Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 55 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 55

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.56 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 55: NHÂN DUYÊN CỦA ƯU-BA-LY
(Phần 3)

Này các thầy Tỳ-kheo, nếu các thầy có phân vân về đồng tử hớt tóc lúc ấy thì chớ có ý nghĩ gì khác, chính là Ưu-ba-ly này vậy. Thuở xưa, Ưu-ba-ly cạo râu tóc cho vị Bích-chi-phật đã phát nguyên: “Tôi nguyện đời đời kiếp kiếp, nếu làm được thân người thì thường sinh trong nhà thợ hớt tóc.” Lúc đó vị ấy lại nguyện: “Tôi nguyện không sinh trong các ác đạo.” Do vì quả báo của sức phát nguyện ấy nên từ đó đến nay không sinh trong các ác đạo, chỉ sinh trong cõi trời và cõi người, hưởng nhiều hạnh phúc, hiện đã được tự lợi như vậy.
Vị ấy lại nguyện: ‘Ta nguyện ở đời vị lai thường gặp vị Giáo sư tối thắng như vậy. Những giáo pháp của vị Giáo sư chỉ dạy, tôi nguyện mau chứng biết rõ ràng.” Do nghiệp báo này, ngày nay Ưu-ba-ly gặp được Ta, tôn làm Giáo sư, được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán.
Lại thuở trước, vị ấy ở trong giáo pháp Như Lai Ca-diếp phát nguyện: “Ta nguyện ở đời vị lai gặp được Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni. Nếu được xuất gia, trong hàng đệ tử trì giới của Ngài, ta là trên hết.” Nhờ nghiệp báo đó mà ngày nay vị ấy ở trong giáo pháp của Ta được xuất gia..., trong hàng đệ tử trì giới của Ta, vị ấy là Tỳ-kheo trì giới hơn hết.
Này các Tỳ-kheo, Ưu-ba-ly ở trong thời quá khứ đã tạo nghiệp như vậy, nay được quả báo sinh trong nhà thợ hớt tóc. Lại do nhân duyên phát nguyện ấy, ngày nay được quả báo ở trong giáo pháp của Ta được xuất gia, cho đến thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán. Nay được Ta thọ ký. “Ở trong hàng đệ tử trì giới của Ta, Ưu-ba-ly là bậc Trì giới đệ nhất.”
Phẩm 56: NHÂN DUYÊN CỦA LA-HẦU-LA
(Phần 1)

Vào một hôm, vua Thâu-đầu-đàn bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn và đại chúng sáng mai nhận sự cúng dường trai phạn của tôi.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vua Thâu-đầu-đàn thấy Đức Phật im lặng chấp nhận, liền rời chỗ ngồi, đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra về.
Khi nhà vua về đến nội cung, ngay trong đêm đó ra lệnh sắm sửa các thức ăn uống cao lương mỹ vị. Sau khi sắm sửa xong, qua đêm đó, trời vừa sáng, vua cho người rưới nước, quét dọn, trần thiết và vua cho sứ giả đi thỉnh Thế Tôn:
-Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ thọ trai, phẩm vật sắm sửa đầy đủ. Cúi xin Thế Tôn và đại chúng quang lâm.
Khi ấy mặt trời còn ở phương Đông, Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát, Ngài đi đầu với đại chúng Tỳ-kheo theo sau, đồng đến nội cung vua Thâu-đầu-đàn. Đến nơi, Thế Tôn ngồi vào tòa đã bày sẵn, còn các Tỳ-kheo đúng như pháp, thứ lớp mà an tọa.
Đại vương Thâu-đầu-đàn thấy Đức Phật và đại chúng ngồi xong, nhà vua tự tay mang đủ thức ăn cao lương mỹ vị đến dâng cho Đức Phật và đại chúng, làm cho tất cả đều được no nê vừa ý. Thấy Đức Phật và đại chúng ăn uống xong và đã rửa cất bình bát, nhà vua bắt một chiếc ghế nhỏ ngồi bên cạnh Phật, bạch:
-Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho tôi. Nguyện Thế Tôn, Bậc Thiện Thệ giáo hóa cho chúng tôi, để chúng tôi được nhiều lợi ích an lạc lâu dài.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thưa với Đại vương Thâu-đầu-đàn:
-Thưa Đại vương, nếu ngày nay ngài biết thời, không nên bỏ qua những việc nghe pháp, cũng nên thường hỏi thăm các vị Tỳ-kheo. Chẳng bao lâu Đại vương sẽ chứng quả tối thắng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng phương tiện giáo hóa thuyết giảng các pháp khiến vua Thâu-đầu-đàn giải ngộ, tâm rất hoan hỷ, rồi đứng dậy từ giã trở về hoàng cung.
Vào khi khác nhờ Xá-lợi-phất mà Đại vương được pháp nhãn thanh tịnh và chứng quả Tu-đà-hoànề.Khi Đại vương Tịnh Phạn đã được các pháp, đã chứng các pháp, đã nhập các pháp, đã vượt các nghi, tâm không còn hoặc, không còn sợ sệt, không còn nghi vấn về các pháp hạnh khác, tất cả đều chứng biết, vua liền đi đến chỗ Đức Phật và bạch:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Ngài độ cho tôi xả tục xuất gia, thọ giới Cụ túc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quán căn cơ nhà vua, ở trong giáo pháp của Ngài xả tục xuất gia có được thắng pháp tối thượng hay không? Rồi Đức Thế Tôn tư duy tự biết: “Đại vương Thâu-đầu-đàn không thể xả tục xuất gia, cũng không thể chứng được thắng pháp tối thượng.”
Đức Phật quán biết như vậy rồi, liền nói với nhà vua:
-Đại vương, nếu ngày nay Đại vương biết thời, chỉ nên ở tại gia làm người đàn việt bố thí, tạo các phước nghiệp mà thôi.
Hôm sau, đại phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề lại thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường ngọ phạn..., đều được đầy đủ.
Đến ngày thứ ba, các phi thuộc hàng quyến thuộc trong cung thứ nhất lại thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường sơn hào hải vị..., tất cả đều được đầy đủ.
Đến ngày thứ tư, quyến thuộc trong cung thứ hai thỉnh Đức Phật và đại chúng cúng dường trăm thứ thức ăn mỹ vị, đều được đầy đủ.
Nói về La-hầu-la, sau khi Như Lai xuất gia được sáu năm, La-hầu-la mới ra đời. Khi Như Lai trở về hoàng cung thì lúc ấy La-hầu-la lên sáu tuổi. Khi Như Lai về đến thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, mẹ của La-hầu-la nghĩ thế này: “Xưa vì La-hầu-la mà ta bị hoàng tộc sỉ nhục, nay đến lúc ta phải làm sáng tỏ vấn đề để chứng tỏ bản thân ta trong sạch. Do vậy, ta phải quyết thỉnh Phật và đại chúng cúng dường ngọ phạn và cũng thỉnh hoàng tộc tham dự để việc này được sáng tỏ.” Da-du-đà-la nghĩ như vậy rồi, sáng ngày hôm sau liền cho sứ giả đến thỉnh Đức Phật, bạch:
-Bạch Đức Thế Tôn, tất cả thực phẩm đều được sắm sửa đầy đủ. Xin Ngài biết cho.
Và bà cũng sai sứ giả thỉnh tất cả quyến thuộc hoàng gia đến dự hội.
Sớm hôm ấy, khi mặt trời còn ở phương Đông, Đức Như Lai đắp y, mang bình bát cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Ngài dẫn đầu, đại chúng đi theo hai bên, đồng đến cung vua. Đức Phật và đại chúng đúng như pháp theo thứ lớp ngồi vào những tòa đã trần thiết sẵn.
Bấy giờ nàng Da-du-đà-la làm một viên tròn, đặt tên là viên đại hoan hỷ, rồi nàng gọi La-hầu-la đến, đặt viên này trong tay La- hầu-la và bảo:
-Này con La-hầu-la, con hãy đến trong chúng Tỳ-kheo xem vị nào là cha của con, thì hãy cúng dường viên hoan hỷ này.
Nàng Da-du-đà-la lại thưa với quyến thuộc:
-Hôm nay La-hầu-la đi tìm cha nó.
Khi đó La-hầu-la cầm viên hoan hỷ đi xem tất cả Tỳ-kheo rồi đi thẳng đến chỗ Đức Phật, bạch với Phật:
-Sung sướng thay dưới bóng mát của Sa-môn này! Sung sướng thay dưới bóng mát của Sa-môn này!
Bấy giờ Đại vương Thâu-đầu-đàn bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, việc này như thế nào? Đối với việc này Da-du-đà-la có tội chăng?
Lúc ấy Thế Tôn thưa Đại vương Thâu-đầu-đàn:
-Thưa đại vương, ngày nay Đại vương chớ nghi như vậy. Đối với việc này, Da-du-đà-la không có tội. La-hầu-la thật là con Ta, chỉ vì do nghiệp duyên đời trước ngăn cản nên phải ở trong thai mẹ sáu năm.
Đại vương Thâu-đầu-đàn và quyến thuộc nghe Đức Phật nói như vậy, tất cả đều vui mừng hớn hở khắp cả thân tâm. Mọi người tự tay bưng lấy thức ăn uống mỹ vị dâng cho Đức Phật và chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Phật và đại chúng ăn uống, rửa tay và bình bát xong, tất cả hoàng gia mỗi người trải một tòa nhỏ ngồi quanh, hướng về Đức Phật.
Bấy giờ Đại vương Thâu-đầu-đàn do vì quá cung kính Đức Phật nên không thể thưa hỏi Phật về mọi việc, mà bạch chúng Tỳ-kheo.
-Cúi xin quý thầy thưa hỏi Đức Phật về nhân duyên quá khứ của La-hầu-la và Da-du-đà-la đã tạo nghiệp nhân gì?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, La-hầu-la tạo nghiệp nhân gì? Do nghiệp báo gì ở trong thai mẹ sáu năm? Bạch Đức Thế Tôn, Da-du-đà-la tạo nghiệp nhân gì mà mang thai đến sáu năm?
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ về quá khứ cách đây vô lượng kiếp. Thuở ấy có một vua tên là Nhân Thiên, thuộc dòng Bà-la-môn, sinh hạ hai vương tử: người lớn tên là Nhật, người nhỏ tên là Nguyệt. Vương tử lớn không thích việc thế gian, ý muốn xuất gia. Rồi trải qua thời gian chẳng bao lâu, vua Nhân Thiên mãn tuổi thọ, qua đời. Sau khi nhà vua băng hà rồi, hai vương tử Nhật, Nguyệt nhường ngôi cho nhau, người anh bảo người em: “Em phải làm vua, nắm lấy chính sự, cai trị quốc gia.”
Người em lại nói với người anh: “Anh phải làm vua, nắm lấy chính trị, cai trị quốc gia.”
Vương tử Nhật nói với vương tử Nguyệt: “Em nhất định phải làm vua, còn anh sẽ xả tục xuất gia.”
Vương tử Nguyệt lại thưa với anh: “Anh lớn hơn, ngôi vua phải là của anh, còn em thì không phải đạo.”
Vương tử Nhật lại nói với vương tử Nguyệt: “Phàm nhận lãnh ngôi vua, trước phải làm pháp gì?”
Vương tử Nguyệt đáp: “Trước phải ban hiệu lệnh.”
Vương tử Nhật lại hỏi: “Nếu có người phạm hiệu lệnh sẽ thuộc tội gì?”
Vương tử Nguyệt lại đáp: “Cần phải phạt trọng tội.”
Vương tử Nhật lại hỏi Vương tử Nguyệt: “Căn cứ vào đạo lý, ta phải làm vua, nhưng nay ta đem ngôi vua này trao cho em, em phải làm vua, vì ta muốn xả tục xuất gia.”
Khi ấy vương tử Nhật đem vương vị trao cho vương tử Nguyệt, rồi xả tục xuất gia, tìm lối tu học. Bao nhiêu quyến thuộc của vương tử Nhật đều theo vương tử đi xuất gia.
Bấy giờ vị Tiên nhân Nhật suy nghĩ: “Ngày nay những người này đã theo ta xuất gia, ta làm thầy những người này nên ta phải siêng năng tu học, cầu đạo nghiệp hơn họ.” Nghĩ như vậy rồi, Tiên nhân phát lời thệ nguyện: “Ta nguyện thân này từ nay về sau nếu vật của người ta không cho thì không lấy, cho đến nước uống và cây chà răng.”
Vào hôm nọ, Tiên nhân Nhật quên lời nguyện, tự lấy dùng rễ cây, dược thảo và các hoa quả mà người không cho. Một hôm khác, vào ban đêm, Tiên nhân khát nước, thấy bồn nước của người ta bên cạnh, tưởng là bồn nước của mình nên lấy uống. Khi vị chủ thấy bồn mình khô nước mới hỏi: “Ai đã lấy nước trong bồn của ta? Đây là chỗ ở của kẻ cướp, không phải là chỗ ở của Tiên nhân.”
Bấy giờ Tiên nhân Nhật đã uống nước thấy bồn của mình đầy nước ở bên cạnh, bồn kia liền thưa với người ấy: “Tôi lầm nên đã uống nước của nhân giả, vì cho là bồn nước của tôi.” Tiên nhân kia nói với Tiên nhân Nhật: “Nếu Tiên nhân uống, điều đó thật tốt, tôi rất vui mừng.”
Khi ấy Tiên nhân Nhật chánh tâm tư duy: “Ta đã trái lời thề thuở trước, là điều bất thiện. Hành động như vậy không phải là pháp của Tiên nhân. Tại sao ngày nay đối với những hoa quả, thảo dược, rễ cây, người ta không cho mà lại lấy dùng? Tại sao lại lấy nước của người khác mà uống?” Vì những sự việc này nên Tiên nhân buồn bã chẳng vui, ưu sầu khổ não, ngồi xổm trên đất chánh tâm suy nghĩ, âu sầu về việc này. Lúc ấy các đồng tử đệ tử của Tiên nhân Nhật đi đến đảnh lễ dưới chân Tiên nhân, phụng thờ đúng như pháp. Tiên nhân bảo các đồng tử đệ tử: “Này các đồng tử, ngày nay trở đi không nên đảnh lễ ta. Tại sao như vậy? Vì ngày nay ta đã trở thành kẻ trộm.” Các đồng tử hỏi Tiên nhân: “Thưa Hòa thượng, việc đó như thế nào?”
Tiên nhân Nhật lại bảo các đồng tử: “Này các đồng tử, các người phải biết, ta đã lấy dùng hoa quả, dược thảo, rễ cây không cho của người khác, lại lấy nước của người ta mà uống.”
Tiên nhân nói lời như vậy rồi, các đồng tử vội bạch: “Thầy không nên nói như vậy. Tất cả những thức ăn uống đó đều là của Hòa thượng.”
Tiên nhân Nhật lại bảo các đồng tử: “Các người phải biết, vật chẳng được người ta cho mà tự lấy dùng, việc ấy chẳng nên. Đối với dược thảo, hoa quả, rễ cây và nước trong bồn của người, không được cho mà ta tự lấy dùng, như vậy ta đã thành kẻ giặc. Do vậy, các ông phải phạt tội ta như trị giặc cướp.”
Các đồng tử đều thưa Tiên nhân: “Chúng con không dám trị tội Hòa thượng. Hiện giờ em Hòa thượng làm vua thống lãnh quốc gia này, như pháp trị hóa dân chúng, cho đến tận biên cương này, nhất định em Hòa thượng có thể trị tội Hòa thượng được.”
Lúc ấy Tiên nhân đi đến cung điện Nguyệt vương. Lúc ấy Nguyệt vương đã nghe việc này rồi, biết Tiên nhân Nhật sắp đến nên cho bốn đạo binh ra ngoài thành sẵn sàng nghinh tiếp. Khi Tiên nhân Nhật đến nơi, Nguyệt vương đảnh lễ dưới chân. Khi ấy Tiên nhân Nhật nói với Nguyệt vương: “Thôi đi, đừng đảnh lễ dưới chân tôi. Vì sao vậy? Vì tôi nay là tên giặc. Xin Đại vương trị phạt tội tôi như trị tội giặc.”
Bấy giờ nhà vua hỏi vương huynh Tiên nhân Nhật: “Ngày nay Thánh giả làm giặc gì vậy?”
Tiên nhân đáp: “Đại vương phải biết, khi ta tu hành nơi rừng cây yên tĩnh thanh vắng, đối với hoa quả, rễ cây, dược thảo và nước uống, không phải người khác cho mà tự lấy dùng.”
Đại vương Nguyệt nghe như vậy, buồn phiền áo não, khóc than ấm ức, nước mắt ràn rụa, suy nghĩ thế này: “Công đức bổn hạnh của Tiên nhân từ xưa đến nay thanh tịnh không có tội lỗi, tại sao ngày hôm nay lại có tội đáng trị phạt!”
Suy nghĩ như vậy rồi, vua bảo Tiên nhân: “Ta cho các Tiên nhân được phép lấy hoa quả, rễ cây, dược thảo, kể cả nước uống... tự do lấy dùng. Do vậy, những vật mà Tiên nhân đã lấy dùng đều là vật của ta, nên đại tiên không phải giặc, nên không trị phạt.”
Bấy giờ vua tiên Nhật lại bảo Nguyệt vương: “Lệnh này mới ban hành ngày nay, không phải có từ trước.”
Nhà vua liền nói: “Khi em mới lên ngôi liền ban lệnh này: “Ta bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn cây cỏ và nước uống, tùy ý sử dụng.” Do vậy, đại tiên không phải giặc, làm sao ngày nay em trị phạt được!’’
Vua tiên lại nói: “Hay thay! Này Đại vương, ngày nay ta đã tạo-tội bất thiện, tự nghĩ tội này không thể tiêu được, ta đã uống nước của người khác. Như vậy Đại vương phải trị tội ta như trị giặc không khác.”
Khi ấy Nguyệt vương có một người cháu ngoại đang ở trong đại chúng. Vị ấy thưa với Nguyệt vương: “Thưa Đại vương, Tiên nhân đã quyết định có tội, chớ để Tiên nhân buồn phiền áo não.”
Nguyệt vương thưa với Tiên nhân: “Sự việc nếu như vậy, Tiên nhân sẽ vào ở trong vườn của ta lo tu tập.”
Khi đã ra lệnh cho Tiên nhân vào ở trong vườn rồi, nhà vua liền quên mất không nhớ. Cho đến sáu ngày sau mới sực nhớ lại, Nguyệt vương vội gọi các quần thần: “Này các khanh, Tiên nhân ở trong vườn đã ra chưa?”
Quần thần tâu: “Thưa Đại vương, vị Tiên nhân ấy vẫn còn ở trong vườn.”
Khi ấy Nguyệt vương ra lệnh phóng thích tất cả tù nhân trong nước, kể cả các loài chim bay thú chạy, nhưng đặc biệt Tiên nhân được mời ở lại cúng dường các thức ăn cao lương mỹ vị. Vua nói: “Cúi xin đại tiên, ngài tùy ý đi.”
Sau khi thả Tiên nhân rồi, nhà vua chẳng an tâm, nói: “Ta có tội đối với Tiên nhân này. Do Tiên nhân này ta có tội.”
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu ai phân vân vua tiên Nhật thuở ấy nay là người nào, chớ nên nghĩ gì khác, là thân Ta ngày nay vậy.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai phân vân Nguyệt vương thuở ấy nay là người nào, chớ nên nghĩ gì khác, tức là La-hầu-la này vậy. Vì do nhân duyên nhốt Tiên nhân trong vườn sáu ngày nên chịu nghiệp báo ở trong sinh tử phiền não chịu vô lượng khổ. Do dư báo ấy, lại phải ở trong thai mẹ sáu năm.
Này các Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa trải qua vô lượng kiếp, chủ nông trại có một đàn bò. Vợ của người chủ đàn bò đem theo một người con gái đi đến chỗ đàn bò vắt sữa đựng vào hai chiếc bình. Người mẹ sai con gái mang bình lớn, còn bình nhỏ thì mình mang lấy. Khi đi được nửa đường, người mẹ nói với con gái: “Con đi mau lên, đoạn đường này đầy nguy hiểm, đáng sợ hãi.” Người con gái thưa với mẹ: “Cái bình này quá nặng, làm sao con có thể đi nhanh được?!” Người mẹ cứ nói như vậy đến hai ba lần: “Con đi mau lên, đoạn đường này có nhiều sự khủng bố!”
Người con gái lúc ấy suy nghĩ: “Tại sao bảo ta đội lấy bình quá nặng, lại thúc dục đi nhanh?” Do vậy, người con gái tức giận nên thưa với mẹ: “Mẹ có thể mang hộ luôn bình sữa này, con đi đại tiểu tiện trong chốc lát.”
Người mẹ nhận cả bình sữa lớn mà vác đi, người con gái từ từ đi theo sau. Lúc đó người mẹ mang cả hai bình sữa nặng đi đến sáu câu-lô-xá.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu các thầy phân vân người con gái tức giận, sai mẹ mang bình sữa nặng đi trong sáu câu-lô-xá, nay là người nào thì chớ nghĩ ai khác, chính là nàng họ Thích Da-du-đà-la này vậy. Thuở ấy nàng đã sai mẹ mình mang bình sữa nặng đi trên đoạn đường sáu câu-lô-xá. Do nghiệp báo ấy, ở trong sinh tử phiền não chịu vô lượng khổ. Do dư nghiệp ấy, ngày nay mang thai sáu năm.
Này các Tỳ-kheo, tất cả nghiệp báo chẳng phải do tự nhiên nhận lấy, mà tùy theo tác nghiệp thiện ác, rồi trở lại thọ lấy.
Do vậy, này các thầy Tỳ-kheo, phải từ bỏ các nghiệp ác bằng thân khẩu ý. Vì sao? Vì nhân duyên thiện ác nơi thân khẩu ý. Các thầy hiện đã thấy quả báo thiện ác như vậy, nên các thầy cần phải tu các thiện nghiệp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì vua Tịnh Phạn và hoàng gia, mà tuyên dương diệu pháp, khai thị giáo hóa khiến nhà vua được hoan hỷ. Rồi Thế Tôn rời khỏi tòa, trở về chỗ ở của mình.
Lúc ấy Da-du-đà-la bảo La-hầu-la đi đến bên Thế Tôn, xin Thế Tôn phong tặng. Lúc bấy giờ La-hầu-la đi theo Phật, vừa đi vừa nói:
-Xin Sa-môn phong tặng cho con! Xin Sa-môn phong tặng cho con.
Khi ấy Đức Thế Tôn đưa ngón tay cho La-hầu-la nắm, La-hầu-la nắm ngón tay Phật đi theo một bên. Khi Đức Thế Tôn đem La-hầu-la về đến khu rừng yên tĩnh, vọng gọi Xá-lợi-phất:
-Này Xá-lợi-phất, thầy đem La-hầu-la cho nó xuất gia.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
-Xin theo lời Phật dạy.
Xá-lợi-phất vâng lời Đức Phật, độ cho La-hầu-la xuất gia. Lúc Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo chế cấm giới. La-hầu-la rất vui mừng được thọ cấm giới, y theo pháp mà vâng giữ. Lý do tại sao? Vì giáo pháp thích ứng với vị này. Xá-lợi-phất theo sự chỉ dạy của Đức Phật, vâng lệnh chỉ dạy La-hầu-la.
Đương thời, bao nhiêu thiện nam tử đều được chánh tín, chánh kiến. Vì sao? Vì họ muốn xuất gia tu phạm hạnh, cầu đạo Vô thượng. Họ được lợi ích, được chứng biết các pháp. Tự chứng biết rồi, họ tự xướng lên: “Các lậu đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.” La-hầu-la cũng như vậy, chứng lấy tự tâm, được chánh giải thoát. Thế Tôn liền ấn chứng:
-Này các Tỳ-kheo phải biết, trong hàng đệ tử Thanh văn trì giới của ta, La-hầu-la là hơn hết.
(Trên đây là thuyết của các sư thuộc bộ phái Ma-ha Tăng-kỳ).
Bộ phái Ca-diếp-duy thì nói:
Khi vua Thâu-đầu-đàn sắm sửa thức ăn xong, liền gọi các quyến thuộc trong nội cung và ra lệnh cho họ:
-Này các khanh, nay không được một ai nói với La-hầu-la biết Thế Tôn là cha của nó.
Vì sao? Vì vua sợ La-hầu-la biết được sẽ theo cha xuất gia.
Trong đêm ấy vua Tịnh Phạn cho sắm sửa hoàn tất các món ăn uống cao lương mỹ vị. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mới mọc, cho trần thiết các tòa ngồi, sai người đưa La-hầu-la cùng các đồng tử nam nữ ra chơi ở rừng A-thâu-ca và đồng thời cho sứ giả đến bạch Phật:
-Giờ ngọ trai đã đến, thức ăn uống đã bày biện xong, xin Thế Tôn biết cho.
Lúc mặt trời còn ở phương Đông, Thế Tôn đắp y, mang bình bát đi trước, cùng các Tỳ-kheo tùy tùng theo sau, cùng đi đến cung vua Thâu-đầu-đàn. Đến nơi, ngồi theo thứ lớp đã bày sẵn.
La-hầu-la thấy các đồng nam, đồng nữ đi nói giỡn cười mất trật tự mà các nhũ mẫu cũng không ngăn cản được. Chúng cùng nhau cười giỡn, đi từ rừng A-thâu-ca dần dần vào cung vua. Chúng thấy Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo liền đảnh lễ. Đảnh lễ xong, chúng vội lên lầu thượng. Mẹ La-hầu-la đã đứng sẵn nơi đây. Nàng thấy Thế Tôn cạo bỏ râu tóc, thân đắp ca-sa, thì buồn bã, rơi lệ.
Có kệ:
Vợ mới Đại vương dòng họ Thích
Tên nàng được gọi Du-đà-la
Thấy chồng dưới tướng kẻ xuất gia
Buồn rầu khóc lóc tâm áo não.
Khi ấy La-hầu-la hỏi mẹ:
-Thưa thánh mẫu, vì sao mẹ buồn khóc như vậy?
Da-du-đà-la nói với La-hầu-la:
-Người có thân vàng ròng trong chúng Sa-môn là cha của con.
La-hầu-la lại hỏi mẹ:
-Thánh giả ấy từ khi con sinh ra cho đến ngày nay, con chưa từng nghĩ đến, sao nay bỗng thấy an lạc.
La-hầu-la nói lời này rồi, từ trên lầu vội vã chạy xuống hướng đến Đức Phật, rồi chui trốn trong vạt y của Ngài. Khi ấy các Tỳ-kheo muốn ngăn cản lại. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, chớ nên ngăn cản, để nó đứng vào trong y của Ta.
Thấy Đức Phật và chúng Tăng theo thứ lớp ngồi xong, vua Thâu-đầu-đàn tự tay mình bưng các thức ăn sơn hào hải vị, đến dâng cho Đức Phật và chư Tăng. Tất cả đều được thọ trai đầy đủ.
Khi Đức Thế Tôn ăn rồi, rửa bát rửa tay xong. Nhà vua đem một chiếc ghế nhỏ ngồi một bên Thế Tôn. Thế Tôn vì Đại vương liền nói lời chúc phúc:
Cúng tế, lửa hơn hết
Các kệ, tán hơn hết
Loài người, vua hơn hết
Các sông, biển hơn hết
Các sao, trăng hơn hết
Sáng, mặt trời hơn hết.
Trên dưới và bốn phương
Chúng sinh bao nhiêu loại
Loài trời hay nhân loại
Chư Phật là hơn hết.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì vua Tịnh Phạn nói kệ xong, liền rời chỗ ngồi tự tại ra về.
Sau đó, vua Thâu-đầu-đàn đi khắp đó đây kiểm tra mọi việc. Lúc ấy La-hầu-la đã đi theo Thế Tốn, khi ra khỏi cung ý muốn trở vào. Thế Tôn đưa ngón tay cho La-hầu-la nắm, khi ấy trên nửa thân La-hầu-la cảm thấy an lạc, dễ chịu, giống như sợi dây buộc chân con chim, không thể rời được. La-hầu-la nương vào mình Thế Tôn như vậy, cùng nhau đi đến rừng Ni-câu-đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi La-hầu-la:
-Này La-hầu-la, con có thể theo Thế Tôn xuất gia được không?
La-hầu-la đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, con thật có thể xuất gia được.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nay muốn cho La-hầu-la xả tục xuất gia, mời Xá-lợi-phất làm Hòa thượng.
Bấy giờ các Tỳ-kheo suy nghĩ: “Xưa Đức Thế Tôn thường dạy chúng ta, nếu ai tuổi chưa đủ hai mươi không được thọ giới Cụ túc, mà nay La-hầu-la tuổi mới mười lăm, chúng ta nên căn cứ lời Phật dạy thuở trước mà làm, hay sẽ làm khác đi.” Vì có ý nghĩ như vậy, họ đem việc này bạch lên Phật.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, phải biết mười lăm tuổi mà được xuất gia, chỉ có thể làm Sa-di.
Các Tỳ-kheo được Phật chỉ dạy rồi, liền cho La-hầu-la xuất gia, cầu Xá-lợi-phất làm Hòa thượng.
Khi Đại vương Thâu-đầu-đàn đưa Thế Tôn và các Tỳ-kheo cùng quyến thuộc ra về, rồi sau đó ngồi vào bàn ăn. Nhà vua lại bảo cận vệ:
-Các khanh hãy bảo La-hầu-la đến cùng ăn với ta.
Khi ấy quan cận vệ tìm kiếm khắp nơi mà không thấy La-hầu- la, liền trở lại tâu đầy đủ với vua:
-Thưa Đại vương, hạ thần tìm La-hầu-la, nay không biết đồng tử ở đâu?
Đại vương Thâu-đầu-đàn lại bảo:
-Các khanh nên đến vườn A-thâu-ca và trong các cung. Nên tìm ở các nơi ấy.
Các quan cận vệ lập tức đi đến vườn A-thâu-ca và trong các cung, nhưng cũng không tìm thấy La-hầu-la đâu cả nên về tâu vua:
-Thưa Đại vương, hạ thần đã tìm các nơi ấy mà không thấy.
Đại vương Thâu-đầu-đàn liền bảo:
-Các khanh mau đến rừng Ni-câu-đà, có lẽ Thế Tôn đem theo, cho nó xuất gia nên nó đi như vậy chăng?
Khi các quan cận vệ nghe sắc lệnh của vua như vậy, vội vã đi đến rừng Ni-câu-đà, tìm kiếm khắp nơi mới thấy La-hầu-la được Thế Tôn cho xuất gia. Thấy vậy, họ vội chạy về cung tâu lên vua Thâu-đầu-đàn:
-Đại vương phải biết, nay La-hầu-la được Đức Thế Tôn cho xuất gia rồi.
Đại vương Tịnh Phạn nghe vậy, liền té nhào xuống đất chết giấc, giây lâu mới tỉnh, vội ra khỏi thành, đi đến rừng Ni-câu-đà. Đến nơi, nhà vua đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi về một bên, bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn còn tại gia, các thầy toán số Bà-la-môn đã từng dự đoán' “Nếu Thế Tôn ở tại gia sẽ thành Chuyển luân thánh vương.” Ngày nay Thế Tôn đã xả tục xuất gia, sau khi Thế Tốn xuất gia rồi, tôi suy nghĩ: “Sắp truyền ngôi cho Nan-đà”. Sau đó Thế Tôn lại dạy Nan-đà xuất gia. Sau khi Nan-đà xuất gia rồi, tôi lại suy tính: “Sẽ ra lệnh A-nan-đà kế nghiệp vương vị.” Sau lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia. Sau khi A-nan-đà xuất gia rồi, tôi lại suy tính: “Cần phải ra lệnh A-na-luật kế nghiệp ngôi vua.” Sau lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia. Sau khi A-na-luật xuất gia rồi, tôi lại suy tính: “Ba-đề-lợi-ca sẽ nối ngôi vua.” Sau lại bị Thế Tôn đem đi xuất gia. Đến nay, chỉ còn kỳ vọng nơi La-hầu-la, sẽ trao ngôi vua cho nó, lại bị Thế Tôn dẫn đi xuất gia. Thế Tôn dẫn La-hầu-la đi xuất gia như vậy, há chẳng phải là đoạn chủng tộc làm vua của tôi hay sao?
Lại nữa, thưa Thế Tôn, chẳng những như vậy, mà còn quan hệ đến tình luyến ái con cái, thấu đến da thịt, gân cốt tủy xương. Vì vậy, xin Thế Tôn từ nay về sau phải chế điều kiện thế này: “Có ai muốn xuất gia làm Tỳ-kheo, phải dạy họ xin phép cha mẹ. Nếu cha mẹ đồng ý rồi sau mới cho phép xuất gia.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn thưa Đại vương Thâu-đầu-đàn.
-Ta không trái việc như vậy. Ta nhất định dạy họ làm việc này.
Nói lời như vậy rồi, Thế Tôn vì vua Tịnh Phạn giảng giải nghĩa các pháp để cho nhà vua được hoan hỷ, tăng thêm oai lực, khiến nhà vua lại càng hoan hỷ. Khi vua Thâu-đầu-đàn hoan hỷ rồi, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ Thế Tôn trở về hoàng cung.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp chúng Tỳ-kheo và nói:
-Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, làm con báo ân cha mẹ rất khó. Tại sao? Cha mẹ làm những điều khó làm, giới thiệu cho cuộc đời, nuôi dưỡng các ấm để con ra đời, rồi cho bú mớm, dưỡng dục thành người. Vì vậy các thầy từ nay trở đi, nếu có thiện nam tín nữ nào cầu xin xuất gia, trước phải dạy họ xin phép cha mẹ, rồi sau đó mới cho xuất gia. Nếu cha mẹ họ không đồng ý, thầy nào độ họ xuất gia, thì đúng như pháp mà xử trị. Từ nay về sau Ta lập quy chế như thế này: Hễ người đến cầu xin xuất gia, trước phải hỏi họ: “Cha mẹ người còn hay mất?” Người ấy nếu đáp: “Cha mẹ tôi nay còn sống.” Lại hỏi: “Cha mẹ ông đã cho ông xuất gia hay chưa?” về việc La-hầu-la, có các thuyết khác nhau:
-Hoặc có thuyết nói như thế này: La-hầu-la sau khi sinh được hai tuổi, Bồ-tát mới xuất gia, tu khổ hạnh sáu năm, sau mới thành đạo.
Hoặc có thuyết nói: Bồ-tát sau khi thành đạo bảy năm rồi mới trở về thành Ca-tỳ-la, tuần tự như trên. Thông thường các thuyết nói La-hầu-la xuất gia năm mười lăm tuổi.
Hoặc có thuyết nói: Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề thấy Bồ-tát xuất gia, nên ưu sầu khổ não, kêu khóc buồn rầu, mù hai con mắt. Nhưng khi Bồ-tát thành Phật Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sau đó mười hai năm, vì Phật muốn thể hiện lòng thương xót quyến thuộc nên mới trở về thành Ca-tỳ-la. Lúc bấy giờ Đại vương Thâu-đầu-đàn đi đầu, với tất cả quyến thuộc trong các cung hộ vệ chung quanh. Như vậy, tất cả chủng tộc họ Thích gồm chín vạn chín ngàn người đồng đến yết kiến Phật.
Bấy giờ Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di đồng ở trong hội này, đi đến chỗ Phật vì muốn gặp được La-hầu-la. Lúc ấy Đức Như Lai cùng lúc hiện hai phép thần thông. Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di được nghe người khác nói lại: “Nay con bà thể hiện thần thông, những thần thông đó là: Nửa phần thân phía trên phóng ánh lửa, nửa phần thân phía dưới phun nước lạnh...” Bà nghe như vậy, hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, nên đi đến chỗ Phật. Đến nơi, cung kính lễ Phật, lấy nước từ thân Phật phun ra, rưới trên mình và rửa mặt.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì thương mến Ma-ha Ba-xà-ba-đề, khiến toàn thân bà cảm giác khoái lạc, đôi mắt mù của bà lập tức sáng tỏ hơn lúc trước, nên đối với Phật càng thêm cung kính. Khi ấy các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
-Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tại sao ngày nay Ma-ha Ba-xà- ba-đề Kiẹu-đàm-di, trước vì Thế Tôn ưu sầu khổ não, buồn khóc mù hai con mắt. Nay cũng lại nhân Thế Tôn, cặp mắt bà được sáng tỏ?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di chẳng phải chỉ một đời này vì Ta buồn khóc mù hai con mắt; lại cũng vì Ta mà con mắt được sáng tỏ. Ở trong đời quá khứ cũng vì Ta mà buồn khóc mù hai con mắt; sau cũng nhân Ta, mắt được sáng lại.
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, việc này như thế nào? Xin Thế Tôn thuật lại!

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giai nhân và Hòa thượng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.212.146 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập