Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 42: TA-TỲ-DA XUẤT GIA
(Phần 2)
Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà hỏi đại luận sư Phú-lan-na Ca-diếp... các nghĩa lý đã nói trên, như: “Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là cầu đạo?.” Ta-tỳ-da hỏi Ca-diếp... các lời như vậy. Nghe câu hỏi rồi tâm ý Ca-diếp rốI loạn không thể trả lời. Do không hiểu ý nghĩa các câu hỏi của Ta-tỳ-da, nên mặt hiện rõ ba nét là châu mày, cau mặt, nhăn trán, rất oán hờn, sân hận, phẫn nộ không nói lên được một lời. Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà suy nghĩ: “Vị Trưởng lão này không giải đáp được mảy may ý nghĩa các câu hỏi của ta, họ lại hiểu sai lầm ý của ta nên không thể giải thích được, lời nói lập cập càng thêm xấu hổ, nên oán hận. Ôi thật là bất tài!”
Khi ấy Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nhàm chán, bỏ Phú-lan-na Ca-diếp để đi đến Ma-ta-ca-lê-cù-xa-lê và Ni-kiền tử. Sau khi đến gặp Ni-kiền tử, dùng lời tốt đẹp chào hỏi, an ủi hỏi han xong rồi, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà thưa hỏi Ni-kiền tử như những câu hỏi trên: “Tỳ-kheo là nghĩa gì? Sao gọi là cầu đạo?” Ni-kiền-tử bị Ta-tỳ-da hỏi những câu như vậy, tâm ý rối loạn không thể trả lời.
Ta-tỳ-da suy nghĩ: “Những Trưởng lão này đối với các nghĩa không hiểu được mảy may, đối với những câu hỏi của ta tâm họ mờ mịt rối loạn không thể hiểu được, lại sinh sân hận... như nói ở trên.” Rồi Ta-tỳ-da lại nghĩ: “Trong thế gian này có người nào, hoặc Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn mà mọi người tôn xưng là La-hán có tất cả trí tuệ chân thật. Nếu có được người như vậy ta sẽ đến hỏi họ những gì nghi ngờ trong tâm, nếu họ đáp được ta sẽ đảnh lễ cúng dường thờ phụng ngày đêm chẳng rời.”
Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà lại suy nghĩ: “Hiện nay, có vị Sa- môn trong vườn Nai, là chỗ Tiên nhân đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại. Người đời cho vị Sa-môn này là bậc trí tuệ Đại A-la-hán hết sức thông minh. Ta sẽ đến vị A-la-hán này hỏi các điều mình ngờ vực.” Ông lại suy nghĩ tiếp: “Những vị Sa-môn, Bà-la-môn niên cao đức trọng trong xứ này, đã từng trải qua nhiều năm tu phạm hạnh cho đến nay, các vị đó giữ chức Quốc sư cho các vua, người đời đều tôn xưng là bậc Đại A-la-hán, hết sức thông minh trí tuệ. Những vị đó là Phú-lan-na, Ca-diếp, Ni-kiền tử... Ta hỏi họ còn chưa biết huống là vị Sa-môn này, tuổi trẻ xuất gia chưa được bao lâu. Nếu ta đến hỏi làm sao người có thể trả lời được?” Rồi Ta-tỳ-da nghĩ trở lại: “Không thể xem thường, không thể xem thường vị Sa-môn đó. Tại sao? Vì biết đâu những vị Sa-môn trẻ tuổi lại có trí tuệ thông minh, ta nào lường được. Vậy ta nên đi đến vị Sa-môn ỏ vườn Nai để hỏi những điều thắc mắc trong tâm.
Sau đó Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà đi đến chỗ Đức Phật, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn giống như các vì sao tô điểm trên nền trời ban đêm, hiện đang thuyết giảng pháp cho đại chúng. Thấy rồi, vị ấy hết sức tin tưởng: Đây chính là Đức Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã từng được nghe không sai lầm. Ta-tỳ-da liền tiến về phía Đức Phật, đến nơi gặp mặt Thế Tôn, dùng lời tốt đẹp khéo léo chào hỏi thăm viếng. Hỏi thăm xong, lui về ngồi một bên, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà dùng kệ hỏi Đức Phật:
Ta là đạo nhân Ta-tỳ-da
Từ phương xa tìm đến chốn này
Mang theo điều nghi hỏi Đại trí
Cúi xin vì tôi giải rõ ràng.
Tâm tôi ngờ vực nếu giải trừ
Xin Ngài tỉ mỉ giải từng mục
Giải theo thứ lớp từng câu hỏi
Giải thích rõ ràng chớ sai ngoa.
Ta-tỳ-da nói kệ rồi, đứng yên lặng. Nói về thường pháp của chư Phật có ba thứ thần thông, nếu thấy người hóa độ được thì hóa độ. Ba thứ thần thông đó là: Một, xuất hiện thần thông. Hai, giáo thị thần thông. Ba, giáo hạnh thần thông.
Đức Thế Tôn biết được tâm nghi của Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nên nói kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:
Này Ta-tỳ-da đường xa đến
Tâm người nghi hoặc muốn hỏi Ta
Ngươi hãy hỏi ra Ta sẽ giải
Tùy ý hỏi gì Ta đáp cho.
Đúng như câu hỏi chẳng sai ngoa
Này Ta-tỳ-da, hãy hỏi đi
Cứ hỏi tự do chớ ngại ngùng
Theo từng câu hỏi Ta giải rõ.
Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Thế Tôn nói kệ, thầm nghĩ: “Ta trước kia đã từng hỏi các vị Sa-môn, Bà-la-môn tuổi cao đức trọng xuất gia đã lâu, có thể làm Quốc sư, được thế gian tôn xưng là bậc A-la-hán trí tuệ thông minh. Những điều ta hỏi, họ đều rối loạn không thể giải đáp, nên lấy làm xấu hổ, trên mặt hiện rõ ba tướng sân hận chau mày, cau mặt, trán nhăn, không thể nói lên được một lời.” Khi ấy Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà cho là việc hy hữu: “Đại Sa-môn này đối với câu hỏi của ta không sân hận phẫn nộ, mà ngược lại sắc mặt tăng thêm trong sáng tươi vui, sắc mặt không biến lại thêm vui vẻ. Đối với câu hỏi của ta, Người hứa giải đáp. Ta thấy người này các căn tịch định không có sai lầm.”
Ta-tỳ-da biết như vậy, hết sức vui mừng hớn hở, tràn ngập toàn thân không thể tự chế. Với tâm hoan hỷ, ông dùng kệ thưa hỏi Đức Phật những điều nghi ngờ:
Sao gọi Tỳ-kheo, thưa Đại Thánh?
Chư Thánh thu phục những thứ gì?
Biết được những gì gọi là giác?
Cúi xin Thế Tôn giải đáp cho.
Đức Thế Tôn dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:
Khổ hạnh không ngại cầu tuệ giác
Vượt các lưới nghi hướng Niết-bàn
Có, không cả hai đều buông bỏ
Phạm hạnh lậu tận gọi Tỳ-kheo.
Buông bỏ tất cả, hành chánh niệm
Sống trong thế gian, không sát hại
Hoàn toàn thanh tịnh không nhiễm ô
Thoát khỏi buộc ràng là điều phục.
Căn trần trong ngoài, đều thu nhiếp
Hàng phục như vậy là chân chánh
Đời này, đời sau đều nhàm chán
Cầu quả Niết-bàn gọi thiện hạnh.
Ở trong nhiều kiếp tu khổ hạnh
Hai đường sinh tử tùy nghiệp nhân
Không còn cấu trược lìa ràng buộc
Dứt cảnh luân hồi, giác ngộ sinh.
Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật nói như vậy, vô cùng hoan hỷ, rồi nói kệ hỏi Phật:
Những gì gọi là tu phạm hạnh?
Sa-môn thanh tịnh phải thế nào?
Những gì Đại trí phải điều phục?
Nay xin Thiện Thệ giải đáp cho.
Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp câu hỏi của Ta-tỳ-da:
Do tội lìa cấu không ràng buộc
An trụ hoàn toàn trong thiền định
Một mình vượt khỏi biển phiền não
Gọi là phạm hạnh, bậc Thánh nhân.
Tích tập phước đức bỏ điều tà
Hiện tại, tương lai biết phiền não
Các khổ sinh tử cũng chẳng còn
Chứng được như vậy gọi Sa-môn.
Bao nhiêu nghiệp báo đều tiêu diệt
Tất cả trong ngoài nơi thế gian
Tất cả trời người không xâm phạm
Như vậy gọi là thân thanh tịnh.
Phiền não chẳng còn, ràng buộc hết
Trong ngoài thế giới khắp mọi nơi
Tham, si, sân hận đều vượt khỏi
Phật nói như vậy Bậc Đại trí.
Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật giải đáp như vậy, lại dùng kệ hỏi tiếp:
Chư Phật lấy gì làm ruộng phước?
Thế nào là biết thiện phương tiện?
Tiên nhân thế nào gọi Đại Thánh?
Cúi xin Thế Tôn giải đáp cho.
Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:
Tất cả các cõi đều biết rõ
Đáng nhận cúng dường chư Thiên, Phạm
Không còn lệ thuộc nơi quả báo
Nếu được như vậy là ruộng phước.
Quả báo phát sinh từ gốc nghiệp
Chư Phạm, chư Thiên nghiệp khác nhau
Dùng sức các nhẫn trừ gốc nghiệp
Được vậy mới là thiện trí tuệ.
Phân biệt đó đây nhân thanh tịnh
Tất cả thế gian có trong ngoài
Không ngã, không chấp, không xứ sở
Phương tiện thiện xảo là như thế.
Biết rõ có, không của các pháp
Biết rõ trong, ngoài khắp thế gian
Hiện được người, trời thường cung kính
Giải thoát không ngại gọi là Tiên.
Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật giải đáp như vậy, dùng kệ hỏi Phật:
Đạt được những gì gọi là nghe?
Tùy thuận, tinh tấn là thế nào?
Tại sao gọi là loài rồng lớn?
Cúi xin Thê Tôn giải đáp cho.
Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp câu hỏi của Ta-tỳ-da:
Tất cả các pháp, đều nghe biết
Công đức tội phước, gồm tất cả
Vượt trên nghi hoặc hết khổ đau
Tất cả không đắm, gọi là nghe.
Danh sắc đều là nhân giả dối
Căn trần nội ngoại: gốc khổ đau
Bao nhiêu việc ấy được giải thoát
Nên Phật gọi là tâm tùy thuận.
Xa lìa tất cả duyên các tội
Lìa khổ địa ngục, cần dũng mãnh
Thoát khỏi mọi thứ chẳng nhiễm trước
Vậy mới gọi là người tinh tấn.
Tham ái thế gian phải xa lìa
Luân hồi giải thoát đều đoạn tuyệt
Các lậu diệt sạch hết khổ đau
Đạt được như vậy gọi là rồng.
Khi ấy Ta-tỳ-da nghe Đức Phật giải đáp như vậy, dùng kệ hỏi Phật:
Những lý do gì gọi là thọ?
Tại sao nói Thánh là đi qua?
Duyên gì gọi là người cầu đạo?
Xin hỏi, Thế Tôn giải đáp cho.
Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:
Nắm rõ từng phần luận Vệ-đà
Hoặc nơi Sa-môn, Bà-la-môn
Đều được lãnh hội và chứng biết
Đối với pháp họ đều lãnh thọ.
Cắt đứt tà kiến, đoạn lưới nghi
Người trí chẳng còn thọ bào thai
Ba tướng vọng tưởng đã diệt trừ
Không còn phân biệt gọi là Thánh.
Chứng được tất cả pháp thần thông,
Biết được các pháp đều bình đẳng
Đạt đến Thiện Thệ giữa thế gian
Biết được như vậy là đi qua.
Bao nhiêu khổ báo của các pháp
Hoặc trên, hoặc dưới, hoặc trung gian
Cảnh giới danh sắc đều thông đạt
Người nào được vậy gọi cầu đạo.
Lúc ấy, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà đem bao nhiêu ý nghĩa thưa hỏi Đức Thế Tôn, đều được Ngài giải đáp vừa ý nên rất hoan hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay chiêm ngưỡng tán thán Thế Tôn:
-Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, trong thế gian có sáu mươi hai luận thuyết đều vô dụng, ở trong thế gian các thuyết này đều là giả dối. Nay con xin quy y Đấng Thế Tôn Vô Thượng, chỉ có Thế Tôn mới biết được tất cả các pháp một cách phân minh, là bậc Đại Trượng Phu, chỉ có Thế Tôn mới giảng rõ các pháp, chỉ có Thế Tôn mới biết rõ các Đạo, chỉ có Thế Tôn mới vượt qua được biển khổ, chỉ có Thế Tôn mới dứt sạch các lậu, chỉ có Thế Tôn mới có oai đức rất lớn, chỉ riêng Thế Tôn mới có nhiều trí tuệ, chỉ có Thế Tôn mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
-Ta-tỳ-da nói kệ tán thán:
Con xin đảnh lễ Đại Trượng Phu
Minh hạnh hào quang tỏa khắp nơi
Đối với người, trời trong vũ trụ
Mở cửa cam lộ, đánh trống pháp.
Tâm con thuở trước nghi hoặc nhiều
Chỉ có Thế Tôn làm con hiểu
Thế Tôn là Bậc Tiên Đại Giác
Trần cấu dẹp sạch không mảy may
Tương lai không thọ thân sau nữa
Tất cả nghiệp nhân đều tiêu diệt.
Thế Tôn đã đến chỗ thanh lương
Tâm tịnh thực hành hạnh tri túc
Vì vậy Thế Tôn như Rồng chúa.
Tối Đại trượng phu giảng lời vàng
Tất cả chư Thiên cùng Đế Thích
Tiên nhân Thánh giả đều muốn nghe
Thế Tôn đích thật chân giác ngộ.
Thế Tôn khéo dạy khắp mọi loài
Thế Tôn thu phục các ma quân
Thế Tôn đoạn sạch các kết sử.
Ngài tự giải thoát lại độ người
Đối kẻ tội, phước tâm bình đẳng
Vượt qua tất cả không tham đắm
Thế gian trời người, Ngài biết rõ,.
Chỉ Phật Chí Chân Vô Thượng Tôn
Vượt qua tất cả các tà đạo
Các nhân hữu lậu đều trừ diệt
Giống như đêm rằm trăng sáng tỏ
Bao nhiêu tinh tú khắp hư không
Như vậy soi sáng trong thế giới
Thọ mạng, danh sắc, thức các loại.
Dân chúng ở trong thành Vương xá
Có núi tên là Tỳ-phú-la
Cảnh trí đẹp hơn tất cả núi
Lại như Tuyết sơn hơn các núi,
Hư không rất cao, khó bay tận
Các sông, nước biển sâu hơn hết
Ở trong đám sao, trăng sáng tuyệt
Nếu muốn nương tựa người điều phục
Chỉ nên quy y Vô Thượng Tôn
Nương tựa Tối Thắng Tôn trong đời
Nương tựa Điều Ngự hơn loài người
Nương tựa Thiện Thệ Vô Thượng Tôn
Nương tựa Chí Chân không ai bằng.
Ví như tế tự lửa hơn hết
Ý luận thì chú thuật đứng đầu
Vua quyền lực nhất trong nhân dân
Các sông, biển cả rộng hơn nhiều
Các sao, chỉ trăng sáng hơn hết
Ánh sáng mạnh nhất chỉ mặt trời.
Trên dưới sáu đường cõi thiện ác
Đó là ba cõi các thế gian
Trời, người, hữu tình cùng các loại
Chỉ có Thế Tôn là tối thượng.
Do vậy con nay chắp tay lễ
Đầu mặt cúi lạy Vô Thượng Tôn.
Ta-tỳ-da nói kệ tán thán Như Lai như vậy rồi, lại bạch Phật:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót cho con được xuất gia và thọ giới Cụ túc.
Lúc ấy Đức Phật bảo Ta-tỳ-da:
-Lành thay đến đây! Lành thay đến đây! Này Ta-tỳ-da, đến với pháp của Ta nói ra thì chấm dứt các khổ, được giải thoát.
Khi ấy thân Trưởng lão Ta-tỳ-da liền thành Tỳ-kheo đầy đủ giới Cụ túc. Ta-tỳ-da xuất gia thọ giới Cụ túc chưa được bao lâu, đi đứng nằm ngồi một mình, hoàn toàn không giao hữu, chưa từng đắm nhiễm, giữ gìn thân khẩu không dám buông lung, coi việc cầu đạo như cứu lửa cháy trên đầu. Trong thời gian ngấn hành trì như vậy, thiện nam này chánh tín dũng mãnh, xả tục xuất gia muốn cầu phạm hạnh thanh tịnh vô thượng, thấy rõ tướng các pháp, tự tâm chứng biết. Trưởng lão nói lên: “Ta không còn sinh tử, phạm hạnh đã hoàn tất, không còn thọ thân đời sau, việc cần làm đã làm, tự biết như vậy.” Ta-tỳ-da đã chứng biết như vậy rồi, đắc quả A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát. Bấy giờ trong thế gian có chín mươi ba vị A-la-hán, đứng đầu là Thế Tôn và cuối cùng là Ta-tỳ-da.
Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài ở trong vườn Nai thuộc thành Ba-la-nại, an cư mùa hạ bắt đầu vào ngày mười sáu tháng sáu kể cả Phật chỉ có tám người, đến ngày mười tháng chín giải hạ gồm tất cả chín mươi ba người. Phẩm 43: GIÁO HÓA BINH TƯỚNG
(Phần 1)
Bấy giờ người khắp mọi phương, hoặc từ các miền thành ấp xóm làng cho đến các lân quốc, nói với nhau có ý muốn xuất gia cầu thọ giới Cụ túc. Họ kéo nhau về thành Ba-la-nại đến bên Đức Phật bạch:
-Cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.
Vì lý do này các vị Tỳ-kheo tiếp đón mệt nhọc, tiếng ồn ào của những người cầu xin xuất gia làm mất sự yên tĩnh nơi Đức Thế Tôn ở.
Một lúc khác, Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa trong tịnh thất, suy nghĩ: “Nay người trong xóm làng, thành ấp và các lân bang từ khắp bốn phương kéo về đây, cầu Như Lai cho họ được xuất gia thọ giới Cụ túc. Do đó các người có ý cầu xin xuất gia này từ phương xa tới đây vừa mệt mỏi, vừa làm mất sự yên tĩnh. Nay Ta có thể cho các vị Tỳ-kheo đi đến các xóm làng thành ấp tha phương để giáo hóa mọi người. Có người nào cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, nên đúng như pháp mà trao cho họ.”
Nghĩ như vậy rồi, vào buổi sáng, Đức Như Lai ra khỏi phòng, cho họp tất cả các Tỳ-kheo. Sau khi đại chúng vân tập đông đủ, Ngài tuyên bố:
-Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy nên biết, Ta ở trong tịnh thất vắng lặng suy nghĩ thế này... các thầy nên đi đến các phương khác, đúng như pháp cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc (như đã nói trên) chớ để họ đến đây đường xa khổ nhọc, lại làm mất sự yên tĩnh.
Ngài tuyên bố như vậy, rồi vẫn lặp lại:
-Ta bảo các thầy Tỳ-kheo nên đến các xóm làng thành ấp phương khác, nếu có người đến cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, các thầy cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc.
Ngài lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Nếu có người đến cầu xin xuất gia, các thầy phải làm các việc sau: Trước tiên cạo bỏ râu tóc cho họ, tiếp đó dạy cho họ đắp y ca-sa hoại sắc. Khi họ phục sức chỉnh tề, dạy họ trịch áo vai bên hữu, ở trước đại chúng đầu gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo, lễ rồi họ đứng dậy, rồi bảo họ ngồi xổm chắp tay trước chư Tỳ-kheo và dạy họ đọc lên thế này: “Con tên... quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.” Các thầy kể từ nay trở đi, y vào lời Ta chỉ dạy, nếu có người nào đến cầu xin xuất gia, thọ giới bằng cách đọc Tam quy thì đắc giới Cụ túc.
Bấy giờ vào mùa hạ, Đức Thế Tôn an cư tại vườn Nai trong thành Ba-la-nại. Ngài bảo các thầy Tỳ-kheo như thế này:
-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu biết rằng Ta đã được giải thoát thì các thầy phải giáo hóa hàng trời người để cho nhiều người trong thế gian được lợi ích, được an lạc, hoặc khiến cho người trong thế gian cầu được lợi ích an lạc ở đời vị lai. Các thầy muốn đi đến các làng xóm khác thì được phép đi một mình không cần phải đi hai người. Lại nữa, các Tỳ-kheo, các thầy đi đến các xóm làng khác, vì số đông người nên thương xót giúp đỡ họ, phải thuyết các pháp trước, giữa và sau đều thiện, nghĩa lý vi diệu, đầy đủ không thiếu sót. Này các thầy Tỳ-kheo, phải nói các phạm hạnh, có chúng sinh nào ít trần cấu, kết sử mỏng ít, các căn được thuần thục, mà họ không được nghe chánh pháp thì không biết được thật tướng của các pháp.
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Từ ngày hôm nay, Ta sẽ đi lần về xóm Ưu-lâu-tần-loa nơi thôn Binh Tướng, thuyết pháp giáo hóa cho họ.
Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Tỳ-kheo, Ta đã vượt các khổ.
Tự mình lợi lạc, lợi người khác
Nhiều người còn khổ trừ diệt
Nay sẽ vì họ khởi lòng thương.
Do vậy, hỡi các thầy Tỳ-kheo
Mỗi người hành đạo về mỗi xứ
Nay Ta cũng sẽ rời nơi đây
Hướng về Tần-loa nơi thôn ấy.
Khi đó Ma vương Ba-tuần ẩn thân đi đến bên Đức Phật, dùng kệ nói:
Ông bị các phiền não trói buộc
Cũng như trời, người không có khác
Đã bị tất cả dây ràng buộc
Sa-môn người chưa thoát khỏi lưới.
Khi Thế Tôn nghe bài kệ này, suy nghĩ: “Đây là lời nói của Ma vương Ba-tuần.” Ngài liền dùng kệ đáp lại:
Ta thoát ràng buộc đã từ lâu
Trời, người thuộc hữu, Ta không còn
Thân Ta đâu còn vướng trong lưới
Ngươi bị thu phục còn nói gì?
Đức Thế Tôn lại dùng kệ cảnh tỉnh Ma vương Ba-tuần:
Tất cả sắc thanh, hương, vị, xúc
Là pháp ngũ dục, người say đắm
Ta nay đã loại trừ tất cả
Đã thu phục ma Ba-tuần ác.
Lúc ấy Ma vương Ba-tuần nghe kệ rồi, suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết ý ta.” Nên ma rất khổ não, hết sức hối hận, bỗng nhiên biến dạng không còn ở đó.
Khi ấy chư Tỳ-kheo bạch Phật:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu có người đến chỗ chúng con hỏi: “Thưa Tôn giả Tỳ-kheo, sao gọi là Sa-môn và Bà-la-môn?” Tỳ-kheo chúng con nghe hỏi như vậy phải giải đáp như thế nào?
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Nếu có người hỏi sao là Sa-môn, Bà-la-môn? Tỳ-kheo xuất gia phải như thế nào? Này các thầy, nên biết là lúc đó cần phải có chánh trí và cần phải có chánh tâm để quán sát.
Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, theo thứ tự câu hỏi mà Ngài nói kệ trả lời cho các Tỳ-kheo:
Trừ diệt dua nịnh và ngã mạn
Tham sân dục hết, chẳng tham gì
Thể tánh thanh tịnh thường như vậy
Mới gọi Sa-môn hoặc Tỳ-kheo.
Phạm chí lậu hoặc phải diệt trừ
Sa-môn cần tinh tấn, khổ hạnh
Trừ sạch cấu nhiễm vượt trần lao
Là chân xuất gia phá các ác.
Các vị Tỳ-kheo nghe bài kệ này rồi, lại bạch Đức Phật:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, khi Tỳ-kheo chúng con khất thực phải nói lời gì? Hoặc nói cho tôi thức ăn? Hoặc nói thẳng rằng hãy bố thí thức ăn? Chúng con dùng phương tiện gì để khất thực?
Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, chẳng phải nói như lời các thầy. Lý do tại sao? Vì Tỳ-kheo phải giữ gìn thân tâm. Khi ấy Đức Thế Tôn dùng kệ bảo các thầy Tỳ-kheo:
Người trí khất thực không nên nói
Cũng không chỉ bảo cho ta ăn,
Thánh giả chánh niệm đứng im lặng
Mới gọi Tỳ-kheo chân khất thực.
Nếu là người trí đi khất thực
Chỉ nên chăm chú đứng một bên
Thí chủ thấy được như vậy rồi
Liền biết Sa-môn hành khất thực.
Các thầy Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:
-Nếu có người sinh tín tâm cho thức ăn, họ cung kính chúng con, Tỳ-kheo chúng con phải nói những lời thế nào? Phải chăng nói với họ: “Người được tốt đẹp, lợi ích lớn?” Hay phải nói với họ: “Người được an ổn lớn, được công đức lớn?” Hay phải nói với họ: “Ta nhận thức ăn rồi người sẽ được phước đức lớn?” Hay nói: “Không có phước?” Tỳ-kheo chúng con phải nói gì? Cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.
Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy không nên nói những lời như vậy. Ta nay phương tiện chỉ dạy các thầy phải nói lời thế này. Thế Tôn nói:
Bố thí tăng thêm phước đức lớn
Nhẫn nhục thì không có oán thù
Người tốt nên vứt bỏ sai lầm
Ly dục tự nhiên được giải thoát.
Tu phước thường được vui an ổn
Sở nguyện dễ thành nhiều lợi lạc
Hiện đời dễ được tâm tịch tịnh
Về sau chứng đắc quả Niết-bàn.
Đức Thế Tôn tóm lược bằng bài kệ này, để dạy cách thức chú nguyện trong khi thọ thực cho các Tỳ-kheo.
Bấy giờ các vị Tỳ-kheo nhận được lời chỉ dạy của Đức Phật như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh ba vòng, rồi tùy ý mỗi vị ra đi.
Sau khi các vị Tỳ-kheo mỗi người ra đi mỗi nẻo, thì các vị thần nơi đây như thần rừng, thần cây, thần kinh hành, thấy khu rừng vắng bóng Tỳ-kheo, dưới mỗi gốc cây và nơi kinh hành cũng trống trải. Họ tưởng nhớ ái mộ các Tỳ-kheo, nên đồng đến chỗ Đức Phật dùng kệ hỏi:
Các thần chúng con thật ái mộ
Thấy rừng cây vắng bóng Tỳ-kheo
Tỳ-kheo đa văn chúng Tăng ấy
Đệ tử Cù-đàm nay ở đâu?
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lời các vị thần hộ cây rừng:
Tỳ-kheo điều phục các căn xong
Du hành giáo hóa, độ chúng sinh
Có người đi đến Kiều-tát-la
Hoặc đến thành ấp Tỳ-da-ly
Hoặc đến quốc gia A-du-xà
Hoặc đến địa phương lớn Kim cương
Giải quyết nghi hoặc cho mọi người
Tùy thuận thời cơ mà thuyết pháp.
Sau khi Đức Thế Tôn an cư tại thành Ba-la-nại, Ngài ở lại đó thời gian ngắn, một lần nữa Ngài nhắc nhở các thầy Tỳ-kheo tùy duyên du phương giáo hóa. Thế Tôn cũng rời thành Ba-la-nại, lần lần đi về chỗ thuở xưa Như Lai tu khổ hạnh, đó là thôn Ưu-lâu-tần-loa, thôn này có vị đại Bà-la-môn tên là Binh Tướng. Đến đây Ngài đi theo con đường cũ để đến giáo hóa vị ấy.
Khi Đức Thế Tôn đi trên con đường cũ, dọc đường thấy một khu lâm viên tươi tốt khả ái. Đức Thế Tôn rẽ sang đường tắt tiến sâu vào rừng, đi từ cây này đến cây kia, thấy có một cây ngay thẳng tươi đẹp, liền đến ngồi dưới gốc cây, ở lại một ngày để nghỉ ngơi.
Bấy giờ trong rừng có đám đàn ông bè bạn gồm ba mươi người trong đó hai mươi chín người có gia đình, một chàng còn độc thân. Tuy được hai mươi chín người bạn cùng hỏi vợ cho anh ta, nhưng không có một nàng nào anh ta vừa ý. Bỗng hôm ấy, có một dâm nữ đi lại, chàng trai không gia đình này cùng nàng hợp ý với nhau, nên nàng dâm nữ này cùng anh ta mặc tình hoan lạc, hành việc thế tục. Nàng ta chờ cơ hội ba mươi chàng trai này ngủ say, nàng lựa những vật quý giá rồi trốn đi.
Khi ba mươi chàng trai thức dậy, cùng nhau tìm kiếm dâm nữ, đi khắp cả khu rừng mà không gặp. Bỗng nhiên, từ xa thấy Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây với tôn nhan đẹp đẽ đễ thương, mọi người ai cũng thích ngắm trông, các căn điều phục tâm ý tịch tĩnh, đã chứng được pháp nhãn tối thượng tối thắng, giống như voi chua tốt đẹp tuyệt vời, giống như ao lớn tràn ngập nước mát mẻ, có hào quang tỏa rộng một tầm, ánh như vàng ròng, thân hình đủ các tướng tốt như cây Ta-la dày đặc cả hoa, cho đến giông như tinh tú trong vòm trời đêm tối.
Các thanh niên thấy vậy, liền đến trước Đức Phật bạch:
-Thưa Tôn giả, ở nơi đây Ngài có thấy một dâm nữ hình dạng như vậy hay không?
Đức Phật hỏi lại:
-Này các anh, người phụ nữ mà các anh hỏi là người đàn bà nào vậy? Người đàn bà ấy vì lý do gì đi đến đây?
Lúc ấy đám chàng trai cùng đáp:
-Thưa Đại Thiện Tôn giả, anh em chúng tôi gồm ba mươi người đều là dân lương thiện, dừng ở trong rừng này. Hai mươi chín người đã lập gia đình, chỉ còn một người chưa lập gia đình độc thân không vợ. Chúng tôi cùng nhau tìm một dâm nữ làm vợ anh ta, để anh ta tạm thời khoái lạc. Thấy chúng tôi hoan lạc quá độ, ngủ say, nàng ấy trộm lấy bảo vật của chúng tôi rồi trốn mất. Chúng tôi muốn tìm lại vật của người bạn này và của mình, nên đến đây kiếm người dâm nữ.
Bấy giờ Đức Phật bảo các chàng trai:
-Này các chàng trai, Ta hỏi các người, ý các người nên nghĩ thế nào, hiện giờ đây các người nên tìm nơi chính mình hay tìm người dâm nữ, trong hai việc đó việc nào lợi ích hơn?
Các chàng trai đồng đáp:
-Hay lắm! Thưa Thế Tôn, nếu chúng tôi tìm nơi chính mình là tốt nhất, không nên đi tìm người phụ nữ kia.
Đức Thế Tôn lại bảo:
-Này các chàng trai, nếu được như vậy xin các người hãy ngồi xuống đây! Ta sẽ nói pháp cho các người.
Lúc ấy ba mươi chàng trai đềng bạch Đức Phật:
-Xin vâng Đức Thế Tôn, chúng con sẽ y theo thánh giáo không dám trái lời.
Cả ba mươi người đều đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi lui qua ngồi một bên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn tuần tự theo căn cơ của họ mà thuyết pháp bố thí, trì giới, nhiếp phục... các pháp đều là tướng hoại diệt, quán sát như thật, chứng biết được rồi, giống như chiếc áo trắng sạch, không lộn chỉ đen, không dính vết bẩn, tùy ý muốn nhuộm sắc gì thì thành sắc đó. Đúng vậy! Đúng vậy! Ba mươi chàng trai này ngay tại chỗ ngồi xa lìa trần cấu, diệt sạch tất cả phiền não, ở trong chánh pháp được pháp nhãn thanh tịnh, bao nhiêu pháp bất tịnh đều là tướng diệt. Quán sát biết được như vậy, các thiện nam tử này thấy tướng các pháp như vậy, hiểu, chứng và thể nhập được pháp tướng ấy, trừ diệt nghi ngờ, không mê đắm, đạt đến vô úy, không làm theo người khác. Khi hiểu được chánh pháp do Đức Thế Tôn dạy, tất cả đứng dạy lễ dưới chân Đức Phật, bạch:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn cho chúng con được xuất gia thọ giới Cụ túc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thiện nam:
-Này các thiện nam, hãy đến đây! Vào trong giáo pháp của Ta tu phạm hạnh thì dứt hết nguyên nhân đau khổ và diệt được trạng thái khổ đau.
Bấy giờ các thiện nam liền thành các vị Trưởng lão xuất gia đầy đủ giới Cụ túc. Đức Thế Tôn ân cần dạy bảo các Trưởng lão này về các pháp yếu. Họ được Đức Phật thuyết pháp một lần nữa. Thời gian chẳng bao lâu, các thiện nam có chánh tín xả tục xuất gia, chí cầu tối thắng phạm hạnh, tự mình hiện chứng đắc thần thông, mỗi người tự nói lên: “Ta đã được quả báo tu phạm hạnh, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau nữa.” Ngay khi biết như vậy, các Trưởng lão này đều chứng A-la-hán tâm giải thoát hoàn toàn.
Sau khi giáo hóa ba mươi vị Trưởng lão bằng hữu này chứng đạo quả rồi, Thế Tôn du hành đó đây, đi ngang qua khu rừng bạch diệp. Đến đó, Ngài tiến sâu vào trong rừng, thấy một cây vừa ý, trong lòng hoan hỷ, liền ngồi nghỉ dưới gốc cây này trải qua một ngày. Bấy giờ ở trong rừng này bỗng có sáu mươi người dòng họ Vân đi ngang qua. Từ xa họ trông thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây đoan nghiêm dễ mến, ai cũng thích ngắm trông... giống như những vì sao trên bầu trời đêm. Thấy rồi, họ chánh tín thanh tịnh, hết sức hoan hỷ. Vì hoan hỷ nên họ đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, lui ngồi về một bên rồi im lặng.
Bấy giờ Đức Phật vì sáu mươi người họ Vân này tuần tự thuyết các pháp như dạy thực hành bố thí, trì giới... chứng biết. Tất cả những vị Trưởng lão đều chứng A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát.
Khi giáo hóa sáu mươi vị Trưởng lão Tỳ-kheo họ Vân khiến họ phát tâm xong, Đức Phật rồi nơi đó du hành đến phương khác.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.247.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.