"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 31 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 31

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.47 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.56 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 34: TRONG QUÁ KHỨ MA VƯƠNG TRANH VỚI BỒ-TÁT
Bấy giờ, vào đầu đêm, Bồ-tát dùng tay chỉ xuống đất để thu phục quyến thuộc ma Ba-tuần, thì quả đất chấn động sáu cách, cho đến tiếng chấn động lớn như tiếng chuông đồng. Lúc ấy dân chúng đang sống ở các xóm làng, thành ấp, quốc gia, thấy quả đất chuyển động vang dậy nên đều sinh nghi, đều đi đến các bốc sư, các nhà thiên văn, hoặc các vị Tiên nhân, hoặc các nhà am tường về chiêm tinh để hỏi họ về việc này. Họ hỏi:
-Vì sao quả đất này chấn động và phát ra tiếng động lớn như vậy? Sa-môn cùng với Ma vương, ai thắng, ai bại? Các ngài đều là bậc có tài bàn về các hiện tượng, xin vì chúng tôi giải rõ điềm chấn động này.
Khi ấy, tất cả các Tiên nhân, nhà thiên văn... trả lời dân chúng:
-Tại làng Già-da, thuộc nước Ma-già-đà có hai sức mạnh đang chiến đấu với nhau: một bên cầu Tối Đại Pháp vương, vượt khỏi thế gian bên kia cầu làm vua phi pháp ở thế gian. Hai bên cạnh tranh chiến đấu với nhau, trong đó vị cầu Pháp vương đánh bại vị cầu Phi pháp. Sự tranh đấu đã kết thúc, trong cuối đêm đó, vị Sa-môn đã chứng Đại Pháp vương, chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ chuyển bánh xe pháp Vô thượng.
Có kệ:
Tất cả mọi người nghe chấn động
Đều đến toán số để hỏi thăm
Hỏi rằng: Chiêm gia người phải biết
Thế gian các ngài là Thánh trí
Quả đất này cớ sao rung động?
Cúi xin các ngài quan sát kỹ
Sớm xin giãi thích cho chúng tôi.
Các vị bói toán bảo thế này:
Vua pháp, phi pháp ở nơi kia
Oai thần hai vị đấu tranh nhau
Thử xem oai đức ai thù thắng
Nước Ma-già-đà nơi thôn họ
Bồ-tát, Thiên ma chiến đấu nhau
Chánh pháp xô dẹp được ma quân
Thu phục xong rồi, Ngài thành đạo
Thành Phật, Pháp Vương không còn sợ.
Vào cuối đêm ấy khi sao mai mọc, Đức Như Lai thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngay khi ấy, nơi thế gian bỗng nhiên sáng rực, quả đất chấn động sáu cách. Sau khi thế gian được chiếu sáng, quả đất chuyển động, Đại vương Tịnh Phạn ở nơi vương cung, đang ngủ giật mình thức dậy. Nhà vua cho mời các tướng sư và những nhà thiên văn Bà-la-môn đến hỏi:
-Này các vị Bà-la-môn, việc ấy như thế nào? Hãy vì trẫm mà giải thích.
Nhà vua vừa nói lời ấy, các nhà thiên văn và tướng số Bà-la- môn liền tâu Đại vương:
-Cúi xin Đại vương chờ cho giây lát, để cho chúng tôi chiêm nghiệm rồi sau sẽ giải thích.
Thưở ấy Thánh mẫu Ma-da phu nhân đã sinh lên cõi trời, hiện mang thân ngọc nữ, từ Thiên giới giáng xuống hoàng cung, báo cho Đại vương Tịnh Phạn và Gia-du, mẹ của La-hầu-la:
-Đại vương phải biết, đêm nay Vương tử Tất-đạt-đa đã thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì lý do này cõi đại địa chấn động. Như Lai đã thu phục ma quân, không còn oán thù, trong thế gian không còn gì đáng sợ.
Khi ấy chư Thiên Tịnh cư cõi sắc vẫn còn phân vân Như Lai đã chứng Vô thượng Bồ-đề hay chưa. Đức Như Lai biết tâm niệm chư Thiên, liền bay lên hư không để cho họ dứt tâm nghi ngờ. Ngài dùng giọng Sư tử rống nói như thế này:
-Ta đã đoạn các kết sử ái dục, tất cả nước tâm dục phiền não hoàn toàn khô cạn, không còn chảy nữa, không còn tái sinh, không còn vào phiền não nữa, diệt sạch các khổ không còn sót.
Khi ấy tất cả chư Thiên sắc giới nghe lời nói này đều suy nghĩ: “Như Lai thật sự thành Bậc Vô Thượng Bồ-đề”, nên vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Họ đem các loại hoa trời thật đẹp, hương hoa, hương bột gỗ thơm chiên-đàn cõi trời, các loại bột hương ngưu đầu chiên-đàn, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la rải nhiều lớp trên mình Như Lai. Sau đó, họ lại rải hương hoa lên ma Ba-tuần.
Thấy chư Thiên sắc giới đem các đồ cúng dường hiến cúng Như Lai, ma Ba-tuần ngồi trên đất, đốì trước Như Lai chẳng gần chẳng xa, buồn bã không vui, tâm rất ưu sầu, dùng cọng cỏ lau vẽ trên đất, nghĩ thế này: “Thế gian thật hy hữu, không thể nghĩ bàn.
Các Tiên tu khổ hạnh, ta có thể làm tâm họ thoái chuyển. Đế Thích, chư Thiên... ta còn có thể khuyên họ khởi tâm tham dục.
Tại sao ngày nay Sa-môn họ Thích này nhất tâm chánh định, chỉ trải qua một thời gian ngắn như vậy, đã khiến binh mã của ta quy phục?”
Về sau, khi Như Lai hành Phật sự, thuyết pháp giảng giáo pháp vi diệu, các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thế Tôn! Hy hữu thay! Thế Tôn dùng sức tinh tấn thế nào chứng được Thất đạo phần, đầy đủ pháp bảo, thành tựu Vô thượng Bồ-đề?
Các Tỳ-kheo bạch như vậy rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông phải biết, sức tinh tấn của Ta chẳng chỉ do một đời này để chứng Thất đạo phần, thành Vô thượng Bồ-đề, mà thuở xưa Ta cũng do sức tinh tấn, được ngọc Ma-ni.
Chư Tỳ-kheo liền bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, việc ấy như thế nào, xin Ngài vì chúng con kể lại cho rõ ràng.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông chí tâm lắng nghe. Ta nhớ vào thời quá khứ có một thương chủ vào biển cả để tìm ngọc quý. Người này ở nơi biển khơi tìm được một viên ngọc Ma-ni, giá trị đến trăm ngàn lượng vàng. Được rồi, bỗng nhiên viên ngọc bị rơi lại trong biển. Khi ấy, thương chủ phát tâm dũng mãnh tinh tấn, liền lấy một cái muỗng tát nước biển cả trông mong nước biển khô cạn để tìm lại viên ngọc Ma-ni. Thần biển thấy người này đem muỗng tát nước biển để mong thành đất liền, nên nghĩ: “Người này ngu si không trí tuệ, nước biển cả vô lượng vô biên, làm sao dùng muỗng tát cạn nước biển để thành đất liền?”
Vị Thần liền nói kệ:
Thế gian có lắm hạng chúng sinh
Vì ham tài lợi làm đủ việc
Ta nay thấy kẻ quá ngu si
Không ai ngu hơn kẻ buôn này.
Biển sâu tám vạn bốn do-tuần
Nay muốn đem muỗng tát khô biển
Khốn khổ tự hại, uổng một đời
Tát chưa bao nhiêu bỏ thân mạng
Nước kia tát được bằng giọt nhỏ
Đại dương mênh mông lại sâu thẳm.
Ông nay vô trí, chẳng nghĩ suy
Muốn lấy vòng tai bọc Tu-di.
Lúc ấy lái buôn hướng về Thần biển nói kệ:
Thiên thần nói ra lời bất thiện
Ý muốn ngăn ta tát cạn biển
Thần nên chú ý theo dổi ta
Tát chẳng bao lâu biển khô cạn.
Ngày đêm Thần trụ ỗ nơi đây
Do vậy tâm buồn rất lo lắng
Ta thề siêng năng, tâm chẳng chuyển
Quyết tát biển cả khiến khô cạn.
Ngọc quý của ta rơi trong đó
Do vậy, biển cả quyết tát khô
Nước khô tận đáy, lượm lại ngọc
Ngọc ấy được rồi mới về quê.
Khi ấy Thần biển nghe lời quyết định như vậy, tâm rất sợ hãi, suy nghĩ thế này: “Người này thật dũng mãnh, tinh tấn, nước biển này quyết định sẽ bị tát cạn.”
Thần biển suy nghĩ như vậy rồi liền trả lại ngọc quý cho người lái buôn. Trả rồi, Thần biển nói kệ:
Phàm người phải có tâm dũng mãnh
Chịu đựng gian lao chớ từ nan
Ta thấy tinh tấn sức như vậy
Được lại ngọc quý trở về nhà.
Lúc ấy Đức Thê Tôn nói kệ:
Tinh tấn lúc nào cũng toại nguyện
Lười biếng luôn luôn gặp khổ to
Do vậy cần phát tâm dũng mãnh
Người trí do đó chứng Bồ-đề.
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Phải biết, người lái buôn thuở trước là thân Ta ngày nay. Khi người lái buôn vào biển tìm được bảo châu vô giá rồi lại đánh rơi trong biển, nhờ tâm dũng mãnh mà được lại bảo châu. Ngày nay, Ta cũng vậy, do tinh tấn nên được bảy phần Giác đạo, chứng Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Đức Thế Tôn thật hy hữu, quá ư đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Một mình Ngài đơn độc mà thu phục được tất cả ma quân.
Nói xong, các Tỳ-kheo đều im lặng. Khi ấy Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông phải chú ý lắng nghe. Ta chẳng chỉ một đời này độc thân thu phục ma quân mà trong quá khứ cũng một mình thu phục ma quân như vậy.
Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, việc hàng phục đó như thế nào? Cúi xin Ngài vì chúng con nói rõ.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Các ông hãy lắng nghe. Ta nhớ vào thời cách đây vô lượng kiếp, có hai anh em chim Anh võ, con thứ nhất tên là Ma-la-kỳ-lê (nhà Tùy dịch là Mạn Sơn), con thứ hai tên là Tất-đà-kỳ-lê (nhà Tùy dịch là Dữ Sơn). Thuở ấy hai con chim Anh võ đang đậu trên cây, bỗng nhiên có một con chim nhạn bay nhanh đến chụp lấy chim Anh võ nhỏ, rồi vụt lên hư không. Khi ấy chim Anh võ anh vì em mà nói kệ:
Cô đơn một mình cũng bị khổ
Cô đơn một mình cũng được vui
Em mổ chỗ yếu nơi mình nhạn
Nhạn bị đau đớn liền thả em
Em thì thân nhỏ, anh sức yếu
Em nên tinh cần, chớ trễ nãi.
Chim em nghe anh nói như vậy
Dũng mãnh ra sức sắp hành sự
Nghĩ đem toàn lực như vậy rồi
Liền mổ chỗ yếu nơi thân nhạn
Thân nhạn đau nhức khổ khống chế
Vội vã thả liền chim Anh võ.
Do vì chim nhạn thân đau nhức
Vội bay mọi nơi cầu che chở.
Do kế Anh võ, em được thoát
Mổ nhằm chỗ yếu thân chim nhạn
Chim nhạn khốn cùng không nơi trốn
Anh võ phấn khởi lướt hư không.
Nhạn thấy Anh võ đuổi sau mình
Lánh xa bay đi tìm lối sống.
Anh võ mổ nhạn lúc bấy giờ
Tức nay thân Ta hiệu Thích-ca
Chim nhạn tức là ma Ba-tuần
Thuở ấy duy nhất một mình Ta
Đã thu phục được chim nhạn nọ
Huống chi ngày nay đủ công đức
Thu phục chẳng được Ma vương sao?
Này chúng Tỳ-kheo nên phải biết.
Bấy giờ các vị Tỳ-kheo lại bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, tại sao Ma vương Ba-tuần luôn luôn khi dễ, dối gạt Như Lai mà không được, còn Như Lai thường thoát khỏi tai ách của Ma vương?
Nghe nói như vậy rồi, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, nên chú ý lắng nghe, Ta sẽ vì các vị mà nói:
-Chẳng phải chỉ một đời này bị Ma vương dối gạt mà Ta thoát khỏi, chưa từng bị chúng làm não loạn, mà trong đời quá khứ Ma vương Ba-tuần dối gạt, mê hoặc Ta, Ta cũng không bị rối loạn.
Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, trong quá khứ Ma vương Ba-tuần não hại Ngài như thế nào? Cúi xin Thế Tôn vì chúng con nói rõ cho.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ trong quá khứ có một con sông tên là Ba-lợi-da-đa (nhà Tùy dịch là Độ Bĩ Tiết). Thuở ấy bên cạnh dòng sông này có một người thợ kết tràng hoa. Người này có một vườn hoa bên cạnh sông. Dưới dòng sông này, lúc bấy giờ có một con rùa, theo nước trồi lên, bò đến vườn hoa tìm thức ăn. Nơi nào rùa bò qua thì nơi đó bị giậm đạp hư nát. Khi ấy, chủ vườn hoa thấy nơi nào rùa này tìm thức ăn thì nơi ấy bị giậm nát nên tìm cách bắt con rùa. Sau khi bắt được, đựng rùa trong một giỏ hoa chờ ngày giết ăn thịt. Lúc ấy rùa nghĩ thế này: ‘Ta phải làm sao? Dùng cách gì, hiểu biết gì thoát khỏi nạn này?.” Nó nghĩ kế thế này: “Ta có thể dối gạt chủ vườn hoa.”
Nghĩ như vậy rồi, nó hướng về chủ vườn hoa nói kệ:
Ta từ nước lên thân dính bùn
Ông nên rửa sạch giỏ đựng hoa
Thân ta dính bùn chẳng được sạch
E sợ dơ đến giỏ cùng hoa.
Bấy giờ chủ vườn hoa suy nghĩ: “Hay thay! Con rùa này bảo ta những lời tốt đẹp. Ta không được không nghe lời. Ta nên rửa sạch nó, chớ nên để bùn làm dơ giỏ hoa ta.” Nghĩ như vậy rồi, tay liền nắm lấy con rùa, đem đến mé nước để rửa. Người này đặt con rùa trên tảng đá, rồi múc nước rửa. Khi ấy con rùa dùng hết sức mạnh, bỗng lao sâu trong nước.
Khi người thợ kết tràng hoa thấy rùa lặn sâu vào trong nước, nên nghĩ thế này: “Lạ thay! Con rùa này có tài gạt ta như vậy. Ta nên lừa gạt lại con rùa này ra khỏi nước.”
Khi ấy người thợ kết tràng hoa hướng về con rùa, nói kệ:
Rùa hiền lắng nghe ý ta nói
Thân thuộc của ngươi có rất nhiều
Ta kết tràng hoa đeo cổ ngươi
Mặc ngươi trở về chúng vui mừng.
Khi ấy rùa suy nghĩ: “Người thợ kết tràng hoa này dối gạt ta, vì hiện giờ mẹ ông ta lâm trọng bệnh nằm tại giường. Chị ông đi hái hoa kết thành tràng, sắp đem đi bán để nuôi sống, mà nay ông ta nói lời như vậy, nhất định là dối gạt ta để ăn thịt, nên lừa gạt ta ra khỏi nước mà thôi!”
Khi ấy rùa nói kệ với người kết hoa:
Nhà ông nấu rượu họp người thân
Sắm các món ăn đủ mùi vị
Ông về trong nhà nói thế này:
Thịt rùa nấu xong canh thượng hạng.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, các ông phải biết, con rùa lao vào trong nước lúc ấy tức là Ta ngày nay. Người thợ kết tràng hoa thuở nọ là ma Ba-tuần ngày nay. Khi ấy ma Ba-tuần gạt Ta mà Ta không lầm kế, Nay lại muốn dối gạt Ta, làm sao mà gạt được.
Lúc bấy giờ các vị Tỳ-kheo lại bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, Hy hữu thay! Thật khó nghĩ bàn, oai thế của Ma vương Ba-tuần rất mạnh, thống lãnh Dục giới, dùng bao nhiêu kế để dối gạt Thế Tôn mà vẫn không làm động đến chỗ ngồi của Ngài.
Nghe chư Tỳ-kheo nói lời này rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Các ông phải biết, chẳng phải chỉ ngày nay ma Ba-tuần đem thế lực muốn dối gạt Ta, mà trong quá khứ cũng vậy, không dối gạt Ta được.
Khi ấy các vị Tỳ-kheo liền bạch Phật:
-Hay thay! Thưa Thế Tôn, việc ấy như thế nào? Cúi xin vì chúng con kể rõ ràng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:
-Ta nhớ vào thời quá khứ ở đại dương nọ có một con rồng khổng lồ có người vợ đang mang thai. Bỗng nhiên, con rồng cái chửa này thèm ăn tim khỉ. Vì lý do ấy mà thân thể nó ốm gầy, da dẻ vàng vọt, tê liệt, nằm trăn trở, run rẩy chẳng an.
Bấy giờ con rồng đực thấy vợ ốm gầy, mất nhan sắc như vậy, nên hỏi vợ:
-Hiền thê, em đau bệnh gì? Thèm ăn những gì? Sao anh chẳng nghe nói. Vì sao như vậy?
Lúc ấy rồng cái im lặng không đáp. Rồng chồng lại nói:
-Tại sao em không trả lời?
Rồng vợ nói với rồng chồng:
-Nếu anh cho phép em tùy ý nói thì em sẽ nói. Nếu anh không đồng ý thì em không dám nói.
Rồng chồng lại nói:
-Em nói thử xem. Nếu thấy có lý, anh sẽ đem mọi phương tiện tìm cho được.
Rồng vợ liền thưa với chồng:
-Em đang thèm ăn tim khỉ, anh có thể tìm được không?
Rồng chồng liền đáp:
-Điều em muốn, việc này thật khó. Vì sao? Vì chúng ta ở trên mặt nước trong đại dương, còn khỉ thì ở trên cây, nơi rừng núi. Làm sao có thể tìm được.
Rồng vợ nói:
-Không biết tại sao em muốn ăn tim khỉ như vậy. Nếu không tìm ra tim ấy, thì sẽ bị sảy thai và chẳng bao lâu nữa em cũng bỏ mạng.
Khi ấy, rồng chồng lại bảo vợ:
-Này hiền thê, em nên tạm thời chịu đựng. Anh nay sẽ tìm kiếm. Nếu việc này thành công, thật là điều không thể nói, anh và em vui sướng vô cùng.
Khi ấy rồng đực từ dưới biển vọt lên bờ, thấy cách bờ biển chẳng bao xa có một đại thọ tên là Ưu-đàm-bà-la (nhà Tùy dịch là Cầu Nguyện). Thuở ấy trên cây này có một con khỉ lớn đang hái trái ăn. Thấy con khỉ ngồi ăn trên cây, rồng lần hồi đi đến dưới gốc cây. Khi đến nơi nó đem lời hoa mỹ cám dỗ và hỏi thăm:
-Lành thay! Lành thay! Đại ca ở trên cây này làm việc gì? Có cực nhọc, khổ sở lắm không? Tìm thực phẩm có dễ dàng không? Có mỏi mệt bệnh tật gì chăng?
Khỉ trả lời:
-Thưa nhân giả, tôi đang không bị khổ não.
Rồng lại hỏi:
-Anh ở đây lấy thức ăn uống ở đâu?
Khỉ trả lời:
-Tôi ở trên cây ưu-đàm-bà-la và ăn quả của nó.
Rồng lại nói với khỉ:
-Tôi thấy anh, lòng hớn hở tràn ngập cả thân, không thể tự chế. Tôi muốn cùng anh kết làm bạn tốt cùng ái kính lẫn nhau, anh nên nhận lời tôi, cần gì phải ở đây. Lại nữa, cây này quả ít, không được nhiều, tại sao anh lại chịu ở nơi đây? Xin anh vui lòng xuống đây theo tôi, tôi sẽ đưa anh qua bờ biển, nơi đó có khu rừng lớn, cây cối um tùm, quả Lê-câu, quả Na-ta, quả Trân đầu ca... của vô lượng vô số cây.
Khỉ nói:
-Tôi làm sao qua được bên kia? Biển thì rộng, nước thì sâu, thật khó lội qua. Tôi phải làm gì để bơi qua được.
Khi ấy rồng lại bảo khỉ:
-Tôi dùng lưng để chở anh, đưa anh qua đến bờ bên kia. Anh nay chỉ có việc là xuống cây, cỡi lên lưng tôi.
Lúc ấy con khỉ tâm không bình tĩnh, nhỏ hẹp, thấp hèn, ngu si, hiểu biết cạn cợt, nghe lời đường mật của rồng trong lòng hớn hở, nên từ trên cây leo xuống cỡi trên lưng rồng muôn đi theo rồng. Rồng nọ thầm nghĩ: “May lắm, may lắm! Ý muốn của ta nay đã thành công”, nên cùng nhau đi về chỗ của mình. Thân rồng và khỉ đều ngập trong nước.
Khi ấy khỉ hỏi rồng:
-Này thân hữu, vì cớ gì bỗng nhiên ngập trong nước?
Rồng liền đáp:
-Người không biết sao?
Khỉ hỏi:
-Việc ấy thế nào? Muốn làm gì đây?
Rồng liền đáp:
-Vợ ta có mang, nó thèm muôn ăn trái tim khỉ. Vì lý do đó ta đưa ngươi đến đây.
Bấy giờ khỉ suy nghĩ: “Ta đang gặp điều chẳng may, bất lợi vô cùng, tự chuốc lấy cái chết vào thân. Ôi thôi! Ta phải làm cách gì mau thoát tai nạn này khỏi mất thân mạng?” Rồi nó lại nghĩ: “Phải gạt con rồng này mới được.”
Thầm nghĩ như vậy rồi, nó lại nói với rồng:
-Này anh bạn lành nhân từ, trái tim tôi còn để lại trên cây Ưu-đàm-bà-la, không mang theo đây. Tại sao lúc ấy bạn không nói đúng sự thật cho ta biết là “Ta đang cần tim ngươi”, để lúc ấy ta mang theo. Bạn nên quay trở lại để ta lấy tim, rồi sẽ trở về.
Khi ấy rồng nghe khỉ nói lời như vậy, cả hai đều ngoi lên khỏi mặt nước. Thấy rồng sắp vượt khỏi mặt nước, gần bên bờ, khỉ phấn khởi, nỗ lực nhảy vọt thật nhanh, chuyển hết sức lực từ trên lưng rồng nhảy sang mặt đất, rồi phóc lên trên đại thọ Ưu-đàm-bà-la.
Rồng ở dưới gốc cây chờ giây lâu, thấy con khỉ lẩn trốn không xuống, nên nói với khỉ:
-Này anh bạn lành thân mật! Anh mau xuống đây cùng tôi về nhà.
Con khỉ lặng thinh không chịu leo xuống. Thấy khỉ ở mãi không chịu xuống, rồng nói kệ:
Anh khỉ bạn hiền đã lấy tim
Xin anh trên cây mau leo xuống
Tôi sẽ đưa anh đến rừng kia
Là nơi đầy dẫy quả cùng hoa.
Bấy giờ con khỉ nghĩ: “Con rồng này thật vô trí.” Nghĩ như vậy rồi, khỉ hướng về con rồng nói kệ:
Mưu kế anh rồng tuy cao rộng
Nhưng mà tâm lượng quá hẹp hòi
Anh nên chín chắn tự nghĩ lại
Tất cả mọi loài, ai không tim.
Rừng kia tuy cây trái sum suê
Kể cả Am-la cùng quả ngọt
Thật ra, ta nay không muốn đến
Ta thà ở đây ăn Ưu-đàm.
Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo phải biết, con khỉ thuở ấy là Ta ngày nay. Con rồng thuở nọ nay là ma Ba-tuần vậy. Thuở ấy ma Ba-tuần vẫn đem lời-dối trá để gạt Ta mà không được. Huống ngày nay muốn đem việc năm dục thế gian mà dụ dỗ Ta, đâu có thể làm rung động chỗ ngồi!
Đức Phật nói lời này rồi, các thầy Tỳ-kheo lại bạch Phật:
-Thế Tôn thật hy hữu! Thế Tôn quá ư đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Tại sao ma Ba-tuần đem ma quân hình dạng xấu xí khác nhau đến bên Như Lai mà Như Lai quán sát biết rõ từng việc?
Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Các Tỳ-kheo phải biết, chẳng những ngày nay Ma vương đem đại quân với hình dạng xấu xí này đến bên Ta, mà Ta cũng quán biết rõ.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Đức Thế Tôn thật hy hữu, việc này như thế nào? Xin Ngài kể lại, chúng con muốn nghe.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:
-Ta nhớ thuở xưa có một người thợ săn biết khu rừng nọ có nhiều chim thường tụ tập đến đó. Ông ta đến đấy dựng một lều cỏ, dùng đủ loại cành cây phủ lên lều, rồi ẩn thân ngồi trong lều ấy. Khi ấy các loài chim cho đây là cành cây thật, nên chúng bay đậu trên cành này. Tên thợ săn thấy chim đậu trên túp lều rồi, lần hồi giết chúng bằng cách bắn hoặc chụp lấy. Khi ấy, có một con chim khác thấy túp lều này nên suy nghĩ: “Túp lều này di động được mọi nơi, còn bao nhiêu cây khác lại đứng yên một chỗ, nhất định trong lều này chẳng phải trống không!” Biết như vậy, nó bay lánh xa tấp lều nên không bị thợ săn bắt, mà nói kệ:
Ta thấy tất cả cây trong rừng
Như cây A-thuyết, Tỷ-ê-la
Cây A-lê-la và Diêm-phù
Cây Vô-chỉ La-ba-chân-đầu
Đều dừng đứng yên tại một chỗ
Khi mọc đến nay không di động,
Cây này di chuyển khắp mọi nơi
Nhất định trong đó chăng trống không
Hoặc là ác vật ở bên trong.
Ta hãy cấp tốc bỏ rừng này
Trong tâm ta rất là ngờ vực
Hoặc là điều ác không từ mẫn
E rằng trong đó sát hại ta.
Lại ta thuở trước ở tha phương
Đã từng bị lưới bay đến đây
Người trí biết rồi nên xa lánh.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Các thầy phải biết, con chim thuở ấy chính là Ta ngày nay. Người thợ săn kia là ma Ba-tuần. Thuở ấy ông ta làm hình dạng đáng sợ muốn sát hại Ta, lúc ấy Ta vẫn khám phá ra. Ngày nay ma Ba-tuẫn lại đem ma quân hình dạng xấu xí đáng sợ đến bên Ta, Ta cũng biết từ lâu.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nói kệ:
Người đời suy nghĩ chẳng sâu xa
Làm sao chứng được pháp thượng nhân?
Ta nay bằng tư duy thù thắng
Thoát được ràng buộc, chứng vô vi.
Phẩm 35: HAI THƯƠNG GIA CÚNG PHẬT
(Phần 1)

Khi Đức Thế Tôn mới thành đạo, ngồi kiết già dưới gốc cây Bồ-đề bảy ngày đêm không đứng dậy, lấy an lạc giải thoát làm thức ăn. Sau khi trải qua bảy ngày, Ngài nhất tâm chánh niệm, xuất khỏi chánh định, ngồi nơi tòa Sư tử, đêm đầu tiên Ngài quán sát mười hai nhân duyên: từ chi cuối quán sát đến chi đầu, rồi từ chi đầu quán sát đến chi cuối. Khéo nghĩ, khéo quán sát, thấy rõ không khác, nhân nơi chi này sinh ra chi kia, nhân có chi kia mới có chi này. Nghĩa là duyên vào vô minh mới có các hành, duyên vào các hành mới có thức, duyên vào thức mới có danh sắc, duyên vào danh sắc mới có lục nhập, duyên vào lục nhập mới có xúc, duyên vào xúc mới có thọ, duyên vào thọ mới có ái, duyên vào ái mới có thủ, duyên vào thủ mới có hữu, duyên vào hữu mới có sinh, duyên vào sinh mới có các khổ lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não.
Đức Thế Tôn biết các pháp này rồi, lại nói kệ:
Người tu phạm hạnh quán các pháp
Thì biết các pháp là tương sinh
Nếu biết các pháp nhân duyên sinh
Thì biết các pháp nhân duyên có.
Đức Thế Tôn vào nửa đêm ấy quán mười hai pháp nhân duyên, quán từ chi ban đầu cho đến chi cuối cùng, rồi chí tâm không thất niệm, không tán loạn, khéo quán sát, khéo suy nghĩ ngược lại: do không có chi kia thì chi này không có, do chi kia diệt nên chi này tự diệt. Nghĩa là vô minh diệt thì hành tự diệt, hành diệt thì cho đến sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não tất cả đều diệt.
Khi ấy Đức Thế Tôn quán biết các pháp này rồi, Ngài liền nói kệ:
Người tu phạm hạnh quán các pháp
Thì biết các pháp nhân duyên sinh
Nếu biết các pháp nhân duyên sinh
Thì biết các pháp nhân duyên diệt.
Đức Thế Tôn vào nửa đêm ấy quán mười hai nhân duyên, quán từ chi cuối cùng đến chi ban đầu, không thất niệm, không tán loạn, khéo suy nghĩ, khéo quán sát cái kia đã sinh thì sinh cái này, nhân có cái kia nên có cái này. Cái kia không thì cái này cũng không, cái kia diệt thì cái này cũng diệt. Nghĩa là duyên vô minh thì hành sinh, duyên các hành rồi thì tất cả các chi: sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não đều tương sinh. Chi kia không sinh thì chi này cũng không. Chi kia diệt rồi thì chi này cũng diệt.
Khi ấy Đức Thế Tôn biết sự thật này rồi, Ngài nói kệ:
Như người phạm hạnh quán thế gian
Liền biết tương sinh cho đến diệt
Đã phá ma quân lập đạo tràng
Như mặt trời chiếu sáng hư không.
Bầy giờ Đức Thế Tôn từ nơi tòa Sư tử đứng dậy rời cây Bồ-đề chẳng bao xa, Ngài lại ngồi kiết già bất động trong bảy ngày, lấy hạnh giải thoát làm niềm an lạc. Trong bảy ngày ở bên cạnh cây Bồ-đề, chăm chú quán sát, mắt không nhắm, Ngài nghĩ thế này: “Ta ở nơi đây diệt cùng tận vô biên phiền não, đã xả bỏ gánh nặng!”
Sau khi trải qua bảy ngày chánh niệm, chánh tri, Ngài ra khỏi Tam-muội.
Về sau có người ở nơi Ngài ngồi quán sát, bên cạnh Bồ-đề này, xây một ngôi tháp, đặt tên là tháp Không nháy mắt và nói kệ:
Ở đạo tràng này diệt các khổ
Lại ngồi nơi đây quán tòa kia
Đạt được sở nguyện đến bờ giác
Ta chứng Bồ-đề tại nơi đây.
Bấy giờ Đức Thế Tôn từ tháp Không nháy mắt đứng dậy, ung đung đi đến Ma-lê-chi (nhà Tùy dịch là Dương Diệm) nơi đi kinh hành. Sau khi đi kinh hành rồi, Ngài ngồi kiết già trải qua bảy ngày thọ hưởng niềm vui giải thoát. Trải qua bảy ngày rồi, chánh niệm, chánh tri, Ngài ra khỏi Tam-muội. Ngay lúc ấy có Long vương Ca-la (nhà Tủy dịch là Hắc sắc) đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi lui đứng về một bên, bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, tại cung điện này, thuở xưa con đã từng cúng dường chư Phật trong quá khứ. Chư Phật vì thương xót con nên đều nhận lấy và ở nơi cung điện này. Chư Phật đó là Đức Thế Tôn Câu-lưu-tôn, Đức Thế Tôn Câu-na-hàm Mâu-ni và Đức Thế Tôn Ca-diếp. Ngày nay gặp Thế Tôn, lành thay! Thật đúng lúc. Xin Ngài thương xót con, ở nơi đây một thời gian ngắn. Tại sao như vậy? Vì con đã đem cung điện này cúng dường ba Đức Phật trong quá khứ. Ngày nay đến Thế Tôn là vị thứ tư vì con mà nhận lấy cung điện này, tức gọi là “cung điện đầy đủ công đức của con được bốn Đức Phật nhận lấy.”
Lúc ấy Đức Thế Tôn nhận lời Long vương Ca-la, vào trong cung điện ngồi kiết già, trải qua bảy ngày an định không động, hưởng thọ niềm vui giải thoát.
Đức Thế Tôn trải qua bảy ngày chánh niệm, chánh tri rồi ra khỏi Tam-muội, bảo Đại long vương Ca-la:
-Này Long vương, ông đến với Ta thọ pháp Tam quy: Phật... và ngũ giới. Ông sẽ hưởng thụ đại an lạc mãi mãi.
Long vương Ca-la liền bạch Phật:
-Xin vâng lời Đức Phật dạy, tâm không chống trái, con theo lời Thế Tôn đã bảo.
Long vương Ca-la nghe lời Đức Phật dạy như vậy rồi, liền chắp tay hướng về Đức Phật lãnh thọ ba pháp Tự quy y: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, rồi lãnh thọ năm giới cấm, là cận sự nam đầu tiên trong thế gian. Trong loài súc sinh, tự nói ba pháp Tam quy và ngũ giới, đó là Long vương Ca-la.
Thuở ấy, lại có một Long vương khác tên là Mục-chân-lân-đà, đang hướng về chỗ Đức Phật. Khi đã đến nơi, Long vương lễ dưới chân Đức Phật rồi lui về một bên. Sau khi đứng về một bên, Long vương bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, cung điện này của con, thuở xưa đã từng cúng dường tất cả chư Phật. Quý Ngài nhận lấy và ở trong đó.
Chư Đức Phật đó là Đức Thế Tôn Câu-lưu-tôn, Đức Thế Tôn Câu-na-hàm Mâu-ni và Đức Thế Tôn Ca-Diếp. Hay thay! Ngày nay gặp được Thế Tôn, xin cũng vì con nhận lấy cung điện này, thì con sẽ được bốn Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thọ nạp cung điện này, con sẽ được lợi ích hoàn toàn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn tùy thuận Long vương Mục-chân-lân-đà nhận lấy cung điện. Ngài ngồi kiết già trong cung điện này trải qua bảy ngày không đứng dậy, để hưởng niềm vui giải thoát. Trong thời gian bảy ngày này, trên hư không kéo mây tuôn mưa, thổi cơn gió rất lạnh, mưa suốt bảy ngày không ngớt, không khí trở thành giá lạnh. Khi ấy Long vương Mục-chân-lân-đà ra khỏi cung điện, hiện thân to lớn, cuộn thành bảy ngày vòng che chở Đức Phật, lại hiện bảy đầu cúi xuống làm chiếc lọng lớn che trên đầu Đức Phật. Tâm Long vương nghĩ thế này.: “Chẳng để thân Thế Tôn bị gió rét lạnh và bụi bặm dính vào. Cũng đừng để các loài trùng, muỗi mòng chích Thế Tôn.”
Đã qua bảy ngày, bấy giờ trời trong sáng không có mây mù, Đức Thế Tôn chánh niệm chánh trí ra khỏi Tam-muội. Khi ấy Long vương Mục-chân-lân-đà thu hình rồng, hiện hình Bà-la-môn trẻ tuổi, đứng trước Phật, chắp tay lễ sát đất bạch Phật:
-Vừa rồi không phải con muốn nhiễu loạn Như Lai, con hiện hình rồng cuộn quanh Như Lai bảy vòng, lại hiện bảy đầu che trên đảnh Như Lai là muốn Như Lai được an ổn, chỉ sợ Thế Tôn bị gió nước thấm lạnh, đất bụi dính vào người, cùng côn trùng, muỗi mòng chích vào thân. Bạch Đức Thế Tôn, do con nghĩ như vậy nên mới che phủ Thế Tôn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, tự nói kệ tán thán:
Biết đủ tịch định rất an lạc
Biết đủ quán sát rất sâu xa
An lạc không phiền não trong đời
Lại không sát hại các chúng sinh.
Nếu muốn ở đời thật an lạc
Tất cả tham dục phải xa lìa
Xả bỏ ngã mạn, tánh kiêu căng
Vui này tối thắng rất an lạc
Bao nhiêu dục lạc ở nhân gian
Nếu bỏ được hết không còn ái
Vui đời so sánh với vui đạo
Đạo mười sáu phần, đời không một.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo Long vương Mục-chân- lân-đà:
-Đại vương hãy đến đây thọ pháp Tam quy và Ngũ giới. Đại vương sẽ mãi mãi thọ hưởng an lạc.
Long vương Mục-chân-lân-đà bạch Phật:
-Đúng như lời Thế Tôn đã dạy, con luôn tuân theo.
Mục-chân-lân-đà nghe lời dạy của Đức Phật, liền đến bên Đức Thế Tôn thọ pháp Tam quy và Ngũ giới.
Khi Đức Thế Tôn còn tu Bồ-tát hạnh, có một người chăn dê, trong thời gian sáu năm Bồ-tát tu khổ hạnh, người này đối với Đức Thế Tôn đem tâm thanh tịnh, tôn trọng cung kính cúng dường, lại đem sữa dâng cúng Thế Tôn và bẻ cành Ni-câu-đà cắm che mát Thế Tôn. Khi ấy cành cây này biến thành đại thọ, người chăn dê này tùy theo nhân duyên thiện căn tín tâm ít nhiều này, sau khi qua đời sinh lên cõi trời Đao-lợi làm Thiên tử, có đại oai lực thần thông tự tại. Người chăn dê sau khi sinh lên cõi trời, lại suy nghĩ: “Ta nay được quả báo, do nghiệp nhân gì mà được thân này?” Lại nghĩ: “Nhớ thuở xưa khi Đức Thế Tôn còn là Bồ-tát, ta đích thân tạo nghiệp như thế này: Khi Bồ-tát tu khổ hạnh, ta đem sữa dâng cúng cho Ngài. Nơi Ngài ngồi, ta bẻ cành Ni-câu-đà cắm vào đất để che mát Bồ-tát. Nhờ thiện nghiệp đó, ta nay được quả báo vi diệu này.” Thiên tử lại nghĩ thế này: “Nhờ khi Đức Thế Tôn còn là Bồ-tát, ta gần gũi cúng dường nên nay được quả báo này. Ta cắm cành cây Ni-câu-đà che mát Đức Thế Tôn, nên nay được quả báo và có những thần thông vô ngại này. Huống chi ngày nay Đức Thế Tôn đã chứng quả Vô thượng Bồ-đề, Ngài vì ta mà trở lại nghỉ mát dưới bóng cây này.”
Vào nửa đêm, thân phóng hào quang rực rỡ, chiếu sáng đến cây Bồ-đề, Thiên tử với ánh sáng cõi trời ấy đi đến chỗ Đức Phật.
Đến nơi, vị ấy đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui về một bên. Khi ấy Thiên tử liền bạch Phật:
-Hay thay, Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì thương xót con, nhận cây này, được an lạc theo ý muốn.
Khi ấy Đức Thế Tôn vì thương xót Thiên tử, nhận cây Ni-câu- đà mà thuở xưa người chăn dê đã cắm vào đất. Nhận lời rồi, Ngài ngồi kiết già bất động dưới cây này, trải qua bảy ngày để cảm thọ sự giải thoát an lạc.
Sau khi trải qua bảy ngày, Ngài chánh niệm chánh tri, ra khỏi Tam-muội, bảo Thiên tử:
-Này Thiên tử, lại đây! Đến bên Ta thọ lãnh pháp Tam quy và Ngũ giới. Người sẽ thọ hưởng an lạc lâu dài.
Thiên tử thọ ba pháp Tự quy y và Ngũ giới rồi, trong thế gian. Đây là vị trời đầu tiên được Đức Phật trao cho ba pháp Quy y và Ngũ giới, làm người Ưu-bà-tắc. Tiền thân vị này là người chăn dê, do cúng dường cây, sữa... cho Bồ-tát, nên được quả báo thân chư Thiên.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Chớ quên mình là nước


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Cảm tạ xứ Đức

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.2.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập