Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 36: PHẠM THIÊN KHUYẾN THỈNH
(Phần 2)
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: ‘Tháp mà Ta chứng được rất cao siêu, khó thấy, khó biết, giống như vi trần khó trông thấy, là nơi không thể nghĩ bàn, là đạo không thể suy nghĩ. Ta không có thầy, không phải người có trí tinh xảo dạy Ta chứng pháp ấy. Nhưng các chúng sinh vướng mắc trong dục ý A-la-da nghĩa là dục lạc của ý (nhà Tùy dịch trước xứ), thích sống trong dục ý này, họ ở trong dục ý ưa thích lệ thuộc. Do tâm tham đắm này, họ khó thấy được pháp của Ta. Pháp ấy gọi là mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên là pháp tương sinh, tất cả chúng sinh không thể hiểu pháp này được, chỉ có Phật mới biết. Lại đối với nhiều nghi khó trừ và tất cả tà kiến Ta đều diệt sạch không còn. Đối với chỗ ái nhiễm, Ta đều lìa ham muốn, được tịch diệt Niết-bàn. Ta tuy đem những pháp như vậy nói với họ thì những chúng sinh ấy cũng chưa có khả năng chứng pháp này. Ta có nói ra cũng uổng công vô ích!”
Lúc ấy Đức Thế Tôn suy nghĩ như vậy là vì những pháp này xưa chưa từng nghe, chưa từng đạt được từ người khác, chưa có người nói ra mà chỉ tự mình biết rõ.
Ngài liền nói kệ:
Ta đã cực nhọc chứng pháp này.
Không thể vội vàng tuyên dương được
Ái dục, sân si nó buộc ràng
Tất cả chúng sinh bị nạn ấy.
Tâm trí tinh tế, lại ngược dòng
Vì điều thấy được như vi trần
Kẻ tham dục lạc khó thấy biết
Vì bị vô minh phủ tối tăm.
Do Như Lai thấy pháp rất cao siêu như vậy nên Ngài muốn vui cảnh vắng lặng, không muốn nói cho chúng sinh nghe. Có kệ:
Thấy các chúng sinh phiền não nặng
Tà kiến, tà đạo, nhiều lỗi lầm
Các pháp giải thoát sâu xa, khó
Biết vậy, muốn ở nơi thanh vắng.
Bấy giờ chủ thế giới Ta-bà là Đại phạm Thiên vương đang ở cung Phạm thiên, từ xa biết được Thế Tôn có tâm niệm như vậy. Biết rồi, Phạm thiên liền nghĩ: “Tất cả chúng sinh trong thế giới này mất nhiều lợi ích, vì ngày nay Đức Như Lai Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã chứng được pháp bảo như vậy, thành tựu hoàn hảo như vậy mà thế gian chưa hay biết, nhưng ý Ngài lại muốn vui cảnh thanh vắng, không muốn thuyết pháp!”
Khi ấy Phạm thiên vương trong thời gian ngắn như lực sĩ duỗi cánh tay, liền ẩn thân nơi cung trời Đại phạm, giáng xuống trước mặt Đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng về một bên, chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:
-Lành thay! Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sinh ở nơi thế gian đều mất hết điều lợi ích lớn, không có chỗ nương tựa. Hiện nay, Thế Tôn đã thật chứng Pháp bảo Vô thượng. Đã chứng rồi, bỗng nhiên Ngài muốn vui cảnh thanh vắng, không thích thuyết pháp. Con xin khuyến thỉnh Thế Tôn vì các chúng sinh chớ trụ trong cảnh tịch tĩnh. Cúi xin Đức Thiện Thệ từ bi thuyết pháp. Hiện nay có nhiều chúng sinh ít trần cấu, thiện căn thuần thục, kết sử yếu kém, lợi căn, dễ giáo hóa, không được nghe pháp, tất nhiên bị tổn giảm. Nếu bây giờ được Đức Như Lai thuyết giáo pháp thì để họ chứng được pháp tướng của thế gian.
Bấy giờ Đại phạm Thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, nói lời như vậy rồi, lại dùng kệ thỉnh Phật:
Thế Tôn đang ở nước Ma-già
Nói pháp nguyên nhân của chúng sinh
Trước mở cửa pháp diệu cam lộ
Sau theo thứ lớp nói tịnh pháp.
Như người không lên đảnh Tu-di
Làm sao thấy được toàn thế giới?
Đại Thánh đã thành đạo Bồ-đề
Mau lên pháp đường dùng mắt trí
Hướng dẫn đám mù lìa các khổ
Thương xót tất cả các chúng sinh,
Thế nên mau rời cội Bồ-đề
Du hành nhân gian tế độ khắp
Đã dược tự lợi hơn người, trời
Các khổ diệt sạch dược an lạc
Thiện căn chư Phật không tăng giảm
Chứng pháp thanh tịnh đến bờ kia
Thế gian không ai sánh bằng Phật
Huống chỉ muốn hơn làm gì có.
Ba cõi độc nhất xưng Thế Tôn
Tu-la chẳng phải là núi chúa
Thế gian đau khổ khởi từ bi
Nay Ngài không nên bỏ chúng sinh.
Đầy đủ năng lực không sợ hãi
Chỉ có Thế Tôn độ hàm linh
Chúng sinh từ lâu bị tên độc
Nghĩa là người, trời khắp thế gian
Gặp được Thế Tôn được nhổ khỏi
Nguyện vì họ làm chỗ quy y
Chư Thiên, nhân loại ở thế gian
Phát tâm muốn nghe pháp bí mật.
Nay Ngài thành tựu, họ cầu mong
Xin thuyết đừng để họ bị đọa.
Thế Tôn, theo như con biết được
Nếu nay chúng sinh biết pháp này
Nghe do người khác hay tự nghe
Liền đến Thế Tôn lễ sát chân.
Giả sử cha mẹ cùng nam nữ
Chết rồi xương rã, tóc phân tán
Mà chẳng sầu thấy mình qua đời
Và không khóc cho các người kia,
Họ chưa biết được Ngài thanh tịnh
Từ trời Đâu-suất giáng trần gian
Do vậy con nay thỉnh Thế Tôn.
Từ lâu lạc đường nay được hướng
Chẳng nghe chánh pháp vô lượng kiếp
Như người gầy ốm có được thịt
Như đất khô ran được tưới nước
Cúi xin Thế Tôn tuôn mưa pháp.
Pháp bảo, chư Phật đâu có tiếc
Chư Thánh ba đời ưa thí pháp
Chư Phật quá khứ nhập Niết-bàn
Không phải là không thuyết chánh pháp.
Tôn giả nay cũng dòng tối thượng
Độ khắp chúng sinh vô số lượng
Cùng Phật quá khứ không khác nhau
Ngày nay đứng lúc thuyết pháp lành
Mở mắt trong sáng cho nhân loại
Để cho họ thấy đường chân chánh
Rừng gai tà kiến Ngài xông pha
Chỉ bày đường thẳng lìa nguy hiểm
Đi trên đường này được cam lộ.
Thế Tôn, người mù sắp xa hố
Người khác cứu vớt đều không được
Chỉ Phật dẫn dắt mới an toàn
Lại dùng phương tiện dạy phát tâm
Nay đã đến lức nguyện chớ từ.
Nhiều kiếp mới gặp xin đừng hẹn
Như hoa Ưu-đàm lâu mới nở
Chư Phật xuất thế thật khó gặp
Bỗng nhiên nay gặp Đại Đạo Sư
Ngài có sức tinh tấn vô biên
Thân thể trang nghiêm đủ tướng tốt
Chưa dạy vì chưa người phát tâm.
Kim khẩu không nói lời sai khác
Pháp ấy ba đời Phật thành tựu
Do vậy hôm nay Ngài đã ngộ
Phát tâm tinh tấn để độ người
Phát nguyện đúng thời lời chân thật
Thế Tôn soi sáng diệt vô minh
Nguyện Phật sớm dựng cờ đại pháp
Tuyên dương chánh pháp thật hợp thời
Rống tiếng Sư tử như trống trời
Con nguyện Như Lai ngồi thuyền pháp
Vào đời hướng dẫn vô lượng chúng.
Thế Tôn qua khỏi biển phiền não
Chúng sinh chìm đắm cần ra khỏi
Như người gặp được kho của báu
Làm giàu kẻ khác mình không dùng
Thế Tôn đắc pháp kho vô tận
Nguyện vì chúng sinh thuyết rõ ràng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe bài kệ khuyến thỉnh của Đại Phạm vương, vì chúng sinh khởi lòng từ bi, quán sát trong thế gian, dùng Phật nhãn quán sát rồi, thấy có chúng sinh sinh ra và lớn lên trong thế gian: Có kẻ thông minh, có kẻ đần độn. Những chúng sinh như vậy, có người dễ thành tựu đạo quả, có người thấy tất cả tội khổ đời vị lai, nên sợ sệt không dám phóng dật, thì ở đời vị lai cũng có thể thành đạo.
Ví như có ao sen xanh, ao sen hồng, ao sen trắng và ao sen trắng lớn, trong đó có các loại hoa: hoặc xanh, hoặc hồng, hoặc trắng, hoặc hoa trắng lớn, từ dưới đất mọc lên chưa ra khỏi nước còn chìm trong nước chưa xuất hiện, cần bốn đại hòa hợp nuôi dưỡng, rồi sau đó mới ngoi lên khỏi mặt nước. Hoặc có những hoa sen xanh, hoa sen trắng... lên ngang mặt nước. Hoặc có những hoa sen xanh, hoa sen trắng... nở vượt lên trên mặt nước, không còn dính nước.
Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sinh trong thế gian cũng như vậy. Hoặc có chúng sinh sinh trong thế gian, lớn lên nơi thế gian: Hoặc có kẻ thông minh, hoặc có người đần độn, hoặc có kẻ dễ giáo hóa, hoặc có kẻ dễ đắc đạo... Ngài biết như vậy rồi, nói kệ với Phạm thiên vương:
Vua trời Đại phạm lắng nghe rõ
Ta đang sắp mở cửa cam lộ
Nếu có thính giả hoan hỷ đến
Chí tâm nghe Ta nói pháp mầu.
Khi Phạm vương nghe kệ rồi, suy nghĩ: “Đức Như Lai Thế Tôn sẽ thuyết pháp, muốn thuyết pháp! Đức Thế Tôn thương ta mà nhận lời thuyết pháp.” Vì việc này mà Phạm vương rất vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu ba vòng rồi biến mất.
Thuở ấy Đức Thế Tôn nghĩ: “Ta nên bắt đầu thuyết pháp ở đâu? Ai là người như ý của Ta? Biết được pháp thể của Ta để khi chứng rồi không làm phiền Ta?”
Khi ấy, Đức Thế Tôn nghĩ: “Người ấy là Ưu-đà-la Ca-la-ma tử, có tâm trí khôn lanh, biện giải thông minh, từ lâu đã thành tựu. Tâm tuy còn có ít trần cấu, các phiền não kết sử đã yếu kém, căn tánh thuần thục, trí tuệ mẫn tiệp. Ta nên đến gặp ưu-đà-la Ca-la-ma-tử, vì người này mà nói pháp đầu tiên. Giáo pháp Ta nói ra, người ấy có thể mau chứng ngộ.”
Đức Thế Tôn suy nghĩ như vậy rồi, khi ấy có một Thiên tử ở trên hư không, ẩn thân hướng đến nơi Đức Phật mà thưa:
-Bạch Thế Tôn, Ca-la-ma tử đã chết cách đây bảy ngày.
Trong tâm Thế Tôn thấy Ưu-đà-ma tử thật sự qua đời cách đây bảy ngày. Đức Thế Tôn lại nghĩ: “ưu-đà-ma-tử sau khi qua đời sẽ sinh vào cõi nào? Sẽ sinh lên cõi trời Phi phi tưởng.”
Khi ấy Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Tuổi thọ chúng sinh cõi trời Phi phi tưởng được bao nhiêu?”, thì tâm Thế Tôn liền biết tuổi thọ chúng sinh cõi trời Phi phi tưởng là tám vạn bốn ngàn đại kiếp.
Khi ấy tâm Thế Tôn suy nghĩ: “Ưu-đà-la Ca-la-ma tử nay đang ở cõi trời Phi phi tưởng. Sau khi xả tuổi thọ này lại sinh cõi nào?” Đức Thế Tôn dùng tâm biết được ông ta sau khi mạng chung đọa vào cõi Ta-bà làm loài chồn bay, mà sau khi thọ thân chồn bay rồi, hoặc sống trên nước, hoặc sống trên đất liền, hoặc bay trên hư không, thường ở trong đó sát hại các loài chúng sinh, hoặc cùng với các loài chúng sinh ấy hành dâm dục, sau khi báo thân hết, đói khát mà chết.
Khi ấy Đức Thế Tôn lại suy nghĩ: "Không biết ưu-đà-la Ca-la-ma-tử sau khi bỏ báo thân loài chồn bay sẽ thọ sinh vào cảnh giới nào?.” Lúc ấy tâm Thế Tôn liền biết ưu-đà-la Ca-la-ma tử sau khi mạng chung, bỏ thân chồn bay sẽ sinh vào trong địa ngục.
Rồi trong tâm Đức Thế Tôn lại suy nghĩ: “Ôi thôi, ôi thôi! ưu-đà-la Ca-la-ma tử, người nay không còn thọ sắc thân, mất lợi ích lớn, không được thọ báo thân tốt đẹp tuyệt hảo ở thế gian nên người không nghe diệu pháp này. Nếu nghe được diệu pháp của Ta, ngươi sẽ mau chứng pháp ấy.”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Lần đầu tiên Ta nên vì ai thuyết pháp? Khi Ta thuyết pháp, họ không chống lại pháp của Ta, chẳng làm Ta phiền não mà mau chứng pháp Ta nói?”
Lúc ấy trong tâm Đức Thế Tôn tư duy biết thế này: “A-la-la Ca-la-ma từ lâu đã thành tựu trí tuệ hết sức khôn ngoan, tâm vi tế thông minh, ít cầu nhiễm, kết sử yếu kém, căn tánh lanh lợi. Ta nay đến nơi A-la-la Ca-la-ma thuyết pháp đầu tiên, nếu ông ta nghe được pháp này, quyết định sẽ mau chứng biết.”
Đức Thế Tôn suy nghĩ như vậy rồi, liền khi ấy có một Thiên tử ẩn thân đến nơi Thế Tôn bạch:
-Thưa Đức Thế Tôn, A-la-la Ca-la-ma vừa chết ngày hôm qua. Lúc ấy Đức Thế Tôn lại suy nghĩ: “Người dòng A-la-la sau khi từ bỏ xác thân cõi này, không biết sẽ sinh về nơi nào?”
Ngay Lúc ấy trong tâm Thế Tôn liền biết: “A-la-la sau khi mạng chung ở cõi này sẽ sinh về cõi Bất dụng xứ.”
Đức Thế Tôn lại thầm nghĩ: “Không biết chư Thiên cõi trời Bất dụng xứ thọ mạng dài ngắn thế nào?.” Lúc bấy giờ trong tâm Thế Tôn liền biết chư Thiên cõi trời Bất dụng xứ thọ mạng có giới hạn, thọ mạng ấy là sáu muôn ba ngàn đại kiếp.
Đức Thế Tôn lại nghĩ: “A-la-la sau khi ở cõi trời Bất dụng xứ mạng chung, lại sinh vào cõi nào?.” Lúc ấy Đức Thế Tôn lại biết: “A-la-la sau khi ở cõi trời Bất dụng xứ mạng chung sẽ sinh trở lại cõi Ta-bà này, làm vua tại vùng biên địa không biết chánh pháp.”
Đức Thế Tôn lại nghĩ thế này: “A-la-la sau khi làm vua cõi biên địa không biết chánh pháp mạng chung lại thọ sinh vào cõi nào?” Lúc ấy trong tâm Thế Tôn lại biết: “A-la-la làm vua cõi biên địa, sau khi mạng chung sẽ sinh vào đại địa ngục.”
Đức Thế Tôn lại suy nghĩ thế này: “Ôi thôi, ôi thôi! Người dòng họ Ca-la-ma không thọ thân người là một sự mất mát lớn, không được điều thiện lợi, vì không được nghe diệu pháp của Ta. Nếu người nghe được pháp này, liền sẽ mau chứng pháp ấy. Phẩm 37: CHUYỂN DIỆU PHÁO LUÂN
(Phần 1)
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Trong thế gian có chúng sinh nào thân khẩu thanh tịnh ít trần cấu, các kết sử yếu kém, căn tánh thuần thục, trí tuệ lanh lợi? Khi Ta thuyết pháp đầu tiên không làm phiền não Ta, lại mau chứng pháp của Ta, để khỏi phí công Ta chuyển bánh xe pháp.”
Lúc ấy Đức Thế Tôn nghĩ: “Có năm vị Tiên nhân thuở trước cùng với Ta tu khổ hạnh, khi Ta tu khổ hạnh, họ phục vụ Ta, đem lại cho Ta nhiều điều lợi ích lớn. Họ đều là bậc ít trần cấu, các kết sử yếu kém, trí tuệ lanh lợi. Năm người này có thể lãnh thọ diệu pháp của Ta từ lần chuyển bánh xe pháp đầu tiên. Ta nay đến đó làm nơi thuyết pháp đầu tiên.”
Đức Thế Tôn lại nghĩ thế này: “Không biết năm vị Tiên nhân này ngày nay ở đâu?." Liền khi Ấy, Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người thường để quán sát, thấy năm vị Tiên nhân này đang sống trong vườn Nai, thuộc thành Ba-la-nại.
BẤy giờ Đức Thế Tôn ở lại chỗ cây Bồ-đề thời gian ngắn, định đi về hướng Ba-la-nại Có kệ:
Phật muốn thuyết pháp độ Ma-na
Đem tâm xem họ ở nơi nào ?
Mới biết mạng chung, sinh Thiên giới
Nhớ năm vị tiên, lần đến họ.
Bấy giờ Ma vương Ba-tuần thấy Đức Phật đứng dậy, sắp rời cây Bồ-đề, tâm rất khổ não, vội vã đến chỗ Đức Phật; đến nơi, bạch Phật:
-Lành thay! Thưa Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn đừng rời khỏi nơi đây. Xin Ngài an tọa, chẳng nên di động. Thế Tôn ở nơi đây tùy ý hành động.
Đức Thế Tôn bảo Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, ông không biết xấu hổ, không biết thẹn thùng. Trước kia ông muốn não hại Ta, lúc ấy Ta còn đầy đủ tham dục, sân hận, si mê, chưa dứt sạch, ông còn chưa não hại được, huống ngày nay Ta đã chứng quả Vô thượng Chí chân Bình đẳng Giác ngộ. Tất cả con đường tà Ta đã xa lìa, đã được chân chánh giải thoát.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ dưới cây Bồ-đề đứng dậy, ung dung chậm rãi đi về hướng thôn Chiên-đà-la (nhà Tùy dịch là Nghiêm Xí), rồi từ thôn Chiên-đà-la Ngài đi đến làng Thuần-bà-tư-di-la. Trên đường đi, Ngài gặp một khất sĩ Bà-la-môn tên là Ưu-ba-dà-ma (nhà Tùy dịch là Lai Sự), đi ngược chiều gặp nhau. Vị khất sĩ Bà-la-môn thấy Bà-la-môn Đức Phật liền thưa:
-Bạch Nhân giả Cù-đàm, thân Ngài da dẻ hết sức sạch sẽ, tốt đẹp, không có cáu bẩn, diện mạo nhân giả tròn đầy, cực kỳ trang nghiêm, các căn tịch định. Thưa Nhân giả Cù-đàm, thầy của Ngài là ai? Ngài theo ai cầu xuất gia? Làm Ngài vui thích đó là pháp gì?
Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi vừa dùng kệ đáp lời hỏi của vị khất sĩ Bà-la-môn:
Ta đã thu phục pháp thế gian
Thành tựu đầy đủ tất cả trí
Ở trong các pháp, không dính mắc
Thoát hẳn tất cả lưới khát ái
Hay vì kẻ khác nói thần thông
Do vậy gọi là Nhất Thiết Trí.
Ta nay đáng nhận thế gian cúng
Vô thượng Tối tôn Đấng Tự Tại
Tất cả người trời trong thế giới
Chỉ Ta thu phục các ma quân.
Ta không có thầy dạy giác ngộ
Thế gian không có ai sánh bằng
Tất cả trời, người, Ta độc nhất
Thân tâm thanh tịnh, đại giải thoát,
Tất cả thần thông đều thông đạt
Những điều đáng chứng đã chứng xong
Những nơi cần đến, Ta đã đến.
Cho nên xưng Ta: Thế Tôn thượng.
Giống như sen trắng nơi đầm nước
Hoa sen tuy mọc ở trong đầm
Nhưng chẳng bao giờ hoa dính nước
Ta ở thế gian cũng như vậy
Không bị thế gian làm ô nhiễm
Nên gọi Ta là Bậc Giác Ngộ.
Lúc bấy giờ Bà-la-môn ưu-ba-dà-ma lại bạch Phật:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, Ngài đang đi về đâu?
Đức Thế Tôn đáp:
-Ta nay sắp đi về nước Ba-Ia-nại. Bà-la-môn lại hỏi:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, Nhân giả đến đó để làm gì?
Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp lời Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:
Ta đang sắp chuyển diệu pháp luân
Do đó đến nước Ba-la-nại
Khiến kẻ mắt mù đều được sáng
Mở cửa đánh vang trống cam lộ.
Lúc bấy giờ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma lại bạch Đức Phật:
-Theo như ý của tôi, Trưởng lão Cù-đàm tự xưng đã chứng A-la-hán, dẹp tan các phiền não, nghĩa ấy như thế nào?
Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:
Cần phải biết Ta dẹp các oán
Tất cả các lậu đều dứt sạch
Pháp ác thế gian đều diệt sạch
Nên Ta được xưng Chân Chánh Tôn.
Lại có kệ:
Cớ gì được lợi tự nuôi mình
Không làm ích lợi cho kẻ khác?
Thấy kẻ mù lòa không thương xót
Được đạo hơn người cùng sử dụng
Mình vượt lên bờ, thấy kẻ đuối
Nếu không cứu vớt chẳng người thiện
Mình được kho tàng thấy người khổ
Mà không bố thí đâu người trí
Trong tay có sẵn thuốc cam lộ
Thấy người mắc bệnh không chữa trị
Đồng hoang đáng sợ được đường đi
Thấy kẻ lạc đường nên hướng dẫn.
Như chốn tối tăm làm đèn sáng
Sáng cả, tâm Ta nào keo kiết
Phật thuyết ánh sáng cũng như vậy
Với sự việc này không chấp trước.
Bấy giờ khất sĩ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma nói lớn:
-Thôi, Trưởng lão Cù-đàm!
Ông ta đập tay vào đùi, vế, tránh Đức Phật, rẽ xuống bên đường đi về hướng Đông.
Bấy giờ, ở nơi đó có một Thiên thần thuở xưa là bạn thân của Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma từng sống bên nhau. Thiên thần muốn khất sĩ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma làm điều lợi ích, được sự lợi ích, được sự an lạc, giải thoát không còn sợ sệt, nên dùng kệ khuyên Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:
Nay gặp Vô thượng Thầy trời người
Không biết Thế Tôn chí chân giác
Lõa thân tà kiến muốn đi đâu?
Ông sẽ bị khổ nạn gần kề.
Gặp Ngài Điều Ngự Sư như vậy
Bỏ đi chẳng phát tâm cúng dường
Tay chân cho ông công đức gì?
Hãy phát tín tâm cung kính Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn từ Châu Lang Na-sa-đà-la (nhà Tùy dịch là Vô Dốc Chùy) ung dung hướng về xóm Ca-lan-na-phú-la (nhà Tùy dịch là Nhĩ Thành), rồi từ xóm Ca-lan-na-phú-la chậm rãi đi về làng Sa-la-di (nhà Tùy dịch là Ngự Thành), rồi từ làng Sa-la-di ung dung đi về làng Lô-ê-đa-kha-tô-đâu (nhà Tùy dịch là Bế Tắc thành), rồi từ thành Bế Tắc hướng về sông Hằng. Khi đến bờ sông rồi, Ngài hướng về người lái đò. Đến nơi, Ngài nói với người lái đò:
-Lành thay, nhân giả! Xin người giúp cho tôi sang bên kia sông.
Người lái đò nói:
-Xin Ngài cho tiền đò, rồi sau đó tôi sẽ đưa Tôn giả qua sông.
Đức Thế Tôn nói với người lái đò:
-Ta nay không có gì để đưa tiền đò, vì Ta đã bỏ tất cả của báu, dù cho có thấy nó, Ta xem giống như sỏi, đá, đất cát. Dù có người cắt lấy một tay của Ta và ngược lại có kẻ khác đem bột thơm chiên-đàn thoa trên tay Ta, tâm Ta đối với hai người này ngang nhau. Do vậy, Ta không có của để trả tiền đò cho ngươi.
Người lái đò lại nói:
-Thưa Tôn giả, nếu Ngài cho tiền đò, thì tôi liền đưa Ngài qua sông. Vì sao? Vì tôi chỉ nhờ vào nghề này để sinh sống và nuôi lấy vợ con.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn vượt mắt người thường, thấy một bầy nhạn năm trăm con bay trên hư không, từ bờ phía Nam sông Hằng hướng về phía Bắc. Thế Tôn thấy rồi, liền nói với người lái đò nói kệ:
Bầy nhạn bay qua khỏi sông Hằng
Nào từng hỏi giá người lái đò?
Mỗi thân chim nhạn tung sức mình
Bay trên hư không tùy ý đến
Ta nay cần phải dùng thần thông
Bay lên hư không như chim nhạn
Qua đến phía Nam bờ sông Hằng
An ổn đứng vững như Tu-di.
Khi ấy người lái đò thấy Đức Phật qua khỏi sông, hết sức ăn năn hối hận, nghĩ thế này: “Ôi thôi! Ôi thôi! Ta gặp được ruộng phước Bậc Đại Thánh mà không biết đưa qua sông để cúng dường. Ôi thôi! Ôi thôi! Ta mất điều lợi ích lớn!.” Nghĩ như vậy rồi, ông ta ngã nhào trên đất chết giấc.
Người lái đò hôn mê một giây lâu rồi tỉnh lại, đứng dậy, vội chạy đốn chỗ vua Tần-đầu, là lãnh chúa nước Ma-kiệt-đà, tâu lên sự việc này. Vua Tần-đầu-sa-la, nước Ma-kiệt-đà nghe việc như vậy rồi liền nói:
-Khanh là kẻ phàm phu làm sao biết người nào có thần thông, người nào không thần thông! Do vậy, từ nay về sau hễ tất cả người xuất gia đến bến muốn qua đò, khanh không được hỏi phải quấy. Hễ có ai đến, chớ nên lấy tiền đò, tùy ý họ muốn qua thì chở họ qua.
Khi Đức Thế Tôn bay qua sông Hằng, đến bờ bên kia rồi, lại dùng thần thông bay từ bờ sông về thành Ba-la-nại. Thuở ấy thành này có một ao nước, dưới ao này có một con rồng, Long vương này tên là Thương Khư (nhà Tùy dịch là Loa). Thế Tôn bay đến, hạ xuống bên ao. Nơi bàn chân Đức Phật hạ xuống, sau này Long vương xây một ngôi tháp tên là Di-trì-già (nhà Tùy dịch là Thổ Tháp). Đức Như Lai trải qua ở đây một đêm, chờ đến giờ khất thực ngày hôm sau. Ở chỗ chờ này về sau có xây một ngôi tháp đặt tên là Tháp Chờ qua một đêm.
Có kệ:
Chư Phật ban đêm không vào làng
Chờ đúng giờ ăn mới khất thực
Đi không đúng lúc bị họa lớn
Chúng Thánh làm việc phải hợp thời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn y theo pháp khất thực, giờ ăn nước Ma-kiệt-đà sắp đến, Ngài đi vào cửa Tây thành Ba-la-nại, ở trong thành theo thứ tự khất thực. Khất thực xong, theo cửa Đông ra khỏi thành. Ra khỏi thành, Ngài tiến đến bờ sông, ngồi ngay ngắn mà ăn. Ăn xong, Ngài tắm rửa rồi hướng mặt về phương Bắc chậm rãi đi đến rừng Nai.
Có kệ:
Vườn Nai chim thú cất tiếng kêu
Là nơi chư Thánh đời trước ở
Thế Tôn thân phóng hào quang sáng
Tiến đến rừng Nai như mặt nhật.
Năm vị Tiên nhân từ xa trông thấy Đức Thế Tôn tiến dần đến chỗ mình, cùng nhau bàn bạc cam kết:
-Này các Trưởng lão, kẻ đến kia là Sa-môn Cù-đàm dòng họ Thích, sắp đến chỗ chúng ta. Đây là người giải đãi đánh mất thiền định, toàn thân bị ràng buộc nên chúng ta không cung kính người, không lễ bái người, không tiếp rước người, không bố trí chỗ ngồi cho người ấy. Tuy nhiên vẫn để tùy ý muốn ông ta, ngồi đâu tự ý.
Chỉ riêng Kiều-trần-như, tâm không chịu cam kết như vậy, nhưng không tỏ lời phán kháng. Họ cùng nhau nói kệ:
Cù-đàm, giải đãi nay bỗng đến
Năm tiên chúng ta đều nhất trí
Hoàn toàn không kính, không lễ bái
Người trái lời thề, không nên tiếp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn tiến đến chỗ năm vị tiên. Khi Ngài đến gần, các Tiên nhân không thể ngồi yên, không thể giữ được lời thề, tự nhiên muốn đứng dậy, như chim Xà-câu-ni ở trong lồng sắt, mà bên ngoài có người đốt lửa dữ dội. Vì lưới nóng, chim không thể đứng yên, muốn bay muốn chạy. Năm vị Tiên nhân giống như vậy, thấy Đức Thế Tôn, bỗng nhiên hoảng hốt, từ chỗ ngồi đứng dậy. Khi ấy, năm vị Tiên nhân này, có người trải tòa ngồi, có người mang nước đến để Phật rửa chân, có kẻ mang đá rửa chân và dép da đến, có người bưng bồn đầy nước đến, hoặc sau khi Đức Phật rửa chân rồi, đem ván đến để lót chân, hoặc có người tiếp lấy ba y và bình bát, cùng xướng lên:
-Lành thay, Trưởng lão Cù-đàm đến! Mời Ngài ngồi trên tòa này.
Có kệ:
Hoặc người tiếp bát và ba y
Hoặc lại đảnh lễ dưới chân Phật
Hoặc người sửa soạn trải tòa ngồi
Hoặc đem bình nước và bình rửa.
Lúc ấy Đức Thế Tôn ung dung an tọa trên tòa đã bày sẵn. Thế Tôn ngồi xong, suy nghĩ: “Những người này đều là kẻ ngu si, đều phát lời thề như vậy, rồi tự trái lại, không giữ lời.”
Khi thấy Đức Thế Tôn ngồi rồi năm vị Tiên nhân, bạch Phật: -Thưa Trưởng lão Cù-đàm, thân thể sắc da của Ngài tươi sáng
thanh tịnh, khuôn mặt tròn đầy, quang minh rực rỡ, các căn tịch định. Chắc có lẽ Trưởng lão Cù-đàm gặp được pháp cam lộ tuyệt hảo, hay chứng được Thánh đạo cam lộ thanh tịnh?
Khi ấy Đức Thê Tôn liền bảo năm vị Tiên nhân:
-Này các Tiên nhân, chẳng nên gọi Như Lai là Trưởng lão. Tại sao như vậy? Tiên nhân các ông ở tương lai sẽ gặp nhiều đau khổ lâu dài. Vì sao? Vì Ta đã chứng pháp cam lộ. Ta đã chứng đạo cam lộ. Các ông theo điều Ta dạy, các ông nghe điều Ta nói. Ta sẽ chỉ dạy các ông, các ông nghe lời Ta nói, không được trái lại. Nếu nghe lời Ta dạy thì sống thanh tịnh. Nếu có kẻ thiện nam và tín nữ nào y theo lời Ta dạy, chánh tín xuất gia, xa lìa gia đình, cạo bỏ râu tóc, chí cầu phạm hạnh vô thượng, phạm hạnh trọn vẹn thì hiện tại thấy được các pháp, thần thông tự tại, chứng được các hạnh, tự xướng lên: “Ta nay đã đoạn sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.” Các ông phải biết như vậy.
Có kệ:
Năm vị tiên gọi họ của Phật
Thế Tôn ban ân thương họ dạy:
Các ông chớ có ý kiêu căng
Dẹp bỏ ngã mạn, cung kính Ta
Ngã mạn hay không, Ta bình đẳng
Ta muốn chuyển hóa nghiệp các ông
Ta nay thành Phật, hiệu Thế Tôn
Vì các chúng sinh làm lợi ích.
Đức Thế Tôn nói kệ rồi, năm vị Tiên nhân bạch Phật:
-Ngày xưa Trưởng lão Cù-đàm tu hạnh này, cầu đạo này, hành khổ hạnh như vậy mà chưa chứng pháp Thượng nhân, chẳng đồng tri kiến với các bậc Thánh nhân; huống chi ngày nay Ngài giải đãi, đánh mất thiền định, giải đãi buộc chặt lấy thân.
Đức Thế Tôn lại quở trách năm vị Tiên nhân:
-Các ông đã thành Tiên nhân, chớ nói lời như vậy! Như Lai chẳng phải giải đãi, chẳng phải mất thiền định. Ta chẳng phải bị giải đãi trói buộc. Này cấc Tiên nhân, Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta đã chứng pháp cam lộ. Ta đã được đạo cam lộ. Này năm vị Tiên nhân, các ông nên nhận lời dạy của Ta, nghe pháp của Ta. Này các ông, nếu các ông chịu nghe lời dạy của Ta, Ta sẽ chỉ dạy các ông. Các ông y theo giáo pháp của Ta, chớ nên chống trái, thực hành giáo pháp ấy thì tương lai các ông khỏi thọ thân đời sau.
Năm vị Tiên nhân lại bạch:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, ngày xưa Ngài tu hành như vậy, cầu đạo như vậy, hành khổ hạnh như vậy mà không chứng pháp Vô thượng, chẳng đồng trì kiến với các bậc Thánh nhân. Cho đến hôm nay bị giải đãi ràng buộc lấy thân!
Bấy giờ, Thế Tôn lần thứ ba bảo năm vị Tiên nhân:
-Này các Tiên nhân, các ông hãy nhớ lại thuở trước, Ta đã từng nói lời dối gạt các ông chưa?
Năm vị Tiên nhân trả lời:
-Thưa Tôn giả, Ngài chưa từng nói dối.
Lúc ấy Đức Thế Tôn đưa lưỡi ra khỏi miệng, đụng đến hai lỗ tai, đến hai lỗ mũi. Chiếc lưỡi phủ kín hai lỗ mũi, rồi dùng lưỡi tự liếm lấy mặt, lại phủ cả mặt. Sau khi phủ mặt rồi, lưỡi thu về vị trí cũ. Sau khi lưỡi đã trở về trạng thái bình thường như cũ rồi, Đức Phật lại bảo năm vị Tiên nhân:
-Này các Tiên nhân, mắt của các ông đã từng thấy, hoặc tai của các ông đã từng nghe: Người vọng ngữ mà có chiếc lưỡi thần thông như vậy không?
Năm vị Tiên nhân đáp:
-Thưa Tôn giả, không có như vậy.
Đức Phật dạy:
-Vì vậy các ông không nên cho Như Lai là giải đãi, Như Lai cũng không mất thiền định, Ta cũng không bị giải đãi ràng buộc. Này các Tiên nhân phải biết: Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã chứng pháp cam lộ, đã biết đạo cam lộ, các ông nên thọ lãnh giáo pháp của Ta chỉ dạy. Nghe giáo pháp của Ta, các ông phải y vào pháp ấy mà tư hành không trái giáo pháp của Ta. Nếu có thiện nam tín nữ nào muốn xả tục xua\ất gia... thì không còn thọ thân đời sau nữa.
Khi Đức Thế Tôn dạy bảo các vị Tiên nhân bằng những lời như trên thì tất cả y phục, hình thức của ngoại đạo, ý nghĩ của ngoại đạo và những gì của ngoại đạo của các vị ấy chất chứa đều bị tiêu diệt hết. Đồng thời y phục trên thân của năm vị Tiên nhân biến đổi thành pháp y, tay bưng bình bát, râu tóc tự nhiên rụng sạch giống như vừa mới cạo cách đây bảy ngày, đầy đủ oai nghi, hình dung giống như vị Tỳ-kheo một trăm hạ. Mọi cử chỉ, oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều theo đúng pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, tùy theo sức của mỗi người, hãy quán sát phương Đông.
Khi ấy các Tỳ-kheo muốn quán sát phương Đông, mà ngược lại liền thấy phương Tây.
Biết tâm họ, Đức Thế Tôn lại bảo:
-Này các Tỳ-kheo, tùy theo sức của mỗi người, hãy quán sát phương Tây.
Khi ấy các Tỳ-kheo muốn quan sát phương Tây, lại thấy phương Bắc.
Đức Thế Tôn lại bảo:
-Này các Tỳ-kheo, hãy quán sát phương Bắc.
Các Tỳ-kheo muốn quán sát phương Bắc mà ngược lại liền thấy phương Nam.
Đức Thế Tôn lại bảo:
-Này các Tỳ-kheo, hãy quán sát phương Nam.
Các Tỳ-kheo liền thấy phương Bắc.
Đức Thế Tôn lại bảo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông hãy quán sát phương trên.
Các Tỳ-kheo liền thấy phương dưới.
Đức Phật lại bảo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông hãy quán sát phương dưới.
Ngược lại, họ liền thấy phương trên.
Đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
-Các ông cũng tùy sức mình, quán sát các phương.
Các Tỳ-kheo muốn quán sát các phương, ngược lại liền thầy phương chính giữa.
Đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
-Các Ông hãy quán sát phương chính giữa.
Các Tỳ-kheo muốn quán sát phương chính giữa, ngược lại, liền thấy các phương khác.
Đức Thế Tôn đem lời dạy bảo năm vị Tỳ-kheo, khiến tất cả đều được hoan hỷ, khiến họ tùy thuận, chứng được chân lý, hết sức vui mừng.
Khi ấy năm vị Tỳ-kheo tâm đã được khai ngộ, luôn luôn theo bên Thế Tôn để học hỏi, lắng nghe lời Thế Tôn chỉ dạy, tùy thuận ý Thế Tôn, không còn chống trái, chăm chú lắng nghe lời Thế Tôn, hầu hạ bên mình, không chút xa cách.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.117.107 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.