Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 27 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 27

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.55 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 30: HƯỚNG VỀ CÂY BỒ-ĐỀ
(Phần 3)

Bấy giờ Ma vương bảo sứ giả Dạ-xoa Xích Nhãn:
-Này Xích Nhãn, ông thấy các binh chủng của ta như thế này thì có ai dám xâm lăng cảnh giới của ta hay không?
Sứ giả Dạ-xoa Xích Nhãn liền tâu Ma vương Ba-tuần:
-Bạch Đại vương, ngài phải biết, con vua Tịnh Phạn dòng họ Thích-ca, tên là Tất-đạt-đa trước ở nơi làng của nàng Thiện Sinh con gái thôn chủ đã lên tiếng vang rền như tiếng trâu chúa rống, đến người cắt cỏ xin một bó cỏ rồi rời khỏi đại thọ tên là Đa-la-ni-câu-đà do người chăn dê trồng, từ từ đi đến dưới cây Bồ-đề. Trong lúc đó lại có năm trăm chim se sẻ màu xanh vây quanh Bồ-tát. Vào tháng đầu mùa xuân, tất cả cây cối đều đâm hoa kết quả, cành lá tự hướng theo. Loài thảo mộc vô tri thức mà còn biết cúi đầu sát đất để cúng dường người. Khi người đến gần dưới cây Bồ-đề thì cõi đại địa này chấn động sáu cách.
Khi Ma vương Ba-tuần thấy Bồ-tát sắp gần đến cây Bồ-đề, y suy nghĩ: “Mong tên họ Thích này hướng đến các cây khác trải thảm cỏ mà ngồi, đừng trải tòa ngồi dưới gốc cây Bồ-đề.” Suy nghĩ xong, Ba-tuần bảo tất cả chúng Dạ-xoa.
-Hãy mau đến núp dưới cây Bồ-đề kia, đừng để cho người họ Thích đến chỗ cây Bồ-đề ấy.
Quỷ Dạ-xoa bạch Ma vương:
-Chúng tôi xin nghiêm túc vâng lệnh Đại vương.
Dạ-xoa liền rút bớt một số quỷ Dạ-xoa đến mai phục xung quanh cách gốc cây Bồ-đề không xa. Khi lính quỷ Dạ-xoa từ xa trông thấy Bồ-tát sắp đến gần cây Bồ-đề, thân thể Ngài sáng chói giống như kim sơn phóng quang rực rỡ, không tài nào diễn tả. Quỷ Dạ-xoa thấy vậy, liền nói kệ:
Mặt trời xuất hiện ngàn tia sáng
Oai đức chiếu sáng tựa Kim sơn
Từ bi ban bố cõi trời người
Tiến tới Bồ-đề như Sư tử.
Lúc ấy vị thần bảo vệ rừng cây liền dùng kệ đáp lời các quỷ Dạ-xoa:
Thế Tôn ngàn kiếp đủ công đức
Viên mãn sáu độ: Thí, Giới, Nhẫn
Tinh tân, Thiền định và Trí tuệ
Đầy đủ muôn hạnh thật trang nghiêm
Đang đi dần đến cội Bồ-đề
Sắp chứng Bồ-đề Vô thượng đạo
Chư Thiên tám bộ cùng nhân loại
Theo sau hộ vệ nghĩ như vậy.
Khi quỷ Dạ-xoa cùng quyến thuộc của Ma vương nghe lời kệ như vậy, đều rời khỏi cây Bồ-đề, tẩu tán nơi khác. Lúc ấy Bồ-tát lần lần đi đến chỗ đất đầy đủ mười sáu tướng công đức.
Mười sáu tướng công đức là:
1. Khi kiếp hỏa thiêu đốt cõi đại địa, mảnh đất này sẽ bị thiêu hủy cuối cùng. Khi lập kiếp ban sơ, mảnh đất này được thành lập trước tiên.
2. Chỗ đất này mọc đầy các loại cây cỏ: Ưu-ba-la, Ba-đầu-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lợi tốt đẹp tuyệt vời (bốn loại cỏ xanh, đỏ vàng, trắng).
3. Chỗ đất này là vị trí trung tâm của cõi Diêm-phù-đề.
4. Chỗ đất này không có các chúng sinh ngu si đần độn sống ở đây. Chỉ có người đại phước đức thuộc dòng Thánh mới an tọa mà thôi.
5. Chỗ đất này không có các hầm hố, bốn phía trống rộng bằng phẳng.
6. Chỗ đất này sạch sẽ, không cao không thấp, đầy đặn như bàn tay.
7. Chỗ đất này tự nhiên sinh trưởng nhiều loại hoa như hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng và hoa sen trắng lớn.
8. Chỗ đất này tất cả Thánh nhân đều biết.
9. Chỗ đất này nổi lên tự nhiên.
10. Chỗ đất này luôn luôn có Thánh nhân ở.
11. Chỗ đất này hoàn toàn không ai có thể chiếm lĩnh được.
12. Chỗ đất này có tòa sư tử rất cao, danh tiếng đồn khắp.
13. Chỗ đất này nếu có ma và quyến thuộc của ma có tâm tìm lỗi lầm cũng không thể có.
14. Chỗ đất này là cái rốn của tất cá chỗ đất khác.
15. Chỗ đất này được cấu tạo bằng kim cương.
16. Chỗ đất này mọc loại cỏ cao chừng bốn ngón tay (chồng lên), mềm mại, xanh biếc như lông cổ chim Khổng tước, chạm vào cỏ này như sờ thiên y Ca-thi-ca, thân cỏ mềm mại, ngay ngắn, màu sắc tuyệt vời, tỏa mùi thơm phảng phất, ngọn cỏ đều xoay về phía phải, trông thật đẹp mắt.
Thuở xưa các vị Chuyển luân thánh vương đều nghe việc vui thích hy hữu ấy, nên các ngài thường tới lui chiêm ngưỡng chỗ đất này.
Khi Bồ-tát đến gần cây Bồ-đề, thì chỗ đất ấy tự nhiên được quét dọn sạch sẽ, rưới nước hoa, mặt đất bằng phẳng, thanh tịnh trang; nghiêm, đẹp đẽ nên ai cũng ưa trông ngắm, lại hoàn toàn không có sỏi sạn, đá gạch và các loại cỏ dại gai góc bừa bãi.
Lúc xin cỏ, Bồ-tát dùng tay trái nhận bó cỏ. Khi đến dưới cây Bồ-đề, Ngài dùng tay phái với năm ngón có màn lưới mềm mại; xinh xắn, móng màu đỏ hồng như đánh son phấn nhận lấy bó cỏ từ nơi tay trái. Khi sắp trải cỏ dưới gốc cây Bồ-đề, Ngài hướng về phía Đông, cầm cỏ bỏ xuống đất, gốc cỏ hướng về cây Bồ-đề, trong tâm Bồ-tát thầm nguyện: “Khi ta đã ngồi ở nơi đây rồi, sẽ vượt qua biển phiền não để đến bờ giác ngộ.” Khi Ngài vãi nắm cỏ trên mặt đất, như hoa cắm trong bình, hoặc cuộn tròn như xoáy nước, hoặc như hình chữ Vạn.
Bồ-tát thấy tự bó cỏ rơi xuống đất, đều đặn không rối loạn, với những hiện tượng tốt đẹp như vậy, nên nói:
-Như ngày nay Ta vãi bó cỏ xuống đất, đáng ra rối loạn lại; không rối loạn, đây là tượng trưng cho điều tốt đẹp, chẳng khác nào như Ta sông trong thế gian loạn động mà nhất định sẽ chứng được pháp không loạn động.
Khi Bồ-tát vãi nắm cỏ trải ra như vậy, mặt đất chấn động sáu cách.
Bấy giờ Ma vương Ba-luần, chủ cối Dục đến bên Bồ-tát nói:
-Này người dòng Sát-lợi, người không nên trải cỏ ngồi dưới gốc cây này. Tại sao vậy? Bởi vì nơi đây vào nửa đêm khuya có đến vô lượng quỷ Tỳ-xá-giá, Phú-đơn-na, Dạ-xoa, La-sát thường thường lui tới nơi đây ăn thịt người. Tại phương Bắc cây này có một khu rừng, là nơi an trú cảa các vị Đại Tiên nhân, gọi là xứ Ưu-lâu-tần-loa, phong cảnh tươi đẹp, rất hữu tình, ai cũng thích thưởng ngoạn. Này người dòng họ Thích hãy đến nơi đó ngồi tùy ý.
Bồ-tát đáp lời Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, ngươi lẽ nào không biết, bất cứ nơi núi đầm thanh vắng, hoặc dưới gốc cây, hoặc nơi gò mả, hoặc ở trong rừng, vào nửa đêm Ta vẫn an ổn, tâm không sợ sệt. Lại nữa, Ta không là kẻ vô trí, lại cũng chẳng phải như người không có năng lực phương pháp, như người tầm thường đến nơi đây. Từ lâu Ta đã biết vào thời quá khứ, chư Phật tại chỗ đất vô úy dưới cội cây này mà thành Thánh đạo. Đó là lý do ngày nay Ta đến nơi đây.
Lúc bấy giờ có một quỷ Dạ-xoa đứng bên phải Ma vương Ba-tuần, nói với Bồ-tát.
-Này kẻ họ Thích, ngươi cần gì phải khổ nhọc ngồi dưới cội cây này, bên ngoài bốn phía cây Bồ-đề này có các đại thọ, người mau mau dời bước đi nơi khác.
Bồ-tát đáp lời Dạ-xoa:
-Tâm nguyện của Ta nếu ngồi ở dưới các cội cây khác thì không thành, chỉ ở dưới gốc Bồ-đề này thì quyết định thành tựu, chỗ khác thì không được.
Khi ấy, Dạ-xoa tâu lại Ma vương:
-Thưa Đại vương, nay ngài có nghe người này nói chăng? Chúng ta phải làm cách nào đuổi người đi khỏi nơi đây?
Ma vương Ba-tuần bảo Dạ-xoa:
-Ta cần phải dùng đủ mọi cách quyết tâm làm thế nào để ngăn người này không cho ngồi nơi đây nữa.
Nghe Ma vương Ba-tuần nói những lời như vậy, Ngài sắp an tọa trên cỏ, tư duy, phát nguyện: “Ta sắp ngồi tòa Kim cang mà chư Phật quá khứ đã ngồi. An tọa xong, Ta sẽ chế phục Ma vương Ba-tuần. Ngày nay, Ta đã ngồi chỗ này rồi, sẽ đoạn diệt các phiền não dục vọng, sân hận, ngu si... Ta đã ngồi chỗ này rồi sẽ chứng được pháp cam lộ vi diệu thanh tịnh mát mẻ.”
Khi Bồ-tát trải cỏ, gốc cỏ hướng về cây Bồ-đề, ngọn cỏ đều xoay ra bên ngoài. Ngài trải cỏ xong nhiễu quanh bên phải cây Bồ-đề ba vòng rồi ngồi kiết già, thân tâm đoan chánh, như rắn cất giữ thân thẳng yên không lay động. Ngài xướng lên ba lần:
-Ta chứng cam lộ. Ta chứng cam lộ. Ngày nay Ta nhất định chứng cam lộ!
Trong tâm Bồ-tát phát lời thệ nguyện vĩ đại: “Ta ngồi nơi đây, nếu tất cả hữu lậu không diệt sạch, tất cả tâm không được giải thoát thì Ta nguyện trọn đời không rời khỏi chỗ này.”
Có kệ nói:
Bồ-tát thiền tọa dưới cội cây
Như rắn giữ mình không lay động
Trong tâm nguyện lớn như thế này
Đạo quả chẳng thành không đứng dậy.
Lúc ấy Ma vương Ba-tuần biến mất khỏi chỗ cũ trong thời gian ngắn, rồi lại hiện một thân đầu xõa tóc rối, thân mặc áo xấu dính đầy cát bụi, môi miệng khô ran tợ người đói khát, tay cầm một bó lớn bì]thư, vội vã hướng về Bồ-tát, đứng trước mặt ném bó bì thư cho Bồ-tát| và nói:
-Một phong thư của Ma-na-ma dòng họ Thích của người gởi,; một phong thư của Ni-câu-đà gởi, một phong thư của Nan-đề-ca gởi, một phong thư của Bạt-đề-già gởi, một phong thư của Nan-đà gởi, một phong thư của A-nan-đà gởi. Bao nhiêu phong thư này đều là bà con dòng họ Thích nhờ ta chuyển đến người.
Khi ấy, trong số đó có một bức thư đề lời giả dối không thật; Thư đề: “Ngày nay, Đề-bà-đạt-đa ở thành Ca-tỳ-la soán ngôi vua, vào nội cung Thái tử thâu nạp tất cả phi hậu của ngài rồi bắt Đại vương Tịnh Phạn, thân phụ ngài, hạ ngục. Ngoài ra, các vương thúc Bạch Phạn, Hộc Phạn, Cam Lộ Phạn cùng tất cả các vị kỳ lão hoàng gia họ Thích đều bị đuổi ra khỏi thành. Nếu Thái tử nhận được thư này, phải mau mau trở về hoàng triều, chớ còn ở nơi thanh vắng làm gì?”
Bồ-tát đọc những dòng thư như vậy, nghĩ đến ba việc:
“Vì thể nữ sinh tâm ái dục nên Đề-bà-đạt-đa mới thâu nạp phi hậu của Ta.
“Vì Đề-bà-đạt-đa khởi tâm chiến đấu nên người mới thật sự cướp lấy ngôi của phụ vương và quốc gia Ta.”
“Vì hoàng gia sinh tâm sát hại, mà họ vì sao tiếc thân mạng không bảo vệ cha Ta?”
Rồi Bồ-tát lại suy nghĩ: “Tất cả cảnh giới thế gian đều vô thường, uế trược, bất tịnh, luôn luôn sinh diệt không chút thời gian tạm nghỉ.”
Rồi lại suy nghĩ: “Tất cả pháp thế gian đều là pháp hoại diệt, sinh diệt liên tục!” Do tư duy như vậy, Ngài mới cắt đứt tâm ái dục mà phát khởi tâm xuất gia; dứt tâm đấu tranh mà phát khởi tâm Từ mẫn, đoạn tâm sát hại mà sinh khởi tâm Bi.
“Những việc như vậy, Ta đã vứt bỏ từ lâu.” Tư duy như vậy rồi, Ngài phát khởi tâm xả.
Phẩm 31: MA VƯƠNG KHỦNG BỐ BỒ TÁT
(Phần 1)

Khi Bồ-tát đã an tọa dưới cội Bồ-đề, thần thủ hộ cây này vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân không thể tự chế, cởi những chuỗi anh lạc trên thân, xõa tung tóc ra, vội chạy đến chỗ Bồ-tát. Do thấy những việc tốt đẹp hết sức vi diệu, vị ấy cho là quá ư đặc biệt hy hữu, trong tâm ân cần kính trọng, đem lời ca ngợi Bồ-tát một cách nghiêm túc và ra lệnh tất cả thân tộc, quyến thuộc bảo vệ Bồ-tát, hết sức cung kính.
Lúc ấy bao nhiêu Thọ thần bất luận lớn nhỏ ở xung quanh bốn phía núi rừng cây này đều hiện thân đi từ cây của mình đến thưa vị Thần hộ vệ cây Bồ-đề:
-Thưa Đại thiện Thọ thần, hiện giờ vị ngồi dưới gốc cây của ngài là ai? Từ trước đến nay chúng tôi chưa từng thấy tôn nhan đầy đủ, với các tướng trang nghiêm, hết sức đẹp đẽ, không ai hơn ngài, như vị trời trong hàng trời.
Vị Hộ thần cây Bồ-đề nghe hỏi lời như vậy, liền bảo các Thọ thần:
-Này các Thọ thần, các người phải biết, vị ngồi dưới gốc cây Bồ-đề là con vua Tịnh Phạn, thuộc dòng Cam Giá. Vào kiếp ban sơ, dân chúng suy cử lập người Cam Giá này lên làm vua, đời đời nối nhau cho đến ngày nay. Vị này là con cháu được truyền thừa của dòng họ đó.
Các vị Thần lại nói với vị Hộ thần cây Bồ-đề:
-Thưa hộ thần cây Bồ-đề, ngày nay ngài được điều lợi ích rất lớn, được thiện phước rất to, nên chỗ ở của ngài có một chúng sinh vi diệu tuyệt vời, vượt lên trên chúng sinh trong tam giới như vậy. Chúng sinh này giống như hoa Ưu-đàm, khó xuất hiện ở đời.
Lúc bấy giờ mỗi người trong chúng Thọ thần đều đem các loại bột hương trầm thủy, ngưu đầu chiên-đàn... cùng các loại hoa thơm tuyệt diệu rải đi rải lại nhiều lần trên mình Bồ-tát, vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, không thể tự chế, chắp tay cúi đầu, hướng về Bồ-tát đảnh lễ và mỗi người đều xướng lên thế này:
-Cầu nguyện Nhân giả, vị đứng đầu trong chúng sinh, sớm thành tựu sở nguyện, mau chứng Bồ-đề.
Lại có Thiên vương và chư Thiên cõi Tứ thiên, lại có vô lượng chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, cõi trời Dạ-ma, cõi trời Đâu-suất, cõi trời Hóa lạc và cõi trời Tha hóa tự tại, vô lượng vô biên chư Thiên như vậy cùng chư Thiên cõi Phạm thiên, mỗi người đều đem các loại hoa trời đẹp tuyệt như Mạn-đà-la, Ma-ha Mạn-đà-la, Ma-ha Mạn-thù-sa, Câu-vật-đầu, Ba-đầu-ma, Phân-đà-lợi... cùng các phấn thơm, sáp thơm rải trên cây Bồ-đề như mưa, tàng cây Bồ-đề giống như bánh xe, chu vi quanh cây này trong một do-tuần, hoa hương chồng chất lên đến đầu gối.
Khi Bồ-tát ngồi dưới cội Bồ-đề, tuyệt không một tiếng kêu của kiến càng hay kiến riện, huống lại là tiếng kêu của loài thú lớn, tất cả loài chim cũng không kêu hót. Giả sử có gió thổi, tất cả các cấy cũng không lay động.
Trong khi Bồ-tát đang ngồi dưới cội Bồ-đề, chư Thiên cõi Tịnh cư tâm rất vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, không thể tự chế, đảnh lễ Bồ-tát, trong tâm mỗi người đều nguyện: “Nguyện Nhân giả, vị đứng đầu trong chúng sinh, mong tâm nguyện của Ngài sớm được viên mãn, mau chứng Bồ-đề.”
Trong khi Bồ-tát ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài phát lời thệ nguyện trọng đại:
“Ta không thành đạo thì Ta không rời chỗ ngồi này.”
Lúc ấy Ma vương Ba-tuần trong tâm lo sợ, liền nói thế này: “Phải chăng người dòng vua chúa họ Thích này muốn diệt trừ cảnh giới của ta? Muốn cho ta khỏi cảnh giới này? Nếu người hơn ta, nhất định người sẽ dạy chúng sinh phương pháp đi đến Niết-bàn, làm cho cảnh giới của ta trở thành trống không. Nhưng hiện giờ người chưa chứng Tịnh nhãn, lại ở trong cảnh giới của ta, ta nay phải cố gắng dùng đủ phương pháp làm cho người, thoái lui trên đường hành đạo, đứng dậy bỏ đi.” Rồi ma nói kệ:
Nếu Ngài chứng được quả Bồ-đề
Vì khắp chúng sinh thuyết pháp chánh
Cảnh giới của ta sẽ tổn giảm
Chúng sinh được mở đường chánh này
Cõi ta tự nhiên thành trống vắng
Cõi trống vắng, ta như quả phụ.
Mắt thanh tịnh nay Ngài chưa chứng
Vẫn còn trong cảnh giới của ta
Ta nên đi gấp mau đến đó
Sớm ngăn chận phá việc người ấy
Như dòng sông, nước chưa tràn đến
Vội lo xây cầu bến chắc trước.
Bấy giờ Ma vương Ba-tuần ở giữa đủ mặt một ngàn vương tử để trợ giúp việc khuấy phá Bồ-tát. Có năm trăm người, cầm đầu là Thương Chủ với ý giúp Bồ-tát, đang ngồi bên phải Ma vương Ba-tuần. Ngồi bên trái Ma vương Ba-tuần gồm có năm trăm người, mà kẻ cầm đầu là Ác Khẩu. Ma vương Ba-tuần bảo các con:
-Này các con, cha cùng các con luận bàn hơn thiệt, cha muốn tiếp nhận ý kiến các con. Chúng ta phải lập kế gì để có sức mạnh hàng phục Bồ-tát.
Bấy giờ Thương Chủ, trưởng tử của Ma vương, ngồi bên phải, dùng kệ tâu phụ vương Ba-tuần:
Nếu ai dám đụng đến mãng xà
Đã từng đối địch với voi điên
Trải qua chiến thắng chúa sơn lâm
Mới hàng phục được Tỳ-kheo kia.
Lúc bấy giờ vương tử thứ hai ngồi bên trái Ma vương Ba-tuần tên là Ác Khẩu, vì phụ vương mà nói kệ:
Nếu ai thấy con tim tan vỡ
Các cây bật gốc, ngã trên đất
Nếu Sa-môn kia vừa thấy con
Tháo chạy một hơi và trốn biệt.
Bấy giờ, lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Diệu Minh, dùng kệ bạch phụ vương:
Như người đang bơi trong biển cả
Lại muốn uống cạn nước biển kia
Việc này phụ vương không sợ gì
Sẽ thấy Bồ-tát sợ tái mặt.
Bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Bá Đấu, dùng kệ bạch phụ vương:
Thân con phát sinh trăm cánh tay
Mỗi tay bắn ra hàng trăm mũi
Phụ vương cứ tiến, chớ sầu ưu
Riêng con đủ phá Sa-môn nọ.
Bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Thiện Giác, dùng kệ bạch phụ vương:
Nếu ai có sức như voi, ngựa
Hoặc như Tỳ-nữu và Kim Cang
Người có túc nghiệp oai nhẫn nhục
Sức lực như vậy chẳng thắng Ngài.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Nghiêm Oai, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Con ở hư không mưa nước, lửa
Tuôn đến đốt cháy xác Tỳ-kheo
Làm thân của hắn thành đống tro
Khác nào lửa đỏ đốt cỏ khô.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Thiện Mục, liền dùng kệ bạch phụ vương.
Giả sử núi Tu-di ngã
Tất cả cung trời đều tan vỡ
Nước trong biển cả đều khô kiệt
Hai vầng nhật nguyệt đều rơi rụng
Dù khiến mặt trời lạnh như băng
Cung điện chư Thiên rơi xuống đất
Bồ-tát đã ngồi dưới gốc cây
Chưa thành Chánh giác không đứng dậy.
Lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương tên là Báo Oán, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Nhật nguyệt tay con đủ sức nắm
Cùng các tinh tú khắp hư không
Nắm giữ tất cả các cõi trời
Nước trong bốn biển vào trong tay
Huống một Sa-môn Thích tử nọ
Nay con nắm hắn vứt biển khơi
Chỉ mau ra lệnh đám quân này
Đưa quân mau đến chỗ Sa-môn.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bênphải Ma vương, tên là Đức Tín, liền dùng kệ bạch phụ vương.
Nhật nguyệt vận hành không nhờ bạn
Luân vương trị hóa chẳng ai bằng
Chư thánh Bồ-tát chẳng nhờ ai
Một mình tiêu diệt đại ma quân.
Lúc bây giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Cầu Quá Thất, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Chiến đấu, gậy gộc chẳng bằng đao
Thân mặc chiến bào tâm không sợ
Binh mã như vậy quyết thành công
Phụ vương chẳng sợ Sa-môn nọ.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Phước Đức Anh Lạc Trang Nghiêm, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Giáp Ngài mặc như Na-la-diên
Khó bề phá hoại thân Tứ đế
Áo giáp nhẫn nhục, đao giải thoát
Cầm tên trí tuệ hạ chúng ta.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Bất Hồi, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Giống như cỏ khô gặp lửa đỏ
Giỏi bắn cung thần, tên trúng đích
Sét đánh nhằm núi cũng xuyên qua
Thích tử gặp con ắt phải phục.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Pháp Thân, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Như người dùng màu vẽ hư không
Muốn cho chúng sinh đồng một chí
Thiên thần trăng gió lửa bủa vây
Đạo tràng Bồ-tát nào lay động.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Hằng Tác Tội, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Con uống độc dược như ăn cơm
Trượng con chạm ai, thành tro ngay
Nếu không phá thân hắn như bụi
Quyết không còn giữ lấy hai tay.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Thành Lợi, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Ba ngàn thế giới đầy độc hại
Thế Tôn xem thấy chẳng lo âu
Ba độc đáng sợ, ngài diệt sạch
Chúng ta về cung, đánh ích gì?
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Tham Hỷ, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Con cố âm thanh vượt ngàn trùng
Trăm ngàn ngọc nữ thân kiều diễm
Làm cho huyễn hoặc loạn tâm hắn
Khiến mất thiền định, hưởng dục lạc.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Pháp Hỷ, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Ngài dùng thiền định làm pháp hỷ
Thường trú cam lộ giải thoát môn
Pháp lạc dùng nhổ các tai ương
Chẳng dùng ngũ dục làm thỏa thích.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Tiệp Tật, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Con cầm nhật nguyệt dễ như chơi
Cũng hay chận đứng gió, lửa mạnh
Bắt lấy Sa-môn yết kiến cha
Dễ như gió thổi tan đống bột.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Sư Tử Hống, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Vô số dã can kêu đồng vắng
Vì chưa nghe tiếng Sư tử gầm
Loài thú nếu nghe Sư tử rống
Bôn ba tứ tán chạy trăm phương.
Quân ma chúng ta cũng như vậy
Chưa nghe pháp vương xướng triều âm
Đều theo chủ quan chẳng chịu lui
Khi đến chỗ Ngài tự co rút.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên trái Ma vương, tên là Ác Tư, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Con là Ác Tư nguyện chiến thắng
Sa-môn nào thấy ma quân này
Tâm hắn si mê, hết hy vọng
Làm sao chẳng chạy lánh đi liền.
Lúc bấy giờ lại có một vương tử khác ngồi bên phải Ma vương, tên là Thiện Tư, liền dùng kệ bạch phụ vương:
Ngài chẳng ngu si không sức lực
Các ông quá kém về nhân tính
Nên ông chưa biết diệu thuật Ngài
Sẽ bị trí tuệ Ngài hàng phục.
Quân ma các ông đông như cát
Dù tài như vậy khắp tam thiên
Cũng không tổn hại sợi lông Ngài
Huống là sát hại, khỏi chỗ ngồi.
Ông nên thanh tịnh hướng Bồ-đề
Cúi đầu đảnh lễ miệng khen ngợi
Chớ nên gây ác hại binh mình
Bồ-tát chắc thành Thầy ba cõi.
Trong số các vương tử của ma vương, mỗi người tự trình bày ý kiến của mình, hoặc có người ủng hộ việc thiện hoặc có người ủng hộ việc ác, lần lượt cho đến vương tử thứ một ngàn.
Lúc bấy giờ Ma vương Ba-tuần có một vị đại thần tướng quân tên là Hiền Tướng. Ma vương Ba-tuần bảo đại thần Hiền Tướng:
-Khanh đi theo ta, ở đây có một người dòng họ Thích, sắp thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Nay cùng khanh đến đó chận chứng đạo pháp ấy, chẳng để Thái tử chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy đại thần Hiền Tướng liền dùng kệ tâu đại vương Ba-tuần:
Đại vương thống lãnh Tứ Thiên vương
Vua A-tu-la, Khẩn-na-la
Ma-hầu-la-già, Ca-lâu-la
Chắp tay cúi đầu quy y ngài.
Huống là tất cả các Phạm thế
Quang âm, Quảng quả và Tịnh cư
Sáu trời cõi Dục và sắc giới
Tất cả đảnh lễ sát chân ngài.
Các con Đại vương tuy trí tuệ
Sức mạnh trần thế không ai bằng
Trong tâm hằng lễ Đấng Thế Tôn,
Tám mươi do-tuần đầy quân ngài
Dạ-xoa, La-sát, các Quỷ vương...
Thân tuy hiện tại trước Đại vương
Tâm thường nghĩ đến Vô thượng sĩ
Chắp tay cung kính, cúi đầu lễ.
Ngàn vạn quân ma gặp Thánh ấy
Tự lấy hoa hương tung cúng dường
Hạ thần thấy rõ việc như vậy
Biết chắc quân ma thua Bồ-tát.
Ma quân binh mã nơi đồn trú
Có nhiều cú mèo, sáo sậu kêu
Hoặc tiếng cú vọ, tiếng quạ, khách
Tiếng loài ác thú như cáo, lừa.
Thần thấy Bồ-tát dưới Bồ-đề
Chim lành các loại hót líu lo
Phù nhạn, Oan ương, Câu-sí-la
Cù dục, Anh võ và Khổng tước
Vây quanh Bồ-tát hót thanh nhàn
Điềm tốt như vậy Ngài chắc thắng.
Hơn nữa, doanh trại của chúng ma
Thường mưa sỏi, đá, đất, cát bụi
Bồ-tát an tọa dưới Bồ-đề
Trời mưa hoa báu hương vi diệu.
Nơi ở chúng ma đất gập ghềnh
Hầm hang cao thấp nhiều gò nổng
Gai góc, đá chổng, nhiều phẫn uế
Chung quanh phần đất gốc Bồ-đề
Trang hoàng bằng thất bảo, kim ngân.
Thấy cảnh tốt đẹp lạ như vậy
Những người trí tuệ biết nhận xét.
Thấy cảnh đó rồi phải rút quân.
Trang nghiêm như vậy khắp một vùng
Quyết chắc chứng thành Vô thượng đạo.
Đại vương nếu chẳng thuận ý thần
Như mộng vua thấy thành sự thật.
Như vậy không nên động đến Ngài
Cần phải rút quay về cung ma
Vua xưa xúc phạm các Tiên nhân
Cõi nước, thần chú đốt thành tro.
Thuở xưa có vua tên Phạm Đức
Phật ý Tiên nhân Tỳ-da-bà
Vua có vườn đẹp nhiều hoa trái
Bị thần chú đốt cháy tan hoang
Nhiều năm vườn này không mọc cỏ
Huống lại cây cối, hoa cùng quả.
Thế gian nhiều người hành khổ hạnh
Khi tu phạm hạnh, bỏ các ác
Các vua yết kiến lễ sát chân
Chúng ta nay nên về bổn xứ.
Vua đã chẳng nghe luận Vệ-đà
Người có ba hai tướng trang nghiêm
Người ấy nếu cầu đạo xuất gia
Ắt đoạn trừ hết lưới kết sử
Thành tựu đạo quả Vô thượng giác
Giữa mày, lông trắng phóng hào quang
Chiếu khắp mười phương ức cõi nước
Huống lại binh chủng đám ma này
Sao lại không thể hàng phục được
Nếu vua muốn đánh, chắc không thắng
Đảnh đầu Bồ-tát cao vượt trời
Hàng vạn chư Thiên không trông thấy
Chắc chắn sẽ thành quả vi diệu,
Thế gian chưa nghe, nay được nghe
Cũng như Tu-di và Thiết vi
Nhật Nguyệt, Đế Thích, Phạm thiên vương
Dạ-xoa, La-sát, các rừng cây
Đều hướng Bồ-đề cúi thân lễ.
Chắc chắn Bồ-tát đầy phước đức
Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền, Trí lực
Nhiều kiếp đến nay tu hạnh này
Nay quyết đẩy lui ma quân ta.
Như voi đạp bể các để gốm
Như sư tử rống thú kinh hồn
Như ánh nhật quang che đom đóm
Thế Tôn phá ma cũng như vậy.
Sư tử một thân phá thú trùng
Nọc một độc xà giết nhiều loại
Bồ-tát tu nhiều sức thiện căn
Một mình phá tan ma quân ta.
Lúc ấy Ma vương Ba-tuần nghe kệ đại thần nói như vậy, rất lo sợ, buồn bực chẳng an, thân tâm ưu sầu, khổ não chẳng vui, xấu hổ thẹn thùng, không biết xử sự thế nào. Nhưng trong lòng vẫn còn ngã mạn, chẳng chịu hồi cung, cũng không chạy trốn, lại tuyên bố với các ma quân:
-Các khanh nên bình tâm, chớ sợ hãi, chớ có nhút nhát bỏ chạy. Ta sẽ dùng lời hoa mỹ để trắc nghiệm tâm Sa-môn thế nào. Lại dùng lời khuyến dụ xem thử người có rời cây Bồ-đề hay không? Chẳng lẽ để chúng sinh quý báu này bỗng nhiên gặp tai ương hay sao!
Lúc ấy Thương Chủ, trưởng tử của Ma vương, tâu phụ vương:
-Thưa ma chúa Đại vương, con không muốn phụ vương cùng với Sa-môn dòng họ Thích-ca kết oán thù. Tại sao? Vì ví dụ có trăm ngàn vạn ức ma quân tay cầm đao kiếm, đồng đến nơi Thích tử để làm chướng ngại không cho thành đạo thì không thể làm được, huống chi một mình phụ vương. Phụ vương chỉ xem người họ Thích này ngồi trên tòa Sư tử dưới gốc cây Bồ-đề, không kinh không sợ. Phụ vương, hãy xem người họ Thích thân không lay động. Lại nữa, trên hư không có vô lượng chư Thiên chắp tay đảnh lễ Ngài. Khi chư Thiên đảnh lễ cúng dường tán thán như vậy mà Ngài không một chút vui mừng. Ngài thấy ác tâm, ác ý của phụ vương muốn đến sát hại mà Ngài không phẫn nộ. Phụ vương phải biết, giả sử có người đem màu sắc tuyệt đẹp vẽ trên hư không, hoặc giả sử có người dùng ngón tay nâng núi Du-di to lớn kia, những việc như vậy cũng có thể làm được. Lại giả sử có người lội qua đại dương để đến bờ bên kia, việc này cũng có thể làm được. Giả sử có người khi đại phong thần nổi gió từ bốn phương lại, bỗng nhiên bắt trói được, việc này cũng có thể làm được. Giả sử có người nấm lấy mặt trời, mặt trăng cùng các tinh tú đem để xuống đất, việc này cũng có thể làm được. Giả sử có người khiến tất cả chúng sinh đồng một chí hướng, việc này cũng có thể làm được. Còn như tất cả chúng sinh hợp sức đem người họ Thích thu phục ma quân này dời đi chỗ khác, việc này hoàn toàn không thể được.
Khi ấy Ma vương Ba-tuần dùng kệ bảo trưởng tử Thương chủ:
Ngươi thật oan gia, chẳng phải con
Chẳng nên vác mặt nhìn thấy ta
Tâm ngươi nay đắm Sa-môn nọ
Tốt hơn đến sống với Cù-đàm.
Lúc ấy Ma vương Ba-tuần không nghe lời can gián của trưởng tử Thương Chủ, lại bảo các ái nữ:
-Này các con, cùng nhau lắng nghe lời cha dạy. Các con nên đến bến người họ Thích kia dò xét xem người có tâm tình dục không?
Các con gái của Ma vương vâng lời phụ vương dạy, cùng nhau chậm rãi kéo đến chỗ Bồ-tát. Sau khi chúng đến nơi không cách xa cũng không quá gần Bồ-tát, giở các trò tình tứ của phụ nữ để mê hoặc Bồ-tát như là che đầu, để lộ đầu, che nửa mặt, để lộ diện, mỉm cười để lộ hàm răng trắng, luôn luôn đưa cặp mắt xanh liếc nhìn Bồ- tát, hoặc cúi đầu đảnh lễ Bồ-tát, hoặc ngước đầu nhìn Bồ-tát, hoặc cúi đầu che mặt nhìn xuống đất, hoặc động nhẹ đôi mày, hoặc mở mất hé nhìn, hoặc xõa búi tóc dùng tay vuốt tóc, hoặc khoanh hai tay, hoặc giơ hai tay để lộ dưới nách, hoặc dùng tay nâng niu nhũ hoa, hoặc để lộ ngực và lưng đến ức bụng, hoặc vỗ nhẹ trên rốn, hoặc thỉnh thoảng cởi xiêm y, hoặc mặc lại y phục, hoặc thỉnh thoảng vén đồ lót để lộ mông đùi, hoặc cởi chuỗi anh lạc vứt trên đất, hoặc cởi bỏ hoa tai, hoặc đeo lại hoa tai, hoặc đùa bỡn với trẻ con, hoặc chơi với loài cầm điểu, hoặc đi bộ đưa mắt liếc nhìn hai bên, hoặc hít mạnh vào và thở dài ra, hoặc dùng ngón chân vẽ trên mặt đất, ca hoặc múa, hoặc lắc động nơi thắt lưng, hoặc tỏ vẻ khoan khoái, hoặc nhớ lại việc ân ái vui cười lúc trước, bằng cách nằm ngủ với dáng phóng dật, hoặc hiện thân đồng nữ, hoặc hiện thân con gái mới về nhà chồng, hoặc phụ nữ trung niên...
Sau khi giở đủ trò tình tứ của phụ nữ để mê hoặc Bồ-tát như vậy rồi, chúng lại đem đủ thứ hoa hương rải trên mình Bồ-tát. Lại dùng đủ việc của năm dục mời mọc, nhìn vào mặt, chúng xem Bồ-tát có trạng thái tâm ái dục phóng dật không, xem Bồ-tát có tâm ái dục nhìn chúng, hoặc không tâm ái dục nhìn chúng?
Các cô con gái của Ma vương thấy rõ tâm của Bồ-tát vắng lặng, an định, xưa nay thanh tịnh, không cấu trược, đầy đủ thanh tịnh, giống như trăng rằm ra khỏi bàn tay La-hầu A-tu-la vương, trong sáng không gợn mây. Như ánh sáng mặt trời vừa mới mọc, như thỏi vàng ròng tinh chất không chút quặng, như hoa sen ngoi ra từ hồ nước mà không chút bùn hôi. Như ánh lửá, như núi Tu-di an nhiên không động, như núi Thiết vi cao sừng sững, Ngài hộ trì hoàn toàn các căn, điều phục tâm ý. Thấy Bồ-tát như vậy, chúng đều hổ thẹn, nhục nhã.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Cảm tạ xứ Đức

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.247.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập