Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 45 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 45

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 46: HIẾN CÚNG RỪNG TRE
(Phần 2)

Thuở ấy, trong đại thành Vương xá có một trưởng giả tên là Ca-lan-đà, là hàng đại phú trong nước, có nhiều tài sản, đông đúc kẻ hầu hạ, cho đến nhà cửa giống như cung điện của Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Trưởng giả Ca-lan-đà có một rừng tre, cách thành Vương xá không xa, có thể làm chỗ ở cho bậc thiện nhân, nên các đạo nhân thường lai vãng đến tu tập trong khu rừng này. Các đạo nhân đó là A-kỳ-tỳ-già (nhà Tùy dịch là Tà Mạng).
Sư Ca-diếp-di nói:
Lúc ấy có bốn vị Đại thiên vương trấn bốn phương, bảo Dạ-xoa thân màu xanh:
-Các ngươi cấp tốc đến vườn tre của Ca-lan-đà, rưới nước quét dọn tất cả sỏi sạn, đất đá, gai góc phẩn uế; các mô đất đều được san bằng, không còn hầm hố, sao cho sạch sẽ vì hôm nay Đức Thế Tôn sắp an cư kiết hạ trong vườn này.
Chúng Dạ-xoa màu xanh nương theo oai lực của bốn vị Đại thiên vương dạy như vậy, liền bạch:
-Y theo lời Thiên vương dạy.
Rồi lập tức đi đến vườn tre, tưới nước quét dọn sạch sẽ... đều được bằng phẳng, hết sức trang nghiêm.
Vào buổi sáng sớm hôm đó, khi sao mai vừa xuất hiện, một đạo nhân A-kỳ-tỳ-già thấy có bốn vị Dạ-xoa màu xanh đến vườn tre, rưới nước quét dọn. Thấy vậy, vị ấy liền đến hỏi bốn vị ấy:
-Các Trưởng lão làm gì? Các ngài là ai?
Các Dạ-xoa đáp:
-Thưa nhân giả, chúng tôi là những Dạ-xoa màu xanh, được Tứ Thiên vương sai đến vườn tre này quét dọn, rưới nước..., dọn dẹp bằng phẳng, vì hôm nay Như Lai sắp đến đây an cư trải qua mùa hạ này. Vì lý do đó, chúng tôi đến quét dọn.
Sáng ngày, đạo nhân A-kỳ-tỳ-già vội vã đi đến chỗ trưởng giả Ca-lan-đà. Đến nơi, đạo nhân báo tin cho trưởng giả biết:
-Này đại trưởng giả, nay trưởng giả phải biết, khi trời gần sáng, sao mai xuất hiện, tôi thấy có bốn vị Dạ-xoa màu xanh tưới nước quét dọn nơi vườn tre. Thấy vậy tôi đến hỏi họ: “Các vị Trưởng lão là ai?” Họ đáp: “Chúng tôi là Dạ-xoa màu xanh, được Tứ Thiên vương sai đến quét dọn vườn này.” Và họ cũng nói: “Chúng tôi đến vườn tre này quét dọn, sửa san bằng phẳng sạch sẽ, vì Đức Thế Tôn hôm nay sắp đến đây để an cư, cho nên chúng tôi đến đây quét dọn, sửa soạn.”
Rồi đạo nhân A-kỳ-tỳ-già nói với trưởng giả Ca-lan-đà:
-Trưởng giả nên đến vườn tre trước, để hiến dâng vườn này cho Sa-môn Cù-đàm thọ dụng. Tôi e rằng sau này vua Tần-đầu-sa-la đoạt vườn tre này hiến dâng cho Cù-đàm. Này trưởng giả, ngay lúc bấy giờ tôi SỢ mất công đức bố thí này nên trưởng giả không được lơ đểnh bỏ qua cơ hội.
Đại phú trưởng giả Ca-lan-đà nghe đạo nhân A-kỳ-tỳ-già nói như vậy, liền đi đến gặp Đức Phật. Trên đường đi ngược chiều, trưởng giả Ca-lan-đà còn cách Phật nửa do-tuần, xa xa trông thấy Đức Thế Tôn từ trước tiến lại, tôn nhan đoan chánh, mọi người đều thích trông ngắm, cho đến các tướng tốt trang nghiêm trên thân, giống như bầu trời ban đêm được các vì sao tô điểm. Thấy vậy, trưởng giả liền đến trước Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, tay cầm bình vàng, rót nước sạch trên tay Thế Tôn.
Bấy giờ trưởng giả thưa:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, con ở thành Vương xá, tên là Ca-lan-đà, con có một vườn tre, cách thành Vương xá không xa, có thể làm chỗ an trú cho bậc thiện nhân. Con nay muốn đem khu vườn này dâng cúng cho Thế Tôn. Xin Ngài rủ lòng thương xót tiếp nhận vườn tre này.
Đức Phật bảo trưởng giả Ca-lan-đà:
-Nếu có người bố thí cúng dường Phật hoặc khu vườn, hoặc nhà đất, hoặc y phục, hoặc những của cải khác. Các vật ấy được đem bố thí vô điều kiện cho Phật rồi, thì các vật ấy trở thành chùa tháp trong trời người, những kẻ khác không được dùng.
Đức Phật bảo:
-Ngày nay trưởng giả nên đem vườn tre này cúng cho chư Tăng bốn phương. Như vậy, tất cả đại chúng hiện tại hay vị lai đều được sử dụng.
Đức Như Lai khuyên dạy công đức bố thí to lớn như vậy. Trưởng giả Ca-lan-đà nghe Đức Phật dạy như vậy, liền bạch Phật:
-Y theo lời Thế Tôn dạy, con không dám trái lời.
Rồi trưởng giả lại bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, con nay đem vườn tre này hiến cúng cho tất cả chư Tăng trong ba đời được tùy ý sử dụng. Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương xót thọ dụng khu vườn này.
Đức Thê Tôn vì thương xót trưởng giả Ca-lan-đà nên thọ nạp khu vườn này, rồi Thế Tôn vì thương xót trưởng giả nên nói kệ chú nguyện, bài kệ y như ở trên:
Bao nhiêu cây cối ở trong vườn
... ....
Tín kính kiên cố được sinh Thiên.
Đây là lần đầu tiên Đức Thế Tôn thọ nhận cúng dường vườn tre. Lúc ấy, Đức Thế Tôn cùng một ngàn đại Tỳ-kheo đều là cựu Tiên nhân Phạm chí Loa kế xuất gia, ở trong vườn tre Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.
Phẩm 47: NHÂN DUYÊN CỦA ĐẠI CA-DIẾP
(Phần 1)

Có một vị sư nói thế này: Thuở ấy cách thành Vương xá chẳng gần chẳng xa, có một thôn tên là Tân thụ lập.
Sư Ma-ha Tăng-kỳ lại nói: “Tại thành Vương xá, nước Ma-già-đà có một làng tên là Ma-ha Sa-đà-la (nhà Tùy dịch là Đại trạch điền), nơi đây có một thôn Bà-la-môn, thôn này lại mang tên là Ma-ha Sa-đà-la. Trong thôn này có một vị Bà-la-môn đại phú tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba (nhà Tùy dịch là Kham Dụng Thọ). Vị đại trưởng giả này hết sức giàu có, nhiều người hầu hạ phục dịch, cho đến nhà cửa giống như cung trời Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Vị Bà-la-môn này thông lãnh năm trăm thôn, phân chia cho các thuộc hạ quản lý.”
Lúc bấy giờ vua Tần-đầu-sa-la, nước Ma-kiệt-đà có một ngàn con bò cày, còn trưởng giả Ni-câu-lô-đà-yết-ba đàn bò chỉ thiếu một con là đủ ngàn con. Vì sao vậy? Vì sợ Đại vương Tần-đầu sinh tâm ganh tỵ, do đó đàn bò của Bà-la-môn này ít hơn. Nhưng Bà-la-môn lại có đàn lục súc không thể đếm được số lượng, chỉ biết tổng quát nhiều ít mà thôi. Kho tiền vàng của trưởng giả tổng cộng tất cả hai mươi lăm kho.
Thuở ấy, người vợ của đại phú Bà-la-môn du ngoạn vui chơi nơi thượng uyển, nhân tiện bà đến ngồi dưới gốc cây Tất-bát-la. Người đàn bà này đang mang thai, lúc ấy bà ta hạ sinh một đồng tử ở dưới gốc cây này. Đồng tử hình dung đoan chánh, khôi ngô, đẹp như tượng vàng, ai cũng thích trông ngắm, thế gian không ai sánh bằng. Khi sinh đồng tử, dưới gốc cây này xuất hiện một thiên y tuyệt đẹp. Vì cha mẹ đồng tử thấy thiên y xuất hiện nên thầm nghĩ: “Thiên y này nhất định là do phước của đồng tử mà ra.” Do điềm này mà đặt tên cho đồng tử là Tất-bát-la-da-na (nhà Tùy dịch là Thọ Hạ Sinh). Vì nhân duyên đồng tử sinh dưới gốc cây này nên lấy đó mà đặt tên, tương truyền gọi là Tất-bát-la-da-na.
Rồi cha mẹ giao đồng tử cho bốn bà vú nuôi. Một bà vú lo bồng bế, một bà vú lo bú mớm, một bà vú dẫn đi chơi và một bà vú chăm sóc việc nuôi dưỡng. Bốn bà vú lo các việc nuôi dưỡng, tắm rửa, bồng bế, mua vui và cho bú mớm, mong sao cho đồng tử mau lớn khôn. Vì vợ chồng đại phú trưởng giả Bà-la-môn chỉ có một đồng tử Tất-bát-la-da-na rất yêu quý, không cho rời xa dù trong giây lát. Nếu có chuyện phải xa đồng tử thì trong lòng họ chẳng vui.
Đồng tử do nhân duyên phước đức nên trong thời gian nuôi dưỡng chẳng bao lâu, đồng tử lần lần khôn lớn, biết đi biết chạy, trí tuệ phát triển, Đến khi vừa tròn tám tuổi, cha mẹ liền cho đồng tử thọ giới pháp Bà-la-môn. Sau khi đồng tử thọ giới pháp rồi, cha mẹ lại phú chúc gia nghiệp và dạy các nghề, pháp thức tế tự, cùng dạy đồng tử các môn thơ phú, toán số, hội họa, khắc ấn, bốn bộ Vi-đà cùng các pháp thọ ký, biện luận thế gian, thọ trì các pháp binh trượng, các pháp đại chú thuật, luận Xiển-đà, các môn văn chứng, ngũ hành, tinh tú, toán số, âm dương, đoán trước thời vận trong mỗi ngày đêm có bao nhiêu điềm tốt xấu. Lại nữa, đồng tử biết tất cả các loại tiếng: Tiếng tướng đất chuyển động, tiếng sấm, tiếng sét, tiếng kêu của loài cầm thú, tiếng động của loài chim bay, thú chạy. Biết hết các tướng trạng, biết tất cả các sự chuyển biến, biết coi các tướng, biết tướng nghề nghiệp, biết tướng nam nữ, biết tướng lục súc, biết pháp tẩy tịnh thanh tịnh, biết pháp lấy nước, biết pháp xối rửa, biết pháp lấy tro, biết cách xướng ca chúc tụng, biết tướng tốt xấu, thịnh suy, biết cách giải trừ tai ương, biết pháp cúng tế thần lửa và chư Thiên đại nhân..., tất cả đều được hoàn bị.
Đồng tử tự học rồi lại có khả năng dạy lại người khác. Đồng tử học pháp khi tiếp nhận vật của người hay ban vật cho người. Mọi việc trong thế gian không gì là không rõ, không nơi nào là không biết, lanh lợi, sáng suốt, trí tuệ thông minh, có tài lý luận đanh thép, căn tánh nhạy bén khôn ngoan. Đồng tử bản tánh chất trực, thường nhàm chán việc thế gian, nhận thức được ái dục là điều bất tịnh nên sinh tâm xa lìa. Do trong đời quá khứ đã gặp chư Phật Thế Tôn, ở nơi chư Phật này đã trồng các thiện căn, tu nhiều công đức đã được thành tựu, nên đồng tử biết tất cả các pháp thế gian là giả dối, tâm ưa thích hướng về cửa Niết-bàn, thường mong cầu ra khỏi phiền não, chẳng nhiễm pháp hữu vi thế gian, không thọ nghiệp chướng, hệ phược tiêu trừ. Do trí lực này nên được địa vị Nhất sinh bổ xứ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na trải qua năm tháng, lần lần lớn khôn, đến tuổi trưởng thành, có thể hưởng dục lạc thế gian. Cha mẹ đồng tử thấy vậy liền bảo đồng tử:
-Này con Tất-bát-la-da-na, cha mẹ muốn chọn người con gái sánh đôi với con để về hầu hạ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe cha mẹ nói như vậy, liền thưa: -Kính thưa song thân, tâm con không muốn cưới vợ, ý nguyện chỉ muốn tu phạm hạnh.
Khi ấy cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na bảo đồng tử:
-Này con yêu quý của ta, việc đầu tiên trong cuộc đời này là con phải có con để nối dõi gia thế, rồi sau đó con mặc tình tu phạm hạnh. Vì sao? Vì việc này có nghe nói trong truyện Tương Thừa: Nếu người không con, không có người nốì dõi thì kẻ ấy không được sinh lên trời.
Đồng tử lại thưa cha mẹ:
-Kính thưa song thân, con nay không cần việc tiếp nối sự nghiệp ở đời, cũng không cần kế tục đời sau. Con chỉ cần tu phạm hạnh.
Rồi cha mẹ đồng tử đôi ba phen nói với Tất-bát-la-da-na:
-Con yêu quý của ta cần phải lập gia đình. Vì sao? Vì cha mẹ e rằng nhà chúng ta sẽ bị tuyệt tự.
Lúc ấy đồng tử Tất-bát-la-da-na bị cha mẹ ép buộc đến ba lần nên đồng tử lấy vàng Diêm-phù-đàn bảo thợ khắc thành một hình phụ nữ. Khi người thợ khắc xong, đồng tử mang đến đưa cho cha mẹ và thưa:
-Kính thưa cha mẹ, con không thích thọ hưởng thú vui ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh. Nếu cha mẹ quyết định cưới vợ cho con để duy trì gia thế thì cha mẹ phải tìm được người con gái có nhan sắc giống như tượng vàng Diêm-phù-đàn này.
Cha mẹ đồng tử thấy việc như vậy, ưu sầu khổ não chẳng vui, tâm nghĩ thế này: “Ta phải tìm ở xứ nào để có được một người phụ nữ hình sắc như vàng Diêm-phù-đàn?” Khi ấy đại Bà-la-môn Câu-lô-đà ngồi im lặng trên lầu, trong lòng chẳng vui.
Thuở ấy nhà này có một thầy Bà-la-môn khác thường lai vãng đến nhà Bà-la-môn đại phú. Khi đến nhà Bà-la-môn đại phú thầy Bà-la-môn đọc lời chú nguyện:
-Nguyện đại thí chủ tiền của được tăng thêm, hưởng quả báo tốt đẹp, không có thứ gì thiếu hụt, thê thiếp, con cháu được đông đúc...
Rồi lại hỏi gia nhân:
-Chủ nhà của ngươi hiện giờ ở đâu?
Gia nhân đáp:
-Đại Bà-la-môn của chúng tôi hiện giờ đang ngồi lặng thinh trên lầu, lòng ngài rất buồn rầu áo não chẳng vui.
Thầy Bà-la-môn liền đến chỗ Bà-la-môn đại phú, thưa thế này:
-Nguyện đại thí chủ gia nghiệp tăng trưởng. Những ngày trôi qua như thế nào? Ăn có ngon không? Đêm ngủ có được không? Lại đêm đêm cùng với ái nhân vui chơi có được thỏa tình khoái lạc hay không?
Bao nhiêu câu hỏi như vậy mà chủ nhà Bà-la-môn đại phú ngồi im lặng không đáp một lời. Thầy Bà-la-môn lại hỏi:
-Nhân giả vì cớ gì ngày nay ngồi im lặng không đáp? Từ nhỏ đến giờ ta cùng nhân giả đồng chung khổ vui, ngày nay nhân giả vì lý do gì không bày tỏ cho ta biết?
Khi ấy đại Bà-la-môn Câu-lô-đà thuật lại sự việc cho thầy Bà-la-môn hay. Nói như vậy rồi, đại Bà-la-môn lại than:
-Ngày nay ta biết xứ nào có người con gái nhan sắc như tượng vàng Diêm-phù-đàn!
Thầy Bà-la-môn nói với vị đại Bà-la-môn:
-Này thí chủ đại phú Bà-la-môn, chớ nên ưu sầu khổ não. Nhân giả đã vì tôi làm vị đại thí chủ, bao nhiêu nhu cầu nhưy phục, thực phẩm, đồ cần dùng... của tôi đều do nhân giả cung cấp. Tôi nay sẽ vì đại thí chủ đi tìm người con gái có nhan sắc như vàng Diêm-phù-đàn. Nhân giả chớ nghi, tôi quyết định sẽ tìm được. Tôi nay cần lương thực và người đi đường, để tôi cùng họ đi khắp bốn phương tìm kiếm.
Đại phú Bà-la-môn nghe thầy Bà-la-môn nói như vậy, liền đem lương thực và bạn đi đường, theo như lời đòi hỏi của thầy Bà-la-môn, đáp ứng một cách đầy đủ. Thầy Bà-la-môn nhận được tất cả lương thực và người đi đường rồi, liền làm tán lọng Thần minh bốn màu, trang hoàng đủ thứ. Ở trước lập Thần minh, chung quanh trước sau trổi đủ thứ âm nhạc. Hoặc có tán lọng ở dưới dùng vàng làm mặt Thần minh, hoặc dùng bạc làm mặt Thần minh, hoặc dùng pha lê làm mặt Thần minh. Làm rồi, sai người đem ba tán lọng đi ba phương khác nhau, chỉ còn một cái đi theo mình. Thầy Bà-la-môn dạy các người đi phương khác:
-Các người khi đến các thôn ấp đều thông báo cho các thôn nữ: “Đây là Thần minh các nàng nên thiết lễ cúng dường. Nếu người nào cúng dường thì người đó mọi sự cầu nguyện đều được thành tựu như ý.” Các ông nên quán sát trong các nàng ấy, nếu thấy nàng nào có nhan sắc màu vàng, các ông nên hỏi tên họ và địa chỉ của cô gái ấy, rồi lập tức đến báo tin cho ta biết.
Thầy Bà-la-môn dặn dò như vậy rồi, họ liền ra đi các phương khác nhau. Còn thầy Bà-la-môn tự mình đem theo một tán lọng Thần minh đặt trong một cái hộp và hành trang đi đến tha phương, hoặc thôn xóm, châu huyện, thành ấp, cung vua, đường sá... Đến nơi nào đều trổi nhạc Thần minh, tất cả phụ nữ ở nơi đó đều tụ tập đến quán sát.
Lúc thầy đại Bà-la-môn thấy phụ nữ tụ tập liền từ trong hộp lấy ra một hình Thần minh đưa cho các phụ nữ xem và bảo:
-Này các nàng! Các nàng nên cúng dường vị Thần minh này. Nếu người nào cúng dường ‘Thần minh” thì người ấy tùy theo sở nguyện sẽ được thành tựu.
Bấy giờ các phụ nữ từ nhà mang đến các thứ hương thoa, hương bột, tràng hoa, hoa rải... đến cúng dường Thần minh. Với phương tiện này, thầy Bà-la-môn lần lần đi đến thành Tỳ-da-ly.
Thuở ấy, cách thành Tỳ-da-ly chẳng bao xa có một thôn lớn tên là Ca-la-tỳ-ca (nhà Tùy dịch là Xích huỳnh sắc), trong thôn có vị đại Bà-la-môn cự phú tên là sắc-ca-tỳ-la (nhà Tùy dịch là Huỳnh Xích). Bà-la-môn này giàu có của cái, người giúp việc đông đúc, cho đến nhà cửa giống như cung điện Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Bà-la-môn này có một người con gái tên là Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da (nhà Tùy dịch là Hiền Sắc Huỳnh Nữ), hình dung khả ái, nhan sắc tuyệt vời, người đời thích trông ngắm, thế gian không ai sánh bằng, người không cao không thâp, không mập không gầy, nước da không trắng không đen, không xanh không đỏ, tuổi độ thanh xuân, đáng làm bảo vật ngọc nữ cho thiên hạ.
Lúc ấy trong thành Tỳ-da-ly nhằm ngày hội đốt lửa, trong ngày hội này có năm trăm phụ nữ nhóm họp. Nàng Bạt-đà-la cũng có mặt trong hội này. Bấy giờ thầy Bà-la-môn đem tán cái Thần minh đi đến đám phụ nữ. Đến nơi, Bà-la-môn lấy từ hộp ra một tượng Thần minh đưa cho các phụ nữ xem và nói với họ:
-Này các phụ nữ, đây là tượng vị Thiên thần tối diệu tối thắng. Các người nên tế lễ cúng dường. Nếu nàng nào cúng dường vị thần này, tùy theo tâm nguyện sẽ được thành tựu.
Tất cả phụ nữ đều đem đủ các thứ hương bột, hương thoa, tràng hoa và hoa rải... vội vã đi đến đi đến trước Thần minh và khấn vái:
-Ngày nay con cúng dường vị trời Thần minh này.
Chỉ riêng nàng Bạt-đà-la không đến chỗ Thần minh. Tất cả bạn gái ôm lấy Bạt-đà-la kéo đến bên Thần minh, nên nàng cũng hiện diện nơi đây. Do sức oai quang của nàng, liền làm cho tượng vàng Diêm-phù-đàn mất đi ánh sáng vốn có của nó.
Nàng Bạt-đà-la dùng hết sức mạnh, thoát khỏi tay các bạn gái, chạy về nhà thưa với cha mẹ:
-Kính thưa cha mẹ, chớ nên đem con giao cho người đó. Vì sao? Vì ngày nay con không muốn lấy người đó làm chồng. Trong tâm con muôn tu phạm hạnh.
Lúc ấy các anh em của nàng nói với Bạt-đà-la:
-Này chị ơi, này em ơi, chúng ta thật sự không muốn xa nhau, nhưng vì anh em chúng ta không gả em (chị) đi lấy chồng, thì không hợp với đạo lý thế gian, hoặc sẽ bị người đời họ nói: “Anh em của Bạt-đà-la ở gần với nhau quyết có tâm tà tư, vì vậy không gả nàng cho người khác.” Chúng ta e nhằm với ý nghi này.
Anh em nàng Bạt-đà-la lại nói tiếp:
-Em (chị) đừng có sầu muộn, chúng ta nên hứa gả em (chị) cho người ta, nhưng đòi hỏi họ phải nạp nhiều tiền của theo sự đòi hỏi của em (chị). Nếu người cầu em (chị) làm vợ không đáp ứng đủ số tiền nhiều như vậy thì em (chị) khỏi rời ngôi nhà này. Mà nếu có người đến cầu em (chị) làm vợ, thì anh em ta sẽ nói với họ thế này: “Nếu người muốn cầu em (chị) gái ta làm vợ thì phải đem số vàng ròng nhiều bằng thân em (chị) ta. Được vậy, ta sẽ gả cho.”
Lúc thầy đại Bà-la-môn đi tìm cầu người phụ nữ, mang theo tượng phụ nữ làm bằng vàng Diêm-phù-đàn, ông ta đã thấy nàng Bạt-đà-la, liền hỏi các phụ nữ khác:
-Cô gái ấy là ai? Nhà cô ấy ở đâu?
Các phụ nữ đáp lời Bà-la-môn khách:
-Ở xứ này có một vị Bà-la-môn cự phú tên là Ca-tỳ-la, con gái ấy là con của ông ta.
Vị Bà-la-môn khách nghe biết tung tích như vậy, vào lúc hoàng hôn, mặt trời sắp lặn, ông liền đi lần lần đến nhà Bà-la-môn cự phú kia. Khi đến nơi, ông xin ngủ trọ, gia nhân của đại Bà-la-môn cự phú đồng ý, mời người ở trong nhà khách. Bà-la-môn khách ngủ ở đây qua một đêm, đến ngày hôm sau, trời vừa tảng sáng, người đi đến gặp Bà-la-môn Ca-tỳ-la. Khi đến nơi, người đứng trước mặt Ca-tỳ-la, chú nguyện:
-Cầu nguyện gia đình nhân giả Bà-la-môn này luôn luôn tăng trưởng tốt đẹp.
Sau khi chú nguyện xong, lui ngồi về một bên. Ca-tỳ-la hỏi Bà- la-môn khách:
-Thưa nhân giả, đêm hôm như thế nào? Có được an ổn không?
Vị Bà-la-môn khách đáp:
-Đêm qua tôi rất được an ổn, vui sướng, không có phiền não.
Sáng sớm hôm ấy, nàng Bạt-đà-la sau khi thức dậy, đi đến đảnh lễ dưới chân phụ thân, rồi đứng lui về một bên. Khi ấy Bà-la-môn khách đi tìm cầu người phụ nữ, thưa với Bà-la-môn cự phú Ca-tỳ-la:
-Lành thay! Thưa nhân giả, cô gái này là ai?
Ca-tỳ-la đáp:
-Cô gái này là con của tôi.
Vị Bà-la-môn khách lại hỏi:
-Thưa nhân giả, cô gái này ông bà đã đính hôn chỗ nào chưa?
Ca-tỳ-la đáp:
-Con gái tôi chưa hứa gả cho ai cả.
Khi ấy vị Bà-la-môn khách đi tìm cầu người con gái liền bạch chủ nhân Ca-tỳ-la:
-Thưa đại phú nhân giả, nước Ma-già-đà có làng tên là Ma-ha Sa-đà-la, trong làng này có một thôn cũng tên Ma-ha Sa-đà-la. Trong thôn có đại Bà-la-môn tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba, rất giàu có của cải. Người lại có một cậu con trai tên là Tất-bát-la-da-na. Đồng tử hiểu thông các nghĩa, lại dạy cho người khác, đối với ba bộ Vi-đà đều thông suốt, lại thấu rõ luận Nhất Sự Thập Danh và các thơ luận Ni-kiền-chu, luận Vãng Sự Ngũ Minh... Một câu, nửa câu, một bài kệ, nửa bài kệ đều phân tích rõ ràng, giải rõ lời sấm thế gian, biết rõ sáu mươi loại luận, biết rõ các tướng căn bản của bậc đại nhân. Tất cả kỹ nghệ không yếu kém một nghề nào.
Bà-la-môn khách lại thưa:
-Thưa chủ nhân, nay xin nhân giả đem cô gái này gả làm vợ đồng tử Tất-bát-la-da-na.
Đại phú Bà-la-môn và các con trai ông ta nói với Bà-la-môn khách:
-Cô con gái này nếu đi lấy chồng, cần phải nạp nhiều tiền của. Ai được như vậy mới gả.
Bà-la-môn khách hỏi:
-Nhiều tiền của là bao nhiêu?
Các người trong nhà đáp:
-Vàng phải tương xứng với thân hình của cô ta. Chúng tôi chỉ đòi hỏi chừng ấy thôi.
Bà-la-môn khách liền từ trong túi lấy ra một pho tượng phụ nữ bằng vàng Diêm-phù-đàn, đưa ra cho cha mẹ, anh em của cô Bạt-đà-la xem, rồi nói:
-Pho tượng bằng vàng Diêm-phù-đàn này tương xứng với cô gái, các người nên nhận lấy, rồi trao cô gái này cho ta.
Bấy giờ cha mẹ, anh em cô Bạt-đà-la suy nghĩ như thế này: “Đối với người xứ họ, nghe con gái của chúng ta dung nhan đoan chánh thế này nên tom góp vàng Diêm-phù-đàn nhiều chừng ấy, để tạo pho tượng phụ nữ khiến to chừng ấy.” Rồi cha mẹ, anh em cô gái bàn luận: “Nếu ngày nay chúng ta nhận lấy pho tượng bằng vàng Diêm-phù-đàn này mà không quán sát gia đình họ tiền của nhiều ít, lại cũng không biết rõ về lễ nghĩa, phép nước của họ văn minh hay lạc hậu, thì con gái ta về nhà họ có thể sẽ gặp phải khổ não. Vậy nay ta nên cho mật sứ đến quán sát gia đình họ.”
Thảo luận như vậy rồi, họ liền nói với Bà-la-môn khách tìm cầu phụ nữ:
-Lành thay! Thưa sứ giả đại Bà-la-môn, ta nay muốn cho sứ giả đến nhà đàng trai xem xét lễ nghi phong tục thế nào, rồi sau đó ta suy tính có gả con gái hay không?
Vị Đại Bà-la-môn khách thưa:
-Như vậy, tùy ý cho người thăm hỏi.
Vị Đại Bà-la-môn khách nói lời ấy rồi, liền từ tạ chủ nhà trở về bổn quốc, về đến nhà Bà-la-môn Ni-câu-lô-đà-yết-ba thưa với ông ta:
-Thưa nhân giả đại Bà-la-môn, chuyến đi hết sức tốt đẹp. Ngài nên vui vẻ, vì tôi đã tìm ra người con gái có sắc vàng như pho tượng Diêm-phù-đàn. Nàng hết sức đoan chánh, thùy mị vô song, mọi người đều thích trông ngắm.
Khi ấy Bà-la-môn đại phú hỏi vị Bà-la-môn đi tìm cầu con gái: -Này Bà-la-môn, nhân giả gặp nàng ta ở xứ nào?
Thầy Bà-la-môn đáp:
-Cách thành Tỳ-da-ly chẳng bao xa, có một thôn tên là Ca-tỳ-la. Trong thôn này có một Bà-la-môn thật giàu có cũng mang tên là Ca-tỳ-la. Bà-la-môn sinh ra nàng con gái này, tên là Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da. Đó là quê quán của cô ta.
Cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na khi nghe sự việc như vậy, trong tâm rất vui mừng tràn ngập châu thân, không thể tự chế. Lúc ấy đại Bà-la-môn Ni-câu-lô-đà-yêt-ba liền bố trí trên con đường từ bổn thôn, liên tiếp cho đến thành Tỳ-da-ly, cứ mỗi khoảng đường nửa do-tuần thiết lập một bầy bò và dựng lên căn nhà khách. Mọi nơi đều bày biện như vậy xong, khi ấy đại Bà-la-môn Ni-câu-lô-đà-yết-ba bảo các người coi bò:
-Các người phải chuẩn bị như thế này: nếu có người từ thành Tỳ-da-ly đến, nếu họ cần những vật gì, các người phải tiếp đón, cung phụng, chớ để thất lễ.
Khi anh em nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da ra khỏi nhà, hướng về nước Ma-già-đà, đi đến thành Vương xá, họ gặp địa điểm đàn bò đầu tiên. Các người ở đây đều hạ mình nghinh tiếp và nói:
-Tốt thay quý khách từ phương xa đến đây!
Rồi liền mời vào nhà khách, lấy nước nóng hương thơm để tắm rửa. Lại dùng đủ thứ hương thơm để thoa vào mình. Lại đem các thứ y phục vô giá mời họ mặc. Lại dùng các hoa thơm kết tràng để họ trang sức trên đầu. Rồi sau đó đem đủ thức ăn uống sơn hào hải vị ngon ngọt thết đãi. Những thứ ẩm thực đó như đồ ăn cứng, đồ ăn mềm, đồ nhắm, đồ uống... Tất cả thức ăn mỹ vị như vậy đều đầy đủ, họ mặc tình thưởng thức no nê. Các người đó thưa:
-Đây là căn nhà của những người coi bò chúng tôi. Xin quý khách có thể dừng chân lại đây một đêm, sáng mai sẽ tùy ý lên đường.
Đoàn khách hỏi người coi bò:
-Nhà nuôi bò này của ai?
Người giữ bò đáp:
-Nhà nuôi bò này là của Bà-la-môn đại phú Ni-câu-lô-đà-yết-ba. Vì ông ta sợ các nhân giả lữ hành đi đến mỏi mệt, đói khát cực khổ, thiếu thôn vật dụng và tiện nghi nên xây cất ngôi nhà này.
Đoàn lữ hành an nghỉ ở đây qua đêm, sáng ngày hôm sau ra đi. Cứ như vậy, tuần tự gặp nhà bầy bò thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy... họ đều ra nghinh tiếp và thưa:
-Này các nhân giả, quý khách từ phương xa đến, dừng chân lại đây một đêm, ngủ nghỉ khỏe khoắn rồi sớm mai sẽ tùy ý lên đường.
Đoàn lữ hành hỏi người chủ:
-Có bao nhiêu nhà trông coi bò như thế này?
Người coi bò trả lời:
-Từ thôn Ma-ha Sa-đà-la đến đây rồi cứ như vậy cho đến tận thành Tỳ-da-ly, cứ trong nửa do-tuần đặt một nhà trông coi bò.
Lúc ấy anh em của nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da đồng nghe nói lời như vậy, liền suy nghĩ: “Nhà coi bò của người này còn nhiều chừng ấy, ngoài ra tiền của chẳng cần phải nói. Chúng ta nên từ chỗ này quay về nhà, nên đem em (chị) gả làm vợ người này.”
Anh em của họ sau khi về nhà, liền sai sứ giả đến báo tin cho Bà-la-môn đại phú:
-Quý ngài có thể đến rước em (chị) của chúng tôi về làm vợ.
Sứ giả báo tin rồi, liền quay trở về. Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe sứ giả nói như vậy, được người con gái hợp ý của mình, nghe rồi liền nghĩ: ‘Ta nay phải đi đến xem người con gái kia thật có đức hạnh, trí tuệ hay không.” Đồng tử Tất-bát-la-da-na liền đến bên cha mẹ quỳ gối thưa:
-Thưa cha mẹ, tâm con thật không thích ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh, mà nay đấng song thân đã ép con lập gia đình. Do vậy, ngày nay con phải theo thứ lớp đi khất thực đến xứ ấy để xem người con gái kia có đúng sự thật như lời sứ giả nói hay không.
Cha mẹ liền bảo:
-Nếu thấy hợp thời, con cứ tự ý ra đi.
Rồi đồng tử từ giã quê nhà, đi khất thực theo thứ lớp, lần lần đi đến thôn Ca-la-tỳ-ca. Theo tục lệ nước này, nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn đến khất thực, thì tự tay con gái bưng đồ ăn đến dâng. Lúc ấy nàng Bạt-đà-la từ trong nhà mang thức ăn ra trao tận tay khách đồng tử. Lúc bấy giờ đồng tử Tất-bát-la-da-na thấy cô ta, tâm chàng tự nghĩ: “Đây chính là nàng Bạt-đà-la.” Tự tay nàng dâng thức ăn cho đồng tử rồi lại đảnh lễ dưới chân, đứng lui về một bên.
Đồng tử hỏi:
-Này nhân giả thiện nữ, nàng đã kết duyên với ai chưa?
Cô ta liền đáp:
-Thưa nhân giả đồng tử, nước Ma-già-đà có một làng nọ tên là Ma-ha Yết-ba. Xứ ấy có một thôn Bà-la-môn, trong thôn ấy có một Bà-la-môn cự phú tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba. Bà-la-môn này có một người con trai tên là Tất-bát-la-da-na, cha mẹ tôi đã hứa gả tôi cho đồng tử ấy.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na liền đáp lời cô Bạt-đà-la:
-Này thiện nữ, ta nghe nói đồng tử ấy trong tâm không thích ngũ dục, chỉ muôn tu phạm hạnh.
Khi ấy nàng ta liền thưa đồng tử:
-Thật rất hoan hỷ, vì tôi cũng không thích ngũ dục, chỉ muốn tu phạm hạnh mà thôi. Ngày nay cha mẹ hứa gả tôi, đó là ý của người thế gian, tôi thật không muốn. Nay cha mẹ ép tôi, tôi cũng tùy thuận tình đời mà kết duyên với đồng tử kia vậy.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe nói vậy liền hỏi cô ta:
-Này nhân giả thiện nữ, cô từ trước đến giờ có thấy đồng tử Tất-bát-la-da-na hay chưa?
Cô ta đáp:
-Thưa thiện đồng tử, tôi chưa từng gặp mặt.
Đồng tử lại nói với cô ta:
-Này thiện nữ, ta chính là đồng tử Tất-bát-la-da-na. Ta thật không thích ngũ dục, nay trong tâm ta chỉ muốn tu phạm hạnh. Việc vợ con là ý của cha mẹ quyến thuộc. Chính cha mẹ ta đã ép ta cưới nàng làm vợ.
Nàng Bạt-đà-la nghe nói như vậy, liền bạch đồng tử:
-Hay thay! Thưa nhân giả đại đồng tử, tôi nghe lời này hết sức vui mừng. Nếu nhân giả quyết định không thích ngũ dục, nay xin nhân giả chẳng để lâu, nên mau mau đến rước tôi, chớ để khiến có người thế gian khác không phạm hạnh đến cầu tôi làm vợ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe vậy rồi liền quay trở về nhà, đi đến bên cha mẹ, quỳ mọp bạch:
-Thưa cha mẹ, con thật sự không thích ngũ dục thế gian, chỉ muốn tu phạm hạnh. Vì song thân muốn cưới vợ cho con nhưng phải mau mau rước dâu về nhà.
Khi ấy cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na liền cùng đại Bà-la-môn Ca-tỳ-la-ca lập tờ giao kết nạp tiền sính lễ, tùy sự đòi hỏi ít nhiều, sắm đủ các thức ăn uống cao lương mỹ vị, chuỗi anh lạc vô giá, y phục diệu hảo... rồi chọn ngày lành tháng tốt đem nhiều tài bảo đi nạp lễ để rước nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da về kết duyên với con mình.
Sau khi rước cô dâu về nhà, ở trong một căn phòng đã bày sẵn hai chiếc giường mà đồng tử và cô dâu ở trong phòng này, nhưng cả hai đều thúc liễm thân tâm, không xúc nhiễm với nhau.
Khi cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na biết được chuyện này mới suy tính: “Hai trẻ ở trong một phòng mà không xúc nhiễm với nhau, ta phải tìm cách nào để cho hai trẻ gần gũi nhau? Nếu cất bớt một chiếc giường, chỉ để lại một cái, hai người phải ngủ chung một giường thì tự nhiên chúng nó đụng chạm với nhau.”
Nhưng hai người vẫn không đụng chạm. Nếu đồng tử Tất-bát-la-da-na nằm ngủ, thì nàng Bạt-đà-la đứng dậy đi kinh hành. Nếu nàng Bạt-đà-la nằm ngủ thì đồng tử Tất-bát-la-da-na lại đứng dậy đi kinh hành. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, hai người hoàn toàn không nằm ngủ chung với nhau.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Gió Bấc


Đức Phật và chúng đệ tử


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.29.190 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập