Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 31: MA VƯƠNG KHỦNG BỐ BỒ-TÁT
(Phần 2)
Bấy giờ bọn ma nữ biết rành cách lợi dụng sắc đẹp hấp dẫn của người phụ nữ nên dùng các phương pháp dối trá mê hoặc khác để lung lạc tâm ý Bồ-tát, nói kệ:
Bầu trời tươi đẹp độ xuân sang
Ngàn cây kết quả, hoa đua nở
Thắng cảnh như đây thật hữu tình
Nhân giả khỏe mạnh, thân tuấn tú
Đang độ thanh xuân lòng háo hức
Chính lúc trượng phu hành khoái lạc
Muốn cầu Bồ-đề thật khó thành
Ngài hãy về đời hưởng khoái lạc.
Hãy xem tiên nữ bọn chúng em
Dung nhan kiều diễm thân mềm mại
Trang sức xinh đẹp nhiều anh lạc
Mấy ai gặp được thân thể ấy
Ngài đã được rồi sao chẳng màng?
Thân em thơm sạch tợ hoa sen
Là người phước đức trong trần thế
Cớ gì bỏ đi không dùng đến?
Đầu em tóc mượt xanh ánh biếc
Thường ướp mùi hương các nước hoa
Ngọc quý ma-ni cài búi tóc
Tạo hoa ngọc báu đính trên đầu.
Chúng em trán rộng, cổ tròn đầy
Mày ngà, mắt phụng, mi cong dài
Đẹp sạch như cánh hoa sen xanh
Mũi đẹp đều như chim Anh võ.
Miệng môi tươi thắm đỏ như son
Hoặc đỏ như quả Tần-ba-la
Hoặc như san hô cùng phấn sáp
Răng sạch trắng trong như bạch ngọc.
Lưỡi mỏng, mềm giống cánh hoa sen
Giọng ca ngâm vịnh rất ngọt ngào
Nào khác tiếng nữ Khẩn-đà-la.
Đôi vú xinh xắn đẹp tuyệt vời
Tròn trịa giống như đôi thạch lựu,
Thắt lưng thon nhỏ như eo cung
Sống lưng bằng phẳng lại mịn màng
Giống như đảnh trán loài voi chúa.
Đôi đùi trắng nhãn, to, thẳng, đẹp
Hình dáng giống như chiếc vòi voi
Cặp giò thon nhỏ, thẳng lại tròn
Đẹp sạch giống như chân nai chúa
Dưới bàn đầy đặn chẳng lệch sâu
Trắng hồng tươi thắm như sen nở.
Thân thể chúng em thật yêu kiều
Hình dung như vậy rất xinh đẹp
Nghệ thuật tài năng đều hoàn bị
Nói năng giọng điệu thật dễ nghe
Lại tài múa hát vui lòng chúng.
Chư Thiên thấy em đều hoan hỷ
Họ đều ao ước sinh ái dục
Chúng em chẳng phải chẳng yêu Ngài
Ngài đã gặp em sao không muốn?
Như người thấy được kho vàng quý
Buông bỏ, lánh xa, đi nơi khác
Không biết của cải là nhân vui
Tâm ý của Ngài chẳng khác nào.
Không biết khoái lạc của ngũ dục
Lặng yên thiền định chẳng chịu ta
Hay là Ngài thật ngu si quá
Tại sao chẳng hưởng lạc thế gian?
Đường đến Niết-bàn xa vời lắm.
Lúc bấy giờ Bồ-tát vận dụng tâm lực nhìn thẳng vào đám ma nữ, mắt không rời, chánh niệm mỉm cười giữ vững các căn ổn định, thân thể ngay ngắn, an trụ như núi Tu-di, tâm ý không xao động, không hổ thẹn. Ngoài ra, bằng bao nhiêu pháp môn phương tiện trí tuệ như thuở xưa mà Ngài đã từng nhiếp phục tất cả phiền não, Ngài dùng kệ với giọng nói đầy lòng thương xót, hơn tiếng Phạm thiên, như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, bảo đám ma nữ:
Các thứ ngũ dục nơi thế gian
Khổ não ràng buộc nhiều tội lỗi
Do vì phiền não mất thần thông
Sa hố Vô minh, vào hắc ám.
Chúng sinh mải mê không biết chán
Ta bỏ phiền não đã từ lâu
Như hầm lửa đỏ, nhiều độc dược
Từ xưa đến nay, sớm xa lìa
Đã uống nước cam lộ trí tuệ
Tự giác xong rồi lại độ người
Sẽ thuyết pháp môn rất vi diệu
Nếu nay thọ dụng uế dục này
Chắc chắn hoàn toàn không đắc đạo.
Nếu ai tăng trưởng tâm tham dục
Thì gọi người này quá ngu si
Tự lợi cho mình không tự có
Huống chi lợi ích cho chúng sinh
Do đó, Ta không còn đam mê.
Năm dục thế gian đốt chúng sinh
Giống như kiếp hỏa thiêu vạn vật
Ngũ dục như bọt, bong bóng nước
Giống như sóng nắng không chân thật
Giả dối lừa gạt kẻ phàm phu.
Kẻ trí nào ai vui ngũ dục
Giống như đám trẻ quá dại khờ
Thích thú vui chơi trong phẩn uế
Gạt gẫm người ngu không trí tuệ.
Thấy người trang điểm chuỗi anh lạc
Thấy vậy rồi sinh tâm tưởng dục
Nguồn gốc đầu tóc từ não sinh
Nhơ nhớp hôi tanh hơn mụt nhọt,
Răng trắng sinh ra nhờ ăn uống
Miệng môi, tai mắt cùng lỗ mũi
Tất cả như bong bóng nước trôi.
Hai mông, thắt lưng và cột sống
Là nơi bất tịnh từ máu sinh
Bụng dạ là đãy chứa phẩn tiểu
Trong đó chứa đầy đồ nhơ nhớp.
Nghiệp ấy là từ ái dục sinh
Như dùng bánh xe làm thuyền tán
Ngu si thọ dục cũng như vậy
Nếu có những người là bậc trí
Đều biết những tai ương như vậy
Thì họ chẳng hưởng thứ vui này.
Ngày đêm thân thể máu lưu hành
Mắt thấy chỗ thối, tâm chẳng vui
Hai đùi, hai giò, hai bàn chân
Gân xương buộc nhau nên đứng vững.
Ta xem các ngươi nay như vầy:
Như tuồng huyễn hóa, như giấc mộng
Tất cả đều clo nhân duyên sinh.
Ngũ dục không có tánh chân thật
Ngũ dục đánh mất các Thánh đạo
Ngũ dục dẫn người vào ác đạo
Ngũ dục cũng như hầm lửa lớn
Cũng như chất độc đầy trong bát
Như đầu rắn dữ chẳng nên rờ
Ngu si với dục, bị mê hoặc.
Cố tưởng thanh tịnh sinh tâm tham
Ngũ dục như dùng người làm thuê
Cùng các phụ nữ làm tay sai
Xa lìa tịnh giới và tâm đạo
Cũng lìa trí tuệ thiền tịch định
Sống nơi hỗn loạn chốn ồn ào
Xa lìa diệu pháp, vui ngũ dục
Người ấy đọa địa ngục, không nghi.
Ta thấy chúng ma đều huyễn hoặc
Do vậy tâm ta không ưa thích
Ta cầu tự tại vui rốt ráo
Lại dạy chúng sinh cũng như vậy.
Ta đã giải thoát cảnh thế gian
Như gió trên không, chẳng bị buộc
Giả sử chúng sinh thế gian này
Tất cả đều thành chúng ma nữ
Tâm Ta hoàn toàn không nghĩ đến
Cùng ngươi thọ dục, dù một niệm.
Từ lâu ta trừ sân, nhuế, hận
Ngu si, tham dục thảy đều không
Chư Phật Thế Tôn bậc Đại trí
Tâm không ngăn ngại như hư không.
Bấy giờ các con gái của Ma vương Ba-tuần thông thạo các pháp huyễn hoặc của người phụ nữ, lại làm duyên dáng tăng thêm vẻ yêu kiều, dung nhan thật lộng lẫy, cũng dùng lời nói mỹ miều xảo quyệt đến quyến rũ Bồ-tát.
Có kệ:
Ma vương Ba-tuần có ba nàng
Khả ái, khả hỷ và hỷ kiến
Tôn quý nhất trong các ma nữ.
Ma vương dạy chúng khéo điểm tô
Mau mau đi đến nơi Bồ-tát
Hiện trò huyễn hoặc làm duyên dáng
Múa thân yểu điệu tợ cành cây
Uốn mình uyển chuyển theo chiều gió
Đứng trước đều hướng về Bồ-tát
Ca múa, xướng hát như thế này:
Ngài là Thích tử sắp làm vua
Tại sao lại ngồi dưới cội này?
Đầu xuân thời tiết thật đẹp trời
Nam nữ gặp nhau lòng hớn hở
Giống như đàn chim tự vui vầy
Dục tâm phát khởi khó ngăn chặn
Đến lúc cùng nhau nên hưởng lạc
Tại sao quyết chí chẳng nhìn em?
Chúng em nay đã đến nơi đây
Cần nên cùng làm thỏa thích ý.
Bồ-tát giống như vầng nhật hiện
Ức kiếp tu hành chứa công đức
Tâm ngài không động, như Tu-di
Giọng Ngài thanh thoát, vang như sấm
Chậm rãi bước đi như sư tử
Lời nói ích lợi lắm thành công:
“Chúng sinh thế gian không lường được
Thường bị các dục gây đấu tranh
Đấu tranh đưa đến những tranh cãi
Những người vô trí như thế ấy,
Thường bị các khổ phiền não đốt.
Người trí biết rồi không tùy thuận
Vứt bỏ, xa lìa nên xuất gia
Sống nơi rừng núi lấy làm vui.
Với ta, hôm nay thời đã đến
Sắp chứng pháp cam lộ thường trụ
Trước phải thu phục chúng ma quân
Sau mới chứng thành Bậc mười lực.”
Các nữ ma, con gái Ma Ba-tuần lại bạch Bồ-tát như thế này:
Mặt mày nhân giả như hoa đẹp
Xin nghe những lời chúng tôi nói:
Hãy ở thế gian thọ Vương vị
Tôn quý, quyền lực rất tột bực
Hoặc nằm, hoặc ngồi hay đi đứng
Âm thanh tuyệt diệu thường liên tục.
Bồ-đề cực quả rất khó thành
Huống lại chư Phật thân trí tuệ
Đường chánh giải thoát khó tiến hành
Nhân giả thấy ai đi đến được?
Khi ấy Bồ-tát lại đáp:
Ta đang quyết định thành Pháp vương
Làm Bậc tự tại trong trời người
Chuyển bánh xe pháp vô thượng diệu
Đầy đủ mười lực không sợ sệt
Riêng Ta siêu tuyệt trong tam giới
Các hàng đệ tử học, vô học
Số ngàn vạn ức xung quanh Ta.
Họ thường ca ngợi như thế này:
Đại thánh ra đời trừ nghi hoặc
Ta sẽ vì họ tuyên diệu pháp
Tùy ý du hành khắp mọi nơi
Do vậy, Ta giữa thế gian này
Chẳng thích vui chơi năm dục lạc.
Ma nữ lại bạch Bồ-tát:
Nay tuổi thiếu niên thật đáng tiếc
Già nua suy yếu chưa xuất hiện
Tràn đầy sức lực mặc tứ tình
Đến khi gầy ốm không kham nổi
Mới nên rời bỏ thân tuấn tú.
Chúng em như hoa tuổi mười lăm
Chính cùng Nhân giả kết lương bằng
Ngũ dục vui chơi rất đẹp duyên
Cớ gì chán ghét em như vậy?
Nếu nay Nhân giả chẳng thuận tình
Chúng em trọn đời theo đuổi mãi.
Bồ-tất lại bảo chúng:
Ngày nay đã được thân thể người
Nỗ lực xa lìa các tai nạn
Cần cầu vào được cửa cam lộ
Khi lìa khổ ách ở thế gian
Mới rời các nạn nơi trời, người.
Và nay già, bệnh chết chưa đến
Các đấu tranh ác lại chẳng sinh
Chúng ta cấp tốc phải lên đường
Sớm lìa các chỗ nạn như vậy.
Nơi thường trụ, lặng yên không sợ
Đó là chân thật thành Niết-bàn.
Lúc bấy giờ ma nữ nói kệ:
Nhân giả trong trời như Đế Thích
Chư Thiên, ngọc nữ hộ hai bên
Diệm-ma, Đâu-suất và Hóa lạc
Tha hóa tự tại cùng cung ma
Tốt đẹp đầy đủ chẳng thiếu chi
Nên hưởng ngũ dục, chớ tịch diệt.
Lúc bấy giờ Bồ-tát dùng kệ đáp:
Ngũ dục như sương, chẳng bao lâu
Như mây mưa mùa thu, giây lát
Các cô đáng sợ, như rắn dữ
Đế Thích, Dạ-ma và Đâu-suất
Đều thuộc ma vương, không tự tại.
Ai dục trăm oán, tại sao tham?
Bấy giờ ma nữ lại nói kệ:
Ngài sao chẳng thấy hoa cây cối
Ong, bướm, tiếng chim đồng hòa tấu
Cỏ xanh mềm mại trải một vùng
Các rừng tốt đẹp cùng xuất hiện
Nhạc công cõi trời trổi âm thanh
Đang là thời đẹp, nên hưởng lạc.
Lúc bấy giờ Bồ-tát dùng kệ nói:
Ngàn cây tùy thời sinh hoa quả
Chim, ong đói khát tìm hương vị
Khi nắng bừng lên, đất tự khô
Cam lộ chư Phật không thể cạn.
Lúc bấy giờ ma nữ lại nói kệ:
Sắc diện Nhân giả như trăng hiện
Nhìn dung mạo em tợ hoa sen
Miệng răng trong sạch, trắng như ngà
Mỹ nhân như vậy trời cũng hiếm.
Huống lại nhân gian Ngài gặp được
Thân tâm hòa thuận theo ý Ngài.
Bấy gỉờ Bồ-tát dùng kệ đáp:
Ta xem thân ngươi chảy bất tịnh
Vi trùng tụ tập ngàn vạn ổ
Không bền, các ác đầy khắp thân
Sinh, già, bệnh, chết luôn theo đuổi.
Ta cầu Tối thượng nhất thế gian
Đường Bậc trí, chân chính không lùi
Ngươi dùng đủ sáu mươi bốn cách
Tay rung anh lạc, lắc vòng tai
Bị tên dục bắn, Ta mỉm cười.
Nên hỏi: Sao Ngài chẳng điên đảo?
Kẻ khác bị nạn, riêng Đại nhân
Thấy ngũ dục đẹp như độc dược
Như mặt trên dao, làm đứt lưỡi
Dục như đầu rắn, hổ lửa sâu.
Bậc Sư tử đi như vũ bão
Cây cối bờ núi đều đổ nhào
Ta nay oai đức lìa ngũ dục
Xả bỏ các ngươi cũng như vậy.
Các hàng ma nữ diễn trăm trò
Huyễn hoặc Bồ-tát chẳng động tâm
Bồ-tát như thân sư tử chúa
Như núi Tu-di yên không động.
Chúng ma dụ dỗ chẳng thành công
Tâm rất xấu hổ, đều cúi đầu
Cung kính, vui mừng, đồng tán thán.
Mặt ngài đẹp sạch tợ hoa sen
Cũng như đề hồ và trăng thu
Chói sáng rực rỡ như Kim sơn
Cầu cho ước nguyện Ngài thành tựu
Tự độ, độ người ngàn vạn chúng.
Lúc bây giờ lũ con gái của Ma vương Ba-tuần không đủ sức huyễn hoặc Bồ-tát, tâm rất xấu hổ, tự thấy thẹn thùng, đều cúi thân đảnh lễ dưới chân Bồ-tát, nhiễu quanh ba vòng rồi thoái lui, thất thểu đi về bên Ma vương Ba-tuần. Đến nơi, chúng bạch phụ vương:
-Thưa phụ vương, chẳng nên có ý nghĩ đến nơi chúng sinh đó gây oán thù. Vì sao? Vì từ xưa đến nay chưa từng thấy một chúng sinh nào ở trong Dục giới bị chúng con bày đủ trò tình tứ mê hoặc bên họ mà họ không chút động tâm như vậy. Lại nữa, khi chúng con khêu gợi dâm dục thì làm cho ý chí của người khác đều khô cạn, giống như khi trời hạn, tất cả cây cỏ đều bị cháy rụi, giống như bơ để dưới ánh nắng trời mùa xuân đều tự chảy ra nước. Ngày nay bậc Trượng phu này vì nhân duyên gì vẫn độc lập như vậy? Vì lý do đó, xin phụ vương chớ nên gây oán thù với vị ấy.
Rồi hướng về phụ vương, chúng nói kệ:
Thân Ngài vàng hơn hoa Chiêm-bặc
Vô biên công đức danh đồn khắp
Không động, giống như núi Tu-di
Đảnh lễ Ngài rồi, giờ trở về.
Con xin trình rõ đủ mọi điều
Mắt ngài xanh biếc tợ hoa sen
Mỉm cười nhìn con, tâm không động
Diện mạo trong sạch, nhìn không nháy
Không sân, không giận, không dục nhiễm
Xem lũ chúng con như huyễn hóa.
Giả sử Tu-di ngã đổ nhào
Nhật nguyệt tinh tú đều rơi rụng
Biển lớn cạn sạch, nước không còn
Ngài thấy ái dục, tâm chẳng thoái.
Giọng Ngài thanh thót, nghe hoan hỷ
Tâm từ nhìn con, không dục nhiễm
Thấy con không sinh tâm sân hận
Tư duy sáng suốt về thân người
Quán biết ý con và thân thể
Tư duy tỉ mỉ nạn nữ nhi
Do vậy, tâm không hưởng ngũ dục
Lìa dục không tham, nào ai biết
Chẳng phải trình độ của người, trời.
Chúng con bày trò của phụ nữ
Tâm Ngài nếu còn có dục ái .
Thì tâm ý cháy như củi khô.
Tuy Ngài thấy con, tâm không nhiễm
Đứng yên sừng sững tợ Tu-di
Phước trí trang nghiêm trăm công đức
Bố thí, trì giới, hạnh viên toàn .
Từ hàng vạn kiếp tu phạm hạnh
Là Bậc thanh tịnh oai đức lớn.
Chúng con đảnh lễ Kim thân Ngài
Ma ta bị bại hẳn không nghi.
Chánh giác Bồ-đề, Ngài phải chứng
Chúng ta chẳng nên gieo oán nghiệp
Trận này ta đánh thật khó thắng
Muốn Ngài hàng phục cũng gian nan.
Phụ vương hãy xem trên không trung
Nhiều chúng Bồ-tát phương khác đến
Thân đều trang nghiêm bằng anh lạc
Trân trọng, cung kính lễ Ngài ấy
Hoa Mạn-đà-la rơi như mưa
Nói kệ vi diệu tán thán Ngài.
Chư Phật mười phương cho sứ đến
Mang theo nhiều thực phẩm cam lộ
Các loài hàm thức đều kéo đến
Vô tình các núi cùng cây cối
Thần núi Tu-di cùng Đế Thích
Đảnh lễ hướng về rừng Công đức.
Như vậy phụ vương, chẳng phải lúc
Chúng con cần phải trở về đây.
Lúc ấy Ma vương liền nói kệ:
Qua sông phải qua đến bờ sông
Muốn đào lấy cây phải chặt rễ
Đã kết oán phải trừ tận gốc
Việc đã làm rồi, không thể hối.
Khi ấy Ma vương Ba-tuần không nghe lời khuyên của trưởng tử Thương Chủ, lại cũng không nghe lời can gián của các ái nữ, liền đích thân đến cây Bồ-đề. Khi đến bên cây Bồ-đề rồi, Ma vương liền nói vđi Bồ-tát:
-Này Sa-môn họ Thích, vì cầu gì mà đến đây, ngồi một mình dưới rừng cây trong đêm mây mù, mưa gió tối tăm, đầy các loài thú hoang dữ và nhiều loài rồng độc ác đáng kinh sợ? Này Tỳ-kheo, người không sợ những tên giặc cướp tàn bạo hay sao?
Khi ấy Bồ-tát đáp lời Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, Ta muốn cầu quả Niết-bàn tịch diệt, là việc làm của chư Phật trong đời quá khứ là chỗ tối thượng vô úy, dứt sạch các hữu. Vì lý do đó, hôm nay Ta đến an tọa dưới cội Bồ-đề, trong cảnh thanh vắng này.
Lúc ấy Ma vương liền dùng kệ nói Bồ-tát:
Sa-môn một mình nơi vắng lặng
Khổ hạnh mong cầu điều rất khó
Tiên nhân tuổi già đầy phương tiện
Còn mất thiền định đều thoái lui
Huổng chi ngươi sung sức cường tráng
Cầu quả thắng diệu do đâu được?
Khi ấy, Bồ-tát dùng kệ bảo Ma vương Ba-tuần:
Chư Thiên thuở xưa tu khổ hạnh
Tinh tấn dũng mãnh chưa sâu xa
Phước báo thiện lực sức không mạnh
Ta xưa giữ giới thệ kiên cố
Ba-tuần, nếu Ta không chứng đạo
Trọn đời chẳng bỏ cội cây này.
Khi ấy Ma vương lại nói kệ:
Ta, đấng tối tôn trong Dục giới
Đế Thích, Hộ Thế đều do ta
Tu-la, Long vương, Khẩn-na-la
A-tỳ đến nay đều dân ta
Người cũng đang ở trong nước ta
Tự nghĩ nên sớm rời cây này.
Khi ấy Bồ-tát lại dùng kệ bảo Ma vương Ba-tuần:
Ngươi ở Dục giới tuy quyền lực
Nhưng không tự tại trong pháp giới
Chỉ biết địa ngục cùng ngạ quỷ
Nhưng Ta chẳng phải người ba cõi
Chứng đạo quyết phá cung ma ngươi
Khiến ông về sau mất quyền lực.
Khi ấy Ma vương Ba-tuần lại nói với Bồ-tát:
-Này Thích tử, người nên sớm rời khỏi nơi đây, nhất định sẽ được ngôi Chuyển luân thánh vương, làm vị đại địa chủ cai trị bốn châu thiên hạ đầy đủ bảy báu, thống lãnh tất cả sơn hà đại địa.
Này Thích tử, người lẽ nào chẳng nhớ những lời dự đoán “là ngươi sẽ làm vua.” của các vị Tiên nhân thuở trước như vậy sao? Người nên mau đứng dậy về làm chủ cõi đời một cách tự do. Nếu, người trở về sẽ được oai đức tối thượng không ai sánh bằng, trú trong chánh pháp cai trị giáo hóa dân chúng, được dân chúng tất cả nước đồng khát ngưỡng, đến cung kính cúng dường. Lại nữa Thích tử, thân ngươi mềm yếu, từ nhỏ đến lớn được nuôi dưỡng trong thâm cung, nay sống ở trong rừng hoang vắng, ít người lui tới, nhiều loài mãnh thú đáng sợ, sống đơn độc không bè bạn, e thân người bị tổn hại, làm cho ta mãi ưu sầu.
Lại nữa Thích tử, người sớm rời khỏi chỗ này trở về hoàng, cung. Những điều thế gian khó có được mà người đã được, ngũ dục tuyệt vời đẹp mắt vừa ý mà người từ khước không thọ hưởng. Người tuy muốn cầu đạo Vô thượng nhưng điều này thật khó được.
Này Thích tử, người chưa thật biết đạo Bồ-đề rất khó chứng được, chỉ uổng công mệt sức mà thôi.
Ba-tuần nói như vậy rồi, đứng yên lặng. Khi ấy Bồ-tát bảo Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, ngươi chẳng cần nói như vậy. Vì lý do gì? Vì tâm Ta không thích thú vui ngũ dục. Này Ma vương Ba-tuần, Ta từ lâu đã biết hiểm họa của ngũ dục, một khi đam mê ngũ dục rồi thì không bao giờ biết đủ. Thú vui ngũ dục chỉ trong chóc lát, không được lâu dài, vì vô thường, khổ, không, vô ngã nên không chắc chắn, giống như hạt sương trên cỏ, như đầu lưỡi rắn độc đáng sợ khó đụng vào, như đống xương hôi thối chẳng sạch, giống như khúc thịt các loài thú cùng tham ăn tương tranh tương sát, giống như quả chín muồi trên cây, ở cành chẳng được bao lâu, như chiêm bao, như bọt nước, như trò ảo thuật, như sóng nắng không có chân thật, như lửa vùi trong đống phân dê, thình lình đốt cháy người. Này Ma vương Ba-tuần, Ta muôn chứng pháp vô vi. Này Ba-tuần, ngươi phải biết, Ta đã xả bỏ cảnh giàu sang phú quý và cho đến bảy báu trong bốn châu thiên hạ.
Lại nữa, Ma vương Ba-tuần, ví như có người dùng cao lương mỹ vị rồi lại mửa ra, sau đó muốn ăn trở lại, thì không có việc như vậy. Đúng như vậy! Như vậy! Ta nay đã xả bỏ các phước báo như trên, đây là việc hết sức khó làm, giống như người mửa đồ đã ăn, không thể ăn trở lại. Ta đâu có thể trở về hoàng cung! Này Ma vương Ba-tuần, Ta chẳng bao lâu nữa chắc chắn tỏ ngộ Bồ-đề, chứng thành Phật quả, dứt sạch các khổ sinh, già, bệnh, chết. Này Ba-tuần, ngươi nên trở về cung điện của ngươi, không nên đứng đây! Ông nói lắm lời phù phiếm, lời nói không lợi ích, là lời nói của kẻ ngu si.
Khi ấy Ba-tuần lại suy nghĩ: “Người này không thể dùng ngũ dục dối gạt, ta nên dùng các sách lược khác, đem lời hoa mỹ cám dỗ lòng người, khiến bỏ đi nơi khác.”
Khi đó Ma vương Ba-tuần suy nghĩ như vậy xong, lại thưa Bồ-tát:
-Nhân giả, Sa-môn Thích tử dòng Cam Giá mau đứng dậy! Mau đứng dậy! Nhân giả từ ấu thời đến nay chưa từng thấy chiến đấu, đao binh tranh nhau, thật đấng khủng khiếp. Nhân giả chỉ làm theo vương pháp của mình, trận chiến đôi địch không phải là việc nhân giả có thể chịu được. Lại Nhân giả chẳng nên cùng kẻ khác gây oán thù. Nếu gây oán thù thì các thứ tham dục, ngu si triền miên làm uế trược tâm thức, không thể thoát các ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhân giả mau mau đem tấm thân với tâm bất thiện, bất chánh kiến này trở về. Này Sa-môn Thích tử, Ngài về hoàng cung lập hội Vô giá, thọ ngôi Kim luân thánh vương, dùng pháp vua hàng phục thế gian, cai trị thiên hạ, chẳng nên luyến tiếc nơi đây mà bị thương tổn vì chiến đấu.
Này Nhân giả, khi Ngài trở về cung của mình, thì sẽ được phước đức, oai thế lớn, trên con đường vương vị chánh đáng, đáng hân hoan mà thuở xưa các vị vua đều khen ngợi. Quốc gia Ngài ở rộng rãi, thống lãnh bốn châu thiên hạ, tất cả đều được đầy đủ không thiếu một vật gì.
Nhân giả đã hạ sinh trong thâm cung của một Đại vương, ngày nay lại cạo bỏ râu tóc làm Tỳ-kheo, thật không thích hợp đời sống khất sĩ. Tại sao Nhân giả con dòng họ Thích, thuộc giai cấp vua chúa, lại chọn lấy đời sống bần cùng của Sa-môn? Tôi thương xót Ngài cho nên mới nói ra những lời như vậy, cũng chẳng phải tôi dùng sức mạnh buộc nhân giả rời khỏi đây, chỉ vì ý tôi không nỡ thấy nhân giả làm những điều không tốt đẹp.
Rồi ma nói kệ:
Này người Sát-lợi, chết đáng sợ
Nên bỏ giải thoát về hoàng cung
Lập pháp cung tên trị thế gian
Đời nay khoái lạc, sau lên trời
Con đường vua chúa danh đồn khắp
Thuở trước các vua đồng tiến bước
Nhân giả đã sinh trong dòng vua
Không hợp Sa-môn sống khất thực.
Khi Ma vương Ba-tuần nói như vậy rồi, Bồ-tát nhìn chăm chú, xác định không theo, không động thân, không rời chỗ ngồi, trong tâm thầm nghĩ: “Ôi thôi! Ba-tuần, ngươi mưu cầu tự lợi chẳng phải vì thương Ta.” Nghĩ như vậy rồi, Bồ-tát nói với Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, Ta đã ngồi trên tòa Kim cang kiên cố, ngồi kiết già rồi, rất khó phá hoại, vì Ta muốn chứng pháp cam lộ. Này Ma vương Ba-tuần, theo ý nghĩ của ông, tùy ý làm, có thể làm được, tùy ý thực hiện.
Khi ấy Ba-tuần nổi sân, bực tức nói với Bồ-tát:
-Này Tỳ-kheo họ Thích, ngày nay vì cớ gì ngồi dưới gốc cây nơi thanh vắng. Với tiếng rống la của ma quân như vậy, ý ngươi nghĩ gì mà cứ ngồi yên? Hay cho rằng như ngồi trong thành, được bảo vệ vững chắc bởi bốn bức tường chung quanh. Này Tỳ-kheo, lẽ nào không thấy ta thống lãnh bốn binh chủng: tượng, mã, xa, bộ cùng các binh chủng khác, đồng thời cờ phướn, cờ lệnh, cờ lông, lọng lông, cờ xí...kéo đến đây? Có nhiều quỷ Dạ-xoa đều ăn thịt người, bắn tên giỏi như thần, đều cầm cung nỏ hoặc cầm tên nhọn, giáo mâu, câu liêm, mác, dao, gậy, bánh xe chiến đấu bằng kim cương, búa... đủ các loại binh khí. Xe thì có hàng vạn voi, lạc đà, ngựa đầy khắp hư không, đồng cất tiếng rống vang. Ngoài ra, còn có vô lượng các loài rồng đều ẩn trong những tảng mây đen kịt, điện chớp lòe lẹt, lẫn trong trận mưa tuyết cuồng loạn.
Bấy giờ Ma vương Ba-tuần rút một thanh kiếm nhọn ở nơi thắt-lưng, cầm nơi tay, vội vã chạy về phía Bồ-tát, miệng xướng to:
-Này gã Tỳ-kheo họ Thích, thanh kiếm này của ta chặt đứt thân thể ngươi, giống như lực sĩ chẻ tre.
Rồi nói kệ:
Bảo kiếm của ta thật cứng bén
Đang cầm nơi tay, người xem rõ
Sa-môn, nếu người không chạy gấp
Sẽ chém thân ngươi như chẻ tre.
Khi ấy Bồ-tát nói kệ đáp Ma vương:
Dù cả Ma vương chật đất này
Tay đều cầm dao như Tu-di
Các ngươi chẳng động một lông
Ta Thân Ta làm sao ngươi chặt đứt?
Ma vương, nếu ngươi có sức mạnh
Ta nay sắp chứng quả Bồ-đề
Như ngươi ngăn cản, Ta không thuận
Hãy mau ra tay, tùy ý ngươi.
Khi Bồ-tát nói kệ này rồi, lại bảo Ma vương:
-Này Ma vương Ba-tuần, giá sử cả ngàn vạn ức chúng sinh đều có thân hình như ông, dốc toàn sức lực đến đây làm trở ngại, mong làm tổn hại đạo quả Bồ-đề của Ta, để Ta không chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ta quyết không rời khỏi nơi đây để ngồi dưới những gốc cây khác.
Ma vương Ba-tuần nói với Bồ-tát:
-Này Tỳ-kheo họ Thích, người thuở trước ngồi bên bờ sông Ni- liên-thiền, thuộc xứ Ưu-lâu-tần-loa phát tâm tinh tấn, sáu năm khổ hạnh không tiếc thân mạng vẫn không chứng được quả Vô thượng. Huống chi ngày nay đã bỏ tâm tinh tấn, thoái thất thiền định, sinh tâm giải đãi, nương vào đâu mà ngươi mong đắc quả?
Bồ-tát đáp lời Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, thuở xưa vì Ta mới phát tâm tinh tấn nên ngồi nơi vắng lặng bên bờ sông kia để điều phục tự tâm. Ngày nay sự tinh tân dũng mãnh đó Ta đã thành tựu. Lại thuở trước, Ta tu khổ hạnh sáu năm là để đối trị sự mỏi mệt, ngày nay không còn như vậy nữa. Này Ma vương Ba-tuần, những lời can gián của ông như vậy thật chẳng phải là lòng thương xót. Nếu có lòng thương xót Ta thì đâu có nói lời như vậy. Ông đã sinh tâm như vậy, Ta nhât định sẽ được giải thoát, rồi làm kẻ khác cũng giải thoát như Ta. Này Ma vương Ba tuần, Ta quyết định chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, quyết định sẽ được giải thoát vi diệu.
Khi ấy Ba-tuần nghe Bồ-tát nói những lời như vậy, tâm rất ưu sầu nên bỏ tất cả sức cố gắng, lại nghĩ: “Ta đã dùng lời hoa mỹ cám dỗ nhưng không thể khiến người rời khỏi gốc Đạo thọ. Người đã phát lời thệ nguyện sâu nặng, không thể dùng lời tình cảm mà lay động được, vậy nên dùng sức chiến đấu khủng bố, quở trách, bắt ép để giải quyết, khiến người tâm sinh kinh sợ mà vội vã đứng dậy bỏ đi.”
Ma Ba-tuần nghĩ như vậy rồi, nói với Bồ-tát:
-Này Tỳ-kheo họ Thích, ta đã dùng lời chân chánh nói với ông, ông không nhận lòng tốt của ta khuyên can như vậy, không đứng dậy gấp đi đến nơi khác. Ông thật là ngu si, đến giờ này ông sẽ thấy rõ những điều không tốt.
Khi ấy Bồ-tát nói với Ma vương Ba-tuần:
-Này Ma vương Ba-tuần, khi Ta còn trong thai Thánh mẫu, các người còn không thể làm chướng ngại Ta, huống chi ngày hôm nay. Này Ma vương Ba-tuần, các ngươi nên mau trở về chỗ ở của các ngươi, từ xưa đến nay Ta đã chưa từng sợ các ngươi, ngày nay cũng không sợ.
Rồi Bồ-tát hướng về Ba-tuần, nói kệ:
Hư không dù mưa đao gậy xuống
Cắt xén thân Ta ra từng mảnh
Nếu Ta không qua biển sinh tử
Trọn đời chẳng rời cội Bồ-đề.
Bấy giờ Ma vương Ba-tuần nói với Bồ-tát:
-Này Tỳ-kheo họ Thích, nay ông nói như vậy là do ông chưa thấy sức mạnh quân ma. Tại vì sao? Vì quân ma của ta mặc chiến giáp kiên cố, cầm đủ thứ loại binh khí lao vào thân ông. Ngay khi ấy, Tỳ-kheo họ Thích tự vội vàng đứng dậy rời khỏi gốc cây này chạy đến bên ta và chắc chắn miệng sẽ nói to lên thế này: “Ma vương, ngài hãy cho ta nương tựa?” Này Tỳ-kheo, người chưa hay biết thần thông của ta, nên ông mới ngồi nơi tòa Sư tử, rống lên tiếng Sư tử. Này Tỳ-kheo họ Thích, hãy mau đứng dậy, cần gì ngày nay phải rống lên tiếng Sư tử một cách uổng phí.
Ma vương nói kệ:
Ta có binh chủng voi, ngựa, lính
Cùng các thần tướng rành binh pháp
Thân mặc chiến bào, tay cầm trượng
Ông còn mạng sống hãy chạy nhanh
Để sau cầu ta, thật khó giúp
Khi ta muốn cứu, lại chẳng kham.
Bấy giờ Bồ-tát nói với Ma vương Ba-tuần:
-Này Ba-tuần, bốn biển lớn và cõi đại địa này có thể dời đi nơi khác. Mặt trời, mặt trăng cùng tinh tú có thể từ hư không rơi xuống đất. Núi chúa Tu-di có thể bửa ra làm trăm mảnh. Cõi đại địa và núi Tu-di cũng có thể đưa lên trời hay có thể lật úp. Cũng có thể lấy đất khô lấp sông Hằng, ngăn không cho nước chảy. Nhưng tâm Ta ngày nay không ai ngăn cản, chế phục được. Thân Ta không thể dời di nơi khác. Vì sao? Này Ma vương Ba-tuần, như Ta thuở xưa khi tu khổ hạnh, các sức thiền định, giới hạnh, thần lực của Ta là như vậy. Này Ba-tuần, với sức Ta như vậy, dù trời, dù rồng không thể hơn Ta, không thể thắng Ta. Ta nhờ thuở xưa tu hạnh Bồ-đề trong ngàn ức kiếp được thành tựu viên mãn.
Rồi Bồ-tát nói với Ma vương:
Tịnh cư các trời, chúng của Ta
Trí lực làm tên, cung phương tiện
Nay Ta thu phục ngươi chẳng khó
Giống như voi say đạp trúc khô.
Ma Ba-tuần nghe Bồ-tát nói những lời như vậy, tăng thêm tức giận. Vốn đã tức giận lại càng thêm tức giận tràn ngập châu thân, Ma-vương la lớn ra lệnh tất cả Dạ-xoa, La-sát...:
-Này đại tướng giỏi và loạn chúng Xích Nhãn, các khanh mau mau đến đây, đem tất cả núi đá, cây cối cùng các binh khí cung, tên, đao, kiếm, chày Kim cang, gậy, trái đấm, mâu, giáo, mác, rựa... bủa tuôn vào trên đầu tên họ Thích dòng Sát-lợi! Tất cả vũ khí đều phải tuôn xuống như mưa tuyết.
Lúc ấy đại tướng giỏi Dạ-xoa nghe Ba-tuần ra lệnh như vậy liền cho bốn binh chủng chuẩn bị nghiêm chỉnh, thân đều mặc áo giáp, tay cầm các binh khí vội vã kéo đến, vô lượng trăm ngàn vạn ức Dạ-xoa, La-sát, Tỳ-xá-già và Cưu-bàn-trà... đủ các hình dung, đủ các tướng mạo, đủ các nhan sắc, cầm đủ binh khí, biến hiện đáng sợ, đầu mình tướng, la hét khác thường, tiếng đầy ác khí. Đủ các hình như: có kẻ mặt voi, có kẻ đầu ngựa, hoặc đầu lạc đà, đầu bò, đầu trâu, hoặc có người đầu la, đầu chó, hoặc có người đầu dê, đầu ngựa, đầu sư tử, đầu cọp, đầu báo, đầu chó sói, đầu chồn, đầu dã can, đầu mèo, đầu hươu, đầu nai... và các loài mặt chim. Lại có loại đầu Ma-kiệt, rùa, cá. Hoặc có các thân trùng đầu rắn, thân ngựa đầu voi, thân voi đầu ngựa, thân bò đầu lạc đà, thân lạc đà đầu bò, hoặc thân la, thân lừa đầu trâu, hoặc đầu lừa thân trâu, đầu chó thân heo, đầu heo thân chó, hoặc đầu dê đen thân chó sói, hoặc đầu chó sói thân dê đen, hoặc đầu sư tử thân hổ báo, họặc đầu hổ báo thân sư tử, hoặc đầu chồn đầu mèo thân gấu hoặc đầu gấu thân chồn, mèo; hoặc đầu tê giác thân rái, hoặc đầu rái thân tê giác, hoặc đầu mao ngưu thân khỉ, hoặc đầu khỉ thân mao ngưu, hoặc đầu vượn thân dã can, hoặc đầu dã can thân vượn, đầu mèo thân chim, đầu chim thân mèo, hoặc đầu cá Ma-kiệt thân rùa trạnh, hoặc đầu rùa trạnh thân cá Ma-kiệt, hoặc đầu cá thân rắn, đầu rắn thân cá, đầu súc sinh thân người, đầu người thân súc sinh, hoặc có thân mà không có đầu, hoặc có nửa mặt, hoặc có nửa thân, hoặc một thân hai đầu, hoặc một thân ba đầu, hoặc một thân có nhiều đầu, hoặc có đầu mà không có mặt, hoặc có mặt mà không đầu, hoặc có nửa đầu mà không có mặt, hoặc có nửa mặt mà không có đầu, hoặc có hai đầu mà không mặt, hoặc lại không mặt mà có ba đầu, hoặc lại có nhiều đầu mà hoàn toàn không mặt.
Hoặc hoàn toàn không mắt, hoặc có một mắt, hai mắt, ba mắt cho đến nhiều mắt. Hoặc không tai, hoặc có một tai, hai tai, ba tai cho đến nhiều tai. Hoặc không bàn tay, hoặc không cánh tay, hoặc có một bàn tay, hai bàn tay, ba bàn tay, cho đến nhiều bàn tay. Hoặc không có bàn chân, hoặc chỉ có một bàn chân, hai bàn chân, ba bàn chân, cho đến nhiều bàn chân và không ông chân. Hoặc đầu nghiêng ngã, hoặc đầu lủng lẳng, hoặc đầu quay xuống đất, chổng cẳng lên trời, tay chân đảo lộn, hoặc bị chặt đứt mà còn treo. Hoặc mắt đảo lộn, hoặc mắt lồi ra xanh biếc đáng sợ, hoặc có kẻ mắt đỏ, hoặc mắt sáng như băng, hoặc mắt luôn luôn chuyển động. Hoặc có kẻ tai rủ xuống, hoặc có kẻ tai như sơn dương, hoặc có kẻ tai như tai lừa, hoặc như mộc nhĩ, hoặc như tai khỉ, hoặc như tai cá, hoặc trên một thân có nhiều loại tai. Hoặc có kẻ mũi lệch mà thân thì xấu xí, hoặc có kẻ bị treo miệng hoặc treo lưỡi, hoặc lưỡi thô kệch, hoặc lưỡi phóng quang. Hoặc có kẻ răng hết sức to dài, mà thân thể thì lùn tịt, hoặc có người răng lồi xỉ không đều nhau, hoặc có người răng như đao kiếm, hoặc có người đầu lưỡi như hình đao kiếm. Hoặc có người bị treo bụng hoặc không bụng. Hoặc có người tóc phủ, hoặc có người không đầu gối, hoặc đầu gối như cái bình, hoặc có người không bắp vế, bàn chân như cái bát úp, hoặc như cái cối.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.73.117 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.