp Đức Phật, cùng nhau gặp mặt chào hỏi bằng những lời tốt đẹp. Nói chuyện thăm hỏi xong, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà ngồi về một bên, bạch Phật.
-Thưa Tôn giả Sa-môn Cù-đàm, tôi muốn thưa hỏi Tôn giả một việc, không biết Tôn giả có bằng lòng hay không?
Đức Phật bảo đồng tử:
-Này đồng tử, tùy ý ông muốn hỏi việc gì, Ta sẽ giải đáp cho ông.
Được Phật cho phép đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng kệ hỏi:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Đức Thế Tôn nghe đồng tử nói kệ xong, Ngài dùng kệ giải đáp cho đồng tử Na-la-đà:
Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm.
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện.
Thông tất cả phương tiện
Nên gọi là người trí.
Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà nghe được bài kệ của Phật như vậy, tâm ý sáng suốt, hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không tài nào diễn tả. Nghe rồi, ông đi đến gặp hai Long vương và bảo họ:
-Này hai vị Long vương hãy nói kệ hỏi ta!
Hai Long vương liền dùng hai bài kệ hỏi đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:
Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.
Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng hai bài kệ của Đức Phật giải đáp Long vương:
Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm.
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện.
Thông tất cả phương tiện
Nên gọi là người trí.
Khi Long vương Y-la-bát nghe bài kệ này rồi, suy nghĩ: “Ta đã gặp được Đấng Thế Tôn Vô Thượng, ta nay gặp được Đấng Thiện Thệ Tối Thắng, ta nay đã biết Thế Tôn xuất hiện. Ta biết Thiện Thệ, biết Đại Thánh Thế Tôn vì ta mà đản sinh, vì ta mà xuất thế, vì ta mà giác ngộ.” (lập lại hai lần như vậy).
Khi ấy Đại Long vương Y-la-bát và Thương Khư nghĩ như vậy rồi, bạch Đồng tử Na-la-đà:
-Thưa Nhân giả đồng tử, hai bài kệ mà ngài giải đáp cho chúng tôi, thật là sức biện tài tự ý của ngài, hay là ngài nghe lại từ người khác, rồi biện giải lại nghĩa này. Thưa đồng tử Tiên nhân, chúng ta thật chẳng thấy trong thế gian này, cho đến Thiên giới, có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời người mà có khả năng biện tài luận thuyết thông đạt được hai bài kệ này, thật không có việc như vậy. Chỉ có Đức Như Lai Thế Tôn Vô Thượng, hoặc đệ tử của Ngài, thường hầu bên Phật, nghe Ngài nói mới biện giải được như vậy mà thôi.
Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng kệ bảo hai Long vương Y-la-bát và Thương Khư:
Long vương nói đúng, chẳng phải ta
Đại Thánh Thế Tôn đã xuất hiện
Thân đủ tướng tốt tự trang nghiêm
Ngài mới biện tài thuyết như vậy.
Bấy giờ Long vương Y-la-bát dùng kệ bạch đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:
Đại tiên nói rằng Phật nói kệ
Phải chăng nằm ngủ nghe trong mộng
Hay là đối diện nghe rõ ràng
Xin ngài nói lại cho thật rõ.
Theo những điều mắt thấy, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà lại dùng kệ đáp lời Long vương:
Trượng phu tự tại giữa trời, người
Đang ở vườn Nai, Ba-la-nại
Đã chuyển pháp luân vô thượng rồi
Như sư tử rống giữa rừng đẹp.
Long vương Y-la-bát dùng kệ bạch đồng tử Tiên nhân Na-la-đà.
Nhân giả nói về Phật Thế Tôn
Xưa ta chẳng nghe, nay mới biết
Nghe rồi cùng ngài đến chỗ Phật
Chiêm ngưỡng tướng tốt khó nghĩ bàn.
Xưa thấy, ngày nay lại được thấy
Tướng tốt Như Lai Bậc Chánh Giác
Ngày nay mới hiện lại thế gian
Khó gặp giống như hoa đàm bát
Trải qua nhiều kiếp hiện một lần.
Trong sáng như trăng giữa hư không
Kim thân đoan chánh nhiều tướng tổt
Chánh giác Tối thượng đại Bồ-đề
Diệu âm nhiều kiếp chẳng được nghe
Trong trẻo giống như giọng Phạm thiên
Nếu ai nghe được tiếng của Ngài
Theo Phật đi vào cửa giải thoát.
Sau khi Long vương Y-la-bát tán thán Đức Phật Thế Tôn, lại thưa hỏi Tiên nhân Na-la-đà:
-Thưa Tiên nhân, ngài nói về Phật như vậy chăng?
Khi đồng tử Tiên nhân đáp lời Long vương:
-Ta nói về Phật như vậy.
Long vương lại nói:
-Thưa Tiên nhân Na-la-đà, như ngài nói bậc Minh sư khó xuất hiện ở đời, đó là Phật Thế Tôn phải không? Thưa Tiên nhân Na-la-đà, Đấng A-la-hán Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nay ở đâu?
Bấy giờ, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà sửa y phục, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về chỗ Đức Phật ở để chỉ cho Long vương và nói:
-Các vị Long vương, nếu các ngài muốn biết chỗ ở của Đức Phật Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì hiện giờ Đức Phật đang ở chỗ đó.
Khi Long vương biết chỗ ở của Đức Phật rồi, liền sửa y phục trịch áo vai bên phải, đầu gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về chỗ ở của Đức Phật, xướng lên ba lần thế này: “Đảnh lễ Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Long vương Y-la-bát thưa đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:
-Đồng tử Tiên nhân có thể cùng tôi đến chỗ Đức Thế Tôn được không?
Đồng tử Na-la-đà nhận lời Long vương:
-Tốt lắm Long vương! Chúng ta cùng đi.
Hai vị Long vương Y-la-bát và Thương Khư, cùng với quyến thuộc vô lượng long chúng, cùng đồng tử Tiên nhân Na-la-đà... tất cả tám vạn bốn ngàn người sắp đi đến chỗ Phật.
Bấy giờ, Long vương Y-la-bát suy nghĩ: “Nếu ta đem thân hình biến hóa, để lễ Phật thì ta là người không biết điều, ta nên dùng báo thân sẵn có xưa nay để đến chiêm ngưỡng Phật.” Nghĩ thế rồi, Long vương Y-la-bát trở về long cung, tự dùng báo thân để đi chiêm bái Phật. Từ thành Xoa-thi-la ở phía Bắc Thiên trúc hướng về nước Ba-la-nại hơn ba trăm sáu mươi do-tuần. Lúc ấy Long vương muốn ra khỏi long cung để đi chiêm bái Phật, đầu Long vương đã đến chỗ Đức Phật mà đuôi còn ở tại long cung, đầu giống như chiếc thuyền độc mộc, cổ như vòi voi phun nước, tai giống như chiếc bát bằng đồng của nước Kiền-tát-la, miệng phun ra ngọn lửa sáng giống như điện chớp phát ra từ đám mây đen, tiếng nói như sấm rền phát ra âm thanh vi diệu, quyến thuộc cùng đi với Y-la-bát là tám vạn bốn ngàn người.
Y-la-bát từ xa trông thấy Đức Như Lai hết sức đoan chánh sáng chói phi thường, nên rất hoan hỷ..., giống như những vì sao lấp lánh tô điểm cho bầu trời về đêm, thấy rồi sinh tâm thanh tịnh chánh tín, vui mừng hớn hở tiến về phía Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn trông thấy Long vương Y-la-bát đang từ từ tiến đến. Thấy rồi, Ngài nói:
-Lành thay! Hãy đến đây! Xa cách đã lâu, ngày nay thân thể nhà vua có an ổn không? Ít bệnh ít phiền não không? Và tất cả quyến thuộc có khỏe mạnh chăng?

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.36.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập