Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 35: HAI THƯƠNG GIA CÚNG PHẬT
(Phần 2)
Bấy giờ Đức Thế Tôn từ rừng “Người chăn dê trồng cây” đứng dậy, ung dung đi dần đến một khu rừng phía dưới, tên là Sai-lê-ni-ca (nhà Tùy dịch là rừng Chảy sữa). Đến khu rừng này, Ngài ngồi kiết già trải qua bảy ngày, vì muốn thọ an lạc giải thoát.
Trải qua bảy ngày, Ngài xuất định, chánh niệm chánh tri. Đức Thế Tôn trải qua bảy lần bảy ngày như vậy là do có sức thiền định an trụ liên tục. Được nàng Thiện sinh, con chủ thôn nọ cúng cháo sữa, Ngài chỉ thọ dụng một lần rồi sau đó không ăn gì nữa và sống đến ngày hôm nay.
Thuở ấy, ở phía Bắc xứ Ấn độ có hai thương chủ, một người tên là Đế-lê-phú-sa (Tùy dịch là Hồ Qua). Người thứ hai tên là Bạt-lê-ca (Tùy dịch là Kim Đỉnh). Hai thương chủ này có nhiều trí tuệ, ngay thẳng, chín chắn. Hai người này từ Trung Ấn độ xuất phát, với nhiều hàng hóa, chở đầy năm trăm xe, rất thuận lợi. Khi ấy, hai thương chủ từ Trung Ấn quay trở về Bắc Ấn. Trên con đường trở về phải đi qua khu rừng Sai-lê-ni-ca, cách đó không xa, đoàn lái buôn tuần tự đi tới.
Nhóm thương chủ ấy có một con trâu được huấn luyện đặc biệt, luôn luôn đi trước đoàn xe. Chỗ nào có chướng ngại khủng bố thì con trâu được huấn luyện tốt này, dù có đánh đập, lấy dây cột kéo cũng không chịu đi.
Bấy giờ ở rừng Sai-lê-ni-ca có vị thần giữ rừng. Vị thần này ẩn thân giữ hai con trâu đã được huấn luyện, đứng yên không cho tiến bước. Hai thương chủ đều cầm cọng sen xanh đánh hai con trâu này, nó vẫn không chịu đi. Năm trăm cỗ xe khác đều đứng yên, bánh xe cũng không di chuyển, các dây đai đều tự đứt đoạn, còn bao nhiêu những biến đổi kỳ lạ không tốt như càng, ách, trục, chốt, bầu, tăm, thành, thùng, dây cổ, móc câu, hoặc gãy, hoặc vỡ, hoặc nát, hoặc rách...
Lúc ấy hai thương chủ Đế-lê và Bạt-lê-ca hết sức sợ hãi, vô cùng khổ não, toàn thân dựng chân lông, bàn với nhau:
-Chúng ta đang gặp phải tai họa khác thường và chịu lấy tai ương gì đây!
Hai người rời cách xe vài ba bước, chắp tay trên đầu đảnh lễ tất cả chư Thiên, tất cả thần linh, đứng yên chí tâm khấn vái: “Nguyện xin tất cả những tai ương kỳ lạ khủng bố ngày hôm nay của hai con sớm được tiêu diệt, mau được điều lợi ích an ổn tốt đẹp.” Bấy giờ Thần thủ hộ khu rừng hiện nguyên hình, an ủi hai thương chủ:
-Này các thương chủ, chớ nên sợ hãi, các ông ở đây hoàn toàn không có tai ương hiểm họa. Này các thương chủ, ở đây chỉ có Đức Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mới thành Phật Vô thượng Bồ-đề, đang ở trong rừng này. Từ khi Ngài thành đạo đến nay, trải qua đúng bốn mươi chín ngày chưa từng ăn uống. Này các thương chủ, nếu thấy đúng lúc, hai người nên đi đến chỗ Đức Vô Thượng Chánh Giác, đem bánh bột sữa mật đến cúng dường trước tiên. Các ông sẽ được an lạc, nhiều sự lợi ích lớn mãi mãi.
Hai thương chủ nghe lời Thần hộ rừng nói như vậy, bạch:
-Như lời Thần dạy, chúng con xin làm theo.
Hai thương chủ mỗi người đem bánh bột sữa mật cùng một số thương nhân đồng đi đến chỗ Đức Phật. Khi gần đến nơi, hai thương chủ từ xa trông thấy Đức Phật dung nghi đoan chánh khả ái, trong thế gian không ai sánh bằng, cũng như các vì sao trên bầu trời, các tướng trang nghiêm trên thân. Thấy rồi đem tâm rất kính trọng, lòng tin thanh tịnh, họ hướng đến trước Thế Tôn. Khi đến nơi, họ lễ dưới chân Đức Phật rồi, lui đứng về một bên. Khi ấy hai thương chủ đồng bạch Đức Phật:
-Nguyện Đức Thế Tôn vì thương xót chúng con mà nhận lấy bánh bột sữa mật ngon sạch này.
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Thuở xưa tất cả chư Phật Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều có thọ trì bát hay không?” Trong tâm Thế Tôn liền biết: “Tất cả chư Phật Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều thọ trì bát.”
Khi ấy Thế Tôn lại nghĩ: “Ta nay phải dùng bát gì để nhận bột sữa mật của hai thương chủ này?” Khi Thế Tôn muốn nhận bát, thì bốn vị Thiên vương đều từ bốn phương cấp tốc cùng mang bốn bình bát bằng vàng bay đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, bốn vị đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi lui đứng một bên. Khi bốn vị Thiên vương đứng về một bên, liền đem bốn bát bằng vàng dâng lên Thế Tôn, bạch:
-Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng con, nhận bát này để đựng bột sữa mật của hai vị thương chủ, để chúng con được nhiều an vui, lợi ích lớn lâu dài.
Đức Thế Tôn không nhận, vì người xuất gia không nên chứa dùng bát bằng vàng. Bốn vị Thiên vương bỏ bốn bát bằng vàng, lại đem bốn bát bằng bạc dâng cúng Thế Tôn và bạch:
-Thưa Thế Tôn, Ngài có thể dùng bát này đựng thức ăn để chúng con được nhiều an vui, lợi ích lớn lâu dài.
Thế Tôn không nhận.
Như vậy, bốn vị Thiên vương lại đem bốn bát bằng pha lê, Thế Tôn cũng không nhận.
Như vậy, bốn vị Thiên vương lại đem bốn bát bằng lưu ly, Thế Tôn cũng không nhận.
Như vậy, bốn vị Thiên vương lại đem bốn bát bằng ngọc bảo mà Thế Tôn cũng không nhận.
Như vậy, bốn vị Thiên vương lại đem bốn bát bằng mã não, Thế Tôn cũng không nhận.
Kế đến, bốn vị Thiên vương lại đem bốn bát bằng xa cừ dâng cúng Thế Tôn. Thế Tôn lại cũng không nhận bốn bát này.
Khi ấy, Tỳ-sa-môn vương thuộc phương Bắc, nói với ba vị Thiên vương kia:
-Ta nhớ thuở xưa chư Thiên màu xanh đem bát bằng đá đến hiến dâng cho chúng ta và thưa với chúng ta: “Quý Ngài có thể đựng thức ăn trong bát đá này mà ăn.” Lại lúc đó có một Thiên tử khác tên là Tỳ-lô-giá-na thưa với chúng ta: “Quý vị nhân giả Thiên vương cẩn thận, chớ nên đựng đồ ăn trong bát này mà ăn. Quý nhân giả chỉ có thể cùng cúng dường như cúng dường tháp vậy. Tại sao? Đời tương lai sẽ có một Đức Như Lai ra đời, tên của Đức Như Lai là Thích-ca Mâu-ni. Lúc ấy quý nhân giả nên đem bốn bát đá này dâng cúng cho Ngài.” Các nhân giả Thiên vương, nay đã đến lúc chúng ta đem bốn bát ấy dâng cúng cho Thế Tôn.
Bấy giờ bốn vị Thiên vương trấn bốn phương, đều đem theo quyến thuộc chung quanh, vội đi vào cung điện của mình, mỗi vị lấy một cái bát đá màu xanh biếc đẹp đẽ, thoa các thứ hương thơm vào bát rồi đựng đầy các thứ hoa trời, lại đem tất cả âm nhạc cõi trời cúng dường chiếc bát này, hướng về chỗ Đức Phật. Sau khi đến nơi, họ đồng đem bốn bát dâng cúng Thế Tôn, bạch:
-Cúi xin Đức Thế Tôn nhận chiếc bất này, dùng bát này để đựng bánh bột sữa mật của hai thương chủ. Xin Ngài thương xót chúng con, để cho chúng con được nhiều điều lợi ích an lạc lâu dài. Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Bốn vị Thiên vương này đem lòng tin thanh tịnh cúng cho Ta bốn cái bát, Ta không thể dùng cả bốn cái. Nếu Ta nhận bát một người thì ba người còn lại sẽ giận. Nếu Ta nhận bát hai người, thì hai người còn lại sẽ giận. Nếu ta nhận bát ba người thì một người còn lại sẽ giận. Ta hãy nhận bốn bát rồi đem sức thần thông biến thành một bát.”
Lúc ấy Đức Thế Tôn nhận bát của Thiên vương Đề-đầu-lại-tra rồi nói kệ:
Khéo cúng Thế Tôn bình bát tốt
Người quyết sẽ thành diệu pháp khí
Đã cứng cho Ta bát thanh tịnh
Quyết tăng trí tuệ, tâm chánh niệm.
Đức Thế Tôn cũng nhận bát của Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-xoa thọ nhận một bát, rồi nói kệ:
Ta quán chân như ai cúng bát
Người ấy chánh niệm tâm tăng trưởng
Nhờ bát nuôi lớn đời an lạc
Mau được an lạc thân thanh tịnh.
Đức Thế Tôn cũng nhận bát của Thiên vương Tỳ-lâu-bát-xoa, rồi nói kệ:
Ông đem tịnh tâm cúng tịnh bát
Thật tâm thanh tịnh cúng Như Lai
Tương lai mau chứng tâm thanh tịnh
Thế gian người trời đều vừa ý.
Đức Thế Tôn cũng nhận một bát của Thiên vương Tỳ-sa-môn, rồi nói kệ:
Chư Phật Thế Tôn trì tịnh giới
Điều phục các căn cúng bát lành
Tâm không khuyết hoại ân trọng cúng
Đời sau ông được ruộng thanh tịnh.
Khi ấy Đức Thế Tôn nhận bốn bình bát rồi, theo thứ lớp chồng trên bàn tay trái, rồi dùng bàn tay phải đè xuống. Do sức thần thông, bốn bát hợp thành một bát mà thành bát có bốn lớp, Ngài nói kệ:
Xưa tu công đức nay quả nhãn
Nhờ phát tâm thanh tịnh từ mẫn
Do vậy hôm nay Tứ Thiên vương
Thanh tịnh kiên cố cúng Ta bát.
Có kệ nói:
Thuở ấy Thế Tôn muốn thọ thực
Thiên vương bốn hướng mang bát đến
Tỏ lòng dâng cúng Phật Thế Tôn
Thọ rồi thần thông biến một bát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì lòng thương hai vị thương chủ Đế-lê phú-sa và Bạt-lê-ca Bắc Ấn độ nên nhận bánh bột sữa mật đựng trong bát mới sạch của bốn vị Thiên vương vừa cúng, đúng như pháp mà thọ thực. Khi Ngài thọ trai xong, bảo hai vị thương chủ cùng hàng thương nhân:
-Này các thương chủ, các người nhận với Ta ba pháp Quy y: Phật, Pháp, Tăng và thọ năm giới cấm, sẽ làm cho các ông được an lạc, nhiều lợi ích lớn lâu dài.
Hai vị thương chủ cùng quyến thuộc nghe Đức Phật nói như vậy, cùng nhau bạch Phật:
-Chúng con theo lời Phật dạy, không làm trái.
Họ cùng nhau thọ ba pháp tự quy y. Ở trong nhân gian người đầu tiên thọ Tam quy và Ngũ giới làm vị Ưu-bà-tắc là hai thương chủ Đế-lê-phú-na và Bạt-lê-ca.
Lúc ấy Đức Thế Tôn vì hai thương chủ nói kệ tùy hỷ:
Vật thí đầy đủ sắc, hương, vị
Phương tiện thọ rồi lìa phiền não
Trong đó hòa hợp đủ thức ăn
Nên được gọi là bột sữa mật.
Ăn xong, thân thể mịn tươi sáng
Mặt sáng như hoa, dung nhan đẹp
Khí lực dồi dào, được lợi ích
Trừ được đói khát, tâm an ổn.
Cúng Phật Thế Tôn cháo như vậy
Khiến hàng phạm hạnh được no đủ
Ta đã thọ thực được no nê
Hai vị thương chủ cúng bánh bột.
Ta họ Cam Giá, dòng Nhật Chủng
Ca ngợi người này là tối thượng
Do vì công đức bố thí này
Sẽ đạt Thánh trí quả cùng cực
Các lậu tất cả đều diệt sạch,
Do vì nhân duyên tạo nghiệp này
Sau lại dần dần không sợ sệt
Giải thoát dần phiền não ràng buộc
Chứng được vô lậu, được thảnh thơi.
Thí như ruộng tốt, rất bằng phẳng
Hạt giống, mầm, mạ đều tươi tốt
Mưa thuận, gió hòa đúng thời tiết
Lúa mạ mọc nhiều tăng trưởng tốt
Bởi do hạt giống tốt như vậy
Mọc rồi phát triển thật sum suê
Dé lúa nặng quằn tăng gấp bội
Thâu hoạch sản lượng vô số kể.
Cũng như thành tựu các giới hạnh
Bố thí thật nhiều thức ăn uống
Sau được quả bảo tốt không lường
Do xưa, nay lợi, lẽ dĩ nhiên.
Nếu người muốn cầu đời sau lợi
Hy vọng chuyển thành nhiều quả tốt
Chỉ việc cúng dường Bậc Nhân Trí
Sẽ thành diệu quả chứng Bồ-đề
Và thành Thiện Thệ, Thế Gian Giải
Tâm mình đã được nhiều lợi ích
Rồi lại vì người nói các pháp
Người được tự lợi, lợi chúng sinh
Như vậy tôn xưng Bậc Đại Trí
Muốn được tự lợi, lợi tất cả
Muốn chứng đạo quả để độ sinh.
Đối với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng
Tâm phải phát sinh hạnh chánh tín
Nhờ tín tâm nên được quả báo
Tín hạnh được rộng lớn hoàn hảo
Thì được giới hạnh khó nghĩ bàn
Tức chứng Tối thắng Vô thượng đạo
Bố thí được quả Tối thắng này
Thấy được chân thật của thế giới.
Lại chứng đạo quả trí viên mãn
Thánh quả phải chánh kiến như vậy
Thấy được như vậy là chánh niệm
Trần lao phiền não đều tan biến,
Chứng được Vô úy đại Niết-bàn
Giải thoát các khổ ở thế gian
Như vậy các pháp được đầy đủ
Chư Thánh khen đây là tối thượng.
Sinh, già, bệnh, chết đều không còn
Buồn khổ biệt ly đều diệt sạch
Thập lực Thế Tôn khen lạc này
Sẽ đến nơi thường, không sinh tử.
Bấy giờ hai vị thương chủ Đế-lê-phú-sa và Bạt-lê-ca cùng các thương nhân đồng bạch Phật:
-Bạch đại Đức Thế Tôn, đoàn người chúng con đang trên đường về, cúi xin Thế Tôn vì chúng con chú nguyện an lành, để cho chúng con không gặp điều chướng ngại, sớm trở về nước mình.
Lúc ấy Đức Thế Tôn vì hai thương chủ và đoàn thương gia nói lời nguyện an lành bằng kệ:
Nguyện loài hai chân lợi lạc lớn
Cả loài bốn chân cũng bình an
Trên đường về quê nhiều điềm tốt
Đi đến các nơi đều như ý,
Ngày đêm đi, nghỉ được vừa lòng
Trong ngày ở đâu cũng nhiều lợi
Các nơi đều được theo ý nguyện
Thương chủ, thương nhân đều khỏe mạnh.
Muốn có giống tốt để sạ ruộng
Sạ rồi hy vọng thu hoạch nhiều
Tất cả thương nhân đi cầu lợi
Vào biển tìm ngọc thật gian nan
Các ông hy vọng nên lên đường
Sở nguyện được lợi mau thành tựu.
Ta nay thành đạo thật vui mừng
Nguyện ông đến đâu đều tốt đẹp
Tất cả tài lợi theo nhu cầu
Những gì ông muốn chóng vừa lòng
Tất cả các phương ông đi đến
Nguyện đều không có các tai ương.
Bấy giờ hai thương chủ đồng bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, xin Ngài cho chúng con một vật làm kỷ niệm, để khi về quê hương không còn thấy Thế Tôn, chúng con lấy vật này xây tháp, lễ bái để tỏ lòng thương nhớ Đại Thánh Thế Tôn. Chúng con tôn trọng cúng dường trọn đời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đem tóc, móng trên thân minh cho các thương chủ làm vật kỷ miệm và bảo họ:
-Này các thương chủ, móng tóc này Ta đem cho để các ông làm vật kỷ niệm, thấy vật này cũng như thấy Ta. Sau này sẽ có một tảng đá từ trên hư không rơi xuống nơi quê hương các ông. Nếu các ông thấy, phải xây tháp nơi đó tôn trọng cúng dường.
Khi ấy hai thương chủ Đế-lê-phú-sa và Bạt-lê-ca nhận tóc, móng nơi Đức Phật rồi thầm nghĩ: “Tóc, móng này là vật đào thải trên thân, không phải pháp thắng diệu, không nên đem tôn trọng cúng dường.”
Lúc ấy Đức Phật biết tâm niệm của các thương nhân nên bảo họ:
-Này các thương chủ, chớ nên có ý nghĩ như vậy! Ta nhớ thuở xưa trải qua vô lượng vô biên kiếp số không thể nghĩ bàn, có Đức Thế Tôn xuất hiện ở đời hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trong Tâm, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thuở ấy Ta là đồng tử Bà-la-môn thông suốt bốn bộ luận Tỳ-đà. Khi thấy Đức Thế Tôn đi vào thành Liên hoa, Ta đem năm cành hoa sen xanh rải trên Đức Phật, liền khi đó phát tâm Bồ-đề. Đức Thế Tôn Nhiên Đăng liền thọ ký cho Ta: “Này Đồng tử, ở đời vị lai trải qua số kiếp a-tăng-kỳ ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Vô Thượng Chánh Đẳng Chanh Giác.”
Bấy giờ Ta lìa gia đình, cạo bỏ râu tóc xuất gia, ở trong pháp của Thế Tôn Nhiên Đăng. Sau khi Ta xuất gia, tất cả chư Thiên lấy hết tóc của Ta mà chia ra, cứ mười muôn chư Thiên thì được một sợi tóc cùng nhau đem về cùng cúng dường. Từ đó đến nay, Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bằng Phật nhãn, Ta thấy các chúng sinh ấy không một ai không vào Niết-bàn. Ta lúc đó chưa thoát khỏi tham dục, sân si mà ngàn vạn ức vô lượng vô số chúng sinh cúng dường tóc của Ta vẫn còn chứng Niết-bàn.
Huống chi ngày nay, tất cả phiền não, tham, sân, si kết hoặc tất cả đều trừ diệt hết. Các ông vì lý do gì không hết lòng tôn trọng móng, tóc thanh tịnh không ô nhiễm này?
Hai thương chủ và các thương nhân nghe Đức Thế Tôn nói sự việc nhân duyên quá khứ liền đối với móng, tóc ấy sinh tâm hy hữu, hết sức tôn trọng cung kính, đảnh lễ đầu sát chân Phật, đi quanh Phật ba vòng rồi lui bước lên đường.
Có kệ nói:
Thương nhân các phương qua lối này
Thọ thần hay được bảo họ:
Đây có Thế Tôn được tự lợi
Các ông lễ cúng các thức ăn.
Đức Thế Tôn trải qua bốn mươi chín ngày không ăn uống, đầu tiên nhận vật thực nơi các thương nhân. Thế Tôn sau khi ăn xong, do nghiệp lực quá khứ nên thức ăn không tiêu, bỗng nhiên đau bụng. Lúc ấy, ở núi này có một Dược thần đem quả A-lê-lặc mới có, ngon ngọt vô cùng, đi đến chỗ Đức Phật, khi đến nơi đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui về một bên, bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, nếu Ngài có đau bụng, trái A-lê-lặc vừa mới ra đầu tiên vô cùng ngon ngọt, con đem đến đây dâng cúng Thế Tôn. Nếu Ngài thấy hợp thời, xin vì con mà nhận quả A-lê-lặc này. Xin Ngài thương xót con mà dùng. Nếu Thế Tôn trong bụng có bệnh, sau khi ăn quả A-lê-lặc này rồi, bệnh liền hết.
Đức Thế Tôn vì thương xót vị Dược thần liền nhận quả A-lê-lặc. Nhận rồi, bảo thọ thần:
-Này Dược thần, hãy đến đây quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và thọ giới năm giới cấm, ông sẽ ở được nhiều điều an lạc lợi ích lớn lâu dài.
Dược thần nghe Đức Phật dạy, liền bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, tốt lắm! Con không trái lời Phật dạy.
Dược thần thọ ba pháp quy y và năm cấm giới.
Đương thời, trong tất cả Dược thần Thiên nữ được thọ Tam quy và Ngũ giới, làm vị Ưu-bà-di đầu tiên là vị Dược thần Thiên nữ ở chung quanh núi của các đại Dược thần.
Đức Thế Tôn nhận quả A-lê-lặc từ nơi thiên nữ Dược thần dâng cúng, Ngài ăn quả, còn hạt đem gieo xuống đất. Nhờ thần lực tự tại của Đức Phật, hạt A-lê-lặc nội trong ngày đó liền phát triển thành rễ. Thân, cây, cành, nhánh của đại thọ liền đâm chồi nảy lộc, ra hoa, kết quả, rồi thành quả chín. Bệnh đau bụng của Đức Thế Tôn cũng hết. Phẩm 36: PHẠM THIÊN KHUYẾN THỈNH
(Phần 1)
Khi ấy Đức Thế Tôn rời khỏi rừng Sai-lê-ni-ca, chậm rãi trở lại dưới cội cây Bồ-đề. Lúc ấy trong nước có kẻ nam, người nữ bị bệnh nặng, gầy ốm, vàng võ, khốn khổ nằm trên giường, không thể chữa trị, khó qua khỏi. Những người này chẳng bao lâu nữa lâm chung, hơi thở chỉ còn thoi thóp, nên bị đưa vào thi lâm, coi như mai táng. Khi Bồ-tát còn tu khổ hạnh nơi rừng kia, cách cây Bồ-đề chẳng bao xa có một phụ nữ tên là La-sa-da vẫn chưa tắt thở mà gia quyến đem bỏ nằm trên đất. Người phụ nữ này trông thấy Bồ-tát ngồi dưới cây Bồ-đề tu khổ hạnh, nên sinh tâm rất tín kính, vì kính tín nên lấy áo trên mình để một bên, bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại thánh Tôn giả, nếu Tôn giả tu khổ hạnh xong, vượt khỏi bờ biển phiền não đến bờ kia, tự nguyện đã đầy đủ, lúc ấy e thân Ngài không còn y phục. Xin Bồ-tát thương xót con, có thể thu nhận chiếc áo phấn tảo của con, tùy ý Ngài sử dụng.
Người phụ nữ ấy sau một thời gian ngắn thì qua đời, do đối với Bồ-tát sinh tâm chánh tín nên sau khi tắt thở, nhờ thiện căn này, thần thức sinh lên cõi trời Đao-lợi làm ngọc nữ có nhiều oai đức, mang thân chư Thiên, hào quang sáng rực, thần thông tự tại.
Sau khi sinh lên cõi trời, tự nghĩ: “Ta do nghiệp nhân gì mà ngày nay thành tựu báo thân này?” Vị ấy tư duy, biết đời trước của mình: Thuở xưa, khi ta còn ở nhân gian làm người phụ nữ, đem áo phấn tảo cúng dường Đức Thế Tôn, tùy ý Ngài sử dụng. Nhờ thiện nghiệp đó mà ngày nay ta được quả báo này. Vị ấy lại nghĩ: “Ngày nay Đức Thế Tôn chưa dùng áo phấn tảo ấy mà mình còn được phước báo, có sức thần thông như vậy, huống chi nếu Thế Tôn nhận dùng áo của ta thì chắc rằng sẽ vượt hơn quả báo này?”
Ngọc nữ thân phóng hào quang sáng rực, vào khoảng nửa đêm đi đến chỗ Đức Phật, hào quang chiếu sáng cả khu rừng, khi đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui về đứng một bên. Ngọc nữ bạch Phật:
-Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài thương xót con lấy chiếc áo phấn tảo, tùy ý sử dụng.
Đức Thế Tôn vì thương ngọc nữ nên nhận lấy chiếc áo phấn tảo. Như Lai nhận rồi, bảo ngọc nữ:
-Này ngọc nữ, người lại đây thọ ba pháp quy y: Phật, Pháp, Tăng và thọ năm giới cấm. Người sẽ ở thọ hưởng nhiều điều lợi ích an lạc lâu dài.
Thiên nữ nghe Đức Phật nói như vậy, bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, con y lời Ngài dạy, không dám trái.
Ngọc nữ thọ Tam quy và Ngũ giới. Ngọc nữ thấy Đức Thế Tôn nhận dùng chiếc áo phân tảo của mình, nên rất vui mừng hớn hở, tràn ngập châu thân không thể tự chế. Sau đó, ngọc nữ đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, ngay nơi đây ẩn thân biến mất.
Thuở ấy Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta nay đem chiếc áo phấn tảo này giặt ở đâu?” Vừa nghĩ như vậy, vua trời Đế Thích vì Đức Như Lai liền đi đến một khu rừng cách Như Lai không xa, biến ra một dòng sông nước trong trẻo không vẩn đục. Vua trời Đế Thích biến ra ba tảng đá lớn bên bờ sông: Tảng đá thứ nhất để Đức Như Lai ngồi, tảng đá thứ hai để giặt chiếc áo phấn tảo, tự tay Đế Thích tạt nước và tảng thứ ba để phơi khô chiếc áo sau khi đã giặt xong. Tảng đá phơi áo phấn táo này do oai thần của Đức Phật, sau đó bay lên hư không, hướng về xứ Bắc Ấn độ, hạ xuống chỗ ở của các thương chủ Đế-lê-phú-sa... để họ xây tháp cùng nhau cúng dường.
Sư Ma-ha Tăng-kỳ nói: “Cứ như vậy trải qua bốn mươi chín ngày”; hoặc lại có sư cho rằng việc này trải qua mười bốn ngày, hoặc có sư cho rằng việc này trải qua hai mươi mốt ngày, hoặc có sư cho rằng việc này trải qua hai mươi tám ngày, bảy ngày thứ nhất lắng tâm dưới gốc Bồ-đề, bảy ngày thứ hai lần lần đi đến tháp Mắt không nháy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn từ tháp Mắt không nháy đứng dậy, rồi Ngài đi đến dưới cây La-xà-na. Đến dưới cây này, Đức Phật ngồi kiết già bảy ngày ở trong thiền định để thọ hưởng an lạc giải thoát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn qua bảy ngày, ra khỏi Tam-muội, chánh niệm chánh tri. Khi ấy hai thương chủ Đế-lê-phú-sa và Bạt-lê-ca từ thành Ca-phu-tra lần lần đi đến chỗ Đức Phật. Đến chỗ Phật rồi, cho đến đi nhiễu ba vòng, từ biệt Đức Phật ra đi.
Bấy giờ Đức Thế Tôn từ dưới cây La-xà-na đứng dậy, chậm rãi đi dần về ngồi dưới cây Mục-chân-lân-đà. Cho đến nói kệ.
Bấy giờ trải qua bảy ngày, vào một buổi sớm mai Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát đi thẳng đến nhà chủ thôn Nan-đề-ca, khi đến nơi, Ngài đứng một bên, yên lặng để cầu vật thực. Cô gái, con vị chủ thôn khi thấy Đức Thế Tôn đứng yên lặng khất thực bên ngõ, thấy rồi nàng liền đến thỉnh bình bát từ trong tay Ngài, quay vào trong nhà đem đủ thức ăn trăm vị đựng trong bình bát rồi trở ra dâng cúng Đức Thế Tôn và bạch:
-Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót con, nhận thức ăn này.
Đức Thế Tôn nhận thức ăn của nàng Thiện Sinh con chủ thôn, rồi bảo Thiện Sinh:
-Thiện Sinh, hãy lại đây thọ pháp Tam quy và Ngũ giới, người sẽ được nhiều sự an lạc lợi ích lâu dài.
Nàng Thiện Sinh nghe Đức Phật nói như vậy, bạch Phật:
-Thưa Đức Thế Tôn, con sẽ làm đúng như lời Thế Tôn dạy, không dám trái.
Nàng liền thọ Tam quy và Ngũ giới. Như vậy, nàng Thiện Sinh là người thọ Tam quy và Ngũ giới, làm vị Ưu-bà-di đầu tiên trong nhân loại. Đức Thế Tôn nhận vật thực từ nàng Thiện Sinh, con gái người chủ thôn, thọ thực xong, Ngài ngồi dưới cây Bồ-đề lại trải qua bảy ngày để thọ an lạc giải thoát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn trải qua bảy ngày, ra khỏi Tam-muội, chánh niệm, chánh tri, rồi vào một buổi sáng Ngài đắp y, mang bình bát ung dung đi về hướng nhà Bà-la-môn Tư-da-na-đa. Đến nơi, Ngài đứng yên lặng một bên ngõ để khất thực. Thấy vậy, Tư-da-na-đa liền ra thỉnh bình bát từ nơi tay Thế Tôn, rồi trở vào trong nhà lấy đủ thứ canh thịt, thức ăn trăm vị đựng đầy trong bát, đem dâng cung cho Đức Phật, lại bạch:
-Cúi xin Đức Thế Tôn vì thương xót con nhận món ăn này.
Đức Thế Tôn nhận thức ăn từ nhà Tư-da-na-đa rồi bảo:
-Này Bà-la-môn, hãy đến đây thọ pháp Tam quy và Ngũ giới.
Vị Bà-la-môn nghe lời Đức Phật nói như vậy, y theo lời Đức Phật dạy mà thọ Tam quy và Ngũ giới.
Khi ấy Đức Thế Tôn nhận thức ăn từ nhà Bà-la-môn Tư-da-na- đa rồi ung dung trở về tháp Mạn-tha-na (nhà Tùy dịch là Giảo Lạc Mộc). Ăn xong, y như pháp, Ngài thâu cất y bát rồi trở lại dưới cây Bồ-đề ngồi kiết già trải qua bảy ngày... cho đến thọ an lạc giải thoát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn trải qua bảy ngày, ra khỏi Tam-muội, chánh niệm, chánh tri, rồi vào một buổi sáng Ngài đắp y, mang bình bát dần dần đi hướng về bốn chị em thân quyến của Tư-da-na-đa. Bốn chị em này là: người thứ nhất tên là Bà-la (nhà Tùy dịch là Lực). Người thứ hai là Ma-để-bà-la (nhà Tùy dịch là Cực Lực). Người thứ ba tên Tung-đà-lê (nhà Tùy dịch là Đoan chánh nữ) và người thứ tư tên là Kiềm-bà-ca-lê (nhà Tùy dịch là Ngõa Sư). Khi Ngài đến nhà những người này rồi, đứng về một bên, im lặng khất thực. Bốn chị em thấy Đức Thế Tôn đứng yên lặng, liền ra thỉnh chiếc bát nơi Đức Thế Tôn rồi vào nhà lấy đủ các thứ canh thịt, thức ăn trăm vị, màu sắc tuyệt hảo đựng đầy trong bát, đem dâng lên Đức Phật, bạch:
-Cúi xin Đức Thế Tôn thương chúng con, nhận món ăn này.
Đức Thế Tôn vì lòng thương, nhận thức ăn trăm vị của bốn chị em. Nhận rồi, Ngài bảo bốn chị em:
-Chị em các ngươi lại đây, nhận nơi ta pháp Tam quy và Ngũ giới, các ngươi sẽ ở được an ổn, lợi ích lâu dài.
Bốn chị em nghe lời Phật dạy rồi liền bạch Phật:
-Y như lời Thế Tôn dạy, chúng con không dám trái ý.
Họ cùng nhau thọ pháp Tam quy và Ngũ giới.
Đức Thế Tôn đã thọ thức ăn của bốn chị em kia rồi, Ngài ung dung trở lại tháp Mạn-tha-na. Đến nơi, Ngài y như pháp thọ trai, rồi quay trở về ngồi dưới cây Bồ-đề trải qua bảy ngày thọ an lạc giải thoát.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn trải qua bảy ngày, ra khỏi Tam-muội, chánh niệm, chánh tri, rồi vào một buổi sáng Ngài đắp y, mang bình bát ung dung đi về phía cây Ni-câu-đà của người chăn dê trồng. Trên khoảng giữa đường đi từ cây Bồ-đề đến cây Ni-câu-đà, Ngài thấy có một người phụ nữ chăn trâu đang khuây lạc thành tô. Bấy giờ Thế Tôn từ từ đi đến bên người phụ nữ này. Khi đến cách người phụ nữ chẳng xa, Ngài đứng yên lặng khất thực. Người phụ nữ thấy Ngài đứng yên lặng chẳng xa, thấy rồi liền đến thỉnh bình bát, đem đựng đầy lạc dâng cúng Thế Tôn, bạch:
-Thưa Đại thánh Tôn giả, xin Ngài thương con, nhận món lạc này.
Đức Thế Tôn thọ nhận món lạc này nơi mục nữ và bảo:
-Này chị mục nữ, hãy đến đây thọ pháp Tam quy và Ngũ giới, người sẽ ở được nhiều lợi ích an lạc lớn lâu dài.
Lúc ấy mục nữ vâng lời dạy của Phật, thọ pháp Tam quy và Ngũ giới. Đức Thế Tôn tùy ý thọ thực, ăn xong, rửa bát rồi đi đến ngồi dưới gốc cây Ni-câu-đà của người chăn dê trồng, trải qua bảy ngày thọ hưởng an lạc giải thoát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi trải qua bảy ngày, ra khỏi Tam-muội, chánh niệm, chánh định, lúc ấy bỗng có một Bà-la-môn dối nịnh tìm lỗi đi đến bên Đức Phật. Đến nơi, nói những lời hỏi thăm, rồi lui về đứng một bên, bạch Phật:
-Thưa Sa-môn Cù-đàm, tại sao gọi là Bà-la-môn? Bà-la-môn tu những pháp gì có bao nhiêu pháp?
Đức Như Lai biết rồi, liền phát ra tiếng Sư tử nói kệ:
Diệt trừ tất cả các nghiệp tội
Do vậy gọi là Bà-la-môn.
Tâm ý thanh tịnh, không dua nịnh
Trong ngoài chánh định, thường an trụ
Như pháp tu hành các phạm hạnh
Lời nói, ý nghĩ cũng như vậy
Đối với các nơi, đều không tham
Hiệu Bà-la-môn mới thành tựu.
Trong thời gian tám tuần, trong ba tuần đầu Ngài đều không ăn, năm tuần sau mới khất thực.
Thuở ấy Đức Thế Tôn an tọa trong Tam-muội tên là Biến quán thế gian. Khi đó Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn Vô thượng quán sát thấy nơi thế gian: Hoặc có chúng sinh ra khỏi địa ngục rồi đọa vào địa ngực, hoặc có chúng sinh ra khỏi địa ngục rồi đọa làm thân súc sinh, hoặc có chúng sinh ra khỏi địa ngục đọa làm thân ngạ quỷ, hoặc có chúng sinh ra khỏi địa ngục sinh làm thân người, hoặc có chúng sinh ra khỏi địa ngục sinh làm thân chư Thiên.
Hoặc có chúng sinh ra khỏi súc sinh đọa làm thân địa ngục, hoặc có chúng sinh ra khỏi súc sinh lại sinh vào súc sinh, hoặc có chúng sinh ra khỏi súc sinh đọa làm thân ngạ quỷ, hoặc có chúng sinh ra khỏi súc sinh được sinh vào nhân gian, hoặc có chúng sinh ra khỏi súc sinh được sinh lên cõi trời.
Hoặc có chúng sinh ra khỏi ngạ quỷ đọa vào địa ngục, hoặc có chúng sinh ra khỏi ngạ quỷ lại đọa vào ngạ quỷ, hoặc có chúng sinh ra khỏi ngạ quỷ đọa vào súc sinh, hoặc có chúng sinh ra khỏi ngạ quỷ được sinh vào nhân gian, hoặc có chúng sinh ra khỏi ngạ quỷ được sinh lên các cõi trời.
Hoặc có chúng sinh ở nhân gian chết rồi đọa vào địa ngục, hoặc có chúng sinh ở nhân gian chết rồi đọa vào súc sinh, hoặc có chúng sinh ở nhân gian chết rồi đọa vào ngạ quỷ, hoặc có chúng sinh ở nhân gian chết rồi lại sinh vào nhân gian, hoặc có chúng sinh ở trong nhân gian chết rồi được sinh lên các cõi trời.
Hoặc có chúng sinh từ trên cõi trời đọa vào địa ngục, hoặc có chúng sinh từ trên cõi trời đọa vào súc sinh, hoặc có chúng sinh từ trên cõi trời đọa làm thân ngạ quỷ, hoặc có chúng sinh từ trên cõi trời sinh xuống trần gian, hoặc có chúng sinh chết ở cõi trời rồi sinh trở lại cõi trời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy các chúng sinh bị các kiến chấp trói buộc. Hoặc có chúng sinh bị lửa dục thiêu đốt thân thể, hoặc có chúng sinh bị lửa sân hận, hoặc lửa ngu si, thiêu đốt thân thể; hoặc có chúng sinh lệ thuộc ái dục, bị ái dục não hại lại sinh khoái lạc. Đối với tất cả phiền não khác như sân hận, ngu si cũng như vậy.
Đức Thế Tôn thấy các chúng sinh bị lửa ba độc thiêu đốt liền phát ra tiếng Sư tử rống:
-Các loại chúng sinh trong thế gian này bị cảnh giới nó ràng buộc, hăng say tạo các nghiệp nên có quả báo hình thể như vậy, thân chịu khổ não lớn, đắm trước các cánh nên phát sinh các tà ý. Tà ý luôn luôn tăng trưởng, do sự tăng trưởng đó tức thành cõi này là do chấp trước về hữu. Ở trong thế gian có các chúng sinh chấp trước về hữu, nên nghĩ đến cánh giới, liền sinh đến cảnh giới đó. Tất cả chúng sinh ở trong bao nhiêu cảnh giới, tức liền thọ khổ trong cảnh giới đó. Nếu chúng sinh nào diệt được các khổ đó, là nhờ tu học phạm hạnh trong pháp này. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn biết cái khổ đắm trước cảnh giới rồi biết cách ra khỏi cảnh giới.
Những hạng người này gọi là không đắm các cõi. Biết như vậy rồi có thể ra khỏi các cõi.
Ta nói như thế này: Nếu có các Sa-môn, Bà-la-môn dựa vào cảnh giới mà nói muốn thoát các cõi, tất cả hạng người này không được gọi là thoát khỏi các cõi.
Ta nói những người như vậy như đọa vào tà đạo gọi là chịu cảnh khổ lớn. Ta nói thế này: Xả bỏ tất cả tà đạo ở thế gian thì diệt hết tất cả nghiệp báo khổ quả, đã diệt hết các khổ rồi thì gọi là không có cảnh giới. Tất cả ngã kiến của chúng sinh ở thế gian đều do vô minh lừa dối, nên ưa đắm các cảnh giới. Đắm các cảnh giới rồi thì không thoát khỏi các khổ của cảnh giới ấy. Nếu có người đối với tất cả chỗ quán sát các cõi, đối với tất cả chỗ vẫn chưa xa lìa được cảnh giới, phải ở trong cảnh giới. Đã còn ở trong cảnh giới rồi thì gọi là vô thường, là khổ, là không thật. Đối với pháp không thật biết đúng như vậy, chánh trí như thật, cần phải quán biết.
Nếu ai chánh trí quán biết như vậy thì diệt sạch các các cảnh giới và lòng tham ái cũng diệt sạch, đối với chỗ không có cảnh giới, cũng không sinh tâm niệm, như vậy được gọi là tịch diệt. Tỳ-kheo đã tịch diệt rồi, không còn sinh vào các cõi, không thọ thân đời sau, thì có thể đối với tất cả các trận chiến với ma, đều được đánh thắng và thu phục được ma quân, đối với tất cả mọi nơi đều được lợi ích lớn, đối với các cảnh giới không còn nghĩ tưởng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.156.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.