Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 46 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 46

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 47: NHÂN DUYÊN CỦA ĐẠI CA-DIẾP
(Phần 2)

Vào một hôm, chính lúc nàng Bạt-đà-la đang nằm ngủ, còn chồng của nàng thì đứng dậy đi kinh hành. Ngay khi ấy có con hắc xà sắp bò ngang qua mà nàng đang ngủ say, có một cánh tay thòng khỏi thành giường, Tất-bát-la-da-na thấy rắn nọ bò gần đến cánh tay nàng, trong tâm nghĩ: “Sợ rắn độc cắn vào tay nàng”, nên Tất-bát-la-da-na liền dùng áo bao lấy tay mình, rồi cầm cánh tay nàng Bạt-đà-la đặt lên giường. Do vì xúc chạm vào cánh tay nên nàng Bạt-đà-la liền thức dậy, lo sợ, buồn rầu, tâm sinh ngờ vực chẳng vui, liển thưa hỏi Tất-bát-la-da-na:
-Thưa thánh tử hiền thiện, lúc trước nhân giả nói với tôi lời thề kiên cố: “Ý ta không muốn thọ hưởng ngũ dục, chỉ mong tu phạm hạnh.” Vì cớ sao hôm nay thánh tử lại móng tâm như vậy?
Tất-bát-la-da-na đáp:
-Đúng như vậy! Tâm tôi không muốn ái dục.
Bạt-đà-la lại hỏi:
-Nếu thánh tử không muốn ái dục, tại sao hôm nay lại nắm tay tôi?
Lúc ấy Tất-bát-la-da-na cứ như sự thật thuật lại:
-Lúc nãy có một con hắc xà bò ngang qua đây. Ta thấy tay nàng thòng xuống dưới giường. Khi ấy tâm ta sợ rắn phun nọc độc cắn tay nàng nên dùng áo bao lấy bàn tay ta, rồi mới nắm tay nàng để trên giường. Thật sự không cố ý va chạm.
Cứ như vậy, hai người thay nhau ngủ và đi kinh hành. Trải qua mười hai năm ở trong một phòng, ngủ chung một giường mà không xúc chạm nhau. Sau một thời gian, cha mẹ Tất-bát-la-da-na qua đời. Vì gia nghiệp to lớn, lại phải đứng ra điều hành, Tất-bát-la-da-na đích thân trông coi việc bên ngoài ruộng vườn..., còn nàng Bạt-đà-la trông coi tất cả tài sản, công việc trong nhà.
Vào một hôm, Tất-bát-la-da-na bảo Bạt-đà-la:
-Này nhân giả hiền thiện, nàng hãy bảo người phục dịch ép mè đen, ta nay muốn lấy dầu cho bò uống.
Nàng Bạt-đà-la liền thưa:
-Y như đồng tử dạy, chẳng dám trái lời. Nàng nghe bảo như vậy, liền kêu các bà phục dịch và bảo họ: -Này các chị em, nên mau mau ép mè đen lấy dầu, vì thánh tử muốn đem đầu này cho bò uống.
Khi các bà phục dịch nghe nàng Bạt-đà-la dạy lời như vậy, liền đem mè đen phơi nắng, họ thấy trong mè có trăm ngàn sâu lúc nhúc. Thấy vậy họ bàn luận với nhau:
-Chúng ta sẽ bị vô lượng tội.
Hoặc có người bảo:
-Ta biết ngày nay chúng ta đâu có tội gì. Tội lỗi này là do Bạt-đà-la, vì người sai ta làm việc ấy.
Nàng Bạt-đà-la khi nghe các bà phục dịch nói như vậy, nàng liền bảo các người phục dịch:
-Nếu biết có tội như vậy thì chị em chẳng nên ép dầu.
Khi ấy nàng sai người thâu cất mè đen, rồi trở vào phòng đóng cửa, ngồi gục đầu yên lặng, trong tâm buồn bã chẳng an. Khi Tất-bát-la-da-na đi kiểm tra đồng ruộng, vì thấy cảnh chúng sinh nơi đồng nội chịu vô lượng các thứ khổ não, như thấy sự cực nhọc của bò cày, bị nông dân đuổi mãi cho không tạm nghỉ. Thấy vậy, tâm sinh khổ não, cúi đầu làm thinh suy nghĩ thế này: “Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu khổ não như vậy!
Rồi Tất-bát-la-da-na trở về nhà, trong tâm rất ưu sầu, dung mạo buồn bã, ngồi cúi đầu suy nghĩ. Nàng Bạt-đà-la thấy chồng mình ngồi cúi đầu ưu sầu tư duy như vậy, liền đến bên cạnh thưa:
-Thưa thánh tử, vì cớ gì hôm nay người ngồi cúi đầu, trong tâm ưu sầu không vui như vậy? Hay là nay nhân giả nghĩ: “Ta bảo Bạt-đà-la cho người ép dầu mà nàng chẳng nghe lời ta cho người ép dầu.” Do đó nên tâm thánh tử chẳng vui chăng?
