Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 29 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần ba »»
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Tất cả các pháp có hai loại nhân, nhân chính và nhân tùy thuộc.’ Vì có hai loại nhân ấy, lẽ ra không có sự trói buộc và giải thoát. Như năm ấm [hợp thành thân] này, trong mỗi một niệm đều [liên tục] sanh ra, diệt đi. Nếu năm ấm sanh và diệt [liên tục] như thế thì ai là người chịu trói buộc hay được giải thoát?
“Bạch Thế Tôn! Do năm ấm này mà sanh ra năm ấm tiếp theo sau. Nhưng năm ấm này tự chúng diệt mất, không chuyển thành năm ấm sau đó. Tuy không chuyển thành, nhưng [năm ấm trước] có thể sanh ra năm ấm sau. Cũng như nhân hạt giống sanh ra mầm cây. Hạt giống không chuyển thành mầm cây; tuy không chuyển thành nhưng có thể sanh ra mầm cây. Chúng sanh cũng vậy, làm sao [có sự] trói buộc, làm sao [có sự] giải thoát?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng giải.
“Thiện nam tử! Khi người ta sắp lìa bỏ mạng sống phải chịu sự khổ não rất lớn, họ hàng thân thích vây quanh khóc kể thảm thiết. Người ấy hoảng sợ, không còn biết nương dựa, cầu cứu nơi đâu. Tuy có năm giác quan nhưng lúc đó không còn nhận biết gì cả. Toàn thân đều run rẩy, không thể tự kiềm chế; thân thể lạnh dần, hơi ấm sắp dứt, liền nhìn thấy hiện tướng báo ứng của những việc lành, việc dữ đã làm.
“Thiện nam tử! Như khi mặt trời sắp lặn thì núi đồi đổ bóng về phương đông, không có lý nào lại đổ về phương tây! Nghiệp quả của chúng sanh cũng vậy. Khi [năm] ấm này diệt mất, [năm] ấm kia [tự nhiên] nối tiếp sanh ra; như khi thắp đèn lên thì bóng tối mất, đèn tắt rồi thì bóng tối hiện ra.
“Thiện nam tử! Ví như dùng dấu sáp ấn vào khối đất sét ướt [để nung thành đồ vật]. Dấu sáp với đất sét hợp lại cùng nhau. [Khi nung xong thì] dấu sáp mất đi, hoa văn [trên vật nung] hiện ra. Nhưng dấu sáp ấy không biến mất vào đất sét, còn hoa văn kia không phải từ đất sét ra, cũng không phải từ nơi khác đến. Do nhân duyên là dấu sáp nên tạo thành hoa văn ấy.
“[Năm] ấm hiện tại diệt mất thì [năm] ấm của thân trung ấm sanh ra. [Năm] ấm hiện tại không biến thành năm ấm của thân trung ấm; năm ấm của thân trung ấm cũng không phải tự sanh ra, cũng không phải từ nơi khác đến. Do nhân là năm ấm hiện tại nên sanh ra năm ấm của thân trung ấm; cũng như dấu sáp kia in vào đất sét, dấu sáp mất đi rồi thành ra những hoa văn. Tên gọi [của năm ấm trước sau] tuy không khác nhưng thời điểm và điều kiện đã khác hẳn. Cho nên ta nói: ‘Năm ấm của thân trung ấm mắt thường không thấy được, chỉ thiên nhãn mới [có thể] thấy.’
“[Chúng sanh mang thân] trung ấm có ba cách ăn: một là ăn bằng sự suy tưởng, hai là ăn bằng sự xúc chạm, ba là ăn bằng ý niệm.
“Có hai loại thân trung ấm, một là do quả báo của nghiệp tốt lành, hai là do quả báo của nghiệp xấu ác. Nhân nơi nghiệp lành mà được các giác quan tốt đẹp, nhân nơi nghiệp xấu ác mà có các giác quan xấu ác.
“Vào lúc cha mẹ cùng nhau giao hợp, tùy theo nghiệp nhân duyên [mà thân trung ấm] hướng đến chỗ thọ sanh. [Thân trung ấm ấy] đối với mẹ sanh tâm ái luyến, đối với cha sanh tâm sân hận, vào lúc người cha xuất tinh liền cho [tinh trùng] đó là [thân mình] hiện hữu, nên nhìn thấy rồi sanh lòng vui thích. Do ba loại nhân duyên phiền não [là ái luyến, sân hận và vui thích] nên thân trung ấm liền diệt mất, [ngay khi đó] sanh ra năm ấm tiếp theo; cũng như dấu sáp in vào đất sét, dấu sáp mất rồi thì hoa văn hình thành.
“Khi [chúng sanh được] sanh ra, các căn có thể đầy đủ hoặc khiếm khuyết. Người có đủ các căn, khi thấy hình sắc thì khởi lòng tham muốn. Vì khởi lòng tham muốn nên có ái luyến. Vì [bị hình sắc] mê hoặc nên sanh tham muốn, đó gọi là vô minh. Do hai nhân duyên là tham ái và vô minh nên mọi cảnh giới [chúng sanh] nhìn thấy đều là điên đảo, như vô thường thấy là thường, vô ngã thấy là ngã, không vui thấy là vui, không trong sạch thấy là trong sạch. Vì bốn sự điên đảo ấy mà làm ra những việc lành, dữ. [Từ đó] phiền não tạo ra nghiệp, nghiệp tạo ra phiền não. Đó gọi là trói buộc. Vì nghĩa ấy nên gọi là năm ấm sanh ra.
“Nếu người được gần gũi Phật và đệ tử Phật, các bậc thiện tri thức, ắt sẽ được nghe và thọ nhận Mười hai bộ kinh. Nhờ nghe Chánh pháp, quán chiếu cảnh giới lành, được đại trí tuệ. Đại trí tuệ đó gọi là tri kiến chân chánh. Nhờ được tri kiến chân chánh nên đối với chốn sanh tử sanh tâm hối tiếc. Nhờ sanh tâm hối tiếc nên không thấy vui thích. Vì không thấy vui thích nên có thể trừ được tâm tham dục. Nhờ trừ được tâm tham dục nên tu tập Tám Thánh đạo. Nhờ tu tập Tám Thánh đạo nên đạt đến chỗ không còn sanh tử. Nhờ không còn sanh tử nên gọi là được giải thoát, như lửa không gặp củi gọi là diệt mất. Vì diệt mất sanh tử nên gọi là diệt độ. Vì nghĩa ấy nên gọi là năm ấm diệt mất.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như trong không trung không có gai, làm sao gọi là nhổ [gai] ra? [Năm] ấm không ràng buộc, vì sao [nói là] trói buộc?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Do gông cùm là phiền não nên trói buộc năm ấm. Lìa năm ấm ra không thể riêng có phiền não; lìa phiền não ra cũng không riêng có năm ấm.
“Thiện nam tử! Như những cây cột chống đỡ cái nhà; lìa nhà ra thì không có cột, lìa cột ra thì không có nhà. Năm ấm của chúng sanh cũng vậy. Vì có phiền não nên gọi là trói buộc, vì không phiền não nên gọi là giải thoát.
“Thiện nam tử! Như bàn tay và cái nắm tay, sự nắm lại, ba pháp ấy [tự chúng] hợp tan, sanh diệt chứ ngoài ra không có pháp nào khác nữa. Năm ấm của chúng sanh cũng vậy. Vì có phiền não nên gọi là trói buộc, vì không phiền não nên gọi là giải thoát.
“Thiện nam tử! Như nói danh sắc trói buộc chúng sanh. Nếu danh sắc diệt mất thì không có chúng sanh, lìa danh sắc ra không riêng có chúng sanh, lìa chúng sanh ra không riêng có danh sắc. Nên nói rằng danh sắc trói buộc chúng sanh, mà cũng [có thể] nói là chúng sanh trói buộc danh sắc.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như con mắt vốn không tự thấy, ngón tay không tự xúc chạm, con dao không tự cắt, sự thọ nhận không tự thọ nhận, sao Như Lai nói rằng danh sắc trói buộc danh sắc?
“Vì sao vậy? Vì nói danh sắc đó tức là chúng sanh, nói chúng sanh tức là danh sắc. Nếu nói danh sắc trói buộc chúng sanh cũng tức là danh sắc tự trói buộc danh sắc!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như khi hai bàn tay chắp lại, không có pháp nào khác đến chắp cả. Danh với sắc cũng vậy. Vì nghĩa ấy, ta nói rằng danh sắc trói buộc chúng sanh. Nếu lìa danh sắc ắt được giải thoát. Cho nên ta nói chúng sanh được giải thoát.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu có danh sắc tức là trói buộc, thì các vị A-la-hán chưa lìa khỏi danh sắc, lẽ ra cũng là bị trói buộc?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có hai loại giải thoát, một là dứt nhân, hai là dứt quả. Nói dứt nhân là dứt trừ phiền não. Các vị A-la-hán đã dứt trừ phiền não, các mối phiền não đều đã hoại diệt. Cho nên các nhân phiền não không thể trói buộc. Nhưng vì chưa dứt quả nên gọi là trói buộc nơi quả. Các vị A-la-hán không thấy tánh Phật. Vì không thấy tánh Phật nên không thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy có thể nói là còn trói buộc nơi quả, nhưng không thể nói là trói buộc nơi danh sắc.
“Thiện nam tử! Ví như việc thắp đèn, khi dầu chưa hết thì ánh sáng chưa mất. Nếu dầu đã cạn thì chắc chắn ánh sáng phải diệt mất. Thiện nam tử! Dầu là ví như các phiền não, đèn là ví như chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh còn có dầu phiền não nên không thể nhập Niết-bàn, nếu dứt hết phiền não ắt sẽ nhập Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Đèn và dầu là hai thứ có tánh chất khác nhau; chúng sanh và phiền não thì khác, vì chúng sanh tức là phiền não, phiền não tức là chúng sanh; chúng sanh gọi là năm ấm, năm ấm gọi là chúng sanh; năm ấm gọi là phiền não, phiền não gọi là năm ấm. Vì sao Như Lai lại ví với [việc thắp] đèn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có tám cách ví dụ. Một là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ, [gọi là thuận dụ], hai là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ, [gọi là nghịch dụ], ba là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ, [gọi là hiện dụ], bốn là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ, [gọi là phi dụ], năm là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau, [gọi là tiên dụ], sáu là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau, [gọi là hậu dụ], bảy là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề, [gọi là tiên hậu dụ], và tám là dùng sự biến đổi [tương tự của sự việc] để làm ví dụ, [gọi là biến dụ].
“Thế nào là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ? Như trong kinh dạy rằng: ‘Trời đổ mưa lớn, mương rãnh đều đầy; vì mương rãnh đầy nên các vũng nhỏ đầy; vì các vũng nhỏ đầy nên vũng lớn đầy; vì vũng lớn đầy nên suối nhỏ đầy; vì suối nhỏ đầy nên suối lớn đầy; vì suối lớn đầy nên hồ nhỏ đầy; vì hồ nhỏ đầy nên hồ lớn đầy; vì hồ lớn đầy nên sông con đầy; vì sông con đầy nên sông cái đầy; vì sông cái đầy nên biển cả đầy.
“Như Lai đổ cơn mưa pháp cũng giống như vậy, làm cho giới hạnh của chúng sanh được trọn vẹn đầy đủ; vì giới hạnh trọn vẹn đầy đủ nên tâm không hối tiếc được trọn vẹn đầy đủ; vì tâm không hối tiếc được trọn vẹn đầy đủ nên sự hoan hỷ được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự hoan hỷ được trọn vẹn đầy đủ nên hạnh xa lìa [thế tục] được trọn vẹn đầy đủ. Vì hạnh xa lìa [thế tục] được trọn vẹn đầy đủ nên sự an ổn được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự an ổn được trọn vẹn đầy đủ nên chánh định được trọn vẹn đầy đủ. Vì chánh định được trọn vẹn đầy đủ nên tri kiến chân chánh được trọn vẹn đầy đủ. Vì tri kiến chân chánh được trọn vẹn đầy đủ nên hạnh chán lìa [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ. Vì hạnh chán lìa được trọn vẹn đầy đủ nên sự chê trách [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự chê trách [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ nên giải thoát được trọn vẹn đầy đủ. Vì giải thoát được trọn vẹn đầy đủ nên Niết-bàn được trọn vẹn đầy đủ.
“Đó gọi là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ.
“Thế nào là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ? [Như nói rằng] biển cả có nguồn gốc là sông cái; sông cái có nguồn gốc là sông con; sông con có nguồn gốc là hồ lớn; hồ lớn có nguồn gốc là hồ nhỏ; hồ nhỏ có nguồn gốc là suối lớn; suối lớn có nguồn gốc là suối nhỏ; suối nhỏ có nguồn gốc là vũng lớn; vũng lớn có nguồn gốc là vũng nhỏ; vũng nhỏ có nguồn gốc là mương rãnh; mương rãnh có nguồn gốc là cơn mưa lớn.
“Niết-bàn [cũng vậy,] có nguồn gốc là giải thoát; giải thoát có nguồn gốc là chê trách [sanh tử]; chê trách [sanh tử] có nguồn gốc là chán lìa [sanh tử]; chán lìa [sanh tử] có nguồn gốc là tri kiến chân chánh; tri kiến chân chánh có nguồn gốc là chánh định; chánh định có nguồn gốc là an ổn; an ổn có nguồn gốc là hạnh xa lìa [thế tục]; hạnh xa lìa [thế tục] có nguồn gốc là hoan hỷ; hoan hỷ có nguồn gốc là tâm không hối tiếc; tâm không hối tiếc có nguồn gốc là giữ theo giới luật; giữ theo giới luật có nguồn gốc là cơn mưa Chánh pháp.
“Đó gọi là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ.
“Thế nào là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ? Như trong kinh dạy rằng: ‘Tâm tánh chúng sanh ví như loài khỉ. Tánh của loài khỉ là buông cái này chộp lấy cái kia. Tâm tánh chúng sanh cũng vậy, luôn vướng mắc vào hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp, không lúc nào tạm dừng.
“Đó gọi là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ.
“Thế nào là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ? Như xưa có lần ta bảo vua Ba-tư-nặc rằng: ‘Đại vương! Như có những kẻ thân tín từ bốn phương đến đây, thảy đều tâu rằng: Đại vương! Có bốn quả núi lớn từ bốn phương đang tiến dần lại đây, sắp hại nhân dân. Vua nghe vậy rồi nên lập kế sách gì?’ Vua đáp: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu có những quả núi tiến dần lại đây như thế thì không có chỗ nào trốn tránh được, chỉ nên hết lòng trì giới và thực hành bố thí mà thôi.’ Ta liền ngợi khen rằng: ‘Lành thay, đại vương! Ta nói bốn hòn núi ấy tức là sanh, già, bệnh, chết của chúng sanh. Sanh, già, bệnh, chết thường đến bức người, vì sao đại vương chẳng lo tu tập trì giới, bố thí?’ Vua hỏi: ‘Bạch Thế Tôn! Trì giới, bố thí được những kết quả gì?’ Ta đáp: ‘Đại vương! [Tu tập như vậy] sẽ được hưởng nhiều khoái lạc ở cõi người, cõi trời.’ Vua hỏi: ‘Bạch Thế Tôn! Như cây ni-câu-đà [nếu] trì giới, bố thí thì có được hưởng sự an ổn ở cõi người, cõi trời chăng?’ Ta đáp: ‘Đại vương! Cây ni-câu-đà không thể trì giới, bố thí. Nhưng nếu cây ấy có thể trì giới, bố thí, ắt cũng sẽ được thọ hưởng [như vậy] không khác gì.
“Đó gọi là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ.
“Thế nào là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau? Như trong kinh ta có dạy rằng: ‘Ví như có người tham đóa hoa đẹp, khi đưa tay hái lấy liền bị nước cuốn trôi. Chúng sanh cũng vậy, tham muốn ưa thích năm món dục nên bị dòng nước sanh tử cuốn trôi nhận chìm. Đó gọi là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau.
“Thế nào là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau? Như trong kinh Pháp cú có kệ rằng:
Chớ khinh tội nhỏ,
Cho rằng không hại;
Giọt nước tuy nhỏ,
Dần đầy hồ to!
“Đó gọi là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau.
“Thế nào là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề? Ví như cây chuối sau khi trổ buồng rồi ắt phải chết. Kẻ ngu được lợi dưỡng cũng giống như vậy. Lại như con la mang thai thì mạng sống chẳng còn bao lâu! [Đó gọi là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề.]
“Thế nào là dùng sự biến đổi tương tự của sự việc để làm ví dụ? Như trong kinh có nói: ‘Cõi trời Ba mươi ba có cây ba-lỵ-chất-đa, rễ cây ăn xuống đất sâu đến năm do-diên, bề cao một trăm do-diên; cành lá tỏa ra bốn phía che phủ năm mươi do-diên; lá già úa chuyển sang màu vàng, chư thiên nhìn thấy liền sanh tâm vui vẻ. Không bao lâu thì lá rụng, chư thiên nhìn lá rụng lại sanh tâm vui vẻ. Rồi không bao lâu cành cây cũng đổi màu. Khi cành cây đổi màu, chư thiên [nhìn thấy cũng] lại sanh tâm vui vẻ. Rồi không bao lâu màu sắc này cũng mất, cành sanh nụ hoa. Nhìn thấy nụ hoa, chư thiên lại sanh tâm vui vẻ. Chẳng bao lâu, nụ hoa sanh ra búp hoa. Nhìn thấy búp hoa, chư thiên lại sanh ra vui vẻ. Rồi không bao lâu, búp nở ra hoa. Khi hoa nở hương thơm bay xa đến năm mươi do-diên, ánh sáng chiếu xa tới tám mươi do-diên. Bấy giờ, trong ba tháng mùa hạ chư thiên ở dưới cây ấy mà thọ hưởng mọi sự khoái lạc.
“Thiện nam tử! Các đệ tử của ta cũng giống như vậy. Lá màu vàng là ví như những đệ tử có ý muốn xuất gia. Lá rụng là ví như những đệ tử cạo bỏ râu tóc. Cành cây đổi màu là ví như các đệ tử bạch Tứ yết-ma, thọ giới cụ túc. Thoạt tiên sanh ra nụ hoa là ví như các đệ tử phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Búp hoa là ví như các vị Bồ Tát hàng Thập trụ được thấy tánh Phật. Hoa nở là ví như các vị Bồ Tát đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hương thơm là ví như vô lượng chúng sanh mười phương thọ trì giới cấm. Ánh sáng là ví như danh hiệu Như Lai rộng truyền khắp mười phương không gì ngăn ngại. Ba tháng mùa hạ là ví như ba pháp Tam-muội. Chư thiên ở cảnh trời Ba mươi ba thọ hưởng khoái lạc là ví như chư Phật nơi cảnh giới Đại Niết-bàn được các đức thường, lạc, ngã, tịnh.
“Đó gọi là dùng sự biến đổi [tương tự của sự việc] để làm ví dụ.
“Thiện nam tử! Khi dẫn ra các ví dụ, không nhất thiết phải dùng trọn hết ý nghĩa. Có khi chỉ dùng một phần nhỏ, hoặc có khi dùng một phần lớn, cũng có khi dùng trọn. Như nói khuôn mặt Như Lai ví như vầng trăng tròn, đó là chỉ dùng một phần nhỏ [ý nghĩa của ví dụ].
“Thiện nam tử! Ví như có người chưa từng thấy sữa, hỏi người khác rằng: ‘Sữa là món gì vậy?’ Người kia đáp rằng: ‘Sữa giống như nước, như đường, như vỏ sò.’ Dùng nước là [để nêu nghĩa] chất lỏng, dùng đường là [để nêu nghĩa] vị ngọt, dùng vỏ sò là [để nêu nghĩa có] màu [trắng đục]. Tuy dẫn ra ba ví dụ, nhưng vẫn chưa phải thật là sữa.
“Thiện nam tử! Ta dùng đèn làm ví dụ để so với chúng sanh, cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi nước thì không có con sông; lìa khỏi năm ấm thì không thể riêng có chúng sanh.
“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi thùng xe, trục, bánh, nan hoa, vành... thì không riêng có cái xe. Chúng sanh [và năm ấm] cũng giống như thế.
“Thiện nam tử! Nếu muốn nhận hiểu được ví dụ cây đèn, hãy lắng nghe, lắng nghe thật kỹ. Ta sẽ giảng giải.
“Tim đèn là ví như hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu; dầu để thắp đèn là ví như ái dục; ánh sáng là ví như trí tuệ; phá tan sự tăm tối là ví như phá trừ vô minh; hơi nóng là ví như các Thánh đạo.
“Như dầu hết thì đèn tắt; ái dục của chúng sanh vừa dứt liền thấy được tánh Phật. [Khi ấy,] tuy có danh sắc cũng không thể trói buộc được, tuy ở trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu nhưng không bị những cảnh giới ấy làm cho ô nhiễm.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Năm ấm của chúng sanh vốn là không, không thuộc về ai cả, vậy ai là người nhận sự giáo hóa, tu tập Chánh đạo?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có tâm nhớ nghĩ, tâm trí tuệ, tâm phát khởi, tâm chuyên cần tinh tấn, tâm tin nhận, tâm an định. Các pháp như vậy tuy nối nhau diệt mất trong từng niệm tưởng, nhưng vì có sự tương tự, tiếp nối nhau không dứt cho nên gọi là [có người] tu tập Chánh đạo.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Các pháp ấy đều diệt mất trong mỗi một niệm. Sự diệt mất trong mỗi một niệm ấy cũng tương tự, tiếp nối nhau không dứt, vậy làm sao tu tập?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ngọn đèn kia tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng vẫn có ánh sáng phá tan sự tăm tối. Tất cả các pháp như tâm nhớ nghĩ v.v... cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Như món ăn của chúng sanh, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng giúp cho kẻ đói được no lòng. Ví như phương thuốc hay, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng có thể làm cho khỏi bệnh. Ánh sáng mặt trời mặt trăng, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng có thể làm tăng trưởng cỏ cây rừng rậm.
“Thiện nam tử! Ông có hỏi rằng: ‘Nối nhau diệt mất trong từng niệm, làm sao [tu tập] tăng trưởng?’ [Đó là] vì tâm thức không dứt đoạn nên gọi là tăng trưởng.
“Thiện nam tử! Như người tụng đọc kinh sách, từng chữ từng câu không thể cùng lúc; câu trước chẳng đến câu giữa, câu giữa chẳng đến câu sau; người với câu chữ cũng như tâm tưởng đều nối nhau diệt mất trong từng niệm tưởng. Nhưng tu tập lâu ngày thì vẫn được thông thuộc.
“Thiện nam tử! Ví như người thợ kim hoàn, từ nhỏ tập làm nghề cho đến lúc tuổi già; tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất, niệm trước chẳng đến niệm sau, nhưng do sự tích chứa quen thuộc [lâu ngày] nên tay nghề thật khéo léo, hoàn hảo. Do đó mới được khen là thợ kim hoàn giỏi. Người đọc tụng kinh sách cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như hạt giống kia, đất không dạy rằng: ‘Mày phải sanh mầm’, nhưng do tánh [tự nhiên] của pháp [là như vậy] nên mầm tự nhiên sanh. Đến như hoa kia cũng không dạy rằng: ‘Mày phải kết quả.’ Nhưng do tánh [tự nhiên] của pháp [là như vậy] nên quả tự nhiên sanh. Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như phép đếm số, một chẳng đến hai, hai chẳng đến ba, tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất nhưng vẫn [đếm được] đến số ngàn, số vạn... Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như ngọn đèn, trong mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất. Ngọn lửa trước, khi diệt mất không bảo ngọn lửa sau rằng: ‘Khi ta diệt thì mày phải sanh ra để xua tan bóng tối.’ [Nhưng do tánh tự nhiên của pháp là như vậy nên ánh sáng vẫn tự nhiên nối tiếp nhau mà xua tan được bóng tối.]
“Thiện nam tử! Ví như con nghé vừa sanh ra liền tìm vú sữa mà bú. Cái trí khôn biết tìm vú sữa đó thật không do ai dạy bảo. Tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất, nhưng [thật có] trước đói, sau no. Cho nên phải biết rằng, [việc trước việc sau] chẳng phải tương tự; nếu là tương tự thì lẽ ra chẳng sanh khác biệt. Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy; ban đầu chưa có sự tăng trưởng, nhưng nhờ tu lâu mà có thể phá trừ tất cả phiền não!”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Người đã chứng quả Tu-đà-hoàn rồi, tuy sanh vào cõi nước xấu ác cũng vẫn giữ giới, không phạm vào những việc giết hại, trộm cắp, dâm loạn, nói đâm thọc, uống rượu say.’ Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn đã diệt mất ở cõi này, không đến nơi cõi nước xấu ác kia. Việc tu tập đạo pháp cũng thế, không hề đến cõi nước xấu ác kia. Nếu là tương tự, vì sao chẳng sanh nơi cõi nước thanh tịnh nhiệm mầu? Nếu năm ấm ở cõi nước xấu ác kia chẳng phải là năm ấm [trước đây] của vị Tu-đà-hoàn, vì sao [có được khả năng] không tạo nghiệp ác?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh nơi cõi nước xấu ác vẫn không mất đi danh hiệu Tu-đà-hoàn. Vì năm ấm [trước và sau] không tương tự nên ta mới dẫn trường hợp con nghé làm ví dụ. Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh vào cõi nước xấu ác, nhưng do có đạo lực nên không tạo các nghiệp ác.
“Thiện nam tử! Ví như ở Hương sơn, vì có sư tử chúa nên không có dấu vết của tất cả các loài chim thú, vì chẳng con nào dám đến gần. Có khi sư tử chúa ấy bỏ đi vào trong Tuyết sơn, nhưng tất cả các loài chim thú vẫn không dám đến đó. Vị Tu-đà-hoàn cũng vậy, tuy không tu tập đạo pháp, nhưng nhờ đạo lực nên không tạo các nghiệp ác.
“Thiện nam tử! Ví như có người uống nước cam lộ. Tuy cam lộ ấy tiêu mất rồi nhưng do năng lực của nó nên người ấy được sống lâu không chết.
“Thiện nam tử! Như ở núi Tu-di có vị thuốc rất hay tên là Lăng-già-lỵ. Người uống thuốc ấy, tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất nhưng nhờ năng lực của thuốc nên không phải chịu sự bệnh hoạn khổ não.
“Thiện nam tử! Ví như chỗ ngồi của vị Chuyển luân vương, tuy lúc vắng mặt vua cũng không ai dám đến gần. Vì sao vậy? Vì oai lực của nhà vua.
“Vị Tu-đà-hoàn cũng vậy, tuy sanh nơi cõi nước xấu ác, không tu tập đạo pháp, nhưng do đạo lực [từ trước] nên không hề tạo các nghiệp ác.
“Thiện nam tử! Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn thật đã diệt mất ở cõi này; tuy sanh năm ấm khác, nhưng vẫn không mất đi [năm] ấm của Tu-đà-hoàn.
“Thiện nam tử! Như chúng sanh vì muốn được [ăn] quả nên đối với hạt giống làm đủ mọi điều khó nhọc như bón phân, chăm sóc, tưới nước... Trong khi chưa được ăn quả, hạt giống đã diệt mất. Nhưng cũng có thể nói rằng, nhân nơi hạt giống mà có được quả. Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn cũng vậy.
“Thiện nam tử! Ví như người giàu có, nhiều tiền của, nhưng chỉ có một đứa con trai duy nhất. Ông qua đời trước người con trai. Người con trai này lại có một đứa con trai đang ở nước khác. Ít lâu sau, thình lình người con trai cũng qua đời. Đứa cháu nội của người nhà giàu ấy nghe tin liền trở về thừa kế sản nghiệp. Tuy biết rằng của cải ấy chẳng phải do anh ta làm ra, nhưng khi anh ta nhận lấy thì không ai ngăn cản. Vì sao vậy? Vì là con cháu trong dòng họ. Vị Tu-đà-hoàn [với năm ấm đã từng tu tập] cũng giống như vậy.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Như Phật có nói kệ:
Nếu tỳ-kheo tu tập
Giới, định và trí tuệ;
Vị ấy không thối chuyển,
Gần gũi Đại Niết-bàn.
“Bạch Thế Tôn! Thế nào là tu giới? Thế nào là tu định? Thế nào là tu trí tuệ?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như có người thọ trì giới cấm chỉ vì sự lợi ích riêng mình, muốn được hưởng khoái lạc trong hai cõi trời, người, không phải vì sự độ thoát tất cả chúng sanh, không vì sự ủng hộ Chánh pháp Vô thượng; chỉ vì sự lợi dưỡng, vì sợ sệt ba đường ác; vì muốn được mạng sống, hình sắc, thế lực, sự an ổn, tài biện thuyết hơn người; vì sợ phép vua luật nước, vì sợ tiếng tăm xấu ác, vì sự nghiệp thế tục... Người giữ giới [vì những nguyên nhân] như vậy không được gọi là tu tập giới.
“Thiện nam tử! Thế nào gọi là tu tập giới một cách chân chánh? Nếu khi thọ trì giới cấm vì độ thoát tất cả chúng sanh, vì ủng hộ Chánh pháp; vì hóa độ những ai chưa được hóa độ, giải thoát cho những ai chưa được giải thoát, làm cho những ai chưa quy y [Tam bảo] quay về quy y, những ai chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn; trong khi tu tập như vậy lại không thấy có giới cấm, không thấy có hình tướng của giới, không thấy có người giữ giới, không thấy có quả báo, không thấy có sự hủy phạm giới. Thiện nam tử! Nếu có thể [tu tập trì giới] như vậy, đó gọi là tu tập giới [một cách chân chánh].
“Sao gọi là tu tập định? Như người tu định là vì muốn độ thoát lấy mình, vì lợi dưỡng; chẳng vì chúng sanh, không vì sự hộ trì Chánh pháp; vì thấy những lỗi lầm [tai hại] của tham dục, thức ăn nhơ nhớp và sự bất tịnh của nam căn, nữ căn, của chín lỗ trong thân; [vì thấy những sự] tranh đấu, kiện tụng, đánh, đâm, sát hại lẫn nhau. Nếu vì những nguyên nhân ấy mà tu định thì không gọi là tu tập định [chân chánh].
“Thiện nam tử! Sao gọi là tu tập định một cách chân chánh? Nếu vì chúng sanh mà tu tập định, được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh; vì muốn giúp cho chúng sanh được pháp không thối chuyển; vì muốn cho chúng sanh được tâm của bậc thánh; vì muốn cho chúng sanh đạt được Đại thừa; vì muốn hộ trì Chánh pháp Vô thượng; vì muốn giúp cho chúng sanh không thối chuyển tâm Bồ-đề; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được phép định Thủ-lăng-nghiêm; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được phép định Kim cang; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được Đà-la-ni; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được Bốn pháp vô ngại; vì muốn giúp cho chúng sanh thấy được tánh Phật; trong khi tu tập những công hạnh như vậy lại không thấy có định, không thấy có hình tướng của định, không thấy người tu tập, không thấy có quả báo. Thiện nam tử! Nếu có thể [tu tập] như vậy, đó gọi là tu tập định [một cách chân chánh].
“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Như người tu hành có ý nghĩ rằng: ‘Nếu ta tu tập trí tuệ như thế này, ắt sẽ được giải thoát, ra khỏi ba đường ác. Ai là người có thể làm lợi ích tất cả chúng sanh? Ai là người có thể cứu độ mọi người thoát khỏi đường sanh tử? Đức Phật ra đời thật khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát, nay ta có khả năng dứt trừ được mọi phiền não trói buộc, đạt được quả vị giải thoát, vậy ta phải siêng năng tu tập trí tuệ để mau chóng dứt trừ phiền não, mau chóng được độ thoát.’ Nếu tu tập như thế thì không gọi là tu tập trí tuệ [chân chánh].
“Sao gọi là tu tập trí tuệ một cách chân chánh? Người trí nếu quán xét rằng: ‘Sanh, già, chết đều là khổ. Tất cả chúng sanh bị vô minh che lấp nên không biết tu tập Chánh đạo vô thượng. Ta nguyện đem thân này thay thế tất cả chúng sanh chịu sự khổ não cùng cực. Nguyện cho những tâm bần cùng, hạ tiện, phá giới và những nghiệp tham lam, sân hận, si mê của tất cả chúng sanh thảy đều tụ tập vào thân ta! Nguyện cho chúng sanh không khởi tâm tham lam, bám giữ, không bị danh sắc trói buộc! Nguyện cho tất cả chúng sanh sớm vượt ra khỏi vòng sanh tử, dù riêng mình ta ở lại trong sanh tử cũng không chán ngán! Nguyện cho tất cả đều đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’ Trong khi tu tập như vậy, không thấy có trí tuệ, không thấy có hình tướng của trí tuệ, không thấy có người tu, không thấy có quả báo. Như thế gọi là tu tập trí tuệ [chân chánh].
“Thiện nam tử! Người tu tập [một cách chân chánh] giới, định, trí tuệ như vậy gọi là Bồ Tát. Ai không thể tu tập giới, định, tuệ như vậy gọi là Thanh văn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Sao lại gọi là tu tập giới? Là có thể phá trừ mười sáu điều xấu ác của tất cả chúng sanh. Những gì là mười sáu? Một là vì lợi mà nuôi dê con hay dê, đến khi béo mập thì bán đi. Hai là vì lợi mà mua những con dê ấy về giết thịt. Ba là vì lợi mà nuôi lợn con hoặc lợn, đến khi béo mập thì bán đi. Bốn là vì lợi mà mua những con lợn ấy về giết thịt. Năm là vì lợi mà nuôi bò hoặc nghé con, đến khi béo mập thì bán đi. Sáu là vì lợi mà mua những con bò ấy về giết thịt. Bảy là vì lợi mà nuôi gà cho béo mập rồi bán. Tám là vì lợi mà mua gà về giết thịt. Chín là câu cá. Mười là săn bẫy thú. Mười một là cướp giật. Mười hai là làm kẻ đao phủ hành hình đồng loại. Mười ba là giăng lưới bắt chim. Mười bốn là nói hai lưỡi [cố ý gây chia rẽ]. Mười lăm là làm kẻ cai ngục [hành hạ người một cách phi lý]. Mười sáu là học dùng bùa chú [tà vạy] để bắt các loài rồng, rắn... [làm vui].
“Nếu ai có thể vì chúng sanh trừ dứt mười sáu nghiệp ác đó thì gọi là tu tập giới.
“Sao gọi là tu tập định? Là có thể dứt trừ tất cả các phép định của thế gian, chẳng hạn như: phép định Vô thân, có thể khiến chúng sanh khởi tâm điên đảo, cho đó là Niết-bàn; các phép định Hữu vô biên tâm, Tịnh tụ, Thế biên, Thế đoạn, Thế tánh, Thế trượng phu, Phi tưởng phi phi tưởng. Những phép định ấy khiến cho chúng sanh khởi tâm điên đảo, cho đó là Niết-bàn. Nếu ai có thể dứt trừ vĩnh viễn những phép định [thế gian] như thế thì gọi là tu tập định [một cách chân chánh].
“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Là có thể phá trừ những sự thấy biết xấu ác của thế gian. Tất cả chúng sanh đều có sự thấy biết xấu ác, chẳng hạn như thấy sắc đó tức là ngã, cũng là những vật của ta; hoặc thấy trong sắc có ngã, trong ngã có sắc... Cho đến đối với thức cũng thấy biết như vậy. Hoặc thấy rằng cái thường còn là ngã; tuy sắc diệt mất nhưng ngã vẫn còn. Hoặc thấy rằng sắc tức là ngã, nên sắc diệt mất thì ngã diệt mất. Lại như có người nói: ‘Người tạo tác là ngã, người thọ nhận là sắc.’ Hoặc có người nói: ‘Người tạo tác là sắc, người thọ nhận là ngã.’ Hoặc có người nói: ‘Không có tạo tác, không có thọ nhận, tự sanh tự diệt, thảy đều không có nhân duyên.’ Hoặc có người nói: ‘Không có tạo tác, không có thọ nhận, hết thảy đều do đấng Tự tại làm ra.’ Hoặc như có người nói: ‘Không có người tạo tác, không có người thọ nhận, thảy đều do thời tiết làm ra.’ Hoặc có người lại nói: ‘Người tạo tác, kẻ thọ nhận đều là không có. Chỉ có Năm đại như đất, nước v.v... [hợp lại] gọi là chúng sanh.
“Thiện nam tử! Nếu ai phá trừ được những sự thấy biết xấu ác đó của tất cả chúng sanh thì gọi là tu tập trí tuệ.
“Thiện nam tử! Tu tập giới là làm cho thân được vắng lặng an tĩnh. Tu tập định là làm cho tâm được vắng lặng an tĩnh. Tu tập trí là trừ diệt lòng nghi ngờ. Trừ diệt lòng nghi ngờ là để tu tập theo đạo. Tu tập đạo là để thấy tánh Phật. Thấy tánh Phật là để đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là để đạt đến Vô thượng Đại Niết-bàn. Đạt đến Đại Niết-bàn là để dứt trừ tất cả sanh tử của chúng sanh, dứt trừ tất cả phiền não, dứt trừ tất cả các cảnh giới hiện hữu, dứt trừ tất cả các giới, [cho đến] dứt trừ tất cả các chân lý. Dứt trừ tất cả từ sanh tử cho đến các chân lý là để đạt được các pháp thường, lạc, ngã, tịnh.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Nếu không sanh không diệt thì gọi là Đại Niết-bàn. Pháp sanh ra đó cũng là không sanh không diệt như vậy, tại sao chẳng được gọi là Niết-bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Pháp sanh ấy tuy cũng là không sanh không diệt, nhưng lại có khởi đầu, có kết thúc.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Pháp sanh tử cũng không có khởi đầu, không có kết thúc. Nếu không có khởi đầu, không có kết thúc thì gọi là thường tồn. Thường tức là Niết-bàn, vì sao không gọi sanh tử là Niết-bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Pháp sanh tử ấy đều có nhân quả. Vì có nhân quả nên không gọi là Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì bản thể của Niết-bàn là không có nhân quả.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Niết-bàn đó cũng có nhân quả. Như Phật có nói kệ rằng:
Do nhân mà sanh cõi trời,
Do nhân mà đọa đường ác,
Do nhân mà được Niết-bàn,
Nên tất cả đều có nhân.
“Như lúc trước, Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nay ta sắp nói về đạo quả của sa-môn. Sa-môn là người có thể tu tập đầy đủ giới, định, trí tuệ. Đạo, là Tám Thánh đạo. Quả của sa-môn là nói Niết-bàn.
“Bạch Thế Tôn! Niết-bàn là như vậy, há chẳng phải quả sao? Vì sao Phật nói rằng: ‘Bản thể của Niết-bàn là không có nhân quả?’”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Chỗ tuyên thuyết của ta về nhân Niết-bàn đó, là nói tánh Phật. Tánh của tánh Phật không sanh ra Niết-bàn. Cho nên ta nói Niết-bàn không có nhân. Vì có thể phá trừ phiền não nên gọi là quả lớn; vì không do đạo mà sanh ra nên gọi là không có quả. Cho nên Niết-bàn là không có nhân, không có quả.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Tánh Phật của chúng sanh là chung nhau hay mỗi người đều riêng có? Nếu là chung nhau, thì khi một người đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lẽ ra tất cả chúng sanh cũng đều đạt được!
“Bạch Thế Tôn! Ví như hai mươi người có chung một mối oán thù. Nếu một người trừ được mối oán thù đó, mười chín người kia cũng được dứt trừ. Tánh Phật cũng vậy, khi một người đạt được, những người khác lẽ ra cũng đều đạt được!
“Còn nếu mỗi người đều riêng có, ắt phải là vô thường. Vì sao vậy? Vì [là pháp] tính đếm được. Nhưng Phật có dạy: ‘Tánh Phật của chúng sanh không phải một, không phải hai.’ Nếu mỗi người đều riêng có, lẽ ra không thể nói rằng: ‘Chư Phật là bình đẳng.’ Cũng không thể nói rằng: ‘Tánh Phật như hư không.’”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh không phải một, không phải hai. Chư Phật là bình đẳng, giống như hư không. Tất cả chúng sanh đồng có chung tánh Phật; nếu ai có thể tu tập Tám Thánh đạo, nên biết rằng người ấy sẽ được thấy rõ.
“Thiện nam tử! Nơi Tuyết sơn có một thứ cỏ tên là nhẫn nhục. Nếu bò ăn cỏ ấy thì [sữa của nó hóa] thành đề-hồ. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như Phật nói cỏ nhẫn nhục đó, vậy chỉ có một hay là có nhiều? Nếu chỉ có một, bò ăn rồi ắt phải hết. Nếu cỏ ấy có nhiều, làm sao nói rằng tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy?
“Như lời Phật dạy: ‘Nếu ai tu tập Tám Thánh đạo ắt sẽ thấy tánh Phật.’ Nghĩa ấy chẳng đúng! Vì sao vậy? Nếu đạo là một, như cỏ nhẫn nhục, lẽ ra phải [có lúc] hết. Như đạo ấy [có thể] hết thì một người tu rồi, những người khác ắt không còn [đạo] để tu! Nếu đạo là nhiều, làm sao có thể nói rằng tu tập đầy đủ? [Người tu tập thành đạo rồi] cũng không thể gọi là [thành tựu] Nhất thiết chủng trí!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như con đường bằng thẳng, tất cả chúng sanh đều đi trên đường, không có chướng ngại. Giữa đường có cây lớn che bóng mát, người đi đường đều dừng lại nghỉ ngơi dưới đó. Bóng mát của cây ấy là thường tồn, không biến đổi, không tiêu mất, không ai mang đi được.
“Con đường ấy ví như [Tám] Thánh đạo, bóng mát của cây ví như tánh Phật.
“Thiện nam tử! Ví như thành lớn chỉ có một cửa. Tuy có nhiều người do cửa ấy mà ra vào, cũng không ai [thấy] chướng ngại, không ai [có thể] tháo dở [cửa ấy] mang đi.
“Thiện nam tử! Ví như cây cầu bắc ngang sông, [nhiều] người đi trên đó cũng không ai bị ngăn cản, cũng không ai [có thể] tháo dở [cây cầu ấy] mang đi.
“Thiện nam tử! Ví như vị lương y trị đủ các bệnh, không ai có thể ngăn cản ép buộc vị ấy phải trị nơi này, bỏ nơi kia. Các Thánh đạo và tánh Phật cũng giống như vậy.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những ví dụ vừa dẫn ra đó, ý nghĩa chẳng đúng. Vì sao vậy? Kẻ đi trước trên đường làm ngăn trở kẻ đi sau, vì sao nói rằng không có chướng ngại? Các ví dụ khác cũng đều như thế. Nếu Thánh đạo và tánh Phật là như vậy, thì một người đang tu lẽ ra phải làm ngăn trở những người khác!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Lời ông nói đó là không hợp nghĩa. Ví dụ con đường mà ta dẫn ra là loại ví dụ chỉ lấy một phần ý nghĩa, không phải tất cả.
“Thiện nam tử! Như đường đi của thế gian ắt phải có chướng ngại, chỗ này khác với chỗ kia, không hề giống nhau. Con đường vô lậu không giống như vậy, có thể khiến chúng sanh không có chướng ngại, bình đẳng không hai, không có chỗ ngăn trở, không có chỗ này khác với chỗ kia. Con đường Chánh đạo như vậy có thể làm nhân thành tựu cho tánh Phật của tất cả chúng sanh, chẳng phải [thuộc loại] nhân sanh ra. Cũng như ngọn đèn soi sáng rõ mọi vật, [thật không hề sanh ra mọi vật, nhưng nhờ nó mà người ta thấy được rõ ràng mọi vật.]
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều [có] vô minh làm nhân duyên với hành, không thể nói rằng: ‘Vô minh của một người đã là nhân duyên với hành rồi thì những người khác lẽ ra là không.’ Tất cả chúng sanh đều có vô minh làm nhân duyên với hành. Cho nên nói rằng: ‘Đối với Mười hai nhân duyên, tất cả [chúng sanh] đều bình đẳng.’ Chánh đạo vô lậu mà chúng sanh tu tập cũng giống như vậy, đều dứt trừ mọi phiền não là nhân sanh vào các cảnh giới hiện hữu. Vì nghĩa ấy nên gọi là bình đẳng. Như người đã chứng đắc thì sự thấy biết chỗ này hay chỗ kia đều không có chướng ngại. Đó gọi là Nhất thiết chủng trí.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh không phải cùng một loại thân, hoặc mang thân người, hoặc thân súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Như vậy là nhiều thân khác nhau, chẳng phải một loại; vì sao nói rằng tánh Phật là một?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người bỏ thuốc độc vào sữa. Từ sữa cho đến đề-hồ, thảy đều có độc. Sữa không gọi là kem sữa, kem sữa không gọi là sữa; cho đến đề-hồ cũng vậy. Tên gọi tuy thay đổi nhưng tánh độc vẫn không mất. Trong cả năm món [chế biến từ sữa ấy] thảy đều có độc. Như ăn món đề-hồ có thể bỏ mạng, nhưng thật ra [thì người kia] không bỏ thuốc độc vào đề-hồ! Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy, tuy ở trong Năm đường, thọ lấy các thân khác nhau, nhưng tánh Phật ấy vẫn là một, thường không biến đổi.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Trong mười sáu nước lớn có sáu thành lớn là Xá-bà-đề, Bà-chỉ-đa, Chiêm-bà, Tỳ-xá-ly, Ba-la-nại và Vương-xá. Sáu thành ấy hiện là lớn nhất đời nay, vì sao Như Lai bỏ những thành ấy mà đến chốn hẻo lánh tồi tàn chật hẹp là thành Câu-thi-na này để nhập Niết-bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông chớ nên nói rằng thành Câu-thi-na này là chốn hẻo lánh tồi tàn chật hẹp, mà nên nói rằng: ‘Thành này được trang nghiêm bởi công đức vi diệu.’ Vì sao vậy? Vì đây là chỗ đi đến của chư Phật, Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Như nhà của kẻ nghèo hèn, nếu có vua ghé qua thì nên khen ngợi là trang nghiêm tốt đẹp, thành tựu phước đức, nên mới có thể khiến đức vua xa giá ngự đến.
“Thiện nam tử! Như một người đang bệnh nặng, uống một vị thuốc xấu tệ. Uống xong liền khỏi bệnh. Người ấy liền lấy làm vui vẻ, khen rằng: ‘Vị thuốc này là nhiệm mầu kỳ diệu nhất, có thể giúp ta khỏi bệnh!’
“Thiện nam tử! Như người đi thuyền giữa biển cả, bỗng nhiên thuyền chìm, không biết bám vào đâu. Rồi nhờ bám lấy một cái xác chết mà [sống sót] vào được trong bờ. Khi vào bờ rồi, người ấy lấy làm vui mừng, ngợi khen xác chết ấy rằng: ‘Ta nhờ gặp xác chết này mới được bình an.’
“Thành Câu-thi-na này cũng vậy, thật là chỗ chư Phật, Bồ Tát đi đến, sao lại gọi là nơi hẻo lánh tồi tàn chật hẹp?
“Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa, cách nay vô số kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào một kiếp tên là Thiện Giác, có vị Thánh vương họ Kiều-thi-ca đầy đủ bảy món báu và một ngàn người con trai. Vua ấy bắt đầu tạo lập thành này, hai bề ngang dọc đều rộng mười hai do-diên, trang nghiêm bằng bảy món báu. Trong vùng này có nhiều con sông nước chảy hiền hòa, trong trẻo và ngọt mát. Đó là các sông Ni-liên-thiền, Y-la-bạt-đề, Hy-liên-thiền, Y-sưu-vị-viên, Tỳ-bà-xá-na... Tất cả có đến năm trăm con sông [như vậy]. Dọc theo ven sông, ở hai bờ đều có cây cối rậm rạp, hoa quả tươi ngon.
“Thuở ấy, nhân dân sống lâu vô cùng. Bấy giờ, vị Chuyển luân Thánh vương đã sống qua một trăm năm rồi liền nói rằng: ‘Theo lời Phật dạy thì tất cả các pháp đều vô thường. Nếu ai có thể tu tập Mười điều lành ắt dứt trừ được nỗi khổ vô thường lớn lao đó.’ Nhân dân nghe được lời ấy, thảy đều cùng nhau kính cẩn tu tập theo Mười điều lành.
“Thuở ấy, ta được nghe danh hiệu Phật, thọ trì Mười điều lành, suy xét và tu tập, lần đầu tiên khởi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Phát tâm như vậy rồi, ta lại đem pháp ấy mà truyền dạy cho khắp vô lượng vô biên chúng sanh, rằng tất cả các pháp đều là vô thường, biến đổi, hư hoại.
“Cho nên nay ta trở lại xứ này, cũng dạy rằng các pháp là vô thường, biến đổi, hư hoại, chỉ riêng nói rằng thân Phật là pháp thường trụ mà thôi!
“Ta nhớ lại nhân duyên thuở trước đã từng đến đây, nên ngày nay mới đến nơi này mà nhập Niết-bàn, cũng là báo đáp ơn xưa của vùng đất này. Vì nghĩa ấy, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Là đệ tử Phật, khi đã thọ ân thì phải lo việc báo đáp.’
“Lại nữa, thiện nam tử! Thuở xưa, chúng sanh sống lâu đến vô lượng tuổi. Bấy giờ, thành này tên là Câu-xá-bạt-đề, ngang dọc đều rộng năm mươi do-diên. Thuở ấy, trong cõi Diêm-phù-đề, dân cư làng mạc kế cận nhau, gần gũi như trong tầm bay của con gà. Có một vị Chuyển luân vương tên là Thiện Kiến, có đủ bảy món báu và một ngàn người con trai, cai trị khắp Bốn cõi thiên hạ. Vị thái tử lớn nhất của ngài nhờ [tu tập] suy xét Chánh pháp mà đắc quả Phật Bích-chi.
“Thuở ấy, vị Chuyển luân vương sau khi thấy thái tử của mình thành Phật Bích-chi, oai nghi sáng rỡ, thần thông ít có, liền thản nhiên từ bỏ ngôi vua như người ta nhổ bãi nước bọt, đến xuất gia giữa rừng cây sa-la này. Trong suốt tám vạn năm ngài tu tập tâm từ. Rồi đối với các tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, ngài cũng tu tập mỗi tâm trong suốt tám vạn năm như vậy.
“Thiện nam tử! Thánh vương Thiện Kiến thuở ấy nay chính là ta đây. Cho nên ngày nay ta thường ưa thích an trụ trong bốn pháp từ, bi, hỷ, xả. Bốn pháp ấy gọi là Tam-muội. Vì nghĩa ấy, thân Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, hôm nay ta đến tại thành Câu-thi-na này, giữa rừng cây sa-la mà vào Chánh định.
“Thiện nam tử! Ta lại nhớ thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, thành này tên là Ca-tỳ-la-vệ. Vua trong thành tên là Bạch Tịnh, phu nhân của vua tên là Ma-da. Vua có một con trai tên là Tất-đạt-đa. Thuở ấy, thái tử không cần thầy dạy, tự mình suy xét mà thành tựu chánh quả Vô thượng Bồ-đề. Ngài có hai đệ tử là Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, vị đệ tử thị giả tên là A-nan. Thuở ấy, đức Thế Tôn ở giữa hai cây [sa-la] mọc sóng đôi mà diễn thuyết kinh Đại Niết-bàn này.
“Thuở ấy ta ở trong pháp hội, được nghe giảng pháp, rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Ta nghe như vậy rồi, đối với đạo Bồ-đề liền được địa vị không còn thối chuyển, bèn tự phát nguyện rằng: ‘Nguyện trong đời vị lai, khi ta thành Phật thì cha mẹ, quốc độ, danh hiệu, đệ tử, người thị giả, cho đến việc thuyết pháp giáo hóa đều giống hệt như đức Thế Tôn hiện nay, không có gì khác. Vì nhân duyên ấy, nay ta đến tại nơi này rộng bày giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Khi ta mới xuất gia, chưa chứng đắc quả Phật, vua Tần-bà-sa-la có sai sứ đến nói rằng: ‘Nếu Thái tử Tất-đạt-đa lên ngôi Thánh vương, tôi sẽ làm phận bầy tôi. Nếu ngài không thích sống đời thế tục thì khi thành Chánh quả, nguyện đến thành Vương-xá này trước hết để thuyết pháp độ người, thọ lễ cúng dường của tôi!’ Bấy giờ, ta im lặng nhận lời thỉnh nguyện ấy.
“Thiện nam tử! Khi vừa mới thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ta đi về phía nước Kiệt-xà. Bấy giờ, ở vùng sông Y-liên-thiền có người Bà-la-môn họ Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử ở bên sông ấy cầu đạo vô thượng. Ta vì người ấy nên đến thuyết pháp.
“Ca-diếp nói rằng: ‘Cồ-đàm! Nay tôi già yếu, đã một trăm hai mươi tuổi. Nhân dân nước Ma-già-đà cho đến Đại vương Tần-bà-sa-la đều cho rằng tôi đã chứng quả A-la-hán. Nay nếu tôi ở trước mặt ông mà nghe và thọ nhận giáo pháp, e rằng hết thảy nhân dân sẽ nghĩ ngược lại rằng: ‘Đại đức Ca-diếp chẳng phải là bậc A-la-hán sao?’ Cồ-đàm! [Vì thế tôi] cầu xin ông hãy mau đi đến xứ khác! Nếu nhân dân ở đây biết chắc rằng Cồ-đàm có công đức hơn tôi, thì bọn chúng tôi không do đâu mà nhận được sự cúng dường [của nhân dân] nữa!’
“Khi ấy ta đáp rằng: ‘Ca-diếp! Nếu ông không quá lo lắng rằng ta là kẻ nhiều sân hận, xin vui lòng cho ta ngụ lại một đêm, sáng mai sẽ đi sớm.’
“Ca-diếp nói: ‘Cồ-đàm! Tôi không có ý gì khác, cũng rất yêu mến ngài. Chỉ có điều là nơi tôi ở đây có một con rồng độc, tánh rất hung bạo, e nó sẽ làm hại ngài.’
“Ta đáp: ‘Ca-diếp! Trong tất cả các thứ độc không gì hơn Ba độc! Ta nay đã dứt trừ [ba độc ấy] rồi, các thứ độc của thế gian ta không hề sợ.’
“Ca-diếp nói: ‘Nếu ngài không sợ thì tốt lắm, xin mời ở lại.’
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, vì muốn hóa độ Ca-diếp nên ta hiện ra mười tám cách biến hóa như trong kinh [A-hàm] có nói. Khi ấy, Ca-diếp cùng với năm trăm người đồng bọn được thấy, nghe như vậy rồi, liền chứng quả A-la-hán.
“Lúc đó, Ca-diếp còn có hai người em là Già-da Ca-diếp và Na-đề Ca-diếp, [mỗi người] cũng có số đệ tử là năm trăm người, thảy đều được chứng quả A-la-hán.
“Bấy giờ, những đồ đệ của bọn sáu thầy [ngoại đạo] ở thành Vương-xá nghe được việc ấy liền đối với ta sanh lòng độc ác.
“Vì đã nhận lời thỉnh cầu của vua [Tần-bà-sa-la trước đây], ta liền đến thành Vương-xá. Khi ta còn trên đường chưa đến nơi thì nhà vua cùng với rất đông dân chúng đã kéo đến nghênh tiếp. Ta liền vì họ mà thuyết pháp.
“Lúc bấy giờ, khi nghe pháp rồi thì chư thiên ở cõi trời Dục giới có tám mươi sáu ngàn vị phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Trong số những người đi theo vua Tần-bà-sa-la có một trăm hai mươi ngàn người chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Có vô số chúng sanh được thành tựu tâm nhẫn nhục.
“Khi vào thành rồi, ta hóa độ Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên cùng với các đệ tử của họ là hai trăm năm mươi người, thảy đều buông bỏ những [tà kiến] trước đây, xuất gia học đạo.
“Ta liền ở lại thành Vương-xá, thọ nhận sự cúng dường của vua Tần-bà-sa-la. Bọn sáu thầy ngoại đạo liền tụ họp rồi kéo nhau bỏ đi sang thành Xá-vệ.
Bấy giờ, ở thành Xá-vệ có một vị trưởng giả tên Tu-đạt-đa, đến thành Vương-xá để lo việc cưới vợ cho con, đang ngụ tại nhà trưởng giả San-đàn-na. Khi ấy, chủ nhà nửa đêm bảo người nhà rằng: ‘Mọi người hãy mau mau thức dậy, cùng nhau quét dọn trang hoàng nhà cửa và bày biện các món ăn ngon.’
“Tu-đạt-đa nghe vậy, tự nghĩ rằng: ‘Chẳng phải là họ muốn thỉnh vua nước Ma-già-đà đây sao? Hay là vì có hôn sự nên muốn hội họp vui vẻ?’
“Suy nghĩ như vậy rồi liền đến hỏi chủ nhà rằng: ‘Có phải đại nhân muốn thỉnh vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-già-đà hay chăng? Hay vì có hôn sự nên mở hội vui vẻ chăng? Vì sao phải gấp rút đến như vậy?’
“Trưởng giả đáp rằng: ‘Cư sĩ! Không phải vậy. Sáng mai tôi sẽ thỉnh Phật, là đấng Pháp vương Vô thượng.’
“Trưởng giả Tu-đạt vừa nghe đến danh hiệu Phật thì [bỗng dưng không hiểu vì sao] toàn thân rúng động, liền hỏi lại: ‘Phật là ai vậy?’
“Chủ nhà đáp: ‘Ông thật chưa nghe biết gì sao? Ở thành Ca-tỳ-la có một vị trong dòng Thích-ca, tên là Tất-đạt-đa, họ Cồ-đàm, con vua Bạch Tịnh. Vị ấy sanh ra chưa bao lâu thì có một thầy tướng đoán rằng về sau sẽ làm Chuyển luân Thánh vương. Việc ấy rõ ràng chắc chắn như người ta nhìn rõ trái am-la trong lòng bàn tay. Nhưng nếu ngài không ưa thích việc ấy, từ bỏ ra đi xuất gia thì sẽ không thầy mà tự giác ngộ, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vị ấy đã dứt trừ hoàn toàn tham, sân, si, là bậc thường trụ không biến đổi, không sanh không diệt, không còn lo sợ. Lòng ngài đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng, thương yêu như cha mẹ đối với đứa con duy nhất. Thân tâm của ngài cao quý hơn hẳn trong tất cả chúng sanh, nhưng ngài không vì thế mà sanh lòng kiêu mạn. Đối với sự tôn xưng cung kính hay oán ghét gây hại, ngài vẫn giữ lòng bình đẳng không phân biệt. Ngài có trí tuệ thông đạt, đối với tất cả các pháp không có sự ngăn ngại, thành tựu đầy đủ Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ngũ trí Tam-muội, Đại từ, Đại bi và Ba niệm xứ. Vì thế nên xưng hiệu ngài là Phật. Ngài nhận lời mời thỉnh của tôi, sáng mai sẽ đến đây. Cho nên cần phải gấp gáp, không có thời gian thư thả mà tiếp đãi ông.’
“Tu-đạt-đa nói: ‘Lành thay! Đại nhân, đức Phật mà ông nói đó, công đức thật không ai bằng! Vậy hiện nay ngài đang ở đâu?’
“Trưởng giả đáp: ‘Hiện ngài đang ở thành Vương-xá này, tại tinh xá Trúc Lâm, nơi rừng Ca-lan-đà.’
“Khi ấy [đang còn trong đêm], ông Tu-đạt-đa hết lòng nghĩ nhớ đến các công đức của Phật như Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ngũ trí Tam-muội, Đại từ, Đại bi và Ba niệm xứ. Đang khi nghĩ nhớ, bỗng nhiên có ánh sáng rực rỡ, dường như lúc ban ngày. Ông liền theo ánh sáng ấy mà đi ra, đến dưới cửa thành. Do thần lực của Phật, [tuy chưa đến giờ mà] cửa thành tự nhiên mở rộng. Ông đi ra khỏi thành rồi, chợt thấy có một miếu thờ thiên thần bên đường, liền vào đó lễ bái cung kính. Khi ấy trời tối đen trở lại, khiến ông hoảng hốt muốn quay trở về chỗ ngụ.
“Bấy giờ, ở cửa thành ấy có một vị thiên thần hiện đến nói với Tu-đạt-đa: ‘Này ông, nếu ông đến chỗ đức Như Lai, ông sẽ được nhiều sự tốt đẹp, ích lợi.’
“Tu-đạt-đa hỏi: ‘Tốt đẹp, ích lợi như thế nào?’
“Vị thiên thần đáp: ‘Trưởng giả! Nếu có người dùng những vật như chân bảo kết thành xâu, trăm con tuấn mã, trăm thớt voi tơ, trăm cỗ xe báu, vàng đúc thành người có đến số trăm, nữ nhân đoan chánh thân đeo chuỗi ngọc, các thứ của báu đầy dẫy, cung điện cao đẹp, nhà cửa nguy nga điêu khắc chạm trổ, mâm vàng lúa bạc, mâm bạc lúa vàng, mỗi thứ đủ số một trăm... mang bố thí cho một người. Rồi lại bố thí cho một người khác, cứ như vậy dần dần bố thí đủ khắp cho tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề. Công đức mà người ấy có được cũng không bằng công đức của người phát tâm đi đến chỗ đức Như Lai chỉ vừa nhấc chân một bước.’
“Tu-đạt-đa liền hỏi: ‘Thiện nam tử! Ông là ai vậy?’
“Thiên thần đáp: ‘Trưởng giả! Tôi là Thắng Tướng, con nhà Bà-la-môn, trước đây từng là thiện tri thức của ông. Ngày trước, nhân được gặp hai vị Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên [đệ tử của Phật], tôi sanh lòng hoan hỷ. Khi bỏ thân rồi, tôi được sanh làm con của Tỳ-sa-môn Thiên vương ở phương Bắc, có phận sự thủ hộ thành Vương-xá này. Tôi nhờ lễ bái những vị như Xá-lợi-phất và sanh lòng hoan hỷ mà được thân hình tốt đẹp như thế này, huống chi được gặp bậc Đại Sư [của họ] là đức Như Lai và lễ bái cúng dường?’
“Trưởng giả Tu-đạt nghe như vậy rồi liền trở ra đường, [lập tức] tìm đến chỗ Phật. Khi đến nơi, ông cung kính lễ bái, đầu và mặt đều cúi sát chân Như Lai. Lúc ấy, Như Lai liền vì ông mà thuyết pháp thích hợp. Trưởng giả nghe rồi liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Khi chứng quả rồi liền có lời thỉnh cầu rằng: ‘Như Lai đại từ! Xin ngài hạ cố đến thành Xá-vệ, thọ nhận sự cúng dường nhỏ mọn của con!’
“Ta liền hỏi: ‘Ở thành Xá-vệ có cảnh tinh xá nào có thể làm chỗ an trụ cho đại chúng hay không?’
“Tu-đạt-đa thưa: ‘Nếu Phật rủ lòng thương nhận lời đến đó, con sẽ cố hết sức lo liệu việc xây cất.’
“Thiện nam tử! Khi ấy ta lặng thinh chấp nhận lời thỉnh cầu của Tu-đạt.
“Được sự nhận lời của ta, trưởng giả Tu-đạt liền bạch rằng: ‘Từ trước tới nay con chưa hề làm việc này, xin Như Lai cho ngài Xá-lợi-phất theo con để chỉ bảo cách thức xây dựng.’
“Ta liền bảo Xá-lợi-phất đi theo trợ giúp. Liền đó, Xá-lợi-phất và Tu-đạt-đa cùng đi chung một cỗ xe, thẳng sang thành Xá-vệ. Do thần lực của ta, chỉ qua một ngày đêm họ đã đến nơi.
“Lúc ấy, Tu-đạt-đa thưa với Xá-lợi-phất rằng: ‘Bạch Đại đức! Phía ngoài thành lớn này, không biết nơi nào có cảnh đất chẳng gần chẳng xa, có nhiều suối ao, rừng cây tốt đẹp, hoa quả sum sê, thanh tịnh thoáng rộng? Con nguyện sẽ vì đức Phật Thế Tôn và chư tỳ-kheo mà tạo lập nơi ấy một ngôi tinh xá.’
“Xá-lợi-phất đáp: ‘Cảnh vườn rừng [của trưởng giả] Kỳ-đà là chẳng gần chẳng xa, thanh tĩnh tịch mịch, có nhiều suối ao, cây cối hoa quả bốn mùa đều có. Nơi ấy là tốt nhất, có thể xây dựng tinh xá.’
“Lúc ấy, Tu-đạt-đa nghe vậy rồi liền đến nhà trưởng giả Kỳ-đà, thưa rằng: ‘Nay tôi muốn vì đấng Vô thượng Pháp vương mà tạo lập chỗ an trú cho Chư tăng. Chỉ có cảnh vườn đất của ngài là thích hợp để xây dựng, tôi muốn mua đất ấy, ngài chịu bán chăng?’
“Kỳ-đà đáp rằng: ‘Dù ông mang vàng ròng đến trải đầy mặt đất nơi ấy, tôi cũng không bán cho ông!’
“Tu-đạt-đa liền nói: ‘Lành thay, Kỳ-đà! Xem như rừng đất ấy đã thuộc về tôi, ngài hãy nhận lấy vàng.’
“Kỳ-đà hỏi lại: ‘Vườn đất tôi không bán, sao lại nhận lấy vàng?’
“Tu-đạt-đa liền nói: ‘Nếu ngài còn không quyết đoán, chúng ta hãy cùng đi nhờ người phân xử vậy.’
“Khi ấy, hai vị trưởng giả cùng đi đến chỗ người phân xử. Người ấy nói rằng: ‘Vườn đất thuộc ông Tu-đạt, ông Kỳ-đà hãy nhận lấy vàng.’
“Trưởng giả Tu-đạt lập tức sai người dùng xe ngựa chở vàng đến trải khắp trên đất ấy. Ngay trong ngày, chỉ còn một khoảnh năm trăm bước là chưa kín vàng mà thôi.
“Kỳ-đà nói: ‘Trưởng giả! Nếu ông hối tiếc, tôi đồng ý cho ông hủy bỏ việc [mua bán] này!’
“Tu-đạt đáp: ‘Tôi không hối tiếc, chỉ đang nghĩ xem sẽ xuất kho nào cho vừa đủ số vàng này.’
“Kỳ-đà thầm nghĩ: ‘Đấng Pháp vương Như Lai quả thật không ai bằng! Ngài thuyết giảng Chánh pháp nhiệm mầu, thanh tịnh không cấu nhiễm, nên mới khiến cho người này xem nhẹ của cải đến như thế!’
“Ông liền bảo Tu-đạt: ‘Chỗ còn thiếu đó không cần đem vàng tới nữa, xin để cho tôi góp phần. Tôi sẽ vì đức Phật mà tự mình xây dựng cửa lầu, đức Như Lai sẽ thường ra vào thông qua cửa ấy.’ Rồi trưởng giả Kỳ-đà tự mình xây dựng cửa lầu [ngay ở lối vào tinh xá].
“Trong vòng bảy ngày, trưởng giả Tu-đạt xây dựng xong phòng lớn đủ ba trăm căn, chỗ thiền phòng an tịnh là sáu mươi ba nơi; thất mùa đông, nhà mùa hạ, thảy đều riêng biệt; nhà trù, phòng tắm, chỗ rửa chân, nhà xí... không thiếu gì cả.
“Xây dựng xong, trưởng giả Tu-đạt hai tay nâng lư hương hướng về phía thành Vương-xá mà khấn rằng: ‘Việc xây dựng đã xong, nguyện đức Như Lai từ bi thương xót, vì chúng sanh mà thọ nhận chỗ ở này!’
“Lúc đó, Như Lai từ xa rõ biết tâm ý của trưởng giả Tu-đạt, liền cùng đại chúng ra khỏi thành Vương-xá. Trong thời gian nhanh như một lực sĩ co duỗi cánh tay đã đến thành Xá-vệ, trong khu vườn rừng Kỳ-đà, tinh xá Tu-đạt. Khi đến nơi rồi, trưởng giả Tu-đạt liền đem toàn bộ khu tinh xá đã xây dựng đó mà dâng cúng cho ta. Ta thọ nhận rồi, liền an trụ nơi đó.
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! You the Buddha say that all things have two causes. One is the right cause and the other the condition. Through these, there cannot be any breaking away from bondage. The five skandhas appear and die out moment after moment. If these appear and die out, who binds and unbinds? O World-Honoured One! The present five skandhas call forth the five skandhas that follow. This skandha dies out by itself and does not shift on to another skandha. Though not shifting on, this can well call forth the other skandha. From a seed, we gain a bud. But the seed does not shift on to the bud. Though it does not shift on to the bud, it indeed calls forth the bud. The same is the case with beings. How do we undo bondage?"
"O good man! Listen carefully, listen carefully. I shall now explain [matters] to you minutely. O good man! When a person is going to die and faces the greatest of sorrows, the relatives gather around, weep, and are lost in sorrow. The person himself is in fear and knows of no help. He has his five sense-organs, but the sense-function does not work. His limbs shake and he indeed cannot hold [maintain] his own body. The body is empty and cold, and warmth is about to depart. He sees before his own eyes all the karmic results of what he has done.
"O good man! The sun is about to go down over the horizon, and the mountains and hills and mounds present shadows which shift on to the east. Reason tells [us] that there cannot be any moving to the west. It is the same with the fruition of a man’s karma. When this skandha dies, another arises. When light appears, gloom dies out; when the light vanishes, the gloom appears. O good man! When a stamp [seal] of wax is pressed into mud, the stamp becomes one with the mud. The stamp dies out, and there appear letters. And yet, this wax stamp does not change into mud, and those letters come about from mud. They do not come about from anywhere else. They come about by reason of the causal relations of the stamp. Things obtain thus.
"When the skandhas of the present life die out, an in-between existence comes about. It is not that the skandhas of the present life change into the skandhas of the in-between five skandhas. And, also, the in-between five skandhas do not come about by themselves. They do not come about from anywhere else. Through the present skandhas come about the in-between skandhas. The stamp presses upon the mud. It dies out and letters emerge. The name does not differ. But the time of each differs. Such is the case. That is why I say: "The in-between five skandhas cannot be seen with the fleshly eye; they are what can be seen with the heavenly eye." The in-between skandhas feed on three kinds of food: 1) food of thought, 2) food of touch, 3) food of will. The in-between skandhas are made up of two kinds, which are: 1) good karmic fruition, and 2) evil karmic fruition. From good action comes about the consciousness of good karma, and from evil action the consciousness of evil [results].
"When the parents join together in sexual union, the causal relations call forth the direction in which the life must proceed. The mother gains craving [“trishna”] and the father anger. When the semen of the father comes forth, he says: "This is mine." At that, his mind becomes pleased. These three kinds of defilement crush out the in-between skandhas of causal relations and the subsequent five skandhas come about. This is comparable to how the stamp gets impressed into the mud and letters emerge.
"When appearing, all the sense-organs are perfect or imperfect. One who is equipped thus sees "matter" [i.e. physical form] and acquires greed. Greed arises, which is craving. By madness, greed comes about. This is ignorance. Through the causal relations of greedy craving and ignorance, the world that is seen is all upside-down. The non-Eternal is viewed as Eternal, the non-Self as the Self, non-Bliss as Bliss, and the non-Pure as the Pure. From these four inversions, good and bad actions are committed. Defilement makes karma, and karma activates defilement. This is bondage. On this account, we say born of the five skandhas.
"For this person, when he befriends the Buddha, the Buddha’s disciples, and the good teachers of the Way, and when he listens to the 12 types of sutra, because of his hearing Dharma, there comes about a realm of good. When he sees the realm of good, he gains great Wisdom. Great Wisdom is right seeing. When he gains [such] seeing, he repents of the life of birth and death. In consequence of this regret, no joy arises [regarding samsara - birth and death]. When he gains no joy, he truly destroys the greedy mind. When he destroys the greedy mind, he practises well the Noble Eightfold Path. When he practises the Noble Eightfold Path, he emerges from birth and death. When there is no birth and death, he gains Emancipation. When fire does not meet with fuel, this is extinction. When there is no more birth and death, we say that we cross over extinction. This is the extinction of the five skandhas."
Lion’s Roar said: "There is no thorn in the Void. How can we speak of extracting? None chains the skandhas. How can there be any binding?"
The Buddha said: "O good man! The chain of defilement binds the five skandhas. Away from the five skandhas, there is no defilement; away from defilement, there are no five skandhas.
"O good man! Pillars support a house. Away from the house, there are no pillars, and without any pillars, there is no house. It is the same with the five skandhas of beings. When there is defilement, we speak of bondage. When there is no defilement, we speak of Emancipation. O good man! The fist contains the palm. The three items of bondage, meeting and dispersion, birth and death, are not different things. The same is the case with the five skandhas of beings. When there is defilement, we have bondage; when we have no defilement, there is Emancipation.
"O good man! We say that body-and-mind [“nama-rupa”] chains beings. But if body- and-mind have gone, there is no being. Other than body-and-mind, there is no being; other than the being, there is no other body-and-mind. Also, we say that body-and-mind chains the being, and the being chains the body-and-mind."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The eye does not see by itself, the finger does not touch by itself, the sword does not cut by itself, and feeling does not feel by itself. But why does the Tathagata say: "Body-and-mind chains the body-and-mind?" Why? Body-and-mind is none but the being; the being is body-and-mind. If we say that body-and-mind chains the being, this means that body-and-mind chains body-and-mind."
The Buddha said: " O good man! When two hands meet, there cannot be anything that comes in between. It is the same with body-and-mind. That is why I say: " Body-and-mind chains the being." If one is away from body-and-mind, what there is [then] is Emancipation. That is why I say: "The being attains emancipation."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If body-and-mind chains one, all arhats are not away from body-and-mind. So they may well be chained."
"O good man! There are two kinds of Emancipation, which are: 1) cutting off of the seed, and 2) cutting off of fruition. The cutting off of the seed is the cutting off of defilement. The arhats have already cut off defilement and the root of all bondage has been severed, so that the bondage of the seed cannot chain [the arhat]. When the root of fruition is not yet cut off, we say that there is yet the bondage of fruition. All arhats do not see the Buddha-Nature. Not seeing this, they cannot gain unsurpassed Enlightenment. For this reason, we may say that there is the bondage of fruition. So, we cannot say that there is a bondage of body-and-mind. O good man! For example, when the oil has not yet been spent, the light of the lamp does not expire. Once the oil is spent, the light goes out. In this, there is nothing to doubt. O good man! The so-called oil is defilement, and the light is the being. All beings do not gain Nirvana, due to the oil of defilement. If this is removed, they gain Nirvana."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The nature of light and oil differs. Defilement and the being are not thus. The being is defilement and defilement is the being. The being is the five skandhas and the five skandhas are the being. The five skandhas are defilement and defilement is the five skandhas. Why do you, the Tathagata, liken them to light?"
The Buddha said: "Of analogies, there are eight kinds, namely: 1) progressive analogy, 2) reverse analogy, 3) actual analogy, 4) non-analogy, 5) fore-going analogy, 6) aft-coming analogy, 7) fore-going-and-aft-coming analogy, and 8) all-pervading analogy.
"What is a progressive analogy? It is as when I say in the sutras, for example, heaven sends down great rain, and all the ditches become full. As they are full, small holes get full. As small holes get filled, the great holes too become full. As the great holes become full, small springs become full. As small springs become full, great springs become full. As great springs become full, small ponds become full. As small ponds become full, big ponds become full. When big ponds are full, small rivers become full. When small rivers become full, big rivers become full. When big rivers become full, the great seas become full. The same is the case with the rain of Dharma of the Tathagata.
"The silas [moral behaviour] of beings become full [i.e. perfect]. As the silas are full, the non-repenting mind becomes full. As the non-repenting mind becomes full, there arises joy. As joy arises, segregation [from attachment to the skandhas] comes about. As segregation becomes full, there comes about peace. As peace becomes full, samadhi becomes full. As samadhi becomes full, right seeing-and-knowing becomes full. As right seeing-and-knowing becomes full, renunciation becomes full. As renunciation becomes full, the reproach [i.e. aversion to worldly life] becomes full. As reproaching becomes full, Emancipation becomes full. As Emancipation becomes full, Nirvana becomes full. This is a progressive analogy.
"What is a reverse analogy? Originally there was a great sea. This was a big river. The big river was originally a small river. There was a small river, which was a big pond. There was a big pond originally, which was a small pond. There was a small pond originally, which was a big spring. There was a big spring originally, which was a small spring. There was a small spring, which was a big hole. There was a big hole originally, which was a small hole. There was a small hole originally, which was a ditch. There was a ditch originally, which was great rain.
"There was Nirvana originally, which was Emancipation. There was originally Eman-cipation, which was reproach. There was reproach originally, which was renunciation. There was renunciation originally, which was right seeing-and-knowing. There was right seeing-and- knowing originally, which was samadhi. There was samadhi originally, which was peace. There was peace originally, which was segregation. There was segregation originally, which was the mind of joy. There was joy originally, which was non-regret. There was non-regret originally, which was the upholding of the precepts. There was upholding of the precepts originally, which was the rain of Dharma. This is an analogy in reverse order.
"What is an actual analogy? It is as when I say in the sutras that the mind of a being is like that of a monkey. The nature of a monkey is to throw [things] away and pick [things] up. The nature of a being is the same. It clings to colour, sound, smell, touch, and law [taste], and there is not a moment when it is at rest. This is an actual analogy.
"What is a non-analogy? It is as when I said to Prasenajit: "O great King! There are intimate friends come from the four quarters, who say: [O great King! There are four great mountains which come from the four quarters and mean to cause harm to man]. Should you, the King, hear of this, what would you intend to do to deal with the situation?" The King said: "O World-Honoured One! They may come, but there is no place in which to take refuge. All one can do is exclusively uphold the precepts and give alms." I praised him and said: "Well said, well siad, O great King! I speak of four mountains. These are none other than the birth, old age, illness, and death of beings. Birth, old age, illness and death always come and press upon a person. How can one not practise the precepts and dana?" The King said: "O World-Honoured One! What does one gain from the precepts and dana?" I said: "One gains pleasure in the life of humans and heaven." The King said: "O World-Honoured One! If the nyagrodha were to practise the precepts and dana, could it call forth peace and bliss [for itself] in the world of humans and heaven?" I said: "The nyagrodha cannot uphold the precepts and give. If it could, there could result nothing that is different." This is a non-analogy.
"What is a fore-going analogy? This is as when I say in the sutra, for example, there is a wonderful flower to which a person clings [i.e. which that person desires]. Intending to take hold of it, he is taken by the water [i.e. falls into the river]. The same is the case with the being. He clings to the five desires and flounders in the river of birth, old age, and death. This is a fore-going analogy.
"What is an aft-coming analogy? It is as is given in the Dharmapada:
"Do not belittle any small evil
And say that no ill comes about therefrom.
Small is a drop of water,
Yet it fills a big vessel."
This is an aft-coming parable.
"What is a fore-and-aft analogy? This is as in the case of a plantain tree, which, when it bears fruit, dies. It is the same with the ignorant, who but receives support. It is as in the case of a mule, which, when it bears a child, cannot live long.
"What is an all-pervading analogy? This is as when I state in the sutra: In Trayastrimsa Heaven, there is a tree called parijata, whose roots go down into the earth five yojanas deep and whose height is as great as 100 yojanas. Its branches and leaves spread out as far as 50 yojanas. When the leaves ripen, they become yellow, and all the gods, on seeing this, are gladdened. These leaves, before long, fall off. When the leaves fall, there comes about joy. This branch changes colour, and joy arises. This branch, before long, gains pimples. Seeing this, joy again comes about. This pimple again calls forth a bill. Having seen this, joy arises again. Not long after the bill opens, a fragrance covers an area of 50 yojanas, and a light shines over a distance of 80 yojanas. All devas [gods], in the three summer months, come down, and there is joy down below.
"O good man! It is the same with all of my disciples. Saying that the leaves become yellow can be likened to my disciples who desire renunciation. Saying that the leaves fall down can be likened to my disciples’ shaving their heads. Saying that the colour of the leaves changes refers to my disciples’ taking to the “jnaticaturtha” and receiving the complete precepts. Saying that first a pimple appears refers to the disciples’ minds aspiring to unsurpassed Bodhi and the bill to the Bodhisattvas of the ten abodes who now gain the Buddha-Nature. Saying that it opens refers to the Bodhisattvas’ attaining of unsurpassed Bodhi. "Fragrance" refers to the innumerble beings of the ten directions upholding the precepts. "Light" is likened to the Buddha’s name filling the ten directions unhindered. " The three summer months" are comparable to the three samadhis. Saying that in Trayastrimsa Heaven one enjoys bliss is likened to all Buddhas’ gaining Great Nirvana and the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. This is an all-pervading analogy.
"The analogies spoken of do not necessarily cover all [aspects]. They liken things in part, or in greater part, or to the whole. It is as when we say: " The face of the Tathagata is like the full moon." This refers to but a small part.
"O good man! There is a man, for example, who has not yet seen milk. He asks others what it is like: "What kind of thing is milk?" The others answer: "It is like water, honey, and a shell." The water represents moisture, the honey sweetness, and the shell colour. We may employ these three analogies and yet we may not be able to arrive at [an accurate idea of] what milk is. O good man! I may use the analogy of light. But the case will be thus. O good man! There cannot be any river apart from water. The same is the case with beings. Apart from the five skandhas, there can be no other separate being. O good man! Apart from the body, wheels, spokes, and hubs, there cannot be any cart. It is the same with beings.
"O good man! If you deisre to connect this with the analogy of light, listen carefully, listen carefully! I shall now explain it. The wick may be likened to the 25 existences, the oil is craving, and light Wisdom. To break means to exclude gloom and ignorance. Softness is likened to the Holy Way. When the oil is used up, the brightness of the light dies out. The same is the case [here]. When the craving of the being ends, there comes about the Buddha-Nature. There can be body-and-mind, but this cannot bind [one]. Living amidst the 25 existences, there is no defilement from any existence."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The five skandhas of the being are empty and there is no means of possessing. Who is there that receives the teaching and practises the Way?"
The Buddha said: "O good man! All beings have the remembering mind, the wisdom mind, the aspiring mind, the effort-making mind, the believing mind, and the meditating mind. All such, moment after moment, are born and die away. And yet, similarity and continuation go on. Hence, we speak of practising the Way."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! All such die away moment after moment. All such extinctions that come about moment after moment also resemble [one another] and continue. How is one able to practise the Way?"
The Buddha said: "O good man! The light of the lamp dies out moment after moment. Yet, there is the light which dispels the gloom. It is the same with all such resemblings. O good man! The food a being eats dies away moment after moment, but hunger is satisfied. The case is the same. A good medicine dies away moment after moment. And yet it does indeed cure illness. The light of the sun and moon dies away moment after moment, and yet it truly enables the trees and plants of the forest to grow.
"O good man! You say: "A person dies moment after moment. How can there be any growing up?" But as the mind is not cut off, there is growing. O good man! A man recites. The letters [words] read cannot happen in a moment. What came first cannot extend to the middle, and what was read in the middle cannot go to the end. The man, the letters and the mental image die out moment after moment, and practising long we come to know.
"O good man! For example, with a goldsmith, from the day when he begins to learn his art up to those of his hoary old-age, one moment is followed by another moment, and what has preceded is what follows after. But by repeated practice, what comes about is wonderful. Due to this, the person is praised and is called the best goldsmith. It is the same with reading the sutras.
"O good man! For example, let us take the case of a seed. The earth does not teach it and say: "Put forth buds!" But by the law of nature, buds come about. And then the flower, too, does not teach and say: "Now, bear fruit!" But fruit comes about as it should by the law of nature. It is the same with the practice of the Way. O good man! For example, in counting, one is not two, and two is not three. Moment after moment, one shifts on to the other. Yet, this goes up to 1,000 and to 10,000. Thus does the practice of the Way by beings proceed. O good man! The light of a lamp dies moment after moment. When the first light dies out, it does not say to the flame that follows: "I am going now. You now appear and dispel the gloom!" The case is thus. O good man! When a calf is born, it seeks milk. None teaches it this wisdom of seeking milk. A moment is followed by a moment, but the first hunger leads to satisfaction with the food that follows. Hence, know that one cannot be the same as others. If the same, no difference can come about. The same applies to the practice of the Way by a being. By one action, one may not gain the end. But by long practice, one does away with all defilements."
Lion’s Roar said: "Just as the Buddha says that when a person of the srotapanna stage [i.e. a person who has "entered the stream" of Dharma and will be reborn a maximum of only 7 further times] gains the fruition of the practice of the Way, even though born in evil lands, he upholds the precepts, does not kill, steal, seek after lust, practise double-tongue, or drink alcohol, the skandhas of the srotapanna die out here and do not gain the evil lands - the same applies to the practice of the Way. It does not lead to evil lands. Why can the person not get born in the Pure Land, if the same? If the skandhas of the evil land are not those of the srotapanna, how can it be that evil actions cannot come about?"
The Buddha said: "O good man! A person of the srotapanna stage may get born into evil lands, and yet he will not lose his attainment of srotapannahood. The skandhas are not the same. That is why I take up the analogy of the calf. A person of the srotapanna stage, though born in an evil land, because of the power of his practice of the Way, does not perform evil. O good man! For example, in Gandhamadana, there was a lion king, and all the birds and beasts left the mountain - none of them came near. Once, this king went into the Himalayas, and there, too, he saw that none was living there. That is how things stand with the srotapanna. Though not practising the Way, because of the power of the Way, he does not perform evil. For example, a man takes amrta [ambrosia of immortality]. And the amrta dies out. But the force of its remaining power causes the person to gain birthlessness and deathlessness. O good man! In Mount Sumeru, there is a wonderful medicine called langali. If one partakes of it, even though the effect of the medicine dies out moment after moment, one, due to the power of this medicine, will not encounter any harm. O good man! No one approaches where a Chakravartin lives, not even in his absence. Why not? Because of the power of this king. It is the same with the person of the srotapanna stage. He may be born in an evil land and may not be practising the Way, but because of the power of the Way, he does not do any evil. The skandhas of the srotapanna may be dead, and different skandhas may be present, and yet no skandha of the srotapanna is lost. O good man! Beings, because of what emerges from the fruit, do a good many things to the seed: they provide dung and irrigation. Although the fruit has not yet been gained and the seed is now dead, we nevertheless can say that we gain the fruit from the seed. It is the same with the skandhas of the srotapanna. O good man! For example, there is a man who is rich and has great wealth. He has only one son, who has already died. This son has a son, who is now abroad. This man, of a sudden, dies. The grandson, on hearing of this, comes back and takes over the property. It is not yet known where the wealth is. But there is no one who obstructs or protects the occupation. Why not? Because the stock is one. The case is the same with the skandhas of the srotapanna."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! You, the Buddha, said in a gatha:
"If a bhiksu [monk] practises the Way
Of the moral precepts, samadhi and Wisdom,
Know that this is befriending
Unretrogressive and great Nirvana."
O World-Honoured One! How am I to practise the precepts, samadhi and Wisdom?
The Buddha said: " O good man! There is a man who upholds the prohibitions and precepts, but [does so] for the happiness that he can gain for his own self and for humans and gods, and not to save all beings, not for guarding unsurpassed Wonderful Dharma, but for profit and out of fear of the three unfortunate realms, for life, lust, power, safety, oratory, out of fear of state laws, evil fame, for fear of dirty names, and for worldly works. Such guarding and upholding of the precepts cannot be called practising the precepts. O good man! What is true upholding of sila? When one upholds sila, the object must be to pass beings to the other shore, to protect Wonderful Dharma, to save the unsaved, to enlighten the unenlightened, to enable those who have not yet taken refuge to take it, to enable those who have not yet attained Nirvana to attain it. Practising thus, a person does not see sila, how it is actually upheld, the person who upholds sila, the results to be attained [therefrom], whether the person has sinned or not. O good man! If one acts thus, this is the upholding of sila.
"How does one practise samadhi? If, when practising samadhi, one does it to enlighten one’s own self, for profit, not for the sake of all beings, not for the practising of Dharma, but out of greed, for defiled food, for sexual reasons, because of the impurities of the nine holes, for disputes, for beating, and for killing others, anybody who practises samadhi thus is not one who practises samadhi.
"O good man! What is the true practice of samadhi? One practises it for the sake of all beings, to plant in the mind of beings the all-equal mind, unretrogressive Dharma, the holy mind, to enable beings to attain Mahayana, to guard unsurpassed Dharma, for beings not to retrogress from Enlightenment, for them to gain the Suramgama, the vajra-samadhi, dharanis [i.e. long mantras or magic spells], to enable beings to gain the four unhinderednesses, to enable beings to see the Buddha-Nature; and when practising thus, one sees no samadhi, no form of samadhi, nor a person practising this, nor any result to be arrived at. O good man! If things indeed proceed thus, we say that this person is practising samadhi.
"How does one practise Wisdom? One who practises Wisdom thinks: "If I practise such Wisdom, I shall attain Emancipation and save those in the three unfortunate realms. Who is it that indeed benefits all beings, passing them to the other shore beyond birth and death? It is difficult [to be present when] the Buddha appears in this world. It is as rare an event as one’s coming across the flowering of the udumbara. I shall now thoroughly cut away the bonds of all defilements. I shall gain the fruition of Emancipation. On this account, I shall now learn to practise Wisdom and sever the bond of defilement and attain Emancipation." Any person who practises the Way thus is not one who practises Wisdom.
"How does a person truly practise Wisdom? The wise person meditates on the sorrows of birth, age, and death. All beings are overshadowed by ignorance and do not know how to practise the unsurpassed right path. He prays: "I pray that this body of mine will suffer great sorrows in lieu of all beings. Let all poverty, degredation, the mind of transgressing the precepts, all the actions of greed, anger and ignorance of all beings gather upon me. I pray that all beings will not gain a mind of greed, will not be bound up in body-and-mind. I pray that all beings will soon cross the sea of birth and death, so that I may not now need to face it and not feel the worry. I pray that all will gain unsurpassed Enlightenment." When a person practises the Way thus, he sees no Wisdom, no form of Wisdom, no one practising WIsdom, and no fruition to be arrived at. This is practising Wisdom.
"O good man! One who thus practises sila, samadhi, and Wisdom is a Bodhisattva; one who cannot thus practise sila, samadhi, and Wisdom is a sravaka.
"O good man! How does one practise sila [morality]? All sin by committing the 16 evil acts. What are the 16? They are: 1) keeping, feeding, and fattening sheep for profit, and seeling them, 2) buying and killing sheep for profit, 3) raising, fattening and selling pigs for profit, 4) buying and killing them for profit, 5) raising and selling calves for profit when fattened, 6) buying and killing them for profit, 7) raising hens for profit and, when they are grown up, selling them, 8) buying [them] for profit and killing them, 9) fishing, 10) hunting, 11) plundering, 12) selling fish, 13) catching birds with nets, 14) [having a] double-tongue, 15) [being a] jailer, and 16) charming snakes [“nagas”]. One [should] thoroughly segregate one’s self eternally from such evil deeds. This is practising sila [morality]."
Chapter Thirty-Six:
On Bodhisattva Lion’s Roar (d)
[The Buddha said:] "How does one practise samadhi [i.e. meditative absorption]? One truly does away with all the worldly samadhis. This is the bodilessness samadhi. Beings get an upside-down mind and wrongly call this Nirvana. Also, there are such samadhis as the boundless-mind samadhi, the pure-group samadhi, the worldlessness samadhi, the world- segregation samadhi, the world-nature samadhi, the skandha-samadhi, the thoughtlessness-nonthoughtlessness samadhi [which] indeed make beings acquire an upside-down mind and call such Nirvana. If one truly segregates one’s own self from such samadhis, this is practising samadhi.
"How does one practise Wisdom? One thoroughly extirpates the evil views of the world. Beings all possess evil views. That is thinking that "matter" [form] is Self, and that this belongs to Self; that there is Self in matter and matter in Self; and it so goes with consciousness; that matter is the Self; that matter dies, but that the Self stays behind; that matter is the Self, and that when matter dies out, the Self dies out. And a certain person says: "The maker is the Self; the recipient is the Self." Also, a certain person says: "The doer is matter; the receiver is the Self." Also, a certain person says: "There is no doing and no receiving. A thing comes about by itself; it dies out by itself. Nothing is based on causal relations." Also, a certain person says: "There is no doing and no receiving. All is the work of Isvara [i.e. God]." Also, a certain person says: "There cannot be any doer or any receiver. All comes about according to the season." Also, a certain person says: "There are doers and receivers. The five elements beginning with the earth are the being." O good man! If anyone crushes such evil views, this is practising Wisdom.
"O good man! Practising sila [morality] is for the quietude of one’s own body. Practising samadhi is for the quietude of one’s mind; practising Wisdom is for crushing out doubt. To crush out doubt is to practise the Way. To practise the Way is to see the Buddha-Nature. To see the Buddha-Nature is to attain unsurpassed Enlightenment. To attain unsurpassed Enlightenment is to arrive at unsurpassed Great Nirvana. To arrive at Great Nirvana is to segregate all beings from birth and death, all defilements, all [worldly] existences, all realms, all truths of beings. To cut off [these] births and deaths and satya [truth; presumably "worldly truths"] is to attain to the Eternal, Bliss, the Self and the Pure."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If, as the Buddha says, birthlessness and deathlessness are Nirvana, life too is birthlessness and deathlessness. Why can we not say that this is Nirvana?"
"O good man! It is thus, it is thus. It is as you say. Although this life is birthlessness and deathlessness, there are beginnings and ends."
"O World-Honoured One! There is also no beginning and no end in this law of birth and death. If there is no beginning and end, this is eternal. The Eternal is Nirvana. Why do we not call birth and death Nirvana?"
"O good man! The law of this birth-and-death depends on causality. As there are causes and effects, we cannot call this Nirvana. Why not? Because the body of Nirvana has no cause and effect."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Nirvana has cause and effect, as you the Buddha say:
"Through cause one gains birth in heaven;
Through cause is one born into the unfortunate realms;
Through cause does one attain Nirvana.
Thus, everything has a cause."
You, the Buddha, said to the bhiksus: "I shall now speak to the sramanas about the fruition of the Way. "Sramana" means nothing other than practising well sila [morality],
samadhi, and Wisdom. The Way is the Noble Eightfold Path. The fruition of sramana practice is Nirvana." O World-Honoured One! Nirvana is thus. Is this not fruition [i.e. result]? How can you say that Nirvana has no cause and no fruition?"
"O good man! What I refer to as the cause of Nirvana is the so-called Buddha-Nature. The nature of the Buddha-Nature does not call forth Nirvana. That is why I say that there is no cause in Nirvana. As it truly crushes defilement, I say "great fruition". It does not come about by the " Way" . Hence I say that there is no fruition. For this reason, Nirvana has no cause and no fruition."
Lion's Roar said: "O World-Honoured One! Is the Buddha-Nature of beings a thing of common possession or is it something individually possessed? If it is of common possession, all would have to gain it when one person gains it. O World-Honoured One! Twenty people have one enemy. If one falls out of the group, the remaining 19 may also mean to have no enemy. If the Buddha-Nature is thus, the remaining persons must gain it if one person gains it. If each has the Buddha-Nature, this is non-eternal. Why? The nature of beings is neither one nor two. We cannot say that all Buddhas are all-equal. Also, we cannot say that the Buddha is like the void."
The Buddha said: " O good man! The Buddha-Nature of beings is not-one and not-two. The equality spoken of regarding all Buddhas is like the Void. All beings possess it. Anybody who indeed practises the Noble Eightfold Path gains - one should know - a bright view. O good man! In the Himalayas, there is a grass called ninniku1. A cow fed on this will gain sarpirmanda [the tastiest and most healthful of milk products]. It is the same with the Buddha-Nature of beings."
Lion's Roar said: " Is the ninniku grass, about which you the Buddha speak, one or many? If it is one, it will come to an end when the cow feeds on it. If many, how can you say that the Buddha-Nature is also like this? You, the Buddha, say that if one practises the Noble Eightfold Path, one will see the Buddha-Nature. But this is not so. Why not? If the Way is one, it must come to an end, as in the case of the ninniku grass. If it comes to an end, there is no further part left for others to practise. If the Way is many, how can we say that practice is perfected? And how can one speak of “sarvajnana” [omniscience]?"
The Buddha said: "O good man! [Suppose] there is a flat road. Beings walk [along it], and there is nothing to hinder their progress. There is in the middle of the road a tree, the shade of which is cool. The travellers make a stop here with their palanquin and take a rest. But there is always the shade of the tree here, and there is no difference. The shade does not die out, and no one takes it away. The road is the Holy Way, and the shade the Buddha-Nature.
"O good man! There is a great castle, which has only one gate. Many people come and go, and pass through it, without hindrance. And no one destroys it and takes it away. That is how matters stand.
"O good man! It is as with a bridge, which does not care who passes over it; there is no one there to obstruct [the way] or destroy [the bridge] or carry it off. O good man! For example, it is as with a good doctor, who cares all about illnesses. And there is no one who checks [him], either to allow him to cure [people] or forcing him to abandon this. It is the same with the Holy Way and the Buddha-Nature."
Lion's Roar said: "O good man! You put forward all [such] parables, which, however, do not apply Why not? If there is any person on the way before [i.e. up ahead, further on], that person must be hindering [obstructing] the way. How can one say that there is no hindrance? The same applies to the others. If the Holy Way and Buddha-Nature are thus, this, when one practises the Way, would cause hindrance to others."
The Buddha said: "O good man! What you say does not make sense. What is explained in parables regarding the Way refers only to a part, not to all. O good man! The way of the world has hindrances. This differs from others; none are equal. The Undefiled Way is not so. It is such that it enables beings to have no hindrance upon their way. All is the same and all-equal; there is no difference as to place, or this and that. Thus, the Right Way serves as the revealed cause for the Buddha-Nature of beings, and does not become the cause of birth. This is as in the case of a bright lamp that does indeed shine over all.
"O good man! All beings are chained to ignorant actions through causal relations. Do not say that if one is chained to the way of ignorance, there can be no more such. All beings are chained to the action of ignorance. That is why we say that the 12 links of interdependent arising work equal to all [apply equally to all]. It is the same with the Undefiled, Right Way which all beings practise. All-equally, it does away with the defilements of beings and those of the four lives and all the ways of existence of all realms [in samsara]. So, we say "equal". When one is Enlightened, there is no knowing and seeing of this and that. For this reason, we can well speak of “sarvajnana” [all-knowledge]."
Lion’s Roar said: "All beings are not of one kind of body. There are devas [gods] and there are humans. And there are such others as those of the realms of the animals, the hungry pretas [ghosts], and hell. They are many, not one. How can we say that the Buddha-Nature can be one?"
The Buddha said: " O good man! For example, there is a man who adds poison to milk. Because of this, all [the milk products] up to sarpirmanda will contain poison. We do not call milk butter, and butter milk. The same applies to sarpirmanda. The name may change, but the nature of the poison is not lost. It will run across the five tastes of the milk all-equally. Even sarpirmanda, if taken, will kill a man. Just as poison is not placed in the sarpirmanda, so is it the case with the Buddha-Nature of beings. “One finds the Buddha-Nature of beings in the different bodies of the beings of the five realms. But the Buddha-Nature is always One, and there is No Change."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! There are six great castles in the sixteen great states [i.e. the Gangetic states or castle-towns in the days of the Buddha], namely: Sravasti, Saketa, Campa, Vaisali, Varanasi, and Rajagriha. These big castles are the biggest in the world. Why is it that the Tathagata leaves these places and intends to enter Nirvana in this far-out, evil, very ugly and small Kusinagara Castle?"
"O good man! Do not say that Kusinagara is a castle which is far-out, evil, a most ugly and small place. This castle is one adorned with wonders and virtues. Why? Because this is a place all Buddhas and Bodhisattvas have visited. O good man! Even the house of a humble person may be called " grand and perfect in virtue", worthy of the visit of a great king, should he happen to come past [and stay] there. O good man! [Imagine] a person who is seriously ill and who takes a dirty and mean medicine. His illness is cured, joy arises, and this medicine becomes the best and most wonderful [of medicines]. He praises it and says that it has truly cured his illness.
"O good man! A man is in a ship on the great ocean. Of a sudden, the ship breaks up, and there is nothing to depend upon. The man catches hold of a corpse and reaches the other shore. Gaining the other shore, he is very happy and praises the corpse greatly, saying that he was fortunate to meet with this corpse and has safely gained peace. It is the same case with Kusinagara Castle, which all Buddhas and Bodhisattvas have visited. How could one say that it is a far-off, mean, narrow, and small castle?
"O good man! I call to mind that once, in far-ff days, as many kalpas back as there are sands to the river Ganges, there was a time called the “Suprabuddha” kalpa [age, aeon]. At that time, there was a holy king called Kausika. Fully endowed with the Seven Treasures and 1,000 children, this king first made this castle. It measured 12 yojanas crosswise and lengthwise. It was adorned with the Seven Treasures. The soil was good. There were rivers here, the waters of which were pure and soft, and they tasted sweet. These were: Nairanjana, Airavati, Hiranyavati, Usmodaka , Vipasa. There were some 500 other such rivers. Both banks were fully grown with trees that had flowers and fruits - all fresh and pure. At that time, the life-span of the people was uncountable. Then, after the lapse of 100 years, the Chakravartin [mighty ruler] said: "Just as the Buddha says, all things are non-eternal. One who practises the ten good things does away with all such sorrows of the non-eternal." The people, on hearing this, all practised the ten good deeds. I, at that time, on hearing the name of the Buddha, practised the ten good deeds, meditated and aspired to unsurpassed Bodhi [Enlightenment]. My mind having aspired, I also transferred this Dharma to innumerable and boundless [numbers of] beings and said that all things are non-eternal and subject to change and dissolution. Because of this, I now continue and say that all things are non-eternal, are those that change and dissolve, and that only the Buddha-Body is Eternal. I recall what I did by [way of] causal relations. That is why I have now come here and mean to enter Nirvana and wish to repay what I owe to this place. For this reason, I say in the sutra: "My relatives know how to repay what they owe me."
"Also, next, O good man! In days past, when the life-span of people was immeasurable, this castle was called Kusanagaravati [probably the same as Kusinagara] and measured 50 yojanas crosswise and lengthwise. At that time in Jambudvipa, people lived shoulder to shoulder and fowl flew thereabout. There lived a Chakravartin named Zenken [Sudarsana]. He had the Seven Treasures and 1,000 children and was the king of the four lands. The first of his sons loved Wonderful Dharma and became a pratyekabuddha. Then, the Chakravartin saw that his crown prince was a pratyekabuddha, that his deportment was orderly, and that he was endowed with wonderful miraculous powers. On seeing this, he renounced his state, as though it were tears and spittle. He became a monk and lived here amidst the sal trees, and for 80,000 years he practised Loving-Kindness. The same applied for 80,000 years to [the practice of] Compassion, Sympathetic Joy, and Equanimity.
"O good man! If you should desire to know who that holy king, Zenken, was, then know that he was none other than I. That is why I now abide in the four laws, which are none but the samadhis. For this reason, “the Body of the Tathagata is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure”.
"O good man! Because of this, I am now in this Kusinagara, in this forest of sal trees, and abide in samadhi. O good man! I recall to mind, after innumerable years, a castle-town called Kapilavastu. In that castle, there lived a king called Suddhodana. His consort was called Maya. They had a prince, who was called Siddhartha. The prince, at that time, took no teachers. He sought the Way by himself and attained unsurpassed Bodhi. He had two disciples, Sariputra and Mahamaudgalyayana. The disciple who attended the prince was called Ananda. At that time, he, under the sal trees, delivered the sermon of the Great Nirvana Sutra. At that time, I was one of the congregation and was able to be a witness to that sermon. There, I was told that all beings had the Buddha-Nature. On hearing this, I was unmoved in Bodhi. Then, I took a vow: " If I attain Buddhahood in days to come, it shall be as now. I shall be a teacher to my father and mother and the land; the names of the disciples and attendants will also be so, just as things stand with the present World-Honoured One. Nothing will differ." That is why I am now here and am delivering this sermon of the Great Nirvana Sutra.
"O good man! When I first abandoned home life, but had not yet attained unsurpassed Enlightenment, Bimbisara sent a messenger to me and said: "If you, Prince Siddhartha, become a Chakravartin, I shall become your subject. But if you leave home and attain unsurpassed Enlightenment, please come to this Rajagriha, deliver sermons, save people and accept my offerings." I then accepted his invitation in silence.
"O good man! On attaining unsurpassed Enlightenment, I then decided to go to Kosala. At that time, by the river Nairanjana there lived a Brahmin, Kasyapa, who had 500 disciples and who, by this river, sought of me the unsurpassed Way. I specially wended my way there to speak [to him] of Dharma. Kasyapa said: "O Gautama! I am 120 years old. Many people in Magadha, and the ministers and Bimbisara, say that I have attained arhatship. If I give ear to what you say, all the people might possibly gain inverted ideas and say: [Is not the virtuous Kasyapa already an arhat? Let Gautama speed to other places]. If the people come to know that Gautama’s virtue surpasses mine, I shall possibly fail in [i.e. fail to receive] my own alms." I then said: "If you do not harbour any personal enmity towards me, please give me a night’s rest. I shall start out early tomorrow morning." Kasyapa said: "O Gautama! I have nothing against you. I love and respect you. Only, in my place there lives a viper which is evil-tempered. It might possibly do some harm to you." "No poison is more poisonous than the three poisons [of greed, ill-will, and ignorance]. I have now done away with them. I do not fear worldly poison." Kasyapa said: "If you do not, please stay."
"O good man! I, at that time, displayed 18 miracles before Kasyapa. This is as stated in the sutra. Kasyapa and his 500 disciples saw this and they all attained arhatship.
"At that time, Kasyapa had two younger brothers. One was [called] Gayakasyapa, and the other Nadikasyapa. There were also 500 teachers and disciples. All attained arhatship. The people of the six masters of Rajagriha, fearing this, entertained a great evil mind towards me. Then, true to my word, I went to Rajagriha. On the way, the king came [along] with his people, innumerable hundreds and thousands [of them] in number, and he received me. I delivered a sermon to them. On hearing this, the devas of the world of desire, 86,000 [of them], all aspired to unsurpassed Bodhi. King Bimbisara’s retinue of 120,000 guardsmen attained [the level of] srotapanna; an innumerable number of people gained the stage of ksanti [patience]. On reaching the castle, I taught Sariputra and Mahamaudgalyayana, along with their 250 disciples. They all cast aside everything they had had in their mind up till then and entered upon the Path. I lived there and received the king’s offerings. The six tirthika masters came along and together we went to Sravasti.
"There was at that time a rich man named Sudatta. He wished to gain a wife for his son, and to that end he came to Rajagriha. Arriving at the castle, he put up at the house of Samdhana. Then, this rich man [i.e. Samdhana] got up at midnight and said to the people of his household: "All of you get up, adorn and sweep the house quickly, and prepare a meal!" Sudatta heard this and thought to himself: "Is he going to invite the king of Magadha? Or is it going to be a marriage and pleasure gathering?" Thinking thus, he stepped forward and asked: " Are you going to invite Bimbisara, King of Mgadha? Is there going to be a wedding and pleasure party? Why are you so busily occupied thus?" The rich man answered, saying: "Have you not yet heard of the son of the Sakyas of Kapilavastu called Siddhartha? Gautama is his family name. His father is called Suddhodana. Not long after his birth, the augur said that the boy would unfailingly become a Chakravartin and that this was as clear as if one could see an amra in the palm of one’s hand. He sought no pleasures and abandoned domestic life. And untaught by any person, he attained unsurpassed Bodhi. He has done away with greed, ill-will, and ignorance. He is Eternal and knows no change. Nothing comes about and nothing dies out; and he is fearless. All beings are one to him. They are as a single son is to his parents, and his body and mind are unsurpassed. Though surpassing all, he has no arrogance in his mind. Wisdom is all around [him] and nothing hinders [him in his Wisdom]. And he is perfect in the ten powers, the four fearlessnesses, the five knowledges [“pancajnana”], samadhi, Great Loving-Kindness, Great Compassion, and the three thinkings. That is why he is the Buddha. Tomorrow, he will receive my offerings. That is why I am busy and do not have enough time to exchange greetings." Sudatta said: "Well said, O great one! The Buddha you speak of is unsurpassed in virtue. Where is he now?" The rich man said: " He is now in this great citadel of Rajagriha, staying with Venuvana-kalandakanivapa." Then, Sudatta meditated on the ten powers, the four fearlessnesses, the five knowledges, samadhi, Great Loving-Kindness, and the three thinkings which the Buddha possesses. As he so meditated, there arose a brightness, as a result of which everything looked as if in bright daylight. Wanting to know whence the light
came, he went down to the gate. By the miraculous power of the Buddha, the gate opened of itself. On coming out of the gate, he saw a chapel on the roadside. Passing it, Sudatta did worship. Then, darkness arose again. Afraid, he decided to go back to where he was [before]. Then a deva met him at the chapel by the castle gate. The deva said to Sudatta: "Go to where the Tathagata is and you will gain much benefit." Sudatta said: "What benefit?" The deva said: "O rich man! As an illustration: a man may have 100 superb steeds, adorned with laces studded with gems, 100 gandhahastins, 100 carts of jewels, 100 human forms made of gold, beautiful females fully adorned with necklaces of gems, beautiful palaces and halls and houses studded with gems, with sculptured letters and figures on them, silver millet on golden trays, and golden millet on silver trays, 100 in number, and these are offered as dana [charity] to each person all over Jambudvipa. But the virtue [thus] arrived at cannot surpass a single step towards aspiring to Bodhi and going to the Tathagata." Sudatta said: "O good man! Who are you?" The deva said: " O rich man! I am the son of a right-lined Brahmin. I am a former teacher of the Way. In days gone by, I felt joy when I saw Sariputra and Maudgalyayana, and I discarded my body and became the son of Vaisravana, the guardian angel of the north. It is my special duty to guard this Rajagriha. I have gained this wonderful form through worship and have acquired joy thereby. And how much greater must things be if one meets such a great teacher as the Tathagata and worships him and makes offerings to him?"
"Sudatta, on hearing this, turned round his steps and came to the place where I was. On arriving, he fell to the ground and touched my feet. I then, as was appropriate, spoke of Dharma. Having listened to my sermon, the rich man attained the [stage of] srotapanna. Gaining this fruition, he invited me, saying: "O great teacher, Tathagata! I pray that you will condescend to come to Sravasti and accept my paltry offerings." I then asked him: "Can you, in your Sravasti, accommodate all?" Sudatta said: "If the Buddha is compassionate and condescends to accede to my request, I shall do my best." O good man! I then accepted his invitation. This rich man, Sudatta, his prayer having been answered, said to me: " Hitherto I have had no experience of laying out [a big meal]. O Tathagata! Please despatch Sariputra to my place, so that he can take the matter in hand and make the necessary arrangements to meet the requirements."
"Then, Sariputra went to Sravasti, riding together with Sudatta. By my miraculous power, they reached their destination in one day. Then, Sudatta said to Sariputra: "O greatly virtuous one! Outside this gate, there is a place best fitted for the purpose. It is neither near nor far, where there are many springs and ponds, and many forests, with flowers and fruit; and the place is pure and quiet and extensive. I shall build viharas [dwelling-places] there for the Buddha and his bhiksus [monks]." Sariputra said: "The forest of Prince Jeta is neither near nor far off. It is pure and quiet. There are springs and streams. There are seasonal flowers and fruit. This is the best place. Let us have a vihara built there."
"Then, on hearing this, Sudatta went to the great rich man, Jeta, and said to him: "I now desire to build a Buddhist vihara and dedicate it to one usurpassed in Dharma, at a place that belongs to you. I now desire to purchase it from you. Will you sell it to me?" Jeta said: "I will not sell it to you, even if you cover the ground with gold." Sudatta said: "Well said! The forest belongs to me. Take my gold." Jeta said: "I am not selling the forest to you. How can I take your gold?" Sudatta said: "If you are not satisfied, I will go to the magistrate." They both went together. The magistrate said: "The forest belongs to Sudatta. Jeta should take the gold." Sudatta at once despatched men with gold laden upon carts and horses. When it arrived, he covered the ground with gold. A single day saw an area of 500 “bu”2 covered; not all was covered. Jeta said: "O rich ran! If you have any regret within you, you are quite free to cancel the deal." Sudatta said: "I do not feel any regret." He thought to himself which store he should now open, to get gold for the area left as yet uncovered with gold. Jeta thought to himself: " The Tathagata, King of Dharma, is truly one unsurpassed. The wonderful things that he teaches are pure and untainted. That is why this man thinks so lightly of this treasure." He then said to Sudatta: "I do not now need any gold for what remains uncovered. Please take it. I myself shall build a gate for the Tathagata, so that he may go in and out of it." Jeta built the gate, and in seven days, Sudatta built a great vihara on a site 300 “ken” [ken is about 6 feet] across and in length. There were quiet meditation quarters to the number of 63. The houses were different for winter and summer. There were kitchens, bathrooms, and a place to wash one’s feet. There were two kinds of lavatory.
"The buildings completed, he took up an incense burner, and facing in the direction of Rajagriha, said: "The buildings are now completed. O Tathagata! Please have pity and take over this place and live here for the good of beings." I soon read the mind of this rich man from far off, and started out from Rajagriha. Within the short length of time it takes for a strong, youthful man to bend and extend his arm, I travelled to Sravasti, to Jetavana, and took possession of the Jetavana vihara. When I reached the place, Sudatta dedicated it to me. I then received it and lived in it."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.171.86 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập