Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 5 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần hai »»
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy rằng: Chư Phật Thế Tôn có tạng bí mật. Nghĩa ấy chẳng đúng. Tại sao vậy? Chư Phật Thế Tôn chỉ có mật ngữ mà thôi chứ không có mật tạng. Ví như một hình nhân điều khiển bằng máy móc, tuy người ta thấy được hình nhân ấy co lại, duỗi ra, cúi xuống, ngẩng lên... nhưng chẳng ai biết được bên trong có những gì làm ra như vậy. Phật pháp không phải như thế, hết thảy chúng sanh đều được thấy biết. Như vậy, sao lại nói rằng chư Phật Thế Tôn có tạng bí mật?”
Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng như lời ông nói, Như Lai thật chẳng có tạng bí mật. Tại sao vậy? Ví như vầng trăng thu tròn sáng, hiện rõ giữa không trung, trong trẻo không bị che lấp, ai nấy đều trông thấy. Lời dạy của đức Như Lai cũng vậy, hiển nhiên rõ rệt, trong sáng không che lấp. Kẻ ngu si không hiểu cho rằng đó là bí mật, che giấu. Người trí thông suốt không gọi đó là che giấu.
“Thiện nam tử! Ví như có người kia, chứa trữ vàng bạc, nhiều đến vô số. Người ấy có lòng keo lận, không chịu bố thí và giúp đỡ kẻ bần cùng. Của cải tích tụ như vậy mới gọi là bí mật, che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, trong vô số kiếp đã tích tụ vô số trân bảo là diệu pháp, nhưng lòng không hề keo lận, thường bố thí cho tất cả chúng sanh. Sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?
“Thiện nam tử! Ví như có người kia, thân thể và các giác quan chẳng đầy đủ, hoặc thiếu một mắt, một tay, một chân... Vì xấu hổ, người ấy không để cho người khác thấy được chỗ thiếu sót của mình. Vì không để người khác thấy nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, Chánh pháp của ngài vốn đầy đủ không thiếu sót, đều khiến cho mọi người thấy được. Sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?
“Thiện nam tử! Ví như kẻ nghèo kia, thiếu nợ người ta rất nhiều. Người ấy sợ chủ nợ, trốn lánh không muốn lộ hình, cho nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, chẳng hề thiếu nợ pháp thế gian của hết thảy chúng sanh. Dù có nợ pháp xuất thế của chúng sanh, nhưng không hề giấu giếm. Tại sao vậy? Đối với chúng sanh, ngài thường bình đẳng thương yêu như con một của ngài, nên vì chúng sanh mà giảng thuyết pháp vô thượng.
“Thiện nam tử! Ví như một trưởng giả, có nhiều của cải và trân bảo nhưng chỉ có một đứa con. Ông ta rất thương con, chẳng muốn xa rời, bao nhiêu trân bảo đều chỉ cho con biết hết. Như Lai cũng thế, xem chúng sanh đều như con một của ngài, [nên không có sự che giấu].
“Thiện nam tử! Ví như người đời cho rằng nam căn và nữ căn là đáng xấu hổ, là thô tục, dùng y phục mà phủ kín nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, đã dứt hẳn những căn ấy. Vì không có những căn ấy nên không có gì phải che giấu.
“Thiện nam tử! Ví như hàng bà-la-môn, trong khi nói năng, đàm luận, chẳng hề muốn cho hàng sát-lỵ, tỳ-xá, thủ-đà được nghe. Vì sao vậy? Vì trong việc đàm luận của họ có chỗ tội lỗi, xấu xa. Chánh pháp của Như Lai chẳng phải như vậy, từ đầu đến cuối chỉ toàn là những điều lành. Vì vậy nên không thể gọi là tạng bí mật.
“Thiện nam tử! Ví như người trưởng giả chỉ có một đứa con, lòng thường nghĩ nhớ đến và rất thương yêu, ông mang con đến trường, nhờ thầy dạy học. Rồi ông sợ con chậm thành tài, liền mang trở về nhà. Vì lòng thương con, ngày đêm ông ân cần dạy cho những điều sơ học, nhưng không dạy luận Tỳ-già-la. Tại sao vậy? Vì nó còn non nớt, chưa đủ sức học luận ấy.
“Thiện nam tử! Như khi vị trưởng giả dạy con những điều sơ học rồi, đứa con ấy liền có thể hiểu rành luận Tỳ-già-la hay chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn, không hiểu!”
Phật hỏi: “Như vậy, vị trưởng giả ấy có chỗ che giấu với con chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp đáp: “Bạch Thế Tôn, không có! Vì sao vậy? Vì đứa con còn nhỏ tuổi, cho nên ông ấy không thuyết dạy, chứ không phải vì muốn che giấu, tiếc giữ mà chẳng dạy. Như có lòng ganh ghét, keo lận, mới gọi là che giấu. Như Lai không phải như thế, sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, đúng như lời ông nói, nếu có lòng giận hờn, ganh ghét, keo lận mới gọi là giấu giếm. Như Lai không có lòng giận hờn, ganh ghét, sao có thể gọi là che giấu?
“Thiện nam tử! Vị trưởng giả ấy ví với Như Lai. Đứa con một ấy ví như tất cả chúng sanh. Như Lai xem tất cả chúng sanh đồng như con một của ngài. Dạy dỗ đứa con một ấy, tức là Như Lai khuyên dạy hàng đệ tử Thanh văn. Những điều sơ học ví như chín bộ kinh điển. Tỳ-già-la luận ví như kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Vì hàng Thanh văn chưa đủ trí tuệ nên Như Lai chỉ dạy những điều sơ học, tức là chín bộ kinh điển, nhưng không thuyết dạy luận Tỳ-già-la, là những kinh phương đẳng Đại thừa.
“Thiện nam tử! Như vị trưởng giả ấy, đến khi người con đã lớn khôn đủ sức đọc hiểu, nếu chẳng thuyết dạy luận Tỳ-già-la mới gọi là che giấu. Cũng vậy, nếu hàng Thanh văn đủ sức nhận lãnh kinh điển Đại thừa mà Như Lai tiếc giấu không thuyết dạy, như vậy mới có thể nói rằng Như Lai có tạng bí mật.
“Như Lai chẳng phải vậy, cho nên chẳng có tạng bí mật. Như Trưởng giả ấy đã dạy cho con những điều sơ học rồi, kế đó mới vì con mà giảng giải luận Tỳ-già-la. Nay ta cũng thế, ta dạy cho các đệ tử những điều sơ học rồi, tức là chín bộ kinh điển, kế đó mới vì các đệ tử mà diễn thuyết luận Tỳ-già-la, tức là nghĩa Như Lai thường tồn, không biến đổi.
“Lại nữa, Thiện nam tử! Ví như trong những tháng mùa hạ, trời kéo mây đen và sấm sét, rồi đổ mưa lớn, khiến người làm ruộng gieo giống gặt hái được nhiều. Như người không gieo giống thì không có gì để gặt hái. Họ không có gì để gặt hái, đó chẳng phải lỗi ở thời tiết, mà thời tiết không có gì gọi là che giấu. Nay Như Lai cũng vậy, đổ cơn mưa pháp lớn là kinh Đại Niết-bàn. Những chúng sanh nào gieo giống lành sẽ gặt hái được mầm trí tuệ, quả trí tuệ. Những ai không gieo giống lành, ắt không thu hoạch được gì cả! Họ không thâu hoạch được gì, đó không phải lỗi của Như Lai. Như vậy, Như Lai thật không có gì gọi là che giấu.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch: “Nay con biết chắc rằng Như Lai Thế Tôn không có gì là bí mật, che giấu. Nhưng như Phật vừa dạy, luận Tỳ-già-la đó là ví với nghĩa Phật Như Lai thường tồn, không biến đổi, thì nghĩa ấy không đúng! Vì sao vậy? Vì trước kia Phật có thuyết kệ rằng:
Chư Phật và Duyên giác,
Với hết thảy đệ tử,
Còn bỏ thân vô thường,
Huống chi kẻ phàm phu?
“Nay Phật lại dạy là thường tồn, không biến đổi, nghĩa ấy là thế nào?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta vì tất cả đệ tử Thanh văn mà dạy những điều sơ học, nên mới thuyết kệ ấy.
“Thiện nam tử! Khi mẹ vua Ba-tư-nặc mạng chung, vua khóc kể luyến mến, không tự kiềm chế được, tìm đến chỗ ta. Ta hỏi vua rằng: ‘Đại vương! Tại sao lại buồn khổ áo não đến thế?’
“Vua đáp: ‘Thế Tôn! Hôm nay mẹ tôi vừa mất. Giá như có ai làm cho mẹ tôi sống lại được, tôi sẽ đem cả đất nước này, cùng với voi, ngựa, bảy món báu và cả thân mạng tôi mà đền đáp.’
“Ta liền bảo vua rằng: ‘Đại vương! Chớ nên sầu não, buồn đau khóc kể. Tất cả chúng sanh, khi thọ mạng đã hết thì gọi là chết. Chư Phật, Duyên giác và hàng đệ tử Thanh văn còn bỏ thân này, huống chi kẻ phàm phu?’
“Thiện nam tử! Vì ta dạy những điều sơ học cho vua Ba-tư-nặc nên mới thuyết bài kệ ấy. Nay ta lại vì hàng đệ tử Thanh văn mà thuyết dạy [nghĩa chân thật như] luận Tỳ-già-la, tức là nghĩa Như Lai thường còn, không biến đổi. Nếu ai nói rằng Như Lai là vô thường, làm sao người ấy lại chẳng bị thụt lưỡi?”
Ca-diếp lại thưa: “Như Phật có thuyết kệ rằng :
Không chứa giữ chi cả,
Biết đủ trong ăn uống,
Như chim giữa không trung,
Dấu chân chẳng thể tìm.
“Nghĩa ấy là thế nào? Bạch Thế Tôn! Ở trong chúng này, ai có thể gọi là người không chứa giữ chi cả? Ai có thể gọi là người biết đủ trong việc ăn uống? Ai có thể đi giữa không trung chẳng để lại dấu vết? Và đi như thế sẽ đến nơi nào?”
Phật dạy: “Ca-diếp! Nói chứa giữ đó, là nói vật quí báu. Thiện nam tử! Có hai loại chứa giữ: một là hữu vi, hai là vô vi. Chứa giữ hữu vi, tức là hạnh Thanh văn. Chứa giữ vô vi, tức là hạnh Như Lai.
“Thiện nam tử! Tăng cũng có hai hạng: hữu vi và vô vi. Tăng hữu vi tức là hàng Thanh văn. Tăng Thanh văn không chứa giữ nô tỳ, những vật phi pháp, kho lẫm, lúa thóc, muối, tương, mè, đậu... Nếu ai nói rằng Như Lai cho phép hàng Thanh văn nuôi chứa tôi trai, tớ gái, những kẻ hầu hạ, những vật như vậy, người ấy ắt phải bị thụt lưỡi. Những đệ tử Thanh văn của ta đều là người không chứa giữ chi cả, và cũng là người biết đủ trong việc ăn uống. Nếu ai tham ăn thì gọi là chẳng biết đủ. Ai không tham ăn mới được gọi là biết đủ. Người khó tìm thấy dấu chân, ắt là đã đến gần đạo Bồ-đề Vô thượng. Ta nói rằng người ấy dù có đi mà chẳng có đến.”
Ca-diếp lại thưa rằng: “Như hạng tăng hữu vi còn chẳng có chứa giữ, huống chi là hạng tăng vô vi? Tăng vô vi tức là Như Lai. Làm sao Như Lai lại có chỗ chứa giữ? Nếu là chứa giữ, gọi là che giấu. Cho nên sự thuyết giảng của Như Lai không hề có sự keo lận, sao lại gọi là che giấu? Dấu chân không thể tìm thấy, đó là Niết-bàn. Ở trong Niết-bàn chẳng có mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, nóng, lạnh, gió, mưa, sanh, già, bệnh, chết, 25 cảnh giới hiện hữu, lìa các ưu khổ và phiền não. Niết-bàn như vậy, chỗ trụ của Như Lai là thường tồn, chẳng biến đổi. Vì nhân duyên ấy, đức Như Lai đến nơi rừng cây sa-la, do nơi Đại Niết-bàn mà nhập Niết-bàn.”
Phật bảo Ca-diếp: “Dùng chữ đại đó là nói tánh rộng khắp. Ví như có người sống lâu vô cùng, gọi là đại trượng phu. Nếu người ấy trụ yên nơi Chánh pháp thì gọi là Bậc cao trổi nhất trong nhân loại. Như ta có thuyết về tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, một người có đủ, hoặc nhiều người có đủ. Nếu một người có đủ tám điều ấy là cao trổi hơn hết.
“Nói Niết-bàn nghĩa là không có những đau đớn, thương tổn. Thiện nam tử! Ví như người kia bị trúng tên độc, chịu nhiều đau đớn khổ sở. May gặp vị lương y lấy mũi tên độc ra, cho uống vị thuốc hay, giúp người ấy dứt khổ, được sự an vui. Sau đó, vị lương y ấy lại đi đến các thành ấp, xóm làng. Nơi nào có người bị đau đớn, thương tổn, ông liền đến đó để điều trị cho mọi người dứt sự đau đớn khổ sở.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ngài thành bậc Đẳng chánh giác, làm vị Đại y vương, thấy chúng sanh khổ não ở Diêm-phù-đề, trong vô lượng kiếp bị trúng tên độc là phiền não, tham dâm, sân hận, si mê; chịu sự khổ não cấp thiết. Ngài vì những chúng sanh ấy, diễn thuyết kinh Đại thừa là vị thuốc pháp cam lộ. Trị bệnh xong rồi, ngài lại đi đến phương khác. Nơi nào có chúng sanh bị tên độc phiền não, ngài liền thị hiện làm Phật để liệu trị cho họ. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.
“Đại Bát Niết-bàn gọi là chỗ giải thoát. Nơi nào có chúng sanh cần điều phục, Như Lai liền thị hịên ở đó. Vì nghĩa chân thật rất sâu xa như vậy, nên gọi là Đại Niết-bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Một vị thầy thuốc thế gian có thể trị lành hết thảy những đau đớn, thương tổn của chúng sanh hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đau đớn, thương tổn ở thế gian có hai loại: một là có thể trị, hai là không thể trị. Với loại có thể trị thì thầy thuốc có thể trị lành, với loại không thể trị thì thầy thuốc không thể trị lành.”
Ca-diếp lại thưa hỏi: “Như Phật nói rằng: Như Lai đã trị dứt bệnh cho chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề. Nếu nói đã trị dứt, sao trong chúng sanh ấy vẫn còn những kẻ chưa được Niết-bàn? Nếu họ chưa được Niết-bàn, sao Như Lai nói rằng ngài đã trị dứt bệnh của họ nên muốn đến phương khác?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong cõi Diêm-phù-đề có hai hạng chúng sanh: một là hạng có đức tin, hai là hạng không có đức tin. Hạng có đức tin là có thể trị. Vì sao vậy? Vì những người ấy chắc chắn sẽ được Niết-bàn, không còn đau đớn, thương tổn. Cho nên ta nói là đã trị dứt cho chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề. Còn hạng người không có đức tin, gọi là nhất-xiển-đề. Như kẻ nhất-xiển-đề là không thể trị. Trừ hạng nhất-xiển-đề, còn ngoài ra ta đã trị dứt bệnh cho hết thảy chúng sanh. Vì vậy, Niết-bàn gọi là không có đau đớn, thương tổn.”
Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là Niết-bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Giải thoát gọi là Niết-bàn.”
Ca-diếp lại thưa hỏi: “Giải thoát mà Phật nói đó là hình sắc hay không thuộc về hình sắc?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! [Giải thoát] cũng là hình sắc, cũng không phải hình sắc. Nói không phải hình sắc, đó là giải thoát của hàng Thanh văn, Duyên giác; nói phải là hình sắc, đó là giải thoát của chư Phật Như Lai.
“Thiện nam tử! Vì vậy cho nên giải thoát cũng là hình sắc, mà cũng không phải hình sắc. Như Lai vì hàng đệ tử Thanh văn mà dạy là không phải hình sắc.”
“Bạch Thế Tôn! Hàng Thanh văn, Duyên giác, nếu không phải hình sắc thì làm sao có thể trụ?”
“Thiện nam tử! Như cảnh trời Phi tưởng phi phi tưởng là sắc mà cũng không phải sắc, nhưng ta nói là không phải sắc. Như có người vặn hỏi rằng: ‘Nếu cảnh trời Phi tưởng phi phi tưởng không phải sắc, vậy chư thiên ở cảnh ấy làm sao đứng vững, làm sao đi lại, tới lui?’ Ý nghĩa như vậy là thuộc cảnh giới của chư Phật, không phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.
“Giải thoát cũng như thế, là sắc mà cũng không phải sắc, nhưng ta nói là không phải sắc; là tưởng mà cũng không phải tưởng, nhưng ta nói là không phải tưởng. Ý nghĩa như vậy là thuộc cảnh giới của chư Phật, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.”
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Xin thương xót mà giảng rộng một lần nữa về ý nghĩa giải thoát của hạnh Đại Bát Niết-bàn.”
Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Giải thoát chân thật là lìa xa hết thảy mọi sự trói buộc. Lìa hết thảy trói buộc, tức là không có sanh ra, cũng không có sự hòa hợp. Ví như cha mẹ có sự hòa hợp mới sanh ra con. Giải thoát chân thật không phải như vậy, cho nên giải thoát gọi là không sanh ra.
“Ca-diếp! Ví như đề-hồ tự có bản tính thanh tịnh. Như Lai cũng thế, không do cha mẹ hòa hợp sanh ra nên bản tính thanh tịnh. Sở dĩ thị hiện có cha mẹ là vì muốn hóa độ chúng sanh. Giải thoát chân thật chính là Như Lai. Như Lai và giải thoát chẳng phải là hai, chẳng phải là khác.
“Ví như trong mùa xuân gieo các loại giống, nhờ khí trời ấm áp mà dần dần mọc lên. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy!
“Lại nữa, giải thoát gọi là rỗng không; rỗng không tức là giải thoát. Giải thoát tức là Như Lai; Như Lai là rỗng không, vốn không tạo tác, không có chỗ được tạo tác. Nếu là tạo tác thì cũng giống như những cảnh thành quách, lầu đài... Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy, cho nên giải thoát tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như người thợ lò gốm làm ra các món đồ, [về sau ắt] phải vỡ nát, hư hoại. Giải thoát không phải như thế. Giải thoát chân thật là không sanh, không diệt. Cho nên giải thoát tức là Như Lai. Như Lai cũng vậy, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng già, chẳng chết, chẳng bị phá hoại, chẳng phải pháp hữu vi. Vì nghĩa ấy cho nên nói là Như Lai nhập Đại Niết-bàn.
“Chẳng già, chẳng chết có những ý nghĩa gì? Già tức là thay đổi, tóc bạc, da nhăn... Chết tức là thân thể hư hoại, mạng sống chấm dứt. Giải thoát không có những việc như vậy. Vì không có những việc ấy nên mới gọi là giải thoát. Như Lai cũng không có tóc bạc, da nhăn, không có những pháp hữu vi, cho nên Như Lai không có già; vì không có già nên không có chết.
“Lại nữa, giải thoát là không có bệnh. Nói về bệnh, có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh cùng mọi việc từ ngoài xâm nhập làm tổn hại thân thể. Đại Niết-bàn không có như vậy nên gọi là giải thoát. Không có tật bệnh, tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Vì Như Lai không bệnh, cho nên pháp thân cũng không bệnh. Không bệnh như vậy tức là Như Lai.
“Chết tức là thân thể hư hoại, mạng sống dứt. Đại Niết-bàn không có sự chết, tức là thuốc cam lộ trường sanh. Cam lộ ấy là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Như Lai thành tựu công đức như vậy, sao có thể nói Như Lai là vô thường? Nếu nói là vô thường, thật không có lý! Thân kim cang này sao lại là vô thường? Vậy nên Như Lai không thể nói là mạng chung. Như Lai là thanh tịnh, không có nhơ nhớp. Thân của Như Lai chẳng bị thai bào làm cho nhơ nhớp, như hoa [sen trắng] phân-đà-lỵ vốn tánh thanh tịnh. Như Lai, giải thoát lại cũng như vậy. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Cho nên Như Lai vốn là thanh tịnh, không có sự nhơ nhớp.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không còn các lậu hoặc, những sự đau đớn, thương tổn đều dứt sạch chẳng còn dấu vết. Như Lai cũng thế, không có tất cả các lậu hoặc, đau đớn, thương tổn.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không tranh giành. Ví như người đói, thấy kẻ khác ăn uống thì có ý muốn giành giật lấy; giải thoát chẳng phải như thế!
“Lại nữa, giải thoát gọi là yên tĩnh. Kẻ phàm phu nói rằng: ‘Yên tĩnh tức là cảnh trời Đại tự tại thiên.’ Nói như vậy tức là sai trái, không thật. Sự yên tĩnh chân thật là giải thoát rốt ráo. Giải thoát rốt ráo, tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là an ổn. Như trong vùng có nhiều giặc cướp không thể gọi là an ổn. Chốn thanh bình, vui vẻ mới gọi là an ổn. Trong sự giải thoát không có sợ sệt nên gọi là an ổn. Cho nên an ổn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Pháp vậy.
“Lại nữa, giải thoát nghĩa là không có kẻ ngang hàng. Có kẻ ngang hàng là ví như một vị vua có những vua ngang hàng ở các nước láng giềng. Giải thoát thì không phải như thế. Không có kẻ ngang hàng, ví như vị Chuyển luân thánh vương không ai có thể sánh bằng. Giải thoát cũng vậy, không có ngang hàng. Không có ngang hàng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai Chuyển pháp luân vương. Cho nên Như Lai là không ai sánh bằng. Nếu nói có người sánh bằng Như Lai thì thật là vô lý.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không lo buồn. Sự lo buồn đó, ví như một vị quốc vương vì sợ nạn xâm lăng của những nước mạnh ở gần bèn sanh ra lo buồn. Giải thoát thì không có như vậy. Ví như những kẻ oán thù bị phá tan rồi thì không còn lo nghĩ. Giải thoát cũng thế, chẳng có lo sợ; không lo sợ tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không buồn vui. Ví như bà mẹ chỉ có một đứa con phải tòng quân chiến đấu nơi xa. Bỗng có tin dữ về, bà nghe được lấy làm buồn khổ. Sau đó, lại nghe rằng con bà vẫn còn sống, bà lấy làm vui mừng. Giải thoát thì không có những việc như thế. Không buồn, không vui tức là giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có bụi nhơ. Ví như vào mùa xuân, sau khi mặt trời lặn thì gió thổi tung bụi mù mịt. Trong giải thoát không có việc như vậy. Không có bụi mù là ví với giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Ví như hạt minh châu trong búi tóc của vị thánh vương, không có bợn nhơ. Tánh của giải thoát cũng như vậy, không có bợn nhơ. Không có bợn nhơ là ví như giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Ví như tánh chất của vàng thật là không thể hòa chung với cát đá, nên mới thật là vật quý. Người có được vàng liền nghĩ rằng mình có được vật quý. Tánh của giải thoát cũng vậy, như vàng thật quý ấy. Vàng quý là ví như giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Ví như cái bình sành, khi vỡ phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Bình kim cang thì không [bể vỡ] như thế. Giải thoát không có bể vỡ. Bình quý kim cang là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Vì thế nên thân Như Lai không thể hư hoại.
“Phát ra tiếng kêu loảng xoảng, ấy cũng như hạt tỳ-ma đang khi trời nóng mà để ngoài nắng thì phát ra tiếng nổ. Giải thoát không có những chuyện như vậy. Như bình kim cang quý báu kia chẳng thể bể vỡ mà phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Dẫu cho có vô số trăm ngàn người cùng đập phá cũng không thể làm cho bể vỡ được. Không phát ra tiếng vỡ loảng xoảng là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Như người bần cùng, thiếu nợ những kẻ khác cho nên bị họ buộc trói, gông cùm, đánh đập, chịu nhiều khổ não. Giải thoát thì không có chuyện như vậy. Không có nợ nần, ví như vị trưởng giả có nhiều của báu, số nhiều vô lượng, thế lực tự tại, không hề thiếu nợ người khác. Giải thoát cũng như thế, có vô lượng của báu là pháp, thế lực tự tại, không thiếu nợ ai cả. Không thiếu nợ ai là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không bị bức thiết. Như mùa xuân gặp nóng, mùa hạ ăn món ngọt, mùa đông chịu lạnh. Trong giải thoát chân thật không có những việc trái ý như vậy. Không bị bức thiết là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, không bị bức thiết đó, ví như có người ăn cá đến no bụng rồi lại uống sữa vào, ắt không bao lâu sẽ chết. Trong giải thoát chân thật không có việc như thế. Như người ấy được món thuốc cam lộ thần diệu mới có thể thoát cơn nguy ngập. Giải thoát chân thật lại cũng như vậy. Món thuốc cam lộ là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Thế nào là bị bức thiết và không bị bức thiết? Ví như có kẻ phàm phu cao ngạo, tự nghĩ rằng: “Hết thảy mọi loài đều chẳng thể hại được ta.” Liền gần gũi tiếp xúc với những loài rắn, cọp, trùng độc... Nên biết rằng người như vậy, dù mạng số chưa hết cũng phải chết đột ngột. Giải thoát chân thật không có việc như vậy. Không bị bức thiết là ví như vị Chuyển luân vương có một hạt châu thần diệu. Hạt châu ấy có thể hàng phục loài bọ hung và chín mươi sáu thứ trùng độc. Nếu ai nghe được mùi thơm của hạt thần châu ấy thì các chất độc đều tiêu diệt. Giải thoát chân thật cũng như thế, lìa xa tất cả 25 cảnh giới hiện hữu. Các chất độc đều tiêu diệt là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, không bị bức thiết là ví như hư không. Giải thoát cũng thế. Hư không ấy là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, chịu sự bức thiết là ví như ở gần cỏ khô mà đốt đèn lửa, tất phải cháy bùng. Trong giải thoát chân thật chẳng có việc như vậy.
“Lại nữa, không bị bức thiết là ví như mặt trời và mặt trăng chẳng bức bách chúng sanh. Giải thoát cũng thế, đối với chúng sanh không có bức thiết. Không có bức thiết là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp không xao động. Ví như có [sự phân biệt] kẻ oán và người thân. Trong sự giải thoát chân thật không có việc như vậy.
“Lại nữa, không xao động là ví như vị Chuyển luân vương, không có Thánh vương nào để làm bạn hữu. Nếu vị ấy có bạn hữu, đó là chuyện vô lý. Giải thoát cũng thế, không có chỗ thân cận. Nếu giải thoát lại có chỗ thân cận, cũng là chuyện vô lý. Vị vua kia không có bạn hữu là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật, tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp vậy.
“Lại nữa, không xao động đó, ví như cái áo trắng tinh thì dễ nhuộm các màu khác. Giải thoát chẳng phải như thế.
“Lại nữa, không xao động đó, ví như hoa bà-sư, nếu muốn cho có mùi hôi và màu xanh, thật là chuyện vô lý. Giải thoát cũng như thế, nếu muốn cho có mùi hôi và các màu sắc thì thật vô lý. Vì vậy nên giải thoát tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là ít có. Ví như ở trong nước sanh ra hoa sen, đó là việc bình thường. Như ở trong lửa sanh ra [hoa sen] mới thật là ít có, ai thấy được việc ấy đều lấy làm vui sướng. Giải thoát chân thật cũng như thế, như có người thấy được ắt lấy làm vui sướng. Việc ít có là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Pháp thân.
“Lại nữa, việc ít có đó, ví như đứa trẻ sơ sanh răng còn chưa mọc, dần dần lớn lên rồi răng mới mọc. Giải thoát chẳng phải như thế, không có việc sanh cùng chẳng sanh.
“Lại nữa, giải thoát gọi là rỗng không vắng lặng, không có gì là không xác định. Không xác định là như [nói rằng] hạng nhất-xiển-đề rốt cùng không thay đổi, kẻ phạm trọng cấm không thể thành Phật là vô lý. Vì sao vậy? Nếu những người này ở trong Chánh pháp của Phật có được lòng tin trong sạch, lập tức sẽ không còn là nhất-xiển-đề. Nếu được làm người cư sĩ nam, cũng sẽ không còn là nhất-xiển-đề. Như kẻ phạm trọng cấm, nếu trừ xong tội ấy ắt được thành Phật. Cho nên, nếu nói chắc chắn là không thay đổi, không thành Phật đạo thì thật là vô lý. Trong sự giải thoát chân thật không có những chuyện diệt mất như vậy.
“Lại nữa, rỗng không vắng lặng là dự vào pháp giới. Như tánh của pháp giới tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, nếu nhất-xiển-đề là dứt mất thì không thể gọi là nhất-xiển-đề. Sao gọi là nhất-xiển-đề? Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành. Trong giải thoát chân thật không có việc như vậy. Không có việc như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng thể đo lường. Ví như một đống lúa, có thể biết được số lượng. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy. Ví như biển cả không thể đo lường. Giải thoát cũng thế, không thể đo lường. Không thể đo lường tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp vô lượng. Như mỗi chúng sanh có nhiều nghiệp báo. Giải thoát cũng thế, có vô lượng báo. Vô lượng báo tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là rộng lớn. Ví như biển cả rộng lớn không gì sánh bằng. Giải thoát cũng thế, rộng lớn không gì sánh bằng. Không gì sánh bằng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là cao trổi hơn hết. Ví như hư không là cao nhất không gì sánh bằng. Giải thoát cũng thế, cao trổi hơn hết, không gì sánh bằng. Cao trổi hơn hết, không gì sánh bằng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể vượt qua. Ví như nơi ở của sư tử thì hết thảy các loài thú không con nào có thể vượt qua. Giải thoát cũng thế, không ai có thể vượt qua. Không thể vượt qua tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không còn gì trên nữa. Ví như trong các phương, phương bắc là trên hết. Giải thoát cũng thế, không còn gì trên nữa. Không còn gì trên nữa tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là trên cả bậc cao nhất. Ví như phương bắc đối với phương đông là trên cả bậc cao nhất. Giải thoát cũng thế, không còn có bậc nào trên nữa. Không còn có bậc nào cao hơn nữa tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp thường còn. Ví như loài người và chư thiên, khi thân thể đã hư hoại và mạng sống dứt rồi thì gọi là thường còn, chẳng phải không thường còn. Giải thoát cũng thế, chẳng phải không thường còn. Chẳng phải không thường còn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chắc thật. Ví như những cây khư-đà-la, chiên-đàn trầm thủy, tánh vốn chắc thật. Giải thoát cũng thế, tánh vốn chắc thật. Tánh chắc thật tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng trống không. Ví như các loài tre, sậy, trong ruột trống rỗng. Giải thoát chẳng phải như thế. Vậy nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể bám víu. Ví như vách tường chưa quét vôi thì muỗi mòng bu đậu, bám vào trên đó. Nếu quét vôi và sơn vẽ lên rồi, chúng nghe mùi vôi và sơn thì không thể bám vào. Không thể bám víu là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có giới hạn. Ví như làng xóm mỗi nơi đều có ranh giới bao quanh. Giải thoát chẳng phải như thế. Ví như hư không chẳng có ranh giới. Giải thoát cũng thế, không có giới hạn. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể thấy. Ví như giữa hư không, dấu chân chim khó thấy. Việc khó thấy như vậy ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là rất sâu xa. Vì sao vậy? Đó là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể vào được. Không thể vào được tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, rất sâu xa tức là chỗ mà chư Phật Bồ Tát đều cung kính. Ví như một người con hiếu, nhờ cung kính phụng dưỡng cha mẹ nên được công đức rất sâu xa. Công đức rất sâu xa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể thấy. Ví như người ta không thể thấy đỉnh đầu của mình. Giải thoát cũng thế, đó là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể thấy được. Không thể thấy được tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có nhà cửa. Ví như giữa hư không chẳng có nhà cửa. Giải thoát cũng thế. Nói nhà cửa là ví như 25 cảnh giới hiện hữu. Không có nhà cửa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể nắm bắt. Ví như trái a-ma-lặc, người ta có thể nắm lấy được. Giải thoát không như thế, không ai nắm bắt được. Không thể nắm bắt tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể cầm giữ. Ví như vật ảo hóa không thể cầm giữ được. Giải thoát cũng thế, không thể cầm giữ được. Không thể cầm giữ tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có thân thể. Ví như có người, từ nơi thân thể sanh ra các thứ ghẻ chốc, phung cùi, ung thư, điên cuồng, khô héo. Trong giải thoát chân thật không có những bệnh như vậy. Không có những bệnh như vậy là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chỉ có một vị. Ví như sữa chỉ có một vị. Giải thoát cũng thế, chỉ có một vị. Chỉ có một vị tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là trong sạch. Ví như nước không có bùn dơ, lắng yên trong sạch. Giải thoát cũng thế, lắng yên trong sạch. Lắng yên trong sạch tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chỉ có một vị. Ví như mưa giữa không trung, chỉ có một vị trong sạch. Một vị trong sạch là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là trừ bỏ hết. Ví như đêm trăng tròn không có mây che khuất. Giải thoát cũng thế, không có mây che khuất. Không có mây che khuất tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng yên tĩnh. Ví như có người trừ dứt bệnh nóng, thân thể được vắng lặng yên tĩnh. Giải thoát cũng thế, thân được vắng lặng yên tĩnh. Thân được vắng lặng yên tĩnh tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát tức là bình đẳng. Ví như ở nơi đồng hoang, những loài rắn độc, chuột, chó sói đều có tâm giết hại. Giải thoát chẳng phải như thế, không hề có tâm giết hại. Không có tâm giết hại tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, bình đẳng là ví như cha mẹ lòng luôn bình đẳng đối với các con. Giải thoát cũng thế, lòng luôn bình đẳng. Lòng bình đẳng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có nơi nào khác. Ví như có người chỉ ở nơi nhà cửa cao đẹp, sạch sẽ, không còn có nơi nào khác. Giải thoát cũng thế, không có nơi nào khác. Không có nơi nào khác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là biết đủ. Ví như người đói gặp bữa cơm ngon thì ăn chẳng muốn thôi. Giải thoát chẳng phải thế, như ăn cháo sữa rồi thì chẳng cần ăn thêm gì nữa. Chẳng cần thêm gì nữa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt hẳn. Ví như người bị trói, cắt đứt dây trói thì được thoát ra. Giải thoát cũng thế, dứt hẳn tất cả sự trói buộc của lòng nghi ngờ. Dứt hẳn lòng nghi như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là đến bờ bên kia. Ví như một con sông lớn có bờ bên này và bờ bên kia. Giải thoát chẳng phải như thế, tuy không có bờ bên này nhưng có bờ bên kia. Có bờ bên kia tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng tự nhiên. Ví như biển cả, nước lớn mênh mông có nhiều loại tiếng ồn. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là vị ngon lạ. Ví như trong các món thuốc, có lẫn vị ha-lê-lặc thì phải bị đắng. Giải thoát chẳng phải như thế, có vị như chất cam lộ. Vị như cam lộ là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát là dứt trừ phiền não. Ví như một vị lương y pha trộn các vị thuốc, khéo trị các chứng bệnh. Giải thoát cũng thế, có thể dứt trừ phiền não. Dứt trừ phiền não tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không chật hẹp. Ví như nhà nhỏ không chứa được nhiều người. Giải thoát chẳng phải như thế, dung chứa được rất nhiều. Dung chứa rất nhiều tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt trừ ái luyến, không còn lẫn sự dâm dục. Ví như người nữ có nhiều ái dục. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai chẳng hề có những sự trói buộc bởi tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có lòng ái luyến. Ái luyến có hai loại: một là lòng ái luyến của loài ngạ quỷ, hai là lòng ái luyến đối với pháp. Bậc giải thoát chân thật lìa xa lòng ái luyến của loài ngạ quỷ, vì thương xót chúng sanh nên có lòng ái luyến đối với pháp. Có lòng ái luyến đối với pháp tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát là lìa bỏ cái ta và vật của ta. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.
“Lại nữa, giải thoát tức là dứt hết, lìa bỏ sự tham lam. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.
“Lại nữa, giải thoát tức là che chở cứu giúp, có thể cứu giúp tất cả những kẻ sợ sệt. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.
“Lại nữa, giải thoát tức là chỗ quay về. Như đã quay về nương tựa bậc giải thoát như vậy thì chẳng cần nương tựa nơi nào khác nữa. Ví như có người nương tựa với vua thì chẳng cần nương tựa ai khác. Tuy vậy, nương tựa với vua còn có sự biến động thay đổi, còn nương tựa bậc giải thoát thì không có sự biến động thay đổi. Không có sự biến động thay đổi tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.
“Lại nữa, giải thoát gọi là nhà cửa. Ví như có người đi vào chốn đồng hoang ắt gặp nạn hiểm. Giải thoát chẳng phải như thế, không có nạn hiểm. Không có nạn hiểm tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát là không có sự sợ sệt. Ví như chúa sư tử đối với cả trăm loài thú cũng không hề sợ sệt. Giải thoát cũng thế, đối với chúng ma không hề sợ sệt. Không sợ sệt tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát tức là không chật hẹp. Ví như có con đường nhỏ hẹp, thậm chí không đủ chỗ để hai người cùng đi ngang nhau. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nói không chật hẹp, ví như có người vì sợ cọp lại rơi xuống giếng. Giải thoát chẳng như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, không chật hẹp là ví như giữa biển cả mà bỏ thuyền nhỏ, được thuyền lớn vững chắc, dùng để vượt biển đến xứ an ổn, lòng được vui thích. Giải thoát cũng thế, trong lòng được vui thích. Được vui thích tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát nghĩa là dẹp bỏ các nhân duyên. Ví như có người nhờ có sữa mà làm được kem sữa, nhờ có kem sữa mà làm được bơ, nhờ có bơ lại làm được món đề-hồ. Trong sự giải thoát không có những nhân tiếp nối như vậy. Không có nhân như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát có thể khuất phục được sự kiêu căng ngạo mạn. Ví như vị vua lớn kiêu căng ngạo mạn với các vua nhỏ. Giải thoát không phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.
“Lại nữa, giải thoát là khuất phục sự buông thả, lười nhác. Buông thả, lười nhác ắt có nhiều ham muốn. Trong giải thoát chân thật chẳng có những tên gọi ấy. Chẳng có những tên gọi ấy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát có thể trừ dứt vô minh. Ví như dùng loại bơ sữa tốt nhất loại bỏ hết những cặn cáu mới được đề-hồ. Giải thoát cũng thế, trừ được cặn cáu là vô minh, hiện ra sự sáng suốt chân thật. Sự sáng suốt chân thật đó tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng yên tĩnh, thuần nhất chẳng phân chia. Ví như con voi giữa đồng hoang, chỉ sống một mình không có bạn. Giải thoát cũng thế, duy nhất chẳng phân chia. Duy nhất chẳng phân chia tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chắc thật. Ví như thân cây tre, sậy, tỳ-ma đều rỗng ruột, nhưng măng non lại chắc đặc, không rỗng. Trừ ra Phật Như Lai, các hàng trời, người đều không chắc thật. Giải thoát chân thật lìa xa tất cả những cảnh hiện hữu lưu chuyển không bền. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là có thể hiểu rõ, thêm phần lợi ích cho mình. Giải thoát chân thật là như vậy. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là buông bỏ những cảnh giới hiện hữu. Ví như có người ăn xong rồi nôn ra. Giải thoát cũng như thế, buông bỏ những cảnh giới hiện hữu. Buông bỏ những cảnh giới hiện hữu tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là quyết định. Ví như hương hoa bà-sư [nhất định là] không có trong hoa thất diệp. Giải thoát cũng như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chất nước. Ví như chất nước hơn hẳn trong bốn đại, có thể làm tươi nhuận hạt giống hết thảy các loại cây cỏ. Giải thoát cũng thế, có thể làm tươi nhuận hết thảy những loài có mạng sống. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là nhập vào. Ví như nhà có cửa ngõ, ắt thông với đường đi. Lại như xứ có vàng, ắt có thể lấy được vàng. Giải thoát cũng thế. Cũng như cửa ngõ kia, người tu pháp vô ngã ắt là vào được lẽ ấy. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là tốt lành. Ví như người đệ tử theo thầy hầu hạ, khéo vâng theo lời dạy, đó gọi là tốt lành. Giải thoát cũng thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp xuất thế. Đối với tất cả pháp, pháp ấy là cao trổi hơn hết. Như trong các mùi vị, mùi vị của bơ sữa là hơn hết. Giải thoát cũng thế. Giải thoát như vậy tức là Như lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng lay động. Ví như ở cửa buồng trong không có gió lay động. Giải thoát chân thật cũng thế. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không có sóng nước. Ví như nơi biển cả nước dậy thành sóng. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát ví như cung điện. Giải thoát cũng như thế. Nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chỗ dùng. Ví như vàng Diêm-phù-đàn có thể dùng vào nhiều việc, không ai có thể nói được chỗ xấu dở của loại vàng này. Giải thoát cũng thế, không có chỗ xấu ác. Không có chỗ xấu ác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát là buông bỏ hết những hành vi trẻ con. Ví như người trưởng thành thì bỏ hết những nết trẻ con. Giải thoát cũng thế, trừ bỏ năm ấm. Trừ bỏ năm ấm tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chỗ rốt ráo sau cùng. Ví như người bị trói, khi được mở trói liền tắm rửa sạch sẽ rồi mới về nhà. Giải thoát cũng thế, rốt ráo trở nên thanh tịnh. Rốt ráo thanh tịnh tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là niềm vui không tạo tác. Vui không tạo tác, là vì đã nôn ra hết những tham dục, sân khuể, ngu si. Ví như có người uống phải nọc độc của rắn. Muốn trừ chất độc ấy, phải dùng thuốc gây nôn. Khi nôn rồi, nọc đã ra hết thì thân thể được an vui. Giải thoát cũng thế, nôn ra nọc độc là các phiền não trói buộc, thân được an vui, đó gọi là niềm vui không tạo tác. Vui không tạo tác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là trừ dứt bốn loại rắn độc phiền não. Dứt trừ phiền não tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là lìa bỏ các cảnh giới hiện hữu, diệt hết thảy sự khổ, được hết thảy sự vui, dứt trừ vĩnh viễn những tham dục, sân khuể, ngu si, nhổ bỏ hết thảy mọi gốc rễ của phiền não. Nhổ bỏ gốc rễ đó tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt trừ hết thảy các pháp hữu vi, sanh ra hết thảy các pháp lành vô lậu, dứt hẳn các khuynh hướng như chấp ngã, vô ngã, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã. Chỉ dứt bỏ sự vướng chấp mà thôi, không dứt bỏ sự thấy biết về cái ngã. Sự thấy biết về cái ngã đó gọi là tánh Phật. Tánh Phật tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng phải không không. Không không đó gọi là không có gì hết. Không có gì hết, tức là cách hiểu giải thoát của bọn ngoại đạo Ni-kiền. Nhưng bọn Ni-kiền ấy thật chẳng có giải thoát, nên gọi là không không. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy, cho nên chẳng phải không không. Chẳng phải không không, tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không chẳng phải không. Ví như những cái bình đựng nước, rượu, kem sữa, bơ sữa, đường. Mặc dầu trong những bình ấy không có nước, rượu, kem sữa, bơ sữa, đường, nhưng vẫn gọi là bình nước, bình rượu.v.v... Những cái bình như vậy, không thể nói là không, cũng không thể nói là chẳng phải không. Nếu nói là không thì chẳng thể có những hình sắc, mùi vị, xúc chạm... Nếu nói là chẳng phải không thì những cái bình ấy thật là không có nước, rượu.v.v... Giải thoát cũng thế, không thể nói là hình sắc hay chẳng phải hình sắc, không thể nói là không hay chẳng phải không. Nếu nói là không thì chẳng thể có thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu nói là chẳng phải không thì ai thọ nhận những thường, lạc, ngã, tịnh ấy?
“Vì nghĩa ấy nên chẳng thể nói là không hay là chẳng phải không. Không, đó là không 25 cảnh giới hiện hữu cùng với các phiền não, tất cả các khổ, tất cả các tướng, tất cả hạnh hữu vi. Ví như cái bình không có đựng sữa thì gọi là không. Còn chẳng phải không là nói đến những hình sắc chân thật tốt đẹp như thường, lạc, ngã, tịnh, bất động, bất biến. Như cái bình kia, có hình sắc, hương vị, xúc chạm, nên gọi là chẳng phải không. Vì vậy nên giải thoát ví như cái bình kia. Nhưng cái bình ấy nếu gặp duyên xấu thì hư nát. Giải thoát chẳng phải như vậy, không thể hư nát. Không thể hư nát tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.
“Lại nữa, giải thoát gọi là lìa bỏ luyến ái. Ví như người có lòng luyến ái, mong cầu được cảnh Đế-thích, cảnh Đại Phạm thiên vương, cảnh Tự tại thiên vương. Giải thoát chẳng như thế. Nếu thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi thì không có luyến ái, không có nghi ngại. Không luyến ái, không nghi ngại tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Nếu nói rằng giải thoát có luyến ái, có nghi ngại thì thật là vô lý.
“Lại nữa, giải thoát là dứt hết các mối tham, dứt hết tất cả tướng, hết thảy mọi sự trói buộc, hết thảy phiền não, hết thảy sanh tử, hết thảy nhân duyên, hết thảy quả báo. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết-bàn.
“Tất cả chúng sanh vì sợ sanh tử và các phiền não nên mới quy y nơi Tam bảo. Ví như bầy nai, vì sợ người thợ săn mà được thoát ly. Như thoát được một lần là ví như một sự quy y, thoát được ba lần là ví như quy y Tam bảo. Thoát được ba lần nên được yên vui.
“Chúng sanh cũng thế, vì sợ thợ săn dữ là bốn loại ma nên mới quy y Tam bảo. Nhờ quy y Tam bảo nên được yên vui. Được yên vui tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết-bàn. Niết-bàn tức là không cùng tận. Không cùng tận tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là quyết định. Quyết định tức là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Niết-bàn, tánh Phật, sự quyết định và Như Lai là cùng một nghĩa, vì sao nói rằng có Ba quy y?”
Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì sợ sanh tử nên cầu quy y Tam bảo. Nhờ quy y Tam bảo nên biết được tánh Phật, quyết định, Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Có những pháp cùng tên mà khác nghĩa. Lại có những pháp tên và nghĩa đều khác nhau. Cùng tên mà khác nghĩa là như Phật thường, Pháp thường, Tỳ-kheo tăng thường; Niết-bàn, hư không cũng là thường. Đó là cùng một tên mà khác nghĩa.
“Tên và nghĩa đều khác nhau, như Phật gọi là giác, Pháp gọi là bất giác, Tăng gọi là hòa hiệp, Niết-bàn gọi là giải thoát, hư không gọi là chẳng lành, cũng gọi là không ngăn ngại. Đó là tên và nghĩa đều khác nhau.
“Thiện nam tử! Ba quy y cũng vậy, tên và nghĩa đều khác nhau, sao lại gọi là một? Cho nên ta có dạy bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di rằng: ‘Đừng cúng dường ta, nên cúng dường chư tăng. Như cúng dường chư tăng tức là cúng dường đủ cả ba chỗ quy y.’ Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề liền hỏi lại rằng: ‘Trong chúng tăng không có Phật, không có Pháp, sao nói rằng cúng dường chúng tăng là cúng dường đủ cả ba chỗ quy y?’ Ta lại dạy rằng: ‘Nếu bà vâng theo lời ta, đó là cúng dường Phật; vì cầu sự giải thoát, đó là cúng dường Pháp; chúng tăng thọ dụng, đó là cúng dường Tăng.’
“Thiện nam tử! Vậy nên Ba quy y không thể là một.
“Thiện nam tử! Ba quy y đó, có khi Như Lai nói một là ba, có khi nói ba là một. Những nghĩa như vậy thuộc về cảnh giới của chư Phật, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể rõ biết được.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa rằng: “Như Phật có dạy: ‘Rốt ráo được yên vui gọi là Niết-bàn.’ Nghĩa ấy là thế nào? Niết-bàn tức là xả thân, bỏ trí. Như đã xả thân bỏ trí thì còn ai là người thọ nhận cái vui ấy?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người vừa ăn xong thấy trong bụng khó chịu, muốn ra ngoài nôn. Nôn xong, người ấy trở vào. Các bạn hỏi rằng: ‘Anh đã hết khó chịu chưa mà vào đây?’ Người ấy đáp: “Đã hết khó chịu rồi, bây giờ thân được yên vui.’
“Như Lai cũng thế, rốt ráo xa lìa 25 cảnh giới hiện hữu, mãi mãi được Niết-bàn, cảnh yên vui, không thể lay động, chuyển đổi, không có sự diệt mất, dứt hết mọi cảm thọ, gọi là chỗ vui không cảm thọ. Chỗ không cảm thọ như vậy gọi là thường lạc. Nếu nói rằng Như Lai có thọ nhận cái vui, thật là vô lý. Cho nên cái vui rốt ráo tức là Niết-bàn. Niết-bàn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.”
Ca-diếp lại hỏi: “Có phải chẳng sanh chẳng diệt là giải thoát chăng?”
Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Chẳng sanh chẳng diệt tức là giải thoát. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.”
Ca-diếp lại nói: “Nếu chẳng sanh chẳng diệt là giải thoát, thì tánh của hư không vốn không sanh diệt, ắt cũng là Như Lai. Như tánh Như Lai, tức là giải thoát.”
Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Chẳng phải như vậy!”
“Bạch Thế Tôn! Tại sao chẳng phải như vậy?”
“Thiện nam tử! Như chim ca-lan-già và chim mạng-mạng, tiếng kêu trong trẻo rất hay, có giống với tiếng quạ kêu chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không giống! Như tiếng chim ca-lan-già và chim mạng-mạng mà so với tiếng quạ kêu thì vượt trội hơn đến trăm ngàn vạn lần, không thể so sánh được!”
Bồ Tát Ca-diếp lại nói: “Những loài chim như ca-lan-già tiếng kêu rất hay, thân hình lại chẳng giống quạ, vì sao Như Lai lại so sánh với chim quạ? Như vậy chẳng khác nào đem hạt đình lịch mà so với núi Tu-di. Phật so với hư không lại cũng như thế. Tiếng chim ca-lan-già có thể so sánh với âm thanh của Phật, chứ không thể so với tiếng kêu của quạ.”
Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Nay ông đã hiểu rõ việc rất khó hiểu. Có khi vì nhân duyên nên Như Lai lấy hư không mà ví như giải thoát. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
“Giải thoát chân thật đó, hết thảy loài người và chư thiên không ai có thể sánh được. Như hư không kia thật ra cũng chẳng thể dùng làm thí dụ so sánh được. Nhưng Phật vì hóa độ chúng sanh nên lấy hư không mà tạm so sánh với giải thoát. Vậy nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai. Tánh của Như Lai tức là giải thoát. Giải thoát và Như Lai vốn chẳng phân chia, chẳng khác biệt nhau.
“Thiện nam tử! Không tỷ dụ được, là ví như có một vật không chi sánh được, thì không thể lấy vật gì khác mà làm thí dụ so sánh. Nhưng vì nhân duyên nên có thể [tạm] dẫn làm thí dụ so sánh. Như trong kinh nói ‘vẻ mặt đoan chánh dường như trăng tròn, voi trắng tinh sạch dường như núi tuyết.’ Thật ra, mặt trăng tròn không thể đồng với khuôn mặt, núi tuyết cũng chẳng thể là voi trắng.
“Thiện nam tử! Không tỷ dụ được, là ví như giải thoát chân thật. Ta vì hóa độ chúng sanh nên đặt ra các thí dụ. Nhờ có các thí dụ mà biết được tánh của các pháp, thảy đều là như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Vì sao Như Lai thuyết dạy hai nghĩa khác nhau?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người tay cầm đao kiếm, vì giận tức nên muốn làm hại Như Lai. Nhưng đức Như Lai vẫn hiền hòa vui vẻ, không có vẻ giận. Vậy người ấy có phá hoại được thân Như Lai mà thành tội nghịch hay chăng?”
“Bạch Thế Tôn! Không thể được. Vì sao vậy? Thân Như Lai không ai có thể phá hoại được. Vì sao vậy? Vì không có cái thân kết tụ, chỉ có pháp tánh. Tánh của pháp tánh, tất nhiên là không thể phá hoại. Vậy người ấy làm sao có thể phá hoại thân Phật? Chỉ vì người ấy đem lòng ác muốn làm hại Phật, cho nên thành tội vô gián. Vì nhân duyên ấy, các thí dụ đưa ra có thể giúp người ta hiểu được pháp chân thật.”
Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Việc ta muốn nói, nay ông đã nói.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có kẻ ác muốn hại mẹ mình, bèn núp dưới đống rơm ngoài đồng ruộng. Bà mẹ đem cơm ra đồng cho con. Thấy mẹ từ xa, người ấy sanh lòng muốn hại mẹ, liền lấy dao ra mài. Bà mẹ đã biết, bèn trốn vào trong đống rơm. Người ấy cầm dao, vừa đi quanh đống rơm vừa chém. Chém xong, lấy làm thỏa dạ, tưởng rằng đã giết được mẹ rồi. Sau đó, bà mẹ từ trong đống rơm bước ra, trở về nhà. Ý ông thế nào? Người ấy có tạo thành tội vô gián chăng?”
“Thế Tôn! Không thể nói chắc được. Vì sao vậy? Nếu nói rằng người ấy có tội, thì thân thể bà mẹ phải bị chém. Nhưng thân thể của bà không bị tổn hại, sao có thể nói rằng người ấy có tội? Nhưng nếu nói là không có tội, thì lúc tưởng là đã giết mẹ rồi, lấy làm thỏa dạ, sao có thể nói là không tội? Tuy người ấy chưa tạo ra đầy đủ tội nghịch, nhưng cũng là nghịch. Vì nhân duyên ấy, các thí dụ đưa ra có thể giúp người ta hiểu được pháp chân thật.”
Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, ta nói ra rất nhiều thí dụ phương tiện để so sánh với giải thoát. Tuy dùng vô số thí dụ, nhưng thật ra chẳng thể lấy thí dụ mà so sánh được. Tùy theo nhân duyên, có khi ta có thể nói ra thí dụ, cũng có khi không thể nói ra bằng thí dụ.
“Cho nên giải thoát thành tựu vô lượng công đức như vậy, hướng về Niết-bàn. Niết-bàn và Như Lai cũng có vô lượng công đức như vậy. Vì có đầy đủ vô lượng công đức như vậy nên gọi là Đại Niết-bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con mới biết chỗ đến của Như Lai là không cùng tận. Nếu chỗ ấy là không cùng tận, thì nên biết rằng thọ mạng của Như Lai cũng là không cùng tận.”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông có thể khéo hộ trì Chánh pháp. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn dứt hết các phiền não trói buộc thì nên hộ trì Chánh pháp giống như vậy.”
Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You, the Buddha, say that the All-Buddha-World-Honoured One has an undisclosed storehouse. But this is not so. Why not? The All-Buddha-World-Honoured One has privately-spoken words, but not an undisclosed storehouse [a teaching not made known]. For example, this is analogous to the case of a magician, his mechanical appliances, and his wooden image. One may see the motions of bending, stretching, and looking up and down, but one does not know that inside there is a man who makes things proceed thus. But with the Buddha’s teaching, it is not like this. His teaching enables all beings to know and see. How can one say that the All-Buddha- World-Honoured One has anything undisclosed?" The Buddha praised Kasyapa and said: "Well said, well said, O good man! It is just as you say. The Tathagata, truth to tell, does not keep anything hidden. How so? It is as in the case of the full moon in autumn, when it is all open, bare, clear, pure and cloudless, so that all people can see it. What the Tathagata says is also the same. It is open, bare, clear, pure and cloudless. Dull people do not understand and speak of a secret in connection with it. The wise, understanding the matter, do not say that there is anything secretly stored away. O good man! There is a man here who stores gold and silver amounting to “yis” and “yis”1. Being a miser, he does not give to the poor and help them. Anything stored in this fashion could be called "secretly stored" [secretly withheld]. It is not thus with the Tathagata. Over the course of innumerable long kalpas, he stores wonderful laws [doctrines, truths] and rare treasures. He does not begrudge [anything]; he always gives to all beings. How [then] can we say that he secretly stores [truths away]? O good man! There is a man here who is lacking a part of his body, such as an eye, hand or leg. He feels shy and does not allow others to see. As all people do not see it, they say "secretly concealed" . It is not so with the Tathagata. He is perfect in Wonderful Dharma and lacking in nothing, allowing all others to see. How could one say that the Tathgata secretly stores [conceals/ withholds] things? O good man! A poor man, for example, has debts. He fears the man to whom he owes money. He hides and does not wish to show himself. Here we may speak of hiding. The case is not the same with the Tathagata. He does not shoulder the mundane laws [phenomena, truths] of all beings, but does their supramundane laws. But he does not hide such. Why not? Because he always thinks of beings as his own only son and expounds [to them] unsurpassed Dharma. O good man! There is a rich man, for example, who has much wealth. He only has one son. He loves this son very much and cannot forget him. He shows all his wealth to his son. So is it with the Tathagata. He views all beings as his own only son. O good man! This is as in the case of worldly people. Men and women conceal their genitalia behind clothing, because such are ugly things to look upon. Here we speak of " concealing" . It is not thus with the Tathagata. He has long since done away with genitalia. As he does not have such, there is no reason for concealment. O good man! The Brahmins do not like to have their words and what they say heard by Kshatriyas, Vaishyas and Sudras. Why not? Because there are many things in their words that are wrong and wicked. But the Tathagata’s Wonderful Dharma is such that it is lovely in its beginning, lovely in its middle and lovely in its conclusion. So we cannot speak here of a thing hidden or stored away. O good man! For example, there is here a rich man who only has a single son. He always thinks of, and loves, this boy. He takes the boy to a teacher to be taught. Apprehensive that things might not progress quickly, he takes the boy back home. As he loves him, he teaches him the alphabet day and night very patiently. Yet he does not teach him the vyakarana [a popular work for language study; a kind of grammar]. Why not? Because the child is small and is not up to such lessons. O good man! Now, the rich man finishes teaching the alphabet. But is the boy ready to be taught the vyakarana?" "No, O World-Honoured One!" "Is the rich man concealing anything from the child?" "No, O World-Honoured One! Why not? Because the child is too young. So he does not teach [him the more advanced matters]. It is not that the boy is not taught because the man begrudges him [such lessons]. Why not? If there is any jealousy or grudging [involved], we may say he conceals things. It is not thus with the Tathagata. How could we say that he hides and conceals?" The Buddha said: "Well said, well said, O good man! It is as you say. If there is any anger, jealousy or begrudging, we can well say that he is concealing things. The Tathagata has no anger or jealousy. How can you say that he hides things away? O good man! The great rich man is the Tathagata himself. The only child is [all] beings. The Tathagata views all beings as he views his only son. Teaching his only son relates to the sravaka disciples, the alphabet, and the nine types of sutras; the vyakarana relates to the vaipulya [extensive] Mahayana sutras. Since all the sravaka disciples do not possess the power of Wisdom, the Tathagata teaches them the alphabet, i.e. the nine types of sutra. And he does not yet speak of the vyakarana, i.e. the vaipulya Mahayana. O good man! When the rich man’s son has grown up and is able to cope with the lessons, if the vyakarana is not taught then, we may well speak of "concealment". If all sravakas are grown up and can indeed cope with the Mahayana vyakarana lessons, but the Tathagata begrudges [them this] and does not teach them [the vyakarana], we could well say that the Tathagata begrudges, hides and conceals the teaching. But this is not so with the Tathagata. The Tathagata does not conceal [anything]. This is as with the rich man who, having taught the alphabet, next teaches the vyakarana. I also do the same. To all my disciples I have spoken about the alphabet and the nine types of sutra. Having done so, I now, after this, talk about the vyakarana. This is none other than the Tathagata's eternal and unchanging nature.
"Also, next, O good man! It is as in the summer months, when great clouds call forth thunder and great rain, as a result of which all farmers can sow [their] seeds and harvest things. Those who do not sow cannot expect to harvest. It is not through the workings of the naga kings that one cannot harvest. And these naga kings also do not store [hold things back]. The same with me. I let fall the great rain of the Great Nirvana Sutra. Those beings who sow good seeds harvest the buds and fruit of Wisdom. Those who have not sown can expect nothing. The Tathagata is not to blame if they gain nothing. The Tathagata does not hide anything away."
Kasyapa said again: "I now definitely know that the Tathagata-World-Honoured One never hides and conceals [anything away]. You, the Buddha, say that the vyakarana refers to the eternal and unchanging nature of the Buddha-Tathagata. But this cannot be the meaning. Why not? Because the Buddha said before, in a gatha:
"All Buddhas, pratyekabuddhas, and sravakas
Abandon the non-eternal body.
How could this not be so with common mortals?"
Now you say " eternal" and " unchanging" . What does this mean?" The Buddha said: "O good man! As I had to teach the sravaka disciples the alphabet, I spoke thus in the gatha. O good man! King Prasenajit lost his mother. He cried sorrowfully. He loved her and could not bear the sorrow. He came to me. I asked: "O King! Why are you so afflicted with sorrow?" The King said: "The Queen Mother of the state has died, O World-Honoured One! If anyone can bring my mother back to life, I will give away my state, elephants, horses, the seven treasures, and even my life; thus will I reward him." I said to the king: "O great King! Please do not lose yourself in worry and sorrow! Do not weep! When life ends for a person, this is death. All Buddhas, sravakas, pratyekabuddhas and disciples have to part with this body. How could common mortals not have to? " O good man! To teach the king the alphabet, I spoke thus in this gatha. I now expound to my sravaka disciples the vyakarana and say that the Tathagata is eternal and that he does not change. If any person says that the Tathagata is non-eternal, how could this man’s tongue not drop off?"
Kasyapa further replied: " You said:
"Nothing is hoarded, and I feel
Satisfied with the meal I take. It is
As in the case of the bird that flies in the sky,
Whose tracks are hard to trace."
What might this mean? O World-Honoured One! Of all those congregated here, who might be one who does not hoard? Who might be called one satisfied with [his] food? Who are those who fly through the sky and whose tracks cannot be traced? And where does one go to when one leaves this place?"
The Buddha said: " O good man! Hoarding is nothing but of wealth and treasure. O good man! Of hoarding, there are two kinds: one of what is created and the other of what is non-created. The hoarding of the created is what sravakas do; the hoarding of the non-created is what the Tathagata does.
"O good man! Of priests, there are two kinds. One is of the created, and the other is of the non-created. The priest of the created is the sravaka. The sravaka priest does not hoard. Male or female menials are unlawful things; so is storing rice, bean paste, sesame and large and small beans in a storehouse. If someone were to say that the Tathagata permits the keeping of servants, male or female, and such other things, his tongue would shrink. I say that all my sravaka disciples are "non-storing". Or they are those satisfied with their food. If a person greedily seeks food, such a person is not satisfied.
"Saying that it is hard to trace the tracks means that one is close to unsurpassed En-lightenment. I say: "The person goes, but there is no place to go to."
Kasyapa further said: "The priest of the created does not hoard. How can the priest of the non-created do so? The priest of the non-created is the Tathagata. How could the Tathagata hoard things up?"
"Hoarding means " storing away and concealing" . Thus the Tathagata expounds [truths] and does not begrudge [anyone anything]. How could we say that he hoards things away?
"Saying that the tracks are untraceable relates to Nirvana. In Nirvana there remains no trace of the sun, moon, stars, constellations, cold, heat, wind, rain, birth, age, illness, death, or the 25 existences. Nirvana is segregated from apprehension, sorrow and illusion. Such is the abode of Nirvana and the Tathagata, who is Eternal and does not change. Hence, the Tathagata comes here to the forest of sal trees and enters Parinirvana by [means of] the Great Nirvana."
The Buddha said to Kasyapa: " "Great" means wide and extensive in nature. It is as when we speak of a "great man", when the life-span of [that] man is infinite. As this man abides in Wonderful Dharma, we call him " superior to all men" . It is as in the case of the " eight awakened minds of a great man" about which I speak. If a person makes this an " is" , many persons would also be thus. If a person possesses the eight qualities, he is the best. The Nirvana of which we speak has no pox or warts. O good man! For example, [imagine] a man here who has been hit by a poisoned arrow and who is in great pain. A learned doctor comes and extracts the poisoned arrow and applies a superb medicine. As a result the pain goes away, and the man gains peace. This doctor visits castles, towns and hamlets. He goes to where people suffer from the pain of the pox or warts, applies his art and removes the pain. O good man! The same is the case with the Tathagata. Having attained all-equal Enlightenment, he becomes a great doctor. Seeing all beings of Jambudvipa hit by the poisoned arrows of the illusions of lust, anger and ignorance and suffering in the course of innumerable kalpas, he applies the sweet medicine of the Mahayana sutras. The treatment completed, he moves on to other places where people are suffering from the poisonous arrows of illusion. There he [also] manifests his attaining of Enlightenment and gives treatment [to the afflicted]. Thus we speak of "Mahaparinirvana."
"Mahaparinirvana is the place where all get emancipated. Wherever there are people to be subjugated [i.e. their defilements removed], he manifests himself. On account of this truly great meaning, we say Great Nirvana."
Bodhisattva Kasyapa said further to the Buddha: "O World-Honoured One! Do all the so-called doctors thoroughly cure the pain of the pox and warts? Or do they not?" "O good man! There are two kinds of pain relative to the pox and warts. One is curable and the other is incurable. The doctor cures what is curable, but not what is incurable."
Kasyapa said again: " According to what the Buddha says, the Tathagata has cured all the beings of Jambudvipa. The treatment completed, how could there still be beings who have not yet attained Nirvana? If it is the case that not everyone has as yet attained Nirvana, how can the Tathagata say: "The treatment completed, I move on to other places?" "O good man! There are two kinds of beings in Jambudvipa. There are: those who have faith, and the others, who do not. Those with faith can be cured. Why? Because such a person can definitely attain Nirvana, which has no pox or warts."
"O World-Honoured One! What can Nirvana be?" "O good man! Nirvana is emancipation [“vimukti” - liberation]." Kasyapa again said: "Is emancipation a thing or not a thing?" The Buddha said: "What is no thing is the emancipation of the sravakas and pratyekabuddhas; what is a thing is the emancipation of the All-Buddha-Tathagata. The case being thus, O good man, emancipation is a thing and not a thing. The Tathagata speaks to all sravakas and presents it as no thing." "O World-Honoured One! If it is not a thing, how can sravakas and pratyek- abuddhas live?" " O good man! That which is such as Thoughtlessness-non-Thoughtlessness Heaven is also both a thing and not a thing. The Self, too, is not a thing. One might argue, saying: " If Thoughtlessness-non-Thoughtlessness Heaven is not a thing, how can a person live and come and go, advance and stand still?" All such matters relate to the world of all Buddhas; they are not what sravakas and pratyekabuddhas can rightly know. It is thus. The same with emancipation. We also speak of matter [“rupa” = matter, form, body] and non-matter [“arupa” = non-matter, non-form, non-body], and it is presented as not a thing. Also, we speak of thought and thoughtlessness, and this is presented as thoughtlessness. All such things belong to the world of all Buddhas and are not what sravakas and pratyekabuddhas may know."
Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Please con-descend to explain to me what pertains to Mahaparinirvana and the meaning of emancipation." The Buddha praised Kasyapa, saying: " Well said, well said, O good man! True emancipation means segregation of one's own self from all the bonds of illusion. If one truly attains emancipation and segregation of one's own self from the bonds of illusion, there is no self, or nothing to conjoin as in the case of [the sexual union between] parents, as a result of which a child is born. True emancipation is not like that. That is why emancipation is birthlessness. O Kasyapa! It is like sarpirmanda, which is pure in its nature. The same is the case with the Tathagata. He is not what arises through the conjoining of parents, as a result of which a child comes about. His nature is pure. [The Tathagata’s] displaying of parents is [an expedient means for helping] to pass beings over to the other shore. True emancipation is the Tathagata. The Tathagata and emancipation are not two, are not different. It is as when we sow seeds in spring and autumn, for instance, when it is warm and wet and as a result of which the seeds shoot out buds. True emancipation is not thus.
"Also, emancipation is nothingness. Nothingness is emancipation. Emancipation is the Tathagata and the Tathagata nothingness. It is not anything that come about from doing [action]. Such doing is like a castle building. True emancipation does not come about in this way [i.e. is not a compounded, constructed thing]. For this reason, emancipation is at once the Tathagata.
"Also, emancipation is the non-created. A potter makes a pot, which breaks to pieces again. Things are not like that in emancipation. True emancipation is birthlessness and deathlessness. That is why emancipation is the Tathagata.
"He is birthlessness, non-extinction, agelessness, and is undying, unbreakable and inde-structible. He is not anything created. Hence we say that the Tathagata enters Great Nirvana.
"What do we mean by agelessness and deathlessness? Age relates to what moves and changes. One’s hair becomes white, and lines appear on one’s face. By death is meant the breaking up [disintegration] of the body, as a result of which life departs. Nothing of this kind arises in emancipation. Since nothing of this kind arises, we say emancipation. With the Tathagata, too, there arise no such things of created existence as the turning white of the hair or the appearing of lines on the face. Thus, no ageing occurs in the case of the Tathagata. As there is no ageing, there is no death.
"Also, emancipation means ill-lessness. By illness is meant the 404 diseases, and all other [ailments] which come to one from without and spoil the body. When such do not come about, we say emancipation. When no illness arises, there is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. The Tathagata has no illness. Thus there comes about no illness in the
Dharma-Body. This state of no illness is the Tathagata. Death is the breaking up of the body and the ending of life. There is no death here [in emancipation]. What there is is the deathless ["’amrta"’ - the state of immortality], which is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. The Tathagata is accomplished in such virtues [blessings]. How could we [ever] say that the Tathagata is non-eternal? Anything such as the non-eternal can never exist there. It is an Adamantine Body. How could it be non-eternal? As a result, we do not say that there is any ending of life with the Tathagata. With the Tathagata, what there is is purity; there is no defilement. The Tathagata’s body does not get defiled by the womb. It is like the pundarika-lotus, whose nature is pure. The same with the Tathagata and emancipation. Thus, emancipation is at once the Tathagata. That is why the Tathagata is pure and undefiled.
"And with emancipation, such things as the "asravas" [defilements, "leakings"], the pox and warts, and all other such things, are done away with. The same with the Tathagata. He has no defilements and no pox or warts.
"Also, with emancipation, there can be no fighting or refutation [confrontation, disputa-tion]. For example, the hunger-ridden entertain the thought of greed and grabbing when they see others taking food. With emancipation, the case is not thus.
"Also, emancipation is peace and quietude. Ordinary people say that peace and quietude are of Mahesvara. But such is a lie. True quietude means utmost emancipation. Utmost emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation means peace and safety. The place where robbers are present has no peace and safety. The place where purity and peace reign is a place of peace and quietude. As there is no fear in this emancipation, we say peace and quietude. Hence, peace and quietude are true emancipation. True emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Dharma."
"Also, emancipation has no equal. By equal, we may take up the case of a king who has equals in the neighbouring kingdoms. The case of true emancipation is not such. Having no equal is like the case of a chakravartin, who has no equal. The same with emancipation. There is nothing equal to it. To have no equal is true emancipation. True emancipation is the Tathagata-chakravartin. Thus, there is none who is his equal. There can be no talk [here] of an equal.
"Also, emancipation is non-apprehension. One who has apprehension may be likened to a king who fears and slanders the strong neighbouring state, and has apprehension. Now, with emancipation there is nothing of the kind. This is like annihilating enmity, as a consequence of which there is no longer any apprehension. The same is the case with emancipation. It has no apprehension or fear. Non-apprehension is the Tathagata.
"Also, emancipation is non-apprehension or non-joy. For example, a woman has an only son. As a result of war, he goes to a far-off place. News comes, saying that the boy has met with ill fortune, as a consequence of which the mother is worried. Later, she hears of his safety and because of this is glad. Now, with emancipation there is nothing of the kind. When there is no apprehensioon or joy, there is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, there is no dust or defilement in emancipation as when in the spring months, after sundown, the wind raises up a cloud of dust. Now, in emancipation, nothing of this kind obtains. Where there is no cloud of dust, there is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. This is like a bright gem resting in the knot of dressed hair on the head of a chakravartin, where there is no fleck of defilement. The nature of emancipation is thus: it has no defilement. Non-defilement can be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata. True gold does not contain any sand or stone. This is true treasure. When one gains this, one feels [one has gained true] wealth. The nature of emancipation is also such a true emancipation. This true treasure can be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata. When an unglazed pot breaks, there issues a neighing [cracking] sound. With the adamantine treasure pot, things are otherwise. Now, emancipation emits no neighing [cracking] sound. The adamantine treasure pot is like true emancipation. True emancipation is the Tathagata. Hence, the body of the Tathagata cannot be destroyed. We say that it neighs [crackles]. This is as when castor seeds are put into a blazing fire, which flames up and sends forth a popping sound. It is like that. Now, emancipation has nothing of the kind. The adamantine pot of true treasure emits no cracking or breaking sound. Even if innumerable hundreds of thousands of people were to shoot arrows at it, none caould break this pot. What emits no cracking or breaking sound is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. A poor man is in debt to other people. So he gets bound up and chained in fetters and is punished by whipping, and has to suffer from all [kinds of] worries and pains. Now, with emancipation, there is nothing of this kind. There is no debt to pay. This is like a rich person who possesses innumerable "’yis"’ of treasure and whose power is unbounded, who owes nothing to other people. The case of emancipation is thus. It has a countless stock of wealth of Dharma and rare treasures, having full power and owing nothing to others. Owing nothing to others may be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is "not being oppressed". This may be contrasted with spring, when one walks in the heat, with summer, when one tastes what is sweet, and with winter, when one encounters the cold. In true emancipation there is nothing of any kind that does not appeal to one’s wishes.The absence of anything to oppress one may be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata. As to non-oppression, we may take up the case of a man who, having greedily partaken of fish, drinks milk again. Such a man as this is not far from death. In true emancipation, there is nothing of the kind. If he obtains ambrosia ["amrta"] or good medicine, worry leaves him. True emancipation is like that. Ambrosia and good medicine can be likened to emancipation. True emancipation is the Tathagata. How can we speak of being oppressed or not oppressed? For example, a common mortal is arrogant and self-important. And he thinks: "Of all things, nothing can harm me". And he holds in his hand a serpent, a tiger, or a noxious insect. The destined time of death not coming, this person meets with an untimely death. In true emancipation, there comes about nothing of the kind. We say " not being oppressed". This can be likened to a chakravartin’s divine gem, which kills all noxious insects, such as the dung-beetle and the 96 noxious insects [i.e. the total number of tirthikas thought to be existing at the time of the Buddha]. As one comes into contact with the glow of this divine gem, all poison dissipates. Things are thus with true emancipation. All die away from the 25 existences. The annihilation of poison is analogous to true emancipation. True emancipation is the Tathagata. Also, "not being oppressed" is like space, for example. Thus is emancipation. Space is comparable to true emancipation. True emancipation is the Tathagata. Also, being oppressed is like holding a lamp close to dry grass. When it is too close, the grass catches fire. The case is thus. There is nothing of the kind in true emancipation. Also, "nonoppressed" is like the sun and moon, which do not come too close to all beings. Such is the situation with emancipation. It does not come pressing down upon beings. Non-oppression is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the immovable Dharma. It is in contrast to enmity and friendliness, which do not exist in true emancipation. Also, immovability can be likened to a chakravartin. There will be no one who will befriend him. None becomes his friend. That the king has no friend can be likened to true emancipation. True emancipation is the Tatha- gata. The Tathagata is Dharma. Also, the "immovable" may be contrasted with white cloth, which can easily be dyed. It is not thus with emancipation. Also, this "immovable" may be likened to varsiki [jasminum sambac]. Also, making it smell badly and blue in colour is impossible. The same with emancipation. Try as we might, we cannot make it smell badly or change colour. For this reason, emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what is rare. There is nothing rare, for example, about a water lily growing in water. When it grows in fire, this is something rare. People see this and are gladdened. What is rare can be likened to true emancipaiton. True emancipation is the Tathagata. This
Tathagata is the Dharma-Body. Also, "rare" may be compared with a baby. It has no teeth, but as it grows up, these appear. It is not so with emancipation. There is no birth and no non-birth.
"Also, emancipation is what is "empty and quiet". There can be no indefiniteness. By indefinite is meant the situation of saying that the icchantika never shifts and that one committing grave offences never attains Buddhahood. Such can never apply. Why not? When that [icchantika] person gains pristine faith in the Buddha’s Wonderful Dharma, at that time the person annihilates the icchantika [within himself]. On becoming an upasaka, the icchantika [in that person] dies away; the person who has committed grave offences also attains Buddhahood when his sins have been expiated. Thus we can never say that there is no shifting at all and that no Buddhahood can be attained. With true emancipation, there can be no such case of annihilation. Also, "emptiness and quietude" are things of the Dharma world. The nature of the Dharma world is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. Also, once the icchantika has died out, we can no more talk of the icchantika.
"What is an icchantika? An icchantika cuts off [within himself] all the roots of good deeds and his mind does not call forth any association with good. Not even a bit of a thought of good arises. Nothing such as this ever occurs in true emancipation. As there is nothing of this kind, we say true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is called " immeasurable" . For example, we can measure the volume of cereal. But true emancipation is not like this. It is like the great ocean, whose volume we cannot measure. Emancipation is like that. We cannot measure [it]. True emancipation is immeasurable. True emancipation is the Tathagata."
"Also, true emancipation is called "immeasurable" [innumerable, boundless]. It is like the varied karma results which a single person has. The same is the case with emancipation. It has innumerable returns. Innumerable returns means true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is wide and great and like the great sea, to which nothing is equal. The same with emancipation. Nothing can be its equal. What has no equal is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the highest. It is like the firmament, which is the highest, with nothing coming to be its equal. The same is the case with emancipation. What is the highest and incomparable is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the "impassable". It is like the den of a lion, before [into] which no animal dares pass. The same, too, is the case with emancipation. No one can well pass through it. What is impassable is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the " uppermost" . For example, north is the highest of all di-rections. The same is also the case with emancipation. Nothing surpasses it. Whatever is uppermost is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the up of the uppermost. For example, compared with the east, north is the uppermost. The same with emancipation. Nothing surpasses it. What is the uppermost is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also emancipation is the law of constancy. For example, when a man’s or deva’s body breaks up, life departs. This is always so. It [this law] is not non-constant. It is the same with emancipation. It is not non-constant. What is not non-constant is emancipaiton. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the strongly abiding. It is as in the case of the khadira [acacia catechu, the extract from which - "’catechu"’ - is much used as a medicine, an astringent and tonic], sandalwood, and aloe wood, whose quality is strength and faithfulness. The same with emancipation. Its quality is strength and faithfulness. Whatever is strong and faithful is emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the not-empty. For example, the body of bamboo and reed is empty inside. This is not the case with emancipation. Know that emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what cannot be defiled. For example, there is a wall. While the upper coating is still not finished, mosquitoes and gadflies come and rest and play on it. When it is painted and finished with pictures and decorated with sculptures, the insects, scenting the smell of the paint, do not stay on it. True emancipation may be likened to such non-staying. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is unboundedness. Villages and towns all have boundaries. This is not so with emancipation. It is like space, which has no boundaries. Emancipation of such kind is the Tathagata.
"Also, emancipation is what cannot be seen. It is just as the tracks of birds that flew across the sky cannot be traced. What is unable to be seen as such can well be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, extremely deep is what the Buddhas and bodhisattvas look up to. A dutiful son serves his parents, and the virtue thereof is extremely deep. It is so. Extremely deep refers to emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what one cannot see. For example, a man cannot see the top of his own head. The same is the case with emancipation. Sravakas and pratyekabuddhas cannot see [it]. What cannot be seen is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the houseless. This is as in the case of the Void, which has no house. The same with emancipation. The house [here] refers to the 25 existences. "Houseless" is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what cannot be held in one’s hand. The amalaka can certainly be held in a man’s hand. Not so emancipation. It cannot be held in one’s hand. Whatever cannot be held in one’s hand is emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what one cannot grasp in one’s hand. This is as in the case of a phantom, which one cannot grasp in one’s hand. The same also with emancipation. Whatever it is not possible to grasp in one’s hand is emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation has no carnal body. For example, one has a body, on and in which can come about such as the pox, leprosy, all kinds of carbuncles, craziness and dryings-up. In true emancipation, no such diseases and illnesses come about. What is without suchlike diseases and illnesses is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is oneness of taste. It is like milk, which is one in its taste. The same with emancipation, which is one in its taste. Such oneness in taste is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is purity. This is as in the case of water which has no mud [in it], is clear, unmoving and pure. The same with emancipation. It is clean, unmoving and pure. Whatever is clean, unmoving and pure is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is single in taste. It is like the rain in the sky, which is one in taste and pure. That which is one in taste and is pure can be likened to true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is exclusion. It is like the full moon that does not have any clouded part. So goes it with emancipation. It has no clouded part. What has no clouded part is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is quietude. A man has a fever. When cured, he feels quiet. Eman-cipation is thus. One feels quiet. When one feels quiet, there is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, true emancipation is equalness [impartiality, equanimity]. For example, a field has [in it] poisonous serpents, rats and wolves, all of which mean to kill others. It is not so with emancipation. There is no thought of killing. Having no thought of killing is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. Also, equalness may be compared to the mind of parents, who view their children all-equally. Thus is emancipation. The mind is all-equal. This all-equal mind is true emancipation. True emancipation is the Tathagata."
"Also, emancipation is not having any other place [to dwell]. For example, there is a man here who only lives in the best of all places, having no other place to live in. The same with emancipation. It has no other place to live in. Having no other different place to live in is true emancipation. True emanciption is the Tathagata.
"Also, emancipation is feeling satisfied. Take the case of a hungry man who, on encoun-tering sweet dishes, devours them, and there is no end of eating. The case of emancipation is not like this. If one partakes of milk-cooked porridge, one no longer feels the need to eat. No longer feeling any need to eat may well be likened to emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is segregation. It is like a person tied up, who cuts the rope and gains his freedom. The same is the case with emancipation. One cuts off all the bonds of doubt. Such cutting off of all the bonds of doubt is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is gaining the other shore. A big river, for example, has this shore and the yonder shore. It is not thus with emancipation. Although it does not have this side, there is the yonder shore. What has this other shore is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is silence. The surface of a great sea swells, for example, and there arise many sounds. With emancipation things are not so. Emancipation such as this is the Tathagata.
"Also, emancipation is the All-Wonderful. If haritaki [a purgative bitter fruit] is added to any medicine, that medicine will come to taste bitter. But emancipation is not like this. It becomes sweet. The taste of sweetness can be likened to true emancipation.
"Also, emancipation makes away with all illusions. This may be likened to the case of a learned doctor who mixes up all drugs and cures all illnesses. The same is also the case with emancipation. It thoroughly makes away with illusion. What makes away with illusion is true emancipation. True emancipation is the Tathagata."
"Also, emancipation has no oppressedness [constriction, crampedness]. For example, a small house cannot take in many people. The case is otherwise with emancipation, which can take in many. What takes in many is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is analogous to annihilating all loving [lustful] casts of mind and not having carnal appetites. A female has many phases of love [lust]. This is not so with emancipation. Emancipation of this kind is the Tathagata. The Tathagata does not possess such illusions as greed, anger, ignorance, arrogance, etc.
"Also, emancipation is lovelessness [desirelessness]. Love is of two kinds. One is hungry [craving] love and the other love of Dharma. True love is not possessed of hungry love. As there is love for all beings, there is the love of Dharma. Such love of Dharma is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is not possessed of atmatmiya [fixation on self and what belongs to self]. Such emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Dharma.
"Also, emancipation is extinction. It is removed from all kinds of greed. Such emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Dharma.
"Also, emancipation is succouring. It thoroughly succours all those who have fear. Such emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Dharma.
"Also, emancipation is the place to which one returns. One who partakes of such eman-cipation does not seek any other place to take refuge in. For example, a man who depends on the king does not look for other kings to depend upon. Yet even when one depends on the king, there can be a situation in which change comes about. For one who depends upon emancipation, there is no change any more. Where there is no change, there is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is fearlessness. It is like the lion, who has no fear of any beast. The same is the case with emancipation. It has no fear of any Maras. Fearlessness is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation knows no narrowness. On a narrow path, two persons cannot walk [side by side]. It is not thus with emancipation. Such emancipation is the Tathagata. Also, there is the case of non-narrowness. For example, a man falls into a well just because of his fear of a tiger. The situation with emancipation is not like this. Such emancipation is the Tathagata. Again, there is the case of non-narrowness. On a great sea, one abandons a small, wrecked ship. Sailing in a strong ship, one crosses the sea and arrives at the place [destination], and one's mind is blessed with peace. The same is the case with emancipation. The mind is happy. The attainment of happiness is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation stands above all causes and by-causes [conditions]. For example, from milk we get cream, from cream, we get butter; and from butter, we get sarpirmanda. True emancipation has none of these causes. The causeless is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation thoroughly subdues arrogance. [Think of] a great king who belittles a petty king. The case is not thus with emancipation. Such emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Dharma.
"Also, emancipation subdues all kinds of indolence. One who is indolent is greedy. With true emancipation, nothing such as this comes about. This is true emancipation. True emanci-pation is the Tathagata.
"Also, emancipation does away with non-brightness [i.e. darkness]. This is as with best butter. When the scum and dirt are removed, we get sarpirmanda. The same with emancipation. As a result of excluding the scum of ignorance, true brightness shines forth. Such brightness is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is quietude, the pure "one", the "not-two" [non-dual]. This is like the elephant of the wilderness, who is without comparison. The same is the situation with emancipation. It is the one, the not-two, which is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is strong and full of truth. The stems of the bamboo, reed, and castor-oil plants are empty, but the seeds are strong and truthful. Other than the Buddha- Tathagata, all of humankind and heaven are not strong and full of truth. True emancipation is remote from all illusions. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation awakens and augments [expands, enhances] one. True emancipation is like that. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation relinquishes all existences. For example, a man, after partaking of food, may vomit. Emancipation is also like this. It relinquishes all existences. The relinquishing of all existences is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is a decision. This is as in the case of the fragrance from varsiki [jasminum sambac], which is not found in saptaparna [alstonia scholaris]. The same is the case with emancipation. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is water. For example, water comes above all other elements of the earth and thoroughly moistens all trees, grass and seeds. It is the same with emancipation. It thoroughly moistens all beings. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is entering. If there is a gate, this [means] that this is the entrance-way. It is as in a place where there is gold which one can get. Emancipation is thus. It is like a gate. One who practises selflessness can indeed enter. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what is good. For example, a disciple follows the injunctions of his teacher well and we call this good. So, too, with emancipation. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is called the supramundane Law [Dharma]. Of all things, this is the one which supercedes all others. It is like the case of butter, which is the best of all tastes. Thus is it [too] with emancipation. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the immovable. For example, the wind cannot move a gate. True emancipation is like this. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the waveless. The great sea has waves. But this is not the case with emancipation. Such emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is like a royal palace. Emancipation is like that. Know that eman-cipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is what is useful. Jambunada gold has many uses. Nobody speaks ill of it. The same applies to emancipation. There is nothing bad about it. What has nothing bad about it is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is giving up the actions of one's childhood days. It is the same with emancipation. It does away with the five skandhas. Abandoning the five skandhas is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the utmost. A person fettered in bonds obtains freedom and, after washing and cleaning himself, returns home. It is the same with emancipation. It is pure to the utmost. This utmost purity is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the bliss that is not expelled. Because desire, malevolence and ignorance have already been vomited out. As an example: a man swallows a poisonous drug by mistake. To expel the poison, he takes a drug. Once the poison is out, he is cured, feels well and gains peace. It is the same with emancipation. Having cast out all illusions and the poison that binds one, the body gains peace. So we speak of "non-expelled peace". Non-expelled peace is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation rids one of the four poisonous serpents of illusion [i.e. desire, hatred, ignorance and arrogance]. The getting rid of illusion is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is segregating oneself from all existences, excising all suffering, ob-taining all aspects of peace, and eternally cutting off desire, ill-will and ignorance, and severing oneself from the roots of all illusions. Cutting the roots of illusion is emancipation. True eman-cipation is the Tathagata."
"Moreover, emancipation is termed that which severs all conditioned phenomena [samskrta-dharmas], gives rise to all untainted [anasrava], wholseome qualities / phenomena and eliminates the various paths/ approaches, that is to say, Self, non-Self, not-Self and not non-Self. It merely severs attachment and does not sever the view of the Self/ the seeing of the Self/ the vision of the Self [atma-drsti]. The view of the Self is termed the ’Buddha-dhatu’ [Buddha-Nature]. The Buddha-dhatu is true emancipation, and true emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the "not-empty-empty". "Empty-empty" is non-possession. Non-possession is the emancipation which the tirthikas and Nirgrantha Jnatiputras [Jains] presume upon [base themselves upon]. But, in truth, the Nirgranthas do not possess emancipation. So we say "empty-empty". Not-empty-empty is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is the "not-empty". The pot in which we put water, drink, milk, cream, butter, honey, etc., can well be called the water pot and suchlike, even when there is no water, drink, cream, butter, honey or any other thing in it. And yet, we cannot say that the pot is either empty or not-empty. If we say empty, there cannot be any colour, smell, taste or touch. If we say not-empty, what we see is that there is nothing in it such as water, drink or any other thing. We can say neither matter ["rupa"] nor non-matter ["arupa"]; we can say neither empty nor not-empty. If we say empty, there can be no Eternity, Bliss, Self, and Purity. If not-empty, who is the one blessed with Eternity, Bliss, Self, and Purity? Thus, we should say neither empty nor not-empty. Empty will entail [the notion] that the 25 existences, all illusions, suffering, the phases of life, and all actual actions do not exist. When there is no cream in the pot, we may say empty. Not-empty points to Truth, to whatever is Good, Eternal, Bliss, Self, Pure, Immovable and Unchanging. It is as in the case of taste and touch regarding the pot. That is why we say not-empty. In consequence, we may say that emancipation is as in the case of the pot. The pot will break in certain circumstances. But this is not so with emancipation. It cannot break. What is indestructible is true emancipation. True emancipation is the Tathagata.
"Also, emancipation is severing oneself from love [i.e. blind love, craving]. For example, there is a man here who may longingly desire to become Sakrodevanamindra, Brahma, and Ma- hesvara. Emancipation is other than this. Once unsurpassed Enlightenment has been attained, there is no love [craving] and no doubt. Not having love or doubt is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. We cannot say that there is love or doubt in emancipation.
"Also, emancipation cuts off all greed, all external appearances, all bonds, all illusions, all births and deaths, all causes and conditions, all karma results. Such emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Nirvana. When all beings [come to] fear birth and death and illusion, they take refuge in the Three Treasures. This is like a herd of deer who fear the hunter and run away. One jump may be likened to one refuge, and three such jumps to three refuges. From the three jumps, peace comes. It is the same with all beings. When one fears the four Maras and the evil-minded hunter, one takes the three Refuges [in Buddha, Dharma and Sangha]. As a result of the three Refuges, one gains peace. Gaining peace is true emancipation. True emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Nirvana. Nirvana is the Infinite. The Infinite is the Buddha-Nature. Buddha-Nature is definiteness. Definiteness is unsurpassed Enlightenment."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If it is the case that Nirvana, the Buddha-Nature, definiteness, and the Tathagata are one and the same, why do we say "three Refuges?" The Buddha said to Kasyapa: "All beings fear birth and death. So they take the three Refuges. By the three Refuges, we mean Buddha-Nature, Definiteness, and Nirvana. O good man! There are cases in which the name, Dharma, is one, but the meaning differs. There are cases in which the names of Dharma and the meanings are both different. We say that the name is one, but the meaning differs. This refers to the situation where we say that the Buddha is eternal, Dharma is eternal, and the bhiksu is eternal. Also, Nirvana and space are eternal. This is a case where the name [word] is one, but the signification is different. We say that both the word and the signification differ. The Buddha is called "Enlightenment", Dharma is called " No-Awaking" , the Sangha " Harmony" , and Nirvana "Emancipation" . Space is called "non-good", and also "not-covered". There are cases in which the word and the signification both differ. O good man! The case of the three Refuges is also like this. The world and the signification both differ. How can we say one? That is why I said to Mahaprajapati [the Buddha’s aunt, who raised him]: "O Gautami! Do not make offerings to me; make them to the Sangha! If offerings are made to the Sangha, this amounts to offerings being made to the three Refuges." Mahaprajapati answered, saying: "Among the priests, there are no Buddha and no Dharma. How can we say that offerings made to the Sangha constitute offerings made to the Three Refuges?" I said: "If you do as I say, this will mean that you have made offerings to the Buddha. For the purpose of emancipation, offering is made to Dharma. When all priests receive this, this is an offering made to the Sangha." O good man! At times the Tathagata speaks about one thing and makes it refer to three; he speaks about three and makes it one. All such things are what have to do with the world of all Buddhas. They are not what sravakas and pratyekabuddhas can know."
Kasyapa said further: " You, the Buddha, say that utmost peace is Nirvana. How can this be? Now, Nirvana means relinquishing the body and intellect. If one relinquishes the body and intellect, who is it that can become blessed with peace?" The Buddha said: " O good man! As an example: there is a man here. He eats some food. After partaking of it, he feels sick, desires to go out and vomit. After vomiting, he comes back. A person who was with him asks: "Have you got rid of the trouble you had? You have come back here again. " Such may be the case. The same applies to the Tathagata. He fully segregates himself from the 25 existences and eternally gains Nirvana, which is peace and bliss. There can [then] be no more of the topsyturvy inversions, no ending and no extinction. All feeling is done away with. This is the bliss of non-feeling. This non-feeling is eternal Bliss. We can never say that the Tathagata feels Bliss. So, utmost Bliss is none but Nirvana. Nirvana is true emancipation. True emancipation is the Tathagata."
Kasyapa further said: " Are birthlessness and desirelessness emancipation?" " It is so, it is so. O good man! Birthlessness and desirelessness are emancipation. Such emancipation is the Tathagata." Kasyapa said further: "You say that birthlessness and desirelessness are emancipation. Space, too, by its nature, is birthlessness and desirelessness. It must be the Tathagata. The nature of the Tathagata must be emancipation." The Buddha said to Kasyapa: "O good man! It is not so." "Why, O World-Honoured One, is that not so?" "O good man! The kalavinka and jivamjivaka [birds] have clear and wonderful voices. How can we compare their voices to those of the crow and magpie? What do you say to that?" "We cannot, O World- Honoured One! The voices of the crow and magpie cannot bear comparison 100 thousand and "’wan"’ times." Kasyapa said again: "The voices of the kalavinka and others are wonderful; so is their body. O Tathagata! How can we compare them to those of the crow and magpie? This is little different from comparing a mustard seed to Mount Sumeru. The same is the case with the Buddha and space. The voice of the kalavinka can well be compared to that of the Buddha; but the voices of the crow and magpie cannot bear comparison with that of the Buddha." Then the Buddha praised Kasyapa and said: "Well said, well said, O good man! You now grasp what is most difficult to understand. The Tathagata, at times, as occasion requires, takes the case of space and compares it to emancipation. Such emancipation is the Tathagata. True emancipation, [however], cannot bear comparison with man or heaven. And space itself, truth to tell, is not fit for [such] comparison. To teach beings, a comparison is sought with what cannot, in its true sense, serve the purpose. Know that emancipation is the Tathagata; the nature of the Tathagata is this emancipation. Emancipation and the Tathagata are not two, they are not different. O good man! We say "non-comparable". We cannot take [for purposes of analogy] what cannot be compared. When there is a connection, then we can compare [two things]. Is is as when it says in the sutras, for example: "The visage is as right-set as that of the full moon; the white elephant is as fresh and clear as the snow of the Himalayas." Now, the full moon cannot be the same as a face, and the Himalayas and the white elephant cannot be equals. O good man! It is not possible to express emancipation by parables. [Yet] in order to teach beings, parables are resorted to. Through parables, we realise the nature of all things. Matters stand thus." "Kasyapa said further: "Why is it that the Tathagata resorts to two kinds of parables?" The Buddha siad: "O good man! For example, there is a person here who holds a sword in his hand and with an angry mind means to harm the Tathagata. But the Tathāgata is glad, and has no angry face. Can this man harm the Tathagata and actualise the deadly sin?" "No, O World-Honoured One! Why not? Because the body of the Tathagata cannot be destroyed. Why not? Because it is not anything of the compounded carnal body. What there is is "Dharmata" [Dharma-Nature]. The principle of "Dharmata" is indestructible. How can this man hope to break the Buddha-Body? Because of his evil thought, this person falls into Avichi Hell. Thus we can make use of parables and come to know of Wonderful Dharma." Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa: " Well said, well said! You already said what I wanted to say. Also, O good man! For example, an evil person means to harm his own mother. He lives in the fields and hides himself under a haystack. His mother brings out food to him. Then the man entertains an evil thought, steps forward and sharpens his sword. His mother, seeing this, slips away and hides under the stack. The man thrusts his sword into the haystack from all sides. Having done so, he is glad and thinks that he has killed his mother. Then his mother comes out of the haystack and returns home. What does this imply? Does this man have to suffer in Avichi Hell or not?" "O World-Honoured One! We cannot definitely say which one [is the case]. Why not? If we say that he has equalled [destined himself for] Avichi Hell, [in such a case] his mother’s body would need to get hurt. But if it is not hurt, how can we say that the man has harmed her? If he is guiltless, how comes it that he entertained the thought of having actually killed his mother and how could he have been so glad? How can we say that he is guiltless? Though he has not actually committed this deadly sin, this is nothing other than a deadly sin. From this, we may know only through parables the true nature of a thing." Praising Kasyapa, the Buddha said: "Well said, well said, O good man! For this reason, I resort to many expedients and parables and explain emancipation. We could well employ innumerable asamkhyas of parables, yet parables cannot thoroughly explain all. If occasion arises, we might resort to parables, or the occasion might not permit parables. Thus, emancipation has such virtues. If we explain Nirvana, Nirvana and the Tathagata have innumerable virtues. We speak of "Great Nirvana." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I now know that there is no ending of things referring to where the Tathagata goes. If the place is unending, life too must be unending." The Buddha said: "Well said, well said! You now protect Wonderful Dharma indeed. Any good men or women who desire to cut off the bonds of illusion and all bonds should protect Wonderful Dharma thus."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.143.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập