Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 56: NHÂN DUYÊN CỦA LA-HẦU-LA
(Phần 2)
BẤy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, Ta nhớ thuở xưa, cách đây rất lâu, gần làng nọ trong nước Ca-thi, có một đồi núi tên là uất-trưng-già. Phía Nam núi này có một khu rừng nhiều cây, số đến mười vạn loại, hoa quả sum suê, cành lá rậm rạp, từ xa trông thấy như đám mây xanh, ở trong rừng có rất nhiều hồ sen rải rác đó đây tô điểm khu rừng. Rừng này rộng lớn, hết sức yên tĩnh.
(Có thuyết nói rừng uất-trưng-già ở thành Ba-la-nại)
Thuở ấy, khu rừng này có bầy voi, một con voi cái sinh chú voi con, hình dáng rất đẹp, nhìn không chán. Chú voi con này làn da trắng nõn, đầy đủ sáu ngà, đầu thuần sắc đen, giống như chim Nhân-đà-la-cù-ba, bảy chi sát đất. Voi con được nuôi dưỡng chẳng bao lâu trở thành một con voi to lớn. Con voi lớn này sống đúng như pháp, hiếu thuận cha mẹ. Mỗi khi voi lớn có được những thức ăn như hoa quả, rễ lá... thì trước hết cung kính cúng dường cho cha mẹ, cha mẹ ăn uống no nê rồi sau đó nó mới ăn.
Một hôm, voi lớn dạo khắp nơi, kiếm thức ăn uống hoa quả. Tình cờ đám thợ săn thấy được, họ suy nghĩ: “Con voi lớn này không phải người thường có thể cỡi được. Chỉ có Đại vương Phạm Đức mới có thể cỡi được mà thôi.” Toán thợ săn liền đi đến hoàng cung, nơi bệ rồng, tâu lên vua Phạm Đức: “Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, tại một khu rừng ở xứ nọ có một con voi chúa hình dung đẹp đẽ, dễ thương, làn da trắng nõn, đầy đủ sáu ngà, đầu đen như đầu chim Nhân-đà-la-cù-ba, bảy chi sát đất. Theo chỗ nhận thấy của hạ thần, con voi này chỉ có Đại vương cỡi được mà thôi. Nếu như ý của Đại vương muốn thì nên cho người bắt voi đến đó, bắt con voi này dẫn về cho Đại vương xem.”
Khi ấy vua Phạm Đức liền đòi người bắt voi đến, bảo: “Trẫm nghe người ta mách bảo: Có một con voi chúa đầy đủ sáu ngà, thân hình đẹp đẽ dễ thương, người xem không biết chán... bảy chi đều sát đất. Các khanh phải mau đến đó bắt con voi chúa này đem về cho ta, chớ nên chậm trễ khiến nó đi mất.”
Những người bắt voi nghe sắc lệnh của vua Phạm Đức như vậy, liền tâu: “Y như lời Đại vương dạy, hạ thần không dám trái lệnh.”
Họ liền sắm đủ các dây thừng bằng da rồi đi đến chỗ ở của voi chúa, dừng chú thuật khiến voi chúa đến bên họ. Họ dùng dây da cột lấy voi chúa rồi dẫn về cho vua Phạm Đức.
Đức vua Phạm Đức từ xa thấy các người bắt voi dẫn voi chúa sắp đến nơi, vì lòng vui mừng nên đứng dậy ra tiếp nhận. Nhà vua nói: “Sung sướng thay được thớt voi to lớn tuyệt đẹp như vậy! Sung sướng thay được thớt voi to lớn tuyệt đẹp như vậy!”
Bấy giờ nhà vua đích thân nuôi voi. Tất cả những thức ăn gì voi có thể ăn được, nhà vua đều chăm sóc cho ăn. Tuy vậy mà voi chúa lại gầy ốm, thường gầm thét và rên rỉ, buồn khóc rơi lệ mãi. Đại vương Phạm Đức thấy voi gầy ốm tiều tụy, buồn khóc lệ trào như vậy, nên đi đến trước mặt voi, chắp tay nói: “Ta đem tất cả món ăn ngon cung phụng cho ngươi, không bổ dưỡng da thịt thân thể, ngược lại ốm gầy, sắc lực giảm sút, thân bệnh gầy gò. Ta thấy ngươi như vậy, rất lo lắng chẳng vui. Ta đã đem tâm thương ngươi, cung cấp thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng không chút nào rời, vì lý do gì ngươi không vui vẻ? Nay ngươi muốn những gì, ta đều cho để ngươi được hoan hỷ.”
Voi chúa thưa vua Phạm Đức: “Tôi xin trình bày một điều, để Đại vương hoan hỷ.”
Khi nhà vua nghe voi chúa nói như vậy, rất hoan hỷ, cho là việc ít có, nghĩ thế này: “Việc này thật hy hữu. Voi chúa này biết nói tiếng người!” Nghĩ vậy rồi, nhà vua bảo: “Này voi chúa, điều mà ngươi cho là ta hoan hỷ, thì ngươi cứ nói ra.”
Bấy giờ voi chúa tâu vua Phạm Đức: ‘Đại vương phải biết, nơi rừng kia tôi còn có cha mẹ già sức yếu ở trong đó. Tôi nghĩ: Trước khi chưa bị Đại vương bắt về, tôi nhớ chưa từng có khi nào tôi ăn trước rồi cha mẹ ăn sau, nước uống cũng vậy. Tôi dâng cho cha mẹ tôi ăn trước, rồi sau đó tôi mới ăn. Ngày nay tôi suy nghĩ: Tôi đang nhận sự nuôi dưỡng, cung cấp tất cả thức ăn không thiếu hụt, nhưng cha mẹ tôi ở trong rừng trở nên cô độc, chịu nhiều sự đau khổ. Vì không được ở gần cha mẹ nên tôi ưu sầu, khổ não chẳng vui.”
Vua Phạm Đức nghe nói như vậy, cho là việc quá đặc biệt, chưa từng có Vua lại suy nghĩ: “Việc này thật hy hữu, không thể nghĩ bàn! Trong loài người còn khó có việc như vậy, tại sao voi chúa này lại được như vậy?” Suy nghĩ rồi, nhà vua bảo Tượng vương: “Này voi chúa, ta thà tự giam hãm trong lao ngục, chứ chẳng dám gây nhiễu loạn cho kẻ giữ gìn giới luật diệu hạnh, hiếu dưỡng phụ mẫu đúng theo pháp như vậy.”
Vua nói với voi chúa: “Này voi chúa, ta thả ngươi về với cha mẹ, tự đem đồ ăn nuôi dưỡng cha mẹ, tùy ý hưởng lạc.”
Khi thả voi, vua có nói kệ:
Voi chúa tự do nay trở về
Đem lòng hiếu thuận nuôi cha mẹ
Ta thà xả bỏ thân mạng này
Với ngươi, ta không gây nhiễu loạn.
Sau khi voi chúa được vua Phạm Đức thả ra, lần lần về đến khu rừng cũ. Thuở ấy voi mẹ vì mất con, ưu sầu khổ não, buồn khóc kêu la thảm thiết, do vậy mù cả đôi mắt. Vì mù đôi mắt, nên voi mẹ từ chỗ ỏ của mình lần hồi đi khắp đó đây, lạc đến phương khác. Đến khi voi chúa khi trở lại quê nhà, tìm kiếm mẹ mình nhưng không biết ở đâu. Do không thấy mẹ nên voi chúa rống tiếng kêu la. Voi mẹ nghe tiếng kêu như vậy liền biết đó là tiếng của con mình nên rống tiếng khóc buồn thảm. Voi chúa nghe tiếng mẹ kêu, vội vã theo hướng tiếng kêu đi đến. Voi chúa thấy mẹ mình đang đứng nghỉ bên bờ ao. Để mẹ đứng yên trên bờ, voi chúa vào trong ao nước, dùng vòi hút đầy nước rồi lên khỏi ao thân tâm khoan khoái, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Voi chúa đem nước đến, phun nước tắm rửa cho mẹ mình. Khi voi mẹ được voi con đem nước tắm rửa thân thể, đôi mắt bỗng nhiên bừng sáng hơn xưa, voi mẹ trông thấy được con mình mới hỏi: “Con đi đâu ngày nay mới trở về, để suốt thời gian đằng đẳng vừa qua mẹ không thấy con?”
Bấy giờ voi chúa đem đủ mọi việc từ khi vua Phạm Đức cho người bắt đem về hoàng cung, nhân duyên nhà vua chăm sóc, nuôi dưỡng, thả ra, trở về đây... trình bày cho voi mẹ biết. Khi voi mẹ nghe con trình bày như vậy, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, nên nói lớn: “Con ơi! Con ơi, mẹ con chúng ta ngày nay chung sống sung sướng thế này, ta nguyện rằng Đại vương Phạm Đức cùng cha mẹ, vợ con, nam nữ quyến thuộc, cho đến tất cả thân bằng thiện hữu tri thức, trăm quan đại thần, phụ tá... cùng sống hạnh phúc khoái lạc như chúng ta ngày nay.”
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, nếu các thầy có phân vân voi chúa thuở ấy nay là ai, thì chính là thân Ta vậy. Nếu các thầy có phân vân voi mẹ thuở ấy nay là người nào, các thầy chớ nghĩ gì khác, tức là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di này vậy. Các thầy cần phải biết, thuở ấy Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di cũng vì Ta ưu sầu khổ não, kêu khóc thảm thiết, nước mắt tuôn trào, mù đôi mắt. Lại cũng do Ta mà đôi mắt bà sáng lại. Ngày nay cũng vậy, Ma-ha Ba-xà-ba-đề cũng vì không thấy Ta nên ưu sầu khổ não kêu khóc, hai mắt bị mù. Lại cũng do Ta, đôi mắt bà sáng lại.
Này các Tỳ-kheo, thuở xưa còn ở địa vị tu nhân, chưa thành Phật, mà Như Lai còn làm lợi ích cho chúng sinh như vậy, huống nữa là ngày hôm nay thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do vậy, các thầy nếu là người có trí, đối với Phật phải luôn luôn có tâm hy hữu và kính trọng. Đối với Pháp bảo và Tăng bảo cũng phải sinh tâm kính trọng. Các thầy phải nương tựa theo đây mà tu học. Phẩm 57: NHÂN DUYÊN NAN-ĐÀ XUẤT GIA
(Phần 1)
Một hôm, Đức Thế Tôn giáo hóa Thích tử Nan-đà xả tục xuất gia, nói về nhân duyên xuất gia, lại cũng ca ngợi nhân duyên xuất gia. Ngài nói:
-Này Nan-đà, lại đây! Ông nên đi xuất gia.
Nghe Đức Phật nói lời này rồi, Thích tử Nan-đà bạch Phật: -Bạch Đức Thế Tôn, con không xuất gia. Lý do tại sao? Vì con nguyện trọn đời đem bốn thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống và thuốc thang cúng dường cho Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo.
Đức Thế Tôn lại giáo hóa Nan-đà bằng cách tán thán công đức xả tục xuất gia..., thường nói nhân duyên xuất gia và cho đến dùng lời tán thán khuyên xuất gia.
Như vậy, đến lần thứ hai, lần thứ ba, mà Nan-đà không chịu xuất gia, vẫn nói:
-Con trọn đời đem bốn thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống và thuốc thang cúng dường cho Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian ngắn, Đức Thế Tôn sau khi thọ trai xong đem theo một thị giả, đi từ từ hướng về cung điện của Thích tử Nan-đà. Lúc ấy đồng tử Nan-đà cùng nàng Tôn-đà-lợi dạo chơi, ngồi trên lầu ngắm cảnh. Nan-đà ở trên lầu, xa xa trông thấy Thế Tôn hướng về cung điện mình, nên vội vã đứng dậy, xuống lầu nghinh tiếp Thế Tôn. Đến nơi, Nan-đà đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng về một bên và bạch Phật:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, Ngài từ phương xa nào đến đây? Cúi xin Thế Tôn rủ lòng vào nhà con, an tọa trên chỗ ngồi.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vào cung điện Nan-đà, ngồi trên tòa, an ủi ủy dụ Nan-đà. Ủy dụ xong, Ngài ngồi im lặng. Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài thọ sự cúng dường trai phạn. Con sẽ cho người sửa soạn đủ thức ăn sơn hào hải vị.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Ta thọ trai rồi, không nên dọn thức ăn nữa.
Đồng tử Nan-đà lại bạch Phật:
-Con có ít mật phi thời, Ngài có dùng được chăng?
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Tùy ý đồng tử.
Nan-đà bạch Phật:
-Dạ vâng, bạch Thế Tôn.
Nan-đà bưng bát mật phi thời dâng cho Thế Tôn. Thế Tôn lúc ấy không chịu tiếp lấy bát mật. Đồng tử Nan-đà lại đem bát mật trao cho thị giả của Đức Phật, nhưng vị thị giả cũng không tiếp lấy. Đức Thế Tôn cùng vị thị giả đứng dậy trở về rừng Ni-câu-đà, đồng tử Nan-đà cũng từ trên lầu bưng bát mật đi theo sau Phật.
Bấy giờ nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi đang chải đầu, thấy Nan-đà bưng bát mật đầy đi theo sau Phật, nàng vội cao giọng vọng gọi:
-Nan-đà ơi, Thánh tử muốn đi đâu đó?
Nan-đà tay chỉ vào bát mật mà nói:
-Đem bát mật này đến dâng cúng cho Đức Phật. Đến đó rồi, anh về liền.
Tôn-đà-lợi nói:
-Thánh tử mau về, không nên ở lâu bên đó.
Khi Đức Thế Tôn ra khỏi cung điện, Ngài vì Nan-đà nên đi khắp đó đây trên những ngã đường. Ý Phật là muốn tất cả dân chúng trong thành thấy Nan-đà bưng bát mật phi thời đi sau Như Lai.
Bấy giờ dân chúng thấy việc như vậy, đều nói với nhau: “Ngày nay Đức Thế Tôn đã quyết định khiến Nan-đà xả tục xuất gia.”
Khi về đến tự viện, Ngài đưa tay ra hiệu bảo một Tỳ-kheo đến tiếp lấy bát mật trong tay Nan-đà. Khi ấy vị Tỳ-kheo hiểu được ý Đức Phật, liền nhận bát mật từ tay Nan-đà. Lúc bấy giờ Nan-đà đảnh lễ dưới chân Phật và thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, con xin từ giã, muốn trở về nhà.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Ông không nên trở về.
Nan-đà lại bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con suy nghĩ không muốn xuất gia. Tại sao? Vì con nguyện trọn đời đem bốn việc cúng dường cho Phật và chúng Tỳ-kheo.
Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà.
-Cõi Diêm-phù-đề này, bề dọc rộng bảy ngàn do-tuần, hướng Bắc rộng rãi, hướng Nam chật hẹp, giống như thùng xe. Ví dụ trong đó chứa đầy chư vị La-hán nhiều như mía lau, mè, lúa... Có thiện nam hay thiện nữ nào trọn đời đem bốn sự cúng dường cho những vị La-hán này. Sau khi các vị La-hán này nhập Niết-bàn, họ lại xây tháp thờ xá-lợi, ở trên mỗi tháp trang trí phướn lọng và bảo linh, lại dùng hương hoa, đèn dầu... để cúng dường, ông nghĩ thế nào? Công đức của người thiện nam hay thiện nữ ấy có nhiều không?
Nan-đà đáp:
-Phước ấy rất nhiều.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:
-Nếu có người trọn đời đem bốn sự..., hoa hương, dầu, đèn... cúng dường chư vị La-hán trong cõi Diêm-phù-đề như trên. Nếu có người cúng dường một Đức Phật, thì quả báo cúng dường một Đức Phật hơn công đức cúng dường các vị La-hán ở trước.
Lại nữa, này Nan-đà, nếu người nào có thể vào trong giáo pháp của Phật, xuất gia chỉ được một ngày một đêm, tu hành phạm hạnh thanh tịnh, thì quả báo của người này hơn quả báo của người cúng dường Phật. Do vậy Nan-đà nên quyết định xuất gia, chớ nên tham hưởng thú vui ngũ dục ở đời.
Lại nữa, này Nan-đà, các dục lạc thú vị ít, đau khổ lại nhiều. Dục lạc vô thường nên đáng xa lìa. Dục lạc là gốc của đại khổ, là ung nhọt lớn, là gai nhọn độc, là sự ràng buộc của ách nạn lớn, là đại khổ não, là tướng tổn giảm, là tướng phá hoại, vô thường, không đứng yên, không kiên cố, nguy hiểm, dễ tan vỡ, nhiều sự sợ sệt, là khổ, là không, là không có tự chủ. Ông nay cần phải quán sát tội lỗi đau khổ của ngũ dục như vậy.
Này Nan-đà, ông đã tư duy rõ ràng về tội lỗi đau khổ của ngũ dục, thì chớ nên tham đắm.
Được nghe Thế Tôn nói những tội lỗi đau khổ của ngũ dục như vậy, trong tâm Nan-đà tuy không thích xuất gia, nhưng vì kính nể Đức Phật nên ông cúi đầu bái lạy, bạch Thế Tôn:
-Con sẽ xuất gia.
Thế Tôn đang đi kinh hành, liền đưa tay ra hiệu vẫy một Tỳ- kheo đến và bảo:
-Thầy hãy kêu một thợ cạo tóc đến đây.
Bấy giờ vị Tỳ-kheo này liền kêu một thợ cạo tóc ở trong chúng đến trước mặt Nan-đà. Khi người này cầm dao cạo, sắp sửa cạo tóc cho Nan-đà. Thì Nan-đà nắm tay đưa trước mặt thợ cạo và nói:
-Ngươi có oai đức gì mà dám cạo đầu ta?
Bấy giờ Đức Thế Tôn chánh ý chánh niệm bảo Nan-đà:
-Tỳ-kheo hãy đến đây! Ở trong pháp của Ta tu phạm hạnh, vì để dứt sạch các khổ.
Khi Đức Như Lai nói lời như vậy xong, râu tóc của Nan-đà liền tự rụng, giống như vị Tỳ-kheo vừa cạo râu tóc cách đây bảy ngày, thân tự nhiên đắp ca-sa, tay bưng bình bát đúng như pháp, liền được xuất gia thọ giới Cụ túc, thành vị Trưởng lão.
Nan-đà cũng có ba mươi tướng tốt không thiếu, thân thể sắc vàng nhưng thấp hơn Đức Phật bốn ngón tay, tuấn tú dễ thương, người trông không chán. Nan-đà sắm ca-sa giống như y của Phật, may rồi dùng mặc. Có Tỳ-kheo từ xa trông thấy Nan-đà đi đến, đều lầm tưởng là Phật, nên đứng dậy nghinh tiếp. Khi đến nơi mới biết chẳng phải Phật, họ trở lại chỗ ngồi. Vì lý do này các Tỳ-kheo chê trách, suy nghĩ: “Tại sao Trưởng lão Nan-đà sắm y giống như Phật mà dùng!.”
Các Tỳ-kheo này đến bạch Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, lập tức triệu tập đại chúng. Ngài hỏi Nan-đà:
-Thầy có may y Tăng-già-lê rộng bằng y của Phật mà dùng hay không?
Bấy giờ Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, việc này sự thật là như vậy.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Như vậy là không đúng pháp. Tại sao thầy mặc y Tăng-già-lê rộng như y của Phật vậy?
Đức Thế Tôn răn dạy, quở trách Nan-đà như vậy rồi tuyên bố với chúng Tỳ-kheo:
-Từ nay trở về sau, các thầy không được may y rộng như y của Phật mà mặc. Nếu ai vi phạm thì như pháp mà trị tội.
Bấy giờ Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn cấm hẳn không cho phép Tỳ-kheo dùng y rộng dài như Phật. Y của ta phải giặt ủi cho bóng láng để mặc.” Nan-đà liền ủi y bóng láng mà dùng, rồi lấy thuốc tô điểm đôi mắt và kẻ mi, trang điểm thân hình, chân mang giày da, tay phải bưng bát, tay trái cầm dù, đi đến bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con muốn vào làng để khất thực.
Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy chẳng phải có tâm chánh tín xả tục xuất gia hay sao?
Nan-đà đáp:
-Đúng như lời Thế Tôn nói, sự thật là như vậy.
Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:
-Thầy đã là kẻ thiện nam chánh tín, xả tục xuất gia. Tại sao ủi y phục bóng láng mà mặc? Lại vì việc gì trang điểm thân thể, dùng thuốc tô điểm đôi mắt, kẻ mày, chân mang giầy da, một tay bưng bát, một tay cầm dù, muốn đi khất thực? Lại nữa, này Nan-đà, nếu như thầy ở chỗ vắng vẻ, đi khất thực để sống mặc y phấn tảo, như vậy mới là điều tốt.
Đức Thế Tôn vì sự việc này nói kệ:
Khi nào Ta thấy được Nan-đà
Ở nơi vắng lặng thường khất thực
Tri túc thiểu dục dùng vật bỏ
Lại thích xa lìa các tướng dục?
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì sự việc này, tập họp chúng Tỳ-kheo và tuyên bố:
-Này các thầy, từ nay trở về sau, không được giặt ủi y bóng láng mà dùng. Nếu thầy nào mặc y bóng láng, sẽ y như pháp mà trị tội. Lại nữa, các thầy không được dùng thuốc tô điểm đôi mắt, kẻ mày và mang giầy da tốt. Lại cũng không được cầm bát mỏng, đẹp và cũng không được cầm đù đi vào thành, xóm làng khất thực. Nếu Tỳ-kheo nào phạm những điều như vậy, thì y như pháp mà trị.
Bấy giờ Nan-đà tuy bị Thế Tôn cấm hẳn các việc ủi y bóng láng, không được dùng thuốc tô mắt, kẻ mày, không được mang giầy da tốt, không được dùng bát mỏng, đẹp và không được mang dù. Nhưng vẫn còn nghĩ đến thế lực và thú vui của cuộc đời vua chúa, không chịu tuân theo giới cấm, lại mơ tưởng nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi, nghĩ đến sắc dục, không tu tập phạm hạnh, ý muốn xả giới hoàn tục. Vì lý do này, Nan-đà thường vẽ tượng nàng Tôn-đà-lợi.
Vào một hôm, Nan-đà đi đến chỗ vắng vẻ, lấy đất sét hay tấm ván vẽ hình Thích nữ Tôn-đà-lợi, ngắm nhìn cả ngày. Có Tỳ-kheo khác thấy được, sinh tâm chê trách, nói với Nan-đà:
-Tại sao Trưởng lão ở nơi vắng vẻ, lấy đất sét hay ván vẽ hình phụ nữ rồi ngắm nhìn trọn ngày như vậy?
Bấy giờ các Tỳ-kheo đem việc này bạch với Đức Phật. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này triệu tập các Tỳ-kheo. Ở trong chúng, Ngài hỏi Nan-đà:
-Thật sự thầy có ở chỗ vắng vẻ dùng đất sét hay ván vẽ hình phụ nữ rồi ngắm nhìn trọn ngày không?
Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, thật sự là như vậy.
Bấy giờ Đức Phật bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy làm việc như vậy là tốt chăng? Ôi, kẻ xuất gia làm Tỳ-kheo đâu được vẽ hình phụ nữ để ngắm nghía!
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, từ nay trở đi, các thầy không được vẽ hình phụ nữ, dầu là hình của người có thật hay là hình người do mình tưởng tượng. Do vì tâm dục, vẽ rồi ngắm nhìn. Nếu có thầy nào vẽ hình phụ nữ mà ngắm nhìn, thì mắc tội trái với giới luật.
Vào một lúc khác, Trưởng lão Nan-đà theo thứ lớp đến ngày trực trông coi tu viện. Nan-đà nghĩ thế này: “Như Lai chẳng bao lâu sẽ vào thành khất thực. Hôm nay ta trở về hoàng cung.” Khi ấy biết được tâm niệm Nan-đà, Thế Tôn gọi Trưởng lão Nan-đà đến và bảo:
-Này Nan-đà, nếu thầy muốn đi thì đóng các cửa phòng lại rồi mới đi.
Thế Tôn nói như vậy rồi, liền đi vào xóm làng khất thực. Trưởng lão Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn đã đi vào làng khất thực rồi, ta sẽ được trở về nhà.”
Khi ấy Nan-đà thấy cửa phòng Thế Tôn bỏ trống, nên nghĩ: “Ta đóng cửa phòng của Đức Thế Tôn, rồi sau đó mới trở về nhà.”
Cửa phòng của Thế Tôn đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Xá-lợi-phất chưa đóng, Nan-đà liền đi đến đóng cửa phòng của ngài Xá-lợi-phất. Cửa phòng cửa Xá-lợi-phất đóng rồi, lại thấy cửa phòng của Mục-kiền-liên bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của Mục-kiền-liên. Cửa phòng của Mục-kiền-liên đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Đại Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Đại Ca-diếp. Cửa phòng của Đại Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Đại Ca-chiên-diên bỏ
trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Đại Ca-chiên-diên. Cửa phòng của Đại Ca-chiên-diên đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Cửa phòng của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Na-đề Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Na-đề Ca-diếp. cửa phòng của Na-đề Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Già-da Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Già-da Ca-diếp. Cửa phòng của Già-da Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-ba-tư-na bỏ trống... Cửa phòng của Ưu-ba-tư-na đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Câu-hy-la bỏ trống... Cửa phòng của Câu-hy-la đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ma-ha Chiên-đà bỏ trông... Cửa phòng của Ma-ha Chiên-đà đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Lợi-ba- đa bỏ trống... Cửa phòng của Lợi-ba-đa đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-ba-ly-ba-đa bỏ trống...
Cứ tuần tự như vậy, cửa thứ nhất đóng, cửa thứ hai bỏ trống, cửa thứ ba đóng rồi thì cửa thứ tư bỏ trống. Nan-đà thấy đóng một cửa thì một cửa bỏ trống, nên nghĩ thế này: “Ta tội lỗi gì mà các Tỳ-kheo hành ta như vậy! Dầu là cửa đóng hay bỏ trống, ta sẽ bỏ đi về nhà, vì e rằng chẳng bao lâu nữa Thế Tôn trở về.” Nghĩ như vậy rồi, ông liền từ rừng Ni-câu-đà sắp sửa ra về.
Khi ấy Đức Thế Tôn bằng Thiên nhãn xem thấy, biết ý Nan-đà muốn rời khỏi khu rừng Ni-câu-đà. Như Lai thấy vậy liền ẩn thân nơi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, lập tức xuất hiện nơi rừng Ni-câu-đà. Khi ấy Nan-đà thấy Đức Phật có mặt trong rừng, liền vội ngồi núp dưới thân cây Ni-câu-đà lớn. Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng sức thần thông đưa vị đại thọ này lên hư không. Đức Phật thấy Nan-đà ngồi núp dưới gốc cây, Ngài hỏi:
-Này Nan-đà, hôm nay thầy muốn đi về đâu?
Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay con nhớ lại sự tự do khoái lạc của vương vị và lại nhớ Thích nữ Tôn-đà-lợi. Do vậy, chẳng thích tu phạm hạnh, ý muốn xả giới hoàn tục.
Nhân đây Đức Phật nói kệ:
Muốn ra khỏi rừng đã ra khỏi
Ra khỏi rừng rồi lại vào rừng
Thầy hãy quán sát người như vậy
Ra khỏi trói buộc, lại trói buộc.
Đức Thế Tôn vì Nan-đà nói kệ như vậy rồi, lại khuyên:
-Này Trưởng lão Nan-đà, thầy ở trong giáo pháp của Ta, phải phát tâm siêng năng tinh tấn, tu các phạm hạnh để diệt trừ các đau khổ.
Đức Thế Tôn đã giáo hóa Nan-đà như vậy nhưng Nan-đà vẫn không quên lạc thu về ngũ dục ngày trước và sự khoái lạc thỏa thích của vương vị, vẫn còn mơ tưởng nàng Tôn-đà-lợi, không thích chánh pháp tu theo phạm hạnh, muốn xả giới trở về hoàng cung.
Vào một hôm, có vị đại trưởng giả thỉnh Đức Phật cúng dường trai phạn. Hôm ấy cũng nhằm phiên Nan-đà giữ Già-lam. Lúc ấy Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn nhận lời mời của trưởng giả. Khi Ngài vào làng thọ trai, thì ta sẽ trở về hoàng cung.”
Biết tâm niệm của Nan-đà nên Đức Thế Tôn bảo:
-Này Nan-đà, nay thầy phải biết đến lúc rưới nước quét dọn vườn chùa và phải lấy đầy nước những bồn rửa của Tỳ-kheo.
Nói như vậy rồi, Đức Phật đi vào xóm làng để chứng trai theo lời mời trước.
Lúc ấy Trưởng lão Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn nhận lời thỉnh, đi vào làng dự hội. Ta có thể tự do về nhà.” Nan-đà nghĩ như vậy, thấy trước phòng Như Lai nhiều đất dơ bẩn nên lại suy nghĩ: “Ta trước tiên đến quét dọn phẩn uế rồi sau đó trở về hoàng cung.”
Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà cầm chổi quét dọn trước phòng của Như Lai. Khi Nan-đà quét dọn bên này thì gió thổi cỏ rác tấp phủ nửa bên kia, nên phải quét trở lại. Bấy giờ Nan-đà nghĩ: “Ta thôi quét dọn, trước phải lấy đầy nước tất cả bồn rửa của chúng Tăng, sau mới quét sân.”
Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà đem tất cả bồn rửa của chúng Tăng đến giếng lấy đầy nước. Khi những bồn đã đựng đầy nước thì bị lật úp. Khi ấy Nan-đà lại nghĩ: “Ta làm sao quét sạch và lấy nước đầy các bồn được, như Lai không bao lâu sẽ trở về, ta nên mau mau trở về hoặng cung.” Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà liền từ rừng Ni-câu-đà sắp trở về hoàng cung.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thọ trai tại nhà trưởng giả, Ngài dùng Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt loài người, xem thấy Nan-đà đang từ rừng Ni-câu-đà sắp đi về nhà. Thấy vậy rồi, Ngài hóa một thân khác, từ nhà trưởng giả trong nháy mắt hiện ở rừng Ni-câu-đà, đứng trước mặt Trưởng lão Nan-đà.
Lúc ấy Nan-đà ở xa trông thấy Thế Tôn sắp đến gần mình, liền trèo lên bờ gộp cao lớn, rồi trèo xuống ngồi núp mình trong eo trũng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng sức thần thông biến bờ núi cao kia thành vùng đất bằng phẳng như bàn tay, Ngài thấy Nan-đà ngồi như vậy, mới bảo:
-Thầy ngồi ở đây để làm gì?
Nan-đà bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, con đã hứa với nàng Tôn-đà-lợi là con sẽ trở về nhà. Nay con nghĩ rằng không nến để mình trở thành kẻ nói dối. Do vậy, con muốn trở về nhà.
Đức Phật bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy cần gì phải gặp Tôn-đà-lợi, thân nàng như da gói lấy xương, bên trong chứa đầy các thứ tủy, não, máu, mủ, phẩn tiểu, giống như hố xí, thật đáng ghê tởm! Thầy cần phải xa lìa.
Này Nan-đà, Ta nói đại khái, mỗi một chúng sinh cùng với vợ mình chung sống tiết ra đồ bất tịnh nhiều hơn nước biển cả, mà cũng không biết lấy làm đủ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, nói kệ:
Muốn ra khỏi rừng, đã ra khỏi
Ra khỏi rừng rồi, lại vào rừng
Thầy hãy quan sát người như vậy
Ra khỏi trói buộc, lại trói buộc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn giáo hóa Nan-đà, Ngài dạy:
-Này Nan-đà, thầy đang ở trong giáo pháp của Ta, tự do vui vẻ tu phạm hạnh thanh tịnh, là do muôn dứt tất cả khổ.
Lúc ấy Nan-đà tuy được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giáo hóa như vậy mà vẫn không ưa thích tu phạm hạnh nên cùng với Lục quần Tỳ-kheo kết làm bè bạn, thường lui tới bàn luận, từ sáng đến tối nói toàn chuyện tà mạng xâu xa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy Nan-đà làm việc như vậy, nên suy nghĩ: “Ngày nay Nan-đà đã học theo đám Lục quần Tỳ-kheo, sợ tổn hại công đức hạnh nghiệp. Ta nên cắt đứt không cho Nan-đà giao du với họ.”
Ngài nghĩ như vậy rồi, liền bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy đến đây, Ta cùng thầy đi vào thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô.
Nan-đà bạch Phật:
-Dạ vâng, như lời Thế Tôn dạy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Nan-đà đi vào thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, lần lần đi đến cửa hàng bán cá. Khi ấy Thế Tôn thấy có đến trăm con cá hôi thôi trải trên tấm chiếu cỏ tại gian hàng. Thấy rồi, Ngài bảo Nan-đà:
-Nan-đà lại đây, thầy hãy cầm một cọng chiếu cỏ phơi cá. Nan-đà trả lời:
-Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ làm như lời Ngài dạy.
Nói lời ấy rồi, Nan-đà liền rút một cọng cỏ hôi tanh dưới tấm chiếu phơi cá nơi gian hàng. Khi Nan-đà cầm cọng cỏ tranh nơi tay rồi, Đức Phật lại bảo:
-Thầy cầm một lát rồi ném xuống đất.
Nan-đà bạch Phật:
-Y như lời Thế Tôn dạy.
Khi ấy Nan-đà nắm cọng cỏ tranh hôi tanh đứng trong thời gian ngắn, rồi ném xuống đất. Lúc ấy Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy hãy ngửi tay của thầy.
Nan-đà liền ngửi bàn tay mình. Đức Phật lại hỏi:
-Này Nan-đà, thầy thấy bàn tay có mùi gì?
Trưởng lão Nan-đà đáp:
-Thưa Thế Tôn, chỉ có một mùi hôi thối bất tịnh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.161.43 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.