Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 47 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 47

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.55 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 47: NHÂN DUYÊN ĐẠI CA-DIẾP
(Phần 3)

Bấy giờ vua trời Đế Thích suy nghĩ: “Ta ngày nay cũng nên xuống cõi Diêm-phù-đề, thọ sinh trong nhân gian để răn dạy, giáo hóa chúng sinh ở nơi đây được thành tựu.” Suy nghĩ như vậy rồi, Đế Thích gọi Tứ Thiên vương đến bảo: “Ta muốn cùng các khanh xuống nhân gian để giáo hóa, răn dạy chúng sinh. Lúc ấy ta hiện hình sư tử chúa, còn các khanh biến thành bầy sư tử thường theo hộ vệ, đem theo nhiều quyến thuộc hầu hạ chung quanh. Sau khi hiện thân rồi chúng ta cùng nhau du hành trong thôn xá, thành ấp, xóm làng. Khi chúng ta du hành, nếu dân chúng nơi đó có hỏi các khanh: “Ngày nay chúng tôi nên thường đem vật gì dâng cho các ông?”, thì các khanh nên bảo dân chúng: “Dâng riêng cho sư tử chúa này một trăm người.” Nếu họ lại hỏi các khanh: “Cần người lớn hay trẻ con? cần con trai hay con gái?” Các khanh nên đáp: “Nếu có những kẻ hay sát sinh thì mỗi ngày nên nạp một trăm người như vậy cho sư tử chúa này ăn thịt. Hoặc những kẻ trộm cắp, hoặc những kẻ tà dâm, hoặc những kẻ nói dối, hoặc những kẻ nói hai lưỡi, hoặc những kẻ nói lời thô ác, hoặc những kẻ nói lời thêu dệt, hoặc những kẻ hay tham lam, hoặc những kẻ hay sân hận, hoặc những kẻ tà kiến, thì mỗi ngày cần phải nạp cho sư tử chúa này một trăm người ác như vậy. Còn nếu hạng người không sát sinh thì các ngươi không nên cung cấp, vì sư tử chúa không ăn thịt hạng người này. Như vậy cho đến các người không trộm cắp..., không tà kiến thì các ngươi chớ nạp, vì sư tử chúa không ăn thịt hạng người như vậy.” Rồi nên dạy họ mỗi gia đình cần phải có một người xuất gia.”
Khi trời Đế Thích và Tứ Thiên vương suy tính phương pháp khéo giáo dục như vậy rồi, liền giáng xuống cõi Diêm-phù-đề. Lúc ấy Đế Thích biến thành con sư tử cao lớn một câu-lô-xá, giống như sư tử thật không khác. Có những người ở sau sư tử chúa, bị sư tử chúa đòi ăn thịt nên đi theo. Mọi việc y theo lời chỉ dẫn của Đế Thích lúc trước.
Lúc ấy dân chúng vì sợ sư tử, nên hối cải không còn sát sinh, không còn trộm cắp, cũng không còn tà dâm cho đến không còn tà kiến. Họ đều tu thiện nghiệp một cách đầy đủ, mỗi gia đình đều có một người xuất gia học đạo, tu bốn phạm hạnh, sau khi qua đời sinh lên cung Phạm thiên. Trong số người này, nếu những ai chỉ tu thập thiện mà không xuât gia, phần nhiều được sinh trong cõi trời và người.
Lúc ấy Đại Ca-diếp dùng phương tiện như vậy đi khắp đó đây, vì chúng sinh mà làm điều lợi ích lớn. Do vì sức nhân duyên kiếp quá khứ, ngày nay cũng như vậy, nghĩa là Đại Ca-diếp vì chúng sinh mà làm điều đại lợi ích.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Đại Ca-diếp này sẽ ở trong pháp hội của Đức Thế Tôn Di-lặc đời vị lai cũng vì chúng sinh làm điều lợi ích lớn.
Các vị Tỳ-kheo bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, ngài Đại Ca-diếp ở vào đời Đức Phật Di-lặc sẽ làm điều lợi ích gì?
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, vị Đại Ca-diếp này, sau khi Ta nhập Niết-bàn rồi, giữ gìn giáo pháp và giới luật của Ta khiến được tồn tại lâu dài ở thế gian. Suốt đời, tổ chức pháp hội, đến khi lâm chung đi vào trong núi, dùng sức thần thông duy trì thân này và phát nguyện: “Nguyện khi thân này của ta chớ hư hoại, cho đến khi Đức Như Lai Di-lặc Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời thấy được thân ta.” Phát nguyện rồi mới xả thân mạng, nhập vào Vô dư Niết-bàn. Sau khi vào Niết-bàn rồi, hai hòn núi hợp lại. Về sau, vào đời Đức Phật Di-lặc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vị ấy sẽ xiển dương giáo pháp.
Lúc ấy Đức Thế Tôn Di-lặc nhớ đến xá-lợi của Đại Ca-diếp bảo các vị Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, các thầy muốn thấy xá-lợi của ngài Đại Ca-diếp là đệ tử Thanh văn thiểu dục tri túc, tu hạnh đầu đà bậc nhất của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hay không?”
Các vị Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy.”
Đức Di-lặc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cùng với vô lượng ngàn người bao vây chung quanh, đồng đi đến núi nọ. Khi đến nơi, hai hòn núi tự nhiên mở ra. Đức Di-lặc Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác thấy xá-lợi Tỳ-kheo Đại Ca-diếp còn nguyên vẹn, còn mặc y Tăng-già-lê. Thấy vậy, Ngài liền bảo các Tỳ-kheo: “Đây là đệ tử Thanh văn tu hạnh đầu đà bậc nhất của Đức Phật Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác, tên là Đại Ca-diếp, chính là người này.”
Bấy giờ tại chỗ ấy, Đức Di-lặc Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác vì các Tỳ-kheo mà nói pháp: “Này các Tỳ-kheo, hạnh tu của Tỳ-kheo Đại Ca-diếp là như vậy. Ta cũng dạy pháp ấy. Các thầy nên học hạnh Tỳ-kheo Đại Ca-diếp.”
Bấy giờ ở trong chúng có hàng ngàn Tỳ-kheo nương giáo pháp này tu hành, giống như Tỳ-kheo Đại Ca-diếp đã tu. Trong chúng có vô lượng ngàn Tỳ-kheo nhờ tu pháp ấy, chứng được pháp nhãn thanh tịnh.
Đức Phật Thích Ca bảo các Tỳ-kheo:
-Tuần tự như vậy, Tỳ-kheo Đại Ca-diếp sẽ làm điều lợi ích lớn cho chúng sinh đời vị lai. Này các Tỳ-kheo, Ta khuyên các thầy nên học theo hạnh Tỳ-kheo Đại Ca-diếp. Ta mong các thầy nên tu theo hạnh Tỳ-kheo Đại Ca-diếp.
Phẩm 48: NHÂN DUYÊN VỢ CHỒNG BẠT-ĐÀ-LA
Nói về nàng Bạt-đà-la do không tìm được Thiện sư nên theo ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca xuất gia học đạo. Nàng tu tập tinh cần, thành tựu pháp ngoại đạo, chứng được Thiền thứ tư, đủ năm phép thần thông. Do thành tựu oai lực nên danh tiếng đồn khắp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đã cho phép phái nữ xuất gia. Khi ấy Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm người phụ nữ dòng họ Thích đều được xuất gia. Bà kiến lập chúng Tỳ-kheo-ni để phát huy Phật pháp.
Lúc ấy Trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ, nhớ lại: “Ta thuở trước ra đi xuất gia, có hứa với nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da, nếu tìm được Thiện giáo sư, cần phải cho nàng biết để nàng được xuất gia học đạo.” Rồi ngài lại nghĩ: “Hiện giờ nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da ở đâu?” Trưởng lão nhập định tìm kiếm, dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt loài người, thấy nàng ta xuất gia tu học với ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca, đang hành đạo tại bờ sông Hằng. Đại Ca-diếp liền kêu Tỳ-kheo-ni đắc thần thông đến bảo:
-Hay thay! Này ni cô, nếu cô thấy hợp thời, hiện giờ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da xuất gia tu học với ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca tại bờ sông Hằng. Hay thay! Này ni cô, cô nên đến đó nói rằng: “Hay thay! Này nữ tu sĩ, Đại Ca-diếp, chồng của chị cùng tôi xuất gia tu học một thầy. Chị cũng có thể đến đó cầu thầy ta xin xuất gia học đạo, tu tập phạm hạnh.”
Lúc ấy vị Tỳ-kheo-ni đắc thần thông nghe Trưởng lão Đại Ca-diếp dạy như vậy, ví như lực sĩ duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc vị Tỳ-kheo-ni như gió thổi mạnh, biến dạng ở thành Xá-vệ, liền hiện trước mặt nữ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da, Ba-ly-bà-xà-ca, rồi lui đứng về một bên. Tỳ-kheo-ni liền vấn an nữ tu sĩ ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca. Vấn an xong, Tỳ-kheo-ni lại nói:
-Lành thay! Này nữ tu sĩ, chị nên biết, Đại Ca-diếp, chồng của chị cùng với tôi xuất gia tu tập phạm hạnh, học đạo đồng một thầy. Ngày nay chị cũng có thể đến gặp ngài, xin thầy tôi cho xuất gia học đạo, tu tập phạm hạnh, có được không?
Bấy giờ nữ tu sĩ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da thuộc ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca, hỏi vị Tỳ-kheo-ni:
-Lành thay! Thưa ni cô, vị giáo sư của quý cô như thế nào?
Vị Tỳ-kheo-ni nghe hỏi như vậy, đáp lời nữ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da:
-Hay thay! Này nữ tu sĩ, vị Giáo sư của chúng tôi có ba mươi hai tướng trang nghiêm, đầy đủ tám mươi vẻ đẹp, mười tám pháp bất cộng của Phật, mười lực, bốn vô úy, đại từ đại bi, đầy đủ vô biên giới, đầy đủ vô biên định, đầy đủ vô biên trí tuệ, đầy đủ vô biên giải thoát, đầy đủ vô biên giải thoát tri kiến. Tất cả đệ tử Thanh văn của Đại sư chúng tôi cũng như vậy đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ trí tuệ, đẩy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến.
Vị Tỳ-kheo-ni ở trước nữ tu sĩ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da tán thán công đức của Phật và hàng đệ tử Thanh văn của Phật như vậy... như vậy...
Nữ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da nghe Tỳ-kheo-ni tán thán công đức của Đức Phật và hàng đệ tử Thanh văn, tâm được thanh tịnh. Sau khi tâm đã được thanh tịnh rồi, cô ta thưa với Tỳ-kheo-ni:
-Hay thay Tỳ-kheo-ni! Nếu đúng như vậy, tôi sẽ xin đi theo cô.
Tỳ-kheo-ni nói với nữ tu sĩ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da:
-Hay thay nữ tu sĩ! Hãy nương theo thần thông của tôi, cùng nhau mà đi.
Nữ tu sĩ nói:
-Lành thay! Thưa chị, tôi cũng có thần thông.
Bấy giờ vị Tỳ-kheo-ni cùng nữ tu sĩ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da đồng khởi hành. Trong khoảng thời gian rất ngắn như lực sĩ duỗi cánh tay, biến dạng ở sông Hằng, bỗng chốc xuất hiện ở rừng Kỳ-đà, đi đến chỗ Đức Phật.
Nữ tu sĩ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, tôn nhan đoan chánh, đẹp đẽ tuyệt vời... giống như bầu trời ban đêm có các vì sao tô điểm. Thấy rồi, tâm nàng thanh tịnh, đến trước mặt Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài mà bạch:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin Ngài cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
-Này Trưởng lão A-nan, thầy dẫn nữ tu sĩ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da giao cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di và dặn: “Cho nữ tu sĩ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này được xuất gia và thọ giới Cụ túc. Nữ tu sĩ này đã chứng thần thông, đầy đủ oai lực.”
Lúc ấy Trưởng lão A-nan nghe lời Phật dạy, bạch Phật:
-Như Thế Tôn dạy, con xin vâng lời.
Ngài A-nan liền dẫn nữ tu sĩ ngoại đạo đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ma- ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di và trình bày như lời Phật dạy.
Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di độ cho nữ tu sĩ ngoại đạo Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da được xuất gia và thọ giới Cụ túc. Nữ tu sĩ thọ giới Cụ túc chưa được bao lâu, nàng đi đến chỗ vắng vẻ, tự sống một mình, mau lìa cấu trược, siêng năng tu khổ hạnh, tâm không phóng dật, trụ trong tư duy.
Nữ tu sĩ Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da đã được xuất gia thọ giới Cụ túc, tâm không phóng dật, trụ trong tư duy... Không lâu sau, ở trong đại chúng, vị thiện nữ chánh tín xuất gia, cầu phạm hạnh vô thượng, thấy được các pháp, chứng được thần thông, việc làm đã xong, trụ trong cảnh an lạc, tự xướng lên: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân đời sau.”
Vị nữ trưởng lão này thấy biết như vậy, liền chứng quả A-la-hán, tâm được giải thoát, Đức Phật thọ ký:
-Này các Tỳ-kheo, trong hàng Tỳ-kheo-ni chứng Túc mạng thông thì Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này là người bậc nhất. Phàm những điều thưa hỏi của các Tỳ-kheo-ni khác, người đều biết trước.
Bấy giờ chúng Tỳ-kheo-ni cho việc hết sức hy hữu, mọi người đều ca ngợi: “Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này thật là hy hữu! Thật là hy hữu! Trong chúng Tỳ-kheo-ni có những vị xuất gia đã lâu, tu tập phạm hạnh, chưa ai được mau chứng thần thông như Tỳ-kheo ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da.”
Bấy giờ chúng Tỳ-kheo-ni có ý nghĩ phân vân nên đến chỗ Đức Như Lai xin giải trừ phân vân, để hiểu rõ tất cả sự thật. Đến nơi, họ đảnh lễ dưới chân Phật, đảnh lễ rồi lui đứng về một bên và bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da trong quá khứ đã tạo thiện nghiệp gì mà ngày nay sinh trong nhà đại phú đầy đủ của cải... không thiếu một vật gì, dung nhan lại đẹp đẽ, mọi người thích ngắm chẳng chán, ở thế gian ít ai có đầy đủ tướng tốt như vậy? Do nhân duyên gì lại được xuất gia, đầy đủ giới hạnh, mau chứng thần thông, được Thế Tôn thọ ký: “Ở trong chúng đệ tử Thanh văn Tỳ-kheo-ni, người chứng Túc mạng thông bậc nhất là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da?”
Đức Phật nghe thưa như vậy, liền bảo các Tỳ-kheo-ni:
-Này các Tỳ-kheo-ni, Ta nhớ vào thời quá khứ, trong thành Ba-la-nại có hai người phụ nữ kết bạn thân với nhau: Một là trưởng giả nữ giàu có, hai là Bà-la-môn nữ dòng họ cao quý. Một hôm, người phụ nữ thuộc dòng đại tộc Bà-la-môn đi đến nhà của vị nữ đại phú trưởng giả để mời bạn. Bấy giờ Đức Như Lai Ca-diếp Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác cũng đi đến nhà của vị nữ đại phú trưởng giả. Nữ đại phù trưởng giả thấy Đức Như Lai Ca-diếp đi đến nhà mình, nàng liền ra khỏi nhà nghinh tiếp Thế Tôn. Thấy vị nữ Bà-la-môn không đón rước, vị nữ đại phú trưởng giả mới nói vđi vị nữ Bà-la-môn: “Lành thay! Này chị, vì cớ gì chị không đi đón rước Thế Tôn?”
Người phụ nữ Bà-la-môn đáp: “Lành thay! Thưa chị, trong tay tôi không có vật gì cả, làm sao tay không đi rước Thế Tôn? Nay đến tiếp rước Thế Tôn phải dùng vật gì để nghinh đón Đức Phật.”
Vị nữ đại phú trưởng giả bảo vị nữ Bà-la-môn: “Hay thay! Này chị, chị cứ đi nghinh tiếp thì Đức Như Lai sẽ vào nhà.”
Lúc ấy vị nữ Bà-la-môn liền làm một chiếc lọng bằng các vật trang sức, dùng nỉ mỏng lợp lên trên, lại có đủ các loại tràng hoa treo rũ chung quanh.
Đức Như Lai Ca-diếp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vào buổi sáng sớm, mặt trời còn ở phương Đông, vì thương tưởng vị nữ Bà-la-môn, Ngài đắp y, mang bình bát đi đến nhà vị nữ đại phú trưởng giả. Khi ấy vị nữ đại tộc Bà-la-môn đem chiếc lọng quý dâng cúng Đức Như Lai Ca-diếp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi dùng kệ bạch Phật:
Lọng bằng ngọc quý, cán bằng vàng
Vải mỏng tuyệt đẹp hoa bao phủ
Nghinh rước Trượng phu oai đức lớn
Cúi xin Thế Tôn thương nạp thọ.
Lúc bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vì thương tưởng vị nữ Bà-la-môn nên nhận lấy chiếc lọng quý.
Này các Tỳ-kheo-ni, chớ có nghi ngờ, người phụ nữ cúng chiếc lọng quý cho Đức Phật Ca-diếp lúc đó đâu phải người nào khác, nay chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này vậy.
Này các Tỳ-kheo-ni, lại có nhân duyên:
Ta nớđ thời quá khứ, cũng tại thành Ba-la-nại này có một đại phú trưởng giả, vị phú trưởng giả này có một đầy tớ gái. Lúc đó có một vị Bích-chi-phật ở trong thành Ba-la-nại. Một buổi sáng sớm, khi mặt trời còn ở phương Đông, vị Bích-chi-phật đắp y, mang bình bát đi vào nhà vị đại phú trưởng giả khất thực. Lúc ấy người đầy tớ gái thấy vị Bích-chi-phật lần lần hướng đến vđi oai nghi chững chạc, tới lui đúng phép, khiến tâm nàng được thanh tịnh. Tâm được thanh tịnh rồi, nàng vội vã chạy vào nhà, đến bên bà chủ thưa:
-Lành thay! Thưa thánh nữ, hiện giờ ngoài ngõ có một vị Tỳ- kheo khất thực.
Bà trưởng giả lúc ấy đang ngồi chải tóc, với bàn tay trái vẹt tóc, trông thấy vị Bích-chi-phật thân hình xấu xí, không được khôi ngô. Bà ta thấy vậy, liền bảo tỳ nữ:
-Ta không thích người không có dung mạo khôi ngô, xấu xí như vậy, huống chi cho thức ăn.
Vị tỳ nữ lại thưa:
-Lành thay! Thưa thánh nữ, nên cúng thức ăn đến vị Tiên nhân này. Người như vậy, hà tất phải khôi ngô, chỉ cần tâm hiền thiện.
Bà trưởng giả lại nói:
-Ta thật không thích người như vậy. Làm sao bảo ta bố thí thức ăn!
Vị tỳ nữ lại thưa:
-Nếu hôm nay thánh nữ quả thật không vui khi dâng thức ăn cho Tiên nhân, xin bà cho phần ăn một ngày của con để con đem dâng cúng cho vị Tiên nhân này.
Bà trưởng giả lại nói:
-Lành thay, chị là người phục dịch trong nhà ta, chị có thể lấy phần ăn của mình, tùy ý cho.
Khi ấy vị tỳ nữ nhận phần ăn của mình ở nơi bà trưởng giả, rồi đem hiến cúng cho vị Bích-chi-phật.
Các vị Bích-chi-phật chỉ có pháp dùng sức thần thông giáo hóa chúng sinh, không dùng các pháp khác. Lúc ấy vị Bích-chi-phật vì thương tưởng người tỳ nữ nên thọ thức ăn cúng dường, rồi ở trước mặt tỳ nữ bay vọt lên hư không mà đi.
Vị tỳ nữ thấy sức thần thông của vị Bích-chi-phật bay đi trong hư không, nên thân tâm vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Cô ta chắp tay hướng về vị Bích-chi-phật, đảnh lễ và phát nguyện xướng lên:
-Con nguyện đời sau gặp được bậc thầy tốt đẹp như vậy, hoặc hơn thế nữa. Giáo pháp của các Ngài nói ra, nguyện con mau lãnh ngộ, đời đời kiếp kiếp không đọa vào các đường ác, chớ bị thân hình xấu xí không đoan chánh như vị Tiên nhân này. Tại sao? Vì thân hình xấu xí, đi khất thực khó khăn. Nguyện bất cứ sinh ở đâu và bất cứ trong thời gian nào, con được thân hình đoan chánh dễ thương, mọi người ưa trông ngắm.
Bấy giờ bà trưởng giả thấy Tôn giả Bích-chi-phật hiện thần thông như chư Thiên, bay đi trên hư không nên bảo tỳ nữ:
-Lành thay! Này tỳ nữ, nàng cho ta công đức này, ta sẽ cho nàng phần ăn nữa.
Vị tỳ nữ thưa bà trưởng giả:
-Lành thay! Thưa thánh nữ, con không thể cho được!
Bà trưởng giả lại nói:
-Lành thay! Này tỳ nữ, xin nàng cho ta công đức này, ta sẽ cho nàng gấp hai phần ăn.
Vị tỳ nữ thưa:
-Cũng không thể được!
Bà trưởng giả lại cũng nói như vậy. Cho gấp ba, bốn phần, năm phần, mười phần, hai mươi phần, ba mươi phần, bốn mươi phần, năm mươi phần..., nhưng nàng tỳ nữ vẫn nói:
-Không thể được.
Bà trưởng giả lại bảo tỳ nữ:
-Lành thay! Này tỳ nữ, nếu nàng cho ta công đức này, ta sẽ cho nàng một trăm phần ăn.
Vị tỳ nữ vẫn thưa:
-Cũng không thể được!
Bà trưởng giả lúc ấy liền nổi giận, nói:
-Tại sao mày cố trái lời ta?
Rồi bà ta cho người bắt trói, đánh tỳ nữ. Vị tỳ nữ vì đau khổ nên kêu khóc lớn tiếng. Khi ấy ông trưởng giả từ ngoài vào nhà, thấy tỳ nữ kêu khóc như vậy, hỏi:
-Hiền giả vì cớ gì kêu khóc như vậy?
Vị tỳ nữ liền kể lại sự tình vừa qua. Khi ấy ông trưởng giả tức giận, liền gọi vợ mình đến và ra lệnh cởi bỏ chuỗi anh lạc cùng y phục, nói:
-Ta đã bảo nàng trông coi tài sản, nay có Sa-môn hay Bà-la-môn đến nhà khất thực mà nàng không cho. Vì lý do đó, nay ta đuổi nàng ra ở ngoài căn phòng nhỏ tồi tệ và không còn quản lý tài sản nữa.
Trưởng giả bảo vị tỳ nữ tắm rửa và đem y phục, chuỗi anh lạc của vợ mình trao cho tỳ nữ. Ông mở kho và chỉ cho tỳ nữ tài sản bảo vật, nói:
-Này hiền nữ, trong số tiền bạc bảo vật như vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đến khất thực, tùy theo nhu cầu mặc tình cung cấp không có giới hạn.
Này các Tỳ-kheo, ý các thầy nghĩ sao? Vị tỳ nữ trong nhà trưởng giả lúc ấy đâu phải người nào khác, nay chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da, chớ nên nghi ngờ. Vị tỳ nữ lúc ấy vì cúng dường vị Bích-chi-phật, sinh tâm thanh tịnh, tùy theo thọ mạng, sau khi qua đời sinh lên cõi trời Đao-lợi, hình dung đoan chánh, hết sức đẹp đẽ, mọi người thích trông ngắm, so với hàng ngọc nữ ở trong cung trời Đao-lợi không ai hơn nàng. Có bốn vị Thiên tử cõi này đều tranh nhau cầu nàng làm vợ, mỗi Thiên tử đều nói:
-Ngọc nữ này hãy kết duyên với ta.
Khi ấy Thiên chủ Đế Thích thấy bốn Thiên tử tranh nhau như vậy, liền bảo:
-Này các Thiên tử, nếu các Thiên tử muốn cầu ngọc nữ này làm vợ, thì mỗi Thiên tử tùy ý làm một bài kệ. Hễ bài kệ người nào hay nhất, ta sẽ gả ngọc nữ cho.
Bấy giờ bôn vị Thiên tử đồng bạch Đế Thích:
-Hay thay! Thưa Thiên vương, cúi xin Thiên vương nói kệ trước, rồi chúng tôi sẽ nói kệ sau.
Lúc ấy Đế Thích nói kệ:
Đi, ngồi thường nhớ nghĩ
Nằm ngủ cũng không yên
Khi ta nằm ngã say
Lúc ấy mới quên nàng.
Một vị trong bốn vị Thiên tử nói kệ:
Thiên vương ngài khoái lạc
Ngủ nghỉ được an ổn
Như trống chiến giục vang
Khuấy động mãi tâm tôi.
Vị Thiên tử thứ hai nói kệ:
Như trống chiến thúc dục
Tiếng ấy đổ liên hồi
Như quậy lạc bên tai
Khuấy động mãi không thôi.
Vị Thiên tử thứ ba nói kệ:
Như quậy sữa thành lạc
Càng lúc càng nhanh hơn
Tôi bị dục náo loạn
Như nắng mặt trời thiêu.
Vị Thiên tử thứ tư nói kệ:
Các người đều an lạc
Nên mới nói được kệ
Còn ta chẳng biết ta
Đang sống hay đã chết.
Lúc bấy giờ Đế Thích thấy Thiên tử thứ tư say đắm ái dục, nên nói kệ:
Người này sắp bỏ mạng
Chẳng bao lâu lâm chung
E bỏ vui cõi trời
Nên trao ngọc nữ ngay.
Lúc ấy chư Thiên cùng nhau bình luận, liền trao ngọc nữ cho vị thứ tư.
Đức Phật nói:
-Vị tỳ nữ từ đó đến nay không đọa vào các đường ác, xoay vần trong cõi trời, người trải qua vô lượng kiếp, kiếp cuối cùng sinh trong nhà Bà-la-môn Ca-tỳ-la rất nhiều của báu, tài sản vô lượng.
Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da khi sinh làm người phụ nữ trong nhà đại Bà-la-môn, đã cúng chiếc lọng làm bằng nhiều vật quý báu cho Đức Như Lai Ca-diếp Chánh Đẳng Chánh Giác. Lại trong thời quá khứ làm tỳ nữ trong nhà trưởng giả, đã cúng cho Tôn giá Bích-chi-phật một bữa ăn và phát nguyện: “Nguyện thân con đời sau đẹp đẽ dễ thương, mọi người đều thích trông ngắm.” Do sức nhân duyên tạo nghiệp trong quá khứ nên được quả báo đời đời sinh ở đâu, thân hình được xinh đẹp dễ thương, mọi người thích trông ngắm, hết sức tuyệt vời, ai ai cũng ái mộ.
Do đời quá khứ lại nguyện: “Đời tương lai con không bị rơi vào đường ác.” Do sức nhân duyên nghiệp báo này nên đời đời không sinh trong ba đường ác, thường qua lại trong cảnh nhân thiên, thọ hưởng khoái lạc.
Do đời quá khứ lại nguyện: “Nguyện đời tương lai con gặp được vị Giáo sư như vậy hay hơn thế nữa, tùy theo giáo pháp của Ngài nói ra đều được lãnh ngộ.” Do sức nhân duyên nghiệp báo này nên ngày nay gặp được Ta, lại được xuất gia thọ giới Cụ túc, cũng lại mau chứng thần thông, được Ta thọ ký: “Ở trong chúng Tỳ-kheo-ni Thanh văn, người được Túc mạng thông bậc nhất là Tỳ-kheo-ni Bạt- đà-la Ca-tỳ-lê-da.”
Này các Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da xưa trồng căn lành như vậy. Do sức nhân duyên thiện căn nên ngày nay Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da sinh trong nhà đại Bà-la-môn, hình dung đoan chánh dễ thương..., trong chúng Tỳ-kheo-ni Thanh văn của Ta là người nhớ kiếp trước bậc nhất.
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, hy hữu thay Thế Tôn! Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da khéo tùy thuận cho Trưởng lão Đại Ca-diếp được xuất gia và tùy theo pháp để được xuất gia.
Sau khi các Tỳ-kheo nói lời ấy rồi, Đức Phật liền bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da chẳng phải chỉ một đời này thuận theo Đại Ca-điếp xuất gia, mà trong quá khứ cũng thuận theo Đại Ca-diếp xuất gia.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, việc này thế nào? Xin Ngài dạy rõ.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ thời quá khứ có một người nông dân nghèo khổ đang làm ruộng ngoài đồng. Vợ anh ta từ nhà mang cơm ra đồng cho chồng. Nàng ta đi đến bờ sông thấy một vị Bích-chi-phật đang ngồi thẳng thân chánh niệm dưới gốc cây, thân tâm khổng lay động. Vợ người nông dân nghèo này thấy vị Bích-chi-phật, sinh tâm thanh tịnh, đến trước Bích-chi-phật cung kính chắp tay, củi đầu đảnh lễ sát chân.
Người chồng ở ngoài ruộng, xa xa trông thấy vợ mình ra khỏi nhà, đã đến mé sông mà không lội qua sông, trong tâm liền nghi: “Không biết vợ ta cùng với ai đứng tại mé sông làm việc gì mà chẳng thấy đến, để ta giờ này đói khát, hết sức khó chịu?” Anh ta muốn vợ đến ngay. Vì cớ đó, người chồng hết sức tức giận, buồn bã chẳng vui, cầm gậy chạy đến. Khi tới nơi, chàng thấy vị Bích-chi-phật an tọa thiền định. Thấy vậy, anh ta liền nghĩ: “Nhất định vợ ta cùng với Sa-môn này làm việc thế gian.”
Lúc ấy anh ta tức giận vô cùng, cầm gậy đánh vị Bích-chi-phật. Bích-chi-phật lúc ấy vận dụng thần thông, từ bờ sông bay lên, đi trong hư không.
Khi ấy vợ người nông dân nghèo liền thưa với chồng:
-Hỡi ôi! Anh làm việc hết sức tội lỗi như vậy! Tiên nhân không lỗi, vì cớ gì anh ngang nhiên não loạn như vậy! Vị Đại tiên này đầy đủ giới đức, tu hành diệu pháp, có oai đức lớn, đầy đủ thần thông.
Người nông dân sau khi đánh vị Bích-chi-phật liền hổì hận. Vì hối hận nên anh ta nói với vợ:
-Hay thay! Này thiện nữ, ta nay cùng nàng đồng đi xuất gia, cùng tu phạm hạnh. Lý do tại sao? Vì ta phạm tội, không thể lấy một chút ít nhân duyên thiện pháp mà diệt trừ được!
Người vợ liền thưa với chồng:
-Hay thay! Thưa thánh tử, tôi chẳng dám trái lời. Ngày nay hai chúng ta xả tục xuất gia.
Khi ấy hai người đồng tâm xuất gia. Sau khi xuất gia rồi, hai người tu tập, thành tựu tâm từ. Sau khi qua đời, cả hai sinh lên cõi Phạm thiên.
Này các Tỳ-kheo, ý các thầy nghĩ thế nào? Người nông dân nghèo khổ làm ruộng thuở ấy đâu phải người nào khác, chính là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp này. Người vợ của chàng nông dân nghèo thuở nọ đem phần cơm của chồng cúng cho Bích-chi-phật... thành tựu tâm từ, sau khi qua đời sinh lên cõi Phạm thiên đâu phải là ai khác, chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này. Do thuở ấy thuận theo ý chồng xuất gia nên nay cũng thuận theo Đại Ca-diếp đi xuất gia, không trái lời.
Phẩm 49: NHÂN DUYÊN XÁ-LỢI-PHẤT VÀ MỤC-KIỀN-LIÊN
(Phần 1)

Vào một thuở nọ, vùng Ma-ha-đà cách thành Vương xá chẳng xa, có một thôn nhỏ tên là Na-la-đà. Trong thôn này có một đại Bà-la-môn cự phú tên là Đàn-nương-da-na (nhà Tùy dịch là Cát Chí). [Lại có thuyết khác nói: Bà-la-môn này tên là Đàn-na-đạt-đa (nhà Tùy dịch là Tài Dự)].
Bà-la-môn này là một đại cự phú, có nhiều của cải, nhà cửa giống như cung điện Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Bà-la-môn này có tám người con trai. Người con thứ nhất tên là Ưu-bà-đê-sa, người con thứ hai tên là Đại Tất, người con thứ ba tên là Thuần Đà, người con thứ tư tên là Khương-xoa-hiệt-lợi-bạt-đa, người con thứ năm tên là Xiển-đà, người con thứ sáu tên là Diêm-phù-ha-ca, người con thứ bảy tên là Kiều-trần-ni, người con thứ tám tên là Tô-đạt-ly-xá-na, đó là tên tám người con trai.
Bà-la-môn lại có một người con gái tên là Tô-thi-di-ca. Nàng này xuất gia tu học trong pháp của ngoại đạo Ba-ly-bà-xa.
Các vị Sư Ma-ha Tăng-kỳ lại nói: Bà-la-môn này có bảy người con trai: Người con thứ nhất tên là Đạt-ma, người con thứ hai tên là Tô-đạt-ma, người con thứ ba tên là Ưu-ba-đạt-ma, người con thứ tư tên là Đê-sa, người con thứ năm tên là Ưu-ba-đê-sa, người con thứ sáu tên là Hiệt-ly-đạt-na, người con thứ bảy tên là Ưu-ba-ba-ly-bạt-đa. Đây là tên của bảy người con.
Trong số các anh em, có đồng tử ưu-ba-đê-sa là người giỏi nhất vì đồng tử khéo hay tụng tập và dạy lại các người khác. Đối với bốn bộ Vệ-đà, không nghĩa lý nào là không thông hiểu, tụng tập thành tựu, khéo hay giải thích. Ngoài ra, các luận khác như Ni-kiền-đà, Kê-thơ-bà..., cho đến các danh tự, người này đều giải thích rõ ràng, biết việc quá khứ, có tài phân biệt, đối với ngũ minh am tường không chướng ngại, Thọ ký biệt luận ghi nhớ trong tâm, có tài thành tựu sáu mươi bôn pháp một cách đầy đủ, hiểu rõ các tướng bậc Đại trượng phu. Đồng tử bản tánh nhu hòa, hiền từ, chất trực, thường có lòng từ bi, ngao ngán thế sự, luôn hối hận tội lỗi đã làm. Vì trong quá khứ đồng tử đã gặp được chư Phật, trồng nhiều căn lành, thành tựu các pháp, khéo hay huân tập, thường thích siêng năng, đốì việc ăn uổng thì biết đủ, xa lìa phiền não, hướng đến Niết-bàn, thuận lý không ngăn ngại, không thích các cõi, thành tựu các hạnh, phiền não kết phược tiêu tan, đến được địa vị thành thục, chỉ còn một đời, thông minh tài giỏi, suy nghĩ chín chắn, hiểu rõ mọi việc. Đối với công việc kinh doanh, cha mẹ đều hỏi đồng tử rồi mới thực hiện.
Bấy giờ cách thành Vương xá chẳng bao xa cũng có một làng tên là Câu-ly-ca, trong thôn này có một cư sĩ dòng đại Bà-la-môn. Trong thôn, cư sĩ là hàng cự phú, giàu có của cải..., nhà cửa giống như cung điện Thiên vương Tỳ-sa-môn không khác. Bà-la-môn này sinh một con trai tên Câu-ly-đa, dung nhan tuấn tú, mọi người đều thích nhìn ngắm, thông suốt tất cả kinh luận, lại có thể dạy lại người khác..., hiểu rõ các tướng bậc Đại trượng phu...
Thuở ấy đồng tử Ưu-ba-đê-sa kết giao thân hữu với đồng tử Câu-ly-đa, hai người yêu mến lẫn nhau, luổn luôn hoan hỷ, nhan sắc tươi vui hòa nhã. Nếu phải xa nhau trong giây lát thì hết sức nhớ nhung, vì hai người này trong ngàn đời về trước đã thân ái với nhau.
Có kệ:
Nhân quả đời trước quyện với nhau
Hai người với nhau tâm thân mật
Do vì tâm ái là như vậy.
Giống như hoa sen mọc trong nước.
Ưu-ba-đê-sa, Câu-ly-đa
Hai người với nhau rất ái kính
Giả sử xa nhau trong giây lát
Trong lòng áo não tự buồn phiền.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Những tâm tình cô đơn


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.170.253 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập