Trong chuyến sang Ấn Độ đầu tiên vào năm 1970, tôi đã được chứng kiến nhiều cảnh rất kỳ lạ khiến tôi bị sửng sốt. Điều làm tôi sửng sờ nhất là khi tôi đi dọc trên đường phố ở Bombay, tôi thấy có những cô gái được trưng bày trong những cái lồng như ở sở thú, để bán cho những người mua vui. Đa số là những em còn rất trẻ, bị gia đình bán cho những tổ chức bất lương thao túng nạn mãi dâm ở Ấn Độ, để kiếm tiền nuôi gia đình.
Ký ức về hình ảnh ấy vẫn còn rất rõ rệt trong tâm tôi. Bây giờ, sau hai mươi lăm năm, Bombay có khoảng 100.000 cô gái giang hồ, và tỷ số người bị nhiễm HIV có hơn 52 phần trăm. Bệnh AIDS đang lan tràn nhanh chóng trong xứ, đến nỗi Liên Hiệp Quốc đã tiên đoán chỉ trong một thời gian ngắn Ấn Độ có thể sẽ dẫn đầu thế giới về số người mắc bệnh này. Ngọn thủy triều khổ đau đã quá cao vời vợi, và dường như sự việc sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Sự lan truyền nhanh chóng của HIV ở Ấn Độ được đóng góp bởi nhiều yếu tố. Tình trạng nghèo túng khiến ngay cả trong những bệnh viện của chánh phủ cũng bị thiếu hụt dụng cụ rất trầm trọng, những ống và kim chích được sử dụng lại nhiều lần là một mối đe dọa lây truyền rất lớn. Và thêm nữa, hoàn cảnh đau thương của các cô gái giang hồ chỉ làm tình trạng tồi tệ thêm mà thôi.
Một trong những điều kiện cơ bản cho sự phát triển khổ đau, dù ở Ấn Độ hay bất cứ một nơi nào, chính là thái độ phủ nhận. Đóng kín tim óc mình lại trước những khổ đau, cho dù là trong ta hay trong kẻ khác, chỉ bảo đảm là nó sẽ tiếp tục mà thôi. Dù vậy, khi ta chứng kiến một khổ đau quá to tát, và không phủ nhận hoặc trốn tránh nó, ta có thể sẽ cảm thấy bị tràn ngập. Tôi còn nhớ khi đi trên con đường phố ấy ở Bombay, nhìn những cô gái kia và cảm thấy bất lực, tôi muốn làm một điều gì đó mà không biết phải làm gì.
Muốn làm một điều gì cho thế giới này, trước hết chúng ta phải có can đảm dám đối diện với khổ đau mà không ngoảnh mặt. Chỉ cần đi trên đường phố Bombay, tôi đã đối diện với rất nhiều: nỗi khổ đau của phụ nữ và trẻ em, nỗi khổ đau của nghèo đói và tật bệnh, nỗi khổ đau của si mê, nỗi khổ đau của sự bất lực trước một nhu cầu quá lớn, và nỗi khổ đau vì không biết mình phải làm gì.
Ở Ấn Độ, không có nhiều cánh cửa đóng kín để che giấu những nỗi thống khổ, nhưng cánh cửa chủ yếu nhất, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, là con tim chúng ta. Khi ta biết mở rộng ra trước những nỗi đau chung quanh với tuệ giác và tình thương, ta sẽ có thể kinh nghiệm được mối liên kết mật thiết giữa tất cả mọi loài. Martin Luther King Jr. nói:
“Thật ra thì mọi sự sống đều có liên hệ với nhau. Tất cả mọi người đều bị dính trong màn lưới hỗ tương chằng chịt này, cột vào trong một vận mệnh duy nhất. Cái gì ảnh hưởng trực tiếp một người sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi người khác. Tôi không thể nào trở thành con người thật của tôi, trừ phi bạn trở thành con người thật của bạn. Và bạn cũng sẽ không thể nào trở thành con người thật của bạn, trừ phi tôi là con người thật của tôi. Đó là cấu trúc liên kết hỗ tương của thực tại.”
Khi ý thức được sự liên kết mật thiết này của thực tại, ta sẽ bị thúc đẩy hành động để chuyển đổi khổ đau. Và cho dù ta có chọn một hành động gì đi nữa, dù có nhỏ nhoi đến đâu, nó vẫn là bằng chứng cho sự quyết tâm của ta, muốn đem ý nguyện muốn được giải thoát của kẻ khác làm của mình.
Chân lý về sự tương quan liên kết này - về hạnh phúc khổ đau của ta cũng chính là hạnh phúc và khổ đau của kẻ khác, và ngược lại - lúc nào cũng có mặt trong giờ phút hiện tại này. Chỉ cần ta dám mở mắt ra để nhìn. Nó có mặt trong sự lan rộng của AIDS, một chứng bệnh không có biên giới. Lần đầu tiên tôi nghe nói về AIDS, nó là một căn bệnh hiếm hoi và xa lạ, và tôi không bao giờ tưởng tượng là mình sẽ biết đến mấy ai chết vì nó. Bây giờ thì tôi có một số người quen đang mắc chứng bệnh ấy, và đã biết một số bạn bè chết vì nó! Ít còn một ai trên thế giới này mà cuộc sống lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh đó, bằng cách này hay cách khác.
Vì vậy, bằng một lối vi tế nhưng rất thực, tôi đã thấy được khổ đau và giải thoát của chính tôi nằm ngay trong sự quyết tâm đối diện với nỗi đau của các em gái trong những cái chuồng ở Bombay. Sự chuyển hướng trong cái nhìn của tôi để bao gồm luôn chúng - thay vì làm ngơ hoặc chối bỏ như chúng chẳng liên quan gì đến mình - cũng chính là sự chuyển hướng cho một nhận thức mới, phá tan đi ảo giác về sự biệt lập của mình.
Trong ảo giác ấy, ta tưởng mình là một ốc đảo riêng biệt, chỉ liên hệ với một số người nào đó, như là gia đình, bạn bè mà thôi. Chúng ta dựng lên một hàng rào chung quanh ốc đảo của ta để chống đỡ, bảo vệ nó. Dần dà ta xây thêm những thành lủy cao sâu, và rồi cuối cùng cả một lối sống để duy trì ảo tưởng ấy. Chúng ta lạc trong một cảm giác bị tách rời và cho rằng quan tâm đến kẻ khác là vô ích. Và chỉ khi nào tiếp xúc được với thực tại, ta mới có thể kinh nghiệm được sự liên hệ mật thiết giữa mình và một sự sống toàn vẹn hơn. Với tuệ giác và tình thương, ta có thể tìm thấy được một nơi trú ẩn thật sự trong toàn thể loài người. Biết mở rộng ra trước khổ đau của kẻ khác có thể mang lại cho ta sự bứt rứt, khó chịu, nhưng chúng ta, và có lẽ cả thế giới này nữa, sẽ được chuyển hóa nhờ sự cởi mở ấy. Chúng ta sẽ có khả năng đáp ứng lại khổ đau bằng một tình thương vô bờ bến, thay vì là sự sợ hãi và ghét bỏ. Và chỉ duy có tình thương mới có thể rộng lớn đủ để ôm trọn hết mọi khổ đau trên cuộc đời này.