Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 57: NHÂN DUYÊN NAN-ĐÀ
(Phần 2)
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Người nào gần gũi bạn xấu, cùng với họ kết làm bạn bè, giao du với nhau thì tuy kết bạn trong thời gian ngắn, sau do huân tập việc xấu, khiến cho tiếng xấu đồn xa.
Đức Thế Tôn nhân việc này mà nói kệ:
Từ tấm chiếu cỏ để phơi cá
Dùng tay rứt lấy cọng cỏ lát
Tay người bị thổi mùi cá chết
Gần gũi bạn xấu cũng như vậy.
Rồi một hôm, Đức Thế Tôn cùng Trưởng lão Nan-đà đồng đi đến hàng bán hương liệu, thấy nhiều túi hương ở nơi gian hàng. Thấy vậy, Ngài bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy hãy cầm lấy túi hương nơi gian hàng này. Nan-đà y theo lời Phật dạy, cầm lấy các túi hương nơi cửa hàng. Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy cầm túi hương này trong chốc lát rồi để nó xuống.
Nan-đà nghe Đức Phật bảo như vậy, đưa tay cầm lấy túi hương trong phút chốc rồi để xuống. Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy hãy ngửi bàn tay thầy.
Nghe Đức Phật bảo, Nan-đà liền ngửi bàn tay mình. Đức Phật hỏi Nan-đà:
-Thầy ngửi bàn tay thấy có mùi gì?
Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, bàn tay có mùi thơm dễ chịu vô cùng.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu người gần gũi bạn tốt, thường từng sống chung với hạng người này, nhờ đó mà được ảnh hưởng. Do gần gũi với nhau, tiếng tốt nhất định sẽ vang lừng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân đây mà nói kệ:
Tay ai cầm lấy hương trầm thủy
Hoắc hương, xạ hương, các thứ hương
Cầm hương chốc lát người cũng thơm
Gần gũi bạn lành cũng như vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ra khỏi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, về đến rừng Ni-câu-đà. Vì lý do này, Đức Phật tập hợp chúng Tỳ-kheo, bảo Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy đừng gần gũi lục quần Tỳ-kheo, không nên cùng với họ kết làm bạn bè. Vì sao? Người nào gần gũi bạn xấu như vậy, hoặc kết làm bạn bè, thì cùng làm việc với nhau, hoặc theo họ làm tất cả các sự việc xấu. Nếu gần gũi các người xấu thì tiếng xấu sẽ đồn khắp trong thế gian.
Này Nan-đà, nếu muốn tìm bạn thân tốt thì thầy nên gần gũi các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ca-chiên-diên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Ưu-ba-tư- na, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Tôn-đà, Ly-bà-đa... Ta khuyên thầy nên gần gũi, tùy thuận và phục vụ các Tỳ-kheo ấy. Tại sao? Nếu gần gũi bạn tốt, thân thiện phục vụ, thì tuy chưa chứng được sự lợi ích, nhưng giao du với nhau thì tiếng tốt sẽ được đồn khắp trong thế gian.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân đây nói kệ:
Người nào gần gũi với bạn xấu
Hiện tại không được nghe tiếng khen
Bởi vì gần gũi với bạn xấu
Tương lai sẽ đọa ngục A-tỳ.
Nếu người gần gũi với bạn tốt
Tùy thuận theo họ việc làm việc thiện
Tuy chưa chứng đắc lợi thế gian
Nhưng trong tương lai sẽ hết khổ.
Tuy được Thế Tôn dùng lời tốt đẹp giáo hóa, nhưng Nan-đà vẫn tham luyến thú vui phóng dật nơi vương triều, mơ tưởng dục lạc nơi nàng Tôn-đà-lợi, đối với Phật pháp không ưa thích, muốn bỏ phạm hạnh, xả giới hoàn tục.
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm Nan-đà như vậy, Ngài nghĩ: “Nan-đà này phiền não quá mạnh, không thể giáo hóa bằng cách bình thường mà phá được phiền não ấy. Ta phải dùng phương tiện giống như người đời: Dùng lửa diệt lửa, dùng độc trị độc.”
Đức Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, dùng thần lực nắm tay Nan-đà, ẩn thân khỏi rừng Ni-câu-đà, xuất hiện đứng trên đỉnh núi Hương túy. Bấy giờ ở núi này, do gió thổi hai cây cọ sát nhau, phát ra lửa đốt cháy khu rừng, tỏa ra khói lửa rất nóngể Trong núi này có nhiều khỉ vượn số đến năm trăm con, chúng bị lửa đốt cháy lông, nằm lăn thân trên đất để tắt lửa.
Lúc ấy Đức Thế Tôn thấy ở trong đàn vượn có một con vượn cái mù đôi mắt lấy tay phủi lửa trên thân, nên bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy có thấy con vượn cái mù mắt, ở trong đàn vượn, đang dùng tay phủi lửa trên thân không?
Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con đang thấy việc ấy.
Đức Thế Tôn lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Ý thầy nghĩ thế nào? Nàng Tôn-đà-lợi nhan sắc kiều diễm dễ thương, so với con vượn cái già này, ai đẹp hơn?
Nan-đà hướng về Thế Tôn xịu mặt im lặng không trả lời. Đức Thế Tôn lại nắm tay Nan-đà, ẩn thân nơi núi Hương túy, đi đến cõi trời Ba mươi ba, đứng dưới cây Ba-lợi-chất-đa. Dưới gốc cây này có một tảng đá lớn tên là Bà-nô-câm-ma-la (nhà Tùy dịch là Huỳnh hạt). Khi ấy vua Đế Thích đang đi du ngoạn trong vườn Y-ca-phân- đà-lợi cùng với năm trăm Cung nhân thể nữ, ca nhạc hầu hạ xung quanh.
Thấy vua Đế Thích nơi hoa viên Y-ca-phân-đà-lợi có đem theo năm trăm thể nữ, đang vui chơi ca nhạc, Đức Thế Tôn bảo Nan-đà:
-Thầy có thấy năm trăm thể nữ dạo chơi, ca múa, xướng hát hay không?
Nan-đà bạch Đức Thế Tôn:
-Nay con có thấy.
Đức Thê Tôn lại bảo Nan-đà:
-Ý thầy nghĩ thế nào? Nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi đẹp hay là năm trăm thể nữ này đẹp?
Trưởng lão Nan-đà bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, nếu đem con vượn cái già mù mắt so với Tôn-đà-lợi thì không bằng một phần trăm, cho đến một phần ngàn, cho đến một phần trăm ngàn, hay dùng toán số thế gian cũng không thể so sánh được. Nếu đem nàng Tôn-đà-lợi so với năm trăm thể nữ này thì gấp trăm lần, gấp ngàn lần cũng không bằng, cho đến gấp trăm ngàn lần, hay toán số thế gian cũng khổng thể so sánh được. Con không thể làm cách nào so sánh được.
Đức Phật lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy có thích cùng với các thể nữ này vui chơi không?
Nan-đà vui mừng hớn hở bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, ý con thật muốn cùng với năm trăm thể nữ này vui chơi hoan lạc.
Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy không thể dùng thân phàm để cùng các Thiên nữ hưởng lạc. Nếu muốn vậy, thầy phải hoan hỷ ở trong pháp của Ta tu phạm hạnh. Ta sẽ cho thầy biết: Ngày nay nếu thầy tùy thuận theo pháp của Ta, tu hành thanh tịnh, sau khi qua đời, vào đời sau quyết định sẽ thọ báo thân sinh ở cõi này, cùng với năm trăm Thiên nữ vui chơi, hưởng lạc.
Nan-đà nghe Đức Phật dạy như vậy, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, bạch Phật:
-Con xin từ nay trở đi, ở trong giáo pháp của Đức Phật ham thích tu phạm hạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con ngày nay đã có báo thân này, con thật sự muốn vào đời vị lai sinh nơi thế giới này để cùng với năm trăm Thiên nữ ấy hưởng lạc.
Đức Thế Tôn nắm lấy tay Trưởng lão Nan-đà biến mất nơi cõi trời Ba mươi ba, trở về rừng Ni-câu-đà. Khi ấy Nan-đà nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn đã hứa cho ta ở đời vị lai cùng năm trăm Thiên nữ kia thọ hưởng thư vui.” Vì vậy, Nan-đà đem hết thân tâm chánh niệm tu phạm hạnh thanh tịnh, điều phục cấc căn, tiết chế ăn uống, đầu hôm cuối hổm tụng kinh hành thiền, dũng mãnh tinh tấn, không cùng với người khác đàm luận giỡn cười, tâm không rộn ràng dao động, miệng không nói lời thêu dệt, phát hạnh tinh tấn, giữ bốn oai nghi, ưa ở chỗ vắng lặng, điều phục các căn, thành tựu chánh niệm vi diệu tối thắng.
Thuở ấy Nan-đà muốn quán phương Đông, thân tâm an định, ý chí dũng mãnh, đã được chánh niệm rồi mới bắt đầu quán phương Đông. Trong khi quán như vậy không có sầu não, không có tối tăm, với các pháp bất thiện luôn luôn quán sát không bị rơi vào, cũng không bị mê hoặc.
Khi muốn quán phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương trên, phương dưới, thân tâm cũng an định, ý chí dũng mãnh. Khi quán các phương cũng không bị sầu não, tốì tăm, đốì với các pháp bất thiện luôn luôn quán sát không bị rơi vào, cũng không mê hoặc như trên.
Bấy giờ có các Tỳ-kheo đồng tu với Nan-đà nói:
-Này Trưởng lão Nan-đà, tại sao trước kia Trưởng lão không thúc liễm các căn, đối với sự ăn uống không biết tiết chế, thường tìm cầu đồ ngủ: giường nằm, mền nệm tuyệt hảo, ngủ nghỉ li bì không biết nhàm chán, hoặc có khi thì cười cợt vui đùa, tâm ý không an định, ăn nói ngang trái thêu dệt, chưa từng biết tinh cần, luôn luôn giải đãi, cũng không có chánh niệm, phần nhiều xao lãng, đánh mất oai nghi, không có thiền định, không được nhiếp tâm, các căn phóng dật... không thể kể xiết. Mà ngày nay Trưởng lão điều phục các căn, ăn uống tiết lượng, đầu hôm cuối hôm không từng ngủ nghỉ, lại không ngông nghênh, thúc liễm thân tâm, lại không nói thêm bớt, tinh tấn dũng mãnh, chánh niệm siêng năng, đã được thiền định, tâm không phóng dật, các căn không buông lung... ngày nay vì sao Trưởng lão được như vậy?
Bấy giờ Nan-đà thưa các Tỳ-kheo:
-Này các vị Trưởng lão, các vị phải biết, Đức Thế Tôn nói với ta rằng nếu muôn đời sau sống chung với năm trăm Thiên nữ đẹp ở cõi trời Ba mươi ba vui chơi hoan lạc thì nên siêng năng tu phạm hạnh trong giáo pháp của Ngài.
Bấy giờ các Tỳ-kheo thân hữu đồng hành của Nan-đà nhạo cười chế diễu, nói với nhau:
-Trưởng lão Nan-đà ra sức làm thuê cho Thế Tôn, ở trong giáo pháp của Ngài siêng năng tu phạm hạnh để mưu cầu quả báo tương lai. Sở dĩ Nan-đà ở trong giáo pháp của Phật tu phạm hạnh chỉ vì mưu cầu đời tương lai sông chung với năm trăm Thiên nữ đẹp mà thôi.
Từ đó về sau, các Tỳ-kheo bạn hữu Nan-đà thường gọi Nan-đà là người làm thuê.
Thuở ấy, Đức Thế Tôn thấy Nan-đà đã vì các Thiên nữ mà tu các phạm hạnh, Ngài cầm tay Nan-đà biến mất nơi rừng Ni-câu-đà, đi vào đại địa ngục. Ở đây, Đức Phật thấy dưới chảo đồng lửa đốt cháy phừng phực, chảo bị nung đỏ như lửa. Thấy vậy, Ngài bảo Nan-đà:
-Thầy đến hỏi các ngục tốt kia là chảo đồng này vì ai mà nấu sôi như vậy?
Trưởng lão Nan-đà nghe Đức Phật bảo như vậy, liền bạch:
-Thưa Thế Tôn, y như lời Ngài dạy.
Nan-đà đi đến chỗ các ngục tốt hỏi:
-Chảo đồng lớn này vì ai mà nấu sôi như vậy?
Ngục tốt trả lời Nan-đà:
-Đức Phật có người em con di mẫu tên là Nan-đà. Vì người ấy mà nấu đốt chảo này.
Nan-đà lại hỏi:
-Các ông không nghe Như Lai ngày trước có hứa với Nan-đà là nếu muốn thọ hưởng lạc thú với năm trăm Thiên nữ thì nên tu phạm hạnh, sau sẽ sinh lên cõi trời thứ Ba mươi ba hay sao?
Các ngục tốt nói:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Chúng tôi đã biết như vậy. Nhưng chúng tôi lại nghe rằng người ấy sau khi sống trên cõi trời Ba mươi ba bị đọa lạc sẽ đầu thai nơi xứ này.
Bấy giờ Nan-đà nghe nói như vậy hết sức sợ sệt, toàn thân dựng chân lông, suy nghĩ: “Theo tuần tự rồi ta sẽ bị cái khổ này. Vậy ta không cần quả báo thọ hưởng thú vui với năm trăm Thiên nữ đẹp.”
Lúc ấy Đức Thế Tôn nắm tay Trưởng lão Nan-đà biến mất nơi địa ngục, lại xuất hiện nơi rừng Ni-câu-đà.
Thuở ấy Nan-đà bị các bạn hữu gọi là người làm thuê cho Phật, bị trêu ghẹo chế diễu, chê cười, lại thêm thấy cảnh địa ngục nên Nan-đà lấy làm xấu hổ lo sợ, sinh nhàm chán, tự ăn năn hối cải, tìm chỗ vắng vẻ, đi đứng thiền tọa một mình, lại không còn phóng dật, tinh tấn dũng mãnh.
Người thiện nam chánh tín xả tục xuất gia, cầu phạm hạnh hết sức tinh tấn, tu các phạm hạnh ấy rồi, thì các lậu dứt sạch, thân chứng thần thông, tự xướng lên: “Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, dứt sạch sinh tử, không còn thọ thân đời sau.” Vị ấy chứng quả A-la-hán, tâm được giải thoát. Trưởng lão Nan-đà này cũng như vậy.
Sau khi chứng quả A-la-hán, Nan-đà mới đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi về một bên, lại bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin trả lại cái ân mà Phật đã hứa ngày trước. Ngày trước con nhận lấy lời nói của Như Lai chính là vì năm trăm Thiên nữ đẹp. Vậy con xin Thế Tôn từ bỏ việc ấy.
Bấy giờ Đức Phật lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Chẳng phải đến ngày nay Ta mới xả bỏ việc ấy cho ông, mà từ khi ông bắt đầu xướng lên: “Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thân đời sau”, ngay khi ấy Ta đã xả bỏ việc ấy cho ông rồi.
Khi ấy các Tỳ-kheo cùng sống với Nan-đà chưa biết Nan-đà đã dứt sạch các lậu, nên vẫn đối xử với Nan-đà như ngày nào như diễu cợt, biếm nhẽ, nói thế này: “Trưởng lão Nan-đà ở nơi Thế Tôn để làm thuê vì cầu quả báo, muốn sống chung với năm trăm Thiên nữ đẹp, nên siêng tu phạm hạnh.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Các Tỳ-kheo này chưa biết Nan-đà đã dứt sạch các lậu, vẫn đối xử như khi còn các lậu, như rêu rao: “Trưởng lão Nan-đà chỉ vì năm trăm Thiên nữ đẹp mà tu phạm hạnh.” E rằng các thầy này mắc những tội lỗi. Hôm nay, Ta nên ở trước đại chúng tuyên bố việc Nan-đà đã dứt sạch các lậu.”
Đức Thế Tôn do nhân duyên này cho nhóm họp tất cả Tỳ-kheo Tăng mà tuyên bố:
-Này các Tỳ-kheo, nếu người ta nói: có nam tử tốt đẹp nào, thì Nan-đà chính là người ấy. Nếu có người nào tuấn tú cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đại dũng mãnh nào, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người thân thể dịu dàng, lại cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người các căn vắng lặng không tán loạn nào, lại cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đối với sự ăn uống biết tiết chế, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đầu hôm cuối đêm không ngủ nghỉ nào, thì cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà ngày nay. Nếu họ nói có người nào sinh từ ba chủng tộc thanh tịnh thì cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người chứng sáu phép thần thông nào, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu nói có người được tám định giải thoát nào thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.
Đức Thế Tôn cũng bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn thì Tỳ-kheo Nan-đà này là bậc nhất.
Lúc ấy các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, như vậy Tỳ-kheo Nan-đà này đời trước đã trồng căn lành gì, nhờ căn lành ây mà ngày nay sinh trong nhà họ Thích hết sức giàu sang, của cải rất nhiều, thân thể đẹp đẽ dễ thương, đến nay được Thế Tôn thọ ký: ‘Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn bậc nhất là Tỳ-kheo Nan-đà này.”?
Nghe các Tỳ-kheo hỏi như vậy, Đức Phật bảo:
-Này các Tỳ-kheo, Ta nhớ đời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, thuở ấy có một Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi, Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Kinh đô, nơi vua ở tên là Bàn-đồ-ma-để. Bấy giờ Đức Phật Tỳ-bà-thi cùng với chúng Tỳ-kheo sáu ngàn người đều là bậc A-la-hán, ngự trong thành này. Vị vua thuở ấy tên là Bàn-đầu. Vua tôn trọng, cung kính cúng dường Đức Phật và chưng Tỳ-kheo đủ các thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống, thuốc thang và phòng xá.
Thuở ấy, trong thành Bàn-đầu-ma-để có một đồng tử Bà-la-môn xây cất căn phòng tắm ấm, cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng sử dụng. Đồng tử Bà-la-môn thấy các Tỳ-kheo từ phòng tắm ấm đi ra, thân thể thanh tịnh, hết sức thơm tho trong sạch, không chút mùi hôi. Thấy vậy vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, đồng tử phát tâm: “Nguyện ở đời vị lai, thân tôi được thanh tịnh, không có chút cấu uế, hôi hám, giống như thân các Tỳ-kheo này, thanh tịnh thơm tho không chút mùi hôi.”
Sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nhập Niết-bàn, nhà vua Bàn-đầu xây tháp bằng bốn thứ báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê để thờ xá-lợi Phật. Lúc ấy đồng tử Bà-la-môn chỉ huy công trình xây tháp. Sau khi xây tháp xong, đồng tử phát nguyện: “Ở đời vị lai tôi thường được gặp Đức Thế Tôn như thế này. Bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi đều lãnh hội, chứng biết không trái pháp ấy. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh các đường ác.” Do vậy sau khi đồng tử này qua đời, thường sinh lên cõi trời hay trong nhân gian. Sau đó, có đời đồng tử ấy sinh vào nhà trưởng giả đại phú, được cha mẹ nuôi dưỡng, lần lần lớn khôn, mọi mặt đều được thành tựu.
Thuở ấy, nhà của đồng tử có một vị Bích-chi-phật làm vị thầy trong nhà nên thường lui tới. Vị Bích-chi-phật ấy đoan chánh dễ thương, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu. Đồng tử thường đem bốn việc cúng dường cho Bích-chi-phật suốt đời không thiếu. Vị Bích-chi-phật mãn tuổi thọ, sau đó nhập Niết-bàn.
Bấy giờ trưởng giả thấy vị Bích-chi-phật nhập Niết-bàn, đem thi hài đủng như pháp làm lễ hỏa thiêu, thâu xá-lợi, dùng đất đá xây tháp và tô tro bùn bên ngoài. Trên tháp, trưởng giả treo các chuỗi anh lạc để trang nghiêm, rồi phát lời thệ nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai gặp được Đức Bích-chi-phật Thế Tôn như vậy và giáo pháp của Ngài thuyết giảng, tôi nghe rồi liền được chứng ngộ, ghi nhớ không quên. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh vào các đường ác. Cũng nguyện thân tôi đoan chánh dễ thương, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu, được mọi người trông thấy hoan hỷ, không biết chán, như vị Đại tiên này.”
Trưởng giả ấy sau khi qua đời, chưa từng sinh vào các đường ác, luôn luôn sinh vào cõi trời, người, lưu chuyển như vậy trong một thời gian lâu, sau lại sinh làm con vua Cát-lợi-thi (nhà Tùy dịch là Sậu Tế) ở nước Ba-la-nại. Thuở ấy có Đức Phật hiệu là Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Thế Tôn ấy tùy cơ trụ ở đời rồi sau đó diệt độ.
Bấy giờ vua Cát-lợi-thi dùng toàn bảy báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích chân châu, san hô và mã não để xây tháp. Bên ngoài tháp được xây bằng gạch lớn. Tháp này cao một do-tuần, ngang dọc Đông, Tây rộng nửa do-tuần. Có khấc bài minh gọi là Đạt-xá-bà-lăng-ca (nhà Tùy dịch là Thập tướng).
Lúc bấy giờ vua Cát-lợi-thi có bảy vương tử, họ đồng tâu vua: “Lành thay! Tâu Đại vương, xin phụ vương biết cho, chúng con muốn mỗi người cúng một chiếc lọng lớn để che lên trên tháp xá-lợi của Đức Phật Ca-diếp Thế Tôn Như Lai Vổ Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lành thay! Tâu Đại vương, xin ngài cho phép.”
Nhà vua bảo: “Ta cho phép, tùy ý các con.”
Bấy giờ bảy vương tử, mỗi người làm một chiếc lọng: Hoặc bằng vàng, hoặc bằng bạc, bằng mã não... che trên tháp.
Vị vương tử thứ hai trong số bảy vương tử làm chiếc lọng bằng vàng che trên tháp và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai thường gặp được Đức Bích-chi-phật Thế Tôn. Những giáo pháp của Ngài dạy, tôi nguyện được lãnh hội, nhớ mãi không quên. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh vào các đường ác và nguyện được sắc thân như vàng.”
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, nếu ai phân vân về đồng tử Bà-la-môn ở trong thành Bàn-đầu-ma lúc ấy cúng dường phòng tắm ấm cho Đức Phật và chúng Tăng và phát nguyện: “Ở đời vị lai được thân thanh tịnh, thơm tho không cấu uế, giống như những Tỳ-kheo ấy”, rồi sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác diệt độ, đồng tử này xây tháp cung dường, thì các vị chớ nghĩ gì khác, đồng tử đó tức là tiền thân của Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai có tâm nghi ngờ vị trưởng giả trọn đời cúng dường vị Bích-chi-phật, rồi sau khi vị Bích-chi-phật diệt độ, trưởng giả dùng đất đá, tro xây tháp và các chuỗi anh lạc trang hoàng cúng dường xá-lợi, lại nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai được báo thân đoan chánh, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu không thiếu, giống như vị Tiên nhân Bích-chi-phật này”, đó là người nào? Các thầy chớ phân vân gì khác, trưởng giả này cũng là tiền thân của vị Tỳ-kheo Nan-đà này.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai phân vân vị vương tử thứ hai của vua Cát-lợi-thi, vì Đức Phật Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác làm một chiếc lọng bằng vàng che trên tháp, chớ có nghi ngờ gì khác, vương tử đó cũng là tiền thân của Tỳ-kheo Nan-đà này.
Tỳ-kheo Nan-đà thuở xưa đã vì Đức Phật Tỳ-bà-thi và chúng Tỳ-kheo xây nhà tắm ấm, đúng như pháp cúng dường và nhân đó phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được thân thanh tịnh, thơm tho, không cấu uế, giống như thân các Tỳ-kheo ấy.”
Tỳ-kheo Na-đà lại trọn đời cúng dường Đức Bích-chi-phật Thế Tôn, sau khi Đức Bích-chi-phật Thế Tôn diệt độ, dùng đất đá tro xây tháp và các chuỗi anh lạc trang nghiêm cúng dường xá-lợi và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được báo thân đoan chánh, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu không thiếu, giống như thân Tiên nhân này vậy.”
Đối với tháp xá-lợi của Đức Phật Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vị ấy làm một chiếc lọng toàn bằng vàng che lên trên và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được sắc thân như vàng ròng.” Nhờ nghiệp duyên ấy, vị ấy ngày nay được sắc thân màu vàng, đoan chánh, đủ ba mươi tướng đại trượng phu.
Lại thuở ấy, Tỳ-kheo Nan-đà đã phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai không sinh vào các đường ác.” Nhờ nghiệp báo phát nguyện này nên không sinh vào các ác đạo, thường được sinh lên cối trời hay trong nhân gian.
Lại thuở trước, vị ấy đã coi xây tháp thờ xá-lợi Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trọn đời đem bốn sự cúng dường cho Đức Bích-chi-phật; nhờ nhân duyên nghiệp báo ây, ngày nay được sinh trong nhà họ Thích.
Lại thuở ấy Tỳ-kheo Nan-đà đã khởi tâm phát nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai được gặp Đức Thế Tôn như vậy, hoặc hơn thế nữa. Đối với các giáo pháp mà Đức Thế Tôn ấy nói ra, tôi nguyện nghe rồi mau được giải ngộ. Nhờ sức nghiệp báo nhân duyên đó, ngày nay vị ấy được gặp được Ta và xuất gia thọ giới Cụ túc, lại được Ta thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, nếu muốn biết hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn hơn hết là ai? Đó là Tỳ-kheo Nan- đà này vậy.”
Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, ngày xưa Tỳ-kheo Nan-đà đã trồng các căn lành như vậy. Nhờ nhân duyên đó, nay sinh trong nhà họ Thích, thân màu vàng, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu, được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, lại được Ta thọ ký: “Nếu muốn biết trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn hơn hết là ai? Đó là Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.” Phẩm 58: NHÂN DUYÊN CỦA BÀ-ĐỀ-LỢl-CA
(Phần 1)
Thuở nọ, đồng tử Đề-bà-đạt-đa dòng họ Thích thấy năm trăm đồng tử họ Thích xả tục xuất gia, khởi lên ý nghĩ: “Ta cũng có thể theo Thế Tôn xả tục xuất gia.” Nghĩ vậy rồi, đồng tử đến thưa cha mẹ:
-Lành thay! Thưa song thân phụ mẫu, con muốn phát tâm xuất gia theo Phật, cúi xin song thân cho phép.
Nghe nói như vậy, cha mẹ liền bảo đồng tử Đề-bà-đạt-đa:
-Cha mẹ nghĩ thế này: Cha mẹ phải nương vào con, con phải nương vào cha mẹ, nhưng con đã có ý định như vậy, thì tùy theo ý con muốn, cho phép con được xuất gia.
Khi ấy đang mặc y phục tuyệt đẹp vô giá, cỡi voi tốt, đi ra cửa thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, Đề-bà-đạt-đa bị cái móc hai bên cửa, móc vào làm rách hết y phục. Có một vị đại Bà-la-môn hiểu rõ tướng số, ở gần bên thấy vậy, nên huyền ký cho đồng tử Đề-bà-đạt-đa:
-Sự nghiệp xuất gia của đồng tử sẽ bất thành.
Đồng tử Đề-bà-đạt-đa ra khỏi thành, đi đến tòng lâm, lễ dưới chân Phật, đứng về một bên, bạch Phật:
-Cúi xin Thế Tôn cho con xuất gia.
Bấy giờ Đức Thế Tôn chánh niệm quán sát sự nghiệp đời trước và đời sau của Đề-bà-đạt-đa để biết được tâm hạnh của đồng tử. Đức Phật bảo Đề-bà-đạt-đa:
-Này Đề-bà-đạt-đa, ông nên cẩn thận, không nên xả tục xuất gia, chỉ nên về nhà tu tập, đem của cải dùng vào việc bố thí, tạo các công đức, không nên xuất gia trong pháp của Ta.
Khi ấy, bị Đức Phật quở trách, đồng tử Đề-bà-đạt-đa đi đến Trưởng lão Xá-lợi-phất, bạch:
-Thưa Thánh giả Xá-lợi-phất, cho con được xuất gia.
Trưởng lão Xá-lợi-phất hỏi Đề-bà-đạt-đa:
-Này Đề-bà-đạt-đa, ông đã đến thưa với Đức Phật chưa? Đề-bà-đạt-đa thưa:
-Con đã thưa với Đức Phật rồi.
Trưởng lão Xá-lợi-phất hỏi:
-Này Đề-bà-đạt-đa, Đức Thế Tôn đã nói với ông thế nào? Đề-bà-đạt-đa đáp:
-Thưa Thánh giả, Đức Phật nói thế này: “Ông không nên xả tục xuất gia, nên ở nhà tu hạnh bố thí, tạo các công đức. Nếu xuất gia ở trong pháp của Ta, ông sẽ không được lợi ích.”
Bấy giờ Xá-lợi-phất mới nghĩ: “Ngày nay Đức Thế Tôn đã không cho Đề-bà-đạt-đa xuất gia. Nếu ta cho xuất gia thì ta không đúng.” Nghĩ như vậy rồi, ngài Xá-lợi-phất liền bảo Đề-bà-đạt-đa: -Này Đề-bà-đạt-đa, ông nên làm theo lời Thế Tôn dạy. Lúc ấy đồng tử Đề-bà-đạt-đa bị Xá-lợi-phất khước từ, lại đi đến chỗ Trưởng lão Mục-kiền-liên. Đến nơi đảnh lễ, đứng lui về một bên, đồng tử bạch:
-Kính bạch Trưởng lão Mục-kiền-liên, cúi xin ngài cho con được xuất gia.
Mục-kiền-liên lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:
-Này Đề-bà-đạt-đa, ông đã đến thưa Đức Phật chưa? Đề-bà-đạt-đa trả lời:
-Con đã đến thưa Đức Phật rồi.
Trưởng lão Mục-kiền-liên lại bảo Đề-bà-đạt-đa:
-Đức Thế Tôn đã nói với ông những gì?
Đề-bà-đạt-đa đáp:
-Thế Tôn bảo con: “Ông chớ nên bỏ tục xuất gia ở trong pháp của Ta, nến sống tại gia đúng như pháp mà tu hành, dùng của cải bố thí, tạo các công đức. Chẳng nên xuất gia ở trong pháp của Ta. Nếu xuất gia thì không lợi ích cho ông.”
Bấy giờ Trưởng lão Mục-kiền-liên cũng bảo Đề-bà-đạt-đa: -Ông cần phải nghe lời Thế Tôn dạy, nên trở về nhà, cần phải
làm những việc ấy.
Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa cũng bị Mục-kiền-liên không cho xuất gia, lại đi đến chỗ Trưởng lão Đại Ca-diếp... Sơ lược như trên.
Kế tiếp, Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ ngài Ca-chiên-diên, rồi đi đến chỗ ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Kế tiếp đi đến Trưởng lão chỗ ngài Na-đề Ca-diếp. Kế tiếp đi đến chỗ Trưởng lão Ưu-ba-tư-na, cho đến chỗ của các ngài Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Tôn-đà-ly-ba-đa... đều không được cho xuất gia.
Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa, đảnh lễ dưới chân, đứng lùi về một bên. Đồng tử Đề-bà-đạt-đa lại cầu Ưu-ba-ly Ba-đa xin xuất gia.
Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:
-Ông đã đến chỗ Đức Phật chưa?
Đề-bà-đạt-đa đáp:
-Thưa Thánh giả, trước đây con đã đến chỗ Đức Phật rồi.
Bấy giờ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa hỏi:
-Ông đã đến chỗ Đức Phật, Ngài đã dạy ông những gì?
Đề-bà-đạt-đa đáp:
-Thế Tôn bảo con không nên xả tục xuất gia, chỉ nên ở tại nhà y như pháp tu tập, dùng của cải bố thí, tạo các công đức, chẳng nên ở trong pháp của Ngài xuất gia. Nếu xuất gia thì con không được lợi ích.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.182.211 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.