Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 58: NHÂN DUYÊN CỦA BÀ-ĐỀ-LỢI-CA
(Phần 2)
Bấy giờ Trưởng lão Ưu-ba-ly Ba-đa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn đã không cho đồng tử Đề-bà-đạt-đa xuất gia, nếu ta vội cho xuất gia thì ta không đúng.” Nghĩ như vậy rồi liền bảo Đề-bà-đạt-đa:
-Đồng tử phải nghe lời Thế Tôn dạy, cần phải làm những việc như vậy.
Đề-bà-đạt-đa tuần tự đã đi đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức cầu xin xuất gia mà các vị Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức đều nói với Đề-bà-đạt-đa:
-Đức Thế Tôn đã có lời dạy như vậy, đồng tử nên làm theo lời dạy đó.
Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa bị các Tỳ-kheo từ chối không cho xuất gia, nên cỡi voi trắng trở về thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, sống lại cảnh vương cung.
Đồng tử A-nan khi vừa thấy năm trăm đồng tử họ Thích đều được xuất gia, liền nghĩ thế này: “Ngày nay ta phải xả tục xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi đến thưa cha mẹ:
-Thưa cha mẹ, ý con ngày nay muốn xả tục theo Đức Phật xuất gia, cúi xin cha mẹ hoan hỷ cho con được toại nguyện.
Mẹ A-nan vốn có tâm bất tịnh đối với Đức Phật. Vì lý do gì bà ta có tâm như vậy? Vì khi Đức Thế Tôn còn là Bồ-tát tại gia, bà ta thấy Bồ-tát có công đức oai lực sáng ngời, nên đốì với Bồ-tát bà sinh nhiễm tâm, nói nhiều lời bất chánh. Khi ấy Bồ-tát vì người thân của bà ấy là di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nên đối với lời bất chánh ấy, Ngài im lặng không quan tâm.
Vì bà không có tịnh tâm nên nhất định không cho A-nan xả tục xuất gia. Khi nghe nói lại là A-nan muốn xuất gia, nhưng cha mẹ không cho, Đề-bà-đạt-đa đến nói với A-nan:
-Tâm đồng tử thật sự muốn xuất gia nhưng cha mẹ chưa cho phải không?
A-nan đáp lời Đề-bà-đạt-đa:
-Đúng như lời vương tử nói. Tôi không biết làm cách gì để cha mẹ cho phép xuất gia, được thọ giới làm Tỳ-kheo.
Đề-bà-đạt-đa nói với A-nan:
-Nếu sau này cha mẹ đồng tử cho đồng tử xuất gia thì nói cho ta biết, để cùng người đi xuất gia.
A-nan liền đáp:
-Như lời vương tử nói, tôi không dám thất hứa.
Bấy giờ A-nan nghĩ thế này: “Cha mẹ ta chắc chắn không cho ta xuất gia” Nghĩ như vậy rồi, liền ở trong nhà lấy năm trăm đồng tiền lén đi đến nước Tỳ-đề-da, nơi làng nọ có một trưởng giả, trước kia là bạn tốt của phụ vương, đem năm trăm tiền giao cho trưởng giả và dặn:
-Tôi đem số tiền này giao cho nhân giả để dùng vào việc ăn uống cho tôi. Khi nào muốn ăn thì tôi đi đến nhà nhân giả, lúc ấy đem tiền này mua đồ ăn cho tôi. Nhân giả cũng đừng hỏi tôi từ đâu đến. Khi tôi đến là nhân giả biết tôi cần thức ăn.
A-nan nói như vậy rồi, liền đi đến chỗ hoang vắng, thọ giới “không nói”, đi-đứng-nằm-ngồi im lặng không nói. Mỗi khi cần thức ăn, A-nan đi đến nhà trưởng giá ngồi ăn uống im lặng. Ăn uống xong rồi, im lặng ra về.
Bấy giờ dân cư ở làng này thường thấy đồng tử Thích A-nan đi đứng nằm ngồi, tới lui im lặng. Thấy vậy, họ mới hỏi A-nan:
-Nhân giả là ai?
Bấy giờ A-nan không đáp một lời, lại im lặng bỏ đi. Khi ấy dân làng nói với nhau: “Vị Tiên nhân này có lẽ phát xuất từ nước Tỳ-đề-da.” Vì vậy, họ đặt tên A-nan là Tiên nhân nước Tỳ-đề-da.
Một hôm, cha mẹ A-Nan nghe nói thế này: “A-nan trốn khỏi thành Ca-tỳ-la, đi đến xóm làng thuộc nước Tỳ-đề-da, thọ giới “không nói”, tu hạnh tiên, nay đã thành Tiên nhân.” Nghe được tin này cha mẹ A-nan, liền sai sứ giả đến nói:
-Con ơi! Con ơi, nếu con quyết định không chịu ở nhà, chỉ muốn xuất gia thì nên theo đồng tử họ Thích mà xuất gia.
A-nan nghe vậy trở về nhà, rồi đến nói với Đề-bà-đạt-đa:
-Này Đề-bà-đạt-đa, vương huynh phải biết, cha mẹ tôi đã cho tôi xuất gia rồi.
Đề-bà-đạt-đa lại hỏi A-nan:
-Ý vương tử nay muốn xuất gia với ai?
A-nan đáp:
-Nay ý tôi muốn theo Đức Phật xuất gia.
Đề-bà-đạt-đa lại nói:
-Ta trước đây đã đến Đức Phật cầu xin xuất gia, mà Ngài không cho ta xuất gia.
A-nan lại nói:
-Nên đến chỗ thánh giả Xá-lợi-phất cầu xin xuất gia.
Đề-bà-đạt-đa lại đáp:
-Trưởng lão này cũng không cho ta xuất gia. Như vậy cho đến Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Đại Ca-chiên-diên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Ưu-ba-tư-na, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Chuyên-đà, Ưu-ba-ly Ba-đa..., bao nhiêu chư vị Tỳ-kheo Thượng tọa, Đại đức như vậy đều không cho ta xuất gia.
A-nan lại hỏi Đề-bà-đạt-đa:
-Này Đề-bà-đạt-đa, như theo ý vương huynh thì nên đi đâu?
Đề-bà-đạt-đa đáp:
-Này A-nan, chúng ta nên đi đến chỗ nào mà không ai biết.
A-nan lại nói:
-Tôi cũng tùy theo ý của vương huynh.
Mỗi gia đình họ Thích trong hoàng gia phải có một người xuất gia, nên có nhiều đồng tử họ Thích đầy oai thế xuất gia theo Phật.
Khi ấy tại thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô có một gia đình họ Thích nọ chỉ có hai anh em. Người em tên là Ma-ni-lâu-đà (bổn cũ gọi là A-ni-lâu-đà). Người anh tên là Ma-ha Na-ma. Đồng tử Ma-ni-lâu-đà đã nhiều kiếp trồng các căn lành, tu các hạnh giải thoát, dứt các phiền não, hướng về Niết-bàn, không muốn sinh trong các cõi hữu lậu, ở trong tam giới chỉ muốn diệt sạch các hoặc lậu. Do vì trong quá khứ đồng tử chứa nhiều công đức nên ngày nay sinh trong nhà họ Thích. Từ khi đồng tử sinh trong nhà họ Thích ấy thì gia nghiệp của nhà này lần lần phát triển, như là của cải, vàng bạc, lúa gạo, chân châu, lưu ly, san hô, hổ phách, các loại bích ngọc... cho đến vàng bạc, nhân sự, súc sinh đều được đầy đủ, năm trăm thứ tài vật ẩn tàng dưới đất tự nhiên được xuất hiện. Khi đồng tử nằm ngủ, nơi giường lại có chư Thiên đem năm trăm trân bảo vô giá trải trên giường.
Quyến thuộc thấy những điều kỳ lạ như vậy nên cùng nhau bàn: “Khi đồng tử này ngủ, có chư Thiên đem vật báu vô giá trải trên giường. Vì vậy, chúng ta nên đặt tên đồng tử này là Ma-ni-lâu-đà.”
Đồng tử này khôi ngô dễ thương, người ta nhìn thấy không chán, làn da vàng tươi giống như vàng ròng, đầu tròn như chiếc lọng, mũi cao lớn đầy đặn giống như mũi chim Anh võ, hai cánh tay duỗi dài quá gối, thân thể ngang dọc trên dưới cân phân, các căn hoàn hảo không khuyết. Cha mẹ đặt riêng bốn bảo mẫu chăm sóc: Một bà bồng bế, một bà tắm rửa, một bà bú mớm và một bà dẫn dạo chơi. Bốn bảo mẫu này chăm nom nuôi dưỡng, đồng tử dần dần được lớn khôn, đã có hiểu biết. Thấy đồng tử rong chơi đây đó, đã đến lúc có khả năng tiếp thu sự giáo dục nên cha mẹ dạy các kỹ nghệ để giao phó gia nghiệp. Những môn đó là toán số, ấn ký, âm nhạc, ca vũ, trào phúng, hài hước, khôi hài, nhảy múa, duyên dáng, gọt sửa các ngọc ma ni, may cắt, nhuộm áo, pha chế các mùi thơm, tô vẽ hoa lá và chân dung; dạy các loại cờ vi kỳ, lục bát, xu bồ cùng các trò vui khác..., dạy học văn chương, cỡi voi, cỡi ngựa và các loại xe; nghệ thuật bắn tên, cử chỉ cúi xuống ngước lên, thu sức, ra sức, xoa bóp..., dạy phép xua đuổi giặc loạn, điều voi lao nhanh, tu sửa hoa viên, cung cách đi đứng ra vào, biết rõ điềm tốt xấu, vi tế ẩn tàng, phá các quân trận, nắm tay người khác họ gỡ không ra, đứng yên trên đất người xô không lay động, chải đầu sửa tóc, cầm dao đẽo gọt, dùi thủng các vật, chẻ bửa gỗ đá, bắn đích không sai, bắn đúng các phần trên người trong chân lông sợi tóc; bắn cung nhanh như tiếng động, giương cung rất mạnh... Bao nhiêu nghề như vậy đều được am tường, thành tựu đầy đủ, không gì là không biết, ý chí sâu xa, tinh thần sáng suốt, tâm trí tuyệt vời, trí tuệ thông minh.
Sau đó, đồng tử Ma-ni-lâu-đà đi theo thân phụ kiểm tra nông nghiệp, cho đến việc mưu sinh. Khi đến đó, vì khát nước nên đồng tử đi đến bờ suốii múc nước để uống, thì nước suối biến thành cam lộ chư Thiên. Thân phụ không biết, thấy vậy lập tức cản ngăn, kêu lên: -Này con! Này con! Không nên uống nước đó, sợ e thân con chẳng an.
Khi đồng tử Ma-ni-lâu-đà đã nếm thử nước suối, thưa thân phụ: -Cha ơi! Nước suối này rất ngon ngọt.
Vì thân phụ không tin nên đồng tử dùng tay bụm nước dâng cho cha và thưa:
-Nếu không tin, xin cha nếm thử nước này.
Vì vậy cha đồng tử nếm thử rồi nói:
-Con ơi! Con ơi, cha tuy sống ở vương cung nhưng chưa từng được uống nước ngon ngọt như vậy!
Nói lời ấy rồi, người cha rất vui mừng vì thấy việc chưa từng có, tự nói:
-Con ta thật kỳ lạ, có phước báu rất lớn. Từ khi sinh ra cho đến ngày nay, bao nhiêu nhu cầu ăn uống, sắc, hương, vị, xúc, mỗi khi người ta đem đến cho con ta đều biến thành tốt hơn gấp bội lần.
Bấy giờ người anh là Ma-ha Na-ma thấy thức ăn uống của em mình như vậy mới sinh tâm ganh tị nên nói:
-Vì sao những thức ăn ngon trong sạch thơm tho chỉ dành riêng cho em ấy mà chẳng cho mình?
Người mẹ nghe con lớn nói như vậy, liền bảo:
-Con ơi! Con ơi, con có biết chăng, từ trước đến giờ những thức ăn uống làm xong, đem cho Ma-ni-lâu-đà, thường thường biến ngon hơn gấp mười lần.
Nhưng Ma-ha Na-ma vẫn nhất định không tin.
Lại một hôm nọ Ma-ni-lâu-đà dạo chơi trong lâm viên, sai người hầu về nhà lấy đồ ăn và bảo:
-Người đến chỗ mẹ ta nhận đồ ăn đem đến đây.
Khi ấy mẹ đồng tử sắp đồ ăn trên mâm, rồi dùng lụa trắng phủ lên trên, sai người mang đến cho đồng tử Ma-ha Na-ma trước, rồi sau đó mới sai người mang đến cho đồng tử Ma-ni-lâu-đà.
Khi mang thức ăn đến, đồng tử Ma-ni-lâu-đà thấy màu sắc hương vị ngon hơn gấp bội phần, thức ăn trong các tô dĩa cũng tràn đầy. Tuy sự việc như vậy, nhưng Ma-ha Na-ma vẫn không tin, lại nói: -Tuy thức ăn từ nhà mang đến nhưng thức ăn ngon dở đầy vơi là do người nhà sắp xếp, ai biết được việc này?
Một lúc khác, Ma-ni-lâu-đà du ngoạn quang cảnh trong viên lâm, sai người hầu về thưa với mẹ mình: “Xin mẹ cho người mang đồ ăn đến.” Bấy giờ người mẹ lấy các bát dĩa không đặt trên mâm rồi dùng khăn phủ lên trên, cho người mang đến đứa con lớn xem trước, sau đó mới mang đến cho Ma-ni-lâu-đà. Bà ta nói với đồng tử lớn:
-Con tự xem đó, hư thật thế nào?
Ma-ha Na-ma nghe nói như vậy, liền đi theo chiếc mâm đến chỗ Ma-ni-lâu-đà, thấy bát dĩa trong mâm chứa đầy đồ ăn màu sắc hương vị thơm ngon. Khi thấy việc như vậy đồng tử Ma-ha Na-ma, rất vui mừng, thốt lên thế này:
-Kỳ lạ thay! Chưa từng thấy! Em ta có phước đức lớn như vậy!
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà qua thời gian khôn lớn, sức lực tráng kiện, cha mẹ vì đồng tử xây ba tòa nhà. Tòa thứ nhất dùng vào mùa Đông, tòa thứ hai dùng vào mùa Xuân thu và tòa thứ ba dùng vào mùa Hè. Tòa nhà ở vào mùa Đông thì hoàn toàn ấm áp. Tòa nhà ở vào mùa Hè thì hoàn toàn mát mẻ và tòa nhà ở vào mùa Xuân và Thu thì nhiệt độ ôn hòa hợp ý. Chỗ ở của đồng tử không có một người đàn ông nào khác, duy nhất một mình đồng tử, tự ý đi lại thọ hưởng đủ thứ vui ngũ dục.
Bấy giờ đồng tử Ma-ha Na-ma suy nghĩ: “Ngày nay các đồng tử họ Thích đều có thế lực lớn, mỗi gia đình phải có một người đi xuất gia mà gia đình ta chưa có người đi xuất gia. Vậy ta nên xả tục xuất gia. Nếu không thì phải bảo em ta Ma-ni-lâu-đà xuất gia.” Ma-ha Na-ma nghĩ như vậy rồi, liền đi đến nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này Ma-ni-lâu-đà, các gia đình thuộc họ Thích có đầy thế lực, mỗi nhà phải có một người xuất gia, mà trong nhà chúng ta chưa có ai xuất gia. Anh suy nghĩ là hoặc em hoặc anh phải có một người xuất gia.
Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà thưa với anh Ma-ha Na-ma:
-Anh hãy xuất gia, em không thể xuất gia.
Ma-ha Na-ma lại nói:
-Này Ma-ni-lâu-đà, nếu như vậy, anh sẽ giao phó gia nghiệp cho em. Phàm nguyên tắc canh tác, trước phải cày đất, sau đó ban cho bằng, kế đến dọn sạch cỏ cây gạch đá, rồi mới gieo giống. Sau khi gieo giống, nếu trời không mưa phải tùy thời tiết mà tưới nước. Em phải theo phương pháp cày bừa trồng tỉa thật kỹ và đợi thu hoạch. Sau đó, dọn sạch cỏ rác chôn lấp dưới đất và đem phần thu gặt cất vào kho. Làm như vậy rồi, cho đến năm sau cũng như thế, từ năm này sang năm khác cứ theo thứ lớp như vậy mà làm, không được dừng nghỉ.
Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà thưa với Ma-ha Na-ma:
-Như vậy thì em ở nhà làm các công việc không ngớt, cũng không có thời gian nghỉ ngơi. Làm việc như vậy, không có ngày hoàn tất thì thời gian nào em được ở nơi ba tòa nhà hưởng thụ thú vui ngũ dục?
Đồng tử Ma-ha Na-ma lại bảo đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này em, việc làm ấy quả thật không có ngày xong, cũng không có thời gian chấm dứt. Cha mẹ chúng ta dành dụm của cải ông bà để lại, nên làm việc cũng như vậy, công việc chưa xong mà đã kết liễu cuộc đời.
Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà nói với anh Ma-ha Na-ma:
-Nếu biết được việc làm không bao giờ xong, không có ngày chấm dứt, cha mẹ mình đã ham tiếc sự nghiệp tổ tiên, làm lụng không có thời gian thôi nghỉ mà đã bỏ thân mạng thì cũng không nên ở. Em nghĩ anh phải ở lại nhà kinh doanh sự nghiệp, để em xả tục xuất gia tu tập.
Lúc ấy đồng tử Ma-ni-lâu-đà đến thưa cha mẹ:
-Kính thưa song thân, con nay muốn xả tục xuất gia, đến thỉnh ý cha mẹ cho phép con được xả tục xuất gia, đến tu học với Như Lai.
Bấy giờ cha mẹ bảo Ma-ni-lâu-đà:
-Con phải biết, cha mẹ chỉ có hai con, nên đối với hai con cha mẹ rất yêu quý, không muốn xa lìa. Nếu xa lìa trong giây lát thì cha mẹ ưu sầu khổ não. Giả sử ta có chết rồi, vẫn mong muốn không xa lìa hai con. Huống chi ngày nay cha mẹ còn sống mà lại cho con đi xuất gia hay sao!
Cứ như vậy, đồng tử Ma-ni-lâu-đà xin đến lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba, thưa:
-Con muốn xả tục xuất gia ở trong giáo pháp của Như Lai. Cúi xin cha mẹ cho phép.
Thuở trước, khi Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tu phạm hạnh thì Đại vương Thâu-đầu-đàn vì Bồ-tát mà ưu sầu khổ não, bức xúc nên triệu tập hoàng gia, tuyên bố:
-Này các quyến thuộc, quý vị phải biết, nay Thái tử Tất-đạt-đa con ta đã xuất gia rồi, ta không muốn ở ngôi vua, lại cũng không muốn đội mão Thiên quan. Trong hoàng gia, vị nào có thể nhận lãnh ngôi vua, ta sẽ làm lễ quán đảnh trao mão Thiên quan truyền ngôi cho.
Bấy giờ trong hội có đồng tử Bà-đề-lợi-ca, con của bà Hắc-Cù-đà-di, tâu vua:
-Tâu Đại vương, hạ thần có thể nhận ngôi vua và Thiên quan.
Lúc ấy vua Thâu-đầu-đàn và tất cả hoàng gia họ Thích liền làm lễ quán đảnh trao Thiên quan truyền ngôi vua cho đồng tử Bà-đề-lợi-ca. Từ đó về sau, Bà-đề-lợi-ca họ Thích làm vua, quyến thuộc gọi là vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Vua Thích Bà-đề-lợi-ca làm vua trải qua mười hai năm, đúng như pháp trị hóa dân chúng. Quyến thuộc hoàng tộc họ Thích vốn trước đó có lập lời cam kết: “Nếu người nào nhận được Thiên quan làm vua thì vị ấy phải vì tất cả quyến thuộc họ Thích mà thết đãi bữa tiệc sơn hào hải vị đủ trăm thức ăn uống.” Vua Thích Bà-đề-lợi-ca với đồng tử Ma-ni-lâu-đà khi xưa còn thời thơ ấu vọc đất chơi với nhau, kết làm bạn bè, nên nay nhà vua thiết hội, ra lệnh đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này đồng tử, anh giúp đỡ ta thết đãi quyến thuộc trước, xong rồi ta với anh cùng ăn.
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:
-Y theo lệnh Đại vương, thần không dám trái lời.
Khi nhà vua cùng với đồng tử lo thết đãi quyến thuộc xong, sau đó mới cùng ăn. Ăn xong, nhà vua mời đồng tử lưu lại nghỉ tại hoàng cung.
Đêm ấy sắp qua, trời gần sáng, vua Thích Bà-đề-lợi-ca đến vấn an đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này đồng tử, đêm rồi có ngủ ngon không?
Ma-ni-lâu-đà đáp:
-Thưa Đại vương, đêm qua tôi ngủ không ngon.
Nhà vua hỏi:
-Lý do gì khanh ngủ không ngon?
Ma-ni-lâu-đà đáp:
-Đêm rồi tôi bị đau bụng và nóng lạnh.
Nhà vua hỏi:
-Lý do gì đau bụng và nóng lạnh?
Ma-ni-lâu-đà lại đáp:
-Thưa Đại vương, thức ăn uống ngày hôm qua gia vị không thích hợp, do vậy hiện giờ tôi còn đau bụng. Lại chiếc chăn đắp này, khi xưa thợ dệt dệt chăn, thân họ bị nóng lạnh nên tôi cũng mắc bệnh nóng lạnh.
Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca kêu người đầu bếp hỏi:
-Khanh vừa rồi làm món ăn trăm vị là có quá nhiều hay quá ít hay là vừa phải?
Người đầu bếp tâu:
-Thưa Đại vương, đúng như vậy, đúng như vậy! Khi hạ thần làm thức ăn, có vị hơi nhiều, có vị hơi ít. Vì khi ấy hạ thần bận rộn không được như ý, lo đi kiểm tra nhiều việc. Lại người phụ tá không biết xử dụng nên gia vị đều bị lầm lộn.
Vua Thích Bà-đề-lợi-ca lại cho người đòi thợ dệt chăn đến hỏi:
-Khi khanh vì ta dệt chiếc chăn này, vì sao không chuyên tâm? Thợ dệt đáp:
-Tâu Đại vương, đúng như lời ngài nói. Khi hạ thần dệt tấm chăn đó thân thể bị bệnh nóng lạnh, mà Đại vương lại sai sứ giả đến thôi thúc. Lúc ấy hạ thần chưa hết nóng lạnh, sợ Đại vương tức giận nên hạ thần dệt vội đưa cho sứ giả, cho nên tấm chăn không được tinh xảo.
Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca cho việc này thật kỳ lạ chưa từng có, không thể nghĩ bàn, nên nghĩ: “ít có! ít có! Ma-ni-lâu-đà lại có trí tuệ thù thắng vi diệu như vậy!.”
Vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này Ma-ni-lâu-đà, từ nay về sau, nếu có cần gì ở ta đồng tử khỏi phải đích thân đến, chỉ cho người đến. Ta không phụ nhau đâu.
Lúc đó mẹ đồng tử Ma-ni-lâu-đà nghĩ: “Thích Bà-đề-lợi-ca này thuở thơ ấu đã cùng con ta vọc đất chơi với nhau, đồng kết bạn thân thiện, nên ngày nay đồng tử chắc không xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi, bà gọi con mình về và nói:
-Này Ma-ni-lâu-đà, nếu vua Thích Bà-đề-lợi-ca xả tục xuất gia thì khi ấy con có xuất gia không?
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà nghe mẹ hỏi như vậy, nên đi gặp vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Trong lúc này, nhà vua rời cung điện đến dự hội tại Na-tra-ca (nhà Tùy dịch là Dĩ ca thuyết cát sự) và đang ngồi xem. Bấy giờ đồng tử Ma-ni-lâu-đà suy nghĩ: “Nếu ta đi vào hội thì nhất định sẽ cản trở sự du hý thưởng ngoạn của nhà vua.” Nghĩ như vậy rồi, nên ngồi ngoài ngõ, đợi hội vui Na-tra-ca tan, sau đó mới vào.
Khi ở trong hội, lúc hội vui nhộn nhất, nhà vua thấy một nữ ca sĩ tay cầm đàn không hầu. Khi ấy đàn bỗng đứt một dây, nàng lẹ tay nối lại mà trong hội vui Na-tra-ca không có một ai hay biết, chỉ một mình nhà vua thấy mà thôi. Nhưng đồng tử Ma-ni-lâu-đà ở ngoài ngõ cũng biết việc này.
Khi đồng tử thấy hội vui Na-tra-ca-sắp hết, mới đến gặp nhà vua Thích Bà-đề-lợi-ca. Đến nơi, chàng lấy tay choàng cổ nhà vua rồi sau đó mới ngồi về một bên. Nhà vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này Ma-ni-lâu-đà, trước đây ta có nói với đồng tử, nếu có cần việc gì khỏi phải thân hành đến, chỉ cho người đến, ta không phụ đâu. Nay vì việc gì đồng tử đích thân đến đây?
Ma-ni-lâu-đà đáp:
-Tâu Đại vương, sự việc như thế này, không thể cho người khác đến được.
Nhà vua hỏi đồng tử:
-Này Ma-ni-lâu-đà, sự việc theo người nói là việc gì? Là do đồng tử hay là do ta?
Ma-ni-lâu-đà đáp:
-Tâu Đại vương, việc này do tôi, cũng có liên quan đến Đại vương.
Nhà vua lại hỏi:
-Nếu có liên quan đến ta thì xin đồng tử nói rõ.
Ma-ni-lâu-đà đáp:
-Tâu Đại vương, Đại vương phải biết, ý tôi muốn xả tục xuất gia. Như vậy, việc ấy có liên quan đến Đại vương.
Nhà vua lại đáp:
-Này đồng tử Ma-ni-lâu-đà, đồng tử muốn xả tục xuất gia, tất có quan hệ đến ta, ta sẽ đồng ý cho đồng tử xuất gia. Đồng tử đối với ta chớ nên lo âu. Nếu muốn xuất gia thì tùy ý đồng tử.
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:
-Đại vương phải cùng tôi xuất gia. Vì sao? Vì cha mẹ tôi nói với tôi: “Này Ma-ni-lâu-đà, nếu vua Thích Bà-đề-lợi-ca xả tục xuất gia thì con cũng theo nhà vua mà xuất gia.”
Lúc đó đồng tử Ma-ni-lâu-đà thấy vua Thích Bà-đề-lợi-ca ở trước đại chúng nói lời chân thật:
-Này Ma-ni-lâu-đà, đồng tử muốn xả tục xuất gia, nếu có quan hệ đến ta thì ta không làm ngược lại, sẽ tùy thuận với đồng tử mà xuất gia.
Lúc đó mọi người trong hoàng gia họ Thích đều nói lời thành thật:
-Như vậy, xin thỉnh Đại vương cùng đi xuất gia với Ma-ni-lâu-đà.
Bấy giờ Đại vương Thích Bà-đề-lợi-ca nói với đồng tử Ma-ni- lâu-đà:
-Nếu quyết định như vậy, đồng tử phải đợi ở nhà bảy năm, để ta sắp đặt quốc sự xong xuôi rồi sau đó ta sẽ cùng đồng tử xả tục xuất gia.
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà lại tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:
-Tâu Đại vương, chớ nói như vậy. Tôi không thể đợi đến bảy năm. Tại sao? Tâu Đại vương, bảy năm quá lâu. Biết đâu trong khoảng thời gian đó việc xuất gia của chúng ta bị trở ngại. Nhà vua lại nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Đồng tử có thể đợi ta trong vòng sáu năm, để ta thu xếp quốc sự xong rồi, sau đó ta sẽ cùng với đồng tử xả tục xuất gia.
Đồng tử Ma-ni-lâu-đà lại tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:
-Đại vương, không nên nói như vậy. Tôi cũng không thể đợi sáu năm. Vì sao vậy? Vì sáu năm quá lâu, biết đâu trong thời gian đó, có việc gây chướng ngại cho việc xuất gia của chúng ta.
Nhà vua Bà-đề-lợi-ca lại nói với đồng tử Ma-ni-lâu-đà:
-Này đồng tử, nếu nhất định như vậy, xin đồng tử đợi ta trong vòng năm năm, để ta thu xếp quốc sự.
Cứ như vậy, giảm xuống bốn năm, ba năm, hai năm mà đồng tử Ma-ni-lâu-đà đều không chịu. Bấy giờ nhà vua lại nói:
-Nếu không chịu như vậy, thì xin đợi ta trong vòng một năm để ta thu xếp quốc sự, sau đó ta sẽ cùng đồng tử xuất gia.
Ma-ni-lâu-đà vẫn tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca:
-Tôi cũng không thể đợi đến một năm. Tại sao? Vì một năm vẫn còn lâu. Biết đâu trong thời gian ấy có việc của nhà vua làm trở ngại.
Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với Ma-ni-lâu-đà:
-Này đồng tử, nếu nhất định không chịu, xin đồng tử đợi cho tôi trong vòng sáu tháng để tôi thu xếp quốc sự.
Cứ như vậy giảm xuống ba tháng, hai tháng, một tháng mà đồng tử Ma-ni-lâu-đà đều không chịu. Khi ấy vua Thích Bà-đề-lợi-ca nói với Ma-ni-lâu-đà:
-Này đồng tử, nếu đồng tử nhất định không chịu, xin đồng tử đợi cho tôi bảy ngày bảy đêm để tôi thu xếp quốc sự, rồi sau đó sẽ cùng đồng tử xả tục xuất gia.
Ma-ni-lâu-đà liền tâu vua Thích Bà-đề-lợi-ca.
-Lành thay! Tâu Đại vương. Lành thay Bà-đề-lợi-ca! Vâng theo ý Đại vương, tôi sẽ đợi bảy ngày bảy đêm.
Thuở ấy, Đức Thế Tôn ngự tại làng A-nô-di-ca-da. Trong bảy ngày đêm nơi hoàng cung nhà vua dùng các thứ trang hoàng như chuỗi anh lạc trang sức trên thân, cho đến ở hoa viên thọ hưởng thú vui ngũ dục. Như người sắp đi đến nhà khác dự đại hội, họ gội đầu, chải tóc, mặc y phục, dùng chuỗi anh lạc trang điểm trên thân, sau đó mới đi. Khi vua Thích Bà-đề-lợi-ca sắp đến hoa viên du ngoạn vui chơi cũng như vậy.
Có một đồng tử tên là Bạt-phù-đà (nhà Tùy dịch là Đa Mi). Lại có một đồng tử khác tên là Cung-tỳ-la. Lại có một đồng tử khác tên là Nan-đề-ca. Lại có một đồng tử họ Thích khác tên là A-nan. Lại có một đồng tử họ Thích khác tên là Đề-bà-đạt-đa. Thân thể các đồng tử này cũng trang điểm như vị vua nói trên, các đồng tử này cũng mặc y phục, trang sức bằng chuỗi anh lạc, lại đem theo một thợ cắt tóc giỏi, đồng đi đến làng A-nô-di-ca-da.
Bấy giờ vua Thích Bà-đề-lợi-ca có các bảo vật giá trị đến ba trăm lượng vàng. Giá trị y phục một trăm lượng vàng, giá trị chuỗi anh lạc một trăm lượng vàng và giá trị yên cương, đồ trang bị cho ngựa một trăm lượng vàng. Đồng tử Ma-ni-lâu-đà cũng như vậy.
Các đồng tử họ Thích: Bạt-phù-bà, Cung-tỳ-la, Nan-đà-ca, A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa, mỗi vị cũng có nhiều thứ bảo vật giá trị đến ba trăm lượng vàng.... giá trị trang bị cho ngựa. Tổng giá trị bảo vật của các đồng tử lên đến hai ngàn một trăm lượng vàng.
Khi các đồng tử ra khỏi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô rồi, mọi người xuống ngựa, đều cởi hết chuỗi anh lạc trên thân cho thợ hớt tóc và nói:
-Các chuỗi anh lạc này chúng ta đều cho ông để sinh sống, ông hãy nhận lấy làm vốn sinh sống, không nên mong cầu gì khác.
Các đồng tử trao chuỗi anh lạc rồi đồng đi đến làng A-nô-di-ca. Bấy giờ người thợ hớt tóc nghĩ thế này: “Những người họ Thích oai đức lẫy lừng có khi sẽ cho rằng ta đưa các đồng tử đi trốn khắp đó đây. Vì lý do đó, e rằng họ đến bức hiếp làm tổn hại ta. Các đồng tử đã mửa bỏ các vật này, tại sao ta lại ăn vào? Ngày nay, ta không nên nhận lấy các bảo vật này, các đồng tử đã giàu sang phú quý, đầy oai đức lẫy lừng như vậy, vẫn còn vứt bỏ vô lượng tài sản, bảo vật cùng vương vị để xả tục xuất gia. Huống gì như ta ngày nay vì cớ gì mà không theo họ xuất gia?.”
Suy nghĩ như vậy rồi, người thợ hớt tóc liền đem các bảo vật, chuỗi anh lạc... móc trên cành cây và thầm nghĩ: “Nếu ai thấy được vật này, tự do lấy dùng, hoàn toàn không phải ăn cắp.”
Tự nghĩ như vậy rồi, người thợ hớt tóc đi đến chỗ các đồng tử họ Thích. Các đồng tử họ Thích từ xa trông thấy người thợ hớt tóc hướng đến, hỏi vị ấy:
-Vì sao ông không trở về nhà?
Người thợ hớt tóc trả lời các đồng tử họ Thích:
-Thưa các Thánh tử, tôi nghĩ thế này: “Những người họ Thích rất hùng cường, có đầy oai đức thế lực như vậy, có thể cho rằng ta đưa các đồng tử đi trốn đó đây. Vì lý do đó, e sợ họ đến làm tổn hại thân mạng ta. Các đồng tử đã mửa bỏ bảo vật, ta vì sao lại ăn vào, ta hông nhận lấy các vật báu. Vì sao? Vì các đồng tử họ Thích cường thạnh, có nhiều oai thế mà vẫn xuất gia, huống chi ta ngày nay vì sao lại không xuất gia?” Thưa các thánh tử! Vì lý do đó tôi không trở về nhà.
Bấy giờ các đồng tử họ Thích nghe nói như vậy nên bảo:
-Ông đã suy nghĩ, quyết định như vậy thì không nên trở về nhà. Vì lý do gì? Đúng như lời ông nói. Các người họ Thích của ta oai nghiêm rực rỡ, tất sẽ cho rằng ông dẫn các đồng tử đi trốn đó đây. Đã có lời nói như vậy, nhất định họ sẽ đến làm hại thân mạng ông.
Bấy giờ các đồng tử họ Thích cùng với người thợ hớt tóc đồng đi đến chỗ Phật, đến nơi lễ dưới chân Phật, rồi ngồi về một bên và bạch:
-Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được xả tục xuất gia thọ giới Cụ túc.
Họ lại bạch:
-Bạch Đức Thế Tôn, nếu Ngài cho chúng con xuất gia thì nên độ cho người thợ hớt tóc xuất gia trước. Vì sao? Vì người thợ hớt tóc này đã trải qua thời gian lâu dài cần khổ phụng sự chúng con, chưa từng sơ xuất, nên cho người thợ hớt tóc xuất gia và thọ giới Cụ túc trước. Ông ta xuất gia rồi, chúng con mới xuất gia thọ giới Cụ túc sau, để có dịp chúng con đứng dậy nghinh tiếp, chắp tay cung kính đảnh lễ ông ta, thể hiện sự tôn trọng. Vì sao? Vì các đồng tử họ Thích chúng con công cao kiêu mạn, nay do người này chúng con hồi tâm, từ bỏ tâm kiêu mạn thuở trước.
Bấy giờ Đức Thế Tôn độ cho người thợ hớt tóc xuất gia thọ giới Cụ túc trước. Sau đó kế tiếp độ vua Thích Bà-đề-lợi-ca xuất gia thọ giới Cụ túc. Ngoài ra, các đồng tử khác đều theo thứ tự được xuất gia thọ giới Cụ túc. Lúc đó A-nan và Đề-bà-đạt-đa vẫn chưa được xuất gia vì hai vị này rời Thế Tôn đi đến dưới chân núi Tuyết.
Bấy giờ dưới chân Tuyết sơn có một vị Trưởng lão họ Bạt-da-sắc-tra, tên là Tăng-già. Vị này tu hành đã chứng ba quả, thành tựu Tứ thiền, thường sống dưới chân Tuyết sơn.
Bạt-da-sắc-tra Tăng-già thấy hai đồng tử A-nan và Đề-bà-đạt đa đi đến, Trưởng lão tiếp đón hỏi han:
-Các đồng tử họ Thích có nhân duyên gì đến đây?
Hai đồng tử đáp:
-Hôm nay, hai chúng con muốn xuất gia, vì vậy mới đến Trưởng lão. Lành thay! Thưa Thánh giả, cúi xin ngài độ cho chúng con xuất gia.
Bấy giờ Bạt-da-sắc-tra Tăng-già chưa quán sát đức hạnh và cũng chưa từng biết căn tánh của đồng tử Đề-bà-đạt-đa nên Trưởng lão liền cho hai người xuất gia và thọ giới Cụ túc.
Trưởng lão A-nan xuất gia chưa được bao lâu, ở chỗ vắng vẻ tọa thiền tư duy, suy nghĩ thế này: “Hôm nay, có lẽ Thân Giáo sư cho ta đi gặp Đức Phật. Ta cũng nên đến yết kiến Đức Phật.”
Nghĩ như vậy rồi, trời vừa sáng, A-nan từ phòng đi ra, hướng về Bạt-da-sắc-tra Tăng-già, đảnh lễ dưới chân, đứng về một bên rồi bạch Trưởng lão Bạt-da-sắc-tra Tăng-già:
-Bạch Trưởng lão, ý con nay muốn đến gặp Đức Phật, không biết Trưởng lão có cho phép hay không?
Bạt-da-sắc-tra Tăng-già bảo A-nan:
-Nếu thấy đúng lúc thì thầy cứ đi. Khi đến nơi, thầy sẽ thay ta lễ dưới chân Đức Phật, thay ta hỏi lời vấn an Đức Thế Tôn rằng Ngài có ít bệnh, ít não, thân có được an ổn không? Đi đứng có được dễ dàng không? Du hành giáo hóa có khó nhọc không? Thân thể khí lực có được dồi dào không?
A-nan nghe Thân Giáo sư nói như vậy, lại bạch:
-Y như lời Trưởng lão, con không dám trái lời.
A-nan đảnh lễ dưới chân Bạt-da-sắc-tra Tăng-già, nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra đi.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.166.94 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.