Tất-bát-la-da-na nói:
-Này nhân giả hiền thiện, ta nay chẳng phải vì lý do đó mà ngồi cúi đầu trong tâm chẳng vui. Này thiện nữ, vào sớm mai này, ta từ nhà ra đi, kiểm tra sự canh tác, thấy các chúng sinh đi đứng qua lại chịu các khổ não không ngừng. Lại thấy những con bò cày chẳng từng tạm nghỉ. Ta thấy vậy rồi suy nghĩ thế này: “Ôi thôi! Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu tất cả khổ não.” Do vậy, ta ngồi cúi đầu, trong tâm chẳng vui.
Khi ấy nàng Bạt-đà-la thưa với chồng:
-Thưa thánh tử thiện nhân, tôi nay cũng thấy việc rất đau khổ như vậy.
Người chồng hỏi:
-Này nhân giả hiền thiện, nàng thấy sự đau khổ gì?
Người vợ Bạt-đà-la theo thứ lớp trình bày nhân duyên như trên. Tất-bát-la-da-na mới nói với nàng Bạt-đà-la:
-Này nhân giả hiền thiện, ở tại gia khó tu phạm hạnh thanh tịnh, khó thoát khỏi khuyết điểm sai lầm tổn hại sinh linh, trọn đời không thể chấm dứt. Chi bằng một mình một bóng tu phạm hạnh mới được vừa lòng.
Nàng Bạt-đà-la thưa:
-Bạch thánh tử, rõ ràng như vậy. Hai chúng ta phải xả tục xuất gia.
Tất-bát-la-da-na liền nói với Bạt-đà-la:
-Này nhân giả hiền thiện, nàng nay nên ở tại nhà để ta đi tìm thầy. Nếu tìm được rồi sẽ báo tin cho nàng biết, nàng sẽ xả tục xuất gia sau.
Tất-bát-la-da-na liền kêu tất cả người phục dịch nam nữ trong nhà và bảo họ:
-Này tất cả các người, tiền của và những gì ta hiện có như lúa, gạo... đều thuộc quyền sở hữu của các người, ta nay đều buông bỏ, muốn xuất gia tu phạm hạnh, nhàm chán nó.
Rồi Tất-bát-la-da-na lấy chiếc áo nỉ màu trắng vô giá của mình làm thành y Tăng-già-lê và nhờ người xuống tóc. Khi xuống tóc, ông ta nói thế này:
Bấy giờ ở thế gian chưa có A-la-hán xuất gia, chỉ trừ Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vào một buổi sáng ngày kia, mặt trời vừa ló dạng, Đức Thế Tôn chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chính lúc ấy đêm hôm trước đã qua, mặt trời vừa xuất hiện, Tất-bát-la-da-na tìm lốii xuất gia.
Tất-bát-la-da-na sinh trong dòng họ Đại Ca-diếp nên trong nhân gian gọi Tất-bát-la-da-na là Đại Ca-diếp. Sau khi xuất gia rồi, Đại Ca-diếp tuần tự vào trong các xóm làng, theo thứ lớp mà đi khất thực.
Một thuở nọ, Đại Ca-diếp theo thứ lớp du hành, đi đến nước Ma-già-đà, rồi đến làng Ma-già-đà, tiếp đến thôn Na-đồ-đà, thuộc thành Vương xá. ở nơi đây Đại Ca-diếp bỗng nhiên thấy Đức Thế Tôn ở chỗ thờ thần kỳ, vị thần này tên là Đa Tử, ngồi sau Đức Thế Tôn. Thân hình Thế Tôn hết sức đoan chánh, giống như các vì sao tô điểm bầu trời ban đêm. Đại Ca-diếp thấy vậy, tâm liền thanh tịnh, không có nghi ngờ: “Ta, ngày hôm nay quyết định thấy được Giáo Sư. Ta, ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Vô Thượng, Ta ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Nhất Thiết Trí. Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Thế Tôn Nhất Thiết Trí. Ta thấy được Thế Tôn. Ta thấy được Đấng Vô Ngại Tri Kiến. Ta thấy được Phật.”
Tâm Đại Ca-diếp được thanh tịnh như vậy, luôn luôn chánh niệm không tán loạn, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi ở trước Phật quỳ gối bên phải sát đất, thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, con là đệ tử Thanh văn của Ngài. Cúi xin Thế Tôn làm thầy con, con là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn.
Nên luận giả có bài kệ:
Nơi cây Đa tử người thấy Phật
Giống như tượng vàng sáng chói lọi
Tâm người phát sinh Nhất thiết trí
Chắp tay hoan hỷ hướng Thê Tôn
Ở nơi rừng nọ lễ chân Phật
Chắp tay trước Phật bạch thế này:
Cúi xin Đức Phật làm thầy con
Giống như chỗ tôi đèn soi sáng.
Lúc ấy Đức Phật bảo Đại Ca-diếp:
-Này Đại Ca-diếp, nếu có đệ tử Thanh văn nhất tâm chánh niệm như vậy rồi, xưng vị ấy là thầy mình, đem tâm cung kính cúng dường như vậy, mà vị Giáo sư không biết nói biết, không thấy nói thấy. Vị Giáo sư vì lời nói hư vọng, thọ sự tôn trọng cúng dường của người ta, thì đầu của vị Giáo sư đó sẽ vỡ làm bảy mảnh.
Này Đại Ca-diếp, nhưng Ta ngày nay thật biết nói biết, thật thấy nói thấy. Khi Ta vì các đệ tử Thanh văn giảng dạy các pháp, nói nhân duyên chẳng phải là không nhân duyên, không phải không khai giá, chẳng phải chỉ khai giá, cũng hiện thần thông chẳng phải chỉ hiện thần thông, cũng có khai giá chẳng phải không khai giá.
Lại nữa, này Đại Ca-diếp, ở lúc ấy Ta nói nhân duyên... cũng có khai giá chẳng phải không có khai giá. Theo giáo pháp của Ta giảng dạy nên vâng giữ thực hành, không được trái phạm. Nếu người nào tùy thuận lời nói của Ta thì đời vị lai ở trong đêm dài được sự lợi ích hết sức an lạc.
Lại nữa, này Đại Ca-diếp, ông nên như vậy tu học. Này Đại Ca-diếp, nếu ông muốn tu học hạnh như vậy, đối với các bậc phạm hạnh thượng, trung và hạ nên sinh tâm kính trọng, tàm quý. Này Đại Ca-diếp, ông nên học như vậy.
Lại nữa, này Đại Ca-diếp, ông ở lúc ấy luôn luôn khởi chánh niệm, không được tạm thời gián đoạn. Này Đại Ca-diếp, đối với việc này ông lại cần phải tu tập.
Lại nữa, này Đại Ca-diếp, ông ở lúc ấy nên quán tướng sinh diệt trong thân ngũ ấm, nghĩa là: “Đây là sắc, đây là sắc sinh, đây là sấc diệt, đây là thọ, đây là tưởng, đây là hành, đây là thức, đây là thức sinh, đây là thức diệt.” Này Đại Ca-diếp, ông nên đối với ngũ ấm đó mà tu tập.
Trưởng lão Đại Ca-diêp được Đức Phật chỉ dạy như vậy, đối với thân ngũ ấm sinh tâm bất tịnh, thường đi khất thực mà sống, trải qua bảy ngày cho đến tám ngày, y như pháp tu hành, được sinh trí tuệ.
Sau khi Đức Thế Tôn dạy cho Đại Ca-diếp như vậy rồi, từ tòa đứng dậy ra đi. Trưởng lão Đại Ca-diếp theo hầu Thế Tôn. Khi ấy Đức Thế Tôn đi chưa được bao lâu, Ngài ghé lại dưới gốc cây bên đường. Lúc đó Trưởng lão Đại Ca-diếp lấy y Tăng-già-lê của mình gấp làm bốn lớp đặt trên đất rồi thưa với Thế Tôn:
-Bạch Đức Thế Tôn, con vì Ngài mà trải tòa này. Cúi xin Thế Tôn thương xót con, ngồi trên ấy.
Đại Ca-diếp nói lời như vậy rồi, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa của Đại Ca-diếp. Sau khi an tọa xong, Đức Phật bảo Trưởng lão Đại Ca­diếp:
-Này Đại Ca-diếp, y Tăng-già-lê này mềm mại, hết sức vi diệu tối thắng.
Trưởng lão Đại Ca-diếp bạch Đức Thế Tôn:
-Thưa Thế Tôn, hay thay! Hay thay! Ngày nay do Thế Tôn thương xót con mà thọ dụng tòa này.
Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Đại Ca-diếp:
-Này Đại Ca-diếp, ông nay có thể thọ trì chiếc y phấn tảo của Ta đang mặc hay không?
Trưởng lão Đại Ca-diếp bạch Đức Phật:
-Dạ vâng, thưa Thế Tôn, con nay có thể thọ trì y phấn tảo của Như Lai đang mặc.
Đức Thế Tôn khi ấy liền trao cho Trưởng lão Đại Ca-diếp chiếc y phấn tảo thô xấu của mình, Thế Tôn lại nhận lấy chiếc y tốt đẹp của Đại Ca-diếp. Trong thế gian có nghi vấn: Có thể Thế Tôn vì thương xót chúng sinh, thể hiện lòng phước đức đại lợi ích nên Ngài trước đã xả bỏ thế lực giàu sang mà mặc y phấn tảo, nhưng nay đổi lấy y tốt của Đại Ca-diếp. Điều nghi đó phải nên được giải thích như sau: Chỉ có Đại Ca-diếp là đệ tử Thanh văn có khả năng nhận lãnh y phấn tảo của Như Lai, vì từ khi Trưởng lão Đại Ca-diếp chứng quả A-la-hán cho đến trọn đời, Trưởng lão Đại Ca-diếp không bỏ ý tưởng khổ hạnh. Do vậy, Đức Thế Tôn mới thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, nếu muốn biết đệ tử Thanh văn của ta thiểu dục tri túc, tu hạnh đầu đà một cách đầy đủ, đó là Tỳ-kheo Trưởng lão Đại Ca-diếp này vậy.”
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại rừng cây Kỳ-đà, vườn cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, Ta ở trong quá khứ lìa các pháp ác dục bất thiện, có giác, có quán, được ly sinh hỷ lạc nhập vào Sơ thiền. Lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như Ta, xa lìa các pháp ác dục bất thiện, có giác, có quán, được ly sinh hỷ lạc nhập vào Sơ thiền. Khi Ta diệt các giác quán, trong tâm thanh tịnh, định tại một chỗ, không giác, không quán, được định sinh hỷ lạc nhập vào Thiền thứ hai thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, diệt giác, diệt quán... nhập vào Thiền thứ hai.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta ly hỷ, hành xả, nhớ nghĩ chánh trí, thọ cái vui nơi thân, là điều Hiền thánh khen ngợi, đã xả bỏ các việc, trụ trong an lạc, nhập vào Thiền thứ ba, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, ly hỷ, hành xả, nhớ nghĩ chánh trí, thọ cái vui nơi thân, là điều Hiền thánh khen ngợi, xả bỏ các việc rồi, trụ trong an lạc, nhập vào Thiền thứ ba.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta muốn đoạn các khổ, dứt bỏ các vui, trước tiên diệt ưu hỷ, không còn khổ, không còn vui, được xả niệm thanh tịnh, nhập vào Thiền thứ tư, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, dứt khổ dứt vui, trước tiên diệt ưu hỷ, không còn khổ, không còn vui, được xả niệm thanh tịnh nhập vào Thiền thứ tư.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta đang vận dụng tâm từ biến khắp một phương, an trú trong định. Phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, cho đến phương thứ tư cũng vậy, phương trên phương dưới cũng vậy. Đối với tất cả xứ, tất cả thế gian Ta dùng tâm từ biến mãn cùng khắp, an trú trong định, rộng lớn vô lượng, không có oán hận, không sinh độc hại, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... không có oán hận, không có tâm độc hại, buồn vui.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta dùng tâm xả biến mãn một phương, an trụ trong định. Phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, cho đến phương thứ tư cũng như vậy, phương trên phương dưới cũng như vậy. Đối với tất cả xứ, tất cả thế gian, Ta dùng tâm xả biến cùng khắp, an trú trong định, rộng lớn vô lượng, không có oán hận, không sinh độc hại, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... không sinh độc hại.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tất cả tướng đối hiện, không nghĩ, không tưởng đến tất cả các tướng khác nhau, nghĩ đến chỗ Hư không vô biên, liền chứng vào định Không vô biên xứ, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, vượt qua tất cả sắc tướng... nhập vào định Không vô biên xứ.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta ở cảnh giới Hư không vô biên, tưởng đến cánh giới Thức vô biên, liền nhập vào định Thức vô biên xứ, thì lúc đó Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... nhập vào định Thức vô biên xứ.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta vượt qua tất cả thức tướng, tưởng đến tướng vô sở hữu, liền nhập vào định Vô sở hữu xứ, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... nhập vào định Vô sở hữu xứ.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta vượt qua tất cả tướng vô sở hữu, nhập vào định Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... liền nhập vào định Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta vượt qua định Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta nhập vào tám định giải thoát nghịch thuận, xuất nhập, nhập rồi lại xuất, xuất rồi lại nhập, thì lúc ấy Tỳ- kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... nhập rồi lại xuất, xuất rồi lại nhập.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta nhập vào tám thắng xứ nghịch-thuận, nhập-xuất, nhập rồi lại xuất, xuất rồi lại nhập, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... nhập rồi lại xuất, xuất rồi lại nhập.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta nhập vào mười một xứ, nhập rồi lại xuất, xuất rồi lại nhập, thì Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy... nhập rồi lại xuất, xuấi rồi lại nhập.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta du hý tất cả cảnh giới thần thông, nghĩa là một thân hiện ra nhiều thân, hợp nhiều thân thành một thân, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, xuyên qua núi non vách đá không ngăn ngại, ra vào trong đất không khác trong nước. Mặt trời, mặt trăng có đại oai đức, có đại thần lực mà Ta có thể dùng tay nắm lấy, giống như lửa cháy nóng liền tắt, thân được tự tại bay đến cõi Phạm thiên.
Này các Tỳ-kheo, khi ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, cũng du hý tất cả cảnh giới thần thông, có thể dùng một thân phân ra nhiều thân, lại nhiều thân hợp thành một thân... thân được tự tại bay đến cõi Phạm thiên.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta dùng nhĩ căn thanh tịnh của chư Thiên hơn nhĩ căn của loài người, nghe được các loại tiếng, hoặc tiếng chư Thiên, hoặc tiếng nhân loại... tất cả đều nghe được rõ ràng, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, lại cũng dùng nhĩ căn thanh tịnh của chư Thiên hơn nhĩ căn của nhân loại... nghe tất cả tiếng đều được rõ ràng.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta dùng Tha tâm trí biết tất cả tâm niệm của chúng sinh, tức biết thật có tâm niệm như vậy. Nếu có tâm nguyện lúc biết thật có tâm nguyện như vậy. Nếu không có tâm nguyện, tức biết thật không có tâm nguyện như vậy. Nếu có tâm sân, tức biết thật có tâm sân như vậy. Nếu không có tâm sân, tức biết thật không có tâm sân như vậy. Nếu có tâm si, tức biết thật có tâm si như vậy. Nếu không có tâm si, tức biết thật khổng có tâm si như vậy. Nếu có tâm ái, tức biết thật có tâm ái như vậy. Nếu không có tâm ái tức biết thật không có tâm ái như vậy. Nếu có tâm hữu vi, tức biết thật có tâm hữu vi như vậy. Nếu có tâm vô vi, tức biết thật có tâm vô vi như vậy. Tâm hẹp hòi hay khoan dung, tâm rộng rãi hay keo kiết, tâm loạn động hay không loạn động, tâm vô lượng hay tâm vô biên, có tâm tăng thượng hay không có tâm tăng thượng, tâm nhập định hay tâm không nhập định, tâm trụ trong định hay không trụ trong định, tâm giải thoát hay tâm không giải thoát... đều biết một cách như thật, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, cũng có Tha tâm trí biết tất cả tâm niệm của chúng sinh, tức biết thật tâm niệm như vậy. Nếu có tâm nguyện hay không tâm nguyện... biết thật tâm giải thoát hay không giải thoát như vậy.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta nhớ tất cả việc trong đời quá khứ hoặc một đời, hoặc hai đời, hoặc ba đời, hoặc bốn đời, hoặc năm đời, hoặc mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, hoặc một trăm đời, hoặc một ngàn đời, hoặc trụ trong một kiếp, hoại rồi trụ, trụ rồi hoại. Hoặc biết vô lượng kiếp hoại, thành rồi họai, hoại rồi thànhệ Ta ở trong các kiếp ấy tên tuổi như vậy, dòng họ như vậy, đời sống như vậy, ăn uống như vậy, vui như vậy, khổ như vậy, hưởng thụ như vậy, tuổi thọ bao nhiêu. Ta chết ở xứ kia, sinh đến xứ này. Ta chết xứ này sinh đến xứ kia, hình dáng như vậy, tướng mạo như vậy, tất cả đời sống trong quá khứ Ta đều nhớ biết, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, cũng dùng con mắt thanh tịnhm hơn chư Thiên và nhân loại thấy sự việc trong đời quá khứ; hoặc một đời... tướng mạo hình dạng như vậy, tất cả đời sông trong quá khứ đều nhớ biết.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn con mắt chư Thiên và nhân loại, Ta thấy tất cả chúng sinh chết ở chỗ kia sinh ra ở chỗ này, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc sinh thiện đạo, hoặc sinh ác đạo, tùy theo nghiệp báo của chúng sinh, cho đến thật biết các chúng sinh này hoặc thân làm đủ việc ác, miệng nói đủ điều ác và hủy báng Hiền thánh, tà kiến điên đảo. Do các nhân duyên tạo nghiệp này thành thục, thân hoại mạng chung đọa trong ác đạo. Hoặc có các chúng sinh thân làm đủ việc lành, miệng nói đủ lời lành, ý nghĩ đủ điều lành, không hủy báng Hiền thánh. Do nhân duyên tạo nghiệp chánh kiến, thân hoại mạng chúng sinh trong thiện đạo. Những việc như vậy do dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn con mắt của chư Thiên và nhân loại, thấy chúng sinh chết ở chỗ kia, sinh ra ở chỗ này, hoặc thù thắng hoặc hạ liệt, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thiện đạo hoặc ác đạo, theo nghiệp thọ báo, tất cả đều biết rõ ràng. Thì lúc ây Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, thật biết như vậy, thật thấy như vậy.
Này các Tỳ-kheo, khi Ta các lậu đã dứt sạch, ở trong vô lậu tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát, hiện ở trong các pháp thần thông tự tại, được chứng an lạc, xướng lên thế này: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau”, thì lúc ấy Tỳ-kheo Đại Ca-diếp cũng lại như vậy, đã dứt sạch các lậu hoặc... việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, Trưởng lão Ca-diếp nay sinh trong gia đình giàu sang, đầy đủ của cải... việc làm đã xong, thân tướng đoan nghiêm, mọi người thích trông ngắm, thế gian không ai sánh bằng, hình dung tốt đẹp, vượt trên mọi người, sắc thân như vàng ròng, là do thuở xưa tạo nghiệp gì? Lại được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, rồi được Phật thọ ký: “Trong hàng Tỳ-kheo, người thiểu dục tri túc, khổ hạnh bậc nhất là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp”, là do tạo nghiệp nhân gì?
Các Tỳ-kheo bạch Phật như vậy rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ vào thời quá khứ có một vị Bích-chi-phật tên là Đa-già-la-thi-khí, luôn luôn ở tại thành Ba-la-nại, gặp lúc nạn đói, lúa gạo đắt đỏ, dân chúng chết đói, xương trắng ngổn ngang, người xuất gia ra đi khất thực khó khăn. Lúc bấy giờ vị Bích-chi-phật vào một buổi mai, khi mặt trời phương Đông vừa ló dạng, đắp y mang bình bát vào thành Ba-la-nại theo thứ lớp khất thực, không ai cúng dường, mang bát không trở về như khi mới ra đi.
Lúc ấy trong thành Ba-la-nại có một người gia đình nghèo khổ, nhưng có để dành chút ít thực phẩm. Người nghèo khổ này thấy vị Bích-chi-phật Đa-già-la-thi-khí lần lần tiến bước, oai nghi chững chạc, chăm chú nhìn xuống đất mà đi, tới lui đúng pháp, ung dung tiến tới, đầy đủ oai nghi, tâm ý chánh niệm. Người nghèo khổ thấy Bích-chi-phật, tâm được thanh tịnh, lần đến bên Bích-chi-phật mà bạch:
-Lành thay! Thưa Đại tiên, Ngài ở trong thành này khất thực có được vật thực không?
Tôn giả đáp:
-Cám ơn nhân giả, tôi ở trong thành khất thực không được gì.
Người nghèo khổ bạch Bích-chi-phật:
-Lành thay! Thưa Đại tiên, xin mời Ngài về nhà tôi.
Lúc đó, trong nhà người ấy chỉ có một thăng gạo đã nấu thành cơm. Người ấy liền đưa vị Bích-chi-phật về nhà, trải tòa mời ngồi rồi dâng cơm.
Phương pháp thông thường của các vị Bích-chi-phật là dùng sức thần thông giáo hóa chúng sinh, không dùng các pháp khác. Vị Bích-chi-phật sau khi thọ thực nơi nhà này xong, vì thương xót người nghèo khổ nên bay lên hư không mà đi.
Người nghèo khổ thấy Tôn giả Bích-chi-phật bay đi trên hư không, vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, chắp tay trên đầu, cung kính đảnh lễ sát đất, phát lời thệ nguyện: “Nguyện đời tương lai tôi gặp được vị Thánh nhân Bích-chi-phật như vậy, hoặc giả hơn thế nữa. Nếu vị Thánh nhân đó có nói pháp yếu, tôi nguyện được nghe và thọ trì, mau được giải ngộ. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp không đọa vào các đường ác.”
Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, người nghèo khổ ở thành Ba-la-nại mời vị Bích-chi-phật Đa-già-la về nhà cúng dường thức ăn, đó là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp vậy. Người nghèo khổ lúc ấy dành dụm được một ít thực phẩm, vì nhân duyên hảo tâm cúng dường vị Bích-chi-phật Đa-già-la một bữa ăn mà được phước báo ngàn lần sinh vào châu uất-đơn-việt, trải qua vô lượng đời thường sinh trong dòng đại tánh Sát-lợi, dòng Bà-la-môn hay đại gia cư sĩ.
Do nhờ sức nhân duyên nghiệp báo ấy nên vào thời kỳ Đức Phật Ca-diếp ra đời, được làm con vua Ngật-lợi-thi, nước Ca-thi. Con vua Ngật-lợi-thi, nước Ca-thi cúng dường tôn trọng Đức Như Lai Ca-diếp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau đó Đức Phật Ca-diếp xả báo thân, nhập vào Niết-bàn, vua nước Ca-thi xây tháp bằng bảy báu thờ xá-lợi. Bảy báu đó là vàng, bạc, pha lê, lưu ly, hổ phách, mã não, xa cừ. Dùng bảy báu trang hoàng bên trong, còn bên ngoài dùng thềm đá bao quanh bảo tháp. Bảo tháp trang nghiêm cao đến một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Vương tử tên là Xa-bà-lăng-già (nhà Tùy dịch là Phan Duyên) làm chiếc lọng bằng bảy báu che phủ trên tháp.
Lại có thuyết cho rằng vương tử xây tháp làm tám phần, cúng dường đồ ăn uống, y phục, giày dép cho Tỳ-kheo Tăng. Cúng rồi, lại phát nguyện: “Nguyện đời tương lai gặp được Thánh nhân như thế này. Giáo pháp mà vị này nói ra, tôi liền tỏ ngộ.” Lại nguyện: “Chẳng sinh trong các ác đạo. Hễ sinh ở đâu, thân sắc cũng được màu vàng.” Nguyện như vậy rồi lại xin cha mẹ đi xuất gia, cha mẹ không đồng ý. Sau khi cha mẹ qua đời mới xuất gia. Xuất gia rồi, tụng đọc kinh điển, thiền định thuần thục. Sau khi mạng chung, nhiều kiếp sinh trong cõi nhân thiên, vô lượng kiếp trải qua như vậy. Báo thân sau cùng, tức là ngày nay, sinh vào nhà Bà-la-môn Ni-câu-đà- yết-ba, một gia đình cự phú, rất nhiều của cải, cho đến mọi phương tiện không thiếu một thứ gì.
Rồi sau đó, Đại Ca-diếp làm một chiếc lọng bằng bảy báu che trên tháp xá-lợi của Phật Ca-diếp, do sức nhân duyên tôn trọng cúng dường nên được sắc thân màu vàng. Lúc ấy lại nguyện: “Nguyện tôi chẳng sinh vào ác đạo.” Nhớ sức nhân duyên nghiệp báo này mà từ đó đến nay chẳng đọa ác đạo, thường sinh vào chốn nhân thiên hưởng thụ sự vui sướng vô lượng vô biên.
Nhưng Đại Ca-diếp lúc ấy lại nguyện: “Nguyện đời sau con được gặp Thánh nhân như vậy. Sau khi gặp vị ấy rồi, vị ấy chớ bỏ con. Hoặc gặp vị Thánh nhân hơn vị này, nếu Thánh nhân này có thuyết pháp, con nghe rồi liền giải ngộ.” Do sức nghiệp báo nhân duyên như vậy, nên nay gặp được Ta giáo hóa, liền được xuất gia, thọ giới Cụ tủc, chứng quả A-la-hán và Ta thọ ký: “Trong hàng Tỳ-kheo, người thiểu dục tri túc tức Thượng tọa Tỳ-kheo Đại Ca-diếp này vậy.”
Này các Tỳ-kheo, vị Đại Ca-diếp này do sức nhân duyên nghiệp báo tạo công đức đời trước nên nay sinh trong nhà Bà-la-môn cự phú... không thiếu một thứ gì, thân tướng đoan trang, hết sức đẹp đẽ, dung nhan như pho tượng vàng, lại được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, cho nên Ta thọ ký: “Người thiểu dục tri túc, tu khổ hạnh bậc nhất là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp.”
Trải qua thời gian khá lâu, có một hôm Đức Thế Tôn bảo Đại Ca-diếp:
-Này Đại Ca-diếp, thời niên thiếu đã qua lâu rồi, giờ này tuổi đã quá già mà ông đắp lấy chiếc y phấn rảo bằng vải gai thô xấu, nên bỏ chiếc y ấy đi. Nay nên lấy chiếc y hết sức tốt đẹp của Ta mà đắp. Này Ca-diếp, từ trước đến giờ ông mặc như vậy, nay Ta có vải mềm mỏng của trưởng giả cứng, ông nên lấy dao cắt may thành y mặ mặc, nên thường ở bên Ta nhận lời thỉnh của trai chủ, chẳng được xa Ta.
Đại Ca-diếp nghe Đức Phật dạy như vậy liền bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con suốt cuộc đời sống nơi yên tĩnh và cũng thường ca ngợi pháp yên tĩnh. Con suốt đời đi khất thực tự sống, cũng lại ca ngợi công đức khất thực. Con suốt đời đắp y phấn tảo, cũng lại ca ngợi công đức đắp y phấn tảo. Con suốt đời không ăn phi thời, cũng lại ca ngợi pháp không ăn phi thời. Con suốt đời ngày ăn một bữa, cũng lại ca ngợi pháp ăn một bữa. Con suốt đời chỉ thọ một loại đoàn thực và tiết chế sự ăn uống, cũng lại ca ngợi pháp thọ một loại đoàn thực và tiết chế sự ăn uống. Con suốt đời song ở gò mả, cũng lại ca ngợi pháp sông ở gò mả. Con suốt đời sống ngoài trời, cũng lại ca ngợi pháp sống ngoài trời. Con suốt đời sống dưới gốc cây, cũng lại ca ngợi pháp sống dưới gốc cây. Con suốt đời giữ pháp đi kinh hành, cũng lại ca ngợi pháp đi kinh hành. Con suốt đời thường ngồi không nằm, cũng lại ca ngợi pháp thường ngồi không nằm. Con suốt đời chỉ chứa ba y, cũng lại ca ngợi pháp chứa ba y. Con suốt cuộc đời thiểu dục tri túc, cũng lại ca ngợi pháp thiểu dục tri túc. Con suốt cuộc đời thích chỗ vắng lặng, cũng lại ca ngợi pháp vắng lặng. Con suốt cuộc đời khổng thích nói lời vô ích, cũng lại ca ngợi pháp không thích nói lời vô ích. Con suốt đời tu hạnh tinh tấn, cũng lại ca ngợi pháp tinh tấn. Con suốt đời thành tựu chánh niệm, cũng lại ca ngợi pháp thành tựu chánh niệm. Con suốt đời thành tựu chánh định, cũng lại ca ngợi pháp thành tựu chánh định. Con suốt đời thành tựu trí tuệ, cũng lại ca ngợi pháp thành tựu trí tuệ. Con suốt đời nhập vào thiền định, cũng lại ca ngợi pháp nhập vào thiền định.
Đức Phật bảo Đại Ca-diếp:
-Này Đại Ca-diếp, ông thấy lợi ích gì mà suốt cuộc đời tự sống một mình nơi vắng lặng, cũng lại ca ngợi pháp sống một mình nơi vắng lặng... suốt cuộc đời nhập vào thiền định, cũng lại suốt đời ca ngợi pháp nhập vào thiền định?
Lúc ấy Đại Ca-diếp bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, do vì con thấy suốt cuộc đời sống nơi yên tĩnh, lại cũng ca ngợi người sống nơi yên tĩnh... Suốt đời thường nhập định, lại cũng ca ngợi người thường nhập định, có hai lợi ích. Hai lợi ích đó là gì? Một là ngày nay con được pháp hạnh an lạc. Hai là sinh tâm thương xót chúng sinh đời sau. Mong rằng chúng sinh đời tương lai thấy đời sống của con rồi, họ học hạnh của con nên họ nói thế này: “Ở trong đời quá khứ có bậc kỳ túc Thượng tọa Tỳ-kheo Thanh văn suốt đời thích sống cảnh yến tĩnh và ca ngợi pháp sống cảnh yên tĩnh... thường nhập vào thiền định, lại cũng ca ngợi người thường nhập thiền định. Rồi họ nói: “Chúng ta làm sao học hạnh của vị ấy... tự nhập vào thiền định, lại cũng ca ngợi người thường nhập thiền định.’
Thưa Đức Thế Tôn, do con thấy hai lợi ích ấy nên suốt đời sống nơi yên tĩnh, lại cũng ca ngợi người sống nơi yên tĩnh... thường nhập vào thiền định, lại cũng ca ngợi người thường nhập vào thiền định.
Đức Phật nói với Đại Ca-diếp:
-Hay thay! Hay thay! Này Đại Ca-diếp, người vì chúng sinh đời vị lai làm điều đại lợi ích, đại an lạc, làm điều đại an ổn cho chư Thiên, nhân loại. Do vậy, ngày nay tùy ý thích, người sống nơi yên tĩnh, người tùy thời muôn gặp Như Lai thì cứ đến gặp.
Bấy giờ các vị Tỳ-kheo bạch Phật:
-Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Đại Ca-diếp vì lý do gì làm cho nhiều chúng sinh được lợi ích lớn?
Sau khi các Tỳ-kheo hỏi như vậy rồi, Đức Phật bảo các thầy:
-Này các Tỳ-kheo, vị Đại Ca-diếp này chẳng chỉ một đời này khiến nhiều chúng sinh được lợi ích lớn, mà ở trong quá khứ cũng vì chúng sinh tạo nhiều điều lợi ích lớn.
Các vị Tỳ-kheo bạch Phật:
-Cúi xin Đức Thế Tôn nói về nhân duyên ấy.
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, Ta nhớ trong thời quá khứ, Đại Ca-diếp này đã từng làm vua trời Đế Thích, trong thời ấy không có Đức Phật ra đời, cũng không có Bích-chi-phật xuất hiện. Tất cả con người ở trong nhân đạo sau khi mạng chung, xả bỏ thân người, phần nhiều đọa vào ác đạo, ít kẻ được sinh vào nhân gian hay Thiên giới. Cũng vậy, chư Thiên các cõi trời Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại và Phạm thiên, sau khi họ xả bỏ thân chư Thiên rồi, phần nhiều sinh vào ác đạo, ít kẻ sinh vào cõi trời hay nhân gian. Lúc ấy cõi trời và nhân gian phần nhiều trống vắng.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.10.104 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập