Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 25 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần năm »»
Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, thành tựu trọn vẹn công đức thứ bảy như thế nào?
“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn khởi tâm suy xét rằng: ‘Pháp nào có thể làm nhân thiết thực gần gũi dẫn đến Đại Niết-bàn?’ [Suy xét như vậy rồi,] Bồ Tát liền nhận biết bốn pháp có thể làm nhân đến gần Đại Niết-bàn.
“Nếu nói rằng siêng tu tất cả khổ hạnh là nhân duyên đến gần Đại Niết-bàn, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì nếu lìa khỏi bốn pháp này mà được Niết-bàn là hoàn toàn vô lý. Những gì là bốn pháp? Một là gần gũi các bậc thiện tri thức, hai là hết lòng nghe pháp, ba là chú tâm suy xét và bốn là y theo pháp tu hành.
“Thiện nam tử! Ví như có người thân mang nhiều bệnh, khi nóng khi lạnh, suy nhược hao tổn, khí huyết chẳng thông, nhiễm tà trúng độc... liền tìm đến thầy thuốc giỏi. Thầy thuốc tùy bệnh mà chỉ dạy cách dùng thuốc. Người ấy hết lòng lắng nghe và tin nhận lời chỉ dạy của thầy thuốc, theo đó hòa hợp các vị thuốc và uống thuốc đúng phương pháp. Uống thuốc rồi liền khỏi bệnh, thân được yên vui.
“Người có bệnh đó ví như các vị Bồ Tát. Vị thầy thuốc giỏi đó ví như bậc thiện tri thức. Lời chỉ dạy của thầy thuốc ví như kinh Phương đẳng. Biết tin nhận lời dạy ấy cũng ví như biết suy xét nghĩa lý trong kinh Phương đẳng. Tùy theo lời dạy mà hòa hợp các vị thuốc ví như tu hành theo đúng Ba mươi bảy pháp trợ đạo. Bệnh được khỏi hẳn ví như phiền não được dứt trừ. Thân được yên vui ví như người tu hành đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như một vị vua muốn tìm phương pháp cai trị và giáo hóa sao cho nhân dân được yên vui; liền hỏi các vị quan có trí tuệ về phương pháp ấy. Các quan liền đem phương pháp trị nước của các vua trước đây mà trình bày. Vị vua ấy nghe rồi liền hết lòng tin nhận và làm theo, trị nước đúng theo phương pháp ấy, không còn những sự hờn oán đối nghịch. Nhờ đó nhân dân được yên vui, không có hoạn nạn.
“Thiện nam tử! Vị vua đó ví như các vị Bồ Tát. Các vị quan có trí tuệ ví như những bậc thiện tri thức. Phương pháp trị nước mà các quan trình bày với vua ví như Mười hai bộ kinh. Vua nghe rồi hết lòng tin nhận và làm theo, ví như các vị Bồ Tát chú tâm suy xét ý nghĩa sâu xa kín đáo của Mười hai bộ kinh. Theo đúng phương pháp trị nước là ví như các vị Bồ Tát y theo Chánh pháp mà tu hành, chẳng hạn như tu sáu pháp Ba-la-mật. Nhờ tu tập sáu pháp Ba-la-mật nên không còn những sự hờn oán đối nghịch, ví như các vị Bồ Tát đã dứt lìa quân giặc xấu ác là những trói buộc phiền não. Nhân dân được yên vui ví như các vị Bồ Tát đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như người mắc bệnh cùi, có vị thiện tri thức bảo rằng: ‘Nếu ông đến được nơi ven núi Tu-di thì có thể khỏi bệnh. Vì sao vậy? Vì ở đó có một loại thuốc hay, mùi vị như cam lộ. Ai đã dùng thuốc ấy thì cho dù bệnh gì cũng được khỏi cả!’ Người ấy hết lòng tin tưởng việc này, liền đi đến nơi ven núi Tu-di, tìm hái được và uống vị thuốc [có mùi vị] như cam lộ kia. Uống rồi liền khỏi bệnh, thân được yên vui.
“Người mắc bệnh cùi ví như những kẻ phàm phu. Vị thiện tri thức kia ví như các vị Đại Bồ Tát. Hết lòng tin nhận sự việc ví như Bốn tâm vô lượng. Núi Tu-di ví như Tám Thánh đạo. Mùi vị cam lộ ví như tánh Phật. Bệnh cùi được khỏi ví như dứt lìa mọi phiền não. Thân được yên vui ví như đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như có người nuôi các đệ tử đều thông minh lanh lợi. Người ấy ngày đêm thường dạy dỗ không mệt mỏi. Các vị Bồ Tát cũng vậy, thường giáo hóa tất cả chúng sanh không hề mệt mỏi, chán nản, dù cho có kẻ [phát khởi lòng] tin hoặc không tin.
“Thiện nam tử! Những bậc thiện tri thức là Phật, Bồ Tát, Phật Bích-chi, Thanh văn và những người tin nhận kinh Phương đẳng.
“Vì sao gọi đó là các bậc thiện tri thức? Thiện tri thức là bạn lành có hiểu biết, là những người có thể dạy cho chúng sanh lìa xa Mười điều ác, tu hành Mười điều thiện. Vì thế nên gọi là thiện tri thức, nghĩa là có sự hiểu biết tốt lành.
“Lại nữa, thiện tri thức là những người thuyết giảng đúng theo Chánh pháp và thực hành theo đúng như sự thuyết giảng đó. Sao gọi là thuyết giảng đúng theo Chánh pháp và thực hành theo đúng như sự thuyết giảng? Đó là tự mình không làm việc giết hại và dạy người khác đừng giết hại, cho đến tự mình thực hành Chánh kiến và dạy người khác thực hành Chánh kiến. Nếu có thể được như vậy mới đáng gọi là bậc thiện tri thức chân thật.
“Tự mình tu đạo giác ngộ và cũng dạy cho người khác tu hành giác ngộ. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức. Tự mình có thể tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, lại cũng có thể dạy người tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí tuệ. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức.
“Thiện tri thức là người có những pháp lành. Những gì là pháp lành? Đó là khi làm bất cứ việc gì đều chẳng cầu sự an vui cho riêng mình, mà luôn cầu sự an vui cho hết thảy chúng sanh. Thấy người khác có sự lỗi lầm cũng không thường nói ra chỗ khiếm khuyết của họ [để chê bai], chỉ thường nói ra toàn những việc tốt lành [để khuyến khích]. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức.
“Thiện nam tử! Như mặt trăng giữa không trung, từ mồng một cho đến rằm cứ mỗi ngày một lớn hơn. Bậc thiện tri thức cũng vậy, giúp cho những người tu học dần dần lìa xa các pháp xấu ác, tăng trưởng các pháp lành [mỗi ngày một lớn mạnh hơn].
“Thiện nam tử! Người chưa từng có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nếu gần gũi bậc thiện tri thức liền được có; nếu đã có nhưng chưa đầy đủ, liền được tăng trưởng thêm. Vì sao vậy? Đó là nhờ gần gũi với các bậc thiện tri thức. Nhờ sự gần gũi ấy lại được hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của Mười hai bộ kinh. Nếu có thể nghe được nghĩa lý sâu xa của Mười hai bộ kinh mới gọi là nghe pháp.
“Nghe pháp [ở đây] tức là nghe những kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nghe được những kinh điển Phương đẳng mới thật là nghe pháp. Người thật nghe pháp là lắng nghe và thọ nhận kinh Đại Niết-bàn. Từ trong kinh Đại Niết-bàn mà nghe biết rằng có tánh Phật, rằng Như Lai rốt cùng không dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nghe được như vậy nên gọi là hết lòng nghe pháp.
“Hết lòng nghe pháp, đó là nghe Tám Thánh đạo. Vì Tám Thánh đạo có thể đoạn tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, cho nên nghe Tám Thánh đạo gọi là nghe pháp.
“Nghe pháp, tức là [nghe về] Mười một pháp không. Do nơi các pháp không này mà đối với tất cả các pháp đều không tạo tác tướng trạng, hình mạo.
“Nghe pháp, tức là từ chỗ phát tâm ban đầu [rồi tu tập] cho đến chỗ cứu cánh cuối cùng của tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nhân chỗ phát tâm ban đầu mà [tu tập dần dần] đạt đến Đại Niết-bàn. Không phải chỉ nghe mà đạt đến Đại Niết-bàn, chính nhờ sự tu tập mới đạt đến Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như người bệnh, tuy được nghe lời chỉ dạy của thầy thuốc và nghe tên các vị thuốc, nhưng chẳng khỏi bệnh. Phải uống thuốc vào mới được khỏi bệnh. [Cũng vậy,] tuy có được nghe pháp Mười hai nhân duyên sâu xa cũng không thể dứt trừ hết thảy phiền não; cần phải chú tâm suy xét kỹ lưỡng mới có thể dứt trừ phiền não. Đó là pháp thứ ba trong bốn pháp làm nhân duyên đạt đến Đại Niết-bàn: phải chú tâm suy xét.
“Chú tâm suy xét còn có ý nghĩa gì khác nữa? Đó là ba pháp Tam-muội: Tam-muội Không, Tam-muội Vô tác và Tam-muội Vô tướng.
“Không, nghĩa là đối với Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu không thấy có cảnh giới nào là có thật. Vô tác, nghĩa là đối với Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu không có một sự ước nguyện mong cầu nào cả. Vô tướng, nghĩa là không có mười tướng: tướng hình sắc, tướng âm thanh, tướng mùi hương, tướng vị nếm, tướng xúc chạm, tướng sanh ra, tướng tồn tại, tướng diệt mất, tướng nam và tướng nữ.
“Tu tập ba pháp Tam-muội như trên gọi là sự chú tâm suy xét của hàng Bồ Tát.
“Sao gọi là y theo pháp mà tu hành? Đó là tu hành các pháp ba-la-mật, từ Bố thí cho đến Bát-nhã; rõ biết tướng chân thật của các ấm, nhập, giới; cũng rõ biết rằng các vị Thanh văn, Duyên giác và chư Phật đều theo cùng một đường mà nhập Niết-bàn. Pháp của Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, không sanh, không già, không bệnh, không chết, không đói khát, không khổ não, không thối chuyển, không diệt mất.
“Thiện nam tử! Hiểu được ý nghĩa rất sâu xa của Đại Niết-bàn thì biết rằng chư Phật rốt cùng không dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Bậc thiện tri thức chân thật nhất là chư Bồ Tát và chư Phật Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì thường khéo dùng ba cách điều phục giáo hóa chúng sanh. Ba cách ấy là gì? Một là [có khi] dùng toàn những lời dịu ngọt, hai là [có khi] dùng toàn những lời quở trách và ba là [có khi lại] vừa dùng lời dịu ngọt vừa quở trách. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát và chư Phật là những bậc thiện tri thức chân thật nhất!
“Lại nữa, thiện nam tử! Phật và Bồ Tát là những bậc đại lương y nên xưng là thiện tri thức. Vì sao vậy? Vì biết rõ bệnh, biết rõ thuốc, có thể tùy bệnh mà cho thuốc thích hợp.
“Ví như vị lương y thông thạo tám phép trị bệnh, trước hết phải xem tướng trạng của bệnh. Có ba tướng trạng khác nhau là phong, nhiệt và thủy. Người có bệnh phong thì cho dùng dầu váng sữa, người có bệnh nhiệt thì cho dùng đường phèn, người có bệnh thủy thì cho cho uống nước gừng. Vì rõ biết gốc bệnh nên cho dùng thuốc liền khỏi bệnh, được tôn xưng là lương y.
“Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài rõ biết bệnh của phàm phu có ba loại: tham dục, sân khuể và ngu si. Những kẻ có bệnh tham dục liền dạy họ phép quán xương trắng. Những kẻ có bệnh sân khuể liền dạy cho họ phép quán từ bi. Những kẻ có bệnh ngu si liền dạy cho họ phép quán Mười hai nhân duyên. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.
“Thiện nam tử! Ví như vị đại thuyền sư, có tài đưa người vượt biển nên được tôn xưng là đại thuyền sư. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài cứu độ chúng sanh vượt khỏi biển sanh tử. Vì nghĩa ấy nên được tôn xưng là thiện tri thức.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nhờ có chư Phật và Bồ Tát nên chúng sanh mới tu hành đạt được đầy đủ các pháp lành căn bản. Thiện nam tử! Ví như Tuyết sơn là cội nguồn căn bản của đủ mọi thứ thuốc hay lạ quý báu. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, là căn bản của mọi điều lành. Vì nghĩa ấy nên được tôn xưng là thiện tri thức.
“Thiện nam tử! Nơi Tuyết sơn có loại thuốc quý rất thơm, gọi là Ta-ha. Ai gặp được loại thuốc ấy thì sống lâu, không có bệnh khổ. Dầu gặp bốn thứ độc cũng không làm hại được. Ai chạm vào thuốc ấy thì tuổi thọ tăng thêm, sống đến một trăm hai mươi tuổi. Ai niệm tưởng thuốc ấy thì được trí túc mạng. Vì sao vậy? Đó là nhờ thế lực của thuốc ấy. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy. Những ai được gặp Phật và Bồ Tát đều dứt trừ tất cả phiền não. Dầu gặp bốn thứ ma cũng không bị nhiễu loạn. Những ai được tiếp xúc với Phật và Bồ Tát thì đời sống được dài lâu, vượt khỏi sanh tử, không còn thối chuyển, diệt mất. Tiếp xúc ở đây có nghĩa là được ở bên Phật, được nghe và lãnh thọ Chánh pháp nhiệm mầu. Những ai niệm tưởng chư Phật và Bồ Tát đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.
“Thiện nam tử! Như ở Hương sơn có hồ A-na-bà-đạp-đa. Từ nơi hồ ấy có bốn con sông cái chảy ra là sông Hằng, sông Tân-đầu, sông Tư-đà và sông Bác-xoa. Người đời thường nói rằng những ai có tội mà tắm ở bốn sông ấy thì các tội đều tiêu diệt. Nên biết rằng lời ấy là hư dối, [vì việc tắm sông] không thật trừ diệt được những việc làm [xấu ác] đã qua. Những gì là thật? Chỉ có chư Phật và Bồ Tát mới là thật. Vì sao vậy? Những ai thân cận chư Phật và Bồ Tát ắt trừ diệt được tất cả các tội lỗi [trước đây]. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như trên mặt đất có những loại cây thuốc, rừng rậm, trăm giống lúa, mía đường, hoa quả... Gặp lúc nắng hạn, hết thảy những thứ ấy đều khô cằn sắp chết. Các vị long vương Nan-đà và Bạt-nan-đà thương xót chúng sanh nên ra khỏi biển cả, đổ xuống trận mưa lành. Nhờ đó, hết thảy rừng rậm, lúa thóc, cỏ cây đều được tươi nhuận và sống lại.
“Tất cả chúng sanh cũng giống như thế, có bao nhiêu căn lành đều sắp diệt mất cả. Chư Phật và Bồ Tát sanh lòng đại từ bi, từ nơi biển trí tuệ đổ xuống cơn mưa cam lộ [là Chánh pháp], giúp cho chúng sanh được đầy đủ pháp Thập thiện. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.
“Thiện nam tử! Ví như vị lương y thông thạo tám phép trị bệnh, khi gặp người bệnh không hề quan tâm đến dòng họ chủng tộc, không phân biệt đẹp hay xấu, giàu hay nghèo... chỉ lo việc chữa trị ngay. Vì thế nên được tôn xưng là đại lương y. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, khi chúng sanh có bệnh phiền não, các ngài chẳng quan tâm đến dòng họ chủng tộc, chẳng phân biệt tốt xấu, giàu nghèo... đều vì tất cả mà khởi lòng từ mẫn thuyết pháp cho nghe. Chúng sanh nghe rồi thì bệnh phiền não được dứt trừ. Vì nghĩa ấy nên chư Phật và Bồ Tát được tôn xưng là thiện tri thức.
“Nhờ nhân duyên gần gũi các bậc thiện hữu như thế mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thế nào là Bồ Tát nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn?
“Hết thảy chúng sanh nhờ nghe pháp mà đầy đủ tín căn. Nhờ có tín căn nên ưa thích thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả Phật. Vì thế nên biết rằng có được các pháp lành đều là nhờ tác dụng của nhân duyên nghe pháp.
“Thiện nam tử! Ví như vị trưởng giả chỉ có một người con duy nhất, vì có việc buôn bán cần thiết ở nước khác nên sai con đến đó. Ông chỉ rõ đường sá cho con, chỗ nào thuận tiện, chỗ nào hiểm trở, rồi lại răn dạy rằng: ‘Nếu gặp phải hạng đàn bà dâm đãng thì phải thận trọng không được gần gũi yêu mến. Nếu con yêu mến hạng người ấy thì phải táng thân mất mạng và tiêu tan hết cả tiền của. Đối với những kẻ xấu ác cũng không được giao du.’ Người con kính vâng lời cha dạy, thân tâm được yên ổn, mang về rất nhiều tiền của.
“Đại Bồ Tát vì chúng sanh giảng giải pháp yếu cũng giống như vậy, chỉ rõ những con đường thuận tiện hoặc hiểm trở cho hết thảy chúng sanh và Bốn bộ chúng. Nhờ nghe pháp rồi, tất cả đều lìa xa các pháp xấu ác, được đầy đủ các pháp lành. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như gương sáng soi vào thấy rõ mặt người. Việc nghe pháp cũng như gương sáng, soi vào đó ắt thấy rõ những việc thiện ác, không có gì ngăn ngại. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như người khách buôn muốn đến nơi có châu báu nhưng không biết đường đi. Có người liền chỉ đường cho. Khách buôn theo lời chỉ dẫn, đi đến nơi có châu báu, tìm lấy được nhiều không kể xiết. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, muốn đến cảnh giới tốt lành để được vật báu là đạo pháp, nhưng không biết đường sá khó dễ thế nào. Bồ Tát liền chỉ dạy cho họ. Theo lời dạy ấy, chúng sanh đến được cảnh giới tốt lành, tìm được vật báu là Vô thượng Đại Niết-bàn. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như con voi say cuồng ngây hung bạo muốn giết hại nhiều người. Có người nài voi dùng móc sắt lớn móc vào đầu, voi liền khuất phục, dứt bỏ lòng hung dữ. Tất cả chúng sanh cũng vậy, bởi say vì tham dục, sân khuể, ngu si nên muốn tạo nhiều việc ác. Chư Bồ Tát dùng móc sắt lớn là việc nghe pháp mà điều phục, khiến họ trụ yên, không còn khởi lên những tâm xấu ác. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Vì thế nên trong tất cả các kinh ta thường dạy đệ tử rằng, nếu hết lòng lắng nghe và thọ nhận Mười hai bộ kinh ắt sẽ lìa khỏi Năm sự che chướng, tu tập được Bảy phần giác. Nhờ tu tập Bảy phần giác mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Nhờ nghe pháp mà hàng Tu-đà-hoàn lìa khỏi những sự sợ sệt. Vì sao vậy? Trưởng giả Tu-đạt thân mang bệnh nặng, lòng hết sức lo buồn sợ sệt, nghe Xá-lợi-phất dạy rằng hàng Tu-đà-hoàn có bốn công đức, mười loại ủy dụ; nghe việc ấy rồi thì dứt lòng sợ sệt. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì khai mở được con mắt pháp.
“Thế gian có ba hạng người, một là không có mắt, hai là chỉ có một mắt và ba là có đủ hai mắt. Người không có mắt ví như người không được nghe pháp. Người chỉ có một mắt ví như người tuy tạm được nghe pháp nhưng tâm chẳng trụ yên. Người có đủ hai mắt ví như người chuyên tâm lắng nghe và thọ nhận, y theo chỗ đã nghe mà thực hành. Nhờ nghe pháp mà rõ biết được ba hạng người như vậy ở đời. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Lúc trước ta ở thành Câu-thi-na. Khi ấy, Xá-lợi-phất thân mang bệnh khổ, ta liền sai tỳ-kheo A-nan đến, vì ông ấy mà thuyết rộng Chánh pháp. Nghe pháp như vậy rồi, Xá-lợi-phất liền bảo bốn vị đệ tử của mình rằng: ‘Các ông hãy dùng võng mà khiêng ta đến chỗ Phật. Ta muốn được nghe Chánh pháp.’
“Bốn vị đệ tử liền cùng nhau khiêng Xá-lợi-phất đến chỗ ta. [Xá-lợi-phất] được nghe pháp rồi, nhờ công năng mạnh mẽ của sự nghe pháp nên bệnh khổ liền nhẹ dứt, thân được an ổn. Vì nghĩa ấy, nhờ nhân duyên nghe pháp ắt được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thế nào là Bồ Tát do nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn? Nhân việc suy xét này mà tâm được giải thoát. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh thường bị Năm dục trói buộc, nhờ có sự suy xét mà được giải thoát khỏi Năm dục. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả chúng sanh thường bị bốn pháp làm cho điên đảo. Đó là cho rằng các pháp thường tồn, vui thích, thật có tự ngã và thanh tịnh. Nhờ sự suy xét mà thấy được rằng các pháp [vốn thật] đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Thấy được như vậy rồi, bốn sự điên đảo kia liền dứt mất. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả các pháp đều có bốn tướng. Những gì là bốn? Một là tướng sanh ra, hai là tướng già yếu, ba là tướng bệnh hoạn, và bốn là tướng diệt mất. Bốn tướng ấy khiến cho tất cả chúng sanh, từ phàm phu cho đến bậc Tu-đà-hoàn đều sanh ra nhiều khổ não. Nếu ai biết chú tâm suy xét kỹ thì dù gặp bốn tướng ấy cũng không sanh ra khổ não. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả các pháp lành đều do sự suy xét mà có. Vì sao vậy? Như có người hết lòng nghe pháp trong vô số kiếp, nhưng không suy xét thì cuối cùng cũng không đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những chúng sanh tin rằng Phật, Pháp, Tăng không hề biến đổi nên sanh lòng cung kính, nên biết rằng đó đều do sức mạnh của nhân duyên chú tâm suy xét, nhờ đó mà dứt trừ được tất cả phiền não. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.
“Thế nào là Bồ Tát y theo pháp tu hành? Thiện nam tử! Dứt bỏ các pháp xấu ác, tu tập các pháp lành, đó gọi là Bồ Tát y theo pháp tu hành.
“Lại nữa, thế nào là y theo pháp tu hành? Đối với tất cả các pháp đều thấy là rỗng không, không gì có thể sở hữu, [tất cả đều] không thường tồn, không vui thích, không thật có tự ngã, không thanh tịnh. Vì thấy rõ như vậy nên thà xả bỏ thân mạng cũng quyết không phạm vào các giới cấm. Đó gọi là Bồ Tát y theo pháp tu hành.
“Lại nữa, thế nào là y theo pháp tu hành? Tu hành có hai hạng, một là chân thật, hai là không chân thật. Hạng không chân thật là không rõ biết tướng của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, tướng hư không... Đó gọi là [tu hành] không chân thật. Thế nào là chân thật? Là rõ biết được tướng của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, tướng hư không... Đó gọi là [tu hành] chân thật.
“Thế nào gọi là rõ biết tướng Niết-bàn? Tướng của Niết-bàn có tám biểu hiện. Những gì là tám? Một là dứt sạch, hai là tánh thiện, ba là thật có, bốn là chân chánh, năm là thường tồn, sáu là an vui, bảy là chân ngã, tám là thanh tịnh. Đó gọi là Niết-bàn.
“Niết-bàn lại có tám biểu hiện khác. Những gì là tám? Một là giải thoát, hai là tánh thiện, ba là không thật, bốn là không chân chánh, năm là không thường tồn, sáu là không an vui, bảy là không chân ngã, tám là không thanh tịnh.
“Niết-bàn lại có sáu biểu hiện khác: Một là giải thoát, hai là tánh thiện, ba là không thật, bốn là không chân chánh, năm là an vui, sáu là thanh tịnh.
“Nếu có những chúng sanh y theo đạo thế tục, dứt trừ phiền não, Niết-bàn mà họ đạt được sẽ có tám biểu hiện: giải thoát, không thật.v.v... Vì sao vậy? Vì không thường tồn. Do không thường tồn nên không thật. Do không thật nên không chân chánh. Tuy dứt trừ phiền não lại khởi lên phiền não, cho nên là không thường tồn, không an vui, không chân ngã, không thanh tịnh. Đó gọi là Niết-bàn với tám biểu hiện [từ giải thoát cho đến không thanh tịnh].
“Còn thế nào là sáu biểu hiện? Hàng Thanh văn, Duyên giác dứt trừ phiền não cho nên gọi là giải thoát, nhưng vì chưa đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên gọi là không thật. Do không thật nên gọi là không chân chánh. Trong đời vị lai sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên gọi là vô thường. Vì đạt được Tám thánh đạo không còn phiền não nên gọi là thanh tịnh, an vui.
“Thiện nam tử! Nếu ai rõ biết như trên [vừa nói], đó là rõ biết Niết-bàn, không gọi là rõ biết tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, hư không.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tánh Phật? Tánh Phật có sáu biểu hiện. Những gì là sáu? Một là thường tồn, hai là thanh tịnh, ba là đúng thật, bốn là hiền thiện, năm là thấy biết hiện tiền, sáu là chân chánh.
“Lại có bảy biểu hiện: Một là có thể chứng biết, cùng với sáu biểu hiện như trên. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tánh Phật.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng Như Lai? Như Lai tức là tướng tỉnh giác, tướng hiền thiện; là thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát, chân chánh, thật có; là chỉ bày đạo pháp có thể thấy được. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng Như Lai.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng của pháp? Tướng của pháp có thể là thiện hoặc bất thiện, là thường hoặc vô thường, là an vui hoặc không an vui, là ngã hoặc vô ngã, là thanh tịnh hoặc bất tịnh, là biết hoặc không biết, là giải thoát hoặc không giải thoát, là chân chánh hoặc không chân chánh, là tu hoặc không tu, là thầy hoặc chẳng phải thầy, là thật hoặc chẳng thật. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng của pháp.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng của Tăng? Tướng của Tăng nếu là thường, lạc, ngã, tịnh cũng là tướng của hàng đệ tử, là tướng có thể thấy được, tuy hiền thiện, chân chánh nhưng là chẳng thật. Vì sao vậy? Vì tất cả Thanh văn đều đạt được đạo của Phật. Vì sao gọi là chân chánh? Vì tỏ ngộ được tánh của pháp. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng của Tăng.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng thật? Tướng thật có thể là thường hoặc vô thường; là an vui hoặc không an vui; là ngã hoặc vô ngã, là thanh tịnh hoặc bất tịnh; là thiện hoặc bất thiện; là có hoặc là không; là Niết-bàn hoặc chẳng phải Niết-bàn; là giải thoát hoặc không giải thoát; là biết hoặc không biết; là dứt mất hoặc không dứt mất; là chứng đắc hoặc không chứng đắc; là tu hoặc không tu; là thấy hoặc không thấy. Như thế gọi là tướng thật, chẳng phải các tướng Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.
“Đó gọi là Bồ Tát nhờ tu hành kinh Đại Niết-bàn này mà rõ biết những tướng khác biệt của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.
“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn chẳng thấy hư không. Vì sao vậy? Phật và Bồ Tát tuy có năm thứ mắt nhưng chẳng thấy được hư không. Chỉ có mắt tuệ mới thấy được. Chỗ mà mắt tuệ nhìn thấy là không một pháp nào có thể thấy mới gọi là thấy. Nếu thật không có vật gì thì gọi là hư không; hư không như vậy mới gọi là thật. Vì là thật nên thường là không. Vì thường là không nên không có lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Không, gọi là không có pháp; không có pháp, gọi là không. Cũng như người thế gian thấy không có vật gì thì gọi là không. Tánh của hư không cũng giống như thế, vì không có gì cả nên gọi là hư không.
“Thiện nam tử! Chúng sanh và hư không đều không có tánh thật. Vì sao vậy? Như có người nói: ‘Trừ hết những vật đang có thì tạo thành hư không.’ Nhưng hư không thật không thể tạo thành. Vì sao vậy? Vì hư không là không có gì cả. Vì không có gì cả nên biết rằng không có cả cái không.
“Tánh của hư không nếu có thể tạo thành thì phải gọi là vô thường. Nếu là vô thường thì chẳng gọi là hư không.
“Thiện nam tử! Như người thế gian nói rằng: ‘Hư không không có hình sắc, không ngăn ngại, thường không thay đổi.’ Vì thế nên người ta gọi tánh của hư không là đại thứ năm.
“Thiện nam tử! Nhưng hư không thật không có tánh, vì có ánh sáng nên gọi là hư không, chứ thật không có hư không; cũng như chân lý thế gian vốn thật không có, nhưng vì chúng sanh nên ta dạy là có chân lý thế gian.
Thiện nam tử! Thể của Niết-bàn cũng giống như vậy, không có chỗ trụ. Chính ngay nơi chư Phật dứt sạch phiền não thì gọi là Niết-bàn. Niết-bàn chính là thường tồn, an vui, chân ngã, thanh tịnh. Niết-bàn tuy là an vui nhưng chẳng phải cái vui hưởng thụ, mà là cái vui tịch diệt cao siêu mầu nhiệm.
“Chư Phật Như Lai có hai sự vui: Một là sự vui tịch diệt, hai là sự vui rõ biết. Thể của tướng thật có ba sự vui: Một là sự vui hưởng thụ, hai là sự vui tịch diệt, ba là sự vui rõ biết. Tánh Phật có một sự vui là thấy biết hiện tiền. Khi chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề gọi là sự vui giác ngộ.”
Lúc ấy, Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói chỗ dứt sạch phiền não là Niết-bàn thì không hợp lý! Vì sao vậy? Ngày trước, lúc Như Lai vừa mới thành Phật, đi đến bên bờ sông Ni-liên-thiền. Bấy giờ, Ma vương và quyến thuộc đến chỗ Phật, nói rằng: ‘Thế Tôn! Đã đến lúc nhập Niết-bàn, sao ngài không nhập?’ Phật bảo Ma vương: ‘Nay ta chưa có những đệ tử đa văn, khéo giữ giới cấm, thông minh lợi trí, có thể giáo hóa chúng sanh, cho nên ta chưa nhập Niết-bàn.’
“Nếu nói rằng chỗ dứt sạch phiền não là Niết-bàn, tại sao chư Bồ Tát đã lìa khỏi phiền não từ vô lượng kiếp lại không được xưng là Niết-bàn? Cũng đều là chỗ dứt sạch, duyên cớ gì chỉ riêng xưng chư Phật là Niết-bàn, chư Bồ Tát lại là không?
“Nếu dứt sạch phiền não chẳng phải là Niết-bàn, vì sao ngày xưa Như Lai bảo ông Bà-la-môn Sanh Danh rằng: ‘Thân ta hiện nay tức là Niết-bàn.’
“Lại khi Như Lai ở tại thành Tỳ-xá-ly, Ma đến thưa rằng: ‘Ngày xưa vì chưa có những đệ tử đa văn, trì giới, thông minh lợi trí, có thể giáo hóa chúng sanh nên Như Lai không nhập Niết-bàn. Nay đã có đủ rồi, tại sao ngài không nhập?’ Bấy giờ, Như Lai liền bảo Ma rằng: ‘Nay ngươi chớ đem lòng lo lắng cho là chậm trễ, sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thế Tôn! Nếu như sự diệt độ không phải là Niết-bàn, vì sao Như Lai tự đưa ra kỳ hạn ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn?
“Thế Tôn! Nếu dứt sạch phiền não là Niết-bàn thì ngày xưa, lúc Như Lai ở tại đạo tràng dưới cội Bồ-đề vừa dứt sạch phiền não, hẳn đã là Niết-bàn ngay khi ấy rồi, vì sao lại nói rằng còn ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn?
“Thế Tôn! Nếu như khi ấy đã là Niết-bàn rồi, vì sao mới đây ở thành Câu-thi-na này Phật lại bảo những người trong tộc họ Lực-sĩ rằng sau lúc nửa đêm sẽ nhập Niết-bàn? Như Lai là thành thật, vì sao nói ra những lời hư dối như vậy?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương rằng: “Thiện nam tử! Nếu nói rằng Như Lai được tướng lưỡi rộng dài, nên biết đó là nhờ trong vô lượng kiếp qua Như Lai đã lìa xa những lời hư dối. Những gì mà tất cả chư Phật và Bồ Tát nói ra đều là chân thật không hư dối!
“Thiện nam tử! Như ông vừa nói rằng, ngày xưa Ma Ba-tuần có đến thỉnh cầu ta nhập Niết-bàn. Thiện nam tử! Nhưng Ma vương ấy thật chẳng biết được tướng nhất định của Niết-bàn. Vì sao vậy? Ba-tuần có ý cho rằng: Nếu không giáo hóa chúng sanh, trụ yên lặng lẽ thì đó là Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như người đời thấy kẻ không nói năng, không làm gì cả, liền bảo rằng kẻ ấy chẳng khác gì người chết. Ma Ba-tuần cũng vậy, trong ý cho rằng nếu Như Lai không giáo hóa chúng sanh, lặng yên không thuyết dạy thì đó là Như Lai đã nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Như Lai không nói rằng Phật, Pháp và Tăng không có tướng khác biệt, chỉ dạy rằng hai pháp thường trụ và thanh tịnh là không khác biệt.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng không nói Phật và tánh Phật, Niết-bàn không có tướng khác biệt, chỉ dạy rằng các pháp thường hằng và bất biến là không khác biệt.
“Thiện nam tử! Phật cũng không nói rằng Niết-bàn và tướng chân thật không có khác biệt, chỉ dạy rằng các pháp thường hiện hữu và chân thật không biến đổi là không khác biệt.
“Thiện nam tử! Thuở ấy, những đệ tử Thanh văn của ta khởi sự tranh cãi. Như những tỳ-kheo xấu ác ở Câu-thiểm-di trái lời dạy của ta, phạm nhiều giới cấm, thọ nhận những vật bất tịnh, tham cầu lợi dưỡng. Họ tự khoe khoang với hàng cư sĩ rằng: ‘Ta đắc quả vô lậu, là quả Tu-đà-hoàn...’ thậm chí nói rằng: ‘Ta đắc quả A-la-hán.’ Họ nói xấu và nhục mạ người khác, còn đối với Phật, Pháp, Tăng, giới luật, hòa thượng... lại chẳng sanh lòng cung kính. Họ công khai nói trước mặt ta rằng: ‘Những vật như thế này... Phật cho phép chứa trữ; những vật như thế này... Phật không cho phép chứa trữ.’ Ta có bảo họ rằng: ‘Những vật như vậy, thật ta không cho phép chứa trữ.’ Nhưng họ cãi lại rằng: ‘Những vật như vậy, thật là Phật có cho phép.’
“Những kẻ xấu ác đó không tin lời ta. Vì những kẻ ấy mà ta bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Ngươi chớ lo chậm trễ, sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Chính vì những tỳ-kheo xấu ác này mà các đệ tử thọ học hàng Thanh văn chẳng thấy được thân ta, chẳng nghe được pháp ta, liền nói rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn.’ Chỉ có hàng Bồ Tát thấy được thân ta, thường nghe pháp ta, nên không nói rằng ta nhập Niết-bàn. Tuy những đệ tử Thanh văn nói rằng Như Lai nhập Niết-bàn, nhưng ta thật không nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Nếu trong các đệ tử Thanh văn của ta, những ai nói rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn’, nên biết rằng đó không phải đệ tử của ta, mà là bè đảng của ma, là kẻ tà kiến xấu ác, chẳng phải người chánh kiến. Nếu những ai nói rằng: ‘Như Lai [thật] không nhập Niết-bàn’, nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của ta, không phải bè đảng của ma; là người chánh kiến, không phải kẻ tà kiến xấu ác.
“Thiện nam tử! Ta hoàn toàn không thấy trong số đệ tử của ta có ai nói rằng: ‘Như Lai không giáo hóa chúng sanh, trụ yên lặng lẽ, đó gọi là nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Ví như một vị trưởng giả có nhiều con, phải đi phương xa. Khi chưa trở về, những người con đều bảo rằng cha đã chết. Nhưng trưởng giả ấy thật không hề chết. Những người con ấy điên đảo nghĩ rằng cha mình đã chết.
“Hàng đệ tử Thanh văn của ta cũng vậy; vì không nhìn thấy ta liền bảo rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la.’ Nhưng ta thật không nhập Niết-bàn, chỉ là hàng đệ tử Thanh văn tự có ý nghĩ rằng ta nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như ngọn đèn sáng, có người che lại. Những kẻ không biết đều bảo rằng đèn đã tắt. Nhưng ngọn lửa trong đèn ấy quả thật không tắt. Vì không biết nên sanh ra ý nghĩ rằng đèn đã tắt.
“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, tuy có mắt tuệ nhưng bị phiền não che lấp khiến tâm điên đảo chẳng thấy được thân chân thật của Phật, nên sanh ra ý nghĩ rằng Phật diệt độ. Nhưng ta quả thật chẳng hề diệt độ.
“Thiện nam tử! Ví như người sanh ra đã mù, không thấy được mặt trời, mặt trăng. Vì không thấy nên không biết được những tướng trạng ngày, đêm, sáng, tối. Vì không biết nên nói rằng thật không có mặt trời, mặt trăng. Sự thật là có mặt trời, mặt trăng nhưng người mù không thấy. Vì không thấy nên sanh ra tư tưởng điên đảo, nói rằng không có mặt trời, mặt trăng.
“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, giống như người sanh ra đã mù, không thấy được Như Lai, liền nói rằng Như Lai đã nhập Niết-bàn. Như Lai thật không nhập Niết-bàn, chỉ vì tư tưởng điên đảo nên sanh tâm như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như mây mù che khuất mặt trời, mặt trăng. Người ngu liền nói: ‘Không có mặt trời, mặt trăng.’ Nhưng mặt trời, mặt trăng là thật có, chỉ vì bị che khuất nên chúng sanh không thấy.
“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, do phiền não che khuất con mắt trí tuệ nên không thấy được Như Lai, liền nói rằng: ‘Như Lai đã diệt độ.’
“Thiện nam tử! Sự thật là Như Lai thị hiện hạnh Anh nhi, chẳng phải diệt độ.
“Thiện nam tử! Như ở Diêm-phù-đề, khi mặt trời lặn thì chúng sanh không còn thấy mặt trời. Đó là vì núi non che khuất, chứ mặt trời thật không hề mất đi. Chúng sanh không nhìn thấy liền sanh ra ý nghĩ cho rằng mặt trời lặn mất.
“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, vì những núi non là phiền não che khuất nên không thấy được thân Phật. Vì không thấy nên sanh ra ý nghĩ cho rằng Như Lai đã diệt độ. Nhưng thật Như Lai chẳng hề diệt độ.
“Vì thế nên khi ở thành Tỳ-xá-ly Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Khi ấy Như Lai thấy trước là sau ba tháng thì căn lành của Bồ Tát Ca-diếp sẽ được thành thục; lại cũng thấy ông Tu-bạt-đà-la ở Hương sơn, sau mùa an cư sẽ đến chỗ Phật. Vì vậy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Khi ấy lại có 500 người trong tộc họ Lực-sĩ, sau ba tháng sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì những người ấy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Khi ấy nhóm ông Thuần-đà với 500 người họ Lê-xa và cô Am-la sau ba tháng sẽ được tâm đạo vô thượng và căn lành thành thục. Vì những người ấy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Ông Tu-na-sát-đa thường thân cận với ngoại đạo Ni-kiền-tử. Ta vì ông ấy thuyết pháp trọn 12 năm nhưng ông ấy vẫn giữ tà kiến, chẳng tin nhận giáo pháp. Khi ấy ta biết rằng sau ba tháng nữa gốc rễ tà kiến của ông ấy sẽ bị chặt đứt. Ta cũng vì ông ấy nên bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà lúc trước bên bờ sông Ni-liên ta bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Nay ta chưa có những đệ tử nhiều trí tuệ nên chưa vào Niết-bàn’?
“Khi ấy, ta muốn vì năm vị tỳ-kheo mà Chuyển Pháp luân ở thành Ba-la-nại. Kế đó, ta lại muốn vì năm vị tỳ-kheo nữa là: Da-xa, Phú-na, Tỳ-ma-la-xà, Kiều-phạm-ba-đề, Tu-bà-hầu [mà giáo hóa]. Kế nữa, ta lại muốn vì nhóm ông trưởng giả Úc-già năm mươi người [mà giáo hóa]. Rồi ta lại muốn vì vua Tần-bà-sa-la nước Ma-già-đà với vô số người và chư thiên [mà giáo hóa]. Tiếp đến ta lại muốn vì Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp với môn đồ của ông là 500 tỳ-kheo [mà giáo hóa]. Kế đó, ta lại muốn vì hai anh em Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp với 500 đệ tử của họ [mà giáo hóa]. Rồi ta lại muốn vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên với 250 tỳ-kheo trong nhóm của họ mà chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu. Vì [tất cả những điều đó] nên ta bảo Ma vương Ba-tuần rằng ta không nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Có [những trường hợp được] gọi là Niết-bàn nhưng không phải Đại Niết-bàn.
“Thế nào là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn? Không thấy tánh Phật mà dứt trừ phiền não, đó gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn. Vì không thấy tánh Phật nên là vô thường, vô ngã; chỉ có an vui và thanh tịnh mà thôi. Vì nghĩa ấy nên dù dứt trừ phiền não cũng chưa được gọi là Đại Niết-bàn.
“Nếu thấy tánh Phật rồi dứt trừ phiền não, đó gọi là Đại Niết-bàn. Nhờ thấy tánh Phật nên được [có đủ] thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa này nên dứt trừ phiền não rồi được xưng là Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Niết là nghĩa không, bàn là nghĩa phiền não. Không có phiền não gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là che lấp; không che lấp gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là đến đi; chẳng đến chẳng đi gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là chấp giữ; không chấp giữ gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là không nhất định; quyết định không phân vân gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là cũ và mới; không cũ không mới gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là chướng ngại; không có chướng ngại gọi là Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Hàng đệ tử các phái ngoại đạo Ưu-lâu-khư, Ca-tỳ-la nói rằng: ‘Bàn là hình tướng; không có hình tướng gọi là Niết-bàn.’
“Thiện nam tử! Bàn lại có nghĩa là hiện hữu; không hiện hữu gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là hòa hợp [trộn lẫn]; không hòa hợp [trộn lẫn] gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là khổ não; không khổ não gọi là Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Dứt trừ phiền não không gọi là Niết-bàn; không còn sanh khởi phiền não mới gọi là Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai không sanh khởi phiền não nên gọi là Niết-bàn. Có được trí tuệ sáng suốt không ngăn ngại đối với các pháp, đó là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, nên gọi là tánh Phật. Thân, tâm và trí tuệ của Như Lai hiện khắp vô lượng vô biên vô số cõi thế giới, không gì chướng ngại được nên gọi là hư không. Như Lai thường trụ, không có biến đổi, gọi là tướng thật. Vì nghĩa ấy nên Như Lai rốt cùng thật không nhập Niết-bàn.
“Như thế gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ bảy.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thức tám?
“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn dứt trừ năm việc, lìa xa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, gìn giữ một việc, thân cận bốn việc, tin theo một lẽ thật, tâm khéo giải thoát, trí tuệ khéo giải thoát.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát dứt trừ năm việc? Đó là nói năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nói ấm đó là nghĩa gì? Là có thể khiến cho chúng sanh phải tiếp nối mãi mãi trong dòng sanh tử, không vất bỏ được gánh nặng, tan rã rồi tụ họp, cuốn mãi trong ba đời mà suy cầu chẳng thấy được nghĩa lý gì cả! Do các nghĩa ấy nên gọi là ấm.
“Bồ Tát Ma-ha-tát tuy thấy sắc ấm nhưng không thấy có tướng của sắc ấm. Vì sao vậy? Vì ở trong mười loại sắc mà suy cầu thể tánh đều không thấy có [gì thật] là thế giới cả, nên gọi đó là ấm.
“Thọ có một trăm lẻ tám loại. [Bồ Tát] tuy thấy thọ ấm nhưng hoàn toàn không có tướng của thọ. Vì sao vậy? Tuy có một trăm lẻ tám loại thọ nhưng xét theo lý đều không có sự nhất định, chân thật. Vì thế Bồ Tát không thấy có thọ ấm.
“Đối với các ấm tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Bồ Tát Ma-ha-tát quán sát sâu xa thấy năm ấm chính là căn bản sanh ra phiền não. Vì nghĩa ấy nên dùng phương tiện khiến phải dứt trừ năm ấm.
“Thế nào là Bồ Tát lìa xa năm việc? Đó là nói năm kiến chấp. Những gì là năm? Một là thân kiến, hai là biên kiến, ba là tà kiến, bốn là giới cấm thủ kiến, năm là kiến thủ kiến. Do năm kiến chấp sai lầm này mà sanh ra sáu mươi hai thứ tà kiến. Do các tà kiến ấy mà dòng sanh tử tiếp nối mãi không dứt. Vì thế nên Bồ Tát thận trọng lìa xa năm kiến chấp ấy.
“Thế nào là Bồ Tát thành tựu sáu việc? Đó là nói sáu chỗ niệm tưởng chân chánh. Những gì là sáu? Một là niệm Phật, hai là niệm Pháp, ba là niệm Tăng, bốn là niệm thiên, năm là niệm thí, sáu là niệm giới. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu sáu việc.
“Thế nào là Bồ Tát tu tập năm việc? Đó là nói năm phép định. Một là Tri định, hai là Tịch định, ba là Thân tâm thọ khoái lạc định, bốn là Vô lạc định, năm là Thủ lăng nghiêm định. Tu tập năm phép định tâm ấy, chắc chắn sẽ đạt đến gần Đại Niết-bàn. Vì thế nên Bồ Tát chuyên tâm tu tập.
“Thế nào là Bồ Tát gìn giữ một việc? Đó là nói [gìn giữ] tâm Bồ-đề. Bồ Tát Ma-ha-tát thường chuyên tâm tinh cần bảo vệ, gìn giữ tâm Bồ-đề như người đời bảo vệ gìn giữ đứa con duy nhất; lại cũng như người đã bị mù một mắt bảo vệ giữ gìn con mắt còn lại; lại cũng như kẻ đi trong vùng hoang mạc bảo vệ gìn giữ người dẫn đường. Bồ Tát luôn bảo vệ gìn giữ tâm Bồ-đề như vậy. Nhờ gìn giữ tâm Bồ-đề nên mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nhờ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên có đủ thường, lạc, ngã, tịnh, tức là Vô thượng Đại Niết-bàn. Vì thế nên Bồ Tát gìn giữ một việc này.
“Thế nào là Bồ Tát thân cận bốn việc? Đó là nói Bốn tâm vô lượng. Những gì là bốn? Một là đại từ, hai là đại bi, ba là đại hỷ, bốn là đại xả. Bốn tâm ấy có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sanh đều phát tâm Bồ-đề. Vì thế nên Bồ Tát hết lòng thân cận bốn tâm ấy.
“Thế nào là Bồ Tát tin theo một lẽ thật? Bồ Tát biết rõ tất cả chúng sanh đều quay về một đường. Một đường đó tức là Đại thừa. Nhưng vì chúng sanh nên chư Phật và Bồ Tát phân ra làm Ba thừa. Vì thế nên Bồ Tát tin theo [điều này] mà chẳng trái nghịch.
“Thế nào là tâm khéo giải thoát của Bồ Tát? Đó là ba tâm tham, sân, si đều đã dứt trừ vĩnh viễn. Đó gọi là Bồ Tát có tâm khéo giải thoát.
“Thế nào là trí tuệ khéo giải thoát của Bồ Tát? Bồ Tát Ma-ha-tát đối với tất cả các pháp đều rõ biết không chướng ngại. Đó gọi là trí tuệ khéo giải thoát của Bồ Tát. Do trí tuệ giải thoát ấy nên việc chưa nghe thì nay được nghe, việc chưa thấy thì nay được thấy, chỗ chưa đến thì nay được đến.”
Bấy giờ, Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật nói về tâm giải thoát đó, nghĩa này không hợp lý. Vì sao vậy? Vì tâm vốn không trói buộc. Thế nào là không trói buộc? Bản tánh của tâm không bị tham dục, sân khuể, ngu si trói buộc. Nếu tâm vốn đã không có sự trói buộc, vì sao nói rằng tâm khéo giải thoát?
“Bạch Thế Tôn! Nếu bản tánh của tâm không bị tham dục trói buộc thì do những nhân duyên gì mà trói buộc được? Ví như người vắt sừng, vốn không có tính chất của bầu vú, dù gắng sức mà vắt mãi cũng không do đâu mà có sữa! Nhưng nếu người ta vắt bầu vú thì không giống như vậy, dù không gắng sức mà sữa vẫn ra nhiều. Tâm cũng như vậy, vốn không có tham, nay vì sao lại có? Nếu vốn không tham mà về sau có tham, thì chư Phật và Bồ Tát vốn không có tướng tham, nay ắt cũng phải có!
“Bạch Thế Tôn! Ví như người phụ nữ vô sanh, vốn không thể sanh con, dù mất nhiều công sức với vô số nhân duyên cũng không thể sanh con. Tâm cũng như vậy, vốn không có tham, dù có nhiều nhân duyên cũng không do đâu mà sanh ra.
“Bạch Thế Tôn! Ví như cọ xát vào gỗ ướt không thể sanh ra lửa. Tâm cũng như vậy, dù cho cọ xát cố tìm tham dục cũng không thể được. Vì sao tham dục lại trói buộc được tâm?
“Bạch Thế Tôn! Ví như ép cát không thể chảy ra dầu. Tâm cũng như vậy, dù có ép cũng chẳng sanh ra tham. Nên biết rằng tham và tâm là hai lẽ khác nhau. Nếu như có sự tham cũng làm sao có thể ô nhiễm được tâm?
“Bạch Thế Tôn! Ví như có người đóng cọc vào không trung, không thể dính chắc vào đó được. Đưa tham dục vào tâm cũng vậy, dù có đủ mọi nhân duyên cũng không thể làm cho tham dục trói buộc được tâm.
“Bạch Thế Tôn! Nếu tâm không tham gọi là giải thoát, vì sao chư Phật và Bồ Tát không nhổ ra gai nhọn trong không trung?
“Bạch Thế Tôn! Tâm quá khứ không gọi là giải thoát; tâm vị lai cũng không giải thoát; tâm hiện tại chẳng chung cùng với đạo. Vậy tâm trong đời nào gọi là được giải thoát?
“Bạch Thế Tôn! Như ngọn đèn trong quá khứ không trừ được bóng tối; ngọn đèn trong tương lai cũng không trừ được bóng tối; ngọn đèn trong hiện tại cũng không trừ được bóng tối. Vì sao vậy? Sáng và tối không thể cùng hiện hữu. Tâm cũng như vậy. Vì sao nói rằng tâm được giải thoát?
“Bạch Thế Tôn! Tham dục là thật có. Nếu tham dục không có thì khi thấy nữ sắc ắt không sanh tham dục! Do [nhìn thấy] nữ sắc sanh ra tham dục, nên biết rằng tham dục thật có. Vì có tham dục mới đọa vào ba đường ác.
“Bạch Thế Tôn! Ví như có người nhìn thấy hình vẽ phụ nữ cũng sanh tham dục. Vì sanh tham dục nên phạm vào đủ mọi tội lỗi. Nếu trong tâm vốn không có tham dục, vì sao nhìn thấy hình vẽ lại sanh ra tham dục? Nếu tâm không tham dục, vì sao Như Lai nói rằng tâm Bồ Tát được giải thoát? Nếu tâm có tham dục, vì sao nhìn thấy hình tướng rồi sau đó mới sanh ra tham dục; nếu không nhìn thấy hình tướng thì không sanh tham dục? Hiện nay con nhìn thấy có quả báo xấu ác, nên biết là thật có tham dục. Đối với sân khuể, ngu si cũng giống như vậy.
“Bạch Thế Tôn! Ví như chúng sanh mang tấm thân vô ngã, nhưng kẻ phàm phu sai lầm cho là thật có bản ngã. Tuy có tư tưởng chấp ngã nhưng không vì thế mà đọa vào ba đường ác. Vì sao những kẻ tham dục, đối với hình vẽ không thật là nữ nhân mà khởi lên ý tưởng tham dục với nữ nhân lại đọa vào ba đường ác?
“Bạch Thế Tôn! Vì như người ta cọ xát vào gỗ liền sanh ra lửa. Nhưng trong các duyên liên quan đều không có tánh lửa. Vậy do nhân duyên gì mà sanh ra được lửa?
“Bạch Thế Tôn! Tham dục cũng như vậy. Trong hình sắc không có tham, trong âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp cũng không có tham. Vì sao từ nơi hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm, các pháp lại sanh ra tham? Nếu trong các duyên ấy thảy đều không có tham, vì sao chỉ có chúng sanh khởi sanh tham dục, còn chư Phật, Bồ Tát lại không khởi sanh?
“Bạch Thế Tôn! Tâm cũng là không nhất định. Nếu tâm là nhất định thì không có tham dục, sân khuể, ngu si. Nếu tâm là không nhất định, vì sao nói rằng tâm được giải thoát?
“Tham cũng là không nhất định. Nếu tham là không nhất định, vì sao do nơi tham mà phải sanh vào ba đường ác? Người có tham và cảnh giới [mà người ấy] sanh vào, cả hai đều không nhất định. Vì sao vậy? Vì cả hai đều duyên với một sắc mà sanh ra tham, hoặc sanh ra sân, hoặc sanh ra si. Cho nên người có tham và cảnh giới [mà người ấy] sanh vào, cả hai đều là không nhất định. Nếu cả hai đều là không nhất định, vì sao Như Lai nói rằng Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này thì tâm được giải thoát.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Tâm không bị tham dục trói buộc, cũng chẳng phải không bị trói buộc; chẳng phải giải thoát, chẳng phải không giải thoát; chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Vì tất cả các pháp đều không có tự tánh.
“Thiện nam tử! Có những kẻ ngoại đạo nói rằng: ‘Nhân duyên hòa hiệp ắt có quả sanh.’
“Nếu trong các duyên vốn không có tánh sanh mà có thể sanh ra, thì hư không chẳng có tánh sanh ắt cũng sanh ra quả! Nhưng hư không chẳng sanh ra gì cả, vì đó chẳng phải là nhân.
“Bởi trong các duyên vốn sẵn có tánh quả, cho nên khi tập hợp lại mới sanh được quả. Vì sao vậy? Như Đề-bà-đạt muốn đắp tường vách ắt phải lấy bùn đất chứ không lấy màu sắc; muốn vẽ tranh phải lấy màu sắc chứ không lấy cây cỏ; muốn may áo phải lấy chỉ tơ chứ không lấy bùn đất, cây gỗ; muốn xây phòng ốc phải lấy bùn đất chứ không lấy tơ sợi.
“Do sự chọn lấy như vậy nên biết rằng những vật được chọn đó đều có thể sanh quả [tương ứng]. Vì có thể sanh quả [tương ứng] nên biết rằng trong nhân đã sẵn có tánh rồi. Nếu không do sẵn tánh thì một vật hẳn có thể sanh ra hết thảy các vật. Nếu là có thể chọn lấy, có thể làm nên, có thể tạo ra, nên biết rằng trong mỗi vật ấy đã sẵn có quả [tương ứng] rồi. Nếu không có quả [tương ứng] thì người ta hẳn đã không chọn lấy, không làm nên, không tạo ra.
“Chỉ có hư không là không chọn lấy, không tạo thành, cho nên có thể sanh ra hết thảy vạn vật. Là vì có nhân. Như hạt ni-câu-đà sanh ra cây ni-câu-đà, trong sữa sẵn có nhân của đề-hồ, trong sợi tơ sẵn có nhân của tấm vải, trong đất sét sẵn có nhân của cái bình.
“Thiện nam tử! Tất cả phàm phu mê tối vì vô minh nên nói chắc rằng: ‘Hình sắc có nghĩa vướng chấp; tâm có tánh tham muốn.’ Lại nói rằng: ‘Kẻ phàm phu trong tâm có tánh tham, lại cũng có tánh giải thoát. Khi gặp nhân duyên tham thì tâm sanh tham; gặp nhân duyên giải thoát thì được giải thoát.’
“Tuy lập luận như vậy nhưng thật không hợp lý.
“Có những kẻ phàm phu lại nói rằng: ‘Trong hết thảy các nhân đều không có quả.’
“Nhân có hai loại. Một là nhân vi tế, hai là nhân thô lớn. Nhân vi tế là thường, nhân thô lớn là vô thường. Từ nhân vi tế mà chuyển thành nhân thô lớn; từ nhân thô lớn lại chuyển thành quả. Vì nhân thô lớn là vô thường nên quả cũng vô thường.
“Thiện nam tử! Có những kẻ phàm phu lại nói rằng: ‘Tâm không có nhân, tham cũng không có nhân, do điều kiện môi trường thích hợp nên sanh tâm tham.’
“Những kẻ như vậy vì không hiểu được nhân duyên của tâm nên phải luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi cuộc sanh tử.
“Thiện nam tử! Ví như con chó bị buộc vào cây cột, suốt ngày đi quanh cột mà không thể lìa ra. Hết thảy phàm phu cũng vậy, bị vô minh xiềng xích, buộc vào cây cột sanh tử, đi quanh quẩn trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu mà không thể ra khỏi.
“Thiện nam tử! Ví như có người rơi xuống hố xí, vừa lên khỏi rồi lại rơi xuống nữa; hoặc như người vừa khỏi bệnh lại mắc phải mầm bệnh; hoặc như người đi đường gặp chỗ hoang vắng quanh quẩn, vừa qua khỏi rồi quay trở lại; hoặc như người tắm rửa sạch sẽ rồi lại bôi bùn đất vào... Tất cả phàm phu cũng vậy, họ đã được giải thoát khỏi cảnh giới Vô sở hữu, chỉ là chưa thoát khỏi cảnh giới Phi phi tưởng; nhưng rồi quay lại sa vào ba đường ác.
“Vì sao vậy? Hết thảy phàm phu chỉ quán xét nơi quả mà không quán xét nhân duyên. Ví như con chó đuổi theo cục đất chứ không đuổi theo người [ném đất]. Những kẻ phàm phu cũng vậy! Họ chỉ quán xét nơi quả mà không quán xét nhân duyên [tạo thành quả]. Vì không quán xét [nhân duyên như vậy] nên từ cảnh giới Phi tưởng họ phải thối chuyển, quay trở lại Ba nẻo ác.
“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát không bao giờ nói một cách nhất định rằng trong nhân có quả hay trong nhân không có quả; cũng không nói là vừa có vừa không hoặc chẳng phải có cũng chẳng phải không.
“Nếu ai nói chắc rằng trong nhân trước đã có quả, hoặc không có quả, hoặc vừa có vừa không, hoặc chẳng phải có chẳng phải không có quả, nên biết rằng những kẻ ấy đều là bè đảng của ma, bị ma trói buộc, tức là người có tham ái. Người có tham ái như vậy không thể dứt khỏi sự trói buộc của sanh tử, không biết được tướng của tâm và tướng tham dục.
“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát chỉ bày rõ lý trung đạo, [không rơi vào những biên kiến như trên]. Vì sao vậy? Tuy nói rằng các pháp chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng không nhất định. Vì lẽ gì? Vì nhân nơi con mắt, nhân nơi hình sắc, nhân nơi ánh sáng, nhân nơi tâm người, nhân nơi ý niệm mà thức được sanh ra. Thức này chắc chắn không ở trong con mắt, trong hình sắc, trong ánh sáng, trong tâm người, trong ý niệm, cũng chẳng ở khoảng giữa [những thứ đó], cũng chẳng phải có, chẳng phải không. Từ nơi các duyên mà sanh nên gọi là có; không có tự tánh nên gọi là không. Vì thế Như Lai dạy rằng các pháp chẳng phải có, chẳng phải không.
“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát chẳng hề nói một cách nhất định rằng tâm có tánh thanh tịnh hoặc bất tịnh, hoặc có cả tịnh và bất tịnh, vì tâm không có chỗ trụ. Do duyên mà có sanh tham dục, nên nói là chẳng phải không; tánh tham vốn là không, nên nói là chẳng phải có.
“Thiện nam tử! Do nhân duyên, tâm mới sanh tham; cũng do nhân duyên, tâm được giải thoát.
“Thiện nam tử! Có hai loại nhân duyên, một loại tùy theo sanh tử, một loại tùy theo Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Bởi có nhân duyên nên tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt.
“Lại có trường hợp tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.
“Lại có trường hợp tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt.
“Lại có trường hợp tâm và tham dục không cùng sanh cũng không cùng diệt.
“Thế nào là tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt?
“Thiện nam tử! Như có những kẻ phàm phu chưa trừ dứt tâm tham dục, dựa trên tâm tham dục mà tu tập. Đối với những kẻ ấy, tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Đối với tất cả chúng sanh chưa trừ dứt tâm tham thì tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Như chúng sanh ở Dục giới, tất cả đều có mức thiền sơ địa, dù có tu hay không tu cũng thường được thành tựu, khi gặp nhân duyên liền chứng đắc. Nói nhân duyên tức là nói đến lúc có hỏa tai. Tất cả phàm phu cũng vậy; dù có tu hoặc không tu, đều là tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Vì sao vậy? Vì chưa trừ dứt tham dục.
“Thế nào là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt? Hàng đệ tử Thanh văn do gặp nhân duyên mà sanh tham tâm dục. Vì sợ tâm tham dục nên tu phép quán xương trắng. Đó gọi là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.
“Lại có trường hợp [khác] tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt. Như hàng Thanh văn khi chưa chứng Bốn quả thánh, nếu gặp nhân duyên liền sanh tâm tham dục. Sau khi chứng Bốn quả thánh thì tâm tham dục diệt mất. Đó gọi là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.
“Khi Bồ Tát Ma-ha-tát chứng đắc Bất động địa thì [cũng là trường hợp] tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.
“Thế nào là tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt? Như Bồ Tát Ma-ha-tát đã trừ dứt tâm tham rồi, nhưng vì chúng sanh nên thị hiện có tham dục. Nhờ thị hiện như vậy giúp cho vô lượng vô biên chúng sanh [có thể đến] thưa hỏi và thọ nhận pháp lành, thành tựu trọn vẹn. Đó gọi là tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt.
“Thế nào là tâm và tham dục không cùng sanh, không cùng diệt? Đó là nói các vị A-la-hán, Duyên giác, chư Phật và chư Bồ Tát, trừ hàng Bồ Tát ở Bất động địa. Trường hợp của các vị này gọi là tâm và tham dục không cùng sanh, không cùng diệt. Vì nghĩa ấy, chư Phật, Bồ Tát không nói một cách nhất định rằng tánh của tâm vốn là tịnh hay vốn là bất tịnh.
“Thiện nam tử! Tâm này không hòa hợp với phiền não là tham, lại cũng không hòa hợp với sân, với si.
“Thiện nam tử! Ví như mặt trời, mặt trăng bị che khuất bởi khói bụi, mây mù và thân hình vị La-hầu. Do nhân duyên ấy, chúng sanh không thấy được mặt trời, mặt trăng. Tuy không thấy được, nhưng tánh của mặt trời, mặt trăng không hòa hợp với những thứ che khuất ấy. Tâm cũng như vậy, do nhân duyên mà sanh ra phiền não là tham dục. Tuy chúng sanh cho rằng tâm hợp với tham, nhưng tánh của tâm thật không hợp với tham. Nếu tâm tham tức là có tánh tham; nếu tâm không tham tức là có tánh không tham. Tâm không tham thì không thể tham; tâm phiền não tham thì không thể không tham.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên phiền não tham dục không thể làm ô nhiễm được tâm. Chư Phật, Bồ Tát phá trừ vĩnh viễn phiền não tham dục nên nói rằng tâm được giải thoát. Tất cả chúng sanh, do nhân duyên mà sanh ra phiền não tham dục; cũng do nhân duyên mà [dứt trừ phiền não tham dục,] tâm được giải thoát.
“Thiện nam tử! Ví như trên Tuyết sơn có chỗ cao vút hiểm trở, con người và loài khỉ đều không đến được. Lại có chỗ loài khỉ đến được nhưng con người không đến được. Lại cũng có chỗ con người và loài khỉ đều đi đến được.
“Thiện nam tử! Ở nơi con người và loài khỉ đều đến được, thợ săn thường lấy keo dính phết trên một tấm ván rồi dùng để bắt khỉ. Vì ngu si, khỉ đi đến lấy tay sờ, liền bị dính chặt tay vào đó. Vì muốn gỡ tay nên dùng chân đạp vào, liền bị dính cả chân. Vì muốn gỡ chân nên dùng miệng cắn vào, liền bị dính cả miệng. Như vậy, cả tay chân và miệng đều không thoát ra được. Khi ấy, thợ săn liền dùng gậy xỏ ngang qua, vác khỉ về nhà.
“Chỗ hiểm trở trên Tuyết sơn là ví như chỗ đạt được Chánh đạo của Phật, Bồ Tát. Con khỉ ví như kẻ phàm phu. Thợ săn ví như Ma Ba-tuần. Keo dính ví như phiền não tham dục.
“Chỗ con người và loài khỉ đều không đến được là ví như phàm phu và Ma vương Ba-tuần đều không đến được.
“Chỗ loài khỉ đến được, con người không đến được là ví như ngoại đạo có trí tuệ, các loại ác ma... tuy dùng năm dục cũng không thể trói buộc họ.
“Chỗ mà con người và loài khỉ đều đến được là ví như tất cả phàm phu và Ma Ba-tuần thường ở trong chốn sanh tử, không thể tu hành. Những kẻ phàm phu bị năm dục trói buộc, khiến Ma Ba-tuần dễ dàng bắt lấy mang đi, như thợ săn dùng keo dính mà bắt khỉ rồi mang về nhà.
“Thiện nam tử! Ví như một vị quốc vương sống ở nước mình, thân tâm đều được an vui. Nếu đến nước khác ắt phải chịu mọi sự khổ. Tất cả chúng sanh cũng vậy, nếu ở cảnh giới của họ, ắt được an vui; nếu đến cảnh giới khác ắt gặp ác ma, chịu các khổ não. Cảnh giới của họ là chỉ cho Bốn niệm xứ; cảnh giới khác là chỉ cho năm dục.
“Thế nào gọi là trói buộc với ma? Có những chúng sanh đối với vô thường lại thấy là thường, thường lại thấy là vô thường; đối với khổ lại thấy là vui, đối với vui lại thấy là khổ; đối với bất tịnh lại thấy là thanh tịnh, đối với thanh tịnh lại thấy là bất tịnh; đối với vô ngã thấy là ngã; đối với ngã thấy là vô ngã; không thật giải thoát lại sai lầm thấy là giải thoát; đối với chân thật giải thoát lại thấy là không giải thoát; chẳng phải giáo pháp lại thấy là giáo pháp; đối với giáo pháp lại thấy là chẳng phải giáo pháp. Những người như vậy gọi là trói buộc với ma. Trói buộc với ma thì tâm không được thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu thấy rằng các pháp thật có tướng nhất định, hoặc chung, hoặc riêng, nên biết rằng người ấy khi thấy sắc liền tạo ra tướng sắc; cho đến thấy thức cũng tạo ra tướng thức! Khi thấy kẻ nam người nữ liền tạo ra tướng nam, tướng nữ; khi thấy ngày, tháng, năm liền tạo ra các tướng ngày, tháng, năm; cho đến khi thấy các ấm, nhập, giới liền tạo ra các tướng ấm, nhập, giới. Cách thấy như vậy gọi là trói buộc với ma. Trói buộc với ma thì tâm không được thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu thấy bản ngã là sắc, hoặc trong sắc có bản ngã, hoặc trong bản ngã có sắc, hoặc sắc thuộc về bản ngã,... cho đến thấy bản ngã là thức, hoặc trong thức có bản ngã, hoặc trong bản ngã có thức, hoặc thức thuộc về bản ngã. Những kẻ thấy như vậy đều là trói buộc với ma, chẳng phải đệ tử Phật.
“Thiện nam tử! Có những đệ tử Thanh văn lìa xa Mười hai bộ kinh của Như Lai, tu tập mọi thứ sách vở của ngoại đạo, chẳng tu hạnh nghiệp tịch diệt xuất gia, làm toàn những việc tại gia thế tục.
“Sao gọi là việc tại gia [thế tục]? Thọ nhận và chứa trữ tất cả những vật không trong sạch như tôi tớ trai gái, ruộng vườn, nhà cửa, voi ngựa, xe cộ, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ, heo, dê, mọi thứ lúa nếp; lìa xa những bậc xuất gia, thân cận và nương dựa người thế tục, trái nghịch lời dạy của Phật. Họ nói với những kẻ thế tục rằng: ‘Phật cho phép tỳ-kheo thọ nhận và chứa trữ mọi thứ bất tịnh.’ Đó gọi là làm toàn những việc tại gia [thế tục].
“Có những đệ tử không vì [mục đích đạt đến] Niết-bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà gần gũi và nghe nhận Mười hai bộ kinh, sử dụng những chỗ ở, đồ dùng của chúng tăng và vật cúng dường của tín thí, y phục, thực phẩm... làm tài sản riêng của mình. Họ tham muốn nhà cửa kẻ khác, cho đến bợ đỡ thân cận kẻ quyền thế. Họ dùng bói toán xem việc lành dữ, suy đoán chuyện nên hư, mê chơi đủ các trò cờ bạc, ăn thua... Họ gần gũi các tỳ-kheo ni và những thiếu nữ chưa chồng, nuôi hai sa-di. Họ thường đến nhà những người đồ tể, thợ săn, quán rượu và chỗ ở của hạng chiên-đà-la. Họ thường làm mọi việc mua bán; tự tay làm món ăn; nhận đi sứ đến các nước láng giềng, thông báo tin tức, mệnh lệnh [cho người thế tục]... Nên biết rằng những kẻ như vậy là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử Phật.
“Do nhân duyên ấy nên tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Cho đến tâm và si cùng sanh, cùng diệt, cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên tánh của tâm chẳng phải trong sạch, cũng chẳng phải không trong sạch. Cho nên ta nói rằng [có] tâm được giải thoát.
“Nếu có người không thọ nhận, chứa trữ tất cả những vật bất tịnh, vì [mục đích đạt đến] Đại Niết-bàn mà thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, sao chép, giảng giải, nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của Phật, không đi đến cảnh giới của ác ma Ba-tuần. Đó là tu tập Ba mươi bảy phẩm đạo. Nhờ tu tập nên tâm và tham dục không cùng sanh, cùng diệt.
“Đó gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ tám.
"Also, next, O good man! How does the Bodhisattva-mahasattva practise the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and perfect the seventh virtue? The Bodhisattva-mahasattva, having practised the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana, thinks: "What is the proximate cause of Great Nirvana? The Bodhisattva knows that four things are the proximate cause of Great Nirvana." A person might say that the practice of all kinds of penance constitutes the proximate cause. But this is not so. Why not? There are no other than four by which one may arrive at Nirvana. What are the four?
"Firstly, one associates with a good teacher of the Way; secondly, one listens to Dharma exclusively; thirdly, one thinks exclusively [about Dharma]; fourthly, one practises the Way according to Dharma.
"O good man! As an example: there is a man who has various illnesses - fever, cold, vague weariness, loose bowels, ague, various kinds of evil poisoning - and he goes to a good doctor. The good doctor speaks of medicine in relation to the nature of the illness. The man faithfully follows the doctor's instructions, makes up the medicine as directed and takes it as instructed. On his having partaken of it, his illnesses retreat and he gains health and peace.
"This sick man is analogous to the Bodhisattva; the great doctor is comparable to the good teacher of the Way; the instructions can be compared to the vaipulya sutras; the faithful following of those instructions to meditating upon the vaipulya sutras; preparing the medicine as directed can be compared to practising the Way in accordance with the assisting directions constituted in the 37 Bodhyangas [factors of Enlightenment]; curing the illnesses can be compared to the extinction of defilements; and gaining peace and happiness can be compared to the gaining of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure of Nirvana.
"O good man! As an example: there is a king who wishes to govern his state in a lawful way and to enable the people to enjoy peace, and he asks his wise ministers how to do this. All the ministers tell of the laws that have obtained until now. The king listens, puts faith in what he has been told, acts faithfully, and governs according to law, and there is nobody who entertains any ill will [against him]. Thus the people enjoy peace and have no worries.
"O good man! The king is comparable to the Bodhisattva; all his wise ministers to the good teachers of the Way; what the wise ministers advise the king regarding the lawful governance of his state to the 12 types of sutra; the king’s listening and acting faithfully is comparable to the Bodhisattva’s meditating upon all the profound meanings of the 12 types of sutra; the lawful administration of the state is comparable to practising the law of all Bodhisattvas, namely the six so-called paramitas; saying that there now remains no enemy is comparable to the Bodhisattva’s segregating himself from the bonds of the evil robbers of all the defilements; and attaining peace is comparable to the Bodhisattva’s gaining the Eternal, Bliss, Self, and the Pure of Great Nirvana.
"O good man! As an example: there is here a man who contracts hateful leprosy. A good teacher of the Way says to him: "Go to Mount Sumeru and you will see your illness cured. Why? Because there is good, sweet, medicinal amrta [ambrosia] there. Once this has been taken, there is never an instance where a cure does not ensue." The man faithfully follows his words, goes to the mountain, takes the medicine, and obtains the cure for his illness, and there is peace. The case is thus.
"This hateful leprosy is comparable to the common mortal; the good teacher of the Way to all Bodhisattvas; the faithful following [of instructions] to the four immeasurable minds [i.e. of love, compassion, sympathetic joy, and equanimity]; Mount Sumeru to the Noble Eightfold Path; the amrta to the Buddha-Nature; the curing of the leprosy to the extinction of defilement; and the attaining of peace to the gaining of the Eternal, Bliss, Self and the Pure of Nirvana.
"O good man! As [another] example: there is a man who has many disciples and who is extremely erudite. He teaches untiringly day and night. It is the same with all Bodhisattvas. Whether all beings believe them or not, they go on teaching untiringly.
"O good man! We say "teacher of the Way". This is none other than the Buddha, the Bodhisattva, pratyekabuddha, sravaka, and those who believe in the vaipulya, etc. Why do we say "good teacher of the Way"? The good teacher of the Way teaches beings well and enables them to do away with the ten evil deeds and practise the ten good deeds. That is why we say " good teacher of the Way" .
"Also, next, the good teacher of the Way speaks of the Way just as it ought to be taught and himself acts as he ought to act.
"Why do we say that we speak as we ought to speak and act as we ought to act? We refrain from killing and teach others not to kill. And we have the right view and teach the right view to others. If matters stand thus, we say that such a person is a true, good teacher of the Way. A person practises the Way of Enlightenment and also teaches others the Way of Enlightenment. Thus we say "good teacher of the Way". We practise faith, morality, giving, listening, and Wisdom for our own sake, and also teach others faith, morality, giving, listening, and Wisdom. So, too, we say "good teacher of the Way".
"We say "good teacher of the Way" because there is Wonderful Dharma. What is Won-derful Dharma? One does not seek bliss for one’s own sake; one always seeks peace and bliss for others’ sake. On seeing a fault in others, one does not reproach them with their shortcomings, but always speaks what is purely good. So we say "good teacher of the Way".
"O good man! The moon that hangs in the heavens waxes from the first of the month up to the fifteenth. So do things obtain with the good teacher of the Way. One causes all those who study the Way to segregate themselves from evil and to grow in good deeds.
"O good man! If a person who approaches a good teacher of the Way does not have: 1) maintenance of sila [morality], 2) samadhi [deep meditation], 3) Wisdom, 4) liberation and 5) knowledge of liberation [i.e. “asamasama-panca-skandha”: the fivefold-body concept of the Buddha, which refers to Enlightenment itself], these will come about. If these are not [yet] perfect, they will grow. Why? Because of associating with a good teacher of the Way. Through such association, a person comes to the profound meaning of the 12 types of sutra. When a person comes to the profound meaning of the 12 types of sutra, we say that he has heard Dharma. To hear Dharma means none other than to hear the Mahayana vaipulya sutras. To hear the vaipulya is to hear Dharma. True hearing is none other than hearing the teaching of the Sutra of Great Nirvana. In the Great Nirvana, we see the Buddha-Nature, and we hear that the Tathagata does not ultimately enter Parinirvana. Hence, we say that we excusively hear Dharma. Exclusively hearing Dharma is none other than the Noble Eightfold Path. By means of the Noble Eightfold Path, we thoroughly do away with greed, hatred and delusion. Hence, hearing Dharma.
"Now, hearing Dharma relates to the 11 shunyatas. Due to these voids, we see no form in anything. Now, hearing Dharma begins with the first aspiration and proceeds up to the ultimate unsurpassed Bodhi Mind. By gaining the first aspiration, one gains Great Nirvana. Through hearing, one does not gain Great Nirvana; by practising, one attains Great Nirvana.
"O good man! As an illustration: a person suffering from illness might hear of a medicinal teaching or the name of a medicine, but cannot gain a cure for his illness. By partaking [of the medicine], he can make away with it. A person might well hear of the depths of meaning of the 12 links of interdependent origination, but he cannot make away with all the defilements. Segregation can only result when, with a careful mind, he meditates upon [such matters]. This is the third careful meditation.
"And again, why do we say " careful meditation" ? This is none other than the three samadhis of the Void, non-thought, and non-doing. We say "Void". This is seeing nothing that is real in the 25 existences. Non-doing means that one has no desire to possess the 25 existences. Non-form means that one sees no form in the ten characteristics, namely of: colour, sound, smell, taste, touch, birth, abiding, death, male, and female. The practice of the three samadhis is the Bodhisattva's careful meditation.
"What is the practising of the Way by Dharma? Practising by Dharma is to practise danaparamita or up to prajnaparamita. This is to know the true state of the five skandhas, the 18 [sensory] realms and the 12 [sensory] spheres, and sravakas and pratyekabuddhas walk one and the same way, and that this leads to Nirvana.
"“Dharma is the Eternal, Bliss, the Self and the Pure, non-birth, non-ageing, non-illness, non-death, non-hunger, non-thirst, non-suffering, non-worry, non-retrogressiveness, and non- drowningness.”
"O good man! One who knows the meaning of Great Nirvana realises the fact that all Buddhas do not ultimately enter Nirvana.
"O good man! The foremost and true teacher of the Way is the so-called Bodhisattva and the All-Buddha-World-Honoured One. Why? Because they are always well trained in three things. What are the three? The first is uttermost gentle words; the second is uttermost reproach; and the third is gentle words and reproaching. Due to these, the Bodhisattvas and Buddhas are the best good teachers of the Way.
"Also, next, the Bodhisattvas and all Buddhas are good doctors. Why? They know illnesses and medicines and prescribe medicine in accordance with the illness. For example, a good doctor is well versed in eight things. He first sees the nature of the illness, which is threefold. What are the three? They are: wind, heat, and water. To one who suffers from wind he gives butter; to one suffering from fever he gives sugar; to one suffering from water he gives a decoction of ginger. He knows the cause of the illness, gives medicine, and a cure ensues. So we say " good doctor" . It is the same with the Buddha and Bodhisattvas. They know that all beings possess the three kinds of illness, which are: greed, anger, and ignorance. One suffering from the illness of greed is taught to meditate on white bones; one suffering from anger is taught loving-kindness; one suffering from ignorance is made to meditate on the 12 links of interdependent origination. So we call all Buddhas and Bodhisattvas good teachers of the Way. O good man! For example, since a master mariner passes people across to the other shore, we call him a great master mariner. It is the same with all Buddhas and Bodhisattvas. They pass all beings across the great ocean of birth and death. So they are good teachers of the Way.
"Also, next, O good man! It is because beings are made to practise the cause of good by Buddhas and Bodhisattvas. O good man! Just as, for example, the Himalayas are the basic place where all kinds of wonderful medicine can be found, so is it the same with the Buddhas and Bodhisattvas. They are the place where goodness springs forth. So we say good teachers of the Way. O good man! In the Himalayas, we have a very fragrant medicine called " saha" . If one sees this, one can be blessed with immortality, and when one sees it, there will be no pain of illness. Even the four poisons cannot harm one. If one touches it, one’s life extends up to 120. If meditated upon, one can read one’s own past. Why? Because of its medicinal power. It is the same with all Buddhas and Bodhisattvas. If one sees them, one can make away with all the worries of defilement. The four Maras cannot wreak their havoc. [If this medicine is] touched, one cannot die an untimely death. It is birthlessness and deathlessness, retrogressionlessness and drowninglessness. To touch means to be with the Buddha and hear his sermons. [These having been] meditated on, one attains unsurpassed Enlightenment. Hence, we call Buddhas and Bodhisattvas the good teachers of the Way.
"O good man! In Gandhamadana there is a lake called Anavatapta. From this lake emerge four rivers, namely: the Ganges, Indus, Sita, and Vaksu. Worldly people always say: "Any sinful person will gain absolution if he bathes in these rivers." Know that all this is false and not true. Other than this, what can be true? All Buddhas and Bodhisattvas take this as true [i.e. bathing in the company of Buddhas and Bodhisattvas gives absolution]. Why? Befriending these, one can do away with all sins. So we say "good teachers of the Way".
"Also, further, O good man! As an illustration: all the medicinal trees, all the forests, cereals, sugar-cane, flowers and fruits of the great earth are about to perish on encountering a long drought, until the naga kings, Nanda and Upananda, pitying the people, come out of the great sea and bestow sweet rain. And all the forests and bushes, hundreds of cereals, grass and trees receive moisture and return to life. It is the same situation with all beings. When the root of good is about to die out, all Buddhas and Bodhisattvas enact loving-kindness and cause the rain of amrta [Immortality] to fall from the sea of Wisdom and enable all beings to be perfect again in the ten good deeds. Therefore, we call all Buddhas and Bodhisattvas the good teachers of the Way.
"O good man! A good doctor is well versed in the eight medicinal arts. When he sees a patient, he does not see his caste, rightness in attitude or ugliness, wealth or treasure. And he cures all. So we say " great doctor" . The same is the case with all Buddhas and Bodhisattvas. They see the illness of defilement of all beings, but not their caste, their good or bad outer garb, wealth or treasure. With a mind of loving-kindness, they speak of Dharma. Having heard this, beings do away with the illness of defilement. For this reason, alll Buddhas and Bodhisattvas are called the good teachers of the Way. Befriending [such] a good friend, one approaches Mahaparinirvana.
"How does the Bodhisattva approach Mahaparinirvana just by giving ear to Dharma? All beings, when they hear Dharma, gain the root of faith. When one gains the root of faith, one’s mind cares to look towards giving, morality, patience, effort, meditation, and Wisdom, by which one reaches the stages of srotapanna up to Buddhahood. Thus one should know that it is due to giving ear to Dharma that one arrives at Wonderful Dharma.
"O good man! As an example: a rich man has an only son. He sends this son abroad and sells what he has. He points out to him where the road is closed or open, and warns him to take care. He says: "Should you encounter a lusty woman, take care not to befriend her. If you come into close relations with her, you will lose your life and wealth. Also, take care not to befriend any bad persons." The son follows his father’s words. He is safe and obtains much wealth. The same is the case here. So do matters stand with the Bodhisattva-mahasattva, who expounds Dharma for beings’ sake. He points out to all beings and to the four classes of the Sangha where the road is passable and where it is closed. All these people, as they give ear to the teaching, are able to do away with all evil and be perfect in Wonderful Dharma. For this reason, one approaches Mahaparinirvana by giving ear to the teaching.
"O good man! For example, just as a clear mirror fully reflects one’s features, so does it obtain with giving ear to the teaching. If one looks into this, one clearly sees what is good and evil, and nothing is concealed. For that reason, giving ear to Dharma brings one near to Mahaparinirvana.
"O good man! There is, for example, a merchant who desires to reach a beach of treasures, but does not know the way. A man points the way out to him. Following his words faithfully, he reaches the beach of treasures and obtains innumerably diverse good things. It is the same with all beings. They wish to reach a good place and come upon treasures, but do not know where the way is blocked or open. The Bodhisattva shows them this. The beings follow the way indicated and reach the good place, and arrive at unsurpassed Nirvana. Hence, giving ear to Dharma enables one to draw near to Mahaparinirvana.
"O good man! For example, there is an intoxicated elephant, which is mad and behaves badly and means to harm people. But when the driver pricks its head with a great iron hook, it immediately becomes obedient, with its evil intention of harming totally gone. The same with all beings. Due to the intoxication of greed, anger and ignorance, they mean to do evil. But all Bodhisattvas suppress this with the hook of giving ear to Dharma, and they no more can raise the mind towards any evil. For this reason, we say that giving ear to Dharma enables one to draw close to Mahaparinirvana. That is why I say here and there in the sutras that as my disciples practise the 12 types of sutra exclusively, they make away with the five shadowings [“pancavaranani; perhaps the five “nivaranas ("obstructions", "hindrances", "coverings") are meant here, i.e. desire; anger; drowsiness and torpor; excitability and remorse; and doubt] and practise the seven factors of Enlightenment [i.e. mindulness; discriminative investigation of Dharma; vigour; joy; tranquillity in body and mind; samadhi; and equanimity]. By practising the seven factors of Enlightenment, one draws near to Mahaparinirvana. On hearing Dharma, a person of the stage of srotapanna segregates himself from fear. How so? The rich man, Sudatta, being seriously ill, greatly fears. He hears that Sariputra says that a srotapanna has four virtues and ten consolations. When he hears this, fear leaves him. Thus, giving ear to Dharma enables one to come near to Mahaparinirvana. How? Because one gains the Dharma-Eye.
"There are three types of person in the world. The first has no eyes; the second has one eye; and the third has two eyes. The person with no eyes does not always listen to Dharma. The person with one eye listens to Dharma for a time, but his mind is not settled. The person with two eyes listens with an exclusive mind and acts just as he has heard. Of hearing, we know that there are three such kinds. For this reason, giving ear to Dharma brings one close to Mahaparinirvana.
"O good man! I once was in Kusinagara, when Sariputra became sick and was suffering from an illness. At that time, I looked back to Ananda and had him speak extensively of Dharma. Then Sariputra, having heard this, said to his four disciples: " Put my bed on your shoulders and carry me to the Buddha. I desire to hear Dharma." Then the four disciples carried him to the Buddha, at which he was able to hear the sermon. Through the power of hearing [the sermon], pain left him and he gained peace. The case is such. For this reason, giving ear to Dharma makes one come near to Mahaparinirvana.
"How can the Bodhisattva approach Mahaparinirvana by thinking? Because he gains emancipation of mind by this thinking. How? All beings are always chained to the five desires. Through thinking, he attains emancipation. For this reason, we say that one approaches Mahaparinirvana through thinking.
"Also, next, O good man! All beings always have upside-down views as regards the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. By thinking, they can see that all dharmas are non-eternal, non-bliss, non-Self, and non-pure. Thinking thus, they segregate themselves from the four upside-downs [i.e. the four inversions]. For this reason, we say that by thinking one draws near to Mahaparinirvana.
"Also, next, O good man! There are four phases to all things. What are the four? The first is the phase of birth; the second the phase of ageing; the third the phase of illness; and the fourth the phase of extinction. These four cause all common mortals, up to srotapanna, great pain. Those who well think about [these matters] do not experience pain, even when they encounter these four. For this reason, we say that by thinking one approaches Mahaparinirvana.
"Also, next, O good man! There are no good dharmas that are gained by ways other than by thinking. Why not? Even though one might give ear with an undivided mind to Dharma over the course of innumerable, boundless asamkhyas of kalpas, there cannot be any attainment of unsurpassed Enlightenment unless one thinks. Thus, by thinking one approaches Mahaparinirvana.
"Also, next, O good man! If all beings believe in the fact that there is no change in the Buddha, Dharma and Sangha, and gain a respectful mind, know that all this thus comes about by reason of this mindfulness and thinking and that they thus make away with all defilements. Thus, thinking makes one come near to Mahaparinirvana.
"How does a Bodhisattva practise the Way as directed? O good man! He segregates himself from all evil and practises good. This is practising the Way in accordance with Dharma.
"Also, next, how does one practise the Way in accordance with Dharma? One sees that all dharmas are void and have nothing to possess, and that all dharmas are non-eternal, non-bliss, non-Self, and non-purity. Seeing things thus, one does not transgress, even if it means sacrificing one’s own body and life. This is how the Bodhisattva practises the Way in accordance with Dharma.
"Also, next, how does one practise the Way in accordance with Dharma? Of practising there are two kinds. One is true and the other non-true. In what is non-true, one does not know the phases [i.e. elements] of Nirvana, the Buddha-Nature, the Tathagata, Dharma, the priest, the real state, and the Void. This is what is non-true.
"What is the True? One knows well the phases of Nirvana, the Buddha-Nature, the Tathagata, Dharma, the priest, the Real State, and the Void. This is what is True.
"What is the phase [i.e. nature] of Nirvana? In the phase of Nirvana, there are in all eight phases [aspects]. What are the eight? These are: 1) Ending, 2) Good Nature, 3) the Real, 4) the True, 5) the Eternal, 6) Bliss, 7) the Self, and 8) the Pure. These are Nirvana."
"Also, there are eight things. What are the eight? They are: 1) liberation, 2) good nature, 3) the non-real, 4) the non-true, 5) the non-eternal, 6) non-bliss, 7) the non-Self”, and 8) non-purity.
"Also, there are six phases, namely: 1) liberation, 2) good nature, 3) the non-real, 4) the non-true, 5) peace, and 6) purity. There may be beings who segregate themselves from defilement by way of what obtains in the world. There may be eight things in Nirvana. Then the liberation is not real. Why not? Because of the non-eternal. When there is not the Eternal, there cannot be the Real. When there is not the Real, there is not the True. One might do away with defilement, but it will rise up again. Hence, the non-eternal, non-bliss, non-Self, and non-purity. These are the eight things of liberation of Nirvana.
"What are the six phases? Sravakas and pratyekabuddhas speak of liberation when they cut away defilement. Yet they do not attain unsurpassed Enlightenment. So we say the nonReal. Being not the Real, it is not the True. They will gain unsurpassed Enlightenment in days to come. Hence, non-eternal.
"On gaining the undefiled Noble Eightfold Path, we speak of pure Bliss. O good man! When this is known, there is Nirvana. We do not call this the Buddha-Nature, the Tathagata, Dharma, the priest, the Real State, or the Void.
"How does the Bodhisattva know the Buddha-Nature? There are six aspects to the Buddha-Nature. What are the six? They are: 1) the Eternal, 2) the Pure, 3) the Real, 4) the Good, 5) the Visible, and 6) the True.
"Also, there are seven things, namely: what is attestable, plus the other six stated above. This is called how the Bodhisattva comes to know of the Buddha-Nature.
“"How does the Bodhisattva know the form of the Tathagata? The Tathagata is a form of Awakening and of Good. He is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and is” “Liberation and the True. He is the pointing out of the Way and is visible.” This refers to what the Bodhisattva knows the form of the Tathagata to be.
"In what way does the Bodhisattva know about Dharma? By Dharma is meant [seeing] the Good or non-Good, the Eternal or non-Eternal, Bliss or non-Bliss, Self or non-Self, Pure or non-Pure, Knowing or not Knowing, Understanding or not Understanding, the True or the not-True, Practice or non-Practice, Teacher or non-Teacher, the Real or the non-Real. This is how the Bodhisattva knows the phase of Dharma.
"How does the Bodhisattva know the phase of a priest? The priest is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. This is the phase of a disciple. It is a form visible. It is the Good and True, and is not real. Why? Because all sravakas gain the Buddhist teaching. Why do we say True?
Because the person is awake to “Dharmata” [Dharma-Essence]. This is what we mean when we say that the Bodhisattva knows the form of the priest.
"How does the Bodhisattva know the Real State? These are: the Eternal or non-Eternal, Bliss or non-Bliss, Self or non-Self, Pure or non-Pure, Good or non-Good, "is" or "not-is", Nirvana or non-Nirvana, Liberation or non-Liberation, Knowing or not Knowing, [defilement] being cut off or not cut off, to attest or not to attest, to practise or not to practise, to see or not to see. These are the Real State. This is not Nirvana, the Buddha-Nature, the Tathagata, Dharma, the priest or the Void. This is the sense in which we speak of the Bodhisattva’s knowing, as he practises all such Great Nirvana, the different phases of Nirvana, the Buddha-Nature, the Tathagata, Dharma, the priest, the Real State, and the Void.
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the All-Wonderful Great Nirvana Sutra, but he does not see the Void. Why not? The Buddha and the Bodhisattvas have the five eyes. These are not what can be seen. Only with the Eye of Wisdom can one truly see. This is what the Eye of Wisdom can see. There is no thing to be seen. So we say "to see". If we term whatever is not as the Void, this Void is the real. As it is real, there is the eternal "not-is". Being "not-is", there is no Bliss, Self or Purity.
"O good man! The Void is called "no thing". "No thing" is the Void. For example, in the world, when nothing is there, we say " empty" . The same is the case with the nature of "space" [“akasha” - i.e. space, wherein a thing can exist and where there is nothing that obstructs existence]. As there is nothing to possess [here], we say "empty".
"O good man! Both the nature of all beings and that of space have no real nature. Why not? This is as when we say " empty" when we make away with what there is. The case is like this. Besides, this space is, truth to tell, not to do anything with. Why? Because there is nothing to exist. As it is not "is", we can know that there can be no saying "not-is". If the nature of space were something made, it would have to be non-eternal. If it were non-eternal, we would not call it space.
"O good man! The people of the world say: "Space has no colour, nothing that obstructs, and no change". The case is thus. That is why we say that the nature of space is the fifth great element. O good man! And this space has no nature [for us] to name. Being a light, it is called space. And there is no space. It is as with secular truth, which really does not have its own nature [for us] to name and which is only said so to exist for the sake of beings.
"O good man! The same is the case with the body of Nirvana. There is no place where it is. When all Buddhas do away with defilement, we call this Nirvana. Nirvana is at once the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. We say that Nirvana is Bliss. But it is no feeling of Bliss. This is the all-wonderful, unsurpassed silence and extinction. The All-Buddha-Tathagata has two kinds of Bliss. One is that of silence and extinction; the second is the "Bliss that is sensed by the sense-organs" . There are three Blisses in the body of the Real State, which are: 1) the feeling of Bliss, 2) the Bliss of silence and extinction, and 3) the Bliss of sensing. The Buddha-Nature is a single Bliss, as it is what is to be seen. When one gains unsurpassed Bodhi, we call this the Bliss of Bodhi."
Then Bodhisattva-mahasattva Highly-Virtuous King said to the Buddha: "O World- Honoured One! You say that when defilement is done away with, there is Nirvana. But this is not so. Why not? The Tathagata in days gone by, when you attained Bodhi, went to the River Nairanjana. Then King Mara, with his retinue, went to where the Buddha was and said: "O World-Honoured One! It is now time that you enter Nirvana. Why do you not enter it?" The Buddha said to King Mara: "I will not. Because I do not now see many learned disciples of mine upholding morality and wise enough to teach beings well." If when defilement is done away with there is Nirvana, all Bodhisattvas had all done away with defilements innumerable kalpas ago. How could it be that they had not attained Nirvana? There is the same segregation. Why should it only refer to all Buddhas alone and not to Bodhisattvas? If segregation of defilement is not Nirvana, why did the Tathagata, in days gone by, speak to the Brahmin, "Birth-Name", and say: "This present body of mine is Nirvana itself?" Also, the Tathagata was once in the state of Vaisali. Mara again beseeched you and said: "The Tathagata, in days gone by, did not enter Nirvana because the disciples could not teach beings well, not having much [in the way] of hearing, upholding the precepts, Wisdom, or sharpness of mind. Now they are perfect in all of these. Why do you not enter Nirvana?" The Tathagata then said to Mara: "You should have no fear that I am now too late. I shall, three months from now, enter Nirvana." If extinction is not Nirvana, why did you yourself state that you would enter Nirvana after three months? O World-Honoured One! If the segregation of defilement is Nirvana, there was Nirvana in the past when you severed yourself from defilement under the Bodhi-Tree. Why should you say that you will enter Parinirvana in three month’ times? O World-Honoured One! If it was the case that the Nirvana at the time was not Nirvana, how could you say to the Mallas at Kusinagara that you would enter Parinirvana in the final part of today [i.e. about 4 a.m., or the early part of the dawn]? How could you, who are Truth itself, say such a thing?"
Then the World-Honoured One said to the All-Shining Bodhisattva Highly-Virtuous King: " O good man! If you mean to say that the Tathagata talks overmuch, know that he did away with speaking falsehoods innumerable kalpas past. No Buddhas or Bodhisattvas speak any falsehood, only the truth. O good man! The Papiyas [i.e. Mara, the Devil] you refer to is none other than the one who once beseeched me to enter Nirvana. O good man! And this Mara does not know what Nirvana truly is. Why not? The Papiyas thinks that when I am silent and do not teach, this is Nirvana. O good man! The people of the world think that when one does not speak and does not do anything, one is like death itself. The same is the case with King Marapapiyas. What he says refers to the fact that the Tathagata sits and does not talk to people of Dharma. And he says that the Tathagata has entered Parinirvana.
"O good man! The Tathagata does not say that there is no difference between the Buddha, Dharma, and the priest. What he says is only that there is no difference between the Eternal and the Pure. O good man! The Buddha does not say, either, that the characteristics of the Buddha, the Buddha-Nature, and Nirvana are not different. What he says is that all are Eternal and Unchanging, with no difference. The Buddha does not say, either, that the characteristics of Nirvana and the Real State are not different. What he says is that the Eternal, the "is", the Real, and the Changeless are not different.
"O good man! Then all my disciples call forth disputations. The situation was as with the bhiksus of Kausambi. Acting contrary to what I taught, they violate the prohibitions; they accept imure things as alms and greedily seek profit, and to all white-clad people [i.e. the laity] they praise their own self and say: " I have now gained the undefiled state, the fruition of the srotapanna or arhatship, and so on." They speak ill of other persons, do not respect the Buddha, Dharma and Sangha and the vinaya teachers, and openly say before me: "Such things the Buddha has permitted us to keep, and such and such things the Buddha does not allow us to possess." And going against me, they say: "The Buddha permits all such things." Such evil persons do not believe in my words. For this reason, I say to Marapapiyas: "Have no fear that I am slow. I shall enter Nirvana in three months’ time." O good man! Relying on such evil bhiksus, all the sravaka disciples who are still on the way to learning do not see me and do not listen to my words, and they say that the Tathagata now enters Nirvana. Only all the Bodhisattvas well see me and give ear to what I speak of Dharma. So I do not say that I enter Nirvana. Sravaka disciples may say that the Tathagata now enters Nirvana, but, truth to tell, I do not enter Nirvana. O good man! If all of my sravaka disciples say that the Tathagata enters Nirvana, know that such are no disciples of mine. They belong to Mara’s clan, the evil people who abide in twisted views and who do not hold the right view of life. If they say that the Tathagata does not enter Nirvana, they are my disciples. They are not comrades of Mara, but men of right view and not evil. O good man! It is not the case that I have ever said that the Tathgata does not teach, but sits silently, and that this is Parinirvana. O good man! For example, there is a rich man who has many sons. He leaves them and goes to other countries and has not yet come home when his sons may say that their father is long since dead. But this rich man is not yet dead. All his sons are upside down [in their view] and think of death. It is the same with my sravaka disciples. Not seeing me, they think: "The Tathagata, at Kusinagara, between the twin sal trees, enters Parinirvana." But, truth to tell, I do not enter Nirvana. The sravaka disciples think in terms of Nirvana.
"O good man! For example, there is a bright lamp. A person puts a cover over it. Other people will think that the lamp has already gone out. Not knowing, they think that the lamp is extinguished. It is the same with my sravaka disciples. They have the Eye of Wisdom and yet are overspread by defilement; their mind is upside-down and cannot see the True Body. And they loosely entertain the idea that I have gone. Yet I am not yet ultimately gone. O good man! A person born blind cannot see the sun and the moon. Not able to see, he does not know that there is night and day. Not knowing this, he says that there truly are no sun and moon. Actually there are the sun and the moon. But the blind man cannot see them. Not seeing them, he gains an upside-down mind and says that there are no sun and moon. It is the same with my sravaka disciples. As with the man born blind, not seeing the Tathagata, they say that the Tathagata has entered Nirvana. The Tathagata, in truth, has not yet entered Nirvana. Due to their upside-down minds, they gain such a thought.
"O good man! For example, when cloud and mist come in the way, the ignorant say that there are no sun and moon. In truth, there are the sun and moon. Because they are obstructed, beings cannot see. It is the same with the sravaka disciples, too. With all the defilements overspreading the Eye of Wisdom, they cannot see the Tathagata, and say the Tathagata has entered Nirvana. O good man! This only derives from the fact that the Tathagata merely " acts like a child" . It is not entering into extinction. O good man! When the sun has set in the west in Jambudvipa, beings cannot see it. Because the Black Mountain obstructs their sight. But the nature of the sun has nothing of hiding within it. As beings cannot see, they think there is sundown. It is the same with my sravaka disciples. Obstructed by all the mountains of defilement, they cannot see me. Not seeing me, they think that the Tathagata has truly entered Nirvana. “But truly, there is no extinction with me eternally.” That is why at Vaisali I said to Papiyas: "In three months, I shall enter Nirvana."
"O good man! I long before foresaw” “that the virtues of good amassed by Kasyapa would ripen and bear fruit in three months' time and that, after the ending of the sitting of the varsika, Subhadra of Gandhamadana [i.e. a learned Brahmin who was the last person to enter” “the Buddhist Sangha] would come to my place. That is why I said to Marapapiyas: "In three months’ time I shall enter Nirvana." O good man! There are 500 wrestlers. In three months’ time they are to aspire to unsurpassed Bodhi. That was why I said to Papiyas: "In three months’ time, I shall enter Parinirvana." O good man! As the virtues amassed by Cunda and the 500 Licchavis and Amrapali were to ripen and they were to asire to unsurpassed Bodhi, I said to Papiyas: "In three months’ time I shall enter Nirvana."
"O good man! Sunaksatra befriended the tirthikas and Nirgranthaputra. I spoke of Dharma for 12 long years. But the man’s mind was twisted, and he would not believe and accept what I said. I foresaw that the root of this man’s distorted vision would unfailingly get uprooted. So I said to Papiyas: "In three months’ time, I shall enter Parinirvana."
"O good man! Why did I once, in the past, on the bank of the river Nairanjana, say to Marapapiyas: "I do not yet possess any erudite disciples. So I cannot enter Nirvana?" I said this because I wanted to turn the Wheel of Dharma for the five bhiksus at Varanasi [i.e. the five bhiksus sent by the Buddha’s father to look after his son]. Next, too, this was for the sake of the other five bhiksus, namely: Yasas, Purna-Maitrayaniputra, Vimala, Gavampati, and Subahu.
"Also, this was for the rich man, Ugra, and his 50 people. Also, it was for the sake of Bimbisara, King of Magadha, and innumerable others and those of heaven. Also, it was for the sake of Uruvilva-Kasyapa and his 500 disciple bhiksus. Also, this was for the sake of the two brothers, Nadi-Kasyapa and Gaya-Kasyapa, and their 500 disciple bhiksus. Also, this was for the sake of Sariputra and Maudgalyayana and their 250 bhiksus. That was why I said to Papiyas, the King of Maras, that I would not enter Parinirvana.
"O good man! We speak of "Nirvana". But this is not "Great” “Nirvana". Why is it "Nirvana", but not "Great Nirvana"? This is so when one cuts away defilement without seeing the Buddha-Nature. That is why we say Nirvana, but not Great Nirvana. When one does not see the Buddha-Nature, what there is is the non-Eternal and the non-Self. All that there is is but Bliss and Purity. Because of this, we cannot have Mahaparinirvana, although defilement has been done away with. When one sees well the Buddha-Nature and cuts away defilement, we then have Mahaparinirvana. Seeing the Buddha-Nature, we have the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. Because of this, we can have Mahaparinirvana, as we cut away defilement."
"O good man! "Nir" means "not"; "va" means "to extinguish". Nirvana means "non-extinction". Also, "va" means "to cover". Nirvana also means "not covered". "Not covered" is Nirvana. " Va" means " to go and come" . " Not to go and come" is Nirvana. " Va" means " to take". "Not to take" is Nirvana." "Va" means "not fixed". When there is no unfixedness, there is Nirvana. "Va" means "new and old". What is not new and old is Nirvana.
"O good man! The disciples of Uluka [i.e. the founder of the Vaisesika school of philosophy] and Kapila [founder of the Samkhya school of philosophy] say: "Va means charactersitic". "Characteristiclessness" is Nirvana.”
"O good man! Va means " is" . What is not " is" is Nirvana. Va means harmony. What has nothing to be harmonised is Nirvana. Va means suffering. What has no suffering is Nirvana.
"O good man! What has cut away defilement is no Nirvana. What calls forth no defilement is Nirvana. O good man! The All-Buddha-Tathagata calls forth no defilement. This is Nirvana.
"The Wisdom that there is is not barred at Dharma [i.e. not obstructed before Dharma]. This is so with the Tathagata. The Tathagata is no common mortal, no sravaka, no pratyek- abuddha, and no Bodhisattva. This is the Buddha-Nature.
"The Wisdom of the Tathagata’s Body and Mind fills innumerable, boundless asamkhyas of lands, with nothing to obstruct it. This is space. "The Tathagata is Eternal and does not change. This is the Real State." Because of this, the Tathagata does not ultimately enter Nirvana.” “This is what we call the Bodhisattva’s practice of the Way of the All-Wonderful Great Nirvana Sutra and perfecting the seventh virtue.
"O good man! How does the Bodhisattva practise the Way of the All-Wonderful Great Nirvana Sutra and perfect the eighth virtue?
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises Great Nirvana and extirpates five things, and segregates himself from five things, accomplishes six things, practises five things, and protects one thing, befriends four things, puts faith in one truth, and his mind emancipates itself, and thoroughly emancipates Wisdom itself.
"O good man! How does the Bodhisattva extirpate five things? These five are so-called: 1) matter [“rupa”], 2) feeling [“vedana”], 3) perception [“samjna”], 4) volition [“samskara”], and 5) consciousness [“vijnana”] - the five skandhas? Why do we say skandha? It truly causes beings to repeat birth and death, and they cannot cut off the heavy burden. There is dispersal and gathering-together, bound up for the Three Times. Try as one might, one cannot gain the true meaning. Because of all these meanings, we say skandha.
"The Bodhisattva-mahasattva sees the " matter-skandha" , but he does not see its form. Why not? Though we may seek to gain it in ten forms of matter, we cannot arrive at its nature. We intend to explain it for the sake of the world and we say " skandha" .
"Of "feeling", there are 108 kinds. We look into the skandha of feeling. But there is no form to feeling. Why not? Though 108, there is no fixed, real form. Hence, the Bodhisattva does not see the skandha of feeling. The same applies to the skandhas of perception, volition, and consciousness.
"The Bodhisattva-mahasattva sees profoundly in the five skandhas the well-spring of all the ills of defilement. So he puts into effect the means whereby to cut them off.
"How does the Bodhisattva segregate himself from five things? These are the five twisted views [“panca-drstayah”: the five heretical views]. What are the five? They are: 1) the twisted view regarding man’s carnal existence [“satkaya-drsti”: the heretical view that there is an unchanging entity in the carnal self which can be called an eternal self and regarded as one’s own], 2) the one-sided view of "is" or "not-is" [“antagraha-drsti”: the one-sided or heretical view of "is" or "not-is" regarding phenomenal existence, or the "is" or "not-is" view regarding the wrongly accepted notion of Self], 3) the evil view that denies causality [“mithya-drsti”: the evil view that denies the law of causality in regard to what exists], 4) the twisted view of cleaving to one-sided personal opinions [“silavrata-paramarsa”: the heretical view of life which denies the moral precepts and prohibitions and regards what is wrong as true and right], 5) addiction to twisted views and regarding these as correct [“drstiparamarsa”: the heretical world-view in which one cleaves to the satkaya-drsti, the antagraha-drsti, and the mithya-drsti and regards these as true]. From these five twisted views spring the 62 evil views of life. Due to these, there is no ceasing of birth and death. Therefore, the Bodhisattva guards himself so that these do not come near [to him].
"How does the Bodhisattva accomplish six things? These six things refer to six thinkings. What are the six? They are: 1) thinking of the Buddha, 2) thinking of Dharma, 3) thinking of the Sangha, 4) thinking of heaven, 5) thinking of giving, and 6) thinking of the moral precepts. These are the six things which the Bodhisattva accomplishes.
"How does the Bodhisattva practise five things? These are the five samadhis, namely: 1) samadhi of knowledge, 2) samadhi of silence, 3) samadhis of the pleasantness of body and mind, 4) samadhi of non-bliss, and 5) surangama samadhi. If one practises these five samadhis, one draws near to Mahaparinirvana. Hence, the Bodhisattva practises with a full mind.
“"In what sense does the Bodhisattva guard one thing? This is Bodhichitta “[i.e. the mind of Enlightenment - the resolve to gain Bodhi]. The Bodhisattva-mahasattva always guards this Bodhichitta just as people of the world do their only son. Also, it is as with a one-eyed man who protects the other eye that still remains [to him]. It is as when people protect the man who is guiding them through the wilderness. It is the same with the Bodhisattva, who guards his Bodhichitta. “Thus guarding Bodhichitta, he reaches unsurpassed Enlightenment. When unsurpassed Enlightenment has been gained, perfect are the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. This is unsurpassed Mahaparinirvana. Thus the Bodhisattva guards the one Dharma.”
"How does the Bodhisattva draw near to four things? These are the four limitless minds [“catvari-apramanani”]. What are the four? They are: 1) Great Loving-Kindness, 2) Great Compassion, 3) Great Sympathetic Joy, and 4) Great Equanimity. By means of these four minds, he calls forth Bodhichitta in the minds of innumerable, boundless numbers of beings. For this reason, the Bodhisattva, with full mind, tries to draw near to this.”
"How is the Bodhisattva one-mindedly obedient? The Bodhisattva knows that all beings turn back to the one Way. The one Way is Mahayana. All Buddhas and Bodhisattvas, for beings’ sake,” “break this up into three. For this reason, the Bodhisattva follows obediently and does not transgress.
"How does the Bodhisattva thoroughly emancipate his mind? He eternally does away with the mental states of greed, anger, and ignorance. This is how the Bodhisattva emancipates his mind.
"How does the Bodhisattva thoroughly emancipate himself in his knowledge? The Bodhisattva-mahasattva knows all things and is unhindered. This is how the Bodhisattva emancipates himself in knowledge. Through emancipation in knowledge, he now knows what he once did not know."
Then the All-Shining Bodhisattva-mahasattva Highly-Virtuous King said: "O World- Honoured One! What you the Buddha say regarding emancipation of the mind does not hold good. Why not? The mind originally has nothing that can be bound up. Why not? Originally, the mind is not bound by any such defilements as greed, anger, and ignorance. If there is originally nothing that binds one, how can we say that the mind now gains emancipation? O World-Honoured One! If the mind originally has nothing that can be bound by greed, how can there be any binding? A person might well try to get milk from the horns of a cow, but no milk will come out, try as he might, since there is no [appropriate] nature there for the milk to come out. No milk can come about, however one might try to get the milk. One who milks does not do thus. With little effort, he gains a lot of milk. The same with the mind. If there was originally no greed, how can any greed come about? If there was originally no greed and later there is a bit of greed, we might infer that all Buddhas and Bodhisattvas who originally possessed no greed might now all have it.
"O World-Honoured One! A barren woman, for example, has no capacity for bearing a child. With whatever art and effort, she cannot bear a child. It is the same with the mind. Originally it does not have the nature of greed. In no circumstances whatever can greed then come about.
"O World-Honoured One! Rub wet wood as we may, we will not get any fire. The same is the case with the mind. Try as we may, we will not get any greed. How can the bond of greed fetter the mind?
"O World-Honoured One! However much we might press sand, we cannot gain any oil. It is the same with the mind. We may well press it, but no greed will come out. Know that greed and mind are of different stuff. Though there is greed, how can it defile the mind? O World-Honoured One! For example, a person might try to hang a spike in the air. It can never remain there. It is the same with trying to have greed peacefully chain the mind. No number of however artful efforts can possibly have greed chain the mind.
"O World-Honoured One! How can one emancipate the mind when there is no greed in it? Why do not all the Buddhas and Bodhisattvas extract a prickle from the sky?
"O World-Honoured One! We do not call the mind of the past "emancipated". There is no emancipation of the mind of the future. And the mind of the present, too, does go along with the way. What mind of what world can we call "emancipation"? O World-Honoured One! This is just as the light of the past cannot make away with the gloom. The light of the future cannot make away with the gloom, either. The light of the present also does not make away with the gloom. Why not? Because light and gloom cannot go in parallel. It is the same with the mind. How can we say that the mind gains emancipation?
"O World-Honoured One! It is the same with greed [i.e. lust, desire]. If one does not possess greed, one cannot have greed when one sees a woman. If it comes about by the form of the woman, know that this greed truly is an " is" . Due to greed, one falls into the three unfortunate realms.
"O World-Honoured One! For example, one sees a woman in a picture and gains the feeling of desire. From gaining desire, various sins result. If originally there is no desire, how can one gain desire by seeing the picture of a woman? If there is no greed in the mind, how can you the Tathagata say that the Bodhisattva gains emancipation of mind? If there is desire in the mind, how comes it that it comes about after having seen [the picture], and that a person who has not seen it does not gain it? I now actually see. An evil return ensues. This shows that I have desire. It is the same with anger and ignorance.
"O World-Honoured One! For example, beings possess a body and not the self. And yet common mortals unreasonably gain the thought of a self. One can have the thought of a self
and yet one does not fall into the three unfortunate realms. How can it be that a person with greed [i.e. desire] does not see a womanly form and gains the thought of a woman, and falls into the three unfortunate realms? O World-Honoured One! For example, one rubs wood and obtains fire. And the nature of this fire has no place in any thing. How does it come about? O World-Honoured One! It is the same with greed. In "matter" there is no greed; in smell, taste, touch, and law [dharma ], too, we do not have any greed. And yet, how comes it that a person gains greed in smell, taste, touch, and law? If it is the case that there is no element of greed anywhere, why do only beings acquire greed and the Buddhas and Bodhisattvas do not? O World-Honoured One! The mind, too, is not fixed. If the mind were fixed, there could be no greed, anger, and ignorance. If it is not fixed, how can the mind gain emancipation? Greed, too, is not fixed. If it is not, how can one, through it, fall into the three unfortunate realms? The two things of the person with greed and the world in which he dwells are both not fixed. Why not? Each calls forth one thing and acquires greed, anger, or ignorance. This tells us that the person who has greed and the world he is in are both not fixed. If both are not fixed, why does the Tathagata say: "The Bodhisattva practises the Way of Great Nirvana and gains emancipation of mind?"
Then, the Buddha said to the All-Shining Bodhisattva-mahasattva Highly-Virtuous King: " Well said, well said! The mind does not get bound by the defilement of greed, and also, it is not the case that it does not get bound. This is no emancipation, and it is not that there is no emancipation. It is not "is", and it is not "is-not". It is not the present, nor the past, nor the future. Why not? Because all things have no self of their own.
"O good man! All tirthikas say: " When the causal concatenations harmonise, there are instances in which fruits result. When things have no nature of their own, and when they well come about without any nature of so coming about, there would have to be a result arising even from the birthlessness of space. Because the nature of birthlessness is no cause. This tells us that in all things there is the original nature of fruition [i.e. the engendering of results]. Thus do things foregather, and the result comes about. Why? When Devadatta desires to build a bulwark, he takes mud, and not paint. When he desires to draw a picture, he collects paints, and not grass or plants. When making clothes, one uses thread, and not mud and wood. This is as when one builds a house and uses mud, not thread. In accordance with what a man takes, the result will follow. As the result comes about, we can know that in the cause there is unfailingly the [relevant] nature. If there is not any nature to be named [here], one thing could well call forth all things. If one can take up, make, and put out [something], know that there must be the result prior to the coming about. If there is no result, a person will not take up, make, or put [anything] out. The only thing where there is no taking and making is space. Because of this, all things can come about. As there is the cause, the seed of the nyagrodha can live in the nyagrodha tree. So does milk possess sarpirmanda [ghee], thread cloth, and mud a pot."
"O good man! All common mortals are blinded by ignorance. They say definitely: "In paint there definitely is the quality of sticking, and in the mind the nature of greed." Also, we say: " The mind of the common mortal has the nature of greed, which is the nature to be emancipated. If one encounters the causal relations of greed, the mind gains greed. When it encounters emancipation, the mind gets emancipated." Although this is said, it is not so. There are many people who say: Every cause cannot contain a result. There are two kinds of cause. One is minute and the other coarse. What is minute is eternal, and what is coarse is non-eternal. The minute cause shifts onto what is coarse, and from the coarse there later comes about the result. As what is coarse is non-eternal, the result, too, is non-eternal.
"O good man! There are beings who say: " The mind has no cause; greed also has no cause. The greedy mind comes about by season." All such people do not know that all sits in the mind, and they transmigrate through the six realms, repeating birth and death.
"O good man! For example, we put a collar on a dog and chain it to a pillar, and it goes round the pillar the whole day and cannot get away. It is the same with all beings. They wear
the fetter of ignorance, are chained to the pillar of birth and death, and repeat lives through the 25 existences, and cannot get away.
"O good man! For example, there is a man who falls into the toilet and gets out, and falls in again. A person is cured of an illness and then contracts the cause of the illness again. A traveller, on his way, comes across a wilderness. After having passed through it, he turns back into it again. A person washes his body and then puts mud on it again. That is how things go with all beings. A person is already out of the stage of the non-possession “bhumi” [i.e. the eighth of the nine stages of mental training, in which one no longer has any sense of possession], and is not yet quite out of the stage of the thoughtlessness-non-thoughtlessness “bhumi” [i.e. the final of the nine stages of mental practice]. And he comes back to the three unfortunate realms again. Why? All beings think only of the result and not of the causation. It is as with a dog who goes after a piece of mud, and not after the man himself. It is the same with the common mortal. He only thinks of the result and not of the causal relations. Not thinking of this, he draws back from the stage of the “bhumi” of thoughtlessness-non-thoughtlessness and falls into the three unfortunate realms.
"O good man! All Buddhas and Bodhisattvas do not definitely say that the cause embo-soms the result, no result rests in the cause, or "is" has no result, or that "is-not" is resultless. If we say that there definitely is a result in a cause, or that there definitely is no result in a cause, or that there definitely is no result in "is", or that "is-not" is definitely resultless, know that we belong to the clan of the Maras. We belong to the class of Mara. We are those belonging to "craving" [“trsna”]. Such a person of craving cannot eternally do away with the bond of birth and death. Such a person does not know what obtains regarding the mind and greed.
"O good man! All Buddhas and Bodhisattvas show us the Middle Path. Why? Things can be "is-not" or "not-is-not". But nothing can ever be definite. Why not? Because consciousness comes about through the eye, colour, brightness, mind, and thinking. Now, this consciousness is never definitely in the eye, in colour, brightness, mind, or thinking. Also, it is not in between; it is not in "is", nor is it in "is-not". As it comes about through causal relations, we say "is". As it has no nature of its own, we say "is-not". That is why the Tathagata expounds and says: "All things are not "is" and not "is-not".
"O good man! All Buddhas and Bodhisattvas do not say definitely that there is the nature of purity or the nature of non-purity in the mind. Because there is no definite place where the mind that is pure or the mind that is not pure exists. Through causal relations there comes about greed. So we say "not-is-not". As there is originally no nature of greed, we say "is-not".
"O good man! Through causal relations, the mind acquires greed; through causal relations, the mind can liberate itself."
Chapter Thirty-Two: Bodhisattva Highly-Virtuous King (f)
"O good man! When there is the causal relation [of greed], the mind of greed [i.e. the mental state of greed/desire] comes about; it so exists, and dies with greed. There is the case where the mind comes about with greed, it so exists, and does not die with greed. There is the case where it does not come about with greed, it exists with greed, and it so dies. There is the case where it does not come about with greed, it does not exist with greed, and it so dies.
"How does the mind come about together with greed, exist with greed, and so die? O good man! If the common mortal does not cut off the mind of greed and practises the mind of greed, such a person is one whose mind comes about together with greed. All beings do not cut off the mind of greed. It comes about with greed, and it dies out with greed. To all beings of the world of desire there is spread a table of the first stage of dhyana. Practised or not practised, all is ready for accomplishment. Only through causal relations does this come out to one. The causal relation is none but the fire. So do things obtain with all common mortals. Whether practised or not practised, the mind comes about along with greed, and it dies along with greed. Why? Because the root of greed has not been extirpated.
"How does the mind come about along with greed and not die along with greed? The sravaka disciple gains greed through causal relations. As he is afraid, he meditates on white bones. This is why we say that the mind comes about along with greed and that it does not die along with greed. Also, there is the situation where the mind comes about along with greed and does not die along with greed. There is a sravaka who is not yet accomplished in the four fruitions [of Hinayana practice]. Through causal relations, he gains a mind of greed, but gaining the four fruitions, the mind of greed dies. Thus do things go. This is where we say that the mind comes about along with greed and does not die along with greed.
"When the Bodhisattva-mahasattva gains the immovable stage [i.e. the eighth of the 10 Bodhisattva stages of development], the mind comes about along with greed and does not die along with greed.
"In what way do we say that the mind does not come about along with greed and that it dies together with greed? When the Bodhisattva-mahasattva extirpates the mind of greed, but displays, for the sake of beings, that he yet has greed. As this is for the sake of display, innumerable, boundless numbers of beings gain, perfect and accomplish good things. This is where we say that the mind does not come about along with greed, but dies along with greed.
"How do we say that the mind does not come about along with greed and that it does not die along with greed? This refers to Bodhisattvas other than the arhat, pratyekabuddha, all Buddhas, and those of the immovable stage. This is where we say that the mind does not come about along with greed and that it does not die along with greed. For this reason, we do not say that all Buddhas and Bodhisattvas are by nature pure in mind, and we do not say that they are by nature not pure. O good man! This mind does not melt into that of greed; also it does not melt into that of anger and ignorance.
"O good man! For example, the sun and moon become obscured from sight by smoke, dust, cloud, mist, and the Asura [i.e. a Titan who, when fighting the sun and moon, obstructs their light by spreading out his hands]. Because of these things, no being can see [the sun and moon]. Though not seen, the nature of the sun and moon does not, after all, melt into one with the five overshadowings [“panca-avaranani”]. It is the same with the mind. Through causal relations, the bond of greed comes about. Beings say that the mind melts into one with greed, but the nature of the mind truly does not melt into one. If the greedy mind were the nature of greed, and if non-greed were the nature of non-greed, we could not make the mind of greed greed, and the mind of greed could not become that of non-greed. O good man! For this reason, the bond of greed cannot defile the mind. All Buddhas have eternally done away with the mind of greed. On that account, we say that one gains liberation of mind. This is said because all beings gain the bond of greed through causal relations, and through causal relations they attain liberation. O good man! For example, this is as with a precipice in the Himalayas. A man cannot go along it with a monkey. There might be a place where the monkey can go on his own, but not the man. Or there might be a place where both man and monkey can go. O good man! Where both man and monkey can go, a hunter places a table, on which he deposits birdlime and catches the monkey. As the monkey lacks intellect, he touches the lime with his hands. Through touching it, his hands get stuck. To free his hands, he touches the lime with his feet. His feet get stuck. To get his feet free, he bites [at the birdlime] with his mouth. His mouth further gets stuck. Thus, the five parts [of the monkey] are unable to get free. Then the hunter pases a staff through the monkey [i.e. kills the monkey] and returns home.
"The steep precipice in the Himalayas is the Right Path, along which the Buddha and Bodhisattvas walk; the monkey is comparable to all common mortals; the hunter is Marapapiyas; the birdlime is the bond of greed. Man and monkey being unable to walk together is analogous to all common mortals being unable to walk together with Marapapiyas. We say that the monkey can go and that man cannot: this is comparable to the fact that even the tirthikas who have intelligence and all devils cannot draw one to the bait even with the five desires. We say that man and monkey go well together: this means that all common mortals and Marapapiyas are always lost in birth and death and cannot properly practise the Way. Common mortals are bound up by the five desires, so that Marapapiyas can easily catch them and carry them away. This is like the hunter who catches the monkey with birdlime and takes him back home.
"O good man! If the king remains in his own country, his body and mind will be at ease; if abroad, he will have to suffer from many things. So do matters stand with all beings. If one lives in one’s own domain, one is in peace. But out of one’s own domain, one comes across devils and has to suffer from all manner of worries. One’s own domain refers to the four thinkings, and the place of others to the five desires.
"How do we say that one belongs to Mara? All beings see the non-eternal as the Eternal, the Eternal as the non-Eternal, Suffering as non-Suffering, Bliss as Suffering, the Impure as the Pure, the Pure as the Impure, the non-Self as the Self, the Self as non-Self, what is not true Emancipation carelessly as Emancipation, true Emancipation as non-Emancipation, non-Vehicle as Vehicle, and Vehicle as non-Vehicle. Such people belong to the class of the Maras. One who belongs to Mara does not have a pure mind.
"Also, next, O good man! If a person truly sees all things as "is" and general and individual forms as fixed, know that this person will - when he sees any concrete thing - see as though looking at a concrete thing. This will apply down to consciousness. When he encounters consciousness, he will entertain the thought of having had a consciousness [of something]. Seeing a man, he will see the form of a man; seeing a woman, the form of a woman; seeing the sun, the form of the sun; seeing the moon, the form of the moon; seeing the form of age, the form of age; seeing a skandha, the form of a skandha; seeing a sense-sphere, the form of a sense-sphere; seeing a sense-realm, the form of a sense-realm. Any such person is the kindred of Mara. One who is the kindred of Mara does not possess a pure mind.
"Also, next, O good man! A person might come to think that the Self is matter [“rupa”], that the Self exists in matter; that there is matter in the Self, that matter belongs to the Self. Or he may view the Self as consciousness, or think that the Self exists in consciousness, that consciousness exists in the Self, that consciousness belongs to the Self. Any such person who views things thus belongs to Mara; any person who see things thus is not my disciple.
"O good man! My sravaka disciples part from the 12 types of sutra of the Tathagata and learn and practise the various kinds of books of the tirthikas; not studying the works of renunciation and silent extinction of a priest, they exclusively perform what secular people do. What are the works of the secular world? What are the impurities? They receive and keep all such things as male and female menial servants, fields and houses, elephants, horses, vehicles, donkeys, mules, fowls, dogs, pigs, sheep, and all kinds of cereals, from barley to wheat. They part from their teachers and priests, and associate with the laity. Acting contrary to the holy teaching, they address white-clad [i.e. lay] people and say: "The Buddha permits the bhiksus to receive and keep various impure things." This is where we speak of people learning things of the secular world.
"There are various disciples who, not acting for Nirvana, approach and give ear to the 12 types of sutra and don priestly robes or greedily eat those things intended for priests who have come from afar, as though they were their own things. They feel jealousy and resentment when they hear of the praise and fame of other families. They associate with the king and all princes, are interested in good and bad fortune [i.e. they go in for fortune-telling], guess at the waxing and waning of the moon. They love and befriend chess, gambling, chobo [i.e. a gambling game], throwing arrows into a pot, bhiksunis [nuns], girls, and keeping two sramaneras. They always visit the houses of butchers, hunters, bars, and the places where candalas live. They sell and buy, they make food themselves, they receive messengers from neighbouring countries and give news. Know that such people are kindred to Mara and are no disciples of mine. Thus, the mind comes about with greed and thus dies with greed. This applies down to the ignorant mind, which emerges together [with ignorance] and dies out together [with ignorance]. O good man! For this reason, it is not the case that the nature of the mind is pure or not pure. Hence, I say that one gains liberation of mind.
"If a person does not receive and store [impure things], but - for the sake of Great Nirvana - upholds, recites, copies and explains to others the 12 types of sutra, know that such a person is truly my disciple. Such a person does not perform what belongs to the world of Marapapiyas; such a person learns and practises the 37 elements of Enlightenment. Learning and practising the Way, such a person does not come about together with greed and does not die together with greed. This is what we mean when we say that the Bodhisattva practises the All-Wonderful Great Nirvana Sutra and perfects and accomplishes the eighth virtue."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.161.57 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập