Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 38: LÝ DO ĐẶT TÊN DA-DU-ĐÀ (THƯỢNG TÁN)
(Phần 2)
Bấy giờ đại phú trưởng giả Thiện Giác bị thân thuộc luôn luôn ân cần cùng nhau nài nỉ cho đến lần thứ ba, tha thiết khuyến dụ, nên trưởng giả cực chẳng đã, phải đem gia nhân cùng các dụng cụ búa rìu lớn, giỏ, cào cỏ, mai, xẻng, dao, cưa... đi đến cây Ni-câu-đà. Đến nơi, trưởng giả đứng trước cây thần nói:
-Này cây phải biết, ta nghe người ta đồn rằng ngươi là cây thần được mệnh danh “Nguyện cầu gì đều được như ý.” Người nào đến cầu con trai hay con gái đều được kết quả. Hiện nay, ta không có một mụn con, ta ao ước mà chưa toại nguyện, nay ta đến cây thần nguyện cầu. Nếu cho ta sinh được một cậu con kháu khỉnh, ta sẽ trở lại đây thiết lễ cúng dường để báo đáp. Nếu ngươi không cho ta sinh con trai, ta sẽ dùng búa lớn, mai xẻng, chặt đào tất cả gốc rễ cành cây này, quyết không dung thứ, cho đến những rễ to rễ nhỏ còn sót, ta cũng đào bới tới nơi, hoặc bầm vụn cọng rễ, hoặc chặt chẻ cành nhánh ra từng mảnh, sau khi chặt chẻ đem đi phơi khô từng miếng, rồi dùng lửa đốt thân ông ra tro bụi, sau khi thành tro đem vãi xuống chỗ nước chảy xiết, hoặc đem tro thân ông tung vãi trước ngọn gió mạnh, để thổi tứ tán.
Lúc bấy giờ vị thần nương ở cây này, nghe lời của trưởng giả, hết sức sợ sệt, buồn rầu khổ não chẳng vui. Vị này suy nghĩ: “Thật sự ta không cho những người đến cầu sinh con trai hay con gái, chỉ vì những người đến cầu, do nghiệp nhân của họ, do sức phước đức của họ mà sinh con trai hay con gái. Nhưng mọi người không biết nên nói cây thần ban cho con trai hay con gái. Vì được toại nguyện, nên sau đó họ đến tạ ân.” Nghĩ như vậy, thần cây buồn khóc rơi lệ nói:
-Cây này là chỗ của ta ở từ xưa đến nay, nếu trưởng giả không sinh được con chắc chắn người sẽ quyết định phá nát cây này.
Vị thần nơi cây Ni-câu-đà thường phụng sự trời Đế Thích, nên vội vã đến gặp Thiên chủ Đế Thích nơi cung trời Đao-lợi. Đến nơi, thần cây quỳ mọp trước Đế Thích tâu lên y những lời thiện ác phước họa của trưởng giả cầu con nói ở trước:
-Lành thay! Thưa Thiên chủ, cúi xin Đại thiên dùng phương tiện trí tuệ cấp tốc sớm cho trưởng giả sinh một cậu con trai kháu khỉnh, đừng để cây này của con bị tàn phá.
Lúc ấy Đại vương Thiên chủ Đế Thích bảo Thọ thần:
-Này Thọ thần chớ nói lời như vậy. Vì cớ sao? Vì ta cũng không thể vì người thế gian mà quyết định cho họ sinh con trai hay con gái. Những người ấy có con trai hay con gái là do nhân làm phước của họ. Này Thọ thần, lý ấy tuy nhiên như vậy, phải nhẫn nại một chút thử xem, chớ nên ưu sầu khổ não, ta sẽ quán sát vị trưởng giả kia có nhân duyên gì chăng?
Đế Thích liền quán sát thấy cõi trời Đao-lợi có một Thiên tử tướng ngũ suy hiện ra, biết chắc chẳng bao lâu sẽ đọa trần gian.
Tướng ngũ suy hiện ra là:
1. Hoa đẹp trên đầu bỗng nhiên úa vàng.
2. Ở dưới nách bỗng nhiên đổ mồ hôi.
3. Y phục dính bụi bặm chẳng sạch.
4. Thân thể tự biến đổi, mất hào quang.
5. Bỗng nhiên không ưa thích giường bằng ngọc đẹp đẽ là nơi mình nằm mà lại bỏ đi đây đó.
Lúc đó Thiên chủ Thích Đề-hoàn Nhân bảo Thiên tử:
-Này Thiên tử, may mắn thay! Nếu người biết phải lúc, người có thiện duyên, đã trồng các nhân lành, thường không phóng dật, cẩn thận biết sợ tội, không có tội lỗi, không tạo các đều sai trái, lại cũng chưa từng tạo các ác nghiệp sâu nặng, cho đến tật đố. Người sẽ rời bỏ chốn này, quyết định sinh trong một nơi tốt đẹp dưới trần gian.
Vị Thiên tử bạch Đế Thích:
-Tôi muốn biết nơi ấy?
Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
-Ở hạ phương cõi Diêm-phù-đề có một thành lớn tên Ba-la-nại, thành này có một vị đại trưởng giả tên Thiện Giác, gia đình trưởng giả giàu có, rất nhiều của cải, có nhiều thế lực, không có gì thiếu hụt, nhưng không có con, Thiên tử nên phát tâm đến thành Ba-la-nại làm con trưởng giả.
Vì vị Thiên tử này trong đời quá khứ làm thân Thiên tử, trồng các căn lành, tạo nhân duyên giải thoát sinh tử, bỏ phiền não hướng về Niết-bàn, không thọ sinh trong các hữu vi nơi tam giới. Nên sự tái sinh một lần nữa của Thiên tử là muôn dứt sạch hữu lậu, muốn chứng Thánh đạo, nên Thiên tử thưa:
-Thiên vương hoàn hảo! Tôi nay không muốn sống ở gia đình để thọ hưởng dục lạc thế gian. Lại nữa chẳng bao lâu Đức Đại Sĩ Hộ Minh Bồ-tál sẽ từ cung trời Đâu-suât giáng thần xuống cung vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích thành Ca-tỳ-la, vào thai bằng hông bên phải của Đại phu nhân. Đủ tháng Ngài sinh ra và sau đó rời bỏ vương vị mà xuất gia, chứng Vô thượng Bồ-đề. Sau khi đắc đạo, Ngài sẽ chuyển pháp luân vô thượng. Ý tôi muốn tu hành phạm hạnh ở chỗ bậc Bồ-tát ấy. Nhưng trưởng giả kia có nhiều tài sản quý giá, nhiều thế lực, đầy đủ không thiếu gì cả. Vả lại, gia đình như vậy là nơi phóng dật, nên ý tôi không muốn sinh vào nhà ấy.
Thiên chủ Đế Thích bảo vị Thiên tử:
-Ngươi chỉ cầu mong sinh vào nhà ấy. Không lâu nữa, Bồ-tát Hộ Minh sẽ thành Chánh giác, rồi chuyển pháp luân vô thượng. Khi ấy ta sẽ tạo thiện duyên đầy đủ cho ngươi xuất gia và cũng giúp đỡ cho việc xuất gia của ngươi.
Vị Thiên tử nói với Đế Thích:
-Lành thay! Thưa Thiên vương, nếu lúc ấy ngài giúp đỡ cho tôi có điều kiện phát tâm và được xuất gia thì tôi sẽ sinh vào nhà ấy. Thiên chủ Đế Thích bảo thần cây Ni-câu-đà:
-Này thần cây hiền thiện, đã đến lúc, ngươi hãy báo cho trưởng giả ấy biết với lời thế này: “Lành thay trưởng giả! Theo lời cầu xin của ông, không bao lâu nữa sẽ sinh được một bé trai đẹp, sau đó không lâu sẽ xuất gia làm Sa-môn.”
Nghe lời của Đế Thích, vị thần cây vô cùng vui mừng, vội đến nhà trưởng giả, ẩn thân trên không trung, bảo:
-Rất tốt! Này trưởng giả, chắc chắn ông sẽ sinh một bé trai xinh đẹp, Có phúc đức trí tuệ. Nhưng khi sinh ra rồi, chẳng bao lâu nhất định sẽ xuất gia làm Sa-môn.
Khi ấy, trưởng giả thưa thọ thần:
-Lành thay Thiên thần! Tôi chỉ mong được sinh con, sẽ dùng phương tiện ngăn không cho nó xuất gia làm Sa-môn.
Thiên tử ấy từ cung trời Đao-lợi giáng xuống trần gian đầu thai vào bụng của vợ Đại trưởng giả. Khi người vợ trưởng giả biết mình mang thai, liền nói với trưởng giả:
-Này trưởng giả, rất tốt đẹp! Hãy vui mừng vì thiếp đã mang thai.
Khi trưởng giả nghe vợ mình báo tin như vậy, liền vì vợ sắm đủ thứ tiện nghi: giường nằm thật đẹp, mền chăn tuyệt hảo, trang hoàng lộng lẫy, người hầu hạ rành nghề, thức ăn cao lương mỹ vị, phục sức hàng hảo hạng..., cung cấp cho phu nhân, mặc tình nàng sử dụng.
Khi ấy bên ngoài bốn cửa thành Ba-la-nại, nơi ngã tư đường đông người qua lại trưởng giả lập hội Vô giá, hễ có ai cầu xin thức ăn cho thức ăn, xin nước uống cho nước uống, xin tràng hoa cho tràng hoa, xin hương cho hương, cần sáp thơm cho sáp thơm, cần đồ nằm cho đồ nằm, cần đồ nuôi dưỡng thân... tất cả đều được cung cấp đầy đủ. Lúc bấy giờ bao nhiêu tài vật trong nhà đều thâu cất vào kho, tất cả quán rượu và lò sát sinh đều giải tán.
Khi vợ trưởng giả mang thai chín đến mười tháng, thai nhi đã đầy đủ, hạ sinh một bé trai hết sức kháu khỉnh thật dễ thương trong thế gian ít có người thứ hai, thân thể màu vàng giống như thỏi vàng, đầu tròn trịa giống như chiếc lọng, như chim Anh võ, cánh tay duỗi dài, chi tiết trên người đều xinh đẹp, sáu giác quan toàn vẹn, bắp thịt mềm mại giống như khối bơ. Sau khi cậu bé chào đời, tự nhiên xuất hiện một chiếc lọng bằng bảy báu tuyệt vời, che trên thân hài nhi. Bấy giờ mọi người thấy vậy đều lớn tiếng nói:
-Thật kỳ lạ! Từ xưa đến nay chưa từng thấy!
Lúc ấy vị trưởng giả vì đồng tử thuê bốn bà vú: Một bà bồng bế, một bà tắm rửa, một bà cho bú mớm, một bà làm trò vui. Sau khi đồng tử sinh ra, trưởng giả lập hội Vô giá (như đã nói ở trên) ở đầu các ngã đường ngoài bốn cửa thành, lại nhóm họp quyến thuộc nội ngoại thưa:
-Tôi sinh được một cháu trai như vậy, xin quý vị đặt tên cho cháu bé.
Họ hàng quyến thuộc cùng nhau bàn luận: “Đứa trẻ này khi mới sinh, tự nhiên xuất hiện một chiếc lọng bằng bảy báu che trên người. Vì sự việc này tiếng đồn khắp tất cả mọi nơi.” Do vậy, đứa bé được tên là Da-du-đà (nhà Tùy dịch Da-du-đà là Thượng Tán). Thượng Tán sống bên cha mẹ, vì là con một nên cha mẹ rất thương yêu chẳng rời một chút, mắt luôn luôn theo dõi sự nuôi dưỡng hàng ngày, làm cho cậu ta lớn lên như ý muốn.
Có kệ:
Người đầy phước đức mau khôn lớn
Như hạt mọc ở đất phì nhiêu
Bạc phận thiếu duyên không nơi dựa
Giống tự cây con trồng đầu đường.
Đồng tử lần lần biết đi, biết chạy lớn khôn, sau đó y gia pháp học tập các nghề, như là văn chương, toán số, ấn lý, xuất của cho người, thu nạp của bên ngoài, trao đổi buôn bán, nhuộm các màu sắc, cắt may y phục, phân biệt các loại hương thơm biết rõ ngũ cốc, bảy loại ngọc quý và bảo vật. Tất cả đều lão luyện, thông suốt các nghề, thông minh lanh lợi, đều vẹn toàn, không ai sánh bằng. Khi đến tuổi trưởng thành, anh ta thích ở riêng.
Bấy giờ trưởng giả vì con xây ba tòa nhà: Một tòa để nghỉ trong mùa đông; một tòa để nghỉ trong hai mùa xuân,thu; một tòa để nghỉ trong mùa hạ. Tòa nhà nghỉ về mùa đông hoàn toàn ấm áp. Tòa nhà nghỉ về mùa hạ hoàn toàn gió mát. Tòa nhà nghỉ về hai mùa xuân, thu, được xây dựng ở nơi không nóng không lạnh.
Những dụng cụ trang trí trong ba tòa đều bằng vật quý, những thức ăn uống ngon ngọt rất thích khẩu vị, y phục toàn bằng hàng tốt đẹp, lại bày biện các thứ phấn sáp hương thơm, chọn những cô gái nhan sắc kiều diễm dễ thương, để giúp vui cho đồng tử. Trong cung ấy, mặt trước tòa nhà chính đều có cầu thang, mỗi cầu thang đều có năm trăm người, bày năm trăm bậc thang quý báu, sáng sớm thì bày ra chiều tối thu dọn mang đi. Chung quanh mỗi tòa nhà đều bố trí năm trăm người, bảo vệ mặc chiến giáp kiên cố, tay cầm đủ loại binh khí: dao, gậy, thiết luân, chỉa ba, giáo mác... để canh phòng, vì sợ đồng tử Thượng Tán thình lình bỏ nhà xuất gia. Các cửa ngõ ra vào trong cung đều có cánh cửa chốt khóa kiên cố. Mỗi khi đóng hay mở các cửa này, tiếng động vang đến nửa do-tuần.
Thuở ấy, đồng tử Thượng Tán ở trong nhà ấy tiêu dao vui đùa, thọ hưởng đầy đủ năm thứ dục lạc.
Khi Thế Tôn lần đầu tiên ở thành Ba-la-nại chuyển vô thượng pháp luân, thì vua trời Đế Thích giáng xuống trong cung điện đồng tử Thượng Tán, đến nơi thức tỉnh đồng tử:
-Này Nhân giả Thượng Tán, đã đến lúc, không bao lâu nữa quyết phải xuất gia.
Đồng tử Thượng Tán khi nghe lời kêu gọi của vua trời Đế Thích, im lặng nhận lời. Sáng sớm hôm sau, sai người đánh xe ngựa giỏi đi đến vườn cây, để ngắm nhìn chỗ đất xinh đẹp.
Buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát ung dung đi vào thành Ba-la-nại khất thực, với Trưởng lão Điều Mã làm thị giả. Đồng tử Thượng Tán từ xa trông thấy Đức Như Lai đi về phía trước, dáng đi trầm lặng, oai nghi đoan chánh, thân thể đầy đủ, các tướng trang nghiêm, giống như bầu trời ban đêm đầy các vì sao sáng. Thấy rồi, chàng sinh tâm thanh tịnh vui mừng, do trong tâm hoan hỷ thanh tịnh, Thượng Tán bước xuống xe đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đi quanh Đức Phật ba vòng, nhiễu xong lên xe mà đi. Đồng tử Thượng Tán được gặp Đức Phật và ra đi trong thời gian ngắn.
Khi ấy, thấy được tâm đồng tử thanh tịnh, Đức Phật mỉm cười tỏa ra ánh sáng. Bấy giờ Trưởng lão Điều Mã sửa y, trịch áo vai bên phải, đầu gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Như Lai bạch:
-Hy hữu thay! Bạch Đức Thế Tôn, do nguyên nhân gì Ngài mỉm cười phóng ánh sáng?
Đức Phật bảo:
-Này Tỳ-kheo, thầy có thấy đồng tử Thượng Tán đến đảnh lễ dưới chân Ta, đi quanh ba vòng, rồi lui bước lên xe hay không?
Điều Mã bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, con có thấy.
Đức Phật lại bảo:
-Thầy nên lắng nghe, Đại thiện nam tử Thượng Tán này, đêm nay nhất định bỏ nhà xuất gia, đến xin Ta làm Sa-môn, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.
Khi ấy đồng tử Thượng Tán vào trong khu vườn ngắm nhìn chỗ đất xinh đẹp, đi tản bộ. Lúc ấy Đế Thích dùng sức thần thông biến ra một thây đàn bà chết, sình chương to gần rã nát, bị các thứ côn trùng ruồi giòi rúc rỉa khắp thân. Đồng tử thấy tử thi hôi thúi tan rã, nên sinh tâm nhờm gớm tự nghĩ: “Cái thân thúi rã này, không có gì đáng vui thích để tham đắm phóng dật! Tại sao ở trong đó tưởng là khoái lạc, nay đã tan rã.” Đồng tử liền nói lên:
-Ta nay không ham thích khoái lạc xú uế như vậy, muốn trở về nhà.
Sau khi Thượng Tán ra khỏi khu vườn, về tại cung điện của mình. Đầu hôm đêm ấy, khi chàng sắp ngủ, trời Đế Thích dùng sức thần thông khiến các cô gái đẹp đều ngủ say, mà trong nhà chỗ nào cũng thắp đèn, ngọn đèn to như cánh tay, chiếu khắp mọi nơi trong nhà, ánh sáng không gián đoạn.
Vào đêm ấy, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Đêm nay Đại thiện nam tử Thượng Tán nhất định dũng mãnh bỏ nhà xuất gia, cầu làm Sa-môn.” Nghĩ như vậy, Ngài đến sông Ba-la-na (nhà Tùy dịch là Đoạn Trừ), vượt qua sông đến bờ bên kia, tự lấy cỏ làm tòa, sau khi trải tòa rồi, ngồi kiết già trên đó. Vì lòng Từ bi thương tưởng đến Thượng Tán, nên Ngài muốn ngủ ở đây một đêm.
Đêm đó, đồng tử Thượng Tán đang ngủ say, bỗng nhiên thức giấc, thấy mọi nơi trong nhà thắp nhiều ngọn đèn sáng lớn và các cô gái đẹp đang ngủ say. Có nàng cổ gác trên chiếc trống nhỏ, có nàng cặp nách chiếc đàn sắt hay tỳ bà, có nàng cặp nách ngũ huyền cầm, có nàng ôm lấy đàn không hầu, có nàng ôm lấy chiếc trống, có nàng ôm lấy những nhạc cụ khác như ống địch, ống sáo..., có nàng để lộ bán thân thở khò khè mà ngủ, có nàng xõa tóc, nằm nghiêng mà ngủ, có nàng chảy ra những bất tịnh như mũi, dãi... mà ngủ, có nàng nghiến răng mà ngủ, có nàng úp mặt mà ngủ, có nàng ngửa mặt mà ngủ. Đồng tử Thượng Tán thấy các cô gái nằm ngủ ngổn ngang dưới đất, giống như thây chết. Thấy rồi, đồng tử ghê tởm xa lìa, lại tưởng đến cái vui Niết-bàn, ý hướng đến Niết-bàn đã được phát sinh. Đồng tử suy nghĩ: “Nơi đây là chỗ khủng bố lớn! Nơi đây thật là nhiễu loạn chẳng an!”
Đồng tử Thượng Tán thấy vậy, từ giường nằm ngồi dậy, chân xỏ vào đôi giầy da được nạm bằng ngọc quý, đáng giá hai trăm ngàn. Mang giày rồi, đồng tử thầm nghĩ từ nền nhà bước xuống sân không có cầu thang, liền khi ấy Đế Thích hiện chiếc cầu thang bắt trước nhà, thân Đế Thích tỏa ánh sáng khắp nhà.
Lúc ấy đồng tử Thượng Tán theo ánh sáng ra khỏi nhà, dần dần đi đến phòng của cha và phòng các thể nữ. Đến trong phòng thấy cha mình đang nằm ngủ, dùng dầu thật thơm làm đèn thắp sáng, tim đèn lớn như cánh tay, đặt mọi nơi dưới đất và bên cái trụ. Chàng nhìn sang thể nữ, thấy chúng ôm lấy các nhạc cụ nằm ngủ say... giống như tử thi ngoài bãi tha ma (như đã nói ở trên). Thấy vậy đồng tử rất nhàm chán... đến nổi hết sức sợ sệt.
Thượng Tán rời khỏi phòng phụ thân tiến lần đến cửa ngoài, thấy cửa đóng, chốt khóa kiên cố, mà mỗi khi mở cánh cửa thì tiếng động vang đến nửa do-tuần. Khi ấy Đế Thích vội vã mở cửa, làm cho không phát sinh tiếng động, vì sợ làm trở ngại việc xuất gia của đồng tử.
Khi Thượng Tán ra khỏi nhà đi đến cửa lớn của thành, cửa này được gọi là Bạt-đà-la-bà-đề (nhà Tùy dịch là Hiền Chủ), thấy cửa thành Hiền chủ đóng khóa cẩn thận, mở cửa tiếng động cũng vang xa nửa do-tuần. Khi ấy Đế Thích trong thời gian ngắn, mở được cửa này, không làm người khác nghe được tiếng động. Đế Thích nghĩ rằng: “Chớ có để người làm trở ngại sự xuất gia của Thượng Tán.”
Thượng Tán ra khỏi thành này, lần lần đi đến sông Ba-la-na. Lúc ấy nước sông bổng nhiên dâng cao tràn ngập đến bờ sông, tất cả các loài chim uống nước không phải cúi đầu. Khi ấy Đế Thích thâu mất ánh sáng. Thượng Tán đến dừng lại bên bờ sông, than: “Tai hại to lớn này, ôi thật khủng khiếp!”
Khi ấy Đức Thế Tôn đang đi kinh hành tại khoảng đất trống bên kia bờ sông. Vì thương đồng tử nên thân phóng hào quang, Ngài đưa cánh tay sắc vàng hướng về phía Đồng tử vẫy tay nói:
-Lành thay đến đây! Lành thay đến đây! Này Thượng Tán, nơi đây không có hoạn nạn, nơi đây không có sợ sệt, nơi đây an lạc, nơi đây tự do.
Có kệ rằng:
Như Lai biết rõ tâm đồng tử
Ngài cất tiếng gọi như thế này:
Đồng tử Thượng Tán người lại đây
Đi đường Niết-bàn không sợ sệt.
Thế Tôn không gì mà chẳng thấy
Thế Tôn không gì mà chẳng biết
Do vậy nên biết tâm niệm người
Nên nói Thế Tôn đủ các minh.
Khi Thượng Tán nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, trút hết nỗi lo khổ âu sầu, tâm được an tịnh. Ví như lữ hành đi trong mùa hạ, bị nắng đốt, thêm đói khát khổ cực vô cùng, bỗng nhiên gặp được ao nước trong mát, người này vào ao uống nước và tắm rửa, tất cả các khổ nóng bức đều tiêu tan. Đúng vậy! Đúng vậy! Đại thiện nam tử Thượng Tán này nghe được lời an ủi của Đức Phật, tất cả ưu tư khổ não đều tiêu diệt, tâm được an định.
Bấy giờ Đại thiện nam tử Thượng Tán hớn hở vui mừng vô cùng, tràn ngập toàn thân không thể tự chế, cởi bỏ đôi giầy da nạm quý báu trị giá hai trăm ngàn, lội xuống sông Ba-la-na, giống như người khạc nhổ đàm dãi, không chút luyến tiếc quay lưng bỏ đi. Đúng vậy! Đúng vậy! Đồng tử vứt bỏ đôi giày cũng lại như vậy. Khi đồng tử lội qua sông, lúc ấy nước sông cạn thấp.
Đồng tử Thượng Tán sau khi lội qua sông, đến được bờ bên kia rồi, trông thấy Đức Thế Tôn oai đức đoan nghiêm, dung mạo đẹp đẽ, các căn tịnh tĩnh, tâm ý chánh định, cho đến ba mươi hai tướng tốt hết sức trang nghiêm, giống như bầu trời ban đêm đầy tinh tú. Thấy rồi, chàng sinh tâm thanh tịnh hoan hỷ, hướng đến trước Đức Phật đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui đứng về một bên.
Đức Thế Tôn thấy Thượng Tán lui đứng về một bên rồi liền tuần tự thuyết các pháp như bố thí, trì giới luật, lại nói pháp nhân duyên sinh vào cõi trời, các tội khổ của ngũ dục, các lậu hoặc chưa hết thì còn sinh phiền não, tán thán pháp xuất gia thanh tịnh. Đức Thế Tôn biết đồng tử đã sinh tâm hoan hỷ nhu hòa, không chướng ngại, nên có thể thọ lãnh các pháp này. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đem lời hoan hỷ, chân thật thuyết pháp về bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt và Đạo... cho đồng tử nghe.
Đức Phật thuyết những pháp như vậy, đồng tử Thượng Tán ngay tại chỗ ngồi lìa trần cấu, diệt sạch phiền não. Sau khi diệt sạch phiền não rồi, đối với các pháp sinh pháp nhãn tịnh, bao kết hoặc đều được tiêu trừ, biết các pháp đúng như thật, như áo trắng sạch không chút nhơ, rất dễ nhuộm màu. Đúng vậy! Đúng vậy! Thiện nam Thượng Tán ngồi ngay tại chỗ lìa trần cấu, hết các phiền não... đối với tất cả các pháp đều biết như thật.
Nói về vợ đồng tử Thượng Tán, đêm ấy thức vậy nằm trên giường bỗng nhiên không thấy chồng mình. Nàng nghĩ đến đồng tử càng thêm khát ngưỡng ân ái nhớ mong, nên vội vã đến báo tin cho mẹ chồng:
-Thưa thánh mẫu, mẹ có biết Thượng Tán, ái tử của mẹ đang ở đâu chăng? Đêm hôm, con mới thức giấc bỗng nhiên không thấy đồng tử, không biết chàng đi đâu?
Thánh mẫu nghe như vậy, vì lòng thương yêu nghĩ nhớ đến con, nên kêu khóc thảm thiết. Bà ta vội vã chạy đến chỗ đại trưởng giả cha của Thượng Tán, đến nơi thưa:
-Thưa đại trưởng giả, nay ngài có biết ái tử của ngài ở đâu chăng?
Bà thuật lại tất cả lời của nàng dâu mới thưa. Trưởng giả nghe nói trong cung mất Thượng Tán, vì lòng thương nhớ con, liền bảo các sứ giả:
-Các ngươi phải cấp tốc đi đến các nơi, chỗ của hàng trí thức, nhà toán số, nơi sòng bạc, các thanh lâu, tìm kiếm con ta đem về đây.
Lúc ấy sứ giả đi đến ngã tư đường trong thành Ba-la-nại rung linh rao lên:
-Nếu có ai đến báo với ta: “Tôi thấy Thượng Tán, tôi biết chỗ và làm việc của Thượng Tán” để ta thấy được và tìm biết được Thượng Tán, sẽ ban cho người này vật có giá trị trăm ngàn.
Vào cuối đêm đó, trưởng giả ra lệnh mở cửa thành, cho sứ giả cấp tốc đi loan tin khắp mọi nơi: “Này mọi người ngoài thành, mau mau đi tìm Thượng Tán cho ta.”
Đêm ấy trời vừa mờ sáng, vị trưởng giả, thân phụ Thương Tán, đang ưu Sầu khổ não, kêu khóc lệ trào, vội vã đi về cửa thành Bạt-đà-la-đề. Khi ra khỏi cửa thành, trưởng giả đi tới phát hiện được dấu chân giày da của đồng tử, rồi lần theo dấu chân giày, tận cùng dấu chân giày thì thấy đôi giày da giá trị hai trăm ngàn để bên bờ sông. Trưởng giả an tâm phần nào, thầm nghĩ: “Thượng Tán đứa con yêu dấu của ta, hiện nay có lẽ chưa chết.”
Ông ta thở phào nhẹ nhõm, suy nghĩ: “Nếu con ta chết thì đôi giày có lẽ mất từ lâu.” Khi thấy được đôi giày da, trưởng giả chẳng quan tâm đến, bỏ đó mà đi, giống như người ta thấy đờm dãi, không nghĩ tưởng, vội vàng đi qua. Đúng vậy! Đúng vậy! Thân phụ thiện nam tử Thượng Tán thấy đôi giày da làm bằng báy báu, bỏ lại đi qua, vội vã lội qua sông Ba-la-na đi tìm đồng tử.
Lúc ấy Đức Thế Tôn ở trên bờ sông trông thấy thân phụ thiện nam tử Thượng Tán đang đi hướng về mình.
Thấy rồi, Đức Thế Tôn liền nghĩ: “Thân phụ thiện nam tử Thượng Tán này đã đến đây tìm con, do vì lòng thương nhớ, sẽ vội vàng ôm lấy thân thiện nam tử Thượng Tán mà không để ý gì đến tốt xấu. Vậy Ta có thể vận dụng thần thông biến hóa làm cho thân phụ thiện nam tử Thượng Tán chỉ ở tại chỗ nhìn thấy đồng tử, mà không thể nào đụng đến đồng tử được.”
Khi thân phụ thiện nam tử Thượng Tán trông thấy Đức Thế Tôn oai nghi tề chỉnh, đẹp đẽ thật dễ mến... như trên hư không các vì tinh tú tô điểm vầng nhật nguyệt, thì rất hoan hỷ. Khi đó trưởng giả đến bên Đức Phật, bạch Phật:
-Lành thay! Lành thay! Đại Sa-môn có thấy Thượng Tán con tôi đến đây không?
Đức Phật bảo trưởng giả:
-Này Đại trưởng giả, nếu ngài vui lòng an tọa trong giây lát, chẳng bao lâu ngài sẽ thấy được Thượng Tán.
Nghe Đức Phật nói, trưởng giả thầm nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này có lẽ không nói dối, lời nói chân thật”, nên vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, liền đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui về một bên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì trưởng giả nên dùng phương tiện tuần tự thuyết pháp như thật, như thuyết pháp bố thí, làm cho các pháp kết sử của vị ấy đều diệt sạch, biết các pháp đúng như thật, ví như chiếc áo trắng sạch dễ nhuộm các màu... Đúng như vậy! Đúng như vậy! Trưởng giả liền ngay tại chỗ ngồi, xa lìa trần cấu, biết các pháp đúng như thật, đối các pháp chứng pháp nhãn thanh tịnh, qua khỏi biển phiền não sinh tử, vượt các chướng ngại, tâm nghi không còn, chứng được vô úy, không phải nghe giáo pháp từ người khác mà từ nơi Đức Phật, rồi thọ ba pháp quy y: Phật, Pháp, Tăng và thọ năm cấm giới.
Bấy giờ ở trong loài người, đại trưởng giả Thiện Giác là vị Ưu-bà-tắc đầu tiên. Với ba lần bạch liền thành tựu ba pháp quy y là thân phụ thiện nam tử Thượng Tán này. Trong khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy chứng biết như vậy, quán hạnh như vậy, đắc đạo tích như vậy, thấy các kết lâu dứt sạch, đối với các pháp tâm được giải thoát.
Thế Tôn thầm nghĩ: “Thân phụ thiện nam tử Thượng Tán nghe pháp chứng biết, các kết lậu dứt sạch, tâm được giải thoát, không còn thọ năm thứ dục lạc như khi còn tại nhà, Ta hãy thu thần thông lại.”
Khi ấy Đức Thế Tôn liền thu thần thông. Sau khi Đức Phật thu nhiếp thần lực, thân phụ Thượng Tán đang ngồi tại chỗ, thấy được con mình. Thấy rồi, trưởng giả bảo Thượng Tán:
-Này con Thượng Tán, mẹ con nhớ con nên khổ não vô cùng, vì con mà buồn khóc, không nên để bà vì con mà bỏ mạng, con nên về đem lại sự sống cho mẹ con.
Trưởng giả nói như vậy rồi, thiện nam tử Thượng Tán đưa mắt nhìn Như Lai.
Đức Thế Tôn bảo phụ thân Thượng Tán:
-Này Đại trưởng giả, ý ông nghĩ sao, nếu như có người là bậc hữu học, đã học các trí, đã học thấy các pháp, khi nghe pháp chứng biết, các kết lậu diệt sạch, tâm được giải thoát, người này có thể thoái tâm trở về nhà mà thọ hưởng thú vui ngũ dục lại hay không?
Trưởng giả đáp:
-Thưa Thế Tôn, không có như vậy.
Đức Thế Tôn lại bảo trưởng giả:
-Thiện nam tử Thượng Tán này đã có tri kiến của bậc hữu học, đã chứng các pháp như trưởng giả không khác. Ngày nay, Thượng Tán khi nghe thuyết pháp, chứng được đạo tích, kết lậu đã diệt sạch, tâm được thanh tịnh giải thoát.
Đức Phật lại bảo trưởng giả:
-Thiện nam tử Thượng Tán này ngày nay không thể trở về nhà thọ hưởng ngũ dục như thuở trước.
Bấy giờ trưởng giả liền bạch Phật:
-Hay lắm Thế Tôn! Nay Thượng Tán khéo ở trong đời được nhiều lợi ích, khéo sống trong thế gian mà các kết lậu đã diệt sạch, tâm được giải thoát.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn thấy trên thân thiện nam tử Thượng Tán còn trang điểm bằng các chuỗi ngọc anh lạc, liền nói kệ:
Thân trang sức bằng ngọc anh lạc
Nhưng tâm chứng pháp được tịch định
Điều phục các căn đều thanh tịnh
Khởi lòng đại bi thương chúng sinh
Đạt được hạnh chân thật như vậy
Thì được gọi là chân phạm hạnh
Cũng gọi Sa-môn dòng họ Thích
Như vậy cũng gọi Tỳ-kheo Tăng.
Thân phụ thiện nam tử Thượng Tán liền bạch Phật:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, con nguyện cúng dường ẩm thực cho Đức Thế Tôn và thiện nam tử Thượng Tán..., xin Ngài nhận lời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì thương tưởng trưởng giả, nên im lặng nhận lời mời. Trưởng giả Thiện Giác thấy Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời, từ chỗ ngồi đứng vậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng từ tạ ra về.
Trưởng giả Thiện Giác ra về chưa được bao lâu, đại thiện nam tử Thượng Tán từ chỗ ngồi đứng vậy đảnh lễ dưới chân Phật, quỳ gối chắp tay, bạch:
-Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Đức Thế Tôn cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Thượng Tán:
-Lành thay! Đến đây Tỳ-kheo! Người hãy ở trong giáo pháp của Ta, tu phạm hạnh dứt sạch các kết lậu.
Đức Phật nói lời như vậy rồi, Trưởng lão Thượng Tán liền thành người xuất gia, được giới Cụ túc làm vị Sa-môn. Lúc bấy giờ, trong thế gian có bảy vị A-la-hán: Đức Thế Tôn là một, năm anh em Kiều- trần-như và Thượng Tán.
Buổi mai hôm sau, Đức Thế Tôn đắp y mang bình bát, bảo Thượng Tán làm thị giả, đi thẳng về nhà trưởng giả Thiện Giác, đến nơi trải tòa an tọa. Khi ấy mẹ và vợ của Trưởng lão Thượng Tán, đồng đến lễ dưới chân Đức Phật, đảnh lễ xong lui về một bên. Sau khi hai mẹ con đứng về một bên rồi, Đức Phật vì họ mà tuần tự thuyết các pháp bố thí... thanh tịnh. Đức Như Lai đều biết họ sinh tâm hoan hỷ, thanh tịnh, ôn hòa, không có chướng ngại.
Đức Thế Tôn thuyết các pháp làm cho chư Phật hoan hỷ đó là: chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về diệt khổ và chân lý về sự diệt khổ đắc đạo. Nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, hai vị ấy tại chỗ ngồi xa lìa các trần cấu, được trí thanh tịnh, bao nhiêu câu trược bị diệt trừ, tất cả kiến chấp thảy đều tiêu diệt. Đúng vậy! Đúng vậy! Những quyến thuộc này ngay tại tòa xa lìa trần cấu, bao nhiêu cấu trược diệt sạch, chứng biết như thật. Hai vị ấy đã thấy các pháp, chứng biết một cách sâu xa. Đối với các pháp vượt qua phiền não nhiều kiếp, không nghi ngờ sợ sệt, pháp này không phải nghe do từ người khác nói, mà ở trong giáo pháp Thế Tôn chứng được tri kiến, quy y Phật, Pháp, Tăng cùng thọ năm giới cấm.
Bấy giờ ở thế gian, ngay ngày ấy, người trước tiên trong loài người thọ Tam quy và Ngũ giới thành Ưu-bà-di đó là mẹ và vợ của Trưởng lão Thượng Tán cùng tất cả quyến thuộc của họ.
Bấy giờ Đại phú trưởng giả Thiện giác thấy Đức Thế Tôn vì hàng quyến thuộc tùy căn cơ mà thuyết pháp nên hết sức hoan hỷ, bày biện các món ăn. Trưởng giả và vợ trưởng giả cùng nàng dâu, tự tay bưng lấy thức ăn cao lương mỹ vị dâng lên cho Đức Phật và Thượng Tán..., đủ các thức ăn mềm, dẻo. Thức ăn uống... đều đầy đủ, tự ý thọ dụng no đủ.
Lúc ấy trưởng giả Thiện Giác, cha của Trưởng lão Thượng Tán, cùng vợ và nàng dâu, thấy Đức Phật ăn xong, thâu cất y bát, rửa tay chân, rồi an tọa một cách thanh tịnh, mỗi người lấy một chiếc nệm ngồi nhỏ theo thứ lớp ngồi trước Đức Phật.
Thấy trưởng giả Thiện Giác cùng quyến thuộc đúng như pháp đến ngồi phía trước xong, Đức Như Lai từ mẫn muốn độ họ thoát kết sử, lìa khổ não, nên thuyết các pháp thích hợp với họ. Các vị ấy nghe pháp rồi, sinh hoan hỷ, tín tâm vững mạnh, oai đức tăng trưởng.
Khi nghe pháp xong, tất cả mọi người đều hoan hỷ, biết đúng như pháp. Đức Thế Tôn rời tòa đứng vậy ra về, có Thượng Tán đi theo sau.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.207.196 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